Saturday, October 17, 2015

Em Nguyễn Quang Lập lại viết về Xuân Đức

Tác giả: Nguyễn Quang Vinh

xuanduc.vn : Tôi chưa vào trang blog của Nguyễn quang Vinh. Nhưng sáng nay mở mạng thấy khách quen của TST còm đến nói là thấy bài hay hay nên tải lên, có chi không phải thì đại xá. Tôi đã đọc và hình dung ra cái khuôn mặt NQV, lại nhớ tới cái đận hắn còn ở Huế, chuẩn bị về ăn tết mà đem cơm thừa phơi khô ra rang để làm cốm thay kẹo làm quà cho con...Nhớ lại mà ứa nước mắt. Cái ngày ấy đẹp. Vinh đẹp. Lập cũng rất đẹp..Hình như khi có chút tiếng tăm thì cái đẹp nó như miếng da lừa của Banzac chăng ? Tôi cố không tin vào chuyện ấy Vinh a. Riêng tôi, tôi vẫn giữ kỉ niệm đẹp với Vinh cho dù gần đây nhất, Vinh vào QT diễn kịch mà không cho tôi cái giấy mời..
Đọc cái bài bịa như thật này, thấy hắn cũng tài. Đọc một lúc lâu chợt nhận ra..hắn viết ai mà có nét...giống mình.
Hồi ức 10- Chuyện nhà văn Xuân Đức
Tôi nghe bà con trong cư dân Blog nói nhiều về chuyện nhà văn Xuân Đức suýt cõng anh Lập tôi ra tòa vì viết Blog xúc phạm anh ấy. Tôi không đọc được bài Blog của Lập viết về Xuân Đức. Nhưng với anh Xuân Đức thì anh em tôi gắn bó lắm, dù nhỡ ra tức quá đưa nhau ra tòa thì trước khi tòa tuyên án vẫn có thể ôm ghì lấy nhau thắm thiết. Tôi cam đoan, nhà văn Xuân Đức không chơi với ai thân thiết, mặn mà và hết lòng như từng chơi với hai anh em chúng tôi. Và riêng với nhà văn Xuân Đức, trong chừng mực nào đó, chúng tôi còn xem anh như là người thầy đầu tiên về tiểu thuyết và sân khấu.
Nghĩ đến việc nhà văn Xuân Đức tức lộn ruột khi anh Lập viết gì đó, tôi hơi run run...Nhưng rồi, không thể không viết về những kỷ niệm về nhà văn Xuân Đức được. Không thể được.
Ba lần tôi ngồi vào máy tính rồi...xua tay đứng lên.
Còn lần này thì...Một.Hai.Ba...Anh Xuân Đức muôn năm, cho em viết...
Những năm 90, mấy anh em nghèo lắm. Lập ở Sở văn hóa. Tôi ở ngành thương nghiệp, anh Xuân Đức là tác giả kịch bản đoàn kịch Quân đội nhưng được thường trú tại gia ở Hồ Xá, Vĩnh Linh.
3 thàng một lần anh ấy ra Hà Nội họp chi bộ. Mỗi lần họp về,anh Xuân Đức càu nhàu nhưng lại hớn hở:- Nước này phải tặng cho tao huân chương về thành tích họp chi bộ. Chã có thằng đảng viên nào đi họp chi bộ như tao, tốn cả nửa tháng lương.
Viết được cài gì hay,anh nhảy xe đò từ Vĩnh Linh vào đọc cho anh em tôi. Tôi nhớ hôm đó anh Xuân Đức vào, đưa tiền cho tôi mua một gói thuốc Bông Sen, mấy lạng chè và đi chợ mua cá khô về kho, nấu cơm,. ăn xong, ba anh em nằm giữa sàn nhà. Anh Xuân Đức đọc tiểu thuyết "Cây người". Anh ấy thì thầm:" Tao viết về Tố Hữu đấy. Chúng mày thấy ghê không?". Anh Lập cười, Tôi hơi run run. Xuân Đức viết bản thảo bằng tay, trang bản thảo chữ đều tăm tắp, đẹp lắm. Giọng đọc của anh ấy cũng rất tuyệt. Anh ấy đọc cả cuốn tiểu thuyết một lèo, không nghỉ lấy sức. "Hay không. Đây là cuốn ghê. Rất ghê"., Chúng tôi ngơ ngác nhìn anh như nhìn một vĩ nhân. Đến bay giờ hình như " Cây người" chưa in thì phải.
Hôm Xuân Đức mua được chiếc xe Ba-bet-nhè, anh chạy vào. Anh chống hai chân kẹp lấy con xe nheo mắt nhìn hai thằng em khố rách áo ôm cười khì khì. Tôi xung phong lau xe cho anh cũng chỉ xin anh thêm gói thuốc. Hôm đó, tôi thấy anh Xuân Đức rất hả hê. Anh đang vui. Sau khi trà thuốc chán chê, anh Xuân Đức nghiêm giọng nhin hai chúng tôi như nhìn hai thằng học trò ngu ngốc. Tôi hồi hộp nhìn anh, nghe như nuốt lấy từng lời:
-Đời người ta có 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 là làm kiệt sức,lòi mắt, méo mặt, gãy lưng vẫn không đủ ăn. Giai đoạn 2 là làm cực nhọc gian truân nhưng no. Giai đoạn 3, làm nhàn nhã nhưng vẫn thừa thãi. Giai đoạn bốn là đéo làm gì mà vẫn thừa tiền.Vào lúc anh Xuân Đức làm giám đốc Sở Văn hóa Quảng Trị, tôi nghe nói anh rất nhiều tiền, thu nhập rất cao mà vô cùng nhàn nhã. Tôi nghĩ, thôi đúng rồi, anh ấy đang vào giai đoạn thứ 4 là đéo làm gì vẫn dư dã. Làm giám đốc thì cũng là đéo làm gì chứ gì nữa. Thế mà khi ấy anh Xuân Đức ơi, em vẫn trầy trật chưa vượt qua giai đoạn 1 anh ạ.
Nhưng chuyện này mới đáng kể: Anh Xuân Đức tiếng to tiếng nhỏ với chúng tôi về việc anh ấy chuẩn bị giàu. Tôi nhích lại anh nghe cho rõ,còn Lập thì há hốc mồm. Anh Xuân Đức thong thả:- Tao bắt đầu nấu bia khổ. Siêu lợi nhuận. Cả cộng đồng xã hội đang chúi mặt vào uống bia khổ, rẻ, say, tiện. Tao đã sắp xếp hết rồi, với khả năng tiêu thụ hiện nay, 6 tháng sau thừa tiền.
Tôi nuốt nước bọt.
Anh Xuân Đức chỉ tay vào mặt tôi:- Thằng này kinh doanh được. Tao sẽ cho mày làm tổng đại lý phân phối bia nhà tao ở Huế. Chỉ cần ăn hoa hồng, một năm sau, mày sẽ mua được Babétta. Còn thằng này( chỉ Lập) mày ngu lắm, đéo biết kinh doanh, ở ngoài động viên. Cuối năm bọn tao sẽ tặng cho mày một chiếc xe đạp Phaphơrit.
Lập ngả vật ra chiếu, sướng mê.
Đêm đó,ba anh em không thể ngủ được, mọi chuyện xoáy quanh việc sản xuất bia khổ và việc sắp làm giàu. Tôi nhìn anh Xuân Đức khi đó như nhìn một vị thần linh tràn đầy sức mạnh.
Một tuần sau, anh Xuân Đức vào. Buồn. Thở dài. Tôi rón rén lại gần. Anh Xuân Đức kể:- Nếu không may mắn, tao sẽ dính vào công an...Hôm qua, rất nhiều người uống bia khổ nhà tao bị ngộ độc. Họ vu cho tao làm bia giả. Có người quen mật báo công an sẽ điều tra. Tao hoảng quá. Đêm qua phi tang dụng cụ nấu bia rồi. Hôm nay vào Huế xoay xở chút. Dính vào tụi công an trong chuyện này rách việc lắm.
Tôi im lặng. Giấc mộng làm tổng đại lý bia để thừa tiền tan tành. Anh Lập xuýt xoa vì sẽ không thể có chiếc xe đạp.
May sao mọi chuyện qua đi, yên ổn, nhưng từ đó không thấy anh Xuận Đức nói về bia nữa.
Rồi anh lao vào dàn dựng các tiêt mục văn nghệ quần chúng cho các địa phương,cơ quan, xí nghiệp. Hóa ra anh kiếm được khá tiền. Chương trình nào đi Hội diễn cũng nhất, cũng vàng mới ghê. Tên tuổi, uy tín anh Xuân Đức vang dội trong toàn tỉnh. Hội diễn nào đến, các cơ quan, địa phương cũng mời anh Xuân Đức làm tiết mục. Tôi có xem vài chương tình anh làm. Thèm khát nghe vang vang tiếng giới thiệu:" Chương trình tham gia Hội diễn văn nghệ quần chúng toàn quốc của Công ty công nghệ phẩm Bình Trị Thiên xin phép được bắt đầu. Tác giả kịch bản: Xuân Đức. Đạo diễn: Xuân Đức. Biên đạo múa: Xuân Đức. Phối âm phối khí: Xuân Đức. Ánh sáng: Xuân Đức. Xử lý âm nhạc : Xuân Đức. Và tất nhiên là huy chương vàng. Nhuận bút người ta trả cho anh bằng tiền cũng có, bằng vải vóc cũng có, đường sữa cũng có, đài rađiô cũng có và cả những gánh chè xanh...
Một kỷ niệm nhỏ: Hàm răng anh Xuân Đức rất dở, dài, đen xỉn và muốn rụng lúc nào là rụng. Anh thường đau răng. Mỗi lần đau, mặt anh sưng húp lên, khi nào cũng xuýt xoa, rất thương. Có hôm tôi nấu cơm đãi gạo không kỹ, anh Xuân Đức ăn, cắn phải sạn, rơi ngay một cái răng trong bát, tôi ân hận đến giờ.
Đã lâu không gặp anh. Bất ngờ thấy anh trên ti vi. Tôi không nhận ra được. Thế mà vợ tôi lại nhận ra mới tài:"-Anh Xuân Đức". Tôi cãi:- Làm gì có. Anh Xuân Đức sao lại thế.
Từ ngày làm giám đốc Sở văn hóa, anh Xuân Đức đã thay răng mới, má không hóp nữa, gương mặt bầu bĩnh, đều đặn...nhưng tôi vẫn không tin trên ti vi là anh Xuân Đức thân yêu của tôi, đã gắn bó với tôi: gương mặt gầy,xương xóc và đáng nhớ.
Tôi nói vơi vợ tôi, hình như trên ti vi là anh Xuân Đức giả.

Lấy từ trang comment của khách quaduong

 Đăng ngày 19/10/2008
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: THẰNG TỄU - 19/10/2008

Cái nghèo có dễ hiểu đâu
Một thời đất nước kéo nhau cùng nghèo
Gieo leo lại gặp gieo leo
Còng lưng còn cõng đói nghèo trên lưng
Kẻ lưu manh, Đấng Anh hùng
Long đong thì cũng bần cùng cả thôi
Dẫu sao cũng một gầm trời
Đừng đem bùn vấy mặt người khổ đau
Cái nghèo có dễ hiểu đâu
Đoạn trường ai có qua cầu mới hay
Buồn cho nhân nghĩa thời nay
Học trò đến trả nghĩa thày đó chăng?
Ở  hiền đâu đã gặp lành
Thà làm ngọn cỏ để xanh bốn mùa



  Gửi bởi: Moon - 19/10/2008

Tiếc thay chẳng phải chuyện đùa
Anh em nhà họ buôn dưa lắm điều
Chú Xuân Đức vẫn đáng yêu
Dù cho họ có làm điều bất nhân
Con người sống tại chữ nhân
Họ không ăn  được đằng chân lấn đầu
Dù họ có tài đến đâu
Chữ nhân chưa học thì mau chóng tàn
Lời người làm dạ nát tan
Làm chi gieo lấy bần hàn thế kia
"Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau"
Mở lớp dạy vở lòng mau
Moon đây xin nhận là sư phụ liền
Hãy vui sống với người hiền
Đừng ham sống với đồng tiền bỏ ơn
Dân đen còn nhận thức hơn
Kẻ kia lắm chữ mà nhơn thiếu nhiều
Kể ra chẳng khác thằng liều
Tự biên tự diễn tự yêu tự hờn!

  Gửi bởi: Gửi bác Xuân Đức - 19/10/2008

Hôm nay kỉ niệm 60 năm báo Văn Nghệ,  ngồi nhậu đến chiều tối, mâý anh em ngồi nói xấu bác đã đời luôn.
Tụi em vẫn vậy thôi, tại cái nhìn của bác giống miếng da lừa thôi, he he
Chúc bác vui khoẻ
Em
NQLập

  Gửi bởi: Traito - 20/10/2008

Đã vậy chú hãy gửi thêm cho 2 anh em họ giấy, bút để họ viết nốt những gì đang còn muốn viết. Đời còn dài  để thiên hạ lấy đó làm gương và biết cách tránh xa những kẻ bất nghĩa bởi chỉ có bất nghĩa, bất nhân thì người ta mới làm thế với thầy mình, với bạn mình thôi chú ạ. Thời nay loại người này không ít, đến cả con cái dứt ruột đẻ ra mà người ta còn viết thành sách hẳn hoi để chửi bố chỉ vì suốt đời là nghệ sĩ chân chính nên bố nghèo mà chú. Với loại người này thì nói chung là hết thuốc chữa rồi. Cháu thề là mai kia lại sẽ có vài bài phê bình gọi đó là “tiếng thét đau thương của những con người khao khát yêu thương, khao khát nghĩa tình”…Hehe…Cháu cươì bởi cháu tin là chú cũng thấy vui.

  Gửi bởi: qua đường - 20/10/2008

Mọi người sao nại thích chửi nhau thế, chửi ló, ló nại chửi nại cho ...chả dại. Học cách của Phật dạy, nấy ân báo oán, oán oán tiêu tan, hay cách ứng xử của bác XĐ vậy, rất tốt, rất chí tình, chí nghĩa.
  Gửi bởi: Tiếp... - 20/10/2008

Người ta có thể giận nhau, có lúc ghét nhau
Ai cũng có lúc chưa đúng
chưa tròn

Nhưng ăn ở với nhau trong đời, chín bỏ làm mười, trông ở người trên tuổi,
nhường cho người trẻ hơn

"Con người không nên ăn ở thất đức"
Đọc trong làng văn,
Xem trong đời thật
Ngẫm làm vậy!

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan