Tác giả: Nguyễn Đình Phượng
Đào Hồng Cẩm vào Vĩnh Linh từ năm 1962, khi dẫn đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị đi phục vụ bộ đội và nhân dân vùng giới tuyến. Sau đêm diễn vở "Chị Nhàn" ở thị trấn Hồ Xá, Khu đội Vĩnh Linh bố trí cho các nghệ sĩ, diễn viên đi tham quan con sông Bến Hải. Đào Hồng Cẩm, Phạm Ngọc Cảnh và Thùy Chi làm thành một tốp đi với nhau. Họ men theo bờ bắc mà lên Vĩnh Sơn. Đang đi, bất ngờ có tiếng loa cực mạnh từ bên kia sông vọng sang: "Bớ ba đứa cộng sản nòi kia, tham quan tham kiếc chi. Cút mạ bay đi. Về sớm ngoài Hà Nội rồi mà tham quan quân lực Việt Nam cộng hòa Bắc tiến". Nghe thế, mặt Đào Hồng Cẩm đỏ bừng, giận dữ. Ông dứ dứ nắm đấm và hét to: "Chúng mày chờ đấy".
Năm 1967, lúc không quân, hải quân Mỹ đánh ra miền Bắc quyết liệt nhất, Đào Hồng Cẩm lại có mặt ở Vĩnh Linh. Ông là một thành viên của đoàn văn nghệ sĩ quân đội đi thực tế ở B.5. Ngày ấy, B.5 đặt sở chỉ huy ở mấy xã vùng núi Vĩnh Linh.
Ông đã chứng kiến nhiều lần hình ảnh lá cờ nơi đầu cầu giới tuyến bị bom đạn giặc Mỹ làm cho rách nát. Chỉ mấy phút sau, dưới làn bom đạn của kẻ thù, lá cờ Tổ quốc lại được các chiến sĩ ta kéo lên bay cao ngạo nghễ, làm ấm lòng đồng bào và chiến sĩ, khiến kẻ thù tức tối lồng lộn. Ý định viết một vở kịch về Vĩnh Linh, về lá cờ Tổ quốc luôn thôi thúc ông. Sau bao nhiêu suy tư, tác phẩm ấy vẫn chưa thành.
Đầu năm 1973, Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, Đào Hồng Cẩm ra Hà Nội. Hôm Xuân Đức đến, ông đề nghị anh hợp tác viết vở về Vĩnh Linh. Nghe ông trình bày, nhà văn liền từ chối với lý do chỉ là đứa học trò, không đủ sức để đứng tên cùng ông trong tác phẩm. Nghe thế, Đào Hồng Cẩm nói như ra lệnh:
- Nhưng mà "cái chất" Vĩnh Linh thì anh lại là thầy tôi, rõ chưa!
Đào Hồng Cẩm dồn tâm lực cho tác phẩm. Từ ý tưởng đến tên vở, tên nhân vật đều do ông đặt. Hình tượng lá cờ Tổ quốc là sợi chỉ xuyên suốt vở diễn cũng của ông nốt. Viết xong, Đào Hồng Cẩm đánh máy cẩn thận, đọc cho nhiều người nghe. Mấy hôm sau ông mang tập bản thảo được đánh máy bằng giấy pơ-luya cho Xuân Đức. Giọng ông nghẹn lại:
- Cái gì cũng có trong ấy cả rồi, chỉ thiếu mỗi... Vĩnh Linh.
Xuân Đức ứa nước mắt trước tấm lòng chân thực của người thầy đã từng dìu dắt mình. Có lẽ vì Đào Hồng Cẩm đã sống kỹ quá, hiểu sâu quá về một vùng đất vốn đã chịu nhiều đau thương và rất đỗi anh hùng, nên mới tự cảm nhận cái "chất" ấy chưa có trong tác phẩm của mình.
Đến năm 1976, chuẩn bị chương trình phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, Đào Hồng Cẩm đề nghị Tổng cục Chính trị mời Xuân Đức ra Hà Nội để chấp bút cho vở kịch. "Vì Tổ quốc" là vở kịch lớn gồm 9 cảnh, huy động tới hàng chục diễn viên lên sân khấu. Các nhân vật Thường, Chính ủy kiêm Tư lệnh Vĩnh Linh; Thạch, Chủ tịch xã; o Giang, Xã đội trưởng; Quang, trinh sát pháo binh; Hải, chiến sĩ Công an vũ trang bảo vệ cờ... đều hiện lên lấp lánh phẩm chất cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Qua mối tình của người chiến sĩ trinh sát chọn địa điểm quan sát địch trên cột cờ với cô gái xã đội trưởng dân quân, các tác giả đã đề cập cách nhìn, cách suy nghĩ của lớp trẻ về Tổ quốc.
"Vì Tổ quốc" đã được đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị dàn dựng, biểu diễn phục vụ Đại hội Đảng lần thứ IV, được biểu diễn khắp cả nước, đến đâu cũng được chào đón với tình cảm mến yêu, trân trọng.
Nhà viết kịch quân đội, Đại tá Đào Hồng Cẩm tên thật là Cao Mạnh Tủng, sinh ngày 2-11-1924 tại Hải Phú, Hải Hậu, Nam Định. Ông đã dành trọn cuộc đời mình sáng tác về đề tài Bộ đội Cụ Hồ. Những cống hiến xuất sắc của ông đối với nền nghệ thuật nước nhà đã được đền đáp xứng đáng bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông mất ngày 16-1-1990.
Nhà văn, nhà viết kịch Xuân Đức cũng đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Sau nhiều năm làm Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Trị, nay đã nghỉ làm quản lý và đang là cây bút có uy tín trong ngành sân khấu và văn học nước nhà.
Nguồn: Báo điện tử Quân Đội Nhân Dân
Đăng ngày 12/02/2008 |
Ý kiến về bài viết | ||||||||
|