Saturday, October 3, 2015

CỬA GIÓ - Tập II - Chương 32 & 33:


Tác giả: Xuân Đức

CHƯƠNG BA MƯƠI HAI 

Một tổ của đội tuyên truyền văn hóa gồm Phương, một diễn viên kéo đàn nhị, một diễn viên nam hát dân ca được chọn ở lại cùng với K3 - sư đoàn chủ lực của Bộ hiện tập kết quân ở vùng Cẩm Phổ - tiếp tục làm công tác binh vận. Thế là sau gần một năm tạm ngừng, đêm nay tổ tuyên truyền cùng với ba chiến sĩ vệ binh của K3 lại lên đường tiến vào cao điểm 31.
Cao điểm 31, thực chất chỉ là một gò cát nổi lên trong vô số đụn cát nằm xoải mình gần bên bờ biển. Nếu không có chiến tranh thì chắc chắn chẳng ai nghĩ đến nó. Hoặc giả nếu tên tướng Mỹ Mác-na-ma-ra không biến đồi 31 thành một mắt xích trong cái "hàng rào điện tử" mang tên hắn, không quàng lên cổ đụn cát này những vòng rào gai bùng nhùng và ấn lên đầu nó hàng trăm khối lô cốt nổi và gần trăm rưởi thằng người biết ăn và bắn súng thì đụn cát chắc chắn chỉ là đụn cát, cái đống thừa vô tội vạ của thiên nhiên, ngày đêm đứng ngông nghênh tung bụi lên trong trong tiếng sóng gầm gió bụi.
Trong hàng rào điện tử Mác-na-ma-ra, cao điểm 31 được coi như tên xung kích đầu tiên đứng sát mép biển, cùng với Dốc Miếu, Cồn Tiên, điểm cao 241, Tà Cơn, Khe Sanh tạo nên một áp lực nặng nề đối với toàn tuyến Vĩnh Linh. Cuộc đọ sức của hai tuyến thép này thực chất đã diễn ra hàng chục năm nay, diễn ra trên toàn diện các mặt. Riêng về phương diện tuyên truyền, trước đây hai bên bờ sông Bến Hải là hai hệ thống loa phóng thanh khổng lồ xô ập vào nhau. Thực ra những người dân ở sát bờ sông không nghe nổi một điều gì, chỉ chứng kiến gió ào ào phả ra từ các dãy loa. Lùi xa một chút, vì dụ như trên đất bắc là vùng đất đỏ Vĩnh Hòa, ở miền Nam chính là vùng cao điểm 31, Quán Ngang, Dốc Miếu mới là những nơi chịu đựng lớn nhất sức công phá của chiến tranh tuyên truyền. Khi tiếng súng hai bên đã nổ, hệ thống loa hai bên đều đổ nát. Bọn Mỹ - Ngụy chuyển bộ máy tuyên truyền lên những chiếc máy bay L19. Nhưng cũng chỉ được một năm. Từ ngày cao xạ Vĩnh Linh vít đầu "Thằng sứt" xuống ruộng nước Vĩnh Thủy thì L19 không còn dám ngông nghênh nữa. Còn phía ta, những tổ tuyên truyền vẫn lọt vào bám sát từng cao điểm để hát hò, đọc tin, kêu gọi. Như vậy có thể tạm kết luận rằng trên mặt trận ấy kẻ thù đã bị tước vũ khí.

Trong cuộc chạy đua tổng lực này, chỉ cần hơn nhau một phân thôi là thắng.

Nhưng trên con đường đi tới một chiến công, hơn nhau một phân chưa hẳn là người may mắn. Việc đó đã xảy ra khi tổ công tác của Phương cách sườn phía Tây của cao điểm chừng một cây số. Lúc đó khoảng mười một giờ đêm.

Mỗi người trong tổ công tác đi cách nhau chừng chục bước chân. Hai chiến sĩ mang súng AK đi đầu, tiếp đến là Phương, sau đó là hai diễn viên nam và cuối cùng là chiến sĩ mang trung liên RPD. Ngay từ loạt đạn xỏ sườn đầu tiên bắn chéo từ đụn cát bên trái qua thì tất cả mọi người trong tổ đều nhận ra rằng họ đã bị một lực lượng khá đông phục kích và tình thế này thì từng người khó mà bắt liên lạc được với nhau. Cuộc chiến đấu diễn ra chừng năm phút thì hai khẩu AK phía trước đã ngừng bặt. Phương hốt hoảng trườn người lên. Hai chiến sĩ đã hy sinh. Hình như kẻ thù cũng đoán biết tình thế. Chúng lao tới. Khẩu trung liên phía dưới quét chéo lên. Bọn phục kích liền thọc ngay một mũi vào giữa đội hình rồi đánh quặt lại. Phương không còn cách gì bò lui được nữa. Lợi dụng một rảnh cát cô trườn người lên phía trước rồi bò chéo về hướng tây, cố gắng đừng để đâm đầu vào hàng rào cao điểm 31. Cuộc đọ súng diễn ra thêm vài chục phút nữa thì ngừng. Không rõ bộ phận phía sau đã hy sinh hết hay là rút lui. Phương đưa tay áo lên quệt nước mắt rồi xắn cao quần nhằm hướng tây mà chạy.

Chiến tranh là vương quốc của những sự ngẫu nhiên. Chao ôi, sự ngẫu nhiên sao mà độc ác! Chưa bao giờ Phương cảm thấy bơ vơ, trơ trọi như lúc này. Cát mênh mông, gió hun hút, đêm mịt mùng đến mức không còn phân biệt nổi hướng tây, bắc, đông, nam. Không còn nghe tiếng súng, không hề có ánh đèn dù. Phương chạy chán rồi lại đi. Thoạt đầu còn đi nhanh, về sau chậm dần, rồi kéo lê từng bước. Da thịt Phương tê đi trong giá rét, hai tai ù ù tiếng gió, mười ngón tay cóng lại. Chỉ còn đôi bàn chân trần là còn giữ được chút cảm giác đang đi trên cát. Cát lún xuống, cát trồi lên, cát lớp lớp tầng tầng. Thỉnh thoảng lắm mới bắt gặp một bóng đen. Những bóng đen từ đâu đó bất ngờ hiện ra trơ trơ câm lặng. Phương mấy lần rùng mình suýt kêu lên nếu không kịp nhận ra đấy chỉ là những cây phi lao cụt ngọn. Hình như vùng này cây phi lao nào cũng cụt ngọn. Mảnh bom, mảnh pháo đã tiện mất cái phần sinh sôi nảy nở của cây, chỉ còn lại khúc thân già vặn vẹo đủ dạng hình như những bầy ma cụt đầu lởn vởn rình mồi trên các bãi tha ma trong bao truyện thần thoại.

Gần sáng, Phương cũng gần như kiệt sức. Cô ngồi bệt xuống cát. Tóc, áo ướt đẫm hơi sương. Một gợn sáng hửng lên phía chân trời. Phương nhận ra hướng đông và ngay lập tức cô cũng nhận ra mình đã lọt quá sâu vào tam giác Quán Ngang, Cửa Việt, Phương vùng người đứng dậy, toàn thân run lên.

Gợn sáng mỗi lúc một rõ dần, vừa như là niềm hy vọng, vừa kéo theo nỗi thất vọng. Sáng rồi, quay trở ra không kịp nữa. Phương cắm đầu chạy về phía có bờ phi lao mờ mờ, xa xa.

Bất ngờ từ phía ấy, nơi mà Phương định náu mình cho qua một ngày đơn độc, rộ lên một tràng súng liên thanh. Phương đứng khựng lại. Tiếng súng cực nhanh của Mỹ nổ toe toét. Khốn nạn nữa rồi. Phương ngồi thụp xuống cát, chực khóc. Bỗng cô nhận ra tiếng AK. Phải rồi, súng AK nổ rất giòn. Rồi vài phút sau, tiếng đạn pháo mặt đất cắt gió reo réo nổ trùm lên cái bờ phi lao xa xa ấy. Rõ ràng pháo miền Bắc bắn vào. Tự nhiên lòng Phương ấm hẳn lại. Tim đập rộn ràng. Vĩnh Linh phía ấy, quân mình chỗ kia, cô thấy không còn đơn độc nữa. Chẳng hiểu sao nước mắt Phương ứa ra, nhòe xuống má.

*

Nơi có dãy phi lao lờ mờ, lưa thưa ấy chính là làng Cát. Cuộc chiến đấu ở đây đã diễn ra được hai ngày rồi. Đại đội trinh sát chiến trở lại làng cát không khó lắm. Khi kẻ địch trên toàn mặt trận khu đông này phát hiện được tiểu đoàn 47 đã thọc vào Cửa Việt thì chúng cho rằng ta đã đánh lừa chúng. Thế là toàn bộ sự chú ý của địch được dồn về phía cảng. Đại đội trinh sát nổ bộc phá lệnh đánh vào ụ gác tiền tiêu trong làng Cát lúc hai giờ sáng và chỉ sau đó chưa đầy một tiếng, toàn bộ đại đội Mỹ có tăng cường lính bảo an Ngụy đều bị đánh tan tác. Gần sáu mươi xác chết phơi khắp làng. Số còn lại chạy toán loạn về Dốc Miếu. Bị đòn trời giáng như vậy mà kẻ địch vẫn không hiểu ai đã đánh nó. Suốt ngày hôm sau chúng chỉ tung có một trung đội mò mẫm tìm vào để thăm dò. Dĩ nhiên trung đội ấy không còn một đứa nào quay về được để báo tin.

Nhưng bây giờ, sau hai ngày hai đêm suy nghĩ và nhận định, Bộ chỉ huy tiền phương của Mỹ đã nhận ra thế trận hiểm độc này. Và sáng nay một lực lượng lớn gồm hai tiểu đoàn Mỹ, Ngụy hỗn hợp vây kín làng Cát quyết đánh một trận rửa nhục.

Đại đội chia làm ba mũi, tựa lưng vào nhau, bám từng bờ ruộng gốc phi lao mà đánh. Từ sáng đến trưa, địch tấn công sáu lần. Những tên Mỹ liều mạng thọc vào sâu nhất cũng chỉ bở dứa bãi ngoài cùng, xác chúng vắt chồng lên nhau. Gần trưa địch đột ngột ngừng tấn công. Ngay tức khắc Lợi cho các mũi tràn lên phía trước áp sát vào đội hình địch để tránh pháo. Đúng như nhận định, trận mưa pháo từ khắp mọi hướng xối xả ập đến. Và ngay khi đạn pháo chưa dứt đã thấy ngay một đại đội Mỹ lồm cồm bò theo sườn cát phía đông chọc thẳng vào làng. Phía ấy là mũi của Khang. Khi trận pháo kích chấm dứt, bọn Mỹ đã ở ngay rìa làng. Mũi đột kích quá nhanh. Tổ trung liên bên phải của ta bị dập tắt. Lính Mỹ tràn vào. Phía bên này, Lợi cho trung đội hai đánh quặt trở lại chi viện. Nhưng không kịp nữa rồi. Đại đội Mỹ đã lọt vào giữa thôn. Đội hình đại đội trinh sát bị chia cắt. Trung đội hai, trung đội ba bị áp lực từ hai phía. Còn trung đội một thì bật hẳn ra khỏi làng. Bọn địch đang co cụm phía đông Dốc Miếu phát hiện ra tình thế. Chúng tổ chức xung phong. Trung đội một không còn giữ được đội hình. Từng tổ bị chia cắt phải bám dọc theo các bờ ruộng độc lập tác chiến. Khang chỉ còn nắm được một liên lạc. Anh lao về phía đông. ở đó có một đụn cát cao. Nhưng vừa chiếm được đụn cát thì người liên lạc hy sinh. Khang lao bừa qua bên kia, nhảy như bay xuống khe cát. Rồi từ đó anh chạy thục mạng về phía biển.

Bỗng anh nghe tiếng hét:

- Anh Khang!

Khang đứng sững lại. Một người con gái lao đến. Mắt Khang đã hoa lên, tai ù đặc. Người con gái xông đến chụp lấy vai anh mà lay:

- Anh Khang! Anh Khang! Đơn vị đâu rồi? Anh Lợi đâu?

Bây giờ thì Khang đã nhận ra. Nhưng anh không kịp gọi tên nữa. Tiếng anh tắt câm trong cổ:

- Hết... hết cả...

Phương hét lên thất thanh:

- Hết là thế nào?

- Hy... sinh!...

*

Hai người lò dò đi trong màu chì của hoàng hôn, hướng về phía có tiếng sóng vỗ từng cơn bức bối. Đường ra phía bắc bị cao điểm 31 án ngữ. Đường trở lên tây thì làng cát đã bị địch chiếm. Phía nam là sông Cửa Việt. Chỉ còn cách xuôi về đông may ra bắt liên lạc được với một bộ phận nào đó của tiểu đoàn 47. Suốt từ lúc nghe Khang kể lại tình hình làng Cát, hai người không ai nói thêm lời nào nữa. Thực tình Phương không tin hoàn toàn vào những điều Khang kể. Nhưng chẳng là thế nào hơn được. Dù sao trong tình cảnh hiểm nghèo này, muốn hay không người đàn ông đi bên cạnh, một người lính chiến từng trải gần chục năm ấy cũng trở thành nơi nương tựa duy nhất cho Phương.

Trời tối rất nhanh. Đêm đen kịt. Bầu trời thấp hẳn xuống y như một chiếc nồi đầy nhọ úp chụp lên đầu hai người. Đã vượt qua khu cát trắng, dưới chân họ bắt đầu lép nhép nước. Hình như chỗ này vốn là ruộng. Nghĩa là sắp gặp làng. Khang dừng vội lại. Phương ghé sát tai thì thào:

- Chi rứa?

Khang không nói. Phương cũng không hỏi nữa. Cô căng mắt nhìn lên phía trước. Chẳng có gì khác lạ cả. Nhưng hình như từ đâu đó có một mùi tanh nồng phả ra. Khang ngồi nhanh xuống. Phương cũng ngồi theo. Tiếng Khang lấp trong tiếng thở:

- Thấy chưa... chỗ này vừa đánh nhau xong...

- Ai đánh!

Phương không dám hỏi thêm. Cô ngồi sát lại bên cạnh Khang và chờ đợi. Năm phút, rồi mười phút trôi qua. Vẫn không thấy Khang nhúc nhích. Phương thầm đoán mãi mà vẫn không thể nào hiểu được Khang đang nghĩ gì. Cô vẫn cứ kiên tâm chờ đợi. Cô tin, dù niềm tin ấy quá mong manh, rằng dầu sao đầu óc một người từng chỉ huy đại đội cũng sáng suốt hơn mình.

Nhưng thực ra đầu óc Khang lúc này không hề nghĩ một điều gì cụ thể cả. Trí não anh như một sợi dây đàn lên quá căng đã bị đứt, không thể nào phát ra được một âm thanh gì. Khang mang máng nhớ lại trận đánh trong ngày và rùng mình nghĩ rằng chẳng hiểu sao mình lại thoát được. Thoát được nhưng cũng như đã chết rồi. Bốn phía đâu cũng khét lẹt mùi chiến trận. Đêm buốt lạnh và mịt mùng như một tấm lưới sắt trói kín xung quanh. Anh đã cố, đã vượt, đã ráng sức vẫy vùng, nhưng vô hiệu. Giờ thì anh bất lực, kiệt sức như một quả bóng xẹp hết hơi không tài nào lăn thêm được nữa. Có tiếng thở dí sát vào tai anh. Khang biết rõ đấy là Phương. Cô gái kiêu kỳ, cô gái ngạo mạn, cô gái đã từng cho anh "đo ván"... Giờ này cô đang nương tựa vào anh, phụ thuộc hoàn toàn ở anh... Vậy mà lạ thay, Khang hoàn toàn như một người không có cảm giác. Tất cả mọi ham muốn, khát vọng đều trôi tuột đâu rồi. Những mưu mẹo, ý đồ vốn là của báu luôn luôn được cất giữ trong đầu nay bỗng mặc kệ cho tiếng thở gấp gấp bổi hổi kia, mặc kệ cho cả số phận của mình nữa, anh ngồi bất động, câm lặng như gốc cây mục giữa bãi nương hoang.

- Anh Khang!... Anh Khang!

Khang vẫn không nhúc nhích. Phương tưởng Khang ngủ, lay mạnh:

- Anh Khang!... Coi tề... có người...

Hai tiếng "có người" như ngọn roi vút quất vào cõi băng giá trong lòng Khang. Anh choàng vội dậy, run lên. Theo hướng tay Phương chỉ, Khang khom người xuống, căng mắt nhìn. Đúng rồi. Một bóng đen đang di động rất chậm và rất thấp. Hai hàm răng Khang đánh vào nhau lập cập. Bóng đen di động về phía họ mỗi lúc một to dần. Bây giờ thì đã có thể nhận ra được một dáng người đang bò. Phương áp sát vào tai Khang:

- Hỏi mật khẩu thử coi?

Nhưng Khang không tài nào mở miệng được. Bóng đen đã bò gần tới. Có tiếng lịch kịch. Rõ ràng là tiếng vũ khí. Phương cũng run, nhưng không còn cách nào khác, cô giật khẩu súng AK trên tay Khang chĩa thẳng lên phía trước rồi gọi khẽ:

- Hoàng Hà?...

Bóng đen ngừng hẳn. Một giây... Không gian như chết lặng. Nòng súng của Phương đã hướng thẳng vào mục tiêu. Tay cô không còn run nữa.

- Hoàng Hà?...

- Qua... Lâm... Xu...ân...

- Trời ơi!

Phương kêu lên. Khang vội quờ tay chụp lấy vai Phương. Nhưng không kịp. Phương đã vứt súng lao lên, chồm người tới chỗ bóng đen.

- Đồng chí là ai? Đơn vị nào? Nói đi!...

Một giọng đáp thều thào, đứt quãng:

- Xê một, Dê bốn... bảy...

- Bị thương nặng à?

- Dạ...

Phương choàng tay bế xốc người đồng chí lên. Lúc này Khang cũng đã chạy tới. Họ bế người bị thương trở lui lại hố đất và ngồi xuống. Không có chút ánh sáng nào để nhìn rõ mặt đồng đội. Phương phải cúi rất sát mới nghe được anh nói:

- Tiểu đoàn bộ... chuyển qua... Vinh Quang thượng. Trước mặt có địch... Cầm giúp khẩu súng... Túi phải tôi có giấy... tôi là... Đảng viên. Mẹ tôi ở Tân Kỳ... Chào...

Không kịp nữa rồi. Tất cả sức lực của anh hình như đã dồn hết vào chặng đường vượt qua phòng tuyến của địch. Phút gặp được đồng đội là phút anh trút phần sống cuối cùng. Thế cũng là điều may mắn cho anh. Phương nhè nhẹ vuốt mắt người liệt sĩ, ôm chặt anh vào lòng như ôm đứa em thơ dại. Tên anh là gì, không biết. Nhưng anh là Đảng viên, anh là chiến sĩ tiểu đoàn 47 và nghị lực phi thường của anh đã đưa anh trở về được trong vòng tay đồng đội, tất cả những điều ấy là tài sản vô giá mà Phương nguyện sẽ cất giữ mãi mãi trong đời mình.

Hai người loay hoay vác tử sĩ trở lui lại khoảng chừng nửa cây số. Ở đó có một gò cát cao. Họ đắp mộ cho anh. Phương lấy hết giấy tờ bỏ vào túi áo mình rồi cầm khẩu súng lên. Khẩu súng AK còn hai băng đạn và bốn quả lựu đạn. Khang cúi đầu mặc niệm khá lâu. Lát sau anh ngẩng lên hỏi rất nhỏ:

- Bây giờ làm sao đây, Phương?

Nghe giọng nói, Phương biết Khang đã có phần bình tĩnh hơn. Và qua câu hỏi, cô cũng nhận thấy ít ra Khang đang muốn hành động. Phải chăng nghị lực của người vừa khuất đã truyền sang cho anh?

- Theo em - Phương nói chậm - đường phía trước thế là tắc rồi. Ta nên quay trở lại...

- Quay trở lại? Trở lại chỗ nào?

- Em thì em tính là... cho dù làng cát có bị chiếm nhưng chắc chắn bộ đội mình vẫn còn. Chắc chắn vậy...

- Tại sao em lại chắc chắn vậy?

- Vì... như ở đây chẳng hạn, ai có thể ngờ vẫn còn một chiến sĩ...

Khang nín lặng. Hình như anh cũng cảm thấy Phương nói có lý. Một lát Khang thì thầm:

- Nhưng nếu không gặp ai thì sao?

Phương vén gọn lọn tóc ra phía sau, búi tròn lại. Động tác cô dứt khoát và giọng nói cũng hoàn toàn tỉnh táo:

- Không gặp thì quyết tìm cho gặp. Không hiểu sao em cứ nghĩ là dứt khoát ta sẽ gặp bộ đội. Mà nói thiệt, chưa lúc nào thấy cần thiết phải tìm cho được đồng đội như lúc này. Có lẽ vì cái anh nằm kia... Anh Khang có nghĩ như vậy không? Từ lúc gặp đồng chí ấy, dù đấy là một người sắp hy sinh em cũng thấy đỡ cô đơn, đỡ trống trải hơn nhiều. Rồi chừ thì em thấy cần phải đi gấp anh ạ, cố tìm cho ra các anh ấy... Nếu không thì... không sống được đâu.

Trời tối quá, Phương không nhìn rõ một phản ứng gì của Khang. Chỉ thấy anh ngước lên những triền cát mờ mịt trước mặt, nơi mà hai người vừa vượt qua, nơi mà Khang vừa nếm một trận bão lửa ê chề. Anh nhìn lâu và khẽ thở dài. Rồi chẳng nói chẳng rằng, Khang nhổ chân lụi cụi đi từng bước, Phương bỗng thấy sung sướng như vừa hít thở được một luồng không khí trong lành. Tự nhiên cô thấy thương Khang hơn.

*

Tảng sáng cả hai cùng nhận ra họ đang ở sát một mép làng. Không phải làng cát vì ở đây còn nhìnt hấy ngôi nhà và những lũy tre. Ngôi nhà còn mái nhưng phên vách thì sụp đổ. Không hiểu trận chiến đấu nào đã xảy ra ở đây hay chỉ có bom pháo dội xuống? Hai người nằm sát vào bờ tre ngoài cùng quan sát. Xóm thôn vắng lặng, không hề có tiếng chó sủa, gà gáy. Sương mờ đục, lởn vởn che khuất từng khóm chuối. Những gì còn lại trong làng báo hiệu rằng trước đây, có thể chỉ trước đây một ngày thôi, làng này là một nơi khá trù phú.

Phương bò sát lại chỗ Khang hỏi nhỏ:

- Lại lạc nữa à? Làng Cát hướng nào?

Khang nhíu mày, nghểnh cổ nhìn quanh.

- Phía này, chắc cũng gần thôi. Ta vẫn đi đúng hướng... Chỉ chếch về phía nam một tý...

- Nghĩa là chỗ này gần sông?...

- Ừ, đợi tý nữa sương tan sẽ rõ.

Họ không phải đợi lâu. Sương tan nhanh và mặt trời nhú lên như một khối tiết đỏ. Bao nhiêu ngày rồi nay lại mới thấy mặt trời. Thế là chấm dứt một đợt gió mùa đông bắc. ừ, cái gì rồi cũng phải đến lúc chấm dứt. Phương nghĩ vậy và bỗng thấy khát khao cái phút giây trở về với đội, ngả đầu vào vai Kim Hà, ngủ một giấc cho thỏa thuê.

Một chiếc L.19 từ phía Đông Hà uể oải bay lên. Đến quá lũy tre chỗ hai người nấp nó bất ngờ quành lại. Khang kêu lên, giọng run rẫy:

- Trong vòng liệng của nó rồi!...

Phương cũng nhận ra ngay những gì tệ hại có thể xảy ra. Nhưng biết làm cách nào được. Cô cố sức nói bằng một giọng bình tĩnh:

- Chỗ này nát rồi... có chi nữa mà đánh

Nhưng Phương nói chưa dứt câu đã thấy chiếc máy bay nhào xuống. Một quả đạn pháo phụt xuống phía bên kia ngôi nhà bỏ trống. Cả hai người gần như nín thở, nhìn cột khói bốc cao. Chưa đầy vài phút bỗng Khang rít lên:

- Rồi! Thấy chưa?

Tiếng đạn pháo cắt giò vèo vèo. Mặt đất bật lên. Tiếng nổ bập vào nhau nhói tức màng tai. Phương cắn chặt răng lại và nhớ đến cái trận địa giả phía bắc núi Voi dạo nọ. Bom pháo còn khủng khiếp hơn nhiều. Nhưng lần ấy cô không hề sợ, bởi vì ở đó hầm hào đầy đủ hết. Bởi lúc đó cô ở thế chủ động lừa địch. Và hơn hết, bởi trận địa ấy là sân nhà của cô, tất cả mọi chuyển đều do cô sắp đặt, kể cả chuyện nếu cần phải chết. Còn chừ, mọi chuyện đều xa lạ, đều bị động, đều trông chờ vào rủi may. Còn gì bất hạnh hơn khi con người phải bó tay chờ may rủi.

Cũng may trận pháo kích chỉ diễn ra chừng vài chục phút. Chiếc L.19 lại bò lên quành hai vòng rồi bay thẳng. Phương nhổm người dậy trút một hơi thở dài. Nhưng đột nhiên tiếng Khang lại chói lên:

- Thôi rồi... hết đường Phương ơi!

Tiếng Khang thoảng thốt như một kẻ sắp chết. Phương hốt hoảng nhìn đảo một vòng. Cô đã nhìn thấy. Một tốp lính Mỹ áo bó sát người, súng lăm lăm trong tay bò rất êm về phía họ. Thế là mọi sự đã đến lúc kết thúc. Chẳng thể tháo lui được nữa. Chẳng còn thì giờ né tránh. Tim Phương như thắt lại. Khẩu AK nghếch nòng lên. Hai hàm răng cô nghiến chặt.

- Đừng...

Khang xoài tay đè khẩu súng của Phương xuống. Phía trước bọn Mỹ vẫn bò. Nhưng hình như chúng nó bò chếch qua phía ngôi nhà. Đúng rồi. Đội hình Mỹ tiến như một bầy rắn qua khỏi bờ chuối thì dừng lại. Chúng nổ súng. Súng nhả đạn như vãi trấu về phía ngôi nhà. Không hề thấy ai phản ứng lại. Chúng bắn gần mười phút thì nghe một tiếng hô to. Tất cả bọn Mỹ đứng dậy vừa bắn vừa tiến.

Bất ngờ từ phía bên kia ngôi nhà một tràng đạn AK xé lên. Rồi tiếng trung liên xé sát mặt đất. Bọn Mỹ sững lại hét lên những tiếng rùng rợn rồi nằm bẹp xuống. Phương sung sướng muốn hét to lên. Đội hình Mỹ rối loạn. Chúng tản ra. Một nhóm tràn về phía Phương. Cô lập tức néo cò.

Loạt đạn từ bờ tre yên tĩnh này là đòn bất ngờ còn khủng khiếp hơn sự phản công ở phóa bên kia ngôi nhà. Khang hốt hoảng la to:

- Trời ơi!... Sao lại bắn?

Nhưng Phương không nghe thấy gì hết. Cô hăm hở nhả đạn. Một tốp lính từ phía sao trào lên. Phóng lựu bay vèo vèo, nổ chát chúa. ậ phía ngôi nhà, bộ đội dần di chuyển vị trí. Tiếng súng nghe chéo về phía bắc. Khang hét vào tai Phương:

- Di chuyển di mau lên!

Nhưng không kịp. Phương đã trúng đạn. Viên đạn xuyên qua bả vai chéo vào ngực. Cô nằm vật ra nhưng vẫn không chịu buông khẩu súng. Khang chồm lên ôm xốc ngang bụng cô, kéo đi. Phóng lựu của Mỹ vẫn xối đến ào ào. Khang bò như một con thằn lằn dọc mép tre. Rồi cảm thấy bám vào bờ tre lúc này là dại, anh ôm Phương trườn lui ra phía bãi đất trống. Được chừng mười bước gặp bờ ruộng, Khang lao mình qua rồi rồi xoay trở lại kéo Phương. Cứ thế mà bò. Họ lui xa phòng tuyến chừng năm mươi bước thì dừng lại.

Tiếng súng bên kia lũy tre vẫn nổ quyết liệt. Một lúc lại thấy pháo lớn bắn. Rồi ngôi nhà cuối xùng còn lại bốc cháy. Tre nổ lốp đốp. Tàn lửa theo pháo vút lên tung tóe khắp bầu trời. Hơn một giờ sau tiếng súng mới im. Bọn Mỹ í ới gọi nhau. Có cả tiếng người Việt. Đúng là lính NgụyNghĩa là kẻ thù đã là chủ chiến trường. Một viễn ảnh chua chát hiện lên trong đầu Khang.

Bây giờ mới nghe tiếng Phương rên khe khẽ. Khang đặt Phương nằm tựa vào bờ đất, đầu gối lên cao. Anh cởi chiếc áo may ô của mình xé làm đôi rồi lần tìm vết thương của Phương. Máu nhòe đất làm ướt sũng chiếc áo quân phục nữ. Tay Khang run run khi lần từng chiếc cúc và khuôn ngực nở nang của Phương được phơi ra đỏ bầm sắc máu. Khang lấy túi vải đựng cơm lau ngực cho cô, rồi băng lại. Anh cởi nối áo ngoài của mình đắp lên người Phương. Mắt Khang lóng lánh nước. Tất cả ngần ấy công việc diễn ra dưới đôi mắt Phương. Cô vẫn tỉnh. Chưa bao giờ cô thấy thương Khang như lúc này.

- Anh... anh Khang?...

- Gì?

- Em... có sống được không?

Khang không nói, ngoảnh mặt nhìn vào phía lũy tre. Tấm lưng trần nhễ nhại mồ hôi và đất phơi ra trong nắng. Có lẽ đây là lần đầu tiên Phương nhìn thấy rõ da thịt của Khang. Xưa nay người anh vốn được gói kín trong từng nếp áo sạch sẽ. Bây giờ hình như mọi thứ đều được rọi thấu. Trời cũng cao thêm. Nắng rực rỡ quá. Phương khép hờ mắt lại và cố lắng nghe. Chẳng còn tiếng súng đạn gì nữa. Chẳng còn nghe tiếng tre nổ lốp đốp. Chỉ đâu đó xa xa, có tiếng thì thầm của biển. Và gió thổi. Cũng chẳng rõ gió đến từ hướng nào. Chỉ thấy se se làn môi và buôn buốt nơi lồng ngực. Hình như gió luồn vào tận vết thương, rồi từ nơi đó gió tản mạn ra khắp cơ thể. Đầu óc Phương phút chốc bồng bềnh. Cô ngỡ mình đang trôi, đang bay, chầm chậm và êm dịu. Cô bay qua bao bãi đất ruộng vừa mới cấy, nước bạc lấp ló trong màu xanh đậm đà của lúa. Lại bay qua những triền ruộng bỏ hoang cỏ lút bời bời. Cô bay qua những làng cháy, tàn lửa lấp loáng như hoa cà. Rồi có con sông hiện ra, xanh và mượt như một mái tóc... Con gái miền trung bao giờ cũng để tóc dài... Bạn bè thường khen mái tóc của Phương. Cô cũng tự hiểu điều đó... Nói chung Phương biết mình là người con gái có sức quyến rũ... Tự biết nhan sắc của mình là biểu hiện của một trái tim luôn rạo rực với tình yêu. Hình như đã có lúc Phương tuyên bố là mình sẽ không bao giờ yêu đương gì nữa cả. Vậy mà giờ đây chẳng ai biết rằng cô đang yêu. Ai mà hiểu hết tình yêu ấy... Kể cả anh ấy... Anh ấy thông minh, khôn ngoan trên mọi việc. Nhưng riêng điều này... Thì anh ấy quá ư thơ ngây... Nhưng không sao. Sẽ có ngày em nói với anh điều ấy. Đồng ý không? Chẳng ai trả lời cả. Con sông xanh mượt như mái tóc vẫn trôi... Những đám lửa vẫn cháy và vô vàn tàn lửa như hoa cà vẫn tung lên, nổ lép bép...

Trong lúc Phương đang bồng bềnh trôi vô định hướng trong cơn mê thì trái lại Khang rất tỉnh. Có thể nói chưa bao giờ anh tỉnh táo và rành rọt với mình như lúc này. Tất cả mọi kinh hoàng, hốt hoảng đã trôi qua. Những nỗi thất vọng, niềm lo âu cũng trôi qua. Thế là đời anh đã nếm hết mặn nhạt. Sự thật trần trụi phơi ra như tấm lưng trần của anh vậy. Cònc ó gì nữa mà phải băn khoăn. Người bạn đường cuối cùng của anh cũng đã nằm xuống, thiêm thiếp như con chim rã cánh. Mọi cố gắng đến phút này gần như vô hiệu. Vậy giờ anh cần gì? Không, chẳng cần gì cả. Danh vọng cuộc đời với anh là một ảo ảnh. Cả đến khát vọng tình yêu chẳng qua chỉ là chút men đời, say xong lại tỉnh. Nếu như trước đây anh hậm hực vì không được giao quyền chỉ huy trưởng thì giờ này anh tự thấy giễu cợt thay cho mình. Anh tự biết mình không đủ dũng cảm. Nếu như đã bao đêm anh trằn trọc, vì trên chưa tin, quần chúng chưa yêu thì phút này anh bỗng nhận ra rằng mình quả là con người giả dối. Thận chí anh còn thấ mừng khi nghĩ rằng mọi người đã không bị lừa vì sự giả dối của anh. Chắc chắn chính ủy đã thấy, Kim Hà đã thấy, Lợi đã thấy. Và Phương nữa... Cô ấy càng không đến nỗi ngây thơ. Thế là tốt. Người khác thấy nghĩa là chấm dứt cho anh một ảo ảnh. Nếu như tuổi thanh niên vừa qua của anh đã từng sôi sục khát vọng chiếm lĩnh tình yêu, đã bao đêm khát khao hoan lạc, thì phút giây này, nhìn bộ ngực thoi thóp thở của Phương, làn môi tái ngắt đang khép lại, tự nhiên anh muốn khóc to lên cho vơi bớt nỗi hổ thẹn. Nhưng rồi anh không khóc. Anh ngồi trơ trơ bất động nhìn vào phía lũy tre nơi ngọn khói lay lắt bay lên và nhòe đi trong nắng...

*

Phương cứ tỉnh được một lúc lại mê. Những cơ mê về sau kéo dài hơn trước. Cho đến một lần cô tỉnh dậy thì trời đã tối mịt mùng. Cố gắng lắm Khang mới nhận ra Khang vẫn ngồi bên cạnh. Cô cất tiếng gọi yếu ớt:

- Anh Khang ơi!...

- Tỉnh rồi à?

- Đây là đâu?

- Cách chỗ mình nấp buổi sáng chừng ba cây số - Khang ngừng lặng một tý rồi nghẹn lại như người chịu tội - Anh cũng kiệt sức rồi, không thể đi thêm được nữa.

Phương không hề trách anh, giọng cô thì thầm:

- Anh đừng mang em đi nữa. Để em nằm đây. Anh cố bò đi tìm xem...

Khang thở dài:

- Đi mãi mà có gặp ai đâu!

- Có. Nhất định có...

Khang cười nhợt nhạt:

- Phương vẫn mê đấy à?

- Nhưng em tin bộ đội mình vẫn ở đâu đó thôi. Lúc sáng ta chỉ cách họ có vài chục bước chân... Nếu ta đi gắng chắc gặp được rồi...

Khang cúi đầu không nói gì. Thực ra Phương có lý. Chính Khang cũng cảm thấy hình như bộ đội vẫn đang ở đâu đây. Nhưng kẻ thù cũng vậy. Vô phúc mà chạm đầu lần nữa thì coi như tự nộp xác.

- Chẳng lẽ mình cứ ngồi đây mà chịu chết hả anh? Thôi, em thì... cũng khó hy vọng... Nhưng anh nên cố tìm... chắc chắn là gặp. Đi đi anh!...

Khang chẳng biết làm cách nào đành đứng dậy. Nhưng khi anh sắp bước đi thì lại nghe tiếng Phương:

- Này, lại đây đã.

Khang bước đến cúi sát xuống. Giọng Phương tỉnh táo nhưng rất bé:

- Em còn hơn một băng đạn... anh mang thêm đi để đề phòng gặp địch. Để lại cho em một viên thôi...

- Một viên thì để làm gì?

Hình như Phương cười, hơi thở ùa ra:

- Kệ. Cứ để một viên cho... yên tâm.

Khang lặng lẽ tháo gỡ băng đạn đạn cho vào bao của mình rồi cầm chặt tay Phương:

- Cứ bình tĩnh nằm đây. Thế nào tôi cũng quay lại.

Khang quay đi, bước vồi vội. Có lẽ đêm sắp tàn. Khang định bụng sẽ thọc chéo vào mép làng trước mặt rồi thẳng ra hướng bờ sông. Nếu không gặp ai thì mờ sáng sẽ quay trở lại. Dù sao, Khang nghĩ, anh không thể bỏ Phương được. Chính điều này tự Khang cũng lấy làm lạ chó chính mình. Suốt một ngày anh ngồi kết tội mình, đủ các thứ giả dối, hèn hạ và tội lỗi. Nhưng anh không thể cắt nghĩa nổi tại sao cho đến lúc này anh vẫn tồn tại trên một mảnh đất khốc liệt đến dường ấy và đã vượt qua được những thử thách nghiệt ngã đến vậy? Nói rằng trên không tin, quần chúng không yêu, nhưng có lẽ đó là mặc cảm của anh hơn là sự thật. Bởi vì anh vẫn được giao nhiệm vụ, anh vẫn chỉ huy được một số chiến sĩ... Cái gì có thật trong anh nhỉ? Anh không thể nào nghĩ ra, mà anh chẳng còn bụng dạ nào để nghĩ. Anh chỉ thấy được một điều là, dù sao anh cũng không thể phó mặc số phận của một con người mà có lúc nào đó trong đời anh thèm muốn yêu thương. ít ra trong vô vàn sự giả dối, cơ hội, anh vẫn còn có một chút ít thủy chung. Thủy chung với những gì cuộc đời anh đã trải qua, đã gắn bó.

Khang xuống đến mép sông thì trời tờ mờ sáng. Vẫn không tìm ra một dấu vết gì đáng hy vọng. Ruột gan anh rối bời. Đành quay lại thôi. Thêm một ngày chờ đợi nữa liệu Phương có sống nổi không? Khang chực trào nước mắt. Anh quay lại bước như chạy. Vượt qua mép làng cháy cách chỗ cũ gần nữa cây số bỗng Khang nghe tiếng ồn ào. Anh ngồi thụp xuống. Có mùi gì thơm thơm, ngầy ngậy bay đến. Nhận ra rồi. Mùi thuốc lá thơm. Khang thót ruột lại ngồi chồm người qua bụi cây bên phải. Một tốp lính bốn tên cả Mỹ lẫn Ngụy đi đến. Chúng ngất ngưỡng như những thằng say. Trời sáng nhanh. Tất cả lồ lộ phơi ra không thể nào che đậy được nữa. Bọn lính đi đến gần, chúng cười to và nói luyên thuyên. Xem cung cách ấy có thể khẳng định chỗ này kẻ địch hoàn toàn làm chủ. Nghĩa là Khang tự biết không còn bấy víu vào đâu được nữa. Lần này thì tuyệt vọng, tuyệt vông trăm phần trăm rồi. Người anh tê cứng gần như không còn cảm giác. Một cây mục gãy. Bọn lính lập tức ngồi bệt xuống và vãi ra một tràng súng hỗn loạn. Tay Khang điếc đặc. Mắt anh dại đi. Còn bọn lính thì sau một giây hoàn hồn chúng bỗng nhận ra lùm cây. Bốn nòng súng đều chĩa về phía đó. Khang nhắm mắt lại và khẽ nhẩm một... hai... ba... Sao chúng mày không bắn nhanh lên? Năm... sáu... bảy...

Nhưng không một phát súng nổ. Có tiếng hét:

- Chúng tao thấy rồi. Oắt con, ra mau!

- Ra đi em. Đầu hàng ngay! Đù mẹ, về với tụi tao tha hồ mà rượu thịt. Chui bụi, chui bờ như "dậy" làm đếch gì, chết uổng.

- Có ra không thì bảo. Tao đếm đến tiếng thứ ba thì cho nó chầu ông vải nghe mày. Một... cho tao điếu thuốc nữa đã. Hai... Hòm quẹt đâu, đù mẹ! Này, sắp đếm tiếp này... e hèm...

Khang đứng dậy. Bọn giặc sững ra và chính Khang cũng sững ra. Thực tình anh không thể hiểu vì sao mình lại đứng dậy. Anh không còn biết gì hết. Anh mất trí rồi. Chân tay tên liệt. Anh chỉ mang máng nghĩ rằng nó sắp đếm đến tiếng thứ ba. Tên Mỹ nói một câu gì đó. Thằng Ngụy đứng cạnh hét:

- Đứng im. Bỏ khẩu súng xuống! Không nghe à? Bỏ súng xuống giữa đất. Mau lên!...

Khẩu súng buông khỏi tay Khang và đúng cái giây ấy, chỉ đúng cái giây khẩu súng rơi "cạch" xuống đất thì Khang mới tỉnh hẳn ra, mới tự hiểu hết mọi chuyện. Nghĩa là anh đã buông súng. Nghĩa là anh đã đầu hàng. Đúng cái giây phút xảy ra điều khủng khiếp ấy thì anh mới nghĩ được. Nhưng muộn rồi. Quá muộn rồi. Khẩu súng đã rời khỏi tay.

- Bước lên phía trước năm bước, đù mẹ, bước!

Khang bước lên một bước. Anh nhắm mắt lại. Một bước chân lúc này là bước về thế giới bên kia. Trời ơi, đồng đội tôi đâu? Hãy cứu tôi! Phương ơi! Phương ơi!...

Nhưng Phương không thể nghe được lời của anh. Cô chỉ nhìn thấy anh hành động. Loạt súng hốt hoảng của bọn lính lúc đầu đã làm Phương giật mình. Cô lật sấp người lại và cố căng mắt nhìn hút về phía làng. Mọi việc đã diễn ra trước mắt Phương. Mặc dù không nghe tiếng, nhưng Phương hiểu. Tim cô đập hỗn loạn. Cho đến phút khẩu súng rời khỏi tay Khang thì Phương hét lên "Đừng". Nhưng tiếng cô thều thào, ai mà nghe thấy. Nước mắt Phương giàn dụa. Rồi Phương nhìn thấy Khang bước lên một bước. "Dừng lại ngay!" Phương hét lên khắc khoải. Tay cô run lên đập phải khối thép lạnh. Cô sực nhớ, chụp vội khẩu AK gác lên bờ đất. Nòng súng nhắm thẳng vào Khang. Tên phản bội! Tên đê tiện! Tao tiếc rằng viên đạn duy nhất này lại phải dành cho mày. Nhưng còn cách nào khác. Chiến tranh hà khắc quá chừng.

Nhưng chiến tranh là cái gì mà khắc nghiệt đến vậy? Với Phương và đồng đội của cô, chiến tranh là sự sàng lọc, là đáp số của những phương trình mờ tỏ. Chiến tranh nâng dậy bao nhiêu tâm hồn yếu duối, bao ý chí què quặt. Chiến tranh làm bốc cháy những khát vọng lớn lao về lý tưởng, làm bùng dậy những tấm lòng nhân ái, cưu mang. Chưa một ai trong lớp người của cô lại dùng chiến tranh để ức hiếp nhau, chèn lấn nhau, bức nhau vào tuyệt vọng. Còn kẻ thù thì sao? Phải rồi. Chiến tranh với kẻ thù là cái túi hồ lô đầy yêu thuật để trói buộc và nhấn chìm bao số phận. Chiến tranh là chiếc cầu lửa bắc bắc lên hàng triệu kiếp người để cho một số kẻ ít vượt lên.

Răng Phương nghiến chặt vì bao nhiêu nỗi đau. Nòng súng AK đột nhiên chuyển hướng từ Khang qua tên Mỹ chỉ huy đứng đầu tốp lính. Chính nó mới là kẻ phải trả giá cho trò chơi tàn ác này. Mong sao viên đạn đừng đi chệch hướng. Cự ly chừng ba trăm mét. Mục tiêu này không cho phép sơ suất một yếu lĩnh nào. Người xạ thủ đã từng hai lần giật giải huy chương vàng miền bắc tự nhủ lòng như vậy. Cô thở một hơi dài, rồi áp má mình lên má súng. Báng súng đã tý chắc vào vai. Khe thước ngắm với đầu ruồi đã thẳng như kẻ chỉ vào tên lính Mỹ. Còn một yếu lĩnh cuối cùng nữa. Phương nìn thở...

Trong lúc đó Khang đã bước được bước thứ hai. Anh còn cách bọn lính chừng năm bước chân nữa. Ôi, khoảng cách chỉ tấc gang mà cũng xa vời vợi.Một bước chân của anh lúc này sẽ bỏ lại hun hút phía sau cả một quá khứ làm người, một phần cuộc đời có thật đã sống. Thôi, thế là hết. Khang nhổ chân lên định bước tiếp. Đột ngột có tiếng "xoẹt" vút qua. Chẳng ai hiểu gì cả. Tên Mỹ đứng đầu tốp lính sững người ra, mồm há tròn. Rồi hắn khuỵu xuống. Bọn lính phía sau nhớn nhác nằm bẹp xuống. Khang cũng nằm theo. Có lẽ phải đến một giây tất cả mới mang máng hiểu ra sự thật. Bọn lính nghếch nòng súng lên. Khang cũng vơ vội súng mình. Không kịp nghĩ gì hết, anh néo cò. Loạt đạn kết thúc một cách dễ dàng ba tên Ngụy. Nhưng cùng lúc ấy, một bọn lính từ đằng sau lao lên. Khang lại bắn. Nhiều bọn nữa la ó, hét hò. Gần một đại đội cả Mỹ lẫn Ngụy xông lên. Khang vừa bắn vừa lăn qua trái, nhào qua phải. Tình thế diễn ra không sao ngờ được. Anh đã hết đường bỏ chạy. Cũng chẳng còn đường để đi tới cõi nhục nhã. Chỉ còn cách nhả đạn. Cuộc chiến đấu diễn ra như một điều không thể tưởng tượng nổi. Một mình Khang chọi với một đại đội. Bọn địch gục xuống trước mũi súng anh phải đến ba bốn chục xác. Có xác chỉ cách anh vài bước, Khang vẫn bắn, vẫn lăn trái, lăn phải. Chẳng rõ lúc này anh tỉnh hay say. Chỉ đến luc viên đạn cuối cùng ra khỏi nòng thì Khang sững ra. Anh chụp lựu đạn ném. Một quả, hai quả, ba quả rồi đến quả cuối cùng Khang nắm gọn trong tay. Bỗng anh thấy lòng ấm lại. Một ý nghĩ lóe lên. Anh sẽ chết với quả lựu đạn này. Thôi vậy là trọn vẹn.

Nhưng bất ngờ một tràng trung liên đâu đó quạt chéo vào đội hình địch. Tiếng trung liên RPD nổ giòn như xé vải. Rồi AK rộ lên. Rồi tiếng hét "xung phong" vang rền. Thì ra tiếng súng của anh đã báo hiệu cho đồng đội hợp đồng. Trận đánh diễn ra quá đẹp. Đại đội Mỹ Ngụy hỗn hợp tan tác. May lắm là còn độ mười thằng chạy thoát. Khang lảo đảo đứng dậy, hoa mắt lên. Anh không thể ngờ mình được cứu thoát. Một người lao đến anh, chụp lấy vai anh. Một tiếng kêu vang lên tha thiết như lời một người ruột thịt:

- Anh Khang!

Khang quay lại. Đột nhiên cổ anh tắc nghẹn. Nước mắt trào ra cùng tiếng khóc. Anh khóc to như một đứa trẻ lạc mẹ lâu ngày:

- Mày ơi!... Lợi!.

*

Khi Khang dẫn Lợi tìm được chỗ Phương thì cô đã thiếp đi. Hình như toàn bộ sinh lực Phương đã trút vào viên đạn cuối cùng ấy. Lợi bế Phương đi lui về phòng tuyến đại đội, đặt cô xuống lòng hào rồi gọi y tá đến thay băng và tiêm thuốc trợ sức. Xế chiều mới tỉnh hẳn. Lợi vẫn ngồi bên cạnh. Thấy Phương tỉnh anh mừng quá, kêu to:

- Chị Phương!

Phương hơi mỉm cười, không nói. Nhìn đôi môi Phương mấp máy, Lợi đoán chắc là cô khát nước. Anh nghiêng bi đông vào môi cô. Vài ba giọt nước lăn vào cổ Phương, Hình như ngụm nước đã làm cho cô khỏe hẳn ra.

- Răng anh lại ở đây?

- Chúng tôi vẫn ở đây đấy chứ.

- Chốt à?

- Dạ. Chúng tôi được lệnh bám trụ, hút địch cho mặt trận tiến công. Chị có biết không sáng nay ta đánh vào Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng...

Mắt Phương sáng lên:

- Có giải phóng hết được không?

- Cái đó tôi không rõ. Nhưng chắc chắn cú này thằng Mỹ nặng đòn.

Phương khép mắt lại. Có lẽ cô đang mường tượng đến ngày chiến thắng hoàn toàn. Một lát, Phương hỏi khẽ:

- Trời nắng lắm phải không?

- Hôm nay mồng một tết đó, chị nờ...

- Thế a?

Phương gần như reo lên. Nhưng có lẽ vết thương đau quá nên mặt cô nhăn lại, tay run rẫy. Lợi cầm vội tay Phương.

- Chị đừng nói chuyện nữa, nghỉ đi.

Phương lắc đầu:

- Không... Tôi thèm nói... Mấy ngày rồi...

Nói đến đây tự nhiên nước mắt Phương ứa ra, lăn giọt xuống gò má. Lợi đưa ống tay áo mình lau cho Phương. Phương cầm lấy tay anh giữ lại:

- Anh Lợi! Liệu tôi có sống được không

- Được chứ.Vết thương không chạm phải cái gì nguy hiểm. Đạn cũng ra ngoài rồi. Chỉ mất máu nhiều thôi. Tôi sẽ gửi ngay chị ra Vĩnh Linh...

- Không chắc đâu. Anh nghe Phương nói điều này nghe. Anh Lợi có tin Phương không?

- Tin. Nhưng chị cũng phải tin tôi. Chị sẽ không sao cả.

- Ừ, được rồi. Nhưng nếu lỡ có sao thì mong anh Lợi nhớ cho Phương điều này... Mà khoan đã, anh Lợi phải nghe Phương mới được. Đồng ý không? Ừ, tốt lắm. Có một người... rất yêu anh Lợi...

Lợi hốt hoảng nhìn vào mặt Phương. Nhưng hai mắt Phương vẫn khép hờ lại như sợ chói nắng. Giọng cô nghe xa xôi:

- Anh cần phải biết... và cần đến với người ấy... Tội nghiệp. Người ấy là Kim Hà đó...

Lợi lặng đi. Điều đó thì anh hoàn toàn không ngờ. Linh cảm của anh lúc đầu khác kia. Hóa ra lầm. Giọng Lợi trầm hẳn xuống:

- Nếu đúng vậy... thì tôi khó nghe lời chị được.

- Sao vậy?

Lợi im lặng một lúc rồi chầm chậm nói:

- Nói thiệt với chị, đánh nhau túi bụi mặt mày thành thủ tôi chưa kịp nghĩ nhiều về chuyện ấy...

- Chưa một lần nghĩ tới ư?

- Dạ. Kể ra cũng có một lần. Đúng vậy. Tôi có yêu một người con gái...

- Ai rứa anh?

- Người đó chị không biết được đâu. Cô ấy tên là Thuấn.

Mắt Phương đột ngột mở tròn ra:

- Thuấn?

- Dạ.

Một cái gì đó, ở đâu đó nặng nề xô tới đề chặt lên ngực Phương. Cô nằm lặng đi rất lâu, hai môi mím chặt. Một tiếng thở dốc, toán thân cô như muốn bật dậy. Lợi hốt hoảng cúi xuống.

- Chị Phương! Chị Phương!

Phương mở mắt ra nhìn Lợi. Một cái nhìn mà dù trí tuệ anh có thông minh đến mấy cũng không sao hiểu nổi.

- Tôi có sao đâu. Tôi chỉ nghĩ là... rồi thế nào tôi cũng gặp được...

- Chị gặp ai ạ?

- Cái cô ấy... Cái cô tên Thuấn ấy...



CHƯƠNG BA MƯƠI BA

Lại một mùa xuân nữa đến.
Đấy là mùa xuân thứ hai Thuấn sống xa nhà.
Làng Thuấn ở là một làng ruộng nước nằm phía đông quốc lộ một thuộc tỉnh Nam Hà. Suốt chặng đường gần năm trăm cây số đầy rẫy những gian truân. Thuấn cùng học sinh của mình đã thoát ra được vòng hoạn nạn và dừng chân an toàn ở đây. Tuy thỉnh thoảng vẫn nghe tiếng máy bay và tiếng bom từ phía quốc lộ một dội xuống, từ ngoài thị xã Phủ Lý vọng vào, song đã là người Vĩnh Linh ra, đã đi qua đoạn đường khu bốn rồi thì cuộc sống nơi đây coi như hoàn toàn yên ả. Cái yên ả, thoạt đầu là Thuấn thấy hững cả người. Đêm không bom càng thấy thấp thỏm. Lắm buổi sáng mở mắt dậy thấy mặt trời rực rỡ, thấy mây trời nhẹ tênh, rồi cả tiếng chim hót nữa. Thuấn ngơ ngác như lần đầu mới được thấy bình minh. Tuy nhiên rồi tất cả thành quen. Cái bình yên dễ quen hơn là sự chết chóc. Và khi đã quen rồi thì bỗng thấy rùng mình khi nghĩ tới cảnh chui hầm, nằm đất.

Lẽ ra sau tết năm ngoái Thuấn đã trở về. Nhưng cũng có phần do yêu cầu của nhà trường muốn có thêm giáo viên ở lại chăm sóc các em, phần chủ yếu là do Thuấn cảm thấy quá mệt mỏi trong sức chịu đựng của mình, nên cuối cùng cô đã ở lại hẳn. Việc đó diễn ra xem như hoàn toàn hợp lý. Nhà trường hoan nghênh, bộ phận phụ trách K8 của Vĩnh Linh chấp thuận. Chẳng có một lời nào chê trách Thuấn cả.

Nhưng ở đời người ta vui sướng hay buồn tủi chỉ có vì tiếng khen hay lời chê? Nếu như tiếng vọng từ chiến tranh có sức dội sâu xuống những tầng đất câm lặng ngàn đời, thì tiếng vọng ấy cũng đủ sức lay động từng sợi tâm tư ẩn kín tận thẳm xa tâm thức con người. Thuấn ở lại đây, ngày ngày đến lớp dạy, tối về soạn bài trong căn phòng yên tĩnh, chủ nhật có mượn xe đạp phóng lên mậu dịch bách hóa huyện mua tấm áo hoa mới hoặc ghé vào hiệu ảnh chụp thêm vài kiểu tô màu. Ai biết được rằng nhiều đêm cô úp mặt lên gối, nước mắt thấm nhoà cánh chỉ thêu. Mỗi lần có tiếng bom xa xôi dội đến, Thuấn ngồi vọt dậy. Bao nhiêu ký ức ùa về. Ký ức ngọt ngào và cả ký ức chua xót. Mỗi lần như vậy Thuấn thấy tự dằn vặt mãi mình một câu hỏi: đúng hay sai? Trong mối tình gửi gắm đầu tiên mình đúng hay sai? Việc quyết tâm dứt bỏ tình yêu ấy đúng hay sai? Cả việc tình nguyện ở lại chỗ này nữa, đúng hay sai? Sau bao nhiêu sự lập luận, tranh cãi một mình, câu trả lời bao giờ cũng là: Đúng!

Sau một học kỳ, có người con trai tìm đến với Thuấn. Đấy là thầy giáo Trình, dạy văn lớp 7 trường cấp II thị xã. Thầy Trình là người trong xã Thuấn ở. Thầy quen Thuấn do những ngày chủ nhật về thăm bố. Thầy rất cảm phục mảnh đất và con người Vĩnh Linh. Thầy đến với Thuấn bằng tất cả sự ưu ái, chăm nom và thêm lòng quý trọng nữa. Thoạt đầu Thuấn không thích thầy Trình lắm. Chẳng vì lý do gì cụ thể. Hình như trong lòng Thuấn vẫn còn vướng vất một hình ảnh cũ, mãnh liệt quá, sâu sắc quá, càng cố quên càng khó nguôn lòng... Không thích thầy Trình nhưng Thuấn vẫn cảm động. Cuộc sống cô đơn bao giờ cũng khiến người ta dễ cảm động và thích được nương tựa. Thầy Trình đã làm tròn hai điều ấy. Thế là Thuấn nhận lời. Cũng chưa thật yêu lắm nhưng có lẽ không sao. Thuấn tự lý luận rằng tình yêu là cã một quá trình xây đắp... Thế là, tóm lại Thuấn đã có một nguồn vui mới, âu cũng là nơi yên tĩnh nhất để làm dịu bới nỗi giằng xé trong lòng lâu nay.

Cả trường chúc mừng Thuấn. Các bạn giáo viên trẻ Nam Hà khen mãi anh chị là một cắp xứng đôi. Hạnh phúc của họ hàm chứa biết bao nhiêu ý nghĩa. Nào là tiền tuyến hậu phương, nào là Nam - Bắc ruột thịt, với lại cân lứa vừa đôi... Thuấn cũng thấy vui vui. Niềm vui như đói gặp cơm, như khát gặp nước, như đi xem hội, xem đình, nghe trống rập rình, nghe pháo đì đụp. Vui rôm rả, vui thoải mái, vui mà đêm về nghĩ mãi không biết vui vì cái gì.

Nhưng thôi, vui được là quý. Trong cuộc sống nghiệt ngã của cuộc chiến đấu này, tìm thấy nguồn vui đêu có dễ. Vậy là một lần nữa Thuấn tự trả lời, dẫu sao cô vẫn đúng.

Thuấn đã định gửi thư cho mẹ, nhưng liền đó được tin mẹ đi sơ tán không biết rõ địa chỉ nên lại thôi. Theo dự định của gia đình nhà trai và cả hai anh chị đồng ý, định rằng xâun này sẽ tổ chức lễ cưới...

Cái ngày trọng đại nhất của người con gái sắp đến gần. Thuấn không phải chuẩn bị gì cả. Cô lặng lẽ đón nó, thậm chí còn có vẻ thờ ơ. Cô tự ra lệnh cho lòng mình không nên xáo động trước một biến cố gì cả. Nhưng đấy chỉ là sự ngụy biện hay nói cách khác là thứ kiểu cách bên ngoài. Một thứ kiểu cách mà con gái hay dùng để che lấp những bão tố bên trong.

Bão tố ấy bắt nguồn từ bầy em nhỏ. Sau gần hai năm học, bọn trẻ đã lớn thêm hai tuổi, nỗi nhớ nhà trong lòng chúng cũng được chồng thêm hai lần. Thoạt đầu chúng ri rỉ khóc. Rồi chúng biếng ăn, lười ngủ. Sau hai năm lối biểu hiện ấy ít lại. Bọn trẻ bắt đầu lỳ ra không cười không nói. Ngày quangày, cô giáo càng vui thì các em càng trơ ra như tượng gỗ. Tết năm nay, hội phụ nữ, ban phụ trách thiếu niên - nhi đồng xã đã quyên góp bánh chưng, giò chả cho các em Vĩnh Linh rất nhiều. Khác với năm ngoái đứa nào cũng đun đẩy không thèm ăn, năm nay chúng nhận tất. Từ cái Thu Yến, Mai Vi đến những cậu con trai như Phần, Thục... đứa nào cũng lễ mễ ôm bánh về nhà. Thuấn thấy vậy lấy làm mừng và yên tâm hơn. Cô cũng chẳng thể biết gì thêm nữa. Đêm giao thừa Thuấn bận giã giò ở nhà mẹ chồng tương lai đến gần mười hai giờ đêm.

Phải. Đến đúng cái giờ ấy, cùng với tiếng pháo lốp đốp nổ giòn như ngô rang thì mới có tiếng kẻng báo động. Chó sủa ran xóm. Chân người chạy sầm sập. Tiếng gọi nhau í ới. Người ta truyền cho nhau cái tin cực kỳ hoảng hốt. Đám trẻ Vĩnh Linh rủ nhau trốn hết rồi.

Trời đất! Chúng nó trốn đi đâu? Người ta đuổi ra đến ga Côi thì gặp. May mà đêm giao thừa ấy không có tàu. Đám học sinh bị lôi về. Chẳng một đứa nào thèm khóc. Mặt chúng nó lỳ ra. Mắt lóng lánh nước. Khuôn mặt ấy, khoé mắt ấy báo hiệu rằng chúng nó còn có thể tính liệu những chuyến sau.

Thuấn sững sốt, bàng hoàng. Chiếc chày giã giò lăn tuột xuống đất. Cô lao đến từng nhà. Bọn trẻ đã lên giường trùm chăn kín mít. Cô cất tiếng gọi nhưng không một đứa nào cựa quậy. Có trời mà hiểu đám nhóc ấy đang nghĩ gì. Thuấn bắt đầu thấy lo. Nếu xảy ra chuyện gì thì cô sẽ là người chịu tiếng nặng nhất. Chao, bọn trẻ lớn lên thật là tai vạ. Thà chúng cứ thơ ngây như năm nào. Thuấn như con thuyền đang cố neo mình lại thì mặt biển lại cố tình quấy sóng. Thuyền càng neo càng chao đảo chùng chiềng.

Bọn trẻ đã thay đổi "chiến thuật". Mồng một, mồng hai. Mồng ba tết, trong lúc tất cả người lớn hể hả đón xuân, ngất ngưởng với nhau trong chén rượu mừng thì bọn nhỏ lại chia nhau thành từng tốp ra đi so le giờ nhau. Thuấn đuổi theo được tốp này kéo về thì lại nghe tin tốp khác đã ra đi. Lại chạy ra ga, lại nắm tay lôi áo... Suốt ba ngày tết Thuấn phải sồng sộc chạy hơn chục lần. Qua ngày mồng bốn, giómùa đông bắc kéo về, mưa mờ mịt, lạnh buốt da. Thuấn yên tâm hôn vì nghĩ rằng mưa gió thế này chẳng đứa nào dám trốn. Nhưng đến bốn giờ chiều thì được tin con Mai Vi và cái Kim đã biến đi đằng nào rồi.

Thuấn tức nghẹn cả cổ. Nước mắt trào ra. Cô choàng vội tấm ni lông lên người, lật bật chạy. Đường đồng nhão nhẹt đất. Gió rít từng cơn. Càng gần tốt mưa càng nặng hạt. Thuấn chạy bước sấp, bước ngã. Gần đến ga bỗng nghe một hồi còi dài. Thuấn thót ruột lại. Phen này chúng thoát thực rồi! Cô lao băng băng. Dép trật quai văng xuống ruộng. Thuấn điên tiết vứt nốt chiếc dép kia. Hai bàn chân trần lẩy bẩy đạp lên mặt đất sét, người ngả nghiêng. Thuấn ngã ba lần. Ni lông, áo hoa, quần lụa nhòe nhoẹt những bùn đất và nước. Cái rét ngấm khắp thịt da. Cả người Thuấn run cầm cập. Run vì rét và vì cả tức giận nữa.

May quá, đoàn tàu còn đỗ trong ga. Thuấn lao lên toa cuối cùng và cứ thế đi ngược lên phía trước. Người đông đúc, chật chội. Thuấn cứ lạch, cứ kêu và đảo mắt kiếm tìm. Đến toa thứ sáu thì trông thấy. Hai đứa bé ôm một bọc bánh chưng ngồi co ro trong góc toa. Thuấn nhào đến chồm cả hai tay chộp lấy như bắt được kẻ cắp:

- Mai Vi! Kim! Sao dám liều thế hả? Sao hư thế hả? Về! Về ngay!

Cả hai đứa bé lúc đầu hốt hoảng nhổm dậy định chạy. Nhưng rồi có lẽ thấy không cách nào thoát khỏi, chúng cứ lỳ ra, ngồi bệt xuống như ăn vạ.

- Có về không? Hả? Mai Vi? Kim?

Tiếng còi rú một hồi dài báo hiệu tàu sắp chuyển bánh. Thuấn cuống cuồng túm tay từng đứa kéo ra.

- Có về không? Có về không? Kim?

Tiếng đáp bật ra khe khẽ nhưng quyết liệt:

- Không!

Một tiếng "bốp" nổ giòn. Tất cả mọi người xung quanh sững ra. Nhiều tiếng la ó:

- Sao lại đánh trẻ em, cô kia?

- Trời mặt mày đẹp thế kia mà tàn bạo vậy?

- Dơ quá, cô em ơi!

Thuấn đứng đực ra rồi òa lên khóc, đứa trẻ bị đánh thì tròn mắt ra ngơ ngác. Còn người đánh nó thì khóc, khóc to não nề như một người mất của. Tiếng ồn náo động cả toa tàu. Một nhân viên nhà ga và một công an bước đến. Họ rẽ mọi người tiến vào:

- Cô kia, chuyện gì thế?

Thuấn vẫn khóc. Tiếng cô nghẹn lại. Phải cố gắng lắm Thuấn mới nói được. Cô kể lể từ đầu. Từ nguồn gốc những đứa trẻ này, từ chuyện ba bốn hôm nay cô chưa hề ăn một miếng bánh tết. Toa tàu bỗng lặng đi. Người ta dồn hết mắt vào hai đứa trẻ. Lúc này chúng đứng im thin thít. Câu chuyện của Thuấn và cả tiếng khóc oan ức ấy nữa phần nào đã làm cho chúng hiểu ra, làm cho chúng ân hận. Khi người công an quay lại nhìn thì cái Kim, đứa trẻ bị đánh ấy, khẽ cúi đầu xuống rồi lẳng lặng rời khỏi toa tàu. Rồi không hiểu vì sao nó lại thút thít. Cả Mai Vi cũng mếu máo khóc theo. Chúng nó ân hận thực sự.

*

Mọi việc trở lại bình thường, hay ít ra cũng tạm gọi như thế. Mồng sáu âm lịch lớp lại vào học. Ba mươi tám học sinh lớp hai học với Thuấn thì có gần một nửa là các em Vĩnh Linh. Trong lúc các bạn nhỏ Nam Hà mặt mày hớn hở, miệng tủm tỉm cười, mũi nghếch lên như đang cố ngửi cho hết mùi cá rán, hành phi từ nhà bếp bay đến, thì gần một nửa số học sinh mặt cúi xuống bàn lặng thinh. Suốt nửa giờ đầu Thuấn khêu gợi bao nhiêu là chuyện, chuyện hoa đào, hoa mai, chuyện bánh chưng, bánh dày... nhưng chúng vẫn không chịu cười, không chịu ngẩng mặt dậy. Cáu quá, Thuấn gõ mạnh chiếc thước lên bảng:

- Tất cả các em nhìn lên bảng.

Một vài khuôn mặt ngẩng dậy. Rồi gần hai mươi khuôn mặt ngẩng lên. Thuấn bỗng bàng hoàng. Ôi chao những đôi mắt! Đâu rồi những ánh mắt nũng nịu, vòi vĩnh của cái lớp mẫu giáo xa xưa? Đâu rồi những nụ cười nhõng nhẽo, những đôi môi trề ra, cáo cổ ngoẻo lại? Đâu rồi tiếng gọi "mạ" ngọt như giọt mật, thơm tho như trái chín đầu cành? Những ngày ở Vĩnh Linh cơ cực là vậy sao mà cô cháu nhìn nhau ấm áp đến dường ấy. Còn giờ? Đôi mắt con Kim đó, xa lạ, lạnh lẽo biết bao và thoáng cả nét gì như một sự oán trách nữa. Oán trách cũng phải thôi. Cho đến lúc này Thuấn vẫn không thể tự giải thích được vì sao bàn tay của mình đêm ấy lợi rơi xuống má em?

Thuấn vượt qua buổi học đầu tiên như một kẻ đuối sức vượt qua sông rộng. Cô lao về phòng mình, đóng chặt cửa lại và nằm vật xuống. Thuấn mốm liền hai ngày...

Một buổi sáng vừa thức dậy Thuấn nghe có tiếng lao xao ngoài hàng hiên. Cô uể oải ngồi lên rồi đi ra mở cửa. Một nét sung sướng thoáng rực lên mắt cô. Bọn trẻ Vĩnh Linh đang đứng chật hiên nhà. Chúng ùa vào phòng, vây lấy giường cô và cười vui như sáo. Hình như chẳng đứa nào còn nhớ tới những chuyện đã xảy ra mấy ngày qua. Cả con Kim nữa, nó cười toét miệng, hai xoáy nước bé tẹo sâu hoắm trên bầu má phúng phính. Đó là nét đặc biệt nó giống cô giáo. Con Kim luôn sung sướng vì chuyện ấy. Còn cái tát thì hình như nó đã quên, hay ít ra nó cũng làm ra vẻ quên rồi. Thuấn thấy vui thực sự. Cô nói nhiều, cười nhiều, hình như tất cả những gì trẻ trung, thơ ngây trong cô đều được khuấy động. Cho đến khi bọn trẻ léo nhéo chào cô ra về thì Thuấn vẫn còn tủm tỉm một mình. Dư vị tuổi thơ phảng phất mãi trong nụ cười của cô.

Bọn trẻ đã về hết rồi, không thể nào gọi chúng quay trở lại được nữa. Thuấn bỗng nhận ra, rõ ràng chúng nó đã cố kết thành một khối riêng, có một ý chí độc lập. Chúng nó không còn là bầy trẻ ngu ngơ nữa. Bọn trẻ đã có thể rủ nhau chuẩn bị lương thực, rủ nhau trốn rồi lại rủ nhau đến thăm cô... Lúc này chính cô lại trở thành kẻ bơ vơ đáng thương hại, cần được an ủi vỗ về. Cô thèm, ừ, thèm biết bao nhiêu cái ấm áp của khối đông ấy. Mà sao cô lại thiếu nó? Chẳng phải trước đây cô với cái khối ấy là một ư? Thuấn nghĩ mãi vẫn không thể giải đáp được mình đã đánh mất điều ấy tự bao giờ?

Tối hôm đó, tốt mồng chín âm lịch, Thuấn lên gặp thầy hiệu trưởng. Hai người ngồi đối diện qua một chiếc bàn rộng. Lọ hoa trên bàn hãy còn tươi. Mứt gừng và bánh quy vẫn còn. Nhưng hình như cả hai không ai quan tâm tới những thứ đó. Thuấn nói một cách bình tĩnh, tự tin và kiên quyết. Còn thầy hiệu trưởng thì lắng nghe, vừa nghe nội dung trình bày vừa như cố nghe cả giọng nói của cô nữa.

Thuấn nói khá dài dòng nhưng thầy không hề sốt ruột. Khi Thuấn ngừng lời, hồi hộp chờ đợi thì thầy lại lặng lẽ đứng lên châm lửa vào điếu thuốc. Rồi thầy hút, phả khói tràn ra đầy cửa sổ. Một lúc khá lâu thầy mới lên tiếng:

- Nghĩa là... tóm lại cô nhất định xin về?

- Dạ... thưa thầy...

- Ừ, kể ra bọn tôi cũng rất tiếc. Tiếc lắm. Cô là một giáo viên sống tất, dạy tốt. Nhưng mà, nghĩ cho thật kỹ, cô về là phải. Nếu tôi ở trường hợp ấy, tôi đã xin về từ lâu rồi.

Thuấn hơi bất ngờ. Nguyện vọng của cô thế là thỏa mãn. Một sự thỏa mãn như lưỡi dao cứa vào tim Thuấn. Cô ngước lên nhìn hiệu trưởng. Nhưng thầy vẫn không nhìn lại. Thầy đang ngắm theo làn khói lởn vởn phía cửa sổ. Giọng thầy nhè nhẹ. Bao giờ cũng nhè nhẹ như một làn khói nhưng lại có sức hòa tan tới mọi ngóc nghếch suy nghĩ của người khác.

- Đúng thế. Nếu phải tôi thì tôi đã xin về từ lâu rồi. Tôi là một hiệu trưởng. Không có gì làm tôi vui bằng khi các giáo viên của mình an tâm công tác. Thế nhưng, nói thật là, từ lâu tôi vẫn có phần ngạc nhiên trước sự an tâm của cô...

*

"Anh Trình kinh yêu của em.
Khi anh cầm được mẫu giấy này trong tay và đọc vội thử coi em nói cái gì thì con tàu đã đưa em xuôi về phía nam, nơi có mảnh đất và con người mà anh nói là thương đến đứt ruột đó. Có thể anh sẽ trách em, giận em không để đâu cho hết. Như thế cũng phải thôi. Em là đứa đáng trách, đáng giận lắm. Lẽ ra anh phải nhận ra điều ấy từ lâu kia, đằng này anh chỉ biết có thương. Tình thương khi mô cũng hay tha thứ, phải không anh?
Lúc viết những dòng này, em nghĩ nhiều đến bố, mẹ của anh. Tối qua em có đến nhà, đến chỗ đầu bờ ao thì không thể nào vào sân được nữa. Bố mẹ đã thương em hết lòng, đã giành cho em bao nhiêu là chăm chút, nâng niu... Rồi ra mọi sự đều vô vọng. Lừa dối bố mẹ là tội to lắm phải không anh. Nhưng anh Trình ơi, anh nói giúp cho em một lời nghe. Rằng em không phải là đứa lừa dối. Em vẫn thương anh, vẫn quý trọng bố mẹ. Nhưng em không thể ráng ở thêm được nữa. Một ngày, một giờ cũng không được nữa. Thầy hiệu trưởng nói đúng lắm, lẽ ra em phải về từ lâu rồi..."

Con tàu tự nhiên phanh két lại. Người trên toa ngã dúi về phía trước. Có tiếng hỏi lào xào:

- Có chuyện gì thế nhỉ?

- Cầu.

- Cầu nào?

- Hàm Rồng.

Thuấn cố thò đầu ra cửa sổ. Đêm mờ mờ ánh trăng. Gió thổi hun hút. Tiếng đầu máy con tàu hổn hển trườn chậm qua cầu. Tất cả hành khách lặng im. Đây là cái túi đựng bom giặc Mỹ. Nhưng đêm nay sao vắng lặng thế! Chỉ có tiếng tàu phì phò thở và tiếng thép lạnh ken két nghiến đường ray. Thuấn rụt đầu vào, co người lại. Ngồi bên cô là một bà mẹ trạc năm mươi tuổi, tay lễ mễ xách một túi vải to và buồng cau tươi nặng trĩu. Thuấn không hề hỏi chuyện nhưng bà vẫn kể:

- Rõ tội. Cháu nó là thanh niên xung phong cô ạ. Nó đi sáu năm rồi. Nay báo thơ về là tìm được bạn. Anh nó cùng làm trong đơn vị. Chúng nó gửi chung một lá thư trình bày là đường sá xa xôi, thằng Mỹ lại giở trò "ném bom hạn chế" thôi thì có anh em lo liệu, bố mẹ đừng vào nữa. Nhưng có chết tôi vẫn vào phải không cô? Vào mà nhìn con cái nó thành đôi thành lứa chứ, phải không cô?

Thuấn đáp "dạ" một cách miễn cưỡng rồi ngồi nép qua vì cuống buồng cau thỉnh thoảng lại chọc vào sườn. Người mẹ vẫn say sưa câu chuyện:



- Ở nhà trước đây cũng có mấy đám nhìn tới em nó cô ạ.Thế mà nó không ưng. Cái con nhà thế mà cũng khó tính đáo để. Nay nghe nó kể, cái anh này là trung uý bên bộ đội chuyển qua ...Trung uý hay gì gì cũng được, miễn là có trước có sau, phải không cô? Tôi thấy con gái thời này, được cái là tự do lựa chọn... Nhưng một lần không chính thì chín lần chẳng nên, rồi cứ lơ lơ láo láo cả đời đấy cô ạ...

Thuấn lại đáp "dạ". Con tàu cua qua phải. Gió lạnh đột ngột ùa vào. Thuấn vội vàng sập cửa sổ xuống. Toa tàu tối mịt âm thầm...

"...Con đường trở về quê hương là con đường đưa em tìm về với kỷ niệm. Có thể anh chê em chỉ biết sống bằng kỷ niệm mà không biết hướng đến những gì mới mẻ đang chờ. Không phải đâu anh ơi. Em vẫn nghĩ đến ngày mai. Em vẫn khao khát vươn tới cái đẹp đẽ nhất . Nhưng hình như con người ta muốn đi tới phía trước thì phải biết chọn cho mình cái nơi bắt đầu ra đi, phải vậy không anh? Nơi bắt đầu của chính em là tuổi trẻ đã có. Nếu anh biết rằng em đã từng có những gì thì anh sẽ ngạc nhiên khi thấy bây giờ em bị mất nhiều quá. Em còn ít tuổi lắm, thậm chí còn ngốc nghếch nữa kia, vậy mà hình như những gì trong sáng nhất đi qua mất rồi. Niềm vui rạt rào, tình yêu cháy bỏng, và cả sự chân thật đến thơ ngây nữa cũng đã đi qua . Kéo nhau đi tuột hết. Trong tình yêu đối với anh, em chỉ còn lại sự tựa nương, sức mệt mỏi và đôi khi có cả ham muốn đắp bồi những thiệt thòi. Như vậy thì đâu có thiệt tình yêu phải không anh? Rõ ràng em chưa hề yêu anh mà chỉ đòi hỏi, chỉ ràng buộc anh thôi. Tội quá, răng mà em lại như vậy hả anh?

Tu... tu!.. Một hồi còi rú lên dõng dạc và quả quyết. Người trên toa nhốn nháo đứng lên. Tàu dừng bánh. Người xuống vội vàng. Người dưới sân ga lao lên, cũng vội vã. Bà mẹ ngồi bên cạnh Thuấn ôm chặt túi vải trước ngực . Bà chìa cả buồng cau qua Thuấn:

- Cô làm ơn xách cho bác một lúc kẻo người ta giẫm bẹp hết. Ai chà, cái ông nào đấy, giẫm bẹp chân ngươi ta rồi. Mà ga nào thế hả ông?

Nhưng người ta mải chen nhau nên chẳng ai trả lời câu hỏi của bà. Bất ngờ có tiếng phản lực rú chéo qua đầu . Cả toa tàu đột ngột lặng thinh. Thuấn thấy gan ruột bồn chồn, tim đập loạn xạ. Bà mẹ bên cạnh ghé sát vào tai cô thì thào:

- Chết chửa, khu tư rồi! Đất Nghệ rồi đấy cô ạ!...

"... Anh quý trọng của em!

Nơi em về là nơi cái chết rập rình bên sự sống. Nơi mà tình yêu sẽ như bó lửa đốt lên giữa cơn mưa. Sự sống thì quá quý mà niềm vui thì quá mỏng manh. Nhưng hình như tất cả điều ấy tạo nên giá trị cho con người, phải vậy không anh? Giã từ anh một ngày đầu xuân, nhưng biết đâu trở về được với những kỷ niệm đẹp đẽ của mình, em phải vượt qua hết mùa xuân, có khi cả mùa hạ nữa. Nhưng anh đừng lo. Em dám chịu, dám vượt. Bởi vì chính con đường ấy em đã có một lần đi qua . Những gì ác nghiệt nhất em đã từng chịu đựng.

Anh Trình ơi ! Đêm nay em ra tàu. Em không dám báo giờ với thầy hiệu trưởng. Em chỉ đến thăm các em học sinh mà không dám tiết lộ cho chúng nó biết . Em không muốn bất cứ ai tiễn em. Ngày mai chắc chắn các em nhỏ sẽ ngơ ngác hỏi cô. Cả anh nữa, chắc cũng có phần sửng số. Nhưng rồi chỉ một thời gian nữa anh sẽ quen trở lại như chưa hề biết đến em . Anh lại sẽ nói rằng cái đất Vĩnh Linh đầu cầu kia là tôi vô cùng thương nhớ . Và anh có thể làm thành một bài thơ đăng lên báo hoặc để dạy cho các em nhỏ học văn. Anh đừng sợ sai sự thực, bởi vì em sẽ quyết sống cho xứng đáng với lòng yêu mến của anh ..."


Đăng ngày 21/06/2010

Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Con - 03/07/2010

Đọc xong chương này con lại nhớ hồi con còn đi học, chưa có văn mẫu nên con đã áp dụng văn của Lão Trang một cách đầy sáng tạo. Có một lần, con được một anh học cùng lớp bỏ vào cặp một lá thư với lời tỏ tình rất chi lãng mạn. Con đọc xong cũng bâng khuâng mất mấy hôm nhưng nghĩ đến chặng đường phía trước còn dài, yêu linh tinh mà thi rớt thì chỉ có nước "thay thằng con rể đi bừa với trâu" nên con đã áp dụng 1 câu trong Cửa gió để trả lời. Không ngờ đúng ngay câu ở chương này. Thế mà có lần con vờ còm cho Lão ướm thử rằng: Có một nhà văn nào đó đã nói...thế mà Lão im thin thít, không chịu nhận. Đố Lão đó là câu gì và con đã áp dụng ra sao? Lão mà đoán đúng con gửi tặng Lão 10 cái hôn gió ngày mất điện.Tongue out

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan