Saturday, October 3, 2015

Bến đò xưa lặng lẽ - Chương 15


Tác giả: Xuân Đức

CHƯƠNG 15 


Khi ngôi nhà mới của Đọt vừa dựng xong, Li có ra thăm lại một lần. Chị mang theo rất nhiều thứ. Chiếc chăn Cô- Tô màu hồng, cái màn tuynh mới, chồng bát, đĩa, một bó đũa sơn nâu đóng hộp mua từ trong chợ Đông Ba. Ngoài ra còn túi mì chính, một chiếc xô nhựa, hai chục quả trứng gà và một ít trái cây...
Đó là một buổi chiều đầu mùa thu năm 1980.

Lúc ấy con người Đọt thật lạ lùng, không ra chất đàn ông, lại không ra dáng một đức ông chồng, cứ luống ca luống cuống, cứ lật đà lật đật... Đọt đòi đi thổi cơm, Li gạt đi, bảo rằng phải về ngay tối nay còn dự một buổi lễ gì đó, hình như là một hoạt động mừng Quốc Khánh mồng 2 tháng 9.

Họ cùng ngồi xuống hai chiếc ghế ở hai bên của một một cái bàn, gần giống như ngồi họp, chỉ khác là không quay mặt vào nhau mà cả hai cùng nghiêng người nhìn ra sân. Sân đang là một bãi cỏ. Bãi cỏ nối liền với trảng rộng bụi bờ lúp xúp. Đọt e hèm một cái rồi lên tiếng trước:

- Tôi định mua cặp gà về nuôi, cho nó đẻ trứng.....

- Ừ...Bữa nay nghe nói có loại gà tây đẻ trứng to lắm....

- Nhưng mà thịt chán chết, lại hay bệnh. Nuôi gà ri cho chắc ăn....

- Ừ....

Đọt lại loay hoay, cựa quậy:

- Nếu có cặp ngỗng thì tốt. ở đây nhiều cỏ....tha hồ cho nó ăn...

- Nuôi cái đồ quỷ dữ ấy trong nhà thì còn mong trồng trọt cái gì được...

- Cũng phải. Hay là....

Có lẽ không thể để tình trạng cò cưa thế này kéo dài thêm được nữa, Li đã chủ động xoay người lại:

- Đồng chí Đọt này...Việc chế độ chính sách ấy...tôi đã cố gắng. Nói chung cũng thuận lợi. Có lẽ tháng sau, hoặc cùng lắm là tháng sau nữa, người ta sẽ giải quyết.

- Thế à, cảm ơn....

- Còn việc ăn ở chỗ này, theo tôi như vậy là tạm ổn....

- Vâng....rất ổn.

- Theo tôi...dù sao đồng chí cũng cần rút kinh nghiệm trong cách sống, cách quan hệ của mình....vấn đề là, mình sống tốt không chưa đủ, phải để mọi người hiểu được cái tốt của mình....

- Có lẽ...đúng thế...

- Vấn đề cuối cùng, tôi muốn trao đổi- Giọng Li bé hẳn lại-chính là chuyện của chúng ta....Có lẽ, chính đồng chí cũng đã tự thấy, chúng ta sự thực...chỉ có thể quan hệ đồng chí, đồng đội, hoặc là bạn bè....Đã đến lúc cả hai đứa mình nên nhìn thẳng vào sự thật đó, cũng đừng nên ràng buộc nhau nữa....Không biết tôi nói vậy, Đọt có hiểu cho tôi không?

Có một khoảng im lặng đến nghẹt thở. Đọt nhìn trân trân vào khoảng không trước mặt. Hình như mọi thứ đều nhoà đi, mọi vật đều tan loãng. Li vẫn nhìn Đọt không chớp mắt:

- Đọt! Đọt có nghe tôi nói không? Có hiểu tôi không?

Đọt hơi giật mình một tý, nhưng liền sau đó quay lại:

- Có nghe chứ, tôi có điếc đâu. Li yên chí đi, tôi rất hiểu Li, mà hiểu lâu rồi chứ chẳng phải đợi đến hôm nay...

Li khẽ nhếch mép một cái:

- Thế thì tốt. Không gì hơn là cứ thẳng thắn, trung thực với nhau..

- Đúng thế, Đọt gật đầu- Dù sao tôi vẫn rất cảm ơn Li về tất cả những gì mà Li đã làm cho tôi...

- Đọt nói câu đó để làm gì. Dù sao chúng ta đã từng là đồng chí, rồi đã từng là vợ chồng. Người ta nói, vừa trách nhiệm vừa đạo nghĩa, chẳng lẽ tôi không biết được điều ấy sao?

Đọt cười:

- Làm sao Li lại không biết. Việc lớn hơn, to tát hơn Li còn thông thạo nữa là...

Li chủ động đứng dậy:

- Tôi cũng cảm ơn Đọt vì đã hiểu tôi, không oán trách, xỉ vả tôi. Có lẽ những ngày tới, cả hai đứa sẽ sống nhẹ nhàng hơn...

- Đúng thế... sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều.

Thế là họ bắt tay nhau, lại còn rung rung nữa. Họ chia tay trong không khí mới thân mật, đoàn kết làm sao !

Thế rồi người đàn bà ra về. Người đàn ông ở lại. Ngôi nhà bên mép đồi cạnh làng cũ đã trở thành một ngôi chùa thâm nghiêm cho một kẻ tự tu thân. Đọt không nuôi ngỗng, mà lại nuôi một con bò, một con chó và một cặp gà. Chỉ có gà là biết đẻ trứng, nở con, sinh sôi ra được dăm bảy lứa và còn sót lại cho đến phút cuối cùng của đời anh. Còn bò thì đã bán trước ngày xẩy ra vụ án mồ mả. Con chó phản chủ bỏ nhà đi luôn. Hình như chuyện này tôi đã có kể sơ qua ở phần trước.

Suốt một thời gian dài từ khi ngôi nhà này được dựng lên cho đến ngày Đọt bị bắt, người về nhiều nhất là Đình. Có khi một tuần, khi vài tuần một lần. Cũng có đợt bận công tác, phải một vài tháng nó mới tranh thủ chạy về. Nhưng đối với một người bố như Đọt, như thế cũng là có phúc lắm rồi. Linh chỉ về có hai lần trong tám năm. Nó là con nhà kinh doanh, điên đầu vì lỗ lãi, chả thể trách nó được. Là Đọt tự nhủ vậy. Còn có một người nữa, mỗi năm đều đặn tìm đến một lần vào đúng dịp ngày giỗ của tôi. Họ làm thịt con gà, thắp hương. Rồi sau đó ngồi nói chuyện với nhau thêm một lúc. Mỗi năm một dịp như thế, ít thôi, nhưng thật sự đậm đà. Lần nào cũng không muốn rời nhau. Nhưng có lẽ vì số phận, họ không thể ở thêm được nữa. Người bạn dở dang mà chung thuỷ ấy, chắc khỏi phải nói thì các đồng chí cũng đã biết là ai rồi.

l

Càng ngày Linh càng nhận ra thấy Phúng đúng là một phiên bản của Thuẫn. Cái dáng người, kiểu cười, tật nói giật cục ba tiếng một, cứ như là bệnh di truyền của người cha truyền lại cho con. Rồi cái ma lanh, rồi cái máu dê nữa. Rõ ràng hắn là cái bóng, cái bóng nhưng lại có hồn, của Thuẫn. Hắn như là kiếp sau, kiếp sau mà lại cùng đồng thời của cái kiếp khốn nạn đang vật vờ đâu đó. Nhưng vấn đề ở chỗ, vì sao cái bóng ấy, cái hồn ấy, cái kiếp ấy cứ nối nhau vận vào Linh ? Tại sao con tôi cứ quẫy mãi mà vẫn không thoát ra khỏi cái bóng ma ấy ? Đôi khi con Linh chợt thấy rùng mình vơí ý nghĩ quái gỡ, hay là kiếp trước nó với con người ấy có duyên định ?

Chỉ có một điểm duy nhất khác trước là con Linh chưa bao giờ mê thằng Phúng dù chỉ là một ý nghĩ chợt loé hiện lên tức thời. Một là vì hắn xấu trai. Nếu so với con người đẹp mã trước đây, thì cái phiên bản này chẳng khác gì con nộm. Hai là hắn thiếu hẳn tư chất đàn ông, chưa nói chi đến dáng vóc một người hùng. Thằng Phúng chỉ có mỗi biệt tài là nịnh bợ, cái mặt lúc nào cũng nhão nhoẹt, có lúc Linh nghi hắn là loại cơ thể lưỡng tính....

Ngược lại, hắn mê con tôi. Mê đến lú lẫn, ngu si cả đầu óc. Cả đám bụi đời đi làm trầm rất sợ hắn. Nhưng hắn lại rất sợ con Linh. Mỗi tháng đi rừng về, hắn mang trầm đến nạp cho Linh như kẻ tôi tớ trung thành nạp tô cho chủ. Lúc đầu con Linh rất sòng phẳng, tiền trao cháo múc. Bởi đấy vốn là bản tính khẳng khái của nó. Hơn nữa, ngay từ đầu, Linh đã mang sẵn sự cảnh giác với bọn này, chẳng dại gì mà dây dưa để rồi mang hậu hoạ. Tuy Linh là kẻ đến sau trong giới thương trường nhưng nhờ cái khí chất ranh khôn của mẹ nó truyền lại, nên đã nhanh chóng trở thành kẻ lợi hại. Nó tận dụng sự trung thành như con chó sợ chủ của Phúng để vét sạch nguồn hàng, rồi cặp đôi với thằng người rơm này để thâm nhập vào đường giây Quảng Trị - Vũng Tàu. Chỉ sau vài chuyến hàng đi, bằng một thông tin riêng, Linh biết được đầu giây kia không ai khác, chính là Thuẫn. Thì ra lão quan huyện này đã lột xác vào đó, trở thành lão trùm. Chính Thuẫn đã chủ động bắt mối ra Quảng Trị, lệnh cho Phúng tổ chức lực lượng khai thác. Biết được đích xác đường giây này, Linh nghiến răng treo tréo: tao sẽ cho thầy trò mày biết hết mùi đời!

Mỗi lần mang trầm về, sau khi làm thủ tục nhập hàng vào kho xong, thằng Phúng thường kiếm cớ lên gặp chị chủ nhiệm để trao đổi kế hoạch, hắn mò vào phòng Linh, thả người xuống ghế đệm, mặt nhăn nhó:

- Cha mẹ ơi, mệt quá, mệt đến rã rời cả thân xác, chị ạ.

Linh cười. Nó đi guốc vào bụng con ma. Nó đi đến phía sau chiếc ghế sa-lông, bóp hai tay lên vai Phúng:

- Dân kháng chiến ở rừng về, sao bây giờ trông yếu thế này, hay đã già mất rồi....

Phúng cười nhắm tít mắt lại:

- Chị dám chê em yếu à?

- Không yếu sao cứ kêu rên nghe nẫu ruột thế. Hay, để tôi bảo chúng nó làm cho anh bát phở đặc biệt? ( không biết tự khi nào, Linh đã đổi giọng gọi Phúng từ "chú mày" lên chức anh? )

Phúng vênh cái mặt nghếch lên phía bà chị:

- Không ăn được đâu. Em đắng miệng lắm.

- Làm sao lại đắng miệng, hay bị cảm?

Phúng lại lắc đầu:

- Cảm cúm gì. Đấy là do ngậm ngải quá nhiều ngày...

Linh dừng bóp:

- Ngậm ngải? Ngải là cái gì mà phải ngậm?

Phúng xoay hẳn người lại:

- Trời đất ơi, một bà trùm buôn trầm mà không biết ngải là gì. Chị đã nghe câu "ngậm ngải tìm trầm" bao giờ chưa?

Linh thật thà lắc đầu. Thằng Phúng xốc lại vai áo, rồi bảo:

- Chị ngồi xuống đây, chịu khó pha cho em ấm trà đặc. Em hầu chuyện cho mà nghe....

Linh lẳng lặng cho chè vào ấm. Còn thằng Phúng thì lim dim mắt như phù thuỷ đang niệm thần chú. Nom con người hắn lúc ấy thật sự huyền bí:

- Nghe bố tôi nói lại, nghề làm trầm trên thế giới đã có từ hàng ngàn hàng vạn năm rồi. ở ta từ ngày xửa ngày xưa kia cũng đã có. Trên đời này, có lẽ không có thử nghề nào cơ cực cơ hàn và đầy rẫy hiểm nguy như nghề ấy. Trầm ở trong cây. Cây ở trong rừng. Rừng thì hun hút, thăm thẳm. Rừng không phải chỉ có trầm hương mà còn sên vắt, rắn rết, cọp beo, hùm gấu....Trong trăm ngàn mối hiểm nguy đe doạ đó, ghê gớm, rùng rợn nhất là cọp. Cọp thì có cọp vằn, cọp lửa, cọp xám, cọp mun...Thế nên có thể nói gọn một câu, đi trầm chính là đi vào hang cọp.

Trà thơm đã được chắt ra chén. Phúng đưa bàn tay gầy guộc nâng chén nước còn bốc hơi lên ngang mũi, hắn chưa uống mà lại ngửi, mắt vẫn cứ lim dim, cố ngẩng cao hơn. Có lẽ hắn đã nhập đồng:

- Bởi vậy, người đi tìm trầm ngoài những dụng cụ như cưa, đục, dao rựa ra, ai cũng phải có ngải. Nói cho thật dễ hiểu, ngải là một thứ thuốc bí truyền không phải để cúng mà để ngậm. Đặt chân vào rừng là ngậm. Đi một ngày, ngậm một ngày, ở một tháng phải ngậm cả tháng...Có ngải trong miệng, cọp không bao giờ đến gần. Có thể nói, ngải là một thứ bùa hộ mệnh siêu hạng mà không thể có loài thú dữ nào dám vượt qua. Tuy nhiên, cũng như bao nhiêu bảo vật khác, cái gì càng lợi hại thì càng nguy hiểm. Nó là con dao hai lưỡi.

Thằng Phúng biết dừng lại đúng chỗ để nhấp ngụm nước trà trên tay. Linh đã bị chinh phục, nó sà người sát lại hồi hộp hỏi:

- Con dao hai lưỡi nghĩa là sao?

- Ngải thực ra là một loại gì đó được chiết ra từ trong thân thể con cọp....Ngậm nó vào thì nó khắc tinh con cọp ở ngoài, có thể hiểu nôm na như cách người ta tiêm vắc xin chó dại. Nhưng tiêm quá liều thì ta sẽ hoá dại đúng không? Thế nên, ngậm ngải trong miệng mà lâu quá, thì người ngậm sẽ dần dần nhiễm các chất của cọp...Mẹ tôi hồi trước có kể lại một câu chuyện thế này....

Hắn lại ngừng một tí để nhấp thêm ngụm nước. Bây giờ thì Linh lại nhận thêm ra một điều mà cái phiên bản này giống y hệt Thuẫn dạo trước, đó là bất cứ chuyện gì hắn cũng dẫn theo lời bố mẹ hắn nói lại. ý riêng của hắn thì cứ cất kỹ trong người.

- Mẹ tôi nói, ở trong làng hồi trước, có một gia đình nọ vô cùng nghèo đói, làm quần quật quanh năm suốt tháng mà chẳng có ăn. Vợ thì ngày một bủng beo, con mỗi ngày thêm teo tóp. Không chịu được cảnh đói rách như vậy, người chồng quyết chí cắn răng dứt áo ra đi tìm trầm. Người vợ khóc lóc van xin mãi không được bèn cầm lấy tao nôi con vừa nấc nở, vừa ru: "nước cạn em xuống sông mò cua bắt cá, nước nậy em lên rừng hái rau má, rau mưng; ham chi vật báu của lạ trên rừng, thà chàng ăn thiếp nhịn cũng xin đừng bỏ nhau...." Tiếng ru ai oán não nề. Con khóc, vợ khóc, người chồng cũng khóc. Nhưng mà, khóc thì cứ khóc, đi vẫn cứ phải đi....Người chồng vào rừng, ba ngày, rồi năm ngày, một tuần rồi nửa tháng...Trầm đâu chưa thấy mà lại thấy ngứa ngáy toàn thân...ngứa đến mức cào cấu đến toạc cả da, vệt ngang, vệt dọc. Lúc đó, anh ta mới chợt nhận ra, mười móng tay đã dài, mười móng chân cũng dài, lông trên da cũng dài, dài và rậm...Anh hoảng hốt nhảy lồng lên, hú vang cả núi rừng. Chim chóc bay xao xác. Lá cây rơi rào rào. Tiếng hú của anh dội núi, dội rừng, dội về tận xóm cũ. Đứa con khóc thét lên. Cô vợ giật bắn người rồi đứng vọt dậy...Chị chạy bủa ra sân nhìn lên miệt rừng thăm thẳm mà khóc, mà vái....

Tôi muốn van to lên rằng, con ơi, con cũng đang bị thứ ngải của cái thằng mất dạy ấy ngấm qua rồi đấy. Nhưng con Linh không nghe. Nó đang bị thôi miên vì câu chuyện đầy chất bi ai đó. Thật khốn nạn, ai bảo chúng tôi lại sinh ra đứa con học giỏi văn và vô cùng nhạy cảm với những dòng đời trắc ẩn...

Thằng Phúng đã tì má vào vai con Linh tự khi nào, một bàn tay của hắn cũng vô tình rơi xuống bắp đùi Linh lúc nào mà Linh không rõ. Câu chuyện ngậm ngải tìm trầm vẫn rầm rì như con nước đêm động biển.

- Từ đó, người chồng biệt tăm. Từ đó, căn nhà người vợ nồng nặc khói hương. Cho đến một đêm mùa đông, đúng một năm kể từ cái ngày người chồng cất bước ra đi, chị vợ thắp hương lên bàn thờ, chắp tay khấn :" Chàng sống khôn, thác thiêng, hãy về đây phù hộ độ trì cho mẹ con thiếp"... Thì bỗng dưng nắm nhang trong bình hương bùng cháy. Chị ta gật mình lùi lại. Đột nhiên có tiếng sột soạt ngoài hiên nhà. Chị tưởng gió lùa, cửa long chốt, định đi ra cài lại, thì chợt nghe tiếng sụt sịt, tiếng nấc, chị lập tức nhận ra tiếng khóc của chồng. Người đàn bà xô cửa lao ra. Rồi chị sững người . Mồm há to nhưng không thể kêu thành tiếng. Chị ngã lăn ra ngất xỉu. Ba đứa con khóc thét lên. Khi hàng xóm đốt đuốc chạy đến. Họ bàng hoàng nhìn thấy ngay chính giữa căn nhà, một con cọp lông xám, vệt vằn đỏ ngang dọc toàn thân đang ôm người mẹ ở giữa, đám con trẻ xúm lại xung quanh không biết đã ngất hay còn tỉnh. Cả làng đứng chết lặng đi một lúc thì chợt hiểu. Họ hối nhau mang hương đến. Cả làng đốt, cả làng vái lạy, kêu van. Cuối cùng con cọp bỏ người mẹ xuống, nó cúi một cái giống y như lạy trở lại rồi tung người lao đi, biến vào trong khoảng tối. Mẹ em bảo, từ đó, cứ đến cái đêm đó hàng năm, cả làng vẫn nghe thấy tiếng hú của cọp từ trong miệt rừng xa xăm não nuột vọng về....

