Tác giả: Xuân Đức
CẢNH VIII
(Bờ sông Sê Pôn. Nắng đã nhạt.
Sương giăng mờ... Hoàng Khiêm và Phước bồn chồn ngóng nhìn qua bên
kia...)
Phước:
Sao đến giờ này rồi mà vẫn không thấy
một ai cả... Hay là...
Khiêm:
Hay là thế nào?
Phước:
Em thấy... bà con dân tộc ở đây...
Khiêm:
Cậu nghĩ cái gì thế? Không tin ở bà
con à.
Phước:
Không phải là không tin. Nhưng ở hoàn
cảnh đói quá, khổ quá, người ta không thể chịu đựng được... biết đâu...
Khiêm:
(Khẽ lắc đầu) Phước có biết câu này ở
đâu không? "Một lời như thể nhát dao, chém cây cây đổ, chém đầu đầu rơi"...
Phước:
Là câu ca dao ở sách giáo khoa lớp...
lớp...
Khiêm:
Lớp mấy?
Phước:
Em quên rồi...
Khiêm:
Chẳng ở lớp nào cả. Nó là một câu thề,
được hát lên trong điệu hát kết nghĩa Cà Lơ của đồng bào dân tộc vùng này
đấy.
Phước: Kết nghĩa Cà lơ là thế nào?
Khiêm: Cà lơ có nghĩa là kết bạn sinh tử.
Phước:
Sao anh Khiêm lại biết?
Khiêm:
Tối qua, khi cùng đi dò đường, cô
Tapar đã kể rồi hát cho mình nghe...(Phước tủm tỉm cười) Cậu cười cái
gì?
Phước:
Tối qua, chắc nàng ấy hát nhiều bài
lắm phải không?
Khiêm:
Sao cậu biết?
Phước:
Tại vì... khuya về nằm ngủ... em cứ
thấy anh ú ớ hát mê...
Khiêm:
Bỏ mẹ rồi... Tớ hát mớ thật à?
Phước:
Này, em thấy không chừng ông anh lại mớ cả
ban ngày nữa đấy.
Khiêm:
Nói vớ vẩn (Ngừng một lúc) Phước này, tớ hỏi cậu
nhé. Sau khi chiến dịch Khe Sanh kết thúc, tất nhiên đơn vị chúng ta phải hành
quân vào chiến trường khác. Xa nơi này cậu
nhớ nhất điều gì.
Phước:
Tất nhiên là chiến công đặc biệt của
trận đánh đầu tiên.
Khiêm:
Cậu có thấy người dân ở đây có cái gì
đó thật đặc biệt không?
Phước:
Em thấy... cũng như nhân dân tất cả
mọi miền mà chúng ta đã đi qua. Bà con dân tộc ở đâu cũng vậy, đồng báo Thái,
Mường ở ngoài chỗ lữ đoàn ta huấn luyện cũng thế, rất chân thật, rất dễ thương.
Các cô gái cũng cực đẹp và đáng mến. Mà hát cũng cực hay nữa cơ.
Khiêm:
Đúng thế... Nhân dân mình ở đâu cũng
thế. (Thở ra khẽ) Tuy nhiên, bà con
Vân Kiều ở đây... mình vẫn nhận thấy có cái gì đó thật đặc biệt...
Phước: À, em biết rồi. Đồng bào ở đây đặc biệt ở
chỗ, tất cả đều mang họ của Bác.
Khiêm: Đúng . Và có lẽ cũng vì thế mà sâu thẳm
trong mỗi một con người ở đây có một điều thật sự đặc biệt..
Phước:
Là cái gì?
Khiêm:
Niềm tin... Mình lớn lên, chưa từng
được chứng kiến một trận đói nào khủng khiếp như ở đây. Chưa từng nhìn thấy sự
hủy diệt nào khốc liệt và nam rợ như ở mảnh đất này. Nhưng cũng chưa từng được
chứng kiến một sức sống nào dai dẳng, bền bỉ và kỳ diệu như cuộc sống của bà con
nơi đây... Có lúc mình tự hỏi: Vì cái gì mà họ có thể sống qua được những ngày
này...
Phước:
(Gật gù ) Đúng thế...
Khiêm:
Thế mà, cậu còn nhớ không? Khi nhìn
thấy chúng ta, chỉ nhìn thấy 2 đứa mình thôi, rồi chỉ mới nghe nói đến xe tăng
miền bắc thôi, là tất cả mọi ánh mắt của những con người kiệt cùng sức lực kia
bất ngờ bừng sáng lên, thật mãnh liệt, thật phi thường. Thế mới biết, lòng dân
tin vào cách mạng không có gì so sánh được. Phước có nhớ câu chuyện mà Chính uỷ
đã kể trước hôm đơn vị chúng ta lên đường vào chiến trường không?
Phước: Làm sao em quên được. Chính uỷ đã kể chuyện
được gặp Bác, được nghe Bác huấn thị..
Khiêm: Chính uỷ bảo, nhớ nhất là câu nói này của
Bác. Ai đặt trọn vẹn niềm tin vào dân, và ai có được trọn vẹn niềm tin của dân
thì người đó sẽ chiến thắng...( cả hai
cùng lặng ngắn) Không biết nay mai, khi đất nước thanh bình rồi, khi chúng
ta có cơm no áo ấm rồi, liệu trong số bọn ta ai quên, ai nhớ những tháng ngày
này, cuộc sống này, người dân này, niềm tin này... Cậu bảo, trong đám chúng ta,
có ai có thể quên được không?
Phước:
Đứa nào quên thì một lời như thể nhát
dao, chém cây cây đổ, chém đầu, bay phăng!
(Cả 2 khẽ cười, Trung đội trưởng
Trần Khiết xuất hiện)
Trần
Khiết: Bỏ mẹ rồi, sắp tối rồi mà sao chẳng có ai thế này? Hoàng Khiêm, cậu làm
ăn thế nào thế?
Khiêm:
Trung đội trưởng cứ bình tĩnh. Chắc bà
con sắp đến rồi.
Trần
Khiết: Coi chừng bể sự, lỡ kế hoạch hành quân thì các cậu lãnh đủ đấy.
Phước:
Yên tâm đi. Một lời nói tựa nhát
dao...
Trần
Khiết: Dao cái gì?
Phước:
à... không... là dao... dao thái
thịt ạ. Bởi vì bỗng dưng em thấy thèm thịt tươi, luộc, chấm nước tương bần... Cả
mấy tháng nay ăn thịt ướp muối với thịt hộp, nó cứ nghẹn ở cổ này này...
(Có tiếng ồn ào dưới suối... Du
kích và dân bản đang vượt qua)
Khiêm:
Đây rồi... Đồng bào đã qua suối...
Tapar đâu nhỉ?... Đây rồi. Tapar... Tapar...(Chạy qua) Ở đây này... Qua phía này
này...
Trần
Khiết: (Với Phước) Tapar là cái
gì?
Phước:
Là người xã đội trưởng đấy
Trần
Khiết: Không phải... cô ta tên là Hồ Thị Miêng sao?
Phước:
Vâng... Nhưng cái tên Tapar nghe
thích hơn. Anh Khiêm thích gọi thế, mà cô ấy cũng thích được gọi như vậy.
Trần
Khiết: Này... Tớ hỏi thật nhé... Hình như cậu Khiêm với cái cô xã đội trưởng
ấy... có cái gì đó...
Phước:
Sao ạ?
Trần
Khiết: Có cái gì đó trong quan hệ... rất là thân mật... tin cậy...
Phước:
Đúng thế. Rất thân mật. Cực kỳ tin
cậy.
Trần
Khiết: (Nhíu mày) Trên cả mức bình
thường?
Phước:
Đúng thế. Trên mức thông
thường...
Trần
Khiết: Rõ rồi. Đồng chí phải có trách nhiệm báo cáo trực tiếp với đại đội
trưởng.
Phước:
Báo cáo gì ạ?
Trần
Khiết: Về hành động vi phạm kỷ luật dân vận của đồng chí Khiêm chứ còn gì
nữa
Phước:
Bao giờ? Anh Khiêm vi phạm kỷ luật
lúc nào?
Trần
Khiết: Thì cậu vừa khẳng định đấy. Định chối hả?
Phước:
Này này... đồng chí ăn nói cẩn thận
nhé. Tôi khẳng định cái gì...
Trần
Khiết: Vừa nói xong, quên ngay à? Một chiến sĩ vừa vào mặt trận đã có quan hệ
với một du kích... trên cả mức bình thường...
(Phước bất ngờ nhìn chiếu thẳng
vào Khiết)
Cậu... cậu có thái độ gì thế?
Sao lại nhìn tôi kiểu ấy?
Phước:
Đồng chí trung đội trưởng... Tôi
biết, gần đây, tiểu đoàn đang có phương án bổ sung một đại đội phó cho đại đội
ta, đúng không?
Trần
Khiết: Đấy là việc của cấp trên, không phải chức trách của đồng chí.
Phước:
Đúng thế. Nhưng chức trách của đám cấp
dưới chúng tôi là có quyền nhận xét, đánh giá cán bộ. Đồng chí Hoàng Khiêm là
một trung đội phó trẻ nhưng rất có uy tín trong đại đội. Có phải vì thế... Trung
đội trưởng có phần nào lo lắng không?
Trần
Khiết: Này, ăn nói cẩn thận đấy.
Phước:
Tôi thấy gần đây, trung đội trưởng
bỗng nhiên khắt khe rất vô lối với anh Hoàng Khiêm
Trần
Khiết: Tôi vô lối chỗ nào. Chính cậu vừa đưa ra nhận xét quan hệ trên mức bình
thường của cậu ấy
Phước:
Tôi nhắc lại. Tôi, trung sĩ, trưởng xe
A2 nói. Đồng chí xã đội trưởng và thượng
sĩ trung đội phó kiêm trưởng xe A1 có sự tin cậy lẫn nhau trên cả mức bình
thường. Tin cậy, thủ trưởng nhớ chưa. Trên mức bình thường, ví dụ như trên cái
mức mà người trung đội trưởng tin ở cấp dưới của mình.
Trần
Khiết: Này...
(Lúc này Miêng, Khiêm và tất cả
dân bản đã qua suối, họ đứng khắp các bờ đá, sẵn sàng)
Khiêm:
Báo cáo đồng chí Trung đội trưởng.
Đây là xã đội trưởng Hồ Thị Miêng cùng anh em du kích và bà con dân bản đã sẵn
sàng phục vụ đơn vị.
(Trần Khiết đảo mắt nhìn một
lượt rồi đi đến gần từng người. Những thân người xơ xác, héo mòn, gầy rạc... Chỉ
có những ánh mắt là rực sáng)
Trần
Khiết: (Với Miêng) Cả bản... Chỉ
còn chừng này thôi sao?
Miêng:
Dạ vâng... Bản em... Chỉ còn có chừng
này là khỏe mạnh
Trần
Khiết: Khỏe mạnh!...
Khiêm:
(Chột dạ) Anh Khiết... (Đi lại gần, nói nhỏ) Cả tháng nay bà
con không có một hạt lương thực...
Trần
Khiết: Tôi biết chứ. Tôi thương đồng bào vô cùng. Nhưng vấn đề hiện nay không
phải là sự cảm thông, chia sẻ mà là nhiệm vụ. Chừng này con người, sức khỏe như
thế này làm sao tải nổi 3 tấn hàng.
Miêng:
Bộ đội cứ yên tâm. Dân bản đã có
phương án rồi
Trần
Khiết: Phương án gì... Mỗi người một cái gùi trên lưng chứ còn cách nào nữa.
Miêng:
Vâng. Mỗi người một gùi trên lưng,
ngoài ra 2 người còn thêm một cáng. Như
vậy là lưng gùi, vai cáng. Đảm bảo sẽ chuyển hết hàng cho bộ đội.
Pả Mậu:
Đúng thế! Cứ giao hàng đây. Mấy tấn cũng hết. Nhưng bọn tao có một yêu
cầu...
Khiêm:
Bà con có yêu cầu gì cứ nói ạ?
Pả Mậu:
Trước khi chuyển hàng phải cho bọn tao
nhìn thấy xe tăng.
Tất cả:
Đúng! Phải để cái mắt bọn tao thấy xe
tăng.
Trần
Khiết: Không được. Đây là bí mật quân sự... Bà con đòi hỏi như vậy là không
được.
Miêng:
(Quay lại bà con) Phải đấy. Pả Mậu và
bà con ạ... Nhiệm vụ ta, ta làm... Bộ đội họ có nhiệm vụ phải giữ bí mật.
Pả Mậu:
Không. Bí mật với thằng Mỹ chứ sao lại
bí mật với đồng bào. Đã mấy lần thằng bộ đội Khiêm, thằng bộ đội Phước bảo xe
tăng sắp đánh, sắp hoài, sắp hoài. Cái bụng dân bản nghi ngờ chúng mày nói dối.
Chúng mày không phải bộ đội xe tăng...
Trần
Khiết: Tôi xin hứa với đồng bào...
Pả Mậu:
Hứa ư?... Dân tao cũng thường tin vào
lời hứa cán bộ. Nhưng nói thật bụng là cũng tin có người thôi. Có người khó tin
lắm...
Tất cả:
Đúng. Không thấy xe tăng không đi
nữa...
(Vừa lúc này đại đội trưởng bước
ra)
Vũ Lộc:
Thưa bà con...
Trần
Khiết: Báo cáo đại đội trưởng...
Vũ Lộc:
Tôi nghe hết rồi... Thưa bà con... Tôi
là thiếu tá Vũ Lộc, là thủ trưởng cao nhất của đơn vị này.
Pả Mậu:
Ông thủ trưởng cao nhất ra đây lại để
hứa chứ gì?
Vũ Lộc:
Không. Tôi ra đây không phải để hứa mà
để ra lệnh. (Quay lại) Toàn đơn vị
nghe lệnh. Tất cả các xe nổ máy !.
(Bất ngờ tiếng nổ rú lên. Tất cả
các khóm cây rung chuyển. Cả khu rừng chấn động như một cơn lốc. Tất cả dân bản
sững ra...Pả Mậu rồi Pỉ Thiềng rơm rớm nước mắt...)
Pả Mậu:
Xe tăng! Đúng lad có xe tăng thiệt
rồi..(Gạt nước mắt, bất ngờ quỳ xuống
trước đại đội trưởng) Đồng chí chỉ huy! Tôi xin thay mặt dân bản nhận
tội.
Vũ Lộc:
(Vội đỡ Pả Mậu dậy) Pả! Pả có tội gì
đâu?
Pả Mậu:
Có tội... Tội to lắm. Bà con dân bản đã
ép buộc bộ đội lộ bí mật để được nhìn thấy xe tăng. Nhưng bộ đội ơi... Dân bản
gần như đã tuyệt vọng rồi, đẵ sắp kiệt sức rồi... Cho nên dân bản mới phải làm
như vậy... (Đứng bật lên) Giờ thì
cái mắt nhìn thấy rồi... Cái tai nghe rõ rồi. Dân bản à... Ngày giải phóng khỏi
cơ cực đã sát trước mắt rồi. Nào, lưng gùi, vai cáng, ta đi thôi...
Tất cả:
(Vung tay) Đi thôi...
(Núi rừng ầm ầm rung
chuyển)
Đèn tắt, chuyển cảnh.
Đăng ngày 20/10/2010
|