Saturday, October 3, 2015

Chim Tapar hót giữa rừng ngàn - Cảnh 4, 5


Tác giả: Xuân Đức

CẢNH IV             

              (Tại một khóm rừng bên kia biên giới. lán của Ban chỉ huy đại đội xe tăng. Đại đội trưởng Vũ Lộc, trung đội trưởng Trần Khiết cùng Hoàng Khiêm và Phước cùng ngồi trên các phiến đá. Không khí có vẻ căng thẳng)
Trần Khiết: Thật là mất cảnh giác hết chỗ nói. Tôi đã trực tiếp dặn 2 đồng chí rồi: Bí mật, bí mật và bí mật! Lần xuất kích này, bí mật là yếu tố quyết định nhất cho sự thắng lợi. Hai đồng chí, một là trung đội phó kiêm trưởng xe, 1 đồng chí cũng là trưởng xe... Cán bộ mà như thế thì thử hỏi còn chỉ huy anh em chiến sĩ thế nào được.
Phước:    Báo cáo đồng chí trung đội trưởng... tình hình lúc đó... có thể nói là hết sức... tế nhị...
Trần Khiết: Cái gì mà tế nhị?
Phước:   Giá như anh có mặt ở đó, anh được nhìn vào những ánh mắt khắc khoải của đồng bào Vân Kiều.
Trần Khiết: Thôi thôi thôi. Con lạy bố. Đây là mặt trận. Các đồng chí là những thằng lính chiến. Đây không phải là trường viết văn. Các cậu cũng không phải là nhà thơ, nhé!
Khiêm:   Những thằng lính chiến thì sao nào? Chẳng lẽ những thằng lính chiến như chúng ta không được quyền có cảm xúc sao.
Trần Khiết: Cảm xúc gì? Cảm xúc thế nào? Cảm xúc cách mạng hay cảm xúc tiểu tư sản. Tôi hỏi 2 đồng chí, nếu tin tức xe tăng ta xuất hiện mà lộ ra thì hậu quả sẽ thế nào? Ai là người gánh chịu?
Phước:   Trung đội trưởng đừng quá lo. Nếu có hậu quả gì, tôi, trung sĩ Nguyễn Phước và thượng sĩ Hoàng Khiêm xin chịu hết trách nhiệm.
Vũ Lộc:  Đồng chí chịu trách nhiệm như thế nào?
Phước:    Dạ... báo cáo đại đội trưởng... bọn em xin chịu kỷ luật ạ!
Khiêm:   Báo cáo đại đội trưởng, không liên quan đến đồng chí Phước. Cá nhân tôi xin chịu trách nhiệm.
Trần Khiết: Hảo hán gớm nhỉ.
Vũ Lộc: Hai đồng chí tưởng gánh được trách nhiệm cho cả đại đội sao? Nếu trận đánh đầu tiên của binh chủng xe tăng không thắng lợi, cứ điểm Làng Vây không bị san phẳng, chiến dịch giải phóng Khe Sanh không hoàn thành, xe tăng ta bị bắn cháy, bộ đội ta hy sinh... Ngần đó sự tổn thất, hai đồng chí gánh nổi sao?
                            (Im lặng, 2 trưởng xe nhìn nhau)
Khiêm:   Báo cáo đại đội trưởng và trung đội trưởng... Tôi đã nhận ra được sai lầm của mình rồi ạ...
Trần Khiết: Nhận ra lúc này thì còn để làm gì?
Vụ Lộc: Nhận ra được là tốt. Tuy nhiên... có lẽ vấn đề cũng chưa đến mức nghiêm trọng. Cá nhân tôi... tôi vẫn rất tin ở đồng bào... tin ở nhân dân.
Trần Khiết: Báo cáo đại đội trưởng... Theo tôi, lòng tin của chúng ta không thể phiêu lưu như vậy được.
Vũ Lộc:    Thế nào là lòng tin phiêu lưu? Tin ở nhân dân mà phiêu lưu ư?
Trần Khiết: Không. Tất nhiên là chúng ta tin ở dân. Nhưng dân... thế nào cơ... dân như thế này thì...
Vũ Lộc: (Nhíu mày) Theo đồng chí thiếu úy thì dân phải như thế nào ta mới tin?
Trần Khiết: (Chợt lúng túng) Báo cáo... tôi... tôi không có ý gì đâu... Có điều... Đấy, chính đồng chí Khiêm đã báo cáo đó thôi. Dân trong bản đã cạn kiệt nguồn lương thực, họ đã định bỏ chạy khỏi Việt nam. Như vậy rõ ràng là...
Vũ Lộc:  Như vậy rõ ràng là tình cảnh của bà con dân tộc ở đây đã bị bọn Mỹ dồn vào đường cùng. Họ không còn cái ăn, không đánh lại được Mỹ đành tính nước bỏ trốn qua biên giới. Nhưng tại sao lại không tính một nước đi đơn giản hơn, sẽ có ăn ngay là tìm vào trong khu cứ điểm của Mỹ. Bọn Mỹ đang rất cần có dân kia mà...
Trần Khiết: Cái này...
Phước:    Đúng thế. Báo cáo đại đội trưởng.. Dân đói nhưng không chạy vào với bọn Mỹ. Khi gặp bộ đội, chúng em mời lương khô, họ rất muốn ăn... Có thể nói là vô cùng thèm muốn. Nhưng khi biết bộ đội sắp phải đánh Mỹ, tất cả đã thề thà chết đói cũng không được xâm phạm lương thực bộ đội... Chỉ có... chỉ có một đứa trẻ đói lả trên vai bà nó... (Quệt nước mắt, nghẹn giọng...)
Khiêm:  Báo cáo đại đội trưởng... Đúng là người dân đã hết đường sống. Nếu bộ đội ta không về kịp thì họ cũng chẳng còn con đường nào khác là phải bỏ quê hương mà trốn đi... Họ đã lên sát sông Sê Pôn rồi. Nhưng khi gặp hai chúng tôi, họ vô cùng mừng rỡ. Tuy nhiên, bộ đội chỉ có 2 người, trong lúc bọn Mỹ dưới Làng Vây thì dày đặc. Người dân tộc họ chỉ tin vào trực giác... Làm sao để họ tin là bộ đội chúng ta có thể quét sạch bọn Mỹ. Mà nếu họ không tin thì làm sao động viên họ bám trụ lại được.
Phước:    Đúng thế! Đồng chí Trung đội trưởng, nếu không có dân bám trụ thì sắp tới, ai dẫn đường cho chúng ta tiền nhập vào vào khu căn cứ, ai vận chuyển phụ tùng, đạn dược cho xe tăng? 
              (Một chiến sĩ liên lạc chạy vào)
Liên lạc: Báo cáo đại đội trưởng! Tiểu đoàn điện về, phụ tùng và đạn dược đã được chuyển đến binh trạm 20. Yêu cầu đại đội cho lực lượng lên chuyển về vị trí đơn vị đang ém quân.
Vũ Lộc: Số lượng bao nhiêu?
Liên lạc: Báo cáo khoảng 3 tấn.
Trần Khiết: Trời đất ơi. Ba tấn. Tại sao xe vận tải không chở xuống tận đây. Chúng ta là đơn vị xe tăng chứ đâu phải đoàn vận tải. Biết lấy lực lượng đâu lúc này.
Vụ Lộc:  Đây mới chính là khâu cần giữ bí mật tuyệt đối. Xe vận tải không thể xuống chỗ này được. Những lúc thế này mới tấy thấm thía lời Bác dạy: Dễ muôn lấn không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong...Các đồng chí nghe đây. Toàn đại đội ngụy trang xe thật kỹ, không được để lộ vị trí ém quân. Mỗi xe chia đôi quân số, thay nhau một nửa trực chiến, một nửa đi vận chuyển hàng về sát sông Sê Pôn.
               Đồng chí Khiêm và Phước quay trở về bên kia, bắt liên lạc với các đồng chí du kích, một mặt tiếp tục dò đường cho xe tăng tiền nhập, mặt khác huy động lực lượng đồng bào giúp vận chuyển hàng qua đất Việt nam. Tất cả phải khẩn trương và bí mật.
Tất cả:    Rõ. 
Tắt đèn, chuyển không gian 

                 
CẢNH V 
                (Khu rừng phía đất Việt Nam. Bên bờ suối. Su nhảy lên một mô đá cao nhìn bốn phía rồi chụm tay làm tiếng chim Tapar để liên lạc. Cu rúc... ru... Hoàng Khiêm và Phước từ phía khác xuất hiện) 
Khiêm:    Chào cô Su!
Su:           (Cười rất tươi) Chào hai bộ đội... Con Tapar nói đúng thật... Hai anh cứ như... cặp chim cu... không lúc nào rời nhau.
Phước:    Ai mà dám nói xấu sau lưng bộ đội thế nhỉ?
Su:           Không phải nói xấu mà là nói tốt. Con Tapar nói đó.
Khiêm:    Tapar là ai vậy?
Su:         Ô, bộ đội Khiêm quên rồi sao! Là xã đội trưởng của mình đó (Quay ra phía sau) Tapar! Tapar à... Bộ đội ở đây...
                (Miêng xuất hiện, tay xách theo một lồng chim)
Miêng:   Chào hai đồng chí... Mình xin lỗi, có chậm một tý... chỉ tại con tapar này...
Su:          Mày bảo thả nó, sao giờ vẫn chưa thả?
Miêng:   Tao... không thả được... Hay Su xách ra ngoài kia thả giúp tao với.
Su:          Chim của mày thì mày phải thả chứ, sao lại mệnh lệnh cho tao.
Miêng:    Nhưng... tao không sao thả được...
Su:           Mày nhớ nó lắm phải không?
Miêng:     Ừ... Nó đi rồi... tao sẽ buồn biết mấy.
Khiêm:     Đây là chim Tapar hả? Nó là... chim cu gáy mà...
Miêng:     Phải. Ở dưới xuôi kêu bằng chim gáy. Đây là loại chim quý nhất của người Vân Kiều chúng tôi...
Phước:      Chim quý sao cô không nuôi nữa mà lại thả...
Miêng:      Không còn gì cho nó ăn, tội lắm...
Khiêm:    À, cô Miêng này... tại sao tôi thấy dân quân ở bản, mà kể cả mấy Pả, mấy Pỉ đều gọi tên cô là Tapar... Có phải vì cô nuôi con chim quý này không?
Su:           Ê, không phải đâu. Để mình nói cho bộ đội nghe. Con chim này là của anh Rai tặng cho Miêng. Miêng thương con chim. Còn Rai thì thương Miêng. Vì vậy lúc nào Rai cũng gọi Tapar ơi, tapar ời...
Miêng:    Con quỷ này... Các anh đừng nghe nó nói bậy. Cái tên Tapar là do chính cái miệng con Su bày đặt ra đó. Cái lũ dân quân của xã mình mặc dù rất dũng cảm, rất chịu khó chịu khổ nhưng lại ham chơi, ham cười, rất đoảng... Mình cứ dặn trước là chúng nó quên sau. Thế nên mình cứ phải nhắc việc suốt ngày. Nhắc nhiều, chúng nó bảo mình suốt ngày gáy như chim Tapar... Rứa là thành tên.
Su:         Không phải vậy đâu. Người ta yêu nhau, thương nhau, gáy với nhau suốt ngày mới thành tên đó...
Miêng:    (Đuổi đấm Su) Su! Con quỷ này... Tao cho mày chết !...
Su:           Bộ đội cứu mình! Bộ đội cứu mình với...
              (Bất  ngờ có tiếng máy bay. Tiếng bom xé gió. Tiếng nổ dậy cả rừng. Khói mù mịt. Miêng chồm người che lên lồng chim)
Su:          Tổ cha thằng Mỹ. Hết rải chất độc, chừ lại bom B52. Cứ thế này thì rừng sống sao nổi...
Miêng:   Tội nghiệp con Tapar... Đừng sợ, tao không để mày trúng bom đâu...
Phước:   Anh Khiêm... Cả vạt rừng phía nam đã bị B52 triệt hạ. Núi đồi trống trải thế này làm sao đưa xe tăng bí mật tiền nhập được.
Miêng:   Các đồng chí đừng lo. Còn rừng là còn lối đi. Bọn mình nhất định sẽ tìm được đường bí mật cho xe tăng.
Khiêm:   Đồng chí Miêng này. Có hai công việc đều cần địa phương giúp đỡ. Một là tìm con đường bí mật để xe tăng có thể áp sát cứ điểm Làng Vây. Hai là cần một lực lượng dân công qua bên kia Sê Pôn vận chuyển phụ tùng xe pháo đạn dược... Trọng lượng tất cả khoảng 3 tấn!
Su:          Ui cha... ba tấn !
Miêng:    Được rồi. Chừ đồng chí Su dẫn anh Khiêm, anh Phước theo bờ suối lội xuống phía nam... Vừa đi vừa đánh dấu, nếu vòng được qua đồi Klang thì dừng lại, không được mạo hiểm đi tiếp. Phải quay lại đây gặp mình, nhớ chưa? Mình phải quay về gặp dân bản bàn chuyện huy động dân công...
Khiêm:    Đồng chí xã đội đi một mình sao?
Miêng:   Không một mình. Có con Tapar nữa mà... Thôi, tranh thủ lúc không có bom, đi mau lên...
Su:           Rõ. Đi nào, bộ đội!
                 (Hoàng Khiêm và Phước theo Su đi khuất
                 Miêng xách lồng chim đi về phía bản. Rai xuất hiện)
Rai:          Tapar!
Miêng:     Rai. Sao lại ra đây?...
Rai:          Miêng vẫn chưa thả con Tapar ư?
Miêng:     Mình... Mình không muốn xa nó...
Rai:        Thế thì thôi đi... Miêng hãy giữ Tapar bên người. Mình sống, nó sống, mình chết, nó...
Miêng:     (bịt miệng Rai) Đừng... Đừng làm nó sợ!
                (Hai người ngồi xuống 1 mỏm đá)
Miêng:     Rai có nhớ cái buổi sáng, Rai đưa con Tapar đến tặng mình không?
Rai:         Làm sao mình quên được. Tối hôm trước, hai đứa mình đã hát trong đêm đi Sim bên con suối La La...
Miêng:       Ừ, hình như đó là đêm Sim cuối cùng...
Rai:          Không thể nói thế được. Người Vân Kiều còn thì tục lệ đi Sim vẫn còn, những điệu hát Xà-nớt, Ta-oái vẫn còn... Những khúc giao duyên đôi lứa chúng mình vẫn còn mãi... Đúng vậy không Miêng?
Miêng:     (Tựa vài vai Rai) Đúng vậy... đã có bộ đội về, nhất định chúng ta sẽ đuổi được bọn Mỹ đi. Đến lúc đó, Rai lại thổi khèn lá...
Rai:         Và Miêng hát điệu Xà-nớt... cái bài mà Miêng đã hát đêm đi Sim hồi trước đó. Miêng còn nhớ không?
               (Miêng khẽ mỉm cười. Rai với tay ngắt chiếc lá đưa lên môi, tiếng khèn lá cất lên nỉ non. Miêng khe khẽ hát...)
Miêng: (hát)- Anh từ bên kia suối
Có duyên cớ chi mà sang bên này
Con suối La La hỏi anh
Con chim Tapar hỏi anh
Cái bụng em cũng rất muốn hỏi anh...
Rai:     (Hát đối) - Anh từ bên kia suối
Vì muốn tìm người anh thương mà qua bên này
Anh muốn tắm nước suối La La
Anh muốn cất tiếng hót cùng Tapar
Chúng mình hãy như chim, bay lên giữa rừng ngàn
Bay lên Tapar và cất tiếng hót vang bài Xa-nớt ...
                (Tiếng máy bay cắt ngang phút giây hạnh phúc của họ. Tiếng bom, rồi  tiếng súng 12 ly 7 xối xuống.)
Miêng:    Chết rồi. Trực thăng bắn 12 ly 7, phản lực bắn rooc két, lại có cả đạn khói chỉ điểm nữa. Chẳng lẽ bọn Mỹ đã phát hiện được bộ đội?
Rai:         Có đạn khói chỉ điểm thì nhất định bọn thám báo sẽ nhảy lên đây. Bộ đội chỉ có 2 người, e nguy mất.
Miêng: (Trao lồng chim cho Rai) Nghe mình nói đây, Rai quay về bản huy động tất cả dân quân và dân bản qua bờ sông Sê Pôn gùi hàng cho bộ đội.
Rai:         Còn Miêng?
Miêng:   Mình phải chạy đi tìm bộ đội Khiêm với con Su, hướng dẫn họ tránh bọn thám báo.
Rai:         Không. Anh không thể để Miêng đi một mình được. Lỡ như...
Miêng:    Đừng lo. Miêng sẽ khôn khéo mà... Yên tâm đi.
Rai:         Không yên tâm được. Miêng đi lúc này nguy hiểm lắm.
Miêng:   Rai... Đây là mệnh lệnh mà. Rai có muốn cho mình làm xã đội trưởng nữa không?
Rai:         (Nghẹn lại) Miêng...
Miêng:    (Tiến lại gần) Nghe lời Miêng đi... Hãy thả con Tapar cho nó tự do nghe... Rồi Miêng sẽ quay lại mà...
               (Chạy vụt đi)
Rai:         (Gọi theo) Miêng! Cẩn thận nghe chưa?
Tiếng Miêng: Nghe rồi... về đi...
               (Rai quay người về phía bản. Sân khấu tối lại. Có tiếng Miêng gọi:  
             - Bộ đội Khiêm! Bộ đội Khiêm! Su ơi... Su! 
               (Một nhóm thám báo Mỹ xuất hiện. Chúng lò dò tiến dọc suối. Chợt nghe tiếng lá rung, một con chim hoảng loạn bay lên, Cả bọn hoang hốt nằm bẹp xuống. Một thằng phát hiện ra con chim, điên tiết đưa súng lên định bắn, thằng chỉ huy ngăn lại.
               Bọn Mỹ đã nghe tiếng Miêng gọi phía trước. Thằng chỉ huy vẩy tay, cả bọn chốm lên. Các nòng súng đều hướng về phía Miêng.
               Rai xuất hiện phía sau, lo lắng )
Rai:        Nguy rồi... Miêng gặp nguy rồi. Bộ đội gặp nguy rồi. Bọn Mỹ đang tiến thẳng về phía đó rồi... Miêng ơi... Làm sao cứu được Miêng đây...
              (Bất ngờ con Tapar trong lồng cất tiếng gáy Cu rúc... ru... Rai chợt nghĩ ra. Anh lập tức mở lồng ôm con chim ra thả lên trời và kêu to)
Rai:        Bay đi! Tapar ơi! Hãy bay đi, hãy tránh xa lũ ác quỷ này đi...
              (Vừa hét anh vừa chạy ngược lại. Bọn thám báo giật mình quay lại. Có đứa kêu: Vi xi... Vixi... Cả bọn đuổi theo. Rai vẫn chạy và hét. Súng nổ. Rai trúng đạn, anh vẫn cười và kêu to: - Bay đi! Tapar... tránh xa... cái lũ...
                (Rai ngã xuống. Bóng tối trùm lên. Im lặng rất dài.
               Khi ánh sáng trở lại đã thấy Miêng ôm lấy Rai, Khiêm, Phước và Su vây quanh)
Miêng:    Rai! Rai! ... Về đây với Miêng Rai ơi... Có nghe thấy lời Miêng không? Rai... Rai không thể đi thế này được... Rai đã quên lời hứa khi nào hết Mỹ sẽ lại cùng Miêng ra suối hát điệu Xà- nớt, thổi kèn môi đó sao?... Mới nói đó mà quên rồi sao? (Cô ôm lấy Rai, nước mắt trào ra, miệng khẽ hát. Điệu khèn lá và lời ca giao duyên Xà- nớt, lại vang lên da diết nhớ thương
                       "Anh từ bên kia suốiVì muốn tìm người anh thương mà qua bên nàyAnh muốn tắm nước suối La LaAnh muốn cất tiếng hót cùng TaparChúng mình hãy như chim, bay lên giữa rừng ngàn Bay lên Tapar và cất tiếng hót vàng bài Xa nớt ..." 
                                                  Đèn tối dần rồi tắt. Chuyển cảnh



 Đăng ngày 15/10/2010

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan