Saturday, October 3, 2015

CỬA GIÓ - Tập II - Chương 26 & 27


Tác giả: Xuân Đức

Ngày mai tôi đi dự trại sáng tác tại Vũng Tàu. Thời gian xa nhà hơn nửa tháng. Vì vậy sau 2 chương này, tôi tạm dừng việc đăng tiểu thuyết Cửa gió. Mặc dù lần đi này tôi đã tậu được con 3G, nên việc vào mạng sẽ không bị gián đoạn, nhưng vì văn bản Cửa gió nằm ở máy bàn ở nhà nên không thể post được. Mấy lại việc bắt mọi người chịu trận nơi Cửa gió cũng đã quá dài nên nghỉ hơi một thời gian cũng là điều cần thiết. Hẹn bạn bè gặp nhau tại phố biển VT...

CHƯƠNG HAI MƯƠI SÁU 

Cách đây gần ba năm, Kim Hà đã vào trong này một lần. Lần đi trước cô chẳng giữ lại cho mình một ấn tượng gì sâu sắc cả. Bởi lẽ lúc ấy cô mới vào nghề. Đất đai ở đâu cũng thế cả. Đêm diễn nào cũng choáng ngợp những tràng vỗ tay, còn bây giờ thì hoàn toàn khác. Cô đang đi và cô ghi nhận từng dấu chân của mình hằn xuống lòng hào ẩm ướt.

Với trí tưởng tượng của một diễn viên kịch, Kim Hà có thể nhận thấy ở các đường hào đan ngang, cắt dọc này có một dáng vẻ gì đó của một khu phố với những trục đường và những ngã ba, ngã tư...Và thế là cô nhớ. Một đại lộ gần trung tâm thủ đô, một cái ngã tư lúc nào cũng xốn xang người qua lại... Góc trái ngã tư có cây me khá to. Mùa hè ve kêu đến sốt ruột. Mùa thu lá me rụng lạc rạc như gợi nhớ đến xứ sở nào đó rất đỗi hoang vu. Thực ra ở đây chẳng hoang vu bao giờ. Vì nó là cái ngã tư. Hơn thế nữa, lấp sau cấy me chua ấy là ngôi nhà xinh xắn của Kim Hà.

Mẹ mất sớm vì bệnh tim. Bố Kim Hà là một người nặn tượng đã về hưu. Gia đình có sáu anh chị em. Người chị cả lấy chồng từ khi Kim Hà còn học cấp 2. Thế là Kim hà trở thành lớn nhất trong nhà. Lớn nhất nhưng vẫn đang đi học. Cả nhà sáu miệng ăn trông cậy vào đồng lương hưu của bố. Cuộc sống chật vật trong gia đình sớm tạo ra những nét trầm tư có vẻ như không thích hợp với lứa tuổi và khuôn mặt đáng lý rất tinh nghịch của cô.

Hình như để đền bù lại cho chị, Kim Lan- Đứa em gái chỉ cách Hà có hai tuổi lại là cô gái vô cùng lém lỉnh. Nếu ai lần đầu gặp mặt hẳn không thể tin được đấy là hai chị em ruột. Từ khuôn mặt, dáng đi, cách nói đến cả tính tình không một nét gì phảng phất giống nhau.

ấy thế mà cả hai lại cùng chung nghề nghiệp. Mặc dầu trước đó, Kim hà chẳng bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở nên một diễn viên nghệ thuật. Chuyện xảy được coi như là sự tình cờ. Sự tình cờ bắt đầu từ sở thích của đứa em.

Chẳng ai trong gia đình biết Kim Lan thích làm diễn viên từ khi nào. Chỉ thấy hôm có tờ thông cáo dán ở bức tường cuối phố, nó chạy một mạch về nhà níu tay bố đòi đi tuyển. Chiều con gái- Mấy lại ông nghĩ nhà đang túng bấn. Nếu được một đứa đi nghề thì cũng đỡ- Thế nên ông gật đầu: nhưng ông không thể dắt tay con đi tuyền được. Rốt cuộc công việc đó lại đến tay Kim Hà.

Kim Hà đưa em đến phòng tuyển sinh. Giám khảo là một chú trán hói, đeo kính trắng. Ông vui vẻ tiếp Kim Lan và tủm tỉm nói:

- Cháu đã tập một tiểu phẩm gì chưa?

- Dạ chưa ạ. Mà tiểu phẩm là gì hả chú?

- à chú trán hói mỉm cười- Ví dụ thế này nhé. Cháu giả làm một người đi vào mậu dịch, chọn vải, hỏi giá, trả tiền....Khi sờ đến ví tiền thì...ồ, quái thật, ví tiền đâu nhỉ? Trời ơi! Mất rồi...!làm sao bây giờ?...vv..

Sau đó thế nào nữa? Đấy là một tiểu phẩm,cháu hiểu chứ?

Bây giờ cháu về nhà, suy nghĩ rồi tự tập. Ngày mai đến làm cho chú xem nhá?

Kim Lan vâng rõ to rồi quay người chạy. Về đến nhà cả ba bố con bóp trán nghĩ. Bằng vốn hiểu biết của mình, người bố giải thích thêm các bước phát triển tâm lý khi bị mất cắp. Nhưng lý thuyết là một chuyện, khó nhất vẫn là làm sao để diễn cho giống. Kim Lan không thể nào hỏi chuyện với cái bàn, với bức tường hoặc hỏi vào giữa khoảng không đựoc. Cuối cùng nó lại van nài Kim Hà:

- Chị Hà, chị đóng giúp người bán hàng đi!...

- ồ tao chịu thôi! Kim Hà lắc đầu nguây nguẩy.

- Không chị chỉ đứng đấy, em hỏi gì thì nói, thế thôi....

Cực chẳng đã Kim Hà đành phải đứng. Nhưng khi Kim Lan vừa xách chiếc túi bước vào, ngẩng lên "Chào chị" thì lập tức cả hai chị em đều phì cười. Cười ngặt nghẽo, cười đến chảy nước mắt. Suốt một buổi sáng chẳng tập tành gì được. Người bố sốt ruột cáu:

- Tập tành cái gì thế hử? Lao động nghệ thuật phải nghiêm túc chứ!

Hai chị em bảo nhau lần này nhất định không cười nữa. Nào một, hai, ba! Kim Lan bước vào, ngẩng lên. Nhưng kìa, khuôn mặt chị cứ bự ra, môi mím chặt, đôi má đỏ rần, giật giật. Rồi ngực chị rung lên. Giời ơi, không thể nín được nữa. Hai chị em vùng chạỵ ra cửa, gấp bụng xuống mà cười như nôn. Người bố đứng bật dậy, bát thạch cao toé ra sàn nhà.

- Kim Hà! mày làm thế thì bảo em đừng cười sao được?

- Nhưng mà...

- Không nhưng gì cả. Mày phải làm y như thật.

- Nhưng con không thể nhìn được mặt nó...

- Thì thôi, không nhìn thẳng vào nhau nữa, nghe chửa? Mày cứ đóng vai một người bán hàng...ừ, phải rồi, một mậu dịch viên thiếu trách nhiệm, bây giờ khối người như vậy, mày cứ ngồi xem sách, được chứ. ? Làm thử đi tao xem...

Thế là Kim Hà làm lại. Không thể ngờ đó là vai kịch đầu tiên của cô. Càng không thể ngờ đó là bước ngoặt quyết định sự nghiệp của Kim Hà. Lần tuyển sinh ấy, ban giám khảo không những chấm trúng tuyển đứa em mà còn nhiệt liệt hoan nghênh "vai phu" của chị. Đường đời không sao lường hết hai chữ bất ngờ. Nếu không thế thì làm sao hôm nay cô gái Hà nội lại dò dẫm bước chân trên con đường hào lạ lẫm này?

Chính ủy Trần Vũ gần như reo lên khi ở đầu dây nói bên kia Tùng báo cáo về trường hợp cô diễn viên " Nằm lại" Tùng đề nghị gửi cô lên bộ tư lệnh, sau đó giải quyết như thế nào thì tuỳ các thủ trưởng.

Trần Vũ vui thực sự. Cũng khá lâu, nay mới có dịp gặp một đồng hương, cho dù đó là một chiến sỹ, một người chưa hề quen biết, một người không cùng lứa tuổi...Quan trọng hơn, hiện nay đội " văn công nhà" của anh đang thiếu người. Nếu đồng chí ắy đồng ý ở lại thì hay quá, bằng không cô ấy cũng có thể giúp huấn luyện cho anh chị em trong đội một thời gian. Tóm lại chính uỷ bộ tư lệnh chuẩn bị đón người chiến sỹ bằng tất cả sự niềm nở như đón một thượng khách.

" Vị thượng khách" ấy đến, đôi má tái nhợt lấm tấm mồ hôi, vầng trán dính mấy sợi tóc hoe vàng. Bộ quân phục nhàu đất bó gọn tấm thân cân đối. Nhưng đôi chân lại sưng to, bàn chân chật chội núng căng quai dép nhựa màu nâu lấm lám đất đỏ. " Thượng khách" khẽ mỉm cười, nụ cười yếu ớt quá? đôi môi run run bật lên tiếng nói:

- Cháu chào chú ạ!...

Trần Vũ đứng lặng người. Trời ơi, tiếng chào như một giọt sương từ cành cây nào đó rơi xuống. Tiếng chào gói gọn tất cả nỗi nhớ nhung khao khát, bao ký ức ngọt ngào của anh với Hà nội. Trong giây lát, con đường Hoàng hoa Thám hiện ra, bờ hồ Tây hiện ra, những buổi dạ hội hiện ra... Lấp loá, mênh mang mà ấm cúng biết dường nào. ừ nhỉ, Gần hai năm xa tiếng nói Hà nội, tiếng nói từ một khuôn mặt thật, có những nét vui, buồn chớ không phải giọng nói trong ra-đi-ô. Hồi đánh pháp, xa Hà nội đi liền một mạch chín năm nhưng sao không thấy đằng đẳng như bây gìơ. Thế mới rõ cuộc chiến đấu này khốc liệt biết bao.

- Thưa chú...

- Ừ, chết thật. Cháu ngồi xuống đây...Ngồi đây! ăn kẹo nhé! ở đây vẫn có sô cô la đấy. Chấu tên là Kim hà phải không? Thích đấy. Cháu ở phố nào nhỉ?

Trần Vũ hỏi vội vã, bối rối như tự hỏi chính mình. Trước kẻ thù, trước đau thương anh thường già đi một cách chai sạn. Nhưng trước bất kỳ niềm vui nào anh cũng trẻ lại rất bồng bột, thơ ngây. Giữa những năm này, niềm vui lóng lánh quá, quý giá quá mà cũng dễ vỡ vô cùng.

Còn Kim hà, dĩ nhiên cô chưa có nỗi tâm trạng ấy. Cô đang trong trạng thái chờ đợi. Sẽ có quyết định gì đây? Ngày tới sẽ thê nào? Sự bất ngờ thường đáng sợ.

- Bố mẹ cháu làm gì?

- Thưa chú mẹ cháu mất rồi. Bố đã nghỉ hưu ạ.

- Ồ - Trần Vũ khoát tay mà chẳng biết nên nói thế nào cho phải- Thế cháu, à, gia đình có mấy anh chị em?

- Thưa chú, chúng cháu có sáu chị em. Chị cả đã đi lấy chồng. Cháu và cái Lan đi bộ đội. Còn ba em ở nhà với bố...

- Thế em Lan ở đơn vị nào?

- Thưa chú, Lan ở cùng đoàn với cháu, nay đang theo một mũi diễn ở Thanh Hoá.

- Ồ - Trần Vũ chìa cả tay ra- Thế nghĩa là chỉ còn một mình bố với ba em nhỏ?

- Vâng ạ!

- Thế thì...

Trần Vũ bỗng ngưng lại. Rồi anh đứng dậy đi chầm chậm đến mở cánh tủ nhỏ lấy thêm kẹo. Kim Hà nhìn anh không chớp.

- Thưa chú sao ạ?

- Thế này nhé...Cháu phải điều trị cho chóng khỏi bệnh rồi...Rồi phải về ngay với bố rõ chưa?

Kim Hà không thể ngờ kết cục câu chuyện lại như thế. Ngay cả Trần Vũ cũng vậy. Tất cả những dự tính ban đầu của anh tan biến đi đâu mất. Trước mặt anh chập chờn hình ảnh một người bố già với ba đứa con nhỏ...Anh lại nhớ đến con mình. Vợ anh hẳn cũng đang đi biểu diễn một nơi nào đó. Những đứa con anh chắc chắn đang ngồi mong mẹ, mong bố. Nhưng theo anh, đứa con mong bố không chắc đã day dứt bằng bố trong con. ơ xã hội này, thiếu bố, thiếu mẹ, trẻ con vẫn được chăm sóc chu đáo. Sẽ có bao nhiêu tấm lòng nhân ái đền bù lại cho các em. Nhưng cái gì có thể bù đắp nổi khoảng trống vắng trong lòng những người bố thiếu con?

Không hiểu sao, cứ mỗi lần nghĩ về chuyện ấy, Trần Vũ lại nhớ tới ông già râu trắng ở dưới đất đỏ. Hình như ông cụ ấy đi sơ tán rồi. Anh định về gặp cụ một lần nữa mà không kịp. Anh định gặp để trả lời với cụ cái câu hỏi hệ trọng mà hai năm trước đây anh chưa giải đáp được. Đứa con cả cụ vẫn còn sống, đang chiến đấu bất khuất trong nhà tù mỹ nguỵ. Nguồn tin quân báo gần đây nhất đã xác định điều đó..

Kim hà đã kéo Trần Vũ trở về thực tại:

- Thưa chú...Cháu ...cháu chưa thích về Hà nội.

- Sao lại thế...?

Kim Hà hơi cúi xuống,móng tay dí dí lên mặt bàn. Trần Vũ chờ đợi. Nhưng hồi lâu người diễn viên ấy vẫn không ngẩng lên.

- Cháu đã đi là đi..Nhất định cháu sẽ đuổi kịp anh em...Cháu không trở về đâu.

Trần Vũ nhìn kỹ người chiến sỹ ngồi trước mặt. Một mái tóc đen, lác đác sợi hoe vàng như cháy nắng. Đôi lông mày mịn và nhỏ. Đôi mắt rất đen và lúc nào cũng lung linh. Nếu không có những cơn sốt dày vò thì toàn bộ khuôn mặt ấy chắc chắn sẽ toát lên một sắc đẹp đến ngây thơ. Một cô gái như vậy liệu có trụ nổi trên đất lửa này không?

Anh nói một cách ý tứ:

- Chú khó có thể giúp cháu theo đoàn được ngay bây giờ. ít ra cũng phải chờ đợi.

- Vâng, cháu sẽ chờ đợi.

- Nhưng cháu có gan chờ đợi ở chổ này bao lâu?

- Dạ cháu chẳng biết nữa. Dĩ nhiên là cháu rất sốt ruột.

Trần Vũ gật đầu:

- Chú hiểu. Thôi ta thoả thuận với nhau thế này nhé. Cháu cứ công tác ở đơn vị này. Hãy yên tâm như thế. Bao giờ có điều kiện chú sẽ cố gắng giải quyết. Được chứ?

Kim Hà nín lặng, đầu cúi sát tới mép bàn. Kim Hà biết rằng cũng chẳng còn cách nào khác nữa. Nghĩa là từ đây cô sẽ trở thành một chiến sỹ, một người dân ở mảnh đất xa vời này. Có quen được không nhỉ?

Nhưng chính uỷ Trần Vũ lại là người không bao giờ bắt bí kẻ khác. Thấy dáng điệu, anh đoán ngay được tâm trạng. Trần Vũ mỉm cười, anh đổi cách xưng hô nhưng vẫn giữ được giọng nói đằm thắm, trầm trầm:

- Đồng chí cứ suy nghĩ thật kỹ. Ở lại đây sẽ phải chịu đựng nhiều gian khổ đấy. Dĩ nhiên tôi tin là đồng chí sẽ vượt qua, nếu trở về tổng cục cũng tốt. Chẳng ai đánh giá đồng chí bỏ nhiệm vụ đâu. Tôi sẽ viết thư cho đoàn. Cứ suy nghĩ kỹ đi, Kim Hà ạ. Nếu ở lại tôi sẽ giới thiệu xuống đội văn nghệ của chúng tôi, đồng chí sẽ làm việc ở đó với tư cách một huấn luyện viên...

Kim Hà ngẫng đầu lên:

- Sao? Chỗ chú cũng có văn công à?

Trần Vũ mỉm cười:

- Có đấy, gọi văn công cho nó oách thôi, thực tình chỉ có hai mươi anh chị em, nghiệp dư tất. Chẳng ai có chút vốn nghề nghiệp nào. Nhưng " bọn mình" vẫn hoạt động, hát có, kịch có, nhạc cũng có. " cậu' ngạc nhiên à? Rất dễ hiểu. Bởi vì ở đây, cái gì nhân dân và bộ đội cũng cần. Nếu đồng chí biết được rằng ở đảo cồn cỏ gần một nghìn ngày đêm rồi chưa có lấy một lúc ngừng tiềng bom, tiếng đạn. Gian khổ không thể nói hết. Hy sinh, tổn thất cũng không gì sánh nổi. Nhưng cán bộ, chiến sỹ ở ngoài ấy vững lắm, vững đến kỳ lạ. Nếu được hỏi nguyện vọng, họ chỉ ước có hai điều. Một là có thật nhiều đạn. Đừng bao giờ để trận địa phải "đói" đạn. Hai là: Văn công. Thậm chí anh em còn nói, không cần văn công diễn, chỉ cần một vài người ra với đảo thôi... Cô nghe có buồn cười không? Tôi thì ứa nước mắt. Gần một nghìn ngày đêm, họ không được nghe tiếng gà, không được nhìn thấy bóng một đứa trẻ con, một cô gái. Thế đấy, đồng hương ạ.ở đây chúng tôi phải làm lấy tất cả. Nói vậy chẳng có ý trách văn công Trung ương đâu. Nhiều mặt trận khác cần hơn, miền nam cần hơn. Vĩnh Linh xin cố tự lực vậy...

Trần Vũ chống tay vào bàn đứng dậy. Nhưng cũng ngay lúc ấy Kim Hà cũng vội vã đứng lên như sợ anh đi mất.

- Báo cáo thủ trưởng... Đề nghị thủ trưởng cho tôi xuống đội...

- Đã nghĩ kỹ chưa?

- Báo cáo rồi ạ. Tôi nhất định ở lại, nhất định thế!

*

Thế là với những sự tình cờ không thể lường trước được , cô gái Hà Nội ấy đã trở thành một chiến sĩ trên đất Vĩnh Linh.

Bằng tư duy nghề nghiệp của mình, Kim Hà kiểm điểm lại những "nhân vật" đầu tiên trên đất này, muốn từ đó có thể rút ra những nét khái quát nhất về con người ở đây. Hiểu được điều ấy, cô tin rằng mình sẽ nhanh chóng "nhập vai" thành một chiến sĩ giới tuyến.

Người đàu tiên mình gặp là bé Cần - Kim Hà cố nhớ lại - Nó chẳng giống một cô bé Hà nội chút nào. Nước da đen, sần sùi, tóc lơ phơ, cụt lủn; đôi mắt tròn và to, khi nhìn cứ muốn lồi ra...Nhưng rõ ràng vẫn là một con bé đẹp. Nó vừa hơi khó hiểu lại vừa rất dể gần... Nó thiếu thốn nhiều thứ quá. Chưa hề biết tàu điện là gì, ô tô buýt là gì...Nhưng nó có nhiều thứ mà không riêng gì trẻ con Hà Nội , ngay cả đến mình cũng thiếu. Chao ôi, nghị lực nó sao mà phi thường, tình yêu của nó sao mà lớn lao đến thế ! Có lẽ với nó biển là tất thảy cuộc đời!

Còn người thứ hai là "ông" tiểu đoàn trưởng. Sao ông ta lại ít nói thế nhỉ? Dĩ nhiên Kim Hà không hề ưa loại người nói nhiều. Ông ta thương con bé Cần quá! Về phương diện "tâm lý nhân vật" mà suy ra, ông ta chắc cũng có con gái lớn bằng ấy. Nhưng sao mình hỏi chuyện gia đình, "chú ấy" lại cứ im lặng? Từ Quảng Bình vào tới đây, "chú ấy" toàn kể chuyện bé Cần lạc mẹ. Giọng chú nghe xúc động quá.Hay là... "chú ấy" thuộc loại người chỉ quen nghỉ về người khác?

Còn người thứ ba?...người thứ ba, đang khoác giúp chiếc ba lô của Kim Hà đi thoăn thoắt phía trước. Anh ta là người thế nào nhỉ?. Chính ủy ch giới thiệu:đây là đồng chí trộ lý câu lạc bộ! Một anh trợ lý, theo mình là đẹp trai, nếu không nhầm thì đẹp trai vào loại hiếm có ở trong này. Anh có vóc người thon thả,bước đi rộng dài, nhanh áo quần quân phục biết chữa cho vừa cỡ. Anh nói tiếng trong này nhưng không dùng thổ âm địa phương nào nên rất dễ nghe. Hình như khi nói chuyện với mình anh có ý phát âm nhẹ đi một chút và nhã chũ khá tròn "Hân hạnh được gặp đồng chí...Nào mời bạn về với chúng tôi, anh chị em đang chờ đấy...". Anh ấy nói như diễn vậy. Thế mà lại là một trợ lý câu lạc bộ. Sao anh ta không làm diễn viên nhỉ?

Kim Hà thấy vui vui vì cách suy diễn ấy, cô cố bước thật nhanh đuổi kịp người trợ lý phía trước. Và câu hỏi ấy buột ra:

- Sao anh không làm diễn viên nhỉ?

Người trợ lý dừng lại, khẽ rướn cặp lông mày cong như hai nét vẽ và mở nhẹ đôi môi cười một cách tế nhị:

- Chết thật, tôi làm sao có tài mà làm diễn viên được?

Kim Hà cười thẹn:

- Anh cứ nói

- Thật đấy, rồi dần dà bạn sẽ hiểu, tôi vô duyên lắm.

Kim Hà cười khúc khích. Dầu sao con người thứ ba mà cô được tiếp xúc trên mảnh đất này đã làm cho cô vui.

Chừng mươi lăm phút sau hai người về tới lán đội tuyên - văn. Bây giờ thì không còn kịp phân biệt thứ tự từng người tiếp xúc nữa. Tất cả diễn viên trong đội xô ra ôm chầm lấy Kim Hà, lột mũ, cất ba lô, dí cô ngồi xuống giường, cầm quạt quạt lấy quạt để. Rồi hỏi, rồi khen xin quá, rồi cười hà hà... Kim Hà ngơ ngác như trẻ con. Cô chỉ kịp ghi nhận một điều, người trong này tiếp xúc hình như không cần giai đoạn thăm dò, làm quen. Chừng đó thôi cũng đủ cho người diễn viên giàu cảm xúc này rưng rưng cảm động.

Nhưng cô đang rưng rưng cảm động thì đột nhiên người trợ lý bên cạnh bỗng cao vút giọng lên như vừa bị mất cắp cái gì:

- Tất cả trật tự! Tôi nhắc lại: Tất cả trật tự!

Đợi cho mọi người im lặng , anh trợ lý mới hạ giọng xuống giới thiệu với tất cả sự trang nghiêm mà từ lúc gặp nhau đến giờ Kim Hà chưa nhận thấy:

- Thưa các đồng chí ! Hôm nay đội ta rất vui mừng được đón tiếp đồng chí Kim Hà. Đồng chí Kim Hà là một diễn viên xuất sắc của đoàn văn công Tổng cục chính trị. Trên đường đi công tác vào chiến trường, Do hoàn cảnh đặc biệt mà đồng chí ở lại với chúng ta. Từ nay đồng chí Kim Hà là một diễn viên, một huấn luyện của đội. Rất mong các đồng chí đoàn kết giúp đỡ nhau tiến bộ. Đề nghị tất cả hoan nghênh!

Mọi người đưa tay lên và vỗ. Nhưng xem ra tiếng vỗ tay chẳng lấy gì làm nồng nhiệt cho lắm. Kim Hà rất nhạy cảm, cô chợt nhận ra một cái gì không ổn. Nhưng cô chưa kịp nghĩ thêm gì thì anh trợ lý đã "chuyển gam".

- Nhân đây tôi xin nhắc các đồng chí một vài vấn đề. Thứ nhất là vấn đề kỷ luật. Tôi đã nói với các đồng chí nhiều lần, chúng ta tuy làm nghệ thuật, nhưng trước hết các đồng chí hãy nhớ mình là người lính. Người lính thì phải có quân kỷ. Hơn nữa chúng ta lại là những người lính trên đất Vĩnh Linh. Mà Vĩnh Linh là như thế nào? Nghĩa là tôi nhắc các đồng chí nhớ lại vấn đề chổ đứng của mình. Từ vấn đề chỗ đứng mà ta đi đến vấn đề quan điểm lập trường của một người đoàn viên. Ta không quên rằng...

Cứ thế, anh trợ lý giải thích khá cặn kẽ về quan điểm một đoàn viên cộng sản. Rồi từ đó anh lại chuyển qua vấn đề đoàn kết. Từ đoàn kết, ngoặt một cái đã tới vấn đề nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh... Rồi bảo vệ của công... rồi loanh quanh thế nào lại trở về vấn đề kỷ luật...

Không khí cuộc gặp gỡ trầm hẳn xuống. Kim Hà thấy bứt rứt. Cô thấy như sự có mât của mình đã làm cho đội rắc rối thêm ra. Cũng may những "vấn đề" của anh trợ lý đã đến giai đoạn kết thúc vì có một đồng chí công vụ xuống gọi anh lên gặp trưởng ban tuyên huấn. Anh vội vã ngắt lời chìa tay ra:

- Chúc bạn gặp may mắm nhé!

Kim Hà lúng túng, mặt ửng đỏ. Song chẳng thế nào từ chối được nữa, cô đành rụt rè chìa bàn tay mình ra, miệng líu ríu:

- Cảm...ơn anh...

Trợ lý câu lạc bộ bắt rất chặt và có hơi lâu. Nhưng rồi anh cũng buông tay ra, quay người bước đi những bước rộng dài, sảng khoái.

Kim Hà không nhìn theo người vừa đi, cô đảo mắt một vòng nhìn những người xung quanh rồi vội cúi xuống. Phút hồ hởi líu ríu ban đầu tan biến đâu mất rồi. Sao thế nhỉ? Kim Hà rất muốn nói một câu gì đó nhưng loanh quanh mãi vẫn không tài náo mở miệng được.

May quá vừa lúc đó có một giọng nói rất to vang lên phía hè nhà:

- Đâu, cô khách đâu?

Kim Hà quay vội lại. Một người con gái từ dưới bếp lên, tay cầm đôi đũa cái, mồ hôi lăn giọt trên trán, má hừng đỏ. Chị ấy có lẽ chỉ hơn Kim Hà vài ba tuổi, nhưng trông dáng điệu, đôi mắt và cách hỏi lại có vẻ có già dặn thế? Kim Hà nhìn chăm chú. Chị ta cũng nhìn lại như thách thức. Đôi mắt tròn lúng liếng, cái trán dô cao, tóc búi gọn thành một khối lớn sau gáy. Chị ta bận áo cộc để lộ hai cánh tay ram rám màu nắng. Có lẽ chị là người chủ cái nhà này. Kim hà nghĩ vậy nên vội vã đứng dậy:

- Thưa chị... em đây ạ!

Nhưng chị ta không gật không đáp mà vẫn tròn vo đôi mắt ra nhìn. Kim Hà hơi khó chịu. Nhưng cô chưa có phản ứng gì thì đôi mắt kia nheo nhoáy một cái rồi đôi môi nhếch lên gần như cười:

- Sao? Quen ông Khang từ trước à?

- Khang nào ạ?

- Đấy, trợ lý câu lạc bộ lúc nãy đấy...

- Chị nhầm đấy. Em chỉ biết từ lúc đồng chí ấy lên chổ Chính ủy đưa em về đây thôi.

Cái trán dô khẽ gật một cái khá mạnh, rồi bất ngờ đôi mắt tròn vo kia bỗng dịu lại, đằm thắm một cách khác thường. Chi ấy bước lại gần:

- Nghe bảo bị sốt à?

- Vâng ạ!

- Khổ nhỉ? Mình có thể chữa khỏi đấy...

- Em đã uống khá nhiều ký ninh...

- Ồ, cái thứ thuốc chết tiệt ấy, khiếp lên được. Mình sẽ chữa cho bạn...

- Bằng thuốc gì ạ?

- Giun.

- Cái gì ạ?

- Giun ấy mà. Con giun đất ấy, cứ xào một bát đầy chén vào là...

- Eo ơi...

Kim Hà co rúm người lại. Cả đội phá lên cười. Người con gái cầm đôi đũa cái cũng cười to. Rồi cô vứt đôi đũa xuống đất ôm lấy đầu Kim Hà mà lay lay.

- Rõ tội... ăn giun béo hơn ăn thịt gà đấy em ạ... Nhưng để khi khác hãy chén món "mĩ vị" ấy, Bây giờ xơi "sâm đất" đã.

‘Sâm đất" mà chị ấy nói là một nồi khoai lang. Nồi khoai được đặt chính giữa nền đất. Vừa mới mở vung hơi đã òa lên nghi ngút. Người cho tay vào nồi đầu tiên vẫn là chị "chủ nhà" ấy. Chị bốc một củ to, nhưng nóng quá, chị lật củ khoai từ tay nọ sang tay kia nhanh như một diễn viên xiếc làm trò tung hứng. Kim Hà thấy buồn cừơi quá. Kể ra được ở trong một gia đình mà người chủ nhà còn trẻ mà vui tính như thế này cũng thú vị.

"Người chủ" tung một lúc thì củ khoai nguội, chị chụp lấy bàn tay Kim Hà, lật ngửa ra và đặt trọn củ khoai vào:

- Xin mời!

- Ơ chị ăn đi, em lấy đây rồi...

- Ô hay, tôi bảo ăn là ăn, thượng khách mà lại - Rồi chị ấy cười, đôi mắt sáng rực lên đầy vẽ bướng bỉnh - Trong tiểu đội nữ mình là con lớn tuổi hơn cả. Vì thế nên hay mắc bệnh "gia trưởng" cậu thông cảm hí!

Đến lượt Kim Hà trố mắt ra. Thì ra đây cũng là một diễn viên! Thế này thì...mình đến chịu!

- Cậu nhìn gì mình mà khiếp thế? Mình coi ngộ quá hí? Ngộ cũng phải. Mình là cọp mà. Ai đụng phải cọp là nó vồ ngay đấy. ái chà nóng quá trời- chị ta vứt vội củ khoai vào nồi- Tất nhiên cọp cũng sợ nóng. Lửa đốt cọp cháy lông mà, hiểu chưa? Nói vậy chứ tớ chả sợ lửa, bởi vì tớ chỉ giống cọp chứ không phải cọp. Có thế là mèo. Mèo thì chẳng sợ gì tất. à nó cũng có, nó sợ chó...

Kim hà không thể nào nhịn cười được nữa:

- Thế tóm lại chị là gì?

- Tóm lại hí? Tóm lại, tớ là Phương. Con Phương gàn như thế.



Lại thêm một chuyện bất ngờ nữa. Không thể đoán trước rằng chỉ sau đó khoảng nữa tháng " con Phương gàn" và cái Kim hà sợ giun ấylại trở nên đôi bạn thân. Họ thương nhau như hai chị em ruột.

Cái tên Kim Hà sợ giun mà anh em trong đội đặt thật oan uổng. Bởi vì sau đó chính Kim hà đã tự nguyện cùng Phương đi đào giun rồi nấu lẫn với nước chè xanh để uống. Kim hà đã uống hết một bát men. Dĩ nhiên là sau đó cô nôn oẹ. Nhưng đấy là do bát nước chè đặc cào ruột chứ không phải vì giun. Chẳng biết có phải nhờ liều thuốc gia truyền ấy mà bệnh sốt rét ở cô biến mất không?

Và bây giờ sắc đẹp đã trở về đầy đủ trên khuôn mặt bầu tròn của cô gái Hà nội mới trên hai mươi ấy. Có thể nó Kim hà là hoa khôi của đội. Cô cũng đã trở thành đề tài làm xôn xao dư luận của cánh lính trẻ mỗi lần đội văn công xuất hiện. Nhiều tay quá quắt cứ nhìn chòng chọc nhu bị thôi miên khiến Kim hà phải cúi gằm mặt. Nhưng lập tức bị Phương chỉnh ngay"

-Sợ quái gì, cứ vênh mặt lên! Người ta ngắm chứ có ăn thịt đâu mà sợ. Tao ấy à có hay ngắm thì tao xấn lại tận trươc mắt cho mà ngắm.

Kim hà nguýt chị;

- Chị đáo để quá!

Ấy thế rồi cái đáo để của Bà chị dần dần cũng lây sang em. Kim Hà đã mạnh dạn dần, bắt đầu lý lẽ, tinh nghịch, thậm chí còn trêu lại cả những chàng non vía. Nếu không có cái gịong nói Hà nội và mái tóc uốn ốp tròn trên khuôn mặt thì chắc chắn cô đã thành một người con gái Vĩnh Linh hoàn hảo rồi!

Chiều hôm nay, đội phục vụ cho quân y viện Bộ tư lệnh.

Một căn hầm hình chử nhật dựng theo kiểu hội trường bốn bề chèn ván, rộng chừng hai mét rưỡi, dài khoảng mười mét. Khán giả ngồi kín nền hầm.Chỗ diễn chỉ còn bằng một tấm chiếu đôi.Các lối ra vào cũng nêm chật người.Lổ đổ những vòng băng trắng quấn ở đầu, chân, ngang ngực. Lại thêm nạn chống gác lổng chổng trước mặt hoặc dựng hai bên tường ván. Từ ngày làm nghệ thuật đến nay , Kim Hà đã tham gia biểu diaễn ít nhất cũng vài trăm buổi. Nhưng có lẽ đây là lần đầu cô được biểu diễn trong hoàn cảnh đặc biệt như thế nào. Đèn măng- song phả hơi nóng hầm hập. Lại thêm hơi người, hơi thuốc lá ngột ngạt. Thỉnh thoảng vài ba loạt bom nổ gần, căn hầm rùng mình,đất rơi lạc rạc. Diễn viên vẫn hát, vãn ngâm thơ, diễn kịch. Mồ hôi vã ra, lớp phấn nền trôi thành từng vệt dài trắng như những vệt sẹo từ trán xuống cằm. Diễn viên chật vật, xem vất vả. Nhưng tất cả đều im lặng, đều say sưa; im lặng và say sưa tới mức khi tiết mục kịch cuối cùng đã kết thúc, người đội trưởng đã ra chào mà khán giả vẫn ngồi nguyên như không tin rằng đã đến lúc phải chia tay.

Cuộc sống diễn viên là những gặp gỡ và chia tay! Mà cái gì cũng đều vội vã. Khi khán giã đến, người diễn viên phải nấp kín sau phông. Cho đến lúc tấm màn trước kéo ra thì, ôi cơ man là những người bạn mới. Người chập chờn trong khoảng đêm như biển. Và cuộc chèo chống bắt đầu. Người nghệ sĩ lăn vào một cơn thử thách. Những cơn sóng vỗ tay ào ào cuốn lên khích lệ.. Hoàn thàng một đêm diễn y như vượt qua một luồng nước xoáy. Nhưng rồi tan cuộc, chỉ trong chớp nhoáng biển người trước mặt tan đi để lại một gian hầm thênh thang lổng chổng bao nhiêu là ghế hoặc một bãi đất hoang với vô số mảnh giấy.

Hội ngộ rồi chia tay...cuộc sống cứ lặp đi lặp lại như vậy. Thế mà người diễn viên vẫn không thể nào quen nổi. Bao giờ trước phút gặp gỡ cũng bồi hồi, sau phút chia tay cũng thấy lòng hẫng đi, bần thần. Huống hồ những người đang ra đi đó lại là những thương binh, họ chống nạng gỗ, họ níu lấy vai nhau, họ đi bằng những gì còn lại trên thân thể và đi cả bằng những gì mới mẽ rạo rực mà buổi diễn nghệ thuật vừa mang đến.

Kim Hà đứng thừ người ở cửa hầm nhìn theo đoàn thương binh đang tỏa ra các ngách hào để về các lán. Mặc dù anh chị em trong đội đã ra khỏi hội trường, tay xách nách mang kéo về nhà nghỉ, Kim Hà vẫn đứng. Và điều cô không thể ngờ- thì xưa nay Kim Hà vẫn là người hay bị bất ngờ mà - ở trong hầm kia, gần cuối tường đất có một khán giả vẫn đang ngồi, đang lặng đi trong sự xao xuyến.

Cho đến khi Kim Hà quay lại kiểm tra sân khấu xem có ai bỏ sót gì không- đấy là thói quen của một diễn viên chuyên nghiệp- thì bất ngờ cô nhìn thấy. Người khán giả ấy vẫn không nhúc nhích, hai mắt anh nhìn đăm đăm vào Kim Hà.

- Anh chưa về ư?

Anh ta lắc đầu.

- Hay...hay anh không thể đi được? Kim Hà tiến lại gần hơn - tôi... có thể giúp anh được không?

Rồi cô khẽ cúi xuống. Nhưng rất nhanh, người chiến sĩ đứng bật dậy.

- Ủa?

Kim Hà lùi ra một chút.

- Tôi chưa bị liệt đâu. Nói chung... sắp ra viện rồi.

- Thế sao?...

Người con trai không nói gì, lặng lẽ đi ra phía cửa. KimHà đi theo. Ra khỏi hầm anh con trai bất ngờ quay lại:

- Sao đồng chí lại ở đội văn công này nhỉ?

- Ồ...thì tôi vẫn công tác ở đây mà...

- Từ bao giờ?

- Dạ, đã gần một tháng rồi.

Đôi lông mày của anh hơi nhíu lại một tý, môi khẽ cười:

- Nhưng tôi có thể biết vì sao cô lại về đội này không?

- À, tôi...thế này nhé, tôi theo bố vào công tác trong này, rồi thì...tôi đi tuyển và được nhận vào văn công... Thế đấy!

Người con trai bật cười khe khẽ. Anh quay trở về phía trước bước đi khoan thai, chẳng rõ anh có tin vào đoạn chuyện "hư cấu" của người diễn viên không! Còn Kim Hà tự thấy rất thú vị vì những điều vừa nói. Cô nhảy lên mấy bước cho kịp người chiến sĩ, giọng líu ríu:

- Nhưng mà... tôi vẫn không hiểu vì sao đồng chí cứ thích ngồi mãi trong hội trường ấy nhỉ?

- À, thế này nhé, người con trai bắt chước đúng cách nói của cô - tại vì đội các đồng chí diễn làm tôi nhớ quá...

- Anh nhớ gì?

- Nhớ... sân khấu

Kim Hà gần như reo lên:

- Sao? Trước đây anh cũng là diễn viên à?

- Vâng.

- Anh ở đoàn nào?

- Văn công Tổng cục chính trị.

- Ủa?

Người con trai hơi nghiêng đầu lại mỉm cười:

- Đồng chí không tin à? Tại vì lúc tôi ở đoàn có lẽ đồng chí đã vào trong này theo bố rồi. Với lại chắc đồng chí ít đi xem kịch nên ít thấy tôi sắm vai...

- Có đấy, tôi rất hay xem. Anh cứ nói đã đóng vai gỉ nào?

- Thế này nhé, tôi từng diễn vỡ "Mùa xuân". Tôi đóng vai... cô dân công giữ chàng sốt rét. Đồng chí xem chưa nhỉ?

Không có tiếng đáp. Người con trai quay lại. Kim Hà đang đứng sững người, mắt mở tròn nhìn anh.

- Sao nhìn tôi dữ thế? Vẫn không tin à?

Mặt Kim Hà đỏ rần lên, rồi cô phá lên cười:

- Em thì em bảo thế này nhá. Một là anh rất giỏi nhớ. Hai là...em xin lỗi vì đã phịa chuyện lúc nãy... Ba là...nói chung anh cũng rất giỏi phịa. Và cuối cùng - giọng cô bé hẳn lại - em rất cảm ơm anh vì anh đã nhớ đến chúng em...

Người chiến sĩ lúc nãy dừng hẳn lại, giọng rất từ tốn:

- Không phải thế đâu đồng chí ạ! Công bằng ra thì cánh bọn tôi phải cảm ơn các đồng chí! Hôm các đồng chí diễn là hôm bọn tôi lên đường. Tôi không nói đến ý nghĩa của vở kịch mà chỉ nói đến hình ảnh đội mưa đội gió để diễn cúc các đồng chí thôi, cũng đủ thành duyên nợ cho chúng tôi không bao giờ quên nổi hậu phương. Tôi nói thế này bạn đừng cười nhé, hôm đó chính tôi đã đến chào bạn. Chính bạn đã hẹn: nếu gặp nhau ở chiến trường thì thích nhỉ? Tôi chẳng tin vào lời hẹn bâng quơ ấy và hẳn bạn cũng chẳng nhớ đâu. ấy thế mà lại thành sự thật. Chiến tranh cũng có những điều kỳ lạ của nó phải không? Sự thực, cũng chẳng đến nổi quá kỳ diệu. Các bạn đã vì chúng tôi, thì chúng tôi mãi mãi ghi nhớ các bạn...

Kim Hà gần như sửng sốt trước sự nhớ quá kỹ càng của người khán giả chưa biết tên ấy, sửng sốt hơn là anh ta đã nói như đọc được bao nhiêu tâm sự của mình. Cô bỗng thấy lúng túng:

- Nhưng mà... cho em hỏi đã... tên anh là gì nhỉ? Không chừng em nhớ ra anh cũng nên...

Người con trai bật cười:

- Nhớ sao nổi.

- Nhớ nổi đấy...

- Nói thế không thật đâu. Và cũng không nhất thiết bạn phải nhớ đến chúng tôi. Hãy dành cái đấy cho chúng tôi, chỉ khán giả nhớ diễn viên cũng đủ lắm rồi bạn ạ!

Đêm đó, trở về chổ ở của mình, Kim Hà ghi nhật ký:

- Đừng bao giờ nghĩ rằng sau một đêm diễn khán giả sẽ bỏ rơi mình. Không! Hãy hết lòng vì khán giả rồi sẽ mãi mãi được sống trong lòng khán giả. Có phải đây là một bài học lớn lao đầu tiên đối với mình? Cản ơn anh! Cảm ơn cuộc sống đầy ý nghĩa trên mảnh đất này...

CHƯƠNG HAI MƯƠI BẢY 

Cuộc sống sôi nổi dồn dập , trên đất lửa này như những cơn lốc cứ thế mà cuốn hút Kim Hà. Nhưng giữa những chiều gió xoáy, thiên nhiên vẫn còn dành ra chút ít thời gian yên tĩnh. Cái yên tĩnh như là khoảng lặng giữa hai đợt bom, như thể phút đóng màn giữa hai hồi kịch.Cái yên tĩnh còn dữ dội hơn bão lốc.

Ấy là lúc cô gái Hà nội nhớ nhà!

Có thể nhận ra giây phút ấy khi Kim Hà ngồi một mình trên bậc cửa lên xuống của hần ngủ, hoặc sau lúc hóa trang xong cô tê mê nhìn mãi khuôn mặt mình trong chiếc gương hình bầu dục, hoặc đang hành quân leo qua một dãy đồi cát bất ngờ gặp một khoảng rộng mênh mông trước mặt có con đường nhựa chạy thẳng vút lên sẳn sàng mời mọc những chiếc bánh xe liên vận có thể đưa con người đi bất cứ chổ nào. Những lúc như thế Kim Hà đứng thừ người ra, mắt nhìn hun hút về phía trước. Hẳn cô đang nhất quyết với chính mình rằng, phía trước kia nới đầu nút con đường nhựa ấy là Hà nội! Thực ra cũng rất ít người nhận thấy được giây phút ấy ở Kim Hà. Anh em trong đội thường nghĩ cô là người hay mơ mộng, hoặc là một diễn viên có thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc nên lúc nào cũng tư duy, cũng thể nghiệm...Chỉ có hai người rất rõ tâm trạng của cô. Một là Phương. Người thứ hai chính là anh trợ lý câu lạc bộ rất thông minh và đẹp trai: Vũ Nam Khang.

Đúng là hai người đã trùng nhau trong ý nghĩ về Kim Hà. Mặc dầu cả hai, từ ngày buộc phải sống chung một đơn vị, họ luôn tránh mặt nhau. Những cuộc họp do Khang triệu tập và chủ trì Phuơng thường vắng mặt. Khi nấu nước chè xanh, lúc lại luộc khoai, có lúc bí quá chẳng có việc gì nữa, Phương lại kêu nhức đầu không họp được. Trong đội chẳng có ai để ý đến chuyện đó. Nhưng Khang thì thừa hiểu. Biết nhưng làm ngơ. Bởi như vậy chính anh cũng đỡ lúng túng.

Hai người như sống hai điểm đối xứng của một con quay. ấy thế mà gặp nhau ở một ý nghĩ, rằng có lẽ sẽ đến một ngày nào đấy, họ sẽ phải chia tay với Kim Hà.

Vũ Nam Khang thấy bồn chồn thật sự. Anh ngỡ ngàng như đang cầm trong tau một bong bóng nước, đẹp quá, hấp dẫn lắm, nhưng chưa biết tan biến bất kỳ lúc nào, có cách gì giữ lại được không. Người con trai sống là để tích luỹ kinh nghiệm. Bao nhiêu bài học đau đớn rồi. Khang tự tìm hiểu mình, tự thấy kể ra mình cũng đã có nhiều thứ. Có học thức, có quyền hành- Dù cho đấy là chút quyền hành nhỏ nhoi- lại là một con người đẹp trai nữa...Lẽ ra những may mắn nhất phải đến với mình. Thế mà rốt cuộc, vẫn là chân " cờ , đèn, kèn trống"!Tại sao không phải là một chính trị viên, một đại đội trưởng, hoặc cao hơn nắm trong tay ngàn chiến sỹ? Mình còn thiếu cái gì nhỉ? Hay chỉ tại sự rủi may?

Ừ , thôi thì hẵng bằng lòng với sự rủi may trong công danh đơn vì, nhưng còn tình yêu, chẳng lẽ cũng là trò đánh bạc? Bao nhiêu lần, bằng tất cả sự thông minh của mình, Khang quả quyết rằng cá đã cắn câu! ấy vậy mà khi vung giật thì...

Lần này rõ ràng con bé ấy đã có cảm tình với mình! Khang nhăn dúm hai hàng lông mày lại để nghĩ, để thử xem có đúng là biểu hiện của tình yêu không? Lần đầu tiên anh biết thân trọng, biết dè dặt và biết nghi ngờ chính trí tuệ của mình.

Khi con người ta không lên một chút thì ý nghĩa công việc họ làm cũng tăng lên. Nếu là tai vạ thì tai vạ cũng sẽ lớn hơn khó mà lường trước được.

Rõ ràng Vũ nam Khang đã khôn lớn. Anh chợt bừng tỉnh nhận ra điều xưa nay mình chưa chịu mất một cái gì cả. Chưa chịu mất thì lấy gì mà được. Thế là Khang hành động. Thoạt đầu hãy " chi" một hộp sữa. Anh mang xuống cho Kim Hà giữa lúc cô hơi mệt. Kim Hà từ chối. Nhưng Khang đã nghiêm giọng:

- Đồng chí cần phải ăn, cần phải có sức khoẻ. Đấy là trách nhiệm chính trị đấy.

(Nghĩa là Khang đã tự phủ nhận phương pháp tán tỉnh cười cợt. Theo anh rút ra với con gái chớ nên hạ mình quá sớm!)

Ít hôm sau Khang lại đến, anh không vào hầm mà gọi Kim Hà ra ngoài:

- Đồng chí thấy khoẻ hẳn chưa?

- Cám ơn, em khoẻ rồi ạ.

Nhưng Khang đã nhăn mặt lắc đầu:

- Da hãy còn xanh lắm. Có lẽ tôi buộc phải cho đồng chí đi viện...

- Chết, chết..em khoẻ thật mà...Em không đi viện đâu.

- Khoẻ gì? Khang nhếch mép cười- Cô thử mang gương ra mà ngắm lại mình xem? Người diễn viên phải coi việc bảo vệ sức khoẻ là một nhiệm vụ. Bởi giọng nói, sắc đẹp của mình chính là tài sản chung, là công cụ lao động. KHông hiểu đồng chí có nhận thức ra vấn đề ấy không?

Kim Hà khẽ cúi xuống trả lời lí nhí:

- Có ạ!

- Thế đấy, thà đồng chí không hiểu lại là một nhẽ, hiểu mà không thực hiện chứng tỏ ý thức còn yếu đấy. Tính tôi hay nói thắng, đừng giận nhé. Có phải đồng chí không chịu uống thuốc không?

Kim Hà ngớ ra. Cô cố nhớ! Mình có chê thuốc bao giờ nhỉ? À hình như cũng có một lần, trong cơn sốt ý tấ mang ký ninh xuống nhưng sau đấy cơn sốt qua cô cũng quên luôn không uống. Có lẽ lần đó chăng? sao mà anh ấy biết nhỉ? Dầu sao cô cũng thấy ân hận.

Bất ngờ Khang đổi giọng:

- KimHà có biết tôi lo cho bạn như thế nào không? Bởi vì lẽ thứ nhất bạn là trụ cột của cả đội. Bạn mà ốm thì coi như toàn đội mất sức chiến đấu. Nhiệm vụ không hoàn thành thời cái anh chủ trì này còn mặt mũi nào lên gặp chính ủy được nữa. Lẽ thứ hai là ở hoàn cảnh bạn tôi tự thấy cần có sự quan tâm đặc biệt hơn. Bạn xa nhà, xa quê, đơn độc một mình... Bình thường đã buồn rồi, ốm mà nằm xuống nữa thì cô đơn biết mấy...

Phải thừa nhận rằng những lời tâm huyết của Khang rung động tới những sợi dây sâu nhất trong lòng người con gái. Cho nên Kim Hà cúi đầu im lặng.Cô cảm động thực sự . Nhưng Khang thì ngược lại, vẫn tỉnh. Đã bảo là anh khôn hơn trước nhiều. Người khôn là người biết dừng lại đúngchổ , biết rút lui đúng thời điểm. Khang đứng dậy cho tay vào lôi ra một gói giấy báo:

- Tôi cho đồng chí một ít thuốc "lục vị" thuốc quý đấy. Mỗi ngày ăn bốn viên. Nhớ ăn thường xuyên. Nếu có phản ứng gì thì báo ngay cho tôi nhé.

Kim Hà không còn kịp nghĩ ra điều gì nữa, cô đưa hai tay đỡ lấy gói thuốc. Khang quay người bước nhanh. Trông anh lúc ấy hoàn toàn giống một quân y sĩ lành nghề và đầy trách nhiệm.

Cứ thế, Những viên thuốc quý ngấm dần da thịt Kim Hà. Chẳng có phản ứng gì, chỉ thấy cô ngày một thêm quý trọng người thủ trưởng trực tiếp của mình.

Dĩ nhiên với Vũ Nam Khang, không phải như thế là đã hài lòng. Càng gần tới "đích" anh càng nghiệm thấy cần phải có sự "hy sinh" lớn hơn. Vật chất chỉ mới thắng một mũi, còn một hướng khác, khá gay go, nếu anh không chịu nhường nhịn, chịu mất mát thì có nguy cơ bị phá đám. ấy là hướng Phương.

Phương ngày một gần Kim Hà hơn, hai người như hình với bóng. Sớm muộn rồi Phương cũng biết. Mà biết thì nhất định phá Khang hiểu được tình thế đó, và người con trai bao giờ cũng nhanh nhẹn hơn, anh đã hành động trước.

Một lần trên đường đi biểu diễn, máy bay địch ném bom vào đội hình hành quân. Tất cả đều chạy dạt ra hai phía chân đồi. Không hiểu Phương luống cuống thế nào để rơi mất chiếc áo dài đóng vai bà mẹ. (Vì đi diễn gần nên chẳng ai mang ba lô, áo quần biểu diễn được gói lại trong một chiếc khăn, khoác vào vai như một tay nải). Khang đã nhặt được chiếc áo. Thật là một cơ hội tốt nếu như anh muốn trả thù. Chỉ cần dấu đi đến tối, thử xem Phương sẽ diễn bằng gì. Rồi mọi người sẽ tha hồ chỉ trích, phê phán: nào là thiếu tinh thần trách nhiệm, nào là không dũng cảm trước kẻ thù... Nhưng Khang đã hành động khác.

Trưa hôm ấy khi mọi người đã vào hầm ngủ, Khang gói chiếc áo trong một tờ báo và cầm đến hầm Phương.

- Này, O Phương ra đây tôi gặp tý!...

Phương hơi giật mình, nhưng sau đó cô lại ngả lưng xuống giường xổ ra một câu bướng bỉnh:

- Có gì để đến chiều thủ trưởng ạ. Buổi trưa nên cho chị em ngủ...

- À, - Khang cười nhạt - thì đến chiều cũng được. Nhưng trước khi ngủ đồng chí nên kiểm tra lại phục trang nhé...

Nói rồi Khang quay đi luôn. Phương chột dạ ngồi dậy lật gói áo quần. Trời ơi, thiếu mất chiếc áo rồi. Quên ư? Không, mình nhớ là đã lấy ra khỏi hòm rồi kia mà ? Thôi... có lẽ rơi và ông Khang đã nhặt được rồi. Thế này thì thật là mất mặt. Nhưng muốn gì thì muốn cũng phải xin lại chiếc áo...

- Thế là Phương lật đật xỏ dép chạy lên hầm Khang. Nghe bước chân thình thịch, Khang đoán ngay được tình thế, Phương thò đầu vào cửa hầm, mặt đỏ rần, ngượng ngập:

- Thủ trưởng ... cho em xin...

Lẽ ra Khang phải trả đũa lúc nãy. Nhưng, Khang nghĩ rất nhanh, tất cả cái trò ấy đều rất trẻ con.Anh cầm gói giấy báo đưa ra phía cửa hầm. Phương vừa đỡ lấy thì Khang đã quay vào, ngả mình xuống giường và nhắm mắt lại.

Phương đứng tần ngàn mãi chưa biết nói thế nào thì đã nghe tiếng Khang ngáy. Chao, con người ta lại dễ ngủ đến thế ư ? Và Phương buộc lòng quay gót bước ra se sẽ.Đêm biểu diễn ấy được tiến hành bình thường như các buổi biểu diễn khác. Rồi ngày hôm sau, hôm sau nữa... cũng trôi qua bình thường như các ngày trước đó. Nhưng Phương thì bứt rứt không yên.Thà rằng ông ấy cứ quát, cứ họp, cứ kiểm điểm chấn chỉnh, giáo dục,...Đằng này vẫn như không hề có chuyện gì xảy ra. Phương cứ day dứt vậy và cuối cùng, nghĩa là gần một tuần lễ sau, chính Phương đã tự động lên gặp Khang, cầm trong tay một bản kiểm điểm viết sẵn.

- Ồ, cái gì thế này ? - Khang mở to mắt và kêu lên.

- Báo cáo thủ trưởng...

- À, thì ra cái chuyện ấy. Chà, cô này nhớ dai khiếp nhỉ ?

Phương có phần hơi ngạc nhiên, nhưng cô vẫn chủ động:

- Dầu sao... tôi cũng có khuyết điểm...

- Chứ còn gì nữa - Khang khoát một vòng tay rộng rãi - Khuyết điểm quá đi chứ lậy - Nhưng mà, nhớ gì mà nhớ kỹ thế - Anh bất ngờ đổi giọng - Nói thật "cậu" hơi cầu kỳ quá. Con người ta ai mà không có khuyết điểm. Cuộc sống là một sự vật lộn, là một cuộc chiến đấu giữa cái đúng với cái sai, giữa cái ưu và cái khuyết. Đã là vật lộn thì keo được, keo ngã, là chiến đấu thời có trận thắng, trận thua. Phải coi keo ngã, trận thua là chuyện hết sức bình thường. Có thế mới tiếp tục sống, chiến đấu được. Quan trọng nhất là điểm cuối cùng của cuộc đời "cậu" ạ. Phải nhìn vào cái đích ấy nếu không chúng ta sẽ tự giết mình hết thôi. Ngay bản thân tôi cũng thế ! Đời tôi đã vấp không ít những khuyết điểm. Có những khuyết điểm mà suốt đời không bao giờ quên được...

Khang dừng lại đột ngột, giọng bỗng bùi ngùi:

- Chuyện cũ tôi cũng không muốn nhắc lại nữa. Nhưng chẳng lẽ vì thế mà tôi tự sát ư? Hay bỏ trốn? Không tôi vẫn phải sống. Tất nhiên sống để suốt đời không bao giờ vấp lại keo ngã trước nữa. Biết khuyết điểm để mà tránh chứ không nên nặng lòng làm gì. Như trường hợp tôi và Phương chẳng hạn, rốt cuộc chúng ta vẫn phải sống, vẫn phải làm việc với nhau. Đó là yêu cầu của cách mạng. Không lý gì tự ái, cố chấp mà bỏ hết công việc ư ? Đấy, tôi nghỉ thế đấy. Đã rất nhiều lần tôi muốn tâm sự lại với Phương. Nhưng tôi biết Phương cố tình tránh tôi. Thì thôi, Cũng không nói nữa, tùy Phương đánh giá tôi thế nào cũng được.

Ôi, con người ương ngạnh, bướng bỉnh nhất chính là con người cả tin và đa cảm nhất. Phương là con người như vậy. Cho nên cô bỗng nhận thấy người ngồi trước mặt mình đã nói những điều chân thực đến tận tâm can. Khi người ta đã dám hạ mình xuống một cách thành khẩn, đã tự nạo vét hết cõi lòng mình ra cho đối thủ xem, thì dĩ nhiên họ sẽ được lại một lòng tin và niềm cảm thông mới. Ván bài sấp ngửa thế là đã lật xong. Phương ra về và suốt đêm đó cứ luôn tự dày vò: "Có phải mình là kẻ hay nặng lòng với quá khứ không?"

Giữa lúc ấy cơn bão số bốn lại hình thành ngoài biển Đông, lại hành hạ đất liền bằng cái nắng như hầm, như nấu. Đồi đất đỏ cứ bời bời như một bếp lửa. Trảng đất cát thì bong ra, lấp lóa ngỡ như một mẻ thủy ngân khổng lò đang chảy. Còn đất xứ ruộng thì nứt nẻ chân chim, nước đặc quánh nổi vàng sẩm tía như được tráng một lớp dầu tây. Cá rô chúi đầu vào cỏ năn thở thoi thóp.

Đã gần hết tháng bảy rồi. Vào những ngày này ở cực nam của chiến trường và miền tây - bên kia Trường Sơn - đang là mùa mưa. Mưa ồ ạt, mưa xô bồ, mưa không cất mặt lên được. Nhưng ở vùng giáp ranh giới tuyến này lại khô cháy đến dường ấy. Và cuộc chiến tranh này gần như đã tạo nên một thói quen, hễ vùng nào vắng mưa là nơi đó lập tức hình thành tâm bão.

Chiến trường Bắc Quảng trị đang là mắt bão. Im phăng phắc, im đến rợn người, đấy là biểu hiện bên ngoài của mặt trận. Khoảng im ắng ấy, khán giả có chút thì giờ tập trung lại để xem nghệ thuật, diễn viên có được sự an tâm mà biểu diễn. Hơn thế nữa, tuổi trẻ có cả thời gian mà suy tưởng, nhớ nhung và khao khát.

Nhưng cùng lúc ấy, Bộ tư lệnh " Vùng chiến thuật một" của Mỹ - Ngụy họp khẩn cấp. Bộ tư lệnh " B5" của ta cũng họp một tuần liền. Còn Bộ tư lệnh Vĩnh Linh thì đang bù đầu vào tính toán. Có thể bắt mạch được sự tính toán ấy bằng một biểu hiện đầu tiên: Giữa buổi trưa nắng long óc như thế mà đột ngột có lệnh báo động toàn cơ quan Bộ tư lệnh.

Trưởng ban tuyên huấn giải thích cho anh em trong ban mình:

- Bộ tư lệnh báo động tập cho cơ quan xuống địa đạo. Tập xuống, tập triển khai, tập lên. yêu càu khong ai được rời đội hình, không ai đi quá đoạn hầm của bộ phận mình. Cuối cùng sau khi lên khỏi địa đạo, tuyệt đối giữ bí mật, không ai được bàn tán một chi tiết nào về đường hầm và những gì có ở dưới đó...

Xem thế đủ biết tình hình đã căng thẳng đến nhức nào. Nhưng đấy là chuyện của những bộ óc tham mưu.Còn đối với anh em diễn viên trong đội tuyên văn thì đây lại là trò giải trí vô cùng thú vị. Từ ngày công binh hoàn thành địa đạo chưa một ai được biết con đường ngần ngay dưới chân mình thế nào cả. Hơn nữa giữa cơn nóng bức này mà được đi xuống lòng đất thì khác nào vào tủ ướp lạnh. Cả đội háo hức túm áo nhau lần theo cửa hầm đi xuống.

Quả là mát mẻ. Có cảm giác cứ mỗi bậc đất đi xuống nhiệt độ lại tụt hẳn đi một độ. Một luồng khí lạnh từ khoảng âm u trước mặt phả ngược ra, thoạt đầu còn ngai ngái mùi đất, sau quen dần rồi chẳng còn mùi gì nữa. Tiếng côn trùng kêu rỉ rắc, tiếng đất vỡ lạc rạc xung quanh, râm ran những âm thanh ẩm ướt và thú vị.

Người đi trước cầm chiếc đèn pin làm nhiệm vụ đầu tàu.Các "toa" sau cứ thế mà lê chân, không cần biết tới đâu cả. Quặt trái một cái , bỗng nghe dội ra những tiếng rì rầm xa xa như xay lúa. Đi nữa, xuống sâu chút nữa, tiếng rầm rầm càng rõ hơn. Ngoặt qua phải, đi hơn chục bước chân lại ngoặt qua trái. Bỗng bất ngờ ánh sáng ở đâu ùa ra trước mặt. Tốp người đứng sững lại. Chẳng lẽ trên mặt đất ư? Không phải. Điện ! Điện sáng quá! Và bây giờ họ mới nhận ra tiếng rầm rầm của chiếc máy nổ.

Kim Hà sung sướng gần như phát khóc lên. Cô có ngờ đâu lại được bắt gặp cái màu sáng kỳ diệu này, cái màu sắc nhuộm đẫm đường Hà Nội ấy, ở ngay tại lòng đất sâu thẳm nơi đây. Điện! Điện! Hà Nội!...Kim Hà bỗng thấy linh hoạt hẳn lên. Cô chạy ngược chạy xuôi tung tăng như chơi trên phố. Cả đội, cũng tản ra, tò mò tìm kiếm. Ai cũng muốn giành cho mình khoảng đất riêng mà tận hưởng cái mát mẽ, sáng sủa hiếm hoi này.Có một người chạy theo Kim Hà, họ cười như một đôi trẻ, họ trốn tìm qua các bờ đất cười líu ríu, thách đố nhau đuổi bắt. Thế mới thấm thía rằng, chiến tranh làm cho con người già đi trong bao mối suy tư, lo lắng, thì lòng đất lại trả về sự trong trắng ngọt ngào của tuổi thơ.

Nhưng nào có ai biết trong hai người đang líu ríu đuổi nhau kia chỉ có một tâm hồn là thật sự trong trắng, còn bộ não kia đang lợi dụng lòng nhân từ của đất mà đuổi dài theo một khát muốn, lao tới cái đích cuối cùng của cá nhân.

Đến tận cuối đoạn đường có ánh sáng điện, Kim Hà dừng lại tựa lưng vào bờ đất mà thở. Khang lao tới chộp lấy tay cười không ra hơi:

- Bắt được con chim sẽ rồi nhé!

(Hình như anh đã xem một cuốn phim gì đó có một câu tương tự như vậy) Chao ôi, con người sống chẳng khác gì phim ảnh. Một chuyện tình báo chăng? Và thế là sự tò mò gợi lên trong đầu Kim Hà.

- Đố anh Khang biết phía bên kia là gì?

- Một bầu nước.

- Phịa

- Rất nhiều thạch nhũ...

Kim Hà cười ngặt nghẽo:

- Giỏi tưởng tượng thế .Để em qua xem...

Kim Hà lò dò bước qua chớp sáng cuối cùng đèn điện. Khang bám theo. ánh đèn pin vật vờ quét lên phía trước. Không có bầu nước, cũng không có thạch nhũ. Chỉ là những ngách hầm, qua trái qua phải rồi lại qua trái...Phía bên kia là gì nhỉ? Kim Hà căng mắt nhìn xoáy vào lối rẽ.ừ thì rẽ luôn, sợ gì. Gặp lại ngã tư, Kim Hà đứng bần thần. Thì ra đây cũng có những ngã tư! Quyết định đi nào? Và cô gái Hà nội quyết định: Rẽ phải ! cứ coi như đang đi về hướng bờ hồ. Đi nữa , lại gặp ngã ba. Ôi đường Tràng Thi đây rồi, rẽ trái nào, có thể là bờ hồ trước mặt...

Bỗng có tiếng " roặc" ở phía trước y như một hòn đá ai ném hoặc con gì đó vừa nhảy. Kim Hà giật bắn mình lùi lại. Cả người cô ngả hẳn vào người Khang. Đèn pin tắt vội. Một màn đêm ập xuống chụp lấy hai người. Trong phút hoảng hốt, Kim Hà nghe vọng bên tai một giọng nói thì thào, gấp gáp:

- Đừng sợ... có anh...

Nhưng Kim Hà vẫn sợ, ngực cô dội lên từng hồi thở gấp. Vì sợ mà cô không hề biết rằng có một vòng tay đang quàng qua người ghì chặt vai cô, cả khuôn ngực cô đã áp sát vào một bộ ngực khác. Đến khi nhận ra thì, trời ơi, Kim Hà càng sợ hơn, sợ đến run bằn tay chân.. Sao lại thế này? Sao lại thế này? Cô lùi ra, lùi xa ra... trong bóng tối, Kim Hà vẫn nhận ra hai con mắt của người đàn ông đang lonh lanh, sôi sục và khao khát. Cô rùng mình , lòng thắt lại.

-Kim Hà!...

Một tiếng gọi thốt ra làm cô nôn nao, chóng mặt. Rồi như có hàng chục, hàng trăm tiếng vọng dội lại từ các vách đất: "Kim Hà!"... "Kim Hà"... Ngực Kim Hà gần như nghẹt thở. Cô không thể trả lời nổi những tiếng vọng ấy nhưng cũng không có cách gì chạy thoát được nó. Ôi, nghẹt thở quá. Kim Hà muốn hét to lên, muốn lao vù đi, hoặc liều mạng xông tới...

Nhưng khoan đã nào! Liều mạng với ai? Anh ấy đã làm gì? Ừ, đã làm gì đâu? Sao mình vô lý vậy?...

- Kim Hà!...

- Dạ?...

- Bây giờ... bây giờ làm sao em...

- Em... Em muốn về...

Họ im lặng quay lui. Hình như tất cả đất đá, côn trùng đều im lặng.Cả cái tiếng máy nổ xa xa kia cũng mất hút tự khi nào. Chỉ còn có hai nhịp thở, thì thào, thấp thỏm nỗi lo âu.

Ngã ba đây rồi! Rẽ trái. Lại ngã ba nữa...ồ, sao thế nhỉ? Lúc nãy là ngã tư kia mà ? Thôi, cứ liều: rẽ phải! lại ngã ba? Mặc xác, cư đi bừa đi. Ngã ba nữa! Trời ơi...Kim Hà như muốn khóc to lên. Sao lại lắm ngã ba thế này? Nhưng bờ đất vẫn im lìm tàn nhẫn không một lời mách giải. Mặc cho con người cứ chất vấn, cứ lưỡng lự rồi lựa chọn các ngã ba vẫn liên tiếp hiện ra như một người câm, còn Kim Hà thì sắp khóc. Lại ngã ba... ngã ba nữa!

Bất ngờ Kim Hà reo lên:

- Kia rồi... ánh sáng!

Cả hai cùng lao vụt đến. Quầng sáng nhỏ nhoi như một bóng trăng xa xôi trong một đêm sương mờ đục. Kim Hà ngước nhìn lên theo luồng sáng nhạt. Trời ơi, xa hút trên kia là một bầu trời. Bầu trời treo như một chiếc đĩa...

Khang giải thích một cách cực nhọc;

- Đây là miệng giếng... người ta đào địa đạo bắt đầu từ những cái giếng như thế này...

Nhưng Kim Hà còn tâm trí đâu mà nghe giảng giải về cái công trình kỳ diệu. Cô lao đi. Dù sao chút ánh sáng mờ nhạt kia cũng làm quẫy lên trong cô ý chí quyết trở lên với mặt đất và bầu trời.

Nhưng càng đi đường hần càng hun hút. ánh sáng chỉ còn là một nỗi khát khao lởn vởn trong tâm trí cô còn thực tế trước mặt vẫn là một khoảng tối ngỡ như vô cùng. Hai chân Kim Hà đã bắt đầu run rồi mềm dần ra không thể bước tiếp được nữa. Sống lưng cô lạnh buốt vì một ý nghĩ ghê sợ ùa đến. Có thể nào đây là những bước đi cuối cùng của một tấm lòng hăm hở? Nước mắt ứa ra, tiếng khóc bật lên thút thít. Thà rằng như bé Cần lạc mẹ, dầu sao được lạc trên mặt đất cũng còn là hạnh phúc. ít ra trong mỗi bước tìm đường còn được bắt gặp một cành cây, một mô đá, được ngước nhìn hướng mặt trời, lắng nghe tiếng sóng biển... Quý biết mấy một ngày được sống trên mặt đất với sự bao che của bầu trời!...

- Kìa em!...

Lại đến lượt Khang kêu lên và chạy bổ về phía trước. Nơi đó có một quầng ánh sáng mới xuất hiện. Nhưng Kim Hà đã kịp nhận ra, cô càng thêm bải hoải. Cái màu sáng ấy, thà đừng nhìn thấy nó càng đỡ thất vọng hơn!

Đúng thế! Cả hai dừng lại bất lực dưới một đáy giếng khác cũng y như cái giếng lúc nãy. Có khác chăng cũng là trên bầu trời tròn vạnh như chiếc đĩa kia có thêm mấy nhánh lá tre lòa xoà. Và dưới chân họ, lá tre rụng xuống một lớp dày, âu cũng được một chổ sạch sẽ để ngồi, để duỗi chân ra, để ngẩng đầu lên nhìn miệng giếng mà thèm khát.

Ừ, thèm khát biết bao ! Những gợn mây lờ đờ trôi qua mỗi lúc một nhanh. Lá tre lòa xòa có lúc gần che kín miệng giếng. Hình như cơn bão đã đổ bộ vào đất liền. Ước gì lên được, dù có phơi đầu ra trong bão, dầm mình trong mưa cũng cứ hả hê.

-Kim Hà!... Đừng giận anh nhé!...

Kim Hà khẽ quay lại. Trong chút ánh sáng mờ nhạt, cô nhận thấy đôi mắt Khang như dại hẳn đi. Có nên giận anh ta không? Mà giận vì nỗi gì cơ chứ? Tại mình thiếu kỹ luật, tại cái tính thích "thám hiểm" của mình... Giờ này anh ấy cũng là một kẻ đuối sức. Nhưng giả sử lúc này mà không có anh ấy?ừ, giả sử chỉ có mình mình xem, eo ôi, có lẽ mình đã ngất tự lâu rồi.

- Em nghĩ gì thế Kim Hà?

Kim Hà cười nhợt nhạt:

- Em có nghĩ gì đâu...Nhưng mà nghĩ cũng oái oăm thật...

- Oái oăm cái gì, em?

- Lẽ ra chỉ mình em bị lạc mới phải. Anh Khang theo em làm gì nhỉ?

Khang nuốt ực một cái gì đó trong cổ, giọng anh như tắc lại:

- Ừ , để làm gì nhỉ? Chỉ vì... chỉ vì anh yêu Hà...

Như có một tảng đất bất ngờ đổ ụp trên đầu, Kim Hà đột ngột co rút vai lại.

- Anh yêu em, thật thế. Anh biết nói thế nào đây...Đằng nào thì em cũng từ chối, như thế cũng hề gì, bởi vì...bởi vì chúng ta cùng đường rồi... Anh sẽ chết... Trên kia người ta vẫn vui vẻ, vẫn đi lại, vẫn yêu thương nhau, tận hưởng nhau... Sao lại vô lý như thế hả em?

Kim Hà choáng váng cả người. Rõ ràng cô chưa hề nghĩ tới điều ấy. Cả sự tuyệt vọng nữa, cũng chưa hề có trong tâm khảm cô. Trên kia " con sông mây" trôi vùn vụt. Trời tối bầm lại như sắp đổ ụp xuống. Lẽ nào mọi việc lại kết thúc giản đơn như thế?ừ biết đâu đấy? Tấm phong tiền sắp khép lại! Nhưng vô lý quá, còn bao nhiêu việc chưa làm ở trên đời, bao nhiêu điều chưa nói, bao nhiêu ham muốn chưa được biết. Lẽ nào cuộc sống đã vội bỏ rơi?

Bỗng nhiên Kim Hà thấy khát. Ngước mắt nhìn lên "con sông mây" vẫn trôi. Cô ngỡ mình như đang đứng trên mặt đất mà ngắm xuống. Quả thế thật, bầu trời y như lòng giếng. Nước đây, nước cuộn lên như có mạch trào. Khát quá, khát đến tắc cổ. Kim Hà quay lại nhìn Khang, đôi môi mấp máy, đôi mắt cháy rực. Và, đương nhiên là Khang cũng đang khát, nổi khát còn ghê gớm rất nhiều lần cô. Khang vừa thở hổ hển vừa đưa hai tay ra run rẩy như một kẻ chết đuối nhìn thấy tấm bè. Rồi anh nâng lên trên tay mình một cái gì đấy gần như là một dòng suối nóng...

Hình như cơn bão đã vào đất liền thật rồi. Đất trời rùng mình. Cành tre xòe ra quằn quại che kín mặt giếng.

Chao ôi, khát...khát...khát!

Và đúng cái lúc cơn khát của con người lên đến tột cùng thì một giọt nước khá to, nặng chịch rơi xuống chính giữa lưng Khang.

Đột ngột Kim Hà vùng người dậy. Cô vùng dậy như một bệnh nhân sau khi đã tan hết liều thuốc mê. Thật khó mà lường hết được sức lực con người, cho dù đó là người con gái! Kim Hà vung tay ra. "Bốp!...bốp!" Cô vừa tát vừa run như chính đang tự tát mình. Rồi cô vùng dậy chạy, lao bừa vào trong khoảng đen.

May sao, chỉ chạy thêm một đoạn ngắn nữa đã thấy ánh sáng rọi xiên xuống. Đúng cửa hầm rồi!...

*

Chuyện ấy thì chưa một ai biết. Nhưng những chuyện trước đó như hộp sữa, viên thuốc thời ai cũng rõ, vì Kim Hà chẳng hề dấu diếm làm gì. Nhiều người biết nhưng chưa ai dám lên tiếng. Dầu sao phải thừa nhận rằng Vũ Nam Khang cũng đã có được chút "uy". Người ta chỉ dám xầm xì, bàn tán. Thành thử trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã hay. Đã có vài ba người trong cái xóm nhỏ này biết. Nhưng họ biết cũng như biết một chuyện tầm phào nào đó nghe cho vui tai chứ chẳng bận tân làm gì. Duy có một người khác ở chổ khác đến, mới loáng thoáng nghe chuyện đã giật bắn mình. Anh là một thương binh vừa ra viện được chính ủy Trần Vũ gọi lên gặp. Nhưng chiều nay chính ủy lại bận sang họp bên Đảng ủy khu vực thành thử anh phải nán đợi. Nán đợn nên mới nghe chuyện. Và nghe rồi thì anh quyết định chờ Kim Hà đi tập báo động về sẽ gặp, sẽ cương quyết can ngăn...

Đấy là trung đội trưởng trinh sát Nguyễn Hữu Lợi. Những người cuối cùng trong ban tuyên huấn đã về mà không thấy Kim Hà. Mưa mỗi lúc một to, gió vít những hàng tre quằn xuống phủ kín lối đi. Lá chuối bị xé tả tơi. Đường hào sục nước đỏ ngầu. ếch nhái lồng lên tranh nhau kêu nháo nhác.

Một người con gái lao vào lán, đầu tóc, áo quần đều sũng nước. Hà đấy ư, Lợi ngẩng vội dậy. Không phải Hà mà là Phương, Phương sững ra nhìn người ngồi trước mặt. Lợi cũng ngớ ra. Rồi đột ngột Phương nhào tới níu lấy vai Lợi, nấc lên.

Lợi bối rối không còn biết nên xử lý thế nào. Cuộc gặp gỡ không hề được chuẩn bị. Cũng may mưa đang rất to nên không có ai chạy qua lán lúc này. Tiếng khóc của Phương cũng chìm đi trong tiếng rào rào của gió.

Lợi ngồi nguyên như một kẻ chịu lỗi. Anh nghe hơi ấm từ những giọt nước mắt Phương ngấm vào mà thấy lòng mình cũng ngập tràn một nổi thương xót. Một lúc khá lâu anh mới lên tiếng:

- Chị cứ bình tĩnh...Rồi tôi sẽ kể lại trường hợp Thái hy sinh như thế nào...

- Thôi... đừng kể nữa...Đằng nào thì...

Tiếng Phương nghẹn lại.Thật khó mà giải thích hết tâm trạng cô lúc này. Nhìn thấy Lợi là nghĩ đến Thái. Nó mất đã gần ba tháng rồi. Phương đã khóc nục người khi nhận được tin báo tử. Rồi công việc, hoàn cảnh buộc cô phải nguôi đi. Bây giờ,trời ơi, chính con người này đã cùng về với Thái lần cuối cùng, quên sao nổi, quên sao nổi, em ơi!

Nỗi thương nhớ đứa em quẫy dậy trong lòng Phương, điều đó Lợi hoàn toàn có thể thông cảm được. Nhưng, những giọt nước mắt ấy còn có thêm một ý nghĩa nữa mà anh đâu có biết. Chính Phương là người đã bơi ra sông cứu chiếc thuyền thương binh. Chính Phương đã tận mắt trông thấy anh nằm bất tỉnh. Rồi sau đấy biệt tin. Phương ngỡ anh không còn, và cô ân hận. Cái lần gặp ở nhà với thằng Thái ấy, Phương đã cư xử không phải với anh. Cuộc sống chiến tranh là thế, có những lỗi lầm - dù là lỗi lầm rất nhỏ - cũng đủ cho người ta ân hận suốt đời. Bởi có khi người khác không còn cho mình sửa lỗi. Phương đã ngỡ cùng một lúc mất cả hai người thân. Nào ngờ...

Phương đã ngẩng dậy. Cô chùi nước mắt bằng ống tay áo rồi hỏi:

- Mộ cậu Thái liệu có còn không?

- Có thể còn. Chúng tôi để lùi ra phía sau và có đánh dấu...

Im lặng một lúc Phương lại hỏi:

- Anh nằm viện từ dạo nớ đến chừ ư?

- Dạ.

- Ở viện nào?

- Ngay quân y của Bộ tư lệnh.

Phương mở to đôi mắt còn ướt nhòe:

- Rứa a? Sao mấy lần bọn này xuống diễn mà không gặp?

Lợi mỉm cười:

- Có đấy. Tôi vẫn trông thấy nhưng không tiện gặp.

Phương hỏi rất nhỏ:

- Sao thế?

Lợi ngừng nói , miệng anh tủm tỉm:

- Gặp văn công... ngại lắm!

- Ngại chi?

Ồ , lại lục vấn nhau rồi. Người sao mà dễ vui dễ buồn vậy. Nhưng anh không thể trả lời câu hỏi ấy được. Lợi bất ngờ đổi giọng:

- Này, ở đội có cô diễn viên tên là Kim Hà không?

Phương giật mình nhớ ngay ra rằng Kim Hà vẫn chưa về. Cô hốt hoảng:

- Ừ... Có. Mà hỏi chi?

Lợi không nói , anh hơi cúi đầu xuống vẻ đắn đo. Một lát Lợi hỏi dè dặt:

- Chị có chơi thân với Kim Hà không?

- Rất thân, nếu như không nói là thân nhất,

- Rứa thì tốt quá - Lợi ngừng một chút - tôi cố nán lại đây là để chờ cô ấy, mặc dầu việc làm đó xem ra vô duyên quá. Chị đừng cười nghe. Mhưng vì... tôi có nghe dư luận xì xào về quan hệ giữa cô ấy với anh Khang...

- Ô, Phương mở tròn mắt, anh ghen à?

Mặt Lợi đỏ dừ:

- Sao chị nghĩ buồn cười thế. Tôi mới biết Kim Hà, có quan hệ gì đâu...

- Rứa thì đáng buồn cười thiệt đó. Nếu không có quan hệ thì việc quái gì anh lại bận tâm?

Mặt Lợi nhăn nhó một cách khổ sở:

- Đúng là ...tôi vô duyên. Nhưng vô duyên đến mấy thì tôi vẫn thấy cần thiết phải nói rằng, tôi rất lo cho bạn ấy. Bởi vì ông Khang là người...

Phương xịu mặt xuống ngắt lời Lợi:

- Anh lại định kiến rồi.

- Không, tôi đã sống gần con người ấy khá lâu...

- Nhưng là trước đây. Người ta mỗi lúc một khác chứ. Đừng nên quá nặng lòng vì quá khứ anh Lợi ạ!

Lợi ngớ ra, không biết nên nói thế nào cho phải. Lúng túng một lúc anh mới trở lại từ đầu:

- Nhưng hỏi thiệt chị, có đúng giữa ông Khang và cô Hà có quan hệ khác thường không?

Phương nín lặng. Thực ra chính Phương cũng đang băn khoăn điều đó. Có hay không? Mà nếu có thì sao? Một bên chưa vợ, một bên chưa chồng, họ có tội gì kia chứ?

Phương quay hẳn sang Lợi:

- Theo anh nếu có thì thế nào?

- Không lợi. Nhất định thế. Chị hãy bảo thẳng với Kim Hà...

- Thô bạo quá!

- Có thể là thô bạo, nhưng đó là sự thô bạo của con dao mổ.Tôi phải mổ năm lần chị ạ. Nếu không thế có lẽ đã chết rồi.

Vầng trán Phương khẽ nhíu lại:

- Sao anh lại ví chuyện đó với tình yêu?

- Thế theo chị nên ví tình yêu với cái gì?

Mặt Phương đần ra. Tình yêu! Hai tiếng ấy chưa bao giờ mang đến cho Phương một niềm vui cả. Nếu ví von, cô sẽ ví với nỗi bất hạnh. Nhưng nói ra để làm gì. Phương đã cố quên đi, đã tự thề không bao giờ nghĩ đến nó nữa.

Phương khẽ thở dài:

- Thôi anh Lợi ạ, đừng nói đến chuyện đó nữa.

- Nhưng chị có hứa là sẽ nói với Kim Hà không?

- Không.

- Thế thì... nói thiệt nghe, chị chưa phải là người bạn tốt của cô ấy.

Phương quay ngoắt lại:

- Anh nói cái gì thế?

Lợi nhếch mép nửa như cười, nửa như giễu cợt.

- Nếu chị không dám nói thì... có thể tôi trực tiếp nói.

- Nhưng anh lấy quyền gì? Nếu Kim Hà từ chối lời khuyên của anh thì sao? Nếu đấy là một tình yêu thật sự thì sao? Và cuối cùng theo anh thì tất cả các cô gái không ai nên gần anh Khang ư?

Lợi với tay kéo chiếc áo mưa trên kèo nhà định đứng dậy thì bất ngờ từ ngoài cửa một người đàn ông chạy vào. Khang! Cô Phương và Lợi cùng đứng bật dậy. Người Khang ướt như chột lột, mặt tái mét, có lẽ vì rét hoặc vì căm tức một cái gì đấy.

Phương buột miệng:

- Anh Khang, cái Hà đâu?

Không ngờ Khang trợn mắt lên:

- Ô hay, sao lại hỏi tôi ? Há?

Phương lúng túng định giải thích thì Khang đã chẹn ngay:

- Bỏ cái kiểu nghĩ ấy đi.

- Ơ, em nghĩ gì?

- Còn không à!

Phương nín lặng, cô liếc mắt qua phía Lợi và đột ngột vùng chạy. Lợi định gọi, lại thôi. Trong lán chỉ còn lại hai nguời. Mưa vẫn xối ào ào không dứt. Lợi chủ động chìa tay ra:

- Chào... thủ trưởng!

- Chào cậu. Ở đâu về đây?

- Viện.

- Bị thương?

- Rõ.

Nước đã dâng lên gần một phần ba đường hào chảy như một dòng suối đục. Bọt nước đen xẩm. Bao nhiêu rác bẩn của cơ man những dấu chân người đi qua nay được dịp cuốn nhau trôi về chỗ trũng. Cả hai người bất giác cùng im lặng, ngoảnh mặt nhìn dòng nước, lòng mỗi người đều thấy cuộn dậy những quá khứ đã đi qua.

- Cậu lên đây làm gì nhỉ?

- Chính ủy gọi.

- A, Khang chợt reo lên, tớ nhớ ra rồi...

Lợi quay lại, có phần hơi ngạc nhiên:

- Anh biết à? Chính ủy gọi tôi có việc gì thế?

Khang đột ngột mỉm cười. Anh cho tay vào túi ngực rút ra một bao thuốc lá, một mặt bao thấm nước. Giọng Khang trở lại thoải mái.

- Hút thuốc cho ấm đã cậu. Kể ra cũng khá lâu mới được gặp nhau. Ngồi xuống đã nào - Khang châm lửa rít dài một hơi thuốc phả khói ngoằn ngoèo - Chính mình đã đề xuất cậu đấy. Chả là đội văn công của ta đang thiếu một cây bút. Thiếu sáng tác thì khó làm ăn lắm. Mình biết cậu là một học sinh giỏi văn nên đề xuất rút cậu lên. Chính ủy đồng ý. Ông ấy bảo mình thu xếp xuống viện gặp cậu, nhưng bận quá nên...

Lợi đứng bật dậy. Anh định nói một câu gì đấy nhưng lại thôi. Trước mắt anh là một con người đã bỏ cuộc, đã chạy trốn. Không hiểu làm sao lại có thể trở về đây làm trợ lý? Thì ra cuộc sống cũng rộng lối thật!

- Ơ, sao cậu cứ nhìn mình dữ thế? Mình khác trước lắm à?

- Không, không... vẫn thế! Đúng, vẫn thế!

Khang cười, mắt hơi khép lại.

- Có khác đấy, mình già đi nhiều. Chiến tranh mà...

Lợi đã choàng được tấm áo mưa lên người, giọng anh bỗng hết sức bình thản.

- Không, tôi nói rất chính xác đấy.Anh vẫn là anh , hoàn toàn thế!

Lợi nhảy lên khỏi mặt hào, chạy ù ra ngoài. Gió đã ngớt dần nhưng mưa vẫn còn xối xả. Hàng nghìn sợi mưa rối rít trước mặt, hàng nghìn bọt nước nổ lép bép dưới chân anh.

Cũng rất may cho anh là chính ủy và tư lệnh vừa đi họp về. May hơn nữa là lúc này cả hai ông, sau khi thống nhất kế hoạch tác chiến với thường vụ khu ủy, đều đang băn khoăn cân nhắc lực lượng. Cần chọn một đại đội mạnh vào " lót ổ" chiến trường. Tạo một bàn đạp mới cho mặt trận. Đơn vị thì đã nhất trí chọn đại đội trinh sát. Nhưng ác thay cán bộ đại đội chưa có. Hiện ở đấy, một đồng chí trung đội phó đang tạm quyền đại đội. Ai có thể đảm đương nhiệm vụ này?

Vừa lúc ấy Lợi xuất hiện như một đáp số.

- Báo cáo các thủ trưởng!...

Trần Vũ reo lên đầu tiên;

- Ồ, Lợi! May quá...Khoẻ hẳn chưa?

- Báo cáo, tôi rất khỏe rồi ạ!

Lợi cất tấm áo mưa, bắt tay các thủ trưởng rồi nói luôn một mạch như sợ để lát nữa thì sẽ không đủ dũng cảm mà nói:

- Báo cáo Chính ủy, tôi có nghe đồng chí Khang trao đổi về ý định các thủ trưởng điều tôi lên văn công. Tôi...tôi muốn xin được phép đề nghị lại...

- Không tán thành?

- Rõ.

- Lý do?

- Báo cáo, tôi không có khả năng ạ!

Đôi lông mày Trần Vũ hơi nhíu lại.

- Khả năng là gì nếu không phải là kết quả của một quá trình học tập và lao động? Đồng chí thử xem, trong số những người được điều về đội, có ai tự cho mình có khả năng?

- Báo cáo, nhưng ít ra trước đó họ cũng đã làm được một số việc. Hơn nữa tôi thấy nếu tôi được trở về đơn vị thì có thể phát huy được tác dụng hơn, có năng suất hơn...

Tư lệnh Thường gật gù. Ông lén ngắm cậu thanh niên có dáng cao dong dỏng ấy và tự nhiên thấy mến.

Trong lúc ấy Chính ủy Trần vũ vẫn bền bỉ tranh luận:

- Nhưng nếu do yêu cầu nhiệm vụ, trên thấy đồng chí cần phải về văn công thì sao?

Lợi lúng túng:

- Thì tất nhiên... tôi chấp hành. Nhưng xin đề đạt...

- Cứ nói tiếp!

- Báo cáo, tôi cần có thời gian để suy nghĩ là mình có làm được nghệ thuật không? Và làm sẽ làm như thế nào? Trong thời gian suy nghĩ tôi xin tạm trở lại đơn vị...

Trần Vũ phá lên cười. Tư lệnh Thường cũng cười khụt khịt rồi ông vớ luôn ống điếu cày, kéo một hơi khá dài. Cử chỉ ấy chỉ biểu hiện những lúc ông cảm thấy khoái trá.

- Thế này ông Vũ ạ! - Tư lệnh phà khói thuốc ra ngoài nói khủn khỉnh từng tiếng - xem ra cậu ta nói có lý đấy. Nên để cho cậu ta công việc đại đội được đấy.

Chính ủy nhìn chằm chằm vào Lợi rồi đột ngột cao giọng:

- Giao cho đồng chí về làm đại đội trưởng đại đội trinh sát, được không?

Lợi tròn mắt ra nhìn Chính ủy rồi lại nhìn tư lệnh. Trần Vũ đứng dậy, phủi nhẹ lên mặt bàn coi như câu chuyện đã kết thúc:

- Được không? Hay lại cần thêm một thời gian suy nghĩ...

- Báo cáo, gấp thì xin chấp hành. Còn nếu có thời gian thì...

Rất đột ngột, tư lệnh Thường quay lại, mặt ông rất nghiêm trang:

- Không còn một chút thì giờ nào đâu. Bộ tư lệnh "Vùng chiến thuật một" của chúng nó đã triển khai xong rồi.ở bên nước Mỹ đã bắt đầu cuộc chạy đua vào nhà trắng. Giôn - Sơn đang dốc túi để mong lật trở lại thế cờ. Chính phủ Mỹ cũng đã đưa ra những điều kiện cuối cùng về việc chịu ngồi đàm phán với ta. Những điều kiện ấy gần đồng nghĩa với tối hậu thư buộc ta đầu hàng. Cho nên, các đồng chí vượt sông lần này mang một trọng trách lớn lắm. Vì đấy cũng là điều kiện tiên quyết của ta. Mặt trận đang bước vào một cơn bão ghê gớm lắm!...

Lợi đứng lặng nghe tư lệnh nói. Bao nhiêu bực dọc vớ vẩn, bao nhiêu băn khoăn vụn vặt bỗng tan biến hết. Tình cảm chiến trường bừng dậy trong anh, háo hức, mãnh liệt.

*

Giữa lúc đó Phương hớt hải lao bủa đi khắp các hầm tìm Kim Hà. Nhưng không một ai trông thấy Kim Hà đâu cả. Những cơn gió lạnh táp vào da thịt Phương, cảm giác sợ hãi lan chuyền khắp cơ thể. Chuyện gì đã xẩy ra với Kim Hà?

Chỉ còn một nơi chưa tìm, đó là hầm hội trường giao ban. Thường ngày, những lúc nhớ Kim Hà vẫn ra đó ngồi một mình. Phương dừng lại xắn cao quần rồi ngược lên đồi dứa, xăm xăm chạy tới hầm giao ban.

Kim Hà đang ngồi đấy thật. Đầu cô gục xuống gối, co ro như một con mèo sợ lạnh. Nghe tiếng động, Kim Hà giật bắn mình ngẩng lên từ từ đứng dậy, rồi cô thụt lùi, thụt mãi đôi mắt thảng thốt như sắp bị thú dữ vồ.

- Hà! Hà! Em làm sao thế?

Đôi mắt Kim Hà dại đi, rồi cô lại ngồi thụp xuống, đầu cúi gục. Cả tấm thân mỏng manh rung lên. Phương hoảng hốt ôm chầm lấy vai bạn mà lay:

- Lại sốt nữa hứ? Hà!...

Phương quay ngược, ngó xuôi như cố tìm ai đó đến giúp sức. Nhưng giữa mưa gió thế này ai ra đây làm gì. Phương xốc nách Kim Hà ra cửa. Bỗng cả hai dừng lại. Một khuôn mặt vừa ló ra ở cửa hào. Kim Hà quay vụt trở lại. Phương đứng đờ ra. Rồi một linh tính chợt lóe trong cô, chạy lan khắp người. Phương quay vội lại ôm chặt lấy Kim Hà, lắc một cách dữ dội.

- Nói đi! Nói nhanh lên!...Có phải...người ấy...

Khuôn mặt Kim Hà tái mét, đôi môi run rẩy.Rồi cô úp sập mặt vào ngực Phương, tiếng khóc òa ra như mưa xối. Phương cũng thấy nghẹn ngào, nước mắt cũng ứa ra.

- Ra thế...mày ơi!

Hai chị em ôm nhau đứng dậy và nức nở trong một cơn lạnh tê da.

Còn ngoài kia, người con trai đang nóng bừng da thịt, nóng đến cồn cào ruột gan. Anh ta đi như chạy. Đầu cúi gằm như sợ phải trông thấy bất cứ một người nào khác. Anh ta đi thẳng lên nhà Bộ tư lệnh.

Vừa bước vào cửa hầm, anh đã dập mạnh hai gót chân:

- Báo cáo Chính ủy!...

Trần Vũ ngẩng lên:

- À, Vũ Nam Khang! Có chuyện gì thế?

Vũ Nam Khang lấy hết sức lực nói mỗi lúc một nhanh. Anh trình bày tâm trạng nhớ chiến trường của mình, anh thấy không thể yên tâm ngồi nghe tiếng súng bên kia sông dội ra, anh kiên quyết xin về đơn vị sớm ngày nào hay ngày đó, làm bất kỳ nhiệm vụ gì, bất cứ cương vị nào mà trên tin tưởng giao cho...

Trần Vũ lắng nghe, im lặng ghi chép. Ông như một con đê biết bình tĩnh trước bất kỳ cơn xốc nổi nào của mưa lũ. Vũ Nam Khang nói xong, nín thở chờ đợi. Trần Vũ gấp cuốn sổ tay trước mặt lại, nhìn Khang âu yếm.

-Thôi được, mình sẽ bàn lại với Ban cán bộ. Cứ yên tâm nhé!

*

Cơn bão số bốn đã tan. Những cọng cỏ non run rẩy ngẩng mình lên đón những tia nắng đầu tiên của mặt trời. Nhưng đường ra bến sông vẫn còn nhớp nháp bùn và rác.

Lợi và Hóa xắn cao quần đi ra bến. Hóa lớn hơn Lợi gần chục tuổi. Anh là trung đội phó trung đội một, đã từng dưới quyền chỉ huy của Lợi trong trận đánh chi viện cho tiểu đoàn bộ hồi tháng năm. Sau khi Lợi bị thương, đại đội trưởng Quý hy sinh, Hóa tạm thời chỉ huy đại đội. Nay Lợi về, hai người ôm nhau, đấm nhau thùm thụp. Đám chiến sĩ mới cứ trố mắt ra nhìn. Sau đó một tuần, cấp trên gởi về một lúc ba quyết định. Quyết định của Đảng ủy tiểu đoàn kết nạp Lợi làm Đảng viên dự bị Đảng Lao động Việt Nam theo nghị quyết của chi bộ đại đội trinh sát. Quyết định của Bộ tư lệnh quân khu thăng quân hàm chuẩn úy cho Lợi và kèm theo bổ nhiệm của Bộ tư lệnh khu vực chức đại đội phó quyền đại đội trưởng. Quyết định thứ ba là bổ nhiệm thiếu úy Lê Văn Hóa làm chính trị phó quyền chính trị viên đại đội.

Hai người thủ trưởng đại đội trinh sát đang xắn cao quần lội thẳng ra bến. Đơn vị đã dược lệnh chuẩn bị vượt sông lần thứ ba. Khó mà hình dung trước được những ngày tới sẽ thế nào, bởi vì ở góc độ một đơn vị nhỏ, một mặt trận nhỏ, làm sao biết được rằng cả Miền Nam những ngày này đang dốc sức chuẩn bị cho một cuộc tổng tiến công long trời chuyển đất. Họ chỉ ghi nhớ có điều, hôm nay đã là đầu tháng tám năm một ngàn chín trăm sáu bảy. Năm nay khác xa năm ngoái. Sang năm chắc chắn sẽ khác xa năm nay...

Hai người chỉ huy đang bàn tính kế hoạch vượt sông thì đồng chí liên lạc chạy ra tìm.

-Báo cáo các thủ trưởng, có điện thoại của Bộ tư lệnh!...

Lợi quay sang Hóa.

-Anh về trước đi!

Hóa và người liên lạc chạy về. Còn lạo một mình, Lợi tần ngần ngắm con sông Bến Hải, nơi đã bao nhiêu lần tiễn anh đi đón anh về, duyên nợ như một bậc cửa. Cơn bão vừa tan, nước còn ngầu ngầu màu đất. Nhưng làn gió hiền dịu đã kịp phả vào bến cửa như một sự đền bù hàn gắn của thiên nhiên.

Lợi ngước nhìn xa hơn, trảng cát xâm xẩm màu vỏ cây, lờ mờ những hàng phi lao phía xa tít trong như những nét vẽ. Nơi đó là chiến trường, là một phần máu anh gửi lại. Mộ Thái còn không? Đại đội trưởng Quý chôn ở chổ nào? Thủ trưởng Lịch... Trung đội trưởng Toàn... Biết bao nhiêu bàn tay đã nâng đỡ anh, dắt dìu anh đi tới hôn nay!

Rồi căn hầm của mẹ xướng, người mẹ đau khổ ấy có còn không? Hoan thế nào? Chao ôi, chiến trường! Chiến trường lúc nào cũng là tiếng kêu khẩn thiết, là nổi ngóng chờ đến nôn nao ruột gan. Chỉ có những kẻ nào lòng trơ như đá mới có thể bịt tai, quay lưng lại với chiến trường.

Hóa chạy ra, vẻ mặt hơi khác thường:

- Lợi này!... Đã có lệnh hành quân rồi đấy.

- Tốt quá...

- Nhưng mà... Bộ tư lệnh bổ sung thêm cho ta một cán bộ cấp phó. Cậu biết ai sẽ về không? Ông Khang đấy!

Lợi trừng mắt nhìn Hóa:

- Thế là thế nào?

- Thế đấy, ông ấy đang trên đường xuống đây.

Ngừng lặng một lúc rồi Lợi buông một tiếng thở nhẹ, anh nói nhỏ như tự nói với chính mình:

- Cũng không sao đâu anh ạ! Có lẽ tại tụi mình hay mặc cảm với quá khứ đó thôi...

Hóa cũng gật đầu:

- Có thể. Thôi, về cho bộ đội chuẩn bị đi anh!

Nhưng Lợi vẫn còn đứng, nhìn trân trân ra phía cửa sông. Tuy đã được một câu an tâm, nhưng thực tình Lợi vẫn cảm thấy một cái gì đó bất ổn.

Hóa bước đến cầm tay Lợi:

- Bộ tư lệnh nhắc ta hành quân sớm vào kịp hoàn thành công sự đề phòng cơn bão số năm.

Lợi gật đầu. Cơn bão số bốn đã tan, nhưng trước mặt anh đang hình thành cơn bão mới. Điều đó thật dễ hiểu. Nhưng lẽ nào sau lưng anh cũng lại xuất hiện một luồng gió xoáy khác? Nghĩ vậy có phải là nặng lòng vì quá khứ không?

Đăng ngày 18/05/2010

Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Nico - 24/05/2010

Lão Trang ơi hỡi Lão Trang
Đi đâu Lão để nhà hoang mấy ngày?
Vũng Tàu buồn? Vũng Tàu vui?
Đêm ngày biển hát, còn người thì răng?
Quê mình vẫn nắng chang chang
Gập ghềnh mẹ gánh cát vàng đem phơi
Rừng không, sông cũng cạn rồi
Nghĩ thương lòng mẹ suốt đời bão giông...

  Gửi bởi: Lão Trang - 24/05/2010

Gửi Nico:
Lão đang theo dấu Thị Mầu
Đã vào Chùa sợ lụy sầu, lại ra...
Đêm nghe tiếng tụng ê a
Nhớ NIco ở chùa xa...muốn tìm...

  Gửi bởi: Nico - 24/05/2010

Giữa đời dâu bể nổi chìm
Tìm chi hỡi Lão bóng chim cuối trời
Xuân thì bỏ dở cuộc chơi
Đường tu đã khép một đời phồn hoa
Vui là vui gượng kẻo mà
Âm tri ai đó mặn mà với ai
Một mình tựa cửa  bồng lai
Ngổn ngang trăm mối tháng ngày buồn tênh
Ngẫm thương Lão trót đã tin
Ân tình gửi phải đỏng đanh thị Mầu
Nam mô...Phật ở nơi đâu
Lòng thành chuộc lỗi...gửi vào hư không.
Tongue out

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan