Sunday, October 18, 2015

Điệp khúc virút - Sự cảnh tỉnh đạo đức xã hội

Tác giả: Cao Ngọc

Sau thành công của loạt vở như Những mặt người thấp thoáng đấu tranh với căn bệnh chạy chức, chạy quyền, dựa dẫm vào công lao của thế hệ đi trước, Tai biến đi vào tệ nạn tham nhũng ở cấp cao với những lợi ích nhóm... với kịch bản mới, Ðiệp khúc virút nhà văn Xuân Ðức đi sâu hơn vào những góc khuất ẩn sâu trong từng con người của xã hội hiện đại. Khác với các kịch bản đấu tranh quyết liệt với những tệ nạn tham nhũng của những kẻ có chức, có quyền, ở kịch bản này, nhà văn mong muốn đánh động một cách sâu hơn sự băng hoại đạo đức của cả xã hội, đem cái nhìn giàu tính phê phán đối với những đánh giá, nhìn nhận về con người, về cách ứng xử... vào một vở diễn có cách diễn tả khá quyết liệt, góc nhìn có phần u tối.


NSƯT Tiến Đạt và Thu Hà trong Điệp khúc virút.

Khai từ và vĩ thanh là sự cưu mang của đôi vợ chồng Sừ - Quế với cô gái Phương Thảo đang mang cái thai không được cậu con trai Huy Quân của mình thừa nhận, với lời ru xót xa: Cái cò cái vạc cái nông/Ba con cùng béo, vặt lông con nào để đi vào tấn bi kịch cay đắng của hai gia đình. Sự nghiệp của Cường, người chồng có học vị tiến sĩ bằng cách ăn cắp ý tưởng của cậu sinh viên Thành Thái, khiến anh ta hận mà bỏ học, quyết tìm đường báo thù với những thủ đoạn rất xảo quyệt. Anh ta đến ngân hàng của Phương Ngọc, vợ tiến sĩ và là mẹ của Phương Thảo vay nhiều tiền và buộc ngân hàng tiếp tục cho vay nếu giám đốc Phương Ngọc không muốn đứng trước vành móng ngựa vì vi phạm luật quản lý ngân hàng. Rồi khi không thể vay thêm được, anh ta tiếp cận Huy Quân, con trai của cô giáo Quế, từng vì yêu lầm Cường mà thanh danh sự nghiệp bị hủy hoại, tiếp tục dùng mọi thủ đoạn để Huy Quân thay anh ta đứng ra ký giấy vay mượn thêm... Sự lan truyền của virút hận thù và băng hoại đạo đức đã đẩy Huy Quân đến nước từ chối tình cảm với Phương Thảo, tiếp tay cho Thành Thái... Rất may, cuối cùng thì những tình cảm tốt đẹp của cha mẹ, của người yêu cùng đứa con bé bỏng đã cứu giúp Huy Quân không sa ngã vào con đường đen tối. Kịch khép lại với âm hưởng tươi tắn hơn khi con của Huy Quân với Phương Thảo được cứu sống, gia đình người lãnh đạo bố của Phương Ngọc nhận ra chân lý...
Vở diễn không triển khai theo cách mạnh dạn, quyết liệt của những đường nét đạo diễn nhiều chiêu trò mà chọn cách kể chuyện khá dung dị, cố gắng đi vào khai thác chiều sâu tâm lý nhân vật. Kịch tính được tập trung ở nhân vật có phần bí ẩn, được giấu kịch khá kỹ là Thành Thái (Ngọc Quỳnh đóng). Anh ta ngông nghênh trong những tuyên bố của một nhà thơ cỡ xóm, tự giới thiệu mình như một người tử tế, mà mỗi hành động tử tế bây giờ rất dễ bị hiểu lầm là có âm mưu. Người xem bị đánh lừa bởi những hành động được anh ta phô diễn. Hay như nhân vật Phương Ngọc (NSƯT Thu Hà thủ vai) đanh đá, chua ngoa kết tội người phụ nữ chót yêu chồng mình. Rồi cặp vợ chồng Sừ - Quế cùng việc bị kết tội của cô giáo Quế cũng gây khá nhiều tò mò cho người xem. Khán giả nếu nhìn theo cách thưởng thức kịch như phần lớn các vở trước kia sẽ khó khăn khi đi tìm nhân vật chính diện vì ngay cặp vợ chồng Sừ - Quế cũng không phải là nhân vật "chính diện" khi cô giáo Quế cũng mắc lỗi "yêu ngoài luồng" với thầy hướng dẫn mình là Cường. Có chăng, nhân vật được tác giả dụng công xây dựng như điểm sáng là cô gái Phương Thảo (Thùy Linh) cùng ông bố Sừ do Công Lý thủ vai. Cả vở diễn là một màu sắc khá u ám, như dụng ý của tác giả: sự băng hoại đạo đức xã hội như căn bệnh virút mau chóng lây lan ở mọi lứa tuổi, mọi thành phần và khó triệt tiêu, dễ bị nhiễm lại... NSND Hoàng Dũng đã tỏ ra khá chắc tay trong tác phẩm sân khấu mà anh tâm đắc và cố gắng làm sáng tỏ ý đồ của tác giả. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu một sự kết dính cao hơn nữa trong mọi thành phần như diễn viên, mỹ thuật, âm nhạc... để đêm diễn không quá căng cứng, không bị chật vật với tiết tấu, nhịp diễn. Các diễn viên của nhà hát vẫn chứng tỏ được "đẳng cấp" của mình qua các "sao" trên sàn diễn như NSƯT Tiến Đạt, NSƯT Thu Hà, nghệ sĩ Công Lý, nghệ sĩ trẻ Hồng Đăng... Thoát khỏi motip vai tiểu thư lá ngọc cành vàng, nhưng Thu Hà cần thêm thời gian đầu tư cho vai diễn có phần nặng ký này. Rồi NSƯT Tiến Đạt diễn trong bối cảnh sức khỏe không tốt cũng đã có những ảnh hưởng nhất định tới tiếp nhận của công chúng. Và theo đúng phong cách nhẹ nhàng, lịch lãm của kịch Hà Nội, người xem cần thêm những cảnh, những màn đan xen sự hài hước, hóm hỉnh trong cách diễn, trong cả tác phẩm để bớt đi cái không khí quá căng thẳng của một vở kịch mang nhiều màu sắc đấu tranh chống cái xấu này.           
Cao Ngọc

 Đăng ngày 03/12/2013

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan