Tác giả: Xuân Đức
CHƯƠNG 14
Tôi đã nói rồi mà, cây muốn lặng nhưng gió chẳng dừng. Không biết giờ này, Thuẫn ở đâu, nghe nói cũng thành đạt lắm, hình như làm đến chức phó tổng giám đốc công ty gì to lắm, giàu lắm ở tận Vũng Tàu. Nếu có lúc nào đó buồn tình nhớ lại chuyện cái năm 1972 ấy thì hãy tiên trách kỷ đã rồi hậu trách nhân...
Tôi nói vậy không phải để ngụy biện, tự đứng ra che chắn tội lỗi của con tôi. Cần phải rạch ròi chuyện này trước lịch sử. Thuẫn đổ, trước hết vì lòng tham của anh ta, tham vừa vừa thì còn kham nổi, tham quá mức sẽ chẳng khác gì cái thằng vác chiếc túi quá to ngồi trên lưng chim đi lấy vàng trong câu chuyện cổ tích " cây khế''. Còn con gái tôi, cũng có tội. Không phải hôm nay tôi mới nói thế. Ngay từ khi câu chuyện chưa xẩy ra, sắp xẩy ra, tôi giận nó lắm. Giận và uất ức. Làm sao nó có thể hành động như thế được. Lúc đó, nó mới hai mươi tuổi mà. Chao ôi, một đứa con gái con nhà tử tế, lại được ăn học tử tế, lại nổi tiếng là dũng cảm, ngoan cường, chỉ một chút nữa thôi là lên tới cột đỉnh vinh quang, suốt cuộc đời rực rỡ với danh hiệu anh hùng. Sao nó lại trở nên ngu xuẩn đến vậy. Mà đâu phải nó ngu. Nếu ngu thật thì không thể nghĩ ra cái mẹo vặt đê tiện ấy. Nhưng không ngu sao lại đi đánh đổi vinh quang cho hả một cơn căm tức vớ vẩn như vậy. Chính sau này, mẹ Li nó, với cương vị là chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ, đã hỏi thẳng nó điều đó. Nó cười thật đơn giản, rồi nói, mẹ ơi, cái chi con cũng thích cả, anh hùng cũng thích mà tiêu diệt kẻ thù cũng muốn. Gặp mục tiêu nào trước là tấn công trước, thế thôi...
Xin lỗi, tôi không thể kể lại tỉ mỉ cái chuyện đã xẩy ra. Tôi xấu hổ lắm. Có người bố nào lại đi kể vanh vách cái chuyện dơ dáy ấy của con gái mình? Chỉ xin nói vắn tắt và sơ sài thôi. Thuẫn đã mang cái nhiệm vụ phát hiện và bồi dưỡng chiến sĩ thi đua ra làm mồi nhử con Linh. Nó biết thừa, nhưng không từ chối. Thậm chí nó còn tỏ ra hàm ơn. Quá trình đó, gần hai tháng, Thuẫn nhử nó, nó cũng nhử Thuẫn. Bản thành tích của nó viết mãi nhưng Thuẫn vẫn không bằng lòng, bắt sửa đi, sửa lại, bắt đi lên đi xuống nhiều lần. Còn nó, lại bắt đầu cho Thuẫn ôm ấp, sờ mó, thọc tay vào rút tay ra nhiều lần, nhưng cái quần vẫn cái chặt, thậm chí nó còn cảnh giác ngoắc thêm chiếc kim băng nữa. Giữa lúc đôi bên đang vờn nhau, giằng nhau như thế, thì bất ngờ, chính thằng Phúng bẻm mép chứ không phải ai khác đã đến rỉ vào tai thủ trưởng nó mà rằng, lần này cháu biết chắc mười mươi, có quyết định bề trên rồi, một vài ngày nữa thôi, chú sẽ là tân phó bí thư... Thuẫn tròn mắt lên, ria mép giật giật. Nhưng liền đó anh ta lại bĩu môi, xì một tiếng: Cậu thì biết cái đếch gì... Tao cần quái gì chức vụ ấy. Thuẫn nói mạnh thế, nhưng bụng lại khấp khởi. Hắn quả quyết cờ đến tay rồi. Bộc phá lệnh đã xé cửa mở. Thuẫn không còn sợ ai nữa. Đã đến lúc xung phong. Thuẫn tự khẳng định như vậy.
Thảm hoạ muốn đến thì nó sẽ đến. Nó xẩy ra ở hầm bên của lán làm việc trưởng ban quân sự. Đó là giai đoạn bản thành tích của con tôi được Thuẫn khen là sắp xong, cần thêm một tẹo nữa là hoàn chỉnh. Cái tẹo đó nó ra như thế đó. Con Linh nằm dưới, áo phanh ngực, quần tuột nửa chừng. Nó không chịu tuột hết, chừng nào kẻ trên nó không lột bỏ sạch. Nó nhăn mũi mà mặc cả như vậy. Thuẫn nổi cú. Thì tuột. Lúc này, anh ta còn biết sợ ai nữa. Cái lán của Thuẫn có phải ai muốn đến cũng được đâu. Thế mà chúng nó dám đến, cả một bầy con gái, có lẽ phải tới sáu bảy đứa. Thuẫn cứng cả hàm không kêu được một tiếng. Ngược lại, con Linh lại hét lên, hét cực to, tay quàng ra ôm cả đống quần áo mà chạy. Nó mất trí hay sao mà lại thế, áo quần nó vẫn dính trong người mà, còn cái đống trên tay là áo quần của Thuẫn. Nó không mất trí. Nó tỉnh như sáo. Con ơi là con, ai truyền cho con cái tỉnh táo sắc lạnh như dao thái vậy?
Xin lỗi, tôi không thể kể hơn thế được nữa. Phải nói ra chừng đó cũng đã cực bụng lắm rồi. Nhục nhã lắm rồi. Sau cái vụ động trời đó, con Linh tự tay ném bản thành tích xuống suối, lặng im trở về địa bàn. Nó không ra vui, không ra buồn, cũng không gặp ai cả. Còn Thuẫn thì thanh minh, kể lễ, đổ hết tội lỗi lên đầu cô du kích đĩ thoả ấy, mà rằng khôn ba năm dại một giờ, không chết vì bom đạn lại chết bởi chiếc kẹo cao su... Thường vụt tỉnh uỷ lúc đó cũng chẳng muốn làm to chuyện. Bí thư báo cáo riêng với Tư lệnh mặt trận, điều động Thuẫn lên ban tham mưu, lằng nhằng gì trên đó một thời gian, đến khi Quảng Trị hoàn toàn giải phóng thì được đưa đi điều dưỡng. Từ đó về sau, anh ta mất hút . Nhưng cái sự kiện động trời ấy vẫn ầm ĩ mãi ở những khóm rừng này.
Riêng con Linh, cũng chẳng có chuyện gì to tát xẩy ra. Chức vụ cũng không bị mất, đương nhiên con đường thăng tiến cũng tịt lối. Giải phóng Quảng Trị, nó xin trở về quê. Khi đó, Vĩnh Linh đã hoà bình, người ta đang củng cố lại các loại Hợp tác xã. Linh được giao làm chủ nhiệm một Hợp tác xã mua bán của xã.Đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, nó đã là chủ nhiệm Hợp tác xã mua bán toàn huyện, trong tay ngoài kho hàng phân phối, điều tiết cho các hợp tác xã ở xã, còn có một cửa hàng ăn uống, giải khát, một cửa hàng bán mua hỗn tạp cả phân bón, thuốc trừ sâu lẫn bông vải sợi, sách vở, xe đạp, đồng hồ, lại có thêm sáu buồng ngủ, mười hai giường tuy sơ sài nhưng lúc nào cũng kín khách. Lúc đó, Linh gọi mấy cái buồng cho thuê ngủ( mà thực chất là che chắn, cải tạo lại từ một nhà kho bỏ không lâu ngày ) là giải pháp tình thế, là thứ lấy ngắn nuôi dài, chứ nhiệm vụ cơ bản của chúng ta- tức là cái hợp tác xã mua bán ấy- phải hướng về bà con nông dân, là phương thức phân phối chủ nghĩa xã hội đến tay người lao động. Nó nghĩ thực bụng chứ không không phải nguỵ tạo. Bởi nó, hay ngay cả những lớp người như tôi, lúc đó chẳng ai lường nổi thời thế lại xoay chuyển kiểu như sau này. Linh không thể đoán trước được rằng, chính mấy cái buồng khách sơ sài ấy lại trở thành điểm xoáy của những con nước tụ dòng để chia ra, như thể ngã ba sông Sa Lung kia, ở đó, mỗi một sự lựa chọn tức thời sẽ dẫn một tay chèo rẽ qua hướng khác, một hướng đi không quay đầu trở lại. Nhưng mà, chuyện đó, thư thả tí nữa rồi hãy kể.
l
Bây giờ thì hãy điểm sơ lại một chút tình hình chung của vùng đất này sau tất cả những gì đã xẩy ra. Chiến tranh kết thúc. Cây rừng xơ xác, đất đai băm vằm. Người thì ở trong rừng ra, người ở chốn di tản tha hương trở về, lúc đầu thì hân hoan, náo nức cực độ, trống giông, cờ mở rợp trời, mét tin thôn, mét tin xã, mét tin huyện cứ ầm ầm như động biển. Rồi văn công thay nhau ca hát nhảy múa, thanh niên trong làng, trong xóm cũng nhảy múa ca hát. Ngây ngất như vậy hàng tháng trời. Thì rồi bụng đói, chao ôi là đói, không thể nào không nghĩa đến cái ăn. Thế nên buộc lòng phải cúi đầu nhìn xuống mặt đất. Cỏ lút bời bời và nham nhở mảnh bom đạn. Cỏ đương nhiên là không gặm được. Nhưng mảnh bom, mảnh đạn thì có thể lắm. Một đại chiến dịch thu quét mảnh bom. Đào ngay trong sân,đào ra ngoài ngõ, đào xới khắp làng, khắp đồng, cuốc tung các chi khu quân sự cũ, tháo dỡ hết các đường băng, các lô cốt, vẫn không đủ sống, lại từng đoàn hăm hở vào rừng, hì hục leo núi. Đường đi tìm phế liệu còn mòn nhẵn hơn cả đường giao liên thuở đánh giặc. Không có điểm cao nào mà không mò lên được, mà không bị cuốc xới băm vằm...
Công cuộc mưu sinh khốc liệt quá, nhọc nhằn quá, đôi khi ngỡ như còn gian nan khổ hạnh hơn cả thời đánh giặc. Thành ra, vô vàn những chuyện cũ, mà đâu phải là quá cũ, chỉ mới cách đó mấy năm thôi, người ta đã không còn nhớ lại nữa. Tất nhiên là nói những chuyện vặt vãnh, không đáng nhớ ví dụ như chuyện của Lương, của Li, hay cả của Đọt, của con Linh, cậu Thuẫn. Tất cả được quy vào loại chuyện vặt hết. Còn đại sự thì đương nhiên vẫn nhớ. Lịch sử với những chiến công hiển hách được nhắc lại oang oang trong các cuộc họp. Rất nhiều người được phong tặng anh hùng. Chiến công lẫy lừng của cả vùng đất này từng ngày, từng giờ vẫn được ca hát lên, ngâm thơ lên, có cả vè, tấu, diễn kịch nữa. Rồi con người, lớp lớp vẫn sinh ra, lớp lớp vẫn thay nhau lên mà trụ trì xã hội. Cậu du kích thuở nào, nay có thể là ông chủ tịch huyện, trưởng đầu ngành trên tỉnh. Đói kém không hề làm cho loài người thưa ra, ngược lại có vẻ như đông đúc thêm, chen lấn nhau còn quyết liệt hơn thuở trước.
Chỉ có điều, trong số đó, vắng bóng bọn người chúng tôi. Loại chết hẳn như tôi đã đành, loại còn sống như Lương, như Thuẫn, như con Linh, bỗng nhiên cũng mai danh, ẩn tích. Có vẻ như cuộc sống đã quên hết bọn này rồi, cả chuyện tốt, lẫn chuyện xấu, cả niềm vui, lẫn nỗi buồn. Những gì tôi kể lại từ đầu đến giờ xem ra quá nhỏ nhặt, thậm chí người ta còn ngờ ngợ không biết có hay không nhỉ ? Nếu không có cuộc hội ngộ ở cái phiên toà kinh thiên động địa ấy thì chắc chắn chẳng còn ai nhớ đến chúng tôi, và như thế chẳng có lý do gì để mấy cái chuyện vặt vãnh này lại được kể ra...
Người đời có thể quên mình. Nhưng sao bản thân mình lại có thể tự quên chính mình được. Thế mà, đồng chí Đọt của tôi lại có vẻ như đang sống trong cảm giác đó. Tám năm điều dưỡng sung sướng, đến mức khi được gọi lên thông báo trở về, mặt Đọt ngớ ra- Về hả ? Về đâu ? Đọt hỏi đồng chí thiếu tá trưởng trạm như vậy. Người trạm trưởng điều dưỡng còn ngạc nhiên hơn cả Đọt : - Hỏi hay nhỉ ? Bác từ nơi nào tới đây, thì trở về nơi đó chứ còn đâu nữa. Đọt chớp chớp mắt : - Tôi ở đâu tới đây hả ? ở một cái trạm kêu bằng trạm thu dung. Nhưng làm sao tôi biết đường về đó ? Trạm trưởng phá lên cười : - Lẩn thẩn rồi, cụ ơi, về trạm thu dung làm gì. Tôi nói về tức là mời cụ trở lại chiến trường xưa ? Đọt nổi cú :- Làm đếch gì còn chiến trường, chẳng phải giải phóng hoàn toàn miền Nam rồi sao ? Trạm trưởng nhăn nhó :- Khổ, hoá ra cụ cũng lý sự gớm. Thì là mảnh đất xưa vậy. Là nơi quê hương, bản quán, nơi ngài đã từng hoạt động ấy, được chưa ? Nói xong, thiếu tá trạm trưởng xỉa ra cho Đọt tờ giấy rồi đứng dậy bỏ đi. Cái anh này không tử tế bằng cái thằng trạm trưởng thu dung dạo nọ. Đọt thầm so sánh thế, mặc dù hắn đã tôn Đọt lên bậc bác, bậc cụ, rồi tôn cả lên làm ngài nữa... Đọt chợt giật mình. Chẳng lẽ mình đã già đến thế ư ? Năm nay, năm 1975, tháng bảy, Đọt mới chẵn tuổi bốn ba.
Quả thật, Đọt đã hơi lẩn thẩn mà không tự biết . Đáng ra vào đến Vĩnh Linh anh phải vào gặp Li ngay. Hoặc nếu thấy lấn cấn thế nào đó, anh phải tìm đến nạp giấy tờ ở cơ quan tổ chức đảng . Đằng này, Đọt lại lang thang. Trong chiếc gùi cũ rách , chỉ có hai cặp bánh chưng, qua Hà Tĩnh có mua thêm vài xấp bánh cu- đơ nữa, thế là nổi máu phiêu bạt giang hồ. Trước hết, Đọt tìm lên thăm cái nông trường cũ, thăm lại cái chuồng bò, cái nhà tập thể. Nhưng bò không còn, cái khu nhà cấp bốn ấy cũng đổ nát hết. Đọt gặp người này hỏi, người khác hỏi, phải đến gần chục người, chẳng ai biết anh là ai... Cực chẳng đã, ngủ nhờ lại một đêm trong nhà của một công nhân lâm trường, sáng hôm sau đạp tắt đường tìm về Vĩnh Sơn.
Vĩnh Sơn đối với Đọt lại càng xa lạ. Hồi xưa, thuở cái cách ruộng đất, anh chỉ công tác ở đây một thời gian ngắn, mà lại ở trong cái đội dân quân đặc biệt chuyên lùng sục Việt gian phản động, ai trông thấy cũng phát khiếp, nên chẳng ai dám gần. Bạn bè tâm đắc không có. Mấy đứa trong cái nhóm du kích đó, đứa thì chết, đứa thì trôi dạt đi muôn nơi. Có lẽ duy nhất có một nơi khiến Đọt lò dò tìm đến. Đấy là bến đò Hói Cụ.
Nước vẫn nước đó, bến vẫn bến xưa, nhưng không có đò, không có người. Cảnh vật cả hai bờ sông đều hoang lạnh. Đọt mệt mỏi, bó gối ngồi bên này sông, ngồi từ khoảng hai giờ chiều đến khi mặt trời gác cằm lên những chóp núi mờ xa. Có chi chỗ này mà nhớ. Đọt cũng tự thấy mơ hồ. Đường đời anh đi, dọc ngang có lẽ phải tới ngàn vạn cây số, bến đò nơi heo hút này anh chỉ qua lại có ba lần. Nhưng ba lần đó thật sự đặc biệt đối với anh. Lần đầu anh qua sông, để sau đó cuộc đời được tiếng là có vợ, có con. Lần nữa anh qua, để làm nên cái danh " gấu xám "vang dội núi rừng. Rồi lần cuối lại qua, để bước vào cõi phiêu diêu bồng bềnh nửa như thánh nhân, nửa là quỷ đói...
Bây giờ có nên qua nữa không, rồi sẽ thành cái gì ? Mẹ kiếp, chơi thì chơi luôn, sá chi đời. Thế là Đọt cởi áo quần ôm trên tay, nhắm mắt lội qua, anh dám đánh cược đoạn đời còn lại với cái bến đò phù thuỷ này.
Con đường giao liên cũ dẫn anh về với địa bàn xưa, nhưng sao khác lạ thế này. Cây trống hoắc, đồi núi trọc trọi,mấy con khe phơi thân ra giữa hoàng hôn non nó mới xác xơ, ảm đạm làm sao. Nếu đi đường sớm hơn, hẳn anh còn tạt ngang lội dọc, tìm vệ mấy khu căn cứ ! Nhưng sắp tối rồi, Đọt cũng biết sợ. Anh vội vã băng băng về hướng Quách Xá.
Đúng là vì trời tối anh mới dừng chân, mới ghé vào căn nhà này... Thật khó khăn cho Đọt khi đôi chân cứ bíu ríu nơi cửa ngõ. Trong nhà đỏ đèn, cửa khép hờ, nhưng tịnh không nghe có tiếng người rì rầm to nhỏ gì. Ừ, mà có ai để rì rầm kia chứ. Đâu có còn như thủa ấy, cả hai người khi đêm xuống lại thầm thì...
Có con chó con chồm ra sủa. Con chó bé tẹo, thân gầy, lông xơ xác, tiếng sủa ách ách nghe rất khó chịu. Đọt lẩm bẩm: đi nuôi cái thứ chó ghẻ ấy làm gì nhỉ? Nhưng nhờ có tiếng sủa khốn khổ của nó mà cánh cửa được xô ra, một thân người đen đen mờ mờ thấp thoáng phía sau cây đèn dầu đang di chuyển từ trong nhà ra ngoài hiên. Đến đó, ngọn đèn dừng lại. Đọt bước thêm vài bước nữa, cố nở một nụ cười. Cây đèn rung rung, lay lay, rồi tiếng kêu run lên:- Anh Đọt phải không, lạy Chúa tôi, sao lại đứng đó...
Tiếng gọi thân thiết quá khiến Đọt như chợt tỉnh lại sau một cơn mộng du. Anh giật mình nghĩ vội : " Sao Lương lại gọi mình bằng anh? "
Đọt đã vào ngay căn giữa ngôi nhà. Lương đặt vội đèn xuống, đưa hai tay lên vuốt khắp áo anh. Đọt phải nhắm mắt lại hồi lâu mới dám mở ra. Bây giờ thì đã nhìn rõ mọi thứ.
Anh không hề biết mình già, nên cảm nhận đầu tiên là người đồng chí cũ của anh già quá. Tóc thưa ra, vầng trán có vẻ cao hơn, gò má nhô lên trên khuôn mặt sạm đen và rất nhiều vết nhăn quanh hố mắt. Đặc biệt là hai hố mắt, sao lại sâu đến thế, nhìn vào đó anh thấy thăm thăm như đôi cánh cửa đi vào cõi âm . Đọt ngồi xuống rồi bất giác thở dài.
Lương hình như không quan tâm gì đến tiếng thở dài đó. Em hỏi dồn dập :
- Ăn uống gì chưa ? Chắc chứ hí ? Để em nấu cơm...
- Vẫn còn bánh chưng mà...
- Dào, cái của ấy nuốt răng vô... Tí tẹo là có cơm ngay. Mà này, anh từ đâu bỗng nhiên hiện ra thế ?
Đọt vẫn thực thà :
- Ở trong rừng mới lội sông qua ...
- Cái chi, trong rừng nào ?
- Thì trong chỗ căn cứ ấy...
Lương trố mắt ra nhìn :
- Này, anh làm sao thế ?
- Làm sao là làm sao ?
- Trời ơi, cứ kiếc gì bữa nay nữa, có mộng du không đấy hả ông chồng tội nghiệp của tôi ?
Đọt cũng ngẩn ra một tí rồi phì cười :
- Thì tôi đi thăm lại chỗ cũ không được sao...
Lương thở phào, khẽ lắc đầu rồi đi vội ra bếp. Đọt ngồi một mình bần thần ngắm lại căn nhà, đưa vội mắt liếc vào phía buồng ngủ, nơi anh đã từng làm chồng. Có cái gì đó rất lạ râm ran trong anh. Lương bước lên, ngồi sà xuống bên Đọt :
- Này, nhưng mà đang ở chỗ nào đi về đây ?
- À, đoàn an dưỡng quân khu.
- Sướng hí, trách gì trông béo hắn ra .
- Thiệt à ?
- Thiệt. Béo nhưng lại không trẻ...
Đọt xoa mặt, cười :
- Còn trẻ vào đâu được nữa.
Lương khẽ mím miệng , gần như cười :
- Anh mới bốn ba tuổi, đâu phải già. Lại còn được an dưỡng nữa, đáng ra ... Rồi đến lượt em thở dài, ngừng lặng.
Quả thật, nếu em không nhắc lại, cả lớp người như chúng tôi đã ngỡ mình quá già, đã đinh ninh rằng mình đã đi hết một đời người, sống vậy là quá đủ, quá bầm dập ê chế rồi, bây giờ may mắn còn sót lại thì chén rượu ngang mày, mơ màng nhìn thế sự. Em nhắc lại khiến tôi giật bắn mình. Họ còn trẻ, khoẻ lắm. Lương chẵn tuổi bốn lăm, Đọt bốn ba. Người ta gọi tuổi đó là hồi xuân đấy.
Bữa cơm đêm ấy, Lương dọn cho Đọt, tuy cũng đạm bạc thôi, nhưng mà thơm tho quá, nồng nàn quá. Đọt ăn rất lâu. Có bao giờ Đọt ăn cơm lâu như thế đâu, từ trước tới nay lúc nào cũng và và, húp húp, nhai ngấu nghiến, qua quýt, nuốt cái ực, thế là xong. Cái nết ăn của anh ấy vốn là thứ không thể yêu được.
Tất nhiên, chậm rãi mấy thì cuối cùng bữa ăn vẫn phải xong. Lương dọn bát đũa ra sau bếp. Còn Đọt ngồi uống nước. Dọn dẹp rồi cũng xong, uống nước cũng xong, họ bỗng ngồi đực ra như hai pho tượng. Có khi liếc nhìn nhau một cái rồi cùng phì cười. Thật cứ như con nít. Cuối cùng Đọt cựa quậy :
- Thôi, khuya rồi, có lẽ... tôi phải về...
Lương hơi chồm người tới :
- Về đâu ?
- Thì về... nhà...
- Nhà nào ?
- Thì, tức nhiên là nhà tôi....
Lương " à "lên một tiếng rồi trầm giọng xuống :
- Anh thích về ở với lão Rệ phải không ?
Đọt vẫn xoay xoay người chưa thể đứng lên được:
- Thì chị bảo... còn biết đi đâu. Dù sao đó cũng là nhà bố mẹ để lại...
Lương bỗng trở giọng :
- Phải. Của thừa tự, không hưởng cũng phí. Mấy lại, giọt máu đào hơn ao nước lã, không gì cũng là anh em.
Đọt quắc mắt lên :
- Chị chưởi tôi đó hả ?
- Tôi nói không đúng sao ?
- Đúng cái cục cứt. Tôi mà anh em với cái thằng mặt dẹp ấy à ? Cứ nom thấy là muốn đấm vào mặt .
- Thế sao cứ đòi về ?
- Thì nhà mình không về, biết đi đâu. Ra bụi à ?
Lương cúi thấp xuống, cổ họng khô lại, nói lí nhí :
- Chẳng phải đây cũng là nhà anh đó thôi...
- Nhưng mà... Mặt Đọt bỗng ngu ra, đỏ ửng- Dạo đó, bọn mình chỉ giả đò thôi, đúng không, chẳng lẽ làm thiệt ?
Lương ngẩng hẳn dậy, mặt cũng đỏ rần :
- Chẳng lẽ chưa từng làm thiệt ?
- Kìa, Lương...
- Là nói vậy, tuỳ anh thôi. Từng này tuổi rồi, có chi mà phải xấu hổ. Với làng với xóm, chúng mình đã là vợ chồng, danh chính ngôn thuận, có cưới hỏi hẳn hoi, đúng không ? Còn đối với bản thân, từ sau cái đêm đó, chẳng phải tôi đã là vợ thiệt của anh rồi sao ?
Đọt ngồi sững người. Mặt cứ ngu ra. Anh vẫn chưa đủ dũng cảm để thò tay ra cầm lấy đôi tay của Lương đang run run úp trên bàn, nhưng cũng không sao nhổ người lên để bước ra hiên. Đọt cảm thấy mình đuối lý. Mà tại sao lúc nào Lương cũng lý lẽ hơn anh. Từ ngày còn nhỏ cho đến tận tuổi xế chiều, đứng trước hai người đàn bà này, bao giờ anh cũng chịu lép vế.
Bây giờ cũng vậy. Đọt đành ngồi cúi đầu như một đứa học trò bị cô giáo quở phạt. Cô giáo không véo tai hoặc quát tháo mà chỉ lặng lẽ ra chốt cửa rồi quay vào bất ngờ thổi phụt ngọn đèn. Đọt bị trừng phạt trong bóng tối. Lương câm lặng bước vào buồng trong, thả mình xuống giường. Đọt vẫn kiên trì ngồi như vậy. Đôi mắt rồi cũng quen dần bóng tối. Anh chầm chậm tiến vào cái nơi anh từng nằm, hình như thuở ấy chưa lâu, hình như chỉ mới vài hôm trước đó, bởi lẽ anh đã cảm nhận được cái hơi nồng của một thân thể đã từng đốt cháy ruột gan anh.
l
Cô bé tiếp tân mới mười sáu tuổi chạy hớt hải từ phòng dưới lên gác, mặt tái mét. Cô xô cửa phòng Chủ nhiệm, miệng ríu lại :
- Em... em không phục... vụ được .
Linh nhíu mày:
- Có chuyện gì thế ?
- Chúng nó... toàn là.. đồ mất dạy cả...
- Là ai ?
- Khách ngủ... mấy thằng uống rượu.. rồi rồi...
Linh hiểu. Nó vằn mắt lên :- Thằng nào mà dám láo thế. Cô xuống đây với tôi chỉ mặt thằng nào ? Cô bé run hết cả tay chân :- Em sợ... em không xuống đâu... Linh hét to :- Tôi bảo cô xuống cơ mà ! Rồi nó hạ giọng, vỗ nhẹ vào vai con bé :- Đừng sợ, cứ đi với chị.
Cả hai đi gấp xuống cầu thang. Một tốp bốn thằng đàn ông đang ngồi quây tròn quanh một chai rượu chanh đã gần cạn. Khói thuốc mù mịt. Linh phẩy phẩy tay cố xua đi cái mùi thuốc sặc sụa. Nó nhíu mày nhìn. Một thằng to con, hơi lùn, bận loại áo ca ki nguỵ. Có lẽ thằng này chăng ? Bên cạnh là hai đứa măng tơ, mặt búng ra sữa. Đối diện với thằng to con là một gã, người cao nhưng gầy, tóc quăn, mặt nhiều mụn cá. Thằng này không còn trẻ, nhưng với vóc dáng như thằng nghiện ấy chắc chắn không phải là kẻ dám vuốt râu hùm. Linh nghiêng đầu qua con bé, hỏi thầm:- Thằng kia phải không? Con bé lám lét, thò ngón tay ra chỉ:- Không, thằng bên kia?- Hả? Cái thằng gầy như que sắn ấy à?- Dạ. Linh phì cười một cái rồi bước thẳng đến:
Này, mấy anh giai, anh nào có máu dê đấy, tự giác xem nào? Cả bọn quay lại. Mấy thằng đều tròn mắt lên. Xem ra bà chủ này còn ngon hơn cả cô phục vụ. Linh gật gật đầu, chân phải lùi lại một chút sẵn sàng cho một cú đá. Nhưng bất ngờ, cái thằng mặt mụn cá máu dê ấy vứt chiếc chén xuống, hét toáng lên:
- Chị Linh phải không? Đúng rồi ! Nữ chúa rừng xanh !
Cái danh hiệu đó làm cho cả bọn thất kinh. Mấy ánh mắt kia chợt cụp lại. Còn Linh thì kinh ngạc. Nó cố nhìn, cố nghĩ. Ừ, đúng rồi, quen quen lắm, mà là đứa nào nhỉ?
Tên mặt mụn đã xán đến sát trước mặt Linh, cười méo mó:
- Chị không nhớ ra em thiệt à? Mà phải rồi, hồi đó, mắt nữ chúa chỉ ngước lên tìm gấu xám chứ đâu thèm loại đệ tử em út này.
Linh chợt reo lên:
- Phúng phải không?
- Còn ai vào đây nữa. Quá khứ muôn năm!
Mấy thắng oắt con mặt búng ra sữa ấy, chẳng biết nếp tẻ gì cũng vung tay gào " quá khứ muôn năm".
Linh vẫn đứng, hai tay chống nạnh, cằm hơi vênh lên:
- Khoan đã, ngồi xuống chỗ kia... Tên mặt mụn có tên là Phúng vội vàng lùi lại, ngồi xuống một cách ngoan ngoãn- Việc gì ra việc đó, Linh dằn giọng, lúc nãy có phải anh định bờm xơm với con bé phải không?
Phúng gãi gãi trên gáy, miệng cười nhăm nhở:
- Thì chị tính... cũng cũng buồn tình... bấu bẹo tí cho vui thôi mà...
- Giỏi quá nhỉ! Buồn tình rồi kéo nhau ra đất này định chơi bài bụi đời phải không?
- Ấy ấy... chi Linh đứng hiểu nhầm. Bọn này tuyệt đối không... phải bụi đời... Bọn em là... dân làm ăn nghiêm chỉnh...
Cái thằng này cũng nói giật cục, chùm ba, nó là phiên bản của Thuẫn, hay là vì sống gần quá, lại tôn sùng nịnh bợ nữa nên nhiễm luôn cái tật ấy?
- Cái tướng các cậu thì... làm cái gì mà gọi là làm ăn nghiêm chỉnh.
- Ấy- Phúng đứng lên, lại xáp tới kéo tay Linh- Chị ngồi xuống đây, chính em cũng đang tìm hội, tìm thuyền đây. Chị ngồi đây, em thử bàn xem, biết đâu đây lại do trời sắp đặt.
Nghe nói cơ hội làm ăn, lập tức máu trong người Linh nóng lên. Tuy nhiên nó vẫn cảnh giác.
- Ngồi thì ngồi. Nhưng chị nói cho mà biết. Muốn phá phách thì đi tìm chốn khác, quậy ở đất này là lãnh đủ đấy.
Phúng nhăn nhó :
- Em biết rồi mà. Ai muốn vuốt râu hùm.
Phải thừa nhận là hắn nịnh giỏi. Linh cũng thấy nguôi nguôi. Thằng Phúng quờ tay lấy thêm một chén nữa đặt ra, rồi ngước mắt nhìn cô bé phục vụ đang đứng khép nép phía góc phòng:
- Này em gái, thứ nhất cho anh xin lỗi, phải nói là tạ lỗi nữa. Anh chỉ đùa tí cho vui thôi, không có ý xấu đâu, đúng không chị Linh ? Bọn anh đều là, những thằng lính cách mạng, từng vào sinh ra tử, đúng không chị ? Đã là lính cách mạng thì không thể nào có hành động xấu được, đúng không chị Linh ? Hơn nữa, chị Linh đây chẳng khác gì chị gái của anh. Từ nay, không những anh đối xử cực tốt với em mà hễ có đứa nào dám bờm xơm, anh sẽ cho nó lãnh đủ, đúng không chị ? Thế nhé, thứ hai, lấy cho anh chai nữa... mau lên.
Cô phục vụ sợ sệt đưa mắt nhìn Linh. Linh khẽ gật đầu. Con bé chạy lại quầy lấy chai rượu chanh đặt lên bàn rồi vội vàng biến khỏi phòng. Phúng hất đầu cho tên to con ngồi đối diện- Rót ra chú em, ta cụng với nữ chúa rừng xanh !
Tên to con rót rượu. Mắt hắn lừ lừ, không nói không rằng . Rồi chính hắn là kẻ nâng chén lên, một tay cầm chén, một tay đỡ phía dưới, giọng khê đặc :
- Chị cho phép em kính chị một ly. Danh tiếng chị, em biết từ lâu, hôm nay mới được diện kiến.
Linh nhăn mũi :
- Bốc phét thế. Chú mày thì làm sao mà biết chị từ lâu ?
Thằng mặt to hơi cúi xuống, tai, gáy, cổ đều đỏ lừ :
- Em tên là Thọ, bố em chính là Phan Cự, xã trưởng Cam Mỹ...
Linh tròn mắt lên : " à "một tiếng. Thằng mặt to có tên là Thọ vẫn tiếp tục : - Bố em chỉ sợ nhất là chị... Hồi đó, em còn bé chẳng biết gì. Nhưng cả nhà mỗi khi nhắc tên chị cứ như là gọi tên ông ba bị...
Linh mím chặt hai môi cố giữ khỏi phì ra tiếng cười. Nhưng rồi, không giữ được, Linh cười ré lên, ngửa cả người ra mà cười. Thằng Phúng thì gập bụng lại mà cười. Tiếng cười của hắn cứ ắc ắc như dê kêu.
Linh khua khua tay :
- Thôi, được rồi. Cứ coi là người quen cả. Mà này, bố em nay ra sao rồi.
Cái đầu to ấy vẫn không ngước lên :
- Đi cải tạo sáu tháng rồi về. Chị cũng biết, bố em không phải ác ôn mà.
- Chị biết.
- Giờ, ông ấy đang hăng hái xây dựng tập đoàn sản xuất.
- Tốt rồi...
Thằng Phúng lại đế vào :- Tốt rồi. Bây giờ là hoà hợp dân tộc cùng tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội mà , đúng không chị ?
Những chén rượu cứ dốc ngược lên rồi rập ràng đặt xuống. Những câu chuyện tuy lộn xộn nhưng cũng được Phúng đánh nhịp một cách rập ràng bằng cái chùm ba "đúng không chị ?". Chai rượu thứ hai gần cạn thì Phúng đột ngột tuyên bố :
- Thôi, tụi bay về buồng ngủ, sáng mai còn đi sớm ,để tao bàn với chị hai công chuyện làm ăn.
Cả bọn ngoan ngoãn đứng dậy, bước đi xiêu vẹo về phòng. Linh thầm nghĩ, kể ra cái thằng Phúng này cũng có bản lĩnh, chỉ huy được cả một nhóm bụi đời này đâu phải dễ.
- Chị Linh, chị có muốn làm ăn với tụi em không ?
- Làm gì ?
- Trầm.
- Cái gì ?
- Trầm, trầm hương ấy, chị có nghe nói đến không ?
Linh gật gật đầu :
- Có nghe, nhưng.... thú thực, mình chưa biết gì về nó cả.
Phúng lim dim đôi mắt, làm ra bộ cao thủ đích thực.
- Em chẳng dám chê chị chậm tiến , tại vì ngày ở rừng chị chỉ ham nổi danh nên không để ý đấy thôi. Trầm còn hơn cả vàng đấy. Mà là vàng lộ thiên chứ chẳng phải đào bới trong suối, trong đất gì đâu .
- Nó có ở đâu ?
- Ở trong cây Gió, chị có biết loại cây đó không, ở mấy khu căn cứ cũ của mình ối ra. Mà cây nào bị mảnh bom, mảnh pháo găm vào nhiều lại càng nhiều nhựa trầm. Đúng là lịch sử để lại cho tụi mình đấy.
Linh cũng đã nghe loáng thoáng về chuyện này, và cũng biết hiện nay lắm kẻ đang lao vào và phất lên cực kỳ nhanh chóng.
- Nhưng mình là con gái,lại đang là cán bộ nhà nước, cậu bảo bỏ đi làm trầm sao được.
Phúng lại ti hí mắt, cười nịnh :
- Ai mà nỡ bắt chị phải đi lội rừng. Cỡ của chị mà xuất chiêu rồi thì tụi em lấy gì ra mà ăn. Bọn em cần chị chính là cần cái tư cách nhà nước ấy đấy. Chị là chủ nhiệm một đơn vị buôn bán lớn của huyện, đúng không nào ? Bọn em có đi tìm trầm về được, chẳng nhẽ lại đi bán rao ở chợ...
Linh đã hiểu, nó gật gật đầu, nhưng lại nhíu mày:
- Chị hiểu rồi. Nhưng Hợp tác xã của chị không có chức năng xuất khẩu, mấy lại, nói thật, chị cũng chưa có chút manh mối bạn hàng nào về thứ đó cả.
Phúng vỗ đét lên đùi một cái :
- Cái đó thì chị yên chí. Em đã có đường dây tuyệt vời rồi. Chúng ta không cần xuất ngoại, chỉ xuất nội thôi cũng thừa ăn.
- Xuất nội ? Xuất đi đâu .
- Vũng tàu.
- Ai trong đó ?
Thằng Phúng rướn cổ lên định nói, nghĩ thế nào lại xẹp người xuống:
- Ai thì ai, quan trọng đếch gì, miễn là chịu ăn hàng mình là được. Linh vẫn cảnh giác :
- Em đã có đường dây chắc chắn thế, sao còn cần một người lơ mơ như chị...
- Khổ quá, nói rồi mà chị không hiểu. Là vì em không có tư cách pháp nhân. Em mà mang hàng đi tức là buôn lậu. Chị hiểu chưa ?
Linh bất ngờ chìa bàn tay ra, đôi mắt sáng quắc lên. Ngay lập tức, Phúng cũng xỉa tay ra, mắt tít lại. Chúng nó nắm rất chặt tay nhau. Tuổi trẻ quả thật là mau lẹ và cả tin.
l
Cả Đọt lẫn Lương đều tỉnh dậy rất sớm , họ thức giấc ngay từ tiếng gà gáy đầu. Nhưng cả hai vẫn nằm yên lặng, không cựa quậy, nhúc nhích. Ai cũng tự nhủ đừng làm mất giấc ngủ người khác. Họ nằm và tận hưởng phút giây yên bình, hạnh phúc và vô cùng thanh thản. Sự thanh thản gần như mãn nguyện của đôi khách lữ hành đã phải trải qua không biết bao nhiêu nhọc nhằn, bầm dập.
Không thể nói là tôi vui vì hạnh phúc của họ . Nhưng quả thật, tôi cũng chẳng hề buồn. Tôi thức trọn đêm bên họ, chứng kiến cả cuộc mây mưa đến đột ngột, nghe rành rọt từng hơi thở dồn của đàn ông, tiếng rên gần như tiếng khóc của đàn bà, lại ngắm nhìn họ ngủ, lúc đầu thì ôm quặp lấy nhau như sợ ai giằng mất, rồi khi tiếng ngáy khò khò của gã đàn ông vang lên, họ lập tức buông nhau ra,cùng lật ngửa người, xoạc chân, dang tay ngáng cả lên mặt nhau, gác cả lên đùi nhau mà ngủ.
Tôi đã không còn cái ham muốn dục vọng của người thường, cũng không còn cả cảm giác yêu đương, ghen tị, chỉ hơi mơ hồ một nỗi buồn, rằng không biết bạn bè tôi, những người thân yêu của tôi, trong những cơn đam mê như vậy, có còn chút tơ tưởng gì đến kẻ đã khuất bóng như tôi không ?
Cuối cùng thì người đàn bà cũng chủ động ngồi dậy, rất khe khẽ và ý tứ. Nhưng Lương chưa kịp đặt chân xuống đất thì Đọt cũng đã ngồi dựng dậy. Bên ngoài trời cũng đã lờ mờ sáng.
- Anh ngủ nữa đi, dậy làm gì cho sớm. Để em đi làm cơm...
- Này... có lẽ... tôi phải về...
Lương xoay hẳn lại :
- Về đâu ?
Đọt thở ra một tiếng :
- Cứ thử về dưới đó... coi thế nào...
Lương im lặng. Em định nổi cáu, nhưng nghĩ thế nào lại đổi giọng :
- Phải đấy. Về thì về luôn đi...
Từ giây phút đó cho đến khi Đọt ra khỏi nhà, họ ngậm tăm, không ai nói thêm câu gì nữa. Đọt lủi thủi bước ra khỏi nhà, cúi đầu đi như một kẻ ăn trộm. Cả cái làng Quách Xá vẫn chưa thức dậy, không một ai biết được sự có mặt của anh đêm qua ở đây.
Về đến Phước Tuyền thì đã hơn bảy giờ sáng. Nhà nào cũng đã đi ra đồng. Thế mà Rệ vẫn ngủ. Hắn nằm co quắp trên giường, chiếc chăn mỏng bị đạp xuống dưới chân, nhăn nhúm thành một đống. Đọt đảo mắt nhìn khắp nhà, nhìn ra sân, ra ngõ, không thấy chị dâu.
Đọt định đập Rệ dậy, nghĩ thế nào lại thôi. Anh vất gùi áo quần xuống ghế, ngồi xuống, với tay lắc lắc ấm nước. ấm rỗng không. Ngồi chừng năm phút, Đọt bỏ qua nhà thím Bướm.
Thím đang đứng ngay cạnh giếng nước, tay cầm rổ rau dền. Thím nhìn thấy Đọt, người sững ra, mồm há to nhưng không kêu được thành tiếng. Tay thím run run. Rổ rau rơi xuống nền giếng...
- Chú Đọt phải không ?
- Dạ phải, Thím ơi...
Anh chạy lại chụp lấy vai người cơ sở cũ, lay lay, rồi khóc. Tiếng khóc đàn ông cứ rít lên nghe như tiếng tre cứa vào nhau. Rồi cười. Thím Bướm nở nụ cười trước. Đọt cười theo. Những nụ cười mếu máo, dàn dụa nước mắt.
Thím túm tay Đọt dắt vào nhà. Tay thím luống cuống rót nước. Mới mấy năm mà trông thím già hẳn đi. Đọt lấy lại bình tĩnh, bắt đầu hỏi thăm những câu thông thường. Thím kể . Cô em gái trúng đạn pháo chết năm bảy hai, để lại bốn đứa con. Thằng đầu đi bộ đội địa phương cũng đã hy sinh. Thằng thứ hai bị bắt làm nghĩa quân, bị thương què chân, nay lê lết kiếm ăn ở đâu trong bến xe Đông Hà. Thằng thứ ba làm thợ nề, nay đây mai đó. Còn con út mới lấy chồng, có được đứa con gái lên bốn tuổi, hiện quẳng lại cho bà cô, theo chồng đi buôn trên Khe Sanh. Thím Bướm chép miệng, thiên hạ nói tam nam bất phú quả thiệt không sai. Đọt hỏi :- Rứa hiện thím vẫn ở một mình à ? Thím Bướm nói :- sao lại một mình, thì đã bảo là nuôi cháu gái mà, nó chạy lăng quăng đâu đó. Rồi thím lắc đầu : - Cái số tui thiệt giống như vịt nân ấp trứng ngỗng, nuôi em gái, rồi nuôi con gái cho nó, chừ lại đèo bồng cháu gái... Nhưng mà cũng là có phúc, không có nó thì buồn biết mấy...
Kể lể một lúc, chợt thím quay qua hỏi :
- Rứa chú hiện thời thế nào ?
- Dạ, cũng bình thường vậy thôi, thím.
- Bình thường là răng ? Nghe nói, có dạo cũng rắc rối thế nào đó phải không ?
- Ai nói với thím ?
- Mấy anh trên huyện.... Họ vẫn lui tới thăm tui mà. à, mà chú cũng béo...
Đọt mỉm cười :
- Thì an dưỡng liên tục mà thím.
Thím Bướm gật gù :
- Cái số chú thế mà lại hên, quá nhiều anh chết, tội thiệt.
" Cái số mình lại hên". Đọt rất muốn bật lên tiếng cười, nhưng cổ họng khô khốc. Anh cố tình hỏi qua chuyện khác.
- Này, cái lão Rệ nhà tôi... dạo này ra sao ?
Thím Bướm khẽ nhiú mày rồi cười phì.
- Kể chi xiết ông ấy. Đang hăng lắm.
- Hăng ? Nhưng mà hăng chuyện gì ?
- Tập đoàn, Hợp tác xã...
Đọt thật sự thấy khó hiểu, anh gặng hỏi :
- Nhưng mà, lão ấy lười chảy thây ra, chứ hăng hái làm ăn cái nỗi gì?
- Ai bảo hắn hăng làm ăn. Hăng nói, hăng đi lại lăng xăng, vận động người này, tuyên truyền người khác vào tập đoàn, vào hợp tác xã...
- Cha mẹ ơi, lão ta cũng được làm cán bộ à ?
Thím Bướm xì một tiếng to như đuổi gà :
- Cán bộ cán xạ gì cái thứ ấy. Có ai thèm để mắt đến. Chú còn lạ gì cốt cách của hắn, thời nào cũng lăng xăng, lúc nào cũng tự mình nống lên như là cán bộ gì đó quan trọng lắm...
Đọt bật cười, rồi gật đầu :
- Lạ thiệt, nó vẫn thế, không khác chút nào...
Vừa lúc đó, đã thấy Rệ đạp vườn đi qua. Chân chưa bước vào đã nghe cái mồm lè nhè, nhão nhoẹt :
- Có phải chú Đọt về không ? Đúng rồi. Tao nhìn cái gùi vất giữa bàn là biết ngay mà...
Thím Bướm đế luôn :
- Chắc là lục lọi, tìm kiếm có thứ chi hay hay trong nớ để xin.
Rệ tuyệt nhiên không giận, ngược lại còn cười hề hề:
- Cả đời chị lúc nào cũng nhắm mục tiêu vào tôi để đả kích. Nhưng Rệ này không ngán đâu.
- Tui nói thiệt tình chứ ai dám đả kích chú. Chú không lục lọi, sao biết gùi của chú Đọt ?
- Là vì gùi kháng chiến. Người kháng chiến thì thoáng nhìn thấy gùi kháng chiến là nhận ra nhau ngay, chị bảo có đúng không?
Thím Bướm gật gật đầu:
- À, thì ra chú là người kháng chiến đấy, thế mà tui không biết....
Đọt muốn cắt ngang câu chuyện này, hỏi xen vào.
- Này, chị đâu?
Rệ rướn mắt lên, ra dáng ngạc nhiên.
- Chị nào?
- Thì chị Hoa chứ còn chị nào?
- À....thì ra chú vẫn nhớ bà chị dâu của chú. Muốn tìm thì về dưới chợ phiên mà tìm....Không hiểu à, tao bảo cút từ lâu rồi, cái thứ bò nân ấy nuôi mà làm gì.
Thím Bướm quắc mắt, đứng lên:
- Này, tui nói cho chú biết, chú mà còn ăn nói về phụ nữ như thế, tui cho mời chủ tịch xã với hội phụ nữ đến đây cho chú biết tay.
Rệ lắc lư người như kẻ say:
- Ai chà, bảo vệ quyền lợi phụ nữ đấy. Thì đàn bà không biết đẻ đái, không kêu bằng nân thì kêu bằng gì?
Đọt nổi cú, đập tay xuống bàn:
- Anh im mồm đi!
Rệ rướn cả người tới, giọng chanh chua hơn cả đàn bà ghen:
- Giỏi nhỉ. Mày định giở móng gấu xám ra cào vào anh ruột mày chắc? Đạo đức cách mạng ghê nhỉ. Mà mày đâu còn là người cách mạng. Mày đã bị cách mạng giam tù năm sáu năm nay, còn chưa ngán à, mày tưởng tao không biết gì sao?
Máu dồn ứ lên mặt Đọt, môi anh giật giật như sắp lên cơn động kinh, bàn tay phải nắm chặt. Nếu không có hai tay thím Bướm kéo ghì lại, chắc chắn một quả đấm như trời giáng đã bổ thẳng vào mặt Rệ.
Cái mặt hắn cứ vênh lên, rồi dáng hắn lại xiêu xiêu ra sân, đổ về phía ngôi nhà xác xơ của hắn. Đọt ngồi phịch xuống ghế, nỗi uất nghẹn chẹn cứng nơi cuống họng. Thím Bướm chép miệng:
- Chú coi, cứ phải làm hàng xóm láng giềng với cái thứ đó, chịu sao nổi.
Đọt trợn mắt lên:
- Tại sao chính quyền không bắt hắn đi cải tạo?
- Có gọi đi một tuần. Xét cho cùng hắn cũng chưa gây nghiệp ác gì....
- Còn không à?
- Thế chú bảo tội gì, tội lăng quăng, tí tởn à? Không đáng tù. Chỉ đáng ghét thôi. Mà cả làng đều ghét, cho nên chú cũng chẳng hơi đâu mà bực bội cho mệt xác-Ngừng một lúc, thím lại hỏi-Chú có ý định gì chưa?
Đọt mệt mỏi quay lại:
- Ý định gì ạ?
- Thì ....công việc đó....Chú định sẽ làm gì?
- Tôi cũng chưa biết.
- Thế chú đã báo cáo chính quyền chưa?
- Tôi định chiều nay lên huyện...
- Sao lại chiều nay? Đi sao kịp?
Đọt nhìn thím Bướm, có vẻ không hiểu:
- Thím bảo làm sao lại đi không kịp ? Đây lên đó mấy sải....
Thím nhìn Đọt rồi chợt "à" lên một tiếng:
- Đúng là chú chưa biết rồi....An dưỡng ở đâu về?
- Nghệ An.
- Vừa về xong?
- Dạ
- Thế thì đúng rồi, thật cứ như là âm phủ chui lên. Để tôi bảo cho mà biết. Huyện lị bữa nay ở ngoài Hồ Xá, Vĩnh Linh kia....
Đọt ngớ ra:
- Là làm sao?
- Là nhập huyện, Cam-Gio-Vĩnh là một, kêu bằng huyện Bến Hải...
Đọt kêu lên:
- Trời đất ơi làm thế để làm gì?
- Đúng là người âm. Tất cả đều nhập, làm ăn lớn, chú hiểu chưa?
l
Người cán bộ tổ chức huyện uỷ lật đi lật lại tờ giấy giới thiệu của Đọt, khẽ nhíu mày đắn đo một chút rồi hỏi:
- Tôi sẽ báo cáo trường hợp của đồng chí với Thường vụ huyện uỷ , có điều, xin đồng chí phát biểu nguyện vọng của cá nhân?
- Nguyện vọng? Tôi chỉ muốn làm việc, thế thôi.
- Việc gì cũng được ?....
- Tất nhiên.
Người cán bộ tổ chức gật mạnh đầu một cái, tựa hẳn lưng ra phía sau ghế, nói dõng dạc:
- Tốt lắm. Tôi không đủ tư cách để phân công công tác cho đồng chí, mọi việc sẽ do thường vụ chỉ đạo và quyết định. Có điều, ý kiến cá nhân của tôi xin tham mưu thế này. Đồng chí không có một bằng cấp, học vấn cũng như nghề nghiệp chuyên sâu gì cả. ở hồ sơ của đồng chí, có ghi quá trình công tác chỉ làm có hai công việc. Đánh giặc, làm công nhân nông trường, rồi quay lại đánh giặc, đúng không nào?
Đọt gật đầu xác nhận:
- Đúng thế...Còn có thêm việc ở tù nữa....
Người cán bộ cười rất tươi:
- Phải phải. Nhưng bây giờ hết giặc rồi, không có chi để đánh. Cũng không ai bắt tù đồng chí nữa, cũng thất nghiệp nốt. Chỉ còn có nông trường là đang mở ra, rất nhiều. ở ngoài này, có đến hai nông trường. ở trong quê đồng chí cũng đang thành lập một nông trường mới, đồ sộ lắm....
Đọt chồm người lên:
- Tức là, đồng chí bảo tôi lại về làm nông trường?
- Chết chết, tôi nói rồi, tôi chỉ tham mưu để đồng chí lựa chọn thôi, chứ cái thằng như tôi quyền hành gì mà bảo đồng chí được. Thế nhé, đồng chí cứ về suy nghĩ cho kỹ...Khi nào có ý kiến Thường vụ, tôi sẽ nhắn...
Nói rồi, anh ta gấp mấy thứ giấy tờ bỏ vào cặp, sau đó đứng lên. Đọt vội vã chồm lên:
- Khoan khoan...cho tôi hỏi thăm một chút. Cô Li...à, chị Li ấy, bây giờ công tác ở đâu?
Người cán bộ tổ chức khoát rộng vòng tay:
- To rồi. Đồng chí Li nay là Tỉnh uỷ viên, phó chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra Tỉnh uỷ.
- Nhưng mà tôi hỏi đang ở đâu?
Anh cán bộ mở tròn mắt:
- Hỏi hay nhỉ ? Thì ở Huế chứ còn ở đâu.
Sự thể là như thế. Chẳng ai có lỗi trong chuyện này. Loại người trơ như đá, lì như đất, cuối cùng cũng tin rằng, cuộc đời vẫn có cái gọi là số phận. Nhưng số phận hẳn phải có ngàn vạn lối đi, sao lại cứ trói buộc cái thân Đọt với đàn bò. Cứ đàn bò sau lại lớn hơn, đông hơn đàn trước. Nông trường Tân Lâm đã giao cho anh một đàn gần bốn mươi con, cả đực, cả nái, cả bê con...Quả là một nông trường mới thành lập và đồ sộ, chiếm ngự một vùng đồi núi mênh mông, chỉ riêng bò cũng phải đến chục đàn, trại bò đứng san sát liền nhau, cứ sáng ra, chiều về, tiếng mõ bò rền vang, rộn rã....
Cũng phải nói lại cho nó thật công bằng một chút, cái buổi sáng đầu tiên khi Đọt đến trình diện ở nông trường, chị trưởng phòng Tổ chức và lao động đã tiếp đón niềm nở. Đọt thầm so sánh chị này hơn hẳn nhiều phương diện so với cái cậu cán bộ tổ chức huyện. Lớn tuổi hơn, chững chạc hơn, mà lại niềm nở vui vẻ hơn. Chị ta đã đặt ra trước mặt Đọt năm ba phương án chứ không phải là một nẻo duy nhất. Phân xưởng chế biến tinh bột sắn thiếu phân xưởng phó là một; tổ kỹ thuật ươm giống cây trồng chưa có tổ trưởng, là hai; phòng kế hoạch tài chính thiếu một kế toán là ba; gì gì đó nữa là bốn; và đội phát triển chăn nuôi thiếu đội trưởng là năm....Nếu bạn là Đọt, bạn thấy mình phù hợp với chức vụ nào? Biết gì máy móc mà xông vào phân xưởng chế biến, học hành khi nào mà dám nghĩ tới kỹ thuật giống cây trồng, còn kế toán lại càng i-tờ-rít. Thế nên Đọt chọn cái chức đội trưởng đội phát triển chăn nuôi là vô cùng hợp lý. Ngay lúc ấy, anh cũng không nghĩ ra rằng, thực chất cái chức đội trưởng ấy chỉ là cai quản cả một tốp chăn bò, và tự mình cũng phải ôm một đàn gần bốn mươi con.
Thì thôi, cũng chẳng sao, chăn bò cũng chẳng chết ai, thậm chí so với mấy thằng đã chết ngoẻo củ từ thì mình còn hạnh phúc chán. Đọt thở hắt một cái rồi gật đầu tự an uỉ như vậy. Đồi núi mênh mông, gió thổi bạt ngàn, tiếng mõ đủ mọi cỡ cứ rền vang như hoà âm. Bài ca lao động mãi mãi là bài ca vinh quang, cứ coi như số phận mình đã an bài theo cách đó...
Đọt không thể lường trước được rằng, số phận anh chưa an bài theo cách đó. Cũng như chuyện kể về Tôn Ngộ Không đi lấy kinh, kiếp nạn cuối cùng chưa qua thì chưa thể đắc đạo được. Anh chỉ mới tạm yên ổn thêm đựoc năm năm, chưa bằng cái nhiệm kỳ anh được thảnh thơi vỗ béo tại khu an dưỡng trước đó. Ấy là mùa hè 1980, thằng Đình con trai anh tròn hai mươi bốn tuổi, vừa tốt nghiệp đại học an ninh vào loại khá xin về công tác tại công an tỉnh. Nó không biết một chút tin tức gì của anh. Nó vừa về, người ta đã giao ngay cho một nhiệm vụ, coi như là thử việc. Có một lá đơn tố giác: đội trưởng đội chăn nuôi nông trường, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, bày mưu giết bê bán lấy tiền và cùng tổ chức ăn uống nhậu nhoẹt. Đình lập tức hăng hái lên đường ngay.
Thật tội nghiệp cho nó, một đứa con ngoan, thực thà chân chất, một học sinh tương đối thông minh, một chiến sĩ trẻ đầy triển vọng lại khởi nghiệp bằng một vụ điều tra mà đối tượng án lại chính là bố đẻ của mình. Tất nhiên lúc đầu nó không biét đối tượng là bố, cơ quan công an tỉnh cũng không biết, với lại vụ án này thuộc loại thông thường chẳng có gì đặc biệt, nên người ta cũng có phần qua loa...
Đình gặp bố trong tình cảnh như vậy. Nó ngẩn cả người ra. Đọt thì không biết chuyện gì, lúc đầu còn không nhận ra cậu thanh niên mặc áo sơ mi màu rêu nhạt kìa là con của mình nữa. Tuy nhiên, máu mủ là máu mủ, có đem thui cho biến dạng cũng vẫn nhận ra nhau. Thế là họ ôm nhau, cả hai đều run rẩy. Thời kỳ này, Đọt đã dựng được túp lều riêng dưới chân một ngọn đồi. Ngoài việc chung là chăn bò, anh còn tranh thủ khai hoang trồng thêm hơn mẫu sắn. Sỡ dĩ có chuyện đầu tư trồng sắn là vì tin tưởng vào cái phân xưởng chế biến tinh bột của nông trường. Nhưng đến năm ngoái người ta đã dẹp nó. Thành ra, sắn của anh ế ẩm, cứ vụ đến là về gọi người dưới làng lên vừa bán vừa cho.
Đó là chuyện đầu tiên Đọt kể cho đứa con trai nghe, khi đêm xuống, hai bố con vừa nướng sắn trong bếp vừa rầm rì hàn huyên. Từ chuyện trồng sắn, qua chuyện nuôi bò, rồi từ đàn bò này lại bắc cầu về mấy dàn bò năm xửa năm xưa, khi con mới lên hai, lên ba, bố bị quy sai là phản động, rồi sửa sai cho về nông trường... Đình nghe lạ quá. Những chuyện ghê gớm của bố, của mẹ như vậy mà chưa bao giờ nghe mẹ kể. Thế là nó hỏi. Nó hỏi thì Đọt lại nói. Chưa bao giờ anh có dịp kể chuyện dài như thế. Cả một dặm đường trần ai, phiêu dạt, Đọt chẳng quên được đận nào... Như vậy là đã chẵn mười năm rồi, năm năm an dưỡng, năm năm chăn bò, anh chưa hề dốc bầu tâm sự với ai, ngỡ như anh cố tích tụ, để dành, tất cả như là vốn liếng gom góp được trút hết cho con.
Chàng trai hai mươi bốn tuổi ngồi im bên bếp lửa đã tàn. Càng về cuối câu chuyện, Đình không hỏi chen vào nữa. Kể cả khi bố nó đã hết kể, nó vẫn không nói gì. Cho đến khi Đọt tuyên bố đi ngủ, nó mới đột ngột hỏi:
- Tại sao đời bố lại có quá nhiều đận oan trái thế?
Đọt ngẩn ra một tí rồi phì cưòi:
- Bắc thang lên mà hỏi ông trời. Có lẽ định mệnh của bố như vậy. Thôi ngủ đi con...
Nhưng Đình vãn không nhúc nhích. Có nên tin vào định mệnh không? Nghe có vẻ duy tâm quá. Nhưng là duy vật thì tại sao những oan khuất của bố lại cứ lặp đi lặp lại như vậy, và bây giờ, trong vụ án giết bê này, liệu hạn cũ có lặp lại không?
Đình gọi giật bố:
- Bố ơi, khoan ngủ đã. Con muốn hỏi thêm chuyện này...
- Thôi, ngủ đi. Mai muốn nghe tao sẽ kể tiếp cho cả ngày...
- Không , con cần hỏi bây giờ. Chuyện mới của bố đáy...
Đọt hơi ngạc nhiên. Anh tần ngần đi lại và ngồi xuống.
- Có chuyện gì vậy?
Đình xoay người lại, nhìn thẳng vào bố:
- Con hỏi, nhưng bố phải đảm bảo là nói thực với con...
- Cái thằng, tao sợ mày hay sao mà lại nói không thật.
- Được rồi, con biết là bố chưa hề biết sợ ai. Thế này nhé, cách đây gần một tháng, ngày hai mươi sáu tháng sáu, vào buổi tối, cả đội chăn nuôi của bố có tổ chức ăn uống, nhậu nhoẹt gì ở chân đồi này không?
Đọt nhíu mày:
- Này, mày là cái gì thế, tại sao...
- Thì bố cứ nói xem đã.
Đọt tặc lưỡi:
- Làm sao tao lại nhớ được ngày nào là hăm sáu, tháng sáu... Lại còn ăn uống nhậu nhoẹt?... À, nhớ rồi, đúng là khoảng trên dưới một tháng gì đó, chúng nó bắn được con nây, có gọi tao uống rượu...
- Con nây là con gì? Mà chúng nó là những ai?
- Cái thằng. Dân ở đâu mà không biết con nây. Nây tức là nai đó. Nghe nói thằng Chọ bắt được, cả năm bảy đứa gì đó trong đội, tao cũng chẳng nhớ nổi.
- Chọ là ai?
- Nó là đội phó. Mà hỏi làm gì, cái thằng ấy ba bớp lắm.
- Ba bớp là làm sao?
Đọt quắc mắt lên:
- Làm gì mà mày cứ hỏi như hỏi cung vậy?
Đình nhăn nhó:
- Khổ quá, thì bố cứ trả lời cho con đã.
- Cái thằng ấy là con của lão Trại.Thằng cha Trại trước đây làm trưởng thôn của Ngụy, chính tao bắt lên rừng đấy. Tất nhiên đó là việc của cha nó, mình bữa nay hoà hợp rồi, chẳng định kiến làm gì. Nhưng thằng này ba bớp lắm, hay rủ rê mấy bọn trong xóm gần đây nhậu nhoẹt, quậy phá. Tao đã trị cho mấy lần...
Đình cắn cắn vào môi, nhìn bố lắc đầu :
- Bố đã biết anh ta ba bớp sao nghe nó gọi nhậu mà cũng theo ?
Đọt kêu lên :
- Trời đất ơi, ba bớp là ba bớp, còn anh em trong đội vẫn là anh em chứ. Mày quên rằng tao là đội trưởng, nó là đội phó. Trưởng phó mà cứ quay mặt, sấp lưng thì sẽ sinh ra mất đoàn kết nội bộ, rồi mình lại còn mang tiếng không vui vẻ hoà đồng với quần chúng nữa...
- Thôi được rồi, được rồi. Cho con hỏi thêm tí nữa. Lúc đó bố tới ăn, bố thấy có đúng thịt nai không ?
- Thì thịt nai chứ còn thịt gì ?
- Sao bố biết.
- Thì chính chúng nó nói.
- Nhưng chẳng lẽ bố không thấy mùi vị gì khác à ?
Đọt lại la làng lên :
- Cha mẹ ơi, mày hỏi kiểu chi kỳ quặc rứa hả ? Nó bảo thịt nây là thịt nây, chứ cả đời tao được ăn thú rừng bao giờ đâu mà phân với biệt ?
Đình vẫn tỏ ra rất kiên nhẫn :
- Con hiểu rồi. Thế... bố đã được ăn thịt bê thui bao giờ chưa ?
- Chưa. Làm đếch gì có mà ăn ...
Đình lắc lắc đầu, chép miệng :- Thật khổ cho bố quá. Con hỏi thêm một câu nữa thôi nhé, ngoài lần đó ra, chúng nó có gọi bố ăn bữa thịt nào nữa không ?
Đọt chồm mặt tới sát mặt con, nhìn chằm chằm :
- Này, sao mày cứ hỏi như công an điều tra vậy ?
Đình nín lặng một tí, rồi gật :
- Bố nói đúng đấy. Con là công an điều tra.
Đọt lùi người lại, đôi môi giật giật :
- Mi... mi điều tra tao ?
- Bố bình tĩnh đã. Có một lá đơn tố giác bố đã chủ trương giết bê bán lấy tiền và tổ chức cho cả đội ăn nhậu...
- Đù mạ thằng mô... Đọt vừa buột mồm chưởi, lập tức nín lặng ngay. Với bản lĩnh một người từng trãi, lại đã kinh qua quá nhiều hiểm hoạ, anh chợt nhận ra ngay mối hiểm nguy. Giọng Đọt nhỏ lại một cách bất ngờ- Tao biết rồi... chính hắn .
-Ý bố nói là thằng Chọ ?
- Chính hắn. Mà không phải một lần. Tháng trước nữa, nó cũng gọi tao uống rượu với thịt mang. Có một lần nữa là thịt chồn. Thật khốn nạn, tao cứ tợp rượu vào thì thịt nào chẳng giống thịt nào... Tao... tao sẽ giết nó...
Đọt nhỗm người dậy, có vẻ như muốn lao ngay đi tìm thằng Chọ. Đình kéo ghì tay bố xuống, giọng anh cáu kỉnh :
- Bố định làm trò gì thế ? Muốn gây án mạng à ?
Đọt quay lại nhìn con :
- Bây giờ phải làm thế nào ?
Đình khẽ mỉm cười. Nụ cười của nó mới đáng tin cậy và dễ thương làm sao :
- Bố yên chí đi. Lần này đã có con. Nếu thật bố không làm gì thì đố thằng nào vu oan giá hoạ được đâu.
Đột nhiên nước mắt Đọt ứa ra. Lần đầu tiên trong đời, có một lời nói như vậy đối với anh, mà lại chính là lời của đứa con trai anh . Đọt thầm thì :
- Bố không làm gì hết. Nếu có, suốt đời bố sẽ không dám nhìn mặt con đâu...
- Con tin bố. Có điều, vì bố là bố đẻ con nên vụ này con không trực tiếp làm được. Con sẽ quay về báo cáo lại với trưởng phòng của con.
- Nhưng mà liệu người khác về đây, họ có...có khách quan không ?
Đình lại mỉm cười :
- Sao bố lại mất lòng tin thế. Cuộc sống không đến mức bi quan vậy đâu...
Quả thật, cuộc sống không phải chỗ nào cũng tối tăm, bế tắc. Vụ án giết bê chỉ sau hai chục ngày điều tra đã được sáng tỏ. Chính kẻ viết đơn tố giác đã bị khởi tố. Chọ bị kết án mười lăm tháng tù. Cho hưởng án treo với hai tội danh : trộm cắp tài sản và vu khống. Gia đình hắn còn phải bán nhà để lấy tiền đền bù lại cho nông trường.
Đọt thấy hả dạ, nhưng cũng chẳng vui hơn chút nào, bởi có đến sáu người trong đội bị kỷ luật khiển trách. Riêng đội trưởng bị cảnh cáo vì đã buông lõng quản lý, thiếu trách nhiệm, gây hậu quả tương đối nghiêm trọng. Đúng là chồn chết, chó cũng lè lưỡi, ngạn ngữ nói không sai. Nản chí quá, Đọt làm đơn nghỉ hưu. Nông trường chấp nhận ngay cho nghỉ, nhưng không được hưu vì mới có năm năm rưỡi công tác. Việc trước đó không thuộc trách nhiệm của nông trường. Cáu tiết, Đọt bỏ luôn việc, về làng, lại sĩ diện nên qua bên kia sông, chọn một đồi rộng, dựng lại một túp lều. Anh thề độc rằng, từ nay ỉa vào người đời, ỉa vào thế sự, không thèm nhìn mặt ai.
Nhưng lúc này, anh còn có đứa con trai. Anh không thể muốn làm gì cũng được . Thằng Đình không cho Đọt ở biệt lập như thế, buộc phải về làng. Đọt trợn mắt hét :- Mi cứ ép tao thì tao từ cả mi luôn ! Nhưng thằng Đình là đứa rất có bản lĩnh, nó cũng ương bướng không thua gì bố nó. Đình lập tức cất công đi tìm những người khác trong gia đình. Nhờ có nó, đứa con út tận hiếu đó mà lần đầu tiên sau nhiều năm, những người có mối quan hệ xưa bắt buộc phải chạm mặt. Nói là bắt buộc vì ngay bản thân mẹ nó, lúc đầu không chịu đi, thằng Đình doạ sẽ lên cầu cứu bí thư Tỉnh uỷ, Li mới trợn mắt chưởi một câu rồi đành chấp nhận lên đường. Riêng Linh thì tỏ ra nhiệt thành hơn. Nó chụp lấy đôi vai của Đình lắc lắc, đôi mắt nó sáng quắc, giọng nói đầy chất chị cả :
- Cậu được lắm.
Không thể nói là Đọt không bàng hoàng và cảm động. Ở cái tuổi gần già người ta thật sự thấy cần nhau. Trong buổi họp mặt đó, Đình, đứa con út đầy bản lĩnh ấy đã đưa ra ba quyết định trọng đại. Một là mẹ Li phải giúp bố giải quyết chế độ chính sách, tệ ra cũng phải có lương hưu. Không lẽ nào một cán bộ hoạt động kháng chiến gần hết đời người như vậy mà giờ đây chịu về tay trắng. Hai là, chị Linh phải cố gắng hỗ trợ thêm một phần để bố làm lại túp lều khác. Ba là, bố phải về làng. Mọi người đều gật đầu tán thành trong sự cảm động. Riêng Đọt vẫn có chút ngoan cố- Tao không muốn ở trong làng. Đình nói luôn:- Không ở trong thì ở ngoài, cạnh rìa làng. Đọt lại nói:- Tao vẫn nuôi bò! Đình lại nói:- Kệ bố, muốn nuôi gì thì nuôi. Đọt lại gân cổ lên:- Nhưng mà... Li không chịu nổi, quắc đôi mắt quyền lực lên:
- Này, sao anh cứ ngoan cố thế? Chưa già mà đã chướng...
Đọt quay lại:
- Cái gì?... Tôi mà chưa gọi là già à?
Linh chớp lấy thời cơ, cao giọng:
- Chưa đâu. Bố vẫn còn trẻ, đẹp trai, nhiều sức lực lắm, phải thế không mẹ?
Li xô nó ra quýt dài:
- Cái giống mi, chỉ được có thế...
Vậy là vui vẻ trở lại. Nghị quyết được thông qua nhanh.
Đăng ngày 14/01/2008