Tác giả: Xuân Đức
CHƯƠNG MƯỜI TÁM
Tuổi thơ thật là kỳ diệu!Con người ta khi về già có lẽ khó ai mà nhớ hết và nhớ được một cách tỉ mỉ những chi đã xảy ra suốt cuộc đời mình. Bởi vì ít ai trong toàn bộ chuỗi ngày sống với đời mà không có những khoảng sống thừa, vô ích. Những khoảng cách ấy con người thường ít nhớ hoặc cố tình không muốn nhớ. Nhưng những kỷ niệm của tuổi thơ thì gần như với bất kỳ ai cũng được giữ gìn trọn vẹn nhất, lúc nào cũng bồi hồi trong ký ức và bất chợt cuồn cuộn dâng lên khi bắt gặp lại những khúc đường quen thuộc mà trong thời thơ ấu có lần đã đi qua.Lợi bắt gặp cảm xúc ấy, thật đột ngột và cũng thật sự sung sướng khi anh bước rẽ vô con đường đất đỏ Vĩnh Hòa. Những lùm chạc chìu nằm rạp bên lối đi, mùa đông lá chạc chìu như sẫm lại để chuẩn bị trở sang màu vàng xám. Không thể tìm đâu ra một cánh hoa giữa tháng mười một này, nhưng Lợi vẫn mơ màng thấy cái hương thơm mòng mọng vị mật của những chùm hoa chạc chìu trắng ngần, tiếng vo ve rền đều của bầy ong nhỏ cần mẫn, tận tụy. Thực ra trên những con đường hành quân ở mặt trận đường Chín, chẳng thiếu chi những lối mòn lợp dày cây chạc chìu. Nhưng chẳng có đâu làm lòng anh bối rối như ở đây, bởi lẽ giản đơn là trong mười năm thơ ấu anh đã đi qua khúc đường này, đã lặp đi lặp lại mười lần ngắm hoa chạc chìu nở. Và mỗi lần như vậy, anh lại nhận thêm ra một điều tốt đẹp của tháng ba trong vị ngọt của mật hoa, trong tiếng vo ve của bầy ong say mật, của mùa xuân luôn luôn trẻ trung...
Nhưng với hai năm làm lính, cuộc sống quân ngũ đã rèn cho anh một đức tính kiên nghị. Anh không bị ký ức níu chân, anh không dừng lâu trước những lùm chạc chìu, cặp chân của người trung đội trưởng trinh sát phóng như bay về phía những lũy tre đầu xóm.
Lợi thuộc vào những người sớm nhất của tiểu đoàn 47 được giải quyết về thăm gia đình.
Dẫu sao thì anh vẫn là một học sinh hay mơ mộng và giàu suy tưởng. Lợi tự thú nhận điều đó khi anh không làm sao cất nổi chân nữa trước cây ươi đầu ngõ nhà mình. Cây ươi còn nguyên vẹn nhưng lối đi đã phủ dày rêu và cỏ dại. Hai năm qua bố sống một mình, trọc trọi như cây ươi, khuôn mặt chừ thế nào? chòm râu có rụng đi nhiều không? Mái tóc chắc đã lơ thơ lắm!... Lợi run rẩy bước vô sân, chân anh đặt rón rén như đi trên cầu trượt.
Nhưng sự suy tưởng của anh cũng có khi đã lầm.
Trong nhà ông Chẩn đang dội ra những tiếng cười nói ồn ào, nhộn nhịp. Có hai thúng lúa đang đặt giữa sân và úp hờ lên trên đó những chiếc nón trắng. Mấy con gà chớp thời cơ lao vô cướp thóc, mổ lên lưng nhau quang quác. Có tiếng con gái đuổi gà. Rất nhiều tiếng con gái cười. Bỏ mẹ! Lợi rụt chân lại, tựa người vô góc ươi.
Ông đội trưởng vừa khom người bước ra sân đã hét oang oang:
- Cha cha, mấy cái con nhỏ ni quá quắt hè? Bay gánh lúa tới mà không đổ vô sập cho ông, lại còn để đó cho gà nó bới à? Xì... thịt cái con trống này làm bữa rượu mà ngâm thơ đi ông Chẩn!...
Bố vừa nói một câu chi đó, Lợi cố nghe mà không nghe lọt. Kia rồi, bố đã bước ra sân. Lợi sửng người. Bố già đi ghê quá, thời gian mới ác nghiệt làm sao!
Lợi tần ngần đi vô sân. Ông đội trưởng ngó thấy đầu tiên.
- Ôi chao ơi!... Ông Chẩn ơi! Coi tề...
Ông Chẩn đứng ngây ra như bị trời trồng, đôi mắt mở tròn, mờ đục. Miệng ông méo lại, cặp môi run run, cây rựa đang cầm trong tay rơi kịch xuống đất. Đám con gái trong nhà cũng chạy túa ra rồi đứng sững cả lại. Có đứa tái mặt đi, có đứa thụt lùi khuất ra sau lưng bạn.
Thoạt đầu thì Lợi ứa nước mắt vì cảm động, anh chạy nhào đến. Nhưng rồi một linh tính vụt lóe lên, anh chợt nhận thấy cái vẻ khang khác trong ánh mắt mọi người. Lợi bước vội tới:
- Kìa, Bố! Chào bác Tào ạ. Chào mấy o, chà mau lớn ghê quá hè?
Anh cười một mình, tiếng cười tan loãng giữa sân. Lợi quay sang bố nói như khóc:
- Ơ hay, bố? Răng cứ đứng vậy? Vô nhà con hỏi đã. Con về phép thăm bố mà...
- ừ... Con về phép... bố biết rứa rồi...
Nước mắt ông Chẩn lăn dài động từng giọt dưới chòm râu lung linh như những giọt sương.
Căn nhà trở lại bình thường, hay ít ra cũng vui vẻ hơn lúc đầu. Bác Tào đội trưởng đã bắt đầu hỏi.
- Ni... Rứa cháu... cháu ở mô về hè?
- Dạ đơn vị ở gần đây thôi. Tiểu đoàn giải quyết cho bọn cháu nghỉ tranh thủ.
- à... ừ, quý hóa quá. Đó tui nói có sai đâu ông Chẩn? Đã bảo là thịt con gà mà đãi con, thánh thiệt.
Ngừng một chút ông Tào lại e hèm, lên tiếng:
- Này... à nì, rứa mấy đứa trong xã ta có cùng được về không cháu?
- Dạ cháu được giải quyết sớm nhất. Thằng Quốc có lẽ phải ít hôm nữa, thằng Toại dưới Hòa Bình thì hình như sáng mai mới đi...
- à mà này, cháu về rứa thì chắc là có giấy tờ hè?
- Dạ...
Lợi nhanh nhẩu cho tay vô túi định lấy giấy. Nhưng chợt anh dừng tay lại. Lạ thiệt, tại răng người ta vẫn ngó anh bằng những con mắt khang khác? Một cảm giác bực bội và khó chịu xô tới.
- Dạ có. Nhưng để chiều mai sẽ lên thăm ủy ban.
Ông Chẩn vội đỡ lời:
- Kìa Lợi, bác Tào là đội trưởng, con có giấy tờ chi cứ đưa cho bác coi.
Lợi cười khẩy:
- Đội trưởng đâu có đi coi giấy?
- Ơ hay, bát cơm manh áo hàng ngày phải dựa vô bác ấy. Không có hợp tác, không có đội, không có bác ấy thì bố sống răng nổi. Đó sáng ni đội vừa cho người gánh lúa tới. Lúa điều hòa cho những gia đình neo đơn đó con ạ.
Máu tự ái thường dễ có trong những người lính trẻ, nhất là những anh vừa bước chân ra khỏi chiến trường. Lợi tuy thuộc loại đằm tính nhưng cũng không răng tránh khỏi nhược điểm đó. Anh bỗng nhận ra rằng nãy chừ không ai mời anh chén nước. ừ, cho dù mình ít tuổi, nhưng thái độ đối với những người từ tiền tuyến về thiết nghĩ không nên phân chia theo tuổi tác! Tuy mình về thăm bố, nhưng mình là đứa con của đội ra đi. Chà, lại hỏi giấy nữa!
Lợi nói đầy vẻ châm chọc:
- Đội quan tâm thì bố phải cảm ơn tập thể bà con xã viên bố ạ. Con cũng xin cám ơn. Nhưng ơn là ơn Đảng, ơn hợp tác chứ không ơn một người nào đó. Hơn nữa con nghĩ sự giúp đỡ là giúp đỡ lẫn nhau, chẳng riêng một phía nào bố ạ.
Ông Chẩn tỏ vẻ không bằng lòng:
- Tao thì còn làm được việc chi nữa mà giúp lại người ta?
- Bố không làm được nhưng bố đã đẻ con ra. Mà con là một chiến sĩ cùng với bao nhiêu đồng chí khác đang đổ máu phía trước. Tất cả sự giúp đỡ của hợp tác đối với bố là trách nhiệm hậu phương đối với tiền tuyến, chắc chẳng ai ban ơn cho ai đâu.
- ái chà chà...
Ông Tào định cất giọng nhưng rồi lại nín ngay.Ông biết thằng Lợi vốn là đứa học giỏi có tiếng, nói lý luận như chẻ tre. Tranh luận với nó chỉ có lỗ vốn. Mấy lại nghĩ cho cùng mình cũng hơi vô lý. Chuyện đó đã chắc chi có thiệt? Rõ ràng nó đây, đầu đội mũ có sao, chân đi đôi giày cao cổ, nếu nó phản bội thì chắc trên khu vực đã có thông tư về? Ông Tào ngắm nghía Lợi, cái khuôn mặt nó tuy có sạm đen đi nhưng vẫn thông minh lanh lợi như hồi trước. Mấy cái thằng xấu bụng, mặt mày đâu có sáng ngời lên như vậy!... Nghĩ rứa nên ông cười xòa:
- Gớm thiệt, đi bộ đội về có khác. Nào ai dám kể công với người tiền tuyến đâu hả cháu! Kể công là có tội, là phản bội nhau, đúng không? Bác hỏi là tiện mồm hỏi rứa thôi, hà... hà...
Lợi cũng cười theo. Câu chuyện trở lại dễ chịu. Lợi kể sơ sơ vài mẫu chuyện trong bộ đội. Anh cũng tránh không nhắc nhiều đến các trận đánh vì lại e rằng người ta cho mình khoe khoang kể công.
Dẫu sao thì phút gặp gỡ ban đầu ấy đã làm cho Lợi thấy phiền hơn là vui.
Khi chiếc loa hộp gắn trên xà nhà nổi nhạc hiệu bản tin trưa thì mọi người chào Lợi và ông Chẩn ra về. Lợi tiễn ông Tào và các bạn gái ra tận ngõ. Lúc đó ông Chẩn mới sực nhớ tới cơm trưa, ông lấy lòng ra sân úp gà. Lợi quay vô tủ sách, anh bồi hồi lật dở từng trang giáo khoa. Kỷ niệm về cuộc đời học sinh phảng phất trong mùi giấy. Bạn bè cùng lứa tuổi chắc đã bước qua năm thứ hai trên ghế giảng đường đại học. Thằng Mậu Đạt, con Thu Ba, thằng Xuân Cháu... nét chữ lưu niệm của chúng mày còn đây. Chúng mày hẳn có đứa đã quên tau rồi? Mà thôi, quên càng tốt. Tau đã linh cảm thấy điều đó từ lâu.
Suốt bữa cơm trưa hôm đó Lợi hỏi nhiều hơn bố! Anh thấy vui khi biết bố ít ốm, bố không thiếu ăn, bố vẫn đi làm hợp tác đều. Anh hỏi huyên thuyên rồi đột ngột nhắc đến tên một người mà mấy hôm nay anh cố ghìm nén lại:
- Thuấn có hay lên đây không bố?
Ông Chẩn ngừng nhai, đôi đũa ngập ngừng đặt xuống:
- Tội nghiệp... Nó đi rồi!...
Lợi thấy lạnh buốt xương sống. Tiếng "đi" với nghĩa nào? Cái đất này, "đi" có khi là đã mất; "Đi" của người con gái cũng có nghĩa là đã lấy chồng? May thay ông Chẩn đã giải thích:
- Nó phải xa Vĩnh Linh, buồn lắm. Nhưng con cũng đừng trách nó... Nó đi là vì nhiệm vụ. Ra bàn giao các cháu xong, chỉ độ vài tháng là nó về.
Lợi thở phào. Nếu vậy thì có chi mà trách? Mấy hôm ra đóng quân ở xã Vĩnh Chấp, anh cũng tận mắt thấy các cháu đi sơ tán. Anh gật đầu khẳng định:
- Ngày mai con sẽ xuống thăm hai bác...
- ấy đừng...
- Răng?
Ông Chẩn bỗng thở dài:
- Bố nghĩ thấy rằng không tiện lắm. Mà thôi, tùy con xuống thăm cũng tốt. ừ, mình cứ ăn ở cho có trước, có sau.
Lợi sửng người ra hỏi hấp tấp:
- Nhưng có chuyện chi rứa bố? Hay là...
Ông Chẩn ngó con một lúc khá lâu rồi khẽ lắc đầu. Có một điều cho đến lúc này ông vẫn chưa nói ra được. Ông cố nuốt nỗi tủi cực vừa ứa trào lên cổ:
- Cũng chẳng có chi đâu con... Con Thuấn là đứa biết ở...
*
Nhưng đến chiều khi chị Thảo nghe tin tất tưởi chạy lên vừa mếu máo vừa kể lể thì Lợi đã hiểu tất cả. Anh ngồi lặng đi. Không hiểu mình đang đau đớn hay tức giận. Thực ra cái hôm chiếc L.19 xuyên tạc lá thư của anh thì Lợi cũng có nghe, cả tiểu đoàn đều nghe. Nhưng mọi người đều cười khẩy rồi bỏ ngoài tai, coi như một trò trẻ con rẻ tiền. Anh có ngờ đâu hậu quả lại bi đát đến như vậy. Lợi vừa thấy thương bố thương chị, lại thấy vừa giận thằng Mỹ vừa tự giận mình. Lẽ ra anh đã viết thư về nhà từ lâu rồi. Nhưng cái tính nghịch ngợm ưa hú tim của lính trinh sát đã xui anh. Biết chắc rằng trên sắp cho đi tranh thủ anh định bụng sẽ xuất hiện hết sức bất ngờ trước những con mắt sửng sốt của mọi người. Vì rứa mà anh không biên thư. Anh đã đánh đổi một trò đùa, chuốc lại sự hiểu lầm thật xót xa.
Suốt đêm hôm đó Lợi phải kể không biết tới mấy chục lần với những người đến thăm, chuyện lá thư viết dở bị trực thăng bốc đi. Anh phải cố nhớ nguyên văn những câu mà kẻ địch đã xuyên tạc. Anh kể một cách uể oải và bắt buộc. Người nghe cứ há tròn mồm ra thích thú như đang coi cuốn phim phản gián ly kỳ. Còn Lợi càng kể càng thấy khổ tâm. Cái trận đánh ấy vốn đã không nên kể ra, nay lại phải kể để thanh minh một cách vô lý cho sự trung thực của mình, mỉa mai chưa?
Ông Chẩn nằm ở đầu hồi, lặng thinh như ngủ. Thực ra ông vẫn nghe, nghe đi nghe lại tới hàng chục lần. Ông thấy thương đứa con quá. Rồi ông thấy ân hận quá! Mặc dù lúc nào ông cũng muốn hét to lên rằng ông không tin, nhưng thâm tâm ông thì đau đớn, vật vã, nghĩa là cũng có tin. Hơn mười năm sống giáp mặt với kẻ thù trên bờ giới tuyến, ngày ngày ông đã gạt khỏi tai những lời thối tha tục tĩu của cái loa "tâm lý chiến" khốn kiếp ấy. Rứa mà không ngờ lần ni, chỉ một phút xao xuyến ông đã để thua thằng Mỹ một nước cờ. Nỗi đau này có lẽ tới chết ông vẫn còn mạng theo.
Chờ cho mọi người về hết, ông Chẩn thầm thì với con:
- Thôi ngủ đi con. Đừng băn khoăn nữa, chuyện qua rồi cũng chẳng ai tin đâu. Nhưng từ rày thì rút kinh nghiệm. ở cái nơi trận mạc ấy, nhớ thương thì giấu vô lòng, đừng có thư thư từ từ nữa...
- Ơ... Có đâu chúng nó nhặt được mãi hả bố?
- Dào, " cẩn tắc vô áy náy" con ạ. Bố nói con phải nghe, không có biên thư biên từ chi hết.
Lợi lặng thinh không dám đáp trả lại. Bố đã chịu đựng hết thảy rồi, chừ đến cả những lá thư của con gửi về bố cũng từ chối nốt. Biết lấy chi tiếp sức hàng ngày cho bố đứng vững đây? Phải chi có Thuấn bên cạnh... Ôi chà, vội vàng quá, không nên!
Lợi đến gần chiếc chõng bố, ngồi nhẹ xuống:
- Bố ơi!... ngày mai con định đi xuống thăm hai bác dưới ấy... bố nghĩ có nên không?
Lần này thì ông Chẩn đã có thể nói thẳng ra được:
- Thăm hỏi cũng là việc cần thiết đó. Bà ấy hôm trước cũng có nói con tệ lắm. Nhưng thôi, nghĩ cho cùng người ta cũng chẳng có lỗi chi.
Lợi lẳng lặng đứng lên đi tới chiếc giường của mình.
Anh nằm xuống khá lâu mà không chợp mắt được. Từ trước tới chừ anh đã quên hết mọi thứ để lao vô cuộc chiến đấu, nhưng chừ còn một điều nữa, liệu có quên được không: Tình yêu?
*
- Vậy là, ông đã bỏ tôi đi!... Bà con chú bác ơi, ông Tớn nhà tôi đã không còn nữa... Già lão rồi thì ai chẳng một lần phải chết. Nhưng ông ơi! ông chết chi mà chết mòn chết mỏi, chết khô chết héo chi rứa ông... Mới hôm qua tôi còn đưa cơm cho, tôi còn kêu ông ỏm tỏi cả cái chuông chạc chìu, ừ, lâu lắc chi cho cam, mới hôm qua ông còn mở trừng trừng hai con mắt ra ngó tôi... Ông còn bảo tôi đi nhè nhẹ chân kẻo máy bay nó nhòm thấy, vậy mà sáng ni người ta đã thấy ông cong queo bất động trong bụi chạc chìu rồi. Người ta chết bệnh chết trận, ông thời sợ chết, chết khiếp... cũng biết trước rằng ông khó mà sống nổi với cái thằng đế quốc Mỹ thất nhơn ác nghiệt kia, nhưng ai ngờ ông đi vội rứa!... Cái thằng ép bốn, ép năm, ép sáu, ép bảy... cái thằng en lờ mười chín, hai mươi nó lấy hết hồn ông. Thôi thì ông nhắm mắt, nhét tai coi khinh cho bỏ ghét. Cả cái nước Việt Nam dân chủ cộng hòa này có mỗi ông là khiếp nó... Chừ ông đã khinh nó rồi thì nó còn biết dọa ai? Ông Tớn ơi! Ông Tớn ơi!...
Bà Hào khóc không to lắm nhưng khá dài dòng. Bà khóc cũng bộc tuệch, bộc toạc, có chi kể nấy, như cái tính vốn có của bà xưa nay.
Sáu xã viên khiêng đến một cỗ ván, người ta cẩn thận đặt ông Tớn nằm vô, đậy nắp lại. Rứa là ông đã không còn nữa để ngày đêm dỏng cao tai như hai cánh ra đa trực chiến! Ông đã không chết vì bom vì đạn, ông chết vì cái "vía" máy bay! Có lẽ đó là nỗi hận nhất trong tiếng khóc của bà Hào.
Nhưng cái chết bất ngờ của chồng cũng không làm bà hoảng hốt và sững sờ bằng cái sống hiển nhiên của một người mà bà cứ nghĩ sẽ không bao giờ gặp lại!
Lúc Lợi ra viếng mã ông Tớn trở về thì bà Hào đã có vẻ bình tĩnh hơn. hai người kê đòn thấp ngồi ngay trước miệng hầm. Lợi kể vắn tắt câu chuyện lá thư. Bà Hào nghe đâu nước mắt chảy dài tới đó. Bà kể lể ngọn ngành những nỗi đau, cơn buồn, cả khi bực tức, cả lúc oán giận. Tính bà vẫn thế, chẳng hề giấu giếm điều chi. Lợi thấy xót xa một nỗi thương cảm. Những con người thật thà như củ khoai hạt gạo này mà phải đương đầu với bao nhiêu mưu ma, chước quỷ. Kẻ thù quả thật độc ác lắm thay!
Bà Hào trút một hơi thở dài, nói tiếp:
- Nó giận mi lắm đó, con ạ. Chừ thì nó đi rồi, mang theo cả cái ức ối ấy mà đi. Bác chỉ sợ nơi xa ngái, đêm hôm trăn trở một mình rồi đổi khôn thành dại, nghĩ bậy lung tung... Thôi thì cháu đừng chập nó nữa, cũng tại thằng đế quốc Mỹ cả thôi. Cháu nên viết cho nó cái thơ, phân minh cho rõ...
- Dạ... Để từ từ đã bác ạ!
- ấy đừng có từ từ, mau lên cháu ạ. Bác nói thiệt, chỉ sợ em nó lạt bụng, cực quá hóa quẫn... Nó mà phụ mày thì tao cũng chẳng mặt mũi nào ngó bác trên nhà.
Lại đến nước ấy nữa ư? Từ hôm qua đến chừ anh đã cố ghìm nén, nhưng chừ thì anh giận quá, giận sôi cả lòng. Anh đã phải thanh minh hết người này sang người nọ, hết người thân đến người sơ, chừ phải thanh minh với tình yêu nữa? Không! Không bao giờ!
Đã đành thằng Mỹ nó nham hiểm, nhưng chẳng lẽ Thuấn đã vội vã tin cái lời của nó trong giây lát hơn là tin vào cả một chuỗi ngày tình yêu bùng cháy, hai tấm lòng đã đi đến bên nhau ư? Thằng Mỹ nó nham hiểm bằng lèo lá thủ đoạn, còn anh, anh đã sống với cuộc đời, sống với tình yêu bằng tất cả sự hiến dâng chân thành. Tại răng mọi người bỗng chốc lại có thể hết tin lòng anh?
Mặt Lợi nóng bừng bừng, anh đột ngột đứng dậy, giọng khô đanh:
- Tùy Thuấn bác ạ. Cháu chẳng viết thư đâu, mà bác cũng đừng viết chi cả. Nhiều khi như vậy lại hay...
Bà Hào tròn mắt hoảng hốt:
- ấy chết hay răng rứa được mà hay, cháu?
- Dạ... cứ để cho Thuấn tự khẳng định mình. Chẳng nên ép buộc lòng tin của nhau, bác ạ!
*
Nhưng khi về đến nhà thì Lợi thay đổi quyết định. Anh thắp cây đèn nhỏ bê xuống hầm, cặm cụi viết:
"Em!
Thực tình anh không muốn viết lá thư này, bởi vì không lẽ chỉ vì một lá thư xuyên tạc mà em và mọi người đã sụp đổ lòng tin đối với anh! Nay lại nhờ vào một lá thư này mà anh cứu vớt được lòng tin đó? Trời đất ơi, lòng tin của người ta đâu có rẻ rúng đến vậy!
Nhưng anh chẳng trách em, nói thiệt lòng chứ không phải nói dỗi. Bởi vì em đã biết căm giận một kẻ phản bội, cho dù kẻ đó là người thân yêu nhất của mình. Tâm hồn em thực là trong trắng và quả cảm! Anh không trách em còn vì một lẽ nữa, anh vẫn là anh, dù không thanh minh được với tất cả những ai đã nghi ngờ mình thì anh vẫn đang đứng không một chút hổ thẹn trên mảnh đất quê hương, mảnh đất đã nuôi anh khôn lớn, đã dạy anh biết thương hết lòng, căm thù hết mức, sống tràn trề và niềm tin mãnh liệt để đương đầu với bất cứ mọi thủ đoạn tàn ác nào của kẻ thù. Anh không hề thấy có chút gì thiệt thòi kể cả những lúc có người không tin anh. Anh không hề nuối tiếc một chút nào với những ngày tháng đã sống. Anh đã không trách chi cuộc đời thì đâu có nỡ trách em.
Có thể khi em quay trở về đất Vĩnh Linh thì lại không gặp anh nữa. anh đã qua bên kia giới tuyến (không phải đi chiêu hồi đâu nhé), anh đi để hỏi tội những kẻ dám bôi nhọ danh dự một chiến sĩ quân đội nhân dân. Phải dạy cho bọn xâm lược hiểu thế nào là lý tưởng của người thanh niên Việt Nam trong thời đại Bác Hồ. Anh không "lên gân chính trị" đâu mà nói rất thực lòng, nói thực lòng như những lời tha thiết của tình yêu mà anh từng nói với em.
Chúc em khỏe và hạnh phúc!"
Lợi đọc đi đọc lại mấy lần những dòng vừa viết và chợt thấy băn khoăn. Răng lại chúc hạnh phúc hè?
Câu chúc ấy có tàn nhẫn quá không? Anh tự khẳng định. ở cái cửa ngõ đối mặt với sự mất còn này, cái chi nói ra được thì cứ nói, nhiều khi như vậy lòng lại thanh thản hơn. Có thể lá thư này đến muộn, hoặc không đến tay Thuấn, cô ấy vẫn có quyền cắt đứt mọi hy vọng ở anh! Phải, cô ấy hoàn toàn có thể làm rứa. Đừng nên loay hoay ở cách nói, nên dành nhiều thời gian mà nghĩ về cách sống, sống làm răng đừng để hổ thẹn với trang sử hào hùng hôm nay...
Bỗng ông Chẩn thò đầu vô cửa hầm gọi hối hả:
- Lợi! Lợi! Ra mau con... lạ quá!...
Lơi xỏ vội chân vô giày, chạy ra.
- Chi rứa bố?
- Này tiếng máy bay chi mà nghe lạ rứa con?... Đó... đó... nghe thấy không?...
Đúng là lạ thiệt, Lợi cố nghĩ mà không đoán ra. Trong màn đêm mung lung, tiếng động cơ rầm rề ngân như đang có trận mưa xa. Hình như nhiều chiếc cùng bay, tiếng kêu dính vô nhau lì rì chậm chạp.
