Tác giả: Trần Hoài
Đi bộ, ôi, cái cử động đầu tiên, chập chững của loài người từ khi biết giải phóng đôi chi trước không dành cho việc di chuyển nữa để làm những việc quan trọng và tinh tế khác, giao hẳn nhiệm vụ di chuyển cho đôi chi sau, thì loài người đã không ngừng sáng chế, phát minh ra các loại phương tiện di chuyển, từ cái bánh xe tròn bằng gỗ đến những con tàu vũ trụ bây giờ... Và cũng vì thế mà xuất hiện nguy cơ người ta ngày càng rời xa cái chân, ngày càng phụ thuộc vào phương tiện xe cộ, thế nên, người ta nghĩ ngay ra một cách thể dục thể thao đơn giản là đi bộ... để rèn luyện sức khỏe, chứ không vì mục đích di chuyển.
Nhưng đêm vừa qua, người Vinh, người Nghệ An không phải đi bộ thể dục thể thao, mà là đi bộ thực sự! Cả vạn người thong thả bên nhau, vai kề vai, cái tay đánh lên có khi chạm vào tay người khác. Những bạn trẻ yêu nhau ôm nhau đi miên man, những người già thoắt chốc như thấy mình trẻ lại khi hòa vào dòng người đông đúc. Thích nhất là bọn trẻ con, chúng nó chạy tung tăng, nắm tay bố mẹ kéo đi phăng phăng về phía trước. Chưa bao giờ chúng có cơ hội đi bộ nhiều đến thế, đi bộ trên đại lộ thênh thang mà không hề sợ xe cộ đâm vào. Bỗng dưng thấy cuộc sống sao hiền hòa và thân ái. Không có tiếng động cơ, không có mùi khói xăng, chỉ có tiếng người, hơi người...
Chợt nhớ cách đây hơn 200 năm, đại quân Tây Sơn chỉ hành quân bộ, suốt từ Nam chí Bắc mà đánh tan hai chục vạn quân giặc. Lại nhớ cách đây tròn 20 năm, mình đi bộ gần hai chục cây số trong đêm mưa để đến thăm nàng. Nàng không giấu được cảm động, treo chiếc áo mưa của mình lên móc, rồi ôm lấy mình, thổn thức: Ngốc ạ, người ta đùa mà cũng tưởng thật! Lại nhớ đến những ngày đêm đằng đẵng hành quân qua bao nhiêu thôn xóm, ba lô nặng trĩu, súng AK khoác trên vai, lầm lũi đi trong mưa, trong nắng... Bàn chân trong đôi giày vải phồng rộp bao nhiêu lần... Rồi cảm giác nôn nao vùi mình trong cỏ, trong đất nằm đợi giờ G trước cửa mở, bộc phá lệnh, hai phát pháo hiệu xanh đỏ vút lên trời, mình bật dậy cùng đồng đội xung phong, đôi chân băng băng vượt qua bao nhiêu chướng ngại vật. Hay những ngày mình ở đảo Cồn Cỏ. Mỗi sáng chủ nhật thế nào mình cũng đi một vòng quanh đảo dài 6 cây số, bao nhiêu sóng, gió và nắng biển khơi đã thấm đẫm trong tâm hồn mình như thế!
Vậy mà mười năm nay, hầu như mỗi ngày mình không hề bước chân quá ba trăm mét, tất cả ỉ vào động cơ ô tô, mô tô... Mình trở thành một gã lười đi, lười chạy. Ngày hai lần xe máy đi làm. Hết giờ, nhảy lên xe máy phóng về nhà hay ghé quán nhậu... Gặp gỡ, hẹn hò gì gì cũng xe máy, xe máy... Trùm mũ bảo hiểm lên đầu, ngồi lên xe máy, trước mặt chỉ còn con đường đầy bất trắc và cái đích phải đến cho bằng được, chẳng còn kịp nhìn thấy ai.
Đêm qua mình đi bộ một vòng quanh các con đường Hồ Tùng Mậu-Trường Thi-Trần Phú-Lê Mao... Tại vì con gái hai tuổi không chịu cho bế, cứ nắm tay mình kéo về phía trước, mình chạy theo con bé thơ ngây và hồn nhiên... Và, mình có cơ hội nhìn ngắm những người xung quanh mình. Sao thấy ai cũng thân thiện, rạng rỡ, có lỡ chạm vào nhau, vấp phải nhau cũng chỉ một lời xin lỗi, một nụ cười là xong. Không như cái lần mình đi công tác bằng xe máy lỡ quệt phải một đứa choai choai...
Đi bộ, mình có cơ hội cúi đầu nhìn xuống mặt đường mà không sợ tai nạn, để suy ngẫm một đôi điều nho nhỏ! Chẳng hạn, trên con đường này, bao nhiêu lượt bước chân người đã bước qua, và họ đi về đâu, đến đâu? Nếu dùng phép tái hiện quá khứ của điện ảnh và phép chồng lớp của máy tính, mình sẽ nhìn thấy hàng triệu bàn chân người đàn ông đàn bà, già trẻ chồng lấp lên nhau lớp này rồi đến lớp khác. Người đi mãi thì thành đường, trước đó, thế gian làm gì có đường? Bỗng thấy mình như đang hòa vào đại quân của Quang Trung hoàng đế. Mình chân đất nón dấu đã mấy ngày nay hành quân thần tốc liên tục từ Huế ra. Chủ tướng cho dừng lại trấn Nghệ An một thời gian ngắn tuyển thêm quân lương, huấn luyện kỹ càng cho chiến dịch tiến công chiến lược. Chủ tướng hẹn đến mùng Bảy âm lịch thì tổ chức ăn Tết ở Thăng Long. Mình không còn thời gian để nhớ người mẹ đã già trong quê Phú Xuân cùng nàng mắt lá răm môi cười như hoa ngóng đợi mình về làm đám cưới ở làng Vĩ Dạ. Trận đánh cuối cùng có thể không còn mình nhưng đại quân sẽ chiến thắng. Mình nghĩ thế thôi, thế là bước đi không mỏi mệt...
Đăng ngày 25/12/2008
|