Chuyện kể đến đó, thì cái bàn tay của Phúng cũng đã dịch chuyển xong đoạn đường từ ngoài đùi vào sát phía trong. Chỉ có một đốt tay nữa là kẻ tìm trầm chạm vào cái vùng sâu thăm thẳm... Linh khẽ thở dài một tiếng, bàn tay thằng Phúng bỗng dừng lại. Nó chuẩn bị đối phó với một cái hất tay rất mạnh, thậm chí còn có thể một cái tát nảy đom đóm nữa. Nhưng sau tiếng thở dài, Linh vẫn ngồi im. Thực ra, Linh thừa thông minh để biết câu chuyện vừa nghe chỉ là một huyền thoại, nhưng mà hay, mà buồn. Cái đó thật sự hợp với tâm tính nó. Còn thằng Phúng, sau một lúc căng thẳng, nín thở, thấy " bà chị" không có phản ứng mạnh mẽ gì, hắn bỗng thấy xao động, mấy ngón tay bắt đầu cựa quậy, bàn tay dịch chuyển thêm nửa phân, hình như đã chạm được ! Bỗng tay Linh đặt xuống, rất nhẹ nhàng áp lên tay hắn, kéo ra, giọng nói cũng nhẹ nhàng : - Thôi, đi ngủ đi cho có sức, mai mà vào rừng. Nói rồi, nó đứng dậy, cũng nhẹ nhàng thôi, bước ra cửa. Đến đó, Linh còn quay lại, cái mũi khẽ nhăn một cái :

- Mà này, chị bảo, từ mai trở đi nếu có ngậm ngải thì nhớ chốc chốc phải nhổ ra, đừng có ham mà dài lông, nhọn vuốt ra đấy, nhớ chưa.

Nói xong nó cười khẽ, ý tứ. Còn Phúng thì vẫn há hốc vòm miệng, nghe khô khốc bên trong.

l



Đôi khi tôi thầm tự hỏi, đối với một quá khứ buồn đầy trắc ẩn như Đọt, thì hai cách đối xử trái ngược nhau giữa em và Li, ai đúng ai sai ? Li vốn yếu đuối hơn em nhưng đã làm được cái việc dám dằn lòng dứt tình với quá khứ, đối mặt cùng sự thật, chấp nhận sự không may của nghiệp duyên để cất đi khối nặng trong lòng mà nhẹ tênh sống tiếp quãng đời còn lại. Còn em, vốn xưa kia ý chí là vậy, lạnh lùng là vậy, sao nay vẫn không cắt đứt nỗi chút tình tơ vương, sao cứ tự trói mình vào cái cây khô cột cháy ?

Em vẫn đến với Đọt mỗi năm một lần vào đúng dịp giỗ tôi. Nhưng bát hương dành cho tôi thì em đặt ở nhà mình. Năm nào cũng làm một mâm cơm, gọi là lễ bạc lòng thành, hương khói tàn, em dọn xuống, lại gói đùm đưa lên nhà Đọt. Ở đó, em chỉ thắp hương suông . Đọt cũng vậy, may mắn lắm là có thêm con gà luộc, hoặc một nải chuối xanh. Tôi biết nên về nhà ai, về với ai, em hay là Đọt ?

Từ năm 1980, khi ngôi nhà mới của Đọt dựng xong đến năm 1990, chẵn mười năm là mười lần giỗ tôi, mười lần chúng tôi tề tựu trong ngôi nhà ấy. Sau khi tàn hương khói, là lúc rượu rót tràn li, có chút men say nồng nàn, nhưng đến khi nhạt hơi men thì cả Đọt lẫn Lương đều bần thần, đều cảm thấy không yên ổn. Có phải vì vậy mà cả hai đã không thể dứt khoát được trong lòng về mối quan hệ của họ, cho dù như lời Lương nói, với hàng xóm láng giềng họ là một cặp vợ chồng đã danh chính ngôn thuận. Không ai tự nói ra suy nghĩ của mình, nhưng cả Đọt lẫn em đều có chung một sự tính toán, phải làm được cái gì đó cho tôi đã rồi mới có thể thanh thản đứng ngồi bên nhau. Thế cho nên, việc Đọt nhất quyết ra đi tìm mộ tôi là kết quả của ước muốn thôi thúc nhiêù ngày chứ hoàn toàn không phải chỉ vì phong trào đi tìm hài cốt liệt sĩ rộ lên trong xã, càng không phải chỉ do thằng Rệ xúi giục. Chuyện đó chỉ là cái cớ, như là mồi lửa chạm vào núi cỏ khô mà thôi.

Lần đó, cũng là lần duy nhất thằng Rệ bước vào nhà này. Lão đã già đi ghê gớm, cho dù năm ấy, năm 1990, lão mới quá tuổi sáu mươi. Cái gì trên con người lão cũng đã có vẻ rệu rã ra, trừ lỗ miệng :

- Thím hôm nay không lên hả chú ?

Chưa chi mà Đọt đã cảm thấy khó chịu. Anh cau mày:

- Bác hỏi thím nào?

Lão ngồi xuống ghế, vắt chéo chân lên rất có dáng gia trưởng:

- Chú nói chuyện với tôi hay nhỉ... Rồi Rệ với tay, tự mình rót nước, giọng của hắn trở nên buồn bã- Nhà chỉ còn hai anh em, cũng sắp kề miệng lỗ rồi... Chú có nghĩ đến chuỵện sau này trăm tuổi, chẳng có ai thắp cho nén hương không?

Đọt phì cười:

- Chà bác lo xa quá nhỉ? Tôi chỉ lo không biết ngày mai lấy chi bỏ vào mồm đây thôi.

Rệ bất ngờ ngã người cười khà khà :

- Thế mới là kẻ thức thời chứ... Hắn rung rung đùi đắc ý, nhấm ngụm nước nguội rồi lại to tiếng - Chú tưởng tui không lo chuyện ấy hả ? Cũng chỉ vì miếng ăn mà hôm nay tôi mới lên đây bàn công chuyện với chú đấy.

Đọt nhíu chằng cả hai lông mày lại :

- Cái gì, anh cũng bàn chuyện làm ăn, tôi có nghe lộn không đấy ?

Rệ không hề tỏ ra bực tức, hắn gật mạnh đầu :

- Không nghe lộn đâu. Giọt máu đào hơn ao nước lã. Tôi biết ngày trước hai anh em mình không hợp nhau. Nhưng giờ sắp kề miệng lỗ rồi, không hợp thì chết cũng phải chôn chung một nghĩa địa, đúng không nào? Thế nên tôi nghĩ, cuối đời rồi, phải biết lo cho nhau, dắt dìu nhau, có cơm ăn cơm, có cháo húp cháo, ai bảo tôi với chú là anh em...

Đọt thở hắt một tiếng, cắt lời :

- Thôi được rồi, được rồi, có mưu mô thâm hiểm gì nói nghe coi ...

Rệ lại cười khì khì. Cũng thật lạ, như thế mà hắn cũng cười được :

- Thời buổi cách mạng rồi, mưu mô sao nổi với cách mạng. Mọi chuyện làm ăn bây giờ là phải căn cứ theo chủ trương chính sách của đảng, đúng không nào ? Ai bảo chú với tôi đều là dân cách mạng.

Hắn xoay lại thế ngồi cho vững chải rồi cao giọng giảng tiếp :

- Tại vì chú ăn ở biết lập, không chịu tham gia họp hành với thôn, với xã, nên mọi chủ trương, chính sách của cách mạng chú đều không nắm được. Tôi phải có trách nhiệm nói lại cho chú rõ. Chuyện này là chuyện làm ăn, nhưng cũng không phải làm ăn. Trước hết là việc đạo nghĩa, là uống nước nhớ ... cái gì đây....

- Nhớ nguồn, khổ quá đi mất.

- Đúng, phải nhớ nguồn, khổ quá thì cũng phải nhớ. Ngày xưa ai chẳng khổ ? Thế nên phải nhớ cái khổ khi uống nước. Đấy, chú rõ chưa ! Vì vậy mà trên có chủ trương phát động toàn dân ta đi tìm mộ cho các liệt sĩ, phải quy tập họ về an nghỉ tại nghĩa trang. Cứ tìm được một hài cốt, trên sẽ thanh toán cho ta một số tiền. Không nhiều lắm đâu, vì đây là việc uống nước nhớ nguồn đó, chú rõ chưa ? Vì vậy, cả xã ta đã thành lập ra một ban, còn thôn ta cũng tự lập ra một tổ để mà đi uống nước nhớ nguồn đó. Tóm lại, hôm nay tôi đến để tuyên truyền cho chú rõ chủ trương của đảng, rồi đề nghị chú gia nhập vào tổ uống nước nhớ nguồn của thôn...

Đọt khoát tay :

- Rõ rồi... nói cho mau thế này, việc các ông các ông làm, đừng dây đến thằng này. Các ông muốn uống nước bao nhiêu thì cứ xúm nhau lại mà uống, đây không khát...

Rệ trợn mắt :

- Chú nói hay nhỉ ? Chú còn là người kháng chiến không đấy ?

- Hết rồi.

- Cái chi ? Hết rồi... chú nói thế mà không sợ...

Đọt dướn lông mày lên, chồm mặt về phía Rệ :

- Sợ cái gì ? Lại bị bắt thêm lần nữa hả ?

Rệ nhăn nhó :

- Tôi không nói chuyện bị bắt... à, mà đúng, là nói bị bắt đấy.

- Đến đây mà bắt, tay đây, còng lại đi !

- Tôi không bảo công an hay xã đội bắt. Mà tôi bảo ma nó bắt. Linh hồn các liệt sĩ sẽ vặn cổ chú... Rệ đứng hẳn dậy, trông thần thái hắn lúc này chẳng khác gì ông bố hắn hồi xưa mỗi khi lên đàn làm phép đuổi ma- Chú tin hay không, tuỳ chú. Nhưng tôi nói cho mà biết, đất mình đây ma nhiều hơn người, âm thịnh dương suy. Có lỗi với ai thì còn cúng bái trừ khử được, bạc bẽo với các liệt sĩ thì có mà trời cứu. Nói ra thì chú lại bảo tôi dạy khôn chú, chứ cái loại người như chú mà cứ mang nặng cấi bất mãn trong lòng thì đáng tội lắm. Thì cứ cho là chú oan, chú khổ. Nhưng thử nghĩ lại coi, oan chi bằng kẻ đã bất ngờ tắt thở. Khổ chi bằng người ta phải bỏ cha, bỏ mẹ, bỏ vợ con mà lạc về nơi chín suối. Chú còn sống đến hôm nay, khoẻ mạnh béo tốt thế này, lại có nhà có cửa ấm áp nữa, chú cứ nghĩ đến những đồng chí đồng đội của mình đã hy sinh mấy chục năm rồi mà vẫn nằm cô quạnh ở những nơi rừng hoang, suối lạnh, chú có thấy xấu hổ không ?...

Nói một thôi, một hồi, Rệ tỏ ra đuối sức. Hắn còn tỏ ra căm giận nữa. Rệ không thèm nhìn Đọt, liêu xiêu bước ra ngoài. Đến giữa sân, hắn còn quay lại :

- Nói cho chú rõ một điều này, bọn tôi cần chú chẳng phải vì cái sức vóc của chú đâu. Tôi ỉa vào. Thanh niên trong làng cả đống, ai đi cầu cái thứ người vô dụng như chú. Có mợ thì chợ cũng đông, mợ đi trong Quảng chẳng ai trông mợ về... Bọn này cần chú vì lẽ thứ nhất là tôn trọng chú, một người có tham gia kháng chiến. Lẽ thứ hai, bà con cũng muốn tạo cho chú cơ hội để làm việc nghĩa, trước là có hiếu với đồng đội, đồng chí cũ, sau là có tình với làng xóm. Cứ sống biệt lập thế này, khi chết có cần người làng khiêng đi chôn không, hả ?

Lẽ thứ ba, cần chú là cần sự chỉ điểm để đi tìm cho mau, cho trúng. Chú là người đã chứng kiến nhiều người chết, cũng có chôn cất anh em mình, chẳng lẽ chú không muốn chỉ cho bà con biết chỗ để đưa anh em về à ?...

Phải thừa nhận rằng, lời nói của Rệ vô cùng hùng biện, lý lẽ của hắn cực kỳ sắc bén đã đánh gục hoàn toàn sự ngạo mạn của Đọt. Từ trước tới nay, Đọt hay nghe kể rằng thời nào thì thằng Rệ cũng cứ lăng quăng tự biến mình thành "con nhà tuyên truyền" và không hiểu sao người ta lại cứ chịu nghe lời hắn. Bây giờ thì anh đã thấy rõ. Cả cái đầu cứng như cục sắt của anh mà cũng bị mấy lời thuyết giảng của hắn làm cho nẫu ra.

Rệ về rồi, Đọt thấy day dứt vô cùng. Đúng là bấy lâu nay, anh cứ tự loay hoay với nỗi bất hạnh của mình, tự thấy kẻ rủi ro nhất trên đời là mình, quên mất một điều cực kỳ hệ trọng đó là những người còn rủi ro hơn cả anh, những người đồng chí, đồng đội không còn có cơ hội để lăn lóc trên đường đời như anh nữa. Đáng ra mình phải tìm họ từ lâu rồi. Sao mình tệ bạc thế, vô tình vô nghĩa thế !

Thế là, không cần đợi lâu thêm, ngay sáng hôm sau Đọt tìm xuống nhà Rệ.

- Này, tôi chẳng có tham gia tham giếc gì với cái tổ của anh đâu. Chẳng cần bạc tiền chi hết. Nhưng tôi nói cho anh biết cái chỗ mà bọn Mỹ đã gom xác anh em mình lại gần một trăm người, đốt cháy hết rồi lấp lại. Anh bảo mọi người phải cố gắng đưa anh em về...

Rệ tặc lưỡi liên tục " chết chết, khổ quá, thương quá" rồi lấy vội ra một tờ giấy rộng, tự tay hắn viết lên trên cùng một dòng : " Tôi tên là Phạm Đọt, xin bảo chứng chỗ chôn cất liệt sĩ như sau, hai chấm...", rồi để trống cả trang, dưới dòng ghi " Phạm Đọt, ký tên".

- Chú ký vào đây !

Đọt nhíu mày :

- Lại phải viết tờ khai à ? Để làm cái gì ?

- Cái này là việc phải làm với người âm. Chú không tin thì đừng có dây vào, nhưng bố tôi dạy rồi, không có lễ không đụng cuốc vào được đâu. Chú mặc kệ tôi, không lại bảo mê tín với lại dị đoan...

Đọt ký nhoằng một cái rồi ra về. Anh không thể ngờ được rằng, chính cái khoảng giấy để trống ấy, sau gần một năm, thằng Rệ đã ghi dày đặc vào đó vô số những tên tuổi. Cuối trang giấy là chữ ký của Đọt, hai năm rõ mười, trước toà làm sao có thể chối cãi được !





l





Nếu sau này con cháu ta có đứa nào đặt ra câu hỏi, cái năm kinh khủng 1990 ấy làm sao ở mảnh đất này lại xẩy ra cái sự động mả, động mồ như vậy ? Không thể trả lời giản đơn "một cái rụp" được đâu. Hãy chịu khó quay lộn lui thời gian một chút, không dài lắm, chỉ khoảng mười năm, kể từ khi Đọt được con cái dựng cho căn nhà mới và con Linh bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh, năm 1980.

Sau này, lịch sử có lúc nào đó ngoảnh đầu nhìn lại đoạn đường hơn mười năm ngột ngạt, chao đảo trong cơn khủng hoảng đó, chắc chắn lịch sử cũng phải toát cả mồ hôi.

Bản thân Linh cũng vậy. Đôi lúc cô cũng tự thấy bàng hoàng, không hiểu có phép thần nào đã giúp mình trụ vững. Hàng chục, hàng trăm cơ sở kinh doanh đã sụp đổ, chỉ còn cái xác không hồn, có cái mất tiêu cả xác nữa. Cũng có vài kẻ liều. Mà đã liều là đi tù, không tù thì bỏ của chạy lấy người, đang từ vị trí một giám đốc ngất ngưỡng bỗng trở nên kẻ phiêu bạt vô gia cư, vô địa táng... Chính những cơn động biển dữ dội của nạn kiếp mưu sinh đầy tai biến ấy đã biến Linh từ một cô gái duy lý đến mức cực đoan, lại trở thành kẻ tự nguyện nhập thân vào cõi tâm linh huyền ảo. Sự chuyển dịch ghê gớm ấy có lẽ được khởi điểm vào năm 1985, sau năm năm kể từ khi Linh nhập bọn với bọn thằng Phúng, có dây dưa với vị ngải để tìm trầm...

Công cuộc làm ăn lúc đầu rất thuận lợi, phải nói là phát đạt nữa. Vốn liếng của Linh tăng lên nhanh chóng. Mặc dù, trước sau gì Linh cũng không ưa cái đám bụi đời ấy, nhưng đồng tiền lại như keo dính trói chặt số phận Linh với cái thằng nói lắp gầy guộc kia. Tuy nhiên, với tư chất khôn lõi, một tay Linh vẫn nắm chắc lưng quần thằng Phúng, tay khác lại bí mật khua ra ngoài. Chỉ trong một thời gian ngắn, cô đã thiết lập một đường dây mới, mới từ A đến Z như cách gọi của giới kinh doanh. Có một nhóm khai thác riêng, có mối đưa hàng riêng, và có cả một công ty xuất khẩu tại Đà Nẵng bao tiêu toàn bộ hàng đó. Lúc đầu thằng Phúng không hay biết gì, nó cứ si tình, cứ cúc cung tận tâm như con chó trung thành với chủ. Nhưng như dân gian vẫn nói, cái kim trong túi lâu ngày cũng tòi ra, cuối cùng thì hắn cũng lần ra dấu vết.

Cái thằng trùm cầm đầu cái nhóm riêng của Linh là một kẻ cụt tay trái. Hắn tên là Nót. Hắn là một kẻ đầy bí hiểm, bí hiểm từ khuôn mặt đến hai vết sẹo cài chéo nhau ở gần gáy cổ, bí hiểm đến cánh tay cụt từ khuỉu ngoài cổ tay, lòi ra một núm như đọt cây chuối bị chặt ngang, bí mật đến cả lai lịch rườm rà của nó. Phúng đã tung hết tay chân để dò la về hắn. Đứa thì bảo thằng Nót, quê trong chợ phiên Cam Lộ, đứa khác lại quả quyết hắn dân gốc Vĩnh Sơn. Hắn thường kể cho bọn đàn em nghe, mấy vết sẹo ở cổ và cánh tay cụt kia là dấu ấn của những chiến công lẫy lừng khi hắn còn là chiến sĩ đặc công đánh vào sân bay Ái Tử. Nhưng lại có tin nói rằng, thằng mất dạy ấy là loại du thủ du thực từ thời Ngụy, có chân trong đám cướp " mũ nồi đen " của Trương Sỏi ở Đông Hà. Mấy cái thương tích trên người hắn chính là dấu vết một thời làm loạn. Phúng rất kỳ công bắt đám bạn bè trong Đông Hà dò bằng ra cội nguồn của kẻ tình địch. Có đứa đã mách cho Phúng, mẹ thằng Nót có cái tên rất mỹ miều : Trương Thị Hải Lệ, một thời làm đĩ ở Đông Hà, sau này bỏ nghề bán buôn ở chợ Phiên, bây gìơ đi đâu không rõ... Thôi thì, đi đâu mặc mẹ nó, tóm lại cái thằng khốn ấy là loại chẳng ra gì. Tại sao Linh lại đi cặp kè với loại người như vậy để phản mình ?

Đêm đó Phúng uống rất nhiều rượu. Hắn cố uống cho thật say để có đủ dũng cảm, khí phách của thằng đàn ông. Rồi một tay cầm cái vỏ chai còn sót lại vài ngụm rượu dưới đáy, một tay vịn vào cầu thang, hắn xiêu vẹo bước lên phòng bà chủ nhiệm.

Nhìn thấy Phúng, thoạt đầu Linh hơi hoảng. Nhưng nhận ra bộ dạng của một thằng say, không còn chút sinh lực gì, cô lập tức bình tĩnh lại :

- Này, lại còn dám say sưa nữa hả ? Linh lên giọng, quát to.

- Dám thì làm sao ? Không dám thì làm sao ?

- Thôi thôi... về ngủ, mai còn lên rừng... Linh túm lấy vai hắn, cố xô ra khỏi phòng. Mùi rượu trong mồm hắn, cả cái mùi mồ hôi thấm đẫm trên áo quần hắn nữa cùng phả ra khiến cô lộn mửa. Nhưng thằng Phúng rất khoẻ, không ngờ cái thể xác gầy trơ xương ra như một thằng nghiện lại có thể trụ vững trước sự xô đẩy của Linh. Hắn không xô lại, nhưng cứ xáp tới, mặt hắn, người hắn cứ áp sát vào Linh. Cô bắt buộc phải lùi lại. Hắn áp tới, Linh lại lùi. Cho đến tận mép bàn, không thể lùi được nữa. Cái mùi tởm lợm kia vẫn cứ phà ra khiến Linh phải quay nghiêng mặt, ưỡn cả nửa trên thân người ra phía sau. Cái dáng đứng này mới khêu gợi làm sao, mới mời mọc làm sao... Thế là thằng Phúng lập tức áp dính nửa phần dưới thân xác của hắn vào. Người Linh run lên. Cô tính toán nhanh cho một thế võ để sẵn sàng đá bật hắn ra. Linh quay mặt đối diện thẳng với hắn, vằn mắt lên :

- Này, thật sự chú mày muốn gì ?

- Muốn từ lâu rồi...

- Dám vuốt râu hùm ?

- Không có râu ... chỉ chỉ... có lông thôi... muốn vuốt lông ...

- Thử coi ?

Hắn cười sặc một cái, hơi rượu lại bắn ra, Linh rùng mình nhắm mắt lại.

- Nhưng mà... trước khi vuốt ... đây muốn hỏi đã... hỏi cho rõ... Tại tại sao, đằng ấy lại phản... phản đằng này...

- Cái gì ? Ai phản ai ?

- Đằng ấy...

- Thôi, đừng uống vào rồi nói tầm bậy, tầm bạ- Linh lại cố xô hắn ra .

- Khoan, để để hỏi đã... Cái thằng ấy... là thằng nào ?

Linh hơi giật mình, nhíu mày hỏi:

- Thằng nào ?

- Thằng cụt.

Linh nín lặng. Cố lập tức hiểu ra... Như vậy cơn cuồng nộ này có lý do của nó. Tại sao hắn biết nhỉ ? Thế này thì phải ứng xử theo cách khác. Bàn tay Linh khẽ đặt lên ngực hắn, làm như cài lại chiếc cúc áo:

- Thì ra.. biết ghen à ?

Hắn dướn hai cặp lông mày lên, tròng mắt đỏ ngầu :

- Không phải ghen... mà thù. Thù thì phải làm sao, cũng như thù quân Mỹ Ngụy ấy, phải làm sao ?

Bàn tay Linh vuốt nhẹ trên ngực hắn. Cô vuốt như thể vuốt một cơn hen đang chẹn lồng ngực người bị bệnh phổi. Rồi bàn tay lại vuốt xuống bụng. Bụng hắn lúc này đã áp sát bụng Linh. Rồi lại vuốt thẳng xuống nữa. Đến đó thì người hắn nhũn ra, cả thân xác hắn rệu rã không còn chút sức mạnh. Linh cố dìu hắn ngồi vào chiếc đi- văng có đệm mút. Cô bước ra khép cửa và chốt lại. Rồi cô bước vào ngồi sát xuống bên hắn, choàng tay qua người hắn kéo đổ mặt hắn úp xuống hai đầu gối của mình. Linh cứ để nguyên như vậy thật lâu, cố tình cho hắn hít thở được mùi da thịt của cô cho mau tỉnh rượu. Bỗng nhiên cô thấy hắn nấc, hắn sụt sịt. Có lẽ hắn khóc thật vì có gì đó âm ấm đã ngấm vào bắp đùi cô. Linh xoà năm ngón tay xóc xóc vào mái tóc đầy bụi bặm của Phúng, giọng cô nghe bùi bùi như giọng nói chị gái dỗ em:

- Thôi mà... để chị nói cho mà hiểu. Cái nhóm bọn ấy trước đó làm cho một đường giây khác. Hắn cạnh tranh hết của mình. Tại vì em cứ đi mải miết trên rừng, không biết được các cuộc cạnh tranh dưới này..Chị không ép được hắn thì phải tìm cách thu phục hắn...Chị làm như vậy cũng nhằm bảo vệ nhóm của em thôi...Hiểu chưa...

Hắn vẫn nấc, nhưng tiếng nói thì đã tỉnh hơn :

- Em không phải con nít. Em... em lớn tuổi hơn chị... đừng có mà lừa phỉnh...

- Ừ, thì em lớn tuổi hơn, đáng mặt bề trên chị. Chị có dành đâu...

- Em đâu có muốn làm bề trên.... em chỉ ... chỉ... muốn....

Linh túm lấy tóc kéo ngược đầu nó lên :

- Chỉ muốn nằm trên thôi đúng không ?

Hắn gục mạnh đầu xuống để tuột khỏi tay Linh, rồi hắn cạp vào quần Linh, cạp vào đùi, dúi mạnh cái đầu bờm xờm vào sâu hơn. Linh tựa hẳn người ra phía sau, doãng chân ra mặc kệ cho hắn cạp tới đâu thì cạp. Thế là hắn run lên, hắn cuống lên,cả con người cũng như tay chân cứ lóng ngóng, láo nháo, không động tác nào ra động tác nào. Có lẽ cả đời hắn chưa từng. Linh ngả người nằm thẳng lên đi- văng, mặc kệ hắn đào bới, cày xới. Cô biết chắc là hắn đang say. Cả thân hình đang mềm nhũn ra, dù có phép thần cũng chẳng giúp gì được cho hắn lúc này.





l





Hắn chẳng làm được gì. Sáng hôm sau tên Phúng rút quân sớm. Trời mới lờ mờ sáng, cả nhóm đã lên đường. Với kinh nghiệm đánh giặc, Linh nhận định rằng, cứ sau một trận càn thất bại, kẻ địch ắt sẽ điên cuồng chuẩn bị cho một âm mưu khác. Đánh trực diện không thắng, có thể sẽ dùng thám báo, phục kích. Cô thở hắt một tiếng, tự kết luận . Tốt nhất là phải ra tay trước. Ngay sáng đó, cô phóng hon đa đi vào Đông Hà tìm thằng Nót.

Thằng Nót ngồi uống cà phê ở quán bến xe . Nó không bao giờ uống rượu, hay ít ra là người ta hầu như không hề bắt gặp nó ở các quán rượu, không hề thấy da mặt hắn ửng đỏ lên vì chất men. Mặt hắn luôn luôn được trùm bởi một lớp da xám, men mét, có vài vệt đen. Nót cầm đầu một nhóm khai thác trầm nhưng rất ít khi nó đi rừng. Quanh năm suốt tháng người ta cứ thấy nó ngồi ở quán cà phê này, ngồi đúng một chiếc ghế, một cái bàn đó, đến mức, những khách quen của quán không bao giờ ngồi vào bàn ấy.

Nhìn thấy Linh bước vào, Nót không đứng dậy mà chỉ nheo mắt một cái, cái đầu khẽ hất một cái. Đó là kiểu chào quen thuộc của nó. Linh tự kéo ghế ngồi xuống. Lập tức nhà hàng bê ra một phin cà phê đen.

- Có chuyện gì à ? Nót hỏi ngay.

Linh vân vê phin cà phê, xoay xoay, nghiêng nghiêng cho nước giọt ra, giọng cô tư lự :

- Cũng chẳng có gì đặc biệt, nhưng anh cần biết để đề phòng...

- Cái gì vậy ?

- Cái nhóm thằng Phúng nó đã biết anh...

Thằng Nót khẽ chớp mắt :

- Nó biết thì làm sao? Tôi có làm gì nó đâu...

Linh khẽ cười, lúng túng:

- Tất nhiên là thế rồi. Vấn đề không phải chuyện làm ăn, mà là.. vì em...

Đôi mắt Nót dừng chớp một chút, rồi bất giác cả khối mặt nặng chịch của nó giãn ra. Nó cũng biết cười :

- Hiểu hiểu..Thật là khổ, cái thằng oắt con ấy mà cũng biết ghen. Mà này, sao em không bảo cho nó, tôi với em có chuyện gì đâu nhỉ...

Linh nhăn nhó :

- Thì em nói mãi, nhưng cái thằng nghiện ấy có chịu nghe đâu.

- Kệ mẹ nó, chấp nó làm gì.

Linh cũng gật gù:

- Tất nhiên rồi, chấp gì cái đám nhóc ấy. Em chỉ nói để anh hiểu, đề phòng tụi nó chơi xấu..

Nót bật lên mấy tiếng cười. Tiếng cười thật hà tiện.

Linh lật ngửa nắp phin đặt xuống bàn, nhấc phin ra đặt lên đó rồi cho đường vào li. Cô đánh chậm. Cũng chẳng còn chuyện gì để nói. Bất giác cô buột miệng :

- Anh Nót có vẻ hiền nhỉ ?

Nót dướn lông mày lên, ra vẻ ngạc nhiên:

- Tôi mà hiền ? Chỉ có em nhận xét thế thôi đấy.

- Trông bên ngoài thì có vẻ... cũng hơi dữ... nhưng có tiếp xúc mới biết anh hiền khô... Mà này, trước đây anh là lính đặc công à?

Cái khối mặt kia ngưng động đậy :

- Ừ ..thì cũng lăng nhăng thôi...

- Lăng nhăng là thế nào. Em nghe mấy chú em trong nhóm của anh kể về chiến công của anh dữ dội lắm...

- Chà, cô mà đi nghe mấy thằng bẻm mép ấy, có khi đổ thóc giống ra mà ăn đấy...

Quả thật, anh ta là một người rất khiêm tốn. Dữ dội mà khiêm tốn, ấy là bản lĩnh của một kẻ đáng nể. Linh thầm nhận định như vậy. Không biết tự khi nào, cô cảm thấy cái mẫu người như Nót là mẫu lý tưởng của cô. Chỉ tội cái tay cụt thập thò trong tay áo kia, khó coi quá.

Chuyện trò qua quýt thêm một lúc nữa, Linh chào ra về. Nót chìa tay phải ra, bắt chặt, rồi gật đầu căn dặn : " Đi xe cẩn thận đấy!". Linh "dạ" rồi quay ra. Cô thầm nghĩ : " anh ta ra dáng anh trai nhiều hơn. Mà thôi, thế cũng tốt".

Linh không thể lường được hậu quả của cuộc chuyện trò qua quýt đó. Mười ngày sau, lúc Linh đang trực tiếp kiểm hàng trong kho Hợp tác xã thì thằng mập có tên là Thọ, con của lão xã trưởng ngụy Phan Cự chạy vào, run cầm cập :

- Chị... Linh... nguy nguy rồi...

Linh ngơ ngác:

- Cái gì thế ? Bị bắt hả?

- Không... bị bắt... mà bị... bị... mất tích...

- Ai mất tích ?

- Anh ... anh Phúng....

- Là làm sao?

- Chắc là ... cọp... cọp...

Linh hơi rùng mình. Cô vội vã kéo Thọ lên lầu, ấn vào tay nó cóc nước lọc. Thằng mập uống ừng ực.

- Nào, hãy bình tĩnh nói lại tôi nghe xem nào ?

- Dạ... nó mất tích.. khi xuống múc nước dưới suối...

- Suối nào ?

- Em không biết. Đó... đó là... đầu nguồn của một con khe... chỗ đó vào sâu lắm, có lẽ tận đất Lào rồi... Mà, chị biết không, cả cái đợt đi này anh Phúng lạ lắm, lạ chưa từng thấy. Anh ấy buồn ơi là buồn, nhiều đêm còn thút thít như là khóc nữa... Bọn em hoảng quá, hỏi anh có đau ốm gì không, anh ấy bảo không. Bọn em bàn hay là tạm quay về đã, anh ấy bảo có chết cũng không về tay không... Mà chị ơi, như thể là có điềm chị ạ. Mấy hôm ấy, anh Phúng hay buột miệng nói ra cái từ chết nhiều lắm. Nào là trạng chết thì chúa cũng băng hà, rồi thì chồn chết chó cũng lè lưỡi.... Đôi lúc bọn em cứ sợ run lên... Cái sáng đó, chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào anh ấy lại giành đi múc nước... Bọn em chờ mãi...chờ mãi...e phải đến tiếng đồng hồ mới xuống tìm... thì chị biết không, máu me dính đầy mấy hòn đá lớn, bờ đất thì sạt lở như có móng chân cào, mấy bụi cây dại bị quần đạp nát bét... Bọn em nhìn kỹ, có mấy cái dấu lạ... nghi là dấu của ông cọp...

Linh ngồi lặng, rất lâu, không động đậy người. Cổ cô khô đắng lại. Có lẽ phải đến năm mười, Linh mới cất tiếng :

- Anh em đâu cả ?

- Chúng nó... tan tác cả rồi... bỏ về quê hết. Thật là lũ khốn kiếp chẳng có chút nghĩa khí giang hồ gì ...

- Thôi được rồi. Em cứ bình tĩnh, xuống ăn một bát phở. Sau đó, cùng ra chợ với chị.

- Để làm gì hả chị ?

- Cứ đi, đừng hỏi. Mà này, chị dặn, em khoan kể chuyện này với ai cả nghe chưa ?

- Dạ...

Linh đưa Thọ mập ra chợ. Cô mua hương, chuối, nến, thêm một ít giấy vàng mã. Chiều đó, lúc mặt trời sắp tắt, Linh lấy xe hon - da đèo Thọ phía sau chạy một mạch lên bãi đồi đất pha cát phía trên dốc " sáu độ", ở đó ngày xưa gọi là Truông nhà Hồ, nay chỉ còn lại mấy vạt rừng tràm lúp xúp.

Linh bảo Thọ bày mọi thứ xuống đất, đốt nến, thắp hương. Cô lấy từ trong túi ra một đống dác trầm ( loại gỗ mục có dính ít nhựa trầm ) . Linh thắp nến, đốt hương, đốt cả dác trầm. Khói ngùn ngụt bốc cao, mùi thơm đến mức ngột ngạt.

Cả hai quỳ xuống, quay mặt về hướng tây nơi có những miệt rừng đen thẫm. Linh chỉ vái một cái rồi ngồi yên, lầm rầm gì đó trong miệng không ai nghe được. Còn Thọ thì cúi rạp người xuống mà khóc. Lúc đầu còn khóc tấm tức, sau gào to lên, mỗi lúc một thê thảm.

Khóc than khấn vái một lúc chán chê rồi thì cả hai đều ngồi yên lặng. Thằng Thọ bất ngờ quay sang hỏi khẽ :

- Này... lúc nãy chị khấn nguyện điều chi vậy ?

Linh khẽ thở dốc một cái, giọng thâm trầm

- Chị nguyện sẽ trả thù cho Phúng.

- Cái chi - Thọ kêu to lên- Chị trả thù ? Chị định... giết cọp à ?

Linh khẽ nhếch một bên mép, gần như cười :

- Phải, giết cọp.

- Chị... không sợ sao ?

Linh chống gối đứng lên, mắt vẫn nhìn hun hút lên miệt rừng :

- Không sợ. Chị có ngải mà, em!





l





Cái tin Linh làm đơn xin từ chức chủ nhiệm Hợp tác xã mua bán huyện, lại còn xin cả nghỉ thôi việc theo chế độ mất sức đã làm cho cả Hợp tác xã xao xác, ngay cả Uỷ ban nhân dân huyện cũng ngơ ngác không ngờ. Vẫn biết rằng, thời kỳ này cả một nền kinh tế đất nước đang lâm vào khủng hoảng. Hàng loạt cán bộ nhân viên nhà nước bỏ chạy khỏi cơ quan để ra kiếm sống bên ngoài, còn lại anh nào gắng gượng bám trụ thì " chân ngoài dài hơn chân trong" như người ta vẫn thường nói. Nhưng đó là nói chung, chứ còn một con người đầy bản lĩnh như Linh, lại kinh qua thử thách chiến đấu ở chiến trường, lại là con nhà có truyền thống rạng rỡ nữa... lẽ nào, một nhân vật như vậy mà cũng buông tay chèo ? Cậu Phó chủ tịch phụ trách tài mậu nhìn Linh nhăn nhó :- Cô mà cũng thế hả ? Linh vặc lại- Cũng thế là cũng làm sao ? - Cũng bạc nhược, đào ngũ chứ làm sao ? Cô không nghĩ đến mẹ cô đang là một trong những cán bộ trụ cột của tỉnh à ? Linh lập tức trợn mắt lên : - Này này, can cớ chi mà lôi mẹ tôi vào chuyện này ? Tôi tự thấy mình còn kém cõi, không đủ sức đưa hoạt động Hợp tác xã lên được thì phải nghỉ đi để người có tài có sức khác lên, như vậy không phải là việc tốt à? Phó chủ tịch huyện gật gật đầu :- Như vậy là có chuyện gì đó khiến cô bất mãn ? Linh lại phì cười :- Bất mãn ! Khổ ơi là khổ. Ở cái đất nước mình lên chức không khó bằng từ chức... Thế có kỳ không chứ.

Tất nhiên đến khi vào Huế gặp Li , Linh đã không nói cái giọng như thế. Cô biết mẹ hiện nay đã là uỷ viên Thường vụ, chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ.

- Con muốn vào ở cùng mẹ, được không ạ ?

Li cất chiếc kính lão trên mắt, nhíu mày nhìn cô con gái :

- Lại giở chứng cái gì nữa đây ?

Linh sà xuống, vòng tay ôm vào eo mẹ :

- Mẹ già rồi, lại bận việc lớn, thế mà.. lại cứ ăn ở tập thể thế này...

- Này này, tôi chưa đến mức phải cậy nhờ chị đâu.

Linh làm ra vẻ nũng nịu :

- Đâu có, chính con đang muốn nhờ cậy mẹ đây- Nói rồi, cô ngồi thẳng dậy, vẻ mặt đầy nghiêm trang- Con muốn đi học lại, mẹ ạ !

Li hấp háy đôi mắt, hỏi :

- Học.. là học thế nào ?

- Trước mắt con học bổ túc ban đêm cho xong chương trình văn hoá. Sau đó thi vào đại học. Mẹ giúp con nghe ?

Li nín lặng không nói gì. Thực ra không phải chị không muốn giúp con, càng không phải không tin vào nó. Chỉ có điều, chẳng hiểu sao đã mấy năm rồi, mỗi lần nghĩ đến Linh, chị lại thấy nhoi nhói trong tim, cái cảm giác như thể có một mũi kim nhỏ vướng vào trong ấy...

- Con chẳng ân hận về việc bỏ học năm xưa đâu, hồi đó bỏ là đáng. Tuy nhiên bây giờ không học không được . Hồi trước chỉ có thể chết vì bom đạn, còn thời này, người ta có thể rất dễ chết vì sự thiếu học... Con biết mẹ không bằng lòng với việc con từ chức, nghỉ việc ngoài huyện. Kể ra, con vẫn có thể gắng chèo chống thêm một thời gian nữa cũng được. Nhưng con đã cảm nhận được sự chết không chỗ chôn của nó rồi... Con không muốn chết theo nó. Con còn trẻ mà, năm nay mới ba tư tuổi, xuân chán...

Nói rồi, Linh tự bật cuời một mình. Bỗng nhiên Li cảm thấy xót xa... ừ, chị quên mất rằng nó đã quá tuổi ba mươi... Đời con gái đến đó thường được coi là xế bóng...

Ngay tối đó, Linh gọi điện thoại hẹn Đình ra quán cà phê "Hạ Trắng". Mẹ ở phòng tập thể, Linh không muốn bàn chuyện với em trong nhà mẹ.

Đình rất mừng vì được gặp chị. Từ ngày về tỉnh nhận công tác đến nay đã sáu năm nhưng rất ít khi chị em có điều kiện hàn huyên với nhau. Mặc dầu Đình đã biết rõ Linh không phải là chị ruột, nhưng trong lòng cậu ta, tình cảm đối với Linh tuyệt nhiên không thay đổi. Bất cứ lúc nào gặp chị, Đình cũng hớn hở như thuở còn thơ bé. Năm nay Đình đã chẵn ba mươi, nhưng vẫn là " lính phòng không" như đám bạn bè thường gọi.

Họ chọn một vị trí khá thuận lợi, hơi cách biệt với những bàn khách chen chúc giữa tâm quán. Linh gọi hai li cà phê sữa, một đĩa bánh ngọt. Đình thích chí huýt sáo liên tục . Linh cau mày :

-Này sao cậu hay huýt sao thế, quê lắm...

Đình cười xoà :

- Thì em là dân quê chính gốc mà lị...

- Hừ, đi học hành khắp nơi mọi chốn mà chẳng khá hơn chút nào...

Đình ngoạm một miếng bánh, lại tợp tí cà phê, rồi chép miệng :

- Sống ở đất cố đô này... đôi khi em cứ thấy ngường ngượng...

Linh chép miệng :

- Thì phải gắng mà tập thôi. Bây giờ chị cũng bắt đầu tập đây...

Đình ngừng nhai :

- Sao, chị chuyển vào tỉnh à ?

- Không. Chị xin nghỉ việc.

Đình chồm người lên :

- Nghỉ việc, chị có điên không đấy ...

- Cái gì mà oang oang lỗ mồm lên thế ! Linh khẽ đưa mắt nhìn quanh. Đình dí sát mặt, nói khẽ :

- Hay có chuyện gì à ?

Linh nhìn thắng vào Đình, gật gù rồi hỏi :

- Giá như... có chuyện thật, em có giúp được không ?

Giọng nói của Đình bỗng trở nên ngập ngừng :

- Em mà không giúp chị thì còn sống làm gì nữa... Chỉ có điều... nếu sự việc nghiêm trọng quá thì e... em không gánh nổi.

Linh phá lên cười, tay cô bụm miệng lại để khỏi bật ra tiếng :

- Chị doạ em đấy... Chẳng có chuyện quái gì đâu. Chị làm đơn xin nghỉ, mấy ông bên Huyện uỷ với Uỷ ban còn lồng lộn lên đập bàn đập ghế nữa là...

Đình thở ra một tiếng, nhẹ cả người :

- Nhưng tại sao thế chị ? Chị đang có địa vị công tác tốt thế mà...

- Tốt cái của khỉ ! Sắp chết đến nơi rồi, là chị nói cái thứ Hợp tác xã mua bán ấy... Khôn ngoan thì bỏ của chạy lấy người. Hơn nữa, chị có ý định đi học trở lại... Có lẽ vẫn còn kịp để lấy cái bằng đại học.

- Chị định học ngành gì ?

- Thương mại, hay du lịch gì đó. Nhưng trước mắt phải xong cái bằng cấp III đã ...

Cả hai chị em cùng một lúc nhấc li cà phê lên, khẽ nhấp. Họ cùng im lặng, mỗi người đang theo đuổi một ý nghĩ riêng. Một lát, Linh nói thì thầm :

- Chị gặp em, muốn bàn với em hai việc. Một là, chị muốn dựng cho mẹ một căn nhà. Ai đời làm cách mạng đến gần hết đời rồi, cũng chức nọ tước kia cao ngất ngưởng, thế mà cứ kiên trì hộ tập thể. Sao mẹ không nghĩ đến khi về hưu ở vào đâu...

- Đúng thế, mẹ kỳ quá- Đình gật đầu tán thành.

- Vấn đề là thế này, em phải thuyết phục mẹ xin cấp đất. Nếu mẹ lừng khừng thì đích thân em phải đi làm chuyện này. Mẹ " bôn" lắm, mà lại còn bệnh sĩ nữa.

- Chị nói đúng. Em sẽ ra tay.

- Chị có ít tiền, có thể làm được một căn nhà nhỏ. Trước mắt, nếu mẹ giữ ý không ở thì chị ở để đi học. Nhưng giấy tờ thì phải lấy tên mẹ...

- Chị chu đáo lắm...

- Còn việc thứ hai... Linh ngừng lại, tay vê vê phin cà phê, có vẻ lưỡng lự không muốn nói. Đình mở to hai mắt nhìn chi :

- Chị nói đi, việc thứ hai là gì ...

- Là... thế này... Lúc nãy em hỏi chị có chuyện gì phải không, chị bảo có, không phải hoàn toàn đùa đâu. Chị có một chuyện riêng uất lắm. Tất nhiên, chị phải nói ngay để em yên tâm, không phải chị bị vương vào tham ô tham nhũng gì đâu... Chị muốn kể với em câu chuyện này, có phần vì chị, nhưng cũng vì trách nhiệm chung nữa. Ví thử không liên quan gì đến chị thì em cũng nên quan tâm, vì chị linh cảm thấy, có lẽ đây là một vụ trọng án...

Đình nhăn dúm cả mặt lại :

- Trời ơi, sao chị cứ vòng vo tam quốc thế ?

- Em cứ bình tĩnh... kể cả khi chị kể em cũng không được hỏi chen ngang, hiểu chưa...

Đình gật đầu. Linh thở sâu một hơi rồi bắt đầu kể. Cô buộc phải thú nhận ngay với em câu đầu tiên là lâu nay cô có tham gia buôn bán trầm, vì lẽ ấy mà bắt buộc phải quen biết với hai nhóm người. Thế cho nên... Và Linh kể lại tất cả những gì đã xẩy ra, ngoại trừ những cơn men cuồng loạn của Phúng, cô chỉ nói sơ sơ, không thể tả chi tiết cho em nghe được...

... Chỉ khoảng một tháng rưỡi sau đó, Đình lại điện thoại cho chị đến quán cà phê Hạ Trắng. Nó thông báo vắn tắt với Linh. Thằng Nót đã bị bắt, bị khởi tố về tội mưu sát Phúng, còn đang điều tra thêm một số tội khác như buôn lậu và tổ chức xiết nợ theo kiểu xã hội đen. Đình cho biết, lai lịch của Nót thật sự bất hảo. Mẹ nó vốn quê ở Vĩnh Sơn, tên tục gọi là Nắc. Nót là đứa con bị bỏ rơi của tên quận trưởng cũ ở Cam Lộ tên là Nguyễn Đình Cựu... Hồi chống Pháp, Nguyễn Đình Cựu làm cha cố ở nhà dòng Phước Sơn nhưng lại can tội phản động, cấu kết với thực dân Pháp. Khi âm mưu bị bại lộ hắn bị việt Minh bắt, sau đó tha cho vào nam. Đến khi đình chiến, Nắc đã bế con theo số con chiên chạy vào tìm cha, nhưng tên Cựu không nhận. Cô thiếu nữ Vĩnh Sơn mất chỗ dựa, lại căm hận kẻ đểu cáng bạc tình nên đã xả thân làm điếm, đổi thành cái tên nghe rất cải lương là Hải Lệ, tức là giọt nước mắt của sông Bến Hải. Thằng Nót bị bố mẹ thả vào đám bụi đời từ đó...

Suốt cả buổi tối ở quán cà phê, Linh không nói một câu, cô cứ ngồi lặng im nhấp từng giọt nước đắng. Cho đến khi Đình chào chị ra về, Linh còn ngồi gắng thêm chút nữa. Sau đó, một mình đi ra bờ sông, thẫn thờ nhìn lên phía thượng nguồn sông Hương. Đêm mịt mùng, bưng bít, không làm sao nhìn thấy được những miệt rừng xa xôi . Linh cũng mặc kệ cho nỗi buồn thấm đẫm cõi lòng, cô muốn cho cái màn đêm u tịch kia tràn ngập vũ trụ để cho cả thế gian này không ai có thể soi mói vào tâm khảm cô, đừng cho ai bắt gặp một nỗi thương tiếc lẫn chút ăn năn hoài niệm về một số kiếp rủi ro do chính cô gây ra. Vĩnh viễn đừng để ai biết.





l





Dĩ nhiên, cuộc sống chẳng vì bất cứ điều gì mà ngừng trệ. Hết đêm rồi lại đến ngày, mặt trời lại nhú lên và chiếu sáng rực rỡ. Cứ thế, thời gian trôi. Linh đã thanh toán xong cái " bổ túc văn hoá". Chỉ có điều đến đó, không hiểu sao cô lại bỏ ý định thi vào đại học- Lúc này đã là năm 1988. Thời thế rất nhộn nhạo. Sau một quãng dài bế tắc, nghẹt thở, giờ thì đi đâu, ngồi đâu cũng nghe xồn xồn mấy từ " bung ra" " đổi mới tư duy" "chuyển đổi cơ chế". Thực ra thì cũng chưa nhìn thấy cái gì cho ra nếp ra tẻ, nhưng cứ như kẻ bị ngụp sâu lâu ngày dưới đáy sông, nay được dịp bật lên, ngoi lên, đua nhau thở, đua nhau đập tay, đạp chân, kẻ bơi xuôi, người bơi ngược.

Nằm trong bối cảnh ấy, lại thêm một ít vốn liếng tích luỹ được từ thời buôn trầm nó cứ cựa quậy trong túi không chịu nằm yên khiến một kẻ háo thắng như Linh không thể an tâm mài đít trên ghế học sinh được. Đã gần tuổi bốn mươi rồi. Linh nhớ bài học ngày xưa, thầy giáo giảng rằng Cao Bá Quát có câu thơ : Bốn mươi tuổi ngửa tay vẫn chưa thấy gì... Sau câu thơ ấy là một thời nổi loạn.

Linh quyết định tự đứng ra lập một công ty lữ hành du lịch, nối tua từ Đà Nẵng ra Huế...Cô cắm đầu vào làm ăn, nhào lộn mà làm ăn, quên ngày, quên đêm, quên cả nỗi buồn và thật sự cũng quên cả ham muốn vui chơi... Hai năm sau, đúng cái lúc Linh bước vào tuổi ba tám, thì xẩy ra chuyện tìm hài cốt liệt sĩ của Đọt.

Bây giờ hãy trở lại chuyện Đọt cái đận ấy, cái vận hạn cuối cùng của đời anh. Bắt đầu từ năm 1990, khi thằng Rệ đến tuyên truyền về chủ trương uống nước phải nhớ đến khi khổ...

Sau khi ký nhoằng vào tờ giấy của Rệ, trở về Đọt không sao ngủ được. Anh cồn cào nhớ về người bạn tri kỷ của mình. Bí thư Khảm. Không biết bấy lâu nay, anh ấy phải lẻ loi ở phương nào...

Tính tới, tính lui, cuối cùng Đọt quyết định lên xe đò vào Huế tìm Li. Đây là cuộc họp mặt đại gia đình lần thứ hai sau mười năm. Nhưng lần này, không ai mở mồm bàn đến chuyện riêng của họ. Theo gợi ý của Li, Đọt và Linh lên đường tìm ra Vĩnh Tú, hỏi thăm một người thương binh của đoàn 31 tên là Hoạt.

Họ gặp Hoạt khi anh ta đang chăn vịt ở ngoài khe ruộng. Cánh tay trái hơi bị cong khoèo. Nghe nhắc đến thủ trưởng, Hoạt lại chảy nước mắt. Cả bọn ngủ lại nhà Hoạt một đêm, sáng hôm sau, cơm đùm cơm nắm nhằm hường Trường Sơn lên đường.

Cả tốp đi theo cách của trinh sát ngày xưa, lấy góc phương vị, cắt rừng mà tiến. Đi mất một ngày rưỡi, trưa hôm sau họ gặp một khe nước nhỏ. Hoạt nhìn trước, nhìn sau một lúc thì lầu bầu: - Hình như là con khe này... nhưng sao bây giờ lại toàn bạch đàn cao sản thế này, rừng già đâu cả ? Đọt cau mày : - Chú mày dưới âm phủ chui lên đó hả ? Làm gì còn rừng già nữa mà hỏi. Hoạt nhìn Đọt, có vẻ ngạc nhiên :- Bị bom hả chú ? Đọt xì một cái, rồi lại thở hắt cái nữa :- Bom đạn đâu thời này. Con người cả. Gây dựng nên cũng mình, tàn phá đi cũng mình, trách ai được. Linh thầm nghĩ, không ngờ bố cũng triết lý thâm trầm ra phết.

Họ cứ men theo khe nước, lội lên trên chừng khoảng năm chục bước, lại lộn về vài ba chục bước. Hoạt leo lên bờ, cố tìm một mô đất cao, nhiu nhíu cặp lông mày ngắm nghía rồi lắc lắc đầu. Lại tuột xuống, lội trở lui thêm vài chục bước chân nữa... Cuối cùng anh ngột bệt xuống một tảng đá, úp hai tay lên mặt, kêu to lên giữa rừng:- Thủ trưởng ơi, thủ trưởng ở đâu?

Đến lúc này, Linh bất ngờ gỡ chiếc ba lô du lịch sau lưng đặt xuống đất, cô lôi ra một bó hương to, lại thêm cả một gói giấy báo nữa. Mở gói giấy ra là một đống dác trầm. Điều này thì cả nhóm không ai có ý thức chuẩn bị như Linh cả. Cô đốt một nắm hương to, đốt thêm một ít dác trầm. Khói và mùi thơm xông lên ngọt ngào. Chẳng cần giữ ý, giữ tứ, Linh quỳ xuống chấp hai tay xuống ngực, thầm thì khấn: " Ba Khảm ơi, con có lỗi nhiều với ba. Nhưng ba là một người lính, ba có lòng độ lượng, vị tha, xin hãy cho con một cơ hội để được làm bổn phận hiếu thảo của đứa con..." Đọt không nghe được lời khấn của Linh, nhưng anh rất cảm động. Anh không ngờ một đứa con bị bỏ rơi như nó mà lại có hiếu với ba đẻ như vậy. Và anh cũng hơi bất ngờ, không biết cái con Linh sắc sảo, ngang ngạnh này lại nhiễm sắc khói tâm linh từ lúc nào? Đọt nhìn Linh quỳ chấp tay trước màn hương khói mê muội, không chịu nổi, anh gào to lên: - Anh Khảm, anh ở đâu thì nói đi, anh nỡ để con anh nó quỳ thế ư? Anh làm tình làm tội con cả đời như thế chưa đủ sao? Anh Khảm!

Tiếng hét của Đọt to quá, bất ngờ quá, khiến một con chồn hương ở lùm cây dại phía trên đó chừng mười bước chân tuông bụi chạy ra ngoài. Linh bất ngờ lồm cồm đứng dậy chạy tới phía có lùm cây đó. Đọt và Hoạt cùng chạy theo mặc dù chẳng hiểu chuyện gì. Đột ngột Hoạt reo lên:

- Đây rồi......

Cả tốp đứng sững lại. Đọt ghé tai Linh hỏi thầm:

- Vì sao con biết ?

Linh ngơ ngác:

- Con....con có biết gì đâu. Mà đây thiệt hả anh Hoạt ?

Một người lì lợm như Đọt mà bất giác phải rùng mình.

Họ xúm nhau phát cây kéo ra xa rồi bắt đầu đào. Chỉ mới vài nhát cuốc, họ đã gặp. Người đầu tiên oà lên khóc là Đọt.

Đăng ngày 14/01/2008

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan