Thursday, October 8, 2015

HƯƠNG TRẦM GIÓ - Kịch bản phim truyền hình nhiều tập - Tập 1

Tác giả: Xuân Đức

HƯƠNG TRẦM GIÓ

TẬP 1 

    NHÂN VẬT CHÍNH 



1.     Thầy Hoàng



2.     Tâm, vợ Hoàng



3.     Phúc, thương binh



4.     Khuê, con gái Phúc



5.     Soạn, lính Sài Gòn cũ



6.     Ngọc Thụ, con trai Soạn



7.     Chị Lanh, y sĩ thời chống Mỹ



8.     Chị Miên, vợ liệt sĩ




9.     Ông Vườn, Chủ tịch Mặt trận xã



10.                        Chị Tào, vợ cũ của Soạn



11.                        Cháu Ba Tài..con của Tào



12.                        Phương: con gái Hoàng



13.                        Đạt: con trai của chị Miên



14.                        Chị Năm béo: Chủ đại lí “ Mua mọi thứ , bán mọi thứ”



15.                        Thái: Phó văn phòng UBND huyện



16.                        Ông Thế, chồng sau của Tào.



17.                        Minh: Bác sĩ Trưởng trạm quân y, sau này là chồng của Lanh.



18.                        Tôn: con trai của Minh.



19.                        Phùng: Bác sĩ Giám đốc bệnh viện huyện.



20.                        Tư Sỏi, lính ngụy, chiến hữu của Soạn.



21.                        Ba thanh niên tìm trầm hay quậy là: Phụ, Sún, và Hóc Xương



22  Trần Đẩu, Phó Chủ tịch huyện.



23: Ngọc Thụ lúc nhỏ



24: Ba Tài lúc nhỏ.










Nhiều nhân vật phụ khác…

Ghi chú của tác giả: Phim được triển khai song hành hai tuyến hiện tại và quá khứ. Mạch quá khứ được thể hiện thông qua kí ức của nhiều nhân vật khác nhau, trong nhiều thời điểm khác nhau, có vẻ lộn xộn..Tuy nhiên tác giả đã sắp xếp có tính toán để tạo nên một logic về thời gian. Nếu làm đảo lộn trất tự hồi tưởng khác so với trong kịch bản, người xem sẽ không hình dung được mạch chuyện trong quá khứ.



Nên sử dụng hình ảnh đen-trắng cho toàn bộ hồi tưởng. 



1- NGOẠI / NỘI- NHÀ KHUÊ (HUYỆN SƠN KỲ)- ĐÊM



Ngoại: Toàn cảnh một ngôi nhà gỗ tường gạch, nằm im lìm trong khu dân cư của huyện nghèo vùng bán sơn địa ở phía tây tỉnh Khánh Hòa. 

Đêm đã khuya..xóm thôn rất yên tĩnh.

Bất ngờ có tiếng hét la bên trong.







TIẾNG ÔNG PHÚC

(OFF) Xung phong! Xung Pho..o..ng…! 



Cắt- chuyển. 



Nội: Phúc chồm người lên trên giường. Khuê ôm lấy ba, lay gọi. 



PHÚC

Giết! Giết hết bọn lính Mỹ, lính ngụy. Trả thù cho đồng chí Hoàng! Trả thù cho đồng chí Hoàng.. 



KHUÊ 



Ba! Ba bình tĩnh lại đi. Ba ơi… 



PHÚC
Đồng chí Hoàng! (thều thào, đuối sức) Tôi sẽ giết hết bọn Mỹ, bọn ngụy để trả thù! Trả thù! 

Phúc thiếp đi trên tay con gái. Khuê khẽ lau nước mắt, cố đặt ba nằm xuống. Rồi cô nhẹ nhàng chạy lại chỗ bếp, lấy khăn tẩm ướt đến đặp lên trán cho ba. Một lúc lâu, ông Phúc tỉnh lại. 

KHUÊ
Ba! Ba tỉnh rồi hả? Ba có mệt lắm không? Để con lấy nước cho ba uống (chạy đi lấy nước).

PHÚC 

Là… con Khuê hả? Mấy giờ rồi?

KHUÊ 

Nửa đêm rồi. 

PHÚC
Nửa đêm? Nửa đêm mà con vẫn chưa ngủ sao?

KHUÊ
Dạ, con thức quen rồi mà ba. À, ba ơi, cái người tên là Hoàng ấy… là ai vậy ba?

PHÚC
Hoàng? Sao con lại biết đồng chí Hoàng? 

KHUÊ:
(Cười) Con đâu có biết. Tại vì con thấy khi nào ba lên cơn cũng đều gọi tên đồng chí Hoàng. Cái gì mà…tôi sẽ giết hết bọn Mỹ Ngụy trả thù cho đồng chí…
PHÚC
Có chuyện như vậy há? (khẽ thở ra) Đồng chí Hoàng là một anh hùng!

KHUÊ 

Anh hùng lực lượng vũ trang hả ba? 

PHÚC
Chưa ai phong tặng cho anh ấy cả. Nhưng trong lòng ba, đồng chí ấy là một anh hùng.
KHUÊ 

Thế sao ba không bảo chú ấy viết thành tích, rồi các đồng đội trong đơn vị cũ của ba cùng chứng nhận và kiến nghị lên các cấp để Nhà nước phong tặng anh hùng?
PHÚC

(Im lặng một lúc) Làm sao mà Hoàng viết thành tích được nữa. Đồng chí ấy hy sinh rồi…

KHUÊ 

Hy sinh rồi ?
PHÚC
Vì cứu ba và mấy đồng đội nữa mà anh Hoàng đã lao lên phía đầu nguồn suối đánh lạc hướng địch. Bọn khốn nạn đã bắn anh ấy. Chính mắt ba nhìn thấy Hoàng ngã vật xuống bên bờ suối cách chỗ ba chừng 100 mét thôi mà không có cách chi cứu được (run run) Không có cách chi cứu được, vì lúc đó ba cũng đã bị một mảnh đạn phóng lựu găm vào đầu. Nhìn thấy đồng chí của mình, ân nhân của mình ngã xuống mà không thể cứu được. Đau, đau lắm! (cả người rung lên) Anh Hoàng ơi! 

Khuê hốt hoảng chồm đến ôm lấy ba.
KHUÊ

Ui ba, ba…đừng kể…đừng kể nữa. Ba lại lên cơn bây giờ. Nào, ba ôm lấy con nè, ba thở sâu vô nghe. Như vầy, như vầy… Được rồi. Chuyện qua lâu lắm rồi mà ba. Đừng nhớ lại nữa, nghe ba!



Cắt. 

