Saturday, October 3, 2015

CỬA GIÓ - chương 9 & 10


Tác giả: Xuân Đức

CHƯƠNG CHÍN 


Một điều kỳ diệu đã xảy ra y như trong chuyện cổ tích. Khi những đứa co trai trẻ, một phần máu thịt ruột rà của Vĩnh Linh đặt chân lên bờ Nam sông Bến Hải, thì ở bên này sông, tại xóm Cửa, dưới căn hầm chữ A lấp cát, trong ánh sáng vàng khè của ngọn đèn thắp bằng dầu ma-dút, một công dân mới của Vĩnh Linh ra đời. Đứa con trai của chị Thảo.Niềm vui này đối với chị Thảo quá lớn lao, gần như cân bằng đứoc tất cả mọi nỗi đớn đau, mất mát mà chị phải chịu đựng bao nhiêu ngày tháng. Bởi vì, từ khi anh Quyền bị tai nạn giữa biển, chị cũng không ngờ, gần như cân bằng được tất cả mọi nỗi đớn đau, mất mát mà chị phải chịu đựng bao nhiêu ngày tháng. Bởi vì, ngay từ khi anh Quyền bị tai nạn giữa biển, chị cũng không ngờ có giọt máu cuối cùng của anh đã gửi lại cho mình. Nỗi đau dằn vặt, giày xéo thể xác khiến chị không còn nhận ra sự thay đổi trong người. Mãi hai tháng sau, nghĩa là sau khi thằng Sỏi, thằng Lợi nhập ngũ gần một tháng, chị mới đủ bình tĩnh để hiểu rằng mình đã có mang.
Đúng là điều kỳ lạ. Lần đầu tiên đứa bé ra đời trong một căn hầm. Hầm chữ A cũng có dáng hình tựa chiếc nôi. Hai mái hầm úp xuống hệt như chiếc màn phủ kín. "Màn" nhô cao lên trời, "nôi" lặn xuống đất, đứa bé ra đời trong sự cân bằng "âm dương" như lời ông Chẩn nói, cân bằng nỗi đau và niềm hạnh phúc, cân bằng cả sự đùm bọc của làng xóm bên nội và bên ngoại. Cái tuần chị Thảo chưa sinh, ông Chẩn chạy lên chạy về quên cả ăn cơm. Bà Thảo ngồi bên lo ngay ngáy. Lúc Thảo mệt ngủ thiếp đi, ông Chẩn, bà Thảo lại ngồi nói chuyện rù rì với nhau, chuyện xứ đồi, xứ biển, chuyện hợ tác ngư, hợp tác nông... Và tất nhiên không khi nào quên chuyện hai đứa con của cả hai nhà đã ra đi cùng một lúc.
Chừ thì đứa trẻ đã ra đời, đương nhiên là cái lộc non đến vụ đến kỳ phải nhú. Ông Chẩn hể hả vuốt chòm râu bám đầy tro củi, bà Thảo chạy ngước, chạy xuôi giặt tả, phơi chăn. Chòm xóm nội ngoại đến thăm ngồi chật ních nhà, nhòm xuống cái "nôi", nói cười hể hả. Ông xã đội trưởng chaỵ tới đầu tiên rồi lật đật trở về giục anh thường trực ủy ban tới tận nơi, ngồi ngay trên miệng hầm mà làm giấy khai sinh cho đứa bé.

Anh thường trực vừa đặt đít xuống nền cát đã hỏi:

- Nì, chị Thảo đặt tên cháu là chi?

Chị Thảo ú ớ rồi cười khì:

- Dạ, nhờ ông, nhờ bà, mấy bác, mấy thím coi hộ, kêu tên chi cho nó tiện.

Rứa là căn nhà lụp xụp bên mép biển bỗng dưng ồn ào, nhốn nháo những lời bàn cãi. Đàn ông vẫn cái giọng nặng như chì, đàn bà vẫn cái giọng the thé như vết dao khứa cá, nhưng mà họ nói chuyện vui, lại pha với những tràng cười hết cỡ nên nghe cũng không đến nỗi mệt tai.

- Tiến, Quyết Tiến được không?

- Ui cha, ai cũng Tiến, cũng "Thoái", rồi cũng kêu lầm, kêu lẫn hết.

- Rứa thì Hùng vậy, con trai đặt cái tên cho nó oách vô.

- Ấy chết, Hùng thời lại trùng tên với con dì Mậu...

- Trời đất, trùng thì đã sao? Chị phong kiến bỏ xừ.

- Thôi cứ "cu" mà gọi, lớn hẵng hay.

- Cu cu... các chị thì lúc nào cứ cu cu sẵn ở mồm, thèm lắm hỉ?

- Trời vật cái nhà anh đi! Ăn với nói...

Tiếng cười lại xé ra. Đám đàn ông bò lăn ra cát, cười sằng sặc. Đàn bà, con gái thì tựa vô cột nhà, phên liếp mà nhắm mắt há miệng, cười.

Đứa bé trong hầm khóc oe oe, chị Thảo nựng:

- Nào... xì xôi... xì xôi... Con tên chi hè? Nói đi? Mạ khai sinh cho hè... hè...

Nãy chừ ông Chẩn ngồi vân vê bộ râu, đùi rung nhè nhẹ. Rồi ông đứng lên, hai tay chấp trước bụng nói từ tốn như đứng trước đình làng:

- Chừ thưa mấy bác, mấy thím như ri...

Đám đàn ông, đàn bà bấm nhau im lặng, họ ngó cả vô ông tỏ vẻ tôn kính và chờ đợi.

- Tui thì nghĩ rằng tên Hùng tên Tiến đều hay cả, bởi nó nói được cái gan và cái chí làm trai. Tê nhưng phàm đã có chí, có gan thì thường kín tiếng chả mấy ai nói ra mồm.

Đám đông xầm xầm, gật gật. Một anh trạc tuổi trung niên lên tiếng:

- Rứa ý cụ răng xin cứ nói ạ!

- Dạ... tui thì tui nghĩ, con trai xứ biển ăn chắc, mặc bền, cái tên cũng phải mặn mòi mới đúng. Hơn nữa đời tui nay gần bảy mươi sống đã hai chế độ, chưa thấy có ai sinh đẻ dưới hầm. Âu cũng là điều mới lạ. Cho nên ... tui muốn cháu cứ lấy quách cái tên Hầm mà nhớ buổi khai sinh.

Đám đông phá lên cười hơ hớ:

- Ôi trời ơi, Hầm... Hầm!...

- Hô hô... Hầm... Nghe ngộ quá trời.

- Ngộ chi, hay đáo để. Cả làng chưa ai có tên đó, nghe...

- Anh cán bộ ủy ban cũng cười chảy nước mắt rồi cúi nhòm xuống cửa hầm, hỏi to:

- Răng chị Thảo? Nguyễn Hữu Hầm, ưng chưa?

Chị Thảo đè tay lên bụng mà cười. Rồi chị ôm con lên tay gọi giọng nũng nịu:

- ừ, thì Hầm, Hào chi cũng được. Gọi rứa cho nó đỡ sợ máy bay.

Anh cán bộ ủy ban đưa tay áo lên chùi nước mắt rồi mở trang giấy khai sinh kê lên đầu gối viết trịnh trọng:

Tên cha: Nguyễn Hữu Quyền. Mở ngoặc Liệt sĩ, đóng ngoặc. Mẹ: Lê Thị Thảo.

Con: Nguyễn Hữu Hầm.

Sinh ngày, tháng, năm...

Vừa lúc đó ở ngoài sân có hai người nữa khom người bước vào. Đi trước là xã đội trưởng Cảm. Sau lưng anh là một người cao lớn, chừng trên bốn mươi tuổi, khuôn mặt trắng hồng, cặp môi hoqi dày nhưng cân đối, đôi mắt sáng và dài. Anh mặc chiếc áo mưa bằng vải bạt, đi đôi ủng cao ống. Vừa vào tới hiên anh đã lên tiếng:

- Xin chào tất cả bà con.

Tiếng miền Bắc dịu dàng, đằm thắm khiến tất cả đám đông cùng đòng loạt ngoảnh ra.

Xã đội trưởng Cảm đứng tránh ra một bên, chỉ vào người khách lạ, nói:

- Giới thiệu với bà con và các đồng chí, chính ủy Trần Vũ mới từ ngoài Bộ vào bổ sung cho Bộ tư lệnh Vĩnh Linh. Hôm ni thủ trưởng về kiểm tra xã ta, nghe tui nói có một cháu bé con một liệt sĩ vừa mới ra đời, thủ trưởng đòi đến thăm liền.

Tiếng xì xào nổi lên:

- Chà, quí hóa quá...

- Thiệt là thủ trưởng!...

Người khách nở nụ cười đầy thiện cảm để đáp lễ mọi người rồi anh đi nhanh đến miệng hầm, cúi hẳn người xuống:

- Chị sinh cháu có khỏe không ạ?

Chị Thảo đáp lúng túng:

- Dạ... ơn thủ trưởng, khỏe ạ!

- Cháu được mấy cân hả chị?

- Dạ... gần bốn cân.

- Ô, to quá nhỉ? - Nói rồi khách đột nhiên ngẩng dậy, quay nhìn mọi người giọng dễ dãi - Mà tôi khen vậy , bà con có kiêng không đấy?

Mấy chị phụ nữ ngó nhau cười tủm tỉm. Một chị lên tiếng:

- Dạ, bày tui bỏ cái chuyện kiêng cự từ lâu rồi.

Người khách gật đầu rồi ngồi bệt xuống miệng hầm, mắt anh khẽ nhíu lại:

- Tôi nhớ cách đây mười năm, một hôm đi qua Vĩnh Sơn, cũng vào thăm một chị vừa sinh cháu. Khi khen cháu lớn quá, bà cụ vội vã trừng mắt rồi chạy thốc qua bếp, bốc nắm muối bỏ vào vào lửa. Mãi về sau tôi mới hiểu tục ấy.

- Răng, hồi nớ thủ trưởng cũng có vô đây à?

Chính ủy quay lại phía người hỏi, mỉm cười:

- Vâng, lúc đó tôi là thành viên trong phái đoàn quân sự. Chính tay tôi đã cắm những cột mốc giới tuyến từ Cửa Tùng này lên tới Cơn Dưới, Bến Tắt, Sê Păng Hiêng... À, mà cháu tên gì hả chị?

Chị Thảo khúc khích cười không đáp. Đám đông ngó nhau một lúc rồi như không nín được, cười phá lên. Chính ủy quay nhìn mọi người ngơ ngác.

Anh thường trực ủy ban đứng dậy, cố nhịn cười giọng lễ phép:

- Báo cáo thủ trưởng cháu tên Hầm ạ!

- Hả? Tên gì?

Anh cán bộ uỷ ban cố nén hết sức để khỏi bật ra tiếng cười.

- Dạ... Hầm ạ! Nguyễn Hữu Hầm. Ông nội cháu đặt tên cho cháu đó.

Nói rồi ông ta chỉ tay qua ông Chẩn. Chính uỷ quay lại và mở tròn đôi mắt ngạc nhiên nhìn ông cụ có mái tóc bạc phơ, đôi mắt long lanh, chòm râu dài trắng muốt. Bất giác chính uỷ mỉm cười gật gù:

- Cũng hay! Hầm? Thích đấy! Mỗi một con người sinh ra đều mang một dấu ấn lịch sử. Trước cách mạng, dân mình nghèo không có một tấc đất cắm dùi thì con cái đẻ ra lúc nào cũng Điền, cũng Lúa, Xoan, Mít, Cam... Hoà bình lập lại, cái ăn cái để có phần sung túc hơn thì tên Hương, tên Hoa, Cẩm Lan, Ngọc Bích... ra đời, Giờ thì Hầm, Hào, Chiến, Dũng... thú vị thật!

Chính uỷ ngừng một tý rồi lại hỏi:

- Thưa cụ năm nay cụ bao nhiêu tuôit rồi ạ?

- Ơn thủ trưởng, tôi "sáu lăm" rồi ạ.

- Chà, thế mà trông cụ còn trẻ lắm. Thế cụ sinh được mấy anh em tất cả?

Ông Chẩn nín lặng. Xã đội trưởng đỡ lời:

- Báo cáo chính uỷ, anh Quyền vừa hy sinh là con đầu của cụ. Một người em gái đã đi lấy chồng. Còn con út thì vừa rồi cụ đã cho đi bộ đội tiếp. Đồng chí ấy nay đang ở tiểu đoàn 47.

Chính uỷ đứng dậy đi đến gần ông Chẩn. Hai tay ông ôm choàng lấy vai ông già rồi từ từ vuốt nhẹ xuống đôi tay gầy của ông. Giọng chính uỷ run run:

- Bố tốt quá! Bố quý quá!...

Rồi anh ngồi xuống cạnh ông Chẩn, giọng như thì thầm:

- Cuộc chiến đấu này còn dài lắm bà con ạ. Nhưng nhất định sẽ thành công. Vĩnh Linh mình rồi còn phải chịu đựng hy sinh ghê gớm lắm. Nhưng trung ương rất tin. Bác hồ cũng rất tin. Không một ngày nào, Bác Hồ không điện qua hỏi Quân uỷ và Bộ Tổng về chiến sự hai miền. Bác hỏi đến Vĩnh Linh nhiều lắm, hỏi Cồn Cỏ cũng nhiều. Chúng tôi không dám báo cáo nhiều về sự hy sinh tổn thất vì sợ Bác khóc, Bác lại ốm. Năm nay Bác già rồi, mà sự nghiệp chống Mỹ cứu nước thì mới bắt đầu. Không biết Bác còn mạnh khỏe tới ngày toàn thắng không?

Mấy giọt nước mắt lăn xuống má chính ủy. Anh rút khăn lau vội rồi ngồi thẳng người lên, nói rắn rỏi:

- Vì vậy chúng ta phải cố gắng nữa bố ạ. Đã cố rồi, giờ cố thêm. Nhất định phải đến ngày toàn thắng, đón được Bác Hồ vào cầu Hiền Lương, vào với cả miền Nam, phải không bố?

Ông Chẩn gật đầu mà không đáp thành tiếng.

Nước mắt lăn xuống nhòe ướt cả chòm râu.

*

Ở nhà chị Thảo ra, Trần Vũ đi chậm rãi dọc theo đường hào xuôi xuống vách đất cao ở cửa sông. Anh dừng lại khá lâu nhìn đăm chiêu qua bên Cát Sơn, Xuân Mỹ. Mưa dầm nhiều ngày, cát trắng đổi màu sẫm đen, lá phi lao trút xuống dày từng lớp. Cảnh sát ngụy chui hết vào đồn, bãi bờ vắng lặng. Mấy chiếc xuồng chân dài kéo xốc lên cạn, lật úp xuống cát, âm thầm như những ngôi mộ bỏ hoang.

Xã đội trưởng Cảm đứng bên cạnh, chốc chốc lén đưa mắt nhìn thủ trưởng, vẻ lo lắng, băn khoăn. Lúc báo cáo phương án bố phòng, hiệp đồng giữa đi nghề và chiến đấu thì "ông ấy" gật gù ra vẻ hài lòng, thỉnh thoảng lắm mới thấy "ông ta" hỏi vài câu. Nhưng từ khi đi coi hệ thống giao thông hào, hầm trú ẩn, hầm tác chiến, hệ thống trạm gác liên hoàn dọc mép sông, thì "ông ấy" tự dưng im lặng. Không khen mà cũng chẳng chê. Chốc chốc lại thấy đôi lông mày của thủ trưởng khẽ nhíu lại, cái vầng trán rộng dướn lên hằn rõ những nếp nhăn dài. Xã đội trưởng bỗng thấy chột dạ. Khéo không toàn bộ phương án của đảng ủy xã mà trực tiếp là Ban chỉ huy xã đội bị đổ nhào, thiệt toi công. Với một con người đã từng cằm dây căn đo từng phân bên mép sông này để đóng những chiếc cột mốc với tấm biển gỗ, đề nữa chữ ta nữa chữ tây: "Giới tuyến quân sự tạm thời - Ligne de démarcatinon militaire provisoire" thì đừng có nói chuyến vu vơ, đại khái với ông ấy được. Chưa chừng có những điểm trên cái sông này, ông ấy lại hiểu hơn cả mình nữa cũng nên!

Trần Vũ hình như không để ý tới sự băn khoăn của xã đội trưởng. Đôi ủng cao ống vẫn gõ đều từng nhịp xuống lòng hào, thong thả như một du khách dạo chơi. Thực ra trong lòng anh đang ngổn ngang bao nhiêu câu hỏi. Những cột mốc giới tuyến đã bị cỏ phủ dày, nhiều cọc đã bật tung văng xa bởi chính bom Mỹ. Cái thời ngăn cách giả tạo đã qua. Con đường hào hằn sâu xuống đất chạy song song với mép sông do chính bàn tay người dân trong vùng "phi quân sự" nãỷe nên, đã khẳng định điều đó. Còn cái thời sắp tới sẽ như thế nào? Những ụ đất đắp cao, lỗ châu mai đệm cát hướng thẳng ra bờ sông chỉ đủ sức bắt gọn những toán biệt kích gián điệp mò qua lén lút, liệu có trụ nổi với những cuộc đổ bộ ồ ạt của Mỹ ngụy qua đất Vĩnh linh không? Tiểu đoàn 47 đã xuất kích rồi, kẻ địch bên kia sông sẽ chấm hết cái thời êm ả, khoác loác. chúng sẽ hiểu thế nào là những con người xã hội chủ nghĩa, thế nào là thanh niên thời đại Bác Hồ! Và nhất định chúng sẽ ngông cuồng trả đũa. Liệu Vĩnh Linh có đương đầu được với cuộc chiến tranh hủy diệt của một thằng đế quốc mạnh nhất, cuồng bạo nhất trong phe đế quốc, trong lịch sử giết người của những tên bạo chúa xưa nay không?

Trời ngót mưa, Trần Vũ thấy nóng ran trong người, anh cởi chiếc áo bạt gấp nhỏ khóac vao ftay rồi quay sang xã đội trưởng:

- Ta về đi, đồng chí! Tôi có chuyện muốn trao đổi.

- Rõ!...

Hai người rẽ ngoặt đường hào, đi lên phía Tân Lý. Bỗng có tiếng gọi phía sau, cả hai cùng quay lại. Trần Vũ nhận ra ông cụ có chòm râu dài trắng muốt đang hấp tấp chạy tới. Anh tiến lên mấy bước đón ông:

- Bố ạ! Có chuyện gì thế hả bố?

Ông Chẩn dừng lại, ngập ngừng, hết ngó "thủ trưởng" lại liếc mắt qua xã đội trưởng, giọng bối rối:

- Dạ... tui hỏi cái ni e không phải, nhưng bấy lâu ni bụng dạ tui cứ khắc khoải quá...

- Vâng... bố cứ nói ạ!

- Dạ... tui có nghe tin... số đi Cồn Cỏ dạo nọ, có mấy người bị bắt, không biết có đứng không? Dạ... vì tui có thằng Quyền, như thủ trưởng biết đó, nó chưa có giấy hy sinh...

Chính ủy đưa mắt nhìn xã đội trưởng như muốn hỏi. Xã đội trưởng cũng lúng túng, nói lầu bầu:

- Dạ... thưa bác, cái ni... cấp trên còn đang điều tra... thực ra chính bọn tui cũng chưa được rõ...

Có lẽ ông Chẩn nhận ra cái bộ lúng túng của xã đội trưởng hơn là hiểu những điều anh nói. Ông cúi xuống chòm râu rung rung:

- Tui cũng biết chuyện quân sự các anh khó nói... Nhưng không lẽ... làm người cha như tui cũng không được biết con?...

Trần Vũ nắm lấy cả hai tay ông Chẩn lắc lắc hồi lâu mà vẫn chưa nói thành tiếng. Chuyện một số người bị bắt anh cũng có nghe báo cáo, nhưng đúng như xã đội trưởng nói, bên quân báo đang điều tra mà chưa có kết quả. Biết nói thế nào với những người làm cha, làm mẹ đây? Mất một đứa con đã đau vô cùng rồi, nhưng đau hơn nữa là sự xác nhạn của Đảng, của Tổ quốc về sự hy sinh ấy chưa thật dứt khoát. Tình thế đã buộc anh phải trả lời. Trần Vũ nhìn sâu vào đáy mắt ông già. Một đáy mắt đầy tiềm lực, có thể chấp nhận tất thảy mọi sự mất mát, nhưng lại khát khao đón một câu trả lời xác định.

- Bố ạ!... Dù cho anh Quyền có bị bắt thì cuộc chiến đấu này, bố vẫn thiếu mặt hai đứa con. Chị Thảo vẫn thiếu người chồng để nương tựa. Cháu bế sinh ra vẫn không nhận được mặt cha... Theo con nghĩ, ngay cái đó cũng là một sự hy sinh ghê gớm lắm rồi. Cho nên... con nói thế này bố đừng cho con là tàn nhẫn, bố hãy coi anh ấy đã hy sinh! Đúng! Hy sinh nhưng không bao giờ mất. Những con người như vậy không bao giờ mất cả. Bố hãy tin vào điều đó như tin vào thắng lợi cuối cùng. Bố nhé!

Không có tiếng trả lời. Ông Chẩn nhìn lơ sang hướng khác. Không biết ông đã thấm thía hết cái lý tình trong câu nói của chính ủy hay vì tự nghĩ rằng dù có hỏi thêm cũng không thể hỏi được một câu trả lời khác nên ông Chẩn khe khẽ gật đầu rồi lúi cúi đi ngược lên phía đồi đất đỏ. Trần Vũ đứng lặng nhìn theo mãi. Sau lưng họ sóng Cửa tùng dào dạt dội từng cơn.

*

Ông Chẩn về đến nhà thì trời đã quá chiều.

Cái dạo thằng Lợi vừa mới đi xa, ông rất ít khi ngồi yên trong nhà. Ngày tới sân hợp tác rũ rơm, vén thóc hoặc ủ giống, lợp chuồng bò, đêm đến ông qua nhà hàng xóm uống nước chè xanh, ăn lạc luộc. Nói chuyện tầm phào tới khi gà gáy canh ba mới uể oải ra về. Ông sợ phải đứng một mình giữa cái nhà trống, không giám ngó lâu cái ghế, cái mâm. Có cái chổ nào trên cái nền đất nầy mà không có dáng hình thằng Lợi? Nhiều đêm nằm không ngủ, nghĩ lan man, ông cứ ngỡ như giường đầu kia thằng Lợi vẫn còn thao thức. Ông lầm rầm nói chuyện, hỏi han rồi lại thủ thỉ ngâm cái "khúc" "Lưu Bình - Dương Lễ". Giọng ông run run loãng ra trong mùi rêu ẩm mốc.

Nhưng rồi con lợn, con gà đến bữa đói ăn, bụi chè, bụi thuốc lá đến vụ cũng cần có tay che, tay bón. Căn nhà dù có nhỏ bé đến bao nhiêu cũng cần người chủ. Ngày lại ngày, nỗi buồn cũng khô đi.Niêu cơm nấu dần dần đúng bữa. Rồi ông cũng nhận ra một điều, con ông hình như không đâu xa ngái, nó vẫn gần gũi đâu đây, cái tủ sách, cái bàn học vẫn kê nguyên đó. Cây đèn nhỏ dầu lưng một nửa, hoa bấc chưa rụng, hình như vừa thắp đêm qua! Phải giữ gìn cho nó, lau sạch cái mặt bàn, phơi phong sách vở, mai mốt nó về còn có cái mà coi. Đêm đông ông vác củi vô nhen bếp giữa nhà, giường chiếu ấm lên, lòng ôpng cũng đỡ lạnh.

Chiều ni sau lúc gặp người thủ trưởng, ông Chẩn lại nhận ra thêm một điều nữa. Không phải chỉ có người ngã xuống mới nhận được hai chữ hy sinh. Nhưng cái chi ông đã biết hiến dâng cho đời, cho cách mạng thời không bao giờ mất uổng cả...

Ông Chẩn bước vô tới ngõ thì chợt dừng lại. Chiếc nón ai úp ở đầu thềm? Ông cất tiếng hỏi. Từ trong nhà một đứa con gái trạc 18, 19 tuổi, tóc bỏ xòa trên vai, thân hình gọn ghẽ nhỏ nhắn trong bộ áo quần bà ba đen chạy vội ra. Người con gái ngó ông, tay chân lúng túng, mặt ửng đỏ. Một lát cô cất tiếng chào nhút nhát:

- Cháu... Chào bác ạ!...

Ông Chẩn vẫn chưa hết ngạc nhiên, hỏi lại:

- Cháu là con ai? Ở đâu hè?

- Dạ... cháu ở xa...

- Hả?... Xa là ở đâu?

Người con gái cắn vành môi dưới, mũi dép day day lên mặt đất, trả lời lí nhí:

- Bác... có thư ạ!...

- Thư ai?

- Dạ... thư anh Lợi!...

Ông Chẩn mở tròn mắt, người như chực chồm tới. Cô gái rút trong túi ra bức thư không gián phong bì, lễ phép cầm cả hai tay đưa cho ông. Ông Chẩn run run, nâng tờ giấy lên ngang mặt, đưa ra thiệt xa, mắt nhíu lại gần như nhắm. Một lúc lâu ông mới chợt nghĩ ra là mình không tài nào đọc nổi, ông quay vội sang cô gái:

- Cháu... đọc giúp bác!...

Nói rồi ông chạy xộc vô nhà lễ mễ khiêng chiếc ghế băng ra đặt giữa sân. Ông kéo tay người con gái ngồi xuống, rồi ông cũng ngồi bên cạnh nhòm vô trang giấy y như dò theo từng dòng.

Cô gái đọc khe khẽ:

"Bố kính mến của con!...

"Khi thư này đến tay bố thì con đã ở một nơi xa lắm rồi. Con không giám báo cho bố vì sợ vi phạm nguyên tắc kỷ luât.. Con mong bố tha tội cho con.

Cô gái khẽ liếc mắt ngó qua ông Chẩn. Hai môi ông đang mím lại, run run.

"... Bố ơi! Rứa là từ nay, hàng tháng con không thể đảo về nhà thăm bố mật lần. Lỡ bố có đau dạ dày thì con cũng không răng biết được. Nhưng con sẽ mang tất cả nỗi đau của bố mà ra đi, mà xông tới tiêu diệt kẻ thù. Bố đã chịu đựng qua được một mùa đông. Sắp lập xuân rồi, con tin bố sẽ vui hơn...

"... Tái bút: Trời nắng lên, bố nhớ phơi sách cho con kẻo mốc. Riêng sách giáo khoa thì không cần giữ lại nữa, có ai thiếu thì bố cứ cho".

Người con gái gấp đôi trang giấy lại, ngó ông Chẩn ngập ngừng:

- Hết rồi bác ạ.

-Há?

Ông Chẩn quay ngoắt lại ngó trân trân vô cô gái. Hai mi mắt ông chớp chớp liên hồi. Mãi một lúc sau ông mới lẩm bẩm nủa như hỏi người đọc thư, nửa như tự hỏi mình:

- Có vậy thôi à? Con!

Tất nhiên người con gái không có một câu trả lời nào thích hợp hơn một tiếng "dạ" phát ra dè dặt. Rồi như sợ sẽ phải bị lục vấn thêm nhiều câu hỏi khác, hoặc là trong lòng cô cũng xốn xang bao nhiêu caau hỏi như ông, người con gái khép nép đứng lên, cầm chiếp nón trong tay nói khẽ khàng:

- Thưa bác... chừ cháu xin về... kẻo tối...

- Phải... ơn cháu...

Cô gái ra vê được một lúc khá lâu, ông Chẩn mới rời chiếc ghế băng, lững thửng đi vô nhà. Chợt ông đứng sững ra như vừa phát hiện ra một điều chi đó lạ lùng. Mà lạ lùng thiệt. Ấm chén ai lau chùi mà tươm tất? Ông ngó quanh. Ơ, cả nhà cửa cũng được quét dọn ngăn nắp, áo quần ông vất vội trên giường lúc sáng cũng được xếp gọn gàng? Lạ quá đi! Buổi ngày con Thìn chắc cũng đi làm hợp tác, lên chơi răng nổi. Hay là?... Ừ, e đúng! Ngoài người con gái ấy ra thì còn ai vào đây nữa. Chao, con ai mà ngoan rứa hè? Nó giỏi vậy sau ni chồng con cũng được nhờ. Chợt một cảm giác bất ngờ lóe lên trong đầu ông. "Khéo không nó với thằng ..." ừ, không dưng nó lại băng đồng chỉ sá đến tìm đây. Ông nhớ lại cái dáng điệu bối rối, đôi tay lúng túng, cái mặt đỏ dừ của nó khi mới gặp ông. Thôi, đúng rồi, răng mình nghĩ chậm vậy! Mà đoảng nữa, đến cái tên cũng quên hỏi, cái làng, cái xã cũng không hay, chừ biết đằng nào mà lần. Trời, vô tâm vô ý quá!...

Ông Chẩn tính ngước tính xuôi rồi chạy lên chú xã đội. Cũng may là ông còn nhớ được là thằng Lợi đi học trinh sát để hỏi tên xã đóng quân. Chú xã đội đã biết là tiểu đoàn đã đi rồi nên cũng không ngại nữa, chỉ cho ông. Trưa hôm sau ông Chẩn đã đến được nơi Lợi vừa đi khỏi.

Phải hỏi tới người thứ ba ngoài đường cái, ông mới dò ra cái nhà Lợi ở. Nhưng mò vô tới nơi thì nhà vắng tanh, vắng ngắt. Đang ở những ngày cuối vụ cấp, hợp tác nào cũng bận, chả mấy ai ngồi ở nhà. Ông Chẩn lại bơ vơ đi ra ngõ. Biết hỏi ai đây? Mà dù có gặp được chủ nhà thì biết răng mà hỏi. May ra cái "con ấy" là con cái trong nhà, còn nếu không thì đành chịu. Một chị vai gánh đôi quang, tay dắt đứa bé chừng lên năm đang đi tới. Ngó thấy vẽ lúng túng của ông, chị hỏi liền:

- Bác tìm ai rứa?

Ông Chẩn ấp úng:

- Dạ... tui có thằng con hôm trước đóng quân đây...

Chị ta vội vã ngắt lời:

- Dạ thưa bác, bộ đội đi hết rồi ạ.

- Dạ... tui có biết. Nhưng... tui cũng có chút việc muốn hỏi...

- Rứa chừ bác định hỏi ai?

- Thì... cũng chưa biết hỏi ai...

Chị kia xuýt bật cười, nhưng vì ngó thấy gương mặt khổ sở của ông Chẩn đang nhăn nhó nên chị lại ái ngại:

- Dạ thưa bác, rứa anh bác tên chi?

- À, Lợi. Nguyễn Hữu Lợi.

Bất ngờ đứa bé dặc dăc tay mẹ reo lên:

- Ơ, chú Lợi! Chú Lợi thì con biết...

Ông Chẩn xoa đầu nó, cười:

- Cháu biết chú Lợi như răng?

Con bé nheo nheo mắt, nghiêng đầu ngó ngước lên ông, cặp môi đỏ chót đưa đẩy:

- Cô cháu bảo chú Lợi hát hay nhứt nì, kể chuyện vui nhứt nì... Cô cháu còn nói là là...

Ông Chẩn như người sắp chết đuối vớ được cọc:

- Cô cháu là ai rứa?

- Là... cô cháu mà. Ông không hiểu à? Mạ Thuấn nớ nờ...

"Mạ Thuấn"! Ông Chẩn thở ra đầy vẻ thất vọng rồi ngước lên ngó chị phụ nữ. Đoán được ý ông, chị phụ nữ mỉm cười:

- Cô Thuấn dạy mẫu giáo bác ạ. Thiệt ngộ, bọn trẻ cứ toàn kêu mạ Thuấn hết.

Ông Chẩn đã thấy mười phần đã trúng hết tám, ông hỏi dồn:

- Rứa nhà cô ấy đâu chị?

- Đó tề! Bác qua khỏi cái giếng là đến...

- Dạ... ơn chị, ơn cháu nghe!

Ông Chẩn lật đật bước đi. Người phụ nữ đứng ngó theo lắc đầu, chép miệng: "Tội nghiệp", rồi kéo tay con đi thẳng về ngõ nhà mình.

Thấy có khách lạ vô nhà, bà Hào chạy lạch bạch từ bếp lên, hỏi vồn vã:

- Ô tề, chào bác!

- Dạ... bà!...

- Chẳng hay bác hỏi ai?...

Ông Chẩn định nói nhưng chợt dừng vội lại. Lỡ ra không trúng thì phiền. Ông nói lảng:

- Dạ, đi đường mệt quá... ghé vô xin bà chén nước...

- Trời đất!... - Bà Hào thở ra một tiếng đầy vẻ thông cảm rồi xách ấm chạy vội xuống bếp.

Ông Chẩn lặng lẽ ngồi xuống ghế đưa mắt ngó phác qua căn nhà. Ngôi nhà tranh mộ gian, hai chái tre mọt cột mục. Có lẽ nhà không có đàn ông? Ông Chẩn cố ý tìm một bức ảnh mà không thấy. Ông nghĩ lẩn thẩn: "Cái gái xã ni nó giản dị hơn xã trên mình".

Bà Hào xách nước lên rót ra bát đặt cẩn thận trước mặt khách rồi hỏi:

- Bác đi đâu về giữa trưa vậy?

- Dạ... tui đi thăm cháu dưới Cửa...

- Tội nghiệp!

Ông Chẩn đắn đo một lchút rồi mạnh dạn:

- Nhà bà đi đâu cả mà coi vắng vẻ ri?

- Dạ, cháu nó đưa cơm cho bố.

- Ủa, rứa ông nhà ốm hay là... ?...

Bà hào lắc đầu vẻ chán nản:

- Nói bác đừng chấp, ông nhà tui thiệt quá trời. Suốt ngày cứ co ro ngoài bờ, ngoài bụi. Có lẽ cả nước Việt Nam ni, mỗi ông ấy là dát đến rứa...

Ông Chẩn cười miễn cưỡng, rồi lại hỏi:

- Rứa ông bà có mấy chị em tất cả?

- Dạ, cảm ơn bác, tui hiếm hoi lắm, có được mỗi cháu Thuấn. Lẽ ra thì có thêm đứa em nữa, nhưng trời không cho nuôi.

Ông Chẩn gật đầu hỏi bằng giọng dè dặt hơn:

- Chắc chị Thuấn... có gia đình rồi?

- Đâu có, nó còn con nít mà.

Ngói rồi bà cười xòa. Ông Chẩn cũng cười. Những tiếng cười rời rạc như cơm nguội, nghe đến vô duyên!

Thuấn chạy về bất ngờ. Ngó thấy ông Chẩn ngồi trong nhà, cô đứng sững lại. Ông Chẩn cũng như ngớ ra. Một lát, Thuấn nhoẻn miệng cười, mặt hơi cúi xuống khe khẽ:

- Bác ạ!... Bác xuống chơi?...

- Phải... cháu...

Bà Hào nhác nghe lời chào đáp ấy thì trố mắt ra ngó trân trân vô Thuấn.

- Ô hay, rứa con quen bác đáy à?

Thuấn cúi gằm mặt xuống, đáp lí nhí:

- Dạ... có.

Rồi như sực nhớ ra điều chi, cô ngẩng dậy, hỏi vội:

- Bác ở trên nhà chắc ra đi từ sớm?

- Phải!...

- Rứa thì bác đói lắm rồi, để cháu làm cơm...

Nói xong, không để cho ông Chẩn kịp đưa tay ngăn lại, Thuấn vén mớ tóc gọn ra sau gáy, chạy xuống bếp.

Ông Chẩn ngó bà Hào lúng túng như một người có lỗi. Còn bà Hào thì cứ ngớ ra, miệng mấp máy muốn nói một điều chi đó. Rõ ràng đây là người "khách riêng" của con. Như rứa nghĩ là nó - Đứa con gái bé bỏng của bà - dã có mối quan hệ vượt ra khỏi bàn tay vuốt ve của người mẹ, vượt khỏi cái túp lều lụp xụp ni rồi. Nhưng bà Hào không lấy vậy làm buồn, trái lại bà cảm thấy như có những ngọn gió tốt lành đâu đó thổi tới hong khô cái nền đất ẩm dột bấy lâu của nhà bà. bà tủm tỉm cười, nói như để cho khách yên lòng:

- Chừ bác ngồi chơi với cháu, tui xin phép đi đây có chút việc.

Ông Chẩn đứng lên hai tay chấp trước bụng, cười gượng:

- Dạ... bà bận viếc, cứ đi!...

Phải thừa nhận Thuấn là người con gái tốt nết mà lại khéo tay. Nhoáng một tý mâm cơm đã được bê lên. Hai con cá hẻn(1) nằm khoanh tròn trong dĩa. Một món trứng rán, một dĩa nhỏ dưa món. Cơm vừa mở vung, hơi bốc nghi ngút thơm lừng.

Thuấn so đũa, đôi mắt khẽ liếc qua ông, môi chúm chím. Ông Chẩn ngần ngừ mãi mới tìm ra được mấy câu thích hợp:

- Hôm đi, thằng Lợi có mạnh không?

- Dạ... anh ấy khỏe lắm.

- Ờ, rứa hắn có nói đi bao lâu không?

- Dạ... không!... Mà hình như là đi lâu...

- Rứa cháu... à, nó có còn dặn chi nữa không?

Đôi đũa của Thuấn cứ dằm dằm mãi vô bát cơm, mi mắt sập xuống e lệ. Mãi một lúc lâu, Thuấn mới lấy hết can đảm trả lời bằng một giọng run run:

- Dạ... Anh ấy bảo cháu... lên chơi luôn luôn với bác kẻo bác buồn...

Ông Chẩn thở dài một tiếng rồi mỉm cười.

Hai người ngồi đối diện nhau qua mâm cơm, lặng lẽ. Cả hai thôi không hỏi đáp, cũng không ngó qua nhau. Gió lùa vô tấm liếp hở, mấy sợi tóc mai lòa xòa trên trán Thuấn, chòm râu dưới cằm ông Chẩn cũng rung rung. Nồi cơm mở hết vung nồng nàn lên hai khuôn mặt bổi hổi, râm ran. Cả hai bất giác cùng nghĩ đến một người đang xa ngái, phía bên kia sông...

CHƯƠNG MƯỜI 


- A lô! Anh Chính đấy phải không? Ừ, Vũ đây. Anh chờ tôi ở nhà giao ban nhé! Vâng, tôi đang ở hội trường khu ủy đây, nhưng họp xong rồi. Nhiều việc phải bàn lắm anh ạ. Anh định xuống các xã à? Cứ chờ tôi về đã nhé!... Vâng, vâng!...

Chính ủy Trần Vũ đặt ống nói xuống, khom người chui ra khỏi ngách hội trường rồi nhảy lên bờ đất. Anh bước vội vã qua vườn dầu sở, hướng về khu nhà Bộ tư lệnh.

Cuộc hộp Thường vụ Đảng ủy khu vực Vĩnh Linh kéo dài suốt hai ngày rưỡi đã đặt ra cho toàn Đảng bộ những nhiệm vụ hết sức nặng nề mà cũng vô cùng hào hứng. Tinh thần cơ bản của Nghị quyết được tập trung vào mấy câu hỏi lớn: Có nhất trí với Trung ương kéo bọn Mỹ ra bắc Quảng Trị để tạo điều kiện cho cả miền Nam đánh to thắng lớn không? Làm cách nào để kéo chúng nó ra? Và khi kẻ thù đã tràn ra đường Chín, thậm chí có thể ra cả Vĩnh Linh thì liệu Vĩnh Linh có đứng vững không? Làm cách nào để đứng vững?

Trần Vũ lẩm nhẩm một mình: "Nhiều việc quá!... Làm cái gì trước nhỉ? Tiểu đoàn 47 liệu có kéo được bọn Mỹ ra không? Trận đánh táo bạo vào Dốc Miếu liệu có đạt được kết quả như mong muốn của Thường vụ không?... Tư lệnh trưởng đi họp trên mặt trận B.5 chưa về, không biết các đơn vị chốt bên này sông đã triển khai lực lượng đến đâu rồi? Dân quân các xã đã sẵn sàng chưa?..." Hơn mười năm đối mặt với kẻ thù, lúc này là lúc trận "xáp lá cà" bùng nổ. Phải đứng vững trên trận tuyến của mình bất kể ngày đêm, bất chấp mọi sự hủy diệt tàn khốc, đứng vững cho đến ngày toàn thắng. Đó là ý chí, trách nhiệm và cũng là niềm vinh quang của người dân, của chiến sĩ Vĩnh Linh.

Trần Vũ cảm thấy hơi choáng đầu. Anh vịn tay vô một gốc cây dầu sở rút khăn mùi xoa lau mồ hôi. Suốt mấy đêm thức trắng, anh ngỡ mình già nhanh hơn mấy tuổi. Sức khỏe có sút đi, lắm đêm tự hỏi mình liệu có trụ nổi trọn vẹn cuộc chiến tranh này không? Nhưng rồi nhìn thấy những người dân ở mảnh đất này, nhìn những khối lượng công việc chồng chất trước mắt anh lại mỉm cười tự giễu cợt mình. Con người ta chỉ khi nào đứng ngoài cuộc mới cảm thấy mệt mỏi, già nua. Người dân giới tuyến lúc nào cũng nặng trịch trên vai sứ mệnh của đất nước, điều day dứt họ nhất quyết không phải là bao giờ trút được gánh nặng kia xuống mà là làm sao đây để vững vàng bước tới ngày chiến thắng vẻ vang. Nghị quyết của Thường vụ Khu ủy lần này lại đặt lên vai họ những ủy thác mới. "Biến cả Vĩnh Linh thành một trận địa... Tổ chức lại ăn ở phòng tránh...", "... Triển khai đường hầm địa đạo, mạng lưới giao thông hào liên thôn liên xã...", " San người ra tuyến sau, giảm mật độ cho mặt trận và để tạo hậu cứ tiếp tế lâu dài...". Rồi khi kế hoạch sơ tán thực hiện xong thì những người ở lại chắc chắn sẽ đương đầu với sự hủy diệt chưa từng thấy. Rồi "canh gác, tuần tra", rồi "dẫn đường, làm trận địa...", rồi "vận chuyển đạn dược, thu dung thương bệnh binh", "đánh trả máy bay, cũng cố hợp tác xã..." Ôi! Sức lực con người kỳ diệu biết bao!

Trần Vũ với tay bẻ một nhánh lá dầu sở đưa lên che đầu. Anh đã ra khỏi vườn cây, chuẩn bị vượt đoạn đồi. Trước mặt anh, phía cuối cánh đồng Hiền Lương, ngọn cờ đỏ sao vàng đang bay da diết. Bất kỳ lúc nào nhìn tới lá cờ ấy, Trần Vũ đều có cảm giác là nó đang vẫy gọi mình.

Cách đây hơn mười năm, cái ngày anh cùng đoàn Liên hợp Quân sự đặt chân tới đất đầu cầu này, cột cờ ấy mới dựng tạm, lá cờ còn bé như những lá cờ bình thường treo trước các trụ sở, nhưng sao nó vẫn cuộn lên trong anh những khát vọng thiêng liêng. Xa đất Vĩnh Linh anh nghe đồn không biết bao nhiêu chuyện kỳ lạ về lá cờ ấy. Từ việc xây cột cờ tới chuyện thằng địch phát điên lên vì cái màu đỏ xốn xang ấy cứ cháy rần rật như một quầng lửa, ngày một lớn thêm ra. Nhiều chuyện anh dám chắc là có phần thêu dệt. Anh ao ước có ngày trở lại giới tuyến, hỏi cặn kẽ người chiến dĩ công an gác cột cờ về ngọn nguồn những truyền thuyết ấy. Nhưng bây giờ trở lại, chẳng còn chút thì giờ nào để tra cứu cặn kẽ những chuyện ấy. Có một điều lạ lùng là anh bỗng thấy tin, tin tất cả những chuyện xưa nay về lá cờ ấy đều có thật. Cho dù dân gian thêm bớt đôi chút thì lá cờ vẫn bay kia, day dứt và sừng sững, sự thật ấy còn mãnh liệt gấp nhiều lần những gì đã xảy ra.

"Tại sao kẻ thù không hiểu nổi điều đó nhỉ? Những kẻ rắp tâm vùi dập dân tộc này thật là điên cuồng và ngốc nghếch biết bao! Một dân tộc khi đã dùng máu mình để tắm lêm sắc cờ và giương cao lên như ý chí dám cho nhân loại niềm kiêu hãnh lớn lao ấy thì thử hỏi còn có bạo lực nào khuất phục được. Rồi đây, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, mặt trận bắc Quảng Trị sẽ mở ra, tiếng súng quyết chiến của hai thế lực tiến bộ và phản động nhất loài người sẽ giằng xé nhau dưới chân cột cờ ấy. Cuộc chiến đấu này khốc liệt biết dường nào, gian khổ biết dường nào, mà cũng cảm động thiêng liêng biết dường nào!"

Trần Vũ thấy rưng rưng nước mắt. Là người thủ trưởng chính trị cao nhất của các lực lượng vũ trang Vĩnh Linh, hơn ai hết anh hiểu những gì sắp sửa xảy ra, những gì anh và đồng bào Vĩnh Linh sắp sửa đương đầu, có thể kéo dài năm năm, mười năm, kéo dài cho tới ngà lá cờ "ba que" bên kia gục đổ. Có thể tới ngày đó, anh cũng nằm xuống ở một gò đất nào đó trên mảnh đất này. Anh nằm xuống thanh thản, bình tâm như hàng trăm hàng ngàn người dân, người lính ở đây nằm xuống. Có điều anh tin chắc chắn rằng, lá cờ Tổ quốc kia nhất định vẫn bay, nhất định không bao giờ gục ngã bởi dân tộc này tới ngày đê vĩn còn phải đi lên, vĩn còn giương cao. À, ngày đê bao lâu nữa nhỉ?

Bất giác Trần Vũ nhớ tới người vợ yêu dấu của mình. Hôm chuẩn bị ba lô cho anh lên đường, vợ anh bần thần hỏi: "Anh vào trong đó mấy năm?". Anh mỉm cười lắc đầu nhìn vợ. Anh đã nhận ra những nổi niềm xáo động cuộn lên đằng sau câu hỏi đó. Nhưng biết an ủi sao đây? Anh nói như không phải chỉ với vợ mà tự khẳng định cho mình: "Bao giờ hoàn thành nhiệm vụ...". Anh nói vậy, có đúng không em? Đến ngày thống nhất đất nước mà anh không trở về nửa thì có nghĩa là anh đã hoàn thành nhiệm vụ. Vĩnh viễn được thừa nhận là dân của đất giới tuyến Vĩnh Linh. Có thể em sẽ khóc nhưng em đừng bao giờ anh hận nuối tiếc. Được vĩnh viễn ở lại với đất này là một vinh dự đó em ạ. Rồi em sẽ vào cùng anh. Có thể em đi cùng đoàn nghệ sĩ sân khấu. Qua đất này nhớ nên dừng lại một tý. Em phải ghi nhận lấy những năm tháng này, ghi nhận lấy cuộc sống hôm nay mà sáng tạo nên những hình tượng nghệ thuật chói ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Em sẽ đền đáp lại tấm lòng của người dân, của mảnh đất này suốt bao năm tháng đã che chở anh , đùm bộc anh, nâng anh lên thế đứng của con người chiến thắng. Rồi em hãy nhìn thẳng lên lá cờ đầu cầu ấy... Màu đỏ kia là di chúc, là tâm tưởng và linh hồn của các anh, của tất cả những người đã ngã xuống. Chúng mình sẽ không bao giờ xa nhau...

*

Cũng như nhiều thanh niên trai trẻ khác, anh ra đi đúng cái ngày lá cờ Tổ quốc ngang nhiên tung bay trong tiếng reo hò đón chào đất nước độc lập. Tháng chín năm một ngàn chín trăm bốn mươi lăm. Trọn hai mươi năm trong quân ngũ, Trần Vũ vẫn cứ ngỡ như cái ngày ra đi ấy vừa mới diễn ra hôm qua hôm kia. Đoàn tàu chật ních người và cờ hăm hở đưa anh xuôi vào Nam, để lại đằng sau một Hà Nội trẻ trung đầy kỷ niệm. Những chiến sĩ Nam tiến dạo ấy đại bộ phận đều mù chữ. Có lẽ anh thuộc vô những người hiếm hoi đã được học hết "đíp - lôm".

Anh được điều lên làm văn thư trung đoàn, rồi chuyển lên phụ trách một đội văn công nghiệp dư sư đoàn. Anh gặp Chúc và yêu cô tại mặt trận Đông Nam Bộ. Lễ cưới của anh được tổ chức dưới một rừng cao su ứ nhựa. Đám bạn bè cố tình "bày vẽ" cuộc vui cho đúng "chất Hà Nôi". Ban nhạc có tới bốn cây "măng - đơ - luyn", một sáo trúc, một ghi - ta. Kháng chiến mà có vậy là quá sang rồi.

Tuần trăng mật của anh chỉ vỏn vẹn có ba ngày. Anh được lệnh lên đường ra Bắc học một lớp đào tạo cán bộ chính trị. Hai năm sau, anh được điều về phụ trách chính trị viên đại đội ở sư đoàn 308. Từ đó hai người bặt tin nhau. Mãi tới khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, trên đường vào đèo Lũng Lô, anh bất ngờ gặp vợ. Thật là một điều kỳ diệu quá giấc chiêm bao. Tiểu đoàn đang cúi khom người để vượt dốc thì bỗng ùn cả lại. Các đại đội chen nhau vượt lên. Anh đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì đã đột ngột từ trên đỉnh dốc xuống những chuỗi âm thanh trong trẻo, ngọt lịm như nước trái cây. Đúng tiếng hát của vợ anh rồi! Trần Vũ bỗng thấy ngột ngạt. Người ta xô đẩy anh xáp gần vào với tiếng hát. Vợ anh đứng đó, mái tóc phi - đê ốp tròn khuôn mặt. Khuôn mặt có già hơn một chút so với nỗi nhớ của anh. Riêng tiếng hát thì vẫn trẻ trung, vẫn tròn trịa như giọt mật. Gần bảy năm rồi còn gì...

*
Hòa bình lập lại, Trần Vũ được gần vợ hơn một tháng. ấy là "tuần trăng mật" trọn vẹn nhất của vợ chồng anh sau hơn bảy năm nên tình nên nghĩa. Rồi anh lại đi, vợ anh cũng đi, như mặt trăng với mặt trời ngóng chờ lỳ nguyệt thực. Đất nước đang bị cắt chia, khó có lứa đôi nào, tổ ấm nào lại dàm dành riêng cho mình hai chữ đoàn tụ? Mãi đến năm 1963 anh mới được điều về Tổng cục chính trị. Vợ anh làm thịt gà "liên hoan hội ngộ". Nghĩ cho cùng, có người vợ nào mà không khát khao có chồng bên cạnh. Chỉ có điều khi cần thì phải biết chia tay.

Việc anh trở lại đất giới tuyến giữa những ngày chiến tranh khốc liệt này làm cho vợ anh lo nghĩ thực sụ. Suốt một đêm im lặng, Chúc có vẽ như tránh những câu hỏi của anh. Chị có linh cảm lần chia tay này chưa biết bao giờ mới gặp lại. Dạo kháng chiến lần trước, có lẽ vì họ còn trẻ hoặc vì chưa được hưởng những ngọt ngào của hạnh phúc nên nỗi xa sao mà nhẹ nhõm. Khi đã từng hưởng những giờ phút ấm êm dành riêng cho mình rồi thì sự cách chia có phần nặng nề hơn. Trần Vũ không trách vợ. Mọi gánh nặng gia đình rồi đây một mình em gánh vác. Dẫu anh có nói hay bằng giời thì cũng chẳng giúp được chút gì. Tuổi tác ngày một nhiều, gia đình ngày một nặng thì nỗi nhớ thương dài hơn cả nỗi xa...

*

Trần Vũ về đến lán giao ban của Bộ tư lệnh thì thấy tham mưu trưởng Trần Chính đứng chờ ở đó. Không đợi Chính chào, anh hỏi luôn.

- Tư lệnh trưởng về chưa?

- Báo cáo anh, chưa ạ. Nhưng thủ trưởng có điện về.

- Đâu đưa tôi xem!

Trần vũ đón tờ điện trên tay tham mưu trưởng đọc vội.

"Mặt trận đã nhất trí kế hoạch 195k. Các anh tranh thủ bàn bạc trước. Tôi về ngay.

ký tên: Thường"

Trần Vũ chụp hai tay lên vai Trần Chính, nụ cười mở rộng:

- Tốt lắm! Nào bây giờ ta bàn với nhau một tý nhé! Tham mưu đã chuẩn bị tới đâu rồi?

Trần Chính ngồi xuống, mở xắc cốt lôi ra một cuốn sổ công tác đã nhàu bìa. Anh khẽ đưa mắt ngó lên chính ủy rồi lật lật những trang giấy chằng chịt nét chữ. Đến một trang có đánh dấu "x" bằng mực đỏ, Trần Chính dừng lại:

- Báo cáo anh... Cho đến hôm nay, tiểu đoàn 47 vẫn áp sát vô khu vực Cam Thanh, Cam Nghĩa hoạt động khá tích cực để đánh lạc hướng địch và gây dựng cơ sở. Riêng đại đội trinh sát đã triển khai xong lực lượng ở vòng ngoài cao điểm Dốc Miếu...

- Sao? Chỉ mới vòng ngoài thôi à? Đã có kết qủa gì chưa?

- Báo cáo, chưa ạ!

- Chậm quá!

- Dạ... Đây là một việc hết sức khó khăn. Trinh sát của ta còn quá mới, lần đầu xuất kích lại đảm nhận một mũi khá chủ chốt trong việc đánh Dốc Miếu. Báo cáo anh, Dốc Miếu là cái đinh chắc nhất, khỏe nhất trong hệ thống phòng thủ của Mác Na - ma - ra. Trên mười ba năm nay, tức là từ dạo bọn pháp xây dựng đến giờ, nó chưa bị đánh lần nào.

Chính ủy đứng dậy, gở chiếc kính ra khỏi mắt, nhìn vào người tham mưu trưởng:

- Như vậy nó càng chủ quan chứ sao? Và càng chủ quan thì đòn bất ngờ này sẽ càng làm cho chúng choáng váng. Không đập nát cái cứ điểm Dốc Miếu này thì không phá bung được thế kìm kẹp của Mỹ ngụy đối với hai huyện Gio Linh - Cam Lộ. Mà không làm được việc đó thì làm sao có thể kéo được thằng Mỹ ra sát nách mình như tinh thần nghị quyết Trung ương được?

- Báo cáo, tôi nghĩ là bằng mọi cách cũng phải đánh thôi chứ ạ!

- Nhưng đánh cái gì nếu như trinh sát cư ì ạch như thế? Liệu bao giờ thì có phương án tác chiến? Có đảm bảo đúng yêu cầu 195 không? - Mắt Trần Vũ rực lên nhưng giọng anh lại hạ xuống - Đồng chí vốn là một cán bộ chính trị, phải biết rằng nếu ta đánh chậm một ngày sẽ ân hận suốt đời đấy.

Trần Chính nín lặng. Vừa mới được bổ nhiệm chức vụ tham mưu trưởng Bộ tư lệnh chưa đầy hai tháng, thật thà mà nói anh chưa quen lắm với những tính tóan chi li trong kế hoạch hợp đồng tác chiến giữa các đơn vị chủ lực. Nhưng khi đụng đến ý nghĩa một trận đánh, giá trị tinh thần của một thắng lợi thì cái chất " Chính - trị - viên - khu - đội" trong anh lại bùng dậy. Anh hiểu sâu sắc quyết tâm "195" của Bộ tư lệnh. Đây là trận đánh lớn mở màn cho việc triển khai mặt trận Bắc Quảng Trị. Tiếng súng trên cao điểm Dốc Miếu sẽ có sức vang xa, rung chuyển cả hệ thống phòng thủ kiên cố nhất của Mỹ ngụy bên kia tuyến. Trận đánh này sẽ báo hiệu một giai đoạn mới của cuộc chiến đấu, kéo thằng Mỹ ra sát miền Bắc tạo thế tiến công cho cả miền Nam. Vì ý nghĩa lớn lao đó, Bộ tư lệnh hạ quyết tâm mở màn trận đánh đúng vào sáng 19 tháng 5. Với chiến công đầu này, chiến sĩ và nhân dân Vĩnh Linh muốn gửi lên Bác Hồ kính yêu niềm tin vô hạn, lời thề thiêng liêng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trần Chín( ngước nhìn chính ủy rồi đứng thẳng người dậy:

- Anh cứ tin ở chúng tôi!

Trần Vũ bất giác mỉm cười:

- Phải tin ở chúng ta chứ! Đúng không? Nào, bây giờ anh noi tiếp đi! Việc triển khai lực lượng bên bờ bắc thế nào?

Mấy trang giấy trong sổ tay Trần Chính lại lật lật. Tuy mới ở gần và làm việc với người chính ủy này chưa được bao lâu nhưng Trần Chính đã nhận ra nhiều điều thú vị. Lúc nào cũng vậy , đằng sau những chỉ thị, mệnh lệnh nghiêm khắc là nụ một nụ cười tin cậy, trìu mến. Chính ủy thực sự là nơi tựa nương của những xao xuyến, lo toan.

Đối lại, chính ủy Trần Vũ trong lúc chăm chú lắng nghe những lập luận về phương án bố phòng Vĩnh Linh, việc tổ chức lại ăn ở và phòng tránh cho nhân dân trên toàn khu vực, anh thầm cảm ơn người tham mưu trưởng đã sinh ra, lớn lên và lặn lội mấy chục năm trên đất giới tuyến này. Toàn bộ báo cáo của Trần Chính không những khẳng định sự thông thuộc đến mức tinh vi mọi đường đất, lối cỏ mà còn biểu hiện một tình yêu tha thiết, niềm tin mãnh liệt vào lòng người, lòng đất quê hương.

Trần Chính báo cáo xong không thấy chính ủy hỏi gì, anh cảm thấy lo lo. Bất ngờ Trần Vũ ngẩng dậy hỏi một câu hoàn toàn không trong dự kiến của người tham mưu trưởng:

- Cậu có khẳng định rằng thằng Mỹ sẽ trả đũa ra miền Bắc không?

Trần Chính không đáp vội. Thằng Mỹ sẽ trả đũa là việc đương nhiên, nhưng đến mức nào thì khó ai lúc này mà hình dung hết được. Nhưng trong câu hỏi của chính ủy, cái giọn trầm trầm ấy, cả cái lối xưng hô thân thiết ấy, có cái gì như một trách nhiệm nặng nề và sự thông cảm sâu xa. Trần Chính đáp khe khẽ:

- Nhất định thế anh ạ!

- Nhất định thế!

Trần Vũ ngừng lại, giọng anh bé dần, run run:

- Giá cậu được gặp ông cụ ấy...

- Ông cụ nào ạ?

Chính ủy không đáp. Anh tỳ hai cùi tay lên mép bàn chống bàn tay vào má nhìn xuyên ra mái lán:

- Không chắc gì mình được gặp cụ ấy lần nữa. Có điều không bao giờ mình quên!

Trần Chính cảm thấy băn khoăn:

- Anh đang nói về ai vậy?

- Về một người bố và những đứa con. Này, ở " Dê" 47 có cậu chiến sĩ tên là Lợi phải không?

- Dạ... có thể có đấy!

- Phải có chứ, không thể có thể được. Đấy là con trai của ông cụ mình vừa nói đấy. Ông ấy lạ lắm cậu cả? Lạ như thế nào ấy à? Khó nói nhỉ! Chỉ biết rằng ông ấy đã làm cho mình xúc động đến ngây thơ. Không hiểu sao cứ nhìn vào anh mắt của người bố ấy, mình sẳn sàng hy sinh không cần một lời trăn trối. Và mình tin chắc chắn rằng không một thế lực phản động nào đè bẹp nổi chúng ta.

(1) Cá hẻn: Cá trê.


Đăng ngày 29/03/2010
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Hoài Tố Hạnh - 18/07/2012

Anh Xuân Đức có cách gì phóng to chữ lên gấp 2, 3 lần được không. Co chữ nhỏ quá, đọc xong một vài chương là muốn đui mắt luôn vì phải ngó sát màn hình, trợn to mắt lên mới đọc được...
Chuyên gia vi tính họ làm cái một là xong. To như chữ bên trang trannhuong, laokhoa mới thoải mái nuốt văn vẻ của anh chứ ạ...

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan