Saturday, October 3, 2015

Kẻ song sinh - Chương 6


Tác giả: Xuân Đức

Chương sáu 

Phật ở tại tâm và con đường đi lấy kinh 


Đã đến lúc thằng Quả em tui đủ khôn lớn để tự kể về bản thân, không cần tui đỡ lời nữa.

Thái Quả kể.
Năm 1976. Tôi chuyển ngành được làm Phó Văn phòng Uỷ ban nhân dân huyện. Thõn thì chuyển về công tác tại Phòng Văn hoá. Lần này tôi không cậy nhờ bất cứ ai, không có bất kì ô dù nào cho dù là một chiếc ô rách. Cả cơ quan Ủy ban huyện này, hay nói chính xác hơn là cả cái guồng máy khổng lồ của Nhà nước huyện này không có lấy một mống nào tạm coi có chút máu mặt mà là người thôn Bàu thuỷ đọng, chứ đừng nói là có quan hệ thân thích ruột rà với tôi. Chú Tấn với tôi coi như không còn nữa.

Mặc dầu đầu năm 1976 hắn đã biết tin chính thức là chú Tấn chưa hy sinh và đang nằm an dưỡng tại khu điều dưỡng thương binh nặng ngoài Quân khu. Tin là do vợ hắn nói, còn ai nói với cô ấy thì cả hắn và tui đều không biết nhưng hắn nghi chính chú Tấn đã gửi thư riêng cho Thõn. Đã thế Thõn lại còn nằng nặc đòi đi thăm. Tui bảo hắn mặc kệ. Đó cũng là một nguyên nhân cộng thêm vào để đưa cuộc sống vợ chồng hắn vốn đã nguội lạnh nay càng thêm giá ngắt.

Coi như cây đa duy nhất đầu làng Cau đã đổ. Xung quanh cái gốc cổ thụ vĩ đại ấy vẫn chưa kịp nhú lên một núm chồi non nào, dĩ nhiên là ngoại trừ tôi và Thõn. Cả hai chúng tôi, sau tất cả mọi điều, giờ đây là một cặp vợ chồng son, một cặp người như từ dưới đất chui lên mọc ngay vào quãng đất trống, xung quanh tuyệt nhiên không mắc mớ vào bất kì thứ bụi rậm hoặc giây dợ nào. Tóm lại không ai biết gì về chúng tôi ngoại trừ cái Phòng Tổ chức cán bộ huyện. Cả tôi và Thõn đã quyết tâm cắt bỏ lại toàn bộ quá khứ, cho dù đó là hình ảnh hào hùng của đoàn quân xung trận dưới sự chỉ huy của vị Tham mưu trưởng oai phong, hay những khúc hát lãng mạn ngây ngất chốn rừng xanh, cả những kỉ niệm bi thương sau cái chiến dịch long trời lở đất ấy...Và cả giọt máu xót xa của Thõn nữa...Riêng chuyện ấy thực lòng tôi không biết. Việc đó hoàn toàn do Thõn tự quyết định. Sau ngày giải phóng tôi vừa rời Trạm thu dung về đến làng Cau thì đã thấy vợ tôi lù lù đó rồi. Tôi chưa kịp hỏi Thõn đã sụt sùi: Em bị trượt chân ngã dưới suối...Tôi hơi sững ra một tí rồi khẽ thở dài. Thì còn biết làm chi nữa. Chuyện đơn giản thế thôi. Ngày đó ngay cả những tin khủng khiếp kiểu như có quả bom rót trúng vào căn hầm chữ A trong làng, trong căn hầm có đến bốn người đang nằm ngủ...nghe xong thì xuýt xoa vài cái, rồi cũng thôi. Tất cả đều đơn giản như vậy.

Hắn nói vậy, thực ra chính hắn cũng không hiểu được lòng dạ hắn lúc đó thế nào. Chẳng lẽ lại vui ư? Nhưng không lẽ lại đau khổ? Ngay sau lễ cưới hắn đã biết rõ sự thể. Một cảm giác cay đắng ứa lên nghẹn cứng nơi cổ họng. Nhưng rồi hắn vẫn ngậm thinh, vẫn gắng gượng nhếch cái mép lên cười. Hắn không muốn Thõn nhận ra hắn đã biết. Đó cũng chính là hậu quả cách dạy dỗ của cái người mà hai đứa tui vẫn gọi bằng bố. Hắn đúng là ngố. Bởi ngố nên hắn tưởng mọi người đều ngố như hắn. Hắn không biết rằng, vợ hắn thông minh hơn nhiều. Thõn đã dễ dàng nhận ra những dấu hiệu bất thường của chồng. Cô biết việc không thể giả vờ được nữa. Nhưng tại sao anh ấy vẫn giả vờ? Con người như vậy sâu sắc quá, nguy hiểm quá. Thõn chợt thấy ớn lạnh. Nếu cái thai vẫn ra đời một cách thản nhiên thì cuộc sống của hai người rồi sẽ ra sao? Thõn định bụng sau mấy ngày "trăng mật" sẽ phải thẳng thắn với nhau một lần rồi muốn ra sao thì ra. Nhưng chưa kịp hở lời thì Quả phải đi ngay. Chiến dịch đã mở. Nhiệm vụ là trên hết. Cái thời đó là vậy. Ngoại trừ lập trường chính trị và ý chí chiến đấu ra, mọi chuyện khác đều đơn giản, không đáng kể.
Việc tôi được tuyển dụng vào Văn phòng Ủy ban huyện cũng rất đơn giản. Sống ở làng chưa được một năm tôi đã thấy ớn tận cổ. Cái bàu nước ngày xưa sao mà dễ thương thế, sao mà mơ mộng thế, còn chừ cứ mỗi lần liếc mắt nhìn thấy nó là rùng mình. Hơn nữa tiếng là đi bộ đội, là rèn luyện trong ngọn lửa chiến tranh, nhưng đã bốn năm nay tôi gần như ăn không ngồi rồi, cái tay cái chân đã không còn muốn cử động. Thõn càng tệ hơn. Chỉ cần cầm cuốc xớt xớt vài nhát là bàn tay rốp phồng lên. Trong lúc thanh niên làng nhảy ào ào xuống bàu vớt rong thì Thõn chỉ đứng khom khom trên bờ cầm nhánh cây khều khều. Mấy bà cô trong làng bắt đầu xầm xì chỉ trỏ..
- Không thể sống thế này được anh ơi - Thõn thút thít với tôi- Em đã dài cổ chờ anh về. Chừ anh về rồi không lẽ cứ cắm đầu xuống cái bàu nước ứ này đến hết đời?
Tôi uể oải hỏi lại, em bảo chừ biết làm việc chi? Thõn vung tay, chi cũng được, cùng lắm thì đi buôn.
A đúng rồi, đi buôn, sao mình không nghĩ ra nhỉ.. Tôi đã nhìn thấy thằng Chuỳ lính trong tiểu đội tôi đã tùy nghi di tản khi còn ở Trạm thu dung, nay đang chạy hàng từ trong Nam ra bán ở ngoài Vinh và Hà Nội. Hỏi hắn có khá không, hắn nói gọn lỏn, thiên hạ sống được thì mình sống được. Nhưng buôn thì phải có vốn. Tôi hỏi vợ vốn đâu, Thõn nói em có một ít. Làm sao ả ta lại có vốn nhỉ? Tôi rất muốn hỏi nhưng lại ngại, cứ gật gù cho qua chuyện.
May mà hắn không hỏi, nếu cứ gặng hỏi thì câu chuyện đã xoay qua chiều khác rồi. Bởi có một việc mà không bao giờ con Thõn nói với hắn là trong cái năm đầu khi hắn chưa về quê, Thõn đã lần ra địa chỉ đoàn thương binh nặng ở miền tây Nghệ An. Thõn đã lần ra tận đó để gặp chú Tấn.
Tôi theo Thõn vào thành phố mua vải láng, khung xe đạp và mỳ chính rồi lên xe đò ra Vinh. Thực lòng tôi không thể biết vốn liếng của Thõn có bao nhiêu, mua hàng với giá bao nhiêu, khi ra bắc bán giá thế nào. Mỗi chuyến lời lãi được mấy đồng. Tôi không biết gì hết. Mang tiếng là đi buôn nhưng thực chất tôi chỉ như là một vệ sĩ cho vợ. Mà cũng không đáng làm vệ sĩ bởi vì mỗi lần Thõn mua hàng tôi đều tránh xa. Tôi không thể chịu đựng nổi cái cung cách mặc cả eo xèo đanh đá của Thõn. Nói chính xác nhất nhiệm vụ của tôi là làm thằng phu khuân vác.
Nhưng cuối cùng tôi lại là người lãi nhất. Lãi cho tôi và lãi cả cho Thõn.
Đấy là việc tôi bất ngờ gặp được anh Đắc ngay giữa chợ. Tôi mừng cuống lên. Cũng chẳng biết vì sao lại mừng rỡ đến như vậy. Có lẽ chỉ đơn giản là tình nghĩa chiến trường, thủ trưởng và lính quá lâu ngày mới lại được nhìn thấy nhau. Sau này thì mới thấy cái mừng của tôi quả không uổng.
May mắn đầu tiên là hai vợ chồng tôi hôm đó đã được chiêu đãi hai cốc chè hạt sen ngọt lịm. Rồi sau khi bô lô bao nhiêu khúc nhôi đoạn trường, anh Đắc đã gợi ý cho tôi cách thức về huyện xin việc. Tôi mừng đến run người khi anh hứa cứ làm đơn lên gặp Phòng Tổ chức huyện, anh sẽ gọi điện ra nói đỡ thêm cho. Tôi hỏi thủ trưởng hiện làm gì, anh nói làm Ủy viên thư kí Ủy Ban tỉnh. Tôi không hiểu cái chức Ủy viên thư kí là to hay nhỏ, nhưng nghe nói ở Ủy ban tỉnh là thấy vững dạ lắm rồi. Thế là hai vợ chồng tôi quay về làm đơn ngay trong đêm đó.
Tuy nhiên cần nói ngay là từ giờ phút đó về sau chẳng có cú điện thoại nào của anh Đắc ra huyện cả. Việc tôi được chấp nhận vào làm việc không hề có sự trợ giúp của ai.
Khi tôi làm đơn gửi Phòng Tổ chức cán bộ huyện cũng chỉ mong có một việc làm gì đó trong cái guồng máy khổng lồ kia, việc gì cũng được, ví dụ như gác cổng, thủ kho, chạy vật tư hay gì đó đại loại thế, vì tôi tự biết mình chẳng có bất cứ một thứ nghề ngỗng gì trong tay. Từ nhỏ tới nay chưa ai dạy tôi biết làm nghề gì ngoại trừ bố tôi dạy tu nhân tích đức và chú Tấn thì dạy lập trường quan điểm. Chỉ có hai thứ đó, tôi nghĩ ngoài cơ quan nhà nước ra chẳng ai thu nhận tôi cả.
Mới nhìn thấy lá đơn của tôi, cái ông Trưởng phòng Tổ chức cán bộ cứ mở tròn mắt ra như thể bắt được của rơi hoặc phát hiện dấu vết của một tên tội phạm đang bị truy nã. Hết nhìn vào lá đơn, ông ta lại ngó chiếu tướng vào mặt tôi. Tôi đâm hoảng, tự hỏi có phải mình đã viết thế nào đó phạm thượng chăng .
- Nì, cái đơn ni là do cậu tự viết hay nhờ ai viết giúp?
- Dạ...là em tự viết ạ.
- Phải nói cho trung thực, nếu không đồng chí phải chịu trách nhiệm đó.
- Dạ em xin thề...nói đúng sự thật ạ. - Tôi run bắn lên, cứ nghĩ mình đang đứng trước phiên toà chứ không phải trước ông Trưởng phòng Tổ chức.
Ông Trưởng phòng ngắm nghía tôi thêm một lúc nữa, đầu gật gật, với tay lấy cây bút và một tờ giấy trắng xỉa ra trước mặt tôi :
- Viết đi!
- Viết chi ạ?
- Tôi đọc, đồng chí viết. À, mà tên cậu là gì, Thái Quả hí? Thêm chữ Văn vào giữa, Thái Văn Quả..
Tôi vội kêu to :
- Không không, tôi không có tên lót đâu, chỉ Thái Quả thôi.
- Cái cậu này, ai bắt cậu phải có tên lót. Tớ chỉ ví dụ thôi. Viết đi, Thái Văn Quả, mà chữ Văn cũng phải viết hoa...
Tôi thật sự không hiểu chuyện gì đã xẩy ra, tuy nhiên không thể không chấp hành. Tôi chợt nhớ lại lời anh Đắc hôm ở chợ, xin việc vào biên chế nhà nước, cứ tưởng quyền hành ở mấy ông chánh phó Chủ tịch, nhưng chẳng phải đâu. Quyền sinh quyền sát là ở mấy cha tổ chức. Nó nói méo là méo, nói tròn là tròn. Tao bảo cho mày biết, gặp Chủ tịch mày có thể ngẩng cao cổ lên được, chứ xáp mặt với mấy thằng tổ chức thì cứ cúi gập đầu xuống đất may ra mới được việc. Anh Đắc đã truyền dạy một chân lí xanh rờn như vậy. Tôi cắm mặt, bặm môi viết nắn nót từng chữ. Chỉ có ba chữ thôi mà mồ hôi toát ra, ướt cả cổ áo. Ông Trưởng phòng giật ngay tờ giấy như thể đã vớ được tang chứng cho một vụ án, lật đật chạy đi, bỏ tôi ngồi trơ khấc một mình. Không hiểu sao tôi cứ cảm thấy sắp có tai hoạ gì đó giáng xuống đầu mình. Có lẽ phải đến vài chục phút, hay ít ra là tôi tự cảm thấy thời gian lê thê như thế, ông ta mới quay trở lại. Lần này ông cười tươi ngay từ ngoài cửa:
- Xong rồi, chúc mừng đồng chí . Đồng chí Chủ tịch đã tiếp nhận cậu vào Văn phòng Ủy ban..Mà có chức vụ xịn đó.
- Sao, tôi được công tác ngay ở Văn phòng Ủy ban?
- Phải, làm Phó Văn phòng
Hai tai tôi bỗng ù đặc lại, không biết có nên tin vào những gì vừa nghe được không. Nhưng ông Trưởng phòng Tổ chức đã cởi mở giải thích.
- Quan trọng nhất là chữ cậu quá đẹp. Hồi trước cậu học trường nào mà rèn chữ đẹp thế? Cả cái cơ quan này, mà không, tớ đã kiểm tra công chức cả huyện này không có ai viết cho ra hồn một chữ. Trong lúc Ủy ban một năm phải khen thưởng hàng trăm giấy khen. Cậu có biết đi thuê ngoài nó chém mỗi giấy bao nhiêu tiền không? Khen đã không có tiền để thưởng, lại đi mất tiền cho mấy đứa dịch vụ. Đúng là vớ vẩn. Từ hôm nay, cậu sẽ đảm trách việc này.
Tôi thở phào nhẹ nhõm:
- Cảm ơn các anh chiếu cố...Nhưng..tại sao viết giấy khen mà lại có chức Phó Văn phòng?
- À, đó là vì chính sách...Cấp bậc cậu thiếu uý, nếu tính ra lương, đáng ra phải là Chánh Văn phòng kia. Thôi, cứ ngồi tạm cái ghế Phó để quen việc đã.
Trời đất ơi, còn ngồi tạm cái gì nữa. Với tôi, đây là lần đầu tiên được coi như chuột rơi chĩnh gạo. Người xưa nói "thánh nhân đãi khù khờ" cấm có sai. Đêm ấy về tôi thầm cảm ơn Phật tổ phù hộ. Đúng là nhờ có Phật nên bố tôi mới rèn đúc tôi từ thủa nhỏ cái tính cẩn thận, cái tâm tĩnh lặng, cả cái nết tự ti nữa. Tôi nhớ dạo đi học trường huyện, bọn trẻ thị trấn cứ chọc ghẹo nhau nháo nhác suốt cả giờ học, chúng với tay véo vào tai tôi. Nhưng tôi vẫn cúi mặt. Tôi không thể chơi ngang bằng với chúng nó. Suốt cả năm học, tôi chỉ biết "đi cúi tai về cài tóc". Đã không thể quay ngang quay dọc thì chỉ còn biết cắm đầu tập viết. Nhờ thế, tuy tôi là học sinh trung bình yếu nhưng chữ lại đẹp nhất lớp. Nhờ điểm tập viết kéo các điểm yếu của các môn học khác nên tôi vẫn lên được lớp. Chừ thì oai rồi, tôi được coi là người viết đẹp nhất huyện. Đó là lời ông Trưởng phòng Tổ chức cán bộ nói chứ tôi đâu có tự khoe. Tôi muốn kêu to lên : Bố ơi, con cảm ơn bố, bố là người vĩ đại nhất trên đời. Không có bố dạy dỗ con đâu có được như ngày hôm nay.
Còn chuyện Thõn được nhận vào Phòng Văn hoá thì dễ hiểu hơn. Cứ nhìn vào bản lý lịch ghi là diễn viên múa đoàn văn công Mặt trận là anh em ở văn hoá đã mừng quýnh lên rồi. Giai đoạn này tuy đói kém nhưng lại là thời kỳ hoành tráng nhất của phong trào văn nghệ cơ sở. Hội diễn nối hội thi. Ở nông thôn Hợp tác xã bỏ gạo thóc ra, xã viên đi tập văn nghệ được tính công điểm như đi làm đồng. Ở xí nghiệp thì Giám đốc suốt ngày say sưa với bóng ban và ca hát, có chút tiền nào đều ném hết vào đó. Cuộc sống cốt lấy cái vui, còn các thứ khác đã có Đảng và Chính phủ lo liệu.
Ông Bí thư Huyện ủy huyện tôi là một người điển hình cho sự vui vẻ ấy. Dạo đó mới thành lập huyện mới (do có sự nhập hai huyện cũ lại một), hơn nữa cả vùng đất này vừa thoát ra khỏi chiến tranh nên nhà cửa của cơ quan lãnh đạo huyện còn rất sơ sài. Cả Ủy ban và Huyện ủy ở chung trên một khu đất, cũng chưa xây được bờ rào ngăn cách, tất cả đều là nhà cấp bốn, cái thì lợp lá, cái lợp tranh nom cứ như một khu nông trường. Tuy nhiên chẳng ai để tâm đến chuyện đó. Ngoài các ông lãnh đạo chủ chốt rất hay họp hành ra, còn lại cán bộ nhân viên trong cả hai Văn phòng cũng chẳng có việc chi nhiều để làm. Bận bịu nhất chỉ có bộ phận hành chính tiếp khách. Khách Trung ương, khách tỉnh, phóng viên báo chí, lãnh đạo và các ban ngành các tỉnh bạn đi qua đi về ghé thăm nhau, mừng cho nhau có được giang sơn độc lập, bề thế. Đám chúng tôi suốt ngày suốt đêm thay nhau hót chuyện. Chuyện chiến đấu (có chuyện thật mà cũng nhiều chuyện bịa), chuyện thế giới ca ngợi chúng ta với những lời lẽ vô vàn cao đẹp. (Cũng có lời họ nói thật, có lời lại chính do mấy cha bên Tuyên huấn thêm thắt vào). Sau một thời gian có thêm chuyện làm ăn lớn chỗ này chỗ nọ do vài ba anh được đi tháp tùng các xếp về kể lại, không biết thực hư thế nào nhưng xem ra chẳng mấy chốc nữa, nước Nhật, nước Mỹ chỉ có khóc. Ngày lại ngày, cuộc sống cứ diễn ra vui vẻ như vậy. Người vui nhất mà toàn cơ quan đều nhìn thấy rõ chính là Bí thư Huyện uỷ.
Tên ông là Sò, Huỳnh văn Sò. Nhưng cả cơ quan Huyện ủy cũng như Văn phòng Ủy ban, thậm chí cả huyện này chẳng thấy ai gọi đích danh tên ông. Có thể vì cái họ tên ông nó hơi trục trặc khó gọi, mà lại không được đẹp nữa, nhưng cũng có thể vì cấp dưới tự thấy kêu thẳng tên người lãnh đạo cao nhất huyện là một điều bất nhã. Lúc nào tôi cũng chỉ nghe họ gọi : ông Bí thư, đồng chí Bí thư, thân tình hơn thì gọi tắt là Bí thư. Còn những ai được coi là chí cốt, chiến hữu thì tự xưng mình là chú, gọi ông là bác hoặc bác cả. Đổi lại, ông cũng tự xưng mình là bác, gọi họ là chú hoặc cô. Ví dụ ông nói với Trưởng ban Tuyên giáo " này, chú mày coi lại coi, dưới cái xã Hưng Phú đang có chuyện kiện cáo về chế độ chính sách chi đó. Chú xuống dẹp ngay cho bác. Chú phải nói cho bà con hiểu, cuộc sống cốt nhất là sự vui vẻ, nhiệt tình. Có cái đó là có thể dời non lấp bể, xây dựng lại giang sơn, chú hiểu không ?" Cậu Trường ban Tuyên giáo nhanh nhẩu "dạ chú hiểu ạ." " Chú hiểu không quan trọng mà dân phải hiểu kia. Ngày trước trong chiến tranh, nhà tan cửa nát cũng ừ, đúng không nào?" "Dạ, bác nói rất chí lí. Chiều nay chú sẽ đi ngay, bác cứ yên tâm vui vẻ đi" " Khoan đã, để sáng mai hẵng đi. Chiều, chú qua bên Ủy ban bảo coi lại chính sách, chế độ, rà soát lại mấy người dưới xã đó rồi bảo với chú Tuấn (Tuấn là Chủ tịch huyên) ký mấy cái giấy khen cầm xuống đó trao luôn cho bà con phấn khởi. Nói với chú Tuấn đừng có hà tiện, đừng có quá cứng nhắc. Phải động viên kịp thời. Các chú phải biết rằng, cái bà con mình cần lúc này không phải là cơm gạo mà là sự biểu dương tinh thần. Một miếng giữa làng bằng sàng trong bếp, các chú hiểu không?" " Dạ hiểu ạ. Bác cả cứ yên tâm"
Sở dĩ "bác" Sò hay nói "chú" Tuấn là đừng quá cứng nhắc bởi vì "bác" xuất thân là du kích, hoạt động bí mật từ giai đoạn còn chế độ Ngô Đình Diệm, rồi lên Bí thư xã. Khi chiến dịch Mậu Thân diễn ra "bác" Sò đã là Phó Bí thư Huyện uỷ trực tiếp phụ trách địa bàn tám xã phía tây. "Chú" Tuấn lúc đó là quân bộ đội địa phương phối thuộc, hàm thiếu uý, đại đội trưởng. Trong Mậu Thân, đại đội của Tuấn cùng một cánh với tiểu đoàn 14 của Đắc, quân chủ lực Mặt trận. Tuy nhiên không hiểu sao, đơn vị bộ đội địa phương lại nổ súng vào đêm 29 âm lịch khiến cánh quân của Đắc cũng như mấy sư đoàn chủ lực gặp bất lợi. Sau này khi cùng chuyển ngành ra dân sự, Đắc làm thư ký Ủy ban tỉnh, Tuấn làm chủ tịch huyện, họ thường gặp nhau trong các cuộc hội họp. Gặp nhau đương nhiên là vui, rất vui, nhưng sau mỗi cuộc họp lại hay có các cuộc nhậu, và sau khi đã "đề" vào dăm li, họ lại thường mang chuyện Mậu Thân ra cãi nhau. Cãi nhiều lần nhưng chẳng phân được thắng bại bởi vì họ chỉ là đám "vi mô", còn câu chuyện Mậu Thân kia là việc ở tầm "vĩ mô", họ làm sao biết được. Nhưng cả hai vẫn rất thích khơi chuyện cũ ra tranh luận. Cái đích quan trọng nhất mà cả hai đều hướng tới là để cho mọi người phải nhận rõ, họ là những chiến binh vừa cởi hoàng bào, mình còn khét lẹt mùi thuốc súng, rằng họ là những hạt gạo trên sàng may mắn sót lại mà trong đám quan chức xung quanh không phải ai cũng có được cái tiểu sử huy hoàng như thế. Hai vị, một đại đội trưởng (sau đó là tiểu đoàn trưởng), một tiểu đoàn trưởng (sau đó là trung đoàn trưởng rồi chuyển qua làm Bí thư huyện ủy) cùng chuyển ngành ra dân sự nhưng tính cách không hoàn toàn giống nhau. Đắc có vẻ thoáng hơn, xưng hô lúc nào cũng ông tôi, nhậu nhoẹt khá thoải mái. Còn Tuấn thì một đồng chí, hai đồng chí, thậm chí đôi khi nghe Bí thư nhắc việc xong lại kêu to một tiếng: rõ, khiến nhiều người phải bật cười. "Bác" Sò đã nhắc Tuấn mấy lần mà anh ta vẫn hay quên. Tuấn nói, cái miệng mình nó quen rồi, các "đồng chí" thông cảm. Bí thư lắc đầu cười, có gì sai đâu mà thông với cảm, có điều chú làm như vậy anh em trong cơ quan họ sợ, mất đi sự vui vẻ. Bây giờ, mọi viêc đang rất khó khăn, cần nhất là sự vui vẻ thoải mái, có nó ta sẽ vượt qua tất cả, đúng không? Tuấn đứng nghiêm: thưa bác, rõ ạ.
Tóm lại, trong giai đoạn lịch sử quan trọng ấy ở cơ quan tôi chỉ có mấy bộ phận thật sự bận bịu. Lãnh đạo chóp bu thì họp và tiếp khách, hành chính thì tối mắt tối mũi để phục vụ, Phòng Văn hoá suốt năm tổ chức hội diễn, cuối cùng chính là tôi, con người có hoa tay số một của huyện suốt ngày phải cắm đầu viết giấy khen. Tôi không thể nhớ chính xác mỗi năm phải viết đến mấy trăm giấy khen nhưng vào những đợt cao điểm mấy ngón tay cứ luôn trong trạng thái mỏi nhừ nhiều khi mất cả cảm giác. Vì thế mà tôi luôn là lao động giỏi, là một trong những công chức điển hình của hai Văn phòng. Không một ai so bì ganh tị với tôi. Thế nên sau này tôi được cân nhắc, đề bạt nhanh cũng là điều dễ hiểu. Tôi tuyệt nhiên không có chút ô dù nào.

Điều đó thì hắn nói đúng. Tui có thể chứng thực. Từ năm 1976 hắn được nhận vào làm Phó Văn phòng Ủy ban, rồi chỉ tám tháng sau lại được đi học trường Hành chính, trở về chưa được một năm lại đi lớp trung cấp chính trị tại chức, rồi bổ nhiệm Chánh Văn phòng, vào Huyện ủy viên, tất cả đối với hắn thật ngọt ngào như một giấc mơ. Đấy cũng là những năm tháng hắn- thằng em song sinh của tui- sống tốt nhất. Lúc nào cũng vui vẻ, lúc nào cũng tận tụy, mẫn cán. Được vậy không phải chỉ nhờ vào sự dạy bảo của ông bố trước đây đâu, còn có công của tui nữa. Hầu như đêm nào hai anh tui cũng tâm sự. Tui nói với hắn: đây là cơ hội trời Phật ban cho, hãy quên tất cả những gì ấm ức trong quá khứ, coi như khổ nạn Phật tổ thử thách mình, mi hãy sống thiệt vui, không phải chỉ vui cho bản thân mà cái chính là vui cho mọi người. Nó hỏi, như rứa nghĩa là sao? Đúng là thằng ngố, có vậy cũng không hiêủ. Cả cái cơ quan này, trong cái thời điểm này, cái người ta hâm mộ nhất là niềm vui, là nụ cười, mà không, không chỉ là nụ cười mà phải là giọng cười, cười khà khà, cười oang oang, cười hô hố. Vì sao ư, vì chỉ khi nhắm mắt hả miệng cười may ra người ta mới quên được những nỗi đau âm thầm nạo vét bên trong như kẻ đang mắc bạo bệnh, phải lấy tinh thần ra mà làm liệu pháp chính để chữa trị thay vì uống đủ các loại thuốc tạp nham, vừa mất tiền mà còn có khi mang họa. Cả cái cơ quan này, từ người đứng đầu cho đến anh nhân viên quèn, chẳng ai biết phải làm gì để đưa mảnh đất này đi lên, để tạo dựng một cơ nghiệp mới. Không phải họ không suy nghĩ, ngược lại, đêm đêm họ nghĩ đến nẫu cả ruột, nhưng rốt cuộc chẳng nghĩ được gì. Sáng mai ra đường, hàng trăm con mắt đổ dồn nhìn vào họ như phật tử ngước nhìn Bồ tát, họ biết chúng sinh đang cần câu giải đáp mà họ thì đang nát cả đầu. Thế nên cười là thượng sách. Mình cười không quan trọng bằng làm cho tất cả đều cười. Nói đến vậy mà mi vẫn không hiểu ư? Thì ví dụ nụ cười như chén nước mát, có nó trên tay chưa cần uống cơn khát cũng đã dịu đi đôi phần, tưới nó cho cỏ hoa, cỏ hoa tươi tốt tự khắc cơn khát của mình lại dịu thêm đôi phần nữa. Nói đến thể hắn vẫn chưa ngộ được. Nhưng đêm nào tui cũng nói cho nên sáng ra, ngày nào hắn cũng vui vẻ. Mà vui vẻ tức là tốt. Đây là những ngày hắn tốt nhất. Mà hắn tốt tức là tui tốt.
Chỉ còn một điều thực sự hắn không thể vui được. Đó là chuyện sinh hoạt của vợ chồng hắn. Mặc dầu trước mặt bàn dân thiên hạ, cái cặp người ấy luôn tỏ ra hạnh phúc, lúc nào cũng cười nói ríu rít. Không phải họ chỉ tỏ ra với người xung quanh mà còn cố gắng tỏ ra với nhau nữa. Cả hai lúc nào cũng nói năng nhẹ nhàng, kẻ gọi người dạ, một anh hai em...Không phải diễn kịch đâu, mà họ cố gắng thật sự. Cả cái chuyện ấy nữa họ cũng rất cố gắng. Tiếc rằng, ngoại trừ tui ra, không có ai chứng kiến được những cuộc vật lộn của họ đến đầm đìa mồ hôi. Hắn cần một sự giao hoà thật sự của hai tâm hồn, hai thể xác. Hơn thế nữa, cả hai rất cần một đứa con. Chính tui đã nói với hắn, đứa con sẽ là bước ngoặt thật sự để tạo dựng lại cái hạnh phúc chênh vênh của bọn hắn. Nhưng trời Phật chưa cho. Phật tổ hoặc Bồ tát gì đó đang tiếp tục thử thách hắn trong khổ nạn, hoặc cũng có thể là quả báo vì cái việc Thõn đã làm trong quá khứ.

*

Quả báo!
Bất chợt có tiếng ai đó vẳng lên bên tai tôi, hoặc vọng ra từ bên trong tôi: Quả báo! Tôi rùng mình. Tôi bỗng nghĩ lại những ngày tháng đó, những ngày tháng mà bấy lâu nay cả tôi và vợ tôi đều cố tình lẩn tránh trong ký ức. Nỗi nhớ như một bệnh dịch, cứ thế mà lây lan. Tôi lại bỗng nghĩ về mấy cái truyền thuyết ở làng tôi, những câu chuyện xa mờ trong tiềm thức, có khi thấy rất tào lao, hoặc cho rằng ông cha ngày xưa rỗi việc bày đặt ra những chuyện ma quái hù dọa con trẻ, nhưng cũng có khi, như lúc này chẳng hạn, lại thấy ớn lạnh sống lưng. Tôi nhớ lại và bỗng nghĩ ra một điều: vì sao mình không thử đi cầu tự?
Và điều này mới thật bất ngờ, trong cái đêm đó khi tôi đang lưỡng lự nghĩ cách thuyết phục vợ, thì Thõn đã ngồi vọt dậy nhìn tôi chằm chằm :
- Anh!...Hay chúng mình thử lên chùa thắp hương xem sao, có được không anh?
Tôi giật mình :
- Sao tự dưng em lại nghĩ ra chuyện đó?
Thõn khẽ thở dài:
- Em không biết nữa...tự nhiên như có ai đó mách bảo..
Các bạn nghĩ coi, như thế có đáng để ta tin vào quyền năng của đấng Chí tôn không ?
Tôi nhớ đó là đêm mười bốn tháng tư âm lịch năm 1983. Cái mốc này tôi không thể quên, bởi sau bảy năm chuyển ngành về huyện, tôi đã đạt được những bước đi cơ bản. Trước đó hai năm, khi tôi học xong lớp trung cấp chính trị, trở về đúng dịp Đại hội Huyện đảng bộ. Tôi bất ngờ được bầu vào Huyện uỷ viên. Như vậy không những cái chức Chánh văn phòng của tôi đã khá vững chắc mà kì bầu Hội đồng nhân dân huyện năm 1983 này, có thể tôi sẽ có thêm những đột biến mới.
Sau cuộc chiến tranh huyện tôi không còn ngôi chùa nào, ngay cả trong ý thức của người dân chuyện đi chùa cầu nguyện đã trở thành việc làm ngớ ngẩn. Cán bộ, đảng viên lại càng không thể chấp nhận được. Nếu chuyện bị phát giác nó cũng nghiêm trọng không khác gì tội tham ô. Tôi nói với Thõn sáng mai mượn cớ có công vụ, tôi sẽ lấy xe Văn phòng rồi cùng vợ vào thị xã. Hương đèn lễ vật gì cũng vào trong đó mua sắm để không cho ai nhìn thấy. Đêm nay, mười bốn âm lịch, thắp hương trước lên bàn thờ coi như là lễ cáo.
Đêm mười bốn âm lịch đó, cả hai đứa tôi hầu như không ngủ. Bọn tôi kéo hai chiếc ghế ra giữa sân ngồi ngắm trăng và tự ngắm căn nhà mình. Trăng mười bốn tuy tròn nhưng lại mờ đục. Nghe nói trời đang chuyển tiết. Còn cái căn nhà thì..thực ra chẳng có chi để ngắm, có lẽ là để ngẫm nghĩ về nó thì đúng hơn.
Cái ngôi nhà xây bằng gạch táp-lô này có nguồn gốc từ gian nhà cấp bốn mà chúng tôi được Uỷ ban phân cho, vốn trước đó là cái nhà kho của Công ty Lâm sản tỉnh. Tỉnh tôi lúc này là một tỉnh to được nhập lại từ hai tỉnh bé theo tư tưởng sắp xếp lại giang san sau ngày chiến thắng kẻ thù. Cái Công ty Lâm sản đó nó ra làm sao tôi không biết, cũng chưa nhìn thấy mặt ngang mũi dọc nó thế nào, chỉ biết rằng nó cũng rất to, huyện nào cũng đặt một trạm, vừa là nơi đại diện vừa là kho bãi...Tuy nhiên, sau hơn năm năm, cái nhà kho này bỏ hoang, cỏ mọc lút tận thềm nhà. Thời gian đầu có một nhân viên trực, đấy là một cô thanh niên xung phong chuyển ngành quê ở vùng này. Được hơn một năm, nhân viên này "vô tư" đi theo một anh chàng lái xe chuyên chở thạch cao trên tuyến đường qua Lào. Đi vài chuyến, họ trở thành vợ chồng và cũng là cặp bạn buôn hàng Thái Lan về Việt khá phát đạt. Công ty Lâm sản cũng không bận tâm lắm chuyện này và cũng chẳng cử ai thay thế. Mà thực ra thay cũng chẳng để làm gì. Chẳng thấy có bất cứ một sản vật gì được chuyển về đây. Tuyệt nhiên không hề có một cán bộ nào ra kiểm tra, thăm nom cái nhà trạm này. Đến khi Hợp tác xã kêu trời, đòi lại đất, gần bốn ngàn mét vuông ở ngay cạnh Quốc lộ chứ phải ít đâu. Ủy ban huyện cử tôi vào Sở Lâm nghiệp hỏi thì mới phát hiện ra cái Công ty đó đã giải tán hơn ba năm rồi. Thế là Ủy ban cho phép lấy cơ sở này giải quyết chỗ ở tạm thời cho số cán bộ chưa có nhà. Chủ tịch huyện trực tiếp giao việc này cho Văn phòng xử lý. Xử lí thế nào phải báo cáo trực tiếp với đồng chí Bí thư. Việc tuy nhỏ nhưng nó đụng chạm đến chính sách, lại có thể có diễn biến tư tưởng, vì thế phải xin ý kiến chỉ đạo của Bí thư. Ông Chủ tich nói vậy. Không ngờ Chánh Văn phòng lại giao cho tôi - lúc đó là Phó Văn phòng - trực tiếp lo việc này sao cho thật hợp tình hợp lý. Tôi kêu to lên: Ối...em thì làm răng được..việc ni là việc cực kì quan trọng, phải cỡ bác mới xong...Ông "xếp" tôi không cười cũng không cáu, nói rất chậm rãi: Chú phải lo thay bác, bởi chưa tới năm nữa là chú kế tục chức vụ của bác rồi. (Cả cơ quan tôi lúc bấy giờ đã nhiễm cách xưng hô bác, chú ) Chứ sao, còn ai hơn nữa. Bác đã trao đổi với bác cả rồi. Mấy lại, bác dây vào chuyện này mệt óc lắm. Chú cũng biết là bác chưa có nhà, mình thì thế nào cũng xong, mấy năm đi đánh giặc, ăn hầm ngủ lán có sao đâu. Nhưng cái mụ vợ nhà bác lắm điều lắm, cứ so với ông nọ, bà kia, cứ bảo mình làm Chánh Văn phòng mà không lo nổi cho vợ con một chỗ trú chân thì còn bảo lo được việc chi to tát. Lại đem mấy cha bên Thường vụ ra so, họ là cái gì, khi anh là lính chiến, em là lính thương nghiệp mang hàng lên tận trận địa cao xạ phục vụ chiến đấu thì các cha ấy làm chi...Ối trời ơi, nghe các "mệ" ấy mệt lắm...Nhưng không mắng được. Bởi suy cho cùng nó nói không phải không có lí...Thôi, tóm lại chú lo việc này cho bác, bác chẳng dây vào để mụ vợ không còn duyên cớ gì hành hạ bác nữa.
Đấy là lần đầu tiên tôi phải đảm trách một việc trọng đại. Chỉ huy một trung đội chiến đấu còn không lo bằng. Bởi trên trung đội đã có lệnh đại đội. Còn làm cần vụ càng dễ hơn. Chỉ cần đoán cho đúng ý thích của thủ trưởng, rồi chịu khó một chút, siêng năng một chút, nhanh tay nhanh chân một chút là ổn. Còn chuyện này, kinh nghiệm quá khứ chẳng có ích gì, nhanh tay nhanh chân chẳng giúp gì, còn dò đoán ý thích thì...cha mẹ ơi, tôi đoán lúc này chỉ có kẻ điên mới không thích được phân đất, phân nhà.
Tôi định bụng tối đó thử hỏi ý kiến Thõn xem có sáng kiến gì hay không. Dù sao vợ tôi cũng thông minh lanh lợi hơn tôi. Mới nảy ra ý định đó, bất ngờ một ý nghĩ khác chợt ùa đến như thể có ai đó la to bên tai: Mi điên thật rồi... Mi không nhớ câu chuyện ông Chánh văn phòng lúc chiều sao? Ờ nhớ.. Nhớ mà lại đi nói chuyện này với vợ. Có bà vợ nào mà không ham hố. Ngay bản thân mi, mi có muốn có một suất không? Chẳng lẽ hai đứa bay vẫn cam chịu ở suốt đời trong cái khu tập thể văn hoá đó sao? Ừ nhỉ..
Tôi câm lặng không nói gì với Thõn. Đêm đó tôi không sao ngủ được. Cũng may vợ tôi dịp đó đang vật lộn với đám văn nghệ Lâm trường Bảo Tín đến phờ phạc cả người, đêm nào về cũng nghe cô ấy lầu bầu chưởi diễn viên ngu, rồi sau đó thiếp lịm đi, chẳng màng tưởng gì đến chồng con nữa.
Tôi lặng lẽ nhìn vợ ngủ trong sự mệt mỏi và bỗng thấy thương cảm. Thú thật không phải lúc nào tôi cũng có được cảm giác đó. Thậm chí hồi đầu nhiều lúc tôi không nhìn thẳng vào mặt vợ được. Còn lúc này, dù chưa nghĩ ra được một phương án nào cụ thể nhưng tôi đã lờ mờ nhận thức rằng tôi đã để tuột mất một cơ hội. Cái lão Chánh Văn phòng trông thế mà thâm. Hắn đẩy gánh nặng này lên vai tôi tức là trực tiếp hất khỏi bàn tay tôi chút bổng lộc quý giá. Không biết khi sự việc này kết thúc vợ tôi sẽ nghĩ về tôi thế nào, có mắng nhiếc tôi như bà vợ lão Chánh Văn phòng không? Thôi thì...muốn ra sao thì ra, tạm thời đúng là chưa nên cho cô ấy biết. Cảm ơn Bồ tát đã nhắc nhở.

*

Bồ tát nào mà can dự vào chuyện này. Chỉ có tui mới thương hắn thực lòng, lo cho hắn đủ mọi chuyện. Hắn đâu có biết. Đúng là thằng ngố. Biết khi mô thằng em tui khôn lên được một chút hả trời!
Nhưng bố vẫn nói khôn cho người ta hãi, dại cho người ta thương?
Vứt cái lão bố đó xuống chín tầng địa ngục đi. Mi thử nhớ lại coi, rốt cuộc từ trước tới nay ai là người thương mi? Lão Tấn ư? Lão lo vợ cho mi, cho thêm cái chức Tiểu đội trưởng đột xuất đó nữa là thương sao? Hay con Thõn, cái con cho mi sờ vú không một chút e lệ ở nơi cái suối vắng ấy khi hai đứa chưa là chi của nhau cả, rứa là yêu, là thương ư? Rồi đến chừ, cái cha Chánh văn phòng đó nữa, ủy nhiệm cho mi một việc quan trọng như rứa là đề cao mi ư? Là tạo cơ hội cho mi thể hiện khả năng để làm Chánh Văn phòng sau này?
Ôi thôi mệt lắm. Đã bảo là bỏ hết chuyện cũ, đừng bao giời đào xới lên nữa có được không? Vấn đề lúc này là xử lý chuyện phân khu đất, khu nhà đó sao đây. Tình ở chỗ nào, lý ở chỗ nào?
Thì đã bảo, rốt cuộc lại cũng chỉ có tao mới giúp mi được thôi. Hãy nói xem, khu nhà đó thế nào ?
Đây là cái trạm kiêm nhà kho của một Công ty tỉnh bỏ lại. Đất rộng chừng bốn nghìn mét vuông. Có hai ngôi nhà gỗ. Một nhà nhỏ, xinh xắn, trước đây là chỗ để trực giao dịch. Nhà này coi như gọn một hộ. Một nhà khác xây cấp bốn, lợp ngói, chia làm bốn gian. Đó chính là kho. Nhà này có thể chia bốn mà cũng có thể chia hai. Chia bốn thì hơi chật, chẳng khác chi ở khu tập thể bây giờ, vì vậy tôi định chỉ chia đôi..
Ngu! Đúng là mi không sao khôn lên được. Chia càng ít phần thì miếng bánh càng to mà người hưởng lại ít, như vậy cuộc tranh giành càng trở nên quyết liệt, điều tiếng sau khi chia cũng sẽ phức tạp hơn nhiều. Dù mi khéo xoay xở đến đâu cũng không sao tránh khỏi hệ lụy.
Có lí lắm. Vậy thì chia bốn, coi như được 5 suất.
Ngu! Mi mới tính hai cái nhà, còn cả bãi sân quẳng cho chó gặm à? Thực ra đất mới là quan trọng, hiểu chưa? Mấy cha có chức quyền, mua nhà chỉ là để chiếm đất, mấy bữa sau là đạp đổ nhà cũ, xây cất lâu đài cho coi. Thế nên, xén cái sân đó ra, xén ngang hay dọc là tùy thế đất đó, diện tích mỗi lô ít nhất cũng phải bằng hoặc hơn một tẹo so với năm nền có nhà.
Ừ nhỉ, thế mà mình không nghĩ ra. Như vậy thì ang áng có thể thêm bốn nền nữa, vị chi là chín lô.
Ngu! Bước đầu hãy chia thành bảy lô đã. Đằng nào rồi cũng có người kêu rên kiện cáo, kể lể công lao thành tích. Lúc đó Bí thư hoặc Chủ tịch sẽ nhăn nhó mà rằng, trong số mấy người này, quả thật đồng chí A, hay đồng chí B gì đó rất đáng được quan tâm. Các cậu nghĩ cách đi.. Thì nghĩ, nghĩ cho ghê gớm vào, nghĩ cho được một tuần liền, làm như đây là bài toán vô cùng nan giải. Làm vậy có hai cái lợi. Lợi thứ nhất là sẽ có nhiều người mò mẫm đến nhà mi trình bày hoàn cảnh. Mà thời này nhiều người chạy đến trình bày hoàn cảnh là..như thế nào mi biết rồi đó. Lợi thứ hai là cuối cùng, mi đưa ra sáng kiến tháo gỡ khó khăn bằng cách chia nhỏ ra thêm hai lô nữa, lúc đó Bí thư, Chủ tịch sẽ đánh giá mi là con người thế nào? Là một cán bộ vô cùng lanh lợi, sáng tạo.
Ờ ờ..thật là tài tình. Con cảm ơn Bồ tát. Tóm lại con sẽ chia ra lúc đầu là bảy lô đất. Nhưng cán bộ, nhân viên cơ quan đông lắm, con sẽ phải chia bo thế nào đây, Bồ tát mách bảo cho con với .
Ngu! Đông mặc mẹ nó chứ. Cắt đất cả huyện này chia cho chúng nó cũng chẳng đủ nữa là. Mi phải phân ra các diện ưu tiên, ưu tiên một, ưu tiên hai...
Nhưng tôi làm sao nắm được công lao thành tích đóng góp cách mạng hoặc hoàn cảnh từng người mà xếp loại ưu tiên ?
Ngu! Việc đếch gì mà xét công lao với hoàn cảnh.
Rứa thì...xét theo kiểu chi ?
Chao ôi, biết khi mô mi khôn ngoan lên một chút hả trời. Loại một là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh...Không ưu tiên loại đó thì phương án có sáng tạo, có hợp lý đến mấy cũng đi tong, hiểu chưa?
Hiểu rồi, nhưng lãnh đạo chủ chốt cũng đông lắm, chừng ấy lô chia cũng không đủ.
Lại ngu! Mày chia cả cho lãnh đạo để dân nó đào mả lên à? Chọn lấy một người thôi, chỉ cần một cha trong hai vị cao nhât ấy có phần là được.
Khoan đã, đến đây có vẻ không ổn rồi. Tôi biết tính Bí thư và cả Chủ tịch nữa, các ông ấy không nhận đâu...
Ha ha..chừ thì đã thấy mi khôn hơn một chút rồi đó. Nhưng cũng chỉ khôn ở mức hạng hai thôi, khôn thế chưa đủ để bay cao bay xa đâu. Đương nhiên là các vị ấy không nhận. Các vị ấy ngu chi mà dây vào chỗ này. Nhưng vẫn phải đề xuất như vậy. Thứ nhất, các vị ấy thấy mi là thằng có lòng. Ai có lòng với mình thì mình cũng sẽ có lòng trở lại, đúng không? Thứ hai, đằng nào thì đất chia cũng không thỏa mãn được cho dù đã xẻ vụn ra thêm hai lô nữa. Thế nào cũng có anh đòi. Lúc đó, thấy anh nào căng quá, Bí thư hay Chủ tịch nhường luôn lô của mình. Lúc đó mi dõng dạc tuyên bố, đồng chí Bí thư ( hay Chủ tịch) đã nhường lại lô của mình cho đồng chí đấy. Như thế vừa tạo thêm uy tín lãnh đạo, vừa giải quyết thêm được một trường hợp gay cấn. Mà rồi biết đâu, trong số cán bộ có anh cũng noi gương lãnh đạo mà nhường suất cho quần chúng, nếu không ít ra họ cũng không dám đòi hỏi quá mức...Thời buổi này quan trọng nhất là phong trào, cái gì cũng cần phát động phong trào. Đòi hỏi cũng thành phong trào mà nhường nhịn nếu khéo làm cũng thành phong trào...Lúc đó, ngư ông đắc lợi, mi hiểu không?
Không hiểu .
Ừ, mi hiểu làm sao được. Nhưng tao hỏi thực, trong bụng mi có ưng được chia một nền không?
Trời đất ơi, lại còn hỏi nữa. Dẫu tôi không ưng thì con vợ tôi nó cũng thèm rỏ giãi ra chứ..
Đó đó, rồi mi xem, cuối cùng người đắc lợi sẽ là chú mi đó.

*

Cái đêm đó tôi cũng không ngủ gần suốt đêm giống như đêm mười bốn âm lịch này. Đấy là lần đầu tiên tôi phải vắt óc suy nghĩ. Từ một mớ hỗn độn ban đầu không biết bằng cách nào đó mọi chuyện dần sáng tỏ. Đêm đó không có trăng, nhưng tự nhiên tôi thấy trời đất cứ sáng dần, sáng dần cho đến vằng vặc như đêm rằm. Tôi nghe ai đó mách bảo từng bước đi, gỡ dần từng nút rối. Cuối cùng thì phương án chia đất được phê duyệt mau lẹ. Điều kì lạ là mọi chuyện đã diễn ra y hệt như điều tôi nghĩ trong đêm ấy. Đồng chí Bí thư đã nhường lại nền đất cho đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban. Sự kiện đó làm xôn xao dư luận cả huyện. Rồi bất ngờ lão Chánh Văn phòng lại nhường lại cho tôi. Ông to giọng trước cuộc họp.- Tôi tuy khó khăn, nhưng đồng chí Quả cũng khó khăn không kém. Tôi có đất ở mà đồng chí Phó Văn phòng không có thì tôi ở sao yên tâm. Anh ta cao giọng như vậy nhưng cái lô đất của anh là do đích thân Bí thư nhường lại, bố bảo thằng nào dám đụng vào..Cuối cùng, chính cậu Mười, chuyên viên bên Văn phòng Tỉnh uỷ lên gặp trực tiếp Bí thư đề nghị nhường nền đất lại cho đồng chí Quả bên Văn phòng Ủy ban. Bí thư gật đầu khen ngợi tinh thần cộng sản của một đảng viên. Sau đó mấy tháng, cậu ta được cử đi học Trường Đảng cao cấp. Và thế là tôi đã có một phần tư căn nhà của cái kho lâm sản. " Xếp" Chánh Văn phòng của tôi cũng giữ lại được cái nền của Bí thư nhường cho mà không chịu điều tiếng gì. Chỉ có đức Chí tôn hoặc Bồ tát mới dắt dẫn tôi làm được điều này. Tôi tin thế .
Lịch sử của một giai đoạn đã diễn ra như vậy. Tình cảm và quan hệ đồng chí của chúng tôi lúc bấy giờ là như vậy. Thế nhưng sau này không phải không có kẻ bịa đặt là tôi bày mưu tính kế hất cẳng Chánh Văn phòng để tiếm chức, rồi tìm cách đẩy xếp cũ của mình về quê chiếm luôn cả hai gian nhà cấp bốn để có được một nền đất liên thông gần ba trăm rưỡi mét vuông như bây giờ. Đúng là thế gian thối mồm.
Tôi không hề có chút mưu mô gì để được đề bạt lên Chánh văn phòng. Muốn phán xét việc gì cần đặt sự việc đó trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể, đúng không các đồng chí? Hoàn cảnh lịch sử lúc đó thế nào? Là tất tất mọi cán bộ nhân viên ở tất cả các cơ quan trong huyện, trong tỉnh phải đi lao động sản xuất để tự túc một phần đời sống. Bất cứ cơ quan nào, cho dù đó là bên Đảng hay Nhà nước, hay các đoàn thể, cũng phải chia quân số ra làm ba, một phần ở lại cơ quan để trực công việc còn hai phần là kéo nhau đi vào các vùng đất còn nhiều diện tích hoang hóa để làm ruộng, trồng sắn, trồng khoai, trồng dưa hấu. Cuối vụ thu hoạch số hoa màu ấy chở về chia đều cho tất cả cán bộ nhân viên trong cơ quan. Đó gọi là "kế hoạch ba", một sáng kiến của đồng chí Bí thư và đã trở thành nghị quyết cấp uỷ, trở nên đường lối chiến lược xây dựng quê hương trong giai đoạn này. Vì cái tầm chiến lược ấy nên cho dù gọi tên là "kế hoạch ba" nhưng thực chất nó là nhiệm vụ số một, vừa cấp bách vừa cơ bản trong đường lối phát triển kinh tế xã hội. Đồng chí nào đã kinh qua giai đoạn lịch sử đó mới hiểu, vì sao rất nhiều cán bộ, công nhân viên chức, kể cả những cán bộ đảng viên được coi là chủ chốt đã bỏ cơ quan nhà nước về bươn chãi mưu sinh ngoài đời. Nếu không sống trực tiếp giai đoạn đó thì giờ tôi có kể lại, các đồng chí lại cho là bịa đặt, bốc phét hoặc chỉ là truyền thuyết như những chuyện kể về thời xa xưa của dân làng Cau. Trong hoàn cảnh đó, nếu như đồng chí Chánh Văn phòng của tôi mà chỉ độc thân như người lính ngoài chiến trường năm nào thì cũng có thể trụ vững. Vấn đề là bà xã ông ấy. Đó là lực lượng "tư bản" quyết liệt không đội trời chung với chủ nghĩa "mo cơm, quả cà và tấm lòng cộng sản". Đồng chí Chánh Văn phòng của tôi đã đầu hàng. Cả cơ quan tôi lúc đó đều không cầm được nước mắt. Cái đêm chuẩn bị chia tay, cả tôi và Thõn đều nhất trí làm bữa cơm gọi là đạm bạc để mời cả hai anh chị "xếp". Đến chết tôi cũng không thể quên được bữa cơm chia tay ấy. Vừa ngọt ngào vừa cay đắng. Ngọt ngào vì tình nghĩa đồng chí anh em, cay đắng bởi hồng trần thế sự. Tôi và Chánh Văn phòng chỉ nhâm nhi li rượu gạo rồi cao hứng song ca mấy nhạc phẩm vượt Trường Sơn thủa đánh giặc, mặc kệ cho hai bà vợ tỉ tê chuyện gì đó. Đúng là chỉ có hai bà đó bàn với nhau rồi tự quyết lấy. Họ không hề tham khảo ý kiến của hai ông chồng. Mãi sáng hôm sau tôi mới được thông báo lại. Vợ tôi đồng ý cho chị Chánh toàn bộ xác hai gian nhà, còn chị Chánh thỏa thuận nhường cho vợ chồng tôi cả nền đất của chị. Cái nhà gỗ này tuy làm đã sáu bảy năm nhưng đây là nhà của công ty lâm sản nên gỗ cực tốt. Thời đó đố ai có được trong tay số lượng gỗ quý như thế. Cả hai gian là ba mươi sáu đòn tay bằng gỗ huệng, rui mè bằng gỗ dỗi, hơn hai ngàn viên ngói và mười hai cột vuông bằng gỗ lim. Rồi còn ván ốp che bốn phía tường cũng lấy đi hết, chỉ để lại hai cái chái nhỏ phía sau vốn là bếp nấu của hai nhà để vợ chồng tôi ở tạm. Tôi nghe mà bàng hoàng cả người. Thõn nói một cách thản nhiên - Vợ chồng chị ấy cần làm một cái quán vừa ở vừa bán được hàng. Mình chịu cực một tí nhưng vừa được tình, được nghĩa mà lại được nền đất to, sau này khi có điều kiện làm nhà cũng dễ xoay xở. Anh thấy em tính vậy có lí không ?

Tui có thể chứng thực cho câu chuyện của hắn. Thằng em tui hoàn toàn không có một chủ đích gì trong chuyện lão Chánh Văn phòng nghỉ việc và chuyện đổi xác nhà lấy nền đất. Tuy nhiên thằng Quả lúc này cũng đã khác trước đôi phần, không còn là kẻ "mặt nạc đóm dày, mo nang trôi sấp biết ngày nào khôn" nữa. Hắn đã bắt đầu có sự động não. Vì thế, dù vẫn còn chậm chạp trong việc suy đoán ra ý nghĩ của vợ, hắn vẫn có thể cảm nhận được lờ mờ cái lí lẽ của Thõn. Đặc biệt sau đó, khi giác ngộ ra mọi nhẽ, hắn đã chủ động khoét sâu vào niềm thông cảm của đồng chí, đồng đội các ban ngành. Đi đâu hắn cũng kể, tới phòng ban nào hắn cũng kiếm cách bày tỏ sự xót xa, không phải cho hắn mà là cho người xếp cũ. Quý vị thấy hắn đã khôn lên chưa? Hắn chỉ kể chuyện lão Chánh Văn phòng dùng số gỗ cũ dựng nên chiếc quán thế nào, còn thiếu hụt cái gì, đang xoay xở ra sao...Tuy nhiên người nghe thì không ai lại không hỏi thêm câu: Thế còn anh, hiện thời anh sống thế nào, hai vợ chồng mà chui rúc sau cái chái bếp ấy thì chịu sao nổi? Hắn cười nhăn nhó: Thì cũng gắng chịu một thời gian vậy. Tôi đang tính mua chịu một số táp-lô và ngói xây bao che bốn phía để ở. Mọi người đều đang khổ cả mà...
Phải, mua chịu, đó là con đường khôn ngoan nhất. Chỉ sau đó một tuần hắn được chính thức đề bạt Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện. Sau đó chưa tới ba tháng, gặp kì Đại hội, hắn trúng Huyện ủy viên. Lúc này bỗng dưng các ban ngành tự mình nhớ đến lời tâm sự của hắn dạo trước. Đúng là họ tự nhớ chứ hắn không hề nhắc lại. Giám đốc Xí nghiệp Vôi chủ động gọi điện lên hỏi anh có cần táp-lô không, mới có một mẻ chất lượng lắm. Hắn nói chưa đủ tiền, đầu giây bên kia cười hơ hớ: gớm, bề trên làm chi mà tính toán dữ rứa, cứ lấy về mà làm đi, cho anh nợ vài ba năm không sao. Giám đốc Xí nghiêp Gạch Ngói cũng gọi lên, cái giọng ồm oàm và bỗ bã: Tính tôi nói thẳng, nói thật, anh đừng giận, một Chánh văn phòng là bộ mặt của huyện, khách khứa nườm nượp, anh cứ ở cái chái bếp như rứa là bôi bác quê hương đó. Hắn cười như một kẻ biết lỗi: Em biết vậy rồi nhưng đang khó quá, anh đừng mắng em mà tội...Khó cái của khỉ. Còn có anh em bạn bè chứ. Thôi, về đây làm thủ tục mua bán đàng hoàng, ghi nợ đầy đủ. Miễn đừng vượt biên phản quốc là được..
Cứ thế rồi vân vân. Cuối năm đó hắn có được ngôi nhà khiêm tốn. Bốn phía xây bằng gạch táp-lô, mái lợp ngói, tường chỉ trát mạch chứ không tô áo vì không đủ xi măng, và cũng không muốn đẹp quá khiến thiên hạ dị nghị- là Thõn nói vậy và hắn cũng cười đồng tình. Nhìn rất đơn sơ nhưng được cái thoáng rộng. Đó chính là ngôi nhà mà đêm nay, đêm mười bốn tháng tư âm lịch năm 1983 cả hai vợ chồng hắn đang ngồi ở sân quay mặt lại ngắm và hồi tưởng.Và niệm cầu đấng Chí tôn đã thương thì thương cho trót, hãy bố thí cho kẻ tội lỗi này có được đứa con nối dõi tông đưòng.

*

Mang tiếng là con nhà Phật, suốt đời mộ đạo, nhưng cho đến cái ngày rằm năm ấy - năm 1983- mới là lần đầu tiên hắn bước chân đến cửa chùa. Vợ hắn cũng vậy. Đương nhiên tui cũng vậy. Ngôi chùa nằm ngay ở khu trung tâm Thị xã, cách chợ chừng vài trăm mét. Khi vào đến đây hắn mới chợt nghĩ ra, đi chùa Thị xã vào ngày rằm đúng là thất sách. Người chen nhau đông kìn kịt. Khói hương tù mù ngột ngạt cả một góc phố. Tất nhiên chen chúc và ngột ngạt không phải là điều hắn ngại. Cái hắn lo sợ là có thể trong đám thiện nam tín nữ chen chúc kia sẽ có người nhận ra hắn. Làm cái chức Chánh Văn phòng Ủy ban suốt ngày chườm mặt ra tiếp khách. Cán bộ Thị xã này có đến hai phần ba là biết hắn. Vì vậy mà từ lúc ở ngoài cổng chùa cho đến khi quỳ trước tượng Phật tổ, hắn cứ cúi gằm mặt xuống như một kẻ ăn cắp đang lẩn tránh người truy đuổi. Mồm lẩm nhẩm cầu nguyện nhưng tâm thì để ý xung quang, đằng sau đằng trước, lúc nào cũng cảm thấy ai đó đang nhìn vào gáy mình. Hắn chỉ lẩm nhẩm chừng nửa phút là hết cả tâm nguyện. Thì có gì mà khấn lâu, đại để cũng chỉ là lạy Phật thương tình, cho con chút ân đức để nối dõi tông đường. Chẳng lẽ còn kể lể với Phật tổ giống dòng của hắn đã tu nhân tích đức thế nào, cuộc đời hắn vào sinh ra tử ra sao, lại càng không thể nói toạc ra bao nhiêu nỗi oan ức tủi cực đã từng trải...Không, hắn không tự hào chút nào đối với tổ tiên, cũng không oán trách chút nào đối với bậc cha chú. Tâm hắn xưa nay vốn mù mịt, bây giờ lại càng rỗng không. Hắn vốn không quen nghĩ ngợi. Mà nếu có nghĩ thì đang nghĩ đến nhiệm kì Hội đồng sắp tới, không biết có sơ sẩy gì không?
Còn con vợ hắn, con Thõn, không biết nghĩ gì, cầu gì mà khấn lâu đến vậy. Hắn cố kiên nhẫn chờ đợi, càng chờ càng sột ruột, càng sốt ruột càng bực bõ. Một ý nghĩ chợt lóe lên, sống mà không biết tu thân thì dẫu ăn năn đến mấy cũng vô ích. Rồi hắn giật mình: Sao mình ngu xuẩn vậy. Sao mình lại để cho ý nghĩ ấy buột ra. Với Phật tổ, ý nghĩ chính là lời cầu nguyện. Mình nghĩ vậy chẳng phải là một lời nguyền rủa hay sao ? Nếu thế thì vợ hắn còn cầu làm chi nữa. Mô Phật, con nghĩ vậy nhưng không phải vậy đâu. Vợ con chẳng qua cũng chỉ gặp kiếp nạn.
Đó là ngày rằm tháng tư, tức là ngay sau cái đêm hiếm hoi vợ chồng hắn cùng bắc ghế ra sân ngồi ngắm ngôi nhà xây táp-lô, cùng nghĩ về tương lai lâu dài của cuộc sống và cùng bất chợt nhớ đến Phật tổ để cùng nảy ra ý nghĩ đi cầu tự như các lão bố ngày xưa. Cái đêm mười bốn âm lịch đó, nếu không phải Phật chỉ đường thì chính các lão bố ấy hiển linh xui khiến.
Xong việc cầu tự trong chùa, theo sáng kiến của Thõn hai vợ chồng tạt lên mấy quán bán đồ ăn chay chọn mấy món rất đặc biệt. Đùi gà, chả rán, thịt kho tàu..Tất cả được làm từ bột chế biến y chang như thịt thật, ngay cả mùi vị cũng khó mà phân biệt thật giả. Thõn ghé sát vào tai Quả khúc khích: em bồi dưỡng cho đêm ni đó, cố gắng lên hí. Quả đỏ dừ cả hai vành tai.
Đêm rằm có kiêng cữ "chuyện ấy" không, cả hắn và vợ hắn đều không biết. Có ai dạy cho mà biết. Bọn hắn đi cầu tự về chỉ nghĩ duy nhất một điều phải mau chóng thực hiện lời cầu nguyện. Ăn cơm tối xong, loáng quáng một chút là tắt đèn. Hắn vội vã chồm người lên thân xác vợ như con bò đực hám nái. Thõn dùng cả hai tay xô hắn ra. "Khoan đã nào, làm vội thế không chắc ăn đâu" "Làm thế nào mới chắc ăn?" "Phải để cho em lên đã" "Là làm thế nào?" "Đúng là ngố, không biết kích thích cho vợ à?". Hắn khẽ cười trong bóng tối. Mà cũng không biết có phải là cười hay nhăn nhó, hay kinh bạc? Nhưng hắn vẫn làm những động tác thừa thãi. Hắn quờ quạng mấy ngón tay, day day rồi xoa xoa, rồi dùng cả cằm, cả mồm mà ngoạm..Hắn nghĩ ác, phen này cho mày phát điên lên mới thôi. Nhưng con vợ hắn đã không phát điên lên vì hưng phấn mà điên tiết bởi sự thô kệch của hắn. Thõn xì một tiếng như đuổi gà : Thôi, làm quách đi cho xong!
Hắn chồm lên, nhắm mắt...chỉ vài giây đã xong. Thõn thở dài ngán ngẩm. Vợ hắn là người đàn bà giàu kinh nghiệm. Ả biết thế là thất bại.
Tối hôm sau, có lẽ vì đã hết mấy món ăn chay nên hắn mất cả hứng. Vợ hắn cũng chán, cho nghỉ khoẻ. Nhưng mờ sáng, khi còn nằm trên giường, Thõn lại bảo : " sáng nay em phải đi sớm." "Đi đâu ?" "Đi hội diễn với ngành Y tế" "Chẳng phải y tế đã hội diễn tháng trước rồi sao?" "Đó là cấp tỉnh. Điệu múa em dựng cho bệnh viện mình đoạt giải nhất nên được Sở Y tế chọn đưa đi tham gia cụm miền Trung. Nếu thắng ở cụm có thể được thi chung kết toàn quốc tại Hà Nội nữa.." Quả thở dài đánh thượt một cái: "Ôi dà, hát với múa.." Thõn khó chịu: "Hát múa làm sao?" "Ờ, có sao đâu, đi mấy hôm ?" "Có lẽ phải tới chục ngày". Hắn không nói gì, chỉ khẽ thở nhẹ một tiếng. Với hắn việc vợ đi xa không hẳn là chuyện buồn. Nằm rán thêm một lúc nữa, bất ngờ Thõn quay nghiêng người ôm lấy hắn : "Không tạm ứng à ?" Hắn phì cười. Kể ra cũng muốn, nhưng...Bất giác hắn xoa tay xuống dưới, cơ thể hắn chưa sẵn sàng. Thõn lại rúc đầu vào giữa ngực, cù cù : " Sao, trên bảo dưới không nghe hả ?" Giờ thì hắn cười to, cười như một sự nhận tội. Thõn chuồi bàn tay xuống, hắn bỗng thấy rùng mình, da thịt phút chốc rân rân . Không hiểu sao hắn lại nhớ tới chuyện mà mấy lão già trong làng Cau kể về đám con gái ngày xưa hay mân mê chiếc chốt giữa cối xay. Hắn cười. Vợ hắn cáu : " Cười chi, tập trung vào!" "Ừ thì tập trung". Hắn không dám nghĩ lung tung nữa, mắt nhắm nghiền, tay cũng chuồi xuống, lần mò phía đùi Thõn...
Dù sao thì bọn hắn cũng còn trẻ nên chỉ sau mấy phút mọi chuyện đã diễn ra như ý. Hoàn thành công việc, cả hai cùng dậy rang lại cơm nguội, ăn qua quýt rồi đường ai nấy đi. Thõn theo xe Bệnh viện huyện vào phía nam tham gia hội diễn. Quả lại lên văn phòng ngồi, nếu không có việc gì đột xuất thi mang giấy bút ra tập luyện chữ.
Những chuyện ấy tui hoàn toàn không can thiệp vào. Tui bắt buộc phải biết hết mọi chuyện vì tui ở trong bụng hắn. Nhưng tui không có cảm xúc gì hết, không vui, không buồn, cũng không muốn đoán trước việc gì sắp xẩy ra. Đơn giản vì tui tuy có chung mạch máu với hắn nhưng lại có một trái tim riêng. Trái tim tui không như tim bọn sống ngoài đời, không giận hờn mà cũng chẳng yêu thương, không ao ước hay chờ mong bất cứ điều gì hết.


Đăng ngày 09/12/2009
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Nico - 09/12/2009

Trái tim tui không như tim bọn sống ngoài đời, không giận hờn mà cũng chẳng yêu thương, không ao ước hay chờ mong bất cứ điều gì hết
Hay quá rồi Lão Trang ơi, bọn ngoài đời giờ cũng không giận hờn mà cũng chẳng yêu thương, không tin gì, mong gì và cũng không chờ đợi điều gì hết. Lão ngẫm xem!

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan