Tuesday, October 13, 2015

Báo Văn nghệ Công an viết về tác giả Xuân Đức

Tác giả: Việt Hà

NHÀ VĂN XUÂN ĐỨCNHỚ VỀ MỘT THỜI CUỐC ĐẤT ĐÓNG GẠCH
Ở MIỀN "CỬA GIÓ"
VIỆT HÀ - Báo Văn nghệ công an số 24/ tháng 11 - 2005 
        Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ II (2002 - 2004) của Hội nhà văn Việt Nam vừa qua thực sự đã "đánh động"  nhiều người cầm bút, trong số ấy có nhà văn Xuân Đức - người đã vắng bóng trên văn đàn ở thể loại này ngót hai chục năm. Lần "tái xuất" này, Xuân Đức gửi tới tiểu tuyết "Bến đò xưa lặng lẽ" và liền nhận ngay giải A, khiến ông cũng bất ngờ với chính mình. Xuân Đức nhận ra, sự im lặng trong văn chương của mình bấy lâu nay là một khoảng lặng có lý.
        Nhận giải thưởng và bằng khen của Ban tổ chức xong, trả lời những câu hỏi của "nhà đài" một cách vội vã, Xuân Đức lại nhanh chóng lên đường về Quảng Trị theo đúng phong cách của một... lãnh đạo đầu ngành ở tỉnh, lúc nào cũng hối hả với những cuộc họp hành. Đã 11 năm nay, nhà văn Xuân Đức chuyển ngành từ một nhà văn quân đội sang làm Giám đốc Sở VHTT Quảng Trị và cũng có tới 10 năm kiêm nhiệm "chân" Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật của tỉnh. Ra Hà Nội lần này, Xuân Đức còn có thêm một niềm vui là "Bản hùng ca thiêng liêng" của ông vừa được đoàn kịch Tổng cục chính trị dàn dựng và biểu diễn. Trên đường về, chỉ có anh lái xe mới biết rằng, ông đã lặng lẽ khóc khi đọc cuốn nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm - cuốn sách gây xúc động hàng chục triệu trái tim độc giả trong và ngoài nước. Ông cũng tâm sự: "Đây chính cuốn sách tôi quý nhất trên giá sách của mình. Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã sống một cuộc đời khiến tôi trân trọng nhất. Nhưng có lẽ điều khiến tôi lay động nhất ở cuốn nhật ký của chị Trâm, bởi đó là một "hiện vật gốc" về chiến tranh qúy giá, bởi cuộc đời chị Trâm là một cuộc đời anh hùng tin cậy. Nó gợi lại trong tôi những mảng ký ức về cuộc chiến mà tôi đã cùng đồng đội tham gia". Với nhà văn Xuân Đức, dường như những trăn trở, day dứt về cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc vẫn chưa bao giờ ngừng thôi thúc trong ông. Cuốn tiểu thuyết "Bến đò xưa lặng lẽ" mà ông vừa đoạt giải cũng là những trang viết về những người hàng xóm đã cùng ông sống, chiến đấu trên mảnh đất Quảng Trị huyền thoại, trong những năm mảnh đất này bị bom đạn cày xới đến cỏ cũng không mọc được. Trong cảnh đổ nát điêu tàn ấy, những con người, những số phận lần lượt hiện lên với những mảng màu đen trắng, những bi kịch lớn nhỏ, những giằng xé nội tâm mà ông muốn chúng hiện sinh và lý giải theo cách riêng của ông.
       Nhà văn Xuân Đức sinh ra và lớn lên tại Vĩnh Linh (Quảng Trị). Cha là người bờ Nam, mẹ là người bờ Bắc con sông Bến Hải - lằn ranh giới mong manh 21 năm chia cắt, với bao nhiêu mất mát, đau thương trộn với máu và nước mắt. Khi còn là cậu học trò trường huyện, Xuân Đức đã từng đoạt giải trong cuộc thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc. Nhưng rồi, cậu học trò ấy viết đơn xin nhập vào hàng ngũ quân đội khi còn chưa tốt nghiệp phổ thông (1965), được xung vào Tiểu đoàn 47, chiến đấu ở chiến trường Cam Lộ. Khi đó, cuộc chiến tranh Việt Nam đang vào hồi quyết liệt, anh binh nhì Xuân Đức cùng đồng đội đào công sự chuẩn bị cho chiến dịch đường 9 trong cái nắng oi ả của miền Trung mà trên đầu máy bay địch quần thảo, bom tọa độ "cắt" liên tục. Trong lúc nghỉ ngơi, đơn vị ông chuẩn bị một chương trình văn nghệ để tham gia Hội diễn cấp tiểu đoàn với khẩu hiệu "Tiếng hát át tiếng bom". Tình cờ máu văn nghệ nổi lên Xuân Đức xung phong viết, dàn dựng một vở kịch cho đơn vị đi hội diễn và giành luôn giải nhất. Sau đó, tiểu đoàn thành lập đội Văn hóa - văn nghệ quần chúng và rút ông lên tham gia. Trong thời gian này, Xuân Đức gặp được nhà biên kịch tài hoa Đào Hồng Cẩm cũng đang đi thực tế sáng tác tại chiến trường. Nhận thấy cậu binh nhì Xuân Đức có năng khiếu lại ham mê môn nghệ thuật này, nhà biên kịch Đào Hồng Cẩm đã "bổ túc" ngắn hạn kiến thức về viết kịch bản cho ông. Vậy là Xuân Đức "bẻ ghi" một cách ngẫu nhiên, từ binh nhì trở thành... nhà biên kịch. Cho đến nay nhà văn Xuân Đức đã là tác giả của khoảng 50 kịch bản sân khấu và cũng hàng chục vở diễn từng đạt giải thưởng cao trong các kỷ Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc như: "Người mất tích", "Chứng chỉ thời gian", "Đợi đến bao giờ", "Đám cưới ly biệt". "Cái chết chẳng dễ dàng gì", " Ám ảnh", "Chuyện dài thế kỷ"...
      Trong thời gian ông được điều ra làm việc ở đoàn văn công Quân khu IV, vợ ông (cũng là đồng đội cùng hoạt động văn hóa văn nghệ với ông) ở Quảng Trị sinh con thứ 2. Chiến tranh ác liệt, gia đình phải sơ tán, người vợ trẻ phải phục viên về nhà vừa trực chiến dân quân, vừa làm ruộng để nuôi mẹ già, con nhỏ. Hòa bình lập lại, đời sống của gia đình ông cũng như bao gia đình khác từng đi qua chiến tranh, gặp muôn vàn khó khăn. Có một thời gian, ông đã viết đơn xin ra quân để về nhà khai khẩn đất hoang, trồng lúa, trồng sắn để chèo chống... nuôi mẹ già và một đàn con nhỏ. Tưởng thế là gác nghiệp cầm bút bởi gánh nặng áo cơm. Năm 1976, nhà biên kịch Đào Hồng Cẩm lại đích thân viết thư tay mời ông tham gia một trại sáng tác kịch bản để chuẩn bị tham gia chào mừng thành công của đại hội Đảng lần thứ 4. Vở kịch "Tổ Quốc" - tác phẩm chung của hai người ra đời và đã đoạt giải thưởng. Định rằng đi đến hết trại thì lại về quê làm nghề... cuốc ruộng, nhưng nghiệp văn chương vẫn chưa rời, ông lại được cấp trên điều đi học trường viết văn Nguyễn Du (khóa I). Vậy là, vừa theo học, Xuân Đức vừa phải đi... buôn để lấy tiền nuôi gia đình và tiền tàu xe đi lại trên tuyến Quảng Trị - Hà Nội. Ông mang các hàng hóa vào loại "thời thượng" ngày đó như lốp xe đạp, dép tông, đến bóng bay, pháo tết... và cuối cùng có "quen biết" với một người trong đường dây hàng ăn cắp do tên Trương Văn Hiền - một tên tướng cướp nổi tiếng của tuyến đường sắt Vinh - Quảng Trị. Như một cơ duyên, đó chính là những tài liệu sống  để sau này nhà văn Xuân Đức đã tái hiện thành tiểu thuyết "Người không mang họ" gây tiếng vang lớn và là cuốn sách được nhiều người tìm đọc. "Người không mang họ" được trao giải thưởng văn học của Bộ Nội vụ năm 1995. Sau này, đạo diễn Long Vân đã dàn đựng thành bộ phim cùng tên, được đông đảo khán giả yêu thích.
        Tốt nghiệp trường viết văn Nguyễn Du, vì hoàn cảnh gia đình còn quá khó khăn, Xuân Đức phải ra một... điều kiện: "Nếu đơn vị nào nhận tôi về, phải cho tôi "thường trú" tại Quảng Trị để tôi còn tranh thủ cày cuốc nuôi vợ nuôi con tôi!". Tưởng rằng, chẳng có đơn vị nào chịu nhận ông với điều kiện tréo ngoe như thế, nhưng rồi đoàn kịch Tổng cục Chính trị đã chấp nhận yêu cầu này của ông. Vậy là ông lĩnh lương, sinh hoạt Đảng ở cơ quan, thời gian còn lại, Xuân Đức làn anh nông dân cầm bút. Thời gian rảnh rỗi,ông giúp các hợp tác xã, công, nông, lâm trường dàn dựng các chương trình văn nghệ mà chẳng lấy tiền công. Bù lại, các đơn vị lại giúp ông khi yến gạo, lúc cân đường, khi lại vài cái cột để làm nhà, vài lạng chè, hộp mứt tết... Xuân Đức tâm sự: "Bảy năm ở đoàn kịch Tổng cục Chính trị, nhưng có lẽ tôi chỉ sống ở Hà Nội khoảng... 1 tháng là cùng. Khi tiểu thuyết "Cửa gió" của tôi được giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam, một người bạn đến báo tin vui này trong khi tôi đang đóng gạch táp-lô để làm lại căn nhà vừa bị cháy trụi. Tôi chỉ hỏi được 1 câu: "Thế à?" rồi lại tiếp tục... nện gạch!". Trận cháy nhà ấy khiến ông mất sạch, cả quần áo để cho con mặc cũng không còn cái nào, chúng phải mặc xà lỏn đến lớp, bị cô giáo đuổi về khóc nức nở trên đường. Nghĩ lại bây giờ vẫn thấy thương con... Năm đó, đến ngày 27 tết mà trong nhà vẫn không có một đồng nào mua gạo, ông phải lặn lội vào Huế lấy được nhuận bút tiểu thuyết "Tượng đồng đen một chân" với hy vọng sẽ sắm cho các con một cái tết ra trò. Nhưng rồi vào tới nơi, nhuận bút vẫn chưa có, ông ngậm ngùi quay ra tay không, thương con đến thắt lòng. Những hạt gạo của sự nhọc nhằn đã cho ông hiểu giá trị của một cuộc đời lao động, biết đau nỗi đau của người nông dân khi hạn hán mất mùa, biết tiếc thương những vật dụng nhỏ trong nhà như cái bàn cái ghế, cái giường mối mọt, thậm chí gãy chân chẳng bao giờ muốn vứt đi...
        Chuyển ngành mang quân hàm Trung tá quân đội, nhà văn Xuân Đức sang làm Phó giám đốc, rồi giám đốc SỞ Văn hóa thông tin Quảng Trị. Công việc của một người làm văn hóa thông tin khiến ông có nhiều thời gian để hiểu thêm đất và người Quảng Trị, trân trọng sự hy sinh mất mát của mảnh đất này. Chính vì vậy, mà cả sự nghiệp sáng tác của ông gắn chặt với người và đất Quảng Trị, mà theo ông nói là: "Tôi toàn viết về hàng xóm của tôi thôi!". Thời gian này, ông tập trung viết khá nhiều kịch bản sân khấu và hầu như, trong kỳ hội diễn nào, kịch bản của ông cũng giành những giải thưởng. Xuân Đức nói như tự sự rằng, ông sợ nhất là hội họp, sợ những nơi ồn ào, sợ sự chai lì, sợ những lời khen... Nhưng lại luôn thấy sự trống vắng trong lòng mình và biết bao lần hoảng hốt vì nó. "Không phải từng ngày lo lắng về miếng ăn, cái mặc, hãy nuôi dưỡng chăm chút cho một tâm hồn lành mạnh. Tôi đang mong đợi từng ngày cho đến lúc "được" về hưu để không phải đi... họp nữa, có thời gian dành cho chính mình và viết những gì mình thích. Thế thôi...". Ông cười sảng khoái và tôi tin, ông có mong ước chân thật và... chính đáng.

 Đăng ngày 07/05/2008
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Môn sinh - 10/05/2008

Sáng nay ngồi nhấp chút đắng
Bỗng dưng lòng thấy ngọt ngào
Khóm trúc gió về khẽ động
Cho tình một thoáng xôn xao

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan