Saturday, October 3, 2015

CỬA GIÓ - Chương 22 & 23


Tác giả: Xuân Đức

CHƯƠNG HAI MƯƠI HAI 

Tiểu đoàn 47 đóng chốt lại ở khu đông, riêng đại đội trinh sát do yêu cầu khẩn thiết của huyện ủy Cam Lộ đã vượt đường quốc lộ 1 trở về Tây Dốc Miếu. Lợi thấy khấp khởi trong bụng khi đặt chân lên mảnh đất cũ mà anh từng da diết nhớ trong những ngày quay ra Vĩnh Linh.
Nhưng nỗi mừng chưa kịp dâng lên thì cái buồn đã ập xuống. Trong buổi họp đầu tiên với ban lãnh đạo đội công tác chính trị anh được biết một tin thật khủng khiếp: Hoan đã cưới tên trưởng đoàn bình định.Chỉ có một điều lạ, theo lời Quảng kể là từ sau hôm cưới chồng đến nay Hoan vẫn thường xuyên bắt liên lạc với ta. Tất nhiên lúc đầu Quảng rất cẩn giác. Nhưng dần dần anh nhận thấy không có chi đáng ngờ trong tấm lòng thành khẩn của người cơ sở củ ấy cả. Những gùi gạo vẫn được chuyển ra vị trí họp thư, tin tức hoạt động của bọn bình định vẫn được báo tỉ mỉ, chính xác. Như vậy tình yêu chưa phải chiếm vị trí tuyệt đối trong trái tim Hoan.
Còn nước còn tát, cuộc họp đi đến kết luận phải cứu cho bằng được tâm hồn con người lỡ bước ấy. Một kế hoạch tác chiến được vạch ra với mục tiêu trừ khử cho được tên " quỷ sa tăng đầy tà phép" - Quảng gọi Tá bằng cái tên cay độc như vậy.
Bước thứ nhất Lợi sẽ về gặp cơ sở để nắm lại lần nữa thái độ của Hoan và quy luật hoạt động của Tá. Lần này có cả Thái đi theo.
Hai người vô đến bãi đất hoang, nơi có gốc cây ngô đồng trơ trọi thì Hoan đã đứng đợi từ lâu rồi. Con người ấy vẫn vậy khác chi đâu? Cũng cái dáng to to đẫy đà, mái tóc tẽ giữa xõa đều lấp một phần khuôn mặt, con người lúc nào cũng toát lên những khao khát rừng rực, những cơn xúc động xô bồ đến hoảng sợ. Con người ấy có tội chi ? Không, tất cả chỉ tại cái con quỷ sa tăng kia hết. Phải diệt nó !
Lợi đang tê mê vì những suy nghĩ ngập lên trong đầu thì Thái đã rỉ bên tai:
- Tôi yểm hộ, anh tới đi !
Lợi gật đầu rồi cúi rạp người vòng theo mép cỏ tranh đi rất nhẹ. Tới đằng sau cây ngô đồng, anh ngồi lặng xuống quan sát xung quanh. Đêm trong ấy chiến lược vẫn muôn thưở câm lặng. Lợ thở sâu một hơi cho thật bình tĩnh rồi bước ra khỏi bóng cây.
- Chào chị Hoan !
Mặc dầu đã sẵn sàng trong tư thế chờ đợi Hoan vẫn không khỏi giật mình. Gần đây chị luôn luôn bị giật mình kể cả khi chồng gọi. Hoan sững ra một tí rồi ngồi thụp xuống úp hai tay lên mặt. Chị là người hay khóc, gần đây càng dễ khóc hơn.

Nhưng tiếng khóc không phải lúc nào cũng gây được sự xúc động. Lợi ngồi xuống bên cạnh giọng khô đanh:

- Chị vẫn khỏe chứ?

- Dạ...

- Có nhận được tin tức của mạ không?

- Dạ...kh...ông - Hoan nói dối.

Những câu thăm hỏi thông thường ấy cũng chẳng có nhiều. Lợi bắt buộc phải vào đề :

- Chồng chị vẫn ở nhà chứ?

- D...ạ...

- Anh ấy có biểu hiện chi nghi ngờ chị không?

- Dạ... không...

- Ban ngày anh ấy thường làm chi?

- Dạ... anh ra ruộng... hoặc họp hành...

- Ban đêm?

- Dạ... thường thì không làm chi cả...

Cả hai chợt cùng im lặng. Hình như Hoan đã chột dạ khi trả lời câu hỏi cuối cùng ấy. Con người này, Hoan nghĩ nhanh, đã từng thề phải "diệt cho được tên trưởng đoàn bình định !" Con người này đã từng bảo chị báo cáo quy luật đi lại của Tá ? Con người này đã từng lọt vô cứ điểm Dốc Miếu rồi lại nằm trong đó mấy ngày liền... Tóm lại, con người này muốn làm chi thì nhất định làm cho bằng được ! Hoan bỗng rùng mình co vai lại. Giữa phút chao đảo đó, Lợi đã quyết định nổ "quả thủ pháo" cuối cùng:

- Điều chị nhờ tôi dạo trước, tôi đã thực hiện được.

Hoan ngước lên, mi mắt nhấp nháy. Giọng Lợi vẫn trầm trầm:

- Anh Tùng rất khỏe, nay là một cán bộ trong quân đội và ở cũng chẳng xa chị lắm đâu. Anh ấy rất vui khi nghe tôi kể về hoạt động cách mạng của chị - Tất nhiên đến chổ này Lợi phải nói dối nhưng anh vẫn không thấy hổ thẹn chút nào- Anh Tùng mong chị hãy bền gan chiến đấu, vững tin ở ngày thống nhất - Lợi tránh không nói chữ "thủy chung" - Anh ấy gửi lời thăm mạ, mong mạ đừng buồn, đừng lo gì cho anh cả.

Hoan lại khóc, những tiếng rên ri rỉ bắn ra. Thật khó mà đoán được tâm trạng của người con gái qua giọt nước mắt! Lợi sốt ruột đứng lên:

- Đội chính trị rất cần một số thuốc sốt rét. Chị có giúp được không?

Hoan ngừng khóc, ngẩng lên:

- Nhiều không?

- Độ vài trăm viên. Nhưng cũng tùy, được bao nhiêu quý bấy nhiêu?

- Dạ... được.

- Vậy thì tối mai chị mang ra đây, anh Quảng sẽ vô lấy, được chứ? Chị nhớ là tối mai, đừng sai hẹn nghe!

Hoan hơi ngập ngừng:

- Bữa trước anh Quảng quy định một tuần chỉ bắt liên lạc có hai đêm, thứ hai và thứ sáu...

- Nhưng đây là tình hình đột xuất, tôi hẹn lạ vậy. Chị cố gắng nghe?...

- Dạ...

Họ chia tay. Trên đường trở về đơn vị, Lợi cứ băn khoăn mãi cái việc mình nhắc tới anh Tùng có nên không? Hình như mình nhẫn tâm quá phải không? Con người đã lỡ làng như vậy... Nhưng rồi Lợi lắc đầu tự khẳng định. Đây là tuyệt nhiên không phải cái chuyện lỡ làng của một người con gái. Đây là con thỏ ngây thơ đã sa bẫy ! Gỡ bẩy ra tránh sao khỏi đau đớn, chị Hoan ơi!

*

Nỗi đau đớn ấy đối với Hoan quả là quá sức chịu đựng. Suốt một đêm vật vã chị khóc không cần giấu giếm người bên cạnh. Có dễ chi mà quên hết được bao nhiêu kỷ niệm của một thời trẻ trung ấy. Tuy chưa phải là vợ chồng, nhưng với người con gái mối tình đầu bao giờ cũng thiêng liêng nhất. Dù cuộc đời có phải ba chìm bảy nổi, có phải đi thêm bao nhiêu chặng mới lắt léo trong đời riêng thì cái bước đầu tiên vào đời ấy vẫn động lại trong tâm khảm như một giọt mật, ngọt ngào cho đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay.

Giọt mật, lúc nghĩ đến thì khát khao, uống vào thì ngọt lịm nhưng nếu rỏ vào vết bỏng thì buốt thấu tim gan. Chị đang cơn bỏng xót! Đã liều nhắm mắt xua đuổi quá khứ đi bỗng dưng có người đến khơi dậy... Trời ơi, răng người ta nở tâm ác ý với chị đến mức ấy hả trời!

Người ta lấy chồng thì sung sướng đến mê mẩn, chị lấy chồng thời tưởng như đời mất hết! Mạ bỏ đi rồi. Tưởng mạ bực bội đay nghiến dăm bữa rồi sẽ nguôi đi, ai hay mạ lại từ mặt. úi chao lại đau đầu. Hoan nhíu chằng trán lại, hai ngón tay dí mạnh lên thái dương. Tá nghiêng người qua nói nhỏ:

- Em không ngủ được à?

Hoan lắc đầu. Tá đặt nhẹ tay lên trán chị.

- Em bị cảm rồi. Anh thoa dầu cho nghe.

Hoan lại lắc lắc đầu. Nhưng Tá vẫn ngồi dậy bấm đèn tìm lọ dầu Con sóc. Bàn tay mềm như nhung của Tá thoa lên đỉnh trán, xoa tràn qua thái dương, xoa lan xuống ngấn cổ... Hoan nhắm nghiền mắt lại. Rõ ràng bàn tay ấy kỳ diệu như có phép tiên. Nổi đau vợi dần, những dằn vặt cũng loãng ra tan theo bàn tay đang xoa dần xuống ngực. Người Hoan rân rân nóng, Mọi ý nghĩ bỗng chốc chơi vơi. Chị choàng tay qua lưng Tá ghì mạnh xuống. Những tiếng nói chập chờn lấp ló trong hơi thở:

- Người ta bảo em phải làm gì, em yêu?

Hai làn da áp sát lên nhau, đầu óc Hoan tê đi trong sự đền bù mỹ mãn:

- Mua thuốc...

- Thuốc sốt rét phải không?

- Dạ...

- Khi nào mang ra?...

- Tối mai...

- Em yêu! Chưa bao giờ anh yêu em như lúc này. Em! Em!...Em!...

- Anh!...Anh!...Anh...



*

**



Tất cả những người ấy cùng dừng lại trời tắt nắng. Khói từ ấp chiến lược bò lên vật vờ, xám bạc.

Họ trao đổi với nhau lần cuối cùng những dự kiến có thể xảy ra trong trận chiến đấu này,rồi tất cả chia thành ba mũi, tiến theo ba hướng khác nhau. Quảng dẫn hai du kích vô bãi hoang có cây ngô đồng để đón Hoan và tìm cách giữ chị lại. Nếu chị đồng ý thì đón tuột về xanh.

Trung đội phó Kiểm dẫn hai tiểu đội tiến thẳng vô hướng cổng ấp, có nhiệm vụ đánh bốt gác, nhà ngủ bọn dân vệ và bắt tên xã trưởng.

Trung đội trưởng Lợi dẫn tiểu đội của Thái tiến thẳng vô nhà Hoan, mục tiêu cao nhất là bắt sống thằng Tá.

Mọi công tác tiền nhập phải hoàn tất trước 9 giờ tối. Vì vào giờ ấy bọn dân vệ mới tập trung tại nhà ngủ và tên Tá mới chấm dứt cái lệ đi "thăm hỏi" các gia đình.

Tổ của Lợi vô tới chuồng heo nhà mẹ Xướng lúc 20 giờ 35 phút.

Lợi ghé sát tai Thái nói rất khẽ:

- Cậu cho hai đồng chí ra chốt ở ngõ. Chú ý áp sát người vô bờ chuối, đêm ni trăng sáng lắm đó. Hai cậu nữa vòng lại cửa đằng kia, nhớ tránh cái lối ra vào kẻo nó đạp phải người đấy... Cậu với số còn lại chốt ở cửa này. Phải cố gắng bắt sống nghe chưa? Mình lọt vô trong nhà, chờ nó.

Thái gật đầu. Đợi cho mọi người triển khai xong, Lợi lách nhẹ người vô ngách cửa.

Nhà lặng ngắt không một tiếng động nhỏ. Lợi sờ thấy chân bàn, anh co rút mình ngồi lọt xuống dưới gầm chiếc bàn phủ khăn ni lông. Một giây, hai giây rồi gần một phút trôi qua, vẫn không có tiếng sột soạt nào, anh chịu người ra trườn tới cửa buồng. Lợi áp tai nghe. Vẫn thinh lặng. Cửa buồng khép hờ, Lợi quyết đình lách qua. Anh áp má vô thành giường. Không hề có tiếng thở. Lơiỹ cẩn thận quờ tay xuống nền đất, không có dép. Chừ thì đã có thể khẳng định được căn nhà không có ai. Lợi đứng lên. Mùi nước hoa thơm ngầy ngậy. Cái mùi ấy khiến anh nhớ tới đêm đầu tiên đặt chân tới căn nhà này, ngủ ở cái hầm ngoài kia... Bất giác Lợi thở dài.

Anh trở ra ngoài chuồng heo tìm Thái.

- Không có ai à?

- Không.

- Răng rứa hè?

- Thằng tá chắc đi "dân vận" chưa về. Hoan thì có lẽ lợi dụng lúc này đã ra bắt liên lạc rồi.

- Mấy giờ rồi?

Lợi nhoài tay ra, vệt dạ quang dài đang vuông góc với vệt ngắn. Lợi lẩm bẩm: "Mau quá , chín giờ rồi!"

Trận đánh này với các chiến sĩ trinh sát thì quá bình thường nếu như không muốn nói đánh chẳng bỏ công đi. Nhưng Lợi vẫn thấy hồi hộp khi cái nút thời gian đang thắt thít sít lại. Tính anh nó vậy, trước bất cứ một lần nổ súng nào cũng thấy chộn rộn, xốn xang. Hơn nữa đây là cú giáp mặt với kẻ thù mà anh đã căm tức quá lâu ngày. và còn một điều thiêng liền nữa, trong trận này anh mang cả vết thương của người tiểu đoàn trưởng cao xạ mà đi. Anh sẽ nổ viên đạn ở đây thay cho người đồng chí đang trút đạn để giữ gìn mảnh đất Vĩnh Linh thay anh!

Bất ngờ một tràng đạn liên thanh nổ xé lên. Lợi và Thái cùng đứng phắt dậy. Từng tràng liên thanh cực nhanh thay nhau nổ phía bãi đất hoang. Tức thì, ở hướng cổng ấp, những chớp lửa lóe sáng liền với những tiếng nổ xé tai của thủ pháo. Thế là thế nào? Lẽ ra Lợi là người phát lệnh. Tổ của Quảng ở bãi hoang đã chạm trán với ai mà nổ súng? Hay là...

Căn nhà mẹ Xướng vẫn im lìm vắng ngắt. trong lúc đó súng ở hai nơi kia nổ mỗi lúc một quyết liệt. Đạn cày sát vào mái tôn, những ngọn đèn vụt tắt, chó sủa náo động cả ấp.

Lợi nói rít qua kẽ răng:

- Bị nó phục rồi! Thái, cho tổ đánh ào ra cứu anh Quảng!...

Bảy bóng người bật dậy lao vút ra vườn mía. Phía trước mặt, những vệt lửa chằng chịt đan nhau. Cả bảy người nằm rạp xuống. Nhìn hướng đạn bay Lợi biết kẻ địch rất đông, bố trí theo địa hình tam giác. Rõ ràng trận phục kích có chuẩn bị công phu.

Lợi đứng thẳng dậy:

- Đồng chí Thái dẫn ba người đánh thẳng vô cụm bên trái. Phải diệt cho được khẩu súng trung liên.

Thái không kịp đáp rõ, băng người đi. Ba chiến sĩ lao theo. Hai người còn lại chờ lệnh Lợi. - Diệt thằng trung liên bên phải, xung phong!

Gần như cùng một lúc các nòng súng bật lửa theo tiếng hét vang rền "xung phong!..."

Những quả thủ pháo tung tới tấp vô những ụ đất đang khạc lửa. Chớp sáng cả vùng đất hoang. Tiếng kêu la thất thanh, hỗn loạn. Cú đánh thọc lưng thật lợi hại. Đội hình phục kích của đại đội bảo an phút chốc bị xé tung ra. Bên ngoài cổng ấp, hai tiểu đội do Kiểm chỉ huy đã phóng lửa đốt chòi gác, đốt cả nhà căng tin, rồi trong ngọn lửa rừng rực đó các chiến sĩ đánh thốc theo đường trục nhằm hướng bãi đất hoang mà lao vào.

Những cú đánh có bất ngờ đến mấy thì cũng đã muộn. Quảng và mấy du kích đã im lặng nằm sát bên nhau. Lợi lao đến ôm lấy xác người cán bộ địa phương, anh gầm lên tức tối:

- Răng lại thế này? Răng lại thế này anh Quảng ơi! Đứa nào phản anh? Có phải có đứa phản anh không? Tôi sẽ trả thù! Tôi sẽ giết nó! Nhất định sẽ giết nó!...

Những tiếng "giết" cuối cùng ấy Lợi hét lên như một khẩu lệnh. Tức thì, rất đột ngột, từ một hố dất cách đó chừng mười bước chân bật lên một tiếng hét:

- ối cha mạ ôi!... Cứu con với!...

Lợi giật bắn mình quay vụt lại. Trong ánh sáng lờ mờ của trăng, hiện rõ một dáng người mập mạp, hai tay ôm lấy đầu chạy láng quáng. Lợi nhấc cao nòng AK lên. Thôi rồi, đúng là Hoan! Hoan?... Người cơ sở của anh... Người con gái từng dẫn anh vượt rào vô Dốc Miếu, từng thắp hương cúng anh dưới hầm... Nó đó, nó đã phản bội? Tim anh thắt lại. Nòng AK rê thẳng hướng tấm lưng Hoan. Anh Tùng ơi! Rồi sự thật sẽ giải thích cho anh hiểu vì răng tôi lại ngắm vô người này, ngắm vô nỗi chờ trông, khát khao của anh!... Sự thật khắc nghiệt quá!...

Nhưng sự thật như thế nào? Có chắc là Hoan đã phản bội không? Hay chỉ vô tình làm con mồi cho những mũi chó khác? ngón tay néo cò của anh bỗng ngập ngừng. ừ nếu Hoan phản bội tại răng không chạy từ trước, hay ít ra chạy cùng lúc với bọn bảo an?

Hoan vẫn chạy xiêu vẹo không phương hướng. Lợi vụt đứng dậy lao theo:

- Chị Hoan! Chị Hoan! Đứng lại đã...

Hoan rú lên lao sầm vô vườn mía. Nhưng cùng lúc đó phía trước ngõ nhà chị dội ra tiếng hét xung phong của tiểu đội từ ngoài cổng ấp đánh vào. Hoan ngã sóng soài rồi lại lồm cồm bò dậy, chạy bật trở lui. Lợi vẫn đuổi theo, anh gào lên da diết:

- Tôi đây... Lợi đây mà, chị Hoan!...

Bất ngờ từ trong chuồng heo một vệt lửa xoẹt ra. Lợi đứng sững. Một làn hơi lạnh vụt chạy khắp cơ thể. Lợi quỵ xuống. Anh sờ tay khắp người. Một dòng máu ứa ra chỗ bắp vế, nóng hôi hổi. Và bắt đầu buốt từ chỗ đó, buốt ghê gớm, buốt xoáy lên óc. Lợi xỉu người.

Thái kịp chạy tới xả một tràng AK vô chuông heo rồi ôm xốc Lợi lên. Thái gọi dứt từng tiếng:

- Trung... trưởng... anh Lợi...? Anh bị rồi ư?

