Tác giả: Xuân Đức
CHƯƠNG MƯỜI MỘT
Chính trị viên lịch đã tiễn tổ của Lợi ra tận bờ sông Hiếu. Sáu bóng đen lầm lũi dọc lối sỏi, luồn qua các bụi lách, cuối cùng họ dừng lại nằm bẹp xuống một hố đại bác phủ đầy cỏ dại. Một người trườn ra sát mép nước, áp sát xuống mặt cát nghe ngóng. Đó là Qủang, đội phó đội công tác chính trị, người dẫn đường cho tổ trinh sát của Lợi.Trăng đầu tuần chênh chênh phía chóp núi đèo cùa. Mặt sông lang láng những gợn bạc. Những khóm lách đen sẫm như hình người ngồi thu lu, lầm lì buông câu bên mép nước. Lợi thóang rùng mình. Biết đâu có kẻ đang buông câu thật? Mong sao mình không phải là những con cá rủi ro!
Kề sát bên tai Lợi, tiếng thở của Thái và Dũng cứ phì phì như ống bễ thợ rèn. Lần đầu tiên xuất kích vào ấp, không ai trong bọn họ tránh được sự hồi hộp nôn nao. Lịch trườn người lên phía trước, căng mắt ngó xoáy qua bên kia sông. Không ai nói với nhau câu nào. Muỗi vo ve từng đàn rồi ráp xuống mông Lợi nghe gai từng mảng thịt. Anh rón rén quờ tay ra sau se sẽ áp xuống, nắm chặt lại. Máu nhớp nháp trong lòng bàn tay. Lợi quệt tay lên cỏ, nhổ nước bọt. Anh cáu kỉnh chửi thầm một câu. Tiếng Lịch thì thào:
- Chi rứa mi?
- Không ạ.
Lặng một chút rồi lại thầm thì
- Cậu có hồi hộp không?
- Có.
- Nhưng mà phải hết sức bình tĩnh nghe. Có bình tĩnh mới xử lý tốt các tình huống.
Lợi với tay bứt một cọng cỏ đưa lên miệng cắn cắn. Anh dán mắt ngó xuống cái bóng Quảng ở dưới mép nước. Thực ra Lợi hồi hộp không hẳn vì sợ. Nói cho chính xác là anh chưa cảm thấy sợ. Có thể trên đoạn đường tới, gặp những tình huống nguy ngập hơn, cái sợ sẽ xuất hiện. Nhưng chừ thì anh chưa nghĩ tới.
Lợi, và những chiến sĩ của anh hồi hộp hỏi bởi vì lần đầu tiên vào ấp, lần đầu tiên sẽ tiếp xúc với một môi trường hoàn toàn xa lạ, những con người thuộc "chiến tuyến bên kia". Rồi sẽ ra răng đây? Anh có cảm giác như sắp bước vào một thế giới khác. Nó chông chênh ngỡ ngàng y như dạo còn bé, lần đầu tiên được theo chị Thảo vô nhà thờ lớn Di Loan. Anh chỉ chui vô cái ổ tò vò khổng lồ ấy có một lần mà ấn tượng ghê sợ cứ chờn vờn mãi tới giờ. Mỗi bước chân đi trong khoảng không, tiếng nói đập vô bờ tường dội tới dội lui như có ma nhại lại. Con người vô chỗ đó bỗng không dám nói nữa, ngó nhau ngơ ngác, dè chừng, nghi kỵ lẫn nhau. Cũng may lúc đó còn có chị chứ không thì anh ôm đầu bỏ chạy.
Còn chừ? Người chị cả là chính trị viên lát nữa sẽ ở lại bên này sông Hiếu. Anh trở thành người chị dắt tay các chiến sĩ đi vào cái cõi huyền bí kia. ừ, những cái ấp chiến lược im lìm phía bên ấy, răng mà giống cái nhà thờ quá thế!
Quảng đã bò trở lên gí sát miệng vô tai lịch nói phào phào:
- Có khả năng an toàn. Đi thôi!
Nói rồi, Quảng đứng thẳng người dậy, và bằng một động tác quen thuộc, anh tụt nhanh chiếc quần bà ba đen vày vò thành một nắm rồi vén vạt áo trước lên ôm ghì trước ngực. Lợi xuýt bật cười. Cái cung cách vượt sông của Qủang làm Lợi nhớ tới những đêm ra khơi của ngư dân xóm Cửa. Thoạt đầu là họ kéo nhau ra mép biển, cả người đi và người không đi đều nằm xoài xuống cát tán chuyện tầm phào. Chẳng phải là một sự chờ đợi, họ nằm vậy gần như là một thói quen. Các con thuyền đang bị neo cứ lắc lư, giật giật vẻ sốt ruột. Rồi đột nhiên tất cả nhoài dậy, hét to lên những tiếng lạ lùng và đồng loạt tụt hết quần áo ra. Đám con gái xoay người úp mặt xuống cát. Đến khi những bước chân thô bạo đạp sóng rào rào ra tận những con thuyền, tiếng gọi nhau ì oàm chơi vơi trong tiếng sóng thì bọn con gái mới ngồi dựng dậy. Thuyền mất hút vô đêm. Một nỗi buồn vô cớ lan lên bờ như hơi gió mặn. Hình như sinh ra biển để cho con người e ấp, giấu giếm những nỗi niềm với nhau...
Bàn tay vạm vỡ của Lịch xán mạnh xuống vai Lợi:
- Đi hí?
Lợi lặng lẽ gật đầu rồi quay sang Thái và Dũng. Cả ba cùng một lúc xốc những chiếc gùi lên cao hơn.
- Trong các mũi đi, tổ của cậu là cắm sâu nhất, quan trọng nhất. Phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, nghe! Hậu phương đang chờ tin Dốc Miếu từng giờ đó.
Lợi lại gật đầu. Đây là những lời dặn dò cuối cùng của chính trị viên. Mọi chỉ thị, mệnh lệnh Lợi đã nhẩm đi nhẩm lại gần như thuộc lòng. Kế hoạch 195 của Bộ tư lệnh đang trông cậy vào những bước chân thầm lặng của các chiến sĩ trinh sát đêm nay.
Sông Hiếu chỗ này nước chỉ ngập tới bụng nhưng chảy rất xiết. Đá cuội dày đặc như vô vàn quả trứng xếp ngổn ngang dưới lòng sông, mỗi quả to tày nắm tay, có quả to gần đầu người, rêu bám trơn nhầy. Lợi không ngoảnh lại nhưng anh biết chắc chắn sau lưng mình chính trị viên đang căng mắt nhìn theo. Và sau lưng chính trị viên là dãy núi trùng điệp của khu căn cứ Cù Đinh. Đồng đội chắc cũng dõi mắt xuống ấp này, lo lắng chờ đợi.
Bốn bóng đen lội nhẹ nhàng, lần dò từng viên đá cuội. Mặt nước gợn dày những làn sóng nhỏ, chập chờn sáng dưới màn bạc của trăng.
Lên tới bờ vẫn không thấy động tĩnh gì, Lợi thở phào nhẹ nhõm. Anh quay ngó lại bờ Bắc. Không thể nhận ra chính trị viên đứng ở chỗ nào, nhưng Lợi vẫn đưa tay vẫy vẫy. Thái và Dũng cũng làm theo. Rồi cả tổ thành một hàng dọc, lần theo bước chân của người cán bộ địa phương phía trước.
Bỗng Lợi sững chân lại. Roắc... Một tiếng động đâu đó nghe gọn như cành khô gãy. Chưa ai kịp nghĩ ra điều gì thì đột ngột Quảng hét lớn:
- Nằm xuống!
Lợi thót cả bụng lại, nằm bẹp xuống. Một cụm lửa léo chóa lên trước mặt như một mũi hàn khổng lồ. Tiếng nổ xé qua tai. "Rứa là bị phục kích rồi!" Lợi cắn chặt môi dưới, người rung lên. "Khỉ quá, răng lại run hè". Lợi tự nguyền rủa mình. Hai ngón chân cái chòi mạnh xuống đất, đau nhói. Những vệt lửa ngày càng một sát xuống đầu. Lợi có cảm giác như mũi hàn ác nghiệt kia đang gí vô thái dương.
Bỗng Dũng hét to một tiếng rồi giãy tung cả người lên. Lợi chồm tới. Có tiếng "vèo" xọet qua tai. Anh túm được chân Dũng dặc dặc liền mấy cái. Không thấy phản ứng gì. Lợi bủn rủn cả tay chân. Anh trườn lên chút nữa nằm song song với Dũng. Anh lật Dũng ngửa ra. Có tiếng thở xì xì, Lợi áp tai vô sát mũi Dũng. Không phải! Tiếng xì xì ở phía dưới. Lợi lần tay từ mắt xuống cổ rồi tới ngực. Tay anh chạm phải một vùng ẩm ướt. Tiếng thở phát ra ở đó. Tiếng thở đuối dần. Có tiếng bong bóng nước vỡ lách tách, khe khẽ. Lợi nhắm nghiền mắt lại. Loạt đạn đã xuyên qua phổi người đồng chí. Ngực Lợi cũng thắt lại, nghẹt thở, ngỡ như tiếng lách tách đang vỡ ran trong ngực mình.
Quảng từ phía trước bò lui trở lại, giọng hổn hển:
- Hy sinh rồi à?
Lợi không đáp. Anh úp mặt vô ngực bạn. Hơi ấm của Dũng bốc lên nồng nàn.
- "Thằng" trung liên Brô - nin nằm gần quá...- Vẫn tiếng Quảng thì thào - Nó chỉ cách ta chừng mười thước thôi... Cứ coi hướng đạn thì biết, nó chỉ có chừng một trung đội thôi... Nó phục theo hình vòng cung...
Bất ngờ Lợi ngẩng dậy:
- Răng hắn bắn hoài vậy mà không xung phong hè?
- Hắn sợ. Bọn ni nhát lắm. Hắn mà gan, bắn sát chút nửa thì bọn ta ngoẻo cả rồi.
Lợi cắn chặt hai hàm răng đến mức nhói đau cả quai hàm. Cái "thằng" Brô - nin... phải băm xác mi ra... Lợi bật người dậy, xốc khẩu AK lên qụat một loạt dài. Anh hét lạc cả giọng:
- Trung đội đánh giáp lá cà. Bắt thằng Brô- nin đền tội!
Quảng chưa kịp hiểu thế nào cũng bật dậy lao theo. Thái cũng chồm tới hét the thé:
- Bắt sống thằng Brô - nin... Bắt thằng B... ờ... rô...ni...n!
Khẩu trung liên trước mặt đột ngột tắt ngấm. Rồi có tiếng la oai oái. Thằng trung liên bỏ chạy. Lợi lại quạt thêm một điểm xa dài. Đội hình phục kích của địch đột ngột nháo nhác như vỡ chợ. Những bóng đen loạng choạng đạp băng qua ruộng ngô chạy thục mạng. Lợi cắm đầu đuổi theo. Ngô nghiêng ngã từng hàng gãy răng rắc. Lợi điên tiết xả đạn bừa lên phía trước.
Qủang cố đuổi theo Lợi mà không thể nào kịp. Anh gọi rối rít: "Xung phong! Xung phong". Xung phong chính là khẩu lệnh rút lui. Nhưng lúc này Lợi gần như quên hết. Mỗi tiếng "xung phong" phát ra phía sau, anh lại lao chồm lên như một con mèo cay cú vì trượt mồi. Những tiếng rít trong cổ anh cứ thắt dần lại, chỉ còn đủ cho chính anh nghe: "Bắt thằng Bờ... rô... nin... Bắt... Bờ... nin..."
Đã gần tới đương chín. Nguy hiểm quá! Qủang hét khàn đặc cả tiếng: "xung phong!" Lợi lại chồm lên. Bí quá , Quảng phải gào:
- Đồng chí Lợi! Nhiệm... vụ!...
Hai chân Lợi khựng lại. Ngực dội từng cơn thở gấp. Chó sủa nháo nhác hướng ấp Tân Định, ấp Phước Truyền. Chó sủa dài đến phía quận Cam Lộ. Lợi nghiến răng ken két. Rứa là hết! Món nợ này chúng bay hãy đợi đó!
Ba bóng đen lững thững quay lại. Trăng đã khuất từ lúc nào xuống bên kia chân đèo Cùa. Dũng nằm lặng lẽ như một dấu chấm than trên mặt đất mờ trắng. Ba người cùng một lúc ngồi xuống chầm chậm nâng anh lên. Lợi thấy cay nồng sống mũi. Thái cũng sụt sịt. Lợi trao khẩu AK cho Qủang rồi bế Dũng lên, để anh nằm vắt qua vai mình. Cả ba người lội trở lại bờ Bắc.
Khi cả tổ tiến vô tới bờ thì một bóng đen chồm ra. Cái giọng ồm ồm của Lịch gầm lên:
- Hy sinh rồi à? Dũng ơi! Mi ơi!...
Lịch ôm lấy người chiến sĩ đặt lên đùi mình rồi ngồi bệt xuống hố pháo. Giọng anh méo đi:
- Hắn quê Vĩnh Chấp... Cái xóm ngoài cùng của Vĩnh Linh đó. Hắn chỉ còn có một người bố già. Tau có lên nhà hắn một lần rồi... Dũng ơi! Hôm nọ em có xin anh về thăm bố một chút, nhưng bấn quá, anh chưa cho em đi! Em có trách cũng chịu vậy... Nhiệm vụ nặng nề, cấp bách quá... Rồi anh sẽ nói lại với bố! Nhất định anh sẽ nói...
Lợi bỗng thấy nhói thắt vùng tim. Hoàn cảnh thằng Dũng giống anh quá. Nếu mai mốt mình có phải nằm xuống, chắc chắn anh cũng có những lời thề của đồng đội hứa sẽ nói lại với bố mình. Chao ôi, những người bố, người mẹ khác chi những thỏi nam châm, suốt đời hút về mình bao nỗi đau, bao niềm khắc khoải. Còn có chút gì an ủi, tựa nương thì nhường hết cho phía trước. Chẳng ai hiểu nổi sự hy sinh của bố mẹ bằng chính những đứa con!
Lợi, Thái, Qủang im lặng ngồi sát kề bên lịch. Không còn có anh trăng để nhìn lần cuối cùng khuôn mặt của Dũng. Nhưng bầu trời lấm tấm đầy sao cũng đủ cho tất cả nhìn rõ dáng anh nằm, thanh thản vô tư như đứa trẻ đang ngon giấc.
Mãi một lúc khá lâu, Lịch mới ngẩng dậy hỏi thì thầm:
- Có đi được nữa không, Lợi?
Lợi không nói, đứng lên xốc lại chiếc gùi. Thái cũng làm theo, Lịch hiểu ý bồng Dũng lên tay, giọng khê đắng:
- Thôi, các cậu cứ đi đi. Mình sẽ đưa Dũng về.
Anh ôm Dũng phía trước bụng, hai chân chạng ra, bước nặng nề hướng vô phía núi. Lợi đứng lặng ngó theo. Con tắc kè đâu đó nấc lên từng tiếng một.
*
Có lẽ phải hơn ba giờ sáng, tổ của Lợi mới lọt vô giữa ấp An Nha. Họ tiến vô ngõ một căn nhà lợp tôn. Lợi và Thái dừng lại nép sát người vô hàng duối, quay mặt trông ra phía lộ. Qủang đột nhập vô nhà. Một lát ở trong nhà vẳng ra tiếng rì rầm rất nhỏ. Lợi cố dỏng tai nghe nhưng không sao nhận ra được. Anh đảo mắt quan sát địa hình. Ngôi nhà này gần như trung tâm ấp. Trước mặt là con đường cái chạy thẳng ra cổng chính. Bốn phía nhà được rào bằng dây thép gai. Theo giới thiệu của Quảng, nhà này có hai mẹ con. Đây là một trong những cơ sở lâu nhất của đội công tác chính trị. Lợi sẽ bám ở đây để làm nhiệm vụ. Anh cố hình dung ra khuôn mặt của người mẹ. Có lẽ cũng giống mẹ Hào?... Bất chợt anh nhớ tới căn nhà tranh lụp xụp cạnh giếng nước của lớp Mẫu giáo! Anh nhớ tới dãy lồ ô trọc trọi... Nhớ những khuôn mặt rất dễ lẫn với nhau và những cái tên gọi lên nghe thơm tho như trái chín " Thu Yến... Kim Cúc..," Rồi nỗi nhớ chụm về ở khuôn mặt trái xoan, mớ tóc lòa xòa trên vai áo, đôi mi dày khẽ chớp chớp... Thuấn ơi! Giờ ni em lam chi? Em có hình dung được rằng anh đang đứng nép mình trước ngõ lạ. Cái chi ở đây cũng lạ, kể cả bầu trời. Những ngôi sao khuya em thường thích ngắm, chừ cũng nhấp nháy đầy vẻ nửa tin nửa ngờ. Xóm thôn ở đây vắng lặng quá, vắng đến mức tưởng như một xóm chết. Duy chỉ có màu đất là quen. Đấy An Nha cũng đỏ như đất Vĩnh Linh mình em ạ!...
Quảng từ trong mái hiên luồn ra chạy lom khom tới bên Lợi:
- Xong rồi, vô đi!
Cả ba lách gọn qua sân. Lợi ngoái lại lần cuối cùng nhìn ra ngõ. Vẫn yên ắng. Cả tổ luồn qua cửa hè, tay sờ dọc bờ tường, lẹ vô cửa buồng trong. Một ngọn đèn dầu vặn tụt bấc, phía ngoài được che bằng một tấm mo cau. ánh sáng phần còn lại vừa đủ hắt lên hai khuôn mặt. Bà mẹ ngồi tụt xuống đất, tựa lưng vô thành giường. Hai má mẹ bầu tròn. Mái tóc lốm đốm trắng nhưng còn rất tốt và mượt. Khuôn mặt mẹ khác rất xa so với sự tưởng tượng của Lợi. Trên giường, một người con gái nửa nằm nửa ngồi chống hai tay, Đưa hai mắt tròn vo ngó các chiến sĩ. Nửa phần dưới được lấp bằng một tấm chăn hoa. Chiếc áo lót ni - lông mỏng dính, cổ áo viền chỉ hồng bỏ trễ xuống gần tới nửa ngực. Người cô chồm thẳng về phía Lợi nên có thể trông rõ cả phần ngực nhô phồng, hồng tím. Lợi đỉy vĩi mắt mình qua hướng khác. Nhưng anh vẫn thấy gai gai bên thái dương. Người con gái ấy coi bộ đã luống tuổi. ít nhất cũng hơn anh dăm bảy tuổi, nhưng da thịt vẫn căng đầy. Khuôn mặt bầu bầu giống mẹ, tóc chẻ giữa bỏ xõa hai bên lấp gần hết phần trán. Lợi đã ngó qua hướng khác mà cái khuôn mặt ấy cứ y như lồ lộ trước mặt. Chà, như thế này mà là cơ sở? Kỳ cục thiệt!
Sau mấy câu thì thào của người mẹ. Quảng níu lấy vai Lợi gí sát xuống nền đất:
- Đây là mẹ Xướng và chị Hoan, tôi đã nói chuyện với anh hồi hôm rồi đó. Chừ sắp sáng rồi, tôi phải ra. Đồng chí kia - Quảng chỉ tay ra phía Thái - cùng ra theo tôi để nhớ đường.
Lợi lặng lẽ gật đầu rồi đứng lên kéo tay Thái ra khỏi buồng:
- Cậu báo cáo với chính trị viên, nói là... mà thôi, cứ nói mọi việc mới bắt đầu. Đêm mai chưa cần vô vội. Cứ liên lạc ở hộp thư. Khi nào cần mình sẽ nhắn gọi.
Quảng cũng vừa ra tới nơi. Anh tiến ra hiên nhà quan sát một tíù rồi quay lại nói gọn lỏn:
- Xong, đi thôi!
Hai bóng người lách nhẹ ra sân biến hút vô khoảng đêm. Lợi bỗng thấy hẫng cả người. Một không gian xa lạ ngập tràn bốn phía xung quanh.
ở trong buồng có tiếng cười khe khẽ. Lợi hơi cau mày. "Cười cái chi hè?" Một ý nghĩ khó chịu xộc đến. Anh đứng câm lặng giữa căn nhà.
Có tiếng thồi phụt ngọn đèn phía trong, tiếng dép kéo lạc xoạc tiến ra. Mẹ Xướng ghé sát vô tai Lợi nói thầm gần như thở:
- Con đừng ngại, mọi chuyện sẽ êm thôi. Chừ đi ngủ đã, mai sẽ nói chuyện, hí?
Rồi không đợi anh trả lời, mẹ đã kéo lê đôi dép lẹp xẹp đi về phía hồi nhà đằng kia.
Lợi định đi theo thì một bàn tay to và mềm từ đâu đó áp chặt vô tay Lợi. Anh hơi gai người. Tiếng nói cười vô tai nóng hôi hổi:
- Ra hầm đi, đồng chí!
Lợi tần ngần bước theo. Cái bóng đen to lớn trước mặt lách nghiêng qua cửa hè, nép vội vô hồi nhà rồi thoắt cái đã lẹ ra hướng nhà bếp. Lợi cố bám theo và thầm nghĩ: "Không ngờ ả này cũng nhanh nhẹn đáo để!..." Hai người dừng lại trước chuồng lợn. Hoan khom người lật chiếc máng lên. Bầy lợn nghe tiếng động, khụt khịt đòi ăn. Lợi lại nghĩ: "Hầm ở đây ư? Thế thì hôi chết được!" Rồi anh mỉm cười trong bóng tối, thầm giễu mình.
Hoan đã bước một chân qua bờ chuồng, chống hai tay vô cột trụ, đu người đưa nốt chân kia qua.Cả người Hoan tụt thấp hẳn xuống. Lợi đang ngơ ngác thì thấy móng tay Hoan đã cào cào vô tay. Anh cũng gác chân qua bờ tường, cũng chống cột trụ và đu người. Hai chân Lợi bị thả hẫng vào lòng hố. Anh liều mạng thả người xuống. Chân đã chạm được nền hầm. Hoan lại cào cào vô cổ chân Lợi. Anh lần từng bước theo hướng những cái móng tay, có cảm giác như đang xuống thang gác nhà tầng. Được một đoạn, Lợi thấy chân mình giẫm lên mặt gỗ. Hầm có vẻ rộng ra nhưng cũng đang nghiêng xuống dốc. Lại mấy cái cào cào vô bả vai. Lợi lặng im đi trong bóng đen kín mít. Cái hầm dài qua, mùi đất thơm và ấm không hề phảng chút ẩm mốc, chứng tỏ ngày nào cũng có người ở, hoặc ít ra cũng có người lên xuống quét dọn. Lợi phải đi chừng năm phút thì mới có cảm giác nền gỗ dưới chân đã bằng phẳng. Hoan đột ngột đứng lại. Cả người Lợi chạm sát vô Hoan. Anh giật mình, lùi vội. Một que diêm lòe cháy. Lợi nhíu mắt lại. Một ngọn đèn dầu bừng sáng. Anh trố mắt ra kinh ngạc. Căn hầm rộng quá, chẳng khác chi một gian nhà xây. Chiếc giường tre kê gần bờ đất rải chiếu ni - lông. Màn tuyn xanh mắc sẵn. Lại có cả chiếc gối trắng thêu cánh hoa to bằng bàn tay. Hoan lật chiếu lên giũ giũ mấy cái rồi lại rải xuống. Chị lần tay vô một hốc đất moi ra cái lọ con. Chị vẩy tay. Mùi nước hoa tràn khắp hầm, thơm ngậy. Lợi ngỡ ngàng như mê ngủ. "Không lí hoạt động bí mật lại sang đến mức này ư?"...
Bất ngờ Hoan nói rất to làm Lợi giật bắn cả người:
- Đây là vi - la của đồng chí. Tạm tạm thôi nghe!
Lợi đưa vội tay lên miệng ra hiệu nói khẽ, Hoan lại cười khanh khách:
- Yên trí to. Đây sâu gần mười mét, chẳng ai nghe thây đâu. Có thể đánh đờn được. Mà đồng chí có biết hát không? ít hôm nữa tập cho đây vài bài nghe!
Lợi hơi cảm thấy ngài ngại trước cái cách xưng hô vậy, anh đáp lấp lửng:
- Dạ, chừng nào có điều kiện đã...
- Chắc nhiệm vụ bấn lắm hứ?
- Dạ...
- Nhiệm vụ chi vậy? Nói nghe coi!
Lợi ngẩn ra. Có nên nói không hè? Đây đúng là một cơ sở sẽ cộng tác với mình làm nhiệm vụ suốt cả một thời gian dài. Nhưng răng đến phút này Lợi vẫn cảm thấy xa lạ quá. Lẽ nào nhiệm vụ hệ trọng ấy lại nói cùng con người này?
- Dạ... công việc hơi phức tạp. Chị cứ để tôi sắp xếp coi nên làm cái chi trước. Có lẽ mai trao đổi...
Hoan chẳng nói chẳng rằng ngồi ngay xuống sát Lợi. Lợi vờ với tay kéo múi chiếu, Xích người xuống cuối giường.
- Đồng chí quê Vĩnh Linh à?
- Dạ...
- Chắc mới đi bộ đội?
- Dạ...
- Đơn vị có anh nào tên Tùng không?
Lợi cảm thấy sốt ruột nhưng cố nén chịu:
- Dạ... Tùng nào ạ?
- Chồng tôi.
Lợi ngớ ra, xoay hẳn người lại. Hoan vẫn ngồi như bất động, miệng mím lại, đôi lông mày to đang đè nặng lên đôi mắt lay láy những ngấn nước. Lợi không thể tin hai tiếng "chồng tôi" lại có thể phát ra một cách gọn ghẽ, tự tin ở cặp môi còn nham nhở vết son ấy.
- Rứa... Anh chị xây dựng được mấy tháng rồi ạ!
Hoan hơi cúi xuống:
- Chưa cưới đâu đồng chí ạ! Vậy mà chờ hoài. Đã gần tám năm rồi. Anh ấy trốn ra Bắc dịp ông Diệm mới ban luật 10 - 59.
Cặp mắt tròn của Hoan nhấp nháy liền mấy cái rồi chị đưa cánh tay trần lên quệt nước mắt. Bao nhiêu dị nghị, bực bội trong lòng Lợi vụt tan biến. Trước mặt anh, Hoan đã hiện nguyên vẹn một người phụ nữ miền Nam kiên trung bất khuất, một tâm hồn trong sáng giản dị.
Lợi ngồi xích gần lại, thủ thỉ:
- Chị ạ, nếu có dịp trở ra hậu cứ, thế nào tôi cũng tìm anh ấy cho chị. Nhất định tôi sẽ tìm. Chỉ có điều không biết anh ấy ở vùng nào?
Hoan ngẩng dậy mặt vẫn đỏ rần bởi cơn xúc động vừa qua. Giọng chị nhỏ hẳn lại:
- Có hình đây, đồng chí xem mặt, hí?
Hoan luồn tay vô trong áo gối lôi ra chiếc ví ni - lông. Chị cố cười phân bua:
- Tôi cứ để sẵn đây, đồng chí nào vô tôi cũng cho xem, cũng nhờ tìm. Vậy mà không ai gặp cả. Đây, hình tôi chụp chung với anh ấy. Dạo nớ tôi trẻ ghê hí? Mới 18 tuổi mà...
Lợi nhẩm tính, năm nay chị ấy đã gần hai mươi sáu rồi!
Trong ảnh, Hoan bận chiếc áo bà ba trắng, tóc kẹp lửng nom hoàn toàn là một cô gái thôn quê. Còn người con trai bên cạnh có đôi lưỡng quyền hơi cao, mặt gầy, hai vành tai cong úp về phía trước. Khuôn mặt này Lợi chưa gặp lần nào. Nhưng anh vẫn gật gật đầu an ủi Hoan:
- Được... được. Tôi sẽ cố nhớ mặt và tìm cho chị. Tôi hứa vậy.
- Cảm ơn đồng chí!
Mấy tiếng cuối cùng ấy Hoan nói nhẹ nhàng và tin cậy. Rồi chị đứng dậy, quên cả chào Lợi bước lặng lẽ ra phía cửa hầm. Một tiếng thở dài khe khẽ vương lại. Bất giác Lợi nhận thấy tiếng thở dài kia đã già hơn nhiều so với khuôn mặt và dáng đi của chị.
*
Lợi ở lại nhà mẹ Xướng đã được hai ngày.
Theo sự sắp xếp của mẹ, Hoan lên chợ và ở luôn tại nhà đứa bạn thợ may trên đó để nắm tình hình. Hai ngày mẹ Xướng kêu nhức đầu và đau cột sống mỗi lần có lính đi qua hoặc làng xóm đến chơi. Lúc vắng lặng, mẹ lén xuống hầm nói chuyện với Lợi. Qua câu chuyện anh được biết chồng mẹ trước đây là một lái xe. Lấy nhau sớm mà có con lại muộn. Con Hoan lên ba thì bố chết vì tai nạn. Mẹ cứ ở vậy nuôi con. Chồng chưa cưới của Hoan trước đây là một cán bộ huyện được bổ sung về làm xã đội trưởng. Anh ấy cũng nằm hầm này. Dạo tố cộng, anh bị phục kích nhưng chạy thoát. Biết anh đã lộ, huyện bố trí cho anh thoát li. Căn hầm vẫn vẹn nguyên trong sự chờ đợi. Mẹ vẫn ở vậy nuôi bầy heo để giữ cửa hầm. Hầm có một lối nữa thông ra ngoài nhưng mẹ dặn vạn nhất mới được chạy ra hướng đó. Trước đây ngoài cửa ấy là một ngôi mộ. Nhưng từ khi đoàn "tái thiết nông thôn" về, nó ủi bay mộ ra dồn dân vây thành ấp. Cũng may mà cửa hầm vẫn còn nằm trong vườn đất của mẹ. Mẹ đã mò ra sửa lại nắp hầm và trồng lên đó mấy vòng khoai. Nhưng khoai thì phải có vụ, đâu phải lúc nào cũng xanh tốt. Nghĩ mãi mẹ mới đào ngay bên cạnh hầm một cái giếng, trồng cỏ sửa lên xung quanh lấy cớ cho khỏi sụt đât. Ai ngờ cái giếng đào trúng mạch, nước rất trong và không bao giờ cạn. Thành thử các nhà cạnh đó cứ đến múc nhờ. Theo lời mẹ kể thì suốt ngày lúc nào cũng có người ở cạnh cái miệng hầm ấy...
Sự rỗi rãi thật là khó chịu, nhất là trong cái hoàn cảnh không lấy gì làm an tâm.
Lợi gối tay qua đầu, nhắm nghiền mắt cố hình dung ra các bước công việc sẽ phải làm. ý nghĩ lộn xộn chéo lên nhau. Tiếng dép của mẹ Xướng mỏng dần về phía cửa hầm. Một ngày mấy bận, tiếng dép ấy cứ đổi nhau hai chiều, nhỏ dần đến to dần rồi ngược lại. Lợi liên tưởng tới các dấu nhỏ hơn và to hơn trong các bất đẳng thức. Những người mẹ và những đứa con lúc nào cũng ở cái thế bù trừ như vậy. Khi tấm lòng bà mẹ trải ra, bao dung, đùm bộc thì đứa con trở nên bé bỏng thơ dại. Nhưng lúc nào đó, người mẹ thấy cô đơn heo hút thì đứa con lại thành trụ cột, thành niềm tin, hi vọng của lòng già...
Tiếng dép đã mất hút ra ngoài bờ đất. Lợi ngồi choàng dậy. Có lẽ phải nên quyết định một việc chi đó?
Bỗng từ phía cửa hầm dội tới một tiếng "huỵch".
Tiếng bước chân thình thịch, vồi vội. Không phải tiếng dép của mẹ rồi!
Hoan lộ ra trong ánh đèn dầu hỏa, đôi gò má hồng rực, đôi môi đỏ thắm y như một diễn viên vừa rời sân khấu. Mùi phấn quyện mùi mồ hôi phả ngây ngây. Hoan mặc áo dài trông hơi thô. Đôi mắt long lanh như người đang lên cơn sốt.
Lợi chưa hết ngạc nhiên thì Hoan đã sà xuống bên cạnh nói líu ríu trong hơi thở:
- Có ít số liệu đây rồi. Coi thử có ích không?
Lợi mừng rơn:
- Hay quá, chị cho xin!
Hoan đưa tay túm lấy vạt áo dài kéo roạc một cái, để lộ cả một mảng da bụng. Lợi khẽ nhíu mắt lại. Hoan thò tay vô trong đưa lên ngực, chuồi hai ngón tay vô lớp áo lót cuối cùng và lộn trở ra. Lợi quay mặt ngó ra phía cửa.
- Những đề nghị của đồng chí nó ghi được cả. Con nhỏ giỏi quá trời.
Lợi quay lại đón lấy mẫu giấy trong tay Hoan rồi xoay hẳn người sang cây đèn dầu hỏa. Hoan ngồi xuống đằng sau, tay lần tưng cúc áo cài chậm chạp.
Lợi reo lên:
- Tốt lắm, nhưng quân số biên chế và cách bố trí này cách đây lâu chưa?
- Nó bảo là tuần trước, à, Khoảng mười ngày rồi. "Bồ" của nó là công binh mà...
Lợi ngớ ra hỏi lại:
- Bồ là ai?
Cặp môi đỏ chói son bỗng nhỏen cười:
- Không biết bồ là ai à? Người tình ấy mà...
Lợi "à" lên một tiếng rồi mím vội miệng lại. Không nên gãi vào chuyện đó. Anh nói vội:
- Tốt lắm chị ạ! Nhưng có lẽ tôi phải đến tận nơi mới được.
Đến lượt Hoan tròn mắt ra:
- Đến tận nơi nào? Trong căn cứ ấy à?
- Dạ...
- Đi bằng cách nào?
Lợi vò vò tờ giấy đưa lên ngọn đèn. Anh châm lửa cũng dè dặt như lời anh nói:
- Vô căn cứ không khó. Khó nhất lại là từ chỗ này tới hàng rào ngoài cùng. Tôi không biết đường, mà đi mò thì quá chậm. Tới được vị trí không khéo sáng mất.
Hoan vung tay một cách dễ dãi:
- Tôi dẫn đường.
Lợi mỉm cười miễn cưỡng:
- Nhưng lại không thể đi theo đường trục được.
- Tôi biết đường tắt đi qua nghĩa địa...
- Rứa à? Nhưng đi đêm đó nghe.
- Biết rồi. Chỉ có điều... Hoan ngừng lại một chút. Cái khó nhất với tôi lại là từ nhà ra khỏi ấp.
Lợi gật đầu, tính toán.
- Đúng. Rõ ràng tôi không thể đi cùng chị ra ngoài ấy được. Tôi sẽ đi bằng cách của tôi. Còn chị, tất nhiên sẽ đi bằng đường cái chính...
- Nhưng ban đêm nó thiết quân luật, ra ngõ bị bắt liền.
- Rõ rồi. Chị sẽ phải đi ban ngày rồi chờ tôi ở một chỗ nào đó, hẹn trước đi. Chị lên mời mẹ xuống đây giùm tôi tí.
- Ngày chừ à?
Lợi gật đầu rồi hỏi lại:
- Mấy giờ rồi?
Hoan nhoài tay ra phía đèn để lộ chiếc đồng hồ Sin - cô mặt xanh loang loáng:
- Thiếu 14 phút nữa là tới 3 giờ chiều.
Lợi đứng dậy nói dứt khoát:
- Kịp. Chị mời mẹ xuống đây ngay!
Hoan bỗng ngoan ngoãn như một đứa trẻ. Chị mỉm cười và bước vội ra phía cửa.
Lợi vặn to ngọn đèn, xé sổ tay viết vội:
"Hàng đã mua thử nhưng giá cả lên xuống thất thường. Tôi sẽ trực tiếp đi chợ. Rất khỏe và rất nhớ!..."
Lợi gấp nhỏ tờ giấy và chợt thấy lòng bâng khuâng. Nội nhật đêm ni, chậm lắm là ngày mai. Thái sẽ nhận được. Thái ơi, cậu phải cố gắng mang được tin về cho chính trị viên nghe! Chắc là đơn vị nóng ruột lắm!...
*
Tin chính ủy Bộ tư lệnh Trần Vũ vào thăm đơn vị trinh sát làm cho chính trị viên phó Vũ Nam Khang nhảy phót từ trên võng xuống đất. Khang không kịp xỏ dép, đạp ngang qua suối nhằm hướng bếp chạy tới. Anh gọi rối rít:
- Toại đâu? Toại? Qủan lí đâu rồi? Há?
Bếp trưởng Kim chui từ một hốc đá dưới khe lên, hai tay nắm hai con cua vừa mò được, anh đứng chạng chân ngơ ngác ngó chính trị phó:
- Toại lên kho nhận nhu yếu phẩm rồi thủ trưởng ạ.
Khang sầm mặt lại rồi quay ngoắt đi. Được mấy bước anh lại quay trở lại:
- Cậu có biết "kho" ta còn có gói thuốc lá nào không?
- Chuyện chị rứa thủ trưởng?
- Ô hay, có phải trách nhiệm cậu đâu mà hỏi nhỉ?
Kim chưng hửng về câu gắt đột ngột ấy. Nhưng rồi anh lại tủm tỉm cười quay xuống suối.
Khang gọi giật giọng:
- Sao? Tôi hỏi mà không trả lời à?
Kim vẫn lúi húi mò cua, đáp hờ hững:
- Không biết ạ.
- Cậu thử lục xem?
- Tôi không có trách nhiệm ạ.
Khang gần như quát:
- Nhưng tôi ra lệnh cho đồng chí, có làm không?
Kim lẳng lặng cầm hai con cua đi lên bờ. Được mấy bước không biết nghĩ thế nào, anh quay người lại ném cả vù hai con cua xuống suối rồi đi thẳng tới đầu võng của quản lý Toại. Khang cắm mắt không bỏ sót một cử chỉ nào của Kim. Anh giận lắm, muốn quát một câu thật dữ dội. Nhưng rồi Khang nén lại. Cái tin cấp trên đến đã choán hết tâm trí anh.
Kim lục đến hòm gỗ thứ ba mới lôi ra được một gói giấy. Ba bao "Tam đảo", anh quản lí nổi tiếng "kế hoạch" đã giữ lại chờ tới ngày xuất kích đánh Dốc Miếu sẽ khao chung đại đội, đã bị Khang chộp tại chỗ. Khang đã quay đi mà vẫn không quên ném lại cho người bếp trưởng đằng sau lời cảnh cáo:
- Lần khác đồng chí nên rút kinh nghiệm. Cái lối phản ứng cấp trên như vừa rồi không có lợi cho đồng chí đâu!
Khang quay lên đi chéo qua các tiểu đội. Tới đâu anh cũng hét ầm lên: "Ngụy trang lại đi! Lùa lá khô vào! Các cậu ăn ở vậy đó, hả? Nhanh lên!...", "Tiểu đội trưởng của các đồng chí đâu? Tôi hỏi phải đứng nghiêm lại để báo cáo chứ!... Hầm hào thế này à? Sửa ngay đi!..."
Người Khang vã mồ hôi. Chưa bao giờ anh cảm thấy mình thanh thản được một chút! Nhất là từ khi về lãnh đạo cái đơn vị này. Mấy hôm nay ông Quí, ông Lịch đi theo đặc công để hiệp đồng tác chiến rồi. Mấy lại - Khang tự nghĩ - các vị ấy dẫu có ở nhà thì cũng chẳng để mắt gì tới việc chấn chỉnh đơn vị. Ông Quí thì cứ chăm hăm vô phương án tác chiến. Ông Lịch thời đại khái qua loa. Lại thêm cái bệnh nuông chiều lính nữa. Mình đi đã nhiều đơn vị, chưa thấy cái lính nào bướng như ở đây...
Khang đang oang oang chỉ thị cho tiểu đội 7 sửa lại hầm thì đột nhiên anh sững lại. Chính ủy đã hiện ra bất ngờ trước mặt từ lúc nào. Trần Vũ đi một đôi giày vải cao cổ, quần xắn nửa bắp chân, chiếc áo bốn túi bạc màu, một xắc gạo vắt ngang qua ba lô con cóc. Sau lưng Trần Vũ còn có bốn đồng chí nữa:
Khang đứng khựng người, giọng ríu lại:
- Báo cáo chính ủy, tôi thiếu úy Vũ Nam Khang...
Trần Vũ đưa tay ra hiệu ngừng lại rồi anh nở một nụ cười đôn hậu:
- Đồng chí quên qui định "đi không dấu, nấu không khói, nói không to..." à?
Khang đỏ mặt đáp khẽ:
- Dạ nhớ ạ!...
Trần Vũ cười to hơn một chút rồi quay lại với những người phía sau, anh giới thiệu cốt cho Khang đỡ ngượng:
- Anh Khang, con nhà nền nếp lắm đó!...
Họ bắt tay nhau xởi lởi. Khang ríu rít mời các thủ trưởng đặt ba lô xuống nghỉ. Anh gọi liên lạc rót nước chè rừng ra bát. Tự tay Khang bốc thuốc ra mời chính ủy. Trần Vũ xua tay:
- Tôi không hút.
Rồi bất ngờ chính ủy nhìn găm vô gói "Tam đảo" khiến Khang chột dạ:
- ở chiến trường mà sang qúa nhỉ? Đào đâu ra thế?
Khang cười mở hết vành môi:
- Báo cáo thủ trưởng, anh em dành dụm từ đợt nhu yếu phẩm đầu tiên đấy ạ...
- Vậy thì không nên xâm phạm của anh em. Người hậu phương vào càng không nên chia suất của người tiền tuyến.
Khang đỏ rần hai tai, cố cười cười cho qua chuyện.
Trần Vũ đỡ bát nước chè rừng từ trong tay đồng chí liên lạc hớp một ngụm rồi quay sang Khang:
- Đại đội trưởng, chính trị viên đi đâu cả?
- Báo cáo, các anh ấy đi theo tổ tiền trạm của đặc công.
- Đơn vị đang làm gì?
- Báo cáo, đơn vị cử ba tổ cắm sâu vào hậu cứ phối hợp với địa phương trinh sát vị trí Dốc Miếu. Số còn lại đang tổ chức hậu cứ, nhận thuốc nổ, gói thủ pháo.
Trần Vũ vò vò chiếc mũ tai bèo trong tay lau qua mặt. Đoạn anh lại hỏi:
- Ba tổ nào đi vào ấp?
- Báo cáo!... Tiểu đội trưởng tiểu đội 2 Hoàng Thành Bản, tiểu đội trưởng tiểu đội 5 Trần Quỳ và cậu Nguyễn Hữu Lợi tiểu đội trưởng tiểu đội 6...
Trần Vũ nhíu vội cặp lông mày:
- Lợi à? Lợi nào thế?
- Dạ... đồng chí Lợi, quê Vĩnh Hòa, cũng mới đi bộ đội năm ngoái thôi ạ.
Trần Vũ gật đầu như đã nhận ra người quen.
- Đã có kết quả gì chưa?
- Báo cáo... tổ của Lợi đã bám được cơ sở nhưng chưa chuyển ra được tin tức gì cả. Thực ra... tôi cũng lo lắm...
- Sao?
Vũ Nam Khang hơi đắn đo một chút, anh lướt mắt nhìn các cán bộ ngồi đằng sau chính ủy rồi ngồi xuống cạnh nói dè dặt:
- Báo cáo các thủ trưởng, tôi mới về, không thể nắm tình hình đơn vị một cách cụ thể như các anh khác trong Ban chỉ huy được. Vì thế mọi vấn đề vẫn phải dựa vào ý kiến của cấp ủy và các thủ trưởng quân chính. Nhưng theo tôi việc đề bạt một đồng chí binh nhất lên làm tiểu đội trưởng là rất vội vàng. Hơn nữa, đồng chí này có rất nhiều chất tiểu tư sản. Lúc nào cũng mơ mộng, trầm ngâm, ra dáng cụ già... Tôi sợ lần này cậu ấy làm hỏng việc mất.
Trần Vũ ngạc nhiên thật sự:
- Nhận xét khách quan chứ? Không lý mơ mộng, trầm ngâm lại không đủ khả năng để hoàn thành nhiệm vụ ư?
Khang nhanh nhẩu:
- Và bướng nữa ạ. Cậu này được anh Lịch nâng đỡ nên tỏ ra kiêu ngạo. Cứ tưởng mình giỏi thật.
- Kiêu ngạo à? Biểu hiện như thế nào?
Khang bỗng lúng túng nói lí nhí:
- Tất nhiên... cũng chưa có gì nặng. Chủ yếu là thái độ...
- Nói cụ thể hơn được không?
- Dạ... nói chung cậu ấy cứ lì lì... ít nói...
Chính ủy "à" lên một tiếng rồi đột ngột tủm tỉm cười:
- Thì cũng thế cả. Lì lì, ít nói, với trầm ngâm, dáng cụ già chỉ là một dạng thôi...
Trần Vũ cười to hơn. Số cán bộ ngồi phía sau cũng ngửa mặt ra mà cười. Mặt Khang gần như méo đi:
- Báo cáo chính ủy, đêm xuất kích đi làm nhiệm vụ, tổ của Lợi đã bị phục kích, hy sinh mất một đồng chí. Tình huống này xảy ra thật đáng tiếc. Kẻ địch phục kích xa bờ sông, giữa một khoảng đất trống. Đêm đó trăng lại sáng. Vậy mà đồng chí Lợi không phát hiện được. Tôi nghĩ, ngay cái yêu cầu tối thiểu của người chiến sĩ trinh sát cũng không đạt được chưa nói đến vị trí người chỉ huy.
Mấy cán bộ nín lặng nghe chăm chú. Trần Vũ hơi nhíu mày lại, một lát anh hỏi nhỏ:
- Sau đó làm sao?
- Dạ... tất nhiên là các đồng chí ấy vẫn tiếp tục đi được. Nhưng... - Khang khẽ thở dài - khó mà hoàn thành nhiệm vụ.
ở dưới suối có hai chiến sĩ mang sũng AK đi ngược lên. Họ bận quần cộc, khoác dù ngụy trang, mặt tái nhợt vì thiếu ngủ.
Khang quay lại reo to:
- A, đã có báo cáo của tổ hai và tổ năm rồi đây! Nhanh lên các đồng chí!
Hai chiến sĩ cùng chạy tới đưa mắt ngó lướt qua những người lạ ngồi trước mặt. Bản năng nghề nghiệp khiến các cậu phán đóan ra ngay, không cần đến lời giới thiệu cáu kỉnh của chính trị phó:
- Các đồng chí đang đứng trước chính ủy. Báo cáo đi!
Nhưng Trần Vũ đã đứng lên bắt rất chặt tay từng người hỏi vội vã:
- Thế nào? Có tin mới chưa? Làm sao hai tổ lại cùng về được một lúc?
Chiến sĩ đứng trước có dáng cao liều khều, cằm nhọn hoắt lơ thơ những sợi râu tơ mới mọc sau mấy đêm thức trắng. Anh ta nhỏen miệng cười quay lại gật đầu với người bạn ở tiểu đội 5 đứng sau rồi báo cáo:
- Báo cáo chính ủy, tôi tổ viên tổ 2, còn đồng chí này ở tổ anh Quỳ. Chúng tôi gặp nhau ở đội chính trị và cùng về.
Trần Vũ gật đầu:
- Báo cáo tiếp đi!
- Dạ, tổ 2 đã vào được hàng rào thứ hai. Sơ đồ vùng ngoài phía tây bắc đã được vẽ.
Nói rồi anh ta ngồi xuống rút trong bao đạn ra một tờ giấy gấp nhỏ, căng ra giữa đất. Chiến sĩ đứng sau cũng lôi ra một tờ giấy khác nói rủ rỉ:
- Dạ, tổ 5 cũng đã vẽ được sơ đồ vòng ngoài của hướng tây nam...
Trần Vũ móc vội chiếc kính trắng trong xắc cốt ra quàng lên mắt. Số cán bộ đằng sau cũng ngồi chồm tới. Hai mảnh giấy nhỏ được xoay trái, xoay phải đủ kiểu mà vẫn không sao khớp lại được với nhau. Một đoạn hở hình tam giác làm đứt đoạn những nét vẽ bằng mực bút bi ngoằn ngoèo. Hướng chính tây chưa có báo cáo. Anh trợ lý tác chiến người bé loắt choắt ngồi cạnh chính ủy cứ xoay xoay mãi hai mảnh giấy, tặc lưỡi:
- Cha, giá có ngay sơ đồ hướng tây chắp vô thì tuyệt hè?
Khang tiếp lời:
- Hướng tây là mũi cậu Lợi. Chả biết đến bao giờ mới có báo cáo.
Trần Vũ ngồi nín lặng. Thực ra sơ đồ vòng ngoài của cứ điểm không có gì khác lắm so với bản đồ của Mặt trận B5 chuyển xuống. Cái làm cho anh băn khoăn nhất là quãng hở giữa hai mảnh giấy ấy. Rõ ràng anh có phần lo riêng cho Lợi. Không hiểu sao, từ ngày gặp ông cụ có chòm râu dài như cước ấy, anh bỗng thấy nghĩ nhiều đến đứa con của ông. Mặc dù chưa lần nào anh tiếp xúc với Lợi nhưng anh vẫn thấy thương thương, vẫn dành riêng một chút nghĩ ngợi cho người chiến sĩ xa lạ đó.
"Như vậy có tốt không? Có thiên vị cá nhân không?" Nhiều lần Trần Vũ tự hỏi mình như vậy. Ngót hai mươi năm trong quân ngũ, anh luôn luôn tự nghiêm khắc với mình. Sống phải công bằng, sòng phẳng. Anh cũng thường đòi hỏi các cán bộ cấp dưới như vậy. Nhưng không hiểu sao từ ngày trở lại đất Vĩnh Linh anh bỗng thấy mình có nhiều thay đổi, rất lạ. Những xúc động thường xô đến bất ngờ, lắm lúc phải ghìm mình một cách quá đáng.
Cái hôm đầu tiên trở lại Hồ Xá, xe anh mắc lầy ở dốc đất đỏ vào Vĩnh Nam giữa lúc máy bay Mỹ đang vòng liệng. Cậu lái xe cáu kỉnh dận ga, tiếng máy rú lên khắc khoải, bất lực. Đang lúc nguy kịch thì anh bỗng nhận thấy nhiều tiếng chân rầm rập chạy đến. Những bóng đen lao vào kèm theo những tiếng quát gắt gỏng chát chúa. Không ai thèm để ý tới chủ xe. Họ xúm lại lót bánh, đẩy, kéo. Chiếc xe chồm lên lạch bạch, bùn tóe khắp ba phía. Mấy chiếc phản lực nhào sát xuống. Người ta hè nhau xô cật lực. Giọng nói người miền Trung lúc bình thản thì sao tha thiết thế, mà khi bức xúc gấp gáp thì như đá đập vào nhau.
- Huơ là...
- Hây xì...
- Thụt... thụt! Thụt.
- Hứ! Hí! Hà!
Chiếc xe trượt qua được vũng lầy. Máy nổ êm hơn. Trần Vũ quay lại định nói một câu cảm ơn thật tha thiết thì những bóng đen kia đã mất hút từ khi nào. Tiếng chân người thậm thụt trong khoảng tối mênh mông. Trần Vũ đứng ngây người. Bỗng từ đâu đó cất lên một giọng hò ngọt lịm:
"Hiền Lương một lạch đôi dòng
Người tuy bên nớ, mà lòng ơ... hơ...
mà lòng bên ni..."
Người phụ nữ ấy hò theo điệu "mái nhì". Sở dĩ anh biết được là vì hồi ở phái đoàn Liên hiệp quân sự, câu hò ấy được mấy cô văn công Công an vũ trang chèo đò hò qua bên bờ Nam. Trần Vũ bỏ xe lần theo hướng tiếng hò. Đến một bờ đất cao thì anh dừng lại. Trước mặt anh là ruộng nước. Thì ra những người đó đang cấy đêm!
Mấy hôm sau có dịp đi qua chỗ đó ban ngày, Trần Vũ sửng sốt nhận ra một điều, xung quanh ruộng là những bãi hố bom dày đặc. Điều làm anh xúc động nhất là những cây lúa vẫn được cắm rất thẳng hàng.
Suốt mấy đêm liền đó, anh không sao ngủ được. Những câu hỏi cứ xuất hiện vô cớ. Vậy thì những âm thanh thô cộc như đá ấy và cái âm điệu chau chuốt trong giọng hò kia, đâu là thực chất giọng nói của con người Vĩnh Linh?...
Tưởng thủ trưởng đang nghĩ về sự chậm trễ của mũi phía Tây, Vũ Nam Khang vội kể lể:
- Báo cáo chính ủy! Thực ra cũng vì điều kiện quá khẩn trương của nhiệm vụ mà đơn vị phải lên đường, chứ nếu gọi là xây dựng một đơn vị chính quy thì thật chưa đạt yêu cầu tí nào cả. Đại đội xộc xệch lắm. Khó nhất là khâu cán bộ. Nhìn chung chưa ai được đào tạo cho tới nơi, tới chốn cả. Cán bộ mà xuề xòa thì chiến sĩ làm sao nghiêm túc được. Kinh nghiệm như đại đội tôi trước đây, sở dĩ có được một số thành tích, trước hết là do khâu huấn luyện...
Vũ Nam Khang lại nói về quá khứ say sưa và thuộc lòng như những lần anh đi báo cáo thành tích. Anh nói thành thục tới mức là không nhớ được mình đang nói tới đoạn nào. Trong đầu anh chỉ nghĩ xoáy có một điều "ít ra tôi phải là thủ trưởng của đại đội này thì mới mong chiến sĩ tiến bộ được!"
Trần Vũ vẫn nhìn đăm đăm vô quãng hở giữa hai mảnh sơ đồ. Tiếng nói của Khang vẫn đều đều bên tai như một đĩa hát yếu điện. Chính ủy bỗng linh cảm thấy một điều, hình như trong cấp ủy và chỉ huy đại đội trinh sát này cũng đang có quãng hở. Một sự gián cách về lòng tin, một kẽ hở của sự thương yêu đùm bộc nhau.
Trần Vũ ngẩng dậy và bất ngờ cắt ngang bài thuyết trình của Khang:
- Tập hợp đơn vị! Tôi sẽ nói chuyện với bộ đội.
*
Hai người lom khom chạy băng qua nghĩa địa. Đến ngôi mộ to nhất thì cả hai cùng dừng lại. Hoan ngồi thụp xuống trước, nói trong tiếng thở đứt quãng:
- "Nó" đó rồi. Chỗ có mấy ngọn đèn điện khu trung tâm...
Lợi ép ngực xuống thành đất ngôi mộ để ghìm bớt tiếng thở, hỏi:
- Từ đây vô tới hang rào ngoài, mấy trăm mét nữa?
- Đó tề... chỗ đen đen ấy.
Lợi cố căng mắt ra. Trong ánh sáng lờ nhờ của sao trời và đèn điện từ trung tâm Dốc Miếu hắt ra, anh đã nhận được những viền đen lố nhố như những hàng cây lúp xúp. Có tiếng ếch nhái kêu uể oải, chứng tỏ hàng rào có rãnh nước. Lợi thầm tính toán: "Mặt phía tây nay thấp hơn mặt phía đông cho nên mới có nước. Độ dốc thoai thoải. Như vậy từ hàng rào ngoài cùng vô tới trung tâm ít nhất cũng phải một cây số. Mình vô thấu không khéo sáng mất..."
Lợi quay sang phía Hoan:
- Chừ chị nên quay về đi, không đợi tôi được đâu.
Hoan vật nghiêng người lại:
- Răng lại rứa? Khi về ai dẫn đường cho đồng chí?
- Tôi nhớ đường rồi.
- Không, tôi phải đợi.
Ngừng một chút, tiếng Hoan bỗng run run:
- Lỡ có răng thì ai biết đường nào mà lần. Thôi, đồng chí vô đi. Có chết tôi cũng đợi.
Lợi thoáng giật mình vì tiếng "chết" phát ra nghe lạ quá. Anh không dám nói nữa, nhổm người dậy xốc lại băng đạn, nói lấp lửng:
- Tùy chị. Nhưng nếu gần sáng mà tôi vẫn chưa ra thì chị phải rút. Nếu không sẽ lộ vị trí tập kết này.
Hoan lặng lẽ gật đầu. Lợi chao người về phía trước, thoắt cái bóng anh mất hút vào bóng đêm.
Hoan như cũng bật theo anh. Gió tây nam ù ù thổi. Những ngọn đèn pha từ khu trung tâm quệt ra liếm tràn lên từng khu đất. Hoan nhắm nghiền mắt, úp mặt lên thành mộ. "Lạy trời... chúng nó đừng trông thấy..."
... Có con nhái nào đó hình như kêu to hơn? Chắc anh ta vô tới rãnh rồi. Mà hình như có tiếng sột soạt? Tiếng sột soạt ngày một to, to qúa đi mất! Khéo không lộ? Tim Hoan thắt lại. Không phải! Tiếng gió, Hoan có cảm giác lúc này mọi tiếng động đều tự dưng to hơn, thô bạo hơn, cứ lồ lộ ra giữa không gian như những vết sẹo. Không biết bọn địch có lắng tai nghe như mình không?
Một loạt liên thanh bất ngờ nổ. Người Hoan như muốn bật lên khỏi mặt đất. Hai tay chị bíu chặt lấy thành mộ, run rẩy. Lộ thiệt rồi? Bỗng nhiên Hoan muốn được ôm chặt một cái chi đó, một thân cây hoặc một thân người... Hoan choàng tay ôm lấy ngôi mộ.
Nhưng loạt súng đã lịm đi trong đêm. Hoan chờ. Bắn nữa này... Hò hét này... Lựu đạn này... Nhưng không, mấy cái bóng điện vẫn sáng lờ mờ, ngật ngưỡng trong gió. Gió càng khuya càng lạnh. Tự nhiên Hoan thấy rùng mình. Hình như trong ngôi mộ có tiếng thở? Phải rồi! Tiếng thở dồn dập. Ngôi mộ rõ ràng có ấm hơn trước! Một luồng khí lạnh chạy lan khắp người Hoan. Chị ngồi vọt dậy. Có cảm giác như tất cả các ngôi mộ xung quanh đều cựa quậy và thờ dồn. Hoan cắn chặt môi đến nhức nhối. Những tiếng thở từ đâu đó cứ dồn tới ngày một xô bồ vây chặt lấy Hoan. Chị co dúm người lại. Tiếng thở xáp tới, quây tròn. Hoan đứng bật lên, đảo mắt một vòng. Hình như các ngôi mộ cũng đứng dậy. Hoan kêu lên một tiếng rồi vùng chạy. Gió lọac xoạc phía sau, Hoan không thể nào ngoái lui được nữa, chị cắm cổ chạy. Tiếng thở thành tiếng gió ù ù bốn bên.
... "Mình không đợi anh ấy ở đó... Lỡ có răng thì?... Mình phản bội..."
Hoan vẫn chạy. Hai hàm răng va vào nhau lập cập. ý nghĩ nhiều tày tiếng thở.
... "Mình phản bội ư? Không đời nào! Răng mình không giữ lời hứa, lại bỏ chay?... Mình sợ ư? Nhưng mình không sợ địch, không sợ tù tội... Ôi, sợ chi cũng là sợ, đều là hèn nhát cả. Mẹ bảo rằng, mỗi lần phản bội là mỗi lần nhục. Mình phản bội ư?"...
Chân Hoan đã chậm dần lại. ý nghĩ cũng rõ ràng dần.
"... Tất cả chỉ vì hoảng hốt. Nếu cậu ấy bị thương, bò ra được chỗ đó... không có mình thì tội quá. Không được chạy nữa... Đứng lại nào! Đứng lại!... Tổ cha cái sợ!..."
Hoan đã dừng lại được và bình tĩnh nhận ra rằng mình đã chạy quá xa nghĩa địa.
Chị nắm chặt hai bàn tay, ngón cái bấm lún vô ngón trỏ. (Nghe người ta nói, khi nào sợ ma thì cứ bấm vậy, đỡ sợ!) Hoan đi chậm từng bước, ngó ngược coi xuôi, thoắt quay, thoắt ngồi. Mồ hôi lăn từng giọt. Cũng một quãng đường ấy mà lúc nảy chị phải đi chừng một tiếng mới đến ngôi mộ to. Vẫn lặng thinh. Hoan đã hết sợ và chuyển sang lo. Hình như có tiếng gà gáy. Đúng. Gà gáy ran phía ấp An Nha. Răng Lợi không về hè? Hay là loạt súng lúc nãy đã nhắm trúng chỗ Lợi. Không! Nếu phát hiện được thì chúng đã làm um lên rồi. Chắc là súng bọn gác bắn vu vơ thôi. Nhưng biết đâu vu vơ mà lại trúng? Trời ơi! Răng mình cứ hay nghĩ độc địa vậy! Hai tay Hoan áp lên thái dương, chị hình dung ra một xác người nằm lịm dưới lớp hàng rào. Ngày mai, nhứt định chúng nó sẽ kéo xác về ấp, lùa dân ra nhận mặt. Nhưng có ai biết mà nhận. Đã bao nhiêu những người chết lặng lẽ như vậy. Họ từ khắp bốn phương về đây. Không biết cái chi khiến họ lao vô cái chết nhẹ nhõm như rứa.
Bất chợt Hoan nghĩ đến Tùng. Biết đâu cũng giờ này, Tùng lại đang bò vô một cứ điểm nào đó. Có thể lắm, vì anh là bộ đội. Mà biết đâu cũng có một cô gái ngồi ở một chỗ nào đó chờ Tùng, cũng đang lo tưng cơn khắc khoải? Người Hoan rân rân nóng. Thoáng qua trong đầu chị một chút gì gây gây như sự ghen tuông! Hoan chợt cười trong bóng tối. Mình thiệt vô duyên! Người ta lo cho người yêu của mình cũng y như mình đang lo cho một người con trai khác. Lợi chắc cũng đã có người yêu!... Lợi! Lợi!... Tên nghe thương quá hè? Đúng, không hiểu răng mình rất thương cậu ấy. Cậu ta còn trẻ quá, trẻ như đứa em của mình. ừ, phải rồi, mình thương cậu ta như thương một đứa em... Ơ, mà mình có em đâu mà biết thương như thế nào? Thương lắm kia... thương như dạo trước thương Tùng vậy1
Gà gáy thêm lần nữa. Hoan liều mạng trườn người về phía trước. Chị bò chồm hỗm như một đứa bé đang tập lê từng đoạn. Chị lết người đến sát hàng rào. Không thấy vết cắt nào? Không hiểu Lợi đã vào phía trong bằng đường nào? Ruột gan chị nôn nao.
Hoan bò trở ra ngôi mộ ngồi thở. Gà gáy thêm lần nữa. Tiếng gà thô bạo và táo tợn dễ sợ. Trời sắp sáng rồi. ánh điện phía khu trung tâm đã nhạt bợt. Một chớn sáng của vầng đông ứa lên. Môi Hoan khô cháy. "Chừ rồi mà vẫn chưa ra, có liều không kia chứ?..." Không hiểu răng nước mắt ứa ra, Hoan uất ức, giẫm chân như làm nũng. Rồi chị òa lên thành tiếng, ức ối, quay lui chạy một mạch ra khỏi nghĩa địa.
Suốt ngày đó, Hoan nằm vật ngửa mình trong buồng. Mẹ Xướng ngồi cạnh nhai trầu liên hồi. Sau mấy câu hỏi, mẹ biết Hoan không thể trả lời thêm được chi nữa, mẹ im lặng. Từ ngày đào hầm giấu cán bộ, đã gần mười lăm năm, mẹ đã chứng kiến không biết bao nhiêu sự hi sinh. Không còn nước mắt để khóc. Những người con xa lạ ấy mãi mãi ở trọn trong lòng mẹ. Điều làm mẹ lo sợ nhất là trước mỗi sự hi sinh, liệu con Hoan của mẹ có đứng vững thêm không, hay lại thêm một lần hoang mang, thối chí. Mẹ hiểu Hoan hơn ai hết. Nó có cái sức, lại lực, nhưng sức lực nó y như qủa bóng, lúc căng thời dễ bật, dễ lăn, lúc gặp tai biến lại dễ xì, dễ xẹp. Sống giữa cái hang hùm này loại con gai phơi phới như Hoan, chỉ cần rời mẹ dăm bước là có nguy cơ đốn! Mẹ dắt Hoan đi theo cách mạng chính là giữ gìn cho con mình trong sáng. Mỗi lần gặp rủi ro, thất vọng, mẹ thường đến ngồi bên Hoan. Cứ ngồi vậy mà nhai trầu, nó cũng thêm phần yên dạ. Mẹ trông ngày ngóng đêm tới khi thống nhứt, gặp lại thằng Tùng, mẹ trao con Hoan cho hắn. Rồi mẹ có nhắm mắt xuôi tay cũng mát lòng.
Mẹ Xướng cứ ngồi nhai trầu và Hoan cứ nằm ngửa ngó trân trân lên mái tôn cho đến khi tiếng mõ khua lóc tóc báo giờ "Biệt chính quân" tập trung, mẹ mới giục Hoan lên đường trở lại nghĩa địa.
Hoan lại đi tròn đêm, mẹ Xướng cũng thức trắng đêm chờ đợi. Khi cả ấp đỏ lửa nấu cơm sáng thì Hoan về. Ngó dáng đi loạng choạng, da mặt tái nhợt của con mẹ biết ngay lại thêm một đêm thất vọng. Hoan nhào ra chuồng heo, nhảy đại xuống miệng hầm chạy một mạch vô chiếc giường của Lợi. Chị quăng mình lên giường, cắm ngập hàm răng vô gối. Tấm thân đẫy đà của Hoan rung giật từng cơn.
Mẹ Xướng cũng lật đật xuống hầm, đứng lặng hồi lâu bên con. Cho đến lúc không thể cầm được lòng nữa, mẹ ngồi thụp xuống đất, quay lưng lại, tiếng mẹ nghẹn ngào:
- Vậy... là nó đi thật rồi!... Vội vàng chi lắm rứa con ơi!...
Trưa đó, một bát cơm đầy, một chén nước trắng với ba que nhang được đưa xuống hầm. Hai mẹ con ngồi lặng dưới đất, vịn tay vô thành giường cầu mong cho một linh hồn được về cõi phật.
*
Lắm lúc Lợi ngỡ như tắc thở. Không phải vì những kẽ hở của các bao gạo không đủ không khí cho anh thở mà vì cám gạo cứ bay ra xộc vô mũi. Những lúc như vậy, Lợi biết là có lính leo lên đống gạo.
ở cái tư thế nửa nằm nửa ngồi này, tuy không mỏi lắm nhưng rất khó chịu. Thoạt đầu Lợi thầm nguyền rủa cái "số" xúi quẩy đã đẩy anh vô cái tình thế éo le này. Nhưng qua hai ngày lắng nghe bọn lính kháo chuyện, anh lại thầm cảm ơn "số" mình may mắn. Thực ra chẳng có "số kiếp" chi hết, mọi sự được bắt đầu bằng cái ngây ngô mà chừ nghĩ lại Lợi thấy bật cười. Anh nhớ lại lúc vô thấu trung tâm vị trí thì trời đã sáng. Điều làm anh ngạc nhiên nhất là không thấy một lô cốt nào. Cũng không có tên lính tuần tra nào. Cái chòi gác chót vót trên hướng đông bắc thỉnh thoảng lại quét một vệt chổi sáng. Vài ngọn đèn mắc chơ vơ quanh một mái nhà lợp tôn. Ngó quang cảnh ấy, Lợi cứ ngỡ như mình đứng giữa một công trường đang thời kỳ phát quang mặt bằng. Lợi chợt nghĩ, hay là công trường thiệt? Một là chúng nó mắc điện để làm đêm, hai là nghi binh kẻo sợ pháo ta tập kích trúng trung tâm chỉ huy cứ điểm. Vậy trung tâm chỉ huy ở đâu? Anh tự đặt giả thiết, có lẽ nó ở phía sau cái chòi gác kia.
Nghĩ vậy, Lợi trườn người tới sát mái nhà tôn. Phải vòng qua phía sau mới có cửa. Chui vô được trong nhà anh mới đứng sững ra. Thì ra nhà ăn!
Lẽ ra lúc đó nên rút nhanh ra ngoài thì anh lại nghĩ không biết cuốn sổ chấm cơm để chỗ nào? ấy là cái ngây ngô thứ hai Lợi mắc phải. Anh cứ nghĩ đã là nhà ăn tập thể thì dứt khoát phải có sổ chấm cơm. Rứa là Lợi mò đến cái buồng được đóng kín đầu hồi nhà. Cửa bằng tôn khóa chặt. Lợi đoán chắc là phòng thằng quản lý. Cửa khóa bên ngoài có nghĩa là hắn không có ở trong. Anh chui ra ngoài nhà, bấu vô một cột sắt mà trèo lên mái. Anh bò như một con thạch sùng tới đầu nóc nhà, nghiến răng cạy mãi mới bật được một miếng gỗ ép che phía trong nóc. Lợi thở ra rất dài cho hơi xẹp hết rồi ép người trườn qua khe hở. Hai chân anh vừa thả xuống đã chạm ngay những bì bằng ni - lông. Mùi gạo bốc lên hâm hấp. Kho gạo rồi! Lợi định đu người chui ra thì bỗng nghe bên ngoài một giọng nói của người xứ trong, eo éo:
- Chui cha, gọi thằng Đầm lên lửa chớ... Muộn mẹ rồi!
Lợi cố nín thở, lần từng bước rất khẽ vô cái gốc sát phòng ăn, áp tai lên thành tôn, nghe. Tiếng dép kéo loạc xoạc. Tiếng ngáp kéo dài. Mấy thằng gọi nhau í ới. "Rứa là bị tống giam rồi". Lợi nghĩ vậy và lặng lẽ bê lên một bao gạo, cố tạo một lỗ vừa đủ để người lọt xuống. Rồi anh chuồi tay kéo một bao đặt qua đầu. Lợi vẫn thấy không an tâm. "Một bao đặt trên đầu mỏng quá, lỡ có thằng nào đến lấy gạo thì răng?". Anh đẩy bì gạo ra, chống tay trườn lên. Đoạn anh kéo thêm ba bao nữa xếp chênh vênh trên miệng hố. Lợi đỡ lấy cái "nắp" ấy và thả người xuống. Ba bao gạo sập theo. Chừ thì yên trí to. Chỗ anh nằm tuy sát phòng ăn nhưng lại xa cửa. Chỉ trừ nó kiểm kho chứ không đứa nào mò vô tới gốc này lôi gạo.
Những phán đoán đầu tiên của Lợi tuy có ngây ngô nhưng cũng có phần đúng. Mặt phía tây của Dốc Miếu là một công trường đang thi công. Câu chuyện trong các bữa ăn để lộ cho Lợi biết bọn này đang san mặt bằng cho một bãi trực thăng hạ cánh. Nhưng đó chỉ là công việc trên mặt đất. Mọi sinh hoạt của bọn lính đều ở dưới hầm. Qua những câu chưởi tục của mấy thằng không chịu được nóng, anh đoán hầm chúng nó xây xi - măng khá vững chắc. Công trường được thi công bằng cơ giới. Tiếng máy húc nghiến rầm rầm mặt đồi. Nhưng khoảng năm giờ chiều thì máy húc kéo về phía đông. Có thể chúng tập trung ở Sở chỉ huy mà cũng có khi xuống dưới những làng cận đó.
Buổi tối ở đây khá yên tĩnh. Sau khi nhai ngấu nghiến một vốc gạo sống, Lợi có thể nhắm mắt ngủ một giấc thật say. Nhưng rồi Lợi không thể ngủ được. Phần vì khát, phần vì lo. Anh choàng dậy dùng đầu đội những bì gạo qua một bên rồi đu người lên. Anh đứng thẳng, vươn vai, vặn lưng răng rắc. Rồi Lợi lần tới cuối nóc nhà, mò tìm chỗ tấm gỗ ép bị dỡ, đu người lên chui ra ngoài. Anh nằm dán xuống mặt tôn nghe ngóng. Hơi lạnh ngấm qua da mặt mát thấu ruột gan. Lợi bấu cột sắt tuột xuống. Chưa bao giờ anh thấy sung sướng được hít thở thoải mái như lúc đó. Anh lần tới cuối nhà ăn tìm chiếc rô-bi-nê nước, lật nghiêng xuống tu một hơi dài. Đã cơn khát. Bấy giờ Lợi mới tính chuyện đi mò các cửa hầm...
... Suốt đêm qua Lợi mò được tám miệng hầm. Qua những câu hò hét của bọn lính gọi nhau trong các bữa cơm, anh thầm đoán chúng nó ở tới mười chiếc hầm. Vậy thì còn hai cửa nữa. Hoặc nếu hơn thì cũng chỉ ba, bốn chiếc nữa là cùng. Nhưng trời đã sắp sáng không thể lẩn quẩn mãi trên mặt đất. Ra ư? Một là không kịp, rất dễ mắc kẹt giữa hàng rào. Hai là chưa kiểm tra hết các cửa hầm. Một lần vô lần khó. Thế là Lợi quyết định ở lại...
Lại thêm một ngày chôn chân trong ruột địch. Cái khó chịu trong tư thế bị chèn bốn mặt khiến anh cáu kỉnh. Nhưng cáu kỉnh có ích chi. "Tài liệu" chỉ có thể moi được qua các bữa ăn, ăn rồi chúng nó chuồn hết. Nhà kho lại yên tĩnh. Lợi mệt mõi nhắm mắt, cố ngủ một tí cho đỡ sốt ruột.
Nhưng nào có ngủ được. Anh tự tranh luận một mình. "Sân bay trực thăng răng to dữ vậy? Hay sân bay dân dụng? Phản lực? Nhưng không! Sân bay dân dụng hay phản lực thì phải có đường băng chứ? Hay là mới làm, chưa đến giai đoạn rải đường băng? Nhưng răng mấy thằng lính lại kháo nhau, sắp hoàn thành công trình, chuẩn bị được nghĩ phép?..." Bực nhất là cái nhà ăn này chỉ toàn có lính. Giả sử có thằng sĩ quan nói chuyện chắc chắn sẽ dễ phán đoán hơn. Lợi khẽ cựa mình. Mấy hạt cám lại sộc vô mũi. Lợi cố khịt ra và thầm rủa những thằng sĩ quan không chịu bén mảng tới nhà ăn này...
Bỗng Lợi mở trừng mắt, cố xoay người lại. Có tiếng xầm xì ồm ồm nghe rất lạ tai. Tiếng nói mỗi lúc mỗi to dần, nhưng, lạ quá, anh không nhận ra một câu chi hết. Phải một lúc khá lâu anh mới hiểu ra, cái tên ấy không phải nói bằng tiếng Việt.
Trời ơi!... Thằng Mỹ rồi! Người Lợi rân rân như có kiến đốt. Tiếc quá, răng hồi ở trường mình không chịu học tiếng Anh? Cái thứ tiếng cụt lủn ấy, Lợi vốn chúa ghét. Chừ mới thấy cần quá!
Giọng nói ồm ồm đã áp sát vô thành tôn chỗ Lợi nằm. Có giọng người thỏ thẻ bên cạnh. Đúng là tiếng phiên dịch rồi! Tổ cha cái con phiên dịch răng mà nói bé rứa! Lợi cố căng tai vẫn không nghe nổi. Bất ngờ một giọng đàn ông khác, coi bộ đã lớn tuổi, cất lên khàn khàn:
- Thưa thiếu tá, sân bay hoàn thành sớm hơn thời gian qui định. Tôi nghĩ rằng những cuộc hành quân có thể được bắt đầu sớm hơn ạ...
Lại cái giọng thỏ thẻ rồi cái giọng ồm ồm... Lợi nghĩ nhanh, chắc chắn chúng nó chuẩn bị càn ở đâu đó...
- Dạ vâng!... Quê nội tôi ở ngoài đó. Dạ, làng ấy xưa gọi là Thủy Ba.
Lợi giật mình Thằng cha đó quê Vĩnh Linh? Tổ mạ nó chớ, đã chuồn vô đây mà còn dám nhắc tới quê hương.
Những tiếng ồm ồm, thỏ thẻ, khàn khàn cứ nối nhau rề rà bên ngoài tấm tôn. Lợi thấy ngứa rân cả người. Không có cách chi để nhòm được mặt thằng Mỹ? Từ ngày cả nước đánh Mỹ, mấy tiếng "giặc Mỹ xâm lược" như những mũi khoan xoáy vô óc từng người. Nhưng Lợi chưa được trông tận mắt cái thằng đế quốc đó. Ngoài miền Bắc cũng đã nhiều nơi bắt được giặc lái, nhưng coi ảnh bất quá coi phim, đọc sách. Nào ngờ hôm nay anh lại ngồi sát nó, cách nhau chưa tới tầm tay. Ước chi nhảy ra được mà túm ghì lấy cổ nó, mà thụi tơi bời vô cái lỗ đang phát ra những tiếng ồ ồ khát máu kia. "Anh Quyền ơi! Kẻ giết anh đang đứng cạnh em đây! Phải chi nhảy ra được, dù có đổi mạng em cũng quyết trả thù cho anh..."
- Dạ thưa thiếu tá, chúng tôi sẽ cố gắng - Cái giọng khàn khàn đang nghiến từng chữ - Phải cho bọn Cộng sản Bắc Việt hiểu thế nào là sức mạnh của đồng minh. Dạ, thiếu tá cứ tin tưởng. Chiến dịch Bắc tiến nhất định sẽ thành công, biên giới của Huê Kỳ nhất định sẽ vượt khỏi vĩ tuyến 17.
Lợi run bắn người! Thì ra chúng nó đang bàn mưu "Bắc tiến". Hóa ra sân bay này là nơi tập kết quân, hèn chi to vậy. Ghê gớm thiệt! Cái thằng nào tự xưng là dân Vĩnh Linh đó, hãy nhớ lấy những lời bán nước vừa rồi nghe!
Lợi cố ép ngực vô thành bao gạo để ghìm cơn tức giận. Tiếng xầm xì đã lùi ra xa rồi mất hẳn, Lợi sốt ruột chờ trời tối.
*
Thái đứng như chôn chân giữa một vòng người đầu cúi xuống như tự nhận thấy mình có lỗi. Rừng tắt gió. Những thân trồi mọc thẳng, lá rũ dày như ô che. Chính trị viên Lịch cất mũ. Đại đội trưởng Quý cũng cất mũ. Cả đại đội cùng làm theo. Các khóe mắt đỏ nọc. Đây là lần thứ hai đại đội trinh sát làm lễ truy điệu.
Lịch nắm trong tay hai mảnh giấy nhỏ. Anh bước ra trước hàng quân, giọng nghẹn lại:
- Đây là thư của cơ sở báo về sự hi sinh của đồng chí Lợi. Còn đây là những dòng chữ cuối cùng đồng chí Lợi gửi lại. Có thế này thôi...
Lịch ngừng lại nuốt ực một cái, nói tiếp:
- Chi tiết vế sự hi sinh của Lợi cho đến chừ vẫn chưa xác định được. Nhưng tinh thần, ý chí của đồng chí Lợi mãi mãi giục chúng ta xông lên trên mọi hi sinh tổn thất. Hãy trả thù cho đồng chí Lợi! Hãy trả thù cho tất cả các đồng chí của chúng ta đã ngã xuống. Hãy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao. Đại đội tiến lên!
Bài điếu văn không soạn trước của chính trị viên vỏn vẹn có vậy,
Đại đội giải tán về vị trí, gấp rút chuẩn bị thủ pháo.
Cuộc họp cấp ủy, chỉ huy bị bỏ dở lúc nãy, lại tiếp tục.
Vừa ngồi vào vị trí Khang đã phát biểu ngay:
- Tôi xin được tiếp tục trình bày ý kiến của mình.
- Khang cố hạ giọng cho thật đằm thắm. Sự hi sinh của đồng chí Lợi, theo tôi nghĩ, nó vừa là sự tổn thất đáng tiếc về lực lượng, vừa là sự chứng minh hùng hồn cho những gì tôi đã phân tích. Thẳng thắn mà nói, tôi thấy trong tác phong lãnh đạo, chỉ huy của chúng ta còn quá xuề xòa, đại khái. Kinh nghiệm những đơn vị tiên tiến cho thấy rằng, trong giáo dục, rèn luyện mà không nghiêm túc thì trong chiến đấu khó mà hoàn thành nhiệm vụ.
- Trúng!
Đại đội trưởng Quí bất ngờ buông thõng một tiếng rồi vẫn cúi gằm đầu vô cuốn sổ công tác hí hoáy vẽ, xóa. Những mũi tên chỉ hướng đột kích đang làm cho anh đau đầu. Còn Lịch thì vẫn ngồi im, nghe chăm chú đến mức tưởng như đang bị Khang thôi miên. Vũ Nam Khang càng nói giọng anh càng cao lên:
- Chung qui lại, nó ở cái trình độ. Từ trình độ mà đẻ ra hết thảy, xuề xòa, lơi lỏng, tùy tiện, độc đoán, chuyên quyền...
Đại đội trưởng Quí bất ngờ ngẩng lên:
- Cậu bảo độc đoán, chuyên quyền như thế nào?
- Cái này... nó tế nhị lắm. Nhiều khi chỉ là cái ý cái tứ thôi. Nhưng thú thật rất khó làm việc.
- Nói như thế chung chung quá! - Quí thả cuốn sổ xuống nhìn găm vô Khang - Tôi thấy ông cứ nói toạc ra. ở đây ta chỉ có ba người. Ai độc đoán, ai chuyên quyền? Ví dụ như việc a, việc bê, vân vân. Sai đâu sửa đó. Nhiệm vụ tới đít rồi, không lo mà bàn cách đánh, cứ ngồi vặn vẹo nhau mệt lắm.
Lịch gật đầu đồng tình:
- Thế này này... ở đây ta chưa có đại đội phó, vậy anh Quý một mình làm công tác quân sự, tôi chắc là không cấn cái với ai. Chỉ còn có tôi với anh Khang cứ nói thẳng, cấn cái như thế nào?...
Vũ Nam Khang bậm chặt môi. Sau vài giây đắn đo Khang bất ngờ vung tay, nhổm người lên y như có ai đang cãi nhau với mình:
- Đúng, thì tôi cứ noi toạc ra. Tính tôi nó thẳng vậy, ai ghét thì ghét, ai giận thì giận. Tôi không ở "Xê" này thì xin trên cho đi "xê" khác. Trước đây tôi đã ở nhiều "xê", dù sao tôi cũng có chút kinh nghiệm...
Cứ thế, Khang lại nói về những "quan điểm", những "kinh nghiệm"... Mặc dù tuyên bố là "nói thẳng", rốt cuộc vấn đề vẫn búi xùi một cục, chẳng ai nhận ra được một điều gì rõ ràng. Sau một chầu nói như xả hơi, anh bắt đầu "tóm lại":
- Chung qui nó vẫn là cái trình độ. Tôi thấy nó vẫn còn nhiều cái cấn cái. Mà nếu cứ cấn cái như vậy làm sao có sức mạnh được. Lê - nin từng nói: "Kỷ luật của quân đội cách mạng phải xây dựng trên nguyên tắc tập trung, dân chủ..."
Quí lại buông sổ xuống, thở dài:
- Hình như ông Lê - nin không nói câu ấy đâu. Hoặc là nói thế nào kia. Hôm nọ cậu đã dẫn chứng một lần rồi nhưng nguyên văn nó khác kia mà?...
Khang chưng hửng, đỏ gay mặt.
Lịch cười hề hề để xoa dịu:
- Tôi cũng chẳng nhớ là ông Lê - nin có nói vậy không. Nhưng tôi thừa nhận câu ấy là một nguyên tắc. Còn cái vấn đề chủ chốt mà anh Khang nêu ra, theo tôi cũng đúng. Rõ ràng trình độ tôi có hạn. Thiệt lòng mà nói, tôi còn kém nhiều mặt lắm. Chỉ tiếc một điều là chưa có điều kiện để học cho tới nơi tới chốn. Chừ vừa đánh giặc, vừa học. Sau ni thắng Mỹ rồi, càng phải học nữa. Anh Khang nói rất đúng, phải xây dựng quận đội thiệt chính qui. Cứ lùi xùi kiểu như ta thì gay lắm. Còn hiện tại, tôi nghĩ thế này này... Những chi lâu ni tôi có thiếu sót, các đồng chí cứ nói hết ra ta rút kinh nghiệm. Từ ni về sau cũng vậy. Đặc biệt là với anh Khang, người được học hành chính qui lại cùng làm một công tác, anh phải giúp đỡ tôi nhiều mới được. Chúng mình đừng mặc cảm với nhau. Đừng quay lưng lại với nhau, phải quay mặt lại, ngó vô nhau, nghe nhau nói. Tôi chỉ nghĩ có thế này thôi, chỉ có thương nhau hết lòng thì mới có sức mạnh. Cùng cán bộ với nhau mà không hết lòng thì làm răng hết lòng với bộ đội được? Mà đã không hết lòng vì chiến sĩ thì hỏi thử làm răng lại hết lòng vì Tổ quốc, nhân dân? Thật đáng xấu hổ biết mấy khi Tổ quốc cần ta một sự dốc lòng dốc sức mà ta có người cứ khư khư giữ riêng những miếng võ để thủ thế với đời. Đó, tóm lại là vậy, không hiểu ý các anh thế nào?
Cuộc họp đột nhiên ngưng lặng. Thường là vậy, Lịch tuy hề hề nhưng khi đã chốt lại vấn đề thì như đinh đóng cột. Quí liếc qua Khang rồi cúi xuống tủm tỉm cười với cuốn sổ tay.
Bỗng từ phía suối có mấy tiếng reo hò làm cả ba đều phải ngoảnh lại. Tiếng lao xao dậy lên như có bầy ong mật bay qua. Một thanh niên bận quần cộc, đầu không mũ, vai quàng tấm dù hoa, bước đi xiêu vẹo. Đằng sau là đám chiến sĩ đại đội bám theo.
Đại đội trưởng Quí kêu lên đầu tiên:
- Trời đất ông bà ơi! Thằng Lợi!
Lịch tròn mắt ra như người chết đứng. Mặt Lợi tái mét, môi khô nứt nhưng vẫn cố nhỏen một nụ cười mệt mỏi.
Cả đại đội xúm chật quanh Lợi. Tiếng hỏi lao nhao, tất cả, kể cả ban chỉ huy đều như quên mất qui định giữ bí mật vị trí đóng quân. Lợi không thể trả lời hết bao nhiêu câu hỏi trung lặp nhau. Anh cười dè dặt, gật đầu, lắc đầu lia lịa. Thái là người chạy đến sau cùng. Có phần do anh vốn chậm chân hơn đồng đội, nhưng chủ yếu là bởi Thái quá sững sờ không tin nổi vô mắt mình nữa. Anh nhào đến ôm vắt lấy vai Lợi, rồi không hiểu sao anh bống sụt sịt, cắm cả hai hàm răng lên vai Lợi khiến Lợi phải hét tướng lên. Hai người buông tay nhau, Thái quay lại xịt mũi.
Chính trị viên Lịch chụp bàn tay như một cái nơm lên vai Lợi lắc mạnh. Lợi chợt nhớ đến trách nhiệm của mình phải báo cáo, anh ngồi xoài xuống đất, dùng tay cào sạch đám lá khô, tay kia bẻ luôn cành cây bên cạnh làm bút. Anh bắt đầu vẽ. Đám đông bỗng nín lặng, hồi hộp. Những nét vẽ rạch ròi, tỉ mỉ. Toàn bộ hệ thống phòng thủ bề mặt và bề sâu của hướng tây cứ điểm lộ dần ra. Giọng Lợi khản đi vì thiếu ngủ:
- Nếu đánh bằng chiến thuật mật tập thì theo tôi chúng ta có thể tiền nhập bằng ba hướng - Lợi vạch vạch ba mũi tên - Lực lượng phía tây này tuy không đông nhưng lối ở dích dắc này rất nguy hiểm. Nếu khi bộc phá lệnh nổ mà các mũi chưa bám được mục tiêu thì rất dễ bị hỏa lực xỏ sườn. Theo tôi, do lối bố trí hỏa lực ngầm này mà khả năng đánh cường tập rất hạn chế. Còn nếu cực chẳng đã mà phải cường tập thì nên thọc vô hướng này... ở đây chỉ có hai hầm của bọn công binh...
Lợi ngừng lại. Anh ngước nhìn đại đội trưởng thăm dò. Đại đội trưởng Quí bất ngờ đứng phắt dậy chạy tới võng của mình lục tìm một cái gì đó. Khang bước lên sát Lợi, cầm lấy tay anh bóp rất chặt:
- Những ngày vừa rồi đồng chí ở đâu?
- Báo cáo, tôi ở ngay trong vị trí.
Cặp lông mày cong như nét vẽ khẽ dướn lên:
- Ở chỗ nào?
- Báo cáo, ban ngày trong kho gạo, ban đêm ra thực địa - Lợi chuyển ánh mắt về phía Lịch - Chính trị viên ạ, tôi có nghe được câu chuyện của một thằng cố vấn Mỹ và một tên sĩ quan ngụy. Chúng nó xây dựng bãi đổ bộ trực thăng này nhằm tập kết quân để đánh ra miền Bắc. Hình như kế hoạch sẽ tiến hành sớm hơn dự định. Tôi đề nghị báo cáo gấp chi tiết này lên trên.
Lịch choàng tay ôm ghì Lợi vô sát ngực mình:
- Cái đó thì trên biết rồi. Vì rứa mà trên giục ta phải đánh gấp đó, chú mi hiểu không?
Đại đội trưởng Quí chạy lại với một tấm bản đồ bọc ni - lông:
- Cậu xem cái này... chỗ nào thằng địch đã thay đổi thì đánh dấu giúp mình.
Mấy cái đầu thụp xuống. Bỗng có tiếng gọi đằng sau:
- Thủ trưởng Quí!...
Quí quay lại. Đồng chí liên lạc tiểu đoàn đang đứng nghiêm:
- Mời thủ trưởng lên chỗ tiểu đoàn gặp tham mưu trưởng Bộ tư lệnh!
Quí gật đầu rồi đẩy tấm bản đồ về phía Lợi:
- Cậu giữ lấy, dò lại hộ mình - Anh quay ra đám chiến sĩ phía sau nói nghiêm khắc - Thôi, các vị đi chỗ khác cho. Từ giờ tới lúc tôi quay về không được ai hỏi han gì đồng chí Lợi cả, rõ chưa?
- Rõ ạ!
Các chiến sĩ tản ra, xầm xì quanh các gốc cây.
Gần một tiếng sau, Quí trở về. Anh lao sầm tới chỗ võng của Lịch:
- Anh Lịch ơi, ta hội ý chỉ huy! Có nhiệm vụ mới.
Lịch và Khang cũng đứng phắt dậy. Quí gọi to xuống suối:
- Trực ban đâu? Lệnh báo động, hành quân!
Cả khu rừng xao xác như trở gió. Quí hằm hằm trong trạng thái bực tức, anh quay sang Lịch:
- Kỳ cục quá! Chưa kịp hoàn thành sơ đồ cứ điểm Dốc Miếu thì đã thay đổi nhiệm vụ rồi.
Lịch chồm tới:
- Răng? Thay đổi à?
- Ừ. Đại đội hành quân len Cùa(1). Ở đó có bốn tên ác ôn. Không hiểu chúng nó là cái chó gì mà phải diệt sớm thế. Theo mình thì cứ kệ mẹ nó đã chứ, cho nó sống thêm vài buổi nữa đã sao? Diệt xong Dốc Miếu rồi lên vặn cổ nó cũng chưa muộn, đúng không?
Không ai trả lời anh. Cả đại đội chưng hửng. Cơn gió vừa rào lên lại tắt lịm đi. Cây bút chì trên tay Lợi tuột xuống, anh thở dài:
- Rứa là trượt "cú" Dốc Miếu rồi! Số kiếp thiệt!
Bỗng Lợi chồm dậy, nhào đến bên Qúi:
- Báo cáo đại đội trưởng, sân bay đỗ quân chúng đã xây xong. Nếu ta không đánh thì nhất định chúng sẽ đánh ra Vĩnh Linh. Chẳng lẽ trên không tin những tài liệu tôi ư?
Quí nói chầm chậm:
- Mình có báo cáo hết những gì cậu trình bày. Tham mưu trưởng và chính ủy nghe rất chăm chú. Nhưng rồi các ông ấy vẫn bảo: "Cứ cho bộ đội hành quân gấp lên Cùa. Mình sẽ gặp cậu Lợi sau..."
Lợi ngồi phịch xuống đât, giọng anh tắc lại:
- Muộn rồi các thủ trưởng ơi!... Nó sẽ đánh ra Vĩnh Linh trước mình cho coi...
CHƯƠNG MƯỜI HAI
Đúng vào cái buổi sáng Lợi về tới đơn vị thì ở ấp An Nha đã xảy ra một sự kiện lạ lùng.
8 giờ 15 phút sáng, tiếng mõ bỗng dậy lên huyên náo. Tiếng loa nhồm nhoàm chĩa vô từng khu nhà.
- Già trẻ lớn bé, tất tất phải tập trung lên trụ sở. Các nhân khẩu đi theo hộ, các hộ đi theo "liên gia". Không được một ai vắng mặt. Người nào ốm liệt giường phải báo gấp cho "liên gia trưởng" để cho người khiêng cáng... A lô! A lô!
Đúng là một lệnh tập trung kì quặc chưa từng có!
Chừng hơn một tiếng sau người ta lục tục kéo tới trụ sở. Lá cờ ba sọc ngơ ngác bay trước những con mắt thoảng thốt lo âu. Đám con nít được dịp nhảy hò tung tóe. Bọn lính "bảo an" không hiểu kéo về từ lúc nào mặt mày căng thẳng, phờ phạc coi bộ mất ngủ suốt đêm. "Biệt - chính - quân" tập họp một phía. Bảo an rải đi từng khu nhà. Trước cổng ấp và xung quanh hàng rào lố nhố mũ nhọn và áp rằn ri của bọn "cộng hòa". Xã trưởng chạy loắt choắt nhắc nhở.
Hai chiếc xe dép cũng xoẹt đến và rú két ở cổng. Bốn người cùng bước xuống.
Người ta nhận ra vị cố vấn Mỹ đi đầu. Vị cố vấn này có bộ ria màu râu ngô vòng quặt xuống gần quai hàm. Tên vị này là Hăm - prây. Vị đã từng về ấp này gần chục lần nên ai cũng nhớ tên, nhớ mặt. Người thứ hai là một cô phiên dịch, tóc "thề" bỏ đôi mái tạo nên hai đường cạnh của một hình tam giác mà trục vuông gốc là cái sống mũi cao lốm đốm nốt rỗ và cạnh đáy là cặp môi đỏ chót nhoang nhoáng màu son tươi. Gần mười lần vị cố vấn về đây thì cũng non mười lần cô phiên dịch có mặt. Hai người cặp kè như đít với đuôi.
Người thứ ba đi sau lưng cô gái là một gã chừng trên bốn mươi tuổi. Ngực gã lép, tóc chải ốp về sau, mặt chằng chịt vết nhăn và đen sạm. Gã là phó tỉnh trưởng Quảng Trị. Ở ấp này trẻ con biết gã nhiều hơn người lớn vì gã hay đến thăm các trường. Đặc biệt sau lần có một bãi cứt được gói trong lá chuối ném qua cửa sổ ông hiệu trưởng thì gã mò đến và ở lì trong trường bốn ngày. Sau lần viếng thăm dài hạn đó, sáu em bị béo tai kéo lên ô tô bịt kín chạy về Đông Hà. Tối đó sáu bậc cha mẹ của các em được mời lên trụ sở rồi đi luôn trong đêm về tỉnh. Nghe nói cha mẹ, con cái được đoàn tụ ở cái nhà lao mãi đâu trong Huế(!) Vì lẽ đó nên tuy cái gã ngực lép này về ấp ít mà vẫn nổi tiếng, được người ta nhớ dai.
Người đi cuối cùng là một thanh niên hoàn toàn mới lạ. Trước hết anh ta lạ là vì chưa một lần nào về ấp. Thứ nữa, anh lạ vì mái tóc cắt gọn gàng, ria mép cạo nhẵn. Cộng thêm chiếc áo sơ-mi-vét không chẽn lưng. Khuôn mặt hồng hào sáng sủa, đội mắt hơi dài khá cân xứng với chiếc miệng tròn luôn luôn chúm chím.
Có người đoán anh ta là một sĩ quan mới tốt nghiệp võ bị Đà Lạt. Có người lại cho anh ta là một sinh viên mới ở Pa-ri hoặc Nữu-ước về? Nhưng cách ăn vận giản dị kia hoàn toàn xa xôi với những "mốt" Mĩ, "mốt" Pháp tân thời! Anh ta đi rất nhanh. Nơi anh ta bước tới đầu tiên không phải là cái thềm xi- măng cao gần nữa thước của hiên nhà trụ sở. Anh bước đến chỗ đám con nít đang tròn mắt ngó đoàn quí khách. Anh cười rất tươi và cho tay vô túi xách lôi ra một gói kẹo. Kẹo bột bình thường vẫn bán ở chợ chứ không phải kẹo dẻo của Mỹ. Anh đếm kẹo nhanh và chia rất công bằng. Thoạt đầu thì đám trẻ không dám lấy. Chúng nó đều liếc mắt về hướng cha mẹ. Nhưng rồi cái nụ cười trên môi anh ta tươi quá, dịu hiền quá nên mấy thằng con trai ngổ ngáo nhất đã bắt đầu thò tay ra. Rồi mấy đứa nhút nhát hơn cũng nhít tới gần. Cuối cùng cả đám con nít vây lấy anh ta, nheo nhéo. Nhiều bàn tay nhuộm đầy đất đỏ, bíu lấy đuôi áo xanh màu da trời của anh mà giật., vệt đất hằn nguyên dấu ngón tay. Anh không hề nhăn mặt chỉ hơi khẽ lắc đầu rồi đưa một ngón tay lên búng rất khẽ chỗ bẩn. Có tiếng gọi của gã ngực lép, anh ta chạy lên. Bọn trẻ đuổi theo. Nhưng đến gần cái thềm xi- măng thì chúng nó dừng hết lại. Anh ta đã nhập vô trong đoàn quí khách nhưng vẫn quay đầu lại, đưa bàn tay mập mạp vẫy vẫy chúng nó.
"Bắt đầu vô lớp tuồng chi rồi đây?". Mẹ Xướng thầm nghĩ vậy và thấy ruột gan cồn cào. Mẹ thò tay ra sau túm lấy bàn tay nóng hôi hổi của Hoan cấu mạnh một cái. Hoan hiểu ý gật gật đầu.
Vị cố vấn ghé tai rầm rì với gã ngực lép. Gã lại rầm rì với xã trưởng. Xã trưởng gật mạnh đầu một cái như bửa củi rồi cái hình loắt choắt của y dướn về phía dân chúng.
- Thưa cô bác!... Tôi được phép thượng cấp loan báo cho cô bác một tin cực kì nghiêm trọng. - Y hắng giọng một cái rồi liếc mắt nhanh qua vị cố vấn. Đoạn y nói tiếp giọng cao vọt lên - Hiện nay một tiểu đoàn quân Bắc Việt đang áp sát vô ấp ta, đe dọa nghiêm trọng tính mạng của cô bác chúng ta. Tiểu đoàn ni toàn là bọn thanh niên Vĩnh Linh. Vì cùng một tiếng nói, cùng một thổ âm nên chúng mạo danh là bộ đội huyện Cam Lộ. Thực ra chúng là bọn miền Bắc xâm lược! Chúng rắp tâm khủng bố, thôn tính Quảng Trị chúng ta. Chúng ngang nhiên phá hoại hiệp định Giơ-ne-vơ, xâm lấn nam giới tuyến, thực hiện mưu đồ của Cộng sản miền Bắc xâm lược Việt Nam Cộng hòa...
Xã trưởng lại hắng giọng. Tuy mới nói có mấy câu nhưng mồ hôi hắn đã lăn giọt trên má. Cũng có thể vì xúc động trước nguy cơ sắp bị "xâm lược", hoặc là vì phải diễn thuyết trước ngài cỉ vín, ngài phê tỉnh trưịng nên cái thân hình loắt choắt kia tự nhiên run lên khập khậy. Giọng lập bập như người nói lắp:
- Tuy... diên, chúng ta quyết không s... ờ... sợ! Quân lực Việt Nam Cộng hòa và đồng minh Hơ... Hoa Kì sẽ có nhiều biện pháp hữu hiệu để chặn đứng cuồng vọng này của cộng sản miền Bắc. Không những chặn chúng ở đây mà sẽ trừng trị chúng ngay trên đất Bắc. Rồi cô bác sẽ thấy! Bắc cộng sẽ phải gánh chịu những thảm họa ghê gớm. Miền Bắc nhất định sẽ lùi về thời đồ đá. Vĩnh Linh, tên xung kích của Bắc cộng nhất định sẽ bị san bằng.
Xã trưởng ngưng lại, trút một hơi thở cho xẹp bớt sự căng thẳng, giọng y hạ xuống theo chiều xúc động:
- Tuy... diên, công cuộc diệt cộng không phải chỉ dành riêng cho quân lực. Chúng ta đã từng nê... nêu... khẩu hiệu: "Muốn ấm no phải lo diệt cộng"... Trước tình hình ngu... nguy ngập này, chánh phủ và các giới hữu trách kêu gọi cô bác đồng lòng, đồng sức ủng hộ công cuộc diệt cộng của Quốc gia. Cụ thể, ngay chừ, tại đây, cô bác có thể nói ra, ai đã trông thấy bộ đội Bắc Việt. Trong nhà ai hiện có đặc công, trinh sát của bộ đội Vĩnh Linh? Cô bác đừng ngại! Mỗi khi đã tự mình nói ra thì không những không bị khiển trách mà còn được hậu đãi. Còn không, nếu bị phát giác thì các gia đình có chứa chấp sẽ phải gánh chịu trọng tội với Quốc gia. Hiện chừ khắp các nhà đều có lực lượng khám xét. Sớm muộn cũng sẽ phát hiện ra hầm bí mật thôi. Chi bằng ở đây cô bác tự nói ra, đổi tội lấy công. Đó là thái độ thức thời nhứt...
Cả đám đông ngồi im thin thít. Khó mà đóan được họ lo lắng hay khiếp sợ, hoặc đang khinh bỉ bỏ ngoài tai những lời hăm dọa đó.
Riêng Mẹ Xướng thì lo ngại thực sự. Tuy nhà mẹ hiện chừ không có ai, nhưng nếu chúng tìm ra hầm bí mật thì cũng không ổn chút nào. Hầm còn ấm hơi người, lại thêm que hương, chén nước... Biết chối vô đằng nào! Mẹ đưa một miếng trầu vô miệng nhai chậm chạp. Cố giữ vẻ mặt thờ ơ.
Nắng đã gay gắt. Đám con nít bồng trên tay bắt đầu léo nhéo khóc. Xã trưởng vẫn cố lấy giọng thật cao gào xuống:
- Nói đi! Cô bác nói thiệt đi!... Đừng sợ. Nào? Ai tự nguyện? Nói đi chứ! Nhà mụ kia có không? Không ha? Chắc chứ? Khám thấy thì răng? Hừ, đù mạ! Chúng mày không chịu nói hả? Đù mạ...
Vị cố vấn ghé vô tai cô phiên dịch rầm rì một câu chi đó. Cô ta quay lại đập mạnh bàn tay móng đỏ lên vai xã trưởng và nói lí nhí. Xã trưởng lại gật mạnh đầu một cái như bổ củi rồi ưỡn người xuống phía dưới:
- Nghe đây! Chúng tôi đã biết chắc chắn, hiện có trính sát Bắc Việt trong ấp ni. Nhưng vì có kẻ cố tình giấu giếm cho nên nhà chức trách buộc phải có biện pháp. Chừ thì tất cả thứ tự đi ra cổng. Các "liên gia" phải kiểm tra chặt chẽ các hộ. Không ai được quay trở lại nhà. Tất cả tập trung về một vị trí mới. Ở đâu hả? Chưa cần biết. Tới đó sẽ đủ mọi tiện nghi vật dùng cũng như cơm nước. Tôi nhắc lại, không ai được quay về nhà.
Đám đông cùng ồ lên đồng loạt. Nhưng chưa ai kịp hỏi câu nào thì bọn bảo an đã ập tới. Những tiếng quát cộc lốc, lạo xạo:
- Đi!
- Đừng hỏi!
- Nhập "dô" hàng...
- Đếch biết! Đi là đi...
Đám người lốn nhốn đun đẩy nhau ra cổng. Người già càm ràm, con nít chi chóe kêu, bọn lính hầm hừ chửi tục.
Mẹ Xướng vẫn túm chặt lấy tay Hoan, đầu cúi gằm, kéo lê từng bước. Trong đầu mẹ những câu hỏi rối bời cứ xoắn xuýt lấy nhau.
*
Sau đó bốn hôm, tức là sáng 17-5-1966, đài tiếng nói Việt Nam truyền đi một mẫu tin nhỏ trong bản tin thời sự hàng ngày:
"Mấy ngày qua bộ đội địa phương và dân quân du kích Cam Lộ đã hoạt động sôi nổi, lập công kỉ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ. Tại Cam Chính, Cam Nghĩa du kích đã khởi nghĩa, bắt bọn ác ôn đền tội. Bộ đội địa phương đã tiêu diệt cứ điểm Đầu Mầu nằm trên trục đường 9..."
Đài BBC Luân Đôn thì đưa tin có vẻ "sành sỏi" hơn:
"Đã có những biểu hiện cho thấy Việt cộng gia tăng hoạt động quân sự ở bắc đường 9. Những nguồn tin thông thuộc cho biết, tiểu đoàn chủ lực Vĩnh Linh - Bắc Việt - Nay đang tràn ngập và làm chủ khu vực Cùa, tức hai huyện Cam Chính, Cam Nghĩa, phía tây Cam Lộ..."
Tối hôm đó, khoảng 8 giờ, tiểu đoàn 47 có lệnh tức tốc rời Cùa, hành quân bôn tập về Cam Lộ.
Tiếng lá khô gãy lạo xạo, tiếng truyền lệnh thì thầm, gấp gáp. Trong bóng tối, khu khe cạn, chỗ giấu quân của đại đội trinh sát bỗng râm ran như có trận mưa đỗ xuống. Chưa đầy mười phút, cả đội hình đã luồn ra khỏi lòng khe, bám theo những vệt củi mục lâpk lòe ánh lân tinh cài túi sau của ba lô cóc, chạy thình thịch trên con đường giao liên rậm rịt lá phủ tiến về hướng Cam Lộ.
Lệnh truyền ngược đoàn quân liên tục:
- Bám sát cự li!
- Nhanh lên!
- Nhanh nữa.
- Không được nói chuyện!
Nhưng không thể cầm nổi câu chuyện thì thào của lính.
- Tao bảo có sao đâu, đúng là nghi binh!
- Thôi, đừng có "tham mưu con" nữa...
- Không à! Tại sao vừa kéo lên trên ni được ba hôm lại hộc tốc kéo về?
- Im đi các tướng ơi! Để hơi mà vô Dốc Miếu...
Thái cố co chân chạy sát lưng Lợi:
- Nì... có phải về... đánh Dốc Miếu không?
- Ừ...
- Lần ni chắc đánh chứ?
- Chắc...
Lợi không dám ngoảnh lại vì sợ đứt mất ánh lân tinh phía trước. Anh cũng không để ý lắm đến những lời tranh cải gay gắt trong tiếng thở của những anh lính vốn mang tiếng lắm lời. Tâm trí của Lợi vẫn đang còn xao xuyến vì câu chuyện của người chính ủy lúc sang...
... Sáng nay, anh được tham mưu trưởng Bộ tư lệnh gọi lên báo cáo tình hình. Sau khi trình bày với Tham mưu trưởng xong, anh được đưa đến gặp một người thủ trưởng cao hơn. Ông ta ngồi trên một chiếc võng bạt, tóc lốm đốm bạc, dáng thanh thoát như một giáo sư đại học. Nghe tiểu đoàn trưởng báo cáo, Lợi biết đó là Chính ủy Bộ tư lệnh Vĩnh Linh đang vào trực tiếp nghiên cứu tình hình. Chính ủy nói tiếng Hà Nội. Ông cười đôn hậu và bắt tay Lợi rất chặt. Ông có một lối nói rất sư phạm:
- Nào, đồng chí thân mến! Hãy chịu khó kể lại từ đầu nhé!
Lợi kể lại từ đầu. Anh nói thủ thỉ, tự tin như đứa con tâm sư với bố. Chính ủy nhìn anh trìu mến. Thỉnh thoảng những tiếng "ừ" khe khẽ phát ra chứng tỏ rất hài lòng. Lợi trình bày xong, ông cầm tay Lợi kéo sát vào mình, nói chầm chậm:
- Khá lắm. Cám ơn đồng chí!
Rồi chính ủy nhìn Lợi rất lâu, đoạn ông bất ngờ đổi cách xưng hô
- Cháu có viết thư luôn cho bố không?
Giọng Lợi bỗng run run:
- Dạ... từ hôm vô tới chừ, cháu mới gửi được một lá. Nhưng vì đơn vị không có địa chỉ nên không nhận được thư trả lời.
Chính ủy lại "ừ" một tiếng, tỏ vẻ thông cảm rồi ông như cố nhớ lại một điều gì:
- Ông cụ vẫn khỏe.
- Chú biết bố cháu à?
- Có. Chú gặp ở Vĩnh Giang. à, chị Thảo đã sinh cháu trai, biết chưa? Chưa hả? Một thằng cu rất kháu. Đẻ dưới hầm nên ông cụ đặt tên là Nguyễn Hữu Hầm. Buồn cười thật!
Chính ủy cười, ánh mắt như trẻ ra. Bất giác Lợi ngồi sát lại cánh võng, sà người vô đầu gối chính ủy:
- Đợt ni ra, liệu thủ trưởng có gặp được bố tôi không?
- Chưa biết chắc. Nhưng nếu đồng chí cần thì tôi sẽ tìm gặp. Nào, muốn nhắn gì?
Lợi bỗng thấy lúng túng. Bao nhiêu điều muốn tâm sự, biết nói chi trước đây? Nhớ thương, lo lắng, động viên? Phút chốc Lợi cảm thấy mình già đi nhiều. Lần đầu tiên anh thấy tiếc những ngày sống bên bố. Răng ngần ấy năm mình chẳng nói lấy được một câu an ủi, không lo toan được một chút chi cho bố đỡ nhọc nhằn! Lợi thấy cay trong mắt. Anh ngước lên và bắt gặp cái nhìn của chính ủy. Anh nói lúng búng:
- Dạ... chú nói với bố cháu... cháu có nhiều lỗi với bố...
Chính ủy choàng tay ghì Lợi vào lòng. Giọng của chính ủy cũng run run như giọng bố:
- Phải cố gắng nhiều nữa, cháu ạ. Chúng ta phải luôn luôn xứng đáng với những người làm cha làm mẹ ở hậu phương...
Tiếng thì thầm đột ngột ngưng bặt. Cả đại đội đã ra khỏi rừng già bám theo mép đường Chín mà chạy. Trăng trải ra trước mặt mơ màng một màu sáng bạc. Những mái nhà tôn của xóm Minh Hương, nhà Doan lúp xúp thu mình hai bên đường như những tên ăn trộm đang rình mồi. Đại đội nín thở mà chạy. Càng gần tới đèo Cùa, gió từ thung lũng Cam Thanh thổi lên lồng lộng. Đoàn quân chạy âm thầm tự nguyện như có lời ước hẹn thầm kín rối rít gọi trong lòng.
*
Đại đội về tới Khe Me thì trời sáng bạch. Trợ lý tham mưu tiểu đoàn đã đợi sẵn từ lúc nào. Đó là một thanh niên gầy mảnh khảnh, đôi mắt hơi hiếng nhưng khá lanh lợi. Vừa trông thấy Quí, anh ta đã lao đến.
- Lại đây, mau lên! Nhiệm vụ thay đổi rồi.
Cả ban chỉ huy đại đội đều đứng sững ra. Anh trợ lý nhăn nhó vẻ thông cảm:
- Thế này này... Toàn bộ sa bàn hôm qua ta nghiên cứu chừ đã chuyển qua cho đặc công. Mặt trận quyết định dùng "thằng" đặc công đánh tung thâm. Bộ binh đánh cường tập vòng ngoài. Vì rứa mà đại đội các anh tạm chia ra năm mũi làm công tác dẫn đường cho năm đại đội bộ binh...
Quí gầm lên:
- Dễ nghe vậy các cụ! Trên định biến bọn này thành liên lẹc cả à?
Anh trợ lý cười nham nhở:
- Biết răng được. Mặt trận đã quyết định...
- Quyết quyết cái chi? Răng mặt trận không cử người xuống mà trinh sát lấy. Chừ người ta đã lập sơ đồ rồi thì đi hớt tay trên. Đây đếch nghe đâu...
Anh trợ lý nghiêm mặt:
- Cậu nói vậy sai rồi. Nhiệm vụ chung, thắng lợi chung, ai hớt tay trên ai?
Quí gân cổ lên, một sợi gân hằng căng từ quai hàm xuống tới yết hầu:
- Còn không à? Hóa ra bọn ni làm cho kẻ khác ăn ư?
Nói rồi Quí mặc kệ cho người trợ lý đang cố dang hai tay ra, anh quay lưng đi một mạch xuống bếp, miệng lầu bầu:
- Không cho đánh thì đây nghỉ. Ai muốn lập công thì mò lấy đường mà đi!
Người trợ lý nhăn mặt khổ sở. Anh ta quay sang phía Lịch như cầu cứu. Lịch đã ngồi bệt xuống gốc khộp tự bao giờ. Cổ anh khô đắng. Nói như Quí là sai, nhưng chính anh cũng đang uất ức. Tại sao mới đêm qua đến chừ mà lắm thay đổi đến vậy. Hay trên không tin đơn vị mình? Anh đưa mắt nhìn liếc cả đại đội lúc này đã tụm lại quanh gốc khộp. Họ đã nghe rõ mọi chuyện. Nhiều người đã ngồi thượt xuống đất trút cài những tiếng thở thất vọng. Thất vọng bao giờ cũng kèm theo sự mệt mỏi, chán chường. Nhiều chiến sĩ đã nằm dài trên lá khô, mắt lim dim chực ngủ.
"Không thể để cho bộ đội như thế này được".
Lịch đảo mắt tìm Khang. Nhưng Khang đang rửa mặt dưới suối. Anh ta kỳ cọ khá kỹ, xịt mũi, ngoáy tai. Con người ấy quả lúc nào cũng bình tĩnh!
Lịch đứng dậy tới gần trợ lý tiểu đoàn:
- Anh về báo cáo lại với trên, chúng tôi sẽ chấp hành đầy đủ mệnh lệnh.
Nói rồi Lịch quay nhanh đi để mặc cho người trợ lý cười miễn cưỡng như một kẻ có lỗi. Lịch nói vọng xuống suối:
- Mời chi bộ lên họp!
Chi bộ đại đội này chỉ có bảy người, họ đang đứng sẵn từ lúc nào quanh Lịch. Khang chầm chậm bước lên bờ suối, rũ rũ chiếc khăn mặt ngay ngắn trên một cành khô. Đoạn anh ngồi vô vị trí, tay lần mở cuốn sổ, cẩn thận và chính xác như một kế toán lành nghề.
Đại đội trưởng Quí lên cuối cùng. Anh uể oải nhai một mẫu lương khô, nuốt từng tí khó khăn.
Cuộc họp bắt đầu. Lịch nhắc lại nhiệm vụ mới tuy biết rằng ở đây mọi người đã nghe lúc nãy cả. Anh chờ một sự bùng dậy của đai đội trưởng, thậm chí có thể cả những câu tục tĩu văng ra. Nhưng khác hẳn lúc đầu, Quí chỉ ngồi im lặng. Hội nghị cũng im lặng. Lịch cố chờ một phút, hai phút, ba phút...
- Ý tôi thế này - Lịch bắt buộc phải nói tiếp - quan niện của chiến công không nên tính ai lời, ai lỗ. Ta có đóng góp phần nghiên cứu thực địa, cái đó trên đã đánh giá. Chừ đặc công đánh đó là nhiệm vụ của họ, ta dẫn đường là nhiệm vụ của ta. Hơn nữa, theo tôi nghĩ, các đơn vị bộ binh chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong trận đánh này. Ta dẫn đường cho họ có nghĩa ta là xung kích của các mũi cường tập. Nhiệm vụ đó cũng nặng nề và vinh dự lắm...
Lịch biết những điều anh vừa nói chẳng có chi mới mẻ. Mọi người chắc cũng đã hiểu như anh. Nhưng còn cái điều Lịch định nói tiếp, anh hơi đắn đo. Không biết nói ra đại đội trưởng có thông cảm cho mình không? Hay lại nghĩ chính trị viên lúc nào cũng qui chụp tư tưởng! Ban chỉ huy vốn đang có vướng mắc. Khang đã thiếu thông cảm với mình, nay lại thêm Quí nữa thì... Bất giác Lịch đỏ rần tai. Chưa chi mình đã vội nghĩ cho riêng mình! Suy xét bụng đồng chí một cách không căn cứ là một điều xúc phạm.
Lịch chậm rãi nói tiếp:
- Trong chi bộ ta cũng nên nhất trí với nhau điều ni. Đừng ai nghĩ là mình đã uổng công làm cho người khác hưởng! Nghĩ rứa là có tội. Tôi là một trong những công nhân đầu tiên cày mảnh đất bỏ hoang của Vĩnh Linh mà lập nên cái nông trường Bến Hải. Đến chừ cao su đến kỳ lấy mủ thì người khác đến thay chúng tôi. Chẳng lẽ đó lại là sự tranh giành ư? Nói rộng ra, cha mẹ sinh ra những đứa con mang nặng đẻ đau, tần tảo nuôi từng ngày từng tháng. Đến cái tuổi con có sức, có vóc thì ra đi. Những người mẹ, người cha lại còng lưng nuôi cháu. Để rồi cháu lớn, cháu lại đi. Như vậy có phải đất nước cướp công không? Không ai nghĩ thế cả. Những người làm cha làm mẹ họ hiểu tuy nôm na nhưng rất sâu sắc. Tổ quốc có nghĩa là họ. Họ đã hiến tất cả cho Tổ quốc thì họ sẽ có tất cả hạnh phúc. Nói rộng, nói hẹp đều vậy cả.
Lịch khẽ liếc mắt qua Quí. Đại đội trưởng vẫn cúi đầu im lặng. Một vài đảng viên phát biểu. Có ý kiến nhất trí. Có ý kiến thắc mắc, nội dung cũng không ngoài ý của Quí. Khang cũng phát biểu. Khang hoàn toàn nhất trí với Lịch. Anh cho ý kiến của Lịch là có tính nguyên tắc, là quan điểm đúng đắn, là phương pháp tư tưởng và nhân sinh quan của cộng sản, vân vân. Lịch hơi ngạc nhiên trước sự ủng hộ triệt để nhưng có vẻ lạnh lùng ấy.
Cuối cùng thì Quí ngẩng dậy, anh nói cộc lốc nhưng rất cảm động:
- Lúc nãy tôi nói tầm bậy rồi. Làm thằng chỉ huy mà phản ứng cấp trên như vậy, thật không xứng đáng chút nào. Tôi xin chịu kiểm thảo trước chi bộ. Còn chừ đề nghị các anh bàn ngay việc chia lẻ đơn vị ra đi. Đảng viên nên nói rõ ràng cho quần chúng biết, đừng để bộ đội chán nản. Sau trận này thằng Mỹ nhất đính sẽ kéo quân ra đường Chín. Gánh nặng này không phải chỉ ta ở đây chịu mà cả Vĩnh Linh ngoài kia cũng phải gánh chịu. Nhưng không ai được phép nghĩ rằng mình quá nặng, chỗ khác đã đùn khó khăn cho ta mà hớt lấy chiến công. Tóm lại tôi sai, các đồng chí đúng! Thôi, triển khai việc đi anh Lịch, anh Khang ạ! Lợi đâu nhỉ, Lợi ơi!
Lợi chạy từ suối lên đứng nghiêm. Quí nói tiếp:
- Theo tôi thế này các đồng chí ạ, các đơn vị bộ binh hành quân có khó khăn hơn ta. Lúc đi vào thì còn dễ vì đang trong trạng thái bí mật. Gay nhất là lúc ra - Qúi quay sang Lợi - Ngoài con đường ra nghĩa địa, cậu cho biết thêm những đường tắt nào nữa không?
- Báo cáo không ạ!
- Vậy thì cậu nhanh chóng trở lại ấp đi. Đặt yêu cầu với cơ sở tìm cho ta ít nhất là ba đường rút. Vớ vẫn là ăn mình chúng nó đó.
- Liệu có kịp không ạ?
Quí khoát tay dứt khoát:
- Kịp. Chặp tối cậu phải có mặt ở bìa ấp. Tôi cho chậm lắm thì tám giờ vô tới cơ sở. Khoảng 10 giờ thì quay ra có mặt tại cồn Mã Đỏ đón tụi mình. Cho cậu mượn đồng hồ đây, đi đi!
*
Đêm đột nhiên tắt gió. Cái nóng từ bốn phía ấp đến hầm hập úp lên khu nhà tôn.
Lợi dán người bò qua một rãnh nước. Mùi thối xông lên ngột ngạt. Anh dướn cổ ngó lên trời. Trời vẫn sáng vằng vặc nhưng những đụn mây cáu đục đã chèn kín bốn phía, ước chừng vài gang tay nữa là mây sẽ nuốt chìm quầng trăng.
Trước mặt Lợi đã hiện ra một mái nhà thấp lè tè, đó là chuồng lợn nhà mẹ Xướng. Cũng lạ thiệt! Mới ở cái hầm bí mật đó có hai ngày và mới xa nó chưa tới một tuần mà hôm ni lòng anh Bỗng hồi hộp, chộn rộn như đứa con xa quê hàng chục năm nay mới có dịp trở về. Lợi trút một hơi thở cho nhẹ người rồi bằng một động tác thuần thục anh bay lướt qua vạt đất lồ lộ màu đỏ sẫm.
Bỗng Lợi ép bẹp người xuống. Đằng trong mái nhà tôn của mẹ Xướng phát ra những tiếng rì rầm lạ tai. Không nghe thấy tiếng phụ nữ. Trống ngực Lợi giã thình thịch. Phút chốc Lợi linh cảm thấy rằng ấp An Nha đêm ni khác lạ. Hình như có những điều không hay đang xảy ra xung quanh anh.
Có một tiếng ngáp to quá đáng kèm theo một câu chưởi tục tĩu. Bọn lính rồi! Lợi thu người quấn tròn dưới lùm mía cố căng mắt ngó vô sân. Năm sáu bóng đen bước ra. Tiếng báng súng gõ vô bao đạn lách cách. Từ ngoài ngõ, một đám khác lố nhố đứng lên. Chúng nó hỏi nhau những câu chi không nghe rõ. Lợi nín thở định quay lui thì đột ngột từ phía sau những tiếng gọi ồm ồm lại đập tới. Mấy bóng đen lồ lộ hiện ra chỗ anh vừa bò qua. Thì ra chúng nó phục kích, vô phúc rồi!
Mây đã liếm vào vành trăng. Phúc chốc cả nguồn sáng bị ngoạm tịt. Ấp chiến lược chìm nghỉm trong bóng tối và nóng nực đến nghẹt thở. Tiếng lao xao, xì xồ đã dậy đều bốn phía, ngày một áp lại gần Lợi. Anh nhắm nghiền mắt trong một ý nghĩ chua xót: "Mình bị bao vây rồi!" Cảm giác cô đơn đột ngột lan trùm khắp tâm trí khiến anh tê mê da thịt. Một trận chiến đấu quyết tử có thể xảy ra... Sau đó là một xác người nằm chết lặng lẽ... Không ai biết tới, không ai báo tin! Phút chốc hình ảnh Dũng lại hiện lên! Hôm Dũng hy sinh anh không khóc. Lần đầu tiên tiếp xúc với cái chết anh hơi sửng sốt và không sao tin nổi cái chết có thể đến giản đơn và mau lẹ như rứa! Nhưng chừ thì khác. Anh cảm giác tử thần đang vây bọc như những đụn mây tàn nhẫn đang chầm chậm rướn tới liếm dần vầng trăng. ánh trăng đã tắt hẳn.Còn mình thì... Lợi nhẩm đến một... hai... ba... Thật là khủng khiếp khi phải dúm mình đợi những điều bất hạnh! Tiếng lạo xạo tới gần. Lợi xoài tay bíu đất trườn trở lại rãnh nước. Tiếng lạo xạo như đang đuổi theo. Lợi bay mình rơi nhẹ như một con thạch sùng xuống mép cỏ ống. Cỏ ống tốt dày như đệm. Anh chui người xuống rãnh nước. Muỗi òa lên như bầy ong bị chạm tổ. Mùi thối cũng bị khuấy động ói trào lên ngột ngạt.
Có con chi quẫy quẫy dưới chân, Lợi giật bắn người co vội chân lên. "Biết đâu lại giẫm phải rắn?" Chà, trên đời răng lại lắm thứ giết người như vậy? Con người ta có thể chết vì rắn, vì rết, vì sặc nước, ngã cây... Chết bệnh, chết oan, chết vì trở trời trái gió... Chưa lúc nào Lợi lại nghĩ nhiều đến cái chết như lúc này. Anh sực nhớ tới đoạn văn của Ốt-tô-rốt-ski mà thủa học sinh anh đọc rất khoái chí: "Cái quí nhất của con người là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần..." Ừ, sự sống ít ỏi mà nghiêm khắc thiệt! Còn cái chết thì cứ loạn xạ ngổn ngang! Lợi úp mặt lên cỏ, mặc kệ mùi thối tràn xộc vô mũi, anh tự coi mình như một người đã hết cuộc đời. "Thôi, chết thì chết, cuộc đời của ai mà chẳng kết thúc như vậy! Có khác nhau chăng là khi đang sống phải biết hướng cho mình một lối đi tìm đến cái chết vẻ vang nhât. Thế thôi!..."
Nhưng đến sớm hơn cái chết lại là mưa. Mưa xối òa tới tấp như muốn trấn tĩnh lòng người. Bọn lính chạy nhốn nháo, gọi nhau như ếch nhái. Mưa gõ choang choang lên mái tôn. Muìi cũng bị đè bẹp bịi những làn mưa xỉi xả. Nhoáng một tí nước trong rãnh đã lắp xắp bàn chân Lợi. Rồi nước ứa lên cổ chân, bắp đùi. Một cảm giác mát mẻ gội tràn da thịt Lợi. Nhưng rồi sự mát mẻ qua nhanh nhường chỗ cho hơi lạnh ngấm dần từng chân tóc, kẽ răng. Áo sũng nước. Da Lợi nổi gai. Anh chống tay trườn lên khỏi rãnh nước. Ngồi lâu với một tư thế khiến bắp chân trái anh tê buốt. Lợi lết người bằng chân phải.
Chui qua được hai lần rào kẽm gai thì Lợi đụng phải một cụm lính đứng trước mặt. Chúng che chung một tấm vải bạt và đứng nép mình vô hiên quán giải khát. Con đường duy nhất để vượt qua khỏi dãy nhà dài rứa là bị chẹn. Lợi lui lại một bụi chuối, khoanh người như con cá hẻn đơm trong đĩa, nằm ôm lấy gốc chuối. Nước ngập quá nửa người.
Giờ ni chắc đơn vị đang vây kín Dốc Miếu rồi? Tất cả hẳn cũng đang đội mưa mà bò. Lợi cồn cào gan ruột. Bọn lính trước mặt vẫn cười nói nhí nhố trong tấm áo mưa bùng nhùng. Anh đẩy khẩu AK lên. "Một cái bóp cò thì chúng mày xuống hết dưới âm ti mà cười!". Nhưng rồi sau đó? Lợi hạ cây súng xuống. Phải tìm đường khác thôi. Anh nhổm người dậy, cắt góc phương vị, nhằm thẳng hướng Dốc Miếu mà bò.
Phải mất chừng ba mươi phút nữa anh mới vượt qua được dãy nhà dài. Trước mặt anh là một bãi trống. Anh biết chắc chắn bên kia là con đường đất đỏ 76. Chừng nửa cây số nữa là tới cái nghĩa địa hôm nọ rồi.
Mưa ngừng cũng đột ngột như lúc mưa đến. Gió lùa từng cơn ào ào. Mây rệu ra từng mảng để lộ vài ngôi sao. Trời quang dần.
Đột ngột một ánh chớp lóe chói trước mặt. Lợi giật mình chững lại. Cái chi vậy? Mặt đất dưới bụng anh rùng rình. Một tiếng nổ chao tới. Rồi! Bộc phá lệnh! Lợi nhổm người dậy muốn hét to lên. Những ánh chớp đan ngang đan dọc trước mặt, tiếng nổ rền lên như sấm. Trời ơi! Ngon chưa tề! Khu trung tâm cháy. Có lẽ kho đạn cũng đang cháy. Những đốm lửa tung cao rồi nổ tóe ra, lả tả rơi xuống. Cả một góc trời sáng trưng. Người Lợi run lên. Tức qúa đi mất. Bao nhiêu đêm lặn lội đến phút ni mình lại vắng mặt. Hóa ra giờ G đã đến, Lợi nhoái tay nghiêng mặt chiếc đồng hồ, coi. Ánh dạ quang đang chỉ 1 giờ 15 phút. Giờ đầu tiên của ngày sinh Bác Hồ đây! Lợi chồm dậy, lao đi.
Nhưng bọn địch trong ấp đã tràn ra nhanh hơn Lợi. Chúng tập trung đứng dọc theo mép hàng rào chỉ trỏ, chưởi bới. Lợi nghiến răng lại. "Chúng mày đã thấy chưa? Cái cứ điểm kiên cố nhất của phòng tuyến Mác Na-ma-ra đang bị vùi trong lửa. Chúng mày chỉ đáng một cành củi mục, sức mấy mà reo hò!". Anh thầm rủa như vậy nhưng lại bò giật lùi. Chúng lo bị mất đường ra rồi!
Lợi cứ bò tới bò lui như vậy gần một tiếng mà không răng ra khỏi ấp được. Tiếng súng trên Dốc Miếu đã lặng, chỉ còn vài đám cháy chờn vờn. Lợi gục đầu xuống đám cỏ may khóc tức tưởi. Từ ngày vô bộ đội đây là lần đầu tiên anh khóc. Có lẽ cả tiểu đoàn lập công đêm ni chỉ duy nhất thiếu có mình anh!
Đột nhiên bọn lính phía ngoài hàng rào í ới gọi nhau. Lợi ngẩng phắt dậy. Có tiếng chân người chạy sầm sập. Thôi chết cha rồi! Đơn vị đang rút theo đường 76. Bọn địch này nhất định sẽ tập kích vô đội hình. Lợi dướn cao người lên. Tụi lính trước mặt đã nằm khuất xuống. Tiếng rầm rập dội tới lúc một gần. Đã nghe rõ những tiếng gọi nhau vội vã. Những con người vừa chiến thắng tránh sao khỏi sự hể hả, say sưa. "Chỉ cần chúng nó bắn bừa vài loạt cũng đủ gây thiệt hại nặng nề lắm rồi. Không thể được, phải đánh cướp thời cơ của chúng..." Lợi kéo xốc khẩu AK lên. Phía trước bọn địch cũng kéo khóa nòng răng rắc. Lợi nghiến răng néo cò...
Luồng lửa bất ngờ xối ụp lên lưng bọn địch khiến chúng rú lên thất thanh trong sự khiếp đảm và kinh ngạc. Đội hình chúng tóe ra. Lợi co người bay sang một chỗ khác. Mấy thằng đang đứng sững ra ngó ngược, ngó xuôi. Lợi lại nghiến răng néo cò. Thêm ba bóng đen nữa vật xuống. Bên ngoài đường súng cũng bắt đầu nổ ran. "Một trận phối hợp tuyệt đẹp!" Lợi thầm reo lên như vậy, thay vội băng đạn, tung người sang một hố đất khác, bắn. Bọn địch gần như cùng đường nằm bẹp xuống liều chết bắn loạn xạ. Bất ngờ từ phía ngoài đường vang lên tiếng hô "xung phong!" Lợi nhận ra tiếng Lịch. Anh sướng điên người hét trả lời "Xung phong!... Xung phong...!"
Nhưng đột nhiên một tiếng nổ giật tung mặt đất. Lợi thót bụng lại. Thôi rồi mìn nổ! Bọn địch nhân cơ hội đó chạy tràn vô ấp. Lợi đứng bật dậy lia theo một điểm xạ dài. Rồi chẳng còn bụng dạ nào bắn theo nữa, anh nhào ra phía đường cái. Một đoạn rào đứt tung, nhiều người đang xúm lại. Có tiếng hét:
- Ai?
- Lợi đây!...
Không đợi người kia nhận ra mình, Lợi chồm tới. Một quầng sáng đèn pin nhỏ như quả táo rà lên khuôn mặt đen sạm, cặp lông mày dày như vệt than, hố mắt sâu trũng. Lợi hét lên:
- Chính trị viên!
Anh bổ nhào lên người Lịch. Hơi ấm còn bổi hổi. Có lẽ nào anh ấy không dặn kịp một câu gì trước lúc đi xa?
(1) Cùa: là ten gọi một khu căn cứ gồm hai xã phía tây của huyện Cam Lộ là Cam Chính và Cam Nghĩa.
Đăng ngày 04/04/2010
Đăng ngày 04/04/2010
Ý kiến về bài viết | ||||
|