Tác giả: Xuân Đức
CHƯƠNG MƯỜI BA
“Trước đây bố hay nói: Đi một ngày đàng học một sàng khôn! Con đường hành quân đi tới nơi giáp mƯt kẻ thù đã cho con nhiều bài hôc thím thía. Và cao hơn những đĩi đàng đã đi là những hy sinh của đồng đội. Mỗi một người ngã xuống, dù không kịp để lại một lời trối trăng, cũng đã nâng những người đang sống cao hơn một bậc. Cuộc sống chiến đấu đã cho con quen dần với cái chết. Có thể nói chưa bao giờ con tha thiết cuộc sống và cũng sẳn sàng chết như hôm nay...
Bố kính yêu của con!
Có thể bố sẽ buồn bực, thất vọng vì đứa con của bố suốt hàng năm trời nay không còn chút thì giờ để cầm đọc đôi trang sách. Nhưng bố ơi, mỗi một ngày trôi qua, mỗi một trận đánh đi qua, cuộc đời đã lật qua trước mắt con từng trang sách vô giá. Và điều vô giá hơn là con không phải chỉ là cậu bé chúi đầu đọc những dòng chữ xa lạ để rồi tức tưởi khóc, nắc nẻ cười với những điều chợt đến chợt đi đầy bí ẩn mà con đã hóa thân mình vào những trang sách kì diệu đó, con đã đọc được chính nỗi niềm của con...
... Con nghe tin chị Thảo đã sinh cháu trai. Nó có giống bố nó không? Con thèm được nhìn thấy nó một lần quá bố ạ. ở đây không thể nào tìm thấy tiếng khóc của trẻ con. Không có tiếng khóc thì lấy đâu ra lời ru? Trước mặt chúng con hàng ngày là kẻ thù, bên tai chúng con là tiếng máy bay, đại bác gầm rú... Nhưng tuổi trẻ chúng con xin chấp nhận tất thảy. Nếu được sống thêm một cuộc đời nữa con lại xin được sống như những ngày hôm nay...”
Lá thư Lợi viết cho bố từ sang qua đến sáng nay vẫn chưa xong. Có những ngày bận rộn như thế này mới thấy thời gian hiếm hoi và quí giá biết dường nào?
Đại đội trưởng Qúi đến bên võng Lợi và khe khẽ ngồi xuống. Sau hôm Lịch hi sinh, Quí ngẩn ngơ như người thiếu ngủ. Tiếng nói của anh cũng nghe lạ hẳn đi:
- Thôi, chuẩn bị ra vị trí đi, Lợi!
- Hôm ni vẫn phục kích hả thủ trưởng!
- Vẫn thế - Quí nói chậm từng tiếng - Thằng Mỹ bị đòn Dốc Miếu nặng quá, nhất định sẽ núng quân ra. Phải cố gắng mà chờ đợi.
Lợi xoay người lại:
- Hôm ni thủ trưởng có đi theo trung đội tôi không?
- Không. Mình dẫn B1 xuống Trót Bồng phục. Anh Khang nắm B3 và đại đội bộ ở tại đây để tiếp ứng. Trung đội cậu vẫn trở ra mặt đường đón địch. Thôi, chuẩn bị đi đi!
Có tiếng trung đội trưởng Toản gọi phía dưới lùm cây. Lợi đáp “rõ” rồi nhét vội lá thư đang viết dở vô ba lô, xách súng đứng lên, Qúi cũng rời chỗ đi về hướng trung đội một.
Vị trí phục kích của trung đội 2 cách chỗ giấu quân của đại đội gần một cây số. Đây là khu đồi yên ngựa lúp xúp cỏ tranh và me rừng. Đã mười bốn ngày kiên nhẫn chờ đợi, trung đội bò ra núp đường 76 đào hầm ngay dưới những bụi me, phục kích. Vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy địch núng ra.
Cái nắng tháng sáu chưa chi đã gay gắt. Gió lào tung bụi đất đỏ lấp đầy vô mặt, vô cổ, mồ hôi đọng từng ngấn nhớp nháp, nhầy nhụa. áo quần lâu ngày không giặt dày cọp lên những viền muối trắng ngoằn ngoèo, bốc mùi hăng hắc.
Lợi cắm thêm lá tươi lên cửa hầm vừa để ngụy trang vừa lấy bóng mát. Thái từ từ đi đến đứng trên miệng hố hỏi xuống:
- Anh ăn lương khô sáng chưa?
- Rồi. Mà răng cậu đứng trên đất vậy? Xuống hầm đi...
Thái ngước mặt ngó đảo một vòng lên trời rồi bĩu môi:
- Địch điếc đâu chừ. Chúng nó còn uống trà dưới Đông Hà, Chưa lên đâu!
Tuy nói vậy nhưng Thái cũng nhảy xuống bên Lợi, đứng tựa lưng vô thành hầm vẻ chán nản:
- Chắc chi hôm ni đã có địch. Cứ chờ hoài, chán hoắc. Anh ăn thêm lương khô nì?
Lợi lắc đầu. Thái bẻ một mẫu bánh đưa lên miệng gặm một cách cực khổ. Lợi nhìn bạn ăn mà không nhịn được cười.
- Mi ăn uống kiểu đó có giặc rượt răng kịp?
Thái gầm gừ trong cổ, cố nuốt ực một cái rồi càm ràm:
- Anh bảo đại đội mình rồi sẽ thế nào?
Lợi ngạc nhiên:
- Nghĩa là thế nào?
- Thì đó... Thái cạp thêm một miếng nữa, bụi lương khô phầm phập trong mồm - Cái “cụ” Khang mà làm chính trị viên thì...
Lợi cười:
- Cũng được chứ răng?
Cái môi dưới của Thái trìa ra, lương khô bệt dày như vữa xi-măng:
- Cũng được... Anh không nghe mấy đứa no nói đó à?
- Ai nói kệ họ, cậu đừng nói. Bàn tán vậy không có lợi đâu
- Không bàn tán nhưng cũng phải biết chứ. Anh hay đi công tác lẽ nên không rõ đó thôi. Chính ông Khang ghét anh lắm đó.
Lợi tròn mắt nhìn Thái:
- Ô hay, răng lại ghét tao?
- Vì anh được cảm tình của thủ trưởng Lịch. Mà ông ấy với ông Lịch thì... ái chà...
Một ngọn gió lào bất chợt hắt đất vô hầm. Thái nhăn mặt, dụi mắt, chưởi lục bục. Đến khi mở được mắt ra thì Thái lại quên mất câu chuyện đang nói lúc nãy, anh “chuyển làn”:
- Anh bảo liệu thằng Mỹ có ra không?
- Trên nhận định là nhất định chúng sẽ ra.
- Tôi hỏi nhận định của anh tê?
Lợi bật cười:
- Tao cũng như mi, biết thế quái nào được.
Thái lại gầm gừ:
- Rứa... anh bảo, nếu Mỹ ra đây thì ngoài Vĩnh Linh mình có ác liệt lắm không?
- Nhất định rồi. Sẽ ác liệt chưa từng có.
Thái ngừng nhai, mặt sịa ra. Một lát anh thì thầm như tự nói riêng với mình:
- Lâu lắm chẳng ai gửi thư cho cả. Không biết nhà cửa, hầm hố ra răng?
- Cậu nhớ ai nhất? - Lợi bất ngờ hỏi.
- Ai tôi cũng nhớ. Thiệt đó. Hồi ở nhà, có đi đâu xa ít hôm tôi chỉ nhớ có mạ với chị Phương. Còn nửa thì tôi chán. Bởi vì, à mà tôi đã kể mấy lần với anh rồi hè! Anh bảo sẽ viết truyện, răng không viết? - Thái cười ngây thơ - Tự dưng được đọc những trang sách viết về gia đình mình thì coi mà thích hè? Không hiểu răng chừ tôi nhớ tất cả anh ạ. Nhớ hung lắm kia. Kể cả dì tôi, tôi cũng thấy nhớ...
- Này, tại răng người đẻ ra cậu thì cậu lại gọi là dì?
- à... quen rồi. Chị Phương gọi thế nào bọn tôi gọi theo vậy... Hơn nữa, dù răng thì anh em bọn tôi vẫn quý mạ, chị Phương hơn...
Lợi đột ngột tuyên bố:
- Nếu được ra Bắc nhất định mình sẽ về nhà cậu.
- Để làm chi, anh?
- Để thăm, vì cậu ở với mình. Hơn nữa mình thấy gia đình cậu cũng hay hay...
Thái tủm tỉm:
- Anh định viết truyện thiệt à?
Lợi mỉm cười, nói như tự giễu cợt mình:
- Tao nói tào lao vậy chứ viết lách chi...
Có tiếng máy bay xa xa, Thái chống tay nhảy lên khỏi hầm. Nhưng hình như nhớ tới câu chuyện bỏ dở ban đầu, anh lại ngoẹo cổ nhòm xuống:
- Nè... còn với “cụ” ấy, anh phải kheo khéo đó...
Lợi thóang cau mày. Thái học được ở đâu cách nói ấy? Sống “kheo khéo” nghĩa là thế nào?
Đúng là từ ngày vô chiến trường, Lợi ít được sống chung với đơn vị. Mỗi lần về báo cáo tình hình, anh có thoáng nhận được cái vẻ hơi lạnh lạt của Khang. Nhưng chẳng có thì giờ nào mà để ý chuyện đó. Đặc biệt từ sau hôm đánh Dốc Miếu tới nay, việc Khang lên làm chính trị viên thay anh Lịch làm cho anh em trong đại đội xầm xì bàn tán. Lợi có nghe thấy những bàn tán đó và anh cho như vậy là không tốt. Chừ nghe Thái nói anh càng sửng sốt hơn. Đã đến mức những chiến sĩ hiền như đất, nói không xuôn xẻ lấy một câu như Thái mà cũng đã biết tính đến chuyện phải sống “kheo khéo” để giữ mình ư? Lợi thử lược lai bản thân mình? Đã có chi thiếu ý tứ với ông ấy chưa? Ôi chà, có trời mà nghĩ ra. Lợi cảm thấy bực bội. Tại sao cuộc sống cứ phải luôn luôn co mình lại như rứa? Trong một tập thể, ai cũng co về mình một chút thì còn đâu mối hàn bền vững của tình đồng đội nữa?
Mà cũng lạ, từ trước tới khi ông Khang về đơn vị, không hề có hiện tượng này? Tại sao các chiến sĩ chỉ “kheo khéo” với riêng ông ấy? Những thủ trưởng khác như anh Quí, anh Lịch thì lính cứ lăn xã vô vật tay, vật người, moi thuốc lá... Vậy thì mối rạn nứt này từ phía nào tới? Lỗi ở ai? Lợi khẽ lắc đầu rồi kêu lên một mình: “Phức tạp quá sá! Thằng Thái nói vậy mà lại có lý, không biết tình hình đại đội sẽ đến mức nào?”
Một ngày đằng đẳng nửa lại trôi qua vô vị.
Đã hơn bốn giờ chiều rồi, nắng chuyển từ màu trắng sang vàn bầm. Gió nồm quạt lên rười rượi thay cho những ngọn gió lào khô khốc ban trưa. Các chiến sĩ lồm cồm chui lên khỏi hầm, vươn vai vặn lưng, ưỡn ngực ra hít thở. Đây là giờ phút dễ chịu nhất trong một ngày. Buổi sáng bao giờ cũng hồi hộp bận rộn. Buổi trưa thì khắc khoải trong cái nắng hầm người. Buổi tối tuy không có việc nhưng muỗi rừng cứ reo réo bên tai làm cho tâm trí luôn luôn bực dọc và đôi tay luôn xoay xở như một người đấu võ. Còn vào lúc sắp hoàng hôn này, qui luật địch thường không bao giờ đi càn nữa, những người dân đi lấy củi cũng đã lũ lượt về ấp, các chiến sĩ được dịp ngó trời, ngó đất, thậm chí có thể gọi nhau thoải mái. ở vị trí phục kích của trung đội 2, giờ “giải lao” này thường kéo dài cho tới khi có lệnh rút về chỗ giấu quân của đại đội.
Lợi xọet diêm châm thuốc. Từ ngày vô chiến trường anh mắc thêm một cái tật tai hại là hút thuốc. Thoạt đầu thấy mấy đứa nghiện, thiếu thuốc phải lục bã lá chè đã nấu đem phơi khô, vò mịn rồi quấn bằng giấy truyền đơn của địch, tàn lửa rất trắng, khói phả mùi ngai ngái. Mấy đứa kháo với nhau ngon hơn thuốc sợi vàng. Thấy vui vui anh cũng hút thử. Rồi mấy lần về ở với Đội chính trị, người ta mời anh thuốc lá Mỹ có đoạn lọc tẩm chất cay cay. Cứ vậy mà sinh quen. Những khi nằm co ro một mình trên võng, nhớ nhà, nhớ đơn vị, anh lại hút vài khói. Đến khi nhận ra mình đã nghiện thì anh không sao khuây được nữa rồi...
Gió nồm thổi to quá, Lợi bật mãi mà lửa vẫn không cháy. Anh quay mặt úp vô bụi cây bật lọet xọet.
Bỗng có tiếng rào rào từ phía sau dội tới. Anh quay phắt lại. Các chiến sĩ đều đang đứng sững trên mặt đất ngó chằm chằm lên trời. Một đoàn trực thăng ước chừng hơn năm chục chiếc từ phía Đông Hà bay lên rậm rịt cả một vùng trời. Dưới bụng mỗi chiếc máy bay lủng lẳng một hòm gì vuông vuông, vàng chóe trong ánh nắng chiều.
Lợi kêu lên:
- Nó tha cái chi vậy hè?
Một cậu nào đó hét trả:
- Nó chở hàng... Toàn là kiện hàng cả. Có lẽ nó lên Khe Sanh.
Tiếng trung đội trưởng quát ở đầu đằng kia:
- Tất cả đứng im! Không ai được nhúc nhích...
Các chiến sĩ đứng chôn chân như những gốc cây bị chặt trụi cành lá. Bầy trực thăng đã trùm lên đầu. Tiếng động cơ rầm rầm, gió từ các cánh quạt ập xuống tung xáo cả lá khô.
Đột ngột bầy trực thăng như chững lại tại chỗ. Mấy chiếc đi đầu quẹo xuống. Cả đám xoáy theo hình tròn ốc mà xuống. Lợi hét lạc cả giọng:
- Nó đỗ xuống chỗ đại đội rồi!
Anh lao tới một ụ đất tổ mối, trèo lên quan sát. Những “kiện hàng” đã chạm đất. Phút chốc các “kiện hàng” rời khỏi bụng máy bay, cựa quậy bò.
- Chết cha, xe tăng! Xe tăng các cậu ơi!...
Từ phía sườn bên kia của khu đồi yên ngựa dậy lên những tiếng rầm rầm như tiếng máy kéo. Rồi đột ngột những tiếng rú nhói lên. Tiếng rú chập vô nhau não nề, rên xiết. Chưa bao giờ Lợi nghe thấy loại tiếng động cơ man rợ như vậy. Thái dương anh nhói đau, mắt như hoa đi vì tiếng rú. Trời đất ơi! Lần đầu tiên xáp mặt với xe tăng, hóa ra chúng nó là vậy.
Cậu nào đó hét thất thanh:
- Nó quần nát khu đại đội rồi!... Không khéo chết hết.
Lợi cố bậm mũi giày xuống thành tổ mối để người khỏi chao về phía sau. Hình như bầy xe tăng đang quay đầu về phía trung đội? Trúng rồi! Nguy chưa!
Có một người chạy tới hớt hải từ bên kia sườn đồi qua, chiếc quần toạc một miếng dài từ đầu gối xuống tận lai. Lợi nhận ra cậu Kim bếp trưởng, anh kêu toáng lên:
- Kim!... Kim!... Đại đội đâu rồi?
- Chạy...ch...ạ...y sạch trơn rồi! Nó... nó... đang đuổi theo tôi.
Cả trung đội bỗng xao xác lên như đám lá khô gặp cón lốc, tất cả ùn lại quanh cậu bếp trưởng. Đúng là xe tăng Mỹ đã phát hiện ra hướng chạy của Kim nên đang rượt theo. Trung đội trưởng Toản lao đến bên Lợi.
- Lợi ơi!... Không có súng chống tăng, làm răng hè?
Lợ) cảm thấy hai tai ù lên, không thể nghĩ được một điều chi minh mẫn giúp trung đội trưởng nữa. Tiếng rú như một cơn lũ kinh người đang khoan xoáy vào đội hình. Đã nghe rõ tiếng xích sắt nghiến ken két, Kim nói lạc cả giọng:
- Đại đội... chạy đến rồi. Chạy thôi... nó... nghiến sạch cho coi...
Tiếng “chạy” phát ra lúc này như một cơn sốt rét ác tính bất thần ói lên rung chuyển đội hình. Vài người cẳng tháo lui. Thêm vài người nữa. Lợi nhảy xuống đất bước lùi một bước, hai bước rồi ba bước... Hại phần trung đội đã chạy. Trung đội trưởng xoay người lại hét tướng:
- Khoan đã, các đồng chí!
Tiếng gọi các anh có tác dụng ngược lại. Những cặp chân phóng mau hơn. Trung đội trưởng vừa gọi vừa lao theo. Lợi lùi thêm bước nữa rồi bất giác rùng mình. Cơn sốt đã lây qua anh.
Cả trung đội chạy thục mạng. Thoạt đầu họ còn ngoái lui. Những chiếc xe tăng đã đổi từ màu vàng hoe sang đen trũi, trườn như đá từ trên đỉnh đồi xuống. Dần dần không ai còn ngóai lui được nữa. Càng chạy càng thấy tiếng rú của xe tăng xô dúi sát phía sau.
Trung đội chạy hết đồi trọc, vượt băng qua một đồi tranh thì gặp con đường giao liên. Trời tối lúc nào không ai rõ. Trung đội vẫn chạy tuy có chậm hơn, thậm chí đã rất chậm, nhưng vẫn không ai dừng lại. Đã tới một bìa rừng. Pháo sáng bất ngờ xọet lên. Rứa là những bước chân đang chậm dần bỗng như có roi quất, nhảy vọt lên lao vun vút. Trung đội chạy đâm vô giữa rừng. Trời tối như bưng. Đường tắc. Ai đó ngã chúi. Mấy người xô ập vô nhau.
- Khoan đã, khoan đã!
- Xô đẩy cái chi?
- Dừng lại!
- Dừng!
Rứa là cả trung đội dừng lại.
Trung đội trưởng là người ngồi vật xuống đất đầu tiên. Hai tay anh ôm ghì lấy đầu, răng nghiến ken két, anh kêu lên như con gà bị cắt tiết: “Nhục ơi là nhục!”
Cả trung đội nín thinh. Một phút tỉnh lại, tất cả đều thấy nhói thắt vùng tim. Rứa là hết! Bao nhiêu công lao, thành tích bỗng chốc vứt hết. Trung đội chạy dài! Không ai có thể ngờ cái điều khủng khiếp ấy lại xảy ra.
Trung đội trưởng cứ ngồi như vậy và các chiến sĩ cũng đứng như vậy, câm lặng đau đớn. Mãi một lúc khá lâu Lợi mới lên tiếng:
- Chừ làm răng đây, anh Toản?
Trung đội trưởng nặng nề đứng dậy, giọng nghẽn đắng:
- Tản ra... tìm chỗ nghỉ. Mờ sáng sẽ quay lại1
Những bóng đen lầm lì chui ra bốn phía. Lợi sờ soạng tìm được một đám đất bằng, anh quờ tay bẻ một nắm lá rải xuống, gối súng lên đầu, nằm duỗi thẳng hai chân. Cạnh đó, Thái thở phì phò, lầm rầm chưởi bầy muỗi.
Lợi nhắm mắt, cố ngủ. Nhưng những tiếng rú lúc chiều động lại trong đầu hình như giờ đang tìm cách chui ra. Anh lật nghiêng, lật ngửa. Tiếng rú vẫn u u nhoi nhói trong tai. Lợi mở trừng mắt. Giữa những vòm tối âm u của lá rừng lộ ra một mảng trắng. Có lẽ pháo sáng đang thả trên đầu. Mảng trắngs vuông vuông như một trang giấy. Lợi khẽ thở dài. Một trang giấy đã được lật qua trong cuộc đời với một vệt mực hoen ố. Anh đã phải chịu chung số phận với cả trung đội. Có thể tạm thời vùi lấp nó đi bằng những trang khác chồng chất chiến công. Nhưng nhất định nó sẽ được dỡ ra khi những đứa con này trở về bờ Bắc. Biết nói răng với bố, với bà con, bè bạn đây?
Bất ngờ Lợi ngồi phắt dậy. Anh sực nhớ tới lá thư viết dở cho bố nhét trong ba lô. Thôi rồi, chắc đã rơi vô tay bọn Mỹ. Thử nhớ lại coi, mình có nói điều chi lộ bí mật không?
Một bóng đen lom khom đi tới:
- Lợi nằm đó phải không?
Nhận ra tiếng trung đội trưởng, Lợi đáp khẽ:
- Dạ, anh chưa ngủ à?
Toản ngồi xuống bên cạnh, thì thầm:
- Ngủ răng nổi, mi! Gần sáu năm làm lính, đây là lần đầu tiên...
Lợi hiểu rằng nỗi đau đang cấu xé trong lòng Toản, anh an ủi:
- Lúc đó tôi cũng không biết làm răng nữa. Tại thằng Kim nó hoang mang dữ quá.
Toản lắc đầu ngắt lời:
- Đừng đỗ lỗi cho người khác. Bọn mình là cán bộ, xử lý như vậy là tồi, qúa tồi!
Toản nghiến răng, hằn học tự hành hạ mình. Một lát anh lại thở dài:
- Thằng Kim nó hoang mang là vì đại đội đã chạy trước. Tao cũng không hiểu tại răng ông Khang lại cho rút sớm thế.
Lợi xoay người lại:
- Không biết đại đội trưởng Quí giờ ở đâu?
- Ông Quí đi theo B1 xuống Trót Bồng, không chừng ông ấy lại cho quân lên tiếp ứng cũng nên, Chà, ông ấy trở lên mà thấy bọn ta bỏ chạy cả, chắc giận lắm!..
Cả hai cùng yên lặng. Con gõ kiến đâu đó khua một hồi dài. Lợi đập nhánh lá ra sau lưng xua muỗi. Trung đội trưởng đẩy tay vô ngực Lợi:
- Thôi, nằm xuống đi, tao nằm với! Chưa bao giờ tao thấy cô đơn như lúc này. Chắc giờ này đại đội trưởng đi tìm chúng mình, thương ông ấy quá!...
Lợi lặng im không đáp. Cơn khát bất ngờ kéo đến, anh thấy cổ họng đắng ngắt. Đại đội bỗng chốc chia thành ba. Những lúc như thế này mới thấy thèm cái sức mạnh tập thể. Không có nó con người hóa chơi vơi. Lợi xoay người ôm lấy trung đội trưởng...
Trời mờ sáng, cả trung đội nhằm con đường đã đạp lá đêm qua chui trở ra. Đến bìa rừng Toản đột ngột dừng lại.
Lợi nhoài người lên hỏi:
- Có chuyện chi vậy, anh Toản?
Nhưng chưa kịp nghe Toản nói, Lợi đã vội bặm chặt môi lại. Trước mặt họ những mái nhà dù trắng óng ánh, lúp xúp như nấm.
Toản thì thầm:
- Mỹ rồi! Nó đổ khi nào hè?
Cả trung đội nín lặng. Họ lại nhắm góc phương vị đạp rừng theo hướng tây. Nhưng vừa chui ra khỏi những đám dây leo chằng chịt, tất cả lại trố mắt ra kinh ngạc. Những tiếng cười hô hố, tiếng gọi nhau ồm oàm như ếch gặp mưa, Toản cắn thâm cả vành môi dưới. Anh cay cú như một người thua cờ, hùng hục quay trở lại. Cả trung đội nín lặng bám theo.
Suốt một buổi sáng, trung đội đã đạp phương vị, cắt rừng đủ mọi hướng, nhưng cuối cùng họ nhận ra một điều, tất cả đã thành những con cá quẫy một cách tuyệt vọng trong chiếc nơm khổng lồ. Toản nói như tự cãi nhau với mình:
- Đó... thấy chưa? Cứ trông Mỹ ra... nó ra cho tịt hết đường đó, thấy chưa? Còn thắc mắc nữa không?...
Không ai cãi lại anh. Trung đội như quả bóng xẹp hơi, ngồi bệt xuống đất. Toản đi lại dằn vặt, cáu kỉnh tự hành hạ mình. Lợi đưa mắt ngó theo trung đội trưởng, ái ngại. Mới một đêm mất ngủ mà dưới cằm toản đã tua tủa những sợi râu đen kịt. Môi anh ấy hơi quăn lên, rạn từng đường bầm máu. Lợi khẽ liếm môi mình. Rát và khô quá! Tự dưng anh thấy ruột cồn cào. Đói rồi! Ôi, răng lại đói giữa lúc ni hè? Nhưng mà đói thiệt, đói quá! Cơn đói theo ý nghĩ ùa đến bới móc cào xé trong bao tử. Người Lợi vã mồ hôi, ớn lạnh.
Ai đó chợt kêu lên:
- Chao ôi, đói quá!
Lợi quay vội lại, anh muốn bịt ngay mấy tiếng nguy hiểm ấy. Nhưng không kịp rồi. Cái đói như một bệnh dịch bất ngờ bị khuấy động, cuộn lên lan tràn khắp trung đội. Phút chốc các khuôn mặt tái đi, những thân người nhũn lại tựa dài vào các gốc cây. Toản nhìn khắp lượt rồi ngồi xuống bên Lợi. Giữa những lúc gian nan như thế này, trong tất cả các tiểu đội trưởng anh tin cậy nhất là Lợi.
- Chịu bó tay hả Lợi?
- Ráng chờ trời tối đã anh à!
- Trời tối rồi làm răng?
- Vượt vòng vây. Chạm nhau thì nện. Dẫu có hi sinh còn hơn chết đói ở đây...
Toản “hừ” một tiếng rồi chống gối đứng dậy. Anh chui dọc theo những đụn dây leo. Một lát nghe tiếng anh gọi:
- Lại đây, các cậu!
Cả trung đội nhổm dậy, chui theo. Toản đang ngồi trên ngọn cây bứa. Các chiến sĩ vừa ngó thấy lá bứa đã trào nước miếng. Toản với tay bẻ, dùng chân đạp. Những cành bứa gãy răng rắc, rơi xuống. Lợi nhặt chuyền ra sau. Các chiến sĩ cầm cả cành mà đưa lên miệng nhai ken két. Cơn khát tan nhanh. Con đói cũng dịu lại. Những hàm răng càng nhai ngấu nghiến. Rồi đột nhiên có người ọe. Nhiều người ôm bụng kêu. Họ vứt hết các cành bứa, khạc nhổ nôn ọe, cười khục khịt. Nước mắt như hẹn nhau trào ra đồng loạt.
Trung đội trưởng nhảy xuống, giọng pha trò:
- ói thực hả? Ai bảo tham ăn.
Các chiến sĩ nhăn nhó cười. Không ai dám cười to, bụng vẫn quắt lại. Càng nín cười, nước mắt càng tràn ra. Họ ôm nhau cười ùng ục. Rồi như một đám trẻ con sau một lúc nô đùa, cơn ngủ đâu đó bò đến. Nhiều chiến sĩ vật ngửa mình, dang tay duỗi chân ngay giữa lối đi, lá bứa còn xanh lè trong miệng. Tiếng ngáy ngáy đều đều ngân lên. Chỉ cón trung đội trưởng ngồi úp mặt lên đầu gối và Lợi tựa lưng vô gốc cây ngó ngược lên trời. Tiếng máy bay L.19 rề rà cày trên ngọn cây, một giọng con gai nhõng nhẽo chảy xuống:
“Hỡi các cán binh Bắc Việt !... Trước sức mạnh khổng lồ của quân lực cộng hòa và đồng minh, các bạn đang bị nhốt trong vòng vây tuyệt vọng... Các bạn đang phải chịu đói khát, cơ hàn, màn trời chiếu đất... Hãy về đi các bạn! Về với chính nghĩa quốc gia, các bạn sẽ có vợ đẹp, con ngoan, nhà cao cửa rộng...”
Toản ngẩng dậy nháy mắt qua Lợi và khẽ nhếch mép cười. Rồi anh đứng lên đi tới từng chiến sĩ. Anh cẩn thận kê lại chân, sửa từng thế nằm cho từng người. Lợi không bỏ sót một cử chỉ của trung đội trưởng. Anh ấy không có “nhà cao cửa rộng...” nhưng lại có tình cao nghĩa rộng của anh em đồng chí. Điều đó kẻ thù chẳng bao giờ hiểu nổi đâu!
*
Trước mặt là kẻ thủ!
Không có liều thuốc trợ lực nào có sức mạnh hơn ý nghĩ ấy. Các chiến sĩ bỗng nhanh nhẹn hơn, mắt dướn căng, người cúi rạp trong bóng tối.
Lệnh Toản truyền xuống:
- Thưa ra, đừng để lạc:
Trung đội như một con rắn đen trườn ngoằn ngoèo qua khe hở của những khu nhà dù. Bọn Mỹ đang nói cười hô hố cách đó vài chục thước. Toản lệnh dừng lại. Anh rỉ vô tai Lợi:
- Cậu cho “A” của cậu vượt trước, từng người một. Mình đi sau cùng, có chi còn xử lý.
Lợi lặng lẽ gật đầu rồi truyền lệnh cho Thái. Từng bóng đen chầm chậm trườn lên bám theo những bụi me, khóm lách rồi mất hút vô khoảng tối của bóng núi đổ xuống.
Trung đội vượt qua bãi đổ quân của Mỹ an toàn.
Chừ thì đã có thể vác súng lên vai bám lưng nhau mà đi. Qua được một thử thách con người như khỏe khoắn thêm ra. Câu chuyện của lính lại rầm rì:
- Cậu bảo đi đường này là về đâu?
- Trở lại đường 76.
- Xì, mắt với mũi. Đường 76 đâu hướng này?
- Kém. Đi nép vô chân núi, tới An Bình sẽ quẹo ra cho coi?
- Truyền ra sau không nói chuyện.
Đoàn người lại im lặng hì hục đi miết.
Lại chui qua một khu rừng rậm nữa thì gặp một bãi tráng nho nhỏ. Trung đội dừng lại, lệnh truyền xuống:
- Trung đội nghĩ 10 phút! Các tiểu đội trưởng lên hội ý.
Những bóng đen ngồi dạt ra. Có mấy người chạy lên đầu hàng quân. Toản chống một tay vô hong đứng chạng chân:
- Các đồng chí thử tính xem, chừ nên về đâu?
- Quẹo ra đường 76.
- Có chi đó nửa không mà ra?
- Tôi thấy cứ nên ra. Nếu không còn ai thì ta sẽ lần theo đương H1 mà về trung đoàn.
- Nhất trí. Có cậu nào còn thuốc lá không?
Toản khua tay ra xung quanh, Lợi moi túi lấy ra lá thuốc cuối cùng xé đội cho Toản một nửa. Hai người quấn vội rồi chụm đầu bật lửa. Các tiểu đội trưởng khác đã chạy về vị trí. Toản rít mấy hơi liên tục rồi nhổ tọet một bãi nước bọt:
- Đi thôi!
Trời lờ mờ sáng thì họ đã đến được phía Tây đường 76. Toản cho trung đội dừng lại, anh gọi một chiến sĩ nữa cùng bò vào vị trí cũ. Chừng 30 phút sau Toản trở ra. Theo sau anh còn có mấy người nữa.
- Ông Khang cho đại đội rút ra Khe Me. Đại đội trưởng Quí từ Trót Bồng về tìm bọn ta không thấy liền cử hai liên lạc ở lại đón. Chừ đi thôi!
Lợi hơi khó hiểu. Tại răng chính trị viên Khang lại rút về Khe Me? Khe Me chỉ cách sông Bến Hải ba cây số. Rút ra đó thì còn bám răng được mặt trận?
Trung đội vừa đi vừa chạy. Vượt được khu đồi trọc thì trời sáng hẳn. Toản giục rối rít:
- Mau lên! Chạy lên các đồng chí ơi! Máy bay nó lên thì bỏ mẹ...
Toản nói chưa dứt câu thì đã nghe thấy tiếng rầm rầm từ phía Quảng Trị dội lên. Tất cả người bẹp xuống. Bầy trực thăng bay rất thấp, có cảm giác như sắp bừa lên đầu mọi người. Có cậu nào đó đếm nho nhỏ: năm, mười, mười lăm...
Đám nòng nọc ì ạch bay qua đầu trung đội, trườn lên hướng đèo Cùa. Đột nhiên đội hình chúng rối loạn. Có mấy chiếc chao chao. Toản đứng vụt dậy la to:
- Bắn rồi! Chết cha nó rồi!...
Cả trung đội cùng đứng hết dậy. Không nghe tiếng súng nhưng đã trông rất rõ máy bay rơi. Kìa một, hai, năm, mười... Trời đất ơi, đúng là rơi như sung rụng. Toản nhảy lên, vỗ tay:
- Cha cha... “Thằng” nào bố trí trận địa ở đèo Cùa giỏi quá ta. Hiểm thiệt! Bọn Mỹ đang chủ quan mà... Cho chết! Cho chết!
Lợi quay lại:
- Hỏa lực chi mà máy bay rơi dữ vậy hè?
- Chắc là 1207.
- Há? Mặt trận mình đã có 1207 rồi à?
Câu hỏi của Lợi khiến Toản cũng phải quay lại, ngẩn ra. ừ, Lợi đã phát hiện ra một điều rất hệ trọng. Chủ lực của Bộ đã vô rồi! Đánh to rồi!...
Toản lặng đi. Nghĩ đến thân phận mình anh bỗng thấy ói lên một nỗi tủi cực. Là đơn vị hoạt động đầu tiên, gây cơ sở, chuẩn bị chiến trường, câu địch ra. Đến khi mặt trận bùng nổ, làm ăn lớn, những người vào sau đua nhau lập công thì mình rút chạy?
Toản ứa nước mắt quay lại hằn học:
- Thôi đủ rồi! Chạy!
Các chiến sĩ nối tiếc ngoái nhìn lần cuối cùng bầy trực thăng rơi loạn xạ, rồi tất cả quay người lao theo trung đội trưởng.
Họ đã vô tới đường giao liên H1. Con đường này ngoằn ngoèo chạy theo sườn núi. Một bên là thành đá dựng, một bên là khe sâu với những dãy chạc chìu chằng chịt. Con đường giao liên này nối từ bờ nam sông Bến Hải vô tới Cù Đinh, Ba De. Đi ngược chiều đường này có nghĩa là trở ra Bắc, bỏ lại sau lưng mặt trận đang nóng bỏng những luồng đạn lập công. Bước chân các chiến sĩ như có đá treo phía trước, kéo giật lại!
Trung đội ra tới một khúc cua hình ách cày, không ai bảo ai đều ngoái lại nhìn về phía mặt trận. Họ biết rằng, vòng qua bên kia cua ách cày là khuất núi, không còn nhìn thấy những đụn khói chọc trời, không còn nhìn được từng chiếc trực thăng loạng choạng chui xuống... Họ thầm hẹn một giờ không xa, có thể chỉ đêm nay hoặc sáng mai là sẽ quay trở lại.
Đột ngột có tiếng rì rầm từ bên kia khúc cua. Toản khua tay ra sau. Đoàn người đứng sững lại. Tiếng rầm rì to hơn. Toản lạnh người. Bọn Mỹ rồi! Con đường độc đạo này không có chỗ triễn khai, càng không thể tháo lui được. Toản không kịp ra lệnh, anh lao lên.
Từ chỗ quẹo hiện ra mấy thằng cao lênh khênh, tóc vàng úa. Toản néo cò. Lợi quạt theo. Bọn Mỹ há tròn mồm kinh ngạc. Đạn AK xối như mưa vô tốp lính đi đầu. Chúng nó vẫn đứng như trời trồng! Lợi giật thót cả người, nghĩ vội: “Bọn ni không biết chết ư?” Anh lao lên cùng Toản. Hai tốp người đã xáp mặt nhau. Bây giờ mấy cái xác đi đầu mới chịu đỗ xuống. Một cuộc ẩu chiến xảy ra. Tiếng la hét nhiều hơn tiếng súng. Rồi tiếng hét cũng ít đi nhường chỗ cho tiếng đấm, thụi, huỳnh huỵch!
Một thằng râu kín mặt chồm tới. Lợi cúi rạp người. Thằng Mỹ lỡ đà đỗ rầm lên lưng Lợi. Anh nghiến răng tống một quả đấm vô bộ hạ nó. Một tiếng “á” bật lên. Lợi rán sức hất tung qua trái. Đống thịt đổ rầm, dây chạc chìu lún xuống. Lợi chưa kịp đứng lên thì một vòng tay đầy lông lá từ phía sau đã choàng rịt lấy anh. Lợi quặp tay lên bấu chặt vô vòng thịt ấy rồi dùng mông đánh một cật lực ra sau. Miếng võ khá hiểm, nhưng có lẽ vì sức yếu nên không đủ hất ngả nó xuống. Anh quờ tay lên túm được mớ tóc thằng Mỹ. Nhưng đã nhấc bỗng anh lên, quật xuống. Lợi nằm gọn dưới một đống thịt. Anh ngoạm răng vô mạng sườn nó, nghiến. Có tiếng kêu oai oái, nhưng hai bàn tay như kìm sắt của nó đã riết được cổ Lợi. Lợi nghiến răng, rụt cổ, đẩy cằm xuống, chống đỡ. Một ý nghĩ lạnh buốt xuyên qua đầu: “Mình chết vì bàn tay thằng này...”
Nhưng đột ngột cái gọng kìm ấy buông ra. Thằng Mỹ trườn người dậy, mồm há to. Lợi co chân đạp ục một phát. Bị thịt nhào ra phía sau. Lợi kịp nhận ra Toản đang đạp chân vô lưng cái xác chết rút ra một lưỡi lê đặc máu.
- Đằng ấy... mau lên!...
Toản nhảy lên phía trước. Lợi cố bật người dậy, lao theo. Trước mặt từng cạm người xúm xít vật lộn nhau như một trò chơi. Toản lại cắm phập lưỡi lê vô một tấm lưng to tày tấm phản. Lợi nhảy né người sang một bên để tránh cái xác đổ xuống, rồi anh trở ngược báng súng phang đánh rắc một tiếng vô chiếc gáy đỏ rần như gà chọi của một thằng Mỹ khác.
Bất ngờ Toản chùng lại, đứng đờ ra. Lợi quay phắt, hét lên:
- Trung đội trưởng!
Tay Toản đè lên ngực, anh quỳ hai gối xuống trước. Một loạt súng cực nhanh nổ chéo qua tai Lợi. Lợi ngồi thụp xuống lướt mắt ra bốn phía. Một thằng Mỹ nằm vắt người bên lề đường, nòng súng đang rà theo hướng các chiến sĩ. “Viên đạn thằng này đã giết anh Toản!” Lợi nghĩ nhanh và néo cò nhanh. Cái nòng súng cực nhanh của tên Mỹ đỗ sập xuống. Xác hắn hết cựa quậy.
Trận chiến đấu đã kết thúc. Khúc đường qua cua hình ách cày nhầy nhụa máu và xác chết. Chưa ai kịp đếm mấy chục thằng Mỹ đền tội. Trung đội hi sinh năm đồng chí. Hai bị thương nặng. Thái cũng bị toạc một miếng da mặt.
Toản nằm co ro giữa hai xác lính Mĩ. Hơi thở đã thều thào. Tất cả những người đang sống và những chiến sĩ đã hi sinh đều được khiếng đến gần anh. Lợi ngồi sát xuống, nghiêm tai nghe Toản nói:
- Hai... đồng... chí... liên lạc... đại đội còn... không?
Lợi ngước lên nhắc lại câu hỏi. Hai chiến sĩ do đại đội trưởng Qúi cử đi đón đều đang sống, họ chạy đến ngồi xuống bên Toản.
- Nhờ... báo cáo... anh Quí... Tôi xin nhận kỷ luật... Tất cả do tôi... Trung đội không có khuyết điểm... Các đồng chí ở lại... lập... công...
Tiếng nói anh mất hút. Hơi thở cũng lịm dần. Nhưng hai tròng mắt Toản vẫn mở trừng trừng ức ối. Lợi vuốt nhẹ mắt cho anh, lòng thầm nói:
- Hãy nghỉ đi anh Toản ạ! Chúng tôi đã hiểu rõ cả rồi!...
Sau liệt sĩ được xếp thành một hàng. Nắng chênh vênh trượt trên vách đá. Đọng lại trong quầng mắt những người nằm xuống hôm nay là bóng râm của đồng đội, những người đang sống ngồi sít lại bên nhau.
*
Quí lẳng lặng ngồi nghe Lợi báo cáo. Anh không ghi sổ, cũng không nhìn người nói. Quí chập hai bàn tay lại gõ gõ vô giữa trán, mắt khép như ngủ.
Sau khi trình bày hết các tình tiết đã xảy ra, Lợi kết luận:
- Báo cáo đại đội trưởng, rõ ràng trung đội chúng tôi đã vi phạm một kỷ luật nghiêm trọng. Khuyết điểm này không phải do riêng trung đội trưởng chịu như lời trăn trối của anh Toản. Anh ấy không chạy trước. Lúc ấy anh Toản có hỏi ý kiến tôi nhưng tôi cũng lúng túng. Nói chung các tiểu đội trưởng đều không nắm được bộ đội, không giúp đỡ được chi cho trung đội trưởng cả. Chúng tôi xin chịu kỷ luật.
Quí bất ngờ ngẩng dậy:
- Vậy, giả sử lúc đó cậu chỉ huy trung đội, giả sử cậu bình tĩnh một chút, thì xử lý thế nào?
Câu hỏi của đại đội trưởng ngoài dự kiến của Lợi. Anh nghĩ nhanh, nhưng khi nói ra lại ngập ngừng:
- Thực ra... Trong phương án tác chiến không trù tính đến chuyện đánh xe tăng. Súng chống tăng không có, công sự không bền vững, xe tăng của địch lại thọc từ phía sau tới, lực lượng rất đông... Nếu cứ bám trụ và đánh trực diện thì nhất định sẽ bị nó tiêu diệt. Vì rứa... theo tôi, giả sử lúc đó rất bình tĩnh chăng nửa thì cũng cứ nên rút. Rút chứ không phải chạy. Rút ra một vị trí nào đó, lợi dụng đêm tối và cách đánh sở trường của trinh sát mà quay lại tập kích. Nhất định diệt được nó.
Lợi ngừng nói liếc mắt qua đại đội trưởng. Quí vẫn lim dim mắt lắng nghe. Rồi không hiểu sao, Quí lại thở dài, đặt tay lên vai Lợi:
- Rứa đó. Cán bộ ta thừa thông minh để đánh Mỹ. Chỉ tiếc là trận đầu không được bình tĩnh. Nhưng thôi, kỷ luật chịu chung vậy. Tiếng thế nhưng lâu nay đã xáp mặt với bọn Mỹ lần nào đâu. Ông Lịch, thằng Toản chết vội quá. Đó là những cán bộ quí vô cùng.
Nghe đại đội trưởng nhắc đến chính trị viên Lịch, Lợi chợt nhớ đến Khang:
- Thủ trưởng Khang đâu rồi, đại đội trưởng?
Quí hơi cúi xuống, không nói. Tay anh vô tình vớ một que củi khô bẻ “rắc” một tiếng rồi lặng lẽ ném ra xa. Lợi hơi chột dạ hỏi dồn:
- Răng? Anh Khang cũng đã hi sinh rồi à?
- Không! - Quí nói chầm chậm - Anh ấy lên cơn sốt phải cho người cáng ra Bắc rồi...
Quí lại thở dài. Trong câu nói của anh có điều gì đó như một sự nuối tiếc:
- Lúc nãy cậu phân tích đúng đó. Bởi vì nhiệm vụ của trung đội cậu là đón lỏng để đánh tiêu hao địch chứ không phải chốt giữ. Cho nên có thể tạm rời vị trí để đêm đến tập kích trở lại. Cũng là sự rút lui nhưng đẹp đẽ hơn bỏ chạy biết ngần nào! Dù sao thì các cậu cũng đã gặp dịp rửa nhục. Diệt được một đại đội Mỹ trên đường như vậy là khá lắm. Chứng tỏ trung đội vẫn đầy đủ nghị lực và ý chí chiến đấu. Sợ nhất là kẻ chạy dài, chạy không ngoảnh đầu lại được.
- Trung đội cũng có một lúc như vậy đó, thủ trưởng ạ!
- Nhưng chỉ một lúc thôi, đúng không? Chừ thì tất cả đã quay trở lại, đã sẳn sàng lập công mới, đúng không? Như vậy thì dù trung đội trưởng hay nhiều đồng chí khác có hi sinh thì trung đội vẫn nguyên vẹn đội ngũ, vẫn có mặt trong đội hình của toàn mặt trận. Còn những kẻ bỏ chạy, chạy dài, chạy thẳng thì dù còn sống đó,vẫn ăn, vẫn nói ở một chỗ nào đó, nhưng rõ ràng họ đã tự hủy bỏ mình, tự xóa phiên hiệu mình trong hàng quân, tự khai trừ mình ra khỏi lẽ sống hiện tại, đúng không?
Quí kết thúc ý kiến bằng một cái đập tay lên vai Lợi. Rồi anh đứng dậy nói to cho tất cả xung quanh cùng nghe:
- Tạm thời đồng chí Lợi phụ trách trung đội. Tất cả tranh thủ củng cố lại hầm hố. Tôi lên tiểu đoàn nhận lệnh.
Anh nuôi đại đội đã đưa cơm vắt còn nóng hổi lên cho trung đội của Lợi. Trung đội nhường tất cả võng cho những người bị mất ba lô. Các chiến sĩ trung đội hai tay ôm những chiếc võng, cầm những vắt cơm mà nước mắt rưng rưng. Vừa cảm động, vừa tủi hổ lại vừa xót thương những người vắng mặt, nỗi niềm ứa nghẹn không răng nuốt nổi hạt cơm.
Lợi thả mình xuống võng. Những lời của đại đội trưởng vẫn còn thầm thì bên tai. Mười phần Lợi đã đoán ra được tám, chín. Xót xa thay, trong đội ngủ hôm nay vẫn còn có kẻ bỏ trốn. Kẻ đó dù chỉ là con số một, nhưng là một vết thương, đau nhoi nhói cơ thể của đoàn quân. Kẻ đó sẽ được những gì ngoài mạng sống của họ? Liệu có một lời thanh minh, ngụy biện nào che lấp nổi cái xác thịt hèn yếu kia không? Cho dù anh có tài ngụy biện đến mấy, có thể nói dối với vài người đang sống, có thể phỉnh lừa số ít hậu sinh, nhưng với những người đã ngã xuống đúng cái khi anh bỏ chạy thì còn thanh minh sao được nữa? Vả mảnh đất này, năm tháng này mãi mãi sẽ là một dấu hỏi móc xoáy vào cuộc đời còn lại của anh!
CHƯƠNG MƯỜI BỐN
Mới xa cái đội chính trị Cam Lộ gần một tháng mà chừ trông Qủang khác hẳn hôm dẫn tổ công tác của Lợi vô ấp An Nha. Mặt anh gầy rạc đi, mắt sâu trũng, cặp lông mày như trồi thêm ra phía trước. Quảng lượm đâu được mấy cuống thuốc lá Cẩm Lệ, dùng dao găm thái vụn rồi chia cho Lợi một nửa.
- Hút tạm vậy. Hết cái thời phì phèo Sa-lem rồi. Gần chục hôm ni chui như rệp, không bám nổi cơ sở. Gạo ăn cũng đã hết rồi.
Lợi đảo mắt ngó lượt qua các võng. Một không khí trầm lặng, ưu tư trùm lên toàn đội. Lợi biết tình hình hoạt động của các tổ gặp khó khăn lớn.
Quảng thở phì một cái, ho lục khục. Đoạn anh bắt đầu kể tiếp:
- “Chúng nó bốc toàn ấp An Nha lên cồn Mả Đỏ bốn ngày. Sau đó bắt đầu thanh lọc. Mẹ Xướng bị bắt chẳng có lý do chi hết. Nghe số cơ sở trong Đông Hà báo ra, chúng nó cũng không đánh đập chi cả. Cho ăn uống bình thường. Giam ở Đông Hà hai ngày thì chúng chở mẹ vô Huế...
Tôi có trở lại nhà o Hoan ba lần. Cả ba lần tới hộp thư đều nhận được tin: Mẹ đi vắng, nhà có khách. Lần thứ tư, tôi quyết định tìm đến một cơ sở khác. Nhà này cũng có “khách” nhưng cơ sở vẫn bố trí cho gặp, hỏi ra mới biết khách chính là bọn bình định. Sau khi trả dân trở về ấp, bọn này chia ra ở tất cả các nhà, lấy cớ là để “3 cùng” với nhân dân. ở nhà Hoan là thằng Tá trung úy, trưởng đoàn. Theo như cơ sở cho biết thằng cha ni đẹp trai, ăn mặc giản dị, hay cười và cho kẹo bọn con nít. Hắn về ấp lần đầu tiên cùng thằng cha cố vấn Mỹ và thằng phó tỉnh trưởng trong hôm bôc dân. Hắn ở nhà Hoan, tỏ ra cần cù, lịch sự. Chưa có hiện tượng dò hỏi hay những biểu hiện đểu cáng chi cả. Nhưng Hoan thì rất hoang mang, không dám bắt liên lạc...”
Qủang ngừng lại. Điếu thuốc sâu kèn tắt ngấm từ lúc nào. Anh quẹt diêm châm thuốc rồi lại rù rì kể tiếp:
- Chúng tôi đã báo cáo tình hình lên huyện. Huyện ủy nhận định, cùng với việc Mỹ đổ quân ra đường Chín, bọn bình định đang mở chiến dịch đánh sâu từng cơ sở, xé lẽ từng gia đình để dễ bề bẻ gãy ý chí họ. Bọn tôi nhất trí với nhận định ấy. Việc chúng nó bắt mẹ Xướng biểu hiện rất rõ ý đồ đó. Anh thấy đã thâm độc chưa? Có mẹ bên cạnh. Hoan rất vững vàng. Còn chừ thì gay rồi...
Câu chuyện của Quảng bị cắt ngang vì mấy tiếng pháo rít qua đầu, nổ giật phía sườn núi. Chỉ mới mấy chục hôm mà đã có thêm hàng chục trận địa pháo mọc lên khắp các cao điểm. Máy bay trực thăng, phản lực, L.19 quần tơi tả bầu trời. Cả một vùng rừng núi đường Chín ê chề những âm thanh thô bạo và hổn độn.
Có tiếng ông Đội trưởng gọi, Quảng nhảy xuống đất, chạy mấy bước rồi ngoái lại bảo Lợi:
- Cứ yên trí nghĩ đã. Khi nào đi được tôi sẽ nói.
“Rứa là đường vô cơ sở bị tắc rồi!” Lợi thầm nghĩ vậy và bỗng thấy lo cho Hoan. Cứ theo như cách nhận định của Huyện ủy thì tính mạng của mẹ Xướng không đến nổi nguy hiểm lắm. Chúng bắt mẹ chỉ cốt để cô lập Hoan thôi. Liệu chị ấy có chống chọi nổi những thủ đoạn thâm hiểm của bọn bình định không? Lợi nhắm mắt cố mường tượng ra bộ mặt của cái thằng Tá nào đó đang ở trong nhà Hoan. Một thằng béo ị, mặt tròn như đĩa, cằm lún sâu?... Không trúng rồi! thằng ni có vẻ giản dị kia mà. Một khuôn mặt gầy, mắt ti hí, gò má nhô cao, môi thâm tím?... Cũng trật nốt! Thằng ni đẹp trai, hay cười nữa. Vậy thì đúng là một tên công tử, da trắng bợt, lông mày mỏng chuốt, tiếng nói ỏn ẻn... Lợi chợt phì cười. Con người ta xấu xa đâu phải ở cái amựt mũi. Tại răng mình không tưởng tượng gần giống với những khuôn mặt bình thường vẫn gặp hàng ngày?
Tối hôm đó Lợi cố gắng thuyết phục đồng chí đội trưởng cho mình vô ấp. Ông đội trưởng khịt khịt mũi hồi lâu, rồi với vẻ cực chẳng đã, ông gật đầu. Ông cho Quảng đi theo để đề phòng bất trắc.
Hai người vô tới 'hộp thư” thì gà đã gáy giấc một. Qủang thò tay vô hốc cây ngô đồng moi ra mẫu giấy gấp nhỏ như cúc áo. Hai người bò giật lùi trở lại rãnh khoai cách hộp thư chừng ba chục thước. Họ chúi đầu vô dây khoai, bấm chiếc đèn pin đã được bịt kín chỉ còn một giọt sáng bằng hạt đỗ, lần theo dòng chữ ngoạch ngoạc.
“Mẹ chưa về nhưng em cần gặp tại đây”
Lợi gí miệng vô sát tai Quảng:
- Hẹn lại đi?
Quảng moi túi lấy ra một tờ giấy quấn thuốc rồi rút cây bút bi hý hoáy viết: “Tại đây, tối mai tức 20-6”, Quảng trườn người lên gốc cây ngô đồng, đẩy mẫu giấy vô lỗ nhỏ rồi quay lại. Hai người bám sát nhau trở ra bờ rào. Lợi bỗng thấy hồi hộp như lần đầu vào trận.
Chiều hôm sau hai người đi rất sớm. Họ vượt qua cồn Mả Đỏ lúc mặt trời còn ria những chớn vàng khè lên đồi đất bỏ hoang. Họ ngồi hút thuốc chờ trời tối.
- Cậu bảo liệu Hoan có đổi lòng không? - Qủang bất ngờ hỏi và xoay hẳn người sang Lợi.
Câu hỏi thật khó trả lời. Lòng dạ con người vốn đã khôn đo, huống chi lại sống giữa một vòng kìm kẹp, ngày đêm ở cạnh một thằng ác ôn thâm hiểm! Lợi khẽ lắc đầu, hỏi lại:
- Có cách chi khử thằng trưởng đoàn bình định ấy không?
- Khử thì chẳng khó nhưng sợ lôi thôi!
- Răng?
Quảng dụi tắt điếu thuốc bỏ vô túi, để dành. Anh nói chậm rãi:
- Nó cứ ở lì trong nhà Hoan. Khử nó tại đó sẽ liên lụy cho chị ấy. Giá như biết được quy luật đi lại thì thịt nó chỗ khác, tốt hơn.
- Cái đó phải hỏi chị Hoan.
Quảng cười miễn cưỡng:
- Nhưng lỡ Hoan phản rồi thì sao? Cậu ngạc nhiên à? Bọn tôi hoạt động mòn chân ở đây, thiếu chi những trò tráo trở ấy. Biết đâu... đêm ni hai ta lại sập vô bẫy?
Câu kết luận của Quảng như một màn mây kéo ngang qua mặt Lợi. Một viễn cảnh bi đát lởn vởn hiện ra. Lợi lắc đầu cố xua đuổi nó đi.
- Nhưng cũng phải biết tin vô cơ sở chứ. Thôi tối rồi vô đi!
Cả hai cùng đứng dậy, phủi bụi ở quần rồi xốc lại súng. Bốn bàn chân lần dò theo lối cũ, thấp thỏm, ngập ngừng.
Vô tới rãnh khoai thì Qủang ấn vai Lợi nằm xuống. Cả hai đằm mình trên vồng khoai căng mắt ngó về phía trước. Lợi tiện tay ngắt một lá khoai đưa lên miệng nhai. Nhựa lá nhơn nhớt, hăng hăng.
Đêm không trăng, không mây và cũng không gió, khoảng tối như đặc lại. Tiếng côn trùng rỉ rả, triền miên. Cứ mỗi lần phải chờ đợi, Lợi có cảm giác như mình già hơn lên mấy tuổi. Bởi vì thời gian của sự chờ đợi bao giờ cũng lê thê, dằng dặc. Thêm nữa, đầu óc phải nghĩ ngợi quá nhiều. Đã có lần Lợi nghĩ lẫn thẩn, sung sướng nhất có lẽ là những người không bao giờ phải chờ trông một điều chi hết? Nhưng rồi suy tính lại, anh lại thấy không có chi vô vị hơn cuộc sống trơn tuột đó.
Thực ra Lợi và Quảng không phải đợi quá lâu. Họ đã phát hiện thấy Hoan lùi lũi từ trong vườn mía chui ra. Hoan vừa đi vừa chạy. Thỉnh thoảng chị lại ngồi thụp xuống rồi thò tay vô “hộp thư”. Chắc chắn chị sẽ không nhận được một tin chi mới. Hoan tựa lưng vô gốc ngô đồng, hai bóng đen chập một, lặng như chết giữa cái vườn hoang.
Lợi mấy lần nhổm lên đều bị Quảng vịn vai gí xuống. Họ vẫn nằm như ngậm tăm ngoài rãnh khoai. Năm phút, mười phút, rồi ước chừng một tiếng trôi qua, Quảng thì thào bên tai Lợi.
- Hôm ni chưa tiếp xúc được đâu.
- Tại răng?
- Phải cẩn thận đồng chí ạ!
“Thế này thì quá quắt, mất hết lòng tin ở quần chúng rồi!” Lợi thầm nghĩ vậy nhưng không dám tranh luận. Dù răng các đồng chí địa phương cũng có kinh nghiệm hơn mình. Hơn nữa trong nguyên tắc đi cơ sở, bộ đội phải phục tùng cán bộ địa phương.
Hoan đã rời gốc cây đi quanh một vòng. Đúng là chị ấy sốt ruột lắm. Hoan ngồi xuống rất thấp. Chắc chị đang căng mắt ngó ra phía rào. Lợi muốn làm một động tác chi đó, muốn phát ra một tiếng động nào đó để Hoan có thể nhận ra hoặc ít ra cũng nghi ngờ mà đi lại hướng này. Nhưng bàn tay Quảng như cái bàn là cứ rà rà lên lưng khiến Lợi đành cắn răng, gối cằm lên vồng khoai, chịu phép.
Gà đã gáy lần hai. Hoan đứng lên ngó đảo một vòng nữa rồi quay người chui trở lại vườn mía. Lợi thấy lòng cuộn xót một nỗi thương cảm và ân hận. Trên đời này còn có chu đau đớn hơn bằng sự thất vọng. Nỗi đau mất mát chỉ nhức nhối một thời gian thôi.Còn thất vọng có thể dìm chết một đời người. Làm cho kẻ khác phải thất vọng về mình là một tội ác!
*
- Cơm sáng tôi nấu rồi, chị ngồi ăn luôn! Thấy chị ngủ say quá tôi không nỡ đánh thức...
Tá nói nhẹ nhàng, thánh thót như tiếng sáo.
Những hôm đầu Hoan rất khó chịu với cái giọng nói nhẹ tênh ấy. Để đáp lại chị thường “hự” một tiếng nặng như chì rồi quay ngoắt đi. Nhưng đến hôm ni, gần một tháng rồi, cái âm thanh ấy cứ leo reo bên tai đến nỗi chị thấy quen dần và cũng đỡ khó chịu.
Tá ngồi xuống trước, so hai đôi đũa gác lên hai bát cơm và chờ đợi. Mấy lần trước, Hoan nhất định không ăn. Nhưng không ăn thì đói. Gạo Tá mua về kêu không có chỗ đựng đã đổ chung vô phi gạo của Hoan. Hơn nữa chị không ăn thì Tá vẫn ngồi đợi, lại thánh thót những câu phân trần, giải thích. Thôi thì ăn quách cho nó xong, rồi nó đi việc nó, mình làm việc mình! Nghĩ vậy nên Hoan ngồi xuống mâm ăn hì hục, đầu cúi gằm. Đối lại, Tá nhai từng miếng chậm rãi. Thỉnh thoảng y gắp một miếng thịt bỏ lên bát Hoan. Hoan hất xuống, Tá lại chờ dịp bỏ lên. Thôi thì nhai luôn cho nó đỡ kéo dài thời gian! Cũng có hôm Hoan đi làm về sớm hơn Tá. Chị chỉ đong một bơ gạo đổ vô nồi. Nhưng rồi lại nghĩ, nhiều bận nó nấu giúp mình, chừ mình không nấu giúp lại, coi chướng quá! ít ra cũng đừng để “người ta” khinh mình ích kỷ. Rứa là chị xúc thêm bơ nữa, và đến bữa hai người lại cùng ngồi xuống như một sự tự nguyện. Cứ vậy mà thành nếp quen. Hai cái bóng lặng lẽ vô ra trong một mái nhà, âm thầm ngồi xuống đứng lên quanh một mâm cơm. Hô như mĩt cƯp vợ chơng bít đắc ý đang đợi ngày ly dị...
Trong cuộc sống cái im lặng rất khó có thể kéo dài. Đặc biệt là với lớp trẻ.
Ăn chưa vơi bát cơm, Tá đã lên tiếng trước:
- Mấy hôm nay coi chị có vẻ xanh hơn. Hình như ban đêm chị ít ngủ?
Hoan giật thót cả người. Đêm qua trước khi lén ra “hộp thư”, chị phải đếm đủ năm chục tiếng ngáy của Tá đều đặn như nhau mới dám quả quyết là hắn đã ngủ say. “Không biết lúc mình đi hắn có thức giấc lầ nào không?” Nghĩ vậy Hoan cố cười nhợt nhạt:
- Anh biết bắt bênh nữa à? Nhiều nghề hè!
Tá cười nửa khép nửa mở:
- Vậy ra chị chưa biết à? Tôi là một bác sĩ.
Tá đặt bát cơm xuống kể bằng một giọng xa xôi:
- Tôi phục vụ trong quân lực Việt Nam Cộng hòa được ba năm thì chuyển ra ban cán sự nông thôn.
- ở trong quân ngủ lương to hơn chứ?
- Dạ đúng. Nhưng tôi không thích nhìn những vết thương lửa đạn - Giọng Tá trở nên bùi ngùi - Chị thông cảm, tôi là một bác sĩ nội khoa. Tôi muốn làm dịu bớt nỗi đau đớn bên trong của từng con người hơn là mỗ xẻ vá víu bên ngoài da thịt. Công việc tái thiết, nông thôn đã làm mãn nguyện tôi.
Hoan khó mà hiểu nổi những ý trong câu nói ấy. Chị cũng không muốn kéo dài câu chuyện nên đặt đủa đứng dậy. Như một sự thỏa hiệp trước Tá cũng bỏ đũa. Tiện tay anh ta bê luôn cả mâm đi xuống bếp, Hoan vội vàng chạy đến:
- Anh để mược tôi.
Tá không giành. Anh ta trao mâm bát đĩa cho Hoan rồi quay lại rót nước ra hai ly. Tá uống trước rồi với tay lấy chiếc mũ lá đội lên đầu đi ra sân. Tá ngước mặt nhìn trời, nhíu mày như một nông dân thực thụ:
- Trời oi bức kiểu ni là sắp mưa rồi. Lúa đang kỳ chín, khéo không rụng hết. à “nhà ta” vụ này cấy được mấy mẫu?
Hoan trả lời bắt buộc:
- Chẳng có người làm. Hai mẹ con chỉ cuốc được có mấy miếng nho nhỏ, không tới bốn sào!
Tá khẽ thở ra một tiếng đầy vẻ ái ngại rồi hạ giọng:
- Để coi lúa mục chưa, tôi sẽ nhờ anh em gặt giúp. Vụ tới ta phải khai hoang thêm, ít ra cũng phải được một mẫu.
Nói rồi Tá cặm cụi đi ra ngõ. Đã nghe thấy tiếng léo nhéo của mấy đứa con nít: “Chú Tá! Chúng mày ơi, chú Tá!...”
Hoan ngồi thừ ra ở chỗ rửa bát. Tâm trí chị xáo động rối bời. “Con người ấy” toan tính tới vụ sau. Vụ sau rồi vụ sau nữa... hắn định ở cái nhà ni đến lúc nào? Kế ra hắn cũng không đến nỗi khó chịu lắm. Trong dáng thư sinh vậy mà lại cần cù. Từ hôm có hắn về đây, cái chiếu cái giường cũng sạch sẽ hơn ra, trong nhà ngoài ngõ lúc nào cũng nhẵn nhụi, tươm tất. ờ, mà hắn có dò xét chi đâu. Cũng không hăm dọa, trêu ghẹo, đểu cáng chi hết. Một mực chị chị, tôi tôi, chứng tỏ con nhà nền nếp. Chỉ có một điều, hắn còn ở đây thì chắc chắn mẹ sẽ không về được. Cực khổ thân già! Hơn sáu chục tuổi đầu rồi mà vẫn chưa thoát tù tội. Thân mẹ liệu có chịu nổi cơm hẩm, cá thiu không, chưa tính tới đòn roi vùi dập. Hoan ứa nước mắt. Hai mươi bảy tuổi đầu đây là lần đầu tiên chị phải sống xa mẹ. Tuy mẹ hay rầy la, kềm cặp khiến Hoan nhiều lúc thấy tù túng thiếu thoải mái, nhưng từ hôm mẹ bị bắt tới chừ, chị bỗng thấy mình trơ trọi, tự phơi bày ra trong căn nhà hở hang như vạt áo đứt cúc...
Làng xóm cũng kiêng đi lại với nhau vì nhà nào cũng có “cán bộ” ở. Đặc biệt nhà Hoan có ông trưởng đoàn ở nên người ta càng ngại tới. Người dân ấp An Nha bỗng nhiên đều co mình lại trong nỗi lo âu, day dứt.
Điều day dứt hơn cả là việc đứt liên lạc với trên xanh. Đêm qua Hoan nằm ấm ức một mình nhưng không dám khóc. Rõ ràng “họ” có ý nghi mình! Trời ơi! Để cho cách mạng nghi ngờ thì thà chết còn hơn. Nhưng rồi Hoan trấn tĩnh lại. Biết đâu có sự trắc trở đã xảy ra? ừ, ở đời ai lường hết chữ ngờ. Như mình đây chẳng hạn, bỗng dưng quàng ách vô cổ... biết khi nào mới cởi được. Liệu có cởi được không, hay là... Hoan rùng mình không dám nghĩ tiếp.
Hoan ở lỳ suốt ngày trong nhà.
Tối nay Tá không đi dạo một vòng các nhà trong ấp như thường lệ. Việc đó làm Hoan băn khoăn. Sau mấy câu nói chuyện vu vơ, Tá kêu nhức đầu đi ngủ sớm. Hoan càng ái ngại. Không khéo hắn đã nghi mình?
Tá trở mình mấy cái, nhăn nhó kêu nhức ở thái dương. Hoan lôi trong tu ra lọ dầu “Con sóc” đưa cho Tá. Tá bôi khắp cổ, mũi, trán rồi trả lại cho Hoan. Giọng anh ta khàn khàn:
- Cám ơn chị! Trời hôm ni tức dông quá!...
Đúng là oi bức thiệt. Hoan cũng thấy bừng bừng da thịt. Chị lui vô buồng mình cầm chiếc quạt đập lẹt xọet. ở ngoài Tá bắt đầu ngáy. Tiếng ngáy của kẻ ngạt mũi nghe gồ ghề như trâu lội ruộng nước. Tiếng ngáy lúc rộ lên, lúc lịm đi, thỉnh thoảng lại phát ra những tiếng nghiến răng ken két. “Hắn ốm thiệt rồi!” Hoan nghĩ chắc chắn vậy và thấp thâm đếm từng tiếng ngáy...
... Đếm được năm mươi tiếng Hoan vẫn còn nghi ngại. Thôi, đếm lại từ đầu, năm mươi tiếng nữa... Mà cứ đếm trăm cho chẵn. Sáu lăm... sáu sáu... sáu tám... bảy mươi. Con người ta dù tâm địa thế nào chăng nửa thì khi ngủ những tiếng ngáy phát ra đều vô tư. Hắn giỏi lắm cũng chỉ tới ba mươi, ba mốt tuổi là cùng. Vậy mà có lúc coi bộ già ghê! Hay tại tính hắn ít nói, lúc nào cũng ra vẻ tư lự. Mà thôi, kệ xác hắn. Bảy tư, bảy lăm, bảy sáu... Chưa biết chừng hắn lại giả vờ. Mà hắn cần chi phải giả vờ? Nếu nghi, chỉ cần hắn bố trí vài tên tay chân sau hồi nhà là có thể tóm được mình ngay thôi. Mà hình như có người sau nhà thiệt? Không phải. Tiếng gió lay tầu chuối khô. Mình cả lo quá! Tám lăm, tám sáu, tám chín... chín ba...
Hoan rón rén đẩy cửa buồng, nghiêng người lần ra phía cửa. Đầu chị đâm phải thành tôn. Hú vía! Hoan ôm cả hai tay lên tấm tôn, người run bần bật. Tiếng ngáy của Tá vẫn đều đều. Hoan đã ra tới chuồng heo, chị ngồi thụp xuống quan sát. Không thấy động tĩnh chi, Hoan chui ra khóm chuối, vượt qua trảng đất hoang rồi lao vô vườn mía. Cây ngô đồng kia rồi. Yên ắng quá! Hay lại thêm một đêm thất vọng nữa? Hoan ngó lui một lần nữa cho chắc chắn rồi cắm đầu lao nhanh tới “hộp thư”. Chị chững lại. Bốn bề vẫn lặng thinh. Tim Hoan se thắt lại nhoi nhói. Họ vẫn không vô rồi! Chị suýt bật lên tiếng khóc. Họ không vô răng lại hẹn mình? Họ hết tin rồi chăng?
Hoan ngồi thụp xuống cạnh gốc ngô đồng, hai tay ôm gối đầu gục xuống uất ức. Bỗng có tiếng loạc xọac, chị ngẩng vội dậy. Hoan suýt kêu lên, lạnh toát xương sống. Một bóng đen đứng sừng sững trước mặt tự lúc nào. Hai hàm răng Hoan cứng lại không thể mở ra được nữa.
- Chị Hoan phải không? Tôi đây!...
- ối!...
Người Hoan tê đi vì kinh hãi. Chị ôm lấy đầu, ú ớ:
- Trời ơi, hồn...
- Ô hay, tôi là Lợi đây mà! Chị nói khẽ chứ...
Hoan cấu mạnh vô mu bàn chân mình. Chị nhắm mắt lại hỏi một cách vô nghĩa và tuyệt vọng:
- Anh chết rồi phải không?
Lợi suýt bật cười. Anh đã hiểu vì sao Hoan sợ.
- Tôi chết thì ai dẫn đường cho bộ đội đánh Dốc Miếu?
Chị không thấy Dốc Miếu bị đập nát đó sao?
Một phút lặng đi. Người Hoan ấm dần lại. Chừ thì chị đã mở được mắt ra, đã đưa được hai tay lên sờ vai Lợi. Lợi tiến sát thêm một bước cho Hoan nhận mặt. Bất ngờ Hoan ôm ghì lấy anh. Lợi hốt hoảng định giật lùi nhưng không kịp. Hoan úp mặt lên vai anh nấc từng cơn dài. Nước mắt chị ngấm qua áo, ấm hôi hổi trong làn da anh. Lợi bất lực trước cơn xúc động, anh khẽ liếc mắt ngó xung quanh. Đêm vẫn mịt mùng, bí ẩn. . Côn trùng đang rả rít ngợi ca cuộc sống riêng của chúng nó trong lòng đất. Lợi nhoáng thấy bùi ngùi. Anh cảm tưởng những giọt nước mắt tủi hờn thương cảm này không phải chỉ dành riêng cho anh.
- Chị có nhận được tin của mẹ không?
- Kh...ông!... Chúng nó đã đưa mẹ vô... Huế... Mẹ chỉ kịp cúng cơm cho anh đúng hai bữa.
Im lặng một lúc, Lợi lại hỏi:
- Cái thằng trưởng đoàn bình định trong nhà chị nó có ở nhà luôn không?
- Không - Hoan nói dối cốt cho Lợi yên tâm - nó đi làm suốt ngày, về nhà rất ít. à, mà đêm qua có ai vô không?
- Không! Lại đến lượt Lợi nói dối. Hôm qua có nhiệm vụ đột xuất. Chắc chị sốt ruột lắm phải không?
- Không. Tôi chỉ ra một tý rồi trở về...
Cả hai thì thầm dưới gốc cây ngô đồng. Tiếng họ nhỏ chỉ vừa đủ cho nhau nghe. Lợi thấy mình đang trượt dài trên con đường nói dối. Anh cũng biết thừa Hoan cũng không noi thật. Nguy hiểm quá! Không lẽ niềm tin đã rạn nứt đến thế rồi ư? Anh trở lại từ đầu:
- Chị nói không thiệt rồi. Đêm qua chị chờ khá lâu. Hoan dụi đầu vô vai Lợi, nũng nịu:
- Anh cũng noi dối. Tối qua mấy anh không tin em.
- Không phải không tin mà là nguyên tắc bắt liên lạc chị phải thông cảm chứ...
- Dạ...
Câu chuyện dễ chịu hơn. Hoan kể gấp gáp vội vàng về những chi đa xảy ra, về cái tên trưởng đoàn ở trong nhà. Đến khi Lợi hỏi quy luật đi lại của hắn, Hoan trình bày xong bỗng thấy chột dạ.
- Răng? Định khử à?
- Phải khử! Chúng tôi không để liên lụy tới chị đâu.
Hoan nín lặng. Một làn khói vô hình nào đó thoảng bay qua đầu chị. Một cái chết... Những tiếng ngáy vô tư... bữa cơm so hai đôi đũa...
Trong bóng tối Lợi không thể nhận ra những xáo động thoảng qua trong mắt người cơ sở. Anh nói tiếp bằng một giọng cương quyết:
- Thằng ni hết sức nguy hiểm. Chị phải cẩn thận. Tuyệt đối không được sơ hở một hành động cử chỉ nào dù là nhỏ nhất. Về phía chúng tôi sẽ quyết tâm khử nó, càng sớm càng tốt. Có thể sẽ phục kích, đánh mìn, cũng có thể bí mật bắt gọn... Điều chủ yếu là chị phải giúp bọn tôi hiểu được quy luật đi lại của nó. Chị làm việc đó được chứ?
Một cái gật đầu nhè nhẹ. Tiếng Hoan nghe như xa đi:
- Các anh làm được răng đó thì làm...
Lợi hơi chột dạ.Câu nói nghe lấp lửng quá. Lẽ ra Hoan phải giục giả rối rít lên mới đúng chứ. Anh cau mày nghĩ nhanh rồi hỏi:
- Hay chị có sáng kiến chi khác, cứ nói...
Một ngọn gió lạnh bất ngờ lùa qua, liền đó là những hạt mưa lác đác đổ. Hoan nói lảng:
- Chừ sắp mưa rồi, anh cứ ra đi đã. Mai ta bàn tiếp! Lợi có vẻ tần ngần. Nhưng cơn mưa đã ập tới thô bạo. Họ chia tay trong rối rắm của những chuỗi mưa.
Hoan đâm sầm vô đám mía, nhào qua chuồng heo.
Tiếng ngáy của Tá vẫn khò khè. Chị lượt nhanh vô buồng thay quần áo. Mưa xán xuống mái tôn sầm sập. Tiếng cựa quậy rồi tiếng quẹt diêm. Hoan dán mắt vô sát tấm phiên mỏng, ngó ra. Chỗ Tá ngủ bị dột, hắn loay hoay kéo giường. Không biết vô tình hay cố ý, chiếc giường được kéo sát lại tấm phên. Hoan rời mắt khỏi khe hở, đặt rât khẽ đầu lên gối. Bên cạnh Tá cũng đã tắt đèn nằm xuống. Chừ thì họ chỉ cách nhau một tấm phên rất mỏng. Tiếng thở so le nhau như một sự cố tình.
Mưa vẫn đổ hối hả. Căn nhà tôn chông chênh, se lạnh. Hoan muốn trở mình. Chị tỳ cùi tay cố nhấc người thật nhẹ. Bên ngoài Tá cũng bất ngờ lật nghiêng người. Tiếng thở cả hai đều rất mỏng, và họ đều nhận ra rằng khó có ai ngủ được lúc này.
Tá lên tiếng trước:
- Chị không ngủ được à?
Hoan nói run run:
- Dạ... ngủ được... Mới dậy lúc anh kéo giường. Dột hung à?
- Dạ...
- Ướt không?
- Mới thấm màn thôi.
Tiếng thầm thì áp sát vô nhau. Hoan có cảm giác như hai người cùng nằm chung trên một giường. Tấm phên mỏng quá, cả hai đều nghe rõ tiếng thậm thụt của những con tim. Hoan lật sấp người lại, bíu chặt lên thành giường, ép lồng ngực xuống gối. Tiếng nói của Lợi lởn vởn: “Nhất định phải khử nó, càng sớm càng tốt...” Tiếng thở phía bên kia tấm phên như ngưng lại. Hoan cố nghiêng tai nghe. Tiếng thở mất hút. Đi đâu rồi? Hay đã chết. Hoan mở trừng mắt ngồi vọt dậy.
- Chị làm sao thế?
Tiếng nói bé xíu lọt qua khe hở. Hoan áp mặt vô sát tấm phên liếp thì thào:
- Anh vẫn ốm à?
- Đỡ rồi!... Có lẽ ngày mai tôi phải mua ít tôn dọi lại mái nhà...
Hoan cắn cắn vành môi. Nhà dọi lại, chiếc giường sẽ kéo ra xa?...
“Một thằng nham hiểm, chị phải hết sức cẩn thận... về phía chúng tôi nhất định sẽ khử nó...”
Hoan nằm vật xuống giường.
“... Điều cần nhất là chị phải nắm chắc quy luật của nó”.
Hoan lại lật sấp người cắn ngập cả hai hàm răng vô tấm áo gối. Hắn có những quy luật chi hè? Hoan tự hỏi rồi tự lầm rầm một mình. “Tiếng hắn dìu dịu, mắt ngó đăm đăm... hắn siêng năng, hay dọn nhà, quét sân... Hắn sống dè dặt đến từng hơi thở... có phải đó là quy luật của nó không?...”
*
Quảng hơi đỏ mặt trước những lời phân tích có ý phê phán của Lợi. Quảng liếc mắt ngó ông đội trưởng rồi nhổm hẳn người dậy xin phát biểu:
- Tôi có ý kiến! ít ra tôi cũng có hơn năm năm bám trụ với phong trào. Trước đây tình hình còn đen tối gấp mấy. Đồng chí Lợi có ý cho tôi thiếu lòng tin vào quần chúng, nói vậy không đúng. Trong những ngày bọn bình định bám ấp, tôi cũng bám ấp. Tin nhưng không thể ngờ nghệch với bọn ni được. Dù sao tôi cũng có kinh nghiệm hơn đồng chí. Sống trong sự o ép kìm kẹp của kẻ địch ta phải biết chờ đợi. Có lúc phải lùi xa mà nhìn cho rõ. Nếu cơ sở vẫn vững lòng tin thì họ sẽ tìm đến ta. Có khi không phải chỉ thử thách một lần mà là nhiều lần. Đó là nguyên tắc.
Lợi im lặng lắng nghe Quảng nói. Thực ra lời phát biểu lúc đầu của anh hoàn toàn không có ý chỉ trích phê phán Quảng. Anh chỉ muốn phân tích cho sáng rõ vấn đề, trên cơ sở đó mà xác định hành động và biện pháp đấu tranh cho đúng đắn.
Đêm qua, sau lúc chia tay với cơ sở, Lợi mang máng cảm thấy một sự đe dọa đang ngấp nghé chờ Hoan. Nếu mình không nhanh tay kéo Hoan đứng vững thì rất có thể bi kịch sẽ xảy ra những điều đau khổ nhất. Suốt đêm Lợi không ngủ...
Chờ Quảng dứt lời, Lợi nói chầm chậm:
- Tôi đồng ý là chờ đợi. Nhưng không có nghĩa là khoanh tay ngồi chờ. Còn việc lùi ra xa để nhìn cho rõ như anh Quảng nói thì tôi phản đối. Phải tiếp cận, càng gần càng tốt. Bài học này là chính các đồng chí đã dạy cho bọn tôi. Buổi gặp gỡ đêm qua với cơ sở lại giúp tôi nhận thêm ra nhiều vấn đề. Đúng là cơ sở đang dao động, có nhiều người co lại. Nhưng nếu chừ ta cũng co lại thì tình hình sẽ đi tới đâu? Quảng hở sẽ ngày một xa, càng thêm lợi cho thằng địch. Còn nói rằng, nếu cơ sở vẫn vững lòng tin thì họ sẽ tìm đến ta, nói rứa e một chiều quá. Tôi nghĩ, bạn bè với nhau thôi mà đến với nhau cũng không thể chờ từ một phía. Huống chi cách mạng với quần chúng. Chẳng phải chính các đồng chí ở đây, trong những năm gian khổ nhất, thậm chí cả khi quần chúng xua đuổi, vẫn kiên quyết bám sâu đê à? Mình không tin ngưíi ta mà đòi ngưíi ta tin lại mình, răng được.
Ông đội trưởng lim dim mắt ngó Lợi. Ông có vẻ ngạc nhiên khi thấy một chiến sĩ trẻ, theo ông là qúa trẻ, lại có lối nói già dặn, theo ông là quá già, vượt ra khỏi vốc dáng mảnh khảnh của anh ta. ý kiến của “cậu ấy” khiến ông nhớ lại những năm 60 - 61, thằng Diệm lê máy chém càn mòn các làng xã. Cơ sở gần như trắng. Ông là người chui như chạch từ xóm ni qua xóm khác, nghiến răng cúi đầu chịu những tiếng chưởi, những cánh cửa đóng sầm , những cái quay lưng nguây nguẩy. Lúc ấy cậu chiến sĩ này chắc chắn đang chăn bò, đánh khăng hoặc bắt chim, đốt kiến... Ai dạy cho “cậu ấy” nói những lời khôn ngoan vậy? Chắc là các nhà trường ngoài Bắc!
- Này, cháu học lớp mấy rồi?
- Dạ... lớp mười! - Lợi nói xong, mặt đỏ phừng.
- Vô bộ đội lâu chưa?
- Dạ... năm ngoái!
Lợi cảm thấy sốt ruột, anh cố cau trán lại cho có vẻ già dặn.
- Thưa đồng chí, tôi thấy việc cấp bách nhất lúc này là phải diệt cho bằng được bọn bình định. Tôi có ý định sẽ về báo cáo đơn vị, xin lực lượng đánh ấp. Không phá bung sự kìm kẹp này thì gay go lắm.
Ông đội trưởng gật gật đầu. Không hiểu ông ấy đồng tình hay chỉ tỏ vẻ thông cảm. Những người xung quanh đều im lặng. Tiếng máy bay vẫn cào xé trên đầu. Những ngày này mặt trận đang đánh lớn, Lợi thấy rất khó chịu với những cái gật đầu dửng dưng kia.
Bỗng từ dưới suối một chiến sĩ chạy lên, ống quần dầm nước, thở hổn hển:
- Báo cáo trung đội trưởng! Đại đội gọi đồng chí về nhận nhiệm vụ gấp.
Lời báo cáo ấy làm cho cả đội xoay người lại, không phải họ ngạc nhiên trước một nhiệm vụ gì đó của bộ đội, họ kinh ngạc vì ba tiếng “Trung đội trưởng” đối với “cậu chiến sĩ” trẻ măng vẫn mắc võng nằm cùng họ.
Lợi đứng lên hỏi thì thầm:
- Chuyện chi rứa?
Cậu liên lạc ghé sát vô tai Lợi:
- Đơn vị ra Bắc!
- Há?
Lợi tròn mắt ra khiến cậu ta hốt hoảng lùi lại:
- Thiệt mà, đi rất gấp!
Một mảng gió từ đâu đó đổ sầm vô đầu Lợi. Anh quay lại phía các cán bộ cơ sở. Tất cả cũng đang nhìn anh. Tuy cậu chiến sĩ cố nói thật bí mật nhưng mọi người đều đã nghe thấy. Ông đội trưởng chồm đến túm chặt lấy Lợi kêu to như một kẻ mất của:
- Không! Đồng chí không được đi đâu cả. Tôi sẽ kiến nghị! Các anh rút hết ra Bắc, bỏ mặc miền Nam ư?
Câu buộc tội như một nhát búa bổ choang xuống đầu Lợi. Anh ngồi phịch xuống, chịu tội.
Nhưng người đội trưởng buông tay ra và cũng ngồi xuống, mắt ông chớp chớp. Ông thấy thương, thấy nhớ những người đã ăn đất ngủ hầm với mình hơn là thấy giận. Còn Lợi thì ngồi trơ như hòn đá. Chưa lúc nào anh thấy mình bất lực như lúc này. Những người cán bộ cơ sở đang ngồi quanh anh, đang ngước mắt ngó anh chờ đợi, đòi hỏi. Lại còn những người không có mặt ở đây nữa? Lợi nghĩ nhanh tới Hoan. Những gì sẽ xảy ra với chị ấy trong thời gian tới?
Ông đội trưởng trút một hơi thở dài:
- Thôi, đồng chí cứ yên tâm mà ra Bắc. Bọn tôi sẽ cố gắng. Việc trước mắt là phải đánh bật bọn bình định. Việc tiếp theo là phải bám chắc cơ sở. Nhất định là phải giành lại những người dân cho cách mạng. Có phải ý kiến đồng chí lúc nảy như vậy không? Đồng chí về đơn vị cứ báo cáo lại tinh thần đó. Có ra ngoài Vĩnh Linh cũng thưa lại với bà con ý đó. Chúng tôi không phụ lòng các đồng chí đâu!...
Sống mũi Lợi cay xè. Kỳ lạ thật, mới lúc nãy thôi, anh còn tranh luận, còn khó chịu, còn bực bội với những con người xung quanh, chừ anh thấy thương họ vô cùng. Mai mốt có dịp quay lại, biết đâu trong số những người này nhiều đồng chí sẽ không còn nắm chặt tay anh!
Lợi đứng dậy đi tới từng người, miệng cố mỉm cười mà không dám cất tiếng nói. Rồi anh theo cậu liên lạc đạp rừng chạy như bay về chôr đóng quân của đại đội.
Quý ra đón anh tận ngoài mép suối:
- Mau lên! Anh em chuẩn bị xong cả rồi, chỉ thiếu có cậu.
- Răng gấp vậy, đại đội trưởng?
- Đài Hoa Kỳ đêm qua vừa đưa tin, tiểu đoàn bộ đội Vĩnh Linh đang chốt khu vực cồn Mã Đỏ...
Lợi sững người lại, kêu lên:
- Trời đất ơi! Có vậy mà phải rút à?
Qúy phì cười. Anh cầm tay Lợi kéo đi. Vừa chạy Quý vừa giải thích trong hơi thở:
- Đó là nói chuyện vậy... chứ còn tiểu đoàn rút ra là do nhiệm vụ đặc biệt... Thằng Mỹ có ý định đổ quân ra Vĩnh Linh và Quãng Bình. Lệnh chiến đấu khẩn cấp. Tiểu đoàn ta phải ra chiếm lĩnh trước cao điểm, sẵn sàng đánh địch đổ bộ...
Lợi thấy ù ù hai bên mang tai. Thằng Mỹ dám đổ bộ ra Vĩnh Linh ư? Cuộc chiến đấu giáp mặt sẽ xảy ra ngay trên nền nhà mình? Tự hào biết mấy mà đau thương biết ngần nào!...
“Không biết ở ngoài đó, bố, chị Thảo, tất cả mọi người biết tin đó chưa? Đã chuẩn bị hầm hố gì chưa?...” Lợi thấy cồn cào trong ruột, anh lao lên phía hàng quân đang tập họp.
Đại đội thành một hàng dọc, luồn theo đường giao liên ngược trở ra phương bắc. Cả Vĩnh Linh đang hồi hộp chờ họ. Lên tới một đồi tranh, Lợi ngoảnh lại trong về phía An Nha. Từng cuộn khói bốc cao, đen kịt. Tiếng đại bác nổ xé ruột, xé gan. Giờ ni khó mà nói được anh nhớ thương vùng đất nào hơn!
Đăng ngày 09/04/2010
Ý kiến về bài viết | ||||||||||
|