Saturday, October 3, 2015

CỬA GIÓ - Tập II - Chương 36 & 37


Tác giả: Xuân Đức

CHƯƠNG BA MƯƠI SÁU 

Một mùa xuân đầy thử thách đã đi qua. Cuộc tổng tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam cũng được coi như chấm dứt.
Quá trình diễn biến từng giai đoạn của chiến dịch này rất phức tạp, khó ai có thể lường trước được. Bắt đầu là những trận tổng công kích. Người dân miền Nam một sớm ngủ dậy bỗng nghe tiếng đại bác nổ long trời, bỗng thấy ầm ào, những rừng áo xanh tràn vào các đại lộ, bỗng sững sốt bàng hoàng trước cơ man cờ nửa đỏ nửa xanh phất phới khắp các công sở, các ngã tư. Tin tức được loan báo từng giờ trên đài Hà Nội. Quân giải phóng đã chiếm cầu chữ Y, ngã tư Phan Thanh Giản thuộc thành phố Sài Gòn...Quân dân Trị- Thiên -Huế đã đánh chiếm sở thông tin Mỹ,làm chủ khu nhà ga, tiến đánh bộ chỉ huy hành quân Mang Cá... Rồi Đà Nẵng, Phan Rang, Nha Trang...Rồi các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ...Rồi Buôn Ma Thuột, KonTum vân vân... Như để xác nhận những tin tức trên đài Sài Gòn lại đưa tin : Quân lực Việt Nam cộng hoà đã chặn đứng Việt cộng ở cầu Ông Lãnh...bắn chết mười hai cộng quân trên cầu Bình Triệu--Sài Gòn.... Quân lực Việt Nam cộng hoà và đồng minh đã dũng mãnh chặn đứng áp lực của Bắc Việt tại khu vực Phú Văn Lâu, Huế...Những người ít kiến thức về quân sự thì tưởng như chỉ vài giờ, vài ngày nữa thôi, là có thể hoàn tất sự nghiệp giải phóng miền Nam. Chính những người đó sẽ bị bất ngờ khi nghe tin quân ta rút khỏi Sài Gòn, rút khỏi Huế, rút khỏi Đà Nẵng... Rồi Nha Trang, Cam Ranh, Đà Lạt...Tất tất đều được rút khỏi. Rút khỏi thành phố về nông thôn. Rút từ nông thôn vùng ven thành về rừng. Rút từ bìa rừng vào sâu trong núi thẳm . ấy là bắt đầu một giai đoạn mới, một giai đoạn mà có lẽ lịch sử sẽ ghi lại thành những trang bi hùng,đẫm máu muôn đời không mờ phai.

Lịch sử bao giờ cũng công bằng. Song những người trong cuộc, tự tay làm ra lịch sử không phải không có lúc phải gánh chịu những bất công. Một người dân bình thường ở một mảnh đất nào đó họ chỉ biết đào hầm, cất giữ vũ khí rồi căng biểu ngữ đấu tranh. Một người chiến sĩ bình thường ở một chiến trường cụ thể chỉ biết hành quân vào mục tiêu, tiến đánh và rút lui. Tại thời điểm nổ ra những móc lịch sử, những người đó khó mà phân biệt hết góc cạnh của thời cuộc. Lý do vì sao ? Có người cho rằng do khả năng thông tin. Nhưng thông tin cũng không thay thế được sự đúc kết của thời gian. Khi mà cuộc chiến tranh chưa kết thúc thì lẽ thường tình bên nào cũng dành cho mình quyền tuyên truyền thành tích, công trạng và những ưu thế thời cuộc. Không ai dại gì lật áo cho người xem lưng. Vì thế những nỗi trớ trêu của lịch sử thường không được nói đến. Không ai rõ được rằng, khi đại quân ta ào ào lướt vào hang ổ lớn nhất của Mỹ-ngụy ở miền Nam thì trên thế giới này, những hang ổ lớn nhất cũng bị rung chuyển. Những kẻ mặt người dạ thú hốt hoảng nhổm đít dậy, chọc gậy bánh xe, quăng phao cho bọn chết đuối . Lúc này chỉ dám nói một nữa sự thật, rằng thế giới nhất tề ủng hộ chúng ta, phe xã hội chủ nghĩa đồng nhất đứng về phía ta...Còn một nữa sự thật oan ức kia, ta biết nhưng buộc lòng phải cắn răng lại. Cuộc chiến đấu trên chiến trường đang trong những ngày đẫm máu. Những tổn thất ghê gớm đang trút lên đầu dân tộc. Chúng ta vẩn cắn răng lại để vượt qua. Chúng ta tin thời gian là công bằng. Song chúng ta cũng hiểu trên dòng thời gian ấykhông thiếu gì những thác ghềnh xảo trá. Có lẽ ít ai trên thế giới này thấm thía điều đó bằng dân tộc Việt Nam.

Mặc dù vậy, không thể nào phủ nhận được những chiến công lớn lao của quân giải phóng trong mùa xuân này. Cho dù Mỹ-ngụy và tất cả những bè đảng của chúng trên thế giới đã điên cuồng vật lộn cũng không thể nào không thừa nhận, phìa họ đã phải gánh chịu những hậu quả vô cùng trầm trọng mà có lẽ sẽ đánh dấu bước đi xuống trong thế trận chung ở miền Nam cũng như trên chiến lựơc toàn cầu. Bằng chứng rõ ràng là Mỹ phải tuyên bố “ném bom hạn chế” và chịu ngồi vào bàn đàm phán tay đôi với Hà Nội tại Pa-ri. Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ cho chúng ta dám chấp mọi ngang trái trên đời này, dám chấp tất cả sự xảo quyệt lá mặt lá trái của thời thế để tiến lên, để hoan hỉ và chúc mừng nhau.

Trong những ngày cuối xuân này, Bộ tư lệnh Quân khu 4 tổ chức tại đại hội mừng công và kèm theo đó là hội diễn nghệ thuật quần chúng của các lực lượng vũ trang toàn quân khu. Cả hai đại hội đều thành công rực rở. Trong hội diễn nghệ thuật , đội tuyên truyền văn hoá Bộ tư lệnh Vĩnh Linh đã được Bộ tư lệnh quân khu tặng thưởng huân chương chiến công hạnh ba. Phần thưởng này không phải chỉ khẳng định những thành tích hoạt động văn hoá của đội trên đất Vĩnh Linh mà còn đánh giá những đóng góp của đội trong công tác vận động binh lính địch bên kia tuyến trong chiến dịch tết Mậu Thân. Thế là đại hội đã được ghi nhận vào dòng thác của cuộc tổng tiến công lịch sử này.

*

Trong suốt thời gian xây dựng chương trình tiết mục để đi tham dự hội diễn, đội Tuyên văn Vĩnh Linh thiếu mất hai nhân vật quan trọng : Kim Hà được chính uỷ cho nghĩ phép về Hà Nội thăm bố, Phương nằm viện.

Đến lúc Phương ra viện thì đội cũng chuẩn bị lên đường. Tuy vậy Trần Vũ cũng đồng ý cho cô đi theo đội để kết hợp thăm gia đình. Phương đã về sống với mạ hơn nửa tháng ở Tân Kỳ.

Nửa tháng ấy đối với Phương có giá trị như nửa đời người. Bởi vì chưa bao giờ cô cảm thấy gia đình mình ấm cúng và thân thiết như lúc này. Từ ngày sơ tán ra đây, mạ với dì đã ăn chung một bếp. ở đây nương rẫy là đất chung, nhà cửa cũng che tạm bằng mái lá. Ngôi nhà năm gian làm trái hướng của ông Cầu trong Vĩnh Linh đã cháy khi họ vừa rời đất ấy ra đi chưa đầy một tháng. Cũng chẳng còn gì trong nhà ấy nữa mà tiếc rẻ. Cuộc sống bây giờ hoàn toàn tựa nương vào đội, vào hợp. Cơm gạo nhà nước bán theo nhân khẩu, công điểm làm thêm được hợp tác xã chia cho hoa màu. Thằng Thái hi sinh, bốn đứa sau thì học tận Nam Hà. Thế là cả ba người già đều chẳng còn gì mà bênh vực, bon chen, thu vén. Rõ ràng khi không còn mục đích giành giật chút riêng, tay họ bỗng trở nên nhẹ nhàng, thanh thản. Tuổi già cởi mở, tình thương trải ra, ngày qua ngay tiếng chuyện trò lấn dần câu khích bác. Mạ Ngãi năm nay đã tới tuổi “sáu hai”, ông Cầu “sáu sáu”, dì Lài cũng đã “năm tư”. ! Con người đi qua một thời khoẻ mạnh, cái thời mà ai cũng muốn chen lấn người khác để bồi đắp cho riêng mình, chừ thì họ đã rập rình ngưỡng cửa “quy tiên” . Người ta ai chẳng muốn chết có đùm có bọc, có kẻ chôn người khóc. Những năm tháng cuối đời con người thường tìm đến nhau sau một chặng đường dài quay lưng sấp mặt. Thậm chí họ còn chiều chuộng nhau, trìu mến nhau y như mới bước vào tuổi thanh xuân vậy.

Sống vui thì ngày chóng hết. Mười lăm ngày phép trôi qua, Phương khoác ba lô về xuôi. Dì Lài đi theo tiễn chân cho tới thị trấn Lạt. Phương mua vé xuống Nam Đàn. Cô tìm được đội vừa lúc hội diễn kết thúc. Bây giờ tính chuyện trở về. Toàn đội gói ghém đồ đạc, xác định quyết tâm. Bốn giờ chiều ăn cơm. Năm giờ kèm mười xe nổ máy. Họ vượt qua khỏi khu núi Đại Huệ thì tắt mặt trời. Xe không bật đèn rầm rì lao trong đêm. Qua phà Bến Thuỷ an toàn. Xe xóc mạnh. Đường Hà Tỉnh gập gành như leo núi. Tiếng máy bay nháo nhác trên đầu. Những chớp bom nhoé sáng sau lưng, trước mặt. Mùi cháy đâu đó phảng phất. Không gian nặng chịch âm thầm.

Xe bỏ đường quốc lộ Một lên đường chiến lược 24. Tiếng máy bay nhiều hơn. Cả một đội nín lặng căng mắt nhìn ra ngoài. Xe chạy mỗi lúc một chậm. Đêm về khuya, nhiều người gật gà ngủ. Có tiếng hát khe khẽ. Xe lắc trái, lắc phải, người ngã dúi vào nhau.

Bổng chiếc xe dừng lại hẳn. Mấy cậu con trai thò ra cửa thùng xem xét. Phái trước và phía sau ùn lại rất nhiều xe. Có tiếng người gọi nhau láo nháu. Một vùng trống trải mênh mông. Ai đó hỏi khẽ:

- Đâu thế này nhỉ ?

- Chuyện chi mà dừng lại hè ? Tắc cầu à ?

Chẳng ai trả lời vì cũng chẳng ai biết rõ chuyện gì đang xãy ra. Đột nhiên có tiếng phản lực xoẹt qua. Tất cả nín lặng. Tiếng máy bay vòng liệng trên đầu. Có lệnh “ xuống xe, tản ra ”. Tiếng chân người nhảy xuống thình thịch. Không thể nhận ra đâu là đường vì dưới đất chân cứ lổn nhổn như ruộng cày ải. Chạy được vài bước thì gặp bờ dốc. Hoá ra hố bom. Vòng một đoạn lại gặp hố khác. Chạy qua hướng khác nữa, lại hố bom nữa. Một cảm giác ớn lạnh lan ngập từng người.

Bụp... Bụp... Pháo sáng rồi ! Cả bầu trời đột ngột bị phanh toạc ra. Mặt đát loã lồ, nham nhở. Bất ngờ đâu đó có tiếng kêu to :

- Ngã ba Đồng Lộc !

Tiếng kêu chấn động như một tiếng nổ. Tất cả ngần ấy con người đêu8f sững ra. Họ đang đứng giữa ngã ba Đồng Lộc !

Không biết rồi sau này khi ngọn lửa chiến tranh đã lụi tắt thì người đời và sử sách sẽ nhắc đến những tên đất như cái ngã ba này ra sao, có thể là một niềm kiêu hãnh, một kỳ tích lừng danh, cũng có thể là nỗi ngậm ngùi tưởng nhớ... Còn bây giờ cái tên ấy là dồn nén bao nhiêu khối nổ ? Những người bộ hành từ chốn xa lạ đến hình dung đây là một chốn không lối, không bờ, thăm thẳm những gian nguy bất hạnh. Người lái xe nào chưa một lần vào tuyến lửa thì tưởng tượng Đồng Lộc như chiếc cầu mong manh mà chỉ có thể dám nhấn ga khi tối trời không nhìn thấy những thanh cầu sắp gãy. Đồng Lộc! Phải chăng là xứ sở hoang sơ của thời bình minh của nhân loại? Mặt đất luôn rung chuyển và thay dạng đổi hình. Mỗi một sớm mặt trời lên đất phơi trần lạ lẫm như một hành tinh vừa được khám phá. Chỉ có đêm là vui. Đêm che khuất những dị hình do bom đạn tạo nên. Đêm quen thuộc với tiếng xe, tiếng cười, tiếng gọi nhau, tiếng cuốc xẻng phầm phập, lanh canh. Đêm đồng nghĩa với hiện tại về cuộc sống. Nhưng kẻ thù thì không muốn đất này có hai thứ đó. Hàng vạn quả pháo sáng tung ra. Chúng muốn xóa đêm, chúng muốn lúc nào ngã ba Đồng Lộc cũng bị phơi ra trong sắc thái đồng hoang, lạnh lẽo.

Sẽ không ai gọi cái tên Đồng Lộc chính xác nếu họ không lắng nghe tiếng gọi khẩn thiết của những thanh niên xung phong lúc này?

- Ở đâu đấy?

- “Cua con Thủy” . Bốn quả, nổ hai rồi.

- Nhanh lên. Cây số 6, cách “đồi O Vang” độ hai mươi thước về phía đông. Nhanh lên!

- Giải phóng xe ngay! Hai xe Pa-ti-nê chỗ “ngã ba chị Tám”!. “Ngã ba chị Tám”, mau lên!

Sẽ không ai hiểu đúng cái ltên ngã ba Đồng Lộc nếu không biết thêm được rằng, trên cái tọa độ này, cái tên ấy là sự kết tinh của bao nhiêu tên khác: O Thung, O Vang, Chị Tám... O Hanh, Chị Liêu, Con Mùi... Đồng Lộc với họ là một phần đời, một phần máu, một phần của lẽ tạo hóa ra giống nòi, dòng họ và bao hàm tất thảy những quan hệ sinh tồn của con người trong tình bạn, tình yêu, tình làng xóm quê hương, đồng chí, đồng bào...

Tiếng nổ của bom không át nổi tiếng gọi. Thanh niên xung phong gọi nhau. Lái xe gọi nhau. Và những hành khách cùng xe, khác xe gọi nhau. Thoạt đầu là gọi nhau chạy. Càng chạy xa nơi xe bị ứ càng tốt. Rồi bất ngờ có tiếng gọi nhau quay trở lại. Người từ nhiều phía trở về. Tiếng thở hổn hển, tiếng gọi nháo nhác và cả tiếng cười nữa.

Tiếng cười ré lên khi một cô gái bổ chững ra giữa đất. Nhưng liền đó tiếng cười tắt ngay khi nhìn thấy một ông già râu tóc bạc phơ chạy lại đỡ cô gái. Giọng ông đứt quãng vì mệt.

- Có làm sao không con?

- Dạ... không sao đâu, cháu còn chạy được...

Lúc ấy đám diễn viên đội tuyên văn đang vây lấy ông già. Một vài cô gái khác cúi xuống giúp cô nâng cô gái dậy. Đột ngột Phương kêu to:

- Trời ơi! Bác Chẩn! Răng bác lại ở chỗ này?

Ông Chẩn ngước lên ngơ ngác. ánh pháo sáng chập chờn không đủ cho ông Chẩn nhận mặt người vừa gọi. Trong lúc đó, Phương quay lại khua tay nói to cho cả đội nghe:

- Các bạn ơi! Bố anh Lợi đây này... Bố anh Lợi...

Nhiều người chạy ùa đến. Bây giờ thì ông Chẩn mới nhận ra Phương. Ông ôm lấy vai cô, lắc mạnh. Không thể đứng lâu chỗ này được. Phương hơi vội:

- Bác đi vô hay đi ra?

- Đi vô.

- Đi xe nào?

- Có cái xe chở đạn... Chao ôi, gặp đâu xin đó. Đi đã mười ngày nay mới vô thấu đây cháu ạ.

Phương túm vội tay ông:

- Đừng ngồi trên xe đạn nguy hiểm lắm. Bác về xe bọn cháu nhanh lên!

Ông Chẩn nửa mừng rỡ, nửa lúng túng quay lại nhìn cô gái đằng sau:

- Nhưng bác còn đứa cháu...

- Cả hai bác cháu lại đây, chật thì ngồi chật.

- Úi chà, rứa thì quý hóa quá...

Tiếng xe rú máy, Phương đỡ ông Chẩn lên xe. Mọi người cũng nhanh chóng leo lên. Xe chồm tới, nghiêng ngửa. Tất cả chưa ai dám yên tâm. Máy bay vẫn rít trên đầu. Một vài loạt bom nổ. Phía dưới mặt đường, tiếng gọi của thanh niên xung phong vẫn vang lên: “ Cua con Năm, một xe nghiêng rồi. Nhanh lên” “ Cây số ba, mau lên ! ” “ Hai quả chưa nổ ở đồi O Hạnh mau lên ! ”

Gần một giờ trôi qua. Không gian căng như sợi dây đàn...

Đoàn người qua một phen vượt cạn, hả hê cười nói. Xe bon bánh trên quảng đường đằm thắm. Phương ríu tít hỏi chuyện ông Chẩn. Ông kể cho cô nghe chuyện nhà, chuyện hợp, chuyện từ ngày sơ tán, con Cần lạc mẹ, chuyện từ hôm cất bước trở về. Chỉ có một điều là ông không hề nói, ấy là lý do đã khiến ông lặng lẽ từ giã con dâu mà đi...

Rồi đến lượt phương kể cho ông nghe. Cô nói về quê hương từ sau ngày Mỹ càn ra nam sông Bến Hải. Cô tả lại từng trận đánh máy bay, từng đợt bắn pháo vào Cồn Tiên, Dốc Miếu. Rồi cô nói đến Lợi. Cô kể tỉ mỉ cái lần cùng Lợi hoạt động ven sông Cửa Việt cho đến lúc cô bị thương. Ông Chẩn nghe như nuốt từng lời. Thỉnh thoảng ông chêm vào câu hỏi:

- Tội nghiệp, vết thương có nặng lắm không cháu?

- Cháu cũng tưởng không gặp lại bác nữa kia. May mà có anh Lợi bác ạ. Anh ấy đã chi viện kịp thời, nếu không cháu đã chết hoặc bị bắt rồi. Anh ấy tìm được cháu, bế cháu vào phòng tuyến của đại đội. Anh ấy đã xé hết hai chiếc áo băng bó cho cháu. Đến hôm anh ấy cử ba người cáng cháu ra. Đời cháu phải nói là chưa bao giờ biết khóc, bác ạ. Rứa mà đêm ấy, khi chia tay với anh Lợi cháu đã khóc. Khóc vì thương người ở lại. ác liệt quá mà. Hơn nữa cháu nghĩ tình anh em trong chiến đấu sao mà quý giá đến thế, bác ơi. Anh Lợi cũng khóc. Cháu biết anh ấy thương cháu nhiều...

Phương càng kể càng xúc động. Ông Chẩn cũng thấy lòng bồi hồi nổi nhớ thương. Cả hai cứ thầm thì, say sưa người hỏi kẻ nói. Trên xe lúc này gần như đã ngủ hết. Tiếng gà từ một xóm nào đó phía dưới vọng lên. Trời gần sáng. Những câu chuyện của Phương xem ra chưa thể dứt nổi. Ông Chẩn cũng còn muốn nghe nữa. Đường dài lấy chuyện làm vui. Trên xe mọi người ngủ hết rồi. Tuổi trẻ họ vô tư thế đấy ! ...

Không. Trên xe không phải ai cũng ngủ. Chính ông Chẩn đã vô tình quên khuấy đi. Còn Phương thì hoàn toàn vô tư không thể ngờ đến. Sau lưng họ một người vẫn thức, vẫn căng tai nghe từ đầu đến cuối câu chuyện của Phương. Càng gần về sáng, người ấy càng tỉnh. Cô thu mình vào một góc xe, kìm nén đến nín đến từng nhịp thở. Nhưng giả sử có ai đó chủ tâm để ý vẫn bắt gặp đôi tiếng thở dài vụng trộm trút ra.

*


Tin bố trở về đến tai Lợi rất nhanh. Người xã đội trưởng Vĩnh Hòa lên họp giao ban trên Bộ tư lệnh đã gặp Lợi ngay ở cửa hội trường. Sau buổi giao ban ấy, chính ủy Trần Vũ đồng ý cho anh tạt về thăm bố.

Lợi tìm gần như khắp xã mà không gặp được ông Chẩn. Người ta nói với anh rằng, từ hôm về tới nay ông Chẩn ở chung một lán với tổ dân quân gác kẻng báo động. Nhưng thường ngày ông vẫn đi luôn. Lợi cứ dọc theo các đường hào, đến tất cả các địa đạo. Gần chiều vẫn thất vọng anh định quay trở về Bộ tư lệnh.

Lên khỏi trục đường hào, Lợi chợt nảy ra ý nghĩ ghé qua khu vườn cũ. Anh muốn tìm lại kỷ niệm học sinh. Lợi đạp băng qua một trảng cỏ tranh, đi dọc theo mép chuông chạc chìu, độ vài trăm thước là đến. Anh loay hoay mãi vẫn không tìm ra lối vào ngõ. Cây gai phủ kín lối đi. Bom đạn phá nát luỹ tre, tan hoang chè, mít. Vất vả một lúc lâu anh mới chui được vào vườn.

Đã chớm vào mùa hè. Tiếng ve giăng giăng khắp bốn phía. Mảnh vườn cỏ lút bời bời, cây đổ mục nát. Lợi cố tìm một vệt mòn cũ. Cái nền nhà chỗ nào? Hồi nhà bếp ở đâu? Chỗ nào kê chiếc giường, đặt chiếc tủ? Chỗ nào đặt cái mâm gỗ nhỏ nhoi để mỗi bữa cơm bố con cùng so đũa. Lợi đi như lần từng bước chân, lòng tha thẩn gọi tìm quá khứ. Bỗng anh dừng vội lại . Phía cuối góc vườn có bóng người. Đúng rồi ! Bóng người lặng im như cột mít già trọc ngọn. Hai chân Lợi ríu lại. Anh cố bước lên . Bóng người vẫn đứng im. Còn cách vài chục bước chân Lợi kêu lên nghẹn ngào:

- Bố ! Bố ơi ! ...

Ông Chẩn hơi giật mình. Nhưng khi nhận ra Lợi, cặp mắt bạc của ông như lồi ra, chòm râu giật giật. Lợi lao đến đỡ lấy ông. Một bàn tay gân guốc vịn lấy vai Lợi, tay kia run run chỉ ra phía trước, mả mạ con đó... nhớ không? May mà bom hắn chưa xới...

Lợi đã nhận ra. Nấm đất cao cao vừa được bố xới sạch cỏ. Mạ anh đã nằm đó từ ngày anh còn bé dại, mới chập chững bước đi. Nay hai bàn chân anh đã vượt qua bom, qua đạn qua bao nhiêu ngang trái của cuộc đời, qua cả ranh giới cắt chia do kẻ thù dã man nhất nhân loại tạo nên. Mạ anh vẫn nằm đó. Có lẽ vì thế mà bố không dứt khỏi mảnh đất này.

Khi đặt mạ con nằm xuống đây, bố không nghĩ rằng có một ngày nào đó bố bỏ mạ nằm một mình... ừ, thà mình bận đi một công việc chi đó... thà ở đây vẫn bình an, ấm cúng thì lòng dạ dù có xa mấy cũng thanh thản. Đằng này mình đi tìm lấy chỗ an nhàn. ở đây bom đạn tứ phía, mất còn chỉ sáng chiều thôi...

Ông Chẩn rầm rì nửa như nói với con, nữa như phân trần với người nơi chín suối. Lợi lặng lẽ cầm chiếc cuốc vun vun lại nấm mộ. Anh không đến mức nệ cổ như bố, song trong khung cảnh này cảm thấy bùi ngùi. Và anh bỗng nhận thêm ra rằng, mỗi một con người đều có riêng một lời thề với dĩ vãng. Có những lời thề đoạn tuyệt, có lời thề sinh tử không lìa. Bất cứ thế lực nào muốn khuất phục hiện tại, đừng nên nghĩ đến mối ràng buộc của hiện tại với xa xưa. Một con người cũng vậy, mà cả dân tộc cũng thế thôi.

Bố con ông Chẩn quay về đến chiếc lán dân quân thì nhìn thấy một cô gái bận chiếc áo hoa cà ngồi ở góc lán. Ông Chấn chạy vào trước:

- Con lên lúc nào đó ?

Nhưng người con gái không kịp trả lời ông. Cô đã nhìn thấy Lợi. Còn Lợi, sau một giây sửng sốt cũng nhận ra Thuấn. Cuộc gặp gỡ bất ngờ đến mức cả hai không chào nhau nổi một tiếng . Ông Chẩn chạy thẳng xuống hầm tìm nồi bắc cơm. Lợi vẫn đứng đực trước mái lán. Anh muốn gọi bố lại nhưng sao lên tiếng được. Thuấn ngồi đó, nổi khát khao nhớ nhung của anh hiển hiện ra đó, bao nhiêu dị nghị, ngờ vực, bao nhiêu gián cách đều được xóa sạch. Em đó rồi ! Khuôn mặt bầu tròn, mái tóc hơi quăn, đôi mi dày, khẽ chớp... Tiếng hát chao trong gió như đưa nôi, lớp mẫu giáo ríu rít bầy chim tập nhảy... So với ngày ấy Thuấn có khác đôi chút. Người đầy đặn hơn, cử chỉ có chậm chạp hơn, nước da trắng hơn, và màu áo hoa cà cũng có phần là lạ? Song chẳng có gì quan trọng. Sau tất cả mọi điều, vẫn đôi mắt chớp chớp kia, cả một tình yêu úp mở đang gọi. Lợi run run bước đến thật gần.

Hình như đã vượt qua được cơn xáo động, Thuấn nở một nụ cười bình tĩnh:

- Anh về thăm nhà hay đi công tác qua?

Lợi đáp bé xíu:

- Anh được về thăm bố...

Thuấn cười thoải mái hơn:

- Có định thăm út không?

Lợi cũng cười, nụ cười dở dang miễn cưỡng:

- Làm sao biết được cơ chứ... Thuấn vào từ hôm nào?

- Út cùng vào với bác. Anh ngồi xuống đi, làm gì mà rón rén như cáo bắt gà vậy? ...

Nhưng Lợi vẫn đứng, bàn tay lấn từng cọng tranh trên mái lán

- Bây giờ làm gì?

- Út mới vào, các anh chưa phân công chi hết. Mấy hôm nay út cứ chạy lên chạy về với bác...

Vừa lúc đó ông Chẩn bê nồi gạo lên, loay hoay nhen lửa Thuấn chạy lại:

- Bác để cháu làm cho.

Ông Chẩn buông tay nhìn Lợi:

- Tội nghiệp. Suốt dọc đường đi cơ cực không răng kể xiết. Không có nó dắt dìu thì chẳng biết có sống nổi mà về tới đây hay không. Thiệt con nhà quá tốt nết...

Rồi ông ngồi xuống bên Lợi kể lể. Bao nhiêu chuyện từ ngày Thuấn trở lại đất Tân Kỳ, từ khi hai bác cháu cất bước ra đi ông đều nhớ như in và kể hết. Cuối cùng ông kết luận:

- Bố còn sống ngày nào là mong chúng mày thành gia thành thất. Càng cực khổ càng phải biết giữ lấy cái đạo thủy chung con ạ.

Lợi ngồi lặng thin nghe bố nói. Anh không ngờ Thuấn lại giữ được nghĩa tình với gia đình mình như vậy. Nhớ lại những lúc giận Thuấn vô cớ anh thầm tự trách mình . Còn Thuấn thì vẫn ngồi lì bên bếp lửa. Chẳng ai rõ cô đang nghĩ gì. Nồi cơm đã cạn, ngọn lửa cũng tắt. Chỉ có bên bếp than vẫn hồng hắt lên hai gò má Thuấn. Bên ngoài trời tối lúc nào không ai hay.

Những dân quân trực chiến trở về. Trông thấy nhà co khách họ vui nhộn hẳn lên:

- Ái chà, chú Lợi! Mạnh giỏ hí?

- A, cô con dâu lại đến đây rồi, thánh thật.

Một cậu dân quân có vẻ kém tuổi hơn Lợi nhưng điệu bộ thì như một lão làng.

- Anh Lợi với chị Thuấn “tổ chức” đi cho rồi, Em xin nhận cái chân “trưởng ban khuấy động”

Tiếng cười xé lên. Một dân quân đứng tuổi cũng chen vào pha trò:

- Nhóc con nói bậy, mày. Người ta cưới nhau cốt được lúc vắng vẻ. Mày lại làm “trưởng ban khuấy động” thì muốn què cẳng hả ?

Lợi cũng bật cười. Ông Chẩn là người vui nhất. Ông giục Thuấn dọn cơm ra. Mọi người so đũa, gõ bát cười ồn ào. Thuấn không nói gì nhưng mặt đỏ rực. Cô hệt như người con dâu thật sự. Còn bữa cơm thì vui chẳng kém gì bữa tiệc cưới. Cho đến lúc tiệc tàn , những dân quân kéo nhau đi hết mà không khi căn nhà vẫn ngập tràn những niềm vui hể hả.

Ông Chẩn kiếm cớ đứng lên.

- Tụi bây coi nhà, tao đi kiếm miếng trầu bên chỗ thím Liễn, về liền đó.

Ông nói rồi đi luôn. Đêm tối mà ông đi rất nhanh, chứng tỏ cập chân còn mạnh lắm. Hơn nữa lòng ông đang vui, niềm vui như ngọn lửa rọi đường.

Còn lại hai người. Thuấn lấy kim băng khêu to ngọn đèn rồi ngồi xuống sát Lợi. Cô chủ động nói trước:

- út về Tân Kỳ gặp mạ, nghe mạ nói anh Lợi giận út lắm . Nghĩ cũng tội . Dạo nớ út uất lắm cơ. út chỉ tủi thân... khóc suốt...

Hai vành mi Thuấn chớp chớp. Lợi bỗng thấy tràn ngập một niềm thương cảm. Thôi, đừng nhắc chuyện cũ nữa. Sống bên nách kẻ thù làm sao tránh khỏi oan trái. Con người đã vượt qua được, đã xích lại gần nhau thì đưng chấp nê những gì phải trả giá.

Thuấn ngước lên nhìn Lợi giọng run run :

- Chừ may mắn gặp lại được anh, út chỉ mong anh thông cảm, đừng giận út nữa. Con gái thường yếu đuối hơn con trai...

Lợi muốn nói với Thuấn một câu, rằng chưa bao giờ tôi giận em cả. Rằng ngần ấy năm qua tôi cũng chỉ mong có lại được giờ phút này. Nhưng cổ anh đã khô lại. Đôi bàn tay run run. Anh choàng tay qua mái tóc của Thuấn khẽ tì vào. Thuấn hơi cúi xuống, ra vẻ không phản đối. Hai gương mặt trẻ gần lại với nhau, gần lại như một sự đền bù sau bao nhiêu tháng ngày xa xăm, cách trở. Còn có gì chia cắt được họ? Tiếng thở nồng ấm vội vàng. Trong hơi ấm tràn trề ấy Lợi bỗng nhận ra chút gì xót mặn. Anh đẩy nhẹ khuôn mặt Thuấn ra. Có vệt nước kéo dài từ khoé mắt xuống vành môi Thuấn. Vệt nước óng ánh, nóng hổi. Anh hỏi khẽ:

- Sao lại khóc, em?

Thuấn cúi đầu nín lặng. Lợi ghì sát vai cô vào người mình. Thuấn cứ ngồi vậy lặng thinh như một sự gửi gắm nương tựa. Một lúc khá lâu cô mới thì thầm:

- Bác về được đây an toàn, khỏe mạnh là út mừng lắm rồi. Chừ gặp được anh nữa là toại nguyện. Hồi nớ, trước khi đi anh có dặn út ở nhà chạy lên chạy xuống trông nom bác... Chỉ vì hoàn cảnh mà đã có lúc út không làm được lời dặn ấy. Nhưng chừ rứa là vui rồi... út cũng đỡ ân hận.

- Thuấn tốt với anh quá...

Anh chỉ nói được có thế rồi hai bàn tay anh nâng khuôn mặt Thuấn lên. Anh nhìn vào mắt Thuấn. Đôi mắt mà suốt bao chặng đường chiến dịch không bao giờ khép lại trong nỗi nhớ của anh. Lợi cúi người muốn đặt môi mình lên làn mi dày ấy... Nhưng Thuấn khẽ thở dài, đẩy nhẹ ra:

- Thôi... đừng nữa anh. Để út nói đã. Chừ gặp lại anh, mọi chuyện vẹn tròn rứa là út thỏa mãn. út mừng cho bác, mừng cho anh mà cũng mừng cho bản thân út nữa. Tuy có khi này khi khác nhưng chưa đến mức hổ thẹn với nhau. Rứa là vui ghê lắm rồi phải không anh?

Lợi hơi ngạc nhiên thấy Thuấn bỗng nhiên cứ nói dông dài. Trong lời lẽ ấy hình như có cái gì không được bình tĩnh cho lắm, nhưng mặt cô lại lặng đi, âm thầm. Có chuyện gì vậy Thuấn ơi?

- Gặp được nhau là vui lắm rồi. út biết anh là người giàu nghị lực. Cả khi út bỏ đi ở biệt ngoài bắc mà anh vẫn vui. Huống hồ chừ đã nói được với nhau tất cả những chi cần nói...

Lợi không bình tĩnh được nữa:

- Thuấn! Em nói những gì vậy? Anh chẳng hiểu gì cả...

- Dạ... ý út thế này... Chừ anh Lợi đừng yêu út nữa. Quên đi!

- Thuấn!

- Khoan đã mà, để út nói xong đã. Anh Lợi chỉ thương út như đứa em thôi. Còn út, suốt đời út vẫn quý anh Lợi, quý bác đây như quý cha đẻ của mình. Nếu có điều kiện út sẽ lên với bác. út cứ lên... Thiên hạ có cười út cũng chẳng sợ.

Lợi nhìn Thuấn sửng sốt. Cái gì đã xảy ra? Giọng Thuấn cứ nghẹn dần lại, những giọt nước mắt hối hả lăn xuống.

- Vì sao vậy em? Hay là... em đã...

Thuấn mỉm cười lạnh lẽo:

- Dạ. út có yêu thiệt rồi. Nhưng chừ út cũng từ giã cả người ấy nữa. út từ giã như từ giã một quãng thời gian thơ dại. út sẽ bắt đầu lại mọi việc. Lúc nãy út dấu anh đó, chứ đội thuyền tiếp tế Cồn Cỏ đã nhận út. Chiều nay út lên đây cốt để chào bác. Mai út xuống Vĩnh Quang. May quá, được gặp anh. út biết anh vẫn thương út. Xa nhau có thể anh sẽ buồn. Nhưng chắc buồn chóng thôi... vì sẽ có người thương anh hơn, út biết...

Giọng Thuấn nhòe ra, nước mắt tự dưng xối ào xuống. Thuấn khóc không cần giấu diếm. Cơn khóc như một trận mưa rũ sạch bao nhiêu ẩm dột. Cơn mưa báo một vụ gieo cấy mới bắt đầu.


CHƯƠNG BA MƯƠI BẢY

Tính chất hoạt động của tiểu đoàn 47 trong giai đọan này được tư lệnh trưởng Thường khái quát bằng mấy chữ trong hội nghị giao ban: “râm ran, rỉ rả”. Trên toàn chiến trường kẻ địch đã dốc toàn lực chúng ra, lấn ra từng bước, giành giật từng người dân, từng làng ấp. Về chiến thuật, bọn Mỹ sử dụng lối nhảy cóc bất thần đổ bộ để chiếm lĩnh từng cao điểm, kết hợp với khủng bố một cách tàn khốc các ấp giáp ranh để nạo sạch cơ sở Việt cộng. Vì thế cái chữ “râm ran, rỉ rả” mà tư lệnh nói với hàm ý phải nổ súng đều khắp chặn đứng các cuộc tập kích của địch, đồng thời bền bỉ bám dân, bám đất, lấn nhau với địch từng cơ sở một. Khi giao nhiệm vụ riêng cho đại đội trinh sát, chính trị viên tiểu đoàn muốn cụ thể hóa tinh thần trên bằng mộg khẩu hiệu khác: “Cắm sâu, căm lâu, cắm chắc, nhổ nhanh, nhổ mạnh, nhổ đều”

Đại đội trưởng Nguyễn Hữu Lợi nhận lệnh lúc hai giờ chiều đơn vị được phổ biến sau đó 40 phút và đến 5 giờ chiều ấy phải vượt sông. Đấy cũng là một biểu hiện của “nhổ nhanh”.

Khoảng 4 giờ chiều, đội tuyên truyền văn hóa đột ngột xuất hiện ở đại đội. Một buổi biểu diễn nhẹ được tổ chức. Trong lúc cả đơn vị chen chúc trong một chiếc hầm lớn để nghe hát thì Phương đã tìm gặp được Lợi ở hầm chỉ huy.

Cả hai đều rất mừng khi nhìn thấy nhau. Lợi kêu to:

- Chị Phương! Chị ra viện lúc nào? Hôm đơn vị ra ngoài này, tôi lên quân y thì người ta nói chị đã ra quân khu rồi. Tài thật.

Phương có phần bối rối:

- Anh Lợi tìm Phương thật à?

- Thiệt chứ. Tôi lo cho chị quá. Mà đấy, chị thấy tôi nói đúng không nào?

- Đúng cái gì?

- Vết thươngt của chị không đến nỗi nặng lắm. Tuy đạn xuyên vào ngực nhưng không phạm đến những bộ phận nguy hiểm, đúng không?

- Đúng. Nói chung anh Lợi nói cái gì cũng đúng. Bây giờ thì tôi tin rồi...

Lợi cười thoải mái:

- Hóa ra lâu nay chị không tin.

Phương hơi cúi xuống, giọng nhỏ lại:

- Không thật tin lắm. Có những chuyện anh nói, tôi không tin, hoặc tôi cố tình không tin... Nhưng giờ thì đành phải tin.

- Quan trọng thế cơ à? Chuyện gì thế, chị?

- Ví dụ... cô Thuấn chẳng hạn...

Lợi ngớ ra:

- Sao?

- Tôi đã gặp được bạn ấy. Ngẫu nhiên lắm. Thuấn và bác đi nhờ xe bọn này...

- à... ra thế.

- Suốt đêm ấy, tôi đã nói chuyện với bác về anh, thế mà tôi không biết có Thuấn ngồi cạnh. Cho đến sáng hôm sau, lúc xe về đến nông trường Lệ Ninh dừng lại nấu cơm thì mới nghe bác gọi tên. Tôi sững ra. Cô ấy cũng nhận thấy điều đó. Sau đó, dĩ nhiên là chúng tôi nói chuyện với nhau rất nhiều...

Lợi hỏi một cách miễn cưỡng:

- Chuyện gì mà nhiều thế hả chị?

- Chuyện con gái. Chuyện tình yêu. Tôi được biết anh đã yêu Thuấn như thế nào và ngược lại, Thuấn đối với anh ra sao?...

Lợi cười mỉa:

- Chắc chắn Thuấn sẽ nói, cô ấy yêu tôi hết lòng. Còn tôi thì... hay chấp vặt phải không?

Phương tỏ vẻ không bằng lòng với lối vũ đoán ấy:

- Ngược lại anh ạ. Thuấn nói anh rất tốt, anh đã yêu cô ấy một cách nhiệt tình...

- Ai yêu nhau mà chả nhiệt tình – Lợi ngắt lời Phương – Lẽ ra cô ấy phải nói tôi còn rất trẻ con trong nhận thức đối với chuyện ấy. Chị ngạc nhiên à? Tôi tự thấy như vậy đó, rất trẻ con. Còn cô ấy lại quá già...

- Này... Sao anh lại nhận xét con gái ác thế?

- Không, tôi không bảo Thuấn già... về tuổi tác đâu. Cô ấy còn xinh đẹp lắm. Nhưng tôi cứ nghĩ là, tuổi trẻ chúng mình bữa nay có một điều khác cơ bản với các bậc cha anh. Những người cha anh đi làm cách mạng vì muốn dứt bỏ một quá khứ. Quá khứ của họ là một màn đêm nặng nề. Họ đã đi trong đêm để đến với ban ngày. Còn thế hệ bọn mình thì khác. Chẳng có một cái gì đè nén chúng ta, hà hiếp chúng ta trong quá khứ cả. Ta bước từ ban ngày, vượt qua một đêm khốc liệt để đến với ngày hôm sau đẹp hơn. Như vậy, cũng là chuyện đi chiến đấu thôi thì trước đây cha anh ra đi vì không chịu được cuộc sống hiện tại, còn ta ra đi bây giờ vì nhận ra những gì rất tốt đẹp của tương lai... Tôi nghĩ là tình yêu cũng na ná như vậy. Vậy mà có người trong bọn ta cứ nặng nề vì một cớ gì đó của quá khứ, đến mức không dám tin vào ngày mai sẽ có hạnh phúc. Nghĩ vậy là già, mà tức cười nữa. Thiệt đó, già vì đã ảnh hưởng cách nghĩ của người lớp trước. Không, tôi nói sai rồi. Già hơn cả cách nghĩ của cha anh nữa. Vì như thế là chả tin vào một cái gì cả. Ngày mai cũng không tin. Tôi rất ghét cái lối nói: Sẽ làm lại tất cả!... Vì lẽ gì mà phải làm lại cơ chứ? Sửa chữa một sai lầm cũng không phải là sự làm lại, mà là một sự tiếp tục, phải không chị? Trừ một số ít người sai lầm từ đầu, lạc lõng từ đầu, chuyện đó thì không bàn đến. Dạo còn đi học, tôi có đọc một vở kịch của một ông gì đó ở nước ngoài về quãng đời một cô gái có những lầm lạc trong cách sống. Chị nên nhớ rằng cô ta thuộc thế hệ chúng ta, sinh ra với chủ nghĩa xã hội. Thế má kết thúc kịch, tác giả cho cô ta mở cửa, lắng nghe tiếng đài tập thể dục. Trong tiếng nhạc có tiếng hô dõng dạc, cương quyết: “Làm lại từ đầu. Một... hai... ba...” Chao, dạo đó tôi thích đến mê mẩn vở kịch ấy. Say đến mức cứ nghĩ giá mình có cái gì đó lầm lạc để rồi bỗng một buổi sáng tỉnh dậy đeược nghe cuộc đời gọi da diết: làm lại từ đầu! Chừ thì tôi nghĩ khác chị ạ. Không việc gì phải làm lại từ đầu cả. Điểm bắt đầu của bọn mình rất đúng. Trong quá trình đi, có gì sai sót thì sửa lại, thế thôi...

Phương thật sự ngạc nhiên vì lần đầu tiên, chị thấy Lợi bàn về sự đời một cách sôi nổi, có phần chỉ trích nữa. Cũng là lần đầu tiên Phương nhận ra chân dung của anh một cách hoàn chỉnh. Chị không quá hiền như lâu nay chị tưởng. Có lẽ cuộc chiến đấu đã bồi đắp những gì còn thiếu trong anh. Lợi càng nói, đôi mắt càng sáng ra. Thỉnh thoảng đôi môi của anh lại mỉm cười. Vẻ cười hơi có phần chế giễu. Phương bỗng thấy sờ sợ. Chị biết chắc là anh đang nói về Thuấn. Nhưng sao chị nghe sao như anh đang cố châm những mũi kim về phía chị. Bởi cũng có những lúc chị oán trách cuộc đời, đã cố dặn lòng vùi chôn quá khứ... Vậy ra chị cũng bị di sản của những nếp người cũ? Cả Kim Hà cũng thế? Mà cả chính anh ta cũng vậy thôi...

Buổi biểu diễn kết thúc. Diễn viên thu dạn nhanh trang phục rồi kéo nhau về hầm chỉ huy. Trực ban thổi còi. Chiến sĩ trinh sát tập hợp. Lợi đứng dậy:

- Lần này bọn tôi đi, chị biết phải thế nào không? Râm ran, rỉ rả đấy – Lợi cười – Việc đánh nhau có cái khoái là chẳng bao giờ phải làm lại cả. Dù thắng hay thua thì cũng là một trận đánh, một bài học, một điều vô giá trong đời mình. Cứ “râm ran, rỉ rả” thế mà tích lũy. Tôi tin, cứ một người lính đi qua chiến tranh sẽ tích lũy cho mình vô vàn điều quý giá. Dù có đổi bằng máu cũng không có chi phải nuối tiếc cả.

Họ chia tay nhau. Đại đội trinh sát xuất kích lúc nhá nhem tối. Đội tuyên văn quay về bộ tư lệnh. Có cơn giông nổi lên trong đêm. Nhưng trời vẫn không mưa được. Phương cảm thấy mệt mỏi và đau nhói vùng ngực. Chị về hầm riêng nằm nghỉ.

Thế là bao nhiêu dự định nói với Lợi một điều thầm kín nhất, Phương vẫn không sao nói được. Chị không thể dấu lòng mình mãi. Rõ ràng chị đã yêu anh! Tình yêu có cáqi gì đó không thật xuôi chiều. Có điều gì đó như một chiếc ba-ri-e mỏng manh mà không ai dám vượt qua. Nếu ai đã khách đường trường của những năm tháng này thì nhất định sẽ gặp í6t nhất là một lần chiếc ba-ri-e ấy. Nó thường xuất hiện ở những ngã ba, ngã tư, những bến phà, mố cầu hoặc bất kỳ một chỗ nào đó... Nó vừa là bạn đường thân quen, lại vừa là chướng ngại. Nó báo hiệu sự thường trực của cuộc sống, mà cũng ám chỉ những hiểm nguy khó tránh khỏi của cái chết đang chờ. Người đi đường thường yêu nó, nhờ cậy nó, đồng thời cũng dồn trút bao bực bõ, gắt gỏng vào nó...

Thực ra không ai ngại chiếc ba-ri-e... họ ngại những gì đằng sau cái chân đường ấy. Người ta bực bõ vì những nguyên do đã đầy chiếc ba-ri-e ra ngáng giữa trục đường.

Tình yêu của Phương cũng như vậy.

*



Lần này đại đội trinh sát được lệnh chuyển hoạt động lên khu tây. Lợi lại trở về với làng An Nha, trục đường chín và đèo Cùa.

Quang cảng vùng này so với hai năm trước đã đổi khác quá nhiều. Những con đường giao liên bị bằm xé đứt quãng. Nhiều chỗ không còn nhận ra lối đi. Bọn địch đã núng ra tất cả những ấp giáp ranh. Bom và pháo bừa nát những bìa rừng tạo nên những vành đai trắng. Các đơn vị thám báo đóng dã ngoại và di chuyển thường xuyên để săn lùng các đội công tác chính trị của ta. Theo người đội trưởng đội chính trị Cam Lộ – một thanh niên mồ côi ở làng Ba Thung, vốn là thường vụ huyện ủy về thay ông đội trưởng già vừa hi sinh hồi đầu năm – cho biết, tình hình trở nên khó khăn sau khi Khe Sanh bị vây chặt. Bọn Mỹ không gỡ được gọng kìm đang xiết vào Khe Sanh buộc lòng phải núng ra đường Chín để làm áp lực. Như vậy, nếu nhìn vào thế trận của cả vùng lớn thì ta đang bao vây chúng, nhưng trên địa bàn Cam Lộ – Gio Linh thì chúng đang lấn bật ta ra...

Người đội trưởng dùng dao găm thái vụn một lá thuốc Cẩm Lệ, mời Lợi hút rồi đột ngột hỏi:

- Ông Lợi năm nay bao nhiêu tuổi, hầy?

Lợi hơi khó chịu. Sao ở đây người ta vẫn hay quan tâm đến chuyện tuổi tác thế? Cũng có thể đấy chỉ là câu đầu môi để làm quen nhau. Nhưng Lợi luôn luôn mặc cảm rằng, trước con mắt mọi người, anh còn quá trẻ.

- Úi chà, đánh nhau túi bụi, nhớ thế quái nào được tuổi tác...

- Túi bụi của các ông cũng còn sướng bằng vạn bọn này.

- Thật thế không?

- Còn chi nữa. ít ra các ông còn có Vĩnh Linh mà ngả lưng một tí. Hậu cứ ra hậu cứ. Chúng mình nằm ngủ cũng phải lên đạn sẵn sàng, ngồi ăn cơm phải cho người canh gác...

- Chà, ông làm như bọn tôi chưa biết cái đội công tác này đó.

- Rồi, tôi biết ông đã từng ở đây, từng vào ấp, chạy càn. Vân vân nữa. Nhưng thời đó khác, thời chừ khác. Khác ghê lắm rồi ông ạ. Hà...Nói chữ thời nghe mà khiếp. Một thời cách nhau vài tháng thôi. Trước tết Mậu Thân còn ung dung lắm. Hồi đó tôi còn trên huyện...

Lợi không muốn nghe những lời kêu ca nữa nên chuyển lần câu chuyện:

- Anh ở Huyện có lâu không?

- Ba tháng.

- Rứa trước đó?

- ở ngoài bắc.

- Ngoài bắc ở vùng nào?

- Hà Nội.

Lợi ngớ ra hỏi dồn dập:

- Rứa à? Mà làm chi ở Hà Nội?

- Dạy học.

- ủa... Rứa... anh dạy lớp mấy?

- Đại học.

- Trời đất ơi!...

- Sao? Khó tin à? Mình dạy khoa sinh ngữ tiếng Nga đó. Hà... Cái “thời” ấy cũng ghê...

Lợi tròn mắt nhìn người đội trưởng. Khuôn mặt xanh xám. Hai lông mày lơ thơ. Mái tóc bù xù. Còn hàm răng thì khói thuốc đã nhuộm thành màu vỏ cây. Thế này mà là một giảng viên đại học ư?

- Sao ông nhìn mình hung vậy?

- Không ạ...

Lợi quay mặt nhìn hướng khác. Cái giọng nói nặng chịch âm điệu Cam Lộ. Thế này mà nói tiếng Nga làm sao hè? Nghĩ vậy anh tủm tỉm cười:

- Hồi ở cấp III tôi cũng có học tiếng Nga...

- Thế à? Ai dạy ông thế?

- Cô Hạnh.

- Hạnh à? Hạnh có sứt một chiếc răng cửa này phải không? Tớ nói thật mà. Tại vì cô ta không bao giờ phát âm được “xe”... cái răng sứt tai hại...

Lợi cười chảy nước mắt:

- Hóa ra anh cũng biết cô ấy à?

- Học sinh của tớ đấy mà.

- ủa, rứa anh năm ni bao nhiêu tuổi rồi?

Người đội trưởng nheo mắt nhìn Lợi có vẻ giễu cợt:

- Tớ cũng túi bụi đánh nhau, không nhớ được. Ang áng độ bốn mươi

- Sao anh đang dạy mà lại phải vào trong này?

- Tớ xin vào đấy chứ. Tớ nhận được tin... cả nhà, cả họ bị nó giết hết. Nó giết không còn một người thân nào, ông nghe thấy chưa? Thế thì tớ ở ngoài Hà Nội làm gì nữa. Hà... Cái thời...

Lợi lặng người nhìn đồng chí đội trưởng. Quả thực nhìn kỹ mới thấy có những nét già.

Điếu thuốc quấn vừa tắt, người đội trưởng lại quấn dồn thêm một điếu nữa. Anh rít một cách dữ tợn rồi phà khói ra tràn trề trước mặt. Rồi anh quay ngoắt sang chuyện khác:

- Thôi, bàn đi. Theo ông nên đánh đấm cách nào đây?

- Tôi muốn được nghe chỉ thị của huyện ủy...

Người đội trưởng xòe hai ngón tay ra:

- Pe-rờ-vưi... nghĩa là thứ nhất: bám. Fta-rôi.. thứ hai: đánh. Vxiô, tất cả chỉ có vậy thôi. Hà... còn ý của mình thì thế này, đại dội của ông đã từng ở đây, đã từng bám cơ sở. Ta cứ dùng kinh nghiệm của những năm trước, chia nhỏ thành mấy mũi cắm vào các ấp... Chà, cơ sở căng lắm rồi ông ơi. Một số người bộc lộ ra dạo Mậu Thân đã bị nó triệt mất rồi. Số mới thì ít ỏi và cũng không vững vàng lắm...

- Anh có biết mẹ Xướng và chị Hoan ở An Nha không?

- Có. Bà Xướng thì tiêu cực, co lại rồi. Còn con Hoan, con quỷ thì đúng hơn. Phải khử cho được con ấy...

Lợi cảm thấy lạnh người:

- Chị ta phản bội đến mức ấy kia à?

- Hừ... Nó là con quỷ. Nó phá tan tác cả ấp An Nha rồi. Còn thằng chồng nó, đồ khốn kiếp, nói chung phải tùng xẻo cái cặp ấy đi thôi. à, hay ông đảm nhiệm mũi ấy...

- Dạ... Cứ để suy nghĩ cho kỹ...

- Nghĩ cái gì? Phải diệt ngay hai tên ác ôn ấy mới gỡ bung được vòng kìm kẹp củaAn Nha.

Lợi nín lặng. Trước đây anh cũng từng tuyên bố như vậy. Nhưng có phải vì vậy mà dồn Hoan vào thế cùng không? Bây giờ còn mẹ Xướng nữa... Liệu mẹ sẽ phản ứng như thế nào khi thấy mũi súng cách mạng đang chĩa vào Hoan?

- Tôi nghĩ thế này anh ạ - Lợi nói chậm rãi - Tình thế đã khác trước nên cũng không thể áp dụng kinh nghiệm cũ một cách máy móc được. Theo tôi, không nên chia lẻ bộ đội ra. Phải dùng đơn vị này như những quả đấm. Đấm vào đâu, chỗ đó phải bung ra cho bằng được. Ta nên tìm lấy một trọng điểm. Trọng điểm đó phải có những yếu trố như thế này này... Cơ sở bị dồn nén cần được bung. Kẻ thù chủ quan và thô bạo. Địa hình thuận lợi cho sự chi viện từ ngoài. Chọn được thì ta tung quả đấm vào. Rồi sau đó chốt lại. Cần tổ chức ngay chính quyền. Nói thật, mang tiến là Huyện uỷ, Xã uỷ mà các anh cứ bị tách ra trên rừng thế này không ổn đâu. Địch nó ở trong ấp , nó gần dân mình hơn. Thằng Tá nó đánh gục đưịơc chị Hoan chỉ vì nó tiếp cận được . Có vậy thôi...

- Hà...

- Người đội trưởng thở to một tiếng rồi không nói gì thêm nữa. Anh lại dùng dao găm thái thuốc. Lưỡi dao cưa siết từng nhát. Rồi bất ngờ anh cắm phập mũi dao xuống cây gỗ kê làm bàn ăn.

- Chọn “thằng” An Nha đi! An Nha được lắm. Mai tớ lên báo cáo huyện, ông hí? Khơ-ra-sô! Tốt lắm

*

Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 47 nhận được một lá thư dài của Lợi trình bày ý định đánh ấp, An Nha. Anh báo cáo với Đảng uỷ tiểu đoàn. ý định ấy được Đảng uỷ chấp nhận. Tiểu đoàn trưởng liền phác ngay một kế hoạch hợp đồng tác diện, đồng thời gửi luôn lá thư ấy ra cho tư lệnh trưởng Thường cùng với kế hoạch chiến đấu của tiểu đoàn.

Tư lệnh đọc xong thư của Lợi đi qua nhà Trần Vũ ông cười khà khà:

- Này, cái anh chàng Lợi đang viết tiểu thuyết hay sao ấy?

Chính uỷ có vẻ ngac nhiên :

- Chuyện gì thế?

- Ông xem đi. ý kiến hay lắm. Chỉ có điều, thư báo cáo tình hình y như một truyện ngắn trên báo ấy. Theo tôi, cứ đổi tên người, tên ấp đi là có thể gửi ra đăng sách được.

Ông trao thư cho Trần Vũ và nói thêm :

- Nó mà đánh được An Nha thì tuyệt đấy. Tôi bảo với “thằng” pháo mặt đất chi viện.

Tư lệnh trưởng quay về hầm. Trần Vũ xem vội lá thư của Lợi. Câu chuyện mà tư lệnh trưởng bảo y như truyện ngắn ấy chinh là quá trình diễn biến của gia đình mẹ Xướng. Chuyện nay cách đây một năm Lợi đã kể sơ qua với chính ủy. Khi đó Hoan đang trong trạng thái lao động. Còn bây giờ, tấm bi kịch đã trùm lên căn nhà ấy rồi. Sở dĩ Lợi trình bày kỹ điển hình này là để đi tới một kết luận: Nếu ta không nhanh chóng khởi nghĩa thì địch sẽ tiếp cận đánh gục từng cơ sở. Trần Vũ xem xong ngồi lặng rất lâu. Rồi đột nhiên anh đứng dậy chạy lạ quay máy điện thoại :

- Alô! K2 đâu? tôi gặp tiểu đoàn trưởng... Vũ đây. à Tùng đấy phải không ? Đơn vị vẫn săn sàng chiến đấu đấy chứ. Tốt. Này Tùng ạ...Mình muốn nói với cậu điều này...Mình rất muốn lúc nào cậu cũng khoẻ...Đúng rồi ...chiến đấu rất cần sức khoẻ...Nếu không thì không trụ được với kẻ thù đâu . Cái gì? Cậu ngạc nhiên à? ừ, mình sẽ nói... Thôi mình xuống cô cậu tiện hơn....

Trần Vũ vừa chui ra khỏi hầm lại thấy tư lệnh trưởng Thường xồng xộc đi đến:

- Hay quá, ông Vũ ạ . Bọn địch chuẩn bị bỏ Khe Sanh rồi.

- Thế a?

- Điện đây, xem đi!

Trong lúc Trần Vũ đọc bức điện của mặt trận B5 thì Thường vẫn nói:

- Báo động toàn khu vực Vĩnh Linh. Động viên các lực lượng bộ binh , dân quân du kích áp sát vào đường Chín chặn địch lại. Pháo mặt đất sẵn sàng chi viện và chặn đứng các đoàn cơ giới. Cần chỉ thị cho đại đội trinh sát đánh ngay An Nha...

- Nhưng việc đánh An Nha còn phải có ý kiến của Huyện ủy Cam Lộ nữa chứ?

- Các anh ấy chắc cũng nắm được tình hình này rồi. Tuy vậy ta vẫn điện vào trao đổi. Tôi sẽ bảo tham mưu trưởng viết điện. Anh định đi đâu bây giờ đấy?

Chính ủy bỗng lúng túng:

- Không... Chẳng đi đâu cả. à, tôi định xuống chỗ cậu Tùng...

- Thế thì hay rồi. ý tôi muốn điều “nó” về khu vực 24B. Chắc chắn lần này sẽ làm ăn được một cú ngon nữa.

- Vâng. Để tôi bàn cụ thể với “nó” xem.

*



Đêm ấy trời tức giông, ngột ngạt nhưng vẫn không chịu mưa. Sao giăng chi chít trời. Những tiếng động ầm ì, nặng nhọc từ đâu đó dội tới. Có thể là máy bay khu trục đi ném pháo sáng. Cũnh có thể là tiếng xe vận tải, xe xích hoặc tàu chiến. Rất khó phân biệt. Chỉ biết rằng đêm ấy đã trôi qua ì ạch và mệt mỏi.

Đêm ấy Tùng ngồi ở vị trí cao nhất của trận địa 24B. Xung quanh anh lúp xúp cây lá. Đấy là những lùm cây sót lại sau bao trận B52 bừa xáo. Đấy cũng là những ụ pháo mới được ngụy trang. Xa hơn chút nữa là triền sông Bến Hải, có những cây tre cằn xuống thấp lè tè, có những cây phi lao bị thiến mất ngọn lù lù cành đâm ngang. Khó mà nhận dạng chúng trong đêm. Chỉ xchắc chắn một điều, tất cả hình như đều thao thức, trở trăn.

Đêm ấy quyết không phải là đêm đầu tiên Tùng nhìn thẳng ra bờ sông

cắt chín mà lòng thấy ứ lên bao nhiêu nỗi căm tứ, hằn học. Đã nhiều lần đi địa hình, nhiều phen đưa đơn vị vào thế trận phục kích, và cũng không ít lần lững thững dạo chơi vô mục đích nữa, anh đến với sông và lòng lại quẩy lên câu hỏi: Bao giờ hết chia cắt? Bao giờ hạnh phúc trở lại? Bao giờ?... Chẳng biết bao giờ chỉ thấy đêm nay cả trận địa cũng thức theo anhvì lệnh báo động cấp 1. Kẻ địch đang muốn tháo chạy thoát thân khỏi Khe Sanh. Máy bay của chúng có thẻ sẽ hoạt động ồ ạt để cứu bọn dưới đất. Lệnh báo động được truyền sau câu chuyện riêng tư mà Chính ủy đã nói cặn kẽ với anh.

Đêm ấy, thực là lạ. Nếu như có một lần anh đã hỏi Thảo: “ Có bao giờ chị mỏi lòng không? ” rồi anh chờ đợi câu trả lời hồi hộp như nhìn thấy những trái bom rơi xuống, thì đêm ấy sau khi câu chuyện của Chính ủy kết thúc, lòng anh đột ngột lạnh đi, trơ ra như phiến đá phơi trần suốt đêm sương giá. Những quả bom anh chờ đã nổ. Những tiếng nổ không làm anh giật mình. Một cảm giác mệt mỏi, ngao ngán xâm chiếm cõi lòng anh. Biết rằng trạng thái tinh thần ấy không có lợi cho cuộc chiến đấu sắp xảy ra nhưng anh không sao xua đuổi được. Đêm ấy thật chán nản. Sao trời và cảnh vật cứ trơ ra vô duyên và thừa thải...

*



Cũng đêm ấy có một người đau khổ thay cho anh, dằn vặt thay cho anh, đó là Lợi. Anh đang chủ trì cuộc hội nghị quân chính đơn vị . Tấm ra bàn bày ra trước mặt. Chiếc nhà lợp tôn gần giữa trung tâm ấp được đắp cao lên đột xuất. Đấy là mục tiêu quan trọng của trận đánh. Lợi thuyết minh cho các cán bộ về địa hình. Anh nói rõ từng lối vào, từng cửa chính, cửa phụ, cửa buồng. Nói đến đâu kỷ niệm kéo về đến đó. Chỗ ấy anh nép mình quan sát ra ngoài... Chỗ kia anh ngồi lắng nghe mẹ Xướng dặn... Chỗ nọ Hoan cầm tay anh kéo đi... Thế mà giờ... chỗ ấy để phòng lựu đạn... chỗ kia có thể bị phản công...

Trung đội trưởng trung đội một, mũi được giao đánh vào mục tiêu này đưa tay lên hỏi:

- Đề nghị đại đội nói rõ khả năng xử lý mục tiêu?

Lợi trả lời luôn:

- Mật tập, bám sát mục tiêu. Trong nhà có hai người thôi, bà mẹ đi ở nhà khác rồi. Trong hai người chỉ bắn chết kẻ nào chống cự. Cố gắng bắt sống, nhất là cô con gái !

- Nếu không bắt sống được?

- Đành phải tiêu diệt.

- Nếu lực lượng chống cự mạnh mà ta không có khả năng áp sát vào mục tiêu?

Lợi nhíu mày nhìn lại người vừa hỏi. Anh thầm oán trách những giả thiết rắc rối ấy. Nhưng làm sao né tránh được. Giọng anh đanh lại, lạnh lùng:

- Thì dùng B40 dập tắt cả mục tiêu !


Đăng ngày 27/06/2010

Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Trần Thị Trà My - 25/11/2013

Chào chú Xuân Đức!

Dưới sự hướng dẫn tận tình của Giáo sư Biện Minh Điền cháu đã bảo vệ thành công đề cương luận văn : CHIẾN TRANH TRONG TIỂU THUYẾT XUÂN ĐỨC (QUA HAI TÁC PHẨM Cửa gió và Bến đò xưa lặng lẽ)
Hiện tại cháu đang đọc nốt các chương còn lại của tiểu thuyết Cửa gió.
Thú thật,  cháu càng đọc càng thấy hấp dẫn chú ạ!
Cám ơn chú đã cho đời những những tác phẩm viết về chiến tranh hay như thế.

  Gửi bởi: TT - 27/11/2013

Hic...làm đề cương luận văn thành công trước khi đọc tiểu thuyết ư?
  Gửi bởi: Trần Thị Trà My - 13/12/2013

Muốn đọc và cảm thụ một cuốn sách hay phải đi từ đọc lướt đến  đọc thẩm thấu  TT ạ.

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan