Tác giả: Xuân Đức
Chương năm
Những bước ngoặt không thuộc về lịch sử
Một ông nhà văn hay nhà thơ gì đó có nói một câu đại ý thế này, ai đi qua một ngày trong chiến tranh thì bằng sống một năm giữa thời bình. Hắn, thằng Quả em tui kể từ ngày nhập ngũ đến năm 1973 là chẵn năm năm. Cứ lấy tròn cũng đã thừa ngàn bảy trăm ngày. Và theo như cái chân lí mà ông nhà văn nọ đã đúc kết thì hắn coi như đã sống trên ngàn tuổi. Trên ngàn năm sống, hắn khôn lên được bao nhiêu? Nói ra lại sợ chúng bạn chê cười, tui thấy hắn chẳng hơn trước chút nào..Sở dĩ tui lấy cái mốc năm 1973 là có cái cớ rõ ràng để nói cái thua thiệt vì sự ngây ngô của hắn.
Sau những năm bi thảm vì sự phản kích của Mỹ dạo Mậu Thân, đến đầu năm 1972 thế công của bộ đội ta đã được xác lập lại trên tất cả các mặt trận. Ở mặt trận BZ, cuộc đổ bộ trở lại đồng bằng của các cánh quân chủ lực bắt đầu mở ra. Chỉ sau một tháng cả một vùng ngoại biên rộng lớn của thành phố trong đó có Thuận Mỹ, Thuận Thành đã được giải phóng và trở thành bàn đạp cho các sư đoàn chủ lực tập kết để tiến về giải phóng các đô thị lớn. Những ngày này ở bến sông Thuận Thành thật sự náo nhiệt. Rất nhiều cánh quân gặp nhau, theo đó các vị chỉ huy, các tốp lính cũ từng chiếm đánh, từng mắc kẹt, từng phá vòng vây hồi chiến dịch Mậu Thân gặp lại nhau. Mừng mừng, tủi tủi. Cơ man nào là chuyện, vui có, buồn cũng nhiều, chuyện thật, chuyện bịa tranh nhau kể chồng chéo lên nhau thật khó ai có đủ tĩnh tâm để phân biệt. Ấy vậy mà hắn, thằng Quả em tui lúc nào cũng ngồi ngây mặt ra, hai mắt cứ mở thao láo, cái mồm cứ cười cười như kẻ dở hơi. Nhiều lúc sốt ruột quá, tui nổi cáu nói với nó. Sao mi cứ như thằng ngố thế, nghĩ ra chuyện mà kể với người ta chớ. Hắn nhăn nhó, tui có chi mà kể. Họ đánh nam, đánh bắc, tui có đánh được trận nào ra hồn đâu, nói ra xấu hổ chết đi được. Trời ơi là trời! Tui thấy ngao ngán cho hắn. Tui nói, trên đời không ai ngu như mi. Hắn cáu lại, ngu là ngu thế nào? Tui nói, mi hãy chịu khó gần thằng Bang , nghe hắn bốc phét thì sẽ tự thấy cái ngu của mi.
Thằng Bang lúc này đã được đề bạt phụ trách du kích thôn Thuận Thành thay cho cậu Thôn đội trưởng được điều lên an ninh xã. Ngay chuyện ấy cũng đã chứng tỏ hắn khôn hơn thằng Quả . Đáng ra cái chức ấy phải thuộc Quả chứ. Nhưng thằng em tui trước sau cứ khư khư ôm lấy cái tiểu đội chủ lực của mình, hắn nói sớm muộn cũng phải tìm về đơn vị. Bang đã có một lần khuyên hắn, đâu cũng là lính cách mạng, đâu mà chẳng là Đảng, là sự nghiệp giải phóng dân tộc, cần chi phải quay lại bộ đội. Thằng Quả lí lẽ rất đơn giản, mình thuộc tổ chức nào thì phải theo tổ chức đó, muốn chuyển cũng phải xin phép đã chứ. Thằng Bang cười khẩy, ờ nhỉ, mày là thằng lính cần vụ kiêm liên lạc, tính chấp hành mệnh lệnh cấp trên nó ăn vào máu tủy mày rồi.
Từ hôm đó thằng Bang gần như không giao du với Quả nữa. Những ngày các binh đoàn chủ lực thay nhau xuất hiện ở Thuận Thành, Bang có mặt ở mọi nơi, góp chuyện vào bất cứ cuộc hội ngộ nào. Chỉ một thời gian ngắn, toàn bộ cục diện chiến trường dạo Mậu Thân ở phía tây-nam thành phố, những diễn biến phức tạp nhất của từng cánh quân, từng mũi đột kích, Bang đều thuộc làu làu. Không chỉ thông thuộc các diễn biến mà thằng Báng đã tự biến mình thành nhân chứng, rồi cao hơn cả nhân chứng hắn bỗng trở nên nhân vật anh hùng lẫm liệt, là hạt gạo duy nhất sót lại trên sàng sau những cơn ba đào bình địa.
Ví dụ thế này, một anh tiểu đoàn trưởng kể, bọn mình vừa xáp tới bờ sông thì bị lính Mỹ phục kích bắn như xé vải trên đầu. Nhưng lệnh trên không được dừng lại, cứ phải vượt sông. Thương mấy cậu du kích quá. Ba đứa, hai gái một trai chèo con đò đưa bọn mình qua. Mới ra đến giữa sông thì trúng đạn pháo. Hai cô gái đều hy sinh. Chỉ còn cậu con trai người gầy guộc, thế mà vẫn dìu hết bọn mình qua bên kia. Bang hỏi lại, rứa bữa nay những anh cùng vượt sông với thủ trưởng hôm đó đâu cả. Tiểu đoàn trưởng thở dài. Có tám thằng thì hy sinh mất năm. Mình ở lại đơn vị cũ còn cậu Toàn nay lên to rồi, trung đoàn trưởng trung đoàn 36. Còn thằng Sinh bị thương chuyển ra Bắc, sau hai năm hình như được đi học Liên Xô.
Người tiểu đoàn trưởng ấy kể xong câu chuyện đó thì qua sông. Hai ngày sau bất ngờ trung đoàn 36 xuất hiện. Lại ồn ào, náo nức những đoạn hồi kí cảm động tuôn ra. Người Trung đoàn trưởng vục tay xuống dòng sông vốc lên ngụm nước uống một cách đầy cảm động. Bang tiến gần đến đứng đằng sau. giọng run run:
- Có phải thủ trưởng Toàn đó không?
Trung đoàn trưởng quay lại, mắt hiu hiu:
- Mình đây...Cậu là?..
- Trời ơi, thủ trưởng quên em rồi sao? Vậy thủ trưởng có nhớ chuyến đò vượt sông đêm 30 tết Mậu Thân không ?
Cả tấm thân của Trung đoàn trưởng chồm tới:
- Trời ơi, chẳng lẽ cậu là..
- Em đây. Em là đứa đã cùng hai cô du kích đưa tổ của thủ trưởng qua sông. Rứa các anh Sinh, anh Vị , mấy anh gì đó nữa bữa ni có còn không? Họ đâu cả rồi thủ trưởng.
Trung đoàn trưởng Toàn bế xốc Bang lên quay một vòng rồi hét oang oang:
- Nhận ra rồi..Người anh hùng áo đen đây. Bọn mình có chết cũng không thể quên được cậu. Thằng Vị hiện làm tiểu đoàn trưởng của một đơn vị khác. Thằng Sinh bị thương ra bắc nay hình như được đi học nước ngoài. Còn cậu, nay làm chi?
- Dạ, em vẫn làm du kích ở đây.
- Chức vụ gì?
- Dạ..em phụ trách du kích thôn.
Trung đoàn trưởng khoát tay:
- Thiệt thòi. Không thể được. Rồi mình sẽ nói lại với huyện, huyện sẽ nói với xã...
Cứ thế, cùng một cách đó, trong vòng chưa tới ba tháng Bang đã trở thành thân quen với hầu hết cán bộ quân đội mà trước đây từng tham chiến trên trận địa Thuận Thành. Không chỉ thân quen mà hắn còn trở thành ân nhân, thành tấm gương sáng chói xả thân vì đồng đội. Từ chuyện cõng thương binh, phá vòng vây bắt liên lạc, rồi dẫn bộ phận trinh sát tiền nhập vào Sở chỉ huy Mỹ, lại chôn cất đồng đội hy sinh...vân vân và vân vân..Những người cán bộ cũ giờ đang toả đi nhiều cánh quân, ai cũng nhớ đến Bang, ai cũng khẳng định đấy là một nhân vật hiếm hoi còn sót lại trên địa bàn mà nay họ mới được gặp lại...Tiếng đồn lên tận huyện, tận tỉnh.
Rất nhiều lần Quả muốn lục vấn hắn, muốn xì ra một câu cho hắn bẽ mặt nhưng không hiểu sao thằng em tui không cách chi mở mồm ra được. Rồi như thể có ma ám, chính Quả cũng dần cảm thấy những chuyện thằng Bang nói hình như cũng đúng. Một lần có cậu nhà báo Mặt trận về phỏng vấn, Bang đã kể lại rành rọt diễn biến chiến dịch, từ đêm hăm chín tết, qua ngày ba mươi rồi liền liền sau đó nữa. Mũi phía đông ai chỉ huy, mũi phía tây là lực lượng nào, chiến sự từng ngày tiến thoái ra sao...Bang kể tỉ mỉ từng chi tiết bộ đội mình hy sinh đến mức cậu nhà báo không cầm được nước mắt. Quả ngồi bên cạnh cũng thấy nao lòng.
Khi thằng Bang được đề bạt lên làm xã đội phó cũng là lúc Quả bắt liên lạc được với đơn vị cũ. Lúc này trung đoàn của ông Đắc đã vào sâu phía trung Trung bộ. Quả nhận ra mấy cậu lính ở đại đội cũ. Nhưng tốp lính này không phải đang trên đường đi vào mà lại đưa thương binh trở ra. Dù sao thì gặp được cũng là mừng. Mấy đứa bạn cũ khuyên Quả nên dẫn anh em trở ra theo bọn nó với lí lẽ, bây giờ mò vào trong kia rất khó để tìm được trung đoàn. Tốt nhất là cứ trở ra cứ của Mặt trận, thế nào cũng có những đợt bổ sung quân, lúc đó nhập theo đoàn tân binh để vào là ăn chắc.
Quả thấy phương án ấy là đúng nên nghe theo. Thực lòng trong bụng hắn nghĩ gì tui biết rõ hơn ai hết. Hắn muốn trở ra cứ cũ của Mặt trận là mong manh hy vọng gặp lại Thõn.
Trước khi đi thằng Quả muối mặt xin Bang mấy chữ xác nhận. Bang khẽ nhếch mép cười nhẹ một cái rồi lấy giấy bút viết ngay.
"Xác nhận của xã..Tất cả tiểu đội của đồng chí Quả trong thời gian phối thuộc với chúng tôi đều hoàn thành mọi nhiệm vụ, được Đảng tin, dân yêu, quân thù khiếp sợ. Thay mặt lãnh đạo xã. Xã đội phó Hồng Bàng...kí tên."
Quả đọc lướt xong mấy dòng chữ trên mảnh giấy, bất chợt ngẩng lên nhìn Bang ngơ ngác:
- Hồng Bàng...là ông nào?
Nhưng Bang đã quay đi, cái dáng đi vẫn như xưa, lúc nào cũng bổ nhào về phía trước. Quả đọc lại một lần nữa rồi gấp bỏ vào túi cẩn thận như cất giữ một mệnh lệnh tác chiến của cấp trên. Không hiểu sao thằng em tui lại nảy ra ý nghĩ thán phục Bang, cái thằng ba bớp này hoá ra viết lách cũng văn vẻ ra phết mà lại có khẩu khí lãnh đạo. Đúng là nó có tài thật.
*
Mọi lí lẽ của đám lính cáng thương cuối cùng trật lấc hết. Chẳng còn cái khu Mặt trận BZ ở vùng rừng ngày xưa nữa. May mà người ta đã đặt một trạm thu dung ngay trên đường giao liên để đón lõng những tốp lính ở trong ra, nếu không thì cả bọn đã hoài công tốn sức vượt rừng thêm vài ngày nữa để rồi hụt hững giữa một vùng lèn đá hoang vu.
Trạm thu dung đón thương binh chuyển về các quân y viện ở đồng bằng để điều trị. Còn những người lính chuyển thương thì theo như cách nói của Trưởng trạm là tuỳ nghi di tản, không thuộc trách nhiệm của chúng tôi. Quả nhăn nhó :
- Nhưng em muốn tìm đơn vị thì làm sao?
Trưởng trạm ngẫm nghĩ một lúc rồi à lên một tiếng:
- Có cách rồi, tớ giao cho các cậu coi giữ kho lương thực. Đó là nhiệm vụ tạm thời. Hàng chuyển đến thì tiếp nhận. Có quân ra nhận thì xuất. Bao giờ gặp được đúng đơn vị cũ thì báo lại với tớ một tiếng rồi theo họ mà vào. Yên tâm chưa?
Cũng chẳng còn cách nào khác, Quả đành dẫn bốn anh em trong tiểu đội về kho lương. Đấy là một cái hang đá vôi rộng nhưng nông nằm cách trục đường chính khoảng ba cây số. Lối dẫn vào là đoạn đường rừng mới khai phá sâu hoắm vết bánh xe.
Cứ năm ngày thì có một vài xe dồn hàng đến. Nhưng có khi phải chờ hàng tuần mới có một đơn vị nhận hàng. Gặp đơn vị nào Quả cũng hỏi thăm tiểu đoàn 14, trung đoàn 6. Nhưng không một ai biết. Cuộc sống nhàn rỗi đến mức ngán ngẩm. Đã vài ba tháng trôi qua vẫn không hề có chút tin tức gì. Cho đến một hôm có một trung đội hậu cần đi trên hai xe tải đến nhận gạo, Quả lại hỏi thì người Trung đội trưởng cũng trạc tuổi với Quả đã nghĩ ra:
- Đồng chí nói tiểu đoàn 14 trung đoàn 6, có phải thuộc sư đoàn Hồng Lĩnh của bố Năm Hùng không?
Quả mừng cuống lên:
- Đúng đúng...Hồi Mậu Thân bố Năm Hùng mới chỉ là Trung đoàn trưởng. Anh cũng biết sao?
- Thì tớ trước đây là lính thông tin của sư đoàn mà.
- Ôi, rứa là gặp rồi, mừng quá, em cứ chờ và hỏi thăm mãi nhưng chẳng ai biết cả. Lần này anh cho bọn em bám thắt lưng vào với nghe.
Cậu Trung đội trưởng nhíu mày:
- Vào đâu?
- Thì vào lại đơn vị cũ. Bọn em ở đây cốt để tìm cách bắt liên lạc với đơn vị cũ mà..
Trung đội trưởng khoát tay:
- Nó không còn nữa rồi.
- Ai?
- Sư đoàn Hồng Lĩnh.
Quả chồm lên:
- Tại sao ? Bị đánh mất phiên hiệu à?
Người Trung đội trưởng chậm chạp ngồi lên một bao gạo, quấn điếu thuốc rê to bằng ngón tay út, châm lửa rít một hơi dài rồi kể thong thả.
- Phiên hiệu thì không mất, cái tên Hồng Lĩnh vẫn còn nhưng không phải là đơn vị cũ.
- Thế nghĩa là sao?
- Việc của thượng cấp mà. Sau chiến dịch xuân bảy ba giải phóng mấy tỉnh bắc Trung bộ, trên đã tách nhập loạn xị cả lên. Mấy đơn vị dồn lại, mấy "thằng" thành lập mới. Cái Sư Hồng Lĩnh bây giờ hoàn toàn lính mới từ Thanh Hoá Nghệ Tĩnh nhập ngũ vào. Cụ Năm Hùng bữa ni đã làm Phó Tư lệnh Quân khu. Bọn mình được điều về Sư 324...
- Rứa...anh có biết thủ trưởng Đắc không?
- Biết. Hồi trước làm thủ trưởng trung đoàn 6.
- Đúng rồi. Trước đó nữa là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 14.
- Bọ ấy chuyển qua dân sự rồi, hình như là Bí thư cái huyện gì đó mới giải phóng...
Gạo đã chất đầy hai xe. Máy rú ầm ĩ cả khu rừng. Hai chiếc Giải phóng chồm lên bò ra khỏi khu vực kho. Người Trung đội trưởng dơ tay cao vẫy vẫy, cố gào to hơn tiếng xe:
- Tùy nghi di tản đi, đừng chờ nữa.
Đêm hôm đó và suốt mấy ngày sau nữa, cả bọn ỉu xìu không nuốt được cơm. Cuối cùng thì cũng phải đi đến quyết định. Mấy chiến sĩ quyết định bỏ về quê. Quả không ngăn cản họ nhưng lại không về theo. Hắn quay ra Trạm thu dung xin với người Trạm trưởng được ở lại.
*
Trạm thu dung thì cũng như cái kho hàng, nó chỉ khác có hai điểm. Ở đây không tiếp nhận hàng mà là nhận người và không phải chuyển vào mà chuyển ra. Người ở phía trong ra thì không phải lúc nào cũng có. Qua năm bảy tư lại càng thưa, có khi ba bốn tháng không có đoàn thương binh nào. Chiến sự đã chuyển sâu vào trong xa. Tin tức dội về tưng bừng từng tuần một. Quân ta cứ đà giải phóng hết tỉnh nọ lại đến vùng kia. Và như vậy chắc hẳn đã có thêm nhiều Trạm thu dung nữa được đặt ở phía trong. Cái trạm này đã bắt đầu bị lãng quên.
- Anh ơi, nếu như bỏ cái trạm này thì..bọn mình sẽ đi đâu? Có một lần Quả hỏi người Trạm trưởng như vậy. Anh ta trả lời tỉnh khô:
- Tuỳ nghi di tản thôi..
Trạm trưởng tên là Mùi, người Ninh Bình rất hay hát và đàn ghi-ta cũng vào loại có cỡ. Hồi mới nhập ngũ anh là nhạc công của đội Tuyên văn sư đoàn. Trạm cũng có một cây ghi-ta nhưng đứt mất hai giây. Đứt vài giây cũng chẳng sao. Cứ đêm xuống là Mùi kẹp ghi ta vào đùi, tay trái bấm chặt lên mấy nốt của cần đàn, mấy ngón tay phải quẹt quẹt lên bộ giây, hai mắt lim dim, cái giọng hơi bị rè nhưng vẫn còn mùi mẫn. Nếu mai anh không về, thì em đừng giận cũng đừng khóc nghe em..
Quả rất thích nghe đàn nhưng lại không chịu nổi cái bài hát đó, nghe nó thê thảm làm sao ấy. Nhưng có vẻ như Trạm trưởng biết rất ít bài hát. Đêm này qua đêm khác, cái điệp khúc đó lại nỉ non vang lên, nghe mãi cũng thành quen, không có nó bỗng như thấy thiếu mất một thứ âm thanh thân thiết của rừng ngàn, âm thanh của những loại côn trùng sống âm thầm dưới lớp lá mục. Rồi Quả đã nhập tâm nó từ lúc nào không hay. Và điều lạ lùng là những lúc lủi thủi một mình tìm nấm hay kiếm rau tàu bay dọc bờ suối, hắn lại khe khẽ một mình cái lời ca não nề ấy..
Đúng là người ta đã bỏ quên cái Trạm thu dung này. Tuy nhiên, cả Quả lẫn người Trạm trưởng và ba nhân viên nữa không ai tuỳ nghi di tản cả. Họ vẫn vui vẻ bám trụ, vẫn ngày ngày hái nấm, rau tàu bay, vẫn đêm đêm nỉ non khúc ca côn trùng. Cho đến ngày trong chiếc đài bán dẫn hiệu Xiêng-Mao bỗng vang lên tiếng reo hò như động biển: Giải phóng Sài Gòn, Giải phóng Miền Nam, họ cũng nhảy cững lên la hét vang rừng để rồi sau đó cùng ngồi thừ ra buồn da diết. Giờ thì phải ra về thật rồi, chia tay thật rồi. Nhưng về đâu? Cả bọn chẳng ai có sáng kiến gì hay, nghĩ ngợi suốt một ngày cuối cùng lại thốt lên điệp ngữ cũ: tuỳ nghi di tản !
Chia tay! Dù rất bùi ngùi lưu luyến nhưng Quả vẫn không quên nhờ người Trạm trưởng viết cho mấy chữ
Trạm trưởng gật đầu nhanh rồi lấy giấy bút kê lên thùng lương khô. Bỗng anh quay qua hỏi :
- Cậu tên Quả nhưng họ gì?
- Em họ Tháí.
- Đồng chí Thái Quả. Rồi. Cấp bậc, chức vụ?
- Em...chẳng biết cấp bậc gì cả...Em chỉ làm Tiểu đội trưởng..
Trạm trưởng nhíu mày:
- Sao lại thế?...Làm Tiểu đội trưởng bao lâu rồi?
- Dạ..từ trước tết sáu tám..
- Tham gia Mậu Thân hả?
- Dạ.
- Trời đất ơi, bảy năm rồi, sao không được đề bạt? Có kỉ luật gì không?
- Dạ không. Nhưng tiểu đội em bị kẹt lại, không về được đơn vị, em phải bám địa bàn hoạt động cùng du kích Thuận Thành. Đây đây...giấy xác nhận của Xã đội đây..
Quả run run moi tờ giấy có chữ kí Hồng Bàng ra trao cho Trạm trưởng mà trong lòng lo sợ đến thắt ruột. Cả một cuộc đời thiệt thà, tâm Phật mà khẩu cũng Phật, chưa bao giờ nói dối ai dù chỉ nửa câu, nay phải chìa ra mảnh giấy mà trong đó lại ghi những dòng tuy không có gì sai trái nhưng lại do một kẻ chẳng ra gì kí tên, Quả cứ thấy mình như một thằng ăn cắp. Hắn sợ nhất là Trạm trưởng biết rõ không làm gì có cái tên Hồng Bàng. Trạm trưởng đọc mấy dòng trên giấy, ngẩng lên ngắm nghía con người ngồi trước mặt một lúc rồi khẽ lắc đầu. Quả toát hết mồ hôi.
- Thiệt thòi...thiệt thòi vô cùng.
Hai tiếng vô cùng...của Trạm trưởng ngân lên như thể đang lấy đà để cất giọng hát khúc nhạc vàng rồi bất ngờ cúi nhanh xuống hí hoáy viết:
" Chứng nhận đồng chí Thiếu uý Thái Quả luôn luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ thiêng liêng mà Đảng và Tổ quốc giao phó."
Quả kêu to lên: Chết chết, anh nhầm rồi, em đâu phải thiếu uý?
Trạm trưởng đóng cộp con dấu Trạm thu dung lên chữ kí của mình rồi gấp tờ giấy lại dúi vào tay Quả, giọng tỉnh khô.
- Cậu là thiếu uý.
- Nhưng...có ai phong đâu?
- Tớ phong. Thiếu uý cũng đã là quá thiệt thòi cho cậu rồi. Nhưng thôi, làm cách mạng có thiệt chút ít cũng được, rõ chưa?
- Dạ..nhưng anh phong cho em..có được không?
Trạm trưởng quắc mắt lên:
- Sao lại không? Thiếu tá không phong được hàm thiếu úy sao?
Quả reo to:
- Ối, hoá ra anh..à, thủ trưởng đã là thiếu tá rồi ư?
- Cứ cho là thế. Sao, cậu thấy tớ không xứng à? Thôi, khẩn trương tuỳ nghi di tản!
Nói rồi Trạm trưởng đứng lên nhanh nhẹn bước đi những bước dài, mặt ngửa lên trời cười ha ha đầy vẻ khoái chí.
Quả đứng ngây ra. Cứ cho là thế nghĩa là thế nào? Đầu óc hắn vốn đã đần lại càng đần thêm. Hắn không thể hiểu được cái hàm thiếu tá của ông ta là thực hay giả.
Nghe tôi kể lại đến đoạn này thằng bạn làm báo của tôi có vẻ không chịu đựng được nữa. Hắn chiếu thẳng hai ánh mắt hiếu thắng vào mắt tôi, hỏi như thách đố: - Mày định bê nguyên xi như thế này vào sách à? Thì sao - Tôi cự lại, đây là người trong cuộc kể chứ có phải tao kể đâu. Hắn trìa dài chiếc môi tím lịm khói thuốc ra rồi xì mạnh một cái: - Đúng là nhà văn nói láo. Láo toét. Mày muốn nên người thì tao bảo thật, nên bỏ cái nghề bốc phét ấy đi. Tôi nheo mắt, cười giễu lại hắn. Thế theo mày, làm cái nghề của mày là không bốc phét ư? Tất nhiên - Hắn trợn tròn mắt lên, nghề báo quan trọng số một là tính trung thực. Mà trung thực là gì, là chuyện gì cũng phải có logic của nó, là...đại loại những cái như cậu kể là vứt.
Tất nhiên sau đó hắn lại bảo tôi kể tiếp. Dù sao hai đứa tôi vẫn là bạn cho nên giận thì giận mà thương vẫn thương. Hắn nói với tôi vậy. Nhưng tôi biết rõ, hắn đang thích nghe.
Đăng ngày 04/12/2009
Ý kiến về bài viết | ||||||||||||||
|