Saturday, October 17, 2015

Đảng phải là Đảng của dân tộc

Tác giả: GS TƯƠNG LAI

Xuanduc.vn: Không phải tôi ham bàn những chuyện chính trị, triết học vốn vô cùng rắc rối và đôi khi còn lẩn quẩn nữa. Tuy nhiên mấy bữa nay văn chương tắc tị, cộng thêm sự lười biếng nên trang web cứ bỏ hoang. Nico còm đến phê phán. Nay đọc trên vietnamnet thấy đăng loạt bài về Đảng hay quá, vừa như là khởi động cho các vòng đại hội bàn về sửa đổi cương lĩnh, vừa như là những suy nghĩ sâu hơn những tư tưởng của Hồ Chí Minh mà cuộc vận động học tập và làm theo đang kêu gọi...Tôi chọn một bài dễ hiểu nhất trong loạt bài đó tải lên để ai đó có hứng thú triết học và chính trị có thể nhâm nhi đỡ buồn.

Bài 1: Trở lại khái niệm về Đảng 

Đảng đi đầu trong gian khổ, dân tin
Khi bà má Miền Nam thời chống Mỹ đào hầm nuôi cán bộ cộng sản, bà mẹ Miền Bắc gửi con trai mình ra mặt trận theo lời kêu gọi "không có gì quý hơn độc lập tự do", chắc các mẹ không phải săm soi tìm hiểu xem Đảng là của giai cấp công nhân hay của ai. Mà quả thật có định tìm hiểu, chắc bà cũng không sao hiểu nổi "tính triệt để cách mạng của giai cấp công nhân là do vị trí khách quan của giai cấp ấy trong phương thức sản xuất xã hội quy định"!

Mượn hình tượng "những người Mẹ Việt Nam" ấy nhằm nói lên một sự thật. Tuyệt đại bộ phận những người Việt Nam yêu nước thương nòi, không cam chịu nhục nô lệ đã "giác ngộ", đi theo tiếng gọi cứu nước và trở thành đảng viên cộng sản, hoặc những người cưu mang, giúp đỡ Đảng, sẵn sàng nhận lĩnh sự hiểm nguy cho bản thân hoặc cả gia đình mình, thậm chí hy sinh để bảo vệ Đảng, thì tuyệt đại bộ phận những người "giác ngộ" ấy cũng chỉ xoay quanh nội dung yêu nước, ghét áp bức bất công. Đây là điều mà trong bài viết "Con đường dẫn tôi tới chủ nghĩa Lênin", Hồ Chí Minh gọi là "theo cảm tính tự nhiên"!
Có sự thật ấy là vì, sâu thẳm trong đạo lý và tình cảm của dân tộc ta, cứu nước là nghĩa vụ thiêng liêng. Chạm đến vấn đề này là chạm đến khu vực nhạy cảm nhất trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam, trong tâm thế dân tộc, không phân biệt tầng lớp, giai cấp, tín ngưỡng, tôn giáo.
Đảng đứng ra nhận lãnh sứ mệnh cứu nước, đảng viên của Đảng đi đầu trong gian khổ, hy sinh vì nhiệm vụ cao cả đó. Bằng chính hành động ấy, dân tin Đảng, xem Đảng là Đảng của mình.
Nói lên điều này, Bác Hồ chỉ rõ: "Trong 15 năm đấu tranh trước Cách mạng Tháng Tám và trong tám, chín năm kháng chiến, biết bao đảng viên ưu tú và quần chúng cách mạng đã vì dân, vì Đảng mà hy sinh một cách cực kỳ anh dũng. Chỉ riêng trong cấp Trung ương của Đảng đã có 14 đồng chí bị đế quốc Pháp bắn, chém, hoặc đập chết trong nhà tù...Trong 31 đồng chí hiện nay là Ủy viên Trung ương ta, trước ngày khởi nghĩa đã được đế quốc Pháp tặng cho 222 năm tù đày. Đó là không kể những án tử hình vắng mặt và những cuộc vượt ngục trước khi hết hạn tù. Biến cái rủi thành cái may, các đồng chí ta đã lợi dụng những ngày tháng ở tù để hội họp và học tập lý luận" {1}
Vì thế, ở vào những thời điểm lịch sử của cách mạng và kháng chiến, khi mà người cộng sản luôn đứng ở vị trí nguy hiểm nhất, hiên ngang đương đầu với tù đày, sống chết, thì bộ phận những người Việt Nam ưu tú nhất trong tất cả mọi tầng lớp nhân dân, mà người ta gọi là "bộ phận tinh hoa" của dân tộc, đều thấy rõ nghĩa vụ và vinh dự được đứng trong đội ngũ của những người cộng sản, được làm người đảng viên của Đảng do Hồ Chí Minh sáng lập, tổ chức, rèn luyện và lãnh đaọ.
Đương nhiên, nói như vậy không phải để khước từ một kiến giải về lý luận. Là một tổ chức chính tri, vấn đề chính đảng không là vấn đề của riêng nước ta mà là mối bận tâm của cả loài người. Phần "trở lại khái niệm về Đảng" đã sơ bộ nói đến chủ đề hệ trọng này. Thế nhưng, khi giải thích cho quần chúng nhân dân đông đảo hiểu được vì sao cần có Đảng, Nguyễn Ái Quốc chỉ nói hết sức đơn giản như đã trích dẫn ở phần I, nhằm dẫn đến một ý căn bản cần hướng tới  "Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin"! *
Vào thời điểm ấy, Hồ Chí Minh nhận thức "chủ nghĩa Lênin" là "chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất ", đó là "cái cần thiết cho chúng ta", vì nó vạch ra "con đường giải phóng chúng ta". Ở đây, "chủ nghĩa" chính là lý luận soi đường, giúp Người vững tin vào mục đích trước sau như một của mình và cách thực hiện mục đích đó : cứu nước, giành lấy độc lập cho đất nước, dân chủ, tự do và hạnh phúc cho nhân dân đang bị đọa đày đau khổ của mình. Cả cuộc đời của Hồ Chí Minh dành trọn cho mục đích đó. Đến khi về cõi vĩnh hằng thì "điều mong muốn cuối cùng" của Người cũng chính là mục đích đó : "xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào cách mạng thế giới"!
Ý thức dân tộc

Sẽ hiểu hơn về điều này khi nhắc lại lời tự bạch của Bác Hồ trong bài viết đã nhắc ở trên: "Lúc bấy giờ, tôi ủng hộ Cách mạng Tháng Mười chỉ là theo cảm tính tự nhiên. Tôi chưa hiểu hết tầm quan trọng lịch sử của nó. Tôi kính yêu Lênin vì Lênin là một người yêu nước vĩ đại đã giải phóng đồng bào mình; trước đó, tôi chưa hề đọc một cuốn sách nào của Lênin viết. Tôi tham gia Đảng Xã hội Pháp chẳng qua là vì các "ông bà" ấy - (hồi đó tôi gọi các đồng chí của tôi như thế)- đã tỏ đồng tình với tôi, với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức. Còn như Đảng là gì, công đoàn là gì, chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa cộng sản là gì, thì tôi chưa hiểu".
Với "chủ nghĩa Lênin" cũng như vậy thôi: "...một đồng chí đưa cho tôi đọc Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa đăng trên báo Nhân đạo. Trong Luận cương ấy có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!". Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba" {1}.
Tin theo vì vào lúc ấy, chỉ có Lênin là đáp ứng đòi hỏi cháy bỏng trong lòng "người yêu nước" ấy, người Việt Nam tham gia vào việc sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp, với một lý do cũng thật đơn giản "Nếu đồng chí không lên án chủ nghĩa thực dân, nếu đồng chí không bênh vực các dân tộc thuộc địa thì đồng chí làm cái cách mạng gì "? {1}
Thật ra thì từ những năm 20 của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã xác định "chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn nhất của đất nước" {2}.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh không hề câu nệ trong quá trình tìm kiếm phương tiện để nhằm thực hiện mục tiêu giành độc lập cho dân tộc, tự do hạnh phúc cho nhân dân. Chính Người đã nói "Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân, tôn giáo Giê-su có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta...Khổng Tử, Giê-su, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng đã có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội, nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy". {3}
Suốt đời, Hồ Chí Minh nhất quán với nhận thức ấy trong mọi chủ trương, đường lối. Đặt tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mà Độc lập, Tự do, Hạnh phúc là nội dung, thể hiện rất rõ sự nhất quán đó.
Tuyên ngôn Độc lập gắn liền với tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã thấm sâu vào tâm hồn Việt Nam, đã thành biểu tượng của dân tộc. Cần phải nhắc lại rằng, dân tộc nói đây không chỉ là độc lập dân tộc, mà rộng hơn, còn là ý thức dân tộc, quyền lợi dân tộc, truyền thống dân tộc, đặc điểm dân tộc. Đảng do Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo để, như lời của Bác: "có thể đúc kết lại trong mấy chữ là làm cho nước Việt Nam ta ĐỘC LẬP - THỐNG NHẤT - DÂN CHỦ - PHÚ CƯỜNG!"
Liệu có phải vì thế mà tại Đại hội II của Đảng năm 1951, Hồ Chí Minh đề nghị đổi tên Đảng thành Đảng Lao động Việt Nam để "nó gần gũi tận trong lòng của mỗi đồng bào ta". Bác giải thích thật đơn giản. Đúng vậy, chân lý bao giờ cũng đơn giản: "Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam". {4}
Phải chăng câu hỏi C.Mác đặt ra cách đây 165 năm đã có lời giải: "Vấn đề là ở chỗ giai cấp vô sản thực ra là gì, và phù hợp với với sự tồn tại ấy của bản thân nó, giai cấp vô sản buộc phải làm gì về mặt lịch sử" {5}. Giai cấp vô sản "phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc". {6} [Trong bản tiếng Anh xuất bản năm 1888, thay cho những chữ "tự vươn lên thành giai cấp dân tộc" là những chữ: "tự vươn lên thành giai cấp chủ đạo trong dân tộc"].
Đoàn kết toàn dân tộc
Với sự lãnh đạo của Đảng, Cách mạng Tháng 8 thành công, giai cấp công nhân Việt Nam đã cùng với các tầng lớp xã hội khác trở thành công dân của một nước độc lập, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mà Độc lập, Tự do và Hạnh phúc là nội dung của thực thể chính trị ấy.
Nội dung ấy cũng là khát vọng cháy bỏng của cả dân tộc nhằm hướng tới mục tiêu ở phía chân trời. Để thực hiện khát vọng đó, bao thế hệ Việt Nam đã "đem hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải" để thực hiện bằng được lời thề trong Tuyên ngôn Độc lập 2.9.1945. Với các cuộc kháng chiến chống xâm lược ròng rã mấy mươi năm trong thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam đã giữ trọn lời thề ấy.

Nhân tố quyết định của mọi thắng lợi chính là sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Mãi mãi đại đoàn kết dân tộc. Đây là điểm độc đáo của tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong tư tưởng của C.Mác, Ph Angghen, V.I Lênin không tìm thấy điều này, hoặc nếu có thì chỉ đôi điều nói thoáng qua chứ không tập trung, nổi bật như của Hồ Chí Minh.
Nếu xem xét thật kỹ sẽ thấy rằng, trong tư tưởng Hồ Chí Minh không có luận điểm về sắp xếp lực lượng cách mạng trong từng giai đoạn, bố trí chiến lược, chiến thuật về lực lượng: lực lượng chủ lực, lực lượng đồng minh gần tức là đồng minh chiến lược, rồi đồng minh xa, tức là đồng minh chiến thuật, lực lượng trung lập lâu dài hoặc trung lập từng lúc một, như trong những chỉ dẫn của C.Mác, Ph Angghen, V.I Lênin.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh có thể có những thay đổi về mục tiêu cụ thể, thay đổi về nhiệm vụ, chủ trương và phương pháp nhưng không có sự thay đổi về lực lượng cách mạng. Trong học thuyết và tư tưởng của C.Mác, Ph Angghen, V.I Lênin có khái niệm "bạn đường một đoạn", còn trong Hồ Chí Minh không hề có điều ấy.
Cũng có thể nói, chỉ có ai đó đã bỏ Hồ Chí Minh, chứ Hồ Chí Minh thì không bỏ một ai. Ai đó tự loại trừ chính mình, chứ Hồ Chí Minh không loại trừ ai. Với Hồ Chí Minh "hễ là người Việt Nam" {7}, trừ một số rất ít, không ai là không yêu nước, "...tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước". {8}
Lợi ích dân tộc là tối thượng
Nhất quán với quan điểm ấy, để lãnh đạo được, Đảng của Hồ Chí Minh đã thu hút vào mình những lực lượng tinh hoa nhất của dân tộc. Nói theo ngôn ngữ của người xưa là quy tụ được "hiền tài - nguyên khí quốc gia", hoặc như cách gọi của Hồ Chí Minh là "những bực tài đức". Không làm được điều đó, Đảng không thể "có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong" như điều mà V.I Lênin đã từng yêu cầu!
Thực tế đã chứng minh rằng, lúc nào thật sự quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vững quan điểm dân tộc, lấy lợi ích dân tộc là tối thượng với tinh thần Tổ quốc trên hết, thì cách mạng thu được thắng lợi.
Lúc nào đi chệch khỏi tư tưởng của Hồ Chí Minh, thổi phồng vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp xem đó là động lực của cách mạng, của phát triển xã hội, thì cách mạng thất bại. Cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản, "công tư hợp doanh" ở Miền Bắc... là những ví dụ mà ai cũng nhớ. Cũng với ảnh hưởng của những giáo điều cực đoan ấy, chúng ta đã để mất một lực lượng sản xuất với một cơ sở hạ tầng còn gần như nguyên vẹn ở Miền Nam sau 1975, để rồi phải làm lại từ đầu với công cuộc Đổi mới!
Bài học của lịch sử vẫn còn nóng bỏng, nhưng thấm nhuần bài học lịch sử để rồi vận dụng thật nghiêm cẩn và sáng tạo vào trong đời sống đương đại quả thật không dễ. Không dễ, song tuyệt đối không phải là không thể!
Một minh chứng sống động của điều này là thời gian gần đây, vấn đề đồng thuận xã hội được thường xuyên nhắc đến, xem đó là một nhân tố quyết định của tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội, là động lực của sự phát triển.
Đại hội VII của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi "phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước tạo thành sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc...". Rõ ràng là phải "phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội" thì mới có thể "tạo thành sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc".
Sẽ hiểu sâu sắc điều này khi nhớ lại luận điểm của một thời xem "đấu tranh giai cấp" là động lực quyết định sự phát triển xã hội đã chi phối mạnh mẽ những chủ trương chính sách cũng như những giải pháp chỉ đạo mà hệ lụy của nó thì ai cũng thấy, và đó là lý do cần có sự nghiệp Đổi Mới. Quả đúng là, "kinh nghiệm lịch sử đã cho chúng ta thấy rằng có rất nhiều trường hợp, một giải pháp từng bị coi là chệch hướng trong một thời gian dài, nhưng sau này lại thấy là đúng. Nhiều giải pháp coi là đúng hướng thì lại vấp phải ách tắc, thất bại". Đây là một cách đặt vấn đề rất thẳng thắn và nghiêm cẩn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông nói lên điều ấy bằng chính sự trải nghiệm của một người từng đứng mũi chịu sào trên nhiều lĩnh vực của sự nghiệp cách mạng từ những năm 40 của Nam kỳ khởi nghĩa, qua Cách mạng Tháng Tám 1945, các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và công cuộc xây dựng đất nước từ sau 1975. Nhận định nói trên không có gì khó hiểu vì đó là biện chứng của lịch sử!
Mà đâu phải chỉ chúng ta nhận thức được điều này. Một người khách đến từ phương Tây, mới đây thôi, giáo sư Joseph Nye, nhà tư tưởng đối ngoại hàng đầu nước Mỹ, tác giả học thuyết "sức mạnh mềm" và "sức mạnh thông minh" đưa ra nhận định trong cuộc giao lưu trực tuyến do Vietnamnet thực hiện: "Việt Nam là một trong những ít nước có chủ nghĩa dân tộc lành mạnh, thể hiện qua cuộc đấu tranh của Việt Nam chống lại xâm lược của các nước lớn: Trung Quốc, Pháp, Mỹ... Việt Nam có chủ nghĩa dân tộc lành mạnh theo nghĩa như thế. Ngày nay Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng chủ nghĩa dân tộc lành mạnh đó cho sự phát triển của mình" {9}
Và cũng là biện chứng của lịch sử khi Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, để làm trọn sứ mệnh cao cả của mình, thì Đảng phải là Đảng của dân tộc Việt Nam.
----
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 10. NXBCTQG Hà Nội. 1996, tr.3 và tr. 126
2. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 1. NXBCTQG Hà Nội. 1995, tr.466
3. Chương trình Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh: "Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh" NXBKHXH.1993, tr.84
4. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 6. NXBCTQG Hà Nội. 1995, tr. 175, tr.172
5. C.Mác & Ph.Ăngghen Toàn tập. Tập 2. NXBCTQG Hà Nội. 1995; tr. 56
6. C.Mác & Ph.Ăngghen Toàn tập. Tập 4. NXBCTQG Hà Nội. 1995; tr.624
7. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 4. NXBCTQG Hà Nội.1995, tr.480
9. Chủ nghĩa dân tộc lành mạnh là điểm tựa của Việt Nam. Vietnamnet. Ngày 12.1.2009
Nguồn: Đăng lại từ: Vietnamnet.

 Đăng ngày 21/01/2010

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan