Saturday, October 17, 2015

Đã đến lúc cần thay đổi


Tác giả: Trần Nhương và Xuân Đức

Ý kiến Hội viên

Đất nước Việt mình muốn không tụt hậu, muốn hoà nhập với khu vực và thế giới cần rất nhiều thay đổi. Nhưng việc đó là của quốc gia đại sự. Tôi chỉ muốn nói Hội Nhà văn ta.
  Tôi nhớ tại diễn đàn Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khoá VII tại Hội trường Ba Đình năm 2005, rất nhiều nhà văn đã nêu ý kiến phải thay đối cơ bản quy chế giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Trong đó có ý kiến của nhà văn Đình Kính. Tóm lại những ý kiến đó đề nghị cơ chế xét giải thưởng nên chỉ đưa về hội đồng thể loại, còn các hội đồng mang tính chất đề tài thì không xét giải thưởng hàng năm.
  Tôi đồng tình với những ý kiến này. Tựu trung hoạt động văn học nước ta hiện nay chỉ có 4 thể loại là Văn xuôi, Thơ, Dịch văn học, Phê bình lí luận văn học. Tất cả các tác phẩm dự giải thể loại nào thì qua hội đồng thể loại đó rồi lên Ban Chung khảo.
  Hiện nay tất cả các hội đông thể loại và hội đồng đề tài đều giới thiệu, bỏ phiếu chọn tác phẩm đưa lên ban chung khảo. Vô hình chung có loại văn xuôi hay thơ từ hội đồng An ninh quốc phòng, có tác phẩm văn xuôi của hội đồng Văn xuôi, thơ của hội đồng Thơ, thơ của hội đồng Dân tộc,,, Vậy là ta có văn xuôi, thơ, dịch, lí luận của từng mảng đề tài. Vậy thì văn xuôi của An ninh quốc phòng có là văn xuôi không, thơ có là thơ không ? Chính chúng ta chứ không phải ai khác đã làm phức tạp trong quá trình xét giải và gây thêm những kẽ hở trong khi xét giải.
Giải thưởng năm 2008 của Hội có 3 tác phẩm được giải thể loại văn xuôi đều không có trong danh sách Hội đồng văn xuôi đề nghị. Ba tác phẩm ấy là văn xuôi An ninh quốc phòng, văn xuôi Dân tộc thiểu số. Sao lại lạ kỳ vậy nhỉ ? Đã là văn xuôi là văn xuôi, đã là thơ thì là thơ chứ sao lại có loại thơ, loại văn xuôi khu biệt trong đề tài nào. Không biết ở Nga ngày xưa Chiến tranh và hoà bình có là tác phẩm An ninh quốc phòng hay không ? Đã là văn học thì dù viết về đề tài gì nó vẫn là tác phẩm văn học. Riêng Hội Nhà văn ta mới chia ra như vậy. Thành ra giải thưởng nó cứ vơn vớt, nó cứ chiếu cố, nó cứ cả nể thế nào đó mà không thật sự "I - giô".( ISO)
  Tôi đề nghị nên thay đổi quy chế xét giải thưởng ngay sau giải năm 2008. Chỉ có 4 hội đồng thể loại xét giải và giới thiệu lên ban chung khảo. Các hội đông đề tài là hoạt đồng chuyên sâu về mảng đề tài của mình thôi. Còn nếu có một Hội đồng nghệ thuật mới là lý tưởng.
  Làm được như vậy nâng cao chất lượng giải thưởng hàng năm và góp phần chuyên nghiệp hoá văn học. Về mặt tổ chức cũng đỡ tốn kém và công kềnh. Hiện nay có thể tới gần 100 thành viên của các hội đồng và ban chung khảo tham gia xét giải. Kinh hoàng !
nguồn : trannhuong.com 
Tôi - Xuân Đức- có ý kiến nói thêm :
Trong phiên họp Hội đồng văn xuôi năm nay ( có nhà văn Lê Văn Thảo- phó chủ tịch Hội) dự, trước khi bàn nội dung xét kết nạp Hội viên, chúng tôi đã phát biểu rất căng chuyện này. Hầu như tất cả mọi ý kiến đều nhất trí là tập trung vào các Hội đồng nghệ thuật. Có người nói lại là trước đại hội 6 ( hay 7 gì đó) đã định bỏ các loại ban bệ đi rồi nhưng ông Nguyễn Khoa Điềm không cho ! ! Tôi không biết cụ thể chuyện đó. Theo ý kiến cá nhân tôi, lúc này không nên đặt ra chuyện bỏ ban này, ban nọ, nhưng cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ các ban. Ban là ban công tác. Ban có trách nhiệm nắm lực lượng, động viên và tạo điều kiện để các tác giả có thể hoạt động có hiệu quả hơn trong các mảng đề tài như: lực lượng vũ trang, thiếu nhi, công nhân v..v..Ban nhà văn trẻ, hay nhà văn nữ, nhà văn cao tuổi cũng vậy. Cần thống nhất tên gọi các ban : Ban văn học về đề tài An ninh QP, ban văn học về đề tài Miền núi ...Không dùng khái niệm Hội đồng ở các tổ chức này.
Các ban này có tiếng nói giới thiệu tác phẩm xét giải thưởng không ? Theo tôi cũng có thể có, nhưng các ban xét và kiến nghị lên các Hội đồng chứ không phải trình thẳng BCH ngang bằng tư cách với các Hội đồng. Nếu thấy rằng các Hội đồng chưa đủ tin cậy xem xét các mảng đề tài khác nhau thì nên cấu tạo lại Hội đồng làm sao bảo đảm sự đại diện các mảng đề tài lớn trong xã hội. Chứ còn cái cơ chế như hiện nay tôi thấy rất nản. Năm nay, ba tác phẩm Hội dồng văn xuôi đề xuất đều bị nốc ao, ngược lại ba tác phẩm đoạt giải thì bản thân tôi chưa hề nhìn thấy bìa sách. Có thể BCH đã xét chuẩn vì ba cuốn ấy hay hơn ba cuốn chúng tôi trình. Nhưng vấn đề là : làm sao có 3 tác phẩm văn xuôi đoạt giải của Hội mà Hội đồng văn xuôi lại không hề được đọc qua ? Vậy thì cái Hội đồng này gọi là hội đồng gì ?

 Đăng ngày 09/11/2008
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Văn Công Hùng gửi bác - 09/11/2008

Em cop cái này về biếu bác dù biết bác cũng đọc rồi...
Đánh giá về chất lượng tác phẩm dự giải năm nay, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn VN, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo cho biết:

HỮU THỈNH : Năm nay, chất lượng tác phẩm dự giải có nhiều khởi sắc, rõ nhất ở thể loại văn xuôi. Nhiều tác phẩm viết công phu cả về nội dung tư tưởng, bút pháp đa dạng, đề tài phong phú, trong đó có 2 đề tài được các tác giả đào sâu và viết ấn tượng là cuộc chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc và những vấn đề đạo đức trong xã hội hôm nay. Điều đáng mừng là một số cuốn đã thể hiện rõ bước vượt của chính tác giả về mặt bút pháp.
Ở thể loại tiểu thuyết, nổi lên một số cuốn như "Sóng chìm" của Đình Kính, "Tiếng khóc của nàng Út" của Nguyễn Chí Trung, "Một thời để nhớ" của Tô Đức Chiêu… 
PV: Xin ông đánh giá vài nét về các tiểu thuyết?
HỮU THỈNH : Tiếng khóc của nàng Út và Sóng chìm viết về cuộc chiến tranh nhân dân cách đây 30 năm. Tác giả đã viết với độ lùi chiêm nghiệm, thể hiện một cách trình bày chiến tranh sâu hơn, không né tránh, khốc liệt mà bi hùng, các tình huống được khai thác triệt để, bi kịch được đẩy đến tận cùng... Nhân vật trong cuốn tiểu thuyết là những con người bình dị, vừa bình thường vừa khác thường. Họ tham gia cuộc chiến ở những lĩnh vực thầm lặng, đối diện với những thử thách vô cùng khốc liệt và những phẩm chất rạng ngời của họ bật lên tử những hoàn cảnh đầy thử thách ấy. Các nhân vật phản diện cũng được xây dựng khá sinh động, nham hiểm, điên cuồng nhưng cũng là những kẻ có tri thức, cái ác lặn trong máu. Miêu tả kẻ thù đúng với bản chất của nó cũng là cách đề cao phẩm giá của những người chiến thắng. Viết về chiến tranh trong quá khứ nhưng gửi gắm rất nhiều thông điệp cho cuộc sống hôm nay, có những vấn đề mang tính dự báo và đến giờ vẫn là thời sự… Đó là cuộc chiến trong mỗi người; cuộc đấu tranh giữa đúng và sai, giữa dũng cảm và hèn nhát, giữa cao thượng và giả dối, giữa địa vị và cống hiến…Có thể nói các tác giả đã đẩy nhân vật của mình đến 2 chiều của cơn bão … để rồi đọng lại sau tất cả là nền tảng văn hoá và phẩm giá của con người.
Tôi nghĩ, thể loại tiểu thuyết năm nay đã tìm được tác phẩm xứng đáng để tôn vinh.
PV: Còn truyện ngắn, liệu thể loại này có nằm trong cái ngưỡng "khá" của văn xuôi năm nay?
- Không chỉ khá mà có những tập truyện hay. Đa dạng về bút pháp, nhiều tác giả tập trung khai thác đề tài về độ lắc của cơ chế thị trường tác động vào đời sống riêng của mỗi cá nhân. Trong số tác phẩm vào chung khảo, tập truyện ngắn Ngôi nhà xưa bên suối của tác giả Cao Duy Sơn đem đến cho người đọc mảng sống đậm đặc, tươi ròng về những con người miền núi, vừa cổ kính vừa hiện đại, mộc mạc , chân chất, không để đánh mất mình trong những hoàn cảnh éo le, đau đớn. Với bút pháp không khoa trương, không tô vẽ màu mè, Cao Duy Sơn đã dựng lên một loạt chân dung với những đường nét, góc cạnh riêng biệt nhưng rất đỗi hồn nhiên, dung dị, tạo nên sức hút đối với người đọc…
PV: Trong số các thể loại văn học, thơ là thể loại được các tác giả gần đây chịu khó cách tân nhất. Xin ông cho biết, ở mùa giải năm nay, thơ có vị trí thế nào trong bảng xếp hạng chung về cách tân nghệ thuật so với các thể loại khác?
HỮU THỈNH : Điểm dễ nhận thấy ở thơ mùa giải này là vẫn hội tụ được nhiều giọng thơ, từ những giọng thơ đã được khẳng định thời chống Mỹ, đến những giọng thơ trẻ đang nỗ lực khẳng định cái riêng của mình. Nhìn chung các tác phẩm vào chung khảo năm nay phản ánh được những hướng tìm tòi, đổi mới thơ hiện nay.
PV: Nhưng rốt cục thì thơ năm nay vẫn không có giải. Trong số các giải thưởng VHNT, giải thưởng Văn học luôn có những "kịch tính" trong lễ trao giải. Không phải 1 lần có chuyện tác giả trả lại giải vì lý do này, khác. Liệu các ông có lường trước một sự bất ngờ khác sẽ làm nên"kịch tính" cho giải thưỏng năm nay không?
HỮU THỈNH : Năm nay có nhiều tác phẩm khá trong lúc cơ cấu giải chỉ có 1 loại là Giải thưởng (không hạn chế về số lượng). Nguyên tắc xét thưởng của chúng tôi là nếu tác phẩm nào xứng đáng thì trao, dựa trên cơ sở giới thiệu của các cơ quan văn học, của bạn đọc và kết quả làm việc của BGK. Tác phẩm nào xứng đáng thì trao. Còn việc có nhận hay không thì đó là quyền của tác giả. Mọi việc đều có thể, nhưng hãy coi đó là chuyện bình thường của đời sống VHNT, quan trọng là BGK đã làm hết trách nhiệm, công tâm, khách quan và vì nghệ thuật.
PV: Xin cảm ơn ông

Nguồn: SCL online


  Gửi bởi: Xuân Đức - 09/11/2008

Chào VCH. Mình đọc bài này có lẽ phải đến dăm lần trên hầu hết các trang web. Mình không có bình luận gì vì không hiểu gì cả. Mình vẫn tin vào BCH sáng suốt. Mình chỉ buồn là không được đọc các tác phẩm hay đó thôi.

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan