Tác giả: Trần Hữu Đạt
|
Nhiều lần ngồi một mình, tôi tự hỏi: "Vợ chồng mình có phải là một cặp đồng sàng dị mộng không nhỉ? Hay chỉ đơn giản là hai mặt của một chiếc lá mà thôi?"
Thế rồi... câu hỏi cứ vấn vương, xoáy sâu vào tâm trí tôi... không thể nào bứt ra được.
"Hai mặt của một chiếc lá ư?" Có lẽ là vậy. Bởi trên đời này có chiếc lá nào lại có những ba mặt đâu. Mà lại càng không bao giờ có chiếc lá nào chỉ đơn giản là có một mặt thôi.
Thế rồi... câu hỏi cứ vấn vương, xoáy sâu vào tâm trí tôi... không thể nào bứt ra được.
"Hai mặt của một chiếc lá ư?" Có lẽ là vậy. Bởi trên đời này có chiếc lá nào lại có những ba mặt đâu. Mà lại càng không bao giờ có chiếc lá nào chỉ đơn giản là có một mặt thôi.
Tôi thẩn thờ ngồi nhìn chiếc lá xoay xoay và rơi xuống đất, rồi lại vô tình nhìn những chiếc lá đang sung sướng rung động ở trên cây. Không biết những chiếc lá trên cây có linh cảm rằng một ngày kia mình cũng sẽ nằm xuống như kẻ đi trước kia không?
Ồ! Chiếc lá luôn có hai mặt thiệt. Mặt này, không thể thiếu mặt kia. Nhưng ngược lại, mặt kia không bao giờ thay thế được mặt này. "Có lẽ là vậy!" - Tôi khẽ lẩm nhẩm.
Nhưng quái thay, ý nghĩ vợ chồng tôi là một cặp "đồng sàng dị mộng" cứ luôn theo đuổi và ám ảnh tôi hoài.
Nào là, những truyện ngắn và thơ của tôi, thì nàng luôn đọc và khen hay. Hay tới cỡ nào thì tôi không biết, nhưng thấy nàng cứ chăm chú vào và thổn thức: "Trời ơi hay quá! Trời ơi bi đát quá! Thương quá đi thôi! Ước gì mình giúp được những số phận hẩm hiu như thế nhỉ!"
Có lẽ đó là niềm tự hào và nỗi an ủi duy nhất mà tôi cảm thấy hạnh phúc.
Trái lại, những bài thơ, những trang bút ký của nàng thì... tôi không thể nào đọc nổi. Hay nói chính xác ra là: Tôi không có cảm hứng với nó một chút nào.
Thật lòng mà nói, vợ tôi cũng tập tọng làm thơ. Và thơ của nàng cũng được một hai tờ báo nào đó đăng lên. Người ta thì mừng, nhưng tôi thấy chả sung sướng chút nào.
Có lần em sẽ sàng hỏi:
-Sao người ta đọc thơ em thì thấy thích, mà anh thì... hơi bị quá thờ ơ?
- Điều đơn giản là: Thơ em nói quá thật. Những điều em nói, thì ai cũng biết. Những điều cần đào sâu, khai thác, thì em hời hợt quá. Hơn nữa, thơ là phải có chất thơ. Chứ thơ em, chỉ dừng ở góc độ ghép vần cho đúng luật mà thôi.- Tôi lạnh lùng góp ý. Nhưng nàng không hề giận, mà lại càng chăm chú vào viết và đọc hơn. - Sao trên blog có người rất thích thơ em? - Vợ tôi đột ngột ngửng lên hỏi.
- Thứ nhất trên ấy, toàn là những người chỉ biết thưởng thức văn học một cách thuần túy thôi. Thứ hai chúng khen đểu ấy mà. Thứ ba...- Tôi ấp úng - trên đó... chỉ rặt là những đứa yêu thơ, nắm rõ niêm luật của một bài thơ thôi...
- Nắm rõ niêm luật của một bài thơ, thì là viết thành thơ... ngon ơ rồi... chứ lỵ. - Vợ tôi ngập ngừng phản ứng.
- Từ chổ viết một lá thư cho người nhà và để trở thành một lá thư đầy tình cảm cho người yêu... Đi xa hơn nữa, để thành một lá thư, mà ai đọc cũng thấy mê, thì quả là một khoảng cách xa vời, khó chinh phục nổi...
Có lẽ tôi nói quá trúng, nên nàng không nói gì nữa, mà chỉ cắm mặt xuống đọc những trang sách đã mở sẵn.
Sau đó, tôi thấy nàng ít viết hơn và nghiêm túc hơn trong việc đánh giá một tác phẩm vừa phát hành trên bloge.
Quả thật, những người chúng tôi lên bloge, không phải để phát hành bài của mình, mà để đọc bài của người khác. Đọc để khám phá ý tưởng, học tập một cái gì đó rất hạn hữu và chủ yếu là để giải trí.
Nhưng vợ tôi thì lại khác nàng đam mê bloge đến nổi quên ăn quên ngủ. Lúc nào cũng rúc ra, rúc rích nói về những câu tán tụng trên bloge.
Tôi cũng có hướng dẫn cho nàng cách để làm một bài thơ Đường, Thơ Lục Bát, và thơ Tự do nói chung. Nhưng điều cốt yếu là phải biết cảm nhận những bài thơ hay, những ý tưởng sáng tạo mới lạ, có sức mạnh và rất táo bạo...
Đêm về khuya, tưởng chừng như vợ đã ngủ say. Tôi trở mình thở phào một cái mạnh.
- Anh chưa ngủ à?
-Tôi giật thót mình. - Như thể nàng đã bắt được những ý tưởng đen tối - vừa thoáng qua trong tâm trí của mình.
- Chưa. Anh nằm yên để cho em ngon giấc ấy chứ.
- Thế mà em tưởng...là anh đã ngủ, nên cố nằm im. - Vợ tôi nói trong âu yếm.
- Có việc gì ấm ức, cưng cứ nói. - Tôi ngọt ngào dỗ khẽ.
- Em chỉ thắc mắc là vì sao bọn các anh không khi nào post những bài hay lên mạng? - Giọng nàng thì thào trong bóng tối.
- Đơn giản mà thôi. Vì không có người đọc mà lại không có nhuận bút. Tôi bừng tĩnh trả lời như sáo.
Không nhuận bút thì quả là đúng. Nhưng sao lại không có người đọc. Em thấy trang bloge của anh có ngày lên tới cả trăm người vào ấy chứ.
Tôi thở dài ngán ngẩm. Biết nói thế nào cho em hiểu lòng đây. Đành phải ú ấ giải thích qua loa vậy:
- Người đọc, tức là người hiểu cái đích mà tác giả muốn nhắm tới. Người biết các giá trị nhân văn, giá trị nghệ thuật, giá trị chiến đấu, tính hiện thực, tính sáng tạo, vân vân tính trong một tác phẩm ấy.
- Thế thì em chịu. Nhưng... em đã được anh xem... là một người đọc của anh chưa?
Quả là bất ngờ với câu hỏi này. Tôi giả vờ hôn vào trán vợ rồi nằm lơ ra ngủ.
- Này! Trả lời đi đã. Em hỏi: Em có xứng đáng là người đọc của anh chưa? Trả lời đi, rồi hãy ngủ.
Chưa bao giờ, tôi thấy vợ tôi kiên quyết như bây giờ. Qua ánh đèn mờ, tôi thấy đôi mắt của vợ gợn lên những nét ưu sầu.
- Nói thật... em là đọc giả có kiến thức, nhưng những người viết có tay nghề cao, bao giờ họ cũng muốn người tương đồng trình độ, hoặc cao hơn phán xét.
- Vậy à? - Tôi ngạc nhiên vì thấy vợ tôi không tự ái mà vui vẻ hẵn lên.
- Thế mà trên bloge, em thấy các anh khen nhau, em tưởng đó là cảm nhận thật đấy chứ. Hóa ra toàn là khen đểu...
- Chê cũng có khi là đểu nốt. -Tôi ngắt lời vợ.- Bởi một thằng chưa biết chi về niêm luật thơ Đường mà dám bảo: "Ngày nay, người ta yêu cầu là thơ Đường chỉ cần như vầy, như vầy thôi." Hoặc là "phải vầy, phải vầy" mới là thơ. Nhưng so lại với giáo trình, thì sai bét chét... Chả đểu, thì cũng là múa gươm qua mặt chúa.
Vợ tôi rúc đầu vào nách tôi rung rúc cười.
Thực lòng mà nói, giữa tôi và vợ tôi có nhiều điểm không hoàn toàn khớp với nhau lắm. - Nếu không muốn nói là tương khắc. - Bởi chưa bao giờ, mà tôi lấy nàng làm hình tượng trong các tác phẩm của tôi.
Người để tôi luôn nhớ đến, để viết, để tạo ra những cảm xúc, và cuối cùng là cái đích để truyền cảm, lại là một cô gái cách xa cả ngàn cây số.- Cô ta tên là Vân Hạnh. Hạnh đọc và cảm nhận rất sâu về những tác phẩm của tôi. Những góp ý của em luôn làm cho tác phẩm của tôi có tính sâu sắc và hoàn thiện hơn. Đôi khi ngồi một mình tôi đã dám nghĩ: "Giá như Hạnh làm vợ của mình thì sẽ hạnh phúc biết mấy."
Nhưng rồi, tôi phải vội gạt phắt ý nghĩ đó ngay để trở về với thực tại. Tôi và vợ tôi, là hai nửa đang cố chuyển dịch để đạt được một cái điểm nào đó. Nhưng cái điểm đó, có trùng với nhau không... thì cả là một vấn đề. "Biết sao làm được, mọi người phải tự vận động mỗi ít. Miễn, không trật khỏi đường ray là được." - Tôi lẩm nhẩm, rồi thơ thẩn bước ra.
Thằng cu con gọi.
- Ba ơi! Ba xoay dùm con khối ru bic này với. Con xoay thế nào nó cũng cứ lệch nhau.
Con chị chạy lại, hổn hển nói.
- Đáng lẽ càng xoay, càng gần nhau hơn. Nó bảo: "Biết rồi!" Cứ khăng khăng đòi làm theo ý mình, nên càng xoay, càng lạc màu tợn.
- Hà hà....- Tôi mỉm cười, cầm khối rubic trong tay, chợt nghĩ. "Thì ra... tình nghĩa vợ chồng cũng vậy, phải cố xoay. Xoay ... xoay và xoay... Làm sao đó, để tiến tới hòa đồng thành một khối mới là cả một vấn đề.
Trần Hữu Đạt
Đăng ngày 14/04/2013 |