Tác giả: Xuân Đức
Có ai biết nhà thơ Trần Đăng Khoa đã một lần lâm trận suýt chết không?
Hôm qua ngồi xem truyền hình thấy Căm pu chia kỉ niệm ngày giải phóng đất nước khỏi hoạ diệt chủng ( 7-1-1979), tôi bỗng nhớ lại chuyến đi thực tế với Trần Đăng Khoa theo chân Quân đoàn 4 giải phóng Nông pênh. Tôi không có ý viết hồi ký cả chuyến đi lịch sử ấy mà chỉ kể vài chi tiết liên quan đến Khoa mà chắc chắn chưa ai biết
Lúc đó đám viết văn lính tráng chúng tôi được Tổng cục chính trị gọi về tập hợp lại thành một trại viết để chuẩn bị nhập học Trường viết văn Nguyễn Du. Lúc đầu cũng cứ tưởng trường Nguyễn Du mở khoá I sớm nên trại văn QĐ tập trung từ tháng 10/1976. Nhưng rồi cái khoá viết văn đầu tiên đó lại gặp trục trặc nên Trại văn QĐ đã kéo quá dài, nó không còn là trại nữa mà trở thành một đơn vị có doanh trại riêng hẳn hoi. Trong gần ba năm tồn tại, Tổng cục chính trị đã tạo cho chúng tôi rất nhiều cơ hội để sáng tác, trong đó có cú vào Đà lạt gần tháng rưỡi. Tất cả anh em chúng tôi đều thuộc loại lặn ngụp ở chiến trường suốt bao nhiêu năm, cho nên những năm về làm khách thực của TCCT quả là lên tiên. Chúng tôi đang tiếp tục ngất ngưởng như thế để chờ ngày tựu trường, thì đùng một hôm, thủ trưởng là nhà văn Hồ Phương giao cho tôi mệnh lệnh phụ trách đoàn nhà văn Quân đội vào thực tế mặt trận Tây-nam. "Đoàn" có đến những...2 người. Tôi và Trần Đăng Khoa. Mệnh lệnh đơn giản vậy thôi, không giải thích gì thêm. Khi chuẩn bị lên đường, thủ trưởng còn nói nhỏ : Vào đến sân bay Tân Sơn Nhất gặp thủ trưởng Hai ( dại diện TCCT ở phía nam) sẽ được giao nhiệm vụ cụ thể.
Cần nhắc lại một chút tình hình lúc đó. Khái niệm mặt trận tây-nam lúc bấy giờ là để chỉ vùng biên giới giữa Việt Nam và CămPuChia đang bị lực lượng Pônpốt quấy phá một cách thảm khốc. Chiến tranh biên giới đã kéo khá dài và cũng đã có nhiều đoàn nhà văn đi vào đó, nhiếu bài viết về mặt trận tây nam đã đăng. Vì vậy việc cử thêm một đoàn nữa đi vào đó là chuyện bình thường, không có gì đặc biệt cả. Cả tôi và Khoa đều nghĩ như vậy. Chúng tôi tuyệt nhiên không biết chút gì về chuyện sắp có cuộc tấn công tổng lực giúp bạn giải phóng đất nước. Chúng tôi cũng không biết rằng, việc TCCT cử hai chúng tôi đi chuyến này có một ý nghĩa rất đặc biệt. Khi vào đến Quân khu 7, rồi vào Tân Sơn Nhất thì chúng tôi mới ngã ngửa ra.
Vì không biết chút gì về một thời điểm lịch sử đặc biệt sắp xẩy ra nên hai thằng tôi lên đường với một phong thái đủng đỉnh, nhởn nhơ thường có của anh em văn nghệ. Lên tàu từ Hà nội, vào Vinh dừng lại tạt lên Rú dồi thăm đoàn Nghệ thuật Quân khu 4 ( là đơn vị cũ của tôi). Thấy có nhà thơ nổi tiếng Trần Đăng Khoa giá lâm, cả đoàn coi là chuyện đại sự. Họ mổ tươi một con lợn thết đãi, rồi tập họp toàn đơn vị để nghe nhà thơ tán gẫu.(Hôm đó đúng là tán gẫu chứ không phải nói chuyện thơ ). Chúng tôi say sưa ở đó mất một ngày rồi lại lên đường vào quê tôi Vĩnh Linh. Lại đưa Khoa lên trường cấp III nói chuyện.. gặp một đám cháy nhà cả hai còn xông vào cứu hoả...Chuyên đó sau này đã được một nhà thơ địa phương ghi lại thành mẩu ký sự đăng báo.Cứ thể ngất ngưởng thêm vài ngày nữa mới lấy tàu vào Thành phố Hồ Chí Minh.
Khoảng 5 giờ sáng chúng tôi lò dò gõ cửa nhà Nguyễn ngọc Mộc ( cũng là một đồng nghiệp ở trại văn TCCT). Mộc tỏ vẻ lo lắng . Có gì phải lo nhỉ ? Sau đó vài phút mới biết được, thì ra đêm trước, nghệ sĩ Thanh Nga vừa bị sát hại, mà theo dư luận lúc bấy giờ cái chết của nghệ sĩ cải lương này li kì lắm.
Nghỉ chơi nhà Ngọc Mộc thêm một ngày nữa chúng tôi mới lò dò đến sân bay Tân Sơn Nhất để nhận chỉ thị, thì hỡi ôi, chúng tôi bị mắng một trận đến xây xẩm mặt mày vì tội đến quá trễ ? Thì ra Tổng cục chính trị cử chúng tôi vào là để đi theo chiến dịch giải phóng Căm Pu Chia, và đáng ra chúng tôi phải có mặt đúng cái ngày diễn ra Đại hội thành lập Mặt trận cứu nứoc CPC. Chúng tôi nào có biết gì !
Ngay chiều hôm đó tôi và Trần Đăng Khoa có mặt ở Quân đoàn 4. BTL Quân đoàn bảo chúng tôi về ngay sư 7. Bộ chỉ huy sư 7 lại giới thiệu 2 nhà văn đi gấp qua bên kia biên giới để cùng dự lễ xuất quân của Trung đoàn 6, đơn vị được lãnh ấn tiên phong.
Lễ xuất quân của Trung đoàn 6 được tổ chức vào ban đêm nhưng cực kì hoành tráng và cảm động. Trung đoàn trưởng E6 tên là Cường , là một chiến binh rất trẻ, đẹp trai và phong độ. Nhìn cung cách anh ta đêm ấy thấy rõ chất anh hùng Lương sơn bạc. Tiếc rằng, trận xuất kích đầu tiên lại thất bại thê thảm. Nguyên nhân là vì trinh sát đã báo sai địa hình. Nhóm trininh sát của tiểu đoàn 14 , khi mò lên đến một đoạn đường cụt đã bỏ hoang , tưởng đó là đường 10 nên báo về an toàn. Thực ra đường 10 đang bị mai phục. Thế nên khi toàn bộ trung đoàn tiền nhập lên đường 10 đã bị đánh úp. Cả một trung đoàn bị bẻ gãy và thương vong nặng nề. Thất bại trận mở màn này khiến sau đó vài tuần trong một buổi mời cơm chúng tôi, ông Tư lệnh sư đoàn đã có câu nói xanh rờn khiến tôi nuốt không trôi cơm : Trên đời tôi sợ nhất 2 từ báo, đó là quân báo với nhà báo.- Ông nói vậy. Thất bại này cũng là đòn choáng váng đối với người trung đoàn trưởng kiêu hùng tên là Cường ấy. Về sau tôi không được gặp lại nữa, nhưng nghe nói anh ta đã bỏ lên sống biệt lập trên một miệt rừng xa xôi nào đó ? ( Không biết thông tin này có chính xác không, nếu anh Cường còn ở dầu đó xin hồi đáp lại và cũng đừng trách tôi kể lại câu chuyện này, bởi dầu sao, thắng bại cũng là chuyện thường của nhà binh, hơn nữa trong vụ này lỗi không hoàn toàn do anh )
Sau trận đánh mở màn không thành, tôi và Khoa quyết định quay trở lại Quân đoàn ở Thủ Đức để nắm tình hình chiến dịch sau đó mới xác định hướng đi của mình. Lúc này chúng tôi đang ở trên đất CPC, cách biên giới chừng 10 km. Buổi sáng, người ta bố trí cho hai anh em chúng tôi lên một chiêc xe tải cùng với bốn năm chiến sĩ hậu cần quay về Việt nam để chở thực phẩm. Đường về biên giới là con đương rải đất sỏi. Cái chỗ cửa khẩu cũng được gọi là Dốc sỏi. Khi xe chúng tôi về gần dốc sỏi thì bất ngờ bị phục kích. Bát đầu là hàng loạt tiếng súng 12 li 7 nổ xé tai. Chiếc xe tải phanh khựng lại Tất cả không ai bảo ai đêu nhảy ào xuống dạt ra tìm chỗ thấp để tránh đạn. Trần Đăng Khoa nằm bẹp gần tôi. Bọn lính Pônpốt chỉ bắn mà không hề xông lên. Đường đạn hơi cao. Một vài viên đã trúng khung xe. Tôi nhận định là bọn chúng nhát gan, cứ cúi đầu bắn nên đạn vọt cao. Nếu mình cứ nằm yên, chúng nó bắn một lúc không thấy ta phản công thì cũng có thể lấy lại bình tĩnh và có thể xông lên.. Nếu sự việc diễn ra như vậy thì gay to. Trong tất cả những anh lính nằm bẹp ở đây chỉ có tôi là sỹ quan và đã từng kinh qua chiến trận. Các cậu khác là tân binh mà là lính nấu ăn. Khoa năm đó cũng đang còn là lính mới vài tuổi quân, chưa hề nghe tiếng súng. Vì vậy tôi tự thấy mình phải có trách nhiệm chỉ huy thoát khỏi vụ này.
Tôi bò lại bên cậu lái xe, hỏi : Này đồng chí, xe của cậu có thể đề nổ nhanh được không ? Cậu lái khẳng định được. Tôi liền nói to trong tiếng súng : Các đồng chí ! Nếu cứ nằm tại chỗ thế này rất nguy hiểm vì rất có thể bọn Pônpốt sẽ xung phong. Ở đây tôi là sỹ quan, yêu cầu các đồng chí phải nghe lệnh tôi. Nói rồi tôi bò lại sát Khoa , nói rành rọt từng tiếng : Khi nào nghe anh hô chạy thì em phải lao thật nhanh lên xe nghe chưa ? Khoa dạ khẽ một tiếng. Thú thật lúc này, người tôi lo nhất là Trần Đăng Khoa. Nếu lỡ xẩy ra chuyện gì thì tôi sẽ trở thành tội nhân lịch sử. Tôi đánh mắt qua cậu lái. Cậu ta nhìn tôi vẻ sẵn sàng. Đạn 12 li 7 vẫn bay vèo vèo . Tôi gật mạnh đầu . Cậu lái lao lên, nhoáng cái đã đến sát chiếc xe. Không đợi tài xế lên xe tôi đã hét : Lên xe, mau lên ! Thế là tất cả lao lên như những mũi tên. Nhoáng một cái tất cả đã nằm úp trên thùng xe. Chiếc xe rùng mình chồm lên.Tôi đảo vội mắt , bỗng không nhìn thấy Khoa đâu. Tôi hết hồn la toáng lên. Khoan đã, còn thiếu người. Khoa ơi! Khoa! Người tôi run lên, tiếng kêu cũng run. Bất ngờ có tiếng Khoa nghe rất bé : Em đây! Tôi nhìn quanh mà không xác định được. Em ở đâu ? Em đây...Bây giờ thì đã xác định được. Thì ra Khoa là người lên đầu tiên nên nằm dưới cùng, đã có hai anh lính đè bẹp phía trên. Tôi hét cho xe chay. Chiếc xe lao ầm ầm về phía biên giới. Đạn 12li7 vẫn chát chúa nổ phía sau.
Thoát hiểm lâu rồi mà tôi vẫn chưa hết run. Tôi thầm tạ ơn trời vì nhà thơ thần đồng đất nước vẫn còn nguyên vẹn. Làm cái chức đoàn trưởng chỉ phụ trách vẻn vẹn có một người thôi sao mà nặng nề đến vậy !
Chúng tôi còn theo chiến dịch cho đến khi giải phóng hoàn toàn đất nước CPC, nhưng chuyện đó sẽ kể vào dịp khác.
Đăng ngày 12/01/2008