2-    NGOẠI/ NỘI- TRƯỜNG PTCS- NGÀY 

Ngoại: Quang cảnh vùng đồi gần bìa rừng tỉnh Quảng Nam. Xa xa là rừng. Gần là triền đồi với những ngôi nhà lẻ loi ẩn hiện trong các khóm cây. 

Một con suối ngoằn ngoèo… 

Nội: Lớp học sinh độ tuổi 15. Trên bàng có ghi câu ca dao: 

“ Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn…” 

Đặc tả khuôn mặt rồi cả dáng người Hoàng. 

Thầy giáo Hoàng, một thương binh đi chân giả đang đứng, người hơi nghiêng, tay vịn vào mép bàn nhìn xuống học sinh. Nhiều học sinh đưa tay xin phát biểu. Hoàng chỉ một em gái. Học sinh nữ đứng lên, hơi rụt rè nhìn các bạn, rồi mạnh dạn phát biểu. 

HỌC SINH NỮ
Thưa thầy, ý nghĩa của câu ca dao trên là nói lên tình thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của những người có chung một điều kiện sinh sống giống như cây bầu, cây bí có chung một giàn để leo ạ..
Một học sinh nam đưa tay, Hoàng chỉ tay, học sinh nam đứng lên. 

HỌC SINH NAM
Thưa thầy, câu ca dao: Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn là một lời kêu gọi về tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau của đồng bào ta, không nên phân biệt xuất xứ, hoàn cảnh ạ..

Ngoại: Một nữ phóng viên mang túi đồ nghề  xuất hiện ở cửa lớp học, thập thò nhìn Hoàng.. 

Nhiều học sinh nhìn ra phận tâm. Hoàng bước ra bên ngoài .. 

HOÀNG:

Cháu…hỏi ai vậy?
NỮ PHÓNG VIÊN:
Dạ thưa..chú có phải là thầy giáo Hoàng hiệu trưởng trường Phổ thông cơ sở xã này không ạ?
HOÀNG: 

Đúng rồi. Có chuyện gì vậy?

NỮ PHÓNG VIÊN: 

Thưa chú..cháu là phóng viên báo Giáo dục thời đại. Cháu muốn xin gặp chú để ..
HOÀNG:

Xin lỗi…chú đang đứng lớp..Cháu cho chú hẹn lúc khác nghe.. 

NỮ PHÓNG VIÊN:

Vậy mà trên Phòng giáo dục huyện, họ nói với cháu là chú chuẩn bị nghỉ hưu.. 

HOÀNG:
Đúng rồi. Nhưng chuẩn bị có nghĩa là chưa nghỉ, đúng không? ( Ngừng ngắn) Hôm nay là tiết học cuối cùng, tôi muốn dành sự tập trung cao nhất cho lớp. Cháu thông cảm nghen..( Quay vào)
Nữ phóng viên nhìn theo Hoàng..Rồi cô đi quá chỗ cửa một đoạn, dừng lại lắng nghe..Tiếng Hoàng vẳng ra.
HOÀNG

( OFF) Có em nào có ý gì hay hơn không? 

Nội: Cả lớp nhìn nhau. Hoàng nói tiếp.
HOÀNG:
Cả hai em đều có những ý hay, cũng đã nói được cái ý cơ bản toát lên từ câu ca dao. Bây giờ thầy thử đặt ra một giả thiết thế này nghe. Chúng ta hãy thay đổi những danh từ riêng trong câu ca dao kia, ví dụ, tùng ơi thương lấy bách cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một vườn..Các em thấy câu ca dao mới ấy có còn ý nghĩa giống như hai câu ca dao này không?

Học sinh nhìn nhau, em thì gật gật, em lại lắc đầu..Một học sinh nữ khác đưa tay. Hoảng chỉ tay. Học sinh nữ đứng lên.
HS NỮ
Thưa thầy không giống ạ..Là vì..cái câu mới nó nó..thế nào ý..Nghe lạ hoắc à..

Cả lớp cười, học sinh nữ thẹn, ngồi xuống.
HOÀNG
Em nói rất đúng. Cây tùng, cây bách rất xa lạ với chúng ta. Nó là những cây được coi như quý tộc, được trồng trong các vườn thượng uyển hoặc những nơi sang trọng khác... Cây bầu, cây bí là những cây trồng thân thuộc của người Việt Nam ta, gắn với bữa ăn, giấc ngủ, gắn với ước mơ bình dị về hạnh phúc của người lao động. Hơn nữa, khác với tùng, bách, bầu và bí là loại cây yếu mềm, rất dễ bị tổn thương..Còn nữa, sống chung một vườn và chung một giàn là rất khác nhau về điều kiện. Trong một vườn thì có thể tách bạch nhau ra mà vẫn tồn tại được. Nhưng trên cùng một giàn thì bắt buộc cây nọ phải ôm ấp cây kia, xoắn xuýt lấy nhau..Với điều kiện như vậy, nếu không thương nhau, cố tình hãm hại, loại bỏ nhau thì chắc chắn cả hai đều không thể tồn tại phát triển được..

Ngoại: Phương (con gái Hoàng) đạp xe nhanh vào cửa phòng học, dựng xe rồi thập thò ở cửa, bộ dạng lo lắng)

PHƯƠNG 

(Nói khẽ) Ba…
HOÀNG
(Nhìn ra, bước ra gần cửa) Có chuyện chi vậy con?
PHƯƠNG 

Thím Miên..
HOÀNG

Thím Miên sao rồi?

PHƯƠNG
Thím bị ngất, má đã đưa thím lên trạm y tế xã. 

          2  NỘI/ NGOẠI: TRẠM Y TẾ XÃ / SÂN TRƯỜNG PTCS.
Nội: Trong trạm y tế, các bác sĩ và y tá đang làm các động tác cấp cứu cho Miên. 

Chị Tâm ( vợ Hoàng) đứng cạnh, lo lắng.. 

Cắt – chuyển : 

Ngoại: Sân trường PTCS, Hoàng đang cố đạp cần đề chiếc xe máy cũ không nổ.  

Học sinh  trong lớp chạy ra. Một học sinh nam chạy đến ..
HS NAM:
Thầy để em.. 
Học sinh nam đạp chưa nổ, liền cúi xem xét lại xe.. 

HS NỮ
Thưa thầy, có phải cô ở nhà đã xẩy ra chuyện gì không ạ?

HOÀNG
Không phải cô, mà là..cô Miên, vợ một liệt sĩ đã hy sinh trong chiến dịch Buôn Mê Thuột đầu năm 1975. Cô Miên sức khỏe yếu, rất hay bị ngất..( ngừng một tý) Các em! Sáng nay là giờ học cuối cùng của thầy đối với lớp chúng ta. ( cả lớp lao xao) Thầy có ý định trong tiết học cuối cùng này sẽ dành thời gian tâm sự nhiều với các em..Thầy muốn nói thêm nhiều điều xung quanh câu ca dao lúc nãy..Những điều ấy là những chiêm nghiệm của một người lính đã đi qua một cuộc chiến tranh trên một vùng đất tàn khóc và đau thương như đất Quảng chúng ta...Nhưng..có lẽ, để hôm sau vậy nghe. Bây giờ thầy phải về trạm xá..Các em có thể nghỉ sớm..

Máy xe đã nổ. Thầy trò cùng cười. Hoàng xoa đầu học sinh :

HOÀNG: 

Thầy cảm ơn em.
Hoàng lên chạy ra cổng.. Cả lớp nhìn theo. 

Cắt – chuyển: 

Ngoại: Ngoài hành lang trạm xá, vài bệnh nhân đi ra, một y tá đi vào. Hoàng dựng xe, chạy vội vào nhìn ngược xuôi, hỏi một ý tá rồi chạy vào phòng.

Nội: Trong phòng điều trị. Miên nằm, bên cạnh có chị Tâm . Một y tá đang truyền dịch. 

HOÀNG
(Vội vã) Sao rồi? Cô y tá, bệnh thím ấy có sao không?

Y TÁ
Thím ấy bị rối loạn tiền đình. Nguyên nhân chủ yếu là suy dinh dưỡng. Cần phải để thím ấy ở lại trạm vài hôm. Có điều, sau khi về thím cần phải cố gắng tẩm bổ, tĩnh dưỡng.

HOÀNG
Cảm ơn cháu. (Với Miên) Chắc là dạo này thím ít ngủ, đúng không?
MIÊN
Chẳng hiểu sao … cả tháng nay, hễ cứ chợp mắt là lại nhìn thấy anh ấy…

HOÀNG
Khổ quá. Tui đã nói với thím rồi… đừng quá nghĩ ngợi. Tui đã hứa với thím, sau khi bàn giao công việc trường xong, tui nhất định sẽ đi tìm được phần mộ anh Thuận. Tui hứa là làm được. Chị đừng quá âu lo nữa, được không? 

TÂM

Đúng đó thím. Còn có anh Hoàng, còn có nhiều đồng đội khác nữa, chắc chắn sẽ tìm được anh Thuận thôi. Chị phải gắng tĩnh dưỡng tinh thần thì anh Thuận mới an lòng được chứ.

Phương- con gái Hoàng, cùng Đạt- con trai Miên- chạy vào.

ĐẠT 

Má..Má có sao không? 

MIÊN
(Gượng cười) Má không sao? À, phải rồi, con đã đi nộp hồ sơ thì đại học chưa?
ĐẠT

(Lúng túng) Dạ… con… (liếc nhìn Phương) 

PHƯƠNG
Thím yên tâm. Con với Đạt đã hẹn nhau sẽ cùng đi nạp hồ sơ một lúc mà.

Hoàng hiểu ý con gái, nhìn Phương như muốn hỏi. Phương nháy mắt ra hiệu cho ba.

Cắt cảnh: 

3-    NGOẠI- BÊN CON SUỐI NHỎ- NGÀY

Đạt xắn quần lội dọc theo suối mò bắt cá. 

Hoàng cà nhắc đi bên mép suối. Cuối cùng anh đã nhìn thấy Đạt. 

HOÀNG 

Đạt, cháu đang làm chi vậy hả? (Đạt ngó lên không nói gì lại tiếp tục mò) Nè, mò kiểu đó chỉ để làm cho cá nó trốn chứ bắt sao được. Để bác bày cho nè. 

Hoàng nghiêng người lội xuống suối. Trượt chân Hoàng ngồi xổm xuống nước. 

ĐẠT
Úi, bác Hoàng…(chạy lại đỡ) Chân cẳng bác như vầy, lội suối sao được mà xuống.

HOÀNG

(Gượng cười) Cái thằng nhỏ này. Tao chỉ thất thế chút thôi. Chứ lội suối là nghề của tao mà, mày sánh sao nổi.

ĐẠT

(Dìu Hoàng lên bờ) Con biết bác lội suối giỏi rồi. Nhưng là chuyện hồi xửa hồi xưa kia. Giờ bác già rồi, lại đi chân giả nữa, muốn làm oai với cháu sao được.
HOÀNG

Được được, coi như bác thua. Mà này, kiếm cá sao không đi be mấy đoạn mương trên khe kia, tát cạn rồi bắt, lại lò mò dưới suối này cho khó tìm. 

Cắt- chuyển: 

Bên kia suối cách chừng 100 mét, trong một khoảng rừng nhỏ có ba thanh niên đang trèo qua những tảng đá..Đó là Phụ, Sún và Học..những đứa đang đi tìm trầm.. 

Bất ngò Phụ ra hiệu cho cả bọn im lặng, chỉ tay về hướng Hoàng và Đạt đang lội suối bắt cá.. 

SÚN:

Bọn họ..có phải cũng đi tìm cây trầm như ta không? 

PHỤ:

Không phải..có vẻ như là bắt cá.. 

HỌC: 

Bắt cá gì ở chỗ suối ấy.. 

PHỤ: 

Cá me..Suối trong rừng sâu có nhiều cá me lắm. 

Cắt- chuyển. 

Trở lại chỗ  Đạt và Hoàng.

ĐẠT

Má con thích ăn canh cá me dưới suối. Má hay kể hồi trước khi ba còn sống, mỗi lần chạy càn ba hay kiếm cá me dưới suối về cho má nấu canh mít lá lốt.  bảo, mối lần ăn canh cá me, má lại như thấy được ngồi ăn với ba. 

Hoàng rưng rưng thương cảm, choàng tay ôm chặt Đạt. 

HOÀNG 

(Rất lâu sau) Nè, bác hỏi thiệt nghe. Có phải cháu định dấu má, không chịu thi đại học?
                                                               ĐẠT

Hoàn cảnh cháu như vậy, bác bảo làm sao cháu đi học xa được. 

HOÀNG

Hoàn cảnh cái gì? Má cháu ở nhà còn có làng, có xóm, còn bác với bác gái đây. Bao nhiêu năm nay hai bác sống với gia đình cháu thế nào, cháu vẫn chưa yên tâm sao?
ĐẠT 

Cháu biết. Má cháu vẫn nói, vì cảm thương hoàn cảnh má con cháu nên hai bác mới rời quê dưới xuôi lên tận đây lập nghiệp để có điều kiện giúp đỡ má con cháu. Má cháu dặn cháu lúc nào phải ghi ơn của hai bác. 

HOÀNG 

Nói tầm bậy. Nếu bảo ghi ơn thì cả nhà bác phải ghi ơn má cháu. Nếu ngày ấy, má cháu không liều mạng kéo bác từ bờ suối này lên, sau đó chui rừng tìm cho được trạm cứu thương để cấp cứu cho bác thì nay bác làm gì còn có mặt trên đời. Ơn cứu mạng của má cháu mới là ơn trời bể. . Bác không khách sáo đâu. Bố cháu là liệt sĩ, giá như không có bác ở đây thì bà con với chính quyền ở Thạch Khê này vẫn giúp đỡ má cháu. Đây là đạo lí uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của dân mình mà. Vì thế, cháu nên nghe lời bác, cứ đăng kí thì đại học, đứng lướng vướng gì chuyện nhà hết..Ba cháu ở suối vàng cũng sẽ rất vui nếu biết được con trai mình được học hành tử tế, đúng không? 

Cắt- chuyển: 

Ở một vị trí cách đây vài chục mét, Phương núp sau bụi cây nhìn cảnh ba với Đạt tựa vào nhau tâm sự. Phương khẽ chớp chớp mi mắt. 

4-    NỘI: NHÀ KHUÊ Ở SƠN KỲ - NGÀY: 

Khuê bê bát cháo lên cho ba. Phúc nhìn con gái thương cảm. 

PHÚC: 

Nè, đêm qua ba lên cơn mấy lần vậy? (Khuê nhìn ba, khẽ mỉm cười, im lặng)Thật khổ thân con. Tổ cha cái mảnh đạn trên đầu! Làm tình làm tội tao thì không sao, lại làm khổ lây con gái tao nữa. Tao đập luốn cái đầu vào tường mà chết quách đi cho rồi.

KHUÊ 

Kìa ba! Con có khổ gì đâu. Chỉ thấy thương ba thôi. Ba cứ chịu đựng cái vết thương ấy đến khi nào mới thôi đây. Mà ba ơi, sao hồi mới bị thương, người ta không mổ lấy cái mảnh đạn ấy ra, cứ để mãi trong vỏ não của ba làm gì để đến giờ ba khổ vậy?
PHÚC 

Thời chiến, quân y mặt trận làm sao có điều kiện mà làm đại phẫu. 

KHUÊ

Nhưng bữa ni, y học hiện đại rồi… Hay là ba lên viện mổ đi. 

PHÚC
(Khẽ nhếch mép như cười) Y học hiện đại, nhưng nhà ta đâu đã hiện đại. 

KHUÊ
Ba nói nhà ta không hiện đại là ý sao? 

PHÚC

Là cái túi tiền nhà ta đó con. Có hiện đại đủ để đại phẫu thuật không? 

KHUÊ 

(Sững ra) Chẳng lẽ ba cứ chịu mãi thế này.

PHÚC
Cứ phải chung sống với nó thôi con ạ. Con không nghe bây giờ người ta hay nói “chung sống”, cái chi cũng chung sống. Chung sống với bão lũ. Chung sống với hiểm họa. Cả đại dich HIV cũng cần chung sống nữa là...  

KHUÊ 

Nhưng làm sao có thể chung sống được với nỗi đau (tự sự) Chiến tranh đã đi qua hai mươi lăm năm rồi… nhưng với ba, ba đã ra khỏi cuộc chiến đâu.

5-    NGOẠI- NGHĨA TRANG LIỆT SĨ THẠCH KHÊ. / TRÊN ĐƯỜNG VỀ - CHIỀU 

Hoàng cùng nhiều học sinh thắp hương trên các phần mộ liệt sĩ. Mấy em học sinh gái nhổ cỏ. Nhiều em dùng chổi quét.
Hoàng cúi sát xuống một tấm bia, đọc kĩ tên liệt sĩ. Hoàng quay người nhìn ra cả một không gian rộng lớn, hương khói tràn trề.
HOÀNG- TIẾNG NGOẠI
(Lời tự sự của Hoàng) Đồng chí Thuận. Cho dù tôi chưa hề được biết mặt đồng chí… Nhưng từ lâu trong lòng tôi đã coi đồng chí như là người thân ruột thịt. Nếu có linh thiêng xin đồng chí hãy mách cho tôi, hoặc mách cho thím Miên để chúng tôi có thể tìm được đồng chí, đưa về đây với đồng đội, với bà con Thạch Khê. Đã một phần tư thế kỉ đất nước hòa bình rồi..mà thím ấy vẫn chưa thể tìm lại được anh..Chúng tôi làm sao có thể thanh thản được. 

Ánh mắt Hoàng nhìn xa..Đặc tả những bó hương cháy, khói cuộn lên tan loãng giữa trời. 

Cắt- chuyển: 

Đường về thôn. Học sinh đi thành hai cụm. Một cụm đông đuổi nhau chạy phía trước. Có học sinh nam cầm chổi đuổi học sinh nữ..Hò hét rất nhộn.. 

Hoàng và một học sinh nam, một học sinh nữ đi tụt phía sau..Học sinh nữ cầm tay thầy . Vừa đi vừa trò chuyện… 

HS NAM

Thưa thầy.. 

HOÀNG 

Có chuyện gì không các em?

HS NAM: 

Đêm qua chúng em coi truyền hình thấy có nhiều người bàn luận chuyện năm nào mới là năm chuyển giao thế kỉ, chúng em muốn hỏi thầy.. 

HS NỮ: 

Đúng đó..Anh Hai em nói, muốn cuối năm 1999 này là chuyển giao, nhưng ba em lại nói muốn cuối sang năm, năm 2000 kia mới chuyển giao.. 

          HOÀNG:

Cười hiền) Năm nào chuyển giao thiên niên kỉ chẳng được, liên quan gì mà anh Hai với ba em lại ưng khác nhau? 

HS NỮ:

Tại anh Hai chỉ thích lễ hội để đi chơi..Còn ba..ba nói đời cực quá, muốn có thêm một năm nữa để kiếm việc làm..Ba nói, ba không muốn mang nỗi khổ cực qua thiên niên kỉ mới..

HS NAM: 

Má em thì ngược lại, má muốn qua thê kỉ mới thật mau..Má muốn mọi chuyền buồn tủi trước kia phải được quên hết.. 

Hoàng choàn tay ôm hai học sinh vào sát người, lòng xáo động nhiều cảm xúc.. 

HOÀNG: 

Thầy chứ có điều kiện nghiên cứu kĩ chuyện này nên chưa trả lời cho các em được. Nhưng..thầy nghĩ..muốn cho những nỗi đâu buồn hay cực khổ trôi qua mau, mỗi một con người cần biết tự vươn lên, bật dậy xây dựng niềm hạnh phúc mới..Thời gian là điều kiện chứ không không phải là quyết định.. 

Ba thầy trò lại rão bước trên đường… 

HS NAM: 

Thưa thầy…khi thầy nghỉ hưu rồi, thầy có đến thăm trường không ạ? 

HOÀNG 

Có chứ. Thầy làm sao quên được nơi đã gắn bó gần hai mươi năm công tác. Thầy làm sao quên các em được..Có điều…trước mắt, thầy có việc phải đi xa một thời gian. 

HS NỮ 

Thầy nghỉ rồi…mà lại có việc ạ? Việc gì mà thầy phải đi xa hả thầy? 

HOÀNG

Việc ân, việc nghĩa…Thầy không làm được những việc đền ân đáp nghĩa thì không thể thanh thản nghỉ ngơi được. 

HS NAM

À, em hiểu rồi. Thầy là người của cách mạng, chắc là phải đi tìm người bên cách mạng để đáp nghĩa.

HOÀNG 

Nè, em nói người bên cách mạng nghĩa là sao? 

HS NỮ 

Thầy ơi, tại vì ba bạn Việt trước đây là lính bên Cộng hòa đấy ạ?

HOÀNG 

(Dừng lại..) Thật vậy sao? ( Đặc tả khuôn mặt học sinh nam hơi cúi xuống) Thế em có biết trước đây ba em ở đơn vị nào của lính Cộng hòa không? 

HS NAM 

Em không biết. 

HOÀNG 

Vậy ba có kể đã từng tham chiến ở chiến trường nào không? À, ý thầy hỏi là ba có tham chiến ở vùng Thạch Khê này không? 

HS NAM 

Ba không có kể. 

HOÀNG 

Nè. Hay em dẫn thầy về gặp ba nghe. Đi ngay giờ, được không?

HS NỮ

Thưa thầy… Ba bạn Việt mất lâu rồi ạ.

HOÀNG

(Ngớ ra) Ồ, vậy hả? Thầy…xin lỗi.

HS NAM

Thưa thầy…chuyện lâu vậy rồi… mà thầy vẫn truy xét sao?

HOÀNG

Truy xét? Thầy truy xét gì đâu. À, em hiểu nhầm rồi. Thực ra, thầy rất muốn tìm một người lính của quân đội Sài Gòn cũ. Thầy đã để ý hỏi thăm nhiều năm rồi. Rất nhiều năm. Tìm từ ngày ngừng tiếng súng đến nay nhưng vẫn không có manh mối nào.
HS NỮ 

Là người nhà của thầy phải không ạ? 

HOÀNG 

(Lắc đầu) … 

HS NỮ 

Chắc là bạn? Bạn học cùng trường hả thầy?

HOÀNG

Cũng không phải… không là gì hết. Thậm chí thầy không biết anh ấy là ai, tên gì?

HS NỮ 

Ủa, Kì quá ha. 

HS NAM 

Thế thầy tìm ông ấy làm gì ạ? 

HOÀNG 

Tại vì… anh ấy liên quan đến lần bị thương của thầy trong trận đánh ở Thạch Khê này. Cái trận mà thầy đã bị mất một chân.

HS NAM 

Em hiểu rồi. Chắc là người lính ấy là kẻ đã bắn vào chân thầy. Thầy phải tìm cho bằng được để tính nợ.

HOÀNG

Việt này, sao em lại có vẻ căng thẳng khi nhắc đến chuyện hận thù ngày trước thế? Có phải vì ba hay nói với em...

HS NAM
Không ạ. Ba em không hề kể chuyện gì hết. Nhưng em có thể suy luận theo lô gich thông thường thôi.

HOÀNG
Vậy thì cái lô gich của em sai rồi. (Lặng một lúc) Thầy cố tìm cho được người lính Sài Gòn ấy… là để nói lời cảm ơn.
HS NỮ

Lời cảm ơn? Chúng em có nghe lộn không hả thầy?

HỌC SINH NAM:
Kì quá ha..Sao người lính bên kia mà lại có ơn với người lính bên này được?

Cắt- chuyển:

Tốp học sinh phía trước đã chạy xa…Cảnh nông thôn vùng gò đồi lúc hoàng hôn khá yên ả..Thỉnh thoảng có những đàn bò túc tắc về chuồng.
LỜI HOÀNG:
(OFF) Cuộc chiến đã xô đẩy dân tộc mình phải chịu cảnh chia đôi. . Cực chẳng đã mới phải chỉa súng vào nhau. Nhưng những người lính của ngụy quyền cũ không phải tất tất đều xấu đâu. Vẫn có nhiều người nặng tình đồng bào. Trường hợp anh lính mà thầy đang nói là một người như thế. Khi thấy thầy bị thương sắp chết, anh ta không những không bắn mà đã ra tay cứu thầy. Thầy sống được đến hôm nay, mang ơn rất nhiều người. Nhiều nhiều lắm. Trong đó có ân nghĩa của một người lính phía bên kia.

Cắt:

Trở về cảnh thầy trò trên đường.

HS NỮ

Ôi nghe li kì quá, cứ như tiểu thuyết ha. Thầy kể nữa đi thầy.

HS NAM:
Đúng. Thầy kể cho bọn em nghe chuyện cũ ấy, được không ạ?

HOÀNG

Thầy sẽ kể, nhất là đối với Việt. Thầy muốn nói với Việt nhiều chuyện lắm. Có điều… bây giờ đã gần tối rồi, các em cần phải về kẻo gia đình đợi.



Mặt trời sắp lặn phía trên chóp núi. Một màu vàng phủ tràn lên nghĩa trang cùng với khói hương nghi ngút. Nhóm học sinh vẫn đi trong ráng chiều..



6-    NỘI- NHÀ HOÀNG- CHIỀU MUỘN.



Nhà gạch,đơn sơ nhưng sạch sẽ, gọn gàng. Chị Tâm và Phương đang xới cơm, canh vào cạp lồng. Hoàng vào.



TÂM



Anh về rồi à? Sao muộn vậy?



HOÀNG



Ừ, thầy trò viếng nghĩa trang, thắp hương, các em lại còn nhổ cỏ, dọn vệ sinh. Mà này, mẹ con cho cơm vào cạp lồng làm gì vậy?



PHƯƠNG



Thím Miên về nhà rồi ba ạ.



HOÀNG



Chết thật, sao y tá bảo phải nằm tĩnh dưỡng thêm mấy ngày?



TÂM



Đàn bà là khổ vậy đó. Lo đủ thứ, nằm viện đâu có yên. Lợn gà, ao vườn..Lại còn cơm nước cho thằng Đạt nữa.



HOÀNG



Thật đúng là. Lợn gà gì thì chỉ cần con Phương chạy qua cho ăn là được. Còn thằng Đạt, bảo nó về nhà mình ăn là xong. Có gì đâu mà phải lo.



PHƯƠNG



Con đã bảo với Đạt thế, nhưng cái ông tướng này ngoan cố lắm.



TÂM



Nè, sao lại nói bạn ngoan cố.



PHƯƠNG



Còn không à. bao nhiêu chuyện, người ta khuyên lời hay lẽ thiệt đâu có chịu nghe. Từ rày không thèm nói nữa, cho biết mặt luôn.



Hoàng và chị Tâm nhìn nhau, lắc đầu và cùng mỉm cười.



PHƯƠNG



Nè, ba má cười gì? (thấy cả hai người cùng nháy mắt, Phương dẫm chân) Ê, không được nghĩ bậy đó nghe (bỏ xuống bếp).



TÂM



Thôi, cơm canh kia rồi, ba với con ăn trước đi, em đưa cơm qua cho thím Miên với thằng Đạt ăn kẻo nguội.



HOÀNG



Anh đi với em, qua coi thím ấy thế nào.



TÂM



Vậy thì con Phương coi nhà nghe. Ba má qua bên thím Tâm một lúc là về ngay.



PHƯƠNG



Dạ!



Hoàng và Tâm cùng đi ra.



7-    NỘI: NHÀ MIÊN.- CHẬP TỐI



Một tấm biển nhỏ gắn ở tường phía trước: NHÀ TÌNH NGHĨA. Cửa khép hờ. Khung cảnh vắng lặng, lạnh lẽo. Hoàng và Tâm vào. Tâm vào sát cửa nhìn vô.



TÂM



Chu cha, sao không bật đèn lên, để nhà tối om thế này. Thím Miên ơi… Đạt ơi…



Phía trong đèn bật sáng. Có tiếng dép lẹt xẹt, cửa mở hẳn. Chị Miên xuất hiện.



MIÊN



Hai bác đấy à? Vô đi!



TÂM



Thằng Đạt đâu? Sao lại để cửa nhà lạnh lẽo như vầy?



MIÊN



Cháu nó vừa chạy quàng đi đâu đó thôi.



HOÀNG



Nè, thím cũng thiệt là… Đã bảo cứ nằm thêm vài ngày trên trạm xá, ở đó có bác sĩ, y tá chăm sóc. Có chuyện gì ở nhà đâu mà vội vội vàng vàng vậy hả?



MIÊN



Thì bác coi, xấu tốt cũng là nhà, ít nhiều thì cũng có cây trồng vật nuôi. Nói bỏ là bỏ được sao.



TÂM



Thôi được rồi. Cơm nóng đây chị ăn đi. Có cả canh rau tập tàng nữa đó, chịu khó húp vào cho ấm bụng.(dọn ra bàn)



Miên bất ngờ rớm nước mắt, nghèn nghẹn.



TÂM



Thím làm sao vậy?



MIÊN



Bao nhiêu năm nay…nếu không có hai bác, chẳng biết em phải sống thế nào…



TÂM



Thím lại nghĩ ngợi lẩn thẩn nữa rồi.



Ngoài sân nhiều tiếng ồn ào. Rồi Phương dẫn hai phụ huynh, một đàn ông, một phụ nữ cùng hai học sinh nam nữ vào.



HOÀNG



(Với Phương) Ai vậy con?



PHƯƠNG



Dạ, có mấy phụ huynh với các em lớp 9 tới thăm ba, con nói ba và má qua bên này nên các bác kéo qua luôn.



HOÀNG



Chào các bác..các em. Có chuyện gì mà phải tìm đến tận nhà vậy ạ?



ĐÀN ÔNG



Dạ thưa thầy… chẳng có chuyện gì quan trọng cả. Là vầy, nghe thằng nhỏ nói, thầy Hiệu trưởng sắp nghỉ hưu. Bà con thấy nhớ thầy quá nên muốn ghé chơi.



PHỤ NỮ



Dạ đúng vậy đó. Con nhỏ nhà tui nó bảo thầy Hoàng nghỉ dạy, nó buồn lắm. Mà tui nghĩ mãi không thông. Một người như thầy, năng lực còn rất dồi dào, sức khỏe cũng chưa đến nỗi suy yếu. Việc chi mà cấp trên cứ bắt nghỉ hưu.



HOÀNG



Cảm ơn bác với chị. Chuyện nghỉ hưu là chế độ, ai cũng như ai, đến tuổi là nghỉ. Hơn nữa, mình phải nghỉ để cho lớp trẻ tài năng hơn, sức lực dồi dào hơn có chỗ mà phát triển chứ.



PHỤ NỮ



Ôi dào, nói hỗn phép thầy chứ lớp trẻ cũng có ba bảy đường trẻ. Đâu có phải lớp trẻ nào cũng giỏi hơn lớp các thầy đâu.



ĐÀN ÔNG



Đúng vậy, đúng vậy. Tài năng đâu không biết chứ nói về đức độ với lại nhiệt tình, tui thấy sẽ chẳng có ai so được với thầy Hoàng. Tui nói vậy có đúng không thím Miên?



MIÊN



Dạ, ông nói rất chí lí.



Cắt cảnh:



       8- NGOẠI: TRÊN MỘT ĐOẠN ĐƯỜNG THÔN- ĐÊM.



Con đường nhỏ trong xóm, rất vắng vẻ, một thanh niên lạ, tóc bờm xờm..vừa đi vừa lấm lét..



Bất ngờ chó sủa..Thanh niên lạ đứng khựng lại, nép vào một gốc cây..



Phía sau, có ánh đèn pin quét tới..Hai bóng đàn ông xuất hiện. Đấy là Công an xã và một dân quân.



DÂN QUÂN:



Rõ ràng em thấy thằng nhóc ấy đi vô xóm này mà..



CA XÃ:



Phải chú ý vào..Xã mình lâu nay rất yên bình, chừ có cái bọn bụi đời này xuất hiện là sẽ lôi thôi lắm đó..



Hai người đi tới. Tên bui đời lấn người lút sâu vô bụi cây..Hai đàn ông lướt qua nhưng không phát hiện ra..



Khi họ đi qua được một đoạn thì con chó chồm ra sủa..Tên bụi đời hốt hoảng, lo lắng..



Công an và Dân quân quay vội lại..Tên bụi đời lập tực lao ra, vụt chạy..



CA XÃ:



Hắn đó.Đuổi theo..



DÂN QUÂN:



Ê, đứng lại..



Họ đuổi theo. Chó sủa nháo nhác cả xóm.



Cắt cảnh:



     9- NỘI: TRỞ LẠI NHÀ MIÊN - ĐÊM



Lúc này cả nhà đang rôm rả chuyện trò..



PHỤ NỮ



Nguyên cái chuyện thương yêu học trò tui thấy cũng không ai sánh được với thầy. Tui nhớ cái năm kia năm kìa gì đó, hồi có trận lũ lịch sử ấy, con suối Thạch Khê hung dữ như vậy, thầy thì chân cẳng thương tật như vậy mà dám ra ngoài suối cõng từng đứa nhỏ qua. Thiệt tình, thiên hạ không có được mấy người có lòng thương học trò như thầy.



ĐÀN ÔNG



Đúng vậy. Tui còn nhớ bữa thằng nhỏ tui ngộ độc thức ăn, thầy cứ vác nó trên vai, cái chân cà nhắc kia cứ chạy băng băng. Nói dại mồm, bữa đó không nhờ thầy, bữa nay chắc chi con tui còn sống.



TÂM



Trời đất, bác nói cái chi nghe xui xẻo vậy



Anh Công an xã bất ngờ đi xộc vào, nhìn ngang nhìn dọc.



ĐÀN ÔNG



Ấy nè, anh Công an xã, có chuyện gì mà xộc vào coi bộ quan trọng vậy.



PHỤ NỮ



(Nguýt mắt) Hừ, mà rồi chẳng thèm chào hỏi ai một câu. Nè, bọn tui thăm thầy giáo Hoàng, chẳng phải tụ tập làm chuyện chi mờ ám đâu ha.



C.A XÃ



(Biết lỗi, cười trừ) Dạ, dạ, xin lỗi bà con. Tui vội quá.



ĐÀN ÔNG



Vội? Vội đến mức quên cả phép lịch sự sao. Nè, anh cán bộ trẻ, trước hết phải biết đây là đâu chứ? Ngó ra ngoài tường kia kìa. Nhà tình nghĩa. Đây là nhà của anh hùng liệt sĩ đấy.



PHỤ NỮ



Còn nữa, đây là ai? Là thầy giáo Hoàng, là thương binh chống Mỹ, là Hiệu trưởng điển hình của toàn tỉnh đó..



C.A XÃ



Dạ dạ, em xin lỗi chị Miên. Xin lỗi thầy Hoàng. Tại vì em vội…



HOÀNG



(Hiền từ) Không sao đâu. Mà có chuyện gì vậy?



C.A XÃ



Dạ thưa thầy, đúng là đang có chuyện. Lãnh đạo xã vừa nhận được thông tin, có mấy đứa đầu gấu, tự xưng là đại ca từ đâu bên trong Khánh Hòa hay Bình Định gì đó ra xã ta. Bọn chúng đang rủ rê các cháu nhỏ trong xã lên rừng tìm trầm hương.



TÂM



Trầm hương? Tìm trầm sao lại phải rủ rê tụi nhỏ xã ta?



C.A XÃ



Nghe nói, bọn đại ca kia quả quyết vùng đầu nguồn suối Thạch Khê của ta có nhiều cây gió trầm.



PHỤ NỮ



Có thiệt không đó, sao bấy lâu không nghe ai nói?



ĐÀN ÔNG



Thiệt giả cứ hỏi thầy Hoàng đây là biết. Có phải hồi chiến tranh, thầy từng chiến đấu trên đó?



HOÀNG



Dạ, lúc chiến tranh chỉ chú ý đến bom đạn, làm gì có ai lại để ý đến trầm hương. Hơn nữa, cho đến giờ bản thân tôi đâu biết cây trầm là thế nào đâu.



ĐÀN ÔNG



Nói đến cây trầm thì tui có biết. Biết là vì bữa nay nhiều nơi người ta đang trồng. Cũng có người rủ tôi trồng thử, nhưng tôi chưa dám đầu tư.



MIÊN



Bác biết cây trầm thiệt hả, sao không trồng thử mà lấy trầm. Tui nghe nói bữa ni, một kí trầm đến mấy tỉ hay mấy mươi tỉ gì đó mà.



PHỤ NỮ



Chu cha, đắt quá trời vậy ta.



ĐÀN ÔNG



Cây đó kêu bằng cây gió. Có nơi gọi là bầu gió. Nhưng mà nghe nói muốn cây gió đó cho trầm không phải chuyện đơn giản đâu. Nhiều kĩ thuật khó lắm.



C.A XÃ



Thưa thầy, thưa bà con. Việc có trầm thiệt không bọn em không biết. Nhưng việc có nhiều phần tử bất hão đang lôi kéo con em ta đi lên đầu nguồn phá rừng là rất nguy hiểm, vừa phá hoại môi trường, vừa làm cho các em bỏ học hành, gây ra tình trạng mất an ninh trật tự trên địa bàn. Vì vậy em mong thầy quan tâm giáo dục các em trong trường, cũng mong các bác, các cô đây vừa khuyên ngăn con em mình, vừa giúp xã phát hiện kẻ xấu.



ĐÀN ÔNG



Cái đó thì cán bộ yên chí đi. Tui mà gặp được thằng oắt con nào lạ mặt là tui lôi cổ nó lên xã..( nhìn cậu học sinh nam) Mà mày đã nghe Công an xã nói rồi đó nghen..Liều liệu cái hồn tránh xa đám giang hồ ra, nhớ chưa?( day mạnh vào đầu con)



HỌC SINH NAM



Kìa ba! Con…con đâu có biết gì…



ĐÀN ÔNG



Là tao cảnh cáo trước.



Cả nhà cùng cười.



    10-  NỘI- MỘT QUÁN RƯỢU NGÕ VẮNG- ĐÊM.



Ba Tài (một đại ca) ngồi chính giữa, hai thanh niên ngồi đối diện. Riêng Đạt ngồi chếch qua một phía, dáng rụt rè. Mấy chai bia, li uống dang dở.



BA TÀI



Chúng mày biết một kí Kì Nam hiện giờ có giá mấy không?



THANH NIÊN 1



Kì Nam là cái chi?



BA TÀI



Ngu thiệt! Kì Nam là loại trầm hương đặc biệt. Nhất là Kì Nam, nhì mới tới trầm hương. Đầu năm rồi ở trong quê tao, có ông già tìm được gần hai kí Kì Nam, đang nghèo khó, cơm không đủ ăn, chớp mắt thành tỉ tỉ phú. Bát ăn cơm cũng mạ vàng.



THANH NIÊN 2



Xạo. Nếu trong đó nhiều Kì Nam với trầm hương như vậy, sao đại ca không ở trong đó mà tìm còn mò ra ngoài này làm chi.



BA TÀI:



Nói ngu vậy mày. Chỗ người ta đã tìm được thì mình còn mò tới làm chi nữa.



ĐẠT



Nhưng làm sao anh Ba biết ngoài quê tui có cây trầm.



BA TÀI



Tao có thông tin mật. Nhưng ra đất này tao không thể tự tìm đường lên trên thượng nguồn được. Vì vậy anh Ba mới cần các em. Anh nói thật, chỉ cần cả nhóm bọn mình tìm được một cây gió có trầm thôi là đổi đời. Mình có tiền ăn xài xả láng mà ba má ở nhà cũng hết mọi cực nhọc. Thế nào, các em có chịu theo anh Ba không?



ĐẠT



Em sẵn sàng. Nếu kiếm được tiền em sẽ đưa hết cho má để má đỡ khổ.



BA TÀI



Thằng này được lắm. Làm con là phải hiếu thảo như vậy chớ.



ĐẠT



Có điều…em không tin vùng này có trầm. Nếu có thì trong làng em cũng phải có người biết chứ.



Hai thanh niên kia cũng gật gật đầu tán thành.



BA TÀI



Thế anh hỏi chúng mày nghe. Ở trong xóm này, có ai là lính Cộng hòa, tức là lính ông Thiệu hồi trước ấy, có không?



ĐẠT



Không có.



BA TÀI



Thì đấy, vậy nên không ai biết. Thôi được rồi, để anh Ba bật mí cho các em nghe hí?



Ba Tài vẫy tay, cả ba xúm sát lại. Ba Tài nói nhỏ.



 11-NGOẠI/ NỘI- NHÀ HOÀNG- ĐÊM



Bên trong tắt đèn. Bên ngoài trăng đùng đục sáng. Đạt lò dò đi vào ngõ, áp người vào cửa sổ gọi khẽ.



ĐẠT



Phương! Phương ơi…



Có tiếng loạc xoạc bên trong. Cửa mở hé. Phương lách người ra.



PHƯƠNG



Ủa, Đạt! Làm chi mà lén lút như ăn trôm vậy?



ĐẠT



Suỵt! Ba có nhà không?



PHƯƠNG



Ba nào?



ĐẠT



Thì là ba của Phương chứ còn ba nào?



PHƯƠNG



Đạt đến tìm ba chứ không phải tìm mình hả? Mình cứ tưởng..(quay vào nhà)



ĐẠT



Nè nè.. khoan đã..



PHƯƠNG



Bữa ni phong độ quá ha. Chỉ tìm gặp ba thôi, không thèm nói chuyện với người ta nữa.



Đèn trong nhà bật sáng. Cả hai đứa giật mình nhìn vào. Hoàng bước ra.



HOÀNG



Thằng Đạt phải không?



ĐẠT



Dạ, cháu chào bác!



HOÀNG



Sao không vô nhà?



ĐẠT



Dạ thôi, cháu…



HOÀNG



Mà này, suốt buổi tối cháu chơi đâu, má còn bệnh, sao không ở nhà?



PHƯƠNG



Ừ đúng. Đạt đã về nhà chưa, má trông đấy.



ĐẠT



Cháu về rồi, nghe má kể hai bác mới qua chơi.



HOÀNG



Vậy…sao không ở nhà với má, khuya vậy rồi còn chạy qua đây làm chi? Hay thím Miên lại có chuyện gì hả?



ĐẠT



Dạ không. Má cháu ngủ rồi. Cháu qua… là muốn hỏi bác chút chuyện.



HOÀNG



Là chuyện gì? Vào nhà rồi nói..( quay đi vào trước)



ĐẠT



Dạ…(đưa mắt qua Phương)



PHƯƠNG



Vô đi, còn làm bộ nữa.. Ghét cái mặt!



Nội: Trong nhà, đèn sáng.



HOÀNG



Nói đi. Có phải là cháu muốn hỏi cần chọn ngành nào, khối nào để đăng kí thi đại học không?



ĐẠT



Không ạ. Dạ, cháu muốn hỏi… có phải hồi trước, tức là hồi chiến tranh ấy, bác đã từng đánh nhau nhiều ngày trên vùng rừng ở đầu nguồn con suối Thạch Khê này, đúng không?



HOÀNG:



Đúng. Nhưng mà… không dưng cháu hỏi chuyện ấy làm gì?



ĐẠT



Dạ, ý cháu muốn hỏi, hồi đó bác có thấy trên chỗ ấy có cây trầm gió không?



HOÀNG



(Nhìn găm vào mặt Đạt) Nè, cháu hỏi chuyện trầm gió làm gì? Có phải đã có người rủ rê cháu lên rừng không?



ĐẠT



Dạ, nhưng cháu đâu có nghe. Cháu chỉ muốn hỏi lại bác để biết có hay không thôi.



HOÀNG



Lúc chiến đấu, bọn bác làm sao mà để tâm đến chuyện đó. Mà bác cũng tin rằng không có đâu. Những tin đồn đó là bịa đặt đấy. Các cháu đừng có nghe.



ĐẠT



(Cãi to tiếng) Không bịa đâu. Mấy ông lính Cộng hòa hồi trước cam đoan là đã nhìn thấy nhiều cây trầm dọc bờ suối.



HOÀNG



(Ngạc nhiên) Mấy ông lính Cộng hòa? Cháu gặp mấy ông ấy ở đâu?



ĐẠT



Cháu đâu có gặp. Là người khác nói với cháu.



HOÀNG



Người khác là ai? Ai mà lại quen được mấy ông lính Cộng hòa hồi trước hả? (Đạt lúng túng) Nè, có phải cháu đã gặp mấy thằng gọi là đại ca ở trong kia ra không?



ĐẠT



Bác…bác cũng biết sao?



HOÀNG



Công an xã người ta đang truy tìm đó, cháu biết không?



ĐẠT



Sao vậy bác? Mấy anh đó có làm chi sai đâu.



HOÀNG



Lại còn không à. Đi tìm trầm bất hợp pháp là đi phá rừng, là phá hoại môi trường. Rủ rê các cháu bỏ nhà, bỏ học hành là gây mất an ninh trật tự xã hội. Cháu tuyệt đối không được để kẻ xấu rủ rê, nhớ chưa?



ĐẠT



Dạ, cháu nhớ rồi ạ. Nhưng mà... cháu chỉ muốn biết, sự thật thì trên rừng của quê mình có trầm hương không?



HOÀNG



Theo bác là không có.



ĐẠT



Nhưng có ông lính Cộng hòa nói, chính mắt ông ấy nhìn thấy mấy cây trầm gió to bự bên bờ suối.



HOÀNG



Ôi dà, đánh nhau túi bụi, bom đạn tóe loe, lão ta hoa mắt nhìn gà hóa cuốc thôi.



ĐẠT



Không đâu. Cái anh đại ca ấy kể, ông lính ấy còn nhìn thấy thương binh Việt Cộng nằm ngất ngay dưới gốc trầm mà.



HOÀNG



(Quay ngoắt lại) Sao? Anh lính ấy nói là nhìn thấy thương binh Việt cộng nằm ngất bên suối?



ĐẠT



Dạ.



HOÀNG:



( Dồn dập) Nè, là ổng nói ngất bên suối Thạch Khê này hả?



ĐẠT:



Đúng vậy mà.



HOÀNG:



(Thì thầm) Có phải chính anh ta không?



Hết tập 1


 Đăng ngày 01/08/2015

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan