Sunday, October 18, 2015

ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI – Vấn đề day dứt và xót xa trong những kịch bản sân khấu của tôi những năm gần đây

Tác giả: Xuân Đức

Xuanduc.vn: Vốn không định đăng bài này, vì đây là bản tham luận do đích thân Nhà thơ Hữu Thỉnh đặt hàng để mời tham dự Hội thaỏ về vấn đề: VHNT với vấn đề đạo đức xã hội do UB toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt nam sẽ tổ chức vào cuối tháng 8 tại Đò Sơn-Hải Phòng. Nhưng sau khi gửi bài cho tổ thường trực hội thảo thì thấy họ đăng ngay trên Tạp chí Diễn đàn VHNT của Liên hiệp..Do khuôn khổ của tờ báo nên người ta cắt mất gần 1/3 ( đoạn nhập đề). Sợ bạn đọc cảm thấy hẫng hụt nên tôi xin đăng lại toàn văn bài viết cho nó..có đầu có cuối.

ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI – Vấn đề day dứt và xót xa trong những kịch bản sân khấu của tôi những năm gần đây.

              Tham luận tại hội thảo của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam. 

I- Góp cái nhìn tổng quan về vấn đề đạo đức xã hội trong diễn trình Văn học Nghệ thuật Việt Nam từ trước đến nay.


Có thể nói chắc chắn thế này. Từ xa xưa đến nay, từ văn học dân gian, truyền miệng đến văn học viết, từ kho tàng văn học nghệ thuật Việt Nam đến toàn thế giới, tất thảy đều được khởi nguồn từ vấn đề đạo đức con người, là cuộc chiến giữa cái thiện, cái ác, giữa cái xấu với cái tốt, giữa cao thượng với thấp hèn, giữa sự ích kỉ nhỏ nhen với sự bao dung, nhân ái. Truyện Tấm Cám, Thạch Sanh..của Việt Nam, hàng loạt truyện thần loại Hy Lạp, cho đến những tác phẩm kinh điển như Truyện Kiều của Nguyễn Du, Ô Ten Lô, Hăm Lét của Sechx-pia..Những người khốn khổ của Vich-to-huy –go, hay Đỏ đen của Standan..v..v..tất tất đều đề cập đến đạo đức con người với muôn ngàn góc cạnh khác nhau, như quan hệ vợ chồng, con cái, cha mẹ, bạn bè chiến hữu, hàng xóm láng giềng vân vân và vân vân, những câu chuyện xoay quanh cái thiện cái ác, cái xấu cái tốt, mà chúng ta vẫn hay nói là những chuyện nhân tình thế thái..Văn học thời nào thì cũng chỉ ngần ấy chuyện. Vì đối tượng khám phá muôn thủa của nó là Con Người, và dù dưới góc nhìn của bất cứ giai đoạn lịch sử nào, bất luận phương pháp sáng tác nào thì giá trị chân- thiện – mỹ cũng là tôn chỉ hàng đầu của tác phẩm Văn học Nghệ thuật.



Vậy có gì mới, đột xuất không khi mà hôm nay chúng ta lại ngồi bàn với nhau về chủ đề đạo đức con người và đạo đức xã hội trong VHNT Việt Nam hiện nay? Lại có vẻ như vấn đề đó đang nóng lên, trở thành chuyện cấp bách cần bàn. Vì sao vậy? Để góp phần trả lời câu hỏi này xin được lược qua hình hài của vấn đề đạo đức xã hội trong diễn trình phát triển  VHNT VN..

Chúng ta có thể nhìn thấy diễn trình này theo ba giai đoạn khác nhau.

Giai đoạn từ trước năm 1945 về trước, đấy là thời kì thuộc địa và phong kiến, vấn đề đạo đức xã hội được phản ánh nổi bật nhất qua những tác phẩm được coi là dòng văn học Hiện thực phê phán hay văn chương trào phúng, đả kích. Dòng văn học ấy được kế thừa, tiếp nối dòng văn học dân gian, truyền miệng của nhân dân lao động đối lập với giai cấp thống trị và bóc lột, hoặc ngoại xâm. Dòng văn học ấy phản ánh những bức xúc, xót xa, cay đắng của sự suy đồi đạo đức con người và đạo đức xã hội trong một xã hội bị nô lệ, bị áp bức, một xã hội điển hình của bất công. Dòng văn học ấy được tiếp tục kéo qua giai đoạn sau đối với nhiều tác phẩm của các nhà văn ở miền Nam trong thời kì từ 1954 đến 1975.

Giai đoạn 2. Đấy là khuôn diện cơ bản đối với nền văn học được gọi tên là Văn học cách mạng, kể từ kháng chiến chống Pháp, qua suốt thời kì xây dựng CNXH ở Miền Bắc và nối tiếp với dòng văn học của lớp nhà văn chống Mỹ của cả hai miền Nam- Bắc. Có rất nhiều điều để nói về những cái được và chưa được của Văn học Nghệ thuật giai đoạn này. Không ai có thể phủ định được các giá trị và sự đóng góp của giai đoạn văn học này, những giá trị lịch sử rất đáng trân trọng, có vị trí xứng đáng không thay thế được trong tiến trình lịch sử văn học nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung.

Tuy nhiên xét riêng về tôn chỉ đạo đức xã hội thì văn học nghệ thuật giai đoạn này có thể nói là chưa có những đóng góp xứng tầm, bởi nó bị chi phối bởi hai nguyên nhân chính. Một là yêu cầu chính trị. Đấy là một yêu cầu bắt buộc khi cách mạng cần huy động tập trung toàn bộ sức mạnh cả tinh thần lẫn vật chất vì mục tiêu chiến thắng kẻ thù. Hai là sự chi phối của luận thuyết về phương pháp sáng tác hiện thực XHCN, mà cốt lõi của luận thuyết này là đặt ra mục tiêu xây dựng một xã hội mới tốt đẹp theo mong muốn của các bậc khai sinh ra nó. Vì những lí do đó mà về cơ bản, tư tưởng chủ đạo của Văn học Nghệ thuật giai đoạn này là xây chứ không phải chống. Với định hướng như vậy, những vấn đề về suy thoái đạo đức của từng con người tuy đâu đó vẫn được đề cập nhưng có thể nói là sơ sài, hết sức dè dặt..Còn sự suy thoái ở cấp độ đạo đức xã hội thì gần như là không dám nói hoặc không được nói đến.

Giai đoạn thứ 3 được tính từ cái mốc đổi mới của Đảng, giai đoạn mà lúc đó chúng ta vẫn hay nói đến hai từ cởi trói. Văn học- Nghệ thuật bất ngờ đề cập đến những mặt trái của xã hội một cách quyết liệt. Mặt trái đó dù có rất nhiều bình diện khác nhau nhưng tựu trung cũng chính là sự suy thoái và băng hoại về đạo đức nhân cách con người dẫn đến suy thoái, băng hoại đạo đức xã hội. Sự xuống cấp và băng hoại đạo đức xã hội dẫn đến sự xung đột về nhân phẩm, cuộc đối đầu giữa cái thiện cái ác, giữa cao thượng và thấp hèn…đối đầu giữa những con người vốn là người thân, là bạn bè chiến hữu, là đồng chí của nhau bỗng dưng quay mặt, sấp lưng lại với nhau..Đã có rất nhiều tác giả, tác phẩm đột phá vào vấn đề này và đã tạo nên một sự khởi sắc thật sự cho Văn học Nghệ thuật Việt Nam.        Xu thế của dòng văn học này tuy phát triển không thật sự liên tục, lúc thịnh lúc suy nhưng vẫn giữ được sự tiếp nối cho đến những năm gần đây, khi sự bức xúc và đòi hỏi của dư luận ngày càng nóng bỏng về những băng hoại đạo đức xã hội, đặc biệt là từ khi Trung ương có nghị quyết 4 về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng thì Văn học Nghệ thuật, nhất là lĩnh vực sân khấu bùng nổ một loạt tác phẩm gây được tiếng vang khi đã đề cập trực diện những vấn đề nhức nhối, cấp bách về sự xuống cấp và bặng hoại đạo đức mà trong đó, nguy hiểm nhất, đáng báo động nhất là sự suy thoái đạo đức phẩm chất trong  một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, nhất là những người có chức quyền cao hoặc rất cao trong bộ máy lãnh đạo và quản lí nhà nước.. Tôi cho rằng đây là sự phát triển tất yếu của Văn học Nghệ thuật vì chúng ta vẫn nói văn học là tấm gương phản chiếu của hiện thực đời sống, đồng thời thiên chức của văn học là tiếng chuông cảnh tỉnh cho con người, cho xã hội những nguy cơ tiềm ẩn trước mắt cũng lâu dài về sự trỗi dậy của cái ác, cái bẩn thỉu hủy hại môi trường sống con người. Mong rằng xu thế văn học này không bị chặn lại hoặc khống chế vì sợ lo lắng vu vơ nào đó.

Chúng ta thấy gì và nghĩ gì qua hình hài đạo đức xã hội trong văn học nghệ thuật các giai đoạn mà tôi đã tạm diễn giải ở trên? Theo tôi điểm đáng chú ý nhất ở đây là: Mặc dù vấn đề đạo đức xã hội là bản chất cốt lõi của sự phản ánh hiện thực trong văn học nghệ thuật, nhưng nó chỉ có thể phát triển thuận chiều nhất, thăng hoa nhất trong một xã hội mà nhân dân lao động đối lập quyền lợi với giai cấp thống trị và nhà văn, nhà nghệ thuật đứng về phía nhân dân lao động. Đấy là hình hài văn học nghệ thuật giai đoạn 1 mà tôi vừa nêu. Còn trong trường hợp như xã hội Việt Nam đương đại, nhà văn, nhà nghệ thuật chúng ta được xác định là cùng đứng chung chiến tuyến với nhà nước, còn nhà nước thì lại được xác định là nhà nước của dân, vì dân, nghĩa là tất cả đều cùng chiến tuyến..lại là chiến tuyến của sự tốt đẹp, sự cao cả..Vì vậy, đôi khi người ta nói, xã hội này không còn bi kịch, và cũng không còn cả cái cuộc chiến trong đạo đức xã hội, nếu ai đó nói có thì sẽ bị hỏi, vậy cuộc chiến với cái xấu, cái ác, cái thấp hèn, đang nhắm vào đâu?..Phải chăng đấy là lí do để cho ta hình hài giai đoạn 2 của VHNT VN mà tôi đã nêu ở trên? Vậy giai đoạn 3, giai đoạn của văn học thời kì đổi mới, tại sao vấn đề đạo đức xã hội đã có khởi sắc trong khi cái tuyến “ nhà nước, nhà văn và nhân dân ở cùng phía” vẫn không thay đổi? Phải chăng đấy là khi mà chính ngay trong chiến tuyến chung của chúng ta, quan trọng nhất là giai tầng lãnh đạo đã nhìn thấy và thừa nhận kẻ thù vừa tiềm ẩn vừa cấp bách nhất cho tất cả chiến tuyến chính là sự suy thoái đạo đức trong mỗi một con người và đang trở thành sự suy thoái của toàn chiến tuyến, trở thành nguy cơ của toàn xã hội? Nhìn thấy và thừa nhận, tiếp đến là cho phép và kích hoạt một cuộc chiến dữ dội và sâu sắc trong chính mỗi con người trong chiến tuyến, giữa các con người cùng chiến tuyến mà bản chất của nó vẫn là cuộc chiến giữa cái thiện với cái ác, cái tốt với cái xấu, cái cao thượng với thấp hèn..Nghĩa là cuộc chiến về vấn đề đạo đức xã hội..Theo tôi, đây chính là thời cơ để văn học nghệ thuật Việt Nam chấn hưng theo nghĩa được trở lại đúng bản chất vốn có và cần có của nó. Nếu có sự khác nhau so với hình hài của giai đoạn văn học nghệ thuật thời kì đối lập giữa văn nghệ sĩ, nhân dân lao động với giai cấp cai trị trước đây, đấy chính là, cuộc chiến với cái ác, cái xấu trước kia nhằm tới đích lật đổ chế độ hiện hành, còn bây giờ là để làm sạch chiến tuyến, bảo vệ lí tưởng của chế độ đang có. Đây là bài toán rất khó, nhưng có lẽ chúng ta cũng chẳng thể làm khác được. Vấn đề còn lại chỉ là, cần có sự đánh giá công tâm và chính xác mọi động cơ sáng tác..Lãnh đạo vẫn kêu gọi những nhà sáng tác chúng tôi rằng: phê gì, phán gì cũng cần có tâm. Chúng tôi rất nhất trí và cũng có lời khẩn cầu nguyên văn như thế đối với những người lãnh đạo, quản lí văn nghệ, rằng phê gì,phán gì đối với các sáng tác phẩm VHNT trước hết cũng cần có cái tâm.

II- Tôi đã viết những kịch bản sân khấu về vấn đề đạo đức xã hội như thế nào?

 Hòa vào xu thế chung đó, bản thân tôi là một trong một số tác giả đã nhiệt tình xông thẳng vào vấn đề phản ánh và cảnh tỉnh các nguy cơ từ sự băng hoại đạo đức con người và đạo đức xã hội. Bạn bè có hỏi tôi, vì sao tôi không chọn hình thức tiểu thuyết mà lại là kịch bản sân khấu. Câu trả lời đơn giản là, cuộc chiến với cái ác, cái xấu, cái thấp hèn hiện nay cực kì khẩn cấp, khẩn cấp không khác gì cuộc đấu tranh với cái giàn khoan Trung Quốc đang cắm phập vào sâu trong thềm lục địa của nước ta. Viết tiểu thuyết lúc này chậm lắm, đa công đa nghiệp lắm mới công bố được, mà công bố rồi thì rỉ rắc, lai rai hàng năm trời, vài ba năm trời may ra mới có dăm mươi người đọc..Còn sân khấu thì khác. Với đặc trưng của loại hình nghệ thuật dồn nén không gian và thời gian, kịch sân khấu không dài dòng văn tự, nó đề cập một cách trực diện, nó là nhát dao rạch trúng ngay cái khối u cẩn mổ xẻ..Rồi hiệu ứng xã hội cũng ngay lập tức. Một đêm công diễn của sân khấu có ít nhất vài trăm người..vài chục đêm diễn có nhiều ngàn người trực tiếp cộng hưởng để chuyển tải các thông điệp của người viết..Nếu vở diễn thành công, một năm có thể có vạn người xem..Những điều tâm đắc nhất mà nhà văn muốn gửi đến xã hội nhờ thế mà có được hiệu quả cao. Đó là lí do mà tôi đã tạm ngưng chuyện viết tiểu thuyết để đột phá vào sân khấu kịch. Trong vòng năm năm trở lại đây tôi đã viết được hàng chục kịch bản. Dĩ nhiên không phải tất cả đều tập trung vào vấn đề đạo đức xã hội. Vẫn có những kịch bản tiếp nối đề tài chiến tranh, cách mạng, có cả tác phẩm về lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp..Vân vân..Hôm nay trong khuôn khổ hội thảo về vấn đề đạo đức xã hội trong văn học nghệ thuật, tôi xin được chia sẻ đôi điều về một số kịch bản, có thể gọi là một se-ri kịch bản gần đây nhất của tôi đề cập đến vấn đề này. Tôi có khoảng 5-6 kịch bản trực tiếp về vấn đề đạo đức xã hội. Xin điểm một số vở tiêu biểu: Vở Những mặt người thấp thoáng, Nhà Hát kịch Hà nội công diễn năm 2012. Vở Tai biến, Nhà Hát kịch Việt nam công diễn cuối năm 2012. Kịch bản Điệp Khúc Vi-rút, Nhà hát kịch Hà Nội công diễn cuối  năm 2013, và kịch bản mới nhất có tên: Dư chấn, viết theo đơn đặt hàng của Bộ VH TT DL.

Đã có nhiều bài báo, nhiều bài phê bình đánh giá về những tác phẩm sân khấu này. Mặc dù có nhiều giải thưởng cao dành cho các phẩm ấy, nhiều bài báo cũng dành những lời khen ngợi, tuy nhiên nói chung người ta coi đây là loại tác phẩm viết về đề tài chống tham nhũng, chống tiêu cực, có người nói đây cũng là thứ văn học phục vụ nghị quyết Đảng. Thực ra nói như thế cũng không sai. Thậm chí, kịch bản Dư chấn là tôi thực hiện đơn đặt hàng của Bộ văn hóa-TT- DL về việc tuyên truyền thực hiện Nghị quyết TƯ 4 đấy thôi. Theo tôi, việc thực hiện một đơn đặt hàng để chuyển tải một thông điệp chính trị của Nghị quyết Đảng không có gì vênh hoặc ngược với quyền tự do sáng tác và cũng không thể nói, những tác phẩm ấy chỉ có giá trị thời sự mà không có sức sống lâu dài. Vấn đề ở đây là: thông điệp chính trị ấy là thông điệp gì? Và người sáng tạo văn học đã chuyển tải nó theo cách nào?         Trở lại chủ đề Đạo đức xã hội được thể hiện trong các kịch bản sân khấu của tôi như thế nào?

Nếu nhìn ở góc độ tác phẩm văn học chuyển tải những thông điệp của nghị quyết TƯ 4 của Đảng thì se-ri kịch bản của tôi đã cố gắng nói được những vấn đề sau. Vở Những mặt người thấp thoáng đề cập đến sự lũng đoạn về tổ chức, nhân sự dẫn đến khống chế và điều hành cả guồng quay xã hội của một thế lực thấp thoáng phía sau cái bộ máy đồ sộ tưởng như rất minh bạch, đàng hoàng đang hiện hữu. Kịch bản Tai biến như một số bài báo đã nói là lần đầu tiên vạch mặt chỉ tên cái gọi là lợi ích nhóm, mà những cái nhóm này là nhóm rất to, rất cao. Vì lợi ích nhóm mà từ đồng chí đồng đội sinh tử chí cốt đã trở nên thù địch và sẵn sàng triệt hạ lẫn nhau..Vở Điệp khúc Vi-rút đề cập trực diện hiện tượng suy thoái đồng loạt đạo đức, nhân cách của nhiều loại người ở nhiều lĩnh vực và đủ các giai tầng cao thấp khác nhau. Ai cũng có thể lên án sự suy thoái nhưng đôi khi kẻ to tiếng mắng nhiếc người khác suy thoái lại chính là kẻ suy thoái nghiêm trọng nhất. Có một loại vi rút suy thoái đang lan tràn như một bệnh dịch đe dọa toàn bộ môi trường sống xã hội. Đến kịch bản Dư chấn, vấn đề quyền lực và những âm mưu thủ đoạn triệt phá nhau để leo cao và bảo vệ quyền lực đang có đã được nuôi dưỡng, di căn từ thế hệ trước tới hệ sau và cuộc chiến một mất một còn chống lại cái ác, cái hèn hạ đen tối ấy của những con người lương thiện cũng dai dẳng, khắc khoải từ đời trước chuyển giao cho đời sau. Cái ác không chỉ gây ra tổn thất trực tiếp cho một con người, một số phận hay một giai đoạn mà có thể tạo nên dư chấn gây nguy hại khôn lường cho nhiều số phận, nhiều thế hệ kế tiếp..

Đấy là tôi nói về thông điệp chính trị.

Còn trên phương diện đạo đức con người và đạo đức xã hội thì sao?

Khi đề cập đến sự suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên dẫn đến hiện tượng tham ô, tham nhũng nghiêm trọng như đang xẩy ra, người ta đưa ra rất nhiều nguyên nhân, từ cơ chế chính sách, đến buông lõng lãnh đạo quản lí, nào là do tác động mặt trái của cơ chế thị trường, thậm chí còn cho rằng do đời sống, lương bổng của cán bộ còn quá thấp nên mới đẻ ra tham nhũng..Vân vân và vân vân. Những điều đó đều không sai. Tuy nhiên, theo tôi, nguyên nhân cốt lõi nhất, sâu xa nhất, nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính là sự trỗi dậy không kiểm soát được của hai tham vọng cũng là hai bản năng nguy hiểm nhất của con người. Tham vọng quyền lực và tham vọng quyền lợi. Nói nó là bản năng bởi nó được sinh ra cùng với sự hoài thai của một kiếp người, nó có trong máu huyết của mọi hài nhi. Câu ngạn ngữ của người Trung Quốc nói rằng: nhân chi sơ tính bản thiện theo tôi không chính xác. Chúng ta có thể nhìn thấy bản năng có tính tham vọng của trẻ sơ sinh khi chứng kiến những đứa trẻ lúc nào cũng đòi hỏi cho mình được có nhiều hơn đứa trẻ khác, muốn giành giật về mình tất cả những gì trước mặt bất luận những thứ đó vốn là của trẻ khác. Và những bản năng xấu đó sẽ như một thứ vi rút âm thầm kí sinh trong tất cả mọi cơ thể, theo đến cùng mọi số phận để rồi bất ngờ bùng phát thành bệnh hoạn khi có điều kiện. Bởi thế mà thuyết giáo của đạo Phật trong việc rèn đức con người là bằng tu tâm để triệt tiêu, mà thực chất là kìm hãm, chôn sâu mọi sự tham của con người. Cũng với mục đích đó, Thiên chúa giáo thì dùng sám hối. Chúng ta hôm nay dùng những thuật ngữ hiện đại hơn, chính trị hơn, đấy là tự tu dưỡng, tự rèn luyện, tự phê bình và phê bình, chống chủ nghĩa cá nhân vân vân..Đấy cũng là cách để kìm hãm sự trỗi dậy của bản năng xấu mà nguy hiểm nhất là tham vọng quyền lực và quyền lợi..Còn những nguyên nhân khác như cách lí giải về cơ chế, chính sách, sự buông lõng quản lí hay cơ chế thị trường thực chất chỉ là những nguyên cớ, điều kiện để những con vi rút đang ẩn náu kia bùng phát thành dịch bệnh mà thôi. Một nhà hiền triết từng nói đại ý.. Con ngựa vốn không có lỗi, tuy nhiên vì sự xuất hiện của con ngựa mới tạo ra kẻ được ngồi trên lưng ngựa, kẻ khác phải chạy bộ dưới đất..Thế nên mới sinh ra sự tranh giành con ngựa. Chúng ta cũng có thể nói như thế với sự ra đời của đồng tiền và bây giờ là sự xuất hiện cái gọi là kinh tế thị trường..

Từ hai bản năng trên không được kiểm soát và kiềm chế đã làm bùng dậy một thứ bản năng khủng khiếp khác, đấy là bản năng hung dữ, thực chất đấy là bản năng thú vật. Vâng..hung dữ theo cách thú vật cũng là một bản năng. Và khi khát vọng quyền lực và quyền lợi cháy bỏng đến mức điên dại thì cái bản năng thú dữ kia chính là con quái vật đang ẩn sâu trong cơ thể mỗi người bật dậy hoành hành. Chưa bao giờ như những ngày tháng hiện nay, mỗi một ngày trôi qua, chúng ta phải chịu đựng quá nhiều những thông tin cướp giật, chém giết rùng rợn đến mức không thể tin nổi. Người ta giết chết nhau chỉ vì vài ba trăm ngàn, vài ba triệu đồng, hoặc con giết cha mẹ, cha ruột lại giết con..chồng giết vợ rồi vợ lại giết chồng..Tầng dưới đáy xã hội thì như thế, còn tầng trên thì sao? Càng ngày những câu chuyện thâm cung bí sử càng bị phơi lộ, vì quyền lợi và quyền lực, người ta có thể thủ tiêu nhau để bịt đầu mối hay để làm sạch con đường thăng tiến của bản thân hay dòng họ mình..Mạng người, thậm chí là mạng sống của những chiến hữu, đồng đội, đồng chí đối với tham vọng của kẻ ác thật sự nhỏ nhoi như hạt bụi. Những cái chết bất ngờ và tức tưởi kiểu ấy có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, nó ám ảnh tất cả những con người trên đường đua quyền lực. Đấy chính là câu chuyện trong kịch Tai biến và Dư chấn mà tôi đã viết. Vấn đề nghiêm trọng đến mức mà như trong Tai biến, tất cả các nhân vật đều bị ám ảnh, chập chờn hoảng hốt với căn bệnh tăng huyết áp dẫn đến tai biến chết người . Sự ám ảnh đó chính là ám ảnh xã hội. Một môi trường sống có thể xẩy ra tai biến bất cứ lúc nào. Còn trong kịch bản Dư chấn thì như lời một thành viên trong Hội đồng thẩm định của Bộ văn hóa là, vấn đề không còn là dư chấn nữa mà đã động đất thật rồi.

Trong dân gian bữa nay hay có câu: Bao giờ cho tới ngày xưa..Cái ngày xưa mà dân nói ở đây là sự ám chỉ một quá khứ gần, là những năm hòa bình, bao cấp ở miền Bắc và những ngày toàn dân tộc lao vào cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm chứ không phải quá khứ xa xưa thời đế quốc phong kiến. Và cái ngày xưa ấy không phải là cuộc sống vật chất, bởi những năm tháng ấy cuộc sống vật chất cơ hàn lắm, thiếu thốn đủ bề. Chẳng ai lại ước ao trở về cái ngày tem phiếu xếp hàng đến xây xẩm mặt mày ấy cả. Nhưng sự thật đã có một xã hội, một môi trường sống tốt đẹp hơn bữa nay nhiều lần, đấy chính là đạo đức con người, đạo đức xã hội. Ngày ấy, thí dụ như thời kháng chiến chẳng hạn, Con Ngựa Quyền Lợi chưa xuất hiện, hoặc có nhưng rất hiếm, vì thế mà hầu hết người ta cùng nhau đi bộ, cùng dắt tay nhau lữ hành trên mọi nẻo đường đời, rất ít khi thấy kẻ ngồi trên ngựa người chạy dưới đất. Cái bản năng đòi giật chiếm đoạt con ngựa vì thế mà ít xẩy ra. Môi trường cuộc sống bình yên và thanh thản..

Thưa quý vị! Những năm này loài người nói chung và Việt Nam nói riêng đang cuống cuồng vạch ra chiến lược đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Các nhà hoạch định chiến lược đưa ra các kịch bản nghe rợn cả người rằng trái đất sắp nóng lên thêm mấy độ C, nước biển sẽ dâng lên mấy mét và sẽ ngập chìm hàng vạn, hàng triệu héc ta ở vùng này vùng nọ, hủy diệt cuộc sống của hàng triệu, hàng chục triệu con người..Và nếu không có đối sách có tính chiến lược mà khẩn cấp thì rất rất có thể sẽ xuất hiện trở lại Đại hồng thủy hủy diệt trái đất. Điều hài hước nhưng rất chua xót là, ai cũng thấy, quốc gia nào cũng hùng hồn những lời hiệu triệu về tính nguy kịch của sự hủy hoại môi trường sống, tuy nhiên đến khi ngồi lại để bàn phương cách cùng nhau đối phó, hạn chế khí thải và hiệu ứng nhà kính thì..bàn mãi, cãi nhau mãi, hết năm này sang năm khác vẫn không cách gì thống nhất được một giải pháp. Ví sao vậy? Đơn giản thôi. Nguy cơ là nguy cơ chung, nhưng để giải quyết nguy cơ, trước mắt sẽ đụng chạm tới quyền lợi của từng quốc gia, không ai cam chịu nhường nhịn cả.

Bây giờ, ở Việt Nam ta, bên cạnh câu chuyện nước biển dâng, nên chăng cũng cần gióng lên những tiếng chuông báo động về cái ác, cái bản năng hung dữ, mất nhân tính con người như con thú sổng chuồng, như cơn lũ vỡ đập, đang dâng ngập tràn khắp hang cùng ngõ hẻm. Thực ra báo chí, văn học nghệ thuật cùng với nhiều diễn đàn xã hội khác đang gióng chuông đấy..Chuông đang kêu ầm ĩ và sốt ruột đấy. Có điều, tôi sợ cũng như câu chuyện biến đổi khí hậu kia, bàn mãi, nói mãi nhưng không thể tìm ra phương thuốc thật sự đặc hiệu khi tham vọng của những con người ở những vị trí khác nhau không được kìm hãm.

Xin cảm ơn Hội thảo đã lắng nghe.



Xuân Đức ( Nhà văn-Nhà viết kịch)

Điện thoại: 0983405575

Email: nhavanxuanduc@gmail.com






 Đăng ngày 09/08/2014

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan