Tác giả: Xuân Đức
CẢNH VI
(Trong khoảng tối mêng mông,
lời kể của người cựu chiến binh vẫn trầm trầm xúc động)
Lời kể củaHoàng Khiêm: Theo kế hoạch,
đáng ra đại đội tôi sẽ xuất kích đánh vào cứ điểm Làng Vây vào đúng đêm 26 tháng
1, trước giao thừa tết nguyên đán. Tuy nhiên, do bộ binh chưa vào kịp nên kế
hoạch phải lùi lại 12 ngày sau. Đó cũng là 12 ngày đau khổ nhất của người xã đội
trưởng Miêng. Có lúc, tôi tưởng cô ấy đã không thế gượng dậy được. Nhưng tôi đã
nhầm. Khi mệnh lệnh mặt trận đưa về, tối mồng 6 tháng 2 sẽ tấn công, Miêng đã
lập tức bật dậy như một cây héo gặp trận mưa giông. Cô lao vào công việc tập hợp
du kích và dân bản chuẩn bị phục vụ chiến đấu. Đêm mồng 2, tôi và Miêng đi trinh
sát đường vào cứ điểm lần cuồi cùng...
(Đèn sáng dần, trong thứ ánh sáng
yếu ớt của đèn dù lộ rõ những đồi cây lúp xúp, nhiều bãi cỏ tranh cháy sém. Phía
xa là ánh sáng của cụm cứ điểm Làng Vây. Khiêm bò phía sau Miêng, họ dừng lại
trước 1 bờ đất)
Miêng:
Anh Khiêm chú ý... Chỗ có ánh đèn là
cứ điểm Làng Vây đó.
Khiêm:
Tôi thấy rồi. Từ chỗ này đến đó có lẽ
hơn 1km... Từ đây quay về khu vực ém quân cũng phải đến gần 2km. Xe tăng xuất
kích phải vòng theo sườn đồi, tính ra cũng trên 3 cây số... Đồng chí Miêng có
thể tìm thêm con đường nào ngắn hơn không?
Miêng:
Đường ngắn hơn cũng có... nhưng đã bị
bom Mỹ phát quang hết rồi. Đi là lộ...
Khiêm:
Thế thì không được. Đây là trận xuất
kích đầu tiên của xe tăng ta vào chiến trường Miền Nam, vì vậy phải đảm bảo chắc
thắng. Muốn chắc thắng thì phải tuyệt đối bí mật.
Miêng:
Này, mình hỏi thật nghe. Mình thấy bộ
đội hình như không được tự tin cho lắm.
Khiêm:
Sao đồng chí xã đội trưởng lại nói như
thế?
Miêng: Tại sao mệnh lệnh đánh Làng Vây lại cứ hoãn
lui hoãn tới hoài vậy?
Khiêm:
À, đồng chí lại nghĩ sai rồi. Sở dĩ
hoãn thời gian xuất kích là để đợi bộ binh vào. Phải có bộ binh mới làm chủ được
căn cứ chứ. Chẳng lẽ Miêng không tin vào kế hoạch của bộ đội?
Miêng:
Không phải mình không tin mà cái bụng
bà con trong các bản không yên. Lần hoãn vừa rồi, mình khổ với dân bản lắm..
Khiêm:
Sao?
Bà con nghi ngờ à?
Miêng:
(Lặng 1 lúc) Lòng dân Vân Kiều không
bao giờ nghi ngờ cách mạng, nghi ngờ bộ đội Bác Hồ. Nhưng dân bản đã quá khổ
rồi, như cây khô sắp đứt rễ trong nắng hạn. Họ trông từng đêm, từng ngày, từng
giờ, từng phút...
Khiêm:
Tôi biết. Đồng chí hãy nói với bà con,
cái giây phút ấy sắp đến rồi. Hãy tin vào chiến thắng.
Miêng:
Mình đã nói rứa hôm trước tết. Bà con
mừng đến phát khóc. Vậy mà sau đó lại hoãn. Có mấy Pả đã hỏi thẳng vào mặt mình
thế này: Mày phải nói thiệt đi, không được lừa dân bản, có bộ đội xe tăng thiệt
không, hay cũng chỉ mấy đứa mang súng AK hôm trước thôi. Mình bảo có mà. Mấy Pả
lại nói, có có cái chi mà hàng tháng trời bọn tao chỉ gặp mỗi cái thằng kêu bằng
bộ đội Khiêm, bộ đội Phước. Cái mắt dân bản có nhìn thấy cái xe tăng nào
đâu...
Khiêm:
Trời ơi... Bà con sợ bọn tôi nói dối ư.
Vì bí mật quân sự, làm sao để lộ xe tăng cho bà con thấy được.
Miêng:
Mình cũng giải thích như vậy nhưng
không ngờ các Pả, các Pỉ đã nổi giận
mắng: Bí mật với thằng Mỹ chứ sao lại bí mật với dân. Không tin dân thì đừng có
nói chuyện dựa vào dân nữa... cái miệng cán bộ chúng mày muốn nói kiểu chi cũng
được.
(Khiêm sững người. Cả hai cùng
lặng đi một lúc)
Miêng:
(Chợt cười) Đừng buồn... Lúc tức giận
bà con nói vậy, chứ sau đó là thông suốt
ngay...
Khiêm:
Không... bà con nói đúng. Chúng ta cứ
nói dựa vào dân, tại sao lại không đặt trọn vẹn lòng tin vào dân... (Quay lại) Đồng chí Miêng này... có
lẽ...
Miêng:
(phì cười) Này, tại sao anh Khiêm lại cứ hay kêu mình là
đồng chí thế?
Khiêm:
(Ngớ ra) Ơ... thì... thì chúng mình là
đồng chí của nhau mà.
Miêng:
(Cúi xuống, giọng lí nhí) Không... Mình
không ưng.
Khiêm:
Vậy... tôi gọi Miêng bằng cái tên
Tapar nhé!
Miêng: Đừng... Bộ đội Khiêm cứ kêu mình bằng út.
Khiêm:
Út? Hoá ra Miêng là con út?...
Miêng:
Không phải con út. Ở quê mình... kêu
út tức là... em...
Khiêm:
À... tôi hiểu rồi... (Nhìn Miêng trìu mến)
Miêng: Í,
mình xấu, bộ đội đừng có nhìn (Cượi
thẹn)
Khiêm:
Em có biết tôi nhìn em và bỗng nhận
ra điều gì không?
Miêng:
Nhận ra điều chi?
Khiêm:
Một điều gì đó thật lớn lao, thật kỳ
diệu. Thật đấy. Sau sự hy sinh của anh Rai, tôi cứ tưởng em không sao gượng dậy
được. Không ngờ em lại đứng dậy mạnh mẽ như thế, em vẫn lạc quan và hăng hái đến
thế...
(Chợt thấy Miêng trầm hẳn xuống.
Khiêm vội vã) Xin lỗi em... Đáng ra anh không nên nhắc lại chuyện ấy... Anh
thật là...
Miêng:
(Bất ngờ ngẩng dậy) Im, Anh Khiêm có
nghe thấy không?
Khiêm:
Nghe thấy gì?
Miêng:
Tiếng Tapar...
(Có tiếng Cu rúc... ru... đâu
đó)
Khiêm:
Đúng rồi... Tiếng chim Tapar... Nó
đang ở đâu thế?
Miêng:
Nó vẫn ở đâu quanh đây thôi. Nó đang
nhớ gọi Rai đó...
Khiêm:
Kìa, Miêng...
Miêng:
Con Tapar không bao giờ quên được
Rai... Không bao giờ... Tapar ơi, mày ở đâu?...
(Âm điệu khèn lá và khúc Xà- nớt
lại ngân lên, da diết, mênh mang)
Đèn tắt. Chuyển cảnh
CẢNH VII
(Không gian rừng, buổi chiều.
Toàn đại đội xe tăng đang ẩn mình kín đáo trong các lùm cây rậm. Chúng ta không
nhìn thấy xe mà chỉ nhìn thấy thấp thoáng một số trưởng xe, đầu đội mũ đặc chủng
đứng thấp thoáng sao các hốc đá. Ở một vị trí cao nhất là đại đội
trưởng Vũ Lộc)
Vũ Lộc:
Đại đội chú ý nghe kế hoạch tác chiến.
Hiện nay công binh đã bắc xong cầu pháo qua sông. Đợi tắt nắng mặt trời là chúng
ta hành quân. Trong đêm nay toàn đại đội sẽ qua sông, 5 giờ sáng mai phải ém
quân vào được vị trí tập kết, chuẩn bị thật đầy đủ để tối ngày mai xuất kích.
Mệnh lệnh tác chiến đêm mai như sau. Pháo binh sẽ bắn cấp tập vào các cứ điểm
của Mỹ 3 đợt, mỗi đợt cách nhau 30 phút. Lợi dụng lúc bắn pháo, tạo nên tiếng
động lớn, xe tăng sẽ tăng tốc để tiền nhập vào sát căn cứ Làng Vây. Phải đảm bảo
tối đa yếu tố bí mật bất ngờ. Tất cả rõ chưa?
Tất cả:
Rõ!
Vũ Lộc:
Các xe tranh thủ chuẩn bị. Đồng chí
Khiêm và đồng chí Phước ra bờ sông bắt liên lạc với đoàn dân công vận chuyển phụ
tùng đạn pháo. Tất cả sẵn sàng hành quân.
Tất cả:
Rõ!
Tắt
đèn - Chuyển không gian.
Đăng ngày 18/10/2010 |