Saturday, October 17, 2015

Noben văn học 2008 :Rắc rối chuyện..ngoài văn chương

Tác giả: Tân Tường

Rốt cục, giải thưởng danh giá nhất hành tinh về văn học, giải Nobel năm 2008 đã thuộc về nhà văn Pháp Jean-Marie Gustave Le Clézio. Thế nhưng, giải Nobel Văn học năm nay lại hấp dẫn và ly kỳ ở quá trình chờ giải thưởng hơn là bản thân giải.

Căng thẳng và..hồi hộp
 Nhà văn Jean Marie Gustave Le Clézio
     
     Nobel không chỉ thuần túy là một giải thưởng, đó còn là một danh dự lớn nhất mà một nhà văn hằng mong muốn. Chính vì thế, không khí trước các lễ công bố giải Nobel nhất là Nobel Văn học luôn chứa đầy sự hồi hộp và căng thẳng.
Tại sao Nobel Văn học lại "nghiêm trọng" hơn các giải Nobel khác? Đơn giản bởi các giải thưởng Nobel khác liên quan đến tự nhiên như Hóa học, Vật lý, Sinh học... khá rành mạch thì Nobel Văn học lại là một lĩnh vực nhạy cảm và dựa nhiều vào cảm nhận chủ quan các thành viên thuộc Ủy ban Nobel trực thuộc Viện Hàn lâm Thụy Điển.
Vào giai đoạn chiến tranh lạnh, giải Nobel, nhất là Nobel Văn học và Nobel Hòa bình rất hay bị lên án là phục vụ mục đích chính trị. Điều này được cho là do các thành viên, là những cá nhân sống trong môi trường chính trị khác nhau thậm chí đối lập nên rất dễ ảnh hưởng đến giải thưởng.
Hiện nay, chiến tranh lạnh đã không còn nhưng không vì vậy mà giải Nobel thiếu các cuộc tranh cãi nảy lửa, cả mâu thuẫn gay gắt. Năm 2004 khi tiểu thuyết trào phúng, mỉa mai về thân phận người phụ nữ Tình ơi là tình của nữ văn sĩ người Áo Elfriede Jelinek đoạt giải Nobel, một cuộc cãi vã dữ dội về tác phẩm đã diễn ra. Giới phê bình cho rằng đây là tác phẩm Nobel Văn học không xứng đáng, thậm chí bản thân các thành viên Ủy ban Nobel đã công nhận nhà văn Elfriede Jelinek là "mạnh mẽ và độc đáo" nhưng sau đó cũng bị chia rẽ nội bộ.
Giải Nobel năm 2008 cũng không kém. Nó nóng lên ngay từ khi chờ đợi với việc ông Horace Engdahl, thành viên đứng đầu Ủy ban Nobel đưa ra nhận định: "Văn học Mỹ còn quá thiển cận và thấp kém để tranh đua với những trang viết uyên bác, nghệ thuật của châu Âu".
Nhận xét này đã gián tiếp giáng một đòn chí tử vào hy vọng của người Mỹ về giải Nobel Văn học năm nay. Và đương nhiên, một cuộc chiến ngôn từ đã bùng nổ giữa hai bờ Thái Bình Dương vì lời phát biểu trên. Như thêm dầu vào lửa, nhà cái Ladbrokes (Anh) đã tổ chức đánh cược xem ai sẽ là người đoạt giải Nobel Văn học, 3 người đứng đầu là người châu Âu và người được hy vọng nhất là nhà văn Ý Claudio Magris.
Bất ngờ và không bất ngờKhi kết quả được công bố vào lúc 11g ngày 9-10 (18g giờ Việt Nam) điều tréo ngoe đã xảy ra, nhà văn đoạt giải Nobel 2008 không hề nằm trong danh sách 10 ứng viên mà nhà cái Ladbrokes đặt ra.
Một điều cũng khá ngộ nghĩnh, dù người đoạt giải, nhà văn Jean Marie Gustave Le Clézio là người Pháp (ông sinh ở TP Nice, Pháp, năm 1940) nhưng sau khi tốt nghiệp đại học, ông đã sang Mỹ sinh sống bằng nghề dạy học.
Nước Mỹ cũng có phần an ủi vì tại đây, ông Jean Marie đã sáng tác tác phẩm để đoạt giải Nobel... Vậy nhưng, mỉa mai thay, dù sống tại Mỹ nhưng sáng tác của ông lại rất xa lạ với người Mỹ và họ chào đón giải Nobel 2008 với câu hỏi: "Jean Marie là ai?".
Cũng như những giải Nobel Văn học khác, những lời chỉ trích bắt đầu xuất hiện. Nhà phê bình Đức Sigrid Loeffler gọi giải Nobel văn học 2008 là: "Sự lựa chọn quái lạ...", "Sách của ông ta chạy từ NXB này sang NXB khác suốt 40 năm qua, nghĩa là người ta không hài lòng về doanh số của chúng".
Và Sigrid kết luận: "Ông ta (Jean Marie) chỉ là một kẻ lãng mạn lỗi thời". Còn trên tạp chí Time (Mỹ), nhà phê bình Lev Grossman mỉa mai: "Chỉ người biết tiếng Pháp mới biết ông ấy", ám chỉ sách của Jean Marie không bán được nên chẳng ai quan tâm chuyện chuyển sang tiếng Anh.
Còn người trong cuộc, nhà văn Jean Marie Gustave Le Clézio lại tỏ ra rất hoan hỉ với giải thưởng danh giá này. "Tại sao không?" là câu trả lời của ông khi ai hỏi về sự xứng đáng của giải Nobel 2008.
Tổng thống Pháp đã khá lãng mạn khi nhận xét về ông: "Một đứa bé lớn lên ở Mauritius và Nigeria, một chàng thanh niên gắn bó với Nice và là một kẻ du mục từ Mỹ đến những sa mạc châu Phi, Le Clézio là một công dân thế giới, một người con của mọi lục địa và mọi nền văn hóa". Tuy nhiên, bản thân nhà văn lại khá thực tế, điều này được chứng minh khá rõ khi ông nói về số tiền thưởng 1,3 triệu USD của giải Nobel: "Tôi còn vài khoản nợ. Tôi sẽ mang đi thanh toán chúng".

TÂN TƯỜNG 
Nguồn: SGGP. Cóp lại từ phongdiep.net

 Đăng ngày 14/10/2008

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan