Tác giả: Xuân Đức
CHƯƠNG NĂM
Những ngày gần tết 1966, có một phái đoàn của bộ Tổng vào Vĩnh Linh, dẫn đầu đoàn là một đồng chí Thiếu tướng. Một cuộc họp quan trọng liên tịch giữa khu ủy, khu đội và Ban chỉ huy trung đoàn 270 được triệu tập đột xuất tại căn nhà lợp tranh nấp dưới rặng dầu sở nơi khu đội sơ tán.Đồng chí Thiếu tướng đứng ở vị trí chủ tọa, tóc húi cua lốm đốm bạc, giọng nói chậm rãi, phảng phất vị mặn trầm mặc của một vùng biển miền Trung. Thân hình cao lớn của ông che khuất một phần tấm bản đồ chiến sự treo phía sau lưng sát vô phên liếp. Thỉnh thoảng bàn tay vạm vỡ của ông xòe ra, khua rà lên tấm bản đồ rồi nắm chặt lại như thể đã bắt gọn được những gì xảy ra đằng sau các mũi tên vòng cung xanh, đỏ.
- Như các đồng chí đã biết, Oét-mo-len lại đến Sài Gòn. Và những ngày hôm nay, chiến dịch "năm mũi tên" của hắn đã bắt đầu triển khai. Mũi thứ nhất đánh vào Củ Chi với lực lượng gần một vạn hai quân Mỹ. Mũi thứ hai, chúng lao vào đông bắc Sài Gòn với trên một vạn sáu quân. Mũi thứ ba của Oét-mo-len được phóng vào nam Phú Yên. lực lượng gồm một vạn quân Mỹ, Pắc-chung-hy và Ngụy Sài Gòn. Mũi thứ tư đánh vào Nam Quảng Ngãi. Mũi cuối cùng cũng là mũi mạnh nhất, ngông cuồng nhất gồm trên hai mươi tiểu đoàn được phóng vào nam Bình Định. Năm mũi tên của Oét-mo-len hợp thành một chiến lược phản công nhằm năm mục tiêu lớn. Củng cố đô thị và các đường giao thông; tìm diệt chủ lực quân giải phóng, kết hợp càn quét với bình định gom dân, đánh phá thu hẹp vùng giải phóng; và cuối cùng là để ngăn sự chi viện của miền Bắc cho sự nghiệp giải phóng miền Nam.
Đồng chí Thiếu tướng ngừng lại, nét mặt ông lộ vẻ xúc động. Ông quay nhìn tấm bản đồ rồi nói với giọng trầm hơn:
- Các đồng chí ạ! Trong những ngày này, miền Nam của chúng ta mà đặc biệt là những vùng nằm trong vùng trọng điểm nói trên đang phải chịu đựng sự hy sinh tổn thất vô cùng nặng nề, khốc liệt. Bộ đội ta và nhân dân các địa phương đó đang chiến đấu hết sức ngoan cường, bảo vệ từng tấc đất, bẻ gãy các cuộc càn quét, cương quyết đập tan âm mưu phản công chiến lược của Mỹ - Ngụy. Cả nước không thể dửng dưng cho bọn Oét - Mo - Len hoành hành. Chúng ta phải hành động khẩn cấp. Vĩnh Linh càng phải khẩn cấp hơn. Phải đồng loạt tiến công trên khắp các mặt trận, phải kéo mỏng 18 vạn quân quân Mỹ và gần nửa triệu quân Ngụy ra. Các đồng chí là trụ cột cho toàn mặt trận Quảng Trị.
Ông nhìn thẳng vào những người ngồi trước mặt, nắm chặt bàn tay lại, chống xuống bàn, nói chận từng tiếng.
- Cuộc thử sức giữa ta và Mỹ đã bắt đầu bước vô giai đoạn quyết liệt. Nhiệm vụ lớn, yêu cầu tầm nghĩ của chúng ta cũng phải lớn. Tổ chức cũng cần có sự thay đổi cho phù hợp với tình hình. Trên thấy rằng với một cơ quan khu đội không thể đảm đương nổi yêu cầu chỉ huy của toàn địa bàn trong tình hình mơi nên quyết định sáp nhập khu đội với Trung đoàn 270. Tôi tin các đồng chí ủng hộ quyết định đó.
Những ánh mắt bỗng cùng một lúc quay lại nhìn nhau. Đồng chí Thiếu tướng ngồi xuống đưa mắt nhìn từng người ngồi trước mặt. Ông biết rõ đây là những cán bộ ưu tú, ngoan cường, bao năm trời đối mặt với kẻ thù bên kia tuyến,đã một lòng trung thành tuyệt đối với Đảng. Họ đã gắn bó cuộc đời với từng xóm, từng thôn, từng con đường, lũy tre trên đất giới tuyến này và với những đơn vị họ lăn lộn công tác. Nhưng cũng vì sự gắn bó thiết tha đó, họ có nghĩ gì khác trước quyết địng này không?
Khu đội trưởng đứng dậy đầu tiên:
- Báo cáo đồng chí Thiếu tướng, chúng tôi hết sức phấn khởi trước quyết định của cấp trên. Chúng tôi cũng thấy rõ tầm vóc mới của cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước đòi hỏi mỗi cán bộ chiến sĩ chúng tôi phải nâng tầm suy nghĩ của mình lên cao hơn nữa. Chỉ xin được hỏi một vấn đề. Sau khi sáp nhập rồi, tổ chức quân sự mới này được gọi là chi?
Thiếu tướng khẽ mỉm cười. Có lẽ ông đã đọc được điều băn khoan đằng sau câu hỏi đó. Ông rút một điếu thuốc, châm lửa rồi hỏi lại bằng một giọng thân mật:
- Theo đồng chí thì nên gọi là gì?
Khu đội trưởng lúng túng, ông liếc mắt nhìn các cán bộ rồi cũng cười xòa cho có vẻ vô tư:
- Báo cáo, theo tôi thì dù răng Vĩnh Linh cũng là một đơn vị hành chính tương đương với các tỉnh khác. Các tỉnh họ có tỉnh đội, ta cũng nên giữ cái khu đội...
- Thế còn các đồng chí bên 270?
Trung đoàn trưởng 270 đứng dậy. Ông ta có dáng người thấp, bé, cặp mắt nhỏ nhưng vành môi lại hơi to và có vẻ nặng nề. Vành môi ấy cứ mím lại hồi lâu như thể đắn đo, cân nhắc. Một lát ông mới ngập ngừng nói:
- Báo cáo thiếu tướng, Trung đoàn 270 là con đẻ của nhân dân Vĩnh Linh. Tên tuổi nó gắn liền với một truyền thống chiến đấu, xây dựng vô cùng vẻ vang trên đất giới tuyến. Tôi thấy không thể nào mất cái tên "Hai bảy mươi" được.
Đồng chí thiếu tướng bỗng cười to một cách sảng khoái. Mấy cán bộ ngồi cạnh cũng khục khịt cười theo. Thiếu tướng gật gật mái đầu húi cua, nói hóm hỉnh:
- Vậy thì nên gọi "Khu đội hai bảy mươi" nhỉ?
Cả phòng họp cùng rộ lên cười nhưng mặt người nào cũng đỏ gay lên vì ngượng. Bí thư Đảng ủy khu vực có nước da đen bóng, đôi mắt to và rất sáng khẽ liếc nhìn thiếu tướng, rồi ông đứng dậy xin phép nói:
- Báo cáo anh, tôi thấy vấn đề này có lẽ trên cứ cho chỉ thị.
- Tất nhiên, tất nhiên - Thiếu tướng gật đầu - Nhưng tôi muốn nghe ý kiến các đồng chí?
- Vâng. Tôi thấy rằng, trên mảnh đất này có lẽ mỗi ngọn cỏ, lá cây đều có truyền thống vẻ vang của nó. í kiến của các đồng chí bên Khu đội hay bên "hai bảy mươi" đều rất xác đáng. Nhưng theo tôi, nếu nói có truyền thống thì không chi bằng hai tiếng Vĩnh Linh! Còn có tên gọi nào xác đáng mà mất đi hai tiếng thiêng liêng đó. "Khu đội hai bảy mươi" thì nghe hài hước quá. Dù là khu đội hay "hai bảy mươi" thì truyền thống của nó cũng không tách khỏi cái nôi Vĩnh Linh được.
ý kiến của Bí thư Đảng ủy khu vực đã làm cho cả phòng họp xôn xao. Họ gật gù, lắc đầu, ghé tai nhau nói nhỏ như quên mất trước mặt là vị đại diện Bộ Tổng.
Riêng chỉ có Chính trị viên khu đội Trần Chính là im lặng. Từ lúc bước vô cuộc họp tới nay, tâm trí anh luôn giày vò bứt rứt bởi những chuyến hàng tiếp tế cho Cồn Cỏ suốt ba đêm ni không ra tới đảo. Anh là người được đặc trách phân công mảnh này. Số người hy sinh trên tuyến đường biển ngàymột tăng, cao hơn nhiều so với số người hy sinh trên Cồn Cỏ. Lại thêm có những người bị bắt. Cụ thể những ai thì vẫn chưa xác nhận được. Những câu hỏi về nhiệm vụ hôm nay và những câu hỏi về hậu quả mai sau luôn luôn đòi hỏi anh tìm cách trả lời. Yêu cầu của cách mạng ngày một lớn mà cũng chỉ đất này, người này thôi, chẳng ai đưa vai vô gánh giúp. Sáng nay có một nhà báo đặt câu hỏi với anh:
- Với tư cánh một người làm công tác chính trị, xin đồng chí giải thích vì lẽ gì mà người dân ở đây lại có thể dám hy sinh lớn lao đến thế?
Trần Chính trả lời:
- Có lẽ bởi vì tổ quốc đã giành tất cả cho chúng tôi nên Vĩnh Linh chúng tôi cũng giành tất cả cho tổ quốc.
- Xin lỗi, chúng tôi chưa thật rõ hết ý nghĩa của câu đó??
- Vâng, rồi đồng chí sẽ rõ. Chúng tôi không hề giữ lại cho bản thân mình chút gì. Chúng tôi đã sống hết mình. Sống hết mình không dễ đâu đồng chí ạ!
Đến chừ, khi cuộc họp xoay sang việc đặt tên cho cơ quan quân sự mới. Trần Chính chợt nhớ lại câu trả lời đó. Trần Chính đưa mắt nhìn khắp lượt các thủ trưởng đang ngồi vòng quanh những chiếc bàn. Cũng may, những chiếc bàn đã được kê thành vòng tròn để mọi người có thể nhìn thẳng vào nhau, hiểu thấu nhau. Trần Chính cũng hiểu. Còn có những chi đó lấp ló đằng sau gáy những tên gọi kia? Truyền thống ư? Chỉ là một cách nói. Cơ quan mới này rồi ai sẽ làm thủ trưởng? Ai thủ phó? Nếu để tên "hai bảy mươi" thì Ban chỉ huy "hai bảy mươi" sẽ tự coi mình là chủ. Ngược lại để tên khu đội cũng vậy thôi. Nghĩ chi cùng, sinh ra cái tên nghĩa là dành riêng cho mình ít ra cũng một tiếng gọi. Còn như đội thuyền ra biển, gặp tai nạn thì đến mảnh ván cũng chẳng còn nguyên. Thậm chí cả cái tin "hy sinh" hay "bị bắt" cũng không răng gửi về chính xác được. Những thủy thủ đó, những ngư dân bình thường đó đã sống hết mình vì Cồn Cỏ, vì cách mạng. "Truyền thống" đó chỉ có biển mới mong sánh tày...
Trần Chính đứng dậy sau cùng, giọng từ tốt:
- Thưa đồng chí Thiếu tướng, thưa các đồng chí! Tôi thấy rằng khitổ chức đã lớn hơn thì tên gọi cũng phải lớn hơn. Nhưng lớn như thế nào? Sức mạnh của tổ chức không phải là phép tính cộng. Vì rứa mà cái tên cũng không nhất thiết phải gộp lại, dài ra.
Thiếu tướng gật đầu rồi đứng dậy dụi tắt điếu thuốc vào chiếc gạt tàn, nét mặt ông bỗng trang nghiêm.
- Các đồng chí! Chúng ta không bao giờ được quyền lãng quên những truyền thống vô cùng oanh liệt mà ta đã xây đắp lên bằng bao nhiêu mồ hôi, xương máu. Chúng ta sẽ phải sống, chiến đấu để giữ gìn, để vun đắp thêm chó truyền thống đó ngày càng vẻ vang. Nhưng có một điều, chúng ta không thể tự trói mình trong khái niệm "Truyền thống chủ nghĩa". Cách mạng là sự đi lên không ngừng. Thử hỏi rồi đây, khi nhà nước được độc lập, thống nhất có ai đòi hỏi phải giữ mãi "Miền Bắc", "Miền Nam" như hiện nay không? Chúng ta có ai đòi hỏi phải giữ mãi cái khu vực Vĩnh Linh với địa bàn chưa đầy một huyện, số dân chưa tới tám vạn người này mà đi lên xã hội chủ nghĩa không? Điểm thứ hai, chúng ta đừng bao giờ tách cái truyền thống của đơn vị mình, bộ phận mình ra khỏi truyền thống chung của dân tộc, của đất nước. Đồng chí Bí thư đảng ủy khu vực lúc nãy nói có ý đúng. Dù là "khu đội" hay "hai bảy mươi" thì truyền thống của nó cũng nằm trong chiếc nôi Vĩnh Linh. Nhưng còn Vĩnh Linh thì sao? Vĩnh Linh có thể tồn tại một mình được không nếu không có sự hy sinh lớn lao của cả nước? Cho nên theo tôi, truyền thống là máu chứ không phải là tên, là tình yêu chứ không phải lễ cưới, là sự vươn tới không ngừng chứ không phải cái nhà bảo tàng rào kín bốn bên. Và muốn giữ được truyền thống của mình, xây thêm truyền thống của mình thì trước hết hãy quên cái "mình" đi!
Thiếu tướng ngừng lại một chút như để nén xúc động, giọng ông lắng hẳn xuống:
- Các đồng chí nên nghĩ nhiều đến điều này, có vậy mới đủ sức hoàn thành nhiệm vụ mới. Mai kia có lệnh điều tiểu đoàn 47 của các đồng chí qua bên kia sông chiến đấu, có thông không? Hay là nghĩ rằng bộ đội địa phương thì chỉ để bảo vệ địa phương? Không. Chiến đấu giải phóng miền Nam ch1nh là cách bảo vệ tích cực nhất miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Cả miền Bắc đang lên đường. Vĩnh Linh phải là người đi sớm nhất. Chúng ta hãy hiến dâng hết, đừng nuối tiếc một cái gì đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam. Bây giờ tôi xin nói rõ quyết định của Bộ, sáp nhập 270 với khu đội, thành lập Bộ tư lệnh Vĩnh Linh. Bộ và Quân khu sẽ nghiên cứu bổ sung thêm cán bộ vào tăng cường cho các đồng chí.
Cả phòng họp gần như nín thở. Những ánh mắt xúc động và xao xuyến ngẩng lên nhìn thiếu tướng. Một lúc sau, Bí thư đảng ủy khu vực đứng dậy, giọng rắn rỏi:
- Chúng tôi hết sức xúc động và thấm thía được nghe những lời của đồng chí. Chúng tôi xin được hỏi, bao giờ thì trên cho phép đơn vị địa phương Vĩnh Linh xuất kích qua sông?
Thiếu tướng mỉm cười tin cậy. Ông nói to, sảng khoái:
- Xin trả lời ngay: Đã có chỉ thị cho "Dê" 47 lên đường. Đây, các đồng chí nghe!
Tất cả những ánh mắt trong phòng họp cùng sáng lên, những dáng người như chồm tới, xích gần bên thiếu tướng...
*
Vậy là đã gần trọn tám tháng tuổi quân. Người ta cứ gọi mình là bộ đội xóm. Mà đúng thôi. Nhập ngũ, hành quân, tập luyện, loanh quanh vẫn không ra khỏi cái đồi đất đỏ khu đông này. Cũng có cai vui mà cũng có cái chán. Thà rằng đi thiệt xa, đi cho biệt tăm, biệt tích, xứng đáng cái tiếng ra đi. Đằng này, mở mắt ra là thấy khe tre, vườn mít, nương chè, nhìn vườn ai cũng nghĩ giống vườn mình, nhớ chết được. Đợt gió mùa ni kéo dài đã hơn tuần lễ, bố có đau dạ dày không?
Hôm ni chủ nhật, răng lại có tiếng trống trường? à, hết học kỳ rồi, chắc là các thầy bắt học nhồi, học nhét đó. ở gần cái trường cấp II ni thiệt khổ. Mỗi ngày bốn bận nghe trống dội tùng tùng, tim mình cứ rung lên. Chúng mày ơi! Đi đâu cả rồi? Thằng Mậu Đạt, con Thu Ba, Thằng Xuân Cháu?..."
Lợi úp mặt lên cuốn nhật ký, mắt nhắm nghiền. Từ ngày vô bộ đội, Lợi cố giữ cho mình nếp ghi nhật ký. Thói quen này anh có từ dạo mới lên học cấp III. Hôm nhập ngũ, Lợi xếp hết sách vở vào chiếc tủ, khóa cửa cẩn thận, chỉ mang theo mấy cuốn sổ tặng phẩm để làm nhật ký. Thời gian đầu, gần như ngày nào anh cũng ghi. Nhưng đến tháng thứ ba, thứ tư đã thưa ra, vài ba ngày một lần mở sổ. Rồi dần dần hàng tuần anh mới ngó tới một lần. Những thử thách xô bồ, dữ dội của đời lính tưởng như quá sức chịu đựng đối với một anh học trò mảnh khảnh như Lợi. Mệt mỏi khiến mắt !nh lúc nào cũng díp lại chực ngủ. Đặc biệt là từ ngày được điều đi học lớp trinh sát tới ni. Lợi gần như quên bẵng cuốn nhật ký. Khoa mục dồn ép, chen chúc nhau trong mấy tháng tập huấn cấp tốc khiến đầu óc, chân tay Lợi lúc nào cũng đau đớn rã rời. Tuần vừa rồi mưa to không ra thao trường được, lại học võ thuật lở sân kho hợp tác. Cứ tưởng khoa mũc ni hấp dẫn, thú vị hơn, hay ít ra cũng sạch sẽ hơn những đêm lặn lội ngoài ruộng nước, bò trườn dưới những đụn thép gai. Ai ngờ đây lại là môn hóc búa nhất. Lắm bữa Lợi hoa cả mắt, tai ù tịt, choáng váng ngã vật ra giữa đệm, chân tay run như người lên cơn sốt. Đến mức đó thì thiết chi tới ghi chép nữa.
Sáng ni chủ nhật, một chủ nhật duy nhất trong hai tháng tập huấn, đơn vị được phép nghỉ ngơi hoàn toàn, Lợi ngủ li bì từ chập tối hôm qua cho tới khi mở mắt chui ra khỏi hầm thì mới hay gia đình chủ nhà đã đi làm đâu lâu lắm rồi. Anh vặn người, vươn vai, các khớp xương kêu răng rắc. Rồi Lợi đứng thừ ra giữa sân một chặp, tính mãi không biết nên làm chi cho hết ngày chủ nhật này. Cuối cùng anh chậc lưỡi, khom người chui trở vô hầm. Thôi, cứ ngủ khoèo cho sướng.
Nhưng nằm mãi chẳng ngủ thêm được, Lợi lại ngồi dậy. Một hồi trống trường dội tới, đất trong hầm rơi lạc rạc. Lợi bỗng thấy bần thần. Anh bật diêm đốt ngọn đèn dầu lên, quơ tay vô ba lô cóc lấy cuốn sổ. Lâu lắm rồi mới đụng tới nó đây...
... Nhưng vừa viết đến những tên bạn bè trong lớp, Lợi bỗng thấy nét bút như ríu lại. Anh úp mặt lên cuốn nhật ký, nhắm nghiền mắt như cố ghìm chặt một nỗi khát khao. Biết khi nào mới nhìn lại được những khuôn mặt ấy? Giờ ni chắc chúng nó đang đắc chí ngồi trên ghế giảng đường đại học, góp nhặt mỗi ngày thêm dăm ba chữ. Còn mình thì chạy, bò, vật lộn và cứ rứa vơi dần, vơi dần tư thói quen ghi nhật ký đến sự mơ mộng, bâng khuân của tuổi học sinh. Rồi dăm ba năm nữa, hai mươi mười lăm năm nữa gặp lại nhau, sẽ nhìn nhau răng đây? Một học sinh loại gỉoi toàn diện như mình có khó khăn chi cái bằng đại học? Chúng nó chắc cũng biết điều đó. Nhưng liệu chúng nó có biết cho đến ngày gặp nhau không?
Tự dưng Lợi thấy ói lên một nỗi ghen tức rất trẻ con. Anh ngồi vùng dậy, gấp sập cuốn sổ ném vô ba lô, thổi phụt ngọn đèn rồi chui ra ngoài. Anh lại vươn vai, vặn lưng, lắc lắc đầu. Thôi, quên đi, quên hết đi! Nghĩ lắm nó chóng già! Hãy quên hết đi!
Lợi ngước đầu nhìn trời. Mưa đã ngớt từ đêm qua, bầu trời hôm ni có cao thêm hơn một chút. Giá vẫn thổi tê tê. Những màng mây mỏng dần, mỏng dần rồi nát ra như khói, vật vờ bay.
Một tốp phản lực cắn đuôi nhau bay chéo từ phía Vĩnh Sơn ra biển. Lợi nghiêng đầu nhìn nó. Bọn ni cũng không có chủ nhật? Chắc chắn thằng lái sẽ đếm lần cắt bom xuống nước mình để tính năm tháng cuộc đời xâm lược viễn chinh. Cha, cứ một vết thời gian khắc vô trí nhớ nó, là bao nhiêu máu của dân mình?
Ba chiếc phản lực bay qua đầu Lợi, thẳng ra biển rồi bất ngờ vòng quặp trở lại. "Đúng là bọn ni không khi nào chịu ưa một sự bình thản. Với nó cái chi cũng phải giật gân, hấp dẫn và bất ngờ..." Lợi mới kịp thoáng nghĩ có vậy thì chiếc máy bay đi đầu đã đâm chéo xuống trước mặt. Những âm thanh sắc nhọn đến gai người khoan xoáy vô tai Lợi. Tiếng nổ rung giật mái nhà. Lợi nhảy phốc xuống miệng hầm. Bom cắt chéo trên đầu reo réo. Mặt đất rung lên bần bật, đất rơi rào rào bốn phía. Gần lắm rồi! Lợi nhào ra sân. Khói đen đặc ùn ùn đùn lên từ xóm nhà phía sau nương sắn. Mùi cháy phả nồng khét lẹt. Bom đã ném vô giữa thôn, không biết có ai can chi không? Lợi cắm đầu nhằm phía đụn khói mà chạy.
Bỗng Lợi sững lại. Tiếng khóc? Có người chết à? Nghe coi, tiếng khóc trẻ con... ồ, rất nhiều trẻ con! Thôi đúng rồi, trường mẫu giáo! Hai chân Lợi quýnh lại, chạy xiêu vẹo. Một lũy tre chắn ngang trước mặt, nhiÂu cây gãy gục, bật rễ lên từng tảng. Tiếng khóc nháo nhác chéo chồng phía bên kia. Lợi chạy ngược chạy xuôi vẫn không tìm ra chỗ để vượt. Tiếng máy bay vòng trở lại. Trời ơi, chúng nó chưa thỏa mãn ư? Lợi chui đầu vô một lỗ nhỏ giữa hai cây tre gãy. Gai tre xé tược áo, máu rướm trên bả vai. Mặc, Lợi nhắm mắt, thu người, lao này, lao!
Khói trùm kín đặc cả khu vườn nhà mẫu giáo. Trong màn khói nồng nặc, tiếng khóc ngặt hơi. Loáng thoáng bóng những thanh niên, súng khoác chéo sau lưng, chạy nháo nhác. Chắc là dân quân tới cứu. Lợi nhào vô, anh gặp ngay hai đứa bé gái ôm lấy nhau bò giữa sân. Anh gập người xuống bế thốc cả hai lên kẹp vô hai sườn mà chạy. Cô giáo chúng nó đâu? Có những tiếng kêu phía trước mặt. Lợi lao sầm về hướng đó. Một loạt bom nổ sau lưng. Lợi ngã chúi. Cũng may chúng nó đã ném trật mục tiêu. Bọn trẻ gần như không đủ hơi để khóc nữa. Lợi lồm cồm đứng dậy, lại xốc hai đứa bé lên, chạy.
Bỗng anh đâm sầm vô một người, cả hai cùng kêu lên rồi sững ra. Loáng một tý, anh đã nhận ra mớ tóc xỏa bùng nhùng che lấp mặt. Chắc cô giáo đây? Anh giận dữ hét lên:
- Cô giáo phải không? Chạy đi đâu mà bỏ các em , hả?
Người con gái ngớ ra, cặp môi cứng khô lại, nước mắt còn giàn dụa hai hàng mi dày. Lợi bỗng thấy chột dạ. Nhưng người con gái đã cúi vội xuống, ôm choàng lấy một em trong tay Lợi, giọng khàn đặc:
- Anh cho út xin một cháu.
Cả hai cùng bế thốc các cháu lên tay và lao đi. Đến bờ hào cô giáo nhảy xuống trước. Bọn trẻ ngồi lố nhố dưới lòng hào. Cô quờ tay ra lần mặt từng đứa.
- Hoa đâu? Mai Vi? ừ, Thu Yến đâu, con?
Cô bé tóc vàng hoe đứng ở tít đầu kia kêu tướng lên:
- Con đây! Con đây mà. Mạ bỏ con... Mạ bỏ con...
Cô giáo chạy đến, nghẹn giọng:
- Đâu có, mạ không bỏ... Mạ đang bắng bó cho bạn Kim...
- Hứ hừ... Mạ Thuấn quên con...
Lại mấy đứa con trai đứng phía đầu này cũng léo nhéo:
- Con chạy một mình ra đây...
- Con chạy với chú dân quân... Mạ Thuấn quên con...
Cô giáo luýnh quýnh, quay ngược quay xuôi:
- Không mà, mạ không quên đứa nào hết. ừ, thì mạ xin lỗi. Nào lau mặt đi! Xì mũi đi, con!
Lợi đứng như chôn chân trên bờ hào, sửng sốt. Làm răng lại có lối xưng hô kỳ cục vậy? Hay là cô giáo ni đã có con thiệt rồi. Vô lý, cô còn trẻ lắm.
Mấy dân quân biến đi từ lúc nào. Tốp máy bay có lẽ đã thỏa mãn với "chiến tích" của nó nên sau vài vòng bay lượn đã nối đuôi nhau cút thẳng.
Bọn trẻ tự động lau sạch mặt mũi, đứng nép lại sát nhau. Cô giáo đi đến từng đứa, vén tóc, sửa từng khuy áo, Lợi cứ đứng lỳ ra trên bờ đất mà nhìn. Bất ngờ cô giáo quay lại. Đôi mắt đã khô nước mắt, đen lay láy, thoáng như gợn một nét buồn rất trẻ trung. Chiếc cằm nhỏ nhắn thu ngắn dưới đôi má tròn cân đối. Mớ tóc xòa ra, dính bết mồi hôi và đất. Lợi ân hận vì câu mắng lúc nãy, nhưng anh thấy cũng chưa phải lúc để xin lỗi.
- út cảm ơn anh lắm... Không có thì... - Cô gái thở dài rồi hai mi mắt dày, đen thẫm khẽ sập lại. Cô hơi cúi xuống, ngón chân không dép di di lên bờ hào. Vài hạt đất rơi lạc rạc.
- Rứa con cô là đứa nào?
Hỏi xong Lợi bỗng thấy mình vô duyên hết sức. Cô giáo bật lên tiếng cười, cặp má đang tái nhợt bỗng rực lên một màu hồng bối rối. Cô ngước lên, cặp mắt lay láy, nụ cười đầu tiên sau những lạot bom khủng khiếp đã mở rộng vành môi khô, lộ ra những hạt trắng lấp lánh.
- Đó, tất cả con út đó, anh nờ!
Nói xong, cô giáo giữ nguyên nụ cười ấy, quay lại bọn trẻ:
- Các con chào chú bộ đội đi!
Những đôi mắt tròn xoe cùng chớp chớp, miệng lắp bắp lí nhí. Có lẽ vẫn chưa thật hoàn hồn sau những tiếng nổ của bom. Nhưng không đứa nào quên lời "mạ" vừa nhắc. Tiếng chào rời rạc, nhõng nhẽo:
- Chú... ạ!...
- Chào... chú bộ đội!
Lợi mỉm cười gật đầu rồi hỏi lại:
- Có cháu nào bị thương không!
Bọn trẻ quay lại ngó nhau. Hình như chúng chưa hiểu "bị thương" là chi. Nhưng có mấy đứa vẫn nhoẻn miệng cười đáp lại:
- Không... Không "thương" đứa nào ạ.
- Rứa mà cô giáo của các cháu lại bị thương đó. Các cháu có thấy không?
Những cặp mắt tròn xoe cùng một lúc quay lại ngó cô giáo. lơ láo. Cô cũng lúng túng ngó ngược, coi xuôi rồi ngước lên Lợi, bối rối.
- Các cháu không thấy máu đắng sau chân cô đó răng?
Cô giáo vội kiểng chân, ngoái lui, coi. ống quần xắn cao tận đầu gối, một vệt máu to như con đỉa, khô cứng, sẫm đen hằn dọc bắp chân. Bọn trẻ léo nhéo:
- Mạ... mạ thương rồi...
Cô giáo mở rộng nụ cười, dang tay ôm choàng những mớ tóc rối bù, bệt đất. Cặp mi dày chớp ngược lên phía Lợi:
- Chú ấy nói chơi đó, mạ không "thương" đâu.
- Có... có. Chú ấy nói mạ thương...
- ừ , chú ấy nói mạ "thương" nhưng mạ không "thương"...
Bỗng cặp môi cô mím vội lại. Đôi vành tai đỏ óng lên.
Lợi cũng bối rối không kém, anh quay ngoắt đi, chân bước mau. Rồi anh hơi nghiêng đầu ngó lại, bắt gặp đôi mi dày đang chớp theo mình. Anh nói to, giọng có vẻ như vô tình:
- Mạ không "thương" thì thôi vậy!
*
Lợi vừa về đến hầm thì đã nghe tiếng bước chân huỳnh huỵch của thằng Thái chạy đến. Cổ nó gầm gừ, lí nhí:
- Anh Lợi đi mô về?
- Đi chơi!
- Chính trị viên tìm hoài, không thấy...
Lợi hỏi vội vã:
- Có chuyện chi rứa?
- Nỏ biết...
Lợi chui ra khỏi hầm phóng vù lên nhà Ban chỉ huy. Chính trị viên Lịch vừa nom thấy Lợi đã gọi rối rít:
- Lợi! Lợi!... Vô đây, mau lên...
Lợi chạy tới thở hổn hển:
- Báo... cáo!...
- Mi đi mô về đó, hí?
Rồi không đợi Lợi báo cáo, Lịch chụp lấy vai áo Lợi kéo xộc vô nhà. Lợi chưa kịp hiểu ra điều chi thì Chính trị viên đã buông tay ra, quay vô mở tung chiếc nắp hòm đạn 37 ly, lật xáo lung tung, miệng càu nhàu:
- Cha cha, của tau để đây, đứa nào lấy rồi hè?
Lợi định hỏi nhưng thấy không tiện, anh đứng im, coi. Tấm lưng to bè như tấm phản nằm của Lịch cứ lom khom, loay hoay khiến Lợi phải bật cười. Ông ấy là dân bên kia tuyến, đi bộ đội từ thời chống Pháp. Hòa bình, tập kết ra, chuyển về làm đội trưởng một đội sản xuất của nông trường Bến Hải. Người nom vậy mà nghe nói làm kinh tế cừ lắm. Bất giác Lợi nhớ tới rừng cao su sum sê, rậm rạp ở khu đồi trước cửa nhà mình. Bom đã phạt đi khá nhiều. Những người chủ của nó cũng đã ra đi khá đông. Không biết rồi nông trường ấy sẽ tồn tại cách răng?
- Ô, đây rồi - Lịch kêu toáng lên - Cái ông Quý ni quá quắt. Cứ bỏ chồng bỏ chéo lên của người ta.
Nghe nhắc đến đại đội trưởng, Lợi buột miệng:
- Thủ trưởng Quý đi đâu rồi ạ?
- Hắn đi địa hình trước.
- Địa hình nào ạ, chính trị viên?
- Ơ...
Lịch ngước lên gó Lợi rồi như chợt nhớ ra là mình vừa hớ lộ một điều bí mật, anh xoạc miệng cười:
- Mi hỏi làm chi? Chừ lo làm cái ni cho tau đã...
Chính trị viên căng rộng ra trước mặt Lợi một tấm giấy Cờ - rô - ki, rồi bảo:
- Báo tường đây. Mi giỏi văn lắm phải không? Rứa thì vẽ cho tau cái đầu đề cho đẹp. Trang trí cho thiệt khéo, được không?
Lợi suýt bật cười. Giỏi văn chứ có giỏi vẽ đâu. Ai cũng cứ tưởng giỏi văn là cái gì cũng làm được. Hôm nọ họp chi bộ, đại đội trưởng Quý bảo: "Thằng Lợi, nghe nói mi giỏi văn, thử cắt dán cho tau hai câu khẩu hiệu ở hội trường nghe". Trung đội trương thì nói: "Nì, cậu sáng tác cho "bê" mình một bài hát để tham gia với đại đội. Cởu giỏi văn thì phải cố làm cho hay vào...".
Chính trị viên Lịch ngắm nghía tờ giấy trắng rồi gật gù một cách tự tin:
- Mi nghĩ giúp tau cái đề? "Tiến lên!" hay "Tuổi trẻ". à, sắp đến ngày mùng ba tháng hai rồi, hay ta đề "Dâng Đảng"? Được không mi?
Lợi nhíu mày nghĩ nhanh. Mấy tiếng đó vừa khô khan lại chung chung quá. Nhưng nói ra e sợ thủ trưởng phật lòng. Lợi đang ngần ngừ thì chính trị viên đã nói toạc ra:
- Răng? Hay mi thấy nó mòn quá?
- Dạ...
- ừ, tau cũng nghĩ vậy. Rứa thì tùy mi, nghĩ răng đó cho hay, nhưng phải xoáy vô ý nghĩa chính trị, nghe chưa? Chiến đấu, đang Đảng, hy sinh quên mình... Đó, đại ý nó vậy. Rồi vẽ đi! Màu chỗ kia, xanh đỏ tím vàng , đủ hết. Tau mới xin trên câu lạc bộ về đó, chừ tau phải đi họp đây.
Nói chưa dứt câu, Lịch đã lật đật đứng dậy, quàng chiếc xắc cốt qua vai rồi khom người chui ra khỏi mái tranh. Đến giữa sân, anh quay lại, nháy mắt, nói:
- Chịu khó hy sinh ngày chủ nhật, hí! Tao họp về sẽ nói riêng cho mi một điều hết sức hay.
Lợi vội vàng hỏi theo:
- Nói chừ đi, thủ trưởng?
- Không, không... Tau không dại.
Tấm lưng to bè của Lịch khuất nhanh sau bụi chuối, mang theo cả tiếng cười hề hề ra tít ngoài ngõ xa.
Lợi ngồi trước tấm giấy cờ-rô-ki, mặt thừ ra như một thí sinh cắn bút trước đề ra hóc búa: "Chiến đấu", "Hy sinh quên mình" mấy tiếng đó ai chẳng nói như cơm bữa. Riêng người lính, có suy nghĩ nào khác không? ừ , giá như có được một cái tên thực tế hơn một chút với tâm tư người chiến sĩ thì thú quá. Thử lục lại coi, tám tháng tuổi quân mình đã trải qua được những tâm tư chi?
Thoạt đầu là nỗi nhớ. Nỗi nhớ cứ chụm lại, tan ra vơi đầy như nước thủy triều. Nhớ bố, nhớ vườn, nhớ người anh mới hy sinh, nhớ chị dâu lận đận... Rồi nhớ trường, nhớ lớp, nhớ các thầy, nhớ những đứa bạn... Chao ôi, có lẽ tài sản lớn nhất của một đời người ta không chi giàu hơn là nỗi nhớ. Nhưng nhớ thì có ích chi? Vậy thì quên, quên từ xa đến gần. Quên cái vị ngọt như mật của mùa mít chín, quên cái ngọn đèn vàng đục trên mâm gỗ, quên cái cổng trường mười sáu bậc đá ong, quên cả đám cỏ gà rậm rịt trên lối vô vườn thực nghiệm... Nhưng mà, quên răng nổi. Mới hay khi cố quên lại là khi nhớ nhiều nhất. ừ , mà có ai bắt các chiến sĩ phải quên những kỷ niệm ấu thơ đâu? Người ta nói "quên mình" kia mà. Rõ rồi! Nghĩa là quên cái riêng đi để mà nhớ tất cả. Lẩn thẩn quá, răng lại cứ nhớ với quên hoài vậy. "Chiến đấu", "Hy sinh quên mình", "Dâng Đảng"? Cha, khó quá trời.
Lợi bỏ cây bút chì xuống mặt giấy, khom người bước ra sân. Quen tác phong cũ, anh lại vươn vai, vặn lưng. Gần trưa rồi mà nhân dân đi làm đồng vẫn chưa ai về. Xóm thôn vắng lặng quá. Lợi vô tình nhớ đến bọn trẻ ở lớp mẫu giáo. Chừ chắc đã hoàn hồn, ríu rít múa hát quanh cái cô giáo có mớ tóc lòa xòa và cặp mi đen nhánh ấy. Anh lại nghĩ lẩn thẩn, có lẽ trên đời này, cái nghề dạy trẻ con là khổ nhất. Mạ mất sớm, Lợi sống với bố, quen yên tĩnh trong một căn nhà xa xóm. Mỗi lần nhà có giỗ, Lợi rất cực vì đám trẻ con con chị Thìn, chị Thảo. Nó cứ vòi vĩnh, kéo nhéo, giành nhau, quát tháo rồi lại đuổi nhau chạy thình thịch. Rồi vấp, rồi ngã, rồi khóc ré lên... Lợi phải quát hết đứa này, dỗ dành đứa khác khản cả tiếng. ừ , răng có người lại chọn nghề dạy trẻ hè? Mà ngộ quá, bọn trẻ lại gọi cô ta là "mạ" mà cô ấy chẳng ngượng chút nào. Hay cô ta lấy đó làm hạnh phúc? ừ , có thể lắm. Có người đẻ ra con đàn con lũ mà vô phúc vẫn hoàn vô phúc. Đằng ni, chưa chắc đã có chồng, mà vẫn một đàn con ríu rít. Thích thiệt. Hóa ra trong bất cứ công việc nào cũng có hạnh phúc. Miễn là phải thiệt lòng yêu nó, hiểu nó, tận tâm hết mình vì nó... Rứa còn đối với người chiến sĩ thì răng? ờ, phải rồi "Chiến đấu", "Hy sinh quên mình", "Dâng Đảng", tất cả đều là hạnh phúc của người lính. Hay! Hay! Cả nỗi nhớ cũng là hạnh phúc. Khối người sống hết một đời mà chẳng còn lại cái chi đề nhớ. Trúng thiệt rồi, cảm ơn cô giáo!
*
Lợi viết, vẽ, tẩy xóa mải miết say sưa đến lúc trời tối mịt lúc nào không biết. Có lẽ suốt tám tháng qua, đây là lần đầu tiên anh được trở về với trang giấy, đươc suy nghĩ trong niềm cảm xúc dạt dào, không dứt. Thoạt đầu anh viết phác bằng bút chì hai chữ "Hạnh Phúc" chéo từ trái chếch lên góc phải tờ giấy. Rồi anh vẽ hình một chiến sĩ giương cao khẩu trung liên RBĐ. Một chiếc máy bay nhào xuống... "Phải cho nó phụt lửa". Nghĩ rứa, Lợi lại quệt lên cuối đuôi nó mấy vệt màu đỏ sẫm. Anh dừng lại ngắm nghía và cảm thấy bứt rứt. Nếu chỉ thế này e quá khô khan. Nghĩ một tý, Lợi phác ngang dưới chân chiến sĩ một nét bút lượn tượng trưng cho bờ hào. Anh lại nghĩ đến đôi mi dày đen nhánh của cô giáo nọ. Anh vẽ một khuôn mặt tròn, mái tóc lòa xòa trên vai, dáng người nhỏ nhắn, đôi tay dang rộng về phía trước ôm lấy đầu mấy đứa trẻ. Nếu vẽ vài đứa thì e họ lầm đây là người mẹ thiệt. Phải vẽ thêm vài đứa nữa, càng đông trẻ con càng tốt. Tất cả những con mắt tròn xoe ngước lên ngó cô gái! Cô gái thì ngước lên anh chiến sĩ. Anh chiến sĩ lại nhìn thẳng vô máy bay Mỹ. Lợi mím chặt môi, mồ hôi lấm tấm trên trán. Anh tẩy, xóa, lại tô, nét vẽ cứ rõ dần. Anh dồn hết tâm lực vô chiếc bút sắt, kẻ ngược từng sợi lông mi đen thẫm. "Đôi mắt của một người hạnh phúc đây". Tai anh bỗng nóng rần. Lợi bắt được quả tang một ý nghĩ chợt lóe qua đầu, chạy lan khắp da thịt. Anh lắc lắc đầu cố xua đuổi nó đi...
Trời tối mịt. Chính trị viên Lịch vừa chui vô nhà đã vứt chiếc xắc cốt qua giường rồi nhào lên bàn của Lợi. Anh nâng tờ cờ -rô-ki còn óng ánh vết bột màu lên ngắm nghía. Đôi lông mày rậm như hai vệt than của nhíu lại một cách quá đáng. Lợi hồi hộp gần như nín thở. "Liệu ông ấy có thông cảm cho mình không? Khéo không công lao cả một ngày chủ nhật vứt béng".
Bất ngờ đôi mày của chính trị viên doãi ra, doãi ra. Khuôn mặt sần sùi những vết cháy nắng bỗng rạng rỡ, không ngờ. Chính trị viên quay sang ngó thẳng vô Lợi, rồi đột ngột ôm choàng lấy vai anh, lắc mạnh:
- Giỏi! Mi thiệt giỏi quá trời đó, Lợi ạ!
Lợi xúc động đến chực trào nước mắt. Anh áp mặt xuống bàn, hơi lạnh ngấm vào da, tê mê.
Gia đình chủ nhà cũng xúm vô coi. Có tiếng chậc lưỡi, tiếng xuýt xoa: "Chà, khéo thiệt. Khéo hung..." Có cả tiếng cười khúc khích của cô gái con nhà chủ. Lợi vẫn cứ úp mặt. Một cơn mệt mỏi bất ngờ ùa đến làm anh xây xẩm mặt mũi.
Lịch lắc mạnh vai anh:
- Mi ăn cơm chưa? Chưa hí? Thôi chết, để tao...
Lợi nói vội vã:
- Không, tôi không ăn đâu, thủ trưởng ạ.
Nói rồi Lợi vịn lấy thành bàn, đứng dậy. Anh đi chênh vênh từng bước qua chiếc giường phía đầu hè rồi nằm xoài xuống đó. Đúng là anh bị đói nữa. Nhưng nhạt miệng quá, không muốn ăn.
Lợi loáng thoáng nghe như có tiếng trẻ con khóc. Chết thiệt, răng tự dưng mình lại nghũ nhiều đến cái lớp mẫu giáo ấy rứa? Nhưng không, tiếng trẻ con khóc thiệt. Rồi có tiếng bước chân lạch bạch ngoài sân. Bà chủ nhà hỏi: "Ơ hay, đi đâu tối tăm rứa thím?" Có tiếng đáp: "Có anh y tá bộ đội đây không, bác?". Tiếng ồm ồm của chính trị viên hỏi vọng ra: "Răng đó, chị?". Đáp: "Dạ... cái vế thương của cháu nó sưng, cháu nó sốt qua thủ trưởng ạ!". Lại tiếng bà chủ nhà: "Trời đất, đứa nào bị thương?". "Dạ con Kim tui!"...
Lợi mở bừng mắt. "Kim, Kim nào nghe quen vậy?" ừ, nhớ rồi. Lợi nhớ cô gái ấy nó như van: "Không, mạ không bỏ con, mạ đang băng bó cho bạn Kim..." Lợi ngồi choàng dậy. Người ta đang xúm xít quanh đứa nhỏ. Anh y tá ở nhà sau cũng vừa chạy vô. Họ loay hoay, líu ríu. Bỗng đứa bé kêu thét lên:
- Khô... ông... đau, đau co...on...
Người mẹ dỗ dành:
- Im nào, để chú ấy rửa cho, thay băng cho...
- Kh... ông... thay đau...
- Kim! Con phải nghe chứ, thay băng cho khỏi đau chứ...
- Không... - Đứa bé hét lên rồi giãy bật tay người y tá.
Bà mẹ hốt hoảng ôm ghì nó vô lòng, miệng mếu máo:
- Này, Kim của mạ ngoan nào... Đừng khóc nào!... Đừng khóc mà thằng Mỹ nó lại tới nào. Thằng Mỹ hè... cha thằng Mỹ...
Một nỗi xót xa ứa lên cổ Lợi. Cáo thời "ông ba bị" đã qua rồi. Bữa ni người ta lại đưa thằng Mỹ ra để dọa con nít, khổ chưa!
Đứa bé vẫn hét:
- Không... không bă...ăng!...
Bà mẹ cáu tiết hét trở lại:
- Không để nhiễm trùng, chết thằng cha mi à?
Đứa bé khiếp vía im lặng, rồi rên rỉ van lơn:
- Mạ Thuấn tê... Mạ Thuấn băng không đau...
- ừ, để chú bộ đội băng xong, mạ sẽ bồng đi mạ Thuấn...
- Không... Không... Mạ Thuấn băng tê...
Người mẹ chực trào nước mắt, vừa lúc đó, một dáng người nhỏ nhắn choàng chiếc áo mưa màu xanh lơ bước vụt vô nhà. Lợi chưa kịp nhận ra ai thì người mẹ đã kêu lên:
- Ui cha thiệt may, cô Thuấn đây rồi.
Đám đông cùng ngẩng lên, ngạc nhiên ngó cô gái, chào lao xao. Cô gái dạ khẽ một tiếng rồi lướt vội vô chỗ đứa bé. Con Kim đã trông thấy cô, mặt nó rạng lên. Nhưng có lẽ vì đau quá, nó không reo lên được, miệng nó chỉ hơi mỉm cười, khe khẽ gọi: "Mạ!..."
Cô gái cúi xuống, vòng tay ôm choàng lấy nó. Người nó to và nặng quá, cô gái lễ mễ đi lại chiếc ghế băng và ngồi xuống đó. Đặt con Kim lên hai đùi của mình. Đoạn cô ngước lên bảo anh y tá:
- Anh thay băng giúp cháu!...
Anh y tá vẫn chưa hết ngơ ngác ngó con Kim lại ngó cô giáo trẻ. Rồi đột nhiên anh tủm tỉm cười, loạc xoạc soạn từ trong túi ra những panh, kéo, cồn...
Bà chủ nhà thở ra, hỏi cô gái:
- Răng cô nghe được tiếng cháu gọi mà tới?
Cô gái mỉm cười rồi quay qua nói với mẹ con Kim:
- Ăn cơm tối xong út chạy qua thăm cháu ngay. Nghe nó nó bị sốt, chị bồng lên đây, út mới vội chạy đi...
- Khổ... cô vất vả vì các cháu quá. Lúc sáng nghe bom nổ ở phía xóm mình, bọn tui hết cả hồn. Chạy từ ngoài đồng về tới nơi thì mọi việc đã xong xuôi. Thiệt ơn cô quá!...
Cô gái lại mỉm cười. Cặp mi dày, đen thẫm khẽ chớp chớp:
- Cũng may có một anh bộ đội chạy tới giúp.
Cái giọng ồm ồm của chính trị viên lại chồm lên:
- Hứ? Bộ đội nào?
- Dạ... cháu không biết tên. Cái anh chi người cao cao, hơi gầy, mắt hơn dài dài...
Lợi suýt bật cười, anh lẹ vội ra đằng cửa hè, bước mau.
Ở trong, chính trị viên kêu toáng lên:
- Thôi rồi, rứa thì đúng nó rồi. Trách chi nó vẽ... - Nói rồi Lịch chạy vội qua giường. Nhưng Lợi đã chuồn ra chiếc lán của anh y tá phía sau.
Lịch đuổi kịp, đôi tay vạm vỡ chụp lên vai Lợi. Mặt Lợi đỏ gay lên. Lịch kéo Lợi vô ngồi xuống tấm ván trong lán y tá, hịong anh đầy xúc động:
- Cậu khá đó. Mai tau phải cho cả đơn vị học tập.
Lợi kêu rối rít:
- Ấy chết, đừng thủ trưởng...
- Đừng là răng? Việc mi làm thì cũng chưa có chi ghê gớm. Nhưng cái ý nghĩ của mi thì cần phải để cho nhiều người cùng nghĩ. Răng là hạnh phúc? Ừ, một cô giáo trẻ đã sống hết lòng vì bọn trẻ, rứa là cô ấy được cả một đàn con. Còn người chiến sĩ chúng ta, chiến đấu không tiếc xương máu mình cho tất cả. Người chiến sĩ đó phải có tất cả. Đúng không?
- Dạ. Nhưng... thủ trưởng đừng nhắc chi em cả.
- Hừ, rứa thì cũng chưa tốt. Không dám cho người khác biết cái suy nghĩ của mình. Rứa là khiêm tốn hí? Không phải đâu?
"Ông này cứ tưởng bô bô rứa, hóa ra cũng lý luận ra trò". Lợi thoáng nghĩ vậy rồi nói lảng:
- Khi sáng thủ trưởng hứa chi, nhớ không?
- À... ừ - Lịch hơi cúi xuống, đầu gật gù. Rồi bất ngờ anh ngẩng lên ngó chằm chằm vô Lợi - Tau tin mi, tau nói. Nói cho mà nừng nhưng khoan mở miệng nghe chưa?
Ngừng một chút như để cân nhắc các điều có thể tiết lộ được, giọng chính trị viên thều thều sát tai Lợi:
- Chúng mình sắp được làm nhiệm vụ rồi. Lẽ ra còn một tháng tập huấn nữa, nhưng bỏ. Bữa ni khu đội đã sáp nhập với "thằng" 270 rồi. Làm ăn to đó, mi ạ. Tau tin ở anh em mình. Lính bữa ni khác xa bọn tau hồi đánh Pháp. Bọn bay đứa nào cũng thông minh. Phải chi không có thằng Mỹ, thì bọn bay còn được học hành tới nơi, tới chốn, khá hơn nhiều. Nhưng thôi, đừng nuối tiếc nữa. Nghĩ cho cùng thì đó cũng là một hạnh phúc, phải không mi? Đừng tưởng "hy sinh" nghĩa là mất. Tau nghĩ khác. Cha ông thường nói, của cho là của được. Cho xương máu, cho của cải, cho cả cái tuổi vui chơi học hành rồi thì mình sẽ được lại cái lớn hơn, cái độc lập - tự do, cái quyền làm chủ đất nước. Tau không nói chính trị với mi đâu. Cái hồi chống Pháp xong, trên bảo bọn tau chuyển ra khỏi quân đội. Đau lắm mi à! Đến chừ, hai tay trắng gây dựng nên cái nông trường ngó chưa thỏa con mắt, trên lại bảo tái ngũ, ra đi. Lại đau thêm lần nữa. Nhưng rồi nghĩ lại, chẳng thể ngồi khư khư ôm lấy mấy lô tiêu, lô cà phê trong lúc đất nước đang trong họa mất còn. Lưng mình sức mấy mà che nổi bom. Rứa là đi!
Lịch ngừng lại một tý, nuốt khô một cái trong cổ rồi lại nói, giọng nhỏ dần:
- Tờ báo tường mi làm đó có lẽ là tờ cuối cùng gửi lại trên đất Bắc. Tau cũng chưa hình dung nổi công tác chính trị trong chiến đấu sẽ làm cách răng. Nhưng báo tường thì e chịu rồi. Chiến đấu thì không tránh khỏi hy sinh. Sau ni đứa nào còn sống, trở về nhìn thấy tờ báo tường lại nhớ đến nhau. Hạnh phúc!... ừ, mi khá!
Lịch cười run run, xịt mũi mấy cái liền. Lợi biết thủ trưởng đang xúc động thực sự. Anh ấy giản dị quá. Cả sự xúc động cũng rất đơn sơ. Lợi bỗng thấy dâng lên trong người một tình yêu kỳ lạ. Được sống với những người như vậy cũng là một hạnh phúc lớn lao!
*
Trời về đêm lại lác đác mưa.. Những hạt mưa mịn như cám rắc mỗi lúc một dày, loáng mờ lối đi. Từ trong nhà y tá ra, Lợi nép mình vô bụi lồ ô, căng mắt ngó ra đường. Gió lùa từng cơn, khóm lồ ô rùng mình xao xác.
Một tấm ni lông loạc xoạc lướt qua trước mặt. Lợi nheo mắt ngó kỹ rồi kêu khẽ:
- Cô giáo phải không?
Tấm ni lông hơi chững lại. Một tiếng reo nhỏ:
- Anh!...
- Cháo Kim ra răng rồi?
- Dạ... nó ngủ được rồi. Tội nghiệp!...
Cô giáo khẽ thở dài. Lại một ngọn gió nữa lùa qua. Những hạt nước to đổ lốp bốp trên tấm ni lông. Cô giáo ngước lên:
- Anh về chưa? Mà không có áo mưa à? - Giọng cô bỗng nhỏ hẳn lại - Đi với út vậy.
Hai bàn tay lờ mờ trong đêm mở bung tấm ni lông. Một chút ngần ngừ rồi Lợi đành nép mình vào, đưa một bàn tay cầm lấy múi áo mưa, đầu cúi xuống, hai đôi chân bước chậm gần như đều nhau. Mưa vẫn giăng kín mít, mặt đường loang loáng trắng mờ. Im lặng. Những hơi thở như nén lại, căng dồn.
- Nhà O Thuấn ở đâu?
Cô giáo có vẻ ngạc nhiên khi nghe Lợi gọi đúng tên mình. Hơi thở chợt ngừng một tý rồi tiếng đáp bật ra khe khẽ:
- Đi qua cái giếng nước, tới một vạt sắn, vô cái ngõ trái là nhà út. Khi nào anh tới chơi! Mà... anh tên chi hè?
Lợi nín lặng. Đã bắt đầu hỏi tên nhau. Rồi tiếp sau còn những chi nữa? Những trang sách xưa nay viết về những cuộc gặp gỡ vô tình đều không lúc nào dừng lại ở sự vô tâm. Nhưng chừ là "mình" chứ đâu phải là nhân vật trong sách. Một cảm giác kỳ lạ, mới mẻ từ đâu đó hòa qua thái dương. Người anh rân rân nóng. Từ ngày trưởng thành lên cái tuổi thanh niên, anh đã gặp không ít những cô con gái. Họ biết tên anh cũng nhiều, nhưng rồi có ai nhớ? Ngay cả những đứa bạn cùng lớp, gần nhau từ thuở còn quàng khăn đỏ, rứa mà đã chắc chi còn nghĩ tới mình! Huống chi những người chợt gặp, chợt xa trên một đoạn đường. Rồi mai mốt mình đi... ừ, mà đã đi thiệt rồi, lại một đơn vị khác đến, lại "Anh tên chi hè?" "Anh vô nhà út chơi!"... kỳ cục thiệt. Con gái sinh ra, gần như ai cũng có một cặp môi xinh như vẽ để mà chào, mà mời và cao hơn là để hẹn ước. Còn con trai sinh ra để mà hấp, mà tưởng bở rồi cuối cùng quay lơ ra vì thất vọng. Bất giác Lợi nhớ tới "bà chị" gặp ở bến đò hôm đi tuyển quân. Nói như "bà ta" rứa mà hay. "Chỉ một mình tôi biết anh là đủ"...
Mãi nghĩ, Lợi đã đi qua cổng nhà mình. Anh dừng vội lại.
- Chết, tôi ở đây mà.
- Rứa à? - Cô giáo kêu khẽ lên rồi im vội - Thêm một chút ngần ngừ, Lợi buông nay ni lông:
- Thuấn về nghỉ, nghe!
Cô giáo cúi lặng, tấm ni lông bùng nhùng trên đầu.
- Út... vẫn chưa biết tên anh?
Lợi cười nhẹ, hai tay đút vô túi quần, vai khép lại như để tránh những hạt mưa.
- Thôi không cần. Mình tôi biết Thuấn là đủ.
Không có tiếng cười đáp lại, cũng không ai chào thêm câu nào. Tấm ni lông khép dần lại bó tròn lấy tấm hình nhỏ bé. Mưa vẫn giăng giăng. Lợi đứng ngó theo bóng chiếc ni lông loang loáng mờ dần trên con đường loáng nước. Bất giác anh cảm thấy đã tuột khỏi tay một cái chi. Cái chi hè? Ờ, một tấm áo mưa!
CHƯƠNG SÁU
Thuấn bị ốm cảm mất hai ngày không đến lớp được. Có lẽ mấy hôm ni thời tiết đổi. Nắng lên như một tấm khăn mỏng lau sạch những mặt lá sau gần nửa tháng trời ẩm ướt. Mặt đất hâm hâm nóng và đã bắt đầu bốc hơi.
Thuấn nằm trăn trở trong lớp chăn dù mỏng, mái tóc xõa rối trên mặt gối trắng tinh. Tiếng máy bay rầm rì như tiếng cối xay dai dẳng trên mái nhà. Một cảm giác khó chịu, bực bội cứ vo vo trong đầu Thuấn. Sáng ni bố mạ lại cãi nhau. Từ ngày máy bay Mỹ ném bom ra miền Bắc tới ni, tính bố thay đổi một cách kỳ cục. Chung quy là vì sợ. Mỗi lần có tiếng máy bay là cả cái thân hình khô đét của ông Tớn lại run lên bần bật. Đôi môi tái nhợt gần như dính bết lại với nhau. Đôi mắt ngày một Hốc hác, lơ láo như kẻ mất hồn. Đổi lại, mạ của Thuấn thì hăng hái hẳn lên. Không một đêm hội họp nào bà Hào vắng mặt. Không một ca thương binh nào từ trên các trận địa cao xạ chuyển về mà không có bàn tay coi sóc của bà. Tất cả những chi trong nhà có thể đóng góp cho xã hội là bà mang cho hết. Buồng chuối mới trổ cũng chặt. ổ gà đang ấp cũng mang đi. Rồi bà cũng đi thâu đêm thâu ngày. Rứa là đùng đùng đẻ ra cái máu ghen ở người đàn ông sắp tàn hơi kiệt sức kia. Thiệt là khốn khổ, khốn nạn. Cơ chi trai trẻ cho cam, đằng ni sắp xuống lỗ rồi. Sắp chết thì sợ chết, không đủ sức ân ái nữa lại hay ghen. Mà đâu có ghen bóng ghen gió như người ta cho dễ coi. Đằng ni thì quá quắt. Cứ mỗi lần bà Hào đi họp khuya về là cái bóng lèo khoèo của ông Tớn lại chồm ra. Một tay ông túm lấy mớ tóc cụt lủn của bà, một tay kia quơ quơ, sờ sịt ra đằng sau mông đít. Vô phúc đêm nào bà Hào quên ý ngồi lên chỗ nào đó để đũng quần ướt hơi sương thì là ông Tớn gầm lên. Ông gầm lên nhưng tiếng chẳng vang xa cho, nó cứ treo tréo như tiếng con cánh cam nghiến răng ngoài bụi chè, nghe càng khó chịu. Làng xóm thì chẳng mấy người biết. Cái tiếng treo tréo ấy rốt cuộc chỉ xoáy vào tai Thuấn. Vì rứa mà Thuấn thường đến lớp rất sớm. Dạy xong cô lại quét dọn, sắp xếp đồ đạc trong lớp và về nhà rất muộn. ở với bọn con nít cô thấy vui hoài.
Sáng ni trời nắng, máy bay mò ra rất sớm. Âu cũng nhờ rứa mà cơn ghen của ông Tớn phải chấm dứt vội vàng. Ông vớ cái đùm áo quần gói sẵn treo ở múi kèo rồi loáng quáng chạy ra ngõ. Trong nhà đã có hầm lát gỗ khá chắc chắn nhưng ông không thèm nấp, vì ông cho rằng người ta đã ngó thấy chiếc hầm ấy, tức là lộ rồi. Ông cũng không thèm chạy dọc đường hào. Bởi chạy theo đường hào thì ngó lên cũng thấy rõ trời, cũng lộ. Rứa là ông cúi đầu chui qua các bụi tre, bụi ngấy. Gai cào nát tươm vai áo. Mặc kệ! Cứ chui vậy không ai ngó thấy, mà ông cũng chẳng ngó thấy ai, khỏi lộ. Rồi ông băng qua các trạng sắn mà chạy tới hầm riêng của mình. " Hầm " của ông ở đâu thì có trời mới biết! Nhiều buổi mạ Hào và Thuấn thay nhau xách cơm cho ông tìm nát bụi nát bờ không thấy. Có khi mãi tận xế chiều Thuấn mới phát hiện ra tiếng sột soạt ở trong một lùm chạc chìu. Dừng lại ngó, thấy mấy cái lá chạc chìu động đậy. Thuấn vội vàng chạy đến vạch chùm lá ra coi thì gặp ngay đôi mắt bạc phếch, tròn như mắt thỏ của ông Tớn.
- Khổ chi khổ! Mi làm lộ chỗ tau rồi.
Ông Tớn kêu lên chí chóe rồi lồm cồm chui ra. Thuấn chưa kịp túm lấy tay ông thì cặp chân lèo khoèo kia đã vùng chạy. Thuấn đuổi thì ông chưởi. Cô đành đứng im ngó theo bóng người cha mà nước mắt chảy ròng ròng...
... Thuấn thấy mình chẳng khác chi cái cầu bập bênh. Một đầu là những tâm hồn trong trắng vô tư dạt dào xúc cảm của lớp trẻ. Đầu kia là sự hoảng loạn, cỗi cằn gần như rối trí của người cha. Một năm ni Thuấn sống không bình thường trong sự lắc lư đó. Rồi không biết bắt đầu từ hôm nào, buổi nào, tự dưng Thuấn thèm có một điểm tựa cho chiếc cầu khỏi bấp bênh. Khát muốn đến thật bất ngờ làm tê mê da thịt và choán ngập gần khắp tâm hồn cô.
Có lẽ nắng đã lên cao lắm. Thuấn cố lật người ngó qua các khe hở của phên liếp. Những đốm sáng chờn vờn, chông chênh liệng qua liệng lại như cánh bướm dập dờn. Có tiếng ru con ở nhà nào đó vẳng tới, khàn khàn, lơ mơ. Hai mi mắt Thuấn trĩu nặng. Những đốm sáng như cánh bướm cứ mỏng dần, mỏng dần rồi nhòe ra vàng mờ trước mặt...
... Tiếng ra con khàn khàn nghe mỗi lúc một to rồi không hiểu răng lại rè rè như tiếng máy bay khu trục. Mà tiếng máy bay thiệt. Máy bay xúm xít vòng liệng như bầy chuồn chuồn rối rít sau cơn mưa. Bom rơi xuống từng chùm. Khói cuốn dày đặc. Mà lạ quá, không hề nghe tiếng nổ. Mặt đất chao nghiêng, chao ngửa. Người Thuấn bị tung lên lơ lửng giữa khoảng không cùng với khói. Thuấn cố mở mắt ra. Ơ kìa, các em của Thuấn, con Mai Vi, con Hoa, con Thu Yến nữa... Trời ơi, chúng nó cũng đang lơ lững như Thuấn. Những cái miệng há tròn kêu mà không thành tiếng. Những đôi tay mũm mĩm chới với bắt nắm các vòng khói cuộn đen. Thuấn cố cựa mình, giật tung ra khỏi vòng khói để lao đến. Một quả bom ta bằng cái chum đựng nước đang trôi rất chậm. Nó trôi như có một lực nào đó hút tới. Thuấn rướn mắt ngó theo. Thôi rồi, con Kim đang nằm giãy giụa đằng kia. Chân nó sưng vù lên. Quả bom lừ lừ trôi đến. Thuấn đạp mạnh đôi chân. Quả bom bỗng lao vun vút. Thuấn hét lạc giọng:
- Chạy đi! Kim! Ch... ạ... y...!
Vòng khói quanh người đột ngột tan vụn, Thuấn rơi ập xuống đất. Cô mở bừng hai mắt ra, mồ hôi đầm đìa mặt gối. Mồm Thuấn vẫn thoảng thốt lắp bắp": Con Kim đâu?... Kim?..."
Nhưng con Kim không có ở đây. Một khuôn mặt xương hơi dài, đôi mắt xanh thẫm đang ngó chăm chăm vô Thuấn. Ai mà ngó quen quá? Thuấn chợp mắt mấy cái liền rồi kêu khẽ:
- Chết, anh! Anh tới khi nào?
- Tôi tới đã một lúc rồi nhưng không dám vô buồng. Lúc rồi nghe Thuấn hét dữ quá tôi mới phải chạy tới... Mê chi khiếp vậy?
Nói xong Lợi quay lưng bước ra khỏi buồng. Anh ngồi xuống chiếc ghế dài, trên tay cầm cái ấm đã khô nước, lắc lắc.
- Gia đình đi đâu vắng cả, cô Thuấn?
Thuấn vẫn còn bàng hoàng như chưa dứt hẳn khỏi cơn mê. Không, cơn mê qua rồi. Nhưng Thuấn vẫn bàng hoàng, xao xuyến. Anh ấy đến thăm mình thiệt ư? Cô chống tay ngồi dậy, rút chiếc khăn lau khô mồ hôi trên mặt. Hai tay xòa rộng ngón xốc lại mái tóc vén ra phía sau, rồi Thuấn đứng lên, tần ngần bước ra ngoài.
- Để út lấy nước uống...
- Thôi, khỏi. Cô đang mệt cứ nằm mà nghỉ.
Hai người ngồi đối diện nhau qua chiếc bàn gỗ nhưng cả hai đều quay nghiêng mặt ngó ra sân. Gió đã chuyển góc về hướng đông. Lá chuối khô trước vườn khua vào nhau xào xạc. Có lẽ đã gần trưa.
- Cô Thuấn ốm mấy hôm rồi?
- Dạ, từ chiều kia đến chừ không tới lớp được, nhớ bọn nhỏ quá!
- Lớp có mấy cháu tất cả?
- Dạ, mười bốn.
Thuấn hơi cúi xuống, đầu dép đá đá lên nền đất, giọng cô nhỏ lại.
- Chúng nó cứ hỏi anh hoài.
- Ai?
- Mấy đứa trẻ nớ. Con Thu Yến, anh nhớ không? Cái con có mớ tóc vàng vàng ấy. Buồn cười thiệt. Nó cứ bảo: "Răng chú bảo mạ thương mà mạ không thương?".
Thuấn cười, vành môi mở hơi rộng và trên má bất ngờ xuất hiện hai xoáy nước bé tẹo. Lợi ngạc nhiên. Hôm nọ răng mình không nhận ra đôi núm đồng tiền ấy? Anh quay mặt đi nhìn hướng khác.
- Còn cái Vi Hoa ấy mà, nó làm út ngượng chín mặt. Nó nói... Mà thôi nỏ nói nữa.
- Răng không nói?
- Xì, con nít nó nói láo vậy, đừng nghe.
Lợi mỉm cười. "Con nít" mà cô ta lại bảo: Chúng nó cứ hỏi anh hoài, y như nhắc đến đám bạn bè nào vậy. Bất giác anh thốt ra mấy tiếng gần như không phải để nói với Thuấn:
- Thuấn hạnh phúc thiệt!
- Răng? - Thuấn ngước vội lên, đôi tai ửng đỏ. Nhưng chỉ thoáng một tý, đôi mi dày đen thẩm ấy lại khép xuống, lặng buồn. Lợi nhận ra ngay, nói vội:
- Chắc Thuấn thích nghề dạy trẻ lắm?
- Dạ...
- Mà cũng ít người được bọn trẻ yêu mến đến vậy.
Thuấn nín lặng, nhìn lảng ra ngoài. Nắng trưa như xôn xao hơn. Có con gà trống tơ nhà ai đó chạy tới đứng ngay dưới gốc bụi chè trước cửa. Nó cất tiếng gáy trưa run run, lạc lõng.
- Nhưng mà, Thuấn nói rất nhỏ, chỉ có bọn con nít yêu thì đâu phải là hạnh phúc?
Bốn con mắt gặp nhau nhanh vội như một tia chớp. Lợi đã bắt đầu thây lúng túng, anh triết lý vu vơ:
- Tất nhiên, hạnh phúc là một sự ham muốn vô cùng...
Sự nhạy cảm của một tâm hồn đã tiếp xúc khá nhiều với những trang sách, khiến Lợi bắt nhận được ngay cái hơi lửa chờn vờn trước mặt. Còn Thuấn thì như chiếc cầu bập bênh đã lệch hẳn. Một hòn bi đang lăn hối hả xuống điểm chạm cuối cùng...
Cũng may "hòn bi" kia dừng lại được nhờ có tiếng dép lẹp xẹp kéo mệt mỏi từ ngoài ngõ tiến vô sân. Hai người cùng ngó ra. Bà Hào về, khuôn mặt xương xẩu của bà lấm tấm mồ hôi, hai mi mắt nhấp nháy liên hồi trong nắng. Như không nghe lấy tiếng Lợi chào, bà đặt bịch mủng cơm xuống bàn, vịn tay vô cột nhà, ngồi bệt xuống chiếc đòn nhỏ dưới chân cột.
Thuấn dỡ nắp đậy mủng cơm rồi kêu lên:
- Trời, bố không ăn cơm à?
Bà Hào thở dài, chán ngán:
- Có tìm ra ông ấy đâu mà cơm với nước...
- Hôm qua, bố đào hầm ở cái lùm chạc chìu cuối truông Trấm mà?
- Đào, trấm với trá. Có thiên lôi mới mò ra được hầm của ông ấy. Khổ, người đâu có người...
Bà Hào đưa ông tay áo lên quệt ngang qua mặt. Đôi mắt bà lại nhấp nhấp liền mấy cái rồi cố mở to ra. Mãi đến lúc đó bà mới ngó thấy Lợi.
- ờ... Chú! Chú tới chơi?
Lợi lúng túng đứng lên:
- Dạ... Cháu... Cháu đi xin tre...
- Xin tre làm chi chú?
- Dạ làm... Làm cái cán cờ...
- Cờ làm chi chú?
- Dạ... Cờ... mét tinh ạ.
Đôi mắt bà Hào hơi rướn lên:
- Ơ, lễ chi mà mét tinh chú?
Lợi loay hoay như một người ngồi trên đống cọc nhọn. May mà Thuấn đã nguýt mạ:
- Mạ thì hay chưa? Việc bộ đội cứ hỏi hoài!...
Bà Hào cười như để xin lỗi rồi đứng dậy chỉ với ra vườn:
- Có cây tre trọc trọc ở lùm lồ ô đó, được không? Rựa đây.
Bà rút cây rựa trên mái nhà đưa cho Lợi. Đã đến nước ấy thì hết lý do nấn ná. Lợi miễn cưỡng cầm rựa, miệng lắp bắp:
- Dạ... cám ơn bác!... Cháu xin.
*
Báo động!
Hai tiếng ấy gần như gắn thường xuyên cùng nhịp thở của người lính. Báo động! Không trừ một giờ phút nào của hăm bốn tiếng đồng hồ trong ngày. Đó là lúc tập trung cao nhất sinh lực, ý thức và thái độ của một chiến sĩ trước mệnh lệnh. Đó cũng là thời điểm duy nhất mà mọi lo toan cá nhân, mọi nhớ nhung riêng tư đều biến vụt hết. Trong đầu chỉ còn lung bung hai tiếng "báo động", cùng với nhịp điệu hết sức khẩn trương, gãy gọn của hai tay quơ, quàng, xách, hai chân luýnh quýnh xỏ giày, trống ngực đập chộn rộn, hơi thở kìm lại trong những vành môi mím chặt...
Từ các ngách đường hào, xẻng cuốc chạm nhau lách cách, đất rơi lạc rạc, tiếng bước chân thình thịch chuyền dài.Tiểu đội trưởng đứng nép tránh qua một bên ngách hầm, sờ từng bả vai lướt qua để nhận dạng các chiến sĩ. Tiếng báo cáo thì thầm truyền lên: "Tiểu đội một đủ!". "Tiểu đội hai đủ!". "Tiểu đội ba...". Mấy phút sau cả đại đội đã đứng im phăng phắc trên một bãi đất pha cát dưới rặng phi lao, cách xa xóm đóng quân chừng nom cây số.
Gà đã gáy ran trong thôn.
Có ánh đèn pin vụt lóe lên phía đầu đoàn quân, một giọng nói là lạ phát ra:
- Quân số đủ chưa?
Tiếng trung đội trưởng trực ban đáp:
- Báo cáo chính trị phó, tổng số đơn vị 64, năm đồng chí đi địa hình, hiện còn 59 tập hợp đủ!
- Tốt lắm!
ánh đèn pin lóe chớp rồi cái tiếng là lạ kia bỗng vang lên một cách hơi quá đáng:
- Ngồi xuống! Các đồng chí trung đội trưởng lên hội ý.
Từ đầu các hàng quân những bóng người lao vọt lên lom khom chụm lại dưới một gốc phi lao.
Trong hàng quân, Thái nhoài người lên sát Lợi thì thào:
- Nì... Hình như có chuyện thiệt rồi?
- Xuỵt!
- Có vẻ quan trọng lắm, khéo không chiến đấu thiệt!
Lợi không trả lời. Việc đơn vị sắp đi chiến đấu Lợi đã được chính trị viên tiết lộ hôm trước. Nhưng không lẽ lại đột ngột đến mức này ư? Vô lý! Anh cố căng mắt nhìn xoáy vào bóng đêm hướng tới gốc phi lao kia để đoán coi cái người được gọi là "chính trị viên phó" ấy là ai?Nhưng không răng đoán nổi. Trong quầng sáng ít ỏi của chiếc đèn pin được bịt nhỏ chỉ nhìn thấy một bàn tay trắng trẻo đang vạch lên cát. Lát sau cuộc hội ý kết thúc, các trung đội trưởng lao về hàng quân của mình. Cùng một lúc các khẩu lệnh vang lên:
- Đứng dậy! Theo tôi, chạy!
Gió sớm phả vào tai ù ù. Những bước chân rậm rịch gấp gáp. Phương đông đã gợi dần lên màu đỏ. Những mái nhà ngoài rìa thôn le lói hắt ra ánh lửa. Có cảm tưởng như đại đội đang chạy tập thể dục buổi sáng. Những bước chân dần dần đều lại, rầm rập nhịp nhàng.
Vượt qua khu đồi đất pha cát, đại đội băng rừng tràm, nhằm thẳng choi ruộng thôn Bàu mà chạy. Lợi căng đầu suy nghĩ: "Tập hay là thiệt?". Bình thường có lúc nào lại báo động chạy về hướng ni đâu. Hay là thiệt rồi. Chẳng lẽ không kịp nói một câu từ biệt! Lợi thấy gan ruột xốn xang. Mỗi một ngày con người lớn khôn thêm một chút, lại cộng thêm một chút nợ nần, nhân thêm một chút nhớ nhung... Thoáng một giây Lợi nhớ đôi mi dày đen thẩm khẽ chớp chớp trên mặt gối trắng tinh. Thôi, hãy coi như một trang giấy, vừa được lật qua. Lần ni đi, chưa biết lúc nào mới trở lại. Lợi bỗng thấy ngường ngượng, có cái chi mang máng chất tiểu thuyết quá trời.
Cả đại đội vẫn chạy. Lợi nghĩ, tại răng không có đại đội trưởng? Không có chính trị viên? Cả đại đội cắm đầu chạy theo một giọng nói là lạ thỉnh thoảng phả lại ngược chiều một mệnh lệnh: "Chuyền sau bám sát cự ly!" Vẫn không hiểu "ông chính trị phó" ấy là ai, xuất hiện ở đại đội nào. Nhưng mệnh lệnh vẫn là mệnh lệnh! Với một đoàn quân mệnh lệnh là sợi chỉ xuyên qua mọi suy nghĩ xâu thành một chuỗi kéo về một mối. Mệnh lệnh là con số "Một" đứng hàng đầu để nối tiếp đằng sau nó những con số chẵn, số lẽ tạo thành những tổng số hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn... Vì vậy người chiến sĩ muốn mình khỏi rớt lại, khỏi tách ra ngoài tổng số lớn lao kìa thì không có cách chi khác hơn là làm theo mệnh lệnh.
Cả đại đội lao như tranh chấp với ráng hồng của bình minh. Các khuôn mặt hửng đỏ, mồ hôi vả như tắm. Vượt khỏi choi ruộng thôn Bàu, những bước chân rầm rập tiến về trạng Dài nơi đóng quân của tiểu đoàn bộ.
ở các hướng khác, những đơn vị bộ binh cũng vừa đến kịp. Chừ thì Lợi đã có thể nhìn rõ cái ông "Chính trị viên phó" kia có dáng người thon thả bảnh bao như một giáo viên, khuôn mặt tròn mái tóc hơi quăn, lông mày công đều như hai nét vẽ. Chính trị phó chạy tách ra khỏi hàng quân và đột ngột hô lên bằng cái giọng không lấy chi làm chả chuốt như con người anh ta:
- Đứng lại!
Những bước chân phanh đột ngột. Từ trong mái nhà lợp lá tiểu đoàn trưởng bước ra. Sau ông là các chính trị viên đại đội. Một khẩu lệnh đâu đó bất ngờ vang lên sang sảng:
- Đại đội hàng dọc, tiểu đoàn hàng ngang, tập hợp! Lợi lẩm bẩm một mình: "Thằng Thái nói rứa mà đúng. Có chuyện thiệt rồi!"
*
Quả có chuyện thiệt!
Tiểu đoàn nhận lệnh chuẩn bị xuất kích. Các đại đội trưởng đã đi địa hình trước. Đơn vị chuẩn bị khẩn trương, bí mật tuyệt đối sẵn sàng hành quân bất cứ lúc nào. Mệnh lệnh như một hơi gió nóng lan ngập toàn tiểu đoàn, xốn xang những ánh mắt. Sau khi nghe tiểu đoàn trưởng phân tích tình hình, nói rõ yêu cầu nhiệm vụ, các chính trị viên đại đội chạy về đứng trước đơn vị mình nét mặt rạng rỡ như sắp bước vô ngày hội thi.
Đại đội trinh sát trở về tới xóm đóng quân thì mặt trời đã lên quá ngọn tre. Cả đơn vị xôn xao chộn rộn như có đám cưới. Từng tốp tỏa ra đi xin tre, đan sọt, giặt giũ quần áo, gói ghém đồ đạc. Cũng may là nhân dân đi làm đồng từ sớm, còn lũ trẻ con thì không thể đoán được những điều đằng sau các ánh mắt lấp lánh, đôi tay luýnh quýnh, dáng chạy tất bật của các chú.
Riêng Lợi còn thêm một điều bất ngờ nữa. Vừa về đến chỗ trú quân thì chính trị viên đã gọi lên ngay.
- Nì, đại đội tin đồng chí, giao nhiệm vụ "A" trưởng hí?
Lợi ngơ ngác chưa kịp hiểu thì cái giọng ồm ồm kia lại vang lên, nửa như đùa, nửa như dặn dò:
- Mi thì thông minh đó, nhưng làm cán bộ còn thêm cái chịu cực nữa. Ráng lên!
Lợi quên cả đáp rõ, anh bối rối ngó lên. Nhưng cái lưng to bè của chính trị viên đã khuất sau lùm chuối. Chỉ còn có người chính trị phó ngồi ở mút bàn, đôi mắt lim dim nhìn Lợi như dò hỏi. Mãi một lúc, cái giọng nói là lạ kia mới cất lên cụt lủn:
- Thắc mắc gì không?
- Báo cáo, không!
Lợi đáp lại cũng cụt lủn như vậy và dập gót chân, quay đằng sau rồi chạy ù về lán.
Có tiếng hát đâu đó vẳng tới. Chân Lợi hơi dừng lại. Tiếng hát của một người con gái? Mà không, tiếng nhao nhao của đám trẻ con? Phải rồi, lớp mẫu giáo! Tiếng hát non nới mà tự tin. Tiếng hát chao trong gió làm cho chân Lợi ngập ngừng muốn nghiêng đi. Có nên đến đó không? Đừng!... Nhưng mà chân Lợi vẫn bước lập cập hút theo tiếng hát. Chao ôi, sắp xa rồi! Cho đến phút này Lợi mới nhận ra lòng rõ ràng mình đã nặng cảm vì cái sân trường mẫu giáo đó. Đã gần chín tháng tuổi quân, coi như kết thúc một năm học, nhưng là một năm của cấp mới, không phải cấp ba, cũng không phải cấp đại học, cấp người lớn, cấp trưởng thành! Chừ thì Lợi đã có thể tự lắng nghe được tiếng thầm thì ở nơi sâu nhất trong lòng mình, không phải do đoán suy luận trên trang sách nữa. Tiếng thầm thì đang vang lên đó, vang lanh lảnh cao hơn những tiếng đồng thanh non nớt kia. Chín tháng về trước, Lợi đã giã từ căn nhà, bậc cửa ra đi, nhưng lại chui vô những căn nhà, bậc cửa khác mà ở. Xóm thôn nào trên cái đất Vĩnh Linh này mà chẳng có những dáng dấp giống nhau. Lại gặp bao nhiêu vườn mít sai quả, bao nhiêu hàng râm bụt cắt bằng dọc ngõ... Xa cái trường cấp 3 mười sáu bậc đá tổ ong, nhưng lại gần kề cái trống trường cấp 2 ngày bốn lần gióng giả. Nói cho công bằng, Lợi đã ra đi, nhưng chưa phải dứt khỏi một kỷ niệm nào hết. Lần ni thì khác, xa mới thực là xa. Biết tìm nơi đâu trên chặng đường hành quân mai đây, đôi lúm đồng tiền trên cặp má bầu tròn kia, đôi môi cười hơi rộng ấy và đặc biệt là cặp mi dày đen thẫm hay chớp chớp mỗi bận ngước lên...
Tiếng hát vẫn chao qua chao lại trong gió. Đôi chân Lợi cũng chao về phía đó, mỗi lúc một gần thêm.
Kia rồi! Thuấn đứng ở giữa, lưng quay ra đường, bọn trẻ vây quanh mắt nhìn ngược lên tay cô giáo, chân líu ríu bước thành vòng tròn. Lợi dừng lại bên này hào đứng nhìn như thể bị thôi miên. Đôi tay Thuấn đang uốn lượn, cả dáng người tròn trặn cũng khẽ nhún cho đám trẻ học theo. Tiếng hát lẫn trong tiếng hát. Thuấn đâu có biết, đằng sau lưng cô, phía ngoài bờ hào ấy có đôi mắt đang đăm đăm ngó vô. Bất giác Lợi thở dài. Giờ phút ni Thuấn đã hóa thành đứa trẻ, nghĩa là cô ấy quên mất sự rạo rực của trái tim đã biết yêu đương. Hoặc là cô đang say sưa với cương vị một giáo viên, chỉ huy mấy chục bàn tay uốn lượn, không còn nhớ đôi tay bối rối trong tấm áo mưa thùng thình đêm nọ. Mà cũng đúng thôi, một trái tim, cùng một lúc khó mà san đều cho hai phía. Tốt hơn hết mình nên rút lui để bọn trẻ kia được hưởng trọn vẹn sự hiến dâng của trái tim cô giáo. Lợi sực nhớ đến cái chức vụ vừa được giao. Thôi chết, mình cũng là một người chỉ huy kia mà. Giờ ni cả tiểu đội đang chờ. Những bàn tay đan sọt, gói áo gấp quần, những bàn tay buộc dây lau súng... Rồi mai đây tay gậy, tay dây vượt sông leo núi hoặc cắm lê, bóp cò, tất cả đều cần sự hướng dẫn của người cán bộ chỉ huy. Lúc đó liệu mình có quên được những bối rối lúc này không? Thôi, mọi cái hãy bắt đầu từ phút này.
Lợi quay ngoắt trở lại, cắm đầu chạy miết.
Đăng ngày 23/03/2010