Tuesday, October 13, 2015

Bạn phương xa bình thơ Xuân quê nhà

Tác giả: Hoàng Công Danh

xuanduc.vn: May mắn cho "nhà" Web tôi, mới mở cửa đã được bạn trẻ tận Belarus xông đất. Bạn có giới thiệu để làm quen với trang web của bạn, trong đó có lời bình bài thơ xuân của tôi từ năm ngoái. Xin post lên để chia sẻ niềm vui đón xuân với mọi người.



Đầu năm đi chợ Bích La
Tôi tìm mua một chú gà đất quê

Người đông đất chật bộn bề
Lộc trời phúc phật biết về tay ai

Một năm biết mấy là ngày
Vận may sao chỉ sáng ngày mồng ba ?

Mua người ta, bán người ta
Rủi may cũng ở người ra hỡi người !

Bon chen khắp bốn phương trời
Còn về nhặt chút rụng rơi sân đình.

Xuân Đức
(Tạp chí Cửa Việt)




Trong văn hóa phong tục Việt Nam có rất nhiều lễ hội đậm đà bản sắc vùng miền. Tết – mùa xuân là mùa của lễ hội, mùa của sự nhàn tản vui chơi ở mỗi vùng quê có một lễ hội riêng đặc trưng cho tập quán sinh hoạt. Ở SaPa có chợ tình, làng Sình (Huế) có hội vật còn ở Quảng Trị, làng Bích La lại có chợ Đình họp vào mồng ba sáng sớm.
Dường như trong những ngày Tết con người ta luôn hướng về Tổ tiên và hồn hoa dân tộc, người ta tâm tưởng về những nét đẹp trong văn hóa người Việt, biết hưởng thụ những trò tiêu khiển mà người xưa truyền thụ lại. Tôi đã có dịp đi phiên chợ Đình Bích La một lần. Từ khoảng hai giờ sáng ngày mồng ba là chợ đã đông. Chợ họp ở bãi đất ngay tại miếu đình làng, bên trái có một hồ nước. Tục xưa kể lại dưới hồ có một con rùa sống, năm nào rùa nổi lên thì cả làng đại phát, làm ăn khấm khá. Ấy vậy mà chợ Đình không đơn thuần là phần họp chợ mà còn thêm phần lễ và phần hội. Về phần lễ, ngay sáng hôm ấy các cụ trong áo mão chỉnh tề khua chuông nổi trống khấn vái để gọi “Rùa Thần” nổi lên, tập tục ấy đã có từ rất lâu rồi. Sau phần lễ thì chợ bắt đầu họp. Miếu có mấy chiếc lư hưong lớn để khách thập phương về đây dâng hương cầu nguyện. Trong cái lành lạnh của một sớm đầu xuân mùi nhang lan tỏa vấn vít như quyện vào màn sương sớm những mùi thơm lắng đọng thiêng liêng và hoài cổ. Chợ quê nên bán toàn nhà quê. Gọi là chợ xuân nên ai có gì bán nấy, rau cải trong vườn, chè lá,
bánh trái…đem đi bán lấy lộc, ở đây không có không khí mua bán mà là cuộc gặp mặt đầu năm, bán xem hên xui cả năm thế nào. Vậy nên ai cũng vui vẽ không hề mặc cả.
Nhà thơ đi chợ, cũng không có gì mà lạ. Chân dung anh nhà thơ trong bài không hẵn là đi chợ mà là đi kiếm chút lộc đầu năm nên mới lấy cái tựa là “Phiên chợ cầu may”. Trở về với vốn văn hóa cổ truyền dân tộc, về với hương hồn cổ xứ - Ấy là niềm thắc thõm ở trông mỗi con người nghệ sĩ. Tác giả đi chợ đầu năm không phải để mua chữ, không phải rao bán thơ mà đơn giản để mua một chú gà đất quê. Tôi nhớ lại những trò chơi của con trẻ ngày xưa ở quê thường có chú gà tò te bằng đất nung, ở miệng có khe hở để áp môi vào thổi thì nó sẽ phát ra tiếng kêu khèn rất hay. Có lẽ ở đây, nhà thơ khi đã vào tuổi thượng tuần muốn quay về một thoáng ngày xưa, thời tóc còn để chõm mặc quần cụt. Một chú gà đất quê mà khi thổi lên ta như được trở về sống với bạn bè những ngày ấu thơ, đánh trận giã, đi bắt dế và rũng ra rũng rỉnh kéo nhau đi hát xin lộc đầu năm trong đêm giao thừa.
Cảnh người đông nhộn nhịp lại họp trên một mảnh đất chật nhưng chính điều ấy lại làm cho không khí đầu năm ấm áp hơn. Chen chúcgiữa cái đám đông trong cái pha lạnh của giao mùa mới thấy cái tình người nồng ấm, càng làm cho người ta gần gũi nhau hơn. Rồi họ truyền cho nhau những lộc may đầu năm qua những cái quệt vai, chạm gót. Đông là vậy, chật chội là vậy nhưng ai cũng vui vẽ, mặt người sắc xuân, có chen chúc hàng giờ cũng thấy thú. Bổng băn khoăn nhà thơ tự hỏi “lộc trời phúc phật biết về tay ai”. Trong quan niệm xưa thì đầu năm, phật thánh chỉ ban phước cho một vài người thôi, vậy nên đi chợ Đình Bích La thắp hương khấn vái là để xin chút lộc ấy. Nhưng mà đông thế quả là “khó cho ngài ?” bởi giữa bàn dân thiên hạ ngài chẵng ưu ái hờn ghét ai cả.
Đến chợ gặp những lời chào mời “ mua đi lấy lộc đầu năm ơi chú !” hay “cho tôi xin chút lộc đầu năm”, ấy là mục đích chính mà người ta đi chợ Đình, không phải là mua kiếm lời mà để cầu xin vận may, dân gian ta thường dùng chữ “ may xưa”, “ mua người ta , bán người ta / vận may ai cũng người ra hỡi người”, dường như người ta quan niệm cái “số”của mình trong năm nay là do những người gặp được đầu năm mang lại. Nếu gặp được người vui vẽ thì cả năm thượng thọ an nhàn, vậy nên “vận may cũng ở người ta hỡi người”.
Cuộc tầm sinh đã lôi người ta đi xa xứ, kéo họ vào những vật lộn bon chen với đời. Ngày thường thì cóp ki chắt góp từng đồng, ấy vậy mà đến chợ Đình lại còn bon chen ?. Nhung không phải, người ta đi chợ để cầu may, để kiếm một chút gì rất nhỏ như “ lá rụng rơi sân đình”mà thôi. Chính những chiếc lá trên đất thánh ấy là lộc của ngài ban cho thần dân.
Bài thơ là cảm nhận của tác giả khi đi phiên chợ Đình Bích La, với thể
thơ lục bát, ngôn từ mộc mạc giản dị càng làm đậm nét cổ truyền dân tộc trong ngày xuân. Nếu chưa một lần đến chợ Đình Bích La, khi đọc bài thơ chắc ai cũng thèm khát xuân này sẽ tản chân đi hội cho biết. Còn đối với người xa xứ chắc không khỏi bùi ngùi xao xuyến.

Hoàng công Danh
sinh viên Đại học tổng hợp quốc gia Belarus- vật lí nguyên tử và tin học

 Đăng ngày 07/01/2008

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan