Tác giả: Xuân Đức
CHƯƠNG MỘT
Biển Cửa Tùng. Một đêm tháng tư năm 1965.
Tiếng sóng đổ mỗi lúc một nặng hơn. Chị Thảo nằm nghe kỹ đến mức tưởng có thể cân đong được độ nặng từng con nước y như chia nhỏ những mớ cá lẹp, cá xanh mỗi bận thuyền vô bãi. Thoạt đầu, chị có ý đếm tiếng sóng đều đều như thể cho cơn ngủ mau đến. Nhưng cực một nỗi tiếng sóng đêm ni lại không chịu đều đều. Nó cứ hì hục như người bước hụt trong đêm tối trên đoạn đường lổn nhổn đá cuội. Nước đập vô mỏm đá nghe như vấp ngã, lại lồm cồm bò dậy rồi hấp tấp chạy. Lại vấp, lại dậy, lại lầm rầm chưởi rủa...
Con người ta cũng lạ. Cứ có chuyện bất ngờ trong đời thuộc về điều bất hạnh thì lại hay chưởi rủa. ít nhất cũng cãi vả, càm ràm. Có khi chẳng tại một nguyên nhân chi xác đáng cả. Người xứ biển thường hay cãi. Cả cuộc đời cứ cãi nhau với sóng, với bão. Mùa biển động, con thuyền bị kéo xốc lên cạn, lưới phơi thõng trước thềm nhà. Vài liếp cá khô hong trên bếp được kéo xuống chiếm vị trí độc tôn trong mâm cơm. Vợ hí hoáy rang cá trong bếp, chồng ngồi tựa lưng vô cột nhà cứ thừ người ra mà chưởi gió, chưởi mưa. NHững lúc như vậy, chỉ cần một cớ không đâu của con cái hay hàng xóm, hoặc chỉ tại vài hạt cát lẫn trong đầu của con cá khô làm két răng người nhai, cũng dễ dàng dẫn đến tiếng bấc tiềng chì của chồng vợ. Đàn ông tiếng ồm ồm, cục mịch nặng như thỏi chì gắn dưới triêng lưới. Tiếng đàn bà lại the thé sắc nhọn như vết dao khứa ngang, khứa dọc trên thân cá. Còn lũ trẻ con cứ ôm nhau mà gào, mà hét. Biển đã động thì bờ chẳng thể nào yên.
Ấy là nói chuyện vợ chồng người ta. Chứ như chị Thảo với anh Quyền, thành vợ thành chồng đã hơn tám năm mà cãi nhau mới hai lần. Lần thứ nhất là chuyện ở chung ở riêng, ở đất đỏ hay về đất cát. Quyền là con đầu ông Chẩn. Quê chính của gia đình ở bên Cát Sơn, cũng là làng biển nằm đối diện với xã Vĩnh Quang này. Nhưng ông Chẩn là người ba chốn, bốn nơi. Hồi Pháp, ông bỏ làng ra bờ bắc sông Bến Hải làm ăn. Rồi lấy vợ ở vùng đất đỏ. Dạo nớ, ông có tham gia mặt trận Liên Việt. Sinh Quyền rồi tiếp Thìn, hai năm sau lại thêm cậu con út. Cách mạng giành chính quyền chưa đầy một năm thì Tây trở lại. Ông thíat ly lên chiến khu Thủy Ba. Nhưng được ba năn thì cơn đau dạ dày xuất hiện hành hạ ông đến khô người. ậ chiến khu không chữa được, người ta đành bố trí cho ở trở lại vùng tạm chiếm. Phần thì để tránh bắt bớ, phần thì cần có nhiều vỏ hàu nung thành vôi, ăn vào để chữa dạ dày nên ông quyết định đưa vợ con trở về bên Cát Sơn. Quyền lớn lên bên biển và quen dần với nghề chài lưới. Nhưng cuộc đời cũng ý như mặt sóng, không lúc mô lặng được qúa nửa năm. Cái chết đột nguột của vợ khiến ông Chẩn gần như tuyệt giao với biển. ông đưa vợ qua sông, chôn cất trên đất đỏ rồi ở luôn lại đó, Quyền, Thìn, Lợi lại phải làm quen với ruộng, với nương.
Thảo biết Quyền nhờ những chuyến gánh cá lên chợ. Chị thường bán có cho xóm Tây Hiền của Quyền. Khi thì bán, khi thì đổi chè, đổi gạo. Đi mòn lối thành đường, tới luôn ngõ thành quen. Cứ thế mà nên tình, nên ngãi. Đến khi cưới xong mới sinh chuyện kẻ lước, người ruộngQuyền về biển thì chắc vẫn còn nhớ tay chèo, chứ như chị Thảo mà lên đồi thì biết chi cày cấy... Hơn nữa, Thảo còn có mẹ già. Thằng Sỏi lúc nớ còn bé. Đi xa ngái, sợ khi gió ngang gió trái, lấy ai đun củi gạt than cho mạ? Lần nớ Thảo chưa dám cãi mà chỉ khóc. Mà lệ đời cái đáng sợ nhất của thằng con trai là nước mắt con gái chứ đâu phải những cái "xán thúng, đụng nia, mắng chó chưởi mèo". Thế nên, rốt cuộc Quyền phải chịu theo Thảo xuống biển...
Lần ni thì cãi nhau thật sự. Thảo không chỉ có khóc mà còn ấm ức nói trả. Chừ nằm nghĩ lại, Thảo thấy hối.Chắc anh ấy tức lắm. Mà Quyền tức thật. Cái việc anh xung vô đội tiếp tế Cồn Cỏ đã nói với Thảo cách đây gần nửa tháng rồi. Thằng Mỹ sau lần ném bom vô trường cấp III Hồ Xá thì tiếp đến chuyện phong tỏa Cồn Cỏ. Hơn ai hết, người dân vùng biển Cửa Tùng, nơi gần nhất hòn Cỏ, hàng giờ đứng ngó ra khơi thấy chớp loè từng chặp ngoài nớ, ruột ai không như bào như xé. Thương anh em Cồn Cỏ là một chuyện, lại còn hết đường ra khơi vô lộng. Hơn nửa tháng ni, biển lặng mà thuyền vẫn gác mái. ức quá trời! Rứa mà Hắn cứ lấn mình từng chặp. Anh Quyền ra đi là phải. Thế mà Thảo nỡ nói anh, nỡ khóc lóc, lại còn dọa anh đưa con lên xã nhờ nuôi hộ... Chao, răng mình tệ vậy. Bạc vậy. Không, mình không bạc. Mình chỉ thương cho anh. Ra đi như vậy mươi phần chơi vơi hết tám. Nếu anh có sao, mình sẽ sống thế nào. Con Cần mới sáu tuổi biết nương tựa vô ai. ở trên xứ ruộng, người ta còn nhờ vô cây cối lưu niên, vạt rau, buồng chuối mà sống. Dân biển mà mất tay chèo thì có ngồi ôm nồi mà khóc cũng chẳng ra cái ăn. Sao anh không biết chuyện đó. Hoặc là anh có biết nhưng chẳng thèm băn khoăn. ừ, đàn ông cứ là vô tâm như gió vậy.
Con gà sau chuồng te te gáy. Chọ Thảo khẽ trở mình. Con bé Cần đã lăn ra gần mép giường, duỗi thẳng hai chân phanh vạt áo để trần cả bụng. Chị Thảo với tay kéo con vô gần. Tre vạc giường mọt, gãy răng rắc. Cái vạc đã hư gần một nửa. Ngày mai anh Quyền về, phải bắt làm lại. Lên ông nội mà xin tre, thiếu chi. Khổ, đàn ông chì mà vạc giường vợ hư cũng không thèm để ý. Đêm nằm không dám trở mạnh. Lắm khi con Cần vô ý đứng thọt cả chân xuống chỗ gãy. Những đầu vạc kẹp chặt đùi nó đau đến mức nước mắt trào ra mà không kịp khóc thành tiếng. Nừu phải người ta thì cái vạc đã được thay từ lâu rồi. Đằng ni đâu có thèm đếm xỉa đến. Mà dạo ni anh cũng ít ngủ ở nhà nữa kia. Từ hôm có hai thằng người nhái nó mò ra bờ biển Vĩnh Thái bị bắt sống tới ni, dân quân đều ngủ tập trung hết. Ăn tập trung, đi nghề tập trung, ngủ cũng vậy. Con cái tha hồ rủnhau bò lê dọc đụn cát. Thôn xóm chỉ còn có phụ nữ. Giá như mùa động biển, mưa tầm mưa tả thì còn ngồi chụm đầu bắt chấy, nói chuyện tào lao. Đằng ni tháng ba, tháng tư nắng ráo làm vậy,không lý ngồi chơi hoài. Buồn đến sịa mặt. Hợp tác hình như cũng chỉ hướng vô chuyện đánh nhau. Cái chimới cũng hấp dẫn người ta hơn. Lúc mô cũng bàn việc dân quân, phương án, hiệp đồng... Mấy o son trẻ nhào vô dân quân ráo. Chỉ còn loại con bồng cin bế là như thể không ai cần đến, không ai quan tâm. Hợp tác đã vậy, chồng con cũng rứa. Chị Thảo càng nghĩ càng ngán ngao.
Bụp... bụp... bụp...
Cái chi như tiếng súng? Chị Thảo choàng dậy. Sóng rào rào mỗi lúc một to. Bụp... bụp. Đúng rồi! Tiếng nổ ứơt sũng chìm trong tiếng sóng nghe bí bức như ai gõ vô thúng. Như vậy là súng nổ giữa biển. Súng nổ trên đất liền dù xa mấy nghe cũng khô hơn. Giờ ni chắc thuyền đã trên đường về. Gặp tàu chắc? Nhưng răng chỉ bì bụp vài ba tiếng. Đoàn thuyền đêm qua đi rất đông, phải hơn hai mươi chiếc. Dân quân, ngư dân cả ba xã Vĩng Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Thái cùng phối hiệp. Nừu gặp tàu thì dứt khoát đánh to. Chị Thảo tự lý sự với mình như vậy nhưng vẫn cảm thấy nôn nao, bồn chồn. Hình như có mấy tiếng tiếp nữa. Sóng to quá! Bất giác chị căm tiếng sóng biển quá trời. Lại cố dỏng tai, cố lọc trong cơ man âm thành cồn cào đó mà tìm lấy cái tiếng nổ không bao giờ mong mỏi kia.
Đuỳnh!... Đoàng... ục! Thôi rồi, nó đó. Lần ni không cần nghiêng tai ráng sức mới nghe được nữa. Tiếng nổ bỗng xáp vô gần bờ, chát chúa. Tay chân Thảo bỗng run lẩy bẩy. Chị thả chân xuống giường quơ quơ tìm dép. Không thấy dép. Mà cũng không cần dép. Chị láng quáng nhào ra sân. Trời ơi, tự lúc nào không biết, biển đã chói lên trong ánh đền dù vàng khè. Chừ thì chị hiểu. Cái tiếng bùm bụp lúc đầu là tiếng đèn dù. Vậy là chạm nhau thiệt rồi. To rồi, súng nổ ran biển. Thảo lật đật leo lên đụn cát. Cát lún trượt lùi chân lại. Thảo với tay níu được một ngọn dương, cứ rứa mà bò bằng cả hai gối.
Đoàng, xiu... uỳnh! Một cái chi vừa xoẹt qua đầu khiến chị Thảo nằm bẹp xuống cát. Lại tiếng nữa... tiếng nữa. Nhận ra rồi. Pháo mặt đất trong bờ đang bắn chi viện. Nghĩa là đánh nhau dữ tợn rồi. Chị cố dướn mắt ngó ra. Không thấy tàu, cũng không thấy thuyền. Chỉ có những vệ lửa đan chéo nhausát rạt mặt nước. Chết. Chết hết thôi, trời ơi! Thảo tự gào lên trong cổ họng mình. Nhưng chính chị cũng không nghe nổi tiếng gào xé đó. Súng cứ mỗi lúc nổ một căng thêm. Mấy cái đèn dù chưa tàn thì ba chiếc dù khác lại bụp bụp xòe ra. Biển sáng bợt. Sáng vậy thì có chạy cũng không tài nào thoát được. Chết thiệt rồi, cám cảnh chưa!
ở dưới bãi, người ta í ới gọi nhau. Thảo đình nhào ra thì có ai đó giật giật sau ống quần. Quay lại, trời, con ơi! Nó ra từ lúc nào, mắt cứ thơ lơ tháo láo. Thảo bế thốc con Cần lên. Nặng quá lại phải thả xuống. Rồi chị níu chặt lấy tay con kéo. Hai mạ con chân không dép, bóng xiêu vẹo chạy như bơi ra mép nước. ở đó người ta đã đầy bãi. Thảo không kịp nhận ra ai, không kịp chào hỏi ai. Cũng không ai chào chị. Họ gạo nhau nháo nhác mà không cần tiếng trả lời. Ngoài kia súng nổi mỗi lúc một dày. Chen giữa những tràng liên thanh có cả những tiếng nổ rất to. Không biết pháo địch hay B.40 của dân quân? Hình như đã có đám cháy. Lửa hừng từng cụm. Người trong bờ cãi nhau. Trẻ con và thanh niên thì nói tàu địch cháy. Chúng nó reo tướng lên. Các ông già lại quát át đi. ý chừng lo cho thuyền bị nạn. Mà thoát răng nổi. Thuyền mình bé quá, úng ống lại chẳng được bao nhiêu. Mỗi chiếc chí có một trung liên, một B.40 với vài khẩu súng trường hoặc A.K. Tàu thằng Mỹ thì khỏi nói. Nhưng dù sao thì cũng khó bắt nạt được nhau. Tiếng nổ của hai bên đều căng và rát. Đã đến nước này thì có lẽ cả hai cùng tan.
Pháo đất liền bắn ra thưa dần rồi dừng hẳn. Ai đó nói như quát:
- Răng không bắn nữa? Bỏ chết con người ta à?
Hình như có tiếng xã đội trưởng Cảm giải thích lầu bầu:
- Thuyền mình, tàu hắn cài lồng mốt nhau rồi. Trên bờ không dám bắn vì sợ trúng thuyền.
Người dồn ra bãi mỗi lúc một đông. Có lẽ cả Vĩnh Quang không còn ai ở trong nhà nữa. Mà chẳng riêng chi Vĩnh Quang. Hàng vạn dân vùng biển đã thức dậy. Người Tùng Luật chạy lần theo đường đất đỏ, qua nhà thờ Di Loan, chừ cũng đã tới Vịnh. Ngoài kia Vĩnh Mốc, Vĩnh Thái chắc cũng ra bãi hết rồi. Gan ruột nào mà ngồi im trong nhà được nữa. Người dân xứ biển đã quen nhiều lắm rồi với những tai họa bất ngờ trong mùa động biển. Có khi thuyền chỉ cách bờ vài cây số, đứng trong bãi ngó ra đã nhận được dáng từng người thân, đã có thể thấy từng cái vẫy tay kêu cứu. Rứa mà thuyền vẫn không vô nỗi bờ. Những lúc nớ cả làng, cả xóm, trẻ con, bà già cũng đều đổ ra bến. Tiếng hét, tiếng khóc não nuột chạy dọc mép nước. Rứa rồi khăn tang trắng xóm, trắng làng. Cơn gió trái thường mang bao nỗi mất mát, tang thương tấp vô đời người ta như thể sóng bạc đầu tấp vỏ hàu, vỏ hến lên cạn. Nhưng những nỗi đau nớ cũng tan nhanh để thuyền lại ra khơi. Bởi không lý cứ ôm nỗi đau mà chết đói. Nỗi đau chỉ đọng lại lâu nhất ở khóe mắt những người phụ nữ. Họ ngồi lắc chiếc nôi tre ru giấc ngủ cho những đứa trẻ mồ côi và hát: " Gió đông ngang cho chàng xa thiếp, gió đông nồm hòa hiệp duyên ta..." Nỗi đau nhiều đời ứ lại, khô đanh như tinh muối. Không một gia đình nào ở xứ biển mà không có cái vị mặt chát ấy thấm qua cuộc đời...
Nhưng đêm ni thì khác. Đêm ni không giống bất cứ một lần động biển nào. Tai họa đến không bất ngờ như một cơn gió trái, mà người ta đã đoán nó, lần theo nó hồi hộp đến nín thở. Rồi nữa, người ta không phó mặc cho số phận. Người trong cuộc thì đang chống trả quyết liệt. Người ngồi trên bờ thời hy vọng. Hy vọng cứ lần theo từng loại tiếng súng, đoán coi súng nó hay mình. Hy vọng chụm lại ở mỗi quầng sáng, cố nhận coi tàu nó cháy hay thuyền ta? Cho đến khi tiếng súng thưa dần, thưa dần rồi chỉ còn vài tiếng nổ rời rạc, người ta lại nghĩ thế nào cũng có người thoát nên chúng nó mới bắn đuổi theo...
Chừ thì tiếng súng im bặt. Đèn dù tắt. Những váng đỏ xa xôi kia cũng tắt nốt. Hy vọng cũng đã lặn vô trong khoảng đêm mông lung đến rợn người của biển. Cả khối người trên bờ, sau mấy phút thì thầm bỗng cùng im bặt. Chao ôi, biển im, bờ im. Chỉ có gió vẫn ngơ ngác lùa vô những chái nhà bỏ trống. Chưa một ai về nhà vì còn hy vọng. Hy vọng ở cái chi thì không nói được. Nhưng vì tai họa ni nó mới quá. Lần đầu tiên thuyền nan đánh tàu chiến. Lần đầu trực tiếp bắn nhau giữa biển. Rồi sẽ ra răng? Ai còn. Ai mất? Chết hết thì vô lý. Sống thời nghe còn vô lý hơn. Rứa mà ai cũng hy vọng. Tai họa mới lại thường khủng khiếp hơn những tai hoạ đã quen nhưng cũng hay phân tán bởi những sự thắc mắc, lý giải, cãi cọ nhau. Cho nên sau một hồi im lặng, đám người trên bãi đã bắt đầu cãi nhau:
- Tao bảo nhất định có thuyền thoát.
- Cứt!
- Biển rộng, thuyền nhỏ, làm chi mà không thoất được vài chiếc...
- Trời ơi là trời, răng không có ai bơi vô hè?
- Liệu có lọt ai không mà bơi?
- Nói dại. Thuyền có bị bắn thì cũng phải còn vài mảnh ván chớ. Cần một mảnh ván là sống rồi.
- Nghe nói thằng Mỹ có lưới sắt. Trước khi nổ súng nó đã chăng lưới sắt rồi.
- Ngu vậy. Lưới sắt thì cuốn mần răng? Chở răng?
- Có mày ngu. Tàu nó to như sân bóng chứ có phải bằng cái xuồng câu cá nhà mày đâu.
- Ai nỏ biết, nói với mi như nói với đầu gối!
Chính lúc đó, ở giữa khối người bỗng bật lên một tiếng khóc đầu tiên. Tiếng khóc của chị Thảo. Rồi như một bờ đê bị lỗ rò, cả một dãy dài ấm ức, thút thít.
*
Xã đội trưởng Cảm cố lấy hết sức để giọng nói của mình dõng dạc, cứng rắn hơn. Nhưng tiếng anh vốn đã lầu bầu trong cặp má méo lệch nay lại càng thêm nghẹn ngào:
- Tui xin kính mời... những thân nhân của các liệt sĩ... đứng lên hàng trước... mời gia đình bác Huy... gia đình anh Sẫm... gia đình đồng chí Lục... gia đình anh Quyền? Hả? Gia đình anh Quyền không có ai à? Chị Thảo đâu?...
Không có tiếng trả lời. Xã đội trưởng ghé sát tai Bí thư đảng ủy nói một câu chi đó rồi ngẩng lên nói xuống khối người ở dưới:
- Đồng chí liên lạc đi mời chị Thảo, mau lên. Chừ thì... kính thưa đồng chí chính trị viên khu đội, kínhthưa đảng ủy, ủy ban ba xã Vĩnh Giang, Vĩnh Quang, Vĩnh Thái... Kính thưa các thân nhân, gia đình của các liệt sĩ đã hy sinh vì Cồn Cỏ, vì Vĩnh Linh, vì Tổ quốc... Thưa bà con và các đồng chí... Tui xin mời đồng chí bí thư đảng ủy lên đọc điếu văn...
Những mái đầu cúi gằm xuống, rung rung. Khối người cố đứng thật im nhưng ngực họ vẫn dội lên từng tiếng nấc nghẹn đắng. Hương khói từ trên bàn thờ bay tràn xuống trùm lên khối người. Hương từ các ngõ nhà làn ra. Cả vùng biển Cửa Tùng trong bùi ngùi xót thương. Chính trị viên khu đội Trần Chính thụt lùi lại một bước và hơi quay người đi. Anh nghe trọn vẹn bài đuếu văn của bí thư đảng ủy. Anh cũng nghe rõ lời đề nghị phát biểu của xã đội trưởng. Nhưng Trần Chính vẫn đứng im, mặt hơi quay nghiêng, mắt đỏ nọc. Có cai chi vừa trào lên cổ. Rứa là từ nay, những người vợ kia, những cháu nhỏ đó vĩnh viễn không gặp chồng, gặp cha nữa. Nói chi với họ lúc ni? An ủi ư? Vô ích. Phân tích lý tưởng cái sống cái chết ư? Nói hoài rồi. Nói suốt mười năm ni từ khi sông Bến Hải trở thành giới tuyến. Rứa mà mất đến vẫn bất ngờ như một trận vỡ đê. Vỡ đê một lần thì sẽ qua được ít nhất một mùa lũ. Rồi có cả một năm lấy sức, đắp điếm phòng ngừa để chống mùa lũ sau. Còn chừ thì Cồn Cỏ vẫn thiếu nước uống, không rau ăn. Tàu Mỹ cứ nghêng ngang ngoài đó. Từ sau vụ ném bom Hồ Xá đến ni, có hơn mười bốn lần đánh phá khác nữa. Nghĩa là, chiến tranh bắt đầu rồi. Tang này chưa chịu xong sẽ dồn thêm tang khác. Ngày mai, ngày kia, biết đâu trong số ngồi đây chẳng có những người ngã xuống. Những lễ truy điệu như ri còn phải tổ chức bao nhiêu lần nữa? ừ? Thôi thì đau, đau đi cho thấu cùng gan ruột. Đến chỗ nào không đau được nữa thì ắt quẫy dậy. Đằng nào cũng chẳng tránh né được nỗi đau. Đất giới tuyến như cái bản lề, chẵn mười năm kẹt chặt. Cuộc chiến ngày càng lan rộng, càng quyết liệt thì nỗi đau ở đây càng siết đến tận kẽ tóc, chân lông.
Trần Chính đột ngột quay lại hỏi chồm về phía dưới:
- Răng không ai khóc cả hè? Hay là ngại bọn tôi. Khóc được thì khóc đi, không ai cấm. Rồi sẽ đến lúc chẳng còn nước mắt mà khóc đâu. Nói thiệt chứ không phải dọa. Khóc nhưng đừng có nhụt. Nhụt thì nhục. Có ai nhụt không? Năm năm nữa có nhụt không? Mười năm nữa thì răng?
Khối người trước mặt vẫn nín thinh. Trần Chính khẽ đưa mắt qua những người ngồi bên cạnh. Bí thư đảng ủy kiêm chính trị viên xã đội vẫn cúi đầu xuống trang vở như cách đang xem cái gì trong đó. Nhưng trang giấy có gì ngoài mấy con số chơi vơi: " 60 người... 8 đội... khoảng 20 đã xác định hy sinh... còn nữa?" Còn xã đội trưởng Cảm vẫn nói lầu bầu một mình cái câu mà từ tối qua tới chừ anh đã nói không biết mấy lần.
- Chẳng có ai nhụt cả. Nhưng bí. Không lý cứ giơ lưng cho nó đấm hoài à? Phải làm răng khác đi chứ?
Bỗng có một người ngồi hàng đầu đứng bật dậy. Giọng khàn đặc:
- Tui xin có ý kiến.
Trần Chính quay lại nhìn. Một khuôn mặt sạm đen, quai hàm bạnh to ra, tóc xoắn tít cháy vàng.
- Tui là đội trưởng. Nói trắng ra, đội tui không ai nhụt. Chừ nói đi Cồn Cỏ nữa, đi luôn. Hay nói chuyện đi nghề thì nhất định phải đi. Không đi thì chết đói. Mà đi được. Vì răng? Biển là của mình, luồng lạch trong tay mình. Thằng Mỹ tuy có tàu đàn, tàu lũ nhưng làm răng mà đan kín như lưới giữa biển được. Nó bao vây à? Nói xin lỗi các đồng chí chứ có vây cái thằng cha nó chớ!
Anh dừng lại như để lấy hơi, đoạn đưa tay lên mũi xì mạnh một cái rồi lại tiếp:
- Tê nhưng, tui thấy nhục là nhục cái khác. Tại răng đất mình, biển mình mà hắn lại nghênh ngang mà ta lại lén lút? Tại răng không thành lập mấy đơn vị mà đánh cho chết mạ hắn đi, chứ? Không phải tui nói tào lao đâu. Thí dụ, chuyện đi Cồn Cỏ, đừng có huy động theo kiểu ni. Phải có đơn vị chuyên trách, nghiên cứu quy luật của hắn mà nện...
Một chị phụ nữ ngồi cạnh, đầu quấn khăn tang, tóc xòa ra kín mặt, ngẩng lên nhìn anh đội trưởng, răng nghiến lại như nhai từng tiếng:
- Có phải co mấy cái tàu ngoài biển đâu. Có diệt được hết bọn bên tuyến không? Có đánh nổi vô trong Cửa Việt không? Đó, hôm qua đài hắn ở bên tê sông lại hô hào bắc tiến, anh có nghe không?
Anh đội trưởng vung tay nện xuống khoảng không trước mặt, gầm lên:
- Bắc tiến cái tổ mạ hắn. Hắn muốn Bắc tiến hí? Thì mình Nam tiến cho hắn coi. Nam tiến! Tràn qua sông đánh bỏ mạ nó đi!
Nhiều cái đầu cùng ngẩng dậy. Ai đó nói với từ phía sau lên:
- Rứa hoá ra hai bên tuyên chiến nhau à? Mình cũng vi phạm khu phi quân sự à?
Anh đội trưởng quay phắt lại nhưng không nhận ra ai vừa nói. Anh dạng cả hai chân ra như diễn thuyết:
- Phi, phi cái cục cứt. Đừng có nói đến cái "phi quân sự" lúc ni nữa. i vi phạm trước? Ai tuyên chiến trước? Tàu Mỹ nó đứng đó là trong hay ngoài phi quân sự? Bom nó ném ra đây là vi phạm hay tôn trọng? Không lý mình cứ ngồi đây giơ lưng cho nó nện à! Tui nói thiệt, chứ chỉ cần có lệnh thôi là dân quân bầy tui cũng đủ san luôn cái cảng Cửa Việt.
Có lẽ còn nhiều người muốn phát biểu nữa. Khối người cựa quậy. Nhưng rồi không ai nói thêm câu nào. Nỗi đau vừa rồi chưa thể tan trong từng cõi lòng. Trần Chính hiểu rõ điều đó. Anh nhìn khắp lượt đám đông, giọng nói đã bình tĩnh hơn:
- Bà con! Đồng chí đội trưởng vừa rồi nói có lý. Ta không thể nhụt chí và cũng không dại ngồi chờ nó nện vô lưng. Mười năm qua, cả nước dồn đắp cho mình, không lẽ chừ mình phụ. Bà con thử nghĩ coi, vì răng cả nước lại dồn đắp cho mình? Có phải vì thương hại mình không? Không phải. Mà chính là Vĩnh Linh ta sống còn vì cả nước. Chúng ta không thể để cho thằng Mỹ, thằng Ngụy đặt chân lên mảnh đất đầu cầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa một giây một phút nào hết. Muốn vậy, phải đánh. Đánh trên đất mình và ngay trong ruột chúng. Nừu mai mốt có lệnh điều con em mình đi, có ai chần chừ không?
Cả khối người xầm xì, rồi ngẩng hết dậy. Nỗi đau đớn như lặn sâu vào trong. Các gương mặt cháy nắng, căng ra chờ đón một điều hệ trọng mới. Nhưng điều đó, Trần Chính chưa thể nói ngay chỗ này được. Anh hạ giọng xuống:
- Bà con ạ! Đã đến nước này thì con em chúng ta phải ra đi! Ra đi là vì nghĩa với cả nước, mà trước hết là vì chính sinh mệnh của mảnh đất chúng ta. Đảng ủy khu vực và Ban chỉ huy khu đội rất tin ở các đồng chí và bà con. Chừ thì giải tán. Chúng ta cố thu xếp, ổn định tình hình. Rồi lại phải tiếp tục vượt biển nữa. Có ai thắc mắc chi không? Không hả? Thôi, nghỉ vậy.
Trần Chính gấp cuốn sổ bỏ vội vô xắc cốt rồi bước ra ngoài. Xã đội trưởng Cảm lật đật chạy theo anh. Đến gần chiếc xe đậu ở mép đường cái cả hai cùng ngoái lại. Khối người vẫn ngồi im như khối đá ở mũi Si lầm lì chồm ra biển. Không nghe tiếng khóc. Tất cả ngồi như mặc niệm, suy tưởng hay một sự cấu kết không thể rời của con người sau trận phong ba.
Trần Chính định quay trở lại nói thêm mấy câu. Nhưng rồi không hiểu răng anh nhảy đại lên xe, đóng sầm cửa. Không kịp chào xã đội trưởng, Trần Chính quay qua người lái xe nói gọn lỏn:
- Đi!
Tiếng máy nổ gắt gỏng. Xe chồm lên mấy ụ đất đỏ lao sầm vô luỹ ttre đầu thôn.
*
Riêng Thảo không dự lễ truy điệu. Từ đêm qua đến chừ chị không bước ra khỏi nhà. Không muốn gặp ai. Chị ghì chặt con vô lòng như sợ mất đi sự an ủi cuối cùng đó. Nước mắt cứ giàn dụa, tràn trề ướt cả tóc con. Cần cũng khóc. Nó khóc vì thương mạ. Còn việc bố mất, nó không răng hiểu nổi. Mất nghĩa là răng? Mà tại răng lại mất? Với nó chưa hề có một ý niệm rõ ràng về sự tang tóc, cô đơn, chết chóc. Nó càng ngơ ngác thì Thảo càng thắt ruột, thắt lòng. Con ơi! Từ ni làm chi có bố nữa! Chẳng ai đánh mắng con, dạy bảo con. Chẳng ai sửa vạc giường cho con không tụt chân. Con mồ côi, cái lưới, cái phao, cái chèo cũng mồ côi. Con không biết điều đó. Tại răng con không biết hả con? Tại răng con không đau như mạ?...
Đúng là Cần chưa biết những điều sâu xa đó. Nhưng rõ ràng là nó thấy có chuyện chi ghê gớm đã xảy ra. Vì vậy mà suốt đêm qua, hôm nay Cần không dám hé răng nói câunào. Mạ bảo làm chi, nó làm liền không kịp hỏi lại. Mạ đi đâu là nó bám theo không rời một bước. Cho nên chừ thấy mạ đi ra bãi, nó lẽo đẽo theo liền.
Hai mạ con Thảo đi vật vờ theo mép nước. Chiều xuống nhanh. Biển tím bầm.Cần có cảm giác biển hôm nay xác xơ hơn mọi bận vì sóng cứ thỉnh thoảng lại tung lên bãi những mảnh ván to tày liếp cửa. Thỉnh thoảng vài chiếc phao bơi, vài cái mũ rách cũng giập giời dạt vô. Giá là một bữa khác thì Cần đã lao ra, mặc kệ nước mặn bắn ướt đầm quần áo, nó phải lôi bằng được những ống lồ ô dập dình kia. Nhưng hôm ni nó không dám. Mạ vẫn lầm lì đi hoài. Thỉnh thoảng mạ lại cúinhặt một chiếc mũ hay một ống phao, lật nghiêng, lật ngửa coi. Rồi mạ lại thở dài, buông tay thả những vật nớ xuống cát. Mạ làm chi vậy. Cần cố nghĩ nhưng không tài nào hiểu được. Rõ ràng chưa lúc nào Cần thấy mạ lạ lùng đến vậy. Mọi hôm Cần thích ra bãi nghịch nước bao nhiêu, hôm nay nó lại chán bấy nhiêu. Cần thấy sốt ruột mướn gọi mạ quay về. Nhưng sợ, Cần đành cúi đầu bước theo lặng lẽ.
Bỗng có tiếng gọi thì thào đằng sau:
- Chị Thảo!
Cần quay vụt lại rồi reo lên:
- Ơ, chú Lợi! Mạ ơi, chú Lợi.
Lợi bước vội đến xoa tay lên đầu Cần rồi chạy lại đứng sát chị Thảo:
- Răng chị lại ra đây! Về thôi, lạnh rồi chị nờ...
- Chú ơi!... - Chị Thảo chỉ nói được có vậy rồi như đám mây tích nước, gặp dịp xối òa ra những tiếng khóc nghẹn ngào. Hai tay Thảo níu lấy một bên vai Lợi, đầu gục xuống rung lên từng chặp. Cần hết nhìn mạ lại nhìn chú. Mắt chú cũng đỏ hoe. Rồi chú cũng sụt sịt. Cần bỗng thấy tràn ngập lên đầu một làn hơi nóng hập. Sống mũi nó cay đến nhức nhối. Một tiếng nấc vọt lên, miệng nó méo xệch lại, mếu máo:
- Mạ!... Mạ ơi!...
CHƯƠNG HAI
Từ hôm Quyền mất, ông Chẩn gần như trở thành câm lặng. Căn nhà ông ở xa xóm vốn đã rất tĩnh mịch nay càng đắm chìm trong âm u, hoang lạnh. Ông không khóc, cũng không kể lể, giãi bày. Hơn mười lăm năm qua kể từ ngày vợ mất, ông chưa rơi thêm một lần nước mắt nào. Cái bát hương bỏ lạnh lâu ngày, nay lại được cắm lên một nén hương trơ trọi, lẻ loi. Và ông cũng lặng lẽ ngồi một mình trên chiếc chõng con, lầm lì, đơn độc. Lợi phải chạy xuống xóm Cửa thăm chị Thảo, rồi phải chạy vội lên với ông... Cứ thế, anh như sợi dây níu giằng hai tâm hồn đang bồng bềnh, chao đảo. Rồi anh nghĩ, nếu hai đầu dây này chập lại một thì đỡ đi được một mối lo...
Bà con láng giềng gần xa đến thăm ông Chẩn đều khuyên chung một câu: "Thôi thì còn dâu, còn con, ở với ai cũng được. Đừng ở đơn chiếc vậy, coi tội lắm..." Vợ chồng Thìn khuyên bố ở với mình. Thời ni, ở với con gái cũng khác chi con trai. Đâu cũng làm hợp tác, đâu cũng máu mủ ruột rà. Còn ý Lợi thì muốn bố ở với chị Thảo. Bố đỡ sầu mà chị cũng nương nhờ thêm. Nhưng ông Chẩn gần như không nghe thấy những lời bàn đó. Ông vẫn ngồi im trên chõng bên cạnh một nén hương khói cuộn xoắn như những câu hỏi. Lợi không thể đoán nổi ý định bố thế nào. nh chạy về xóm Cửa gọi chị Thảo lên.
Thảo dắt con Cần lên hai ngày cốt để căn nhà xa xóm của ông ấm lên đôi chút. Ai ngờ cứ cái sụt sùi mếu máo của Thảo lại làm cho lòng ông tan nát thêm. Rồi rốt cuộc chính ông lại phải an ủi, khuyên giải con dâu:
- Thôi, ăn đi một bát cơm, con. Xới cho cháu nó ăn cho no. Khóc lóc chỉ thêm ốm người, chẳng ích lợi chi cả.
Thảo đưa bát cơm lên miệng nhưng nước mắt cứ dào ra không răng nuốt nổi. Ông Chẩn quay mặt đi, cố nén tiếng thở dài. Rồi ông nói to lên y như người vô tâm:
- Cha, cái thằng Lợi đi đâu suốt ngày ni hè?
Có lẽ đó là câu nói đầu tiên của ông sau mấy ngày câm lặng. Ông đứng dậy vờ đi ra sân gọi Lợi. Thực ra ông không dám ngồi bên mâm cơm nhìn dâu, nhìn cháu. Chính vì muốn làm chỗ nương tựa cho tâm hồn yếu đối hơn nên ông bỗng thấy mình cứng rắn hơn. Rồi nhờ cái cứng rắn của ông mà Thảo cũng dịu dần cơn đau đớn. Trưa nay chị đã ăn được hai bát cơm. Chị cầm chổi quét từ nhà bếp lên nhà trên. Lại quét từ hiên ra ngõ. Rồi chị mang quần áo của ông ra giếng giặt. Giặt xong chị lại gánh thêm đôi nước về đổ vô chum. Xong mọi việc, chị lấy nón cầm tay, gọi con Cần đến, bảo:
- Thôi, con chào ông mà về.
- Răng, con về chừ à?
Thảo tần ngần:
- Dạ... con phải xuống nhà. Đi hai hôm ni, gà lợn e phá chuồng rồi.
Cũng không thể ép nó được. Nó còn có nhà cửa của nó. Ông Chẩn nghĩ vậy rồi gật đầu. Thảo dắt con lúi húi đi ra ngõ. Ông Chẩn ngồi trên chõng nhìn theo cho tới khi nón trắng của con dâu khuất hẳn đằng sau khóm tre ngà, ông bỗng thấy mình bơ vơ, chống chếnh. ế, dù nó có yếu mềm mấy nữa thì cũng chỉ một vài năm. Nó còn trẻ không lý cứ ở vậy thờ chồng. Hóa ra, ông mới là người mất nhiều hơn cả. Mất con thời hết dâu, cũng xa luôn cháu nội. Chao ôi, dù răng nó cũng còn được cuộc đời bồi đắp. Còn ông vẫn mãi mãi là bên lở của một khúc sông...
Trăng lên vội vàng như sợ màn đêm ập xuống trước. Ông Chẩn quên mất mình chưa ăn cơm tối. Ông bê chiếc chõng ra đặt giữa sân. Thằng Lợi vẫn chưa về. Tội nghiệp, từ khi thằng Quyền mất, nó gầy rạc đi. Không biết kỳ thi tới có ảnh hưởng chi không. Cũng may mà nó học giỏi cho nên từ mấy năm nay việc thi cử của nó không làm ông lo lắng.. Thôi thì cố nén khổ mà chăm chút cho thằng con út này. Nó là nguồn hy vọng lớn nhất của ông. Nhớ cái dạo Lợi được đi thi giỏi văn toàn miền Bắc, ông đã lụi cụi xay lúa, sàng gạo gánh ra tận ngoài Hồ Xá cho con ở trọ học thêm. Đến khi Lợi đoạt giải nhì, ông mừng chảy nước mắt. Đêm nớ, trăng cũng sáng như ri, ông thịt gà, rót rượu ép Lợi phải uống một tý. Rồi ông nằm ngữa ra chõng, vuốt chòm râu trắng ngần trong ánh trăng mà ngâm khúc " Lưu Bình - Dương Lễ". ừ, đời ông cũng có lúc sướng vậy đó. Nhớ đến đây ông Chẩn bỗng thở dài. May mà còn có thằng Lợi. Ví thử xa nó ông còn biết sống ra răng?
Bất ngờ mấy cái đèn dù bên tuyến bắn vọt lên. Ông Chẩn ngồi dựng dậy. Lại có ai vượt tuyến chăng? Một loạt súng máy rộ lên từ phía đó nghe vộ vã, hoảng loạn. Nó bắn người bên nớ hay bắn qua bên mình? Dạo ni nó hay bắn bậy lắm. Tuần trước trên Vĩnh Sơn có hai chị em đã bị chết oan lúc đang nhổ mạ. Chao, nó cứ ở đó, mình cứ ở đây, hôm ni người này chết, mai người khác lại hy sinh, sống hoài ri răng nổi, hè!
Lợi từ ngoài ngõ chạy ào vô gọi hấp tấp:
- Bố ơi! Bố...
Ông Chẩn lật đật đứng lên vội hỏi:
- Chuyện chi rứa mi?
Lợi thở hổn hển kéo tay ông trở lại giường. Giọng anh đứt quãng:
- Con nghe nói... số đi Cồn Cỏ... không phải chết hết đâu.
Ông Chẩn chồm lên:
- Nói chi lạ rứa?
- Thiệt mà. Nghe nói... có số bị bắt.
- Ai bắt?
- Thằng Mỹ, thằng ngụy chứ ai? Không biết anh Quyền ra răng?
Ông Chẩn như sững ra, chân tay cứng lại. Không lý thằng Quyền còn sống ư? Trời ơi, nó mà sông thì khác chi chính ông chết đi rồi sống lại. Nhưng mà khoan đã. Nó sống có nghĩa là bị bắt, bị đọa đày. Cực quá đi thôi. Con ông bị giam trong nớ, giới tuyến cứ phân đôi... Biết khi nào mới thoát. Nó hy sinh là một chuyện đã đành. Ông đã đau đến tận cùng gan ruột, gần như không còn chỗ để đau. Còn chừ nếu nó mà sống, bị tù đày thì cái đau sẽ triu trĩu bên lòng ông biết khi nào cởi được. Cái chi hơn? Ông quay vội sang Lợi:
- Mi nghe ai nói?
- Bạn con. Cha nó là trợ lý tác chiến trên khu đội.
- Nhưng có rõ ai bị bắt không?
- Dạ không. Chỉ biết là có một số. Đài nó nói vậy mà...
Ông Chẩn nồi thụp xuống giường. Nhưng vậy thì đã chắc chi mà mừng. Khéo không lại mắc mưu cái chùm loa chó đẻ bên tê sông. Rồi ra không đúng như vậy, con ông sẽ phải chết thêm lần nữa.
Lợi bước vô trong nhà. Anh đứng im hồi lâu giữa căn nhà trống trải lờ mờ ánh trăng. Còn một chuyện nữa, chuyện ni quan trọng hơn. Lợi ngần ngừ mãi mà vẫn chưa dám nói. Lợi đã xin được đi khám nghĩa vụ đợt này. Từ hôm anh Quyền hy sinh tới nay, Lợi không còn thiết tha chi với trang giấy trắng học trò nữa. Những phương trình, nghiệm số, công thức... bỗng nhạt nhẽo và vô duyên đến mức đáng ghét. Bài tập làm văn tuần vừa rồi Lợi bị điểm 41 . Đây là con "bốn" duy nhất về văn trong suốt những năm học cấp III. Với một học sinh khác thì điểm 4 đã là mừng lắm. Nhưng Lợi thì khác. Không phải vì sợ thầy hay vì xấu hổ. Anh uất ức cho chính mình không làm được cái chi hơn những dòng văn uốn éo kia. Chừ thì anh đã xác định dứt khoát. Đi thôi. ý muốn đến bất ngờ nhưng vô cùng mãnh liệt. Đi, đi! Đi thiệt xa, sông núi trập trùng, đô thành xa lạ... Nhưng còn bố? Một mũi kim đâm nhói vô lòng. Ra đi lúc ni có đang tâm không? Giá mà có chị Thảo lên ở. ừ, chị Thảo? Lợi quay vội ra sân:
- Chị Thảo về rồi hả bố?
- ừ!... - Ông Chẩn trả lời hờ hững
- Rứa - Lợi hơi tần ngần - Chị ấy có nói chi với bố không?
- Nói chi?
- Dạ... hôm trước ý chị... cũng ưng lên ở với bố.
- Hừ...
Lợi thấy cần phải nói gấp hơn, anh bước ra gần bố, ngồi xuống chõng:
- Bố tính coi, nếu không ưng ở với chị Thìn thì nên về ở với chị Thảo.
- Nhưng tại răng cứ phải ở với con Thìn, con Thảo? Tao ở ri không được à?
- Nhưng mà... - Lợi hạ giọng xuống - Rồi đây con có phải đi đâu xa, bố ở một mình hoài, răng được.
Ông Chẩn quay người lại:
- Đi xa?
Lợi toan nói nhưng vội kìm lại được. Đôi mày bạc trắng của bố đang rướn lên ngó chằm chằm vô anh. Lợi nói tránh đi:
- Dạ, năm ni con tốt nghiệp lớp mười rồi, không đi học cũng đi nghề. Đằng nào cũng xa...
Ông Chẩn ngồi thẳng dậy. Chiếc quạt mo quơ quơ ra sau vai. Ông nói chậm rãi:
- Mi đi cứ đi. Miễn là thành nghề thành nghiệp. Tao ở ri quen rồi. Con Thảo rồi nó còn phải lo cho đường đời của nó. Như ngày xưa, phong kiến mới phải tam tòng, tứ đức. Chừ làm vậy người ta nói cho.
- Nhưng mà... đã chắc chi anh Quyền...
Ông Chẩn ngắt lời con:
- Thôi đừng nói chuyện đó. Nói ra khác thể mình ép nó chờ. Cho dù thằng Quyền có bị bắt thì biết đến khi nào mới thoát. Năm năm, rồi mười năm... chờ hoài vậy sao?
- Nhưng nhất định cũng phải giải phóng Miền Nam chứ.
- ừ thì giải phóng. Nhưng rồi tới lúc đó mà lại không phải thằng Quyền bị bắt thì răng?
Lợi nín lặng. Những điều xa xôi đó Lợi chưa thể nghĩ tới được. Anh biết bố mình lâu nay chỉ biết chịu đựng chứ không bao giờ bắt kẻ khác chịu thay cho mình. Nhưng liệu bố có chịu nỗi nấc thang cuối cùng này, bằng lòng cho anh đi bộ đội không?
Ông Chẩn như sực nhớ ra, quay lại hỏi:
- Mi ăn cơm đâu chưa?
- Dạ... chưa! (Thực ra Lợi đã ăn bánh sắn nhà thằng bạn, nhưng anh biết rõ bố chờ lâu nên không dám nói)
Cây đèn dầu được thắp lên, anh sáng vàng đục hắt tràn lên chiếc mâm gỗ. Bữa cơm của bố con ông Chẩn quá giản đơn. Cá khô rang giòn trộn nước mắm, mấy quả ớt tươi bỏ nổi lềnh bềnh trong bát canh dứa đầu mùa nấu với mắm ruốc. Lợi bỗng thấy bần thần. Mâm cơm côi cút quá. Hai chiếc bát, hai đôi đũa, một ngọn đèn dầu. Rồi mai mốt anh đi, bát chỉ còn một chiếc. Mâm nhỏ lại lệch một bên? Bố có chịu nổi không?
*
**
Dù răng thì Lợi cũng không thể quay ngược nỗi khát khao đang bùng cháy dữ dội trong lòng. Sáng nay, trước lúc quyết định đi khám sức khỏe, anh đã mấy lần định nói toạc ra với bố. Nhưng rồi vẫn không nói được. Thôi thì cứ đi khám đã. Nừu trúng tuyển thì coi như sự đã rồi, nói chắc dễ hơn.
Chừ thì dứt khoát trúng rồi. Lợi thầm đoán vậy khi liếc qua cuốn sổ tổng kết ở phòng khám cuối cùng, thấy năm khoản đề A, còn nữa là những chữ viết tắt, nhưng coi thái độ gật gù của các thầy thuốc là biết chắc trúng. Rứa là xong! Lợi như muốn reo lên và chạy lao ra ngoài. Không sướng răng được. So với hồi thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc thì lần ni rạo rực hơn nhiều. Thi được chẳng qua có chút phần thưởng ôm lễ mễ ở tay, lại có chút vinh dự với mọi người ở xung quanh, thế thôi. Đằng này, tuyển được là đi. Đi hoài, đi miết. Lợi chạy vụt ra đường. Nhưng rồi anh sững lại. Rứa là trúng thiệt, đi thiệt rồi. Chừ có muốn tháo lui cũng không được nữa. Bố sẽ sống ra răng đây?
Lợi bần thần bước từng bước chậm rồi dừng lại khá lâu tựa lưng vô gốc mít bên đường. Có trái mít đầu mùa nào đó chín nục trên cây nên hương tràn xuống đường ngọt mọng. Lợi chợt nhớ tới vườn mít nhà mình. Mấy hôm ni quên không ra coi, chắc có nhiều trái chín. Một cảm giác bùi ngùi từ đâu đó trộn trong hương mít chín tràn đến lòng anh. Mai mốt đi xa, cái làm cho anh nhớ nhất có lẽ là bóng người cha lầm lũi thấp thoáng trong vườn và cái hương mật của những mùa mít chín này. Bỗng nhiên Lợi thấy mình lớn hẳn lên. ít ra cũng đã có một cái gì riêng để nhớ. ừ , không lớn răng lại được đi bộ đội. Anh khẽ mỉm cười rồi bước nhanh hơn ra hướng bến đò.
Một đoàn học sinh cấp II đi học về cùng chiều. Chúng đi thành từng tốp năm ba đứa cười nói ríu rít. Hôm ni Lợi đã nhìn bọn nó bằng con mắt "người lớn". ừ , chúng mày còn thơ dại lắm, ráng mà học. Bọn anh còn phải đi đánh giặc. Bao giờ chúng mày lớn lên thì cũng sẽ được đi như anh. Mà muốn làm người lớn khó lắm chứ. Lớn hay bé đâu chỉ có căn cứ vô tuổi tác. Lợi đạ nhìn thấy những cậu bé con một được bố mẹ nuông chiều nên càng lớn càng "trẻ con" ra. Giả sử nó có thêm đứa em thử coi. Lập tức những sự chăm chút của bố mẹ chuyển sang em, cậu ta mất dần hết sự cưng nựng. Bởi vì cậu đã là một thằng anh. Hóa ra muốn được thành người lớn phải chịu mất nhiều thứ lắm. Lợi lại nghĩ đến mình. Lớn thiệt rồi, không thể cứ bịn rịn, băn khoăn với gia đình mãi được. Đi thôi.
Tốp học sinh giành nhau ùa xuống đò. Bác lái quát đến khản giọng:
- Đừng có lấc cấc. Ngồi xuống hết đi!
Lại thêm một tốp nữa kéo tới. Mấy đứa con gái cứ túm lấy áo nhau mà cười tít mắt. Bác lái lại quát:
- Thôi, thôi, đi chuyến sau. Lui lại đi chuyến sau.
Nhưng chẳnf đứa nào chịu lui lại đi chuyến sau cả. Chúng cứ chen nhau mà bước vào vô đò. Đò trùng triềng. Bác lại buộc phải nhảy ra nước nắm chặt lấy mạn đò, lại hét:
- Có ngồi yên xuống không? Đồ con nít.
"Không nói thì chúng nó cũng là con nít". Lợi thầm nghĩ vậy rồi lẳng lặng ngồi xuống mạn đò. Bác lái cầm con sào đẩy ngược, đò chao ra. Bác thả sào cầm vội mái chèo cạy mạnh. Đò đã ra chỗ sâu, mái chèo bác sải dài. Trong lòng Lợi lao xao từng con nước vỗ.
Đò còn cách bờ phía đông chừng ba mái chèo nữa thì đột ngột từ phía Vĩnh Sơn hai chiếc phản lực vọt lên. Lợi đã nhìn thấy nó trước khi nghe tiếng kẻng khua giật giọng. Rồi tiếng kẻng cũng bị lấp ngay bởi hai vệt tiếng động thô bạo đè lên mặt sông. Tiếng bom xé chéo trên đầu. Rồi tiếng nổ bật lên giật lùi con đò trở lại. Mấy đứa trẻ bắt đầu hét. Bác lái hốt hoảng ngoáy mái chèo, bạt, cạy.Bỗng mái chèo vướng phải sợi dây thép căng ngang sông dùng để kéo phà. Bọn trẻ hét rú lên. Có mấy đứa giữa khoang lốm cồm đứng dậy. Đò chao trái, chao phải rồi mất đà nghiêng hẳn. Nước tràn vô ào ào. Nguy rồi, Lợi bật dậy lao ra. Tiếng hét chéo chồng rơi lại đằng sau. Lợi sải tay bơi hối hả. Khói từ đám cháy bên phía Hồ Xá tràn qua luỹ tre Vĩnh Long tỏa ngạt bờ sông. Lợi nín thở mà bơi, mà đạp. Trên bờ người ta đổ ra kêu la thất thanh: "Cứu ! Cứu! Chết hết rồi bà con ơi!" Nhiều bóng người lao xuồng nước. Lợi bỗng khựng tay lại. "Chết hết rồi sao? ". Thì ra lúc gặp nạn mình chỉ biết lo tẩu thoát lấy mình. Rứa mà cũng đòi làm người lớn! Quay lại! Quay lại đi! Phải cứu lấy những đứa em đó. Lợi ngoặt tay trở lại. Trời ơi, có mấy đứa bíu được dây kéo phà. Lại mấy đứa nữa đang bíu la71y mạn thuyền đang nửa chìm nửa nổi. Còn nữa đâu? Lợi lao đến. Kìa, một con bé đang sặc nước. Anh nhắm mắt, nín thở lặn hụp một cái. Hai chân đạp mạnh. Thoắt cái, đầu Lợi đã đụng tới chân nó. Lọi nhoi lên, luồn tay túm lấy cổ áo con bé. Hai tay nó bơi bơi ra trước mặt. Lợi cố sức đẩy nó vô phía bờ. Bỗng có một bàn tay đứa nào đó bíu lấy chân Lợi.An đạp mạnh. Nhưng bàn tay ấy vẫn níu chặt rồi ôm chặt lấy cả hai chân anh. Thôi chết rồi. Chết cả ba cho coi. Lợi nghĩ vậy và cố quẫy. Nhưng cái "cùm" phía sau vẫn khóa chắc. Con bé đằng trước cũng vờn được cổ anh ghì chặt. Lợi không cựa được nữa. Anh bắt đầu sặc nước. Bỗng có tiếng hét phía trên bờ nghe rất rõ:
- Đạp con đằng trước ra, mau lên!
Lợi cố dướn mắt ngó lên. Bóng một người con gái đang cởi phăng chiếc áo ngoài vứt mạnh ra sau... Lợi lại ngụp xuống, uống một ngụm rồi. Lại cố ngoi lên... Vèo một cái, bóng cô gái lao vút ra như một vệt ánh sáng. Tai Lợi ù ù, ngực đau nhói. Anh cố sức quẫy, nhưng kiệt sức rồi. Phải thở tý thôi... Hập!... lại uống thêm ngụm nữa...
Bỗng hẫng một cái, cái "cùm" đằng sau tuột ra. Lợi như vừa dứt được tảng đá nghìn cân. Anh rán sức nhào vô, đẩy mạnh con bé đằng trước. May quá, chân Lợi đã chạm bùn. Cố chòi thêm cú nữa, chân đã đứng vững. Có người nào đó trên bờ khóc mếu máo nhào xuống ôm lấy con bé mà chạy. Lợi lải đảo bước lên. Mắt anh cay xè, đầu choáng váng. Chợt nhớ đến "cái vệt sáng" vút ra lúc nãy, Lợi hốt hoảng quay lại ngó. Kia rồi. Người con gái tóc dài quá lưng, một tay kẹp chặt cậu bé, tay kia khoát những sải dài. Dáng bơi nhẹ tênh. Mái tóc nổi lên chảy như vệt mực lớn loang dài trên nước. Nhoáng một tý, người con gái ấy đã kẹp cậu bé kia lên bờ. Cũng may đò lật gần bến và kề với sợi dây kéo phà nên tất cả đều được cứu. Người ta nhào ra đón bọn trẻ bế thốc chạy thẳng vô thôn. Bác lái đò run lập cập, kéo chiếc đò vô neo lại rồi lùi lủi đi thẳng. Chỉ còn Lợi và người con gái lúc này đã đứng bên chiếc xe đạp lật nghiêng, khẩu súng thể thao vứt cạnh. Người con gái xõa mớ tóc dài ra trước, người cũng hơi cúi về trước, hai tay vuốt nước trên tóc. Lợi nhìn kỹ "cái vệt sáng" lạ lùng ấy. Chiếc áo dệt kim trắng muốt bó chặt một tấm hình thon thả và cân đối. Đôi cánh tay trần chắc mà thon, da mịn hồng màu nắng nhạt. Có lẽ biết mình đang bị quan sát, người con gái ngướic lên và mỉm cười. Lợi bỗng chột dạ. Người ấy có vẻ lớn tuổi hơn mình. Khuôn mặt tròn rạng rỡ một vẻ thông minh và bướng bỉnh. Đôi mắt cũng tròn xoe. Đẹp nhưng hơi táo tợn. Cái miệng đang mỉm cười bỗng nhếch một bên mép:
- Sao? Chú em mệt lắm hí?
Lợi đỏ mặt. Nhưng cặp mắt kia cứ lúng liếng một cách tinh nghịch khiến anh không dám giận:
- Dạ... cảm ơn chị! Chị bơi giỏi quá!
Một tiếng cười nhẹ và giòn bật lên từ cặp môi chúm chím kia. Lợi hơi cảm thấykhó chịu. Dù răng thì mình cũng là người lớn. Đâu có phải thuộc loại mà chị ta vừa kẹp nách lôi lên. Nhưng "chị ấy" vẫn như không để ý đến đôi tai ửng đỏ của Lợi. "Chị ấy" cúi xuống xốc xốc lại chiếc xe. í chừng không thấy nó hư hỏng gì, "chị ấy" khoác khẩu súng thể thao qua vai rồi với lối gác chân qua yên theo kiểu con trai, "chị ấy" đạp ngược chiều một vòng xích rồi dừng lại ở thế chuẩn bị phóng. Đoạn "chị ấy" ngoái đầu bảo Lợi:
- Về Hồ Xá không?
- Có!
- Lên xe!
Mệnh lệnh cứ trơn tuột như huấn luyện viên trên bãi tập chạy việt dã. Nhưng Lợi không đủ sức để tự ái nữa. Lợi nhảy lên sau xe và tự chống chế cho mình: "Dù răng chị ấy vẫn là một người lớn". Một cái đạp nhún. Chiếc xe láng qua phải rồi phóng vút lên phía trước.. Gió tây nam lồng lộng từ phía sau xô tới. Chiếc áo dệt của "chị ấy" không nhanh, trắng mịn trong nắng. Ra khỏi những lùm tre của Vĩnh Long, "chị ấy" đột ngột cất tiếng hỏi:
- Hình như anh người Vĩnh Hòa phải không?
Lợi ngơ ngác tưởng như tiếng "anh" vừa rồi không phải để gọi mình. Anh đáp lúng búng:
- Phải... Vĩnh Hòa...
- Tôi biết anh rồi. Anh hay đóng kịch ở đội văn nghệ trường cấp III chứ gì?
Lợi càng lúng túng:
- Cũng có... Răng chị biết?...
Lại một tiếng cười khẽ mà giòn. Rồi lại hỏi:
- Anh đi đâu về?
- Tôi đi khám nghĩa vụ...
"Chị ấy" bỗng như reo lên:
- Thế ạ? Có được không anh?
- Được tốt.
Lợi trả lời như thể để chứng minh rằng mình đã là người lớn. Anh tự suy diễn: "Một người con gái Vĩnh Linh mà nói năng đầy những tiếng ngoài Bắc, chắc là loại ăn chơi đây!".
Vượt qua cánh đồng Hồ Xá, đến cổng chào ngã ba thị trấn thì họ chia tay. Lợi nhảy xuống xe và cố nói giọng chững chạc nói một câu lịch sự:
- Cảm ơn chị. Nếu biết được tên chị thì hay quá!
Đôi mắt tròn xoe kia hơi nheo lại như cười:
- Không cần đâu. Một mình tôi biết anh là đủ.
"Chị ấy" cười to một cách thoải mái rồi nhảy phốc lên xe. Lại một cái đạp nhún, xe láng qua phía phải rồi lao vụt lên phía trước.
Lợi như không tin vô những điều vừa xảy ra. "Cái vệt sáng" vút nhanh rồi mất hút ở cuối con đường nhựa bóng loáng.
*
Người ta đến với ông mỗi lúc một đông. Sau xã đội trưởng là dượng Chước, sau dượng Chước là thím Đìu, o Vi... Sau họ nữa là những tiếng chào, tiếng cười, những đáng người bước vô, bước ra... Ông Chẩn vẫn cười cười, gật gật. Ông nghe như đâu đó, một chuyện nào đó chứ không phải chuyện mình. Mãi tới khi người ta chào ông ra về, về dần rồi về hết, căn nhà trống hoắc đi ông mới sửng sốt: "Thì ra con ông đã đi bộ đội!"
"Thằng Lợi đó! Nó vẫn ngồi ở cái giường mà hàng chục năm ni chiếc màn vải cứ vắt lên, buông xuống đều đều. Rứa mà mai mốt nó đã đi rồi. Nó mới mười tám tuổi đầu, tuổi ăn, tuổi chơi, tuổi học hành, nhức đầu sổ mũi đã có bố bẻ lá nấu xông. Rứa mà chừ..." Ông Chẩn quên chuyện mình cũng sắp phải đương đầu với một cuộc sống đơn độc lẻ loi. Ông chỉ thương cho thằng Lợi. Dưới bàn tay chăm chút của những người bố, người mẹ, đứa con dù lớn mấy cũng chỉ là trẻ nhỏ thơ ngây.
Lợi gần như nín thở đi dần lại chiếc ghế ở bên này bàn. Anh dồn hết mọi sự chịu đựng của mình để đón câu nói đầu tiên của bố. Nhưng lạ quá, bố vẫn im. Rồi bố lặng lẽ lui vô giường ngồi. Lợi lại đành rón rén quay về giường mình. Ngọn đèn đặt giữa bàn hắt đều ánh sáng ra cả hai gian.
Một đêm trôi qua tưởng như một đời người.
Sáng ni ông Chẩn dậy đi rất sớm. Đó là quyết định cuối cùng của ông lúc gà gáy canh năm. Ông đã quyết định một việc trái với ý muốn xưa nay, gọi con Thảo lên ở. Rồi ra răng thì ra. Cứ nói thẳng với nó là thằng Quyền chưa hy sinh. Còn nếu sau ni không phải vậy thì đau thời đau chung, tủi thời tủi cả. Thằng Lợi đi nữa là ông tuột khỏi tay tất cả mọi sự bấu víu. Dâu là con, rể là khách, con Thảo phải gánh giúp một vai chứ.
Ông bước vội lụi cụi gấp gáp như sợ bắt gặp ai đó giữa đường. Vượt qua trạng băng, lội xuôi khe đá, ông đạp tắt lối nhỏ qua đường cái Vĩnh Thành rồi đi một mạch xuống chợ Do.
Bỗng ông dừng lại. Nhiều tiếng còi thổi ré lên xung quanh y như có cuộc vây ráp. Ông Chẩn ngơ ngác ngó ngược, coi xuôi. Đột nhiên từ trong các lùm cây, các hố đất đùn ra đầy bãi những đứa trẻ. Chúng nó còn bé hơn cả thằng Lợi, có lẽ là học sinh lớp bảy, lớp tám. Đứa nào cũng vùng vằng sau lưng một vòm là ngụy trang, lại lủng củng bên mông vòng dây trói, con dao găm hay một đoạn sắt đập nhọn. Không biết nó moi ở đâu ra những thứ đó và đeo rứa mà làm chi. Nhưng rõ ràng không phải là trò chơi bởi ông trông thấy mấy người cao lớn đang rúc còi chạy trước. Chắc là thầy giáo. Lại có cả một anh mặc quần áo bộ đội nữa. Mà đúng là bộ đội thiệt rồi vì mũ anh có đeo sao. Nghĩa là tập tành thực sự chứ chả phải chơi đùa. Ông Chẩn đứng ngẩn ra nhìn. Bọn trẻ coi bộ hào hứng lắm. "Nghiêm! NGhỉ! Giải tán!" lại "Nghiêm! Chạy đều, chạy!" Mặt mũi đứa nào cũng ròng ròng mồ hôi, lưng áo ướt đẫm. Bất giác ông Chẩn cũng cảm thấy hay hay. Thì ra cứ đeo những thứ quan trọng kia vô người, dù bé mấy ngó cũng chững chạc ra. ừ , mà không chững chạc răng được. Chiến tranh đã bắt đầu thực sự rồi. Người ta bước vô cuộc chiến này bằng cả sự rạo rực hồ hởi như vậy nữa chứ đâu phải chỉ bằng những dằn vặt trở trăn.
Ông Chẩn bước đi chậm hơn. Đến đất Vĩnh Tân rồi. Đã thấy gió biển quạt lên rười rượi. Có lẽ lâu lắm ông lại đi bộ một chuyến xa như ri. Từ hôm thằng Mỹ ném bom ra Vĩnh Linh tới nay, bao nhiêu sự đổ vỡ, tan nát ập đến dồn dập làm sức ông sút đi ghê gớm. Mà ở cái đất đầu cầu giới tuyến này, nỗi buồn nay niềm vui cũng đều xô bồ như vậy cả. Ngẫm lại mười năm về trước, khi hai tiếng "hòa bình" từ đâu đó lan đến, ông Chẩn cũng ngơ ngẩn hàng tháng trời. Rồi đến chuyện cái loa phóng thanh ở nóc nhà truyền thành thị trấn Hồ Xá. Không ai hiểu đó là cái chi? Ai ngồi trong đó mà nói ra to vậy, sang trọng vậy? Rồi có người nào đó giải thích rằng, đó là đà từ ngoài Hà Nội truyền vô bằng dây điện. Rứa là khắp nơi trong huyện, người ta ùn ùn kéo về "coi" cái giọng nói Hà Nội lạ lùng kia. Bố con ông Chẩn là một trong những người đến sớm nhất. Không lạ răng được. Trước cánh mạng, trong kháng chiến đánh Tây, Vĩnh Linh hoang vu như một cái bờ đầy cỏ dại nối hai tấm ruộng lớn Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Ngoài con đường tàu với nhà ga xép Sa Lung đêm đêm trút những hồi còi âm u, chìm nghỉm, vài chục cái lô cốt lúp xúp nấp hai bên đường quốc lộ I ra thì Vĩnh Linh chỉ còn toàn lau lách, rừng rậm. Truông nhà Hồ kéo dài hàng chục cây số từ Chấp Lễ vô tới Nam Hồ lúp xúp cây tràm, đồi cát. Cọp trên ngàn xuống tới Thủy Ba, đôi khi chúng xuống tận những làng đất đỏ. Còn heo rừng thì kéo từng đàn lúc nhúc. Những nương sắn, nương khoai ở giữa làng cũng phải rào chèn kín bốn phía. Người ta chỉ để hở một lối nhỏ cho heo rừng nhảy qua và đào bên trong một cái hố rộng để bẫy. Có đêm heo rừng sa hố, lớp này đè lên lớp kia. Người ta kéo được vài con trên cùng để giết thịt, còn nữa thì lấp đất đi cho kín mùi hôi thối...
... Mới đó mà mau thiệt. Người Vĩnh Linh như trôi trong mơ. Loa truyền thanh chăng về khắp các ngõ, các nhà. Văn công, văn nghệ diễn tận từng xóm. Trường học mở đều các xã. Thị trấn Hồ Xá thành một nơi đô hội. Vĩnh Linh đổi mình như có phép thần vậy. Thoạt đầu người ta ngỡ ngàng như mê ngủ. Nhưng dần dần thì thấy cái sung sướng cứ hiển nhiên như đến bữa phải ăn cơm. Rồi thì nghĩ lại quá khứ cứ ngỡ như nghe chuyện cổ tích nơi nào vậy. Rứa mà chừ thằng Mỹ định phá hết răng? Cả cái cơ ngơi này lẽ nào bỗng chốc tuột hết. Tự nhiên ông Chẩn thấy lòng xốn xang lo lắng. Có cách chi giữ lại được không hè? Cách chi?
Tiếng loa phóng thanh của cả hai bờ bỗng cùng một lúc òa ra, xô ập nhau quyết liệt làm ông Chẩn dừng sững lại. Thì ra ông đã tới xóm Cửa tự lúc nào. Trước mặt, sông Bến Hải hiện ra xanh ngăn ngắt. Chỗ Cửa Tùng sông thắt lại. Hai bờ cát lấn ép vô khiến mặt sông hằn lên từng con xoáy nước như những nút dây thừng xiết chặt. Lòng ông Chẩn cũng thắt lại. Làng Cát Sơn của ông bên đó rồi tề. Mả họ Nguyễn của ông chôn ở trảng cát đằng sau dãy phi lao kia... Biết khi mô ông mới trở về thăm được? Năm ni ông đã sáu tư rồi. Khó lắm. May ra thì thằng Lợi còn có ngày về.ừ , mà nó đi bộ đội thì dứt khoát sẽ qua đó. Phải qua chứ. Hay quá! Ông Chẩn bỗng thấy hừng hực trong người một nỗi khát khao. Phải dặn dò thằng con kỹ lưỡng mới được. Chà, nó đi đợt ni là phải quá, còn băn khoăn chi nữa.
Gió biển thổi thốc vô áo ông lồng lộng. Có lễ suốt tháng rồi chưa lúc nào ông thấy người dễ thở như hôm nay. Ông quay ngoắt về hướng xóm nhà Thảo, bước gấp.
Nhà Thảo đang đúng bữa ăn cơm trưa. Nhưng hình như không phải chỉ có mạ con Thảo. Có cả tiếng đàn ông, tiếng bà già. Ông Chẩn dừng lại dưới gốc phi lao sau hồi nhà lắng nghe. Mãi một lúc ông mới nhận ra là bà mẹ và đứa em thứ hai đang ăn cơm với Thảo. Họ nói chuyện oang oang. Ông Chẩn lẩm bẩm một mình: "Rứa là nó vui vẻ lại được rồi".
Thực ra không phải vậy. Thảo đang sốt ruột vì chuyện gia đình mạ đẻ. Thằng Sỏi em chị đã trúng tuyển bộ đội. Vì vậy bà Thảo nhất định bắt chị phải về ở với bà.
- Đó, chị em tính răng đó thì tính, nếu không thời thằng Sỏi chẳnf có đi đứng đâu cả...
Ông Chẩn thấy lúng túng khó xử. Không biết có nên bước vô nhà hay không? Việc riêng của gia đình người ta, mình xỉa vô răng tiện. Ông cảm thấy hai đầu gối mỏi dừ, chân run run. Hình như ông đói nữa. Cài nắng giữa trưa hè dội xuống cát chang chang khiến mắt ông hoa mờ. Ông ngồi xuống cái rễ phi lao, tựa lưng vô cây, lim dim mắt.
ở bên trong không biết Thảo vừa nói câu chi đó nghe lầu bầu không rõ. Rồi tiếng bà mẹ nhói lên:
- ừ, thì tao đồng ý là nghĩa vụ. Nhưng con cái không có nghĩa vụ với cha mẹ hay răng? Nừu con Thảo mà đồng ý về bên ni thì thằng Sỏi muốn đi mô thì đi, tao không cản.
Tiếng Sỏi gắt gỏng:
- Khó chi chuyện nớ mà không được. Anh Quyền hy sinh rồi thì chị Thảo về bên mạ là đúng quá đi chứ. Có rứa mà cứ nói loanh quanh hoài.
Ông Chẩn mở trừng hai mắt. Rồi ông hiểu ra, lặng đi. Thì ra mọi chuyện đã kết thúc như vậy. ừ , dù răng cha sinh mẹ để cũng có quyền hơn. Ông bỗng cảm thấy có cái gì nham nhám trong mắt.
Không nghe ai nói thêm câu chi nữa. Mâm cơm trong nhà tự dưng im bặt. Bên ngoài ông Chẩn cũng đứng lên. Thôi, có lẽ nên quay về.
Bỗng bà Thảo lại cất giọng:
- Răng Thảo?
Câu hỏi cuối cùng ấy đang dồn Thảo vô thế bí. Tại răng nó lại không trả lời hè? Hay là nó đang nghĩ đến ông. ít ra nó cũng đang nghĩ về người chồng vừa mới mất chưa đầy một tháng. Một phút lặng thinh. Tiếng đũa cũng không còn nghe gõ lách cách xuống mâm. Rồi bất ngờ cái giọng bè bè kia lại nhói lên cụt lủn:
- Răng?
Ông Chẩn bước vội vô nhà. Cả nhà gần như cùng một lúc ngẩng dậy ngó ông lúng túng. Hình như họ mời ông ngồi. Mời ăn cơm nữa. Nhưng ông Chẩn không nghe rõ một câu chi cả. Ông cố dằn lòng cho thiệt bình tĩnh, bước tránh mâm cơm rồi đi thẳng vô ngồi lên chiếc chõng hỏng vạc. Phải một lúc khá lâu ông mới quay sang phía thằng Sỏi, hỏi:
- Cháu cũng được đi bộ đội à?
Sỏi ngớ ra ngó ông. Bà Thảo cũng ngơ ngác. Riêng Thảo thì thấp thỏm đoán chừng. Chắc là bố đến đã lâu, đã nghe mọi chuyện? Tự dưng chị thấy tủi thân, nước mắt như muốn dào ra. Ông Chẩn thấy cần phải nói ngay cho Thảo yên lòng nên không đợi mạ con bà Thảo trả lời, ông đứng lên, hai tay chắp trước bụng nói chậm rãi y như người phát biểu trong hội nghị:
- Bác ạ!... Việc bên gia đình, tui không dám nói vô. Nhưng trên cái tình thông gia, tui cũng cứ xin mạn phép mà góp đôi ba ý. Việc anh Sỏi đi bộ đội theo tui là hợp cảnh, hợp thời và hợp cả tình nữa. Cảnh là cái chi? Nhà bác ở ngay xóm Cửa, hàng giờ ngó ra chắc là thấy rõ cái cảnh đó. Thiệt chỉ nhảy cò cò vài bước chân là qua bờ bên nớ. Rứa đã tới chục năm rồi mình cứ phải bấm bụng ngồi đây. Mà không lẽ cứ chịu hoài như ri? Mà lại, thằng Mỹ đâu có chịu như mình. Nó đang muốn Bắc tiến kia. Mà nó đã làm rồi, đã ném bom ra rồi chứ có phải chỉ có dọa. Rứa nên cái thời bấm bụng đã qua rồi. Chừ phải đánh lại. Anh Sỏi đi hợp thời là vậy. Còn tình thì chắc bác cũng rõ. Thằng Quyền là con tui, chồng con Thảo, nghĩa là con rể bác, nó mới hy sinh. Cái bọn đã giết con mình nó đang ngồi bên đó. Đứa lớn chết thì em út phải đi mà trả thù. Có cách chi hơn? Cho nên con Thảo phải về bên bác ở để chăm sóc mạ, nuôi dạy em, tui cho là phải đạo. Còn thằng Sỏi lên đường là phải hiếu. Cả thằng Lợi tui trên nhà cũng vậy. Phải đi thôi, không cách chi khác cả.
Ông Chẩn kết thúc ý kiến của mình một cách đằm thắm và gọn ghẽ. Chính ông cũng không ngờ mình có thể nói một cách thấu đáo và khúc chiết như rứa. Còn gia đình bà Thảo thì quá sức bất ngờ trước câu kết thúc giản dị kia. Chị Thảo chùi vội nước mắt, lật đật chạy lên:
- Răng, chú Lợi cũng đi bộ đội hả ông?
Ông Chẩn nhìn chị gật đầu lặng lẽ:
- ừ, nó trúng tuyển rồi.
Bà Thảo hỏi thều thào như một người ngái ngủ:
- Trời đất! Ông còn có một mình chú ấy mà cũng không giữ lại được à?
Ông Chẩn cười, nửa như dễ dãi, nửa như mỉa mai:
- Mình mà giữ hắn thì ai giữ cho cái cơ đồ miền Bắc xây dựng hàng chục năm ni, bác? Với lại, nghĩ cho cùng, nó đi bộ đội chứ có mất đi đâu mà giữ.
Chị Thảo bước lại gần bố hỏi ngập ngừng:
- Rứa chừ... ông định ở với ai?
Câu hỏi thực tế ấy như khuấy dậy trong ông Chẩn bao nhiêu dằn vặt từ hôm qua tới chừ. Ông ngước nhìn Thảo. Thảo cũng nhìn ông. Tự dưng ông thấy hổ thẹn quá chừng bởinhững ý nghĩ dớ dẩn ban sáng. Ông mỉm cười như để xin lỗi con dâu:
- Ông ở với hợp tác! Ngày trước còn làm ăn riêng lẻ mới sợ cô đơn, chứ nay có ai bỏ mình chết đói đâu. Phải không bác?
Bà Thảo bị hỏi bất ngờ, mặt ngớ ra. Rồi không hiểu răng bà lại nhoẻn miệng cười nhạt nhẽo:
- Phải, bác nói thiệt phải!
1 Điểm 4 chấm theo hệ 5 điểm
Đăng ngày 17/03/2010
Ý kiến về bài viết | ||||||||||||||||||||
|