Tác giả: Xuân Đức
Chương bốn
Cái hắt xì hơi của một người hùng.
Tui không phải là thủ phạm, đương nhiên rồi, nhưng tui cũng không thể là nhân chứng cho tất cả. Làm sao tui biết được những con người đó họ định làm gì, họ đã làm thế nào, họ toan tính nghĩ suy ra sao. Tui chỉ ở trong bụng một người chứ đâu phải ở trong tim gan của tất cả bàn dân thiên hạ.
Hơn nữa, xin quý vị nhớ cho, đừng lấy con mắt ngày hôm nay mà soi mói, đòi hỏi chuyện ngày tháng ấy. Rồi lại độc mồm độc miệng lên án tui là dựng đứng mọi chuyện về Tham mưu trưởng để bêu riếu ông ta. Không. Tui chỉ không ưa chú Tấn trong chuyện lằng nhằng với Thõn, còn tất cả những chuyện khác thì tui lại thừa nhận ông ấy là đại anh hùng. Mà cũng nói thiệt bụng, nếu con Thõn là một ả ất ơ nào đó chẳng dây gì vào thằng em tui thì không hơi sức nào mà tui bận tâm. Chẳng qua vì tui với Quả là anh em song sinh, muốn hay không bọn tui cũng phải đèo bồng nhau cho hết một kiếp sống, thế nên tui mới quan tâm, mới khắc khoải về chuyện hắn cưới vợ, đẻ con, xây dựng cuộc sống gia đình, chứ thế sự lúc bấy giờ người ta đang bị hút hồn vào chuyện khác kia, chuyện cực kì hệ trọng, chuyện của một cuộc chiến đến hồi một mất một còn. Chuyện đó mới là lịch sử để con cháu muôn đời sau học thuộc lòng. Còn cái chuyện vừa kể trên là tép riu, thậm chí là vớ vẩn, có khi còn bị coi là phản động nữa cơ.Khi chiến dịch tổng tiến công mở màn, đích thân Tham mưu trưởng xông thẳng xuống đồng bằng, lập Sở chỉ huy tiền phương ngay bờ tây con sông cách nội đô chưa tới năm cây số.
Cái chiến dịch năm ấy diễn ra thế nào mọi người chắc đã rõ. Sau mấy ngày "hoành tráng" là đến giai đoạn bi thương. Nói cái chung to tát ấy thì người trong cuộc hiểu hơn người ngoài, nhưng nói đến những tiểu tiết đôi khi người ngoài lại hiểu hơn người trong. Đừng vội kết luận là tui nói ngược. Ví dụ như vì sao theo mật lệnh phải đúng không giờ đêm giao thừa mới là giờ G của toàn mặt trận, nhưng tại ba ấp của ngoại vi thành phố nửa đêm hai chín đã ầm ầm nổi dậy khiến Tham mưu trưởng Mặt trận dựng cả tóc gáy. Chú Tấn lồng lộn điện về Bộ Tư lệnh, Bộ Tư lệnh kêu trời điện qua Khu uỷ, Khu ủy đập bàn dội cả vào trong máy. Cờ bí dí tốt, Tham mưu trưởng đành hạ lệnh tấn công. Cũng may bọn địch vẫn chưa kịp triển khai phòng ngự nên cánh quân tây nam đã công phá được phòng tuyến phía tây. Nhưng các mũi khác tối hôm sau mới xuất kích thì thê thảm hơn nhiều. Cái đoàn múa hát của Bang vì thế mà cũng lỡ nhịp, không vào sâu được đành giạt ra mấy thôn giáp ranh và sau đó mới lãnh đủ bom đạn. Ngay sau giai đoạn một của chiến dịch, người ta đã giải thích rằng do cái năm đó lịch ta và lịch Tàu lệch nhau một ngày nên nhiều người dân nhầm lẫn. Người trong cuộc hiểu vấn đề đơn giản vậy. Nhưng người ngoài, nhất là người hậu thế sau này lại coi là một "nghi án". Chuyện đó tui chịu, cỡ như tui không thể làm nhân chứng được.
Thôi, cứ gác "nghi án" ấy lại, lúc khác sẽ nói. Chừ nói tiếp chuyện người anh hùng Phùng Tấn trong cái chiến dịch trời long đất lở ấy.
*
Quả được chú Tấn gửi xuống trung đoàn 6 của Trung tá Năm Hùng. Đây là cánh quân có nhiệm vụ bí mật xuất kích từ phía thượng nguồn sông Thuận, bất ngờ đánh chiếm địa bàn Thuận Thành, Thuận Mỹ nơi được bọn thuỷ quân lục chiến Mỹ coi là lá chắn thép vòng ngoài bảo vệ nội đô. Theo kế hoạch tác chiến, trận đánh úp Thuận Thành chỉ được diễn ra đúng giờ G để liền sau đó hợp lực với mũi chủ công do đích thân Tham mưu trưởng chỉ huy đánh thẳng vào khu Đài phát thanh và trại huấn luyện quân Nguỵ.
Trung tá Năm Hùng trước đây là trợ lí tác chiến trên Cục tham mưu Bộ Tư lệnh, là một trợ thủ đắc lực của Tham mưu trưởng Phùng Tấn. Chính Phùng Tấn đã đưa Năm Hùng về nắm trung đoàn 6 nhằm tạo cơ hội cho anh thăng tiến. Lần này, Phùng Tấn chỉ nói ngắn gọn qua điện thoại, đại ý, nó là cháu mình, gửi nó cho cậu là để rèn luyện và lập công, cũng giống như ngày trước đưa cậu về đơn vị. Trung đoàn trưởng liên tục dạ, cuối cùng nói như một lời thề, anh cả yên tâm, cháu của anh cũng là cháu của em. Em sẽ giao trách nhiệm cho thằng Đắc. Phùng Tấn gật gù, tốt lắm, nhắn với Đắc là anh Tấn rất kì vọng ở nó, cố gắng nhé. Dạ, em sẽ nhắn.
Khoảng bốn giờ chiều ngày hăm sáu tết Quả về đến trung đoàn 6, vừa vào lán chỉ huy đã thấy Tiểu đoàn trưởng Trần Đắc đứng chờ sẵn ở đó. Quả chưa kịp mở miệng báo cáo các thủ trưởng thì Trung đoàn trưởng Năm Hùng đã chụp mạnh bàn tay hộ pháp lên vai hắn rồi hất đầu về phía Đắc:
- Chú giao cháu cho anh Đắc. Cứ theo anh ấy rèn luyện chiến đấu cho thật tốt, đừng phụ lòng chú Tấn. Con cháu một vị đại anh hùng thì phải biết sống sao cho xứng đáng, rõ chưa? Anh Đắc đây cũng là người tâm phúc của chú Tấn, nhưng cháu không được ỷ lại, rõ chưa? Nếu cháu vi phạm kỉ luật Tiểu đoàn trưởng Đắc cũng sẽ phạt rất nặng, rõ chưa?
- Rõ ạ.
Vị sĩ quan trẻ có dáng người to con nhưng thấp lùn tên là Đắc ấy lập tức túm lấy tay Quả lôi xoành xoạch ra ngoài không khác gì một người anh vừa túm cổ được thằng em trốn học kéo về nhà mách bố. Sau này Quả mới biết nguyên nhân là vì cả tiểu đoàn giờ đó đã được lệnh vượt sông thế mà Tiểu đoàn trưởng vẫn bị Trung đoàn trưởng điệu lên bắt đèo bồng thêm một thằng "lính cậu". Khi mới nhận điện thoại, Đắc điên tiết định cự lại, nhưng sau khi nghe Năm Hùng nhắc khẽ, hắn là cháu ruột của Tham mưu trưởng đấy thì Đắc vội dạ dạ rồi lật đật một mình chạy lên trung đoàn. "Nhanh lên mày, muộn qua rồi"..Đắc cứ kêu thầm lên như vậy, tay vẫn không buông cánh tay Quả như thể sợ có ai đó cuỗm mất.
Nhá nhem tối thì họ đuổi kịp đội hình tiểu đoàn lúc ấy đã về sát bờ tây sông. Tiểu đoàn trưởng Đắc vừa lấy tay đè lên ngực để giữ nhịp thở vừa lệnh cho cậu liên lạc gọi Đại đội trưởng đại đội Một đến gặp ngay. Chưa tới hai phút, một sĩ quan trẻ đã dập gót chân đứng nghiêm trước mặt Đắc.
- Này, tớ giao cậu chú em này, chức vụ Tiểu đội trưởng..
- Báo cáo thủ trưởng..chỗ em đã bố trí đủ cán bộ rồi mà..
Giọng Đắc khẽ hạ thấp xuống:
- Thì bố trí lại một tí, khó lắm sao? Này, nó là cháu ruột của Tham mưu trưởng đấy. Đại đội phải tạo điều kiện cho em nó lập công, nhưng phải nhớ là...
Cậu Đại đội trưởng bất ngờ cười rất tươi:
- Em rõ rồi, chú ý bảo vệ an toàn ạ.
- Rất thông minh. Đắc khoát tay một cái rồi như chợt nhớ ra điều gì vội kéo Đại đội trưởng ngồi xuống cạnh, giọng nói trở nên khúc chiết hơn. - Qua bên kia sông, tiểu đoàn sẽ ém quân vao khu vực Động Tré. Riêng đại đội Một phải tiến sâu hơn, cố gắng áp sát Thuận Thành và bắt liên lạc với đại đội bộ đội địa phương để phối hợp tác chiến.
- Báo cáo thủ trưởng, hiện giờ đại đội địa phương đang ở toạ độ nào ạ?
- Không rõ. Theo phương án tác chiến thì cậu Tuấn sẽ chủ động bắt liên lạc với cậu ở ngoại vi Thuận Thành.
- Tuấn là ai ạ?
- Là đại đội trưởng đại đội địa phương. Theo anh Năm cho biết, đây cũng là nhân vật xuất chúng đấy. Trẻ, lanh lợi, quyết đoán. Chỉ có chút nhược điểm là hơi cứng nhắc.
- Cứng nhắc?
- Chà, cứ mặc kệ họ, cứng với chả nhắc, phối hợp thôi mà, việc ta ta cứ làm, rõ chưa?
- Rõ.
- Thôi về đi, chú ý giữ bí mật tuyệt đối lúc tiền nhập.
- Rõ.
Đại đội trưởng đại đội Một dập gót chân rồi liền đó lại túm chặt lấy tay Quả kéo đi. Đến bờ sông anh ta gọi to: Trung đội trưởng trung đội Ba lên gặp tôi! Nhoáng cái đã thấy một anh chàng đen nhẻm, cao kều chạy đến. Lại một câu gửi gắm, dặn dò. Lập tức cánh tay Quả lại bị một bàn tay khác túm chặt kéo đi. Bắt đầu từ giây phút đó, Thái Quả chính thức nằm trong đội hình tác chiến của B3, C1, D14, E6. Hắn không hề biết trước rằng mấy cái kí hiệu a,b,c,d lằng nhằng đó về sau lại trở thành những bậc thang vững chắc để hắn leo nhanh lên đỉnh cao danh vọng, nhưng những cái tên cụt lủn như Đắc, Tuấn, Tấn, Báng v..v..lại trở thành những sợi giây dợ lòng thòng và rối rắm quấn chặt số phận hắn khiến phần đời ngắn ngủi của một vị quan đầu tỉnh không có nổi một đêm ngủ bình yên.
*
Đêm hăm chín tết.
Đại đội Một đã tiến sâu vào áp sát Thuận Thành không còn giữ liên lạc thường xuyên với tiểu đoàn được nữa. Lúc này trong tay Trần Đắc chỉ còn nắm hai đại đội và trung đội cối phối thuộc. Đường giây thông tin hữu tuyến cũng đã được cuốn đi. Từ giờ phút này, tất cả các mũi tiến công sẽ hành động theo phương án tác chiến đã được quán triệt. Giờ G là o giờ đêm giao thừa. Mệnh lệnh tấn công là bộc phá lệnh từ phía Sở chỉ huy tiền phương do Phùng Tấn trực tiếp chỉ huy. Trần Đắc lệnh cho hai đại đội trưởng chia quân canh gác, giữ bí mật, còn tất cả tranh thủ ngủ lấy sức để đêm mai bước vào một cuộc tổng tiến công được coi là long trời lở đất. Mệnh lệnh lập tức được thi hành.
Đắc đang mơ màng trong giấc chợp mắt muộn thì bất ngờ hàng loạt súng rộ lên phía Thuận Thành. Tất cả Ban chỉ huy đều nhào ra ngoài công sự. Tiếng súng càng ngày càng dày thêm. Có nhiều vầng sáng hắt lên từ hướng đó. Không sao nhận định được chuyện gì đang xẩy ra nhưng mọi người đều có chung dự đoán là có đơn vị nào đó đã gặp phục kích. Đắc trao đổi nhanh với Chính trị viên Doãn và Tiểu đoàn phó Lương, các anh thay tôi chỉ huy đơn vị, cần một trung đội đi cùng tôi về dưới đó xem tình hình thế nào, nếu có sự biến tôi sẽ cho liên lạc quay lại báo cho hai anh biết.
Khi Đắc về tới sát Thuận Thành thì gặp ngay liên lạc đại đội Một đang quay lên tiểu đoàn xin ý kiến. Như vậy là tạm yên tâm vì đội hình đại đội Một chưa bị lộ. Cả nhóm tiến nhanh vào vị trí chỉ huy đại đội. Đại đội trưởng báo cáo nhanh:
- Ở bên trong đã xẩy ra đánh nhau. Có thể lực lượng địa phương đã tổng tấn công.
- Tại sao lại nổi dậy đêm nay?
- Không thể giải thích được.
- Thế cậu Tuấn có cho người bắt liên lạc không?
- Không. Chẳng thấy ma nào cả.
- Lạ thật...Chẳng còn hiểu thế nào nữa...
Ngừng một lúc, cậu sĩ quan trẻ rụt rè hỏi:
- Bây giờ quyết định thế nào, thủ trưởng? Mình có đánh vào không?
- Đánh vào là thế nào? Đánh nhau phải đúng hợp đồng tác chiến chứ. Cậu cứ ém chặt quân, tuyệt đối giữ bí mật. Mình sẽ quay về tìm cách liên lạc với ông Tấn xin ý kiến..
Nhưng khi Đắc chưa về đến vị trí tiểu đoàn thì đã nghe phía Sở chỉ huy tiền phương bộc phá lệnh nổ. Tất cả đều sửng sốt, không sao hiểu được chuyện gì đang xẩy ra. Chỉ sau giây lát, toàn bộ tuyến ém quân dọc theo bờ tây sông Thuận vang rền tiếng súng. Rất nhiều đụn khói ùn lên, một vầng sáng vàng đục chấp chới trong màn đêm trên vùng đồi giáp ranh. Đắc chỉ còn biết ngửa mặt lên trời chưởi tục, mẹ kiếp, kế hoạch với hiệp đồng cái con c... Rồi anh lao nhanh về phia Ban chỉ huy lúc này đang nhấp nhổm đợi lệnh. Đắc vung tay hét:
- Toàn tiểu đoàn xuất kích!
*
Chuyện cũ là như vậy đó. Và như tui đã kể, lúc đó những người chỉ huy từ cấp to đến cấp nhỏ ai cũng phải linh hoạt xử lí. Lúc đó chẳng ai có đủ tâm trí để ngồi vặn vẹo ai, truy tìm xem nguyên nhận do đâu lại xẩy ra những sai sót chết người như vậy. Cánh quân chủ lực của Phùng Tấn dù sao cũng chọc thẳng vào được các vị trí cần chiếm lĩnh vì bọn Mỹ đã hoàn toàn bị bất ngờ. Phùng Tấn cùng trung đoàn Bình Minh chiếm giữ Sở chỉ huy cơ động của Mỹ và căn cứ pháo mặt đất. Riêng cánh quân hướng tây-bắc do Trung đoàn trưởng Năm Hùng chỉ huy thì chỉ có tiểu đoàn 14 của Đắc là xuất kích kịp với mũi Phùng Tấn, cũng đã san bằng được trại huấn luyện quân Nguỵ và làm chủ toàn bộ vùng dân ba ấp Thuận Thành, Thuận Mỹ, Thuận Phú. Như vậy, mặc dù kế hoạch tác chiến bị trục trặc, các mũi tấn công trở nên bị động, tuy nhiên với sức mạnh dồn tụ mấy tháng nay, sức tấn công của quân ta vẫn như thế chẻ tre, bọn Mỹ, Nguỵ vẫn thất đảm kinh hồn không sao trở tay kịp. Tuy nhiên mọi hệ luỵ đã ngay lập tức xẩy ra sau đó. Đại quân Năm Hùng đêm ba mươi đã bị bom pháo Mỹ đánh chặn ngay vùng đồi phía tây sông khiến cả trung đoàn thiệt hại hơn một phần ba. Khi vượt được sông thì gặp ngay lực lượng nống ra của Thuỷ quân lục chiến. Cả trung đoàn bị chia cắt, các tiểu đoàn phải tự vận động chiến đấu, không ai ứng cứu được cho ai. Còn cánh quân hướng đông-nam của trung tá Võ Quảng sáng mồng một tết bị chặn lại ngay trước khu nghĩa địa Thiên chúa giáo. Sư đoàn 2 với trọng trách như một quả đấm thép tiếp ứng phía sau các mũi xung kích thì cũng bị bom B52 đánh tan tác ngay trên đường xuất kích khi chưa qua khỏi vùng đồi Tân Thanh.
Tiểu đoàn 14 chia mỏng quân ra để chiếm giữ cả một vùng rộng lớn của ba ấp, quân số cũng bị vơi đi sau khi bọn lính thủy đánh bộ Mỹ phản công, vì vậy mà mãi mồng bốn tết vẫn không thể phát triển về hướng đông để hợp chiến với Tham mưu trưởng. Du kích ba xã vùng ven vì nổi dậy sớm hơn một ngày nên không nhận được sự chi viện của bộ đội chủ lực đành rút lui vào bí mật.
Ở hướng tấn công của trung đoàn Bình Minh có Tham mưu trưởng Phùng Tân trực tiếp chỉ huy, tình hình cũng đang rất lúng túng. Khi bọn Mỹ phản công, các cánh quân không thể giữ được lực lượng tập trung buộc phải xé lẻ ra để chống phản kích. Trong tay Tham mưu trưởng Phùng Tấn lúc đó chỉ còn nắm được hơn một tiểu đoàn bộ binh cùng với đại đội thông tin và nhóm sĩ quan tham mưu, lính liên lạc từng theo sát ông từ hôm xuất quân. Chiến sĩ bám giữ từng ngõ phố, từng bờ tường, và mặc dù đã thấy rõ khó mà trụ thêm được nữa nhưng ông cũng không chịu rút trước. Qua ngày thứ ba, Tấn bị thương vào đùi chân phải, đại đội thông tin phải cáng ông trở lại vị trí đặt Sở chỉ huy tiền phương bên này sông. Rồi từ Sở chỉ huy, nhóm quân thông tin và liên lạc cùng một số chiến sĩ nhiều bộ phận thu gom lại dìu ông lùi thêm ba cây số nữa về một thôn nhỏ giữa một vùng đồi hoang. Đến đây Tấn không chịu cho rút xa nữa, yêu cầu phải bám trụ. Nhưng lực lượng bên cạnh ông lúc này chỉ còn không quá trăm người mà hơn một phần ba là thương binh. Các cánh quân khác đang bị kẹt lại và bị chia cắt. Thông tin liên lạc hoàn toàn tê liệt. Tấn lệnh cho tiểu đội liên lạc chia nhau sục về tất cả các hướng để tìm cách chắp nối với các đơn vị. Tiểu đội có năm người đi mà sau hai ngày không có một ai trở lại. Vết thương của Tấn đã sưng tấy, cả ống chân cứng đờ. Một vài sĩ quan tham mưu khuyên ông nên rút thêm vài ba cây số nữa cho an toàn, nhưng Tấn quắc mắt gầm lên: Như vậy là chạy dài, chạy dài, các cậu hiểu chưa !
Đến ngày thứ sáu kể từ khi tiếng súng tổng tấn công khai lệnh, lính thuỷ đánh bộ Mỹ đã phản công tràn qua bờ tây sông. Trực thăng đổ quân xuống vùng đồi nơi lực lượng Sở chỉ huy tiền phương của Tấn đang cố thủ. Một trận chiến đấu tử thủ đã diễn ra suốt ba ngày ba đêm. Máu và xác người cả hai bên lấp đầy những khe cạn dưới chân đồi. Trong số hàng trăm chiến binh tử trận giữa cuộc thư hùng đó, có ông, con Hùm xám lừng danh Mặt trận BZ.
Ông nằm lẫn với các liệt sĩ khác, không phân biệt cấp hàm chức vụ, nhiều tử thi chiến sĩ đè lên Tấn. Bọn Mỹ tràn lên xúc bừa tất cả thi thể Việt cộng lại thành một đống. Chúng quyết định rải xăng đốt đống xác kia cho cháy mất tăm mất tích cái mầm hoạ khủng khiếp. Nhưng chúng chưa kịp thực hiện thì tiểu đoàn 14 từ hướng tây-nam của Tiểu đoàn trưởng Trần Đắc đã xuất hiện kịp thời. Bọn lính thuỷ đánh bộ bị đánh dạt ra. Tiểu đoàn trưởng Trần Đắc lệnh phải thu gom bằng hết liệt sĩ đưa về cứ. Nhưng chiến sĩ của tiểu đoàn cũng đã xác xơ vì cả một tuần chống chọi trong vòng vây địch nên công việc không thể chóng vánh như mong đợi. Số liệt sĩ đưa được ra ngoài chưa đến một nửa thì bọn Mỹ lại mở đợt phản công thứ hai. Tiểu đoàn 14 cùng với lính thông tin phải chia làm hai mũi chống cự. Số anh em bị thương nhẹ không thể trực tiếp chiến đấu thì được giao nhiệm vụ chôn cất tử sĩ tại chỗ. Đắc ra lệnh, có bao nhiêu ni-lon hoặc áo quần dùng hết vào việc đùm bọc liệt sĩ. Đắc vừa chỉ huy cả hai mũi cố thủ với địch vừa hò hét thúc giục việc chôn cất, cương quyết không để kẻ thù đốt bất cứ xác nào của anh em. Bộ đội vừa quấn áo quần, ni-lon cho đồng đội vừa khóc.Và giữa bối cảnh mịt mù khói đạn cùng tràn trề nước mắt ấy, một câu chuyện thần thoại đã xẩy ra. Khi người ta quấn ni lon vào thi thể Tham mưu trưởng thì thấy cái lỗ mũi ông bất ngờ phập phồng. Rồi một cái hắt xì hơi bật ra, nó mạnh mẽ đến mức hai chiến sĩ đang cúi sát vào mặt vị thủ trưởng kính yêu đã bổ chửng ra đất. Cả tốp lính gần đó cùng hét lên như gặp ma. Trần Đắc cũng thất sắc, hét lạc cả giọng. - Cáng thương đâu! Y tá đâu! Các cậu đúng là đám ăn hại. Suýt nữa tau chôn sống Tham mưu trưởng rồi!.Hu..hu..Anh Tấn ơi! ...Chúng em sẽ mở đường máu đưa anh ra...hu.hu...
*
Sau đó chừng nửa tháng, khi các cánh quân của Mặt trận BZ đã rút sâu lên vùng đại ngàn gần giáp biên giới, Đắc gặp lại Tham mưu trưởng Tấn khi người ta đang chuẩn bị đưa ông ra Miền Bắc điều trị. Tấn vẫn nằm liệt trên giường nhưng đầu óc đã rất tỉnh táo. Ông hỏi Đắc:
- Này, hôm đó sao các cậu biết mình bị kẹt ở chỗ ấy mà đến chi viện?
Đắc thở dài thật thà:
- Báo cáo anh, bọn tui đâu có ngờ gặp được anh. Cả một trung đoàn mạnh mà chỉ mình tiểu đoàn 14 là qua sông sớm nhất, chiếm lĩnh được mục tiêu. Chiếm được mà lại không tiến lui được, lại chẳng có lực lượng nào chi viện cho mình. Tiên sư cái thằng cha nào cho nổ súng đêm hăm chín tết! Mọi kế hoạch đều bị xáo trộn tùng phèo hết. Vì không hợp chiến được với các mũi khác nên chúng tôi đã bị cô lập giữa hai gọng kìm bao vây của sư đoàn Thủy quân lục chiến. Tôi buộc lòng phải ra lệnh chia đôi đơn vị ra để phá gọng kìm của địch. Tôi dẫn hai đại đội phá vòng vây phía đông nên mới gặp anh. Còn một đại đội do anh Doãn Chính trị viên chỉ huy đã kẹt lại...Họ chiến đấu thêm được năm ngày nữa...thì...
- Hi sinh hết sao?
Đắc cúi đầu, nín lặng. Một hồi lâu Tham mưu trưởng Tấn khẽ lắc đầu:
- Đúng là số mệnh..Dầu sao cũng cảm ơn các cậu..Nếu không thì..
Nét mặt của Trần Đắc vẫn rầu rầu:
- May mắn cứu được anh nhưng lại bỏ rơi mất thằng cháu của anh...Tôi thật có lỗi.
Tấn cố chồm dậy:
- Sao? Thằng Quả...
- Cả tiểu đội nó bị kẹt lại, không kịp rút lui với tiểu đoàn..
Tấn gầm lên:
- Thế rồi sao? Cho đến hôm nay thì sao, đã bắt được liên lạc chưa?
Đắc cúi gầm mặt nói lí nhí như một kẻ nặng lỗi:
- Chưa...Tất cả chủ lực đã bật lên rừng hết rồi. Cơ sở bên trong ai còn ai mất cũng không nắm được..
Tấn vật ngửa đầu xuống giường, đôi mắt như dại đi.
Cuộc đối thoại đó mãi sau này khi chiến tranh kết thúc, Quả thất thểu đi xin việc và bất ngờ gặp được Đắc mới nghe anh kể lại, chứ vào thời điểm đó, thời điểm mà tất cả lính chủ lực rút lên tít tận rừng ngàn thì hắn, thằng em ngu ngơ của tui cùng với bốn chiến sĩ dưới quyền đã lột bỏ những bộ quân phục vải Tô Châu, quấn vào mình những bộ quần áo vải thô màu đen để trở thành quân du kích ấp Thuận Thành.
Thuận Thành và Thuận Mỹ là hai ấp mới do bọn Mỹ bốc dân từ dưới vùng biển lên lập ra, là nơi mà cánh quân của tiểu đoàn 14 mở đột phá khẩu để vào thành phố. Khi tiểu đoàn bị vây hãm trong khu trại huấn luyện của Nguỵ, lệnh trên cho chia nhỏ lực lượng ra thành nhiều mũi tìm chỗ nào yếu nhất của địch thì khoan vào để vượt ra ngoài vòng vây. Hướng rút quân là phía tây. Theo mệnh lệnh các mũi qua dược bên này sông sẽ tập kết ở khu vực khe Đá Bạc.Tiểu đội của Quả nằm trong đội hình đại đội Một của tiểu đoàn 14. Khi đại đội vượt ra đến gần sát bờ sông thì bất ngờ chạm mặt với bọn lính thủy đánh bộ. Đội hình đại đội một lần nữa lại bị xé toe tua ra thành nhiều mảnh. May cho tiểu đội của Quả là gặp được nhóm du kích cũng vừa bị đánh bật từ trong ấp ra. Theo hướng dẫn của những du kích bản địa, cả bọn chạy thục mạng lên hướng thượng nguồn. Đến một vùng đồi bát úp bọc lấy một khe ruộng nước, du kích đã dẫn tiểu đội của Quả chui vào một địa đạo được nguỵ trang kĩ lưỡng dưới những bụi tre gai. Lúc đầu họ định nấp tạm, chờ quân chủ lực đè bẹp được bọn Ngụy thì sẽ xông ra đánh phối hợp. Nhưng rồi chiến sự kéo dài ngày một bất lợi cho quân ta. Mặt trận đã điều thêm một sư đoàn vượt sông vào tăng viện. Cuộc chiến tại Thuận Thành từ thế tiến công chuyển qua phòng ngự tử thủ, cuối cùng là những cuộc mở đường máu phá vòng vây rút lui. Khi bộ đội chủ lực rút qua hết bên kia sông, bọn lính thuỷ đánh bộ Mỹ đổ quân chiếm lĩnh các điểm cao của các vùng đồi bên phía tây thì nhóm du kích hoàn toàn bất lực. Họ phân công nhau ban đêm mò ra khe ruộng, tìm đến những vạt đất khô có trồng khoai lang hoặc đậu phụng...Khoai và đậu đã thu hoạch hết từ trong năm, nhưng họ vẫn kiên trì cào bới tìm những củ sót lại. Cái đói cứ rệu rã từng ngày. Khi những cụm đổ quân của Mỹ nhảy cóc lên mấy ngọn núi phía tây bám theo hướng di chuyển của bộ đội, bỏ lại những khoảng trống phía sau lưng, du kích liền mò ra mấy khu đồi bọn Mỹ vừa rút đi tìm kiếm những thứ chúng vứt lại. Một tuần rồi hai tuần trôi qua, tiểu đội lính chủ lực mặc nhiên trở thành du kích Thuận Thành.Với Quả không hiểu đó là chuyện may hay rủi. Nhưng với một nhân vật khác thì thật sự là vận may, cứ như thể có bàn tay Phật tổ sắp đặt. Nếu không hắn đã trở thành một xác chết rồi. Người hưởng may đó chính là thằng Bang.
Quả đã gặp Bang cùng với một người đàn bà khác khi họ đang liều lạc bò lổm ngổm trên một mỏm đồi tìm kiếm vỏ hộp. Một cậu chiến sĩ của Quả hoảng quá suýt nữa đã bóp cò súng. May mà có cô trung đội trưởng du kích bên cạnh kịp kéo dặc cánh tay anh ta lại. Trong ánh trăng mờ đục cuối tháng, Quả đã nhận ra người quen.
Đoàn múa hát của Bang chưa đến được gần bờ sông đã bị vây ngay trong một làng nhỏ nơi giáp ranh cách sông chừng ba cây số.. Các diễn viên cũng đã chiến đấu chống trả rất ngoan cường. Tám anh chị em hy sinh, bốn người khác bị thương. Cũng may mà có lực lượng của một đơn vị bộ đội chi viện đánh ào vào nên đã đưa được tử sĩ, thương binh và mấy người còn lại thoát ra ngoài. Chỉ duy nhất một người mất tích. Đó chính là Phó đoàn Trần Bang- xin nhắc lại tên hắn là Báng- Không ai biết hắn chạy thoát hay bị bắt hay đã bỏ xác ở nơi nào đó. Không ai biết nhưng vẫn le lói hy vọng vì con người này nổi tiếng lanh lợi, tháo vát, cả đoàn không ai so kịp.
Quả hỏi hắn vì sao lại để lạc mất đơn vị. Bang nhai ngấu nghiến hai củ khoai sống vào bụng, ợ một tiếng như muốn nôn trào ra, rồi chỉ tay vào người đàn bà, nói. Đây là chị Hậu, người ân nhân của tui ở bên ấp Thuận Mỹ. Lúc ấy tui đánh nhau với cả một đại đội Ngụy, nó vây tứ phía nên đành chạy liều vào sâu phía trong. Vì sao tui chạy vào mà không chạy ra? Vì tui tin bà con mình trước sau vẫn trung thành với Cách mạng. Rồi khi bọn Mỹ tăng viện, tui đã nhào lộn từ ngõ nhà này qua vườn nhà khác, vừa diệt địch vừa cố tìm cách phá vòng vây bắt liên lạc với đoàn. Nói thật lòng lúc đó cái sự sống chết của tui chẳng còn quan trọng nữa. Điều tui lo lắng nhất là sự an nguy của anh chị em trong đoàn. Tui là thằng lãnh đạo, chỉ huy, không có tui, ai sẽ lo được cho anh chị em.
Kể đến đó, hai mắt Bang chớp chớp. Hình như anh ta khóc. Mấy cô du kích cũng sụt sùi theo. Chỉ có Quả là bán tín bán nghi vì đã quá hiểu con người Báng. Tuy nhiên vào hoàn cảnh lúc này, Quả đành nín lặng cho qua.
Đăng ngày 30/11/2009