Rồi đột ngột hình như có một trận bão hùn hùn ập tới. Tiếng gió rít ro ro trên đầu. Hai bố con còn đang ngơ ngác thì chớp lửa đã sáng lóa bốn bề, tiếng nổ ran dài như sấm. Mặt đất như rệu ra, hơi nóng táp vô màng tai ùn ùn không dứt, Lợi thót ruột lại trong tiếng kêu tiếng lạc tiếng:
- Bố ơi! B.52 rồi!...
Đúng là nó rồi! Cái tên mà mấy tháng trước người ta đã gọi đến nó, nhưng ai cũng nghĩ sẽ vào một dịp khác kia, một dịp nào đó chứ không phải hôm nay, không phải ngày mai hoặc một lúc nào cụ thể cả. Nó đây rồi... Cái con chủ bài của không lực Hoa Kỳ, cái bóng ma rùng rợn mà bọn giết người không ghê tay thường đem ra dọa, lẽ nào nó lại đang dội lửa xuống lúc này ư?
Nhưng tiếng bom là một điều hết sức thực tế. Không ai còn có thể chờn vờn những suy tưởng khi mặt đất bị xới tung lên, mảnh gang bay vèo vèo qua đầu. Lợi ôm lấy bố đẩy về phía trước, hai bố con cúi rạp ngươi mà chạy dọc theo hào. Tiếng nổ có ngừng một chút, chừng vài phút thôi, rồi lại rền lên như một con bệnh động kinh. Chó sủa nhớn nhác, gà nhảy tung tóe ra khỏi chuồng. Trâu bò giẫm chân kêu rống lên. Màn đêm phút chốc vỡ vụn ra, tan loãng trong màu lửa đỏ ối, bừng bừng.
Bỗng ông Chẩn đứng sững lại, tiếng kêu ới lên cùng một lúc với nước mắt:
- Thôi rồi ... con ơi!...
Lợi hốt hoảng ôm chầm lấy bố sờ khắp người. Nhưng ông Chẩn không bị thương. Ông nhào trở lên chạy hoảng loạn như một người mất trí. Lợi lao theo và đột ngột nhận ra. Ngôi nhà của đã trùm lửa!
*
Rứa là hết ! Chẳng còn hy vọng gì cứu vãn được nữa. Lợi bóp đến nhức buốt hai bàn tay bất lực của mình. Ông Chẩn cứ đi ngược đi xuôi dưới lòng hào, miệng lầm rầm những câu vô nghĩa. Ngọn lửa vẫn bốc hừng hực, tiếng tre nổ như xé từng đoạn ruột. Người ta chạy xô đến mỗi lúc một đông. Tiếng gọi náo động cả một vùng:
- Cháy nhà bà con ơi!...
- Nhà ông Chẩn rồ...i...
- Cháy nhà ông Chẩn...
- Cứu nhà ông Ch...ẩ...n, bà con ơi!
Nhưng muộn rồi! Những tiếng ồn ào nháo nhác của khối người chạy hối hả kia bỗng tắt lịm đi khi họ chạm phải hai bóng đen ngồi câm lặng như đá bên cạnh đống than rần rật hồng.
Rứa là hết! Cả đội cùng bất lực ngồi bẹp xuống. Không ai dám hỏi han ông Chẩn lúc này. Mà thực ra thì còn có chi nữa để hỏi.
Dưới lớp than hừng hực kia là cái nền, cái cột, cái bình hương... là tất cả cuộc đời ông rồi đó. Lại có cả hai thúng thóc hợp tác vừa điều hòa cho hôm qua... Dù giàu dù nghèo thì cũng một gia tài, cũng ngày ba lần đỏ lửa, biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt, khi cơ hàn, khi thư thái, căn nhà là núm ruột, là cuộc đời, là Tổ quốc của riêng ông. Chừ nó đã thành ngọn lửa.
Rứa là hết! Những tài sản duy nhất mà mỗi người đều có quyền giành riêng cho mình, lớn là chiếc giường, chiếc tủ, nhỏ là cây rựa cây rìu, cả đến những trang sách giáo khoa, những trang sách tiểu thuyết, những tấm bằng khen, những dòng lưu niệm cùng với địa chỉ, chữ ký của bạn bè... cho đến phút này bố con ông đều trắng tay nốt. Ông Chẩn run rẩy ngửa hai bàn tay ra trước ngọn lửa. Gần với bảy chục tuổi đầu, nay ông lại trở về với con số không?
Ngồi xích lại gần bố hỏi rất khẽ:
- Ngày mai... bố sống cách răng, bố?
Ông Chẩn không quay lại, mắt vẫn ngó trân trân vô đống than:
- Ngày mai... rứa con định răng?
- Dạ... có lẽ con... phải về đơn vị.
Ông Chẩn khẽ "hự" một tiếng rồi nín lặng. Lợi chống gối đứng dậy, anh bước nặng nề ra xa đống lửa. Anh không thể chịu nổi cái nóng rát mặt ấy, lại càng không chịu nổi cái nóng đến thiêu lòng. Lá thư anh viết vừa viết xong cũng đã cháy thành than rồi. Kẻ thù đã cướp của anh đến tận những lời chân thật nhất. Biết bố ngày mai sẽ rất đau khổ, nhưng không còn cách nào khác, anh phải đi!
Những người muộn màng nhất cũng đã chạy tới. Đó là ông Tào đội trưởng và một số dân quân vừa đi bới hầm về. Chủ nhiệm hợp tác xã Hoàng Quân Quản cũng lao đến, họ gặp nhau ngay từ đầu múi hào.
- Tình hình đội ông ra răng, ông Tào?
Đội trưởng Tào đáp trong kẽ răng:
- Sáu người chết, hai mốt người bị thương, ba nhà cháy, trâu bò cũng chết ba con...
Có tiếng ai đó la lên:
- Trời đất ơi! Hắn cứ đánh kiểu ni ngày mai sống răng đây?...
Lại một giọng đàn bà:
- Ngày mai làm chi đây, ông đội ơi! ...
Ông Tào cáu tiết xẵng giọng:
- Im đi, ngày mai với chả ngày mốt? Đánh, đánh đánh! Đánh tới mái tranh cuối cùng, bà con nghe rõ chưa nào?
Chủ nhiệm Quản nói nhỏ nhưng dứt khoát:
- Đồng chí cho san những gia đình bị cháy nhà ra ở tạm vô gia đình khác! Trong đội phải đùm bọc lấy nhau. Không phải tạm một vài ngày đâu mà lâu dài đó.
- Chủ nhiệm khẽ thở dài. Rồi đây có khả năng nhà còn cháy nhiều nữa. Thôi, ta cứ dỡ quách nhà đi cho yên bà con ạ! Dỡ nhà mà làm hầm, chui xuống đất, thử coi thằng B.52 nó làm được cái chi. Này, sáng mai họp các đội trưởng ông Tào nghe!
Chủ nhiệm Hoàng Quốc Quản đi nhanh về phía nhà trực ủy ban. Đám người cũng lặng lẽ tản về các ngách hào. Đêm mùa đông nặng trình trịch. Nhưng có lẽ, với những con người này nặng hơn hết là câu hỏi lớn: Ngày mai?
CHƯƠNG MƯỜI CHÍN
Những cơn gió lạnh từ phương bắc tràn xuống gần như cùng đồng thời với những tốp B.52 từ phía nam bừa lên. Trời mùa đông sập sình những tảng mây mục nước lúc nào cũng chực sà xuống một cách vô tội vạ. Đất đỏ đặc sệt, dẻo quẹo, đất đồng nhão nhoẹt lỡ lói. Những bàn chân trắng bợt trong nước mưa, những mu bàn tay nhăn nheo sủi vẩy. Sọt đất lặc lè dưới những mối dây thừng. Ròng rọc nghiến ken két, lòng giếng địa đạo cứ rứa mà sâu dần từng lớp trong tiếng nạo vét sộp soạp, tiếng thở hì hập của người đào.
Cứ cách nhau khoảng năm mươi đến bảy mươi mét có một lòng giếng như vậy. Xuống sâu chừng mười lăm, hai mươi mét các lòng giếng được đào ngang thành đường ngầm nối lại với nhau. Rồi các đường hầm sẽ liên kết lại thành một hệ thống liên thôn, liên xã...
ấy là nói chuyện trong sơ đồ thiết kế, còn chừ các sọt đất vẫn đang ì ạch kéo lên, những ngón tay tê cóng trong gió buốt đang bấu lấy và chuyền ra xa. Đất đỏ nhão trong nước mưa ngầu ngầu như máu.
Cùng một lúc, nghĩa là cùng đồng thời với ngọn gió cắt da kéo đến thì, cả một vùng đất đỏ, đất sỏi, đất pha cát trên khắp khu vực Vĩnh Linh đều đào địa đạo. Công việc này không thể tính từng giờ, từng ngày, thậm chí là từng tháng. Những khuôn mặt lầm lì câm lặng, những bàn tay cộm rát cứ âm thầm đào bới. Họ có cảm giác đang đào xuyên qua lòng trái đất, đào cho hết trọn cuộc đời...
Dĩ nhiên cũng có điều người ta phải tính, thậm chí có người còn tính toán đến thắt thẻo cả ruột gan. Đó là việc những ngôi nhà của họ phải dỡ để lát trong hầm!
Nghị quyết Đảng ủy ghi rõ, nhà Đảng viên dỡ trước, nhà đoàn viên dỡ tiếp theo, rồi nhà dân quân dỡ hết để nêu gương cho quần chúng. Nhưng chuyện lại không suôn sẻ một chiều như vậy.
Người xã đội phó Vĩnh Thủy gặp Phương chỗ nào cũng cằn nhằn:
- O định răng đó? Mình vừa là đoàn viên, vừa là dân quân lại là cán bộ nữa. Rứa mà nhà không chịu dỡ thì còn nói ai được nữa...
Mấy hôm đầu Phương cứ vâng vâng dạ da:
- Dạ... anh để vài hôm nữa, út phải vận động thêm tý đã...
Nhưng vài hôm sau ngôi nhà gỗ năm gian của ông Cầu vẫn sừng sững đứng nguyên đó. Người xã đội phó lại nhăn mặt càm ràm, còn Phương thì cúi đấu nói rên rỉ như một kẻ chịu tội:
- Khổ quá, út đã nói mòn lời rồi... Nhưng nhà ba người ba ý, khổ quá anh nờ!...
Tất nhiên cái khó của một gia đình không thể bằng cái khó chung của công việc toàn xã. Ngơ đi cho một người là những người khác được nê để liều. Vì rứa mà người xã đội phó chịu trách nhiệm về vấn đề phòng tránh đã không thể nhường nhịn được mãi.
Ba hôm sau gặp Phương ở bờ mương trung thủy nông, anh ta xẵng giọng:
- O Phương! O có chấp hành nghị quyết không thì bảo. Xung quanh người ta đã dỡ hết rồi?
Lúc này Phương không nhịn được nữa:
- Anh lên đó mà dỡ. Tôi không biết.
- A, o ăn nói rứa đó à?
- Không nói rứa thì nói răng. Nhà không phải nhà của tôi, cha và dì tôi thế nào cả xã này ai chẳng biết. Anh có giỏi thì tới mà vận động...
Anh xã đội phó như muốn nhảy cả hai chân lên:
- Cha cha... O định thách tôi nữa à? Đó là tôi muốn trong ấm ngoài êm mới bảo o vận động. Chứ bộ gia đình o muốn chống lại nghị quyết của Đảng à?
Phương trợn tròn hai mắt lên, chiếc trán dô nhíu chằng lại:
- Này, anh ăn nói cẩn thận nghe chưa? Anh bảo ai chống lại Đảng hứ?
- Tôi... bảo kẻ nào không chấp hành...
- Kẻ nào? - Phương hét lên. - Đừng có ăn nói lớp tớp.
Câu nói ngắc lại giữa chừng, Phương quay ngoắt đi để mặc người xã đội phó đứng sững người ra vì tức giận.
Thực sự thì Phương chẳng sung sướng chi khi phải nói những lời hằn học đó. Suốt nữa tháng ni cô gần như điên đầu những mối bất đồng trong gia đình.
Sau cái vụ chia nhà náo động thôn xóm dịp Thái đi bộ đội ấy thì những lời tai tiếng trong nhà tạm thời lắng xuống. Giường ai nấy ngủ, nồi ai nấy ăn, công việc lại búi xùi nữa nên cũng chẳng ai có hơi sức mà bới móc lẫn nhau. Quan trọng hơn là cái sống cái chết cứ rình rập từng giờ khiến người ta phải tựa nương vô nhau mà chống đỡ. Nhất là từ ngày mấy đứa nhỏ đi sơ tán K8 hết thì căn nhà bỗng trống hoác ra. Cả hai người đàn bà đều cùng một lúc thấy lòng chống chếnh, thiếu hụt. Có một lần dì Lài và mạ Ngải đã ngồi nói chuyện tâm tình với nhau gần như trắng đêm:
- Tôi nghĩ... nhà cũng chẳng còn ai nữa, chi đó mà hai với ba nồi. Thôi thì... chị cứ nấu chung vô mà ăn. Đỡ tốn củi tốn lửa - Dì Lài thở dài và nói như vậy.
Mạ Ngải gật gù một lúc nhưng rồi lại lắc đầu:
- Chung riêng chi thì cùng trong một nhà cả dì nờ. Miễn là mình biết ăn biết ở với nhau... việc mình đã đành mà còn trên đội nữa, trên hợp nữa. Cứ chia ra, nhập vô phiền phức người ta lắm...
Dì Lài tỏ ra dễ dãi:
- ừ, thì nói vậy chứ tùy chị! Mà nghe nói loại già như ta cũng sắp sơ tán nữa rồi. Tới lúc đó thì sức mấy mà chung với riêng nữa.
Câu chuyện nhẹ nhàng chuyển qua hướng khác:
- Ơ, rứa sơ tán hết cả hở dì?
- ừ thì họp đội người ta nói đâu đó, ủy ban khu vực đã cho người ra tận ngoài Nghệ An, Hà Tĩnh liên hệ rồi. Không chừng ăn tết xong thì đi, có chậm cũng ra giêng hai là phải sơ tán hết - Dì lại thở dài - Tôi coi kiểu ni là đánh nhau to đến nơi rồi. Có lẽ thằng Mỹ nó đổ bộ ra miền Bắc mất thôi. Nghe nói đơn vị thằng Thái kéo quân ra bảo vệ Vĩnh Linh rồi. Răng mà không thấy bóng dáng nó đâu cả.
- Dì nghe ai nói thằng Thái ra Bắc?
- Thím Cải!
- Ôi chao, cái thím ấy thì lắm chuyện lắm.
- Không... thím ấy nói là thằng Liêm gửi thư về mà.
- Rứa răng thằng Thái không có thơ?
- Thì rứa mới vô phúc. Con cái có biết chi đến gia đình cha mạ đâu...
Cứ rứa mà câu chuyện lại kể về những đứa con.
Gà gáy canh ba rồi canh tư, hai người vẫn rầm rì không dứt trong căn hầm nhỏ. Cho tới khi gà đổ giọng canh năm cả hai mới chui ra, uể oải đi về hai hồi nhà. Tiếng bẻ củi rắc rắc, tiếng cạo nồi roóc réc. Hai bếp lửa cùng đỏ lửa một lúc hắt sáng vô giữa căn nhà.
Nhưng cái trạng thái êm đềm đó chẳng thể kéo được mãi khi số phận cái nhà ở chung của họ đã bắt đầu bị lung lay.
Phương bắt đầu vận động mạ. Dĩ nhiên, là không khó lắm. Xưa nay mạ Ngải vốn là người dễ dãi, hơn nữa cái việc này nó phải lẽ quá, trước hết là vì mạng sống của mình, sau cũng là trách nhiệm của con cái. Hàng xóm láng giềng nhà trước nhà sau đều dỡ cả. Mạ cũng lấy làm sốt ruột. Rứa là cuộc vận động chuyển qua hướng ông Cầu.
Ông Cầu tính có gan thiệt nhưng lại dễ bị dao động. Phương nắm chắc điểm yếu đó nên mặc dù phút đầu cha gầm lên như phải bỏng: "Cha tổ bây, ai dỡ mược xác họ, có nhà đòi dỡ đi thì ra mà ngủ với heo à?...". "Nhà tao kệ cha tao, không can cớ chi thằng nào, con nào mà phê bình với kiểm thảo!...", Phương vẫn tỉnh bơ, nói như dọa:
- Cha chưởi ai rứa? Để con báo cáo lên ủy ban coi thử cha đúng hay sai mà chưởi...
Ông Cầu lập bập hai mép môi:
- Mi cứ... cứ báo đi! Tao chẳng làm chi phản dân hại nước mà sợ...
"Rứa nghĩa là cha đã có ý sợ" Phương nghĩ vậy nên tỏ ra nghiêm nghị hơn:
- Không phản dân hại nước nhưng để cái nhà to đùng ra đó cho máy bay nhòm thấy, hắn bắn bậy xuống thì đau có phải trúng một chỗ này?
Ông Cầu"hự" một tiếng rồi nín thinh. Mạ Ngải thấy đến lúc cần phải lên tiếng:
- Ông ạ, nhà cửa là do hai bàn tay ông làm ra, chẳng ai ép uổng được cả. nhưng thử hỏi người ta bảo mình dỡ nhà để làm chi? Có phải làm lầu làm gác cho ai đâu, mà cô ta nhất là lo cho cái mạng sống của mình. Phá cái nhà ai chẳng đứt ruột đứt gan hả ông! Nhưng mình không phá thì thằng Mỹ nó cũng nuốt. Tôi tính B.52 nó rải kiểu đó, rồi chẳng còn mái tranh nào sót lại được với nó đâu. Thà mình chủ động dỡ đi, đưa xuống đất, trước là có cái ăn chỗ ngủ chắc chắn, sau nữa họa may giữ lại được vài cái cột, cái xà. Khi mô yên hàn ta dựng trở lại...
Ông Cầu lẳng lặng nghe rồi thở dài đánh thượt một cái, chống gối đứng dậy. Ông đi vô đi ra một lúc giữa sân rồi bất ngờ chưởi đổng:
- Tổ cha thằng cha cái thằng Mỹ, chẳng biết cực đến khi nào!... Ông xách rựa lụi cụi đi ra sau nhà chú Quất. Rứa nghĩa là ông đã xiêu lòng. Phương ngó mạ mỉm cười như để cảm ơn. Mạ Ngải khẽ lắc đầu:
- Chưa ổn đâu con ạ. Còn dì nữa?
Quả đúng như vậy. Con người ấy có một sức mạnh ghê gớm làm bật tung các điều nhân ái ra xa bằng tiếng gào thét thảm thiết vốn có của mình. Lúc đó đã nhá nhem tối, cả nhà đông đủ trong bữa cơm. Làng xóm lại tưởng có chuyện đập đánh nhau nên tất bật chạy tới. Người đến càng đông thì dì lài lại càng kêu to hơn:
- Họ bàn họ bạc với nhau để đuổi tôi... Tôi đi cấy về thì cha con chồng vợ đã thù thì thụt thịt lâu lắm rồi. Trời hỡi là trời ơi!... Thân tôi quá thể là thân lươn lấm đầu ngầu đít mà chẳng có nổi cái chỗ mà chui thân. Biết rứa thời xách bị ăn mày, đày thân ở tớ có khi còn sung còn sướng hơn...
Trong số những người đến coi, không biết có ai đó ngứa miệng chõ vô một câu thật là đến vô duyên:
- Ơ hay, nói chi lạ rứa hè? Của chồng, công vợ răng người ta không bàn với dì ấy một tiếng...
Tức thì dì Lài được nước chồm lên:
- Đã rứa thì không bàn không bạc chi nữa hết. Nhà tao tao ở, tao thách con nào thằng nào đến dỡ tao coi. Nó làm cái chi? Dào... cán bộ với cán xạ, dài lưng chỉ tổ tốn vải, quần rách để... ra còn chẳng biết vá lại nữa là cửa cửa nhà nhà. Nó lên mặt với thiên hạ, chứ chẳng láo được với con này đâu. Nói cho mà biết! Nói cho mà biết!...
Phương nóng bừng bừng hai màng tai. Cô bước tới đứng chặn ngay trước mặt dì Lài, nghiến răng lại:
- Dì chưởi ai? Tôi hỏi dì chưởi ai? Người ta đi họp dì chẳng chịu đi, người ta tất cả chấp hành mình dì đi ngược lai. Thử hỏi cả làng cả nước coi có phải chủ trương chung như rứa không hay chỉ do tôi phịa ra ở cái nhà này?
Dì Lài dõng cổ lên, cái gân chằng nổi to tày cái dây đầu:
- Ai chủ thì chủ, tôi không chủ không trương chi hết!
- Dì lạc hậu.
- Phải, con ni lạc hậu, con ni đĩ thỏa, đứng chợ đứng đường, con ni ba trai bảy gái... Có giỏi thì đụng đến nó mà coi.
Ngực Phương dội lên muốn tắt thở. Mạ Ngải chạy đến túm lấy áo con kéo dặc ra:
- Phương! Mi có im không? Đừng có mà hỗn...
Phương suýt òa ra khóc. Cô lao người vô buồng, tức tưởi. Đến nước này thì không thể sống nổi. Một ngày, một giờ, một phút cũng sống không nổi nữa rồi! Phương khóc to như một đứa trẻ bị đòn oan.
Chuyện ấy mới xảy ra chiều hôm qua thì hôm nay Phương lại nổi khùng với anh xã đội phó. Cô lấy làm hối hận và bỗng cảm thấy giật mình. Không hiểu sao dạo này mình cục tính đến vậy? Không khéo bị bệnh thần kinh mất thôi!
*
Hóa ra cũng có lúc, dù chỉ là tạm thời thì nhờ được vào cái to mồm mà người ta vẫn thắng thế! Rốt cuộc ngôi nhà gỗ năm gian của ông Cầu lù lù đứng một góc vườn. Chưa biết chừng bom đạn của thằng Mỹ cũng phải kiềng di Lài chứ chả chơi!
Nhưng người kiềng dì đầu tiên đó là mạ con chị Ngải. Phương nhờ dân quân làm giúp cho mạ một chiếc hầm chắc chắn ở chân Núi Voi và cô giục mạ đi ngay trong tuần đó. Có thể dì Lài nghĩ rằng nó đã sợ mình thật! Thôi cũng được, hơn thua chi cái tiếng ấy. Thực ra Phương nghĩ khác. Cuộc sống ngày nay đã có đoàn có đội, có hợp tác đùm bọc, không dại chi mà trói buộc mình một cách vô lý trong sợi dây ác nghiệt đó. Cô thầm cảm ơn người xã đội phó cứ tưởng sẽ trả thù mình cho tới chết ai ngờ lại tận tình đáo để. Căn phòng của mạ Ngải tuy không rộng nhưng rất chắc chắn, lại ở gần miệng địa đạo nên người qua kẻ lại suốt ngày, rất vui.
Một buổi tối Phương nghĩ trực chiến, sau khi rửa vén dọn dẹp xong, cô xoài lên sạp nghĩ ngợi. Một lát Phương ngồi dậy ngó mạ:
- Mạ ơi... hay là... hay là con đi bộ đội đây?...
Câu nói quá bất ngờ làm mạ Ngải sửng người ra một lúc lâu. Thoạt đầu thì mạ nghĩ nó nói đùa. Nhưng xưa nay Phương không hay đùa với mạ. Rứa là mạ bắt đầu cảm thấy lo sợ.
Như đoán được tâm trạng mạ, Phương nói liền một thôi một hồi không dứt:
- Lẽ ra con phải đi lâu rồi mới đúng. Bạn bè nó đi sạch trơn rồi. Chỉ vì vướng víu gia đình mà con hóa ra tụt hậu, chứ hoàn cảnh nhà ta rứa là tạm ổn. Mạ ở đây có buồn thì nói với đội cho một chủ nữa đến ở cho vui. Chị Bính vợ liệt sĩ đó, mà nghe nói cũng chưa có hầm. Để con bảo chị ấy qua ở với mạ. Con vừa mới được học tập chủ trương tổ chức lại ăn ở của Đảng ủy khu vực. ít hôm nữa xã viên sẽ được học. Bữa ni không ăn ở theo hộ khẩu nữa mà sẽ phân chia ra, dân quân ở với nhau, lực lượng cứu hỏa ở với nhau, ai không làm nhiệm vụ chiến đấu, sản xuất được nữa thì cú đến ba đến bốn người tổ chức thành một hộ mới cho đến khi sơ tán. ở như rứa vừa dễ điều động nhân lực, vừa giúp đỡ những gia đình có con cái đi xa, lại vừa tránh được những thương vong cả gia đình. Ông Sta-lin gọi đó là "Cộng sản thời chiến" đó. Dạ, ông Sta-lin là lãnh tụ của bên Liên Xô hồi trước đó mạ nờ. Như rứa thì dù con có ở nhà cũng không thể ở với mạ. Rồi đây sẽ đi sơ tán hết. Đi theo đội, theo hợp tác, ra chỗ mới cũng sinh hoạt như ở đây thôi. cho nên con thấy mình đi lúc này là phải. Mạ đồng ý thì mạ nói với mấy chú, mấy anh cho con một tiếng.
Mạ Ngải ngồi lặng thinh nghe con nói. Mạ cũng chẳng thể nào hiểu hết một lúc những điều giải thích loạn xị của Phương. Mạ chỉ đinh ninh một điều rằng, rứa là nó đã quyết đi. Con Phương đã quyết thì chẳng ai cản nổi. Nghĩa là đã đến lúc mạ đã tuột khỏi vòng tay niềm an ủi cuối cùng rồi.
*
Nhưng thật trớ trêu, lần tuyển quân này người nữ vận động viên có đôi bắp chân chắc nịch, có một vòng ngực căng đầy nghị lực ấy lại không trúng tuyển.
Điều đó đã xảy ra sau khi Phương đã đi chào hỏi gần như không sót một ai trong các trung đội và ôm lấy Tuấn khóc ròng rã suốt một đêm. ấy thế mà lại trượt. Phương trợn tròn mắt ra không sao hiểu được nữa. Cô chạy xộc lên hỏi người xã đội phó.
Vừa thoáng thấy Phương anh xã đội phó đã xua tay rối rít:
- Tôi không biết đâu, nghe! Mà tôi cũng không dám tranh luận với o đâu. Nói chung tôi sợ o lắm...
Phương cố ghìm lòng lại, làm bộ nhoẻn miệng cười:
- Gớm, làm chi mà thủ trưởng xua chiến sĩ như xua gà vậy?
- ấy chết, tôi đâu có làm nổi thủ trưởng của o.
- Này, nhưng tôi hỏi thiệt, răng tôi lại trượt?
- Hả? Người xã đội phó cũng trợn mắt lên. Trời ơi! O mà cũng không trúng tuyển à? Kỳ cục quá hè!
- Thôi đi, anh đừng giả đò nữa. Trúng hay trật đều do ở xã các anh quyết định cả.
- Ha ha, đồng chí nói mới chéo hèo chưa! Tuyển bộ đội thì bộ đội khám chứ có phải chọn lên làm xã đội đâu mà bảo xã quyết định?
Phương bực bội cau mày:
- Nhưng hỏi thiệt, các anh có ủng hộ việc tôi đi không đã?
- Hừ, không ủng hộ mà để cho nghĩ trực đi khám à? Với miền nam, với tiền tuyến thì bao nhiêu cũng cho hết. Cả tôi cũng đang xin đi đợt sau đây này...
Phương thở dài. Kể ra anh ta nói cũng có lý. Biết kêu ai chừ?
Cô xịu mặt quay đi quên cả chào người vừa nói chuyện, tuy vậy anh xã đội phó cũng chẳng lấy làm khó chịu, ngược lại anh ta ngó theo cái dáng điệu vùng vằng của Phương mà tủm tỉm cười một mình.
Sự thực đúng như Phương đã đoán lúc đầu, mọi việc đều do xã quyết định. Phương đã đâm thẳng lên ban quân lực của Bộ tư lệnh vào đúng giờ ăn cơm trưa để tìm ra câu giải đáp đó.
Đồng chí thiếu úy có râu quay nón giải thích cặn kẽ:
- Thể lực đồng chí tốt lắm. Lý lịch và mọi vấn đề khác cũng rất bảo đảm. Nhưng mà điều xã cân nhắc là hoàn cảnh gia đình đồng chí...
Phương nhíu trán lại, hỏi vặn:
- Gia đình như răng? Nhà tôi lạc hậu à?
- Ơ hay, tại sao lại có chuyện lạc hậu ở chỗ này? Đây là xét đến hoàn cảnh neo đơn...
- Neo đơn? Thì một mai mạ tôi đi sơ tán, tôi ở lại với ai? Hay các anh định không cho mạ tôi đi sơ tán nữa? Hay là để tôi cùng đi sơ tán với mạ?
- ồ! - Người thúy úy khoát tay - Cái đó thì đồng chí tranh luận với xã ấy, chúng tôi không thể giải thích được đâu. Mong đồng chí thông cảm nhé!
Phương uất ức muốn khóc òa lên. Nhưng cô không còn cái tuổi dám liều như vậy trước đám đông nên cô đành cắn môi chạy ù ra ngõ.
Phương lại hùng hục dọc theo mép rào suýt nữa thì đâm sầm vô một người cao lớn đang đi ngược trở lại.
- Chào đồng chí diễn viên ngâm thơ!
Phương dừng vội chân lại và nhận ngay ra Chính ủy. Cô nói lúng búng:
- Chào... chú ạ.
Trần Vũ mỉm cười gật đầu:
- Đồng chí lên đây có việc gì thế?
- Dạ... người ta...Cứ cố tình giữ cháu lại...
- Làm sao? Giữ cái gì?
Phương ngước mắt ngõ lên Chính ủy. Đôi mắt ông ấy đáng tin cậy quá! ờ, biết đâu đây lại là một cơ hội. Phương mạnh dạn kể:
- Cháu đi tuyển quân... mọi tiêu chuẩn đều đảm bảo cả... Rứa mà xã lại giữ không cho cháu đi... Chú nghĩ có uất không?
Trần Vũ bất ngờ nắm lấy tay Phương mừng rỡ:
- Sao cháu tuyển được rồi hả?
- Dạ...
- Tốt lắm. Nhưng tại sao lại giữ? Hay sợ mất cây ngâm thơ?
- Dạ không phải rứa. Người ta lo cho mạ cháu phải sống một mình.
- à, thế đấy! - Trần Vũ ngẫm nghĩ một tí rồi lại hỏi - Vậy cháu chỉ còn có mẹ thôi à?
- Dạ, nhưng thưa chú, mạ cháu sắp đi sơ tán rồi. Tất nhiên là cháu không thể đi theo mạ được. Như vậy là chỉ còn một thời gian ngắn nữa thôi là cháu hoàn toàn yên tâm. Nhưng lúc đó thì chẳng ai tuyển quân nữa...
Mắt Trần Vũ sáng lên:
- Không lúc đó vẫn tuyển chứ. Vậy thì tốt rồi cháu cứ yên tâm về đi...
- Thưa chú nhưng biết đâu...
- Không- - Chính ủy bỗng đổi cách xưng hô - Tôi xin bảo với đồng chí như vậy. Chỉ sợ đến lúc đó đồng chí lại nhụt quyết tâm đi thôi.
Phương nói kiên quyết:
- Báo cáo, chỉ sợ thủ trưởng nhiều việc quá nên quên đi thôi, chứ tôi thì không bao giờ nhụt quyết tâm cả.
- Vậy thì tốt, tôi hứa sẽ nhận đồng chí vào bộ đội, có cần ngoéo tay không nào?
Phương cười, nụ cười rất tươi. Nụ cười ấy Trần Vũ đã phát hiện ra khi cô sẽ sàng cúi chào khán giả trước lúc cất giọng ngâm thơ. Nụ cười ấy, Trần Vũ nghĩ, cao hơn nghìn lần những quả bom B.52 trút xuống. Anh mường tượng tới cái ngày đội "văn công nhà" ra mắt khán giả Vĩnh Linh. Điều ấy đối với anh cũng hệ trọng như bất kỳ một chiến công xương máu nào trên mảnh đất nóng bỏng này.
*
Tối hôm đó Phương giả đò nói dối với mạ:
- Bực quá, con chạy vạy khắp mà chẳng ai chấp nhận cho cả. Rứa là hỏng đi rồi mạ nờ. Mạ có buồn không mạ?
Ngó cái điệu cưng cưng của con là mạ Ngải biết thừa rồi nên bà bĩu dài môi ra mà nói:
- Buồn cái chi? Tao vui thì có. Rứa là hết đi, hết đứng, tao hết cực.
Phương ôm vắt lấy mạ như đứa con nít:
- Mạ nói đôi nì... Mạ chẳng phải lạc hậu rứa đâu!...
- ờ, lạc hậu là lạc làm răng? Đi đứng là do cấp trên với mi, mắc chi tao mà lạc với hậu!
Phương nũng nịu:
- Nhưng tại mạ... ai nhũ mạ sống một mình, người ta mới không cho con đi.
Mạ Ngải bỗng thở dài:
- ừ trời phạt mạ đó!
Biết mạ Ngải lại buồn, Phương thôi không đùa nữa.
- Chừ con nói thiệt nì, con sắp đi rồi, con nói thiệt đó. Mạ buồn hay vui nào?
Mạ Ngải lẳng lặng đứng dậy với tay cầm cái bình vôi quệt trầu. Mạ tảng lờ câu hỏi của Phương, coi như chuyện đã biết rồi. Mạ nhai chầm chậm miếng trầu chừng muốn cho ngấm sâu cái vị nồng cay ấy vô gan ruột rồi mới nói:
- Cái tính bông lơn, bông lang của mi, vô bộ đội rồi tha hồ mà phê bình với kiểm thảo.
Phương phá lên cười, duỗi thẳng cả hai chân hai tay ra sạp. Rồi cô chìa môi dài ra với vẻ thách thức:
- Gớm, mạ toàn lo bò trắng răng cả. Con mà vô bộ đội ấy à, nói thiệt, đám con trai lèo khoèo có mà theo khướt.
- Nhưng đừng có tự cao tự đại, rồi hùng hùng hổ hổ gây chuyện anh này, trêu chọc anh nọ... Bộ đội người ta chẳng tha cho đâu!
Phương van lên:
- Trời ơi! Chưa giàu đã lo kẻ trộm. Thì mạ cứ nói dứt khoát cái điểm thứ nhất đi coi nào. Có chịu cho con đi không?
Mạ Ngải xì một tiếng rõ dài rồi nhổ bẹt bãi nước trầu ra cửa hầm:
Hừ chịu hay không chịu thì ai mà cấm được mi!
- Rồi, ha há! - Phương vỗ tay đen đét - Hoan hô mẹ! Hoan hô mẹ chiến sĩ Đặng Thị ngải...
- Cha tổ mi, toàn nói ba láp cả.
Hai mạ con ôm lấy nhau cười suýt nữa phụt tắt ngọn đèn.
Mưa vẫn rơi sùi sụt, tiếng gió hun hút ngoài cửa hầm, chưa bao giờ Phương thấy căn nhà mình lại ấm như hôm ni.
Chợt có tiếng dép nhóp nhép ngoài đường hào. Phương ngó ra. Tiếng gọi ùa vô theo gió:
- Mạ ơi! Chị Phương ơi!...
- Trời ơi, Thằng thái!
Phương văng người chạy ra. Thái lùng nhùng trong tấm ni lông màu nước mắm phủ dài tận gót. Khuôn mặt lấm tấm nước mưa. Một người đứng lấp ló ở cửa hầm. Thái mở miệng giới thiệu:
- Thủ trưởng em đó, chị ạ!
Thoáng một giây nét mặt Phương sầm tối lại. Hình như cũng khoảng dịp này năm ngoái Thái đã mang về nhà một vị "thủ trưởng", và...
Mạ Ngải cũng vừa chạy tới giằng lấy tấm áo mưa trong vai Thái.
- Khổ... thì cởi áo ra đã nào, con! Ơ hay, Thủ trưởng chi đó vô nhà đã? Răng lại ướt hết ri rồi?
Trong khoảng tối lập lờ của tường đất chỗ cửa hầm Lợi đã trông rõ đôi lông mày của Phương khẽ nhíu lại. Người chị gái mà đã rất nhiều lần Thái kể cho anh nghe đã có lúc đã làm cho anh thấy hấp dẫn như đọc một nhân vật hảo hán trong "Thủy hử". Nào là đã có lần một mình đánh nhau với ba cậu con trai thị trấn trên cầu Lèo Heo, và bằng một cú đá cật lực đã hất nhào một cậu xuống sông Hồ Xá, sau đó lại phải bơi xuống vớt cậu ta lên. Nào là có lần đi cắt tranh đã chụp đuôi một con rắn hổ mang và vung tròn mấy vòng đến mức khi thả ra con rắn nằm thẳng đờ như bị tháp gỗ. Đã rứa còn túm đuôi lôi về thôn dọa cả những anh con trai yếu bóng vía. Vân vân nữa... Người con gái kỳ quặc đó nay đang đứng đó, dưới quầng sáng ít ỏi của ngọn đèn dầu ma dút vẫn lộ ra cái vẽ ngang tàng với chiếc trán dô cao, mái tóc mai quăn xoắn, cặp mắt luôn mở tròn xoe. Và, chỉ thoáng một giây anh cũng đã nhớ ra ngay cái khuôn mặt quen thuộc ấy. Thì ra cái "bà chị" đi chiếc xe đạp nam, khoác khẩu súng thể thao dạo ấy lại chính là Phương...
Chỉ có điều làm Lợi chột dạ là cặp lông mày kia đang nhíu lại khi nghe Thái giới thiệu anh? Lợi chưa biết chắc ý tứ thế nào, anh tần ngần gỡ chiếc áo mưa ra và cất lời chào hết sức lễ phép:
- Con chào mẹ ạ! Tôi chào chị Phương!...
Phương khẽ gật đầu kèm theo một tiếng "dạ" đơn điệu. Ngọn đèn dầu nhỏ lung lay. Nước từ áo mưa rõ lên nền hầm lép bép. Phương cầm chiếc áo mưa của Thái đi ra phía cửa hầm rũ mạnh. Lợi chợt thấy sự có mặt của mình trong cơn ướt át này thất là bất tiện. Anh đang loay hoay thì mạ Ngải đã túm lấy tay kéo xuống giường:
- Cái chú ni mới hay hè? Ngồi xuống đã nào! Mạ bắc cơm cho mà ăn hí?
- Dạ chúng con đã ăn cả rồi mạ ạ. Lợi nói to cốt cho người chị của Thái nghe. Con đi bộ đội một lần với Thái lại ở cùng đơn vị với nhau. Thái kể cho con nghe rất nhiều về gia đình ta. Hôm nay nhân dịp đi công tác Thái bảo con về nhà chơi...
Thái tiếp lời:
- Bọn con về trên nhà nghe cha nói mạ đã dọn xuống đây. Dì làm cơm con ăn rồi.
Phương đã cầm tấm áo mưa quay vô vắt tạm lên dây căng màn, cô hỏi như chỉ để dành riêng cho em nghe:
- Đi công tác chi mà không có đơn vị?
- Công tác lẻ chị ạ. Em với anh Lợi phải đi từ tờ mờ sáng tới chừ sạc cả chân...
Phương quay vội lại. Lợi nào? Ra vậy! Chừ thì cô đã nhận ra.
Lợi cũng nhanh chóng phát hiện ra phản ứng ấy của Phương, anh quay mặt ra phía tường đất giả bộ coi mấy tờ họa báo.
Phương hỏi lấp lửng:
- Anh Lợi đã về thăm nhà chưa?
- Dạ rồi chị ạ.
- Chắc ông cụ mừng lắm?
- Chị có biết bố tôi à?
- Chi mà chẳng biết! Hôm nghe tin anh... à. Mà chắc anh biết rồi...
Lợi cau mày khó chịu. Thì ra cái câu chuyện đốn mạt đó đã loang xa đến vậy. Lợi cảm thấy ngứa ngay muốn đứng dậy đi luôn.
- Chà, anh Lợi mới đi mà lên chức thủ trưởng, oách hè?
Lợi cười nhếch mép như tự diễu mình.
- Thủ chi cái loại tôi hả chị! Chẳng qua không có... Không có chanh lấy khế làm chua thôi.
Phương suýt cười phá lên nhưng đã kìm lại được. Cô quay nghiêng người tủm tỉm một mình và tự nghĩ cô ta quả thật thông minh và tế nhị. Câu ví ấy xưa nay người ta hay nói cái câu khá tục tĩu kia. Suýt nữa anh ta cũng đã buột miệng rồi. Vậy mà chữa ngay được, mặc dù câu ví mới phịa nghe đến bật cười. Tiếng đồn cậu ấy giỏi văn quả không ngoa. Nhưng thôi, Phương khẽ thở ra và xua nhanh những suy nghĩ vớ vẩn ấy. Đàn ông - Phương tự nhủ càng thông minh sắc sảo thì càng đáng sợ, càng nên tránh xa.
Cô quay sang phía Thái:
- út về thăm nhà được lâu mau?
- Dạ, thủ trưởng cho tranh thủ hai ngày. Còn anh Lợi sáng mai là quay về đơn vị.
Phương nghĩ nhanh rồi nói:
- Rứa thì về chơi một lúc rồi út mời anh lên nhà dì. trên đó cao ráo sạch sẽ, anh ngủ ngon giấc hơn...
Lợi đứng dậy vội:
- Cám ơn chị. Nhưng tôi chỉ ghé thăm mạ, thăm gia đình một tí cho biết nhà, lúc nào có dịp sẽ ghé lại lâu hơn. Chừ thì xin phép gia đình, tôi phải trở về đơn vị.
Mạ Ngải chồm người dậy:
- Ôi chết răng lại về chừ, con?
- Dạ con có việc gấp mẹ ạ!
- Việc chi thì việc, sáng mai tỏ đường hãy đi!
- Chết, việc quân sự mà mạ!...
Thái ngớ người hỏi khẽ:
- Đại đội trưởng dặn mai mới về mà?
Lợi nói một cách cương quyết nhưng đầy ý tứ:
- Đó là dự kiến cũ. Nhưng hôm nay đến khu đồi 74 mình mới nhận ra những chi tiết mới rất đáng nghi vấn cần phải báo cáo ngay thủ trưởng!
- Rứa thì để tôi đưa anh đi, đường tối lắm...
- Không cần đâu. Cởu cứ ở nhà nghỉ, nhớ trả phép đúng hẹn nghe. Thôi con chào mạ, chào chị Phương...
Lợi ra đến cửa vẫn còn nghe tiếng mạ Ngải càm ràm:
- Khổ, tối mắt tắt đèn rứa, đi đứng làm răng hè?
Thái thì lắc đầu khó hiểu:
- Quái chẳng biết vấn đề chi mà anh ấy gấp gáp đến rứa không biết?...
Dĩ nhiên "Vấn đề" ấy Thái không thể hiểu nổi. Bởi vì anh vốn hơi chậm hiểu, hơn thế nữa anh là người vô tâm. Nhưng chị của anh thì khác. Thoạt đầu Phương hơi giật mình trước quyết định đột ngột của Lợi. Tiễn chân anh ra đến đường hào, ngó theo dáng anh đi khập khậy trong màn mưa mù mịt, Phương bỗng thấy ân hận. "Người rứa mà tự ái ghê gớm". Nghĩ vậy nhưng Phương cũng không gọi lại, bởi vì máu tự ái cá nhân thì cô cũng chẳng kém ai.
Đăng ngày 22/04/2010