Lợi nghiến răng ken két, thừa nhận một điều thực xót xa.

- ừ, bị rồi!... Tất cả chỉ tại mình thôi... Đừng để đơn vị đuổi tràn trong ấp nữa. Cho rút!

*

Vết thương của Lợi rất chóng khỏi bởi vì viên đạn chỉ xuyên ngọt qua phần mềm. Sau hai chục ngày điều trị anh đã đi lại thoải mái như chưa hề bị thương. Nhưng nỗi đau trong anh thì chưa hề vợi một chút nào. Lá thư của Thái cho anh biết thêm Hoan đã hoàn toàn phản bội. Tất cả những cơ sở khác trong ấp đều bị bắt. Cả bạn gái thợ may trên Đông Hà cũng không thoát. Đại đội trinh sát cũng đã trở về khu đông nhập vào đội hình chung của tiểu đoàn.

Trên đường từ trạm Quân y Bộ tư lệnh trở vào đơn vị, Lợi bỏ ra một buổi sáng tìm đơn vị cao xạ. Nhưng đến nơi thì tiểu đoàn trưởng Tùng đi viện vẫn chưa về. Lợi quay vội về xóm Cửa, anh rẽ thăm chị Thảo trước lúc vượt sông.

Chị Thảo lại cũng không có nhà. Anh dân quân gặp Lợi ở mép biển đã nói cho anh biết như vậy. Những người già, phụ nữ có con dại đang tập trung lên trên vùng đất đỏ để chuẩn bị đi sơ tán. Anh dân quân cũng đang chuyển đồ đạc ra chỗ tập trung cho vợ. Lợi nhờ anh nhắn với chị Thảo rằng từ giờ đến tối, nếu thuận tiện thì gắng về, anh có chuyện muốn gặp.

Lợi tha thẩn một mình ra bãi cát. Biển tím lịm trong ánh nắng chiều, tan nát từng con sóng đỗ. Anh đi dọc theo bờ cây dứa bãi, dấu vết những lần biển động còn vướng lại trên mặt lá dứa những vệt cát ngoằn ngoèo và những ổ rác khô xoắn xuýt. Sức chịu đựng của bờ bến thực là vô cùng!

Trờ tối dần, biển khép lại trong muôn ngàn âm điệu rầm rì không nguôi.

Chị Thảo chạy về tới nơi thì Lợi đã chuẩn bị xuống thuyền. Bao nhiêu điều muốn nói với chị, rằng hãy nhắn với anh Tùng con người ấy đã phản bội, rằng mình đã có lỗi với anh ấy, vân vân, lúc này Lợi đều thấy không cần thiết nữa. Anh chỉ hỏi thăm tình hình gia đình trên chỗ tập trung, động viên chị yên tâm ra đi, cố gắng giúp đỡ bố.

Cho đến lúc người lái đò xô chiếc thuyền ra khỏi bờ đất anh mới nói vọng lên:

- Hoan đã phản bội rồi chị ạ. Nhưng em tin anh Tùng sẽ đủ nghị lực để vượt qua!

CHƯƠNG HAI MƯƠI BA

Tùng không thể biết được điều đó. Vào những giờ phút này lòng anh dang lâng lâng niềm vui khó tả khi được khoác chiếc ba lô trở về đơn vị.

Sáng tháng năm trời trong veo. Gió Lào đến rất sớm. Tùng cầm mũ trong tay để gió lùa vô tận chân tóc. Con đường anh đi cheo leo triền núi, ngoảnh mặt ra là thấy sóng biển đập dạt dào. đất nước chỗ này thắt hẹp quá, hẹp tới mức Tùng ngỡ rằng nếu một sợi tóc anh rời ra gió có thể đẩy rơi về tận biển.

Tùng lại nghĩ vẩn vơ, đất nước hẹp mà lại quá dài. Chỉ có người đi bộ bằng chính hai chân mình mới thấm cái độ dài ghê gớm ấy. Nhưng có lẽ thấy rõ hơn ai hết là những đứa con tìm về quê hương như anh, đi gần chục năm rồi mà chưa tới, có lúc đã gần kề thì kẻ thù lại bắn ra xa, càng đi càng nhận ra rằng phải dám đi trọn cuộc đời mới tới được cái điểm tận cùng của Tổ quốc.

Đường ban ngày vắng tanh không một chiếc ô tô mà vẫy nhờ. Tùng xốc lại va lô xoay ngang chiếc đài bán dẫn ra trước bụng. Chiếc đài của đồng chí Chính trị phó tiểu đoàn gửi cho anh để nghe tin tức và ca nhạc "giải phiền" trong những ngày ở viện.

Tùng vặn núm điều khiển và bắt gặp ngay giọng hát con gái êm mượt như ru:

"Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về... mắt đượm tình quê.."

Cái đài lắc theo bước chân, tiếng hát chao như đưa nôi. Tùng nghĩ, cái thời đứng bên ni vọng nhìn sang bên nớ đã chấm dứt rồi. Chừ thì phải đạp sông mà qua, vít đầu kẻ thù xuống như trận pháo binh bờ Bắc dội lửa qua Dốc Miếu hồi tháng ba mới thỏa. Chỉ ngóng trông không thôi thì biết đến khi nào mới kéo được nỗi cắt chia?

Buổi ca nhạc chấm dứt. Nhạc hiệu bản tin trưa nổi lên. Tùng đã thấy đói bụng, anh quờ tay ra túi cóc moi thanh lương khô. Tùng vừa đi vừa nhai bánh.

"Trong bản tin trưa nay, mời các bạn nghe các tin chính sau đây: bọn Mỹ ngụy đàn áp khủng bố dã man hai thôn An Nha, An Hướng thuộc vùng Bắc Quảng Trị. Du kích Tây Ninh..."

Tùng ngừng nhai, đôi chân đứng chập lại. Chiếc đài đang đà lắc mạnh vô hông, tiếng loa tắc kẹt. Tùng cầm chiếc đài lên lắc lắc. Tiếng nói lại bật ra.

"Theo Thông tấn xã giải phóng, từ đầu tháng năm đến nay, Mỹ ngụy đã cho bọn bình định kết hợp với lực lượng ngụy quyền trong các ấp mở chiến dịch khủng bố, bắt bớ và bắn giết những người dân yêu nước ở những huyện Gio Linh, Cam Lộ thuộc tỉnh Quảng Trị. Đặc biệt ở ấp An Nha, bọn bảo an ban đêm đã ập vào từng nhà, lôi từng người ra giữa sân bắn chết. Nhiều người khác bị bắt đi mất tích. Số người bị tàn sát hầu hết là phụ nữ, trẻ em, những người làm ăn lương thiện bị bọn ngụy gán cho những từ "Việt cộng nằm vùng" hoặc những gia đình "thân cộng"...

Như có cơn sốt đột ngột nổi lên, hai tai Tùng ù ù tiếng gió. Phút chốc làng An Nha lồ lộ hiện lên trước mắt với cái gò đất đỏ bầm tím, con đường mòn nhẵn như một vết sẹo dài chém qua những bãi cỏ tranh. Những phụ nữ, trẻ em, những gia đình "thân cộng" bị tàn sát ấy, có mẹ, có Hoan không? Anh sẽ làm gì được lúc này? đường đi bộ vô còn tới còn tới vài chục cây số nữa. Tùng kêu lên như đứa trẻ lạc mẹ: An Nha!

Gần tắt mặt trời anh mới vào tới địa phận Vĩnh Linh. Hai chân Tùng mỏi bết lại. Chiếc ba lô cóc trên vai cũng trĩu xuống tưởng như nặng lên gấp đôi. Tùng ngồi xuống vệ đường thở dốc. Gió đã đổi chiều, nồm lên cũng lên xô bờ lồng lộng cũng như gió Lào vậy.

Nhiều người gồng gánh trên vai cúi mặt chạy. Có cả tiếng trẻ con khóc. Tùng không đứng lên chỉ hơi dướn người lên , hỏi:

- Đi đâu mà tối rứa, bà con?

Không một ai đáp lại. Có thể là họ không nghe thấy, cũng có thể là họ không thèm bận tâm tới một lời hỏi hờ hửng bên vệ đường. Tùng hỏi thêm câu nữa vẫn không có tiếng đáp, thậm chí không có ai ngẩng lên ngó anh. Tùng bực bội quay mặt đi định bụng không thèm hỏi nữa. nhưng tiếng khóc trẻ con vẫn dội tới, hình như có cả tiếng người sụt sịt. Hoàng hôn như tấm màn nhuộm sẫm thả lờ vờ trước mặt. Đoàn người vẫn chạy trong câm lặng. Nhiều đứa trẻ nhô đầu lên khỏi những chiếc thúng lơ láo ngó ra xung quanh.

Tùng bỗng đứng dậy đột ngột. Anh đã nhận ra và xót xa cả gan ruột. Đoàn người ấy đang hướng ra phương Bắc, cắt lại nỗi nhớ thương như đứt ruột mà đành đoạn bước đi. Đoàn người sơ tán!

Tùng hiểu rằng anh không có quyền ngoảnh mặt, dù họ không thèm chào anh, thậm chí họ còn chưởi vào những câu hỏi han xởi lởi của anh thì anh cũng phải chạy đến với họ. Anh phải đi tới với nỗi đau của những người này như suốt ngày hôm nay anh băm băm bước về hướng kẻ thù đang tàn sát những người thân yêu nhất của anh.

*

Sống lì hoài trên một nền đất thì quanh năm suốt tháng con người vẫn thấy túng thiếu chật vật. Nhưng khi cất bước ra đi họ mới thật sự thấy rằng cuộc đời phải đèo bồng quá nhiều thứ! Mang cái nồi to là để nấu ăn cả nhà, lại phải đèo cái xoong con khuấy cháo cho trẻ. Không mang cái chân kiềng đi thì ra chỗ mới lấy chi mà bắc xoong, bắc nồi? ừ, cứ cho rằng kê tạm vài cục đá cũng có thể bắc được nồi nhưng chẳng lẽ mình đi rồi vứt lại cái chân kiềng chơ chỏng vậy chăng?

Cái nong, cái nia, cái sàng, cái mẹt... hạt lúa ăn bữa, củ sắn ăn bày(1)... Chao ôi, chuyền suốt một tuần mà không hết của. Trách chi người ta hay gọi là nợ đời.

Cả cái xã ngoài cùng của Vĩnh Linh, nơi tập trung những người đợi xe đi sơ tán bỗng ngổn ngang bộn bề như một cái chợ. Chỉ khác cái chợ có điều này, không ai cười nói, không ai rao hàng lại càng không ai trả giá. Cái giá chung nhất mà những người này phải cắn răng trả là rời bỏ tất cả để đi, hy sinh tất cả vì thắng lợi của cuộc chiến đấu này.

Đúng là phải nghe cắn răng lại.

Cuộc vận động sơ tán kéo dài từ tháng mười năm ngoái tới tận hôm nay rồi vẫn có người nằm vạ không chịu đi, có người đi rồi nhưng chạy ngược chạy xuôi một tuần có tới sáu bảy lần quay về nhà cũ. Người ta tự nghĩ ra cho mình đủ những lý do xác đáng nhất để về, khi thì quên dặn người hàng xóm câu này, khi thì chưa trả nợ cho chị dân quân nọ mấy hào bạc. cũng tại vì xe chưa điều động kịp nên nhiều người phải ứ lại cái xóm nhỏ ngoài cùng này và người ta mới đủ thì giờ nghĩ ra lắm lý do để chạy về làng cũ. Nếu không họ đã dứt áo ra đi từ nửa tháng nay rồi.

Sáng nay bà Thảo lại nhớ ra rằng còn quên đùm hạt cải treo ở gác bếp. Rứa là bà vớ chiếc nón ra đi.

Thảo can mẹ:

- Thôi mà, chi chứ rau quả ra ngoài Bắc thiếu gì giống. Sức mấy mà tha củi về rừng.

Bà Thảo trìa dài môi:

- Đất có quê, lề có thói, tay mình thời phải gieo giống mình quăng đi răng được!

Ông Chẩn cũng can:

- Chà, đây về xóm Cửa, đội đàng tham dạ(2), lại bom đạn như rứa, đi đứng làm chi nữa, bác?

Nhưng rồi những lời can ngăn ấy đều rớt ngoài tai, cặp giò ngắn lủn củn của bà Thảo vẫn bước xăm xăm về xóm Cửa. Lúc đó mặt trời đã lên quá con sào và bắt đầu những ngọn gió ù ù như trút ra từ miệng núi lửa.

Tất nhiên cũng có những người từ hôm tập trung tới nay không hề đáo lui một lần về làng cũ, thậm chí không hề bước chân ra khỏi bờ tre hóp của cái xã ngoài cùng này. Ông Chẩn thuộc người như vậy.

Đối với ông, không còn có một thứ chi để phải quay lại tìm kiếm. Những đứa con đi trước, kỷ niệm của chúng nó đi tiếp theo, rồi đến cái tổ ấm cuối cùng với bao nhiêu sự trói buộc lòng ông cũng đi nốt. Nay đến lượt chính ông ra đi, nhẹ nhõm quá, nhẹ tới mức ông thấy mình bồng bềnh như bước trong mơ.

Dĩ nhiên là ông không thể vui song cũng không phải là buồn trìu trĩu. Lòng ông trơ ra như viên đá mài mòn nhẵn không còn chỗ cho những mấu gai cảm xúc nào.

Đêm ni, sau hàng bao đêm quên bẵng, ông lại nằm ngửa người trên chiếc nong có trải chiếu, bắc chân chữ ngũ mà ngâm cái khúc "Lưu Bình - Dương Lễ". Giọng ông một lúc một cao lên, cao một cách qúa đáng:

"... Trách cái phận, giận cái duyên

Phận duyên sao khéo đảo điên làm vầy

Duyên chưa bén đã phai lăm mấy

Nợ trả xong rồi trở lại vay

Ba đào đêm nọ tiếc thay

Cơ chi có chút cầm tay gọi là..."

ở chiếc nong kề cận miệng hầm cuối hè nhà đầu kia, chị Thảo ghì chặt cu Hầm vô lòng mình, nước mắt vô cớ dàn ra ướt cả đầu con...

Trời mờ sáng, cả cái xã ngoài cùng của Vĩnh Linh ấy bỗng bị đánh thức đột ngột bởi những tiếng pháo cấp tập dội rung lòng đất. Tất cả cùng thức dậy và cùng nhận ra một điều tạm yên tâm là pháo không bắn vô chỗ họ.

Nhưng rồi không ai yên tâm nổi.

Tiếng phản lực bắt đầu rít chéo qua đầu bổ thẳng về hướng sông Bến Hải. Nhiều người chạy ra sân ngó theo hướng máy bay kêu to:

- Nó đánh khúc Cửa Tùng rồi!

Chị Thảo đạp mạnh vô nẹp nong bật người dậy. Thằng cu Hầm khóc thét lồm cồm bò theo. Chị Thảo bỗng thấy gai ốc nổi lên khắp người. Đúng là nó đáng xóm Cửa của chị.

Ông Chẩn nhíu cặp lông mày bạc trắng lại, ngẫm nghĩ:

- Không phải xóm Cửa đau con ạ. Cột cờ chỗ đó tề... lên đó là Tùng Luật, xích khúc nữa là Di Loan... E nó đánh nhà thờ Di Loan?

- Dạ... nhà thờ sập rồi, còn chi nữa mà đánh?

- Hừ, nó đánh thì cứ đánh kể chi...

- Mạ của con... Trời ơi, đã bảo là đừng về nữa mà...

ông Chẩn cũng chép miệng:

- Khổ, bà ấy chướng tính quá...

Máy bay bổ nhào mỗi lúc một dày thêm. tiếng pháo mặt đất ngừng bắn. Từ phía xóm Cửa dội lên những tiếng động nặng nề, chồng chéo nhau một cách khó hiểu. Người ta nhận ra trước tiên là tiếng trực thăng lè rè, sau đến tiếng OV 10 vo vo cùng với tiếng xè xè của hai chiếc L.19. lại có tiếng chi nữa? Rầm rì như có tiếng sóng hôm biển động. Lại rung rung như tiếng máy cày?

Dân sơ tán và cả những người không sơ tán đều đổ ra hết gò đất cao đầu xóm về xóm Cửa. Nhưng không hề trông thấy chi vì tầm mắt của họ không thể vượt qua được tầm cao của dãy đất đỏ Vĩnh Hòa. Chỉ có phản lực bổ nhào là thấy rõ nhất và những tiếng động nặng nề bí hiểm một lúc một dày thêm.

Bỗng có người nào la to lên phía cuối gò đất:

- Xe tăng? Đúng là xe tăng rồi!

ông Chẩn sững ra, há to miệng. Xe tăng? Không lý nó đổ bộ ra miền Bắc? Cái chiến dịch "Lấp sông Bến Hải" của bọn nó đã bắt đầu rồi ư?

Trong giây lát cái khoảng trống rỗng trong người ông Chẩn bổng ùn lên bề bộn những nỗi niềm, những kí ức của cả một đời người đổ mồ hôi, sôi nước mắt cho mảnh đất này. con đường ông đi mòn vẹt gót chân, thửa ruộng ông xới bóng nhẵn lưỡi cuốc, ngôi mã vợ trên đất Vĩnh Hòa mới đắp thêm tháng trước, cái nhà tuy đã cháy nhưng khúc hầm địa đạo ông mới đào chung với bà con hợp tác đang còn... Còn tất cả, không lý chừ nó định chà xát hết ư? Người ông tê đi, đôi chân chòi ra phía đường cái.

Thật ra trong tất cả những người đứng đây chưa có một ai được biết tiếng xe tăng là thế nào. nhưng phút chốc mọi người đều thừa nhận lời ai vừa nói đó là có lý. Bởi mặc dù không ai muốn họ đã âm thầm chờ đợi và sẵn sàng chấp nhận cái điều ấy xảy ra.

Rứa là người ta đổ dồn ra hết đường cái theo sau ông Chẩn. Thoạt đầu thì tất cả đều bước lập cập trong từng hơi thở lo âu. rồi họ bắt đầu chạy từng đoạn ngắn. người trong ngách hào đổ ra mỗi lúc một đông. Họ chạy, chạy rầm rập, chạy hối hả, chạy đứt hơi về phía có tiếng động bí hiểm đang phát ra.

Chạy hết hai choi ruộng, qua hết một rừng tràm thì những người chạy đầu tiên đã tới khu đồi trọc đất pha cát. Cả một khung cảnh nhốn nháo máy bay, mù mịt khói xám hiện ra trước mặt. Họ gặp một đại đội dân quân vác súng ĐKZ đang cắm đầu chạy. Ông Chẩn níu lấy người cán bộ chạy đầu tiên:

- Chú ơi! Chuyện chi rứa chú?

Người cán bộ dân quân quay vội lại. Ông bỗng nhận ra hàng ngàn người, toàn ông già, phụ nữ đang ùn ùn chạy tới. Anh mím chặt miệng lại như nén cơn xúc động ngun ngút trong người rồi bất ngờ vung tay hét rất to:

- Bà con ơi!... Bọn Mỹ ngụy đang mở trận càn cực lớn ngay bên kia sông Bến Hải nhằm bao vây và tiêu diệt tiểu đoàn 47 của mình...

- Trời ơi, tiểu đoàn 47 à?

- ừ, nó muốn rứa. Hãy cứu lấy con em mình bà con ơi!...

Tiếng thét của anh như ngọn gió thổi thốc vô giữa rừng người. Tất cả rùng rùng lao đi, tiếng la ó, chưởi rủa náo động cả khu đồi.

*

Tư lệnh trưởng gào vào ống điện thoại:

- Hiền Lương đâu? Hiền Lương đâu? Hiền Lương nói to lên, chẳng nghe gì cả. Cửa Tùng đây! à, anh Vũ đấy phải không, liệu có giữ vững được không anh?

ở đầu dây bên kia Chính ủy vẫn điềm đạm:

- Anh cứ yên tâm anh Thường ạ. Tiểu đoàn 47 không hổ thẹn với danh hiệu chiến sĩ Vĩnh Linh đâu. hiện nay các đại đội đều bị vây. Lực lượng địch có hai lữ đoàn xe tăng, một sư lính thủy đánh bộ Mỹ, hai tiểu đoàn Ngụy có xe tăng và máy bay Mỹ yểm hộ. Nó định làm gỏi chúng ta đấy.

Từng thớ thịt trên má tư lệnh rung lên:

- Anh Vũ ơi, anh nhắc tiểu đoàn trưởng cứ bình tĩnh nhé! Phải cho các đại đội nống ra, giữ chắc các cao điểm. Đừng cụm lại mà chết đó. Lực lượng quá chênh lệch nhưng các anh cứa tin là cả Vĩnh Linh không thể khoanh tay bỏ chết con em mình đâu!

- Rõ rồi, rất tin tưởng!

Hình như Chính ủy cười, tiếng cười rung nhè nhẹ trong màng nghe.

Tham mưu trưởng Trần Chính chạy xô đến, quần ống thấp, ống cao. Tư lệnh trưởng quay lại:

- "Thằng" cao xạ về tới nơi chưa?

- Đang hành quân ạ!

- Anh đừng có nhắc nó là đừng có tránh né gì cả, cứ chạy ào xuống mà đánh?

- Báo cáo, rồi ạ. Hai đại đội pháo mặt đất cũng đã điều xuống xóm Cửa...

- Hay lắm! cho bắn ngay đi, chặn bọn xe lội nước lại!

- Rõ!

Trần chính chạy qua hầm bên. Tư lệnh trưởng quay lại máy nghe điện thoại:

- A lô tổng đài! Cắm luôn máy xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Thủy, Vĩnh Chấp, Vĩnh Long, Vĩnh Tú, Vĩnh Trung cho tôi nói chuyện. Thường đây! Các xã cho huy động ngay lực lượng dân quân tập trung của mình, nhanh chóng vượt sông Bến Hải đánh thốc vào! Xã đội trưởng trực tiếp chỉ huy. Cứ vượt sông, gặp địch là đánh. Các đơn vị cứ độc lập tác chiến chưa có lệnh chưa được quay về. A lô tổng đài? Cắm phích các xã Vĩnh Hiền, Vĩnh Thạch, nông trường Bến Hải, thị trấn Hồ Xá... Đây! bộ tư lệnh khu vực đây! Các đồng chí điều ngay lực lượng súng cối ĐKZ của mình xuống bờ sông. Mục tiêu là xe tăng địch cứ rứa mà đánh. Đạn thì xã nào tự túc lấy xã ấy. ừ, nghĩa là các đồng chí phải huy động lực lượngtrong xã chuyển lấy đạn mà bắn. Rõ chưa? Alô! Tổng đài cho hai xã Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, ... Quang, Giang đó phải không? Các ụ máy bay bắn tại chỗ đã đánh được chưa? Tốt lắm! Này xã các anh chuẩn bị mọi phương tiện cho một sư đoàn vượt sông nhé! à, sư dân quân! Cho vây chặt mấy cái đồn cảnh sát lại. ấy đừng nện nó. Vây lại, đừng cho nó chạy thoát thôi. Ta cần chúng có mặt ở bờ sông... ôi, giải thích mất thì giờ quá, chấp hành đi.

Trong lúc đó, phía sau lưng hầm chỉ huy của Bộ tư lệnh trên con đường Cáp Lài đỏ au màu đất sỏi, đoàn xe kéo pháo của tiểu đoàn cao xạ đang phóng ào ào về hướng Cửa Tùng.

Phản lực thay nhau bổ xuống, khói phụt thành những vệt dài. Bom rơi cách mặt đường có quả chưa tới năm bước chân. Lá ngụy trang rơi tung tóe dọc đường, các nòng pháo trơ đầu ra đen bóng. Những chiếc mũ sắt cũng trơ dần ra lầm lì, câm lặng. Tùng ngồi trên ca binh chiếc xe đầu. Anh không thèm để tâm đến tiếng rít của bom đang veo véo bên tai. Chiếc xe chồm những hố đất trũng lắc nghiêng như muốn lật. Tùng nhắc khẽ người lái:

- Bình tĩnh! Nhanh lên chút nữa!

Xe nhấn hết ga vun vút lao qua khúc rừng cao su. Trước mắt họ, tiểu đoàn 47, người anh em ruột thịt đang gặp tai họa. Không ai còn bụng dạ mà để tâm đến những quả bom nổ nhì nhằng bên tai mình.

Biển Cửa Tùng hiện ra xanh ngăn ngắt. Các đại đội được lệnh nổ súng. Những nòng pháo vừa chạy vừa bắn, đạn cài chi chít lên trời. Tiểu đoàn lao nhanh về xóm Cửa.

Ô tô cắt rời khỏi pháo và lao vụt đi chở đạn. Các khẩu đội lồ lộ ra trên mặt đất rê nòng pháo theo hướng những chiếc phản lực. Không bắt kịp máy điện thoại. Tùng nhảy lên một gò đất cao nhất để phát cờ. Các đại đội trưởng cũng tự chọn cho mình chỗ cao để nhìn rõ lá cờ trên tay người tiểu đoàn trưởng. Hàng chúc chiếc phản lực xúm lại bổ nhào.

Cùng lúc đó ở cửa sôn, sáu đại đội dân quân đã nhảy xuống nước. Một nửa trong số họ ngồi trên thuyền, một nửa vịn vô thuyền mà bơi. Những quả đạn ĐKZ và cối 82 cũng bắt đầu thùm thụp vượt tuyến.

Bên kia sông, ngay trên triền cát ven mép nước, những chiếc xe lội nước vừa ngoài tàu há mồm trườn lên bò lúc nhúc như một bầy cua đồng quặt về hướng Do Hà, Gio Lễ. ở đó những người con ngoan cường của Vĩnh Linh đang bám trụ.

ở bờ bên này lúc đó đã có tới hàng ngàn người cha, người mẹ, cả trẻ con nữa từ khắp các xã trong khu vực Vĩnh Linh ùn ùn đổ xuống mép sông. Tiếng la hét náo động.

Mấy tên cảnh sát sót lại cuối cùng ở bờ Nam hớt hải chui ra khỏi đồn, ngơ ngác nhìn những đoàn người vượt tuyến. Có đứa định la lên. Nhưng có lẽ chúng kịp nhận ra tiếng la của nó lúc này không còn ai để ý nữa. Dân quân đã ập lên bờ. Bốn cảnh sát nhớn nhác bỏ chạy. Một tổ dân quân bất ngờ quặt lại vây chặt lại chúng nó. Đồng chí tổ trưởng nghiêm giọng tuyên bố:

- Các anh muốn sống thì ở nguyên vị trí của mình. Ai chạy khỏi đồn thì sẽ bị bắn!...

Tên đồn trưởng mặt cắt không còn một giọt máu, nói lập cập:

- Các anh vi... vi... phạm... phi quân sự...

Người tổ trưởng dân quân trừng mắt chỉ ra bãi cát:

- Rứa đó là cái chi? Xe tăng hay xe du lịch, há?

*

Gió Lào gần như đồng lõa với pháo và phóng lựu của Mỹ. Hai mắt Lợi đỏ nọc xót buốt vì cát và khói thuốc súng. Cả người anh vùi trong cát nóng như nướng cá. Cổ khản đặc. Đợt tấn công thứ 6 của xe tăng Mỹ đã bị đảy lùi, trung đội của anh hy sinh bốn người, bị thương sáu. Nằm ở sườn phía bắc ngọn đồi cát nàycó thể nhìn rõ ra tận mép sông Bến Hải. Ruột anh khô quắt lại khi những đụn khói từ hướng ấy đùn lên. Thái trườn tới gần, giọng nói rít đặc lại:

- Anh Lợi... tiểu đội hết đạn B.40 rồi?...

- Răng, hết trơn à?

- Còn có bốn quả.

Lợ nhẩm tính, bốn quả chưa đủ cho một trận phản công. Anh lắc đầu một cách bất lực rồi nói:

- Cứ đánh tới viên đạn cuối cùng.

Thái im lặng úp mặt xuống cát, Lợi nhận ngay ra cử chỉ đó, anh nghiêng người qua hỏi rất nhỏ:

- Thái, cậu sợ không?

- Không!

- chắc chứ?

- Chắc...

- Cởu có sẵn sàng chết ở đây không?

Tháy chợt ngửng lên ngơ ngác ngó Lợi:

- Chết à?

Lợi cố mỉm cười, nụ cười khô ran nước bọt.

- Có thể lắm chứ. Lực lượng địch hơn hai sư đoàn, đủ các loại vũ khí hiện đại. Cuộc đọ sức chênh lệch đến nực cười. Tiểu đội cậu còn có bốn quả đạn, các tiểu đội khác có lẽ cũng còn chừng đó. Bắn hết rồi thì răng?

Thái thở dài một tiếng rồi không hiểu sao lại nhếch mép cười.

- Thôi chết cũng được! Nằm đây ngó ra thấy rõ Núi Voi. Nhà tôi ở dưới chân núi ấy anh nhớ không? Coi như mình chết ngay trước cửa nhà. Rứa là thỏa mãn...

Thái trườn người về vị trí cũ. Lợi nhì theo và tự khẳng định. Cởu ấy lúc nào cũng thật lòng.

Gió xô lên đồi ù ù, cát tung mù mịt như khói. Trong màu cát bạc, những chiếc xe lội nước đen ánh lại lụ khụ bò lên. Lợi cố gào to bằng cái giọng khàn đặc:

- Về vị trí. Lần ni cho vô gần chút nữa nghe chưa?

Tiếng máy rầm rầm rung lên trong tiếng gió. Những tràng đạn cày ngược lên sườn đồi cát tóe ra như sóng. Lợi lấy hai cùi tay nghiền xuống cát cho người lún sâu thêm chút nữa. Da thịt anh bong rộp, Mồ hôi trộn cát xát tươm mặt da.

Bỗy xe tăng đã tới sát trước mặt. Lợi trong rõ những chấm đen lăng quăng di động phía sau. Đạn phóng lựu vèo vèo qua đầu nổ đì đụp trên cát. anh khẽ vươn tay về phía trước, gác khẩu B.40 lên vai. Quả đạn như chiếc hoa chuối nóng hầm hầm, nhè nhẹ nhích qua nhích lại. Lợi nheo mắt. Bóng đen của chiếc xe đã choán ngập khe thước ngắm. Đây là viên đạn thứ bảy của anh.

Một tiếng nổ xé lên kéo theo tiếng rền đài của lửa. Tức thì hàng chục tiếng nổ tiếp theo. Tai Lợi long lên u u, máu rỉ ra từng vệt đặc.

Năm chiếc xe chùng lại, rồi sáu chiếc... bảy chiếc xoay ngang người. Những chấm đen ở đằng sau biến hút xuống mặt cát. Lợi quên hếta tất cả sự rã rời đến vỡ vụn trong người mình, anh chồm lên hét:

- Xung phong!...

Cát tung lên theo những thân người, gió thổi thốc vô giữa những cái miệng đang há to gào lạc cả tiếng:

- Xung.. pho..ong!

Những chiếc xe tăng bị cháy đã trở thành những ụ thép lưọi hại cho các chiến sĩ chiếm lấy, xả súng vào đội hình bộ binh Mỹ. Hàng chục trái lựu đạn cùng tung ra một lúc như để trả nợ cho những loạt phóng lựu của địch khi nãy. Bọn bộ binh Mỹ bị đè bẹp gí xuống chân đồi cát.

Bất ngờ một luồng đạn xỉa chéo qua tai Lợi. Anh kịp bay người qua góc trái chiếc xe và nằm bẹp xuống. Hai chiếc xe tăng ngoài cùng tưởng đã cháy bỗng rì rì quay ngang đầu lại bắn xả vào sườn trung đội. Thì ra bọn chúng cũng biết phục kích trở lại. Lợi chưa biết tìm cách nào để lchs người ra khỏi chiếc xe thì nhoáng một cái, anh đã thấy Thái ôm khẩuB40 lăn tròn phía dưới như một hòn bi. Lợi ngó theo tặc lưỡi. Thì ra bạn bè cứ bảo nó chậm, thiệt quá oan!

Thái đã lăn khỏi phạm vi hiệu lực của luồng đạn trên chiếc xe tăng, anh tung người chạy ù đến. Cách chừng khoảng mười thước nữa anh nằm rạp xuống. Một khối lửa phụt ra. Chiếc xe tăng rùng mình nghiêng lệch đi. Thái vọt dậy tung hai quả lựu đạn vô chiếc đi sau rồi áp tới. Nhưng muộn quá! Nòng súng máy trên nóc xe đã quay quặp lại. "Thái" Lợi thét vang lên. Thái đứng sững người. Một quả lựu đạn nữa tung ra, nổ ngay trước mặt.

Lợi lao như một mũi tên về phía chiếc xe. Quả đạn B.40 của anh vừa phụt xong vào sườn chiếc xe thì anh cũng chồm người nhào theo ôm lấy Thái. Không còn một mãnh vải trên người. Thái chết trong sức nóng khủng khiếp của lửa đạn. Đầu Lợi như muốn nổ tung ra. Anh ôm xác bạn lên, hơi nóng chập vô nhau ngùn ngụt.

Anh muốn dừng chân lại, chỉ một tích tắc thôi hướng đầu người bạn thân nhất của mình ra phía ngọn Núi Voi lừng lững, để đôi mắt khép hờ của bạn nhận lấy lần cuối cùng bóng dáng quê hương! Nhưng phía trước, nơi có dòng Bến Hải chảy qua, khói đang cuộn lên từng đụn dày đặc. Gió ban trưa thổi như xé như bào. Chẳng thể nhìn thấy chi ngoài khói và cát. anh đành ôm Thái đi ngược lên điểm chốt, đặt bạn nằm xuống bờ công sự giữa lồng lộng gió thổi qua.

Sau lần phản công thứ bảy ấy, xe tăng Mỹ đột ngột chuyển hướng. Chúng bỏ qua cao điểm 28, né mình tiến thẳng về phía Gio Hà. Đại đội trưởng Quý từ sườn đồi phía Nam bò lên tìm Lợi.

Trông thấy tay trái Quý treo lủng lẳng trước ngực, Lợi hỏi vội:

- Thủ trưởng bị rồi à?

Quý gật đầu rồi nói nhanh:

- Bọn chúng "ớn" ta rồi nên chuyển qua vây tiểu đoàn bộ. Có khả nằng nguy hiểm đó. Chính ủy cũng đang nằm ở tiểu đoàn.

Lợi thất kinh:

- Trời ơi, Chính ủy chưa ra à?

- Không ra kịp. Ông ấy chiến đấu với tiểu đoàn ta từ sáng tới chừ.

Ngừng một chút để thở rồi Quý ngồi bệt xuống cát khẽ nhấc nhấc chiếc tay bị thương lên:

- Bọn địch muốn xóa phiên hiệu tiểu đoàn mình. Thật là một tham vọng ngu dốt. Cậu hãy trung đội đánh thốc vô lưng chúng chi viện cho tiểu đoàn. Bổ sung thêm cho cậu tám người nữa của trung đội một. Trung đội trưởng trung đội một hy sinh rồi.

Mắt Lợi đỏ ngầu lên:

- Còn ở đây thì răng?

- Mình ở lại, còn một người còn trận địa. Cậu hãy báo cáo với tiểu đoàn trưởng và chính ủy như vậy.

Một lần gió nóng ngập lên đầu Lợi, anh muốn nhào tới ôm ghì lấy người thủ trưởng của mình mà khóc một chút cho vợi bớt nỗi đau. Nhưng Quý đã đứng dậy:

- Đừng lo cho mình. Nói chung ta không nên lo cho nhau. Hãy nghĩ đến danh hiệu của tiểu đoàn Vĩnh Linh, không bao giờ để kẻ thù xóa đi được, rõ chưa?

- Rõ.

Tiếng Lợi nghẹn cứng trong cổ. Lúc đó mặt trời đang đứng đầu, nắng như khoan lửa xuống những mái tóc không mũ. Hai mươi ba mái tóc không mũ bay ngược chiều gió, những tà áo rách bươm tung ngược chiều gió, trung đội tăng cường thành hình một mũi tên lao vun vút ngược chiều gió thổi. Trên nền cát trắng tinh hiện rõ đội hình cánh vạc mà đỉnh điểm đầu là người trung đội trưởng trẻ tuổi, giàu suy tư và lòng đang quắt lại những nỗi đau tưởng như có gió xé.

Qua khỏi đồi cát là tới những cánh ruộng đất bạc màu mới qua kỳ cài ải. Đất cũng trắng nhói như cát. mọi chướng ngại vật đều bị bom pháo san sạch lì nên trung đội không cần vòng vèo tránh né. Đội hình cánh vạc lao như căng chỉ thẳng chiều gió thổi, để lại sau lưng khối bụi ngun ngút cuốn tròn như khói bạc. Cả đội hình thọc thẳng vào một rìa làng rơi tiếng súng nổ chát chúa triền miên từ mờ sáng tới giờ chừ chưa dứt.

Xe tăng Mỹ đang đan dày thành một hàng rào thép sừng sững ở ngoài mép làng bắn xối xả vào trong. Những tên lính bám xúm xít quanh các ụ thép đó. Lợi biết tiểu đoàn bộ đang bị đe dọa hết sức nghiêm trọng. Anh nằm vội xuống. Cả trung đội cùng rạp mình theo. Lợi vẫy tay gọi người trung đội phó trung đội một lúc này thuộc quyền chỉ huy của anh tới gần.

- Sau khi phát hỏa, anh dẫn tám người bên anh cộng với tiểu đội một bên tôi đánh tỏa ra phía trái. Tôi sẽ chỉ huy phía còn lại đánh về phía phải. Chú ý đừng có quá sa đà. Khi nào phá bung được vòng vây của chúng thì nhập vô chỗ tiểu đoàn nhận lệnh!

- Rõ.

Người trung đội phó ấy lớn hơn Lợi phải đến chục tuổi. Nhưng lúc này chẳng còn ai còn lòng dạ nào nghĩ đến những chuyện đó. Chẳng có chuyện chi đáng nghĩ hơn là tiểu đoàn bộ đang bị bao vây.

Bỗng từ sau dội lên những tiếng hét náo động. Lợi giật mình quay lại. Trên mặt đồng trắng chóa hiện lên những vệt đen lao vun vút về hướng móm nhỏ này. "Hóa ra mình lại rơi vào thế trận phục kích của nó chăng?" Lợi nhíu nhanh vầng trán lại. Những vệt đen đã lộ rõ. Những chiếc quần cộc, những tà áo đủ màu, những dáng người đen mập... A, dân quân rồi! Dân quân Vĩnh Linh đã vào tới nơi!

Lợi như muốn hét lên nhưng anh kìm vội lại. Lợi đưa mắt cho những người chiến sĩ giữ B.40 bên cạnh. Một khói lửa phụt ra. Mười bốn khối khác phụt theo. Trận lửa khủng khiếp kèm với tiếng nổ long trời bất ngờ trùm lên lưng cái công sự thép của Mỹ.

Hàng chục tên Mỹ chết cong queo trong tư thế đang hóp bụng lại mà hò hét. Mười một chiếc xe bốc cháy cùng một lúc. Lợi hét vang:

- Giết hết bọn Mỹ đi!... Giết... đi!...

Những đại đội dân quân cũng vừa ập đến. Tiếng hét chập lên nhau vang rền trong tiếng súng. "Giết!... Giết!...!"

Cái công sự thép đột ngột vỡ tung, các chiến sĩ reo hò tỏa tràn ra hai hướng. Những chiếc xe tăng còn lại quay đầu đủ bốn phía mà vẫn không tìm ra mục tiêu. các chiến sĩ đạp lên thành xe, trèo lên nóc thả lựu đạn xuống. Tiếng nổ đì đụp chen trong tiếng la hét hả hê. Bộ binh Mỹ kêu rống lên thảm thiết. Chưa bao giờ trong những năm chiến đấu, đơn vị của Lợi lại được đánh một trận đã đời như thế.

Lợi phát hiện được tiếng AK từ trong choi ruộng bắn ra. Anh sung sướng muốn trào nước mắt. Lợi chụm tay lại hét to:

- Các thủ trưởng ơi!...

Từ trong các choi ruộng bật dậy tiếng hét xung phong như để đáp lại. Lợi quay người tung một quả lựu đạn về phía cụm lính bên kia một chiếc xe cháy rồi lao lên hô như muốn vỡ lồng ngực:

- Xung ph.. o.. ong!

Bỗng anh nhận ra, đúng là anh kịp nhận ra dù chỉ trong chớp loáng, luồng lửa từ sau chiếc xe bên trái phụt thẳng vô người mình. Anh chỉ kịp nhận ra có vậy rồi tất cả trời bỗng nghiêng, chao qua chao lại như đưa nôi. Mình bị thương nữa ư? Vô lý! Nắng chói lòa trước mặt, những tiếng thét xung phong chợt xa vời ù ù bên tai. Lợi choàng người về phía trước. Anh có cảm giác mình đang bơi, mặc dù anh vẫn tỉnh. Lợi tự hỏi, tại răng lại trúng đạn lúc này? người anh vẫn bơi về phía trước trong ý nghĩ vô lý cứ bồng bềnh xung quanh.

Nhưng chuyện đó lại có thật. Lợi chỉ kịp nhận ra lần cuối người đang dang tay đỡ lấy anh là chính ủy Trần Vũ. Anh cố nghĩ thật nhanh rồi cũng nói thật nhanh:

- Khẩu súng... nó rơi... cây dứa bãi. Tìm giúp...

Hết rồi! Anh không kịp nghĩ thêm chi nữa. anh lịm đi trên tay chính ủy, mắt khép lại như đang ôm chặt bao nhiêu nỗi suy tư về cuộc đời này.

Người chiến sĩ thông tin đến báo cáo với Trần Vũ đường dây điện thoại đã nối lại được. Chính ủy cầm ống nghe lên, giọng anh khàn đi:

- A lô! ... Cửa Tùng đâu? Anh Thường phải không? Trận địa chúng tôi vẫn đứng vững. Chưa có một bộ phận nào bị xóa phiên hiệu cả. Tuy vậy thương binh nhiều... Đề nghị anh tổ chức ở cửa sông cho thương binh an toàn. Vâng. Chúc bà con Vĩnh Linh chiến thắng!...



*

**



Lúc này vào khoảng 4 giờ chiều, mặt sông Bến Hải nêm dày người và khói. Không còn phân biệt nổi người của xã nào, cũng không biết rõ người bờ Nam hay Bắc. Hàng ngàn dân Gio Linh bị càn đã tràn qua sông chạy về bên ni Tùng Luật. Bom và đạn pháo bắn như kẻ chỉ từng hàng giữa sông, nước dựng đứng thành những bức tường trắng. Và trong thành nước mù mịt ấy lóp ngóp những mái đầu ngoi lên ngoi xuống bơi. Thuyền, thúng câu, cột nhà, cột buồm, ván nằm, giường, tủ... hay bất kỳ vật gì nổi được trên mặt nước đều được huy động vứt ra mặt sông.

Tham mưu trưởng Trần Chính có mặt từ sáng tới chừ ở bờ sông đã gào đến khản đặc cả tiếng. Các xã đội trưởng bận quần cộc chạy hớt ha hớt hải như chữa cháy. Bom ném giữa sông, ném tràn lên cả trên bờ. Hàng chục người già bị bom vùi ngay trên đường hào cách bến chừng năm mươi mét. Trong số đó có cả bà Thảo.

Thảo không còn hồn vía khi nghe tin ấy. Chị dúi thằng cu Hầm vô tay ông Chẩn rồi lao đi. Nhưng cùng lúc ấy xã đội trưởng Cảm từ đâu chạy tới, vai vác một mái chèo:

- May quá... Chạy thêm một chiếc đò nhưng hết người chèo... Mau đi chị... thương binh ra...

Thảo nghẹn ứ cả cổkhông răng nói nổi. Ông Chẩn bối rối xán lại:

- Thôi... con! Gắng ra chèo... Đằng nào bà cũng đã vậy... để ông đi tìm cho.

Thảo òa lên khóc rồi ôm lấy mái chèo đâm sầm xuống bến, xã đội trưởng Cảm ngơ ngác, làu bàu:

- ủa? ... Rứa bà ấy bị rồi à?

Ông Chẩn lặng lẽ gật đầu rồi ôm lấy đứa cháu nhỏ lập bập chạy lên phía trên bến. Nhưng lên tới nơi thì số người bị nạn đã được bới lên đưa vào trong thôn rồi. Ông Chẩn loay hoay không biết tính thế nào cho phải. Không tìm tới nơi thì e lỗi với con dâu? Nhưng tìm tới lúc này làm chi nữa? Những người chết chắc đã nằm yên dưới đất rồi, còn những người sống đang quằn quại dưới sông kia? Vừa lúc ấy một tổ dân quân đạp băng qua trảng sắn, nhảy qua hào lao xuống bến. Ông Chẩn nhận ra người đi đầu là đứa con gái mà mình đã gặp một lần sau đường Cái Lài. Ông kêu to:

- Cháu?...

- Ôi bác! răng bác không sơ tán, về đay làm chi?

- Trời ơi, gan ruột nào mà sơ tán nữa cháu... Rứa dân quân trên đó cũng xuống hết à?

Phương nói vội vã:

- Dạ, bọn cháu về từ sáng, trực 12 ly 7. Nhưng chừ súng hư rồi. Chừ cháu chạy xuống bến coi có việc chi làm không?

Bây chừ ông Chẩn mới nhận ra áo quần Phương rách bươm nhiều chỗ. Mắt cô đỏ ngầu có lẽ vì khóc.

Phương chạy trước, ông Chẩn bế cháu lật đạt theo sau. Càng tới gần bờ người càng như nêm cối. Bên kia bờ những tiếng kêu cứa vọng sang da diết. Một chiếc thuyền chở thương binh trở lại được gần hai phần sông thì người lái bỗng ngã vật ra. Người lái là một phụ nữ bận áo bà ba đen. Chiếc thuyền xoay ngang xoay ngửa. Máy bay vẫn nhào xuống, từng cột nước dựng đứng xung quanh, sóng giật tung thuyền lên cao. Người lái cố đứng lên lại khuỵu xuống. Ông Chẩn bỗng la lên:

- Thôi rồi, Con Thảo!...

Phương quay vội lại. Mặt ông Chẩn tái nhợt đi, hai môi bậm chặt lại. Đứa cháu nhỏ trong tay quẫy mạnh. Phương vụt hiểu. Cô để nguyên bộ quần áo lỗ chỗ vết cháy mà lao như một mũi tên ra mặt nước. Ông Chẩn như ngừng thở. Những người bờ cũng thót ruột lại mà lo. Họ kinh ngạc trước một người con gái không phải dân Vĩnh Quang, không phải Vĩnh Giang, đúng là không hề gặp cô ấy lần nào trên vùng sông nước này, mà nay đang sải những tay bơi vun vút, mái tóc xòa rộng đen thẩm trong gợn nắmg chiều...

Phương đã ra tới lạch nước xiết. Tiếng pháo nổ dưới lòng nước dội bật lên ngực cô đau nhói! Nước vỡ ra từ các cột nước tỏa xuống rào rào như mưa. Phương đã níu tay vơ được mạn thuyền, đu người lên. chị lái đò nằm xỉu bên mấy người thương binh, hai tay vẫn cấu chặt mái chèo. Những cột nước vẫn dựng bốn bên, thuyền nghiêng đi như có ai cầm hắt. Phương không kịp nghĩ nữa, cô tỳ cả ngực lên mái chèo mà cạy...

Người ta lội ào xuống mép nước léo thuyền lên. Ông Chẩn không cách nào xáp gần tới được. Mãi tới khi ông xã đội dìu Chị Thảo lên bờ rồi ông mới líu ríu chạy theo. Chị bị thương vào mông. Người ta băng bó rồi đặt chị nằm nghĩ dưới một chiếc hầm chữ A gần miệng địa đạo. Ông Chẩn bế thằng cu Hầm ngồi bên cạnh. Con Cần chạy đâu từ trưa tới chừ nay cũng đã tìm về ngồi thụp xuống bên cạnh, khóc thút thít.

Chị Thảo từ từ mở mắt ngó ông Chẩn rồi bất ngờ nhổm dậy:

- Ông... ông đã gặp chú ... Lợi chưa?

- Há? Thằng Lợi đâu?

Thảo mệt mỏi ngã đầu ra, mắt khép hờ lại.

- Chú ấy bị thương... Người ta đưa ra trạm phẫu thuật rồi...

- Trời ơi!

Ông Chẩn lồm cồm đứng dậy chạy dọc theo đường hào. Nhưng thương binh đã chuyển đi từ lâu rồi. Trời nhá nhem tối. Tiếng máy bay thưa dần rồi lặng hẳn. Có lẽ chưa lúc nào ông Chẩn thấy biển nhiều gió tày hôm nay.

*

Không gian như chùng lại sau một ngày rộp bong trong cái nắng muốn thiêu người và cái ồn ào ngỡ nứt cả màng óc. Trăng dát mỏng trên những choi ruộng đát vừa cày ải, nối liền với bãi cát óng ánh chấp chới ra tận mép biển. Bao giờ cũng vậy nếu ban ngày những ngọn gió Lào khô khốc hung bạo thổi thông thống từ hướng mặt trời lăn về bào mòn các đụn cát thì đêm xuống những ngọn gió từ hướng trăng lên thổi ngược lại, cũng lồng lộng rào rào nhưng vô cùng mất mẻ. Gió như nhấc bổng cả vừng trăng lên.

Chính ủy Trần Vũ duỗi thẳng người, hai tay xoa đều lên mặt, không có nước rửa, da mặt anh ram rám bụi cát. Người chiến thông tin ngồi bên cạnh bỗng xoay người lại:

- Thủ trưởng để tôi đám lưng cho nào?

Giọng nói của con trai Vĩnh Tú nghe nằng nặng nhưng lại chân thật, dể thương. Trần Vũ khẽ mỉm cười:

- Cậu biết tẩm quất à?

- Chỉ đấm xoa lung tung thôi chứ bọn tôi trong ni có ai biết tẩm quất đâu. Chỉ có người Hà Nội mới nghĩ ra lắm trò trứa thôi.

Trần Vũ lật nghiêng người lại:

- Ai bảo cậu người Hà Nội nhàn rỗi?

"Chết cha rồi, mình mau miệng quá e đụng phải cái máu địa phương của thủ trưởng?... Cậu con tai Vĩnh Tú nghĩ vậy và xoạc miệng cười trừ.

Nhưng Trần Vũ không hề tỏ ra giận dỗi. Anh biết người dân Vĩnh Tú có truyền thống nói trạng! "Nói trạng" có ý gần giống với nói phét ngoài Bắc nhưng không thể hiểu theo ý ấy được. Nó lạc quan và dể thương lắm. Chính anh đã nhiều đêm há mồm ngồi nghe người ta nói trạng, nào là đi cắt tranh cắt phải đuôi cọp, nào là quả dưa đỏ có trăm con quạ chui vào ăn, hoặc dùng cào cỏ móc cả một chiếc L.19 xuống, hay trồng cây khoai lang ngọn bò qua hai huyện... Trần Vũ cười chảy cả nước mắt. Nhưng không phải ai cũng kể được các chuyện phịa đó. Có lần anh đã kể lại cho các thủ trưởng tỉnh đội họp ở quân khu nghe nhưng xem chừng rất vô duyên vì chẳng thấy ai cười. Phải là cái giọng nói bỗ bã, nằng nặng và cái mồm đưa đẩy rất duyên của chính con trai Vĩnh Tú kia thì câu chuyện trạng mới thực là trạng...

Hai nắm tay của cậu chiến sĩ thông tin đang đấm thùm thụp lên lưng Trần Vũ khiến anh bật cười. Cậu ấy xoa bóp cũng bỗ bã như lưòi nói vậy.

- Này... cậu nghĩ thế nào về người Hà Nội?

- Dạ, báo thủ trưởng, dân Hà Nội mà như thủ trưởng cả thì là tuyệt vời.

- Cậu lại trạng với mình rồi. Tớ là thuộc loại gần bét.

Lại cái cười xoạc miệng, câu con trai Vĩnh tú vỗ đen đét lên lưng anh.

- Thật đấy - Giọng Trần Vũ vẫn chầm chậm và thủ thỉ - Sự cố gắng của mình chẳng có nghĩa lý gì so với sức chịu đựng của những người ở lại. Cậu cứ nhìn bố mẹ ta ở ngoài Vĩnh Linh thì rõ. Trong chiến tranh, sức mạnh cơ bản nhất là hậu phương. Đau thương dằn vặt nhất cũng là hậu phương. Nõi xa càng lớn thì nỗi đau càng ghê gớm. Hà Nội là trái tim của cả nước, là trung tâm của mọi nỗi đau, mọi trăn trở , mọi niềm vui...

Hà Nội cũng là trung tâm của mọi dự tính, lo toan chi viện... Trong con người ta bộ phận nào cũng quan trọng. Nhưng đặc biệt nhất là con tim, cậu nghĩ xem có bao giờ tim được nghĩ đâu?

Cậu chiến sĩ trẻ im lặng, có lẽ là để ngẫm nghĩ những điều thủ trưởng vừa nói rồi bất ngờ buông thõng một câu:

- Chà, biết khi nào ra được Hà Nội hè?

- Cậu thích ra không?

- Thích lắm.

- Ra làm gì?

- Ra thăm.

- Thăm ai?

- Thăm Bác Hồ!

Trần Vũ há tròn mồm ngồi đứng dậy, suýt nữa anh phì cười. Nói chuyện với những người vô tư cũng thích thật. Nhưng xem ra câu ấy chẳng vô tư chút nào vì khuôn mặt đang cúi xuống vẽ xúc động. Trần Vũ hỏi nhỏ:

- Cậu đã nghe kể nhiều chuyện về bác Hồ chưa?

- Dạ có, nhưng chắc chưa nhiều.

Trần vũ gật đầu. Anh xoay người lại tựa lưng vào thành hầm duỗi thẳng hai chân ra. ánh trăng bên ngoài ngập vào quá cửa.

- Bác năm nay đã bẩy mươi bảy tuổi rồi. Việc nước, việc thế giới bộn bề quá nên sức khỏe có yếu đi. Cả nước mong chờ tới ngày toàn thắng để Bác vào thăm lại miền Nam. Chúng mình phải đánh đấm thế nào cho ngày ấy chóng đến. Nếu không thì ân hận suốt đời đấy.

- Này, Bác Hồ có hay buồn không?

- Mình cũng chưa có lần nào được gặp Bác trong điều kiện vắng vẽ nên không thấy Bác buồn. Nhưng mình tin rằng một tâm hồn giàu cảm xúc như Bác thì không thể không buồn được. Thậm chí nỗi buồn rất ghê gớm nữa kia. Có điều, chắc Bác Hồ không bao giờ buồn cho riêng mình. Đời của Bác không có gì cho riêng mình cả, kể cả nỗi buồn...

Đêm càng về khuya càng vắng lặng. Nghe rất rõ tiếng gió thổi và xa xa hơn phía đầu nguồn gió là tiếng rầm rì không nguôi của biển. Chẳng ai nghĩ rằng nơi đây vừa trải qua mười hai tiếng đồng hồ khốc liệt bom đạn và mười hai giờ triền miên tiếng rú gào của ngọn gió tây nam.

Xem chừng đã quá khuya. Trần Vũ ngừng nói chuyện. Anh ngã người nằm xuống và nhắc:

- Thôi ngủ đi cậu, kiếm lấy ít sức mà trụ ngày mai. Người chiến sĩ thông tin nằm xuống bên cạnh cố ngáy thật to. Nhưng gần nữa tiếng sau, hai mắt cậu vẫn mở thao láo:

- Thủ trưởng ngủ rồi à?

- Sao?

- Những người ở Hà Nội như thủ trưởng chắc hồi mới vào đây cũng ngại lắm hè?

- Trần Vũ uể oải:

- Ngại gì?

- ờ, thiếu chi thứ ngại. Ăn thì không có rau sống, ngủ thì không có quạt điện, viết lách thì thắp đèn dầu... Lại thêm cái gió Lào nữa chứ! Thủ trưởng chắc đi khắp cùng đất nước rồi, có đâu lại gặp ngọn gió quái ác như ở đây không?

- Cái đó thì đúng, mình chưa thấy đâu có cái gió ghê gớm như ở đây cả. Cậu có biết vì sao không?

Cậu thanh niên Vĩnh Tú lật ngữa người nói như đọc bài:

- ở trên Trường Sơn có một đoạn núi thấp xuống. Gió bên phía tây thổi qua, gặp núi trút mưa xuống sườn bên đó. Còn lại cái xác nóng thì tuôn hết qua cửa đó mà sang đây. Sách giáo khoa nói vậy, đúng không?

- Đúng...

- Vậy ra, đây là cái cửa gió? Khốn nạn thiệt. Mà tôi nghĩ là cửa bão nữa kia. Có năm sau cơn bão đổ bộ liên tiếp lên vùng Bình Trị Thiên này, nước lũ đổ về như có ai tháo khoán cả một khúc Trường Sơn. Cơ cực thiệt. Kiếm ra hạt lúa mà ăn trên đất này thiệt mòn tay chai đít, thủ trưởng ạ! Cho nên con trai thì hốc hác, con gái thì đen tròn nhu cột nhà cháy... Lắm khi em cũng muốn đi chơi Hà Nội nhưng chỉ sợ con gái Hà Nội họ cười. Con gái ngoài đó có hay cười người khác không thủ trưởng?

Nhưng Trần Vũ không đáp. Cậu chiến sĩ nghiêng tai nghe. Những tiếng ngáy đều đều đang phát ra. Cậu ngồi dựng dậy bực bội chui ra ngoài.

Đất trời nhòa đi trong màu bạc của trăng. Gió lùa từng cơn rười rượi. Đêm kỳ lạ như rứa răng lại nỡ ngủ được hè?

Người chiến sĩ thông tin đứng nguyên ở cửa hầm hồi lâu rồi tặc lưỡi:

- Thôi, để cho ông ấy ngủ. Ngày mai chắc còn căng thẳng hơn nhiều!


(1) Ăn bày: Bữa phụ.

(2) Thành ngữ, tương đương với câu "dặm trường cách trở"

Đăng ngày 05/05/2010

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan