Tuesday, October 6, 2015

Cửa Việt- đối diện với trùng khơi. - Bút kí



XUÂN ĐỨC
( Bài viết tham gia trại sáng tác văn học Gio Linh)


Đã rất nhiều năm, rất nhiều lần, có khi là do yêu cầu công việc nghiên cứu hay viết lách gì đó liên quan đến Văn hóa tỉnh nhà, nhưng có khi không có nguyên cớ gì hết tôi vẫn cứ nghĩ đến cái tên cửa sông nơi cuối tầm huyện Gio Linh, cái cửa sông của miền quê vừa rất nhỏ lại cũng rất nghèo: Quảng Trị. Đấy là Cửa Việt. Những lần như thế tôi thường tự hỏi: vì sao cái cửa sông nơi vùng quê heo hút rất dễ bị bỏ quên này lại có cái tên mang hàm ý đại diện cho cửa ngõ một đất nước?. Tại sao không phải là Hải Phòng- cửa biển phía bắc, hay Vũng Tàu hoặc Sài Gòn- cửa ngõ phía nam, mà lại là Quảng Trị có cửa biển được mang tên Cửa Việt?

Tất nhiên về lịch sử Văn hóa, cái tên Cửa Việt đã được giải thích rõ ràng. Trong một dịp, đài THVN có chương trình quảng bá du lịch, họ mời tôi làm " người trải nghiệm", khi dẫn phóng viên về Cửa Việt tôi cũng đã giải thích về gốc gác cái tên cửa biển này.
Theo sách sử thì Cửa Việt khi xưa có tên là Cửa Việt khách. Cần hiểu danh từ này theo trật tự ngược lại của ngữ pháp tiếng Việt hiện nay, đấy là cửa đón khách Việt. Như vậy, cái từ Việt ở đây là để chỉ khách chứ không phải chủ. Vậy chủ là ai? Là nước Chăm, mà Gio Linh là dải dất gần như ở tuyến đầu về phương bắc của cái nhà nước xa xưa ấy.. Cái tên Cửa Việt rõ ràng là do người Chăm  đặt ra để gọi cái thương cảng lớn phía bắc giang sơn Chăm pa trong mối giao thương với Đại Việt.
Đã biết vậy, nhưng vẫn bần thần, vẫn nghĩ ngợi...Từ Cửa Việt khách trải qua bao thăng trầm biến thiên để mất đi một chữ khách, còn lại cho chúng ta cái tên Cửa Việt, và để cho những người bây giờ trên đất nước này có thể hiểu xuôi theo ngữ pháp hiện đại là cửa của người Việt. Rất nhiều chuyện lịch sử để lại cho hậu thế, đôi khi chỉ là sự tình cờ, đôi khi cái căn nguyên ra đời không hẳn đúng như ý nghĩa của sự hiện hữu..Ta vẫn thường gọi những cái đấy là sự ngẫu nhiên của lịch sử, hay như đạo Phật nói, đó là Duyên. Tôi nghĩ rằng, chuyện tên gọi cửa biển này được hiểu theo ngữ pháp xuôi hay ngược, chữ Việt là khách hay chủ, thì đến hôm nay, người dân Gio Linh, Triệu Phong nói riêng, người Quảng Trị nói chung vẫn hoàn toàn có quyền hiểu theo nghĩa, đây là cửa đón khách của người Việt, của nước Việt! 
* 
Cái danh và cái nghĩa ấy của Cửa Việt không phải chỉ hoàn toàn do ngẩu nhiên của lịch sử hay sự vơ vào của người Quảng Trị hôm nay. Nó thật sự đã từng xứng đáng như thế trong một thời điểm đặc biệt của lịch sử đất nước. Đấy là những năm tháng  nước Việt ta bị đội quân khổng lồ, hùng mạnh bậc nhất thế giới đến xâm lược. Với cuộc đối đầu khốc liệt đấy, Quảng Trị đã trở thành nơi hội tụ sức mạnh của cả dân tộc. Và Cửa Việt những năm tháng ấy cũng đã thật sự trở thành cửa lửa, cửa thép và cửa máu của chiến sĩ và nhân dân Việt Nam.
Những năm đánh Mỹ, nếu Quảng Trị là cửa ngõ của cả hai thế lực tiêu biểu của loài người thì Cửa Việt chính là cuống họng của ống thực quản nuôi sống sức mạnh của kẻ xâm lược cho vành đai trắng nam giới tuyến để kháng cự với sức mạnh tổng lực của chúng ta từ Miền Bắc tràn vào. Lính thủy đánh bộ, vũ khí, thiết bị quân sự Mỹ vào cảng Cửa Việt, lên Đông Hà rồi theo con sông Hiếu để lên Cam Lộ, Khe Sanh...Cùng với các điểm chốt thiết yếu trên bờ từ biển lên rừng như cao điểm 31, Dốc Miếu, Cồn Tiên, lên đồi 241, Phulo, Đầu Mầu, Động Tri, Tà Cơn v..v..con sông Cửa Việt ( hoặc sông Hiếu) hợp thành một phòng tuyến mà Macnamara coi là bất khả xâm phạm. Và vì thế, cuộc chiến đập tan phòng tuyến Gio Linh, Cam Lộ, Khe Sanh ( Hàng rào điên tử Mácnamarara) nói chung, cuộc chiến trên cảng Cửa Việt và sông Cửa Việt nói riêng đã trở thành quyết chiến điểm khốc liệt nhất có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cả chiến trường Miền Nam.
Những câu chuyện đánh tàu chiến, chặn tàu chiến ở cảng Cửa Việt và trên sông Cửa Việt là cả một pho huyền thoại và huyền tích của quân dân ta..Đánh bằng lực lượng và vũ khí hiện đại nhất lúc đó như pháo mặt đất 130 li, pháo hỏa tiễn Cachiusa..Đánh bằng sở trường đặc biệt của một binh chủng đặc biệt mà vào thời điếm đấy có lẽ chỉ có ở quân đội Việt Nam là Đặc công nước. Đánh bằng súng cầm tay như DKZ, B40, B41, súng trường, tiểu liên của bộ binh tiểu đoàn 47( Bộ đội địa phương Vĩnh Linh)..Đánh bằng cả việc cắm tre  xuống sông để cản tàu, khiến tàu chiến ùn lại rồi dùng bom tự tạo và các chất nổ khác để phá tàu của Du kích Go Linh..Vân vân và vân vân. Và với trận đánh phối hợp giữa Nhân dân, Du kích dùng cọc tre, cây tre cắm xuống sông để chặn tàu, rồi bộ binh tiểu đoàn 47 cùng các lực lượng khác đã bẻ gãy cả một cuộc hành quân của Mỹ trên sông Cửa Việt ( đoạn sông mang tên sông Hiếu), không chỉ Cửa Việt đã tạo nên người anh hùng du kích Nguyễn Ngọc Lễ mà lịch sử cuộc chiến tranh hiện đại trên đất này đã tái hiện hình bóng lịch sử giữ nước xa xôi của ông cha, trận chiến đánh giặc phương bắc trên sông Bạch Đằng. Bây giờ, chính thức trong các cuốn sách truyền thống hay trong các hồi kí, báo chí, người ta đã gọi trận đánh ấy là trận Bạch Đằng trên sông Hiếu.
Nhắc lại những ngày tháng ấy là để muốn nói rằng, dẫu chỉ là chuyện ngẫu nhiên của lịch sử, nhưng Cửa Việt cũng đã có một thời thật sự xứng đáng là cửa của một đất nước anh hùng, một dân tộc anh hùng. Xứng đáng là cửa của nước Việt. 
* 
Cửa Việt có một thời như thế. Còn Cửa Việt hiện giờ thì sao?
Tôi vinh dự là người lính của tiểu đoàn 47 có mặt trong những trận đánh ở Lâm Xuân, Hoàng Hà bờ bắc Cửa Việt trong những ngày đầu xuân năm 1968, chứng kiến cái khung cảnh cửa sông và bờ sông tan hoang, đẫm máu của một cuộc chiến bi hùng. Nay, tôi cũng là người sở tại, lên xuống Cửa Việt nhiều lần, cùng hòa nhịp từng ngày, từng đêm với con sóng Cửa Việt, cùng thao thức với người dân Gio Linh trong niềm khấp khởi, hy vọng về một sự vươn lên mạnh mẽ, mở mang cửa sông, vươn ra khơi xa, đạp lên muôn trùng sóng dữ để có thể có được một tương lại bát ngát phía khơi xa.. Có phải như người ta vẫn nói, hy vọng quá nhiều khiến ta bị hụt hững khi mọi thứ không được như mong mỏi?
Sau khi chiến tranh kết thúc, nhiều năm sau đó, ở đâu đó trên các báo chí, thơ văn, hoặc ngay cả người dân địa phương, đã xuất hiện những câu nói, bài viết mạng tâm trạng " rồi mùa tóoc rạ rơm khô, bậu về quê bậu biết nơi mô mà tìm". Đã có lần tôi cũng có những bài viết bàn đến chuyện có hay không Quảng Trị đã bị bỏ quên? Và tôi đã khẳng định rằng, lịch sử không lãng quên. Đồng đội và đồng bào cả nước chưa hề lãng quên. Đảng và Nhà nước chắc cũng không thể bỏ quên. Có chăng, chính trong chúng ta đây, có ai đó, dẫu vẫn đang sống ngay trên mảnh đất này, vẫn từng ngày từng giờ ăn hạt lúa, cọng rau trên mảnh đất này, uống ngụm nước của con sông, mạch ngầm trong lòng đất này, hít thở cái không khí của vùng trời này mà trong lòng lại nguội lạnh với kí ức và lịch sử?
              
Cửa Việt cũng có số phận chung như mọi vùng đất trên quê hương Quảng Trị. Không ai lãng quên cửa sông này. .
              
Đảng, Nhà nước, mà cụ thể và trực tiếp là Đảng bộ và Nhà nước tỉnh Quảng Trị đã làm gì cho Cửa Việt? Bản thân tôi từng được thảo luận và biểu quyết nhiều Nghị quyết để xây dựng và phát triển vùng cửa biển lịch sử này. Kết quả cho đến nay, Cửa Việt đã tạo được 5 lợi thế rất quan trọng.
Một là, cảng biển Cửa Việt đã được đầu tư nạo vét, xây cầu cảng . Đây chính là mũi đột phá sớm nhất của tỉnh để tạo ra thế đứng mới cho cửa sông này...Cùng với nó là dự án nối dài con đường xuyên Á từ Đông Hà về Cửa Việt, mở ra triển vọng cho cảng biển này hội nhập vào hành lang kinh tế Đông- Tấy.
Hai là, Thị trấn Cửa Việt được thành lập năm 2006, trên cơ sở đất đai và cư dân của 2 xã, gồm 3 thôn của Gio Việt là An Trung, Long Hà, Đại lộc.. 2 thôn Gio Hải là: Tân Lợi, Hà Lộc.với diện tích tự nhiên 782ha, dân số 4800 người.
Ba là, triển khai Nghị quyết 02 ( Nhiệm kì 12) của Tỉnh Ủy về phát triển Du lịch, một dự án Khu du lich biển tại Cửa Việt đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh về cơ sở hạ tầng. Hiện tại đã có khá nhiều nhà đầu tư nhảy vào với khá nhiều Khách sạn nhà hàng mọc lên. Người dân sở tại cũng nhanh chóng nắm thời cơ, triển khai dịch vụ phục vụ tắm biển rất nhộn nhịp..
Bốn là, tập trung chỉ đâọ xây dựng đội tàu lớn đánh bắt xa bờ. Trong lúc các dự án tàu đánh bắt xa bờ ở các xã miền biển khác trên toàn tỉnh gặp khó khăn, buộc phải bán lại tàu, thì chỉ duy nhất Cửa Việt là thành công. Hiện tại, toàn Thị trấn  có 29 tàu với công suất:  90-165 CV. Sản lượng đánh bắt hàng năm đạt  4200 tấn , xuất khẩu được: 1500 tấn..
Năm là, con đường quốc phòng kết hợp dân sinh đã được hiện đại hóa chạy dọc theo mép biển, hai chiếc cầu vĩnh cửu bắc qua hai sông Cửa Tùng và sông Cửa Việt đã thông thương Cửa Việt với tất cả bờ biển suốt từ điểm đầu phía bắc vào tận điểm cuối phía nam Quảng Trị với tổng chiều dài  gần 80 km.
Có thể nói, trong suốt bảy, tám trăm năm hình thành, chưa bao giờ cửa sông này lại có một nền tảng phát triển hiện đại và vững chắc như vậy.Trên lý thuyết, Cửa Việt đã có năm bệ đỡ, năm cánh buồm lớn đủ sức đưa con thuyền mang tên Cửa Việt lướt sóng ra trùng khơi trong không gian hội nhập của cả nước. Thế nên năm này qua năm khác, có dịp về Cửa Việt tắm biển hoặc có việc phóng xe qua đây, tôi khấp khởi hy vọng được nhìn thấy con thuyền ấy căng buồm, no gió, chồm mình trên sóng dữ..Có khi tôi đáo ra bến cảng, ao ước nhìn thấy những con tàu trọng tải lớn đang xếp hàng với những chiếc cần cẩu oai phong khẩn trương nâng lên hạ xuống, nhìn thấy hàng trăm công nhận nhộn nhịp bốc dỡ hàng..hoặc ước nghe thấy tiếng còi hú từ phía ngoài xa xin được vào cảng ..Nhưng tất cả chỉ là hoài vọng. Nói chính xác thì cũng có, nhưng chỉ là mấy chiếc tàu trọng tải vài ngàn tấn, hàng hóa chủ yếu là mấy đống gỗ được đưa từ Lào về, và công nhân bốc vác cũng thưa thớt mươi người..Được biết, cửa sông này thường bị dốc nồm, sóng đập vào rất mạnh nên tốc độ cát lấp rất nhanh. Năm nào cũng phải nạo vét nhưng vẫn không sao tạo được cảng nước sâu cho tàu trọng tải lớn có thể vào được. Cách đây mấy năm, Quảng Trị xin Trung ương được đầu tư lớn để cảng  Cửa Việt thành cảng nước sâu, Trung ương bảo là Quảng Trị không đủ sức nên bàn giao lại cho Vinasin. Đến khi Vinasin tiếp nhận rồi lại nói chưa thể đầu tư xây cảng được mà trước mắt chỉ đầu tư một khu đóng tàu..Thôi thì đóng tàu cũng được, Quảng Trị vẫn O kê. Nhưng cái khu đóng tàu chưa kịp hình thành thì bản thân Vinasin đã...sập cửa.... 
* 
Lần này tôi lại về Cửa Việt, không phải chỉ một buổi tắm biển, hưởng chút gió nồm khi đang phải chịu đựng cái nắng như rang người trên phố Đông Hà, không phải chỉ nhằm nhấm nháp vài con mực, con ghẹ để thấm thía cái hượng vị đặc trưng của một bãi tắm..Tôi về và ngủ lại với cửa sông này gần trọn một tuần.
Tôi ngủ trong một khu nhà nghỉ thênh thang của một doanh nghiệp nhà nước. Khu nhà được đầu tư khá hoàn chỉnh từ phòng lớn để hội họp, bếp ăn, và hệ thống phòng ngủ gần ba mươi phòng với tiện nghi rất hiện đại. Trước mặt ngôi nhà là con đường nhựa quốc phòng, bên kia đường là bờ cát trồng phí lao và bãi cát dẫn ra biển. Doanh nghiệp này cũng biết đầu tư thêm một căn nhà gỗ ngay trên bãi cát, chỗ thay quần áo và lát đá tạo nên con đường đi thẳng ra vị trí tắm biển. Có thể nói, với tất cả những gì đã có, khu nhà này đã sẵn sàng phục vụ cho nhu cầu nghỉ mát và tắm biển của mọi du khách. Thế nhưng gần một tuần tôi ở, chỉ duy nhất có mình tôi trú ngụ trong cả cái khu nhà thênh thang này. Chỉ mình tôi lẻ loi bơi trên bãi tắm ấy..
Như vậy nhưng những nhân viên phục vụ ở khu nhà này nói rằng họ vẫn còn hên. Nhìn qua tay phải, một khu đất rộng bằng khu đất này, có một khách sạn rất hoành tráng đang xây và bị bỏ dở. Nghe nói đó là một Công ty ở thành phố Hồ Chí Minh ra đầu tư. Hình như khách sạn này dự kiến cao 7 tầng. Hiện phần thô đã lên đến tầng thứ 5. Công trình bị bỏ dở có lẽ phải đến vài ba năm rồi, những trụ sắt đã rỉ rét. Quanh chân móng, cỏ đã mọc trùm kín các bờ đá. Đêm, nằm bên này nhìn qua, cả cái khu nhà đồ sộ kia lơ thơ vài bóng điện vàng lay lay trong gió..Còn phía tay trái, một khu đất đã được giao cho chủ đầu tư nào đấy lại quá rộng, có lẽ phải vài ba chục hec-ta. Cả mấy chục hec- ta ấy mấy năm rồi trở nên một bãi cỏ hoang, xơ xác, chỉ có vài căn nhà gỗ bé tẹo nằm lọt thõm chẳng biết để làm gì vì không nhìn thấy một bóng đèn sáng. Duy nhất phía ngoài cùng có một quán cà phê..Tôi tò mò đi qua, thấy có hai người khách ngồi lút sâu vào một góc tối. Chắc nhân viên phục vụ cái khu dự án đấy cũng tự thấy mình vẫn hên vì ít nhất cũng có những hai người đến uống.
Đi dọc theo con đường quốc phòng chạy sát mép biển từ cảng ra tít ngoài Gio Hải, cứ thấy các lô đất trong quy hoạch khu Du lịch của tỉnh được san ủi, chia lô, và đã có chủ nhân hết rồi, nhưng tất cả cũng chỉ có vài ngôi nhà gỗ trống vắng, những bãi hoang đã mọc cỏ, vài ngôi nhà xây dở dang..Khu vực duy nhất có vẻ sầm uất chính là bãi tắm ngay sát cảng, nơi mà người dân sở tại làm hàng mấy chục lều quán ra tận ngoài bãi cát. Người dân từ Đông Hà về thường tắm và nhậu ở những quán hàng này. Nếu nói sự phát triển kinh tế du lịch cho thị trấn Cửa Việt chính là dãy lều quán này đây..
Khi biết tôi đang nghỉ lại tại Cửa Việt, các anh ở Đảng ủy Thị trấn cùng Chỉ huy Đồn Biên phòng đã đến thăm chơi. Bí thư và Phó bí thư đều là những người đang rất trẻ. Tôi thường tin cậy vào những cán bộ còn rất trẻ và đầy nhiệt huyết như vậy. Khi nghe tôi muốn tìm hiểu phương hướng phát triển kinh tế của địa phương trong những năm tới, Bí thư Bùi Thúy hăng hái nói, Cửa Việt xác định hai thế mạnh chủ yếu và quan trọng nhất là đánh bắt khai thác hải sản và phát triển dịch vụ du lịch. Tôi cười nói, nếu chỉ có thế thì ở tận trên Đông Hà tôi cũng đã biết . Vấn đề là thực tế các anh đã làm thế nào, làm được gì để phát huy hai thế mạnh đấy..Khó khăn và thuận lợi cụ thể của hai mũi đột phá ấy là gì? Chẳng lẽ thế mạnh dịch vụ du lịch của các anh chỉ là dãy lều quán kia sao? Chẳng lẽ cả một khu quy hoạch phát triển du lịch mênh mông lại để xơ xác, hoang lạnh như thế này mà gọi là phát huy thế mạnh sao?
Có lẽ tôi đã chọc trúng nỗi niềm của những cán bộ luôn thao thức, trăn trở với số phận Cửa Việt, nên Thúy bỗng hạ thấp giọng lại, nhìn xa xăm ra biển..Phải một lúc khá lâu, anh mới xổ bầu tâm sự.
- Bác bảo chúng tôi phải làm cách nào?  Mang tiếng là tổng diện tích đất tự nhiên của Thị trấn Cửa Việt rộng 782 héc-ta nhưng cái khu quan trọng nhất được quy hoạch cho phát triển Du lịch chiếm đến 141 héc-ta thì tỉnh quản lý, 20 héc- ta bên cửa sông là đất của cảng. Như vậy thực chất chúng tôi chỉ còn hai vệt đất nhỏ dọc theo hai mép đường từ Gio Việt xuống tới đây để bố trí dân cư ở. Bãi tắm thì phần của nhân dân Cửa Việt khai thác cũng chỉ còn có chỗ mấy lều quán kia thôi..
Thì ra là vậy. Tôi nghệt mặt ra nhìn người Bí thư trẻ một lúc rồi lại hỏi:
-       Thế còn thế mạnh đánh bắt hải sản?
-       Vâng..cái này thì chúng tôi đang đi đúng hướng. Trong lúc các vùng biển khác trong tỉnh gặp khó khăn trong chủ trương đánh bắt xa bờ thì Cửa Việt gần như là địa bàn làm được. Những năm trước bà con gặp khó trong đầu ra...năm nay thì ổn.
-       Ổn là thế nào. Theo tôi biết, tỉnh mình vẫn chưa xử lí được cái cơ sở chế biến Hải sản như cục nợ truyền  kiếp mấy năm nay rồi..
Bùi Thúy ngắt lời tôi:
-    Không...cái xí nghiệp ấy coi như khai tử rồi..Mà nếu còn thì ngư dân cũng không thể nhập sản phẩm cho họ vì giá rẻ như bèo. Đầu ra bữa nay rất thuận lợi. Thương lái Trung quốc về tận bãi, đặt hàng cho bà con, có bao nhiêu họ mua hết. Giá cũng hời. Nhân dân phấn khởi lắm..
Tôi giật thột cả người vội hỏi tiếp:
-   Có đúng là thương nhân Trung quốc tới mua trực tiếp không, hay là mấy cái đại lí trên Đông Hà làm trung chuyển cho họ?
  Không, là người Hoa chính hiệu..Họ mua trên bờ, có khi đón tàu bà con thu mua ngay trên biển nữa..
             Thì ra là thế! Tôi quay qua cậu Chính trị viên Đồn biên phòng đang ngồi cạnh, hỏi:
 Tình hình ngoài khơi vùng biển mình có bị tàu Trung quốc quấy phá không? Và các anh đã làm gì để giúp cho bà con tránh tai họa?
Chính trị viên Hòa nói:
  Chuyện gặp tàu lạ là bình thường như cơm bữa. Nhưng thủ đoạn của họ hiện thời đã có thay đổi. Nếu như năm ngoái, họ hay bắt bớ, nay họ thấy bắt người là lỗ, vì đằng nào rồi cũng phải thả, nên đã thay đổi cách phá. Họ thường cho tàu lớn chạy sát tàu nhỏ của bà con gây sóng to khiến tàu mình lật, hoặc nhảy lên thuyền cắt lưới, phá các ngư cụ, trút hết xăng dầu rồi bỏ mặc..Tức là họ cố tình làm cho bà con nản chí và thua lỗ trong các chuyến ra khơi..
Tôi buột miệng kêu lên:" thật khốn nạn" rồi lại hỏi, vậy cách đối phó của ta thế nào?
-    Chúng tôi đang chủ trương xây dựng hình thứcTổ đoàn kết trên biển. Ba đến bốn thuyền hợp thành một tổ để ứng cứu cho nhau. Tổ đoàn kết không những có thể đối phó được với hải tặc, mà còn tương trợ nhau trong việc phát hiện luồng cá, lúc thời tiết bất lợi hay khi hỏng hóc máy móc..Nói chúng là đoàn kết để cùng đánh bắt và cùng chống đỡ hoạn nạn..
Có cái gì đấy bất chợt ấm lên trong tôi. Năm sáu mươi năm trước, khi Miền Bắc bắt tay xây dựng nền kính tế được gọi là xã hội chủ nghĩa, một loạt các hình thức đoàn kết, tương trợ đã xuất hiện. Đấy là tổ đổi công, tổ vàn công rồi Hợp tác xã. Sau này, khi chuyển đổi sang cơ chế thị trường, người ta tôn thờ một cách quá đáng vai trò cá nhân, coi cá nhân là yếu tố duy nhất làm nên mọi thành tựu. Từ đó, cả xã hội quay sang phỉ báng lại các hình thức cũ, coi đấy là giai đoạn ẩu trĩ nhất đã kìm hãm sự phát triển xã hội. Tôi xin nói thật, đấy là cách nghĩ, cách nói của những người hãnh tiến chỉ biết một mà không biết đến hai. Cái cần phê phán gạt bỏ của các mô hình cũ  chính là cơ chế bào cấp chứ không phải là hình thức đoàn kết, hợp tác. Hơn nữa, bản chất của sự trì trệ nằm ở chỗ, chúng ta đã để cái cơ chế bao cấp  kéo dài qua giai đoạn sau chiến tranh, nghĩa là khi cuộc sống đã trở lại với quy luật phát triển bình thường. Như vậy cũng có nghĩa là, cái cơ chế bao cấp khi xưa không phải hoàn toàn không có yếu tố tích cực. Trong tình cảnh cả nước phải tập trung sức mạnh cho chiến đấu ( tức là trong tình thế bất bình thường của đời sống) thì chính cơ chế ấy là một liểu thuốc đặc dụng. Bây giờ, dĩ nhiên không thể quay trở lại cơ chế cũ, nhưng giá trị của sự hợp tác và đoàn kết thì vẫn là giá trị vàng. Thế mà, hinh như ai đó, vì sự đua chen hôm nay mà đã chẳng mấy quan tâm!
Tình thế Tổ quốc hiện thời đang ở trạng thái thế nào đây? Bính thường hay bất bình thường? Theo suy nghĩ cá nhân tôi, cơ bản là bình thường những lại đang rậm rịch rất nhiều hiểm họa bất bính thường. Và có lẽ đây chính là lúc, hai tiếng đoàn kết lại rất cần phải vang lên. Đúng, giờ là lúc cõi lòng mỗi chúng ta cần ngân lên hai tiếng ấy. Đoàn kết dòng họ, đoàn kết xóm làng, đoàn kết cả dân tộc..Trong những lúc Tổ quốc gặp hoạn nạn như thế này, có lẽ không có phương cách nào hữu hiệu hơn hai tiếng đoàn kết..
Nhưng trên biển khơi, bão táp và giặc giã vô vàn hiểm nguy thì đoàn kết được, sao trên bờ, đất của ta, người của ta, tất cả đang bình yên thì hai tiếng đoàn kết lại có vẻ khó khăn? Tại sao đất đai lại bị chia bo, đấu thầu rồi quẳng đấy chờ bán lấy lời để cả một khu du lịch phải chịu cảnh hoang vắng xác xơ như thế này? Tại sao nước mắm Cửa Việt rất được ưa chuộng không chỉ trong tỉnh mà nhiều người ở tận Hà Nội cũng nhắn nhờ tôi mua giúp, lại không thể trở thành một tổ hợp nổi tiếng, không xác lập được thương hiệu độc quyền mà chỉ có từng gia đình, từng cơ sở riêng lẻ với những chiếc xe đạp loi thoi lên xuống chợ Đông Hà? Rồi tại sao các cơ sở chế biến trong tỉnh và trong nước lại bất lực để cho thương nhân nước khác tràn qua vơ vét sạch sành sanh sản phẩm?.. 
*
Buổi sáng, tôi không tắm biển mà lại đi bộ. Tôi cố tình đi dọc con đường được coi là cái cột sống duy nhất của thị trấn mà trên lí thuyết rộng đến 782 héc-ta. Tôi tần ngần lách bước chân qua hàng loạt các liếp cá nục phơi nắng đặt san sát nhau tràn khắp con đường, nghe cái vị tanh tanh ngai ngái bốc lên mà thấy lòng nghèn nghẹn. Đây là hàng hóa đã có chủ. Tất cả những liếp cá phơi khô này được làm theo đơn đặt hàng của thương lái Trung Quốc. Tôi đã gặp cảnh tượng này ở ngoài cửa sông Cửa Tùng ( Vĩnh Linh). Đọc báo, đọc mạng intenet đã biết hiện thời, hầu như trên tất cả các vùng biển Việt Nam, thương lái Trung Quốc đều đã tràn sang, đặt hàng cho dân biển để thu mua tất tần tật sản phẩm nông thủy sản. Cách mua như cướp sản phẩm hải sản không qua đường xuất nhập khẩu chính ngạch đã cho họ tránh được mọi thứ thuế má, nên giá thành họ đưa ra cao hơn giá thu mua của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu Việt Nam. Hỏi chuyện người dân, đương nhiên là dân phấn khởi.  Nhưng lẽ nào lại trách dân?
Chiều qua, sau buổi nói chuyện với lãnh đạo Thị trấn, đêm về tôi mở mạng đọc được tin có cuộc Hội nghị toàn thể hội viên Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam ( VASEP) năm 2011, tất cả các thành viên Hiệp hội đều tỏ ra căm phẫn trước tình trạng bị nước ngoài o ép trên biển và cướp hàng trên cạn.,. Rõ ràng các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu đang đứng trên bờ vực phá sản và ngành xuất khẩu thủy sản cũng đang có nguy cơ tê liệt. Vấn đề đã thật sự trở nên trầm trọng ở tầm đại sự quốc gia. Nhưng phải làm gì chứ, chẳng lẽ chỉ đến họp rồi tự kêu ca với nhau. Vậy thì đoàn kết ở đâu? Đoàn kết thế nào?
Đêm, tôi ra ngồi trên bãi cát, ngồi gần sát với biển để từng con sóng có thể bất ngờ ùa lên táp vào người tôi. Về chơi với biển, tôi thường thích cách trải nghiệm này..Nhưng mấy đêm nay, dẫu tôi vẫn ngồi theo cách ấy, dẫu biễn vẫn như biển ngàn xưa ấy, sóng vẫn liếm lên đôi chân tôi lành lạnh, gió nồm vẫn lùa vào tóc tôi đê mê.. Nhưng sao tôi không còn có cảm giác thanh thản, sao tôi vẫn cứ thấy bức bối? Hình như ngoài xa kia, trong cái màn đêm bịt bùng kia, đang ẩn chưa rất nhiều hiểm họa khôn lường.. Không biết người ngư dân Cửa Việt cũng như ngư dân cả nước, trước mỗi lần lên thuyển ra khơi, họ có cảm giác thế nào? Chắc chắn họ cũng thừa biết ở chốn trùng khơi ấy, ngoài những đàn cá ra còn có bao nhiêu hiểm họa đang chờ họ..Họ phải làm gì giữa chốn chơi vơi ấy? Bài giải đầu tiên là hai tiếng đoàn kết. Nhưng rồi sau đó phải sao nữa chứ? Tôi rất muốn mang câu hỏi này về thưa lại với các cấp lãnh đạo, các cấp chính quyền, những người luôn lấy phương châm của dân, do dân, vì dân mà hiện hữu.
 Cửa Việt - Trúc Sơn Trang Đông Hà tháng 7/2011


Đăng ngày 14/07/2011

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan