Thursday, October 8, 2015

HƯƠNG TRẦM GIÓ - TẬP 2


Tác giả: Xuân Đức


 TẬP 2

  1-    NỘI: NHÀ HOÀNG – ĐÊM. 

Hoàng và Đạt ngồi đối diện nhau qua bàn giữa nhà. Câu chuyện tiếp nối tập 1. 


HOÀNG: 

Nè, cái cậu đại ca gì đó có nói tên anh lính Cộng hòa ấy là gì không? 

ĐẠT 

Không ạ. 

HOÀNG 

Vậy quê quán ông ta ở đâu có biết không? 

ĐẠT 

Đại ca cũng không nói. 

HOÀNG 

Vậy hiện cậu đại ca ấy đang ở đâu? Bác muốn gặp cậu ấy. 

ĐẠT 

Bác…bác định bắt anh ấy sao? 

HOÀNG 

Không đâu. Là bác cũng rất muốn hỏi chuyện mấy anh lính Cộng hòa ấy. 

ĐẠT 

(Nhoẻn cười) Thì ra… bác cũng hứng thú với trầm hương. 

HOÀNG 

Đừng nói bậy. Bác chỉ muốn…tìm một người… Này, nói cho bác biết đi. Hiện cậu đại ca gì đó đang ở đâu? 

ĐẠT 

Thật sự là cháu không biết. Anh ấy chắc cũng sợ Công an nên dấu không cho tụi cháu biết đang trú ở đâu. 

HOÀNG 

(Thở dài) Thôi được rồi. Bác nhắc lại một lần nữa. Chuyện trầm hương là không có cơ sở. Mà dù có thật thì cháu cũng không được phép đi theo tụi nó, nhớ chưa. Cháu phải thương má chứ. Nhớ chưa nào? 

ĐẠT 

Dạ, cháu nhớ rồi ạ. Thôi, cháu chào bác. 

HOÀNG 

Ừ, cháu về đi. Nếu đêm hôm má có chuyện gì là phải báo cho bác biết ngay đấy, nhớ chưa. 

ĐẠT 

Cháu nhớ rồi ạ.(đi khuất) 

Hoàng ngồi im giữa bàn một lúc lâu rồi lặng lặng đi vào buồng trong.  Mấy kỉ vật thời chiến tranh được treo lên vách tường. Một ba lô cóc, một mũ tai bèo, chiếc thắt lưng có bi đông nước của quân giải phóng. Hoàng sờ nhẹ lên các kỉ vật. Anh sờ đến chiếc bi đông, chợt nhìn quanh tìm kiếm. Có một chiệc bi đông khác đang nằm ở một vị trí dưới thấp bên trong góc tường. Hoàng ngồi xuống cầm chiếc bi đông ấy lên. Đấy là chiếc bi đông của lính Sài gòn cũ. 

TIẾNG ĐẠT 

(Off) Không đâu. Cái anh đại ca ấy kể, ông lính ấy còn nhìn thấy thương binh Việt cộng nằm ngất ngay dưới gốc trầm mà. 

Hoàng tựa lưng vào tường, mắt khẽ khép lại. Một đoạn kí ức hiện lên. 

Hồi tưởng I: 

Rừng chiến tranh. Khói lửa mịt mù. Hình ảnh Hoàng nằm bất tỉnh bên suối. Máu nhuộm sẫm đặc ở chân.

Hình ảnh mấy lính ngụy rẽ cây hiện ra lờ mờ, không rõ nét.  

Rồi Hoàng choàng dậy, vớ ngay khẩu súng bên cạnh.Tay anh đụng phải chiếc bi đông. Hoàng cố gượng để đưa chiếc bi đông lên nhìn… 

Hoàng cố cửa quậy..lại đụng phải năm gạo hấp..Hoàng nhíu mày suy nghĩ..Hồi lâu..anh cố đưa bi đông lên nhấp ngum nước..Rồi Hoàng uống một hơi dài.. 

Hình ảnh chuyển tiếp về hiện tại. Hoàng cũng đang đưa chiếc bi đông lên nhìn. Đặc tả phía dưới gần đáy bi đông có khắc tên người: Soan. 

HOÀNG 

(Lẩm bẩm) Soan? Soán? Soản? hay Soạn? Thực ra anh tên gì vậy? Quê anh ở đâu? Anh có biết rằng suốt mấy chục năm nay tôi vẫn cố tâm tìm anh không? 

     2-NỘI/ NGOẠI- NHÀ CỦA SOẠN (SƠN KỲ- TÂY KHÁNH HÒA)- NGÀY 

Một ngôi nhà tạm trên vùng kinh tế mới. Đồ đạc trong nhà rất tạm bợ. Chưa có điện.

Soạn, một người đã lớn tuổi – khoảng 55 tuổi- gầy gò, cụt một tay,ống tay áo thả lòng thòng. Tay kia đang bê chiếc đèn dầu từ bếp lên. Bên ngoài gió rất to. 

SOẠN 

(Gọi) Thụ, Thụ ơi! (nhòm ra sân) Lại chạy đâu rồi? Mà sao bỗng dưng trời lại nổi gió to vậy ta? 

Soạn đặt cây đèn lên bàn, với tay rót chén rượu. Rồi ông ngồi im, tây vẫn vê li rượu. Ngoài trời gió xào xạc. Cánh cửa sổ bằng phên liếp cứ đập đập vào thành cửa.  

Ngọc Thụ- trạc 30 tuổi, tay cầm đèn pin từ ngoài vào.  

NGỌC THỤ 

Ba vẫn chưa ngủ à? 

SOẠN 

Gió đập to quá không ngủ được.  

NGỌC THỤ 

Ba, có phải thời tiết thay đổi, vết thương cũ của ba lại nhức? 

SOẠN 

(Khẽ liếc nhìn cánh tay cụt, thở dài) Đâu đợi đến khi thời tiết thay đổi, vết thương này đêm nào mà chẳng nhức nhối.( Ngừng ngắn) Mà đêm tối, gió máy ầm ầm như vậy, mày chạy đi đâu vậy? 

NGỌC THỤ 

Con vừa chạy lên vườn trầm. Gió to quá con sợ cây gãy. 

SOẠN 

Sao mày bảo cây trầm gió càng bị thương tích thì càng dễ tạo nhựa trầm? 

NGỌC THỤ 

Dạ, đúng vậy. ( Cười) Nhưng mà chỉ bị thương tích thôi, chứ nếu gãy đổ, cây chết thì còn trầm gì nữa ba. 

SOẠN 

Chẳng biết mày học hỏi ở đâu mà đi trồng thứ cây bầu gió ấy. Không biết liệu có hiệu quả gì không. Tao tính, ngoài vườn, ao, chuồng ra, khi trước nếu cứ trồng bạch đàn hay tràm hoa vàng đến giờ cũng đã thu hoạch rồi, chí ít mỗi héc cũng được vài ba chục triệu. Chắc ăn. 

NGỌC THỤ 

Nói như ba thì còn gì gọi là sáng tạo, đột phá. Ba biết không, trang trại của nhà mình đang được cô Khuê nghiên cứu, chọn làm điển hình cho mô hình trang trại của toàn huyện Sơn Kỳ này đó nghe. 

SOẠN 

Cô Khuê là cô nào? 

NGỌC THỤ 

Là cái cô Trưởng phòng nông nghiệp huyện bữa trước ba có gặp một lần trên đồi trầm nhà ta đó. Ba không nhớ sao? 

SOẠN 

À, là cái cô nói chuyện huyện với tỉnh sắp đưa điện lưới lên tới vùng kinh tế mới này, đúng không? 

NGỌC THỤ 

Đúng rồi. 

SOẠN 

Hừ, đúng là cán bộ huyện. 

NGỌC THỤ 

Cán bộ huyện thì sao hả ba? 

SOẠN 

Thì đó… (chỉ cây đèn dầu) là điện lên tới rồi đây nè. 

NGỌC THỤ 

(Cười) Kìa ba! Kế hoạch nói là phấn đấu tới cuối năm 2000 kia..Bữa nay mới tháng 6 năm 1999 mà.. 

Soạn bật cười khùng khục.  

Cắt- chuyển: 

Chuyển không gian qua nhà Khuê. 

Phúc ngồi trên gường tựa lưng vào tường. Khuê bê bát cháo từ bếp lên. 

KHUÊ 

Ba ăn bát cháo nóng nè. Rồi ba phải nhớ uống thuốc đó. Mấy hôm rồi ba quên uống thuốc. Bác sĩ nói, thuốc mà cứ bữa uống bữa bỏ vậy thì bệnh không lành đâu. 

PHÚC 

Ba đâu có bệnh mà uống thuốc? 

KHUÊ 

Lại còn không à! 

PHÚC 

Ba… chẳng qua là tại cái vết thương nên mới vậy. Đâu phải bệnh. 

KHUÊ 

Vết thương cũng là bệnh. Thuốc này là bổ thần kinh. Con xin ba chịu khó nghe lời bác sĩ đi há. 

Phúc đỡ bát cháo húp mấy miếng, Khuê nhìn ba ăn, khẽ thở dài. 

Cắt- chuyển. 

Trở lại nhà Soạn. Ngọc Thụ vừa rót nước uống vừa nói say sưa.  

NGỌC THỤ 

Ai thì con không biết, nhưng riêng Khuê nói, con tin. Con thừa nhận, Khuê rất quan tâm đến vùng kinh tế mới này. Đặc biệt, cô ấy tìm hiểu rất kĩ mô hình trồng bầu gió lấy trầm. Một cán bộ trẻ như thế không đáng để tin cậy sao. 

SOẠN 

(Quay lại nhìn Thụ, soi mói) Nè, con có vẻ cảm tình với cái cô Trưởng phòng nông nghiệp ấy quá ha? 

NGỌC THỤ 

Ơ hay. Mình đang làm trang trại trên đất huyện của người ta. Người ta là trưởng phòng nông nghiệp, đang chỉ đạo phát triển cây trồng vật nuôi trên vùng gò đồi này. Mình không quan hệ, liên kết phối hợp với người ta thì còn quan hệ với ai? 

SOẠN 

(Cười nhẹ) Người ta? Mà này, nhưng bên người ta có quan tâm gì đến con không? 

NGỌC THỤ 

(Nhanh nhẩu) Tất nhiên là có rồi…(chợt khựng lại) Mà ba nói đi đâu vậy? Con nói là nói chuyện làm ăn… 

SOẠN 

Nhìn con khẽ cười, rồi lại thở dài) Thụ này, con năm nay cũng đã ba mươi tuổi rồi. Lại là anh Hai trong nhà nữa. Nếu ba không phải là thằng lính từng cầm súng chống lại cách mạng thì bữa nay ít ra con cũng có thể vào đại học, có thể làm được việc này việc nọ như người khác, đâu đến nỗi phải theo cha lên tận vùng thâm sơn cùng cốc này. 

NGỌC THỤ 

Kìa ba! Con đã nói rồi, chuyện đã qua thì cứ để nó qua, đừng nặng lòng mãi thế, được không. Con thừa nhận, hồi đầu mới lên, con buồn lắm, thậm chí có lúc phẫn chí nữa. Nhưng đã 12 năm trôi qua, bây giờ con thật sự thấy vui với cuộc sống ở đây.  Con nói thật đó. Con hoàn toàn bằng lòng với sự lựa chọn của con. 

SOẠN 

(Vịn vào vai Thụ, rơm rớm nước mắt 

     3- NỘI- NHÀ HOÀNG (Ở THẠCH KHÊ)- SÁNG 

Khung cảnh khá thanh bình. Hoàng đang xem báo. Chị Tâm bóc gói mì ăn liền cho vào bát rồi đổ nước sôi.
TÂM 

Sáng nay anh lên gặp Trưởng phòng giáo dục phải không? 

HOÀNG 

Ừ! Nhưng còn sớm mà. Anh Tám hẹn 10 giờ.  

TÂM 

Vậy là sáng nay anh sẽ nhận quyết định nghỉ hưu? 

HOÀNG 

  (Vẫn vô tư, không để ý tâm trạng vợ) Ừ! 

Chị Tâm phảng phất nỗi buồn. Nhưng rồi chị cố gạt tâm trạng, bê bát mì lên. 

TÂM 

Mình ăn đi! 

HOÀNG 

Ừ, thế mì của em đâu? Cùng ăn luôn. 

TÂM 

Mình cứ ăn trước đi để lên huyện. Lát nữa em ăn. 

Tâm quay xuống bếp. Hoàng nhìn theo, hơi ngạc nhiên. Phương chạy vào hớt hải.  

PHƯƠNG 

Nguy rồi, ba ơi! Ba qua ngay nhà thím Miên đi!Nguy rồi! 

HOÀNG 

Có chuyện gì vậy con? 

PHƯƠNG 

Là thím Miên... thím ấy đang khóc… 

TÂM 

Cái con này, phát khùng rồi hả mày? Thím ấy khóc  thì có gì đâu mà quýnh lên. 

PHƯƠNG 

Má không hiểu rồi. Là Đạt… bạn Đạt… 

HOÀNG 

Thằng Đạt làm sao? 

PHƯƠNG 

Đạt… mất tích rồi! 

TÂM 

Mất tích? Sao tự dưng lại mất tích? 

HOÀNG 

Nè, con bình tĩnh nói cụ thể xem nào? Tại sao thằng Đạt lại mất tích? 

PHƯƠNG 

Con làm sao mà biết được. Ngay cả thím Miên cũng không biết nữa là… Từ sáng qua, rồi chiều qua, lại qua hết đêm qua nữa… Đạt không về nhà. Mờ sáng nay, thím Miên hoảng quá, chạy qua nhà thằng Cò, cái thằng ở cuối xóm hay đi bắt cá với Đạt í để hỏi coi có Đạt ở đó không. 

TÂM 

Thế có nó ở đó không? 

PHƯƠNG 

Thằng Cò… cũng mất tích luôn. 

TÂM 

 Trời đất ơi! 

HOÀNG 

 Chết rồi! Chúng nó… 

PHƯƠNG 

 Ba? Ba biết tụi nó ở đâu hả ba? 

HOÀNG 

Không chừng lại bị mấy thằng đại ca gì đó rủ lên rừng rồi. Thôi, tôi qua nhà thím Miên coi thử đã. 

Hoàng bỏ đũa đi nhanh ra. Phương chạy theo. Chị Tâm thở dài.  

3- NỘI: NHÀ KHUÊ.- SÁNG. 

Phúc đã ăn sáng xong. Khuê lấy thuốc uống đưa cho ba. 

KHUÊ 

Trời đang trở gió. Ba nhớ, cả ngày nay ba không được đi đâu hết. Con lên vùng kinh tế mới một buổi là về ngay thôi. 

PHÚC 

Con lại lên trên ấy hả? Mà này, trên khu kinh tế mới có chuyện chi mà ba thấy dạo này con lên luôn vậy? 

KHUÊ 

Vừa chuẩn bị đồ đạc, vừa trả lời) Huyện đang giao cho phòng nông nghiệp tổng kết mô hình trang trại. Với một huyện nghèo như Sơn Kỳ, vẫn đề đặt ra cho Huyện ủy là đưa huyện nhà đi lên bằng cách nào, trồng cây gì, nuôi con gì, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nào là một bài toán quá khó. 

PHÚC 

Một chuyện lớn như vậy mà người ta lại giao hết cho mình con lo sao? 

KHUÊ 

Đâu có phải mình con, là chuyện của tất cả cấp ủy chớ. Nhưng con là Trưởng phòng nông nghiệp, con phải có trách nhiệm đề xuất, tham mưu. 

PHÚC 

(Thở dài) Là thân con gái, ở trong nhà thì phải chăm người cha thương tật, ra bên ngoài lại phải lo chuyện xóa đói giảm nghèo. Đã hăm bốn hăm lăm tuổi rồi, chẳng lo nổi cho mình một tấm chống. Thật khổ thân con. 

KHUÊ 

Ba cứ nhắc chuyện đó hoài. Kì quá! Thôi, ba nhớ uống thuốc. Con phải đi làm đây. 

Khuê quay vào trong phòng lấy khóa xe. Bất giác cô nhìn thấy gương mặt mình trong gương. Khuê chợt chạnh lòng. Cô đưa tay sờ vào má, khẽ nhắm mắt lại . 

Cắt cảnh: 

      4- NỘI/ NGOẠI: NHÀ MIÊN / ĐƯỜNG MÒN NHỎ TRONG RỪNG. – NGÀY. 

Nội: Nhà Miên. Phương ngồi cạnh thím Miên, choàng tay ôm chặt lấy thím..Hoàng thì cứ đi tới, đi lui. 

Miên vẫn sụt sùi, tay luôn quệt nước mắt.. 

PHƯƠNG: 

Không sao đâu thím..Ba con đoán vậy thôi chứ đã chắc gì bạn Đạt lên rừng..Có khi..nó lại về dưới Phòng giáo dục hỏi thủ tục đăng kí thi cũng nên.. 

MIÊN: 

Thôi, con đừng an ủi thím nữa..Thằng Đạt mà biết nghĩ như con thì đâu đến nỗi.. 

HOÀNG: 

Cái thằng..Cũng đã lớn xác rồi, đâu còn quá con nít nữa..Vậy mà..Được rồi, lần này nó về, thím cứ để tôi nghiêm trị cho…

Cắt cảnh: 

Ngoại: Trên rừng rậm. Một lối nhỏ rất khó đi..Cây gai chằng chịt.. 

Ba Tài cùng Đạt và thêm hai đứa nữa đang mệt nhọc leo dốc..Một đứa trượt chân, ngã kêu oai oái.. 

ĐỨA NGÃ: 

Úi chao..Chết tao rồi.. 

BA TÀI: 

Mẹ..đi với đứng.. 

ĐỨA THỨ 2: 

Mệt chết mẹ…Biết thế này tao chẳng thèm đi. 

BA TÀI: 

Mẹ mày..Vậy khi ôm cục tiền to thì có thèm không? 

ĐẠT: 

Nè, đại ca..Cây trầm nó thế nào? 

BA TÀI: 

Tao đâu đã nhìn thấy.. 

ĐẠT: 

Ủa..không biết cây thì tìm theo kiểu gì đây? 

Bất ngờ phía sau dọc theo suối có tiếng ồn ào. Ba Tài ra hiệu cho cả bọn im lặng..Bọn chúng nép mình vào một chỗ kín, nhìn lui.. 

Một tốp ba thanh niên khác cũng đang mang hành lí đi vào. Bọn này lớn tuổi hơn. Đi đầu là một đứa người mảnh, tóc dài uốn như dáng nghệ sĩ..( Ba tên này có tên gọi: Phụ, Sún và Học..mà chúng ta đã nhìn thấy ở tập trước) 

SÚN: 

Đại ca! Cái người nói với đại ca chuyện ngoài chỗ này có trầm…liệu có chắc chắn không? 

PHỤ: 

Hỏi thằng Học ấy..Nè, ( với Học) lão ấy là chú ruột mày hả? 

HỌC: 

Dạ.. 

SÚN: 

Chú mày ở trong đó làm sao lại biết ngoài này.. 

HỌC: 

Chú tao hồi trước là lính..Ổng đã từng tham chiến ở đây.. 

Sún gật gật đầu. Cả ba đứa xốc lại hành lí, cố vượt lên. Chúng nó đi lướt qua chỗ bọn Ba Tài nấp..Để cho bọn chúng đi một đoạn, Ba Tài vẫy tay: 

BA TÀI: 

Bám theo chúng.. 

Cả bọn nhổm lên bám theo. 

5-    NGOẠI- ĐỒI TRỒNG GIÓ BẦU CỦA THỤ- NGÀY  

Ngọc Thụ và Khuê cùng lách người qua rừng cây trầm gió. Thỉnh thoảng Thụ dừng lại, phát tỉa vài cành cây. Khuê ngước nhìn rừng cây đầy hứng thú. 

KHUÊ 

Tổng số cây trầm gió anh Thụ đã trồng là bao nhiêu? 

NGỌC THỤ 

Lúc trồng là 5 ngàn. Hiện còn sống tốt ước khoảng gần 4 ngàn cây. 

KHUÊ 

Sao lại trồng ít thế? 

NGỌC THỤ



Vẫn là giai đoạn thí điểm mà. Nếu có hiệu quả, mấy năm tới tôi sẽ mở rộng diện tích trang trại trồng thêm mấy ngàn nữa.



KHUÊ



Nhưng mà biết đến năm nào thì có thể biết được hiệu quả?



NGỌC THỤ



Sắp rồi. Vườn bầu gió này đã được 12 tuổi. Theo sách kĩ thuật thì tuổi này, nếu cây đạt đường kính 20 phân là có thể tác động kĩ thuật để cây chiết trầm.



Hai người dừng lại bên ao cá, Thụ ngồi xuống, bứt mấy cây cỏ ném xuống ao. Khuê cũng ngồi theo.



KHUÊ



Lúc nãy anh Thụ nói tác động kĩ thuật cho cây gió chiết trầm là thế nào?



NGỌC THỤ



(Liếc nhìn Khuê, mỉm cười) Nè, cô kĩ sư nông nghiệp có biết cây bầu gió chiết ra trầm hương theo nguyên lí như thế nào không?



KHUÊ



Khuê đâu có biết. Ở trường Nông nghiệp người ta đâu có dạy kĩ thuật trồng thứ cây này (nhìn Thụ) Anh Thụ giảng cho em đi!



NGỌC THỤ



Cây gió chiết trầm cũng giống như con trai chiết ra ngọc. Đấy là bản năng tự bảo vệ của các loại này. Khi cây gió bị một tổn thương thực thể nào đó, ví dụ bị sâu đục vào thân, hay bị một vật lạ đâm vào kiểu như mảnh bom, mảnh đạn chẳng hạn, lập tức nó chiết ra một loại nhựa bao bọc lấy vết thương đó. Đấy chính là trầm hương.



KHUÊ



Nói vậy, cây nào càng nhiều thương tích thì sẽ có nhiều trầm hương?



NGỌC THỤ

Đúng vậy!



KHUÊ



(Tư lự) Vậy thì tội cho loài cây gió quá ha!



NGỌC THỤ



Ý Khuê là sao? Sao lại tội cho cây gió?



KHUÊ



Thì đó! Người đời cứ đua nhau chặt phá cây để tìm trầm, đục khoét ruột cây ra để lấy trầm. Tìm được thì sung sướng bởi có tiền tỉ. Có ai biết được, thứ nhựa ấy là thứ do cây tự chiết ra để bao bọc những vết thương.



NGỌC THỤ



Chu cha! Kĩ sư nông nghiệp mà cũng lãng mạn quá ha (cười trêu, nhưng bất giác lại thở dài).



Cả hai không nói thêm gì, cứ ngồi vậy, khẽ liếc mắt nhìn nhau.



Cắt- chuyển:



Ở một vị trí cách chỗ hai người ngồi chừng 10 mét, có một người đàn ông mảnh khảnh nhưng hơi chải chuốt đi tới. Đấy là Thái, Phó Văn phòng Ủy ban huyện. Thái nhìn thấy Ngọc Thụ và Khuê ngồi cạnh nhau, nhíu máy, khó chịu. Hắn tiến thêm vài bước rồi nép vào một bụi cây lắng nghe.



Cắt- chuyển:



NGỌC THỤ



Khuê, em đang nghĩ gì vậy?



KHUÊ



Khuê… Khuê… có nghĩ gì đâu. À, phải rồi! Em đang nghĩ về kĩ thuật cho cây gió chiết trầm. Tóm lại là thế này, em nói thử anh coi đúng không ha. Nếu là cây gió trong tự nhiên thì chuyện chiết nhựa trầm xẩy ra một cách tự nhiên và rất may rủi. Còn cây gió do con người trồng thì cần có tác động kĩ thuật để cây cho trầm.



NGỌC THỤ



Đúng thế! Về lí thuyết, khi cây gió được 12 tuổi trở lên, đường kính đạt 20 phân thì người ta khoan mấy lỗ nhỏ vào thân cây. Rồi bơm vào đó một loại chất kích thích. Lí thuyết là vậy nhưng không phải ai cũng làm được. Khoan thế nào, loại thuốc kích thích là thuốc gì, hiện tại không ai phổ biến. Nó được coi là bí mật gia truyền.



KHUÊ



Chết thật! Vậy thì làm sao?



NGỌC THỤ



Tôi đã tìm hiểu nhiều nguồn thông tin. Ngày trước ở Nha Trang có một gia đình cha truyền con nối làm nghề này. Nhưng bây giờ không biết có còn ai theo nghề không? Tôi tìm mãi vẫn chưa ra được địa chỉ.



KHUÊ



Anh biết được qua thông tin của ai thì bây giờ hỏi chính người ấy. Không được sao?



NGỌC THỤ



(Thở dài, buồn) Dạo còn ở dưới làng cũ, có một chú là lính Sài Gòn cũ, là chiến hữu với ba tôi. Chú ấy rất sành về trầm. Chính những câu chuyện về cây bầu gió do chú ấy kể đã kích thích tôi sau này quyết tâm trồng thể nghiệm rừng gió bầu này. Nhưng hồi đó tôi còn trẻ quá, chẳng chú tâm hỏi kĩ. Với lại, ba tôi rất mặc cảm chuyện quá khứ nên kêu tôi không được qua lại nhiều với chú ấy.



KHUÊ



Vậy bây giờ anh trở về làng, hỏi ông ấy…



NGỌC THỤ



(Trầm giọng) Chú ấy mất rồi!



KHUÊ



(Ngơ ngác) Mất rồi… thế thì phải làm sao?



Cả hai cùng im lặng.



Thái tỏ rõ sự khó chịu, hắn nhổ nước bọt rồi quay ngoắt đi.



6-    NỘI- PHÒNG GIÁO DỤC HUYỆN THẠCH KHÊ- NGÀY



Hoàng đi xe máy vào sân. Anh đưa xe dựng vào gần góc bàng rồi bước tới phòng có tấm biển: Trưởng phòng. Hoàng gõ cửa.



TRƯỞNG PHÒNG



(OFF) Vào đi!



Hoàng mở cửa vào. Anh Tám trưởng phòng đang ngồi làm việc sau chiếc bàn.



HOÀNG



Chào Trưởng phòng.



TÁM



Chu cha, đợi hoài à! Đi từ dưới xã lên, chân giò có sao không ?



HOÀNG



Không sao đâu anh.



TÁM



Vậy mời anh Hoàng lên phòng khách ha. Có trà ngon đã chế sẵn đợi anh đó.



HOÀNG



Thôi mà, anh Tám. Chúng ta ngồi ngay đây không được sao?



TÁM



Đâu có sơ sài vậy được. Thầy là một Hiệu trưởng nổi tiếng, cả huyện này ai cũng nể trọng. Biết thầy sáng nay lên phòng, anh em chuẩn bị phòng khách đàng hoàng để tiếp thầy đó.



HOÀNG



Cảm ơn các anh. Nhưng nói thật, chân cẳng tôi thế này, lên xuống cầu thang ngại lắm.



TÁM



(Ngớ ra) Ờ ha. Bọn tôi quên mất cái chân thầy. Thôi được rồi, thầy cứ ngồi đó (gọi với ra) Nè, có ai đó không, lên phòng khách, đưa ấm nước với trái cây nữa, xuống đây ngay (lùa gọn giấy tờ trên bàn) Mình tiếp khách thế này… nó cũng hơi… gia đình chủ nghĩa quá ha.



Cả hai cười vui vẻ.



HOÀNG



Quyết định của tôi có sẵn rồi chứ?



TÁM



Có rồi! (Cầm tờ quyết định, chợt ngừng lại, nhìn Hoàng) Quyết định có hiệu lực từ mùng 1 tháng 7 năm 1999..Vậy là… anh nghỉ thật rồi.



HOÀNG



Có chuyện gì sao, anh Tám?



TÁM



À, không. Không có chuyện gì hết.



Một nhân viên bê trái cây và ấm nước vào đặt trên bàn.



NHÂN VIÊN



Em mời hai thầy!



TÁM



Được rồi, cảm ơn cô. Anh Hoàng uống nước, ăn trái cây đi.



HOÀNG



Anh cứ mặc tôi. ( Bóc trái cậy ăn vui vẻ)



Cắt cảnh.



7-    NGOẠI- ĐƯỜNG ĐỒI TỪ VƯỜN TRẦM GIÓ VỀ- NGÀY



Ngọc Thụ và Khuê đang đi sóng đôi.



KHUÊ



Anh Thụ chậm lấy vợ vậy, bác Soạn không cằn nhằn há?



NGỌC THỤ



Sao lại không. Ổng cứ la rầy hoài à. Lúc nào cũng nói, nè, đã tuổi băm rồi đó, làm chi cũng phải biết nghĩ đến cái hậu...



KHUÊ



Vậy sao anh Thụ không chịu nghe lời ba? À, em biết rồi…



NGỌC THỤ



Khuê biết sao?



KHUÊ:



Tại vì anh quá kén cá chọn cơm. Cả cái huyện Sơn Kỳ này có đứa con gái nào lọt được mắt xanh của anh chớ.



NGỌC THỤ



(Bất giác thở dài) Khuê đừng chọc quê tôi nữa. Loại người như tôi thì còn dám kén với chọn ai.



KHUÊ



Nè, loại người như anh..là loại người thế nào đây ha?



NGỌC THỤ



Khuê biết rõ hoàn cảnh tôi còn gì. Nếu ba tôi trước đây không cầm súng cho phía bên kia thì nay tôi đâu đến nỗi…



KHUÊ



(Bất ngờ đứng chắn trước mặt Thụ) Nè, anh là thanh niên của thời đại đổi mới, sao vẫn giữ trong đầu cái mặc cảm nặng nề ấy mãi vậy?



NGỌC THỤ



Không phải tôi mặc cảm mà là ba tôi…



KHUÊ



Anh phải giải thích cho bác ấy, phải rũ bỏ những ẩn ức nặng nề ấy đi.



NGỌC THỤ



Rũ bỏ ư? Nhưng liệu ổng có rũ được cái cánh tay cụt kia không?



KHUÊ



(Tròn mắt nhìn) Anh Thụ…



      8- NỘI: TRỞ LẠI PHÒNG GIÁO DỤC HUYỆN- TIẾP THỜI GIAN SÁNG.



Mọi người đang ăn trái cậy, uống chè vui vẻ.



TÁM



Nói thật nghe, cả phòng giáo dục huyện không ai muốn anh Hoàng về hưu lúc này hết. Đặc biệt là tôi. Có một hiệu trưởng như thầy Hoàng thật chẳng dễ chút nào.



HOÀNG



Sao Trưởng phòng lại nói thế. Chế độ nhà nước thì ai cũng như ai. Đến tuổi là nghỉ. Mà cũng nói thật, tôi cũng rất muốn được nghỉ.



TÁM



Sao vậy? Bọn tôi có điều gì làm anh không vừa lòng há?



HOÀNG



Đâu có. Mấy năm nay, nếu không có các anh trên phòng quan tâm hết sức thì dưới trường tôi đâu có được thành tích như hôm nay.



TÁM



Thế sao anh lại bảo…



HOÀNG



Là vì… tôi còn rất nhiều việc riêng chưa hoàn thành mà quỹ thời gian thì chẳng còn nhiều. Sốt ruột lắm anh ạ.



TÁM



Việc riêng? Nè, tôi nhắc nhở anh nghe. Mình lớn tuổi rồi, lại thương binh thương tật nữa. Đừng có mà tham công tiếc việc. Nói thật, nếu giàu được thì đã giàu rồi. Còn nói chuyện nghèo khổ thì cũng thiên hình vạn trạng. Biết thế nào là đủ đầy. Cho nên, loại cán bộ như anh, như tôi, cứ nên tự bằng lòng. Mình có lương hưu, có các thứ chế độ, lại còn có bà con lối xóm, bạn bè đồng nghiệp ai cũng quý mến anh, không việc gì mà anh phải bươn chãi hết.



HOÀNG



Trời đất! Người như tôi thì còn bươn chải cái nỗi gì nữa, anh Tám.



TÁM



Vậy sao anh còn bảo là bận việc riêng.



HOÀNG



Việc riêng… là những việc ân nghĩa. Nói thật với anh Tám, tôi sống được đến hôm nay, được đóng góp cho xã hội hơn hai mươi năm qua là quá may mắn, quá hạnh phúc. Nếu không có những người dân, những đồng đội, rồi cả những người…à, tức là những người khác nữa đã cứu tôi, cưu mang giúp đỡ tôi, thì liệu có còn cái thằng Hoàng ngày hôm nay không?



Ánh mắt Hoàng nhìn ra xa..Cả một hồi ức dữ dội như cùng hiện về:



Hồi tưởng:



Lặp lại hình ảnh bên suối..Hoàng nằm bất tỉnh..rồi lờ mờ hiện ra hình ảnh hai lính ngụy đi đến..Hình ành mờ nhòa, không rõ..Cho đến khi Hoảng tỉnh lại..



Hoàng đụng tay vào chiếc bi đông, anh nhíu mày ngạc nhiên..Lại đụng vào nắm gạo hấp..Rồi Hoàng uống nước..uống rất nhiều..



Hoàng nhai gạo..nhai chậm và nuốt từng chút rất khó nhọc..Rồi Hoàng cố lật người và phát hiện ra chân trái đã hoàn toàn tê liệt..Anh đau đớn..nhăn nhó..



Vừa lúc một người con gái chạy đến..Đấy chính là Miên..Nhìn thấy thương binh, Miên hốt hoảng chồm tới..Miên nhìn quanh..gọi..Hoàng mở mắt nhìn thấy Miên..



Miên cúi người vực Hoàng dậy, cố cõng anh đi từng bước..



Cảnh giữa rừng..Miên cố vác Hoàng chạy..Hoàng cựa quậy..Miên đặt Hoàng xuống..



MIÊN:



Anh bộ đội..Anh tỉnh rồi hả..Chịu khó chút nghe..Em sẽ tìm được người biết cấp cứu cho anh..



HOÀNG:



Chị..chị là ai?



MIÊN:



Em tên là Miên...Em người vùng này..Chồng em cũng bộ đội..



HOÀNG:



Anh ấy cũng bộ đội sao?



MIÊN:



Dạ..



HOÀNG:



Cảm ơn chị Miên..



MIÊN:



Anh chảy máu nhiều quá..Cái chân anh bị dập nát rồi nè..Thôi, đừng nói nữa, chịu khó để em cõng về thôn..



HOÀNG:



Chị Miên..Chị không cõng được xa đâu..Cách đây khoảng một cây..phía lèn đá vôi ấy có trạm cứu thương..Nhưng bên đó đang đánh nhau e rằng không qua được...



MIÊN:



Vậy anh chịu khó nằm đây nghen..Tui hứa sẽ tìm được chỗ trạm cứu thương..



Miên đặt Hoàng nằm xuống rồi chạy đi. Hoàng cố gọi theo..



HOÀNG:



Chị Miên..



Rồi Hoàng nằm vật ra, ngất đi..



Hêt hồi tưởng.



Trở lại không gian phòng làm việc của Trưởng phòng giáo dục.





TÁM



(Gật gù) Tôi hiểu rồi. Tâm trạng anh cũng giống như tâm trạng tôi thôi. Nhưng mà này, tôi nghe anh em dưới xã kể, anh với chị Tâm rời quê dưới đồng bằng lên định cư trên này cũng là vì ân nghĩa với chị Miên vợ liệt sĩ.



HOÀNG



Đúng thế. Thím Miên chính là người đã cứu tôi từ bờ suối mang về, chồng thím ấy lại hy sinh ở mặt trận Tây Nguyên, hiện vẫn chưa tìm được hài cốt. Thím ở vậy một mình nuôi con dại. Tôi không thể để ân nhân mình sống lay lắt vậy được nên đã bàn với nhà tôi chuyển lên định cư trên này.



TÁM



Thế là anh đã làm được một việc nghĩa rất lớn rồi, còn băn khoăn gì nữa.



HOÀNG



Nhưng ân nghĩa đối với tôi đâu chỉ có thím Miên?



TÁM



Chu cha, chẳng lẽ anh tính phải trả hết ân nghĩa với tất cả đồng bào, đồng chí sao?



HOÀNG



Điều ấy thì không thể rồi. Tuy nhiên, vẫn có một vài việc, một vài người... Nếu tôi không tìm được họ thì không thể thanh thản mà sống những ngày cuối đời...



TÁM



Là ai nữa mà quan trọng vậy?



Hoàng khẽ mỉm cười, không nói.



       9- NGOẠI: MỘT VỊ TRÍ ĐẸP DỌC ĐƯỜNG TRÊN ĐỒI TRẦM- TIẾP BUỔI SÁNG.



Hai người cùng ngồi sóng đôi..Ngọc Thụ  bứt bứt những cuống lá. Khuê cũng vân về những chiếc lá trên tay..



NGỌC THỤ



Những năm đầu sau khi cuộc chiến kết thúc, ba tôi về làng cũng mong là quên hết quá khứ, làm lại cuộc đời. Nhưng cuộc sống đâu có đơn giản như mấy câu khẩu hiệu người ta kẻ trên vách hay đăng trên báo. Trong làng tôi, già một nửa là người theo cách mạng. Một số khác thì không có quan hề gì với cả hai phía. Còn lại chừng một phần ba làng là những người có tham gia phía bên kia. Mà người chì chiết ba tôi nhiều nhất là ai Khuê có biết không? Chính là một lão Xã đội trưởng. Hễ uống rượu vào là hắn chỉ vào cánh tay cụt của ba và nói: Mọi người có biết vì sao lão Soạn cụt một tay không? Đó là hắn trả giá cho việc đã bắn nát chân một người cách mạng đó. Một tay đổi một chân mà.



KHUÊ



(Bật dậy) Xã đội trưởng gì mà ăn nói vô trách nhiệm vậy? Ở làng anh không có chi bộ đảng sao?



NGỌC THỤ



Có chứ. Cho nên bữa nay hắn đã bị khai trừ khỏi đảng, mất hết chức tước rồi.



KHUÊ



Có thế chứ. Đáng đời!



NGỌC THỤ



Nhưng hắn cũng không lỗ đâu. Cái lão xã đội trưởng ấy đã kịp cuỗm luôn má của tôi.



KHUÊ



Trời đất ơi! Sao lại như thế?



NGỌC THỤ



Thực ra, lão đã chiếm đoạt má tôi từ trước, sau đó sợ ba tôi vạch mặt nên lão mới cố tình chì chiết quá khứ của ba để ba không chịu đựng được phải bỏ quê mà đi.



KHUÊ



Thì ra là vậy…Thật khốn nạn!



Cả hai cùng im lặng.



10- NGOẠI- TRỤC ĐƯỜNG HUYỆN THẠCH KHÊ/ QUÁN SỬA XE MÁY- NGÀY



Hoàng từ trong phòng Trưởng phòng ra. Anh Tám tiễn ra cửa, bắt tay rất chặt. Tám quay trở vào.



TÁM



Anh Hoàng về nghe.



HOÀNG



Dạ. Anh Tám vô làm việc đi.



TÁM



Bữa mô rảnh rỗi, tụi tôi xuống chỗ anh, ta làm ti thịt chó lai rai nghe.



HOÀNG



Rồi, các anh đến lúc nào tui cũng sẵn sàng.



Lại bắt tay lần nữa rồi Tám quay vào phòng. Hoàng đi ra chỗ để xe. Hoàng đề xe không nổ máy. Lại đề lần nữa cũng không nổ. Hoàng đạp cần đề nhưng vì chân đau nên loạy hoay mãi không được.



Hoàng dắt bộ xe ra cổng. Rồi cứ thể đẩy đi. Trời nắng, mồ hôi nhễ nhại. Một quãng khá xa, nhìn thấy một quán chữa honda. Hoàng đẩy xe vào. Chủ quán đang nằm trên một chiếc võng.



HOÀNG



Ủa, quán sửa xe…sao ông chủ lại nằm khểnh có vẻ nhàn nhã vậy ta?



CHỦ QUÁN



Có xe hư mới sửa chứ.



HOÀNG



Thì xe hư đây, sửa lẹ cho tôi đi.



CHỦ QUÁN



Xe hư làm sao?



HOÀNG



Hỏi kì vậy ta? Không biết nó hư làm sao thì mới cần đến thợ. Nếu biết thì tôi đã tự sửa rồi.



CHỦ QUÁN



Vậy hả. Vậy thì biết rồi.



HOÀNG



Chưa khám đã biết sao?



CHỦ QUÁN



Vậy mới là thợ chứ. Một là nó hỏng bu-zi, hai là nó hỏng cái gì bên trong, đúng không?



Cả hai cùng cười. Chủ quán bắt đầu xem xe.



CHỦ QUÁN



Ông ngồi xuống đi. Mà chân cẳng sao vậy?



HOÀNG



À, là chán hàng nội nên xài đồ ngoại ấy mà.



CHỦ QUÁN



Đồ ngoại là sao? À, là chân giả há? Có tính hài hước đấy. Trước là lính?



HOÀNG



Phải, lính đây!



CHỦ QUÁN



Oánh nhau ở đâu mà bị…



HOÀNG



Ngay vùng Thạch Khê này chứ đâu.



CHỦ QUÁN



Ngay Thạch Khê? Năm nào?



HOÀNG



1973.



CHỦ QUÁN



Thiệt hả. Thì thằng này cũng oánh năm 1973 ở đây đây.



HOÀNG



Trời ơi, hóa ra là đồng đội. Nhưng anh Hai ở đơn vị nào? Là chủ lực hay quân địa phương?



CHỦ QUÁN



Quân đoàn 2.



HOÀNG



Quân đoàn 2?! (chợt ngớ ra) Quân đoàn 2… tức là lính của bên kia hả?



CHỦ QUÁN



Bên kia là bên nào? À, hóa ra ông là thương binh Việt cộng!



HOÀNG



Thì phải rồi!



Cả hai chợt cùng im lặng.



CHỦ QUÁN



Đúng là bu-zi. Cả lớp muội dày kịt như vầy thì bắt lửa sao được.



HOÀNG



(Lẩm nhẩm) Quân đoạn 2… Nè, ông bạn, ông là lính quân đoàn 2. Vậy ông có biết một chiến hữu nào tên là Soan, hay Soán, hay Soạn gì đó không?



CHỦ QUÁN:



Soan, Soán, Soạn? Sao lại có đến ba tên? Mà ở sư nào, trung đoàn, tiểu đoàn nào mới được chứ?



HOÀNG



Tôi không biết mới phải hỏi.



CHỦ QUÁN



Nè, ông bị thương ở chân hay ở đầu vậy? Hỏi người mà có đến ba cái tên, lại chỉ biết đến quân đoàn thôi. Ông có biết cả quân đoàn có đến mấy ngàn lính không?



Hoàng nín lặng, vẻ lúng túng.



HOÀNG



Thôi vậy! Thực ra… tôi cũng chỉ biết có chừng ấy thôi nên bao nhiêu năm nay cố tìm mà chẳng có kết quả gì.



CHỦ QUÁN



Đã cố tìm bao nhiêu năm rồi hả? Nhưng cái thằng kêu bằng Soan, hay Soán, hay Soạn gì đó là gì với ông? Anh em hay người thân, hay bạn bè?



HOÀNG



Không…không là gì hết.



CHỦ QUÁN



Kì vậy. Không là gì sao lại cố tìm? Hai người biết nhau như thế nào?



HOÀNG



Thì là… xáp mặt nhau lúc nổ súng.



CHỦ QUÁN



(Dừng hẳn lại, bỏ đồ nghề xuống đất nhìn như găm vào Hoàng) Nè, vẫn còn thù sao? Từ 73 đến nay, sắp bước vô năm hai ngàn rồi mà vẫn còn định xử nhau hả?



HOÀNG



Ấy chết, ông hiểu nhầm rồi. Chẳng qua là…



CHỦ QUÁN



Hừ, hiểu lầm!? Đúng là bọn này hiểu lầm rồi. Các ông nói một đằng, làm một nẻo. Được rồi, xe nổ máy rồi, ông đi đi.



HOÀNG



Cảm ơn. Mấy tiền đây?



CHỦ QUÁN



Hai mươi ngàn. À không, hai bảy ngàn..



HOÀNG



Chu cha. Chỉ chùi chùi cái bu zi mà lấy đắt vậy cha?



CHỦ QUÁN



Đáng ra không lấy tiền. Nhưng cái giá của hai đứa mình nó đắt vậy đó. Năm 73 tới nay là 27 năm, hai bảy ngàn..



Hoàng đứng ngẩn ra..Hai người đàn ông nhìn nhau..



Hoàng nín lặng, đẩy xe ra, đạp nổ. Quay lại định chào thì Chủ quán đã nằm khểnh lên võng. Hoàng đi thẳng.



11-                       NỘI- PHÒNG LÀM VIỆC CỦA KHUÊ- NGÀY



Khuê đang xem, viết tài liệu. Thái, phó văn phòng Ủy ban vào, đứng ngắm, đôi mắt hắn hấp háy.



KHUÊ:



(Bất chợt ngẩng lên) Ủa, anh Thái. Có chuyện chi mà Chánh văn phòng đại giá quan lâm vậy?



THÁI



Nè, đừng xỏ xiên anh em nghen.



KHUÊ



Xỏ xiên?



THÁI



Thằng Thái này chỉ mới là Phó văn phòng. Chưa có phúc phận ngồi vào cái ghế Chánh đâu.



KHUÊ



Chú Mẫn sắp về hưu rồi, anh Thái không ngồi thì nhường ghế cho ai đây. Em là em cứ nịnh trước đi là vừa.



THÁI



Khuê mà nịnh tôi ư? Trời Sơn Kỳ này sắp sập đến nơi rồi.



KHUÊ



Sao vậy?



THÁI



Thái tôi đây chỉ cần em Khuê chiếu cố một chút, đừng xa lánh, khinh rẻ là có thể thấy cuộc đời đẹp như mơ rồi. Đâu cần đến chữ nịnh.



KHUÊ



Anh Thái nói vậy là buộc tội chết cho Khuê rồi. Em đâu có ăn gan hùm mà dám khinh rẻ công tử của Trưởng sở Nội vụ tỉnh. Chỉ mong sao sau này, trên con đường thăng tiến, anh Thái đừng bỏ rơi loại chân đất như em là may mắn rồi.



THÁI



(Bất ngờ thay đổi thái độ, ghé sát vào Khuê) Không bao giờ. Anh sẽ không bao giờ bỏ rơi em. Anh thề đấy! Chỉ mong Khuê cho anh cơ hội…



KHUÊ



(Né người tránh xa) Vậy thì em xin cảm ơn trước. Còn bây giờ, xin anh Thái cho Khuê tập trung viết cho xong cái bản báo cáo. Em lú lắm, viết hoài mà chẳng ra.



Vừa lúc, Đẩu - Phó Chủ tịch huyện bước vào.



ĐẨU:



Thế nào, phòng nông nghiệp đã xác định được mô hình để đưa ra hội nghị báo cáo để toàn huyện học tập chưa?



KHUÊ



Báo cáo đồng chí Phó Chủ tịch, bọn em cũng đã xác định được vài ba mô hình. Hiện em đang đề nghị các chủ trang trại viết báo cáo..Phòng sẽ có một báo cáo tổng hợp cùng với những kiến nghị, đề xuất về cơ chế, chính sách.



ĐẨU:



Tốt. Thường vụ Huyện ủy vừa cho ý kiến chỉ đạo, xác định đây là Hội nghị cực kì quan trọng để tìm ra hướng đi cho nền kinh tế huyện trong những năm tới. Các anh trên tỉnh cũng rất quan tâm..( Nhìn qua Thái) Ông Năm mới điện thoại cho mình đó..



THÁI:



Vậy hả? Ba em có nói lúc nào xuống đây không?



ĐẨU:



Ổng nói..cuối tháng này hoặc đầu tháng sau sẽ đi họp ngoài Bộ, tiện đường có thể ghé huyện..Thôi, Văn phòng các cậu nhớ phối hợp với phòng Nông nghiệp chuẩn bị thật tốt hội nghị điển hình nông nghiêp nghen. Coi như công tác trọng tâm tháng này đó..



THÁI:



Sếp yên tâm đi..Mọi việc sẽ thông suốt như đường tàu hỏa.



Đẩu đi ra.



THÁI



Có phải Khuê định chọn cái trang trại của cha con cái lão dân ngụ cư ấy không?



KHUÊ



(Tròn mắt ra) Cha con lão dân ngụ cư? Một cán bộ như anh Thái mà ăn nói mất quan điểm đến vậy sao?



THÁI



Tôi nói sai sao?



KHUÊ



Không những sai mà còn vi phạm pháp luật nữa.



THÁI



Chết chết! Mình đi tù đến nơi rồi.



KHUÊ



Tôi nói nghiêm túc chứ không đùa đâu. Gia đình ông Soạn lên đây là nằm trong chương trình kêu gọi của huyện nhà về đầu tư phát triển kinh tế vùng gò đồi, phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Hơn nữa người ta di cư tới huyện mình đã gần 15 năm, đã có hộ khẩu hẳn hoi. Ông Soạn và anh Thụ đã là thật sự là công dân huyện Sơn Kỳ này.



THÁI



Được rồi, được rồi. Tôi bỏ chạy đây.



KHUÊ



Khoan đã. Anh đứng lại đó. Tôi phải nói một lần cho xong với anh, mong rằng từ nay đồng chí Phó văn phòng đừng để tôi nghe thêm lần nào nữa những lời nói đầy kì thị như thế. Cái gì mà là dân ngụ cư? Dân Việt Nam thì có quyền sống trên đất Việt Nam. Luật cho phép tự do cư trú kia mà. Thế nếu có một Việt Kiều yêu nước về quê hương đầu tư thì đồng chí gọi họ là gì?



THÁI



(Cứng cả lưỡi) Cha mẹ ơi, tôi lỡ cướp cò có một viên đạn... mà Khuê lại xả vào tôi hàng tràng súng liên thanh vậy, hỏi có công bằng không?



KHUÊ



Bắn lỡ một viên đạn, nhưng là viên đạn nhắm trúng vào tim, vào óc người ta. Lỡ thế mà lỡ được sao?



Khuê đi vụt ra ngoài. Thái đứng chưng hửng.







Hết tập 2. 


 Đăng ngày 03/08/2015

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan