Saturday, October 17, 2015

Chuyện không kể được trong phim Linh hồn Việt cộng


Tác giả: Trân Nhương

Chiều ngày 29-7-2008 nhà văn Minh Chuyên- người biên kịch và đạo diễn phim tài liệu Linh hồn Việt công - đến trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam họp về cuộc thi bút ký cuả Báo Văn Nghệ. Xong việc anh xuống phòng tôi chơi. Tôi và Minh Chuyên là bạn đồng ngũ thời ở Tổng cục Hậu cần, nhiều lần chúng tôi đi trại viết Kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội với nhau. Sau này chúng tôi đều là nhà văn và vẫn thường qua lại, gặp gỡ . Minh Chuyên có nhờ tôi trình bày bìa cho đôi ba cuốn sách của anh.

  Cuốn phim Linh hồn Việt công vừa chiếu trên Đài Truyền hình Việt Nam tối 23-7 đã gây xúc động cho hàng triệu người xem. Buổi phát hình lần đầu Minh Chuyên có nhắn tin cho tôi để xem. Tôi và vợ ngồi xem phim Linh hồn Việt cộng mà lòng rưng rưng. Bà vợ tôi nước mắt vòng quanh, nhiều lần lấy khăn lau nước mắt. Theo yêu cầu của người xem, Đài truyền hình phát lại lần thứ 2 vào tối 27-7-2008. 
Tôi rất muốn gặp Minh Chuyên để hỏi chuyện đằng sau những khuôn hình vì khi tôi đọc bài ký Gió dữ gió lành của anh trên báo Văn Nghệ càng làm cho tôi tò mò.
  May làm sao hôm nay Minh Chuyên lại đến. Cùng lúc có Trần Đăng Khoa, Văn Chinh. Chúng tôi nghe Minh Chuyên kể chuyện làm phim Linh hồn Việt cộng.
.... Câu chuyện về liệt sỹ Hoàng Ngọc Đảm tôi đã theo đuổi 4 năm nay cho nên ghi hình mỗi chuyến bạn bè của Homer đến nhà anh Hoàng Ngọc Đảm ở Thái Bình. Có thể nói là mai phục nhiều ngày lấy tài liệu cho bộ phim. Năm nay Homer đến về nhà anh Đảm tạ tội và đi Tây Nguyên tìm hài cốt anh Đảm, tôi quyết định làm bằng được phim này. Trong cơ chế hiện nay Đài Truyền hình, nơi tôi công tác không thể chi cho kinh phí làm phim mà các nhà tài trợ tôi cũng chưa kịp liên hệ nơi nào. Tôi quyết định bỏ tiền ra cho việc làm phim. Tất cả chi phí cho phim là khoảng 28 triệu. Có thể nói là chúng tôi phải lo hết từ xe cộ, đi lại, ăn ở giống như một đoàn làm phim tư nhân vậy. Chuyện ăn uống kể ra các anh đừng cười, nó là sự thật "cơm áo không đùa với khách thơ". Chúng tôi phân công nhau luân phiên mời cơm, bữa này đoàn làm phim chi thì bữa sau gia đình liệt sỹ Đảm chi, bữa sau nữa các bạn Mỹ chi. Khi đoàn làm phim mời cơm thì chúng tôi chi cả rượu bia, nước ngọt, nhưng bạn Mỹ thì họ chỉ mời cơm, còn đồ uống ai dùng thì bỏ tiền túi ra. Anh Mỹ bao giờ cũng rạch ròi chứ không lịch sự như người Việt mình. Dù có tốn kém nhưng tôi thấy khi phim được chiếu bà con yêu cầu chiếu lại là tôi mừng lắm...
  Trần Đăng Khoa hỏi:
- Thế Đài không hỗ trợ cho bác sao ?
Minh Chuyên bảo sẽ được lĩnh nhuận bút chắc cũng khoảng gần 20 triệu, thế là tốt lắm rôi. Đài cũng giúp cho mượn máy quay phim, tạo điều kiện để chúng tôi làm tốt.
  Minh Chuyên không nói chuyện tiền nong nữa, anh bảo nghệ sỹ khoái là làm, tiền nong tính sau.
Thú thật là tôi hơi ngỡ ngàng không ngờ ông bạn tôi phải bỏ tiền ra mà lo cho phim như thế.
  Minh Chuyên kể tiếp câu chuyện đi tìm mộ. Trong phim đã nói nhiều nhưng có những việc không lên phim được. Khi chúng tôi đến khu vực chôn anh Đảm thì anh Hoàng Ngọc Khánh, trợ lý bị quay ra như người bị say nắng. Anh Khánh chưa lần nào về Thái Bình quê anh Đảm nên không biết gia đình anh Đảm. Vậy mà anh Khánh kêu lên: "Sao Minh vợ tôi không vào, cái Đằm em tôi đâu mà không vào đón tôi. Tôi nằm ở đây còn đi tìm ở đâu mà không đào...". Cả đoàn làm phim, gia đình và các người bạn Mỹ đều giật mình. Tất cả những câu nói ấy đều là lời anh Đảm qua miệng anh Khánh. Chúng tôi đào ngay chỗ anh Khánh ngồi. Quả nhiên tìm được hài cốt anh Đảm. Trong lọ penexilin vẫn còn mảnh giấy ghi tên anh Đảm, tuy nhoè nhưng vẫn đọc được. Khi anh Đảm hy sinh thì những người lính Mỹ đã chôn anh dưới thung lũng Arunpa. Chính vì thế nên Homer rất nhớ vị trí cùng với sự hướng dẫn của chi Phan Bích Hằng nên tìm mộ anh Đảm không khó khăn lắm.
  Bốc hài cốt anh Đảm xong, theo chương trình chúng tôi phải về ga Diêu Trì ngay để kịp giờ tầu ra Nam Định. Không hiểu sao Homer nhất định không chịu đi ngay. Anh ta đề nghị mang hài cốt anh Đảm lên chỗ dốc núi nơi anh ta đã bắn anh Đảm. Anh ta lý sự là hồn anh Đảm vẫn ở đó cần lên làm lễ nhập hồn. Thấy lý do rất chính đáng, mọi người đồng ý đưa hài cốt anh lên dốc núi. Phải 30 phút mới lên đến nơi. đặt tiểu xuống, thắp hương chuẩn bị cúng bái gọi hồn anh Đảm. Máy quay phim đã tìm góc quay, chân máy choãi ra thế chân kiềng vững chãi để không bị rung hình. Bất ngờ một cơn lốc kinh người, đánh cái chân máy nặng đến 20 kg văng đi chừng 3 mét. Máy quay phim đập xuống gãy đôi. Tất cả mọi người lảo đảo sắp bay theo lốc. Quá kinh hãi, chúng tôi ai nấy đều xanh mắt. Kỳ lạ trong đoàn có đến 4 chiếc máy ảnh đều liệt không hoạt động được. Một sự việc ít thấy mà chúng tôi không ai giải thích nổi. Mãi sau này khi làm hậu kỳ phim xong thì gia đình anh Đảm thông báo cho biết rằng theo lời nhà tâm linh Bích Hằng thì việc mang hài cốt anh Đảm lên dốc, nơi chính người lính Mỹ giết anh là một việc làm xúc phạm anh Đảm và vong linh đồng đội anh nên đã nổi giận. Nếu hôm ấy không dừng ngay thì tai hoạ khôn lường... 
Sự việc hãi hùng quá khiến chúng tôi nhanh chóng rời nơi dốc núi để lên xe về ga Diêu Trì.  Anh Đoàn Điện Biên quay phim và anh Đức Uy người bảo quản máy quay đều tiếc đứt ruột cái máy quay gần 1 tỷ đồng. Anh Uy còn lo hơn vì anh được giao giữ gìn máy, bây giờ máy tan tành thế này thì trách nhiệm của anh rất nặng. Ai giải thích cho lãnh đạo Đài về tai nạn hy hữu này. 
 Quả nhiên khi về thấy hỏng máy quay, Đài Truyền hình cho anh Uy nghỉ việc để chờ giải quyết cụ thể. Hai tháng nay anh Uy lo lắng, phập phồng chờ kỷ luật. Cũng may gia đình anh Đảm biết tin lên Đài cùng đoàn làm phim lập biên bản sự bất khả kháng trong cơn lốc bất thần. Gia đình đã xin lãnh đạo Đài truyền hình xem xét mà nương tay cho anh Đức Uy....
  Chúng tôi ngồi nghe Minh Chuyên kể lại mới thấy nỗi vất vả sau những khuôn hình trong phim. Không ai nghĩ những người vì nghĩa cử cao đẹp với những người đã khuất ấy cũng chịu thiệt thòi, hy sinh và tốn kém. Nhưng tin rằng linh hồn anh Hoàng Ngọc Đảm sẽ phù hộ cho mọi việc đều hanh thông...
 chiều 29-7-2008
nguồn trannhuong.com

 Đăng ngày 30/07/2008
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Độc giả - 30/07/2008

Tư liệu quá hay. Và như thế chứng tỏ có thế giới bên kia. Nếu không làm sao các nhà ngoại cảm tìm được nhiều mộ lệt sĩ như vậy. Việc ăn ở với thân nhân gia đình liệt sĩ cần phải chu đáo. Có thể dấu được mọi người nhưng không bao giờ dấu được người chết.
  Gửi bởi: Khách vãng lai - 30/07/2008

Homer cũng là một thân phận đáng thương. Tất nhiên nếu Homer không bắn anh Đảm thì người nằm dưới mộ sẽ là Homer. Quy luật chiến tranh là thế. Homer may mắn hơn. Anh là người tốt và ở một tầm văn hóa cao. Chỉ người tốt mới biết ân hận.
  Gửi bởi: Người yêu Trần Nhương - 30/07/2008

Cám ơn nhà văn xuân Đúc lại có thêm mootj bài rất hấp dẫn

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan