Tuesday, October 13, 2015

Cây trai bí ẩn

Tác giả: Phương Lan

xuanduc.vn: Phương Lan là cán bộ ở Trung tâm VHTT Cam Lộ. Hiện đang học đại học tại TP HCM. Tuy mới tập viết văn, nhưng Lan đã có một chùm truyện ngắn khá ấn tượng. Truyện của Lan đã lọt vào vòng chung kết thi truyện ngắn của Tạp chí Tiếp thị & Gia đình. Phương Lan muốn đăng truyện này lên trang TST để được giao lưu học hỏi. 
Xuanduc.vn xin vui mừng giới thiệu với bạn đọc.
Cây trai bí ẩn
Truyện ngắn của Phương Lan 

Tôi vẫn còn nhớ như in, có một năm đại hạn kéo dài, cây cối héo khô. Thế rồi một trận cháy khủng khiếp xảy ra, nó thiêu trụi cả cánh rừng. Sau một trận mưa ào ào đổ xuống, chỉ còn duy nhất cây trai đâm chồi nảy lộc. Những đám cháy sém trên thân cây được nước mưa gột rửa tạo thành dáng của một thiếu nữ chơi vơi trên đồi, buông mái tóc dài thật quyến rũ. Ngày nắng, đêm mưa dân làng thường thấy có một đốm lửa lập lòe từ gốc cây trai bay ra lơ lững giữa thinh không. Dân làng bảo, đó là lúc con yêu tinh ở gốc trai xuất hồn đi ăn, đi hút máu người về nuôi cây. Có lẽ vì thân cây có máu người nên dù có bứng bật gốc, rễ của cây trai để trên mặt đất cả trăm năm thì cây vẫn sống.
Ngày trước ở làng, cũng có nhiều người mang rựa vác rìu lên núi chặt cây trai nhưng hễ cứ đụng rựa họăc rìu vào cây là từ chỗ chặt sẽ trào ra một dòng nước đặc sánh như máu người làm cho hồn vía người chặt lên mây, bỏ chạy thục mạng. Từ đó, người làng không còn ai dám đụng đến cây trai nữa.
Tôi nghe thế liền chạy về mách với ông nội, ông bảo:
- Người ta đồn thổi linh tinh vớ vẩn ấy mà, cháu đừng có tin.
- Nhưng cây trai, mủ của nó rất giống máu người ông à?
- Thì đó là đặc tính của cây mà, như con tôm là động vật mà không có máu màu đỏ đấy thôi.
Ông giải thích với tôi như vậy. Thế nhưng thỉnh thoảng, những người dân trong làng đi rừng về thường thấy ông ngồi dưới gốc cây trai mà khóc lóc, lẩm bẩm một mình. Không ai hiểu nổi, mọi người hỏi, ông không nói. Điều đó khiến cho những người dân trong làng càng có cơ hội để đơm đặt, xôn xao. Họ cho rằng ông tôi yêu cây. Ông bị con yêu tinh ở cây trai trên núi hút hồn, mê hoặc. Tin đồn đến tai bà nội. Một buổi sáng, bà len lén theo ông lên núi. Bà đã tận mắt chứng kiến tất cả, đúng như lời dân làng đàm tiếu. Rồi mỗi lần nấu cơm xong, không thấy ông là bà lại lầm lũi một mình đến bên cây trai dỗ dành ông về. Ông không chịu về mà còn thờ ơ với bà, xem bà như chưa hề tồn tại ở trên đời này.
 Bà nghĩ ông lạnh nhạt với bà nguyên nhân là do cây trai ở trên núi. Bà quyết định xách rựa đi chặt cây trai để giành lại ông. Bà vung tay định chặt, chợt bà chưng hửng và ngừng lại, những khối u lồi lõm trên cây trai như khuôn mặt của một cô gái đang nhìn bà van lơn. Bỗng bà tối tăm mặt mũi, ông từ đâu lao tới đẩy bà ngã lăn ra đất. Bà mếu máo:
-Trời ơi! Chồng với con. Ông đã nghe người làng họ nói gì chưa?
 Vẻ mặt ông hằm hằm:
- Kệ người ta, đèn nhà ai nấy rạng. Từ đây, bà muốn nghe ai làm gì tôi không quan tâm. Bà đừng bao giờ can thiệp vào chuyện riêng của tôi nữa.
 Ông nói vậy bà chỉ biết khóc, nước mắt nhòa nhện lững thững bước về.
Những đứa trẻ trong làng xa lánh tôi, chúng nói với nhau rằng:
    - Lũ chúng mình đừng chơi với nó, vì nó là cháu của người yêu cây.
        Thương tôi lủi thủi không bạn bè, nghỉ hè lớp bảy, bố mẹ tôi xin phép ông bà nội đón tôi về nhà. Xếp quần áo cho tôi bà nội khóc. Bố mẹ tôi tưởng lỗi do mình nên hoảng lên. Tôi thì thầm vào tai bố:
        - Ông bà đang giận nhau, bố đón bà lên nhà mình chơi đi.
 Bà gật đầu với bố, để bố thưa chuyện cùng ông. Thật ra, trong thâm tâm bà chẳng muốn lên nhà tôi chút nào. Bà muốn ông giữ bà ở lại nhưng không ngờ ông nội đồng ý ngay khiến bà giận dỗi. Bà lao từ buồng ra với vẻ hằn học nói gần nói xa:
- Anh chị đừng mất hơi, tốn công vô ích, người ta đã có cây Trai rồi, chỉ muốn bà già này đi cho khuất mắt thôi...
Ông nội không nói gì cầm lấy điếu cày bỏ thuốc lào vào xoe điếu, châm lửa, rít một hơi thật dài. Ông ngửa mặt lên trời và nhã vào không trung một làn khói trắng. Cả nhà lặng đi. Bà nội muốn trêu ngươi ông, ôm lấy túi quần áo bước qua trước mặt ông mà không thèm dặn dò và chào ông một tiếng. Điều này, khác xa với tính cách của bà.
Lên nhà tôi đúng ba ngày bà đòi về. Bà bảo tôi:
- Cháu lên gác gọi bố xuống đưa bà về nhà!
Bố tôi nghe thấy liền nói:
- Để ngày mai đi mẹ ạ, ở lại đây thêm một đêm nữa ăn uống, nghỉ ngơi cho khoẻ. Chứ bây giờ, trời sắp tối rồi về sao kịp.
Bà tôi không đồng ý:
- Mẹ đã quyết anh đừng có can, để đến ngày mai không khéo bố mày dỡ nhà lên dựng lán ở bên cây trai luôn ấy chứ. Thôi, không phải nói nhiều, nếu anh làm biếng để mẹ ra bắt xe thồ vậy.
Bố tôi đành chịu thua và chiều theo ý bà dù đã năm rưỡi chiều. Chúng tôi đi xe ô tô nên chỉ chừng nửa tiếng sau là đến nơi. Vừa xuống xe nhìn cửa nhà khoá im ỉm, lá khô xếp lớp trên sân, bà vồ ngay lấy cây chổi quét, miệng lầu bầu:
- Chắc bố mày ăn phải bùa mê thuốc lú của cây trai rồi đây, thật không thể nào sống nổi.
 Bố tôi rất thương bà nhưng chưa bao giờ bố hiểu được bà nên mới nói:
 -Thì mẹ vào nhà cất đồ đạc, mở cửa ngõ cho thoáng, ngày mai hẵng dọn dẹp. Mà bố con không có người đàn bà bằng xương bằng thịt nào nữa hay sao mẹ lại đi ghen với cây Trai?.
Bà nội lằng lặng kéo vạt áo quẹt ngang nước mắt rồi đi vào nhà. Bố tôi lên xe. Tôi đứng đấy tạm biệt bố đến khi chiếc xe chạy khuất chỉ còn lại đám bụi mù.
Hoàng hôn buồn rượi, tiếng côn trùng rả rích. Bà nội hâm đi hâm lại nồi canh chua. Chốc chốc bà lại hỏi:
-         Ông cháu về chưa?
 Tôi đưa mắt nhìn ra không gian mịt mùng rồi trả lời:
-         Vẫn chưa bà ạ!
 Lát sau tôi thấy ông về, trông ông tiều tụy, xơ xác như già đi mấy tuổi. Ông không nói, không cười, không hỏi han, cứ thế tiến thẳng vào phòng nằm. Cách xử sự của ông làm cho bà không khỏi chạnh lòng. Nhìn mâm cơm, bà ngao ngán buông đũa. Đêm đã rất khuya, bà vẫn ngồi ở góc giường khóc ấm ức. Thương bà, tôi thấy ông và cây trai đầy bí ẩn.
Cho đến một ngày, có một bà lão chừng sáu mươi tuổi tìm đến nhà ông bà tôi. Bà ta tên là Hai, từ miền Bắc vào. Bà Hai có một người em gái tên Út. Cách đây bốn mươi năm về trước, cô Út đã bị thất lạc gia đình và hi sinh tại đây.
Bà nội mời bà Hai uống nước và hỏi:
- Sao chị lại có địa chỉ của nhà tôi?
Nhấp lấy ngụm chè xanh, bà Hai trả lời:
- Có một người đồng đội của ông xã chị đã đưa cho tôi địa chỉ và nói nếu muốn biết rõ về em gái của mình thì hãy tìm theo tên và địa chỉ này.
Bà nội cầm lấy tờ giấy, đúng là tên và địa chỉ của ông. Bà bảo tôi dẫn bà Hai đi lên núi tìm ông.
Vừa nhìn thấy bà Hai ông tôi khựng người, thốt lên ngắt quãng:
- Ôi Chị là...rất giống Út...
Bà Hai như hiểu được ý của ông liền gật đầu:
- Vâng! tôi là chị gái của Út.
 Ông và bà Hai đứng lặng nhìn nhau một lúc lâu trong niềm vui mừng khôn xiết. Ông sai tôi về nhắn bà nấu thêm cơm, tối nay nhà có khách. Tôi nghe lời ông nhưng vẫn thấy tò mò nên rúc vào bụi sim gần đó nghe trộm cuộc đối thoại giữa ông và bà Hai. Da tôi nổi gai và dựng tóc gáy khi nghe ông kể về cô Út. Sau những lời nghẹn ngào, tôi thấy ông ngồi bất động và khuôn mặt đơ ra còn bà Hai thì ôm lấy cây trai gào khóc thảm thiết, dường như mọi sự đã vỡ òa. Phát hiện ra bí mật của ông, tôi rẽ cây chạy như bay về nhà định kể cho bà nghe nhưng chần chừ mãi và tôi đã im lặng. Dù gì tôi vẫn là trẻ con, mà trẻ con không nên chen vào chuyện người lớn - Ông  tôi bảo thế!
Đêm, ông vào ngủ với hai bà cháu để nhường phòng của ông lại cho bà Hai. Tôi nằm giữa ông và bà. Tôi trằn trọc không sao ngủ được. Hôm sau lúc mặt trời lên đến "ba sào" tôi mới thức giấc. Ông nội đã tiễn bà Hai xuống ga để ra Bắc. Tôi thấy trên bàn rất nhiều trái cây, có cả gà, xôi và chè nữa.
- Hôm nay nhà mình có đám giỗ hả bà? - Tôi hỏi.
- Không, đồ cúng bà Hai mang trên núi về. - Bà trả lời. Bà thì thầm vào tai tôi:
- Hôm qua cháu lên núi có nghe lỏm được ông và bà Hai nói gì không?
 Tôi không dám nhìn thẳng vào mắt bà mà chỉ lắc đầu. Bà thở một cái rõ dài rồi ra ngồi tựa cửa đưa đôi mắt buồn nhìn xa xăm lên núi.
 Mỗi lần làng xóm xầm xì, lời ra tiếng vào chuyện ông nội và cây trai, bà lại xuống bếp bó gối ngồi khóc, cơm ăn không ngon mà ngủ cũng chẳng yên. Thương bà tôi buồn đến xốn xang:
     - Bà nội đừng tự hành hạ bản thân mình như thế nữa. Ông nội cũng tội nghiệp lắm, ông có nổi khổ tâm riêng mà không muốn bà biết đó thôi!
     - Con bé này lạ nhỉ, bà sống với ông lâu hơn cháu, có bí mật nào của ông mà bà không biết. Chắc chắn cháu đang nói dối bà?
Bị bà gán cho tội danh nói láo tôi tức anh ách:
 - Cháu nói thiệt mà. Bà không tin cháu sao?
 - Ừ, trừ khi cháu kể chuyện của ông cho bà nghe!
Không một chút đắn đo, cứ thế tôi thuật lại tất cả:
 - Ông nói hồi xưa, ông bị bọn tay sai của lính Mỹ bắt khi đưa các đồng đội của mình ra khỏi hàng rào của địch trốn thoát. Ông biết thế nào ngày mai ông cũng bị tử hình. Sau khi được bọn chúng cho ăn một bữa ngon và no nê. Ông quyết định thoát khỏi nhà tù bằng đường ống của phòng vệ sinh, lần ra đến bờ sông thì ông bị địch phát hiện. Chúng bắn hai phát vào chân trái của ông, ông nằm im giữa bụi lau. Bọn chúng tưởng ông chết rồi nên không đuổi nữa.
- Chuyện này thì ông cũng kể cho bà nghe rồi. Còn gì hay hơn nữa không cháu?
- Dạ còn. Ông nói ông bị thương và ngất đi, mấy ngày sau tỉnh lại, ông thấy mình ở trong một ngôi nhà sàn, bên cạnh ông là cô gái xinh đẹp, da trắng,...khoảng hai mươi tuổi tên Út. Cô Út khác hẳn con gái trong bản mà ông từng gặp. Hỏi ra ông mới biết cô Út là người miền Nam, hai năm trước trong một lần tập kết ra Bắc bị thất lạc gia đình, may mắn được một người sống ở bản nhận làm con nuôi. Bản làng này của một dân tộc thiểu số sống phía sau dãy Trường Sơn. Bản làng chính là căn cứ địa và là hậu phương vững chắc cho đơn vị của ông. Ở lại bản để dưỡng thương nhưng ông đã giúp cô Út rất nhiều việc như vót chông, chuẩn bị lương thực cho quân giải phóng. Ông nói với bà Hai, được ở cạnh cô Út ông thấy thật vui và hạnh phúc. Thế rồi tình yêu đến lúc nào không biết. Ông và cô Út đã thề nguyện trọn đời mãi thuộc về nhau. Tình yêu vào giai đoạn nồng nàn nhất lúc đó vết thương ở chân ông đã lành. Ông phải trở về đơn vị chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công tiến về Khe Sanh. Buổi chiều hôm đó thật đẹp, bầu trời thanh bình không tiếng súng, ông hẹn gặp cô Út dưới gốc cây trai trên đồi. Trong chính cái buổi chiều nhiệm màu, chia tay chớp nhoáng ấy, cô Út muốn dâng hiến cái cao quý nhất của người con gái cho ông nhưng ông đã hốt hoảng bỏ đi vì ông sợ bị kỷ luật, bị khai trừ ra khỏi Đảng, bị tước Huân chương mà ông vừa mới nhận. Lúc đơn vị ông đang trên đường hành quân thì nhận được tin bản làng bị địch càn quét. Cả đơn vị của ông quay lại ứng cứu nhưng làng mạc bị bọn chúng đốt phá, người chết ngổn ngang. Ông chạy ra bờ suối nơi mà ông và cô Út hò hẹn thì chỉ thấy chiếc áo của cô Út rách toe tua dính đẫm máu lất phất trên ngọn cây trai. Có người đã tận mắt chứng kiến, cô Út bị bọn chúng...bị...
- Bị bọn chúng sao hả cháu?
Bà nhoài người về phía tôi mắt mở to hỏi. Tôi suy nghĩ miên man chợt nhớ ra:
- A đúng rồi, cô Út bị bọn chúng bị... rồi giật mìn làm tan xác ngay dưới gốc trai mà ông và cô Út mới tâm sự chiều qua. Ông chỉ kể đến đây thôi và không thể nói thêm được nữa bà ạ.
 Bà rụt người lại ngồi trầm ngâm. Một lúc sau bà thở dài và nói:
     - Cái lão này thật là... Sao lại dại thế không biết. Chắc lão cũng đau khổ và dằn vặt dữ lắm đây. Cháu đừng nói gì với ông cả, đây là bí mật của hai bà cháu mình thôi nhé!
Từ hôm đó, bà quan tâm đến ông nhiều hơn. Ông có cáu gắt thì bà vẫn cười, tỏ ra niềm nở. Bà kể chuyện hài để ông vui, làm cho ông không khỏi ngỡ ngàng. Có những hôm đến bữa không thấy ông, bà lại mang cơm lên núi để ngay ngắn vào gốc cây trai, rồi lặng lẽ ra về. Thái độ của bà khiến ông rất lấy làm lạ và không khỏi ngạc nhiên. Ông nhìn theo bà xuống núi. Tấm lưng bà đã còng vì thời gian, bước đi lom khom, liêu xiêu như mặt trời dần xế bóng. Trong lòng ông trỗi dậy một tình thương vô hạn. Ông vội vã theo bà:
 - Tôi có lỗi với bà nhiều lắm, bà có biết không?
 Bà quay lại nhìn ông trìu mến. Nắng chiều chiếu xuống hai cái bóng đổ vào nhau, dìu nhau lê thê bước trên con đường mòn.
Tôi sống với ông bà từ bé nhưng chưa bao giờ tôi thấy ông bà, quấn quít, tình cảm, thân mật như hôm nay. Ông bửa củi, bà thổi cơm. Ông ra vườn tả lá sả để bà nấu nước gội đầu. Ông thường trộm ngắm bà mỗi khi bà quét nhà, nấu ăn... và luôn có mặt đúng giờ vào những bữa cơm chính của gia đình. Tôi thấm thía lời ru của bà ngày tôi còn thơ bé :
Ầu ơ...
Chàng ơi phụ thiếp mà chi
Thiếp là cơm nguội để khi đói lòng
Ầu ơ...
Đi mô cho thiếp đi cùng
        Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam...
Tôi cứ nghĩ, từ bây giờ sẽ là những ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời với bao nỗi truân chuyên của bà nhưng sánghôm nay, ông thay bà dậy sớm chuẩn bị điểm tâm. Ông đánh thức tôi:
- Cháu dậy ăn sáng rồi ở nhà đợi bố mẹ về. Ông đưa bà đi khám bệnh trước, bà bị ốm.
 Lát sau tôi cùng bố mẹ vào bệnh viện. Tôi thấy ông và bà đang ngồi ở hành lang đợi kết quả. Cả nhà tôi quây quần bên bà. Ông vẫn nắm lấy tay bà, vân vê bàn tay nhăn nheo, dưới lớp da mồi nổi rõ những đường gân xanh to bằng chiếc đũa...
Cô y tá bước ra gọi tên bà và mời thân nhân trong gia đình tôi vào phòng gặp riêng. Bố mẹ và ông nội vào gặp bác sĩ. Tôi ngồi lại cùng bà. Lâu lâu tôi lại nhón chân nhìn mọi người qua tấm kính cánh cửa. Tôi không hiểu bà bị bệnh gì, bác sĩ đưa ra kết luận gì mà bố mẹ tôi chết lặng nước mắt chảy dài còn ông thì buồn thiu. Lúc đưa bà đi đến phòng bệnh. Bà hỏi:
- Tôi bị đau ở đâu hả ông?
Trước mặt bà ông cố trấn tĩnh:
- Tại bà lo lắng quá nhiều nên bị suy nhược cơ thể, chỉ cần ở lại đây chuyền nước biển, tẩm bổ ít hôm là khỏi ngay mà.
Một tuần sau bà xuất viện. Mặc dù bố mẹ tôi rất bận với công việc nhưng vẫn thay phiên nhau thường xuyên về thăm bà và ông cũng dành thời gian chăm sóc, yêu thương bà nhiều hơn. Bà muốn ăn, mặc gì ông cũng mua. Ông lo cho bà từng li từng tí. Tôi thấy hai con mắt của ông hoắm sâu hơn mỗi lần giấu những nắm tóc rụng của bà vào túi áo. Bà bị ốm, da thịt bà cứ teo dần lại. Trước mặt bà, chưa bao giờ ông khóc nhưng tôi biết, ông cố nén để nuốt nước mắt vào lòng.
Ngày giỗ cô Út, ông muốn tôi ở nhà chơi với bà, ông chỉ lên cây trai một lát rồi về ngay. Tôi bướng bỉnh cứ đòi đi theo, cuối cùng ông phải chiều tôi. Thắp xong nén hương cho cô Út, ông giục tôi xuống núi liền. Về đến nhà, không thấy bà nội đâu. Tôi và ông chia nhau đi tìm bà. Tầm trưa, hai ông cháu thấm mệt, thất thểu bước thì gặp bà nội cũng chống gậy về. Khuôn mặt ông rạng ngời:
 - Bà đây rồi! Bà làm tôi lo quá! Sức khỏe còn yếu, bà không nghỉ ngơi mà đi đâu?

 - Tôi nằm trên giường mãi cũng chán, muốn dậy đi loanh quanh cho khuây khỏa ông à!
Dìu bà về nhà, ông xuống bếp nấu cơm. Ông loay hoay mãi mới nấu xong thức ăn và dọn ra mâm. Hôm nay bà tỉnh hơn mọi ngày, bà ăn cùng hai ông cháu và nói cười vui vẻ. Sau đó bà bảo mệt muốn nằm nghỉ. Khi bà thức dậy trời đã xế chiều. Bà muốn ông dẫn bà ra đầu làng xem trẻ con trong xóm thả diều. Ra đến bãi cỏ, ông để bà tựa vào người ông. Hai ông bà ngồi bên nhau cùng ngắm những chú diều chao liệng trong gió với đủ màu sắc. Ông đưa tay chỉ lên bầu trời xanh trong:
- Bà xem hai con diều loan phượng kia kìa. Đẹp quá! nó là đôi đẹp nhất trong chiều hôm nay bà nhỉ?
 Bà nhìn theo hướng ông chỉ khẽ gật đầu nhưng hình ảnh của đôi diều kia đang lòa đi, lòa đi trong mắt bà. Bà tựa hẳn vào người ông, thều thào:
- Tôi muốn ông giúp tôi một việc có được không?
- Việc gì, bà cứ nói đi!
- Ông giúp tôi lập am để lo hương khói cho "một người" ngay dưới gốc trai trên đồi!
 Ông chợt giật mình, người ngẩn ra, đờ đẫn. Bỗng nhiên tay ông siết chặt tay bà khi đôi diều loan phượng có một con bị đứt dây bay vút lên cao rồi rơi dần, rơi dần,... xuống chân núi.
                                                                                   P.L

 Đăng ngày 30/11/2010
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Đất Vĩnh - 01/12/2010

Câu chuyện rất hay, dẫn dắt từ những cái tưởng như vô thực thành cái có thực. Xây dưng, phát triển tính cách nhân vật cũng khá độc đáo.Đặt vấn đề và giải quyết mâu thuẩn, tạo ra nhiều khúc ngoặt rất bất ngờ và thú vị.
Phần vào đề có cái gì đó hơi bị cũ, thành thử khi bắt đàu đọc mình cũng thấy có gì đó nhàm nhàm. Nhưng cố đọc hết, thì mới cảm thụ hết những cái hay, cáiđộc đáo của người viết
H e he.... lâu lâu Lão Trang lại phát hiện ra một người mới. Chính vì vậy mà trang web của Lãoluôn luôn đem lại nhiều cái hay mới lạ. Chúc PL học giỏi, chăm ngoan, biết nghe lời thầy cô giáoLaughing Mong được đọc được nhiều truyên ngắn của PL trên trang lão Trang hơn nữa. Chúc thắng lợi.

  Gửi bởi: Ngó qua - 02/12/2010

Lắng nghe Đất Vĩnh bình văn
Ngỡ như thầy giáo đang cầm roi mây
Này thì còn kém đoạn này
Phần sau khá tốt , khá hay con à
Ui cha cha, úi chà chà
Tiếng cười có vẻ chi là...rất dê
Thầy này chắc tán cũng ghê
Trò mà xinh gái thầy mê tới già
Mắt bồ câu, dáng nuột nà
nhấn đò thầy đắm dẫu là mùa khô
Sông cạn trơ, biển cạn trơ
Ngất ngây đắm giữa đáy hồ mắt ai
Phải cảnh giác với thầy này
Buông câu thầy tóm cả... nai lạc đànMoney mouth

  Gửi bởi: Cao Bồi - 05/12/2010

Cái lão ngó qua này, chưa thấy người đã nghe thấy tiếng...Người ta nói thơ có linh hồn ở trong đó. Bản chất người làm thơ như thế nào là hiện trong thơ như vậy. Nom lão ngó qua tui nghĩ về cái khoản ấy chắc cũng dữ lắm đó nghe,...Cool
Bác đã đọc truyện của cháu Lan, viết khá đấy, cần cố gắng nhiều nữa nghe cháu,...

  Gửi bởi: Ngó qua - 06/12/2010

KHe,khe...Ngó qua này cũng đã thấp thập rồi nhưng mà vớ được đêm sáng trăng vằng vặc, gió hiu hiu thổi,em út non tơ mơn mởn gọi mời thì có mà trăm đảng, nghìn huân chương chứ hổ ngồi bên cạnh thì cũng nhất thiết không bỏ qua.Foot in mouth

  Gửi bởi: Phương Lan - 09/12/2010

Lời đầu tiên tôi xin cám ơn những lời nhận xét của bạn đọc, của những bậc  tiền bối,... đã góp ý cho truyện ngắn đầu tay của tôi.
Cháu xin cám ơn chú Đức đã "comment" truyện ngắn của cháu lên website của chú và cho cháu có cơ hội được giao lưu học hỏi với tất cả mọi người yêu viết lách,...
Chú Đức đã nói rằng: " Truyện của cháu còn một chút ranh giới mỏng manh nữa mới thành truyện ngắn hay được" câu nói đó làm cho cho tôi trăn trở, cố đi tìm,... và tôi đã rút ra được một bài học cho bản thân mình, nếu muốn làm một việc gì đó có kết quả tốt, chúng ta phải hiều nó thật kĩ, cái hiểu đó như ngấm vào máu, vào thịt, vào trí óc,...còn nếu chưa nhận thức được điều đó thì chớ nên vội vã...
Tôi tin mình sẽ viết lên được những tác phẩm để lại dấu ấn,...chắc chắn sẽ làm mọi người hài lòng. Điều đó,  chỉ còn là chuyện sớm, muộn mà thôi.

Một lần nữa tôi xin cám ơn và Xin chúc tất cả mọi người sức khỏe, hạnh phúc, thành đạt,...InnocentEmbarassed
                                                           Phương Lan

  Gửi bởi: Chổi tre - 10/12/2010

Những nhà văn thực tài ít khi họ nói gì nhiều mà chỉ viết...và viết. Truyện  đầu khá ấn tượng chưa hứa hẹn một tập truyện ngắn xuất sắc sẽ ra đời bởi còn phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Bạn cứ viết và độc giả sẽ có những nhận xét khách quan, công bằng dành cho bạn. Tài năng được đánh giá qua tác phẩm chứ không phải qua những phát ngôn. Hy vọng bạn sẽ thành công!

  Gửi bởi: Nhà văn - 11/12/2010

Không sao cả, chổi tre thân mến!
Bạn ấy còn trẻ mà khẳng định mình như thế chứng tỏ bản lĩnh bạn ấy cao đấy chứ!
Mình đồng ý với bạn. Cứ nói và cứ viết, không sợ gì cả. Mình ủng hộ bạn và đợi tin vui của bạn!Kiss

  Gửi bởi: Đât Vĩnh - 12/02/2011

Cây trai già bí ẩn ơi! về nhà ăn tết có ZUI không? Bữa tết, nếu như gặp em ở nhà Trang Lão thì chắc chắn là sẽ zui nhiều lém đó. He heTongue out Chúc học giỏi, đừng zui mà quên học nhớ Kiss Gửi thêm vài truyện nữa để anh em đọc cùng, buồn quá mà.
  Gửi bởi: Phương Lan - 16/02/2011

He he...vâng, em sẽ gửi!
  Gửi bởi: Kim Ly - 06/05/2011

Phuong Lan viet hay nhung buon , doc xong  muon khoc qua!!!
Cam on Phuong Lan da lam tam hon nguoi doc that su rung dong boi kich tinh cua truyen.!

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan