Tác giả: Xuân Đức
Thế là World cup hết, Tây thắng Hà thua. Nắng nóng trên 50 o C cũng tạm dịu lại. Và Cửa Gió, nơi đã làm khổ nhiều người suốt mấy tháng nay cũng đã đến hồi kết. Chương 42 là chương cuối của bộ Tiểu thuyết 2 tâp, được coi là bộ sách đầu tay của tôi. Như đã nói phần giáo đầu, vì không có thì giờ để chấm morat nên bị sai nhiều quá. Nhìn qua cũng biết mà đành chịu. Rất mọng bạn đọc thứ lối cho. Tôi post chương cuối cùng này lên rồi xin phép khách bạn tạm nghỉ đăng bài mới trong vòng hơn nửa tháng, vì cuối tuần này tôi phải đi trại viết Sân khấu ở Nha Trang, sau đó lại ra Hà Nội dự Đại hội Nhà văn Việt Nam. Nghỉ đăng bài thôi còn giao lưu thì thoải mái vì dạo này tôi đã có con 3G kẹp theo laptop rồi.
Chương bốn mươi hai
Trần Vũ chạy bộ trên trục đường đất đỏ xuyên từ Vĩnh Thành lên Vĩnh Hoà. Sau anh, chiến sĩ cần vụ kẹp chặt khẩu AK vào nách, vừa chạy, vừa thở. Mắt cậu ta đỏ dừ. Thỉnh thỏang Trần Vũ phải đứng lại đợi.- Này, dạo ở đơn vị cậu có tập chạy vũ trang không?
- Dạ không.
- Hừ, cậu huấn luyện được lâu không?
- Dạ, tám hôm.
Trần Vũ lại chạy. Cậu cần vụ vẫm cắm đầu đuổi theo. Đây là người công vụ thứ ba ở với Trần Vũ kể từ ngày anh quay lạ nhận công tác ở Bộ tư lệnh Vĩnh Linh. Trần Vũ hơi lấy làm ngạc nhiên vì sao tham mưu lại điều cho anh một người bạn vừa yếu lại vừa mới toanh như vậy.
- Sao lại phải chạy dữ thế này, thủ trưởng?
- Tình hình khẩn trương. gắng lên. Quê ở đâu?
- Vĩnh Quang
Trần Vũ hơi chậm chân lại:
- Này, bọn Mỹ đang huỷ diệt Vĩnh Quang đấy.
Người cần vụ mở to mắt nhìn anh, không nói. Chẳng hiểu cậu ta nghĩ gì. Trời sáng rõ. Lẽ ra anh có thể trở về được sớm hơn. Nhưng khi ra đến Cẩm Phổ, một tốp du kích trực ở đó cản đường không cho anh vượt sông chỗ bến Cửa Tùng. Theo họ nói, bến đã bị phá huỷ nghiêm trọng. Hiện máy bay và pháo đang bắn vào đấy dữ dội. Thế là Trần Vũ lại phải quặt trở lại bến Hiền Lương. Anh vượt sông trong tiếng gầm thét ầm ào của phản lực.
Bây giờ thì tất cả đã yên ắng. Một buổi sáng mùa thu trong vắt. Không có gió nhưng có lẽ trời se se lạnh. Trần Vũ cảm giác được nhờ những lúc dừng chân chờ người công vụ, mồ hôi lăn giọt trên mặt, thấm ướt ngực lành lạnh.
Vượt qua khỏi con đường xuyên làng, họ gặp một con đường lớn nối từ Cáp Lài ra đường 79. Có tiếng ô tô gầm gừ phía đầu dốc. Hai người dừng lại thở. Đã thấy những lùm cây um tùm di động đến gần. Trần Vũ nhận ra ngay là kéo pháo. Anh nán chờ.
Chiếc xe đi đầu dừng lại. Có hai người nhảy xuống. Đấy là tham mưu trưởng Trần Chính và tiểu đồan trưởng Lê Viết Tùng.
- Anh vừa ra à ? Họ chào Trần Vũ.
- ừ, Chính ơi, tình hình thế nào đấy?
- Quân chó má ! Nó rải bom bi từ mờ sáng hôm qua anh ạ. Nó rải dọc theo các khe tre, chỗ dân mình vẫn làm hầm để ở đấy. Bom bi liên tục từ sáng đến khoảng tám giờ thì ngừng. Những người thoát nạn lục tục bỏ khe tre chạy ra địa đạo ở thép biển. Đến mười giờ, nó bắt đầu giã cào cửa địa đạo. Nó đánh tới mức cái bờ đất đỏ Tân Lý cao như thành xây thế mà thấp hẳn xuống. Một cửa địa đạo sập hơn một trăm người...
- Chao ôi ! ...
Trần Vũ kêu lên rồi im lặng đi. Anh không thể tưởng tượng sự thể lại như thế. Người công vụ bên cạnh thì run lên bần bật. Trần Chính nuốt khô trong cổ, nói tiếp:
- Đểu quá, nó đánh chính xác y như cầm đất ném vậy. Trong vụ này tôi nghi có điệp.
Tai Trần Vũ ù lên, anh không còn nghe được gì nữa. Phía sau tham mưu trưởng là Tùng. Mắt anh ta đỏ dọc, mũi luôn luôn khụt khịt. Trần Vũ nói khẽ:
- Đi đi ! Nhanh lên các cậu...
Không ai nói gì thêm. Những tiếng nổ dồn dập đang chèn lên ngực họ, Trần Chính và Tùng chạy trở về xe. Những khóm cây lại hừng hực lao đi, bụi đất đỏ cuộn đặc con đường.
Chạy về đến cuối xã Vĩnh Hoà. Trần Vũ bỗng gặp ông Chẩn đang vịn tay vào bờ hào, mắt dại đi nhìn về phía xóm Cửa. Anh vội chạy đến:
- Bố !...
Ông Chẩn nhìn anh mừng rỡ:
- Ông thủ trưởng...
- Con vừa ở chỗ Lợi về, bố ạ.
- Hả?
- Dạ, Lợi vẫn khoẻ, rất khoẻ. Cậu ấy đã nhận tin tức của anh Quyền. Anh Quyền đang sống, chiến đấu trong nhà tù Mỹ - Nguỵ.
Ông Chẩn đứng sửng người, mắt ngó lơ láo như không còn tin vào những gì hơn được nữa.
- Thế thôi bố nhé, con gấp quá. Anh Quyền còn sống, thế là vui lắm rồi...
Trần Vũ túm vội tay ông Chẩn lắc mạnh. Rồi anh buông tay và tiếp tục chạy. Anh tin rằng ông Chẩn sẽ vui không sao tả xiết bởi đấy là nổi khát khao lớn nhất của ông. Đấy là câu hỏi day dứt nhất mà ông đã trút vào tâm tư anh từ buổi gặp đầu tiên trên bến Cửa. Trần Vũ vừa chạy vừa nghĩ. Thôi chiến tranh có bao nhiêu điều mất mát, nhưng chĩ cần một bù đắp như vậy cũng thoả nguyện lắm rồi.
Nhưng anh đã lầm. Niềm vui ập đến đối với ông Chẩn gần như đồng thời với sự choáng váng, bần thần. Rồi sau đó là sự hoảng hốt. Không ai hiểu nổi ông nghĩ gì lúc này. Chính ông cũng không đủ minh mẫn để lý giải lòng mình nữa. Trong ông cả một vũ trụ hỗn độn và thăm thẳm. Ông đã từng thương Thảo đến đứt ruột mỗi lần thấy nó côi cút bơ vơ. Ông đã quá nhiều lần mong con dâu bước đi bước nữa. Nhưng cũng không phải không nhiều lần ông thấy tủi nhục khi nghĩ rằng sẽ đến một ngày nào đó, ông bị bỏ rơi. Cái linh cảm ấy xuất hiện ngay từ những ngày đầu thằng Quyền bị nạn. Không hiểu vì sao lúc đó, cứ nhìn cái nón trắng của Thảo ông lại thấy chạnh lòng. ừ, cái nón trắng quá xem ra không hợp chút nào với một mái đầu thiếu phụ. Rồi cái lần nhìn thấy con băng đồng chỉ sá đi tìm một anh thương binh nào đó... Không ngờ sau này lại chính là Tùng. Âu là duyên kiếp trời định. Cảm giác mất mát lớn dần trong ông. Nhưng ông không chống lại, đó mới là điều khó hiểu. Không những ông không chống lại mà lại tự tách mình ra, tự mình khoác nổi cô đơn đi vào quảng đường chót của cuộc đời.. Ông cứ tưởng rằng việc mình bỏ vào Vĩnh Linh sẽ tạo điều kiện cho Thảo ở một mình, tự do suy tính không phải có gì canh cánh bên lòng. Cho đến khi thấy Thảo gửi con lao vào theo để tìm, ông mới nhận ra việc làm của mình đã có tác dụng ngược lại. Hoá ra việc ông bỏ đi làm Thảo giật mình, run sợ. Rồi chị thấy ân hận. Chị tự phán xét tội lỗi của mình . Ai mà lường hết những rối rắm ấy trong tâm can phụ nữ. Khi ở cạnh bố chồng, dốc lòng thờ phụng nghĩa cũ tình xưa thì người phụ nữ ấy lại khao khát vươn tới một sự đền bù mới lại. Nhưng khi bị dứt khỏi mọi ràng buộc thì cũng chính con người ấy lại run sợ và cố lòng níu kéo quan hệ cũ xưa.
Bây giờ lại có tin thằng Quyền đang sống! Mừng, mừng không nói nổi. Nhưng nó sống, nó về, có phải đó là sự phán xét cuối cùng của đạo nghĩa không? Trong những ngày nó ở xa, mà lại xa trong hang hùm, nọc rắn, xa trong bao nhiêu gian truân khổ hạnh, thì vợ nó ở nhà thế nào? Bố nó thế nào? Trời ơi, có phải cả ông, cả Thảo đều loay hoay tìm cách cư xử với nhau trong một ý nghĩ: Nó đã chết? ừ, thì ra tất cả cứ cố tình coi nó đã chết để rồi suy diễn bao nhiêu thứ, tính toán bao nhiêu điều. Bây giờ nó còn sống, không, nó từ cõi chết lừng lững trở về, nó nhìn, nó cười chua chát, nó sẽ nói một câu : Rứa là rõ rồi! Tôi đã rõ người sống rồi, nhờ tôi đã qua một lần chết!
Ông Chẩn thấy ruột gan cồn cào, không thể ngồi đứng yên ổn được nữa. Cần phải nói với con Thảo một điều gì đó. Nhưng Thảo đã xuống xóm Cửa từ hôm qua. Nó nghe tin máy bay đánh bom dưới đó nên tất tả chạy về coi tình hình. Khéo không lại gặp nạn như mạ nó ngày trước. Ông Chẩn không dám nghĩ đến nữa. Ông chụp cái nón đội lên đầu, khoác lại đôi dép bốn quai, rồi cứ thế vừa đi vừa chạy về hướng xóm Cửa.
Gần trưa ông mới xuống đến nơi. Trời đất ơi, không thể nào nhận ra lối đi, nhận ra thôn xóm nữa. Từ ngày sơ tán đến nay đã hơn một năm, bữa ni mới có dịp ghé về xóm Cửa. Đất toang hóc, nham nhở, đỏ ối. Những dãy tre mọc lúp xúp dọc theo những mép khe nhỏ đã bị cháy trụi, múi than mới, ngai ngái hôi. Khói đen bò lan man theo sườn đồi. Hơi lửa phả hầm hập, tức thở.
Ông Chẩn quá mệt, mồ hôi vã ướt đẫm áo. Máy bay vẫn nháo nhác trên đầu. Ông vừa chạy, vừa ngồi thụp xuống, vừa ngó ngược ngó xuôi. Thỉnh thoảng một loạt bom nổ gần xô dúi ông vào bờ đất. Chưa bao giờ ông thấy sợ như lần này. Sợ thì sợ, song ông vẫn chạy. Mong được gặp một ai đó, mong nghe một tiếng gọi. Ông vừa chạy vừa lầm rầm nhắc tên Quyền. Nó còn sống!... Nó sẽ về!... Tất cả rồi sẽ êm đẹp như xưa...
Bỗng ông nghe có tiếng người phía trước đường hào. Ông mừng quýnh cả chân. Đoàn người hiện ra, họ chạy về phía ông. Hai người một cáng, cáng bằng vải bạt, cáng bằng vỏ chăn, cáng bằng cả những vạc giường kẹp lại. Những khuôn mặt nhem nhuốc khói than, những khoé mắt đỏ vằn long lanh nước. Ông Chẩn há to mồm kêu không thành tiếng:
- Răng rứa... mấy chú?
- Bom.
Tiếng đáp cộc lốc. Những chiếc cáng lướt qua. Mặt ông Chẩn tái mét, chân không thể cất lên được nữa. Ông vừa quay lại định chạy tiếp thì thấy năm sáu cô gái áo rách toạc từng vạt, mỗi cô vác trên vai một người. Những người xuôi tay, cháy tóc, mồm đầy đất và máu. Ông lại hỏi:
- Răng rứa mấy o?
- Hầm sập.
Con gái cũng đáp cụt lủn như con trai. Không một ai dám dừng lại. Máy bay vẫn gầm rít trên đầu. Từng chùm bom lừng lững trôi xuống. Ông Chẩn bàng hoàng. Ông nghĩ đến Thảo và bỗng thấy hốt hoảng. Biết đâu trong số những chiếc cáng phủ chăn kín mít kia lại có con dâu ông? Ông luống cuống định lao theo. Nhưng nghĩ thế nào lại quay lại. Hình như phía dưới Cửa đang bị nạn to. Ông run rẩy chạy về phía đó.
*
Sau khi bàn bạc công việc với Tư lệnh xong. Trần Vũ cảm thấy không thể ngồi yên được nữa. Anh đi vào đi ra một lúc rồi cuối cùng chạy thẳng sang phòng của Thường:
- Này, tôi xuống chỗ đó nhé!
- Chỗ nào?
- Cửa Tùng.
Tư lệnh nhíu mày lại. Anh biết rõ tính của Trần Vũ. Là một chính uỷ nhưng anh rất xông xáo không kém gì một cán bộ tham mưu. Song, lúc này anh về đó có tác dụng gì không? Có cần thiết không?
- Nếu cần thiết thì tôi đi - Tư lệnh kết luận như vậy.
- Sao lại thế. Anh cần ở lại đây chỉ huy chung. Tất cả các đơn vị, các xã đội đang sẵn sàng chờ lệnh. Tôi xuống đó có thể giúp được gì chăng...
Dĩ nhiên là Trần Vũ có lý. Song Thường vẫn lắc đầu:
- Không cần thiết và không nên. Lúc này ở vị trí chỉ huy cần có cả anh và tôi.
Trần Vũ thở dài. Trong tình hình đang có chiến đấu, anh không muốn làm sai ý tư lệnh.
Bỗng có chuông điện thoại reo. Thường cầm máy...
- Sao? Hả? Nói to lên! Này, này... cái gì thế. Làm ăn thế nào? Trời đất ơi...
Giọng Thường bỗng run lên. Đây là một điều chưa hề có. Trần Vũ nhổm người dậy:
- Cái gì thế anh?
- Hỏng quá... Hỏng quá!Thường buông chiếc máy ngồi phịch xuống, giọng tắc nghẹn - Thằng Chính... bị rồi!
Trần Vũ choáng váng như bị ai đánh vào thái dương. Còn tư lệnh Thường thì nghiến chặt hàm răng, từng sợi cơ nổi hằn lên trên quai hàm và gò má ông. Một lát Thường nói lầm rầm:
- Thêm ba mươi người nữa bị sập hầm... Người ta đang đưa về chỗ Vĩnh Tân... Anh xuống chỗ đó đi. Xuống với anh em... Nhưng nhớ cẩn thận.
Nói xong, Thường cúi mặt xuống. Một giọt nước mắt trên khuôn mặt gân guốc và cháy nắng của Tư lệnh. Ông ta vẫn cúi xuống, mấy ngón tay đặt trên bàn run run:
- Thằng Chính có thư con ở ngoài Tân Kỳ gửi về... Nhưng nó chưa kịp xem. Thư kia... anh cầm xuống cho nó.
Trần Vũ định nói "Cầm xuống để làm gì nữa anh" nhưng nghĩ lại anh thấy Thường có lý. Anh rút ngăn kéo, lôi lá thư ra. Một chiếc phong bì nhàu nát, nét chữ bằng mực tím. Nhìn chữ có thể đoán biết người viết giỏi lắm cũng chỉ mới học lớp bốn, lớp năm thôi.
Trần Vũ về hầm mình chuẩn bị. Anh gọi người công vụ lúc ấy đang ngồi thừ ở trong góc hầm. Cậu công vụ chạy ra, khuôn mặt xám lại. Trần Vũ ngạc nhiên hỏi:
- Cậu làm sao thế?
- Không ạ...
Nhìn dáng vẻ không được tự nhiên của người công vụ. Trần Vũ tỏ ra không vừa ý:
- Tôi lại đi công tác đấy. Anh có đi theo được không?
- Dạ... được. Lúc nào đi ạ?
- Ngay bây giờ.
Người cần vụ không nói gì, quay trở lại hầm và vẫn ngồi bất động. Trần Vũ cảm thấy hình như tinh thần cậu ta không được vững lắm. Song, chưa phải lúc để hỏi kỹ anh ta. Bao nhiêu việc lớn đang chờ. Tốt nhất đừng để cậu ấy đi theo nữa, đỡ lướng vướng.
- Hay nếu bị mệt thì ở nhà cũng được.
- Như thế... đâu tiện ạ.
- Hừ, đâu phải chuyện tiện hay không tiện. Mình cần một người không mệt mỏi kia. Bởi vì chỗ mình đến, mọi việc đang rối rắm. Hàng trăm người chết. Những người khác vật lộn với bom...
Cậu cần vụ chồm ra:
- Sao, thủ trưởng về xóm Cửa à?
- ừ.
- Thế thì... cho tôi đi với...
- Nhưng mà...
- Không, tôi không mệt đâu. Thủ trưởng cho tôi đi với.
Khuôn mặt người chiến sĩ trẻ bỗng đanh lại. Đôi mắt lúc nãy trông lơ láo như người ốm, đột ngột vằn lên. Có điều gì đó không diễn tả được đang nghẹn trong ngực anh ta.
- Tôi đi được, thủ trưởng ạ. Mà tại sao thủ trưởng lại đi một mình kia chứ?
Trần Vũ thấy không thể nói nhiều lúc này được nữa. Anh lặng lẽ gật đầu. Năm phút sau cả hai người luồn ra khỏi khu nhà Bộ tư lệnh, dọc theo đường hào về phía xóm Cửa, chạy gấp.
*
Từng tốp F4 lợi dụng mặt trời đâm thẳng xuống. Tùng cố căng mắt nhìn vào nó. Cổ anh khô đắng, mặt sạm đen lại vì bụi và nắng. Trận địa đã tốc sạch nguỵ trang, các nòng pháo lộ ra loang loáng ánh mặt trời. Khẩu lệnh truyền lan qua các đại đội, khàn đặc.
- Hướng... Cự ly... Chiếc đi đầu... bắn!
Bom nổ đè lấp khẩu lệnh. Tiếng hét ơi ớ vọng lên:
- Khẩu đội 5, "xê" 16 bị rồi!...
- Khẩu đội 3, "xê" 24...
- Khẩu đội 7...
Ba khẩu đội bị san bằng. Y tá, cứu thương đạp băng qua hầm tiểu đoàn mà chạy. Tùng quay máy điện thoại reng réc:
- A lô! Anh Cảm xã đội đâu? Anh Cảm giúp cho tôi hai mươi dân quân chuyển thương... Mau lên!
Không đợi phía đầu dây kia trả lời, Tùng vứt máy nhào lên mô đất cao. Phản lực vẫn tiếp tục khép vòng lượn.
- Hướng 34, cự ly 400, chiếc đi đầu, bắn!
Trận địa rung lên, đạn xối từng chùm chụp vào tốp máy bay. Chiếc phản lực đi đầu nhào thẳng ra biển. Khói đùn ra phía sau. Một tiếng nổ "bục". Những chiếc sau cắt bom. Khói. Mảnh bom bay vèo vèo. Tiếng kêu ơi ới. Gió táp vào những tấm lưng trần ngầu ngầu bụi đất và mồ hôi.
Dân quân xuất hiện bên kia đồi đất đỏ. Những bóng người lao sầm sầm qua tiểu đoàn bộ. Tùng liếc mắt đếm. Chừng bảy người. ít quá.
Có một lúc trận địa ngừng tiếng súng. Tốp máy bay bị dạt ra phía biển, hoảng loạn lao thẳng. Bầu trời mất hẳn tiếng động, lởn vởn từng quầng khói đục. Các trận địa không ai thiết sửa sang lại công sự. Tất cả nghỉ lấy sức. Từ phía bên kia đồi đất, dân quân ùa ra. Lần này phải đến hơn hai mươi người. Tùng vẫy tay chỉ về phía bờ nước.
- Xuống chỗ kia... "xê" 16!...
Tốp dân quân rẽ trái, nhảy băng qua các bờ công sự đạp thẳng xuống trận địa đại đội 16. Bỗng có tiếng kêu to:
- Anh Tùng!...
Tùng quay vụt lại. Trong bụi đất nghi ngút, anh nhận ra một tấm thân đầy đặn, chiếc áo toạc một miếng dài từ vai xuống tay, đôi chân chạy luýnh quýnh. Tùng sững ra một tí rồi gọi rối rít:
- Chị Thảo! Chị!...
Thảo nhào đến, mặt đỏ bừng. Một tay luống cuống day níu lại chỗ áo rách, chị cười không thành tiếng.
Tùng hỏi vội:
- Chị vô khi nào?
- Hơn năm ngày rồi...
- Vô làm chi?
- Vô thăm...
Có một giây lúng túng, rồi Tùng lại hỏi:
- Cháu Cần đâu?
- Nó ở lại với em Hầm ngoài nhà o Thìn... Nó nhớ anh lắm...
- Rứa khi nào chị ra lại?...
- Tui vô đưa ông ra. Chỉ ít hôm nữa thôi...
Có mấy dân quân nữa lao qua chỗ hai người đứng. Thảo có vẻ băn khoăn muốn chạy đi. Tùng nói:
- Chị định xuống chỗ cứu thương à?
- Dạ...
- Rứa thì... đi đi! Đằng nớ!
Thảo chồm người định chạy. Nhưng chị vẫn chưa chạy. Tùng định nói một câu gì đấy, vẫn không nói. Môi Thảo run lên:
- Anh có nói... à, có dặn chi không?
- Có... để đánh xong trận này... tôi muốn gặp chị, gửi cho cháu Cần ít giấy...
Thảo thở dài:
- Thôi, giấy chở vô không được, ai lại gửi ra.
- Nhưng... ở đây chẳng có chi làm quà được cả. Tối rất nhớ nó... Biết làm răng gặp nó hè? Tôi buồn lắm chị ạ.
Thảo nhìn thẳng vào mặt Tùng, chị cảm thấy anh nói thật.
- Đánh xong tìm anh ở đâu?
- Chắc chắn đơn vị phải cơ động ngay. Nhưng tôi sẽ tìm chị...
- Tôi chạy loăng quăng, anh biết đâu mà tìm? Mà có tìm không, hay lại bỏ đi như dạo nọ?
- Tôi sẽ tìm. Nhất định tìm...
- Tìm thiệt nghe?
- Thiệt.
Có tiếng báo cáo của trắc thủ:
- Báo cáo, hướng 34, có máy bay!
Tùng ngẩng vội lên, đảo mắt quan sát. Thảo không thể nó thêm được chi nữa. Chỉ bổ nhào xuống phía có những tốp dân quân đang hối hả vác thương binh lên. Tùng không kịp nhìn theo. Những chấm đen đã xuất hiện phía bên kia cụm mây. Các nòng pháo quay rào rào. Tiếng trắc thủ đếm đầu đều cự ly. Tùng nhìn không chớp mắt. Trong đầu anh nảy nhanh ra một con toán. Những quả bom sắp lao xuống và những luồng đạn sắp lao lên. Tốc độ nào nhanh hơn và số phận ai sẽ kết thúc trước? Không hiểu sao trong lòng anh bỗng cồn cào một lời kêu gọi. Mình sẽ sống, mình phải sống! Cái chết phải thuộc về chúng nó. Nếu không thì làm sao còn chân lý trên cuộc đời này!
Những thân máy bay đã hiện rõ. Những vòng lượn của chúng vẫn còn ở rất xa trận địa. Đấy là lối thăm dò, phân tán mục tiêu. Có thể tốp này không làm nhiệm vụ bổ nhào. mà sẽ có một tốp khác từ đâu đó. Từ đâu thì cũng phải đến phút đối đầu với trận địa của anh. Và anh sẽ thắng. Anh sẽ sống. Nhất định như thế. Đau thương đã không thể bẻ gục được anh. Anh đã vượt qua tất cả rồi, bây giờ thì anh có quyền sống, sống như những người đáng sống, nghĩa là được yêu, được giận, được làm tất cả trách nhiệm và nghĩa vụ của một con người.
Hình như có tiếng Thảo gọi phía dưới. Hoặc anh có cảm giác là Thảo đang gọi. Nhưng tốp phản lực đang khép dần vòng liệng. Tùng không thể rời mắt khỏi mục tiêu. Trận này quanh quyết sống.
*
Lúc này, ở một căn hầm trực của xã đội Vĩnh Tân, người ta đưa được những người bị nạn từ xóm Cửa về.
Chính uỷ Trần Vũ đứng rất lâu bên cạnh thi hài của Trần Chính. Sau lưng anh, trợ lý tác chiến và xã đội trưởng cảm cũng đứng lặng. Trần Vũ rút lá thư ra, lần tay gỡ nhẹ mép dán. Anh đọc rất nhỏ như chỉ để cho người tham mưu trưởng đang nằm nghe.
"Bố thương thương của con!
Mạ bảo viết thư cho bố, rứa là ba anh em liền giành nhau viết. Không đứa nào chịu thua cả đành viết chung một thư bố nghe. Bọn con ăn rất no, học cũng không kém lắm. Con đứng thứ bảy, thằng Sức thứ mười một, con Đào có khá hơn đứng thứ tư, nhưng mà lớp hai thì dễ hơn lớp sáu phải không bố?
Mạ bảo hỏi bố có thật khoẻ không? Nghe đài nói bữa ni trong mình máy bay hung lắm à? Nó có đánh trúng hầm bố không? Chắc là không trúng được, bố hè? Nếu trúng thì bố đã chết. Có lần thằng Sức hỏi rứa bị mạ mắng cho một trận. Con lớn hơn con hiểu, mạ không ưng bố chết. Chẳng ai ưng vậy cả. Chết thì tội lắm. Bố phải sống với mạ, với bọn con nghe bố.
Chà, cả ba đứa nghĩ mãi mà không biết viết thêm chi nữa. Con học toán khá hơn văn. Nói chung con ghét văn lắm. Một lần đến giờ học văn con cứ như báo động máy bay vậy.
Nhớ bố dữ quá. Mạ hứa hè sang năm sẽ cho cả ba vô thăm.
Thôi, bố ngủ đi, ngủ cho thiệt ngon. Khi mở mắt ra không khéo lại thấy con bên cạnh rồi cũng nên.
Cả ba đứa hôn bố chùn chụt
Chúng con: Tải - Sức- Đào"
Người xã đội trưởng bật lên tiếng khóc đầu tiên. Anh ấy cũng có ba con đang sơ tán. Trần Vũ không dám quay lại. Trong đầu anh vụt lên hình bóng Kim Lan, đứa con út từng mong anh về nhất. Thật là lạ, cứ đứng trước cái chết của một người khác, nhất là những người đồng lứa, đồng cảnh, tự dưng anh hay nghĩ về chính mình, thầm mường tượng tới lúc chính mình nằm xuống. Trần Vũ không dám nghĩ tiếp. Anh nói thầm thì:
- Thôi... các đồng chí đưa anh Chính ra nơi an nghỉ. Lá thư của cháu đã thay ta nói lời vĩnh biệt với anh rồi. Những người dân quân bên ngoài được lệnh vào khiêng thi hài đi. Trần Vũ tự thấy mình không thể đứng lâu với một người được. Còn bao nhiêu đồng bào, đồng chí ở những hầm bên cạnh. Anh cần qua đó, cần chào vĩnh biệt họ. Tất cả những người ấy hoàn toàn xứng đáng được tiễn đưa.
Trần Vũ bước dọc theo đường hào tới hầm thứ hai. ở đó có bốn người. Anh hỏi khẽ một đồng chí đứng trước cửa hầm:
- Đã xác định được ai chưa?
- Dạ rồi. Bốn đồng chí trực 12 ly bảy của trung đội dân quân.
Trần Vũ ngả mũ. Rồi anh lại chầm chậm đi qua hầm khác. Thêm ba người nữa... Bỗng có tiếng khóc vọng ra. Tiếng khóc không cần dấu giếm. Trần Vũ chui người vào. Bên trong người ta đặt hai xác, một đàn ông trạc năm mươi, một cô gái còn trẻ. Tiếng khóc là của một chiến sĩ quay lưng lại phía cửa hầm, đầu cúi thập xuống. Một chị phụ nữ giải thích khẽ với Trần Vũ:
- Bố và chị gái của chú ấy đó mà. Tội nghiệp. Rứa là hết. Mạ chú ấy chết trước khi đi sơ tán. Một ông anh chết khi đi tiếp tế Cồn Cỏ. Chừ thêm hai người nữa. Rứa là hết...
Trần Vũ cắn chặt răng lại, bước gần vào. Anh định an ủi một câu. Nhưng bỗng Trần Vũ cúi đầu, ngả mũ. Anh không dám gọi người chiến sĩ đứng dậy. Thôi, cứ để cho cậu ta khóc một chút. Trách gì mấy ngày vừa rồi mặt cậu biến sắc. Có nên tin vào linh cảm không nhỉ? Nhưng cái đó chẳng quan trọng gì. Điều làm cho anh xúc động chính là thái độ của người chiến sĩ. Suốt từ hôm nghe tin địch đánh Vĩnh Quang, người công vụ tuy có những biểu hiện thoảng thốt nhưng vẫn cắn răng không nói gì. Cậu ấy âm thầm chịu đựng một mình.
Giữa lúc ấy, những âm thanh nặng nhọc vọng đến. Trần Vũ quay nhanh ra ngoài. Nhiều người phía đường hào cũng đã nghe thấy. Họ nháo nhác đảo mắt lên trời. Kia rồi, hai vệt khói trắng như hai sợi bông căng song song vắt chéo qua đầu họ. Thêm hai vệt nữa. Phía đầu của những vệt khói ấy là những chấm đen trôi lừ lừ. Đúng nó rồi! Người dân Vĩnh Linh bây giờ đã không còn lạ lẫm gì nó nữa. Tuy vậy, cũng không dễ bình tĩnh khi những vệt khói ấy ngày một tiến dần đến đỉnh đầu. Tất cả nín thở chờ đợi. Những vệt khói vẫn kẻ thành đường thẳng song song. Họ chỉ chờ một bước ngoặt. Mong sao cái vòng cua của vệt khói kia không thẳng đầu mình.
Nhưng vòng cua lại trúng ngay đầu họ. Thế là không gian rít lên trong muôn ngàn tiếng gió. Mặt đất bật dậy hổn hển. Bụi khói đặc trời. Ba loạat bom B52 kéo dài gần mười phút. Im lặng. Mặt đất vẫn còn bàng hoàng. ục... xiu... uỳnh... Hàng chục trái pháo từ Dốc Miếu câu sang. Đạn bắn cấp tập. Loạt pháo dứt thì người ta lại nhìn thấy những vệt khói trắng ngoằn ngoèo trên đầu. Gió rít. Bom nổ dày đặc. Bom dứt lại pháo... Cứ thế, mặt đất Vĩnh Quang vật vã xáo trộn trong trăm ngàn tiếng nổ chen nhau.
Trần Vũ lao nhanh về phía chiếc hầm trực của xã Vĩnh Tân. Anh quay máy điện thoại:
- A lô! Anh Thường ơi, làm sao để nó hoành hành thế? Khong có cách gì à?
ở đầu dây bên kia không có tiếng đáp. Trần Vũ định kêu to hơn thì đột ngột thấy Tư lệnh thở hắt một tiếng, giọng nói xiết lại:
- Đợi đấy.
Một tiếng "roác" phát ra. Tư lệnh đã bỏ máy.
Hai tiếng "đợi đấy". Không hiểu ông nói với Trần Vũ hay nói với kẻ thù.
Vẫn bom B52. Lần này hai tốp liền kéo thành sáu loạt bom. Không thể nhận ra dáng hình của xóm Cửa nữa. Trần Vũ ép ngực vào bờ hào. Lòng tắc nghẹn một mối căm tức. Loạt bom dứt. Tiếng pháo từ Dốc Miếu lại thùm thụp câu sang. Hai hàm răng Trần Vũ nghiện chặt đau nhói. Bất ngờ có tiếng gió rít ngược chiều trên đầu. Một phản xạ tự nhiên khiến Trần Vũ ngồi bẹp xuống. Cùng lúc có tiếng nổ xa dội đến. Tiếng nổ rất dày. Không phải tiếng đầu nòng của pháo Mỹ. Trần Vũ đã hiểu. Pháo binh ta đã lên tiếng. Chiến sĩ ta đã đợi B52 để quay nòng pháo. Làm sao nói hết niềm vui này. Chính ủy nhào trở về hầm. Vừa lúc ấy có tiếng chuông điện thoại:
- Ông Vũ ơi! Thấy chưa? Chúng nó câm mồm rồi.
Trần Vũ muốn reo lên, nhưng giọng anh lại trầm hẳn xuống:
- Cám ơn!... Cảm ơn đồng chí tư lệnh! Thật là tuyệt vời...
Bên ngoài cũng ồn ào lên tiếng reo hò. Trần Vũ rơm rớm nước mắt. Anh bỏ máy chạy ra. Đám người đứng trước cửa hầm đang chỉ tay lên trời, chân cẳng như muốn nhảy lên. Trần Vũ ngước mắt nhìn. Kia rồi, một B52 bốc cháy. Có hai phát tên lửa khác đang lao vun vút. Hai chiếc đi sau vội khép vòng lượn. Bom rơi loạn xạ phía khơi xa. Trần Vũ lặng người. Lần đầu tiên anh trực tiếp nhìn thấy B52 bốc cháy. Và quan trọng hơn: Nó đã cháy ngay trên đầu mảnh đất còn mù mịt khói bom của chính nó gieo xuống.
Khi chiếc B52 bốc cháy, ở xóm Cửa hầu như không còn một ai chịu nấp dưới hầm. Tất cả nhào lên bờ đất, hò hét, chỉ chỏ. Nỗi đau thương được bù đắp. Một cảm giác hả hê như cơn gió biển lồng lộng xô đến tưng bộ ngực dân chài. Những loạt bom bị hắt ra biển, pháo bờ Nam câm bặt tiếng, đất đai như được cấp cứu, thở phập phồng.
Ông Chẩn há mồm lên nhìn cho đến khi không còn nhìn thấy dấu vết gì nữa của chiếc máy bay cháy mới ngồi bệt xuống. Chân tay ông mỏi rã rời. Gần một ngày nay ông chỉ có chạy. Chạy từ trên đất đỏ xuống xóm Cửa, chạy từ Tân Lý qua Lộc Đức, chạy ngược chạy xuôi. ở đâu có tiếng kêu sập hầm, cấp cứu là ông lao đến. Người ta xông vào đào đất, ông cũng đào. Đến khi lôi được người bị nạn ra khỏi hầm thì ông lại chạy đi. Bởi vì trong số đó không có con Thảo. Ông vừa chạy vừa lầm rầm gọi tên con dâu. Rồi lại gặp hầm sập khác ông lại lao vào. Rất mong gặp con mà không mong nhìn thấy con trong số những người bị nạn ấy. Tìm không thấy Thảo, ông vừa thất vọng, vừa hy vọng. May ra nó an toàn, gắng mà an toàn. Thằng Quyền còn sống. Nó sẽ về. Thôi thì sai sót gì cũng tha thứ cho nhau được. Ngày sum họp là ngày vô giá. Đổi bất cứ cái gì cũng cam!
Ông Chẩn ngồi bệt một lúc thì lồm cồm đứng dậy. Đã nghe rõ tiếng máy bay. Lần này là phản lực. Thì ra B52, pháo măt đất chi cũng không bằng thằng này. Nó lại ùn ùn kéo ra ba chiếc... năm chiếc... Nỗi mừng chưa kịp thấm thì nỗi lo lại trào lên. Ông Chẩn ngó ngược ngó xuôi một tý rồi lại cắm đầu chạy. Con dâu của ông ở đâu rồi? Thải ơi!
Tiếng gọi thì thầm của ông lúc ấy không thể đến tai Thảo được. Hoặc giả chị có cảm giác hình như ai đó đang gọi mình, nhưng sự cảm thấy ấy lại hướng về trận địa cao xạ.
ở đó, phản lực đang bổ nhào, cứ hai chiếc một cùng bổ nhào đồng thời. Có lúc chiếc đầu vừa chúi xuống đã cất vụt lên, chiếc sau cắm thẳng xuống trút bom. Có lúc thì ngược lại. Rõ ràng kẻ địch đã thay đổi chiến thuật. Thảo vịn tay vào bờ hào thấp thỏm lo. Tiếng pháo vẫn nổ giòn. Đạn xòe khói rất chụm chứng tỏ là trận địa vẫn hoàn toàn tỉnh táo. Làm sao mà tỉnh táo được như thế kia khi từng chùm bom cứ vun vút lao xuống? Thảo chập chờn nhớ lại quang cảnh bới hầm khi sáng. Ba khẩu đội bị vùi, tá người hy sinh còn tất cả bị thương nặng. Từ lúc đó tới chừ Thảo không có cách chi quay trở lại trận địa được nữa. Liệu có còn ai bị thêm không? Mà tránh sao khỏi. Bom vẫn trút xuống từng chùm, khói trùn lên trộn với đết đỏ thành những cồn cao đặc mãi không tan ngỡ như những vách núi lở. Liệu Tùng có làm sao không? Anh có còn để tìm tôi sau trận đánh không? Nghĩ dại. Anh làm sao mà chết được.
Thảo cảm thấy tức ngực, ngạt thở. Không phải vì tiếng nổ, cũng không phải vì khói bom. Chị không thể tự dối lòng mình. Chị lo cho Tùng, nỗi lo trội lên trong mối lo chung cho các anh ngoài mặt trận. Chị biết vậy là không phải. Nhưng mà, bao nhiêu lần cố xua đuổi ý nghĩ ấy đi vẫn không được. Lần trở vào Vĩnh Linh này, chị mang theo một mối ân hận với bố chồng, với linh hồn của chồng, rằng đã có lúc trong cơn xáo động, chị không kìm nén được tâm tư. Vì thế chị quyết vào tạ tội với bố rồi đưa bố cùng ra. Chị tự thề sẽ không gặp lại Tùng, không tơ tưởng gì đến anh nữa. Vậy mà, thuyền muốn lặng, gió chẳng êm. Chị bị xô dạt vào tình thế này, hỏi ai không lo cho nhau, ai nỡ không thương nhau cho đành dạ. Huống chi anh lại hẹn gặp chi sau trận đánh. Mà trận đánh thì biết khi nào mới ngừng. Kìa lại bom nữa... Trời ơi! Tiếng nổ. Tiếng nổ bật lên như xé lồng ngực chị. Không cầm chân được nữa. Thảo hổn hển lao đi. Cố gặp anh một lần nữa rồi sẽ chia tay, có thể chia tay mãi mãi. Bố ơi, lạy bố đừng giận con. Anh Quyền ơi, cúi mong vong linh anh chứng giám. Còn anh Tùng... đừng tránh mặt tôi mà tội. Tôi lo, tôi thương, thậm chí tôi yêu anh nữa... Tôi yêu anh vô chừng. Như rứa thì có tội chi?
Thảo đang chạy thì đứng sững lại. Một khối lửa khổng lồ đùng đùng sa sầm vào thẳng mặt. Chị Thảo hét lên, ngã lăn ra. Khối lửa hừng hực lướt qua đầu. Một tiếng nổ dữ dội. Đất đá chùng chiềng. Khói trùm kín hào. Thảo lóp ngóp bò dậy. Rồi chị định thần nhìn kỹ. Một máy bay bốc cháy. Chao ôi, may mà nó rơi quá chỗ chị đứng một đoạn. Nếu không thì...
Tiếng reo hò vang động cả khu đồi. Tiếng trống ngực Thảo đập loạn xạ. Niềm vui tan loãng trong cơn hốt hoảng chưa kịp trấn tĩnh. Thảo bước đi, chân tay vẫn còn run lẩy bẩy. Còn vài trăm thướng nữa mới tới trận địa. Chị nôn nao muốn được ngả lưng nương tựa. Chưa bao giờ chị thấy đơn chiếc và yếu đuối như lúc này Còn vài trăm thước nữa, chị cố bước đến chỗ anh, mặc dầu khó mà hình dung được những gì sẽ xảy ra trong phút gặp gỡ ấy. Rõ ràng chị không còn tự chủ được nữa. Chị cần có anh, nhất là trong giây phút này, còn sau đó thế nào cũng đành chịu.
Nhưng không kịp. Một cái gì đó thật là bất ngờ và khủng khiếp đã xô ập vào người chị. Thảo không hề nhận ra, không kịp suy luận. Chị bỗng thấy khát vọng của chị bất chợt tê đi. Rồi bầu trời đang vàng hoa sắc nắng chiều bỗng mờ xanh như một tàu lá chuối. Không còn nhìn thấy khói, cũng không còn những chớp lửa. Chỉ có sắc xanh mung lung và tiếng sấm rầm rì. Đó là cảm nhận cuối cùng để chị gửi vào cõi bất diệt của mình âm vang thủy chung của biển.
Gió mơ hồ lay động mấy sợi tóc mai trên trán chị. Thảo khe khẽ mỉm cười. Chị chợt nhận ra rất nhiều người đang đỡ chị dậy. Trước hết là người bố chồng. Chòm râu trắng xòe ra và làn môi ông mấp máy. Ông đang khen chị là người hiếu thảo. Ông vẫy ta ra đằng sau. Con Cần với thằng Hầm dắt tay nhau chạy đến. Chúng cười toét miệng. Chúng bá lấy cổ chị cùng hôn. Thảo ghì nhẹ con vào lòng. Khoảng trống trước mặt chị lại xuất hiện hai người nữa. Hai người đi sóng đôi. Thảo nhận ra hoảng hốt kêu to một tiếng. Tùng và Quyền như không nghe thấy. Họ lừng lững đi lại phía chị. Thảo muốn quỳ xuống trước hai người. Nhưng không hiểu ai đó hét vào tai chị: "Đứng lên! Chị không có tội" Thảo gượng đứng lên. Nhưng hình như kiệt sức, chị ngã vật xuống. Có tiếng nổ rầm như tiếng máy bay cháy. Rồi sóng biển trào lên cuốn chị đi. Thì ra tiếng hét lúc vừa rồi là tiếng của biển.
*
Ngày ấy là ngày cuối tháng 9 năm 1968.
Vĩnh Linh chìm trong đau thương và căm giận. Người ta nhớ lại cái mùa đông đầu tiên của cuộc chiến tranh, cái mùa mà bờ bác xóm Cửa tan tác vì những cơn sóng tai họa bi thảm. Người ta nhớ đến nữa hè năm sau bảy, khi cuộc tàn Hích - cơ - ri đã xô ập số phận của hàng ngàn người dân bờ nam ra với miền Bắc và hòng bóp chết tiểu đoàn 47, đứa con đứt ruột đẻ ra của Vĩnh Linh.. Nhưng tiểu đoàn 47 đâu có chết. Bây giờ nếu ai đó có việc luồn sâu vào cái ấp, từ Cam Chính, Cam Nghĩa trên khu Cùa, về Quách Xá, Vạn Đò, Ba Thung, xuống An Nha, An Hướng về cho tận Lâm Xuân, Cửa Việt... đâu đâu cũng sẽ được bà con cô bác nhắc đến tên tiểu đoàn. Bây giờ, thêm các cụm tập trung trên Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang, trên Đầu Mầu, Cam Lộ, kẻ địch bồn chồn hớt hải mỗi khi nghe tiếng súng nổ quanh rào, đứa nào cũng nơm nớp nghĩ đến tiểu đoàn Lê Hồng Phong.
Tiểu đoàn không chết. Bây giờ đã là một trung đoàn. Trung đoàn 270. Chẳng ai biết được điều này, chỉ một vài ngày nữa thôi, những đứa con như hạt gạo trên sàng ấy lại ra đi. Một phần máu thịt của tổ quốc lại ra đi, xa hơn địa bàn cu. Xa đến đâu cũng chưa ai lường hết được.Một miền Nam chưa giải phóng đang chờ. Họ lại đi trong mãnh liệt của sông nước La Ngà, với nỗi khát khao, háo hức của thượng nguồn tràn về kịp với những vùng đất còn cỗi cằn khô héo. Bây giờ những trận rải thảm mới để chặn đường truy kích của ta, yểm trợ cho bọn lính bại trận từ Khe Sanh tháo chạy. Rõ ràng chiến cuộc đã không đi một vòng tròn khép kín, mà đã xoay những vòng xoáy ốc ngày một cao tới gần nút điểm của chiến thắng.
Tuy vậy, những ngày này, người dân bình thường trên đất Vĩnh Linh khó mà hình dug được cái vòng xoáy ốc ấy. Họ cứ ngờ ngợ như tất cả đang trở lại từ đầu. Đau thương, mất mát, những bia căm thù, những lời thề nguyện... cứ thử tưởng tượng xem, một ai đó đi qua chặng đường phải mấy lần hút chết, nhưng rồi lúc nào cũng thấy như trở lại từ đầu, lại bắt đầu vượt qua những thác ghềnh cũ thì nản biết chừng nào. Huống chi cả hàng ngàn, hàng vạn con người cùng dắt díu nhau loanh quanh như vậy. Thử hỏi còn một lời động viên nào có thể trợ lực được?
Thế mà thật là lạ, những ngày này người dân Vĩnh Linh không cần một câu động viên. Họ âm thầm, tự nguyện bới sâu thêm địa đạo, sửa lại những đường hào, thắp hương cho người chết, băng bó cho người bị thương... Chưa ai lường trước được chính mình đang bước sát đến ngày thắng lợi. Họ chỉ thấy đường dài còn hun hút. Máy bay Mỹ còn nhiều, bom đạn chắc chắn vẫn ê chề, chồng chất. Vậy thì động viên có ích gì?
An ủi càng vô tác dụng. Đằng nào cũng phải chấp nhận mọi giá hy sinh. Cứ bấm bụng, cứ gắng lên, vượt nữa, vượt mãi...
Đúng lúc ấy, cái lúc mà Vĩnh Linh cũng như cả dân tộc đang cắn răng lại, dồn bật lên những sức lực tưởng như dốc ruột, thì họ không thể ngờ rằng kẻ cạn sức trước không phải là mình mà chính là giặc Mỹ.
Một buổi chiều đầu mùa đông, có tin giặc Mỹ chịu ngừng ném bom vô điều kiện trên toàn miền Bắc. Đêm ấy, cả Vĩnh Linh lặng ngắt trong cảm giác bàng hoàng.
Trần Vũ bước chênh vênh trên bờ miệng những hố bom còn khét lẹt mùi thuốc đạn. Tự nhiên anh cảm thấy ớn lạnh. Hình như cảnh vật cũng như anh cũng không sao quên nỗi cái trạng thái phấp phỏng lo âu. Bình yên đã trở thành sự thực rồi mà không có cách gì quên nổi.
Chính ủy dừng lại trước căn hầm của ông Chẩn.
Ông đang kê một chiếc đòn lên bờ hào, chậm rãi quấn điếu thuốc to bằng ngón tay. Rồi ông chậm rãi mở bật lửa. Một chớp loé, ngọn lửa bùng cháy trên ngọn bấc đã được kéo cao. Ngọn lửa rưng rưng trên tay, tỏa ánh sáng vàng đục lên khuôn mặt ông Chẩn. Đôi mắt ông lóng lánh hai ngọn lửa phản chiếu. Ngọn đèn trước mặt. Ông Chẩn cứ ngồi vậy, không đốt thuốc mà chỉ ngắm ngọn lửa trên tay. Ai mà biết được ông đang nghĩ gì, nhớ gì. Chỉ thấy lần đầu tiên ngọn lửa được thỏa thuê tỏa sáng, không cần sự vụng trộm, bao che.
Trần Vũ đứng nguyên một chỗ không dám động đậy. Anh sợ như từ mình gây ra luồng gió. Anh cầu mong ngọn lửa trên tay người bố kia cứ cháy mãi như vậy.
Đăng ngày 12/07/2010
Ý kiến về bài viết | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
|