Tác giả: Xuân Đức
CHƯƠNG BA MƯƠI
Đại đội trinh sát đã bám trụ được hơn hai tháng. Tuy chưa tổ chức được một trận đánh lớn nào, nhưng với hoạt động nhỏ lẻ cũng gây cho bọn Mỹ ở vùng này những lo lắng đáng kể. Địch phải thu nhỏ phạm vi đóng quâ và tăng cường lực lượng càn quét. Đại đội trinh sát nhờ thế mà dâng được đội hình lên phía trước chếch về phía đông hai cây số. ít ra trong phạm vi địa bàn nhỏ này, địch đã bộc lộ một phần lực lượng ra khỏi những chốt kiên cố, liên hoàn.Bây giờ đã là tháng chạp âm lịch. Trên bình diện chung của các mặt trận lớn đang bước vào mùa khô. Song, theo các nguồn tin thu được vẫn chưa có một biểu hiện gì cho thấy có đụng độ lớn. Giữa lúc ấy Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam ngừng bắn trong bảy ngày đầu năm mới để nhân dân ta ăn tết. Mặt trận cũng yêu cầu phía đối phương hưởng ứng quyết định trên.
Phía Sài Gòn chưa có phản ứng gì.
Còn ở Hà Nội những công hàm mới nhất của Bộ ngoại giao Mỹ gửi cho ta báo hiệu sự tuyệt vọng của khả năng hai bên có thể ngồi lại với nhau để đàm phán. Cả hai chính phủ đều kiên trì những điều kiện kiên quyết của mình. Các nhà chính khách trên thế giới đều thống nhất một nhận định có tính truyền thống là, tình hình đàm phán chỉ có thể mở ra chừng nào ở chiến trường Việt Nam có một biến động gì đó thật đặc biệt về quân sự.
*
ở đại đội trinh sát, có cảm giác như mọi công việc được chùng lại, thư thả ra vì Bộ tư lệnh đã chỉ thị cho đơn vị tiến hành tổng kết thi đua bình bầu khen thưởng.
Nhưng cùng thời gian ấy ở Bờ Bắc sông Bến Hải lại nhộn nhịp khẩn trương một cách khác thường. Ba đại đội còn lại của D47 đã được lệnh vượt sông. Một sư đoàn của Bộ mang mật danh K3 tập kết vào xã Vĩnh Giang. Phía trên thượng nguồn sông Bến Hải, hai sư nữa của mặt trận B5 cũng sẵn sàng trên bàn đạp. Rồi trong một đêm gió Đông - Bắc hun hút thổi, trời đen kịt mây, hàng trăm chiếc thuyền lặng lẽ rời bờ bắc. Phà ghép tạm. Xe vận tải tắt đèn rầm rì kéo pháo. Dân quân Vĩnh Linh hối hả chuyển đạn hỏa tiễn Ka-chiu-sa bám sát bộ binh. Tiếng gọi nhau thì thào, lao xao lẫn trong tiếng gió.
Trong dòng người rầm rập ấy có đội tuyên truyền văn hóa Bộ tư lệnh Vĩnh Linh. Họ được lệnh vượt sông vào bám sát các chốt để gọi loa vận động binh lính Ngụy. Đối với các diễn viên đây là chuyến đi lịch sử có một không hai trên đời.
Gần hai giờ sáng, toàn đội đã vào tới vị trí trú quân của đại đội trinh sát. Họ được lệnh dừng lại, cùng ở và cùng kết hợp với các tổ trinh sát để làm nhiệm vụ. Mặc dù đã thức gần trọn đêm nhưng bây giờ các diễn viên không ai ngủ được. Ai mới vượt giới tuyến lần đầu mà chẳng thế! Tuy từ Vĩnh Linh vào tới đây chỉ độ mười cây số, nhưng con người vẫn chập chờn cai cảm giác đang sống ở một phương trời lạ lẫm xa lắc xa lơ.
Phương và Kim Hà nằm "úp bát" vào nhau trong một căn hầm đắp cát. Cát nhám nhịt khắp người. Cát lổn nhổn trên tóc, trên cổ. Tịnh không hề nghe một tiếng gà gáy. Chẳng rõ trời đã sắp sáng chưa?
- Chị Phương!... Chị ngủ rồi à?
- Chưa...
- Em nghe nói...
- Nghe nói chi?
- Mà thôi.
Kim Hà khẽ thở dài rồi lật người nằm ngửa ra. Nhưng chỉ được một lát, như không thể dấu nổi sự tò mò, cô lại thì thào:
- Hôm qua ở ngoài Bộ tư lệnh chị có nghe gì không?
- Nhưng mà về cái chi mới được chứ?
- Em nghe nói... Lão Khang lần này được huân chương...
- Thì đã sao?
- Còn anh Lợi nghe đâu bị kỷ luật. Bất công thật?
- Mày thì biết gì mà kết luận bất công với chả bất công. Công hay tội là do đơn vị người ta bình...
- Tại sao em không biết? Con người ấy thế nào mà em lại không rõ à?
- ồ, em biết là biết chuyện khác, giọng Phương dịu hẳn lại - Còn chuyện đánh đấm...
- Chuyện gì em cũng biết. Biết tất. Con người ấy làm quái gì có công...
Phương thôi không cãi nữa vì chị biết cãi cũng vô ích. Phụ nữ vốn đã hay cực đoan, trong trường hợp Kim Hà sự cực đoan càng trở nên khắc nghiệt.
Trời mờ sáng các diễn viên được lệnh ra khỏi hầm đi nhận cơm vắt. Sau đó phải xóa hết dấu chân ngoài cửa hầm rồi ai ngồi nguyên trong hầm người ấy cho đến tối. Thật là một sự nhàn rỗi đến khốn khổ? Cũng may trời mùa đông nên rất chóng tối. Đêm ập xuống vội vàng. Phương được lệnh cùng hai người nữa đi chuyến công tác đầu tiên. Kim Hà bíu lấy cổ chị hôn rồi dặn đi dặn lại đến ríu lưỡi:
- Chị nhớ đừng có coi thường... chị là tổ sư chủ quan đấy.
- Cô nên dặn lấy cô thì hơn.
- Không. Chị mà làm sao thì em chết luôn đấy.
- Nói dại mồm mày. Tao mê tín lắm đấy.
Rồi cả hai khúc khích cười, đun đẩy nhau ra tận mép làng nơi có dãy phi lao cụt ngọn.
Tổ của Phương đi rồi, Kim Hà đứng bần thần ngỡ như đây là lần đầu trong đời cô phải chịu cảnh chia tay. Bóng Phương chìm nhanh vào màn đêm nặng nề. Kim Hà lặng lẽ quay về chỗ ở. Đến cách hầm chừng mười bước chân bỗng phía trước có người đi lại. Kim Hà kêu khẽ:
- Ai đấy?
Người đó dừng lại chú ý nhìn một tý rồi lại bước lên. Giọng anh hơi khàn.
- Cô Kim Hà phải không?
- Vâng. à, anh Lợi!
Cả hai đều thấy vui thực sự. Nhưng sau hai câu chào, họ lại không biết nói gì thêm nữa. Kim Hà sau lần lạc địa đạo được Phương kể lại cho biết rằng Lợi đã tìm cách can ngăn, vì thế nay gặp anh cô vừa cảm động vừa tủi thẹn. Còn Lợi thì cũng sau lần đó, tự cảm thấy mình quá vô duyên.
- Tại sao cô Hà không ở trong hầm mà đi lung tung thế này?
- Em tiễn chị Phương.
- Đêm nay chị Phương đi công tác à?
- Vâng.
Lại im lặng. Một lát đến lượt Kim Hà hỏi:
- Anh Lợi ở chỗ nào?
- Bên kia cây dừa... còn hầm của Hà?
- Kia kìa...
Không một lời mời nhưng cả hai đều chầm chậm đi về phía hầm của Kim Hà. Họ ngồi bệt xuống ngay trước cửa hầm.
- Hình như... anh Lợi đang buồn phải không?
- Không.
- Anh cũng biết nói dối nhỉ?
Lợi mở to mắt, và ngạc nhiên thực sự:
- Tôi nói dối ư? Tại sao tôi phải nói dối nhỉ. Tôi đang vui thật đấy chưa!
- Vui?
- Đúng. Một là vì chúng ta sắp mở chiến dịch lớn. Điều này tôi mới được biết tối nay. Hai là... được gặp Kim Hà ở đây. Thế là lời hẹn bâng quơ ba năm về trước lại thành sự thật...
Kim Hà nín lặng. Không rõ cô có thật tin vào những điều Lợi nói không? Bất ngờ Lợi hỏi lại:
- Tại sao bạn lại nghĩ tôi buồn?
- Em... cũng đoán vậy thôi.
- Đoán? Trông tôi thểu não lắm à?
Kim Hà bật cười:
- Không... Hình như anh có gầy đi. Nhưng không thểu não chút nào đâu.
Một chút gió lạnh phả đến đủ cho cả hai đều cảm thấy se se. Trời vẫn tối mịt mùng. Thỉnh thoảng mới có một chút pháo sáng bắn vọt lên phía cảng Cửa Việt treo hờ hững, chập chờn. Bất giác Lợi buột miệng:
- À... Anh Khang cũng ở ngay đây, Kim Hà gặp chưa?
Một cái gì đó nhói lên trong vòm ngực người diễn viên trẻ. Cô định nói lại một câu cho thật cay độc nhưgn không sao mở mồm được. Lợi không hề nhận ra cảm xúc đó, vẫn nói tiếp:
- Anh Khang chiến đấu khá lắm. Lần này đơn vị tôi đề nghị huân chương đấy...
Kim Hà gần như quát lên:
- Mặc kệ anh ấy. Anh đem chuyện ấy ra nói với Hà làm gì?
Lợi xoay hẳn người lại:
- Ơ... chuyện vui cơ mà?
- Chả vui gì hết.
- Chả lẽ Kim Hà không thấy tự hào à?
Giọng Kim Hà đã cáu kỉnh thật sự:
- Đã bảo là không nói chuyện ấy cơ mà!
Lợi thở ra:
- Rứa thì biết nói chuyện chi với Hà được!...
Kim Hà cúi gằm mặt xuống. Cô biết mình vô lý bởi vì Lợi làm sao mà biết được những điều xảy ra. Cô định tìm cách thanh minh, phân giải cho anh rõ. Nhưng Kim Hà chưa kịp nói thì Lợi đã đứng dậy:
- Thôi, Hà vào hầm mà nghỉ đi!...
Kim Hà kêu vội:
- Ơ... anh về đấy à?
- Không về còn biết ở đây làm gì? Đến chuyện cũng không biết nói, thật là vô duyên...
Nói rồi Lợi bước đi, lặng lẽ nhưng khoan thai. Kim Hà đứng vội lên nhưng cũng không gọi lại. Rõ ràng anh ấy chả buồn tý nào. Có chăng anh buồn vì mình thiếu lịch sự! Chán quá. Nhưng có phải tại mình đâu. Vậy tại cái gì? Tại cái gì? Bất giác Kim Hà ngồi thụp xuống cát, hau tay úp lên mặt. Tiếng khóc bật ra tấm tức.
*
Quá nửa đêm Phương mới về. Kim Hà nhào ra cửa đón chị. Phương cũng lao sầm vào, hai đứa ôm riết lấy nhau, xô ngã dúi xuống hầm. Miệng Kim Hà líu ríu:
- Kể đi chị! Kể đi!... Binh vận ra làm sao? Thằng địch như thế nào? Nhanh lên...
Phương nằm ngửa, duổi thẳng hai chân, kể thong thả:
- Chả sao cả. Bọn tao mắc loa vào sát hàng rào, bò ra độ hai chục mét thì quẹo qua trái, bò thêm độ dăm chục mét nữa thì đào hầm. Cứngồi dưới hầm mà nói vào micrô, nói chán thì hát, hát chán lại nói...
- Thế nó có bắn không?
- Lúc đầu có bắn. Nhưng mấy tay trinh sát mình cũng ghê. Hễ nó bắn một loạt là mình trả một loạt. Bắn xong, ông Trường ngồi bên tao cầm lấy micrô mà cảnh cáo. Độ dăm bảy lần như thế nó không dám bắn nữa. Chỉ tội cho cái loa, thủng mất hai chỗ.
Nằm im một lúc để thở rồi Phương lại hỏi:
- Chưa ngủ được tý nào à?
- Chưa.
- Sao vậy? Sợ à?
- Có gì mà sợ.
- Vậy thì buồn à?
Kim Hà không nói, hoặc nói nhưng lại nói câu gì đó nghe không rõ. Một lát Phương lại hỏi.
- Từ tối đến giờ có ai đến chơi không?
Kim Hà định khoe chuyện Lợi nhưng nghĩ thế nào lại thôi. Cô nói lảng:
- Chị Phương đã lần nào đi xa quê chưa?
- Có nhưng không đằng đẵng như cậu. Mình có đi thi bắn súng ở Hà Nội hai lần. Mỗi lần ngót nghét vài tháng.
- Mà đi như thế nó vui phải không? Đằng này...
Phương lật nghiêng người lại, hỏi đột ngột:
- Này, tao nói chuyện nghiêm chỉnh nghe! Hay là cậu yêu đi! Yêu là biện pháp chống nhớ nhà tích cực nhất đấy.
Kim Hà phì cười, cù tay vào nách chị. Nhưng một giọt nước mắt đã ứa ra tự khi nào. Giọng cô nghèn nghẹn:
- Chẳng bao giờ. Thật đấy. Chẳng bao giờ em thèm nghĩ đến chuyện yêu đương nữa chị ạ!
Phương chợt thấy giật mình. Làm sao nó lại lặp lại giống mình đến thế? Phương khẽ thở ra, giọng chân thực:
- Đừng nghĩ vậy Hà ạ! Công bằng thì tình yêu có một sức mạnh kỳ lạ lắm. Chỉ có điều, bọn con gái chúng mình thường dễ mắc một sai lầm. Chúng mình thường quá vội vàng trao hết lòng tin cho tình yêu lúc chưa kịp nhận ra nó thế nào cả...
- Sao em nghe người ta triết lý rằng, hãy trao hết tất cả rồi sẽ có tất cả.
Phương cười khì khì:
- Nhưng ít nhất cũng phải là trao cho ai chứ?
Cả hai đứa cùng cười, cười như một sự giải khuây, như có một niềm an ủi? Rồi Phương ôm sát Kim Hà vào lòng:
- Tao nói thiệt nghe! Theo tao, có một người con trai đang nghĩ đến cậu. Mà người ấy theo tao là tốt, tốt vô cùng...
- Tốt như thế nào?
- Nghĩa là... rất tốt.
- Như bụt hả?
- Không, nói nghiêm chỉnh. Tốt như... như một người lính thật sự. Cậu có cần biết không? Hả? Cần biết không?
Kim Hà im lặng. Hình như cô giả vờ ngủ. Nhưng Phương thì biết rõ là cô đang cần nghe. Phương đoán đúng vì chị cũng là con gái. Hơn thế, chị cũng có tâm trạng gần giống Kim Hà, vừa quá chán nản với tình yêu lại vừa vô cùng khao khát thứ tình cảm ấy. Bởi không có nó họ thấy mình dường như khó chống chọi với cuộc sống khắc nghiệt nơi này.
*
ít ra cũng là dịp để Phương kể gần như trọn vẹn cuộc đời mình cho bạn nghe. Trong đó Phương đặc biệt kể về Lợi. Chị đã dành cho người con trai này những lời lẽ thân ái nhất, mến phục nhất. Duy chỉ có một điều, hay nói đúng hơn là một cảm giác riêng của mình, Phương đã không nói ra.
Kể cũng lạ. Gần đây Phương hay nghĩ nhiều đến Lợi. Mặc dù những ý nghĩ ấy không thật rõ ràng và rất khó gọi tên. Có thể nói chung là một sự nhớ. Đôi lúc cũng loé lên những tia cảm xúc rất táo tợn. Nhưng rồi chị gạt phắt đi, tự chế riễu mình. Chẳng bao giờ có chuyện ấy bởi giữa chị và Lợi có một điều, theo chị nghĩ, ngăn cách quá xa. Đó là tuổi tác.
Song tình cảm con người lắm khi như một trò đùa ác nghiệt. Cứ cố tình xua đuổi thì ý nghĩ ấy lại hình như cố tình ùa đến. Có lúc Phương chợt thấy hoảng sợ. Hay là cuộc sống chiến tranh dữ dội ở nơi này đã làm cho mình trở nên lú lẫn và liều mạng vậy chăng?
Cuối cùng thì chị tìm ra một giải phát quý giá nhất. Một giải pháp mà theo Phương nghĩ, mọi người đều được, không ai mất. Giải pháp ấy đêm qua Phương đã nói hết với Kim Hà. Tuy biết rằng tình yêu trong thời đại này không hề phụ thuộc vào mai mối, nhưng ở trường hợp Kim Hà, Phương thấy mình cần có trách nhiệm. Mình dù có rủi ro đến mấy cũng có một phần an ủi là được sống trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Kim Hà thiếu nhiều thứ quá. Nếu tình yêu này đến được với cô ấy, không những "họ" có hạnh phúc, mà chính mình cũng được bạn. Không mất Kim Hà và cũng không phải xa Lợi...
Phương cảm thấy xốn xang vì ý nghĩ ấy.
Đêm nay đến lượt Kim Hà đi theo tổ công tác. Phương tiễn bạn đi rồi quay về sục tìm vị trí Ban chỉ huy đại đội trinh sát. Chị gặp Lợi ngay lúc anh vừa đi giao ban về.
Lợi có vẻ ngạc nhiên khi thấy Phương tìm mình. Nhưng anh không vội hỏi. Họ chọn một gốc cây phi lao cụt ngọn, tán lá xòe rộng như một chiếc ô, ngồi bệt xuống cát, ngoảnh mặt trở về sông Bến Hải.
Phương vào đề như có sự chuẩn bị sẵn
- Đêm ni cái Hà đi công tác đấy.
- Vậy hả? Đội của chị định ở trong này bao lâu nữa?
- Nghe nói đến tận tết. Nếu địch cũng chấp nhận ngừng bắn thì sẽ tổ chức biểu diễn...
Lợi gật đầu:
- Ờ, đêm qua nghe tin chúng nó cũng ngừng bắn nhưng chỉ ba ngày thôi.
Sợ câu chuyện đi quá xa, Phương lái lại:
- Từ hôm nọ đến nay, anh Lợi có gặp cái Hà không?
- Có.
- Nó có nói gì không?
- Không.
- Anh Lợi thấy cái Hà thế nào?
Lợi hơi xoay người lại mỉm cười:
- Sao chị Phương lại hỏi tôi? Chị là bạn thân kia mà...
Phương cũng cười:
- Ừ... hỏi cho nó khách quan.
Lợi cười to hơn đầy vẻ thú vị:
- Theo tôi đấy là một cô gái thông minh, hóm hỉnh, chân thật...
- Có đáng mến không?
- Có.
- Có đáng yêu không?
Lợi nín lặng. Ai lại đi hỏi thế! Chị này quả thật là táo tợn, chẳng sai lời đồn chút nào. Nhưng Lợi vẫn không vừa:
- Tôi thấy các cô trong đội chỉ ai cũng đáng yêu cả.
Phương cười khúc khích:
- Thiệt à anh Lợi? Kể cả tôi chứ?
- Vâng, kể cả chị.
Lợi nói rồi mặt rần đỏ. Cũng may đêm tối nên Phương không nhìn thấy.
- Rứa mà có người rất ghét chị em chúng tôi đó.
Lợi biết Phương nói kháy mình, anh cười lặng lẽ. Im lặng một lát Phương lại hỏi:
- ở trong này cực quá, vết thương của anh có đau lại không?
- Thỉnh thoảng cũng có. Nhất là những hôm trời trở rét như thế này.
- Răng không ra nghỉ vài hôm?
- ồ, đến các nữ nhi văn công mà cũng dám bám trụ ở đây nữa là...
- Anh Lợi kể lại chuyện hôm bị thương ấy đi...
Lợi định không kể, nhưng anh đoán có lẽ Phương muốn nghe chuyện để biết thêm về cái chết của Thái nên anh trả lời rất thành thực.
- Lần đó tình thế xảy ra cũng y như lần vừa rồi chỉ có khác lúc đó chúng tôi ở trong đội hình tiểu đoàn, còn thằng địch thì quy mô cũng lớn hơn. Tôi với Thái chốt trên đồi 24...
Cứ thế, chậm rãi mà sâu lắng. Lợi kể cho Phương nghe về kỷ niệm không bao giờ quên nổi của trận chống càn hồi tháng năm. Anh đặc biệt nói về Thái. Lúc đó anh chỉ ao ước có một người dân Vĩnh Linh nào đó cho bạn anh nhìn thấy. Con sông Bến Hải cách không xa, nhưng cả một vùng trời mịt mù khói lửa. Thời gian không có lấy một giây chững lại cho anh khóc Thái. Anh và đồng đội đã vùi xác bạn trong tầng cát nóng bỏng và cùng vùi nỗi thương tiếc tái tê của mình vào tận đáy lòng bỏng rát.
Có lẽ từ ngày ấy đến giờ phút này, được ngồi kể lại cho Phương nghe kỷ niệm đó, Lợi mới thấy đôi mắt mình nhòe nước. Còn Phương thì ngược lại, khác với lần gặp Lợi ở Bộ tư lệnh, lần này Phương chăm chú lắng nghe, lòng chan chứa một niềm tự hào. Chị thấy em chị cũng như Lợi qua mấy năm thử thách đã lớn nhiều hơn là chị tưởng. Em chị không còn, nhưng Lợi thì đang ngồi bên cạnh. Với chị, là những người đi trước đầy bản lĩnh và quả cảm. Trong cơn bão tố phủ phàng này, những người con ấy xứng đáng là trụ cột, không riêng gì chị mà bất cứ ai nếu không phải là người đã trải qua những giờ phút hiểm nghèo nhất đều có thể trông cậy. Bất giác Phương quay hẳn sang phía Lợi:
- Anh Lợi năm nay hai mươi mấy hè?
Lợi hơi bất ngờ, anh ngớ ra một tý:
- Hăm... hai. Còn chị?
- Hăm ba.
Phương đã nói dối. Thực ra năm nay chị đã hai mươi bốn tuổi. Không hiểu sao chị lại nói dối và bỗng thấy nhói lên trong lòng một nỗi uất ức vô cớ.
- Anh Lợi thấy tôi già quá phải không?
Lợi nín lặng. Anh vừa chợt nhận ra trong giọng nói của Phương có điều gì đấy thực sự xáo động. Như một con sóng bất ngờ ùa đến không để cho bờ bãi kịp đề phòng. Lợi cúi sát mặt xuống đầu gối mình. Anh như nghe có hơi thở từ dưới cát phả lên...
Nhưng không, hơi thở ấy từ phía sau xô đến. Một tiếng gọi làm cả hai giật mình:
- Anh Lợi!
Cả hai quay vội lại. Khang đang đứng rất gần họ, lặng lẽ và thờ ơ:
- Báo cáo anh, có điện của Bộ tư lệnh!...
Lợi đứng vội dậy, chào Phương:
- Thôi chị Phương về nghỉ nghe!
Bây giờ Khang mới kêu lên khe khẽ:
- à, chị Phương à! Thế mà tôi tưởng ai...
Lợi bước vội đi. Khang bám theo. Chẳng hiểu sao Phương thấy trống ngực mình đập chộn rộn. Chị linh cảm thấy một điều gì đó đầy lo lắng đang bước tới gần.
*
Thế là câu chuyện mà Phương định nói với Lợi đã không đi đúng hướng. Rốt cuộc Lợi vẫn chẳng hề có ý nghĩ gì với Kim Hà. Trong lúc đó cô diễn viên trẻ người Hà Nội ấy lại đang sống trong những ngày rạo rực, bồi hồi. Kể cũng lạ. Trước đó Kim Hà chưa có một rung động gì sâu sắc với Lợi cả. Cô chỉ cảm thấy anh ta có duyên, tốt bụng. Nhưng sau đêm tâm sự với chị Phương, cảm xúc trong cô bỗng nghiêng lệch y như có một nguồn nước nào đó đang mãnh liệt đổ tuôn về chỗ trũng. Những ngày tiếp sau đó lúc nào Kim Hà cũng bắt Phương kể về "cái đội trinh sát". Người kể cũng say sưa chẳng kém gì người nghe. Cả hai chẳng hẹn mà nên đều có chung một nguồn vui xáo động.
Ban ngày chẳng ai được ra khỏi hầm. Nhưng bây giờ Kim Hà không còn cảm thấy khốn khổ vì sự rỗi rãi ấy nữa. Cô dùng tất cả thời gian để ghi nhật ký:
"Thế là đã bốn ngày chẳng trông thấy nhau. Chẳng hiểu "ông ta" có mặc cảm gì với bọn này. Trong lúc đó cánh lính trẻ khác thì đêm nào cũng sục sạo tìm văn công để bắt dạy hát. Mình biết thừa là họ chẳng mê hát hò gì. Tuy thế chẳng ai nỡ từ chối họ. ở đây ban ngày thì lặng ngắt những bãi tha ma. Chỉ chờ có đêm xuống. Đêm sôi động và bao dung biết bao. Nhưng đêm thì cát, trời và người là một màu. Đơn điệu quá! Sóng biển, gió và tiếng pháo trộn lẫn. Tất cả như nở bung ra. Tất cả như lại úp vào kín mít. Chỉ có tình yêu là mang trong nó một tiếng nói riêng, dù ngày hay đêm, bất kỳ sự ồn ã hay vắng lạnh nào cũng không nhòa lẫn được...
Tôi chưa dám nghĩ đến một ngày phải xa mảnh đất này, cũng như trước đây tôi không hề ngờ được rằng mình lại gắn bó với một xứ sở xa vắng đến thế. Đất, đâu cũng là đất vậy cả. Nhưng người thì hồ dễ đã có nơi nào giống được nơi nào! Hình như trong tôi nay đã có một phần day dứt với con người ở đây? Buồn nhiều mà vui cũng lắm. Cuộc sống mỗi ngày trôi qua là một cơn bão lớn, một ngày đang sống là một ngày đầy dự cảm phấp phỏng, xốn xang... Rõ ràng là đã biết yêu! Tôi không dấu điều ấy. Trước hết là tôi đã biết yêu từng ngày sống của mình...
Mình có cái bệnh là hay giả sử mọi điều. Giả sử mình không xin đi công tác dạo ấy... Giả sử mình không bị sốt rét phải nằm lại... Giả sử không có chị Phương vân vân... Thì có gặp được anh ấy không?
Chị Phương cười co và nói: Cậu là chúa rắc rối. Nếu vậy thì giả sử quách đi rằng không có cuộc chiến này? ừ nhỉ, giả sử không có cuộc chiến tranh này chẳng hiểu những điều đã xảy ra có xảy ra y như vậy không?...
*
Một buổi tối, Khang vô tình đi ngang qua hầm Kim Hà. Đêm ấy cả hai chị em cùng đi công tác. Khang bấm đèn soi vào trong không thấy ai liền bước hẳn vào. Cuốn nhật ký của Kim Hà để trên cùng sát nắp ba lô. Khang đã ngồi đọc bằng ánh đèn pin bọc giấy bóng xanh. Mặc dù trong đấy không hề có tên Lợi nhưng bằng sự thông minh nhạy cảm của mình Khang đã đoán được.
Thế rồi sau đó tự nhiên trong đại đội trinh sát bỗng xầm xì về một mối quan hệ, mà ai mới nghe cũng ngớ ra đầy vẻ kinh ngạc: Quan hệ yêu đương giữa Lợi và Phương. Câu chuyện dần dần lan qua đội tuyên văn, chỉ trừ Lợi và Phương không hay biết tý gì, còn gần như khôg ai là không há tròn mồm ra mà nghe như nghe một câu chuyện trinh thám. Đương nhiên cuối cùng chuyện cũng đến tai Kim Hà.
Thoạt đầu Kim Hà cười thầm trong bụng. Đúng là thiên hạ ở đâu cũng là thiên hạ lắm mồm. Chỉ tội cho chị Phương, có tiếng mà không có miếng...
Nhưng dư luận cũng như những cơn gió mùa, thổi một lần thì da thịt chỉ se se, cây cỏ chỉ rung nhẹ. Nhưng thổi mãi, thổi mãi triền miên qua đêm qua ngày rồi thì cơn lạnh cũng phải ớn lên, cỏ cây cũng phải úa vàng. Kim Hà bắt đầu thấy xốn xang, bực bội. Rồi bỗng nhiên cô thấy buồn và hay nghĩ ngợi. Dù sao thì "anh ấy" vẫn chưa hề có một biểu hiện gì quan tâm tới mình. Nghĩ mãi thì Kim Hà bỗng giật mình thấy rằng mình đã ngộ nhận! ừ nhỉ, đã có tý căn cứ nào đâu mà dám nghĩ "người ta" yêu mình? Mà mình thì cũng đã hiểu gì về "họ" đâu. Quả đáng tội, mình chỉ hiểu "ông ấy" qua chị Phương. Nhưng sao chị ấy lại biết nhiều về Lợi thế? Sao chị ta lại thích kể về anh ta đến thế? Sao chị ta lại quan tâm đặc biệt đến tình yêu của mình vậy? Có thể có người sống thật sự vì người khác như vậy không?
Nghĩa là Kim Hà đã bắt đầu nghi ngờ. Mối nghi ngờ như một mầm cỏ dại nhú lên giữa niềm tin trong trắng của cô với tình yêu và tình bạn!
Chao ôi, khi mà cỏ dại đã có nguy cơ ngoi lên thì nó bật dậy mãnh liệt biết chừng nào. Trách gì trên thế gian này, chẳng ai và chẳng chỗ nào trừ hết loài cỏ ấy. Cỏ dại mọc được bởi có lúc con người không nghĩ đến cây lúa và sự sinh tồn chung của loài người mà chỉ nghĩ rằng, miếng đất này không hẳn của mình, cây lúa này chưa chắc mình được gặt, vậy thì sức mấy mà nhọc công dã tràng...
Lúc này Kim Hà đang trong đường ranh giới của sự tính toán ấy!
Nhưng đã là con gái, cho dù là người con gái sởi lởi nhất cũng có gan nhận chìm những tính toán của mình vào lòng âm thầm hàng tháng hàng năm, thậm chí trọn cả đời. Kim Hà ít nhất cũng đã giữ kín gần trọn đợt công tác...
Đã rập rình cái không khí tết. Hóa ra ở chiến trường tết lại đến sớm hơn thường lệ. Bởi từ ngoài Vĩnh Linh, những thúng bánh tét, bánh đòn, thuốc lá Tam Đảo, Điện Biên, trà Bến Hải, Ba Đình đã được vượt sông vào trước cả ngày ông Táo lên chầu Ngọc Hoàng. Mới hai mươi bốn âm lịch mà cả đại đội trinh sát lẫn đội tuyên văn cứ xôn xao cứ y như sáng mai đã là năm mới. Nhìn những đòn bánh chất cao vượt mặt thúng, lính cứ kháo nhau nên ăn quách đi, lỡ giữa ngày tết có choảng nhau cũng chặt dạ. Điện của Bộ tư lệnh vào chỉ thị; tuỳ theo tình hình mà Ban chỉ huy đơn vị tổ chức cho anh em đón xuân, không nhất thiết đúng tết. Vậy là ý trên hợp với bụng dưới. Ban chỉ huy đại đội bàn với đội tuyên văn quyết định ngày mai sẽ ăn tết, chỉ chừa lại một ít thuốc chè để đêm giao thừa thức đón thơ Bác. Toàn đơn vị náo nức chuẩn bị. Mọi thứ hậu phương đã gói sẵn chuyển vào. Song, gần như là thói quen người ta cứ nháo nhác, tất bật có vẻ như sắp mổ bò, mổ lợn...
Chính cái không khí ấy làm cho Kim Hà ngơ ngẩn. Đây là cái tết đầu tiên cô xa Hà Nội, xa người bố, xa tiếng chuông ngân nga trên gác nhà thờ lớn, xa những cánh lay ơn trắng nõn ở chợ Đồng Xuân hay phố Ngọc Hà... Mà đâu phải chỉ có nỗi xa. Một cái gì đây nữa, xao xác trong cô gần như là sự cô quạnh! Không thể thổ lộ cùng ai. Kim Hà nằm sấp người xuống tấm phản kê trong hầm, thao thức.
Phương từ đâu chạy về chồm người lên Kim Hà gọi hối hả:
- Hà ơi! Hà!... Mày ngủ há? Mày biết làm hoa giấy không?
Kim Hà khẽ trở mình nhưng không lên tiếng.
- Ngủ chi sớm rứa. Ra hầm hội trường đi! Vui lắm mày ạ. ở đó thắp được đèn măng sông. Tụi chúng nó đang cắt hoa chuẩn bị cho đêm giao thừa. Tao nghĩ chắc mày thạo việc đó lắm, nhanh lên!...
Kim Hà vẫn không nhúc nhích. Phương hơi cụt hứng:
- Mày làm sao thế? ốm à? Không, có thấy nóng sốt gì đâu? à, lại nhớ Hà Nội há! Thôi, tiểu thư của tôi ơi, ra với lính là vui ngay. Tao cõng mày đi nghe!...
Kim Hà suýt phì cười, nhưng vội nín lại:
- Em không ra đâu, em không biết làm hoa.
- Tao chả tin. Mà không biết thì thôi, không khiến mày làm. Nhưng cứ ở đó mà chơi cho nó khuây. Đi!...
- Không.
- A, cô em dạo này bướng dữ hè! Này, ông Lợi nhắn mày ra đó...
Kim Hà quay ngoắt người lại giọng dằn dỗi một cách bất ngờ:
- Lợi nào? Chị nói dối vậy mà không biết ngượng à? Chẳng phải lúc chiều chị bảo anh Lợi đi địa hình với ông tham mưu trưởng là gì?
Phương ngẩn người ra. Giọng Kim Hà nghèn nghẹn như khóc:
- Em cứ tưởng chị không bao giờ biết nói dối cơ đấy. Không ngờ...
- Không ngờ là không ngờ cái chi? Tao đùa vậy là cốt để cho mày vui...
- Chị lầm đấy, chị Phương ạ! Hoặc nếu chị không lầm thì chính em đã lầm. Chẳng ai vui được với sự dối lừa đâu.
Phương hét lên:
- Ai lừa? Há? Có thế mà mày cũng bắt bẻ...
Kim Hà cười nhạt:
- Có thế... Chị muốn nói thế nào nữa kia chứ? Nhưng thôi, dầu sao chị cũng thông minh hơn em, chị lớn tuổi hơn, từng trải hơn... Tóm lại, em thấy cũng chả bất công chút nào.
Phương tức nghẹn cả cổ. Chị muốn hét to lên hoặc làm một cái gì đó cho hả tức. Nhưng nhìn thấy giọt nước mắt đang ứa ra lăn tròn trên má Kim Hà, lòng Phương bỗng mềm hẳn lại:
- Mày nói vậy nghĩa là thế nào hả Hà? Tao chẳng hiểu vì sao mày lại giận tao? Vì sao? Mà thôi, có thể mày buồn quá hóa quẩn. Cứ ra hội trường với chị một lúc cho vui...
Giọng Kim Hà tỉnh khô:
- Em chả đi đâu nữa cả. Em sẽ nằm nguyên ở hầm này cho đến khi nào gặp được chính ủy. Em sẽ đề nghị với thủ trưởng hoặc gửi em theo đường dây tìm vào với đoàn, hoặc trả em về với Hà Nội...
Như có một tảng đất trên hầm đổ ập xuống, Phương nghe nhói thắt ở ngực. Cả người chị run lên, hai hàm răng chực va vào nhau. Một nỗi uất ức cùng lúc tràn lên ở cả hai người con gái với hai nỗi niềm khác nhau, giọng Phương nhòe nước mắt:
- Rứa thì mày... mày ngu lắm, Hà ạ!
CHƯƠNG BA MƯƠI MỐT
Chính ủy Trần Vũ bất ngờ xuất hiện giữa cái đêm cả đại đội trinh sát đang rôm rả ăn tết, việc đó đã tạo nên một không khí xúc động đặc biệt, đồng thời cũng kèm theo vỡ khối những dự đoán thấp thỏm, hồi hộp. Ý kiến tập trung nhất của chiến sĩ là chắc chắn đơn vị sắp nhận nhiệm vụ đặc biệt. Cũng không ít lời bàn rằng tình thế ban chỉ huy đại đội sắp được phân giải ngã ngũ. Suốt cả đợt tập kết, rút kinh nghiệm và bình xét khen thưởng trong đơn vị khá nhiều ý kiến tranh luận gay gắt về khuyết điẻm của đại đội trưởng. Cộng thêm dư luận ngày một ồn ào về về mối quan hệ giữa Lợi và Phương. Dĩ nhiên dư luận cũng chỉ là dư luận. Cấp ủy và ban chỉ huy chưa hề có ý kiến gì. Tuy vậy tình thế xem như đang đẩy tới việc cần phải có một sự chỉnh đốn trong hàng ngũ lãnh đạo. Và tuy không ai nói ra nhưng gần như đồng nhất một nhận định, Khang sẽ thay Lợi làm đại đội trưởng: Lợi hoặc sẽ ở lại nguyên vị trí phó không còn quyền đại đội trưởng nữa, hoặc sẽ điều đi một đơn vị khác.Cả đại đội trinh sát lẫn đội tuyên truyền văn hóa được lệnh tập hợp trên một bãi cát. Trăng mờ đục. Khối người ngồi rải ra trên một vùng rộng. Chính ủy ngồi giữa. Không ai nhìn rõ mật anh nhưng nghe nghe giọng nói ai cũng nhận thấy được Trần Vũ đang vui.
- Khỏe chứ, các đồng chí?
- Khỏe ạ. Chiến sĩ đồng thanh đáp.
Thế là tốt. Trước hết tôi xin báo một tin rất vui. Ở trên khu tây, bộ đội của Mặt trận B5 đã đập tan vị trí Tà Cơn. Hiện nay hàng binh đoàn lớn của ta đang đổ xuống thung lũng Làng Vây. Toàn bộ Khe Sanh đã nằm trong một vòng giây thòng lọng xiết chặt. Còn trên địa bàn khu đông này, cách đây một giờ, tiểu đoàn 47 của các đồng chí kết hợp với các lực lượng hỏa lực của dân quân Vĩnh Linh chiếm lĩnh xong Hoàng Hà, Lâm Xuân, Vĩnh Quang thượng- hạ. Như vậy từ giờ phút này lưỡi dao của ta đã dí vào ngay cuống họng Củă Việt. Cuống họng ấy đứt thì trên kia Khe Sanh sẽ chết đói.
Hàng quân ồn ào. Lính trẻ bao giờ cũng là những người dễ sung sướng. Dù đêm tối, Trần Vũ vẫn cảm thấy trước mặt mình các khuôn mặt hớn hở, háo hức. Anh đứng hẳn dạy, giọng sang sảng:
- Tôi cũnh cần nói thêm một điều này nữa. Cách đây 4 tiếng đồng hồ, tên tổng thống Việt gian Nguyễn Văn Thiệu đã tuyên bố bác bỏ lệnh ngừng bắn của Mặt trận. Như vậy là hắn dám chà đạp lên phong tục cổ truyền của dân tộc, chĩa súng vào nguyện vọng tha thiét của nhân dân ta. Tự hắn đã đào sâu thêm chiếc huyệt để chôn hắn. Và thế nghĩa là, hắn đã buộc chúng ta phải nổ súng. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã hạ lệnh tổng tiến công trên toàn chiến trường miền Nam. Đây là chiến dịch lớn nhất, lớn chưa từng thấy kẻ từ ngày đánh Mỹ đến nay. Các đồng chí đang đứng trong đội hình chiến dịch ấy, đang sống trong cơn bão khổng lồ ấy, đang chứng kiến những giờ phút oanh liệt nhất. Các đồng chí phải cố gắng và quyết tâm nhiều hơn nữa mới có thể hoàn thành được sứ mạng lịch sử giai đoạn này.
Trần Vũ đảo mắt nhìn phác một lượt. Khối người lặng lẽ trang nghiêm đang nhìn cả về anh. Anh biết họ đang chờ đợi, có thể điều chờ đợi ấy sẽ phải trả một giá cực kỳ đắt thì lớp trẻ này vẫn không nề hà. bởi vì trong chiến tranh có một chân ít thay đổi là, bất cứ ai được giao nhiệm vụ quan trọng nhất, ác liệt nhất, đòi hỏi sụ hy sinh cao nhất thì người đó được tin cậy nhất. Sự tin cậy là vàng trong thước đo giá trị của chiến tranh. Giọng Trần Vũ nhỏ lại nhưng vẫn ấm áp:
- Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh đã nghiên cứu đầy đủ báo cáo tổng kết của các đồng chí. Cấp trên đánh giá cao thành tích của đại đội này. Thường vụ đã đề nghị Quân khu tặng thưởng Huân chương cho 14 đồng chí do đơn vị bình từ đại đội phó Vũ Nam Khang đến binh nhì Lê Văn Tiệp. Như vây, các đồng chí đã lập công đều, phấn đấu toàn diện và cũng bình xét công bằng. một lần nữa xin hoan nghênh các đồng chí. Chuca đơn vị phát huy truyền thống con em Vĩnh Linh anh hùng, hiến dâng hết tất cả nghị lực của mình cho sự nghiệp chung.
Buổi nói chuyện kết thúc. Không hề nghe chính ủy nhắc gì đến khuyết điểm của đơn vị, cũng không gaio một nhiệm vụ gì cụ thể. Chiến sĩcó phần chưng hửng. Nhưng sự kết thúc nhanh gọn buổi nói chuyện cũng báo hiệu một điều gì đó hết sức khẩn trương. Thế là các hầm râm ran chuyện. Vẫn bánh tét, vẫn hoa xuân nhưng hình như cái hương vị của một chiến dịch lớn đã chiếm lĩnh toàn bộ câu chuyện.
Trong lúc đó, ở chiếc hầm chỉ huy của đại đội trinh sát, Trần Vũ họp với ban chỉ huy đại đội. Cuộc họp kéo dài mãi. Trời sắp sáng cuộc họp vẫn chưa kết thúc.
Khác với lúc nói chuyện trước toàn đơn vị, ở đây Trần Vũ đã phan tích tình hình một cách cặn kẽ. Anh nhắc lại từng chi tiết sự kiện, từng cách xử lý của các bộ, từ đó đưa ra những giả thiết để lật đi lật lai các vấn đề. Cách phân tích ấy chứng tỏ Bộ tư lệnh đã nghiên cứu khá tỉ mỉ hoạt động của đại đội trinh sát. Cuối cùng Trần Vũ kết luận:
- Muốn đánh giá một giai đoạn hoạt động của đơn vị thì phải nhìn vào mục đích và yêu cầu của giai đoạn hoạt động ấy. Nếu không biết nhìn như vậy ta rất dễ nhầm lẫn. Gần đây trong công tác tư tưởng tôi có thấy một hiện tượng này. Nếu hỏi một đồng chí cán bộ, hoặc chiến sĩ nào đó về tình hình thì sẽ được câu trả lời: Cả chiến trường thắng lớn, còn riêng chỗ của tôi thì be bét, ê ẩm. Đây chính là cách nhìn hiện tượng, không biện chứng. Nếu chỗ nào cũng kêu be bét, ê ẩm thì làm gì có cái thắng lớn nói chung được. Anh cán bộ hoặc chiến sĩ ấy không thấy được rằng, bên cạnh cái ê ẩm là các chiến công. Hoặc không hiểu rằng ta ê ẩm một thì giặc ê ẩm mười. Có thể mũi phòng ngự của anh bị địch chọc thủng nhưng cả mặt trận thì ta áp đảo đối phương, vân vân. Cho nên muốn đánh giá một cách khách quan thì ta phải nhìn vào mục đích. Ai đạt được mục đích là người ấy thắng. Mặc dầu có khi sự thắng ấy phải trả một giá đắt ghê gớm nhưng vẫn là thắng. Một giá đắt bao nhiêu cũng không bằng kẻ sạt nghiệp, lỗ vốn. Cho nên để có một thắng lợi chúng ta không hề tiếc một chút vốn liếng nào.
Từ phương pháp xem xét ấy, chúng ta trở lại tình hình đơn vị. Mục đích và yêu cầu vừa qua của cấp trên giao cho các đòng chí là gì? Là dọn bãi - nói đến đây Trần Vũ liếc qua nhìn Lợi. Nhưng Lợi vẫn im lặng, mặt hơi cúi xuống.
Trần Vũ nói tiếp:
- Suốt mấy tháng qua, bọn Mỹ và chính quyền Sài Gòn đang tập trung mọi cố gắng để làm sáng tỏ một câu hỏi: Mặt trận chính sẽ ở đâu? Cho đến phuta này, bọn nó vẫn cảm thấy ở đâu cũng có khả năng nổ ra hướng chủ yếu. Thế là ta thành công. Trong sự thành công ấy có các đồng chí! Việc chủ lực B5 làmgọn " thằng " Tà Cơn, việc bốn đại đội của D47 đột nhập an toàn vào khu Hoàng Hà, Lâm Xuân cũng có công các đồng chí. Như vậy là đại đội trinh sát đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Cái dở của các đồng chí là gì? Là bộc lộ lực lượng quá sớm. Kẻ địch sớm nhận ra chúng ta chỉ có một đại đội. Cũng may về sau ta kịp thời chuyển hướng hoạt động lấy tập kích ban đêm làm chủ yếu. Địch lại rơi về trạng thái hư hư thực thực. Một bức điện của tên tỉnh trưởng Quảng Trị gửi cho Bộ chỉ huy hành quân Mang Cá đã nhận định, tiểu đoàn 47 đang tập trung lực lượng sát Dốc Miếu. Có khả năng sẽ xẩy ta một cuộc tấn công bằng bộ binh vào cao điểm này như hồi tháng 5 năm 1966...
Ba cán bộ đại đội và sáu cán bộ trung đội ngồi ngay ngắn chăm chú lắng nghe chính ủy. Trong đầu họ hiện lại rất rõ từng ngày, từng giờ, từng trận đánh mà chính họ đã đi qua, nhưng không phải hiện lại một cách thụ động đầy bối rối mà tất cả như bày ra trên một bàn cờ với từng đường đi nước bước của hai đối thủ. Rõ ràng Trần Vũ không có ý truy bức một khuyết điểm nào, anh đang đặt các cán bộ trẻ lên vị trí chiến lược, giúp họ có một cách nhìn tòn cục. Anh hiểu rất rõ rằng, cuộc chiến đấu còn có thể kéo dài lắm, những người đứng mũi chịu sào trên mảnh đất này không ai khác là nhưbfx bạn trẻ ngồi trước mặt. Tin vào lớp trẻ ấy chính là tin vào thắng lợi cuối cùng.
Gần sáng cuộc họp chuyển qua nội dung cả đại đội đang chờ. Trần Vũ nói chậm rãi:
- Vào giờ này, có lẽ các đại đội khác của D47 đang nổ súng ở khu Cửa Việt. Như vậy chỉ trong ngày này thôi, kẻ địch trên toàn khu đông sẽ hoảng hốt bu bám vào nó. Tiểu đoàn sẽ chiến đấu trong một tình thế vô cùng gay go: Vì thế Bộ tư lệnh quyết định cùng các đồng chí cắm một cái chốt trở lại làng Cát. Đấy là cái chốt hiểm. Vừa chặn đứng bọn địch ở Dốc Miếu xuống, vừa phân tán bọn dã chiến Mỹ ở khu Cửa Việt tạo điều kiện chi viện cho tiểu đoàn. Tôi nhắc lại, đây là mộtc hốt hiểm y như cắn chiếc kim vào giữa tim thằng địch. Lần này không còn bí mật được như trước nữa. Các đồng chí phải tập kích đánh bật kẻ địch ra khỏi làng Cát rồi trụ lại. Cố gắng trụ khoảng mười ngày. Dĩ nhiên thêm nữa càng tốt. Bây giờ các đồng chí bàn cụ thể phương án tác chiến. Ngày hôm nay hoàn tất công tác chuẩn bị trong toàn đơn vị. Bảy giờ tối xuất kích.
*
Thế là tất cả các bộ óc " tham mưu con" trong đơn vị đoán già đoán non mãi đều sai hết. Rốt cuộc chẳng có một sự thay đổi gì. Ban chỉ huy đại đội vẫn nguyên xi. Thậm chí nhiệm vụ của đơn vị cũng không có gì mới, lại trở vào với cái làng Cát đẫm máu ấy.
Trong chiến đấu đã xuất kích là nghĩ ngay đến việc chạm đầu với cái chết. Tuy vậy, thà cứ lao vào những nơi hoàn toàn mới lạ, nhận những nhiệm vụ mà chưa ai lường trước được sẽ như thế nào. Hồi hộp nhưng cũng thú vị. Nói chung chiến tranh thích hợp với những sự ngẫu nhiên hơn. Đằng này quay trở lại cái chốt mà vừa từ chỗ đó rút ra lại nhìn rõ cái thế trận hiểm nghèo của nó, lại biết chắc chắn ràng kẻ địch đang chiếm giữ nó đang đề phìng gắt gao và việc trở lại không còn trong thế bất ngờ nữa, việc đó không khỏi gây ra những tâm trạng băn khoăn, bồn chồn trong đại đội. Người băn khoăn nhất chính lại là đại đội phó Vũ Nam Khang.
Khang đã vượt qua cái làng Cát như một người không biét bơi bị ném liều xuống khúc sông. Anh đã nhắm mắt, nín thở, đạp chân, đập tay và cầu trời may rủi. Cái may đã đến. Anh đã vượt qua một cách vẻ vang, được thưởng cả huân chương nữa. Nhưng có lẽ vì những cái ấy mà nay khi biết phải trở lại chốn ấy, ruột gan Khang bỗng cồn cào như nuốt phải ớt. Cái may đây dễ gặp lại hai lần! Chao ôi trở lại làng Cát khác thể một diễnviên xiéc chập chững phải lao qua vòng lửa lần thứ hai. Nhưng chẳng lẽ tìm cách từ chối? Anh đang là con người đầy uy tín. Anh là tấm gương soi cho toàn đại đội. Anh đã đứng lên đầu nút cầu nhảy rồi. Cho dù trước mắt là một vòng lửa rần rật cháy hay một khúc sông ào ào nước xiết thì cái giờ phút bật khỏi cầu cũng đã đến rồi. Thời gian! Thời gian! Thực là khắc nghiệt.
Bốn giờ chiều. Sắp sửa đến giờ xuất phát. Khang cảm thấy chóng mặt. Anh ngồi tựa lưng vào thành hầm và nhắm mắt lại. Bỗng có tiếng bước chân đạp cát lạo xạo ở cửa hầm rồi ai đó ngồi xuốngbên cạnh. Khang mở vội mắt và nhận ra Chính ủy. Anh ngồi thẳng dậy.
- Mệt lắm hả? - Trần Vũ hỏi - Đang nghĩ gì thế?
- Báo cáo... tôi nghĩ đến trận đánh sắp tới.
- Nghĩ như thế nào?
Khang nín lặng. Từ lâu anh cũng biết rằng dưới con mắt chính ủy anh là một cán bộ bình thường, thậm chí có nhiều khuyết điểm. Nhưng anh cũng biết chính ủy là người độ lượng, chưa bao giờ gay gắt với anh, chưa bao giổt ra không tin anh. Nhất là sau chiến công của anh vừa rồi, có lẽ ông ấy càng mến phục hơn. Việc ông ta tìm đến anh lúc này phải chăng làbiểu hiện của lòng cảm mến ấy?
- Tôi thấy lo cho đơn vị, không biết có hoàn thành được nhiệm vụ mới này không?...
- Trần Vũ khẽ " hự " một tiếng rồi im lặng. Hình như ông ta cũng có mối lo giống Khang. Nghĩ vậy nên Khang mạnh dạn hơn:
- Nếu thủ trưởng tin tôi, tôi xin nói thật. Tính tôi vẫn thế, đã chiến đấu thì không tiếc gì xương máu. Song cái đáng nghĩ nhất là xương máu đổ ra có đảm bảo cho yêu cầu nhiệm vụ không?
- Cậu nói tiếp đi!
- Báo cáo... tôi thấy nói chung anh em trong đơn vị rất tốt. Họ là những chiến sĩ tuyệt vời. Cái đáng lo chính là ban chỉ huy chúng tôi. Nhiều cái lúng túng lắm. Mà trong chiến đấu chỉ một giây lúng túng thì có thể phải đổi bao nhiêu xương máu. Kinh nghiệm mấy trận đánh vừa rồi là thấy rõ...
Khang ngừng lại liếc mắt nhìn chính ủy thăm dò. Nhưng Trần Vũ không hề có một phản ứng gì. Anh vẫn lắng nghe, gật gù:
- Tiếp đi! Cụ thể thêm một chút.
- Vâng. Tôi có thể nói cụ thể. Suốt cả đêm qua tôi đã ngồi nghe chính ủy phân tích tình hình. cách phân tích ấy biểu hiện một tấm lòng bao dung độ lượng rất lớn của chính ủy đối với cấp dưới. Nhưng nếu cấp dưới không hiểu điều đó, không thấy rằng đó là trên thương mình, khuyến khích mình, không muốn chỉ trích những khuyết điểm cụ thể của mình, rồi sin ra thỏa hiệp với thành tích, ngộ nhận khả năng trình độ của mình thì sẽ vô xùng tác hại. Thưa chính ủy, cái chết của con người ta thường bắt đầu từ sự ngộ nhận. Trong ban chỉ huy chúng tôi có biểu hiện ấy. Không thấy hết khả năng mình, cứ tưởng được đề bạt tức là mình xứng đáng. Đấy là biểu hiện ngộ nhận thứ nhất. Không nhận rõ bản chất giai cấp, cứ tưởng đã là cơ sở cách mạng thì lúc nào cũng tốt, cũng trung thành. Đấy là ngộ nhận thứ hai. Không phân tích được so sánh lực lượng ta và địch, cứ cho rằng hễ quân đội cách mạng thì cứ đánh là thắng không cần mưu mẹo, không tính đến thế trận chung, đó là ngộ nhận thứ ba. Còn điểm cuối cùng...
- Tiếp đi!...
- Vâng tôi xin mạnh dạn nói hết ý nghĩ của mình trước khi vào trận. Theo tôi uy tín cá nhân là điều vô cùng cần thiết cho một người chỉ huy. Có đòng chí cứ cho mình là lớn, bất chấp dư luận, không biết rằng cả đơn vị đang xì xào điều gì, đang chê trách điều gì. Chính ủy thử nghĩ xem, giữa tình hình chiến sĩ thiếu tin tưởng chỉ huy như thứ mà xuất kích thì rõ ràng hiệu lực chiến đấu của đơn vị có hạn chế!...
- Này, ông vừa nói chiến sĩ xì xào cái gì?
- Dạ... chung quy vẫn là chuyện quan hệ nam nữ.
Trần Vũ xoay hẳn người lại:
- Quan hệ như thế nào?
- Tôi tưởng thủ trưởng đã rõ?
- Chưa, đồng chí báo cáo đi.
- Vâng... - Vũ Nam Khang bỗng lúng túng - Tôi cũng nghe anh em bàn tán nhiều, kỳ thực tự tôi cùng chứ thấy gì rõ lắm. Tuy thế cũng có vài biểu hiện.
Trần Vũ có vẻ sốt ruột:
- Nhưng mà đồng chí nào?
- Dạ, đồng chí Lợi và cô Phương bên đội Tuyên văn...
- Sao?
Trần Vũ buông một tiếng hỏi rồi lặng im. Vũ Nam Khang thấy cần thiết phải nói gấp hơn:
- Báo cáo, nếu thủ trưởng có chút thì giờ tìm hiểu thêm thì chắc sẽ rõ. Thủ trưởng có thể gặp bất cứ ai trong đơn vị họ cũng kể rất lý thú chuyện này...
- Thế kia à? Sao lại thế được nhỉ?
Câu hỏi của Trần Vũ đầy sự ngạc nhiên nhưng không hề có biểu hiện gì giận dữ cả. Vũ Nam Khang đâm ra cụt hứng. Anh nghĩ mãi mà không biết nên nói thêm điều gì.
Bỗng từ ngoài cửa hầm một bóng người lao vào. Cả chính ủy và Khang đều ngẩng vội nhìn ra. Kim Hà đang đứng khom người đưới mái hầm, môi run lên, hai vành mi lóng lánh nước. Trần Vũ gật nhẹ đầu:
- Chuyện gì vậy, đồng hương?
Kim Hà vẫn đứng, hết nhìn chính ủy lại nhìn Vũ Nam Khang, cả người cô run lên tưởng như không thể tự chủ được nữa. Trần Vũ vương người tới kéo tay Kim Hà lại gần:
- Vào hẳn trong này... có chuyện gì vậy, nói đi!
- Thưa chú... cháu thấy rằng...
- Thấy như thế nào? Thấy nhớ nhà quá hả?
- Không ạ. Cháu thấy rằng... cái anh này - Kim Hà chỉ qua Vũ Nam Khang rồi bất ngờ nói to lên như một kẻ mất trộm - Cái anh này nói láo đấy. Thủ trưởng đừng tin.
Vũ Nam Khang trợn cả mắt lên.
- Cái gì? Đồng chí ăn nói cái gì thế? Hả? Ai nói láo?
- Anh. Anh nói láo.
- Nói láo cái gì?
- Chị Phương với anh Lợi không... không có gì hết... hu hu... Thật mà... Không có gì hết.
Kim Hà khóc to như một đứa trẻ bị đánh oan. Cô gục người xuống bên vai Trần Vũ khóc tức tưởi như trút bao nhiêu nỗi dằn vặt trong người. Trong lúc đó Vũ Nam Khang tím mặt lại, giọng cũng run lên:
- Ai cho phép đồng chí nghe trộm công việc của cấp trên? Đồng chí thì biết cái gì?
- Sao tôi lại không... không biết. Tôi ở với... chị.... Phương.
- Đúng rồi Khang cười mỉa - và chị Phương hứa sẽ làm mối ông Lợi cho cô chứ gì? Cô lầm to đấy. Thật tội nghiệp.
Trần Vũ quay phắt lại:
- Thế là thế nào?
Vũ Nam Khang cười như mếu:
- Chuyện là thế đấy thủ trưởng ạ. Cái anh chàng Lợi là... là
Kim Hà vùng dậy:
- Anh đừng có nói lung tung. Anh không được quyền đánh giá...
- Ơ, thế cô có quyền à? Đồng chí Lợi ở đơn vị tôi hay đơn vị đồng chí?
Kim Hà quệt nhanh nước mắt, mặt cô đỏ rần lên
Đăng ngày 15/06/2010