Saturday, October 17, 2015

Căn bệnh của phê bình hôm nay

Tác giả: Inrasara

xuanduc.vn : Trên trang web này đã từng có một cuộc bàn ( bằng comment) khá xôm về ông nhà thơ kiêm nhà phê bình này.( Xin nhắc là ở trang đăng thơ Trần Nhuận Minh ) Nhưng thú thật lúc đó tôi chưa được biết dung nhan của nhân vật nổi tiếng này nên có can gián. Hôm nay vào trang web Hội nhà văn, thấy bài viết này, lại thêm ảnh chân dung nữa. Tôi đọc và thấy có nhiều điều hay ho để suy nghĩ và bàn luận. Tôi liền cóp về đây. ( Trên trang của Hội cũng đã có mấy lời bình khá vui, nhưng thôi, nếu cóp thêm nữa lại mang tiếng tham quá )



Không khác sáng tác, phê bình hôm nay cũng đang lâm bệnh. Có lẽ còn nặng hơn. Dẫu sao, sáng tác thiên cảm tính còn chấp nhận được. Phê bình, tự nhận đầy ý thức, với nhiệm vụ "soi đường", "định hướng" sáng tác, nhưng chính nó còn ngái ngủ, chưa tự thức (self conciousness). Chưa, nên không nhìn ra bệnh, hay có thấy nhưng còn mơ mơ hồ hồ, hoặc tự kỉ là căn bệnh chưa có gì trầm kha lắm, không muốn chữa, không cần thiết chữa.
Vậy thì, thử mạo muội bắt mạch chẩn bệnh xem phê bình đang mắc vi-rút nào, biểu hiện ra sao, do đâu nên nỗi.

1. Phê bình độn giai thoại. Trong một bài phê bình, ta luôn khởi đầu hay tùy tiện độn vào cơ man là giai thoại. Để làm gì có ma mới hiểu. Rằng tôi đã gặp nhà thơ này ở... anh gây cho tôi ấn tượng mạnh... chúng tôi khá tâm đầu ý hợp. Hay, sáng thức dậy tôi bất ngờ nhận được tập thơ do cây viết mới toanh gửi, tôi miên man đọc trong một tâm trạng xúc động lạ thường. Hoặc, nhà văn trẻ nọ đã ngập ngừng đưa tôi đọc bản thảo tiểu thuyết, tôi giục bạn hãy in đi, nó đứng được. Rồi thì trong một buổi lai rai nhà thơ lớn xin giấu tên tuyên bố đây mới là thi sĩ đích thực,... Rất ít bài phê bình hay giới thiệu sách nào chịu rời bỏ thói tật đó. Đọc một bài phê bình, người đọc biết về sinh hoạt riêng tư của nhà văn [và cả người viết đang ăn theo nó] nhiều hơn là chính tác phẩm. Bởi, mấy giai thoại chẳng ăn nhập gì đến cuốn sách đang được bàn đến. Chúng vô hại, nhưng chúng được kể lể lê thê, rất tốn giấy mực. Và nhất là: nhảm nhí.

2. Phê bình bình và tán. Không trên nền tảng mĩ học nào. Thơ chỉ có thể cảm, chứ không nên dùng sự hiểu mà phân tích nó - là tuyên ngôn ưa dùng của nhà phê bình bình và tán. Tại một cuộc Bàn tròn văn chương, một bạn đọc nhận định tập truyện ngắn [đang là đối tượng của cuộc thảo luận] mới mẻ, đầy tưởng tượng mà vẫn ngồn ngộn hiện thực. Tôi hỏi chứ nó mới mẻ thế nào, so với ai? Bạn đặt tác phẩm này ở đâu trong dòng chảy văn chương hôm nay để đánh giá? Hoặc chi tiết nào trong tác phẩm thông báo sự ngồn ngộn? Một bạn văn khác thì "tôi cảm nhận tập truyện rất hay và đặc chất hậu hiện đại". Vậy thôi. Tôi bảo đây không phải chỗ để các bạn tới cảm nhận khen chê mà, bạn cần định danh, định tính tác phẩm, sau đó hãy chứng minh để thuyết phục mọi người tin nghe bạn. Còn nếu chỉ cảm nhận, hãy cứ ngồi lại nhà cảm nhận thì tốt hơn.

Phê bình cảm nhận nhận định tác phẩm đầy cảm tính trong một tâm trạng, hoàn cảnh nào đó, chứ không phải qua chuẩn của hệ mĩ học. Kĩ thuật của tập thơ này chưa tới, còn tới đến đâu thì chả thấy ai nêu ra cho bàn dân thiên hạ rõ. Nữa: đây là bài thơ rất hiện đại, còn hiện đại là gì nhà này chẳng chịu chỉ ra, chỉ thấy trích dẫn vài ba đoạn vậy thôi. Hiện đại là thuật ngữ phương Tây, nó cần được hiểu theo tinh thần phương Tây. Bài thơ hiện đại đòi hỏi đáp ứng tinh thần và thủ pháp hiện đại tối thiểu, trong khi ta mỗi khi bắt gặp đoạn/ bài thơ nào đó lạ lạ xíu là gán cho nó tên hiện đại. Do phê bình không đặt trên nền tảng mĩ học nào nên, thi thoảng cũng có xuất hiện đây đó vài đoạn "xuất thần", bật được vài ý tưởng với lối diễn đạt bất ngờ, như thể một trò may rủi. Còn nhìn chung - lan man. Đọc gần hết bài, lắm khi không biết nhà phê bình nói gì! Ta tự đưa đẩy ta vào vùng tối mò, lẩn quẩn.
3. Phê bình bình và tán có bà con máu mủ với loại phê bình thứ ba: phê bình chung chung, vô thưởng vô phạt. Các lời lẽ nhận định có thể áp dụng cho mọi nhà, mọi tập, mà vẫn không trật! Phê bình chung chung lấy sự khen làm nguyên tắc xuyên suốt. Đơn giản, đó là kiểu phê bình dễ xài. Nó khả năng chiều ý đại đa số độc giả phổ thông nên, dễ ăn khách. Báo chí các loại dễ gật. Không cần nỗ lực khám phá, không phải vật lộn với cái mới, cái khác lạ. Cũng chẳng cần thiết vận dụng khả năng thẩm định đặc biệt nào, lối diễn đạt độc đáo nào. Người viết chỉ xáo lại mấy cụm từ làm sẵn, theo một sơ đồ các sáo ngữ thông dụng, thêm vài trích dẫn tùy hứng là xong. Huế phải là đẹp và thơ rồi. Thơ dân tộc thiểu số thì đậm đà bản sắc nhưng vẫn nỗ lực vươn đến hiện đại. Văn miền Nam đầy chất dân dã Nam Bộ là chuyện đương nhiên, còn miền Trung chắc chắn không tránh khỏi sự oằn oại, gân guốc. Nhan nhản mọi chốn mọi nơi là những: tác giả đã vượt lên chính mình, nhà thơ trải lòng mình ra trang giấy, không cố ý nhưng sự cách tân là khá đậm nét, một bất ngờ lớn dành cho người đọc, viết về cái cũ mà cứ mới, thơ có vẻ đẹp rất riêng không thể lẫn, câu thơ chứa chan bao nỗi niềm, những tứ thơ dịu dàng đầy nữ tính, bám rễ vào lòng người, day dứt và trăn trở, nỗi nhớ nhung da diết khôn nguôi, thành thật đến cháy lòng, lay động sâu xa tâm hồn người đọc,... Cứ thế, mênh mông. Không cần thao tác phân tích, trích rồi tán và tán nữa. Cụ thể, có thể sai, bất cập nhưng nó rành mạch. Qua đó người đọc dễ đối sánh, góp lời bàn. Còn chung chung, khó ai bắt bẻ được cái nỗi chung chung. Do đó, ai cũng có thể viết phê bình được.

4. Phê bình hũ nút. Phê bình này không cần biết đến ai, lấy mình làm thước đo văn chương người thiên hạ. Ngồi lại căn chòi hệ mĩ học cũ kĩ, chưa thoát khỏi phê bình ấn tượng thời Thơ Mới, cho nên câu châm ngôn muôn thuở ưa hót là: cho đến hôm nay vẫn chưa có nhà phê bình nào vượt được Hoài Thanh. Phê bình hũ nút đứng trên quan điểm của hệ mĩ học lạc hậu đánh giá sáng tác thuộc hệ mĩ học khác mình, mới hơn mình. Dùng gang tấc mĩ học lãng mạn đo chiều kích thơ siêu thực, sử dụng tiêu chí mĩ học tượng trưng lượng giá sáng tác hậu hiện đại. Đành rằng với số lượng khổng lồ các sáng tác đương đại cùng bao nhiêu trào lưu khác lạ, mới mẻ cấp tập ra đời, không ai tự nhận quán xuyến được tất cả. Nhà phê bình chỉ chọn một hệ mĩ học để làm phê bình. Nếu không khả năng dung hóa cùng lúc nhiều loại sáng tác khác nhau, thì ít ra, bạn cần học nhìn rộng mở hơn các loại sáng tác khác hệ mĩ học mình. Đằng này, nhà ta - không! Tất cả không chừa trừ ai muốn thơ cứ "ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng" thì mới đích thị cô nàng thơ ca duyên dáng ẻo lả vốn xưa nay là.

5. Phê bình hũ nút dù có hay không nhận biết sự lỗi thời của mình, nhưng để tự vệ nó luôn biết bám vào cái khác, lớn hơn, cổ điển hơn, được đa số công chúng ngoài văn học yêu thích hơn. Tạm gọi tên nó là Phê bình núp bóng. Phê bình này có đất sống nhờ biết khai thác tâm lí sợ hãi cố hữu của con người. Sợ điều khác lạ, cái chưa biết, sợ mất sự đã biết hay sự vật quen thuộc. Họ núp bóng đủ loại thế lực: quần chúng hay nhân dân, truyền thống và đạo đức, danh nhân văn chương với các tác phẩm vĩ đại. Goethe và Kundera đã nói, chưa có tác phẩm ngang tầm Chiến tranh và Hòa bình, Truyện Kiều là đỉnh cao không thể vượt qua,...

Núp bóng dưới lô cốt của định kiến, nó quyết chối bỏ cái mới, mới trong sáng tác lẫn trong lí luận - phê bình, qua đó góp sức ngăn cản cơ hội/ khả tính cảm thụ mang tính sáng tạo của người đọc cấp tiến. Đâu đâu người đọc cũng gặp phải phát ngôn được lập trình sẵn dành cho tinh thần phiêu lưu làm mới trong văn học nghệ thuật: đó là thứ sáng tác không phù hợp cảm quan phương Đông, phản cảm với truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, một thứ thơ vọng ngoại học đòi, lối viết hậu hiện đại đang phá hoại sự trong sáng của tiếng Việt, nhiều nhà thơ muốn nổi danh sớm bằng những trò lập dị, ồn ào thử nghiệm với cách tân, các loại sáng tác đó độc giả Việt không thể cảm,... Phê bình núp bóng còn có biệt danh khác không phải không ấn tượng: phê bình nhân danh. Đã nhân danh thì đó là thứ chân lí đinh đóng, miễn bàn cãi. Tại đây dễ sinh ý định muốn loại trừ cái khác mình. Tắt một lời: độc quyền mặt bằng văn chương chữ nghĩa.

6. Phê bình bè phái. Từ mấy luồng di chuyển của các loại vi rút đang tràn lan thế giới chữ nghĩa trên, phê bình bè phái sở hữu mảnh đất riêng để dọc ngang. Không phải trường phái mà là, bè phái chính danh. Loại phê bình này thể hiện mình cả ở thái độ bênh vực hay cáo giác. Bênh thì, dù chưa nắm được việc làm mới của thơ/ nhà thơ các loại, nhưng với tâm lí sợ bị coi là lạc hậu, vẫn hùa theo tâng bốc chúng. Từ đó nảy ra bao nhiêu lời tụng ca. Là sự nhầm lẫn của không ít nhà phê bình có tinh thần cấp tiến, nhưng không chịu học. Không học thì không biết thiên hạ đi tới đâu. Không sao cả! Nhưng không biết vẫn cứ nói. Nhớ cuộc trò chuyện của hai nhà thơ mấy năm trước. Hai vị say sưa thuyết về thơ Việt đương đại, nói lấn sang thơ ngôn ngữ Hoa Kỳ, cả thơ mở rộng và bao thứ khác nữa, bị một bạn đọc nhắc là dường như các anh chưa có khái niệm tối thiểu về chúng, chứ đừng nói đến chuyện đọc hay thâm nhập các trào lưu văn nghệ này! Cấp tiến nhưng không chịu đọc, để biết văn đàn có thêm biến chuyển nào mới, khuôn mặt nào khác. Nên vĩnh viễn nhai đi nhai lại vài tên tuổi mình nghĩ mình đã "khám phá". Độc quyền khám phá, rồi tự hưu non. Lạ, không ít kẻ làm phê bình đi sau lặp lại từ nỗi nhai lại này!

Ở chiều ngược lại, phần đông nhà phê bình thủ cựu khi chê thơ trẻ, hay nhấn vào ngôn từ thô thiển, thi ảnh dâm tục, nhịp điệu không ra làm sao, lối dùng tiếng Việt chẳng nên thơ... của nó. Chỉ thế thôi, nhà ta cũng đủ đóng dấu chết/ sống cho một loài thơ! Tại mảnh đất này, không ít người dù chưa biết tân hình thức hay hậu hiện đại là gì là đâu, vẫn lên tiếng chê bai thơ/ trào lưu hậu hiện đại, tân hình thức. Năm ngoái thôi, có vị còn mạnh dạn giới thiệu với tôi một bài thơ tự do-siêu thực của một nhà thơ mà ông gọi đó đích thị thơ hậu hiện đại, gợi ý tôi bình tán nó. Một anh khác thì tuyên đọc một bài tập Kiều rồi kêu ông bà ta đã hậu hiện đại từ khuya rồi, đâu phải đợi đến ngày nay. Anh còn chưa phân biệt nổi "tập" với "giễu nhại". Mới khổ!
Khi hai "luồng" này đụng độ nhau kéo theo trận cãi cọ nào đó, thì phe ai người nấy theo. Rất ít nhà phê bình chịu khó truy tìm hành trình sáng tạo của mỗi trào lưu, với bao cái hay, điều bất cập có mặt trong tác phẩm từ chính hệ mĩ học của nó.

7. Trong khí quyển văn học hôm nay, đột ngột xuất hiện cơn bão tố phê bình đại náo văn đàn, thao túng mấy thành phần độc giả. Không tên gọi nào khác xứng danh hơn dành cho loại phê bình này: Phê bình quan phương. Là thứ phê bình hãnh tiến của kẻ tự coi mình đang nắm chân lí trong tay, bao giờ và ở đâu cũng ăn nói ở thế đúng, thế thắng. Nó ngồi trên cao ngó xuống, trịnh trọng đầy trịch thượng. Như thể ta quyền phán xét tất cả, nắm độc quyền sinh sát trong tay tác giả, tác phẩm lẫn trào lưu ta không ưa. Loại này có máu mủ ruột thịt với phê bình hũ nút nhưng cao cơ hơn, khôn lanh và thâm hiểm hơn. Nó có thể khệnh khạng xoa đầu: nhà thơ có nhiều nỗ lực nhưng chưa tới, có cách nhưng chưa tân, chúng cũng có vẻ mới nhưng chỉ là thứ nhai lại những gì phương Tây đã thải loại từ mấy chục năm trước... Nhưng ở vào thời điểm cần thiết hay khi bị phản công, phê bình quan phương sẵn sàng từ cõi đẹp đẽ tót vời nhảy xổ ra giở trò khai báo, đe nạt: lập trường nông cạn thiếu nhất quán, cực đoan phiến diện, phản bội tiêu chí căn bản nhất của văn chương, có ý đồ sâu xa thế nào ai cũng biết, tư tưởng có dấu hiệu đồi trụy và phản động, phá hoại truyền thống văn hóa dân tộc,... Vượt lên cả hai, đặc tính nổi bật nhất của loại phê bình quan phương là nó biết khôn ngoan trang bị ngón nghề mô phạm. Để tránh tiếng dựa hơi thế lực chính thống, nó biết lúc nào cần trở về với vai trò người cầm cây thước công dân giáo dục khuơ khoắng dạy dỗ. Nhà văn cần phải viết thế này thế nọ, xây dựng hình tượng tiểu thuyết như thế là chưa đạt, thơ như vầy thì không thể gọi là thơ được,...

8. Chen chân giữa mấy ông/ bà lớn ít ra còn dám là mình, văn đàn ta nảy nòi một dạng phê bình mới: Phê bình hàng hai, ăn theo, nói theo để còn ăn theo lâu dài hơn ở thì tương lai. "Bước chân chữ bát chầy chầy", nó len lỏi luồn lách ngả nghiêng phơ phất, tùy cơ ứng biến giữa phê bình hũ nút và phê bình cấp tiến cánh hẩu. Mặc cảm yếu đuối có mặt thường trực tận sâu thẳm tâm hồn nên nó rất hãi phê bình quan phương, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị đánh. Hãi quan phương nhưng để tỏ ra ta đây chỉ làm văn chương thuần túy, sợ lạc hậu nhưng cũng ngán bị gán cho danh hiệu học đòi phương Tây, nên chiến lược thủy chung như nhất của nó là: lựa lời. Lối nói lựa lời không thể/ không dám đứng đường đường chính chính mà luôn biết dè dặt đi sau đánh hơi, nghe ngóng. Dĩ nhiên nỗi đi sau và sự biết lựa lời đôi khi cũng hớ hênh. Chính lúc này, phê bình hàng hai tỏ rõ sự tháo vát của mình: biết phủi tay tháo chạy. Tháo chạy nhưng vẫn chừa ngõ để trở lại vào một ngày sớm nhất. Nghĩa là nó không chịu rời bỏ nhiệm sở, sẵn sàng thỏa hiệp [với bên này hay bên kia] để trở lại, trở lại để thỏa hiệp bê bết hơn nữa. Đi hàng ba hàng bốn.

9. Tạm gọi tên và nêu vài đức tính của căn bệnh phê bình. Riêng chuyện sớm nắng chiều mưa linh tinh xung quanh chúng thì vô thiên lủng! Ví như trong một bài phê bình mà phần trích thơ chiếm tỉ lệ vượt trội, như thể người viết chẳng có gì nói mà lại muốn làm đầy thật nhanh trang báo. Chuyện người làm phê bình muốn chọn nẻo đi an toàn, nên muôn năm quẩn quanh Huy Cận với Chế Lan Viên, Xuân Quỳnh hay Quang Dũng mà làm phê bình; bên cạnh trích dẫn Baudelaire, Valéry, Sartre, Eliot... điểm xuyết bài viết cho ra vẻ cấp tiến. Điều nữa không phải không đáng nêu [gương sáng]: Nhà thơ khi làm phê bình lắm lúc phán khá tỉnh bơ: "Kẻ cả đời không làm nổi một câu thơ thì chớ mong phê bình thơ". Hết biết!
Văn chương chữ nghĩa ta mấy chục năm qua đầy tràn các căn bệnh như thế. Cơ may thuyên giảm đâu không thấy, mà dấu hiệu trầm kha thêm thì rõ mồn một. Bởi mọi người ngầm thỏa hiệp lẩn tránh thao tác chẩn bệnh và bốc các thang thuốc đặc trị. Cứ thế mà ve vuốt nhau đậm đà bản sắc với không thiếu hiện đại, đầy tính nhân văn lẫn đẫm tình người.

Rốt cục rồi tất cả các bài viết ngẫu hứng bình Đông tán Tây kia được tập hợp lại trong một cuốn sách dày trên dưới 300 trang, nhà ta tự tin gọi đó là "Tập lí luận - phê bình". Đọc suốt tác phẩm, độc giả không thấy đâu là tư tưởng nền tảng của nhà phê bình, mà chỉ nghe bao nhiêu giai thoại nhảm nhí, trích đoạn tùy tiện, nhận định vu vơ vô bằng, cùng muôn ngàn ý kiến nói theo từng xuất hiện nhan nhản trên đủ loại báo phổ thông.
Vài năm qua khi dấn vào cõi miền phê bình, tôi cũng không tránh khỏi lây nhiễm mấy thứ vi rút trên. Một/ một vài hoặc tất cả chúng nữa không chừng!
Nên, viết là để cảnh giác chính mình trước hết.

 Đăng ngày 27/10/2008
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Lê Hoàng - 29/10/2008

Chuyện cổ tích thế kỷ XXI
(Đọc mấy bài tù mù trên, thú thực, tôi thấy...tù mù thêm và...chán thêm. Vừa xem xong VTV1 trực tiếp gặp Thầy giáo thợ cày Hoàng Văn Nam, một câu chuyện tôi quan tâm từ lâu, tôi viết mấy dòng này gửi anh và bà con xem cho vui nhé. Nếu anh thấy quá dở thì anh cứ bỏ luôn nhé, đừng post lên, tôi không buồn mà vui đó)
Kính tặng Thầy Hoàng Văn Nam
Thôn Đại Lâm, Xã Tam Đa, Huyện Yên Phong, Tỉnh Bắc Ninh

Khi đứa con trai đầu lòng bị nhà trường xã hội chủ nghĩa quẳng ra đường
Vì trí tuệ dưới mức trung bình không thể học lên tiếp tục !?!?
Mặc dù nhà trường đã quan tâm hết sức !?!?
Vợ chồng anh thợ cày Hoàng Văn Nam lòng quặn đau như bị ai cầm muối xát

Bao đời nay ông cha bán lưng cho trời, bán mặt cho đất
Chỉ mong sao cháu con ăn học thành người
Trăm sự nhờ thầy cô. Nhưng sự đã rồi…
Chẳng lẽ con sãi chùa thì cứ quét lá đa mãi mãi…

Trằn trọc bao đêm. Tính đi rồi tính lại
Anh quyết tâm: phải cứu lấy con mình!
Chữ nghĩa anh chẳng có là bao, nên phải gắng hết sức bình sinh
Con học cha, cha học con. Rồi anh thành Thầy từ lúc nào chẳng rõ!

Mấy cha con lăn ra dạy và học cho nhau trong nồng nàn hương lúa
Giải lao rồi. Này bát nước, củ khoai
Gắng lên con, mai mốt thành tài
Cho thôn xóm giàu lên, cho mẹ cha mát mặt!

Chuyện như đùa mà thành chuyện thật
Con em tiếp thằng anh vào đại học ung dung
Chẳng biết có phải cha ông phù hộ hay không
Hay hiếu học đã thắng đói nghèo dốt nát?

Tiếng lành đồn xa.
Học sinh trong xã, trong làng lũ lượt kéo nhau đến học
Ông thầy giáo thợ cày áo quần còn lấm lem bùn đất
Chỉ rửa ráy qua loa là lên lớp được ngay
Vững tay phấn như bao năm vững tay cày trên đồng khoai ruộng lúa.

Thầy giáo thợ cày Hoàng văn Nam không hề là giáo sư, tiến sĩ
Chưa một lần biết giảng đường dài rộng thấp cao,
Đã bước qua bóng mình bởi cháy bỏng khát khao:
Con hơn cha là nhà có phúc!
Muốn thành người phải đứng lên và học!


Tôi lặng ngắm anh. Một nông dân khôi ngô mà chất phác
Ngọn lửa từ trái tim cháy bỏng yêu thương và trí tuệ sáng bừng khuôn mặt
Vây chặt quanh anh là bà con chòm xóm, bạn bè
Gió lộng bốn bề man mác hương quê.

Và tôi kể chuyện cổ tích này cho ngành giáo dục nghe...

  Gửi bởi: Chaudonghuong - 29/10/2008

Câu chuyện thật cảm động mà bài thơ cũng thật hay!Chúng ta chẳng nên quan tâm ngành nào làm gì chú ạ bởi ngành nào thời nay cũng rứa.
  Gửi bởi: "Tiếp..." - 29/10/2008

Anh Lê Hoàng viết câu kết: "Và tôi kể chuyện cổ tích này cho ngành giáo dục nghe...".
Thật hả anh? Anh kể lúc nào, ở đâu? Cái anh chàng "ngành giáo dục" ấy ở đâu, anh ta có nghe chuyện cổ tích của Anh không? Ngành đó có nói gì không?
Tui chắc họ nói: "khổ quá, chuyện cũ rồi, nói mãi".
Hay là họ nói: cái Ông Lê Hoàng này kể chuyện tào lao. Phải có bằng cấp chứ!
Tôi thích cái câu cuối của bài thơ anh giới thiệu:
Gió lộng bốn bề man mác hương quê

  Gửi bởi: cuchoa - 29/10/2008

Hihi!  Cháu kể chú nghe tạm chuyện của ngành giáo dục nhé! Đọc xong mà chú có mếu thì tại chú thôi nha!
Cháu có thằng con trai 7 tuổi đang học lớp 2. Hôm qua đi học về nó khoe được thưởng cây bút luyện chữ đẹp vì thành tích thi giữa kì toàn được điểm 10. Cháu chưa kịp khen thì nó bảo:
-Mẹ, cô giáo nói chiếc bút này có giá 49 ngàn đồng.
Cháu chưa kịp lên tiếng thì nó hỏi tiếp:
-Mẹ ơi, Nếu con có 100 lần 49 ngàn đồng thì có mua được chiếc máy bay không?
Cứ ngỡ nó nói chiếc máy bay đồ chơi nên cháu gật đầu:
-Được!
Bỗng nhiên nó nói như reo:
-Hay quá! Ngày mai mẹ đem bán cái bút này và cất 49 ngàn cho con nhé! Sau 100 lần con sẽ mua một cái máy bay thả bom có điều khiển từ xa con sẽ bắn tan xác mấy đứa bạn trong lớp con cho bỏ tức!
Trời đất! Cháu hoảng hốt trước vẻ bạo lực bất chợt của thằng bé . Cháu hỏi dồn nó:
-Ai bày cho con nói như vậy? Tại sao con lại đòi bắn các bạn? Như vậy là con hư!
Bỗng thằng bé xịu mặt rồi rơm rớm nước mắt:
-Tại các bạn ấy giễu con, giờ ra chơi các bạn ấy bảo cây bút của con xấu hoắc.
Cháu hỏi nó:
-Ai bày cho con nói từ “ Tan xác”?
-Thì cô vẫn nói vậy mà. Trong giờ học, bạn nào nói chuyện là cô bảo: Im ngay không! Tôi đập tan xác bây giờ!
Trời đất! Cháu há hốc mồm trước ngôn ngữ dao búa của các cô nuôi dạy… hổ thời nay. Cháu bảo nó rằng:
-Được rồi! Ngày mai mẹ sẽ đến phê bình cô giáo đã nói với các con như vậy!
Thằng bé giãy nãy:
-Thôi! Thôi! Mẹ mà nói là cô giáo đập con đấy! Mẹ đừng nói nha!
Cháu phải hứa là không nói rồi giảng giải cho nó một lúc lâu, nó gật đầu rồi lại tung tăng đi chơi vui vẻ như bản chất trẻ thơ của nó nhưng trong lòng cháu hoàn toàn không vui chú ạ. Cháu không hiểu sao cô giáo lại phải nói với học sinh rằng cái bút -phần thưởng có giá trị bao nhiêu và dùng những từ như thế để răn đe học sinh.

Khiếp! Khiếp quá!

  Gửi bởi: Xuân Đức - 29/10/2008

Cuchoa đó à, sao lâu quá không thấy xuất hiện ? Tự nhiên lẩn trốn đi đâu thế, bị ai truy đuổi hả ?
  Gửi bởi: cuachoa - 29/10/2008

Hi, hi!!! Nào cháu có trốn đi đâu mà tại chú dạo này coi bộ thích nghe cãi nhau nên khênh về nhiều bài cãi nhau hăng quá làm cháu ngại thôi. Nhà văn cả nên cãi nhau hay quá chú nhỉ? đọc một lúc, ngược xuôi gì thấy cũng đúng và ai cũng đúng, cũng tài. Lớn lên cháu sẽ cho thằng bé con của cháu đi học trường viết văn mới được. Một phần thấy thằng bé đang nhỏ nhưng ăn nói lưu loát, một phần tuổi thơ dữ dội được tôi luyện ở các loại nhà trẻ, trường học với các loại từ ngữ như cháu vừa kể trên nên chắc nó sẽ làm nên chuyện đấy. Năm trước nó còn kể cho cháu nghe là cô giáo bảo cả lớp đặt từ có vần oet. Con xung phong đầu tiên và đặt từ: láo toét. Cả lớp cười quá trời luôn!
Hihi!!!

  Gửi bởi: Lê Hoàng - 29/10/2008

Gửi "Tiếp..."
Xin cảm ơn bạn vì bạn đã quan tâm đến "Chuyện cổ tích của Thế kỷ XXI" vụng về của tôi. Cũng thành thật xin lỗi bạn vì tôi quá sơ suất như bạn đã chỉ. Xin bạn vui lòng cho tôi dài dòng một tí ha. Tôi có một thói quen (không biết là tốt hay xấu) là mỗi khi viết mà có sữa chữa thì thường lưu đến mấy cái versions lận, 1; 2; 3...thậm chí đã có bài đến con số 41 lận và từ 1 đến 41 mất gần 10 năm. Lần này cũng vậy và cũng vẫn bị mấy cái anh chàng này chơi xỏ. Do mắt mũi kèm nhèm (lại hay thức khuya, có khi trắng đêm luôn), nên đáng ra gửi cái versions3 thì lại gửi...2, thành ra có nhiều chỗ không ổn, thậm chí lại còn quá tệ (tôi mà còn thấy tệ, thì chắc bạn còn thấy...đại đại tệ, hihi). Đã mấy lần làm phiền Lão Trang vì chuyện này rồi mà chắc đến...chết cái nết vẫn không chừa nổi. Thậm chí lần này còn sót hẳn mất một khổ. Nếu bạn không phiền lòng thì tôi xin gửi bạn cái...khổ đó nhé:
..."Vững tay phấn như bao năm vững tay cày trên đồng khoai ruộng lúa.

Những đứa trẻ ngày nào đến trường phải cúi mặt vì tự ti, vì xấu hổ
Thì nay chúng đã dám tự tin, đã dám ngẩng cao đầu
Bởi chúng hoàn toàn không thiểu năng trí tuệ
Và những con chim sẻ bé bỏng này sắp thành đại bàng để có một ngày vỗ cánh bay cao!

Thầy giáo thợ cày Hoàng văn Nam không hề là giáo sư, tiến sĩ"...
và còn mấy từ như..."sãi ở chùa thì"...
Đặc biệt, tôi cũng sửa ..."ngành Giáo dục"... thành..."bà con làng Giáo dục"...Tức là ..."Và tôi xin kể chuyện này cho bà con làng Giáo dục nghe". Thực tế, trong phạm vi khả năng mình, tôi đã làm chuyện này từ lâu và không chỉ một lần, khi có điều kiện. Bởi tôi coi đây là một vấn đề có tầm quan trọng vì nó chỉ ra một yếu kém rất trầm trọng của ngành giáo dục nói chung, của tất cả các trường Sư phạm nói riêng. Ai đời "Bệnh viện tỉnh trả về mà thầy lang vườn chữa khỏi" thường xuyên, phổ biến như vậy thì "BV Tỉnh" còn là cái gì nữa. Tôi cũng coi đây là lời cảnh báo cho các cấp quản lý GD, đặc biệt là với quý vị phụ huynh hS, SV, đừng quá cả tin khi trường...chê trách, thậm chí...khen thưởng!
Không biết bạn có cùng trong ngành không?
Một lần nữa, cảm ơn bạn nhiều!

  Gửi bởi: "Tiếp..." - 29/10/2008

Chào Anh Lê Hoàng. Chúng ta (nghĩa là trong đó có cả tôi và anh) đều lớn lên và như thường nói:... lớn qua mái trường XHCN. Mỗi thời một khác, cái được có, cái chưa được có, cái do khách quan, do vô tình có, cái chưa được, hoặc do cố ý có, nghĩa là đủ thứ nguyên nhân.
Tôi đoán anh với tôi cũng là thế hệ không xưa và cũng không nay. Cái thời mà không ai dạy cho nhạc, họa, ngoại ngữ... trong trường phổ thông. Các môn cơ bản thì thiếu sách giáo khoa, sách đọc thêm. Một thiệt thòi lớn.
Rồi một thời, Phạm Văn Đồng có nói (đại ý, tôi không nhớ nguyên văn): dạy cho ra dạy, thầy cho ra thầy - học cho ra học và trò cho ra trò. KHông phải ngẫu nhiên mà Ông ta nói thế!
Thời nay, ngành giáo dục là có vấn đề, vấn đề như thế nào thì chắc tôi và anh khỏi phải bàn. Quan tâm thì có, nhưng nói với nhau nghe thì cũng chỉ... nghe với nhau.
- Không có vấn đề sao học sinh lớp một phải đi học thêm nhiều như là nghiên cứu sinh nghiên cứu đề tài vậy?!
- Không có vấn đề sao học trò ra trường mà kiến thức sơ đẳng, phổ thông không hề biết, kể cả về địa lý, lịch sử, tiếng Việt...
- Không có vấn đề về tiếng Việt sao các bình luận viên thể thao lại dùng từ: 'cơ hội nguy hiểm', MC Long Vũ lại cho 'Xum họp' mới là đúng chứ không phải "sum họp", vv và vv..
Đấy là tôi lấy mấy thì dụ ngoài đời đơn giản thế, chứ nêu những vấn đề mang tính học thuật, chuyên môn, thì e sâu quá, không cần thiết lắm ở đây... làm mệt thêm anh ra.
Bây giờ con tôi, con anh anh và tất cả chúng ta đang chịu tác động của Giáo dục. Mà giáo dục thì đâu chỉ là kiến thức văn hóa, mà cả về kiến thức xã hội, đạo đức...
Một thế hệ có tri thức, có phẩm chất đạo đức, có năng lực để bước vào đời là phụ thuộc vào sự nghiệp giáo dục con người đó.
Bài viết của anh là tôi đồng tình và rất thích đọc. Tôi đã đọc nó ba lần. Tôi thích vì rút ra một cái triết lý thông thường là: Để dạy người cần có đủ kiến thức và tấm lòng
 và trách nhiệm.
Anh thợ cày dạy được con mình (và lũ trẻ trong làng) vì có được cả hai.
Còn ông thầy có kiến thức, làm thầy được nhưng không có tấm lòng và trách nhiệm, thì không dạy được con anh thợ cày và lũ trẻ. Như vậy là thầy không ra thầy. Loại này hiện nay, không phải ít đâu. Đó là chuyện buồn.
Học trò đạt là học sinh giỏi, tiên tiến nhan nhãn mà kiến thức thiếu hụt hiện nay cũng là điều dễ hiểu. Đó là một chuyện buồn nữa.
Chuyện của CucHoa ở trên cũng là một thí dụ nho nhỏ (là về kích thước của câu chuyện).
Còn nhiều chuyện để nói, nhưng e không đủ chỗ. Lão Trang chắc không cản đâu, nhưng đến chơi khách mà bàn chuyện mình e không tiện. Nên để lúc khác, chỗ khác.
Kính chào anh Lê Hoàng.

  Gửi bởi: Lê Hoàng - 30/10/2008

Cảm ơn anh với những chia sẻ chân tình mà chí lí. Thực ra khi đưa bài này vào đây là tôi cũng có ý...xa xa, nên chắc Trang Lão chủ cũng không trách móc mình đâu anh ạ. Tôi bực cái chuyện mấy ông phê bình nhà ta lắm rồi. Tù mù đã tệ, hồ đồ, thậm chí...thì không sao chịu nổi. Đúng như anh nói, phải có Tâm, Trí, Tầm thì mới "làm ăn" được. Mấy cái sau sao tôi không rõ, nhưng chắc cái ông HBT nào đó khi vung cái NK của GS NĐM lên như thế, ắt cái tâm của y chẳng sáng, nếu không nói là hơi...bị tối. Ông Thầy giáo Thợ cày Hoàng Văn Nam cho khối người bài học, phải không anh? Tạm biệt anh. Thân ái!
  Gửi bởi: Cuchoa - 30/10/2008

Quả thật nói đến ngành giáo dục thời nay có rất chuyện đáng bàn. Cháu có 2 thằng con trai đang độ tuổi đi học nên nhiều lúc gặp những vấn đề vô cùng bức xúc mà đành ngậm bồ hòn vì nếu nói ra thì hiểu mình cũng không thể vác nạng chống trời mà phần thiệt sẽ là con mình lãnh đủ (mặc dù gia đình cháu đã cống hiến cho ngành giáo dục tổng cộng 5 giáo viên rồi! hi,hi…). Cháu cảm thấy thời nay một số giáo viên không đủ tư cách để đứng trên bục giảng, khoan hãy nói đến kiến thức có vô số vấn đề bất cập mà chỉ nói đến tư cách, đạo đức không thôi. Thằng bé đầu của cháu đang học lớp 8. Năm ngoái nó bị cảm sốt phải nghỉ học mất mấy hôm. Chưa khỏi ốm nhưng nó cứ đòi đi học nên cháu bảo nó mặc thêm áo khoác kẻo ngồi phòng học có quạt sợ ho. Trưa về thấy con có vẻ không vui cháu hỏi thì nó kể rằng: sáng nay cô giáo dạy môn sinh vào lớp thấy con mặc áo khoác đã nói rằng: Trời này mà mặc áo khoác thì chỉ có hâm. Cả buổi sáng nay các bạn cứ gọi con là hâm mẹ ạ.Còn một lần thì cũng cô giáo này dặn học sinh về nhà tự trồng và chăm sóc một loại cây gì đó rồi sau mấy tuần mang đến trường cô chấm điểm. Thằng bé về nhà hì hục trồng, chăm sóc cây húng quế vào cái chậu bé xinh xinh. Đến ngày mang đi chấm điểm thì cô bảo: đẹp và xanh tươi thế này chắc chỉ nhờ bà chăm sóc! (Thực tế ông, bà nội ngoại đang ở xa gần 1000 km). Còn cô giáo dạy thể dục thì chấm điểm theo kiểu quen thân. Nó kể trong lớp có một bạn bị béo phì, các con chạy 3 vòng thì bạn chỉ chạy được 2 vòng, nhảy xa thì thua các bạn khác đâu gần nửa…mét nhưng điểm bao giờ cũng cao top 5 trong lớp. Các con hỏi thì bạn ấy kể mẹ bạn ấy có tiệm cắt tóc gội đầu, cô giáo hay đến gội và cắt tóc nên quen. Thì ra thế! Còn đi họp phụ huynh thì cả buổi các bậc cha mẹ chỉ ngồi nghe cô kể khổ, kể khó khăn, thiếu thốn trăm bề…còn cái phần phụ huynh mong đợi nhất là tình hình học tập của các cháu thì cô chỉ lướt qua. Té ra cô coi phụ huynh là « chùm khế ngọt”. Nhiều lúc nghe con kể cháu cảm thấy thực sự đau lòng bởi mình cũng cảm thấy bị xúc phạm và bị tổn thương trước những lời nói, hành vi phản giáo dục của chính các cô chứ chưa nói đến tâm hồn thơ ngây của con trẻ.  Thay vì một lời thăm hỏi, động viên, khuyến khích ..cô giáo dập tắt mất tính trung thực và tinh thần ham học của học sinh. Cháu kể cho bạn bè, đồng nghiệp nghe thì không chỉ riêng cháu mà đa số đều kêu trời, phần nhỏ thì bảo rằng tại cháu không chịu đến nhà riêng cô “gửi gắm”. Giá cháu mà là nhà văn, cháu sẽ viết tiêủ thuyết “Tuổi thơ dữ dội” để kể về tuổi thơ của các con mình liên quan đến việc học hành ở trường, ở lớp. Cách đây mấy năm, thấy rộ lên phong trào nói không với chạy đua theo thành tích, cấm dạy thêm…nhưng rồi nay thấy đâu lại vào đó, nghĩa là “vũ như cẩn” mà thôi. Còn chuyện kiến thức của một số giáo viên thì đúng là…cười ra nước mắt!

  Gửi bởi: "Tiếp..." - 30/10/2008

"Tiếp..." tôi lại lang thang trên ảo.
Rồi lại vào quán của Lão Trang.
Lướt qua có gì mới. Vô đây thấy CucHoa có comment. Lại chuyện về 'giáo dục'.

Thực ra con người ta, ai ai cũng giống nhau ở điểm: tự khen mình, và cho mình lúc nào cũng đúng. Thế mới tệ! Ngẫm lại mà xem! Ông! ... anh!... cô!... bà... vị nọ, vị kia, tôi... ngẫm lại xem có đúng không?
Nhưng có cái khác nhau. Khác nhau là ở chỗ: ở trên mỗi cương vị của mình thử xem cái trách nhiệm của mình với đời như thế nào? Cái này thì mỗi người một khác. Có người có ít, quá ít cái trách nhiệm đó. Thế mới tệ! 
Người ta cứ lên rừng, chặt hạ hết cây cối, vì lo cái cơn gạo áo tiền trước mắt, mà không biết cái hại lâu dài. Hạn hán do đâu, lũ lụt, lũ quét do đâu, lúa má, đất đai cạn kiệt, do đâu?  Người thường, bình dân, ít học, ít đọc, họ không nhận thức được, lỗi ít. Nhưng các vị quan to lo quản lý nhà nước về những vấn đề lớn như thế, học cao, chức cao, trách nhiệm dân trao cho cũng lớn,  thử hỏi: nhận thức của họ đến đâu, trách nhiệm của họ đến đâu. Hay là tùy bay, thân tao, ghế tao, tiền tao, con cháu tao, tao lo... còn rừng bị triệt hạ, kệ bay, miễn là góp vô đây..., tao cho qua, là được!Một điều tệ!
Rồi trong ngành Y tế...
Rồi trong ngành Giáo dục...
Rồi trong ngành Tư Pháp...
Rồi trong Lập pháp, Hành Pháp...
Rồi...

Nhận thức, và trách nhiệm!
Người ta quên mất điều rất đơn giản và thiết thực là:
Khi lụt lội, thì: Lút cả làng!,
Một xã hội lành mạnh, tươi đẹp, sống trong đó có phải thoải mái, hạnh phúc hơn không!
Hay chỉ cần mấy cái đồng tiền trước mắt mà để một xã hội đầy bệnh hoạn, trong hết thảy mọi lĩnh vực thì có hạnh phúc, có thanh thản ở đâu!

Ôn có là chức to đến mấy, ra đường, đi bộ thể dục, vô ý chạm vào thằng bé, nó mới chửi ông thế này: Lão già, đi đứng mả cha mày thế à! (là vì thằng bé không được dạy bảo trong trường cho tử tế, thầy giáo mở mồm là cái kiểu như... như CucHoa nêu trên), thì nhà ông có nhiều tiền, có nhiều biệt thự, chức có cao, có xe đưa xe đòn, thì chắc ông cũng bị "xôc" , và thử hỏi ông có vui, có hạnh phúc không!
Ông Bác sĩ! Thường ngày ông đạo mạo với bệnh nhân là thế, ông kê đơn và giới thiệu hiệu thuốc của ông, ông thu được nhiều lợi nhuận là thế, nhà ông cao thật đấy, nhưng đêm đêm điện nó mất, cái chảo thu sóng thỉnh thoảng bị mất tín hiệu, ông lại phải đi lậy lục chúng nó, vì bệnh nhân đến là phải lạy lục ông rồi. Ông xem thế có là xã hội lành mạnh không? có văn hóa không?

Ông Điện, Ông  nước, Ông áo vàng, áo đỏ... ông thu của người này, là ông dựa vào cái quyền của ông, cái màu mở của mảnh đất ông đứng, nhưng ông có đứng được cả trong trời đất đâu?

Ai tạo ra cho ta môi trường xã hội, lành mạnh. Không ai khác cả. Mà là tất cả, tất cả những ông ở trên và những ông tôi chưa nhắc đến, có cả những ai viết Comment ở đây nữa.
Cái ông Biên Hòa Đồng Nai để sông Thị Vải chết, ông ta tưởng trong túi có nhiều tiền là oách, là sướng rồi chắc. Xin thưa, nước Thị Vải bẩn, thì ông ta cũng đang uống nước bẩn đấy. Con cháu ông ta kể cả thế hệ sau nữa cũng bị uống nước bẩn đấy. Cái bẩn ấy ông ta không biết vì, nhận thức vầ môi trường của ông ta còn thấp, cái đồng tiền lại che mất mắt đi nữa!
Nước độc hại sẽ ngấm vào đủ thứ, vào cả trong tôm cá mà ông ta nhậu ở nhà hàng đấy. Và Ung thư nó không tránh xa người nhiều tiền và chức to đâu. Ông ta tưởng uống nước máy rồi, ở biệt thự rồi nên nước, không khí ông ta thở là sạch chăng. Nhận thức thế là hẹp.
 Vậy đó, muốn có không khí trong lành. Phải trồng cây. Muốn có xã hội lành mạnh, phải chăm sóc con người, trồng con người. Con người là nguyên nhân của mọi nguyên nhân thành hay bại, trong hay đục, lành hay bệnh.
là Ông, là Bà, là Ngài, là Vị, là Bạn, là Tôi và con cháu của chúng ta.
Ít chê người khác, ít khen chính mình.
Chê thật những điều đáng chê, để làm điều tốt
ăn bẩn không sống lâu đâu
Uống bẩn sẽ có ngày bị bệnh, kể cả ung thư

Nói tục tằn, sẽ nhiễm vào con cái.
Có một đứa con trai nói với ông bố hay văng tục:
"Đ. mẹ bố, lúc nào bố cũng thương con" là vì trong lời nói hàng ngày, mở mồm là nói câu đầu lưỡi đó, thằng nhỏ nó vô tình rồi ngấm... Nó lại sử dụng thế, vô tư. Ông bố không thể vô tư được. Nó lại dám ... Bố mắng nó, dọa lấy roi. Nó nói, bố đánh bố trước, vì ngay cả trong bài bố viết bố còn văng tục nhiều nữa cơ, con không học hết được cả đâu!!!
Tản mạn.
Bạn đọc đừng ghét 'Tiếp ..' tôi.

  Gửi bởi: chaudh - 30/10/2008

Hi, hi...Thấy mấy chú cháu bạn về việc giáo dục hay quá nên cháu chen ngang một cái chuyện vui vui để rồi cười cả làng và thế là : HUỀ! (Thời nay chuyện chi thì cũng chỉ rùm beng cho tốn giấy rồi cuối cùng lại HUỀ cả làng mà)
Chuyện thế này:
Có một ngôi làng nọ, nhỏ thôi, cách không xa thành phố là mấy, nổi tiếng khắp nơi vì có một điều đặc biệt mà không nơi đâu có được là cả làng, từ già đến trẻ, từ gái đến trai...hễ cứ mở mồm ra là chửi tục. Tin đến tai một tờ báo của trung ương, họ bèn cử một phóng viên đến xác minh sự thật để viết bài. Đến đầu làng anh PV hỏi 1 cậu bé đang chăn trâu: Cháu cho chú hỏi nhà bác Trưởng thôn ở đâu? Thằng bé ngước lên nhìn rồi đáp gọn lỏn: Đ...biết! Anh PV đi tiếp một đoạn thì gặp một phụ nữ đang cấy lúa. Anh hỏi: Chị làm ơn chỉ cho tôi nhà bác Trưởng thôn! Người phụ nữ nhìn anh như từ trên trời rơi xuống rồi trả lời cộc lốc: Đ...hay! Đi tiếp một đoạn anh lại gặp một ông già đang ngồi đan quạt, anh hỏi: Ông ơi! Đằng kia có phải nhà bác Trưởng thôn không? ông già hấp háy mắt rồi thều thào: Đ...rõ! Loanh quanh mãi rồi anh PV cũng tìm được nhà vị Trưởng thôn. Anh kể lại toàn bộ sự việc. Nghe xong ông trưởng thôn vò đâu bứt tai rồi phân bua: Khổ lắm anh ạ. Tôi đã cho họp không biết bao nhiêu lần, tuyên truyền có, phê bình có rồi thậm chí phạt không biết bao nhiêu người rồi mà họ Đ...nghe.
Hi, hi...Hết chuyện.

  Gửi bởi: Lê Hoàng - 30/10/2008

Có lẽ tôi đã lỡ chọc giận các bạn rồi. Lão Trang ơi, xin khép lại, như  bạn "Tiếp..." đã nói: để lúc khác, chỗ khác" vậy.  Nếu như anh mở được một góc vườn trong TST để bàn về GD, "chuyện của mọi người, mọi nhà" thì hay quá. Nói cho cùng thì ở đâu, làm gì, chúng ta đều vì ngày mai của cháu con ta, của dân tộc mình thôi mà! Nhà văn anh cũng vậy, khác chăng là cái cách, phải không anh?
  Gửi bởi: Moon - 30/10/2008

Tôi đồng ý với quan điểm của Tiếp.Ở đâu cũng vậy có người tốt người xấu có người hay người dỡ .Tôi thấy ngành nào cũng vậy cả thôi.Tôi cũng đã từng thấy nhiều cảnh chướng tai gai mắt .Nhưng đối với giáo dục thì hậu quả nó có vẻ nghiêm trọng hơn.Tuy nhiên đừng nên vơ đũa cả nắm vẫn có bao nhiêu GV đầy tâm huyết đầy trách nhiệm đấy các bạn ạ.Những trường hợp kia chỉ là thiểu số -là sâu mọt thôi.Tôi tin như vậy.Đọc những lời comment trên của các bạn mà tôi thấy hơi chạnh lòng và cảm thấy xấu hổ lẫn xót sa cho một số trường hợp đáng tiếc như thế.Những người đó sẽ sớm muộn bị đào thải hoặc tự lương tâm họ sẽ cắn rứt mà thôi.Thực ra học trò thời nay cũng có một số trường hợp đáo để lắm do từ phía gia đình và xã hội chứ không phải nhất do nhà trường bởi vậy mới cần sự liên kết giữa gia đình -nhà trường và xã hội trong việc giáo dục HS.CẦN PHẢI CÓ ĐẤU TRANH HOẶC ÍT NHẤT CÓ THỂ LÀ LỜI GÓP Ý CHÂN TÌNH CỞI MỞ.Chứ như bạn Cuchoa nói sợ cô thù mà cứ làm ngơ là không được....
Tôi là một thành viên của giáo dục không phải vì biện hộ để bênh cho ngành mình mà tôi lên tiếng một cách khách quan thôi.Hãy có cái nhìn lạc quan tin tưởng hơn ở chúng tôi.Vẫn có những bông hoa đang tỏa hương cho đời đấy các bạn ạ.Chúng tôi vẫn sẵn sàng đến với vùng sâu vùng xa vùng khó vẫn vì sự nghiệp giáo dục đấy thôi ....

  Gửi bởi: Cuchoa - 31/10/2008

Thì tôi cũng có nói tất cả giáo viên đâu bởi có ai lớn lên mà không biết ơn thầy cô đã dạy dỗ ta nên người. Ngay từ đầu tôi đã nói là "chỉ một số giáo viên"...Nhân đọc bài viết của chú Lê Hoàng ở trên tôi mới nói đến những cái chưa được của một số giáo viên thôi còn khen thì lạc đề Moon ạ . Bạn  Moon là giáo viên nhưng nhà tôi cũng có đến 5 giáo viên tóc bạc rồi kìa (nghĩa là kinh nghiệm, tâm huyết đầy mình) thì tôi vẫn nói. Cái đáng nói ở đây là tình trạng xuống cấp của ngành giáo dục nói chung chứ không phải riêng ai. Có những vấn đề cả nước phản đối rầm rầm, sai trái rõ như ban ngày mà người ta vẫn làm thì tôi không tin lời tôi góp ý mà những giáo viên như tôi kể trên sẵn sàng tiếp thu đâu.  Tôi, chân yếu tay mềm, đang cố ra sức dạy các con tôi học hành tử tế và trung thực  không đủ dũng cảm để vác nạng chống trời Moon ạ. Cũng may 2 cháu nhà tôi đều học được (tôi chỉ dám nói học được dù một cháu luôn đứng đầu lớp, một cháu thuộc top 5 xuất sắc đấy vì theo lời khuyên của chú Tiếp thì nhà trường có chê cũng khoan chớ vội buồn, nhà trường có khen cũng khoan chớ vội vui mà từ từ để xem xét đã như trường hợp chú Lê Hoàng đã kể ở trên)  bởi còn những giáo viên khác tốt. Thế nha. Đừng vội bực mình.

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan