Tác giả: Nguyên Đức
xuanduc,vn: tết bận chạy ăn vì đói nên chẳng màng tưởng chi đến con wet. May mà nhận được một lúc 3 truyện ngắn của một bạn tâm Giao. Mình sẽ từ từ post 3 ngày 3 truyện để bạn bè xơi tạm vậy. He he..
Tặng Chị Ngày xưa
Bà Mơ rất nghèo. Cái gọi là ngôi nhà của bà chỉ vừa đủ chỗ kê một cái giường tre ọp ẹp cho bà và cô Mơ nằm vào mùa đông, còn mùa hè thì cô Mơ trải chiếu nằm dưới đất, trước bàn thờ, nơi hai mẹ con hàng ngày vẫn dọn cơm ăn. Ở vùng quê này tường nhà thường đắp bằng đất thịt, người ta gọi là trình tường. Nhưng tường nhà của bà lại được xếp bằng gạch, đa phần là gạch vụn, vỡ đôi, vỡ tư. Điều ấy chứng tỏ ngày xưa nhà của bà được xây bằng gạch. Tài sản to nhất của bà Mơ là vườn mía, kết quả chăm bẳm kỳ công từ khâu chọn ngọn, giữ giống, cách làm đất, cách trồng, bóc bẹ của bà và cô Mơ. Đến gần Tết, heo may về, mật cô trong từng đốt đỏ tía thì đẵn mang ra chợ bán, cộng với mấy thước ruộng khoán cũng đủ gạo cho hai mẹ con ăn dè đến vụ sau. Vì mía của bà ngọt, mềm và dòn nên vườn mía luôn là nơi để bọn trẻ con trong xóm trổ tài nghe ngóng, trinh sát, bò toài, dùng dao nhọn tiện đứt gốc mía, luồn ra bờ rào toàn gai tre, xương rồng mà không được phát ra một tiếng động vì nhà bà Mơ có một con chó rất khôn, cô Mơ gọi nó là Tuyết, mặc dù nó đen tuyền từ đầu đến chân. Đó cũng là tài sản đáng giá của nhà bà Mơ. Con Tuyết là con chó rất đặc biệt: chưa ai nghe tiếng nó sủa bao giờ. Chính vì thế mà nó càng đáng sợ hơn. Nhà bà Mơ không có cổng. Nếu hai mẹ con đi vắng thì chỉ lôi một cành tre chắn lại nhưng chẳng ai dám vào.
Việc quan trọng nhất của con Tuyết là trông vườn mía. Nếu phát hiện có trộm thì nó cứ để mặc, lẳng lặng lẻn ra bờ rào, chỗ người đó vừa chui vào, nằm phục. Đợi đến khi tên trộm lôi mía ra, nó mới bắt quả tang bằng cách nhảy chồm lên, đè chặt người tên trộm, nhe hàm răng nhọn hoắt ra ý bảo phải nằm yên, nếu manh động sẽ ăn một cái tợp vào cổ và gừ lên mấy tiếng. Thế là bà Mơ lò dò đi ra, quát yêu con Tuyết rồi dẫn tên trộm vào nhà, nếu đêm thì đốt đèn lên, róc mía cho ăn, vừa ngồi nhìn vừa chép miệng thở dài. Còn con Tuyết ngồi chầu rìa cạnh bà, hết nhìn bà lại nhìn tên trộm, đôi mắt lúc mở to, lúc hấp háy, chừng như nửa hiểu, nửa không hiểu.
Cô Mơ rất đẹp. Đẹp như quả mơ đang kỳ căng hạt. Vậy mà cô chẳng chơi với ai trừ mấy đứa trẻ mà phần lớn là nạn nhân của con Tuyết ở vườn mía. Nói đúng hơn là không ai dám làm quen, làm thân với cô, phần vì cô đẹp quá, phần vì ngại cô như người xứ lạ, không bao giờ buồn, không bao giờ cáu giận với ai, gặp ai cũng cười, nụ cười khiến nhiều người, nhất là đám trai làng giật mình. Còn một lý do nữa liên quan đến bức tường được xếp bằng gạch vỡ, đó là ngày trước, hồi cô còn bé, nhà cô giàu, bị quy là địa chủ. Bởi vậy nhiều người thèm khát cô, không ai nghĩ là cái miền đất chiêm trũng, quanh năm chân người không bao giờ khô lại có thể có một người con gái như cô. Nhưng họ cũng ngại và ghen ghét. Họ muốn cô buồn vì quá khứ của mình mà cô thì lại vui. Họ muốn cô xấu xí, nhem nhuốc mà cô thì lại xinh tươi, sạch sẽ. Họ muốn cô lăng nhăng, lười biếng thì cô lại đoan trang, chăm chỉ.
Nhưng có một người yêu cô. Tuy không ai thấy cô và người ấy gặp nhau bao giờ nhưng hai người vẫn viết thư cho nhau. Và người đưa thư chính là con Tuyết. Nhà người ấy ở xa lắm, tận ngoài bờ sông, cách làng một cánh đồng. Cũng không phải nhà mà là túp lều, đủ chổ để người ấy nằm co qua đêm và cất một cái dậm, còn cái vó thì không cần cất. "Mua về thì cất, cất rách thì vất". Người ấy hay bảo thế. Mỗi khi cô Mơ gọi con Tuyết đến, cho vào miệng nó mảnh giấy đã được bọc trong miếng ni-long thì lập tức nó long nhong chạy một mạch đến túp lều ngoài bờ sông kia, nhả bức thư vào tay cho người ấy, rồi ngồi chờ người ấy có thư trả lời, lại chạy một mạch về trao tận tay cô Mơ. Cũng có hôm bị bọn trông đồng, chăn trâu quây đuổi. Nó luồn lách rồi nhảy xuống, bơi ra trốn giữa đầm. Lá thư vẫn khô nguyên trong miệng nó.
Rồi đến dạo bỗng trong nhà bà Mơ có tiếng khóc của trẻ sơ sinh. Tiếng khóc ngằn ngặt suốt đêm khiến người dững dưng đến đâu cũng sốt ruột, thương xót cho một sinh linh mới đau đớn ra đời. Nhưng cũng có người bảo: "Đáng đời! Phen này hết kiêu kỳ. Cứ gọi là cắm đầu xuống đất". Không ai trông thấy cô Mơ chửa. Hóa ra từ cái dạo được cử ra đồng trông máy bơm, cô đã lấy dây cô-roa truyền lực thắt bụng lại, dấu cái thai cho đến tận ngày sinh. Chỉ là dấu để dân làng khỏi điều ra tiếng vào chứ cô nhất quyết giữ cái thai để đẻ.
Mấy tháng sau, thằng bé thôi khóc. Mọi người lại nghe tiếng cô Mơ cười. Tiếng cười nghe dòn hơn. Tiếng cười của người được làm mẹ. Bây giờ con Tuyết còn phải kiêm thêm một việc là ngồi chồm hổm bên cạnh chiếc nôi làm bằng chiếc sảo đựng bèo, canh chừng thằng bé mỗi khi bà Mơ, cô Mơ bận.
Rồi trưa hè ấy người lớn ra đồng gặt lúa chạy mưa. Bỗng có tiếng người la thất thanh: "Cháy! Cháy!". Mọi người bỏ cả lúa, nháo nhác chạy về làng. "Cháy nhà bà Mơ". Đầu làng có người đưa hai tay lên trời la to. Bà Mơ, cô Mơ cũng chạy về. Nhưng chỉ được một đoạn, bà Mơ ngã vật xuống, miệng thều thào: "Rõ khổ thân thằng cháu tôi". Còn cô Mơ cắm cổ chạy băng băng qua những đám ruộng đã gặt xong và những đám ruộng chưa gặt, nhắm hướng đám cháy, là người về làng trước tiên. Bàn chân cô tóe máu vì gốc rạ, mảnh sành. Cô đã bảo bà Mơ không phải ra đồng, ở nhà trông cháu. Vậy mà bà gắt: để mẹ ra gặt trước, con lừa cho cháu ngủ rồi ra gánh ù về. Thằng bé ngủ đã có con Tuyết trông.
Sấp ngửa về đến đầu ngõ, cô Mơ đổ sụp xuống. Ngôi nhà có mấy gánh rạ là lợp đủ đã cháy vèo như đống rác, chỉ còn bốn bức tường xếp bằng gạch vỡ, trong ấy có thằng bé trước đây hay khóc đêm. Có một người đàn ông cắn răng đến bật máu môi, bế xốc cô Mơ đang ngất lịm, đưa cô vào trong vườn mía. Mấy người xúm lại liền tay quạt, xoa bóp cho cô. Bỗng cô chồm dậy khi nghe tiếng con Tuyết. Lần đầu tiên nó sủa. Cô nhào đến thì thấy con Tuyết đang ngồi liếm từng con kiến lửa bâu trên người, trên mặt đứa con trai của cô. Nơi bốn tao nôi có vết cắn đứt nham nhở của con Tuyết. Vậy là trong khoảnh khắc ngọn lửa không biết từ đâu bùng lên, lan đến nơi thằng bé đang ngủ, con Tuyết đã kịp cắn đứt bốn tao nôi, lôi cái sảo đựng bèo dùng làm nôi cho thằng bé ra góc vườn mía.
Mọi người chuyền tay nhau bế thằng bé, ha hả cười. Chưa bao giờ làng này cười nhiều, cười to đến thế. Thấy vậy, con Tuyết cũng ngếch mõm lên trời, sủa liên hồi.
Tây Hồ, tháng 7 năm 2011
Nguyên Đức
Đăng ngày 08/02/2013 |
Ý kiến về bài viết | ||||||||
|