Tác giả: Đinh Mạnh Cường
Tối mồng 2 tháng 7 năm 2011, Đoàn cựu cán bộ, nghệ sĩ Văn công Quân khu 4 - Quân giải phóng Trị Thiên (QK4-QGP Trị Thiên) từ các miền đất nước hội ngộ tại khách sạn Mê Công, Đông Hà, Quảng Trị. Sau 36 năm Tổ quốc thống nhất, nay chúng tôi mới có dịp hẹn nhau sáng ngày 3/7/2011 tề tựu tại Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn để thắp hương tưởng nhớ liệt sĩ và làm lễ khánh thành tượng đài mang tên "Những nghệ sĩ mặc áo lính trên tuyến lửa".
Từ đầu tháng 3, Ban liên lạc Hội Cựu nghệ sĩ văn công QK4-QGP Trị Thiên ở Hà Nội và một số cựu nghệ sĩ ở Huế đã triển khai công việc nhằm mục đích tri ân các Anh hùng liệt sĩ, dựng nhóm tượng bằng đồng tại Nghĩa trang Trường Sơn và tập duyệt chương trình biểu diễn nghệ thuật "Hát cho đồng đội tôi nghe".
Hội chúng tôi hầu hết đã ở tuổi gần 60 đến 80. Thỉnh thoảng có tổ chức đi tham quan, xa nhất chỉ vài ba trăm cây số. Ý tưởng động viên hàng trăm đồng đội ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Thanh Hoá, Quảng Trị, TP Huế cùng một lúc về Nghĩa trang Trường Sơn nhân dịp kỉ niệm 64 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, được bắt nguồn từ một cựu nữ nghệ sĩ múa đang sinh sống ở Hà Nội. Chị đã kể cho tôi nghe về một đêm đầu xuân Tân Mão, khi đang tọa lễ trước bàn thờ Phật, mơ hồ thấy một người đàn ông trùm kín mặt ngồi cạnh, thúc vào chân chị, khiến tâm tưởng chị hướng về cõi ngàn xa...
Chị 55 tuổi, có khuôn mặt trẻ trung, xinh xắn, từng trải, sống bản lĩnh, yêu đời, yêu người, luôn day dứt khôn nguôi nhớ thương các đồng đội đã hy sinh lúc tuổi 20 ở chiến trường Khu 4, Trị Thiên những năm chống Mỹ. Điều đó, thôi thúc chị phải làm một việc hữu ích để tri ân đồng đội. Chị trình bày nguyện vọng với Ban liên lạc, muốn được góp số tiền vài ba trăm triệu đồng dựng tấm phù điêu bằng đá tại Nghĩa trang Trường Sơn, tạc lên hình ảnh các nghệ sĩ Văn công QK4-Trị Thiên biểu diễn tại chiến trường. Được sự đồng thuận của Ban liên lạc và hội viên, chị vào Quảng Trị đề xuất với lãnh đạo tỉnh, được hoan nghênh, nhưng tỉnh yêu cầu xây dựng nhóm tượng khối bằng đồng. Bước đầu thuận lợi, nhưng cũng khó khăn, bởi mức kinh phí làm tượng đồng sẽ cao hơn dự tính rất nhiều.
Lần thứ 2, chị lại nhận được sự mách bảo của người đồng đội nơi cõi âm, thoáng thấy anh mỉm cười, thúc nhẹ vào chân chị, như ý bảo cứ kiên trì. Chị tham khảo giá, chất lượng sản phẩm ở các cơ sở đúc đồng phía Bắc và chọn làng đúc đồng truyền thống Ý Yên - Nam Định. Nhóm nghệ sĩ điêu khắc có uy tín ở Hà Nội được chọn sáng tạo tượng đài, có sự tham gia ý kiến của Ban liên lạc và các đồng chí nguyên lãnh đạo đoàn Văn công Quân khu 4. Mô hình nhóm tượng được các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị chấp thuận, đánh giá cao về ý nghĩa nhân văn, giá trị thẩm mỹ.
Lần thứ 3, chị lại được đồng đội ở cõi linh thiêng mách bảo. Đó là buổi sáng cuối tháng 5, mệt mỏi sau một đêm thức khuya, chị chợt nghe bên tai tiếng gọi: "Dậy đi!". Chị bật dậy, sực nhớ sáng nay đồng đội ở Huế sẽ ra Nghĩa trang Trường Sơn định vị khu vực đặt tượng đài. Chị liền gọi điện liên lạc với họ. Đúng lúc họ đang có mặt ở đó. Chị liền thắp hương, tụng kinh bái tạ. Hôm sau, chị bay vào Quảng Trị, cùng đồng đội ở Huế và Ban quản lý Nghĩa trang Trường Sơn làm lễ động thổ chân móng tượng đài. Sự kiện này được đài Truyền hình tỉnh Quảng Trị, Truyền hình VOV Trung ương đưa tin. Ngày 22/6, Ban liên lạc ở Hà Nội cùng chị về Ý Yên thẩm định chất lượng nhóm tượng lần cuối và ngày 26/6 rước Tượng vào Nghĩa trang Trường Sơn.
Sáng ngày 3 tháng 7, Lễ cắt băng khánh thành tượng đài "Những nghệ sĩ mặc áo lính trên tuyến lửa" được tổ chức trọng thể tại Nghĩa trang Trường Sơn với sự tham gia của gần một trăm cựu cán bộ, nghệ sĩ và một số người thân. Dẫn đầu là những người lính già tuổi gần 80 như Đại tá - nguyên Chính trị viên Nguyễn Huy Linh, nguyên đoàn trưởng Bùi Tòng, Nguyễn Thế Linh, nguyên đoàn phó Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Phi Hùng. Tham dự buổi lễ còn có nhà văn Xuân Đức (Giải thưởng Nhà nước về Văn học-Nghệ thuật), nguyên Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Quảng Trị-một cựu diễn viên đồng thời là tác giả nhiều vở kịch trong chương trình biểu diễn của đoàn những năm chiến tranh và Đại tá-NSƯT-Nhạc sĩ Hoàng Thành, Trưởng đoàn Nghệ thuật Quân khu 4. Các cựu nghệ sĩ ở xa hàng nghìn cây số như Phạm Tiến Thuật, Hồ Sĩ An, Nguyễn Thị Ngọc Hương đều có mặt. Đại biểu là các đồng chí lãnh đạo UBND, Ban, Ngành tỉnh Quảng Trị đến dự và tham gia cắt băng khánh thành Tượng đài.
Tượng đài được đúc bằng đồng nguyên chất, cao 2,2 mét từ chân đế lên đỉnh. Nhóm tượng gồm ba nhân vật nghệ sĩ quân đội. Hai người đứng phía sau đội mũ tai bèo: Người con trai kéo cây đàn phong cầm. Người con gái đang hát, tóc bay mềm mại. Cô gái phía trước tấn thấp, hai tay tạo thế múa dân gian, miệng cười duyên dáng.
Lời khai mạc mở đầu buổi lễ: "Kính thưa vong linh các Anh hùng liệt sĩ... Nơi yên nghỉ của các anh, các chị ở Nghĩa trang Trường Sơn mãi mãi tượng trưng cho một thời oanh liệt mà thế hệ hôm nay, mai sau không thể quên, không được quên! Với niềm tin, lòng biết ơn và ý thức hướng về sự thiêng liêng cao cả, đồng đội và nhân dân mãi mãi tri ân những người con đã bỏ mình vì nước nơi chiến trận... ". Ông Nguyễn Thế Linh, nguyên Trưởng đoàn Văn công QGP Trị Thiên phát biểu bày tỏ niềm tự hào về tượng đài Nghệ sĩ mặc áo lính một thời hào hùng "Tiếng hát át tiếng bom" lần đầu tiên xuất hiện trong quần thể vườn tượng Nghĩa trang, bên cạnh các tượng đài liệt sĩ Binh chủng công binh, bộ binh, pháo binh...
Ông Nguyễn Đức Chính, Uỷ viên Thường vụ tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị xúc động nói: "Từ nay, Nghĩa trang Trường Sơn có một tượng đài mang tên "Những nghệ sĩ mặc áo lính trên tuyến lửa". Đây sẽ là nơi để nhân dân, đồng chí, bạn bè, gia đình đến chiêm ngưỡng, nhớ mãi một thời oanh liệt đã qua. Chúng tôi đánh giá cao sự đóng góp của Hội Cựu nghệ sĩ mặc áo lính, đã gửi gắm niềm tự hào vào tác phẩm này. Hình ảnh người chiến sĩ văn công đem lời ca, điệu múa một thời động viên bộ đội tăng sức mạnh chiến đấu. Chúng tôi mong rằng, Hội sẽ có nhiều hoạt động hơn nữa, tạo ra giá trị tinh thần to lớn bằng những hoạt động xung quanh Tượng đài, thu hút đông đảo nhân dân đến chiêm ngưỡng. Chúng tôi hứa sẽ bảo quản tốt tài sản này, trân trọng đáp ứng tình cảm của các đồng chí đối với đồng đội...".
Lễ cầu siêu cho liệt sĩ được các Thượng tọa, Ni sư ở Hội Phật giáo tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và thành phố Huế thực hiện tại Đài tưởng niệm trung tâm và Tượng đài "Những nghệ sĩ mặc áo lính trên tuyến lửa".
Dưới tán cây bồ đề râm mát, NSƯT Nguyễn Mạnh Hà dẫn chương trình biểu diễn nghệ thuật "Hát cho đồng đội tôi nghe" : "Trong giờ phút thiêng liêng, kỳ diệu âm dương cùng giao hoà giữa Nghĩa trang Trường Sơn, chúng tôi xin kính cẩn nghiêng mình đón mời Anh linh các Anh hùng liệt sĩ và tất cả quý vị đang có mặt nơi đây cùng thưởng thức chương trình nghệ thuật...".
Những bài ca, điệu múa hoà cùng hương khói: "Mỗi bước ta đi", "Hát mãi khúc quân hành" (hợp ca toàn đoàn); "Bình Trị Thiên khói lửa" (đơn ca Sỹ An, đến từ TP HCM); "Nữ du kích Trị Thiên đánh xe tăng" (tốp ca nữ đến từ Nghệ An); "Miền xa thẳm" (đơn ca nữ Kiều Oanh đến từ Hà Nội); "Cây đàn chiến sĩ" (tốp nữ múa Hà Nội); "Bài ca bên cánh võng"(múa đôi: Huyền Minh và Ngọc Ninh); Ngâm thơ: "Người cầm súng" (Văn Thuần - TP Huế)...
Trước giờ biểu diễn, một nữ nghệ sĩ múa thắp hương cho những nấm mồ liệt sĩ Hà Nội gần bên sân khấu. Chị bỗng rùng mình, người nghiêng ngả. Mấy người bạn xúm lại khi thấy chị khóc nức nở, liền hỏi: "Tại sao lại khóc?". Trả lời: "Hôm nay vui quá, vui quá, nhưng mẹ không đến đây được! Nhớ mẹ lắm! Nhớ mẹ lắm!". Nói rồi lại khóc như gió mưa. Mấy người bạn ngộ ra, trang trọng hỏi: "Anh quê ở đâu?". Trả lời: "Tôi ở phố Đào Duy Từ - Hà Nội!".
Sự việc diễn ra phút chốc, người nghệ sĩ được nhập linh tỉnh lại, chuẩn bị tham gia biểu diễn. Bài: "Màu hoa đỏ" là tiết mục đơn ca mở đầu, người hát là nữ nghệ sĩ múa có tấm lòng cao cả mà tôi đã nói ở trên. Minh hoạ cho bài hát là nhóm múa Hà Nội gồm các chị Ngọc Lan, Ngọc Ninh, Kim Oanh, Minh Thư, Kim Phụng đã diễn rất chân thực khúc múa bà mẹ tiễn các con ra trận. Khi trận chiến đấu kết thúc, bà mẹ ôm bó hoa đặt trước tạo hình kết "Những chiến sĩ bất tử". Điều kỳ bí là chị múa vai bà mẹ chính là người được liệt sĩ nhập linh trước giờ biểu diễn.
Cuộc hành hương đặc biệt về chiến trường xưa, khánh thành tượng đài "Những nghệ sĩ mặc áo lính trên tuyến lửa" tại Nghĩa trang Trường Sơn của Hội chúng tôi đã hoàn thành. Trên đường về, người nữ nghệ sĩ có tấm lòng cao cả ấy đề xuất với đồng đội ý tưởng lấy ngày 3 tháng 7 hàng năm làm ngày sinh nhật Tượng đài. Tất cả mọi người đều tán thành và bảo nhau cố gắng dành dụm tiết kiệm để cùng chung lo kinh phí cho chuyến hành hương năm sau.
Tôi chưa thông tin nhân danh của chị. Chắc bạn đọc muốn biết chị tên gì (?). Nhưng tôi đã hứa thực hiện điều chị yêu cầu là không đưa tên cá nhân, dù số tiền do chị chi phí cho Tượng đài và cả chuyến đi của đồng đội là rất lớn. Chị nói rằng, thành công nhờ đóng góp chung của đồng đội, cũng như cái tên Tượng đài là sự hiện hữu hình bóng của những nghệ sĩ quân đội đã từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường những năm chiến tranh chống quân xâm lược./.
Đăng ngày 21/07/2011 |
Ý kiến về bài viết | ||||
|