Saturday, October 3, 2015

Kẻ song sinh - Chương 9


Tác giả: Xuân Đức

Xuanduc.vn: Đau mắt suốt cả tuần không lên máy được. Hôm nay tạm đỡ, post tiếp một chương KSS nữa. Mà có lẽ cũng chỉ đưa 1 chương này nữa thôi, được 2/3 cuốn rồi, đăng cả thì ngán lắm. Bạn bè nào có hứng thú, chờ sách in nhắn tới mình sẽ tặng.

Chương chín 

Trong số họ ai là tâm Xà, ai là tâm Phật? 

Quả rời bệnh viện dọn ra khách sạn Hồng Đăng, tắm gội xong thì cũng gần trưa. Anh không ăn cơm mà ra ngay hè phố cạnh đó gọi một bát phở tái chín. Ăn xong anh trở lại phòng nằm yên bình trên chiếc giường lót nệm cao và trải tấm ra màu hồng nhạt, mắt khép hờ. Tất cả mọi sự chuyển động anh thực hiện một cách chậm rãi, an nhàn như là một cách để thư giãn. Rồi không hiểu sao, một ý nghĩ mù mờ xuất hiện trong trí não anh. Giả sử mình chết mà được nằm trên một đệm dày và tấm ra màu hồng thế này thay vì bó chặt bằng thứ vải trắng thô thì tuyệt vời biết mấy. Quả ngồi dựng dậy. Hỏng, làm sao cái ý nghĩ quái đản đó lại xuất hiện trong óc mình?

Quả với tay lấy chiếc máy điện thoại, bấm số máy của Ủy ban Kiểm tra…Nhưng không hiểu sao anh vẫn ngập ngừng chưa ấn nốt gọi. Cuối cùng Quả lại tắt luôn nguồn pin, vùi máy xuống dưới gối. Anh vẫn chưa sẵn sàng.

Có tiếng gõ cửa. Ba tiếng gõ giật, tiếng gõ có vẻ thô bạo. Ai nhỉ? Một thoáng lo âu xen chút bực mình. Nhưng Quả vẫn chậm rãi ra mở cửa.

- A… trời ơi, thủ trưởng! Quả kêu to lên một tiếng rồi cứ đứng đực ra ngay chính giữa cửa mở tròn đôi mắt ra mà nhìn Đắc. Đúng là Đắc. Trong giây lát, một loạt câu hỏi vụt hiện lên trong óc anh. Tại sao ông ta biết được mình ở đây? Đứa nào đã dò ra được địa chỉ mình mau lẹ như thế? Ông ta đến lúc này có mục đích gì? Đắc đưa bàn tay to bè ra gạt Quả sang một bên rồi tự tiện bước nhanh vào phòng đảo mắt lướt nhanh một vòng như một nhà trinh thám. Rồi ông hất đầu về phía cửa nói như ra lệnh:

- Đóng cửa lại đi!

Quả chấp hành ngay lập tức như thể anh vẫn còn là thằng Tiểu đội trưởng đứng trước Tiểu đoàn trưởng năm nào. Hai người ngồi xuống chiếc bàn nhỏ kê sát tường. Quả xóc ấm pha trà. Đắc nói ngay không cần thăm dò ý tứ.

- Một thằng chuyên viên trong đoàn công tác đã gọi điện thoại nói chỗ ngoại trú của cậu…

- Nhưng… Quả ngơ ngác ngước nhìn Đắc- Em đã báo cho họ đâu.

Đắc nhếch mép gần như cười:

- Ngây thơ quá ông Chủ tịch ơi. Nhất cử nhất động của ông ở ngoài này đều được giám sát hết.

- Ai giám sát?

- Đúng là… cậu chưa đủ kinh nghiệm làm chính trị. Thôi, mặc kệ chúng nó. Cái quan trọng mà mình muốn trao đổi với cậu là sáng mai khi làm việc với tổ công tác cậu cần nói gì, nói thế nào? Vì lý do đó mà mình phải đến đây.

Quả chắt nước ra hai chén, động tác vẫn rất chậm rãi. Đầu óc anh đang ong ong câu hỏi, vì sao ông ta lại đến với mình? Chẳng phải mình chính là kẻ đã ngồi lên chiếc ghế của ổng đó sao? Hình như Đắc đã đọc được ý nghĩ đó của Quả.

- Cậu đừng nghĩ ngợi gì chuyện đã thay ghế Chủ tịch của mình. Chúng nó đã hất mình đi, nếu cậu không ngồi thì thằng khác sẽ ngồi. Ông bà nói: ca ăn còn hơn cu ăn…(cho gà ăn còn hơn để chim ăn). Vấn đề cậu cần hiểu vì sao dạo đó ông Sò lại để cậu thay mình chứ không phải thằng Tuấn? Cậu hiểu không?

Quả lắc đầu.

- Đó gọi là muốn ăn gắp bỏ cho người. Nếu hồi đó lão ấy vội vàng đưa ngay thằng Tuấn lên chắc chắn sẽ bị dư luận trong tỉnh và Trung ương đặt nghi vấn về chuyện bè phái, cục bộ. Mà khi nước cờ thằng Tuấn không thắng thì tất yếu cha Mẫn bên cánh lão Ước sẽ tiếm ngôi. Lúc đó coi như thế cờ sẽ an bài, phía lão Sò không còn tìm ra lối để tiền nhập. Cậu là nhân vật trung dung, không có lợi cho cánh ông Sò lâu dài nhưng trước mắt cũng chưa có hại. Mình nói vậy là để nhắc cậu phải tỉnh táo, đừng mắc bẫy chúng nó. Chúng nó đặt cậu lên chỉ là bước đệm, thực chất là chạy rô-đa cho cỗ máy bọn hắn mà thôi. Ván cờ hôm nay mới là quyết định.

Không đợi Quả mời, Đắc cầm chén trà đưa lên miệng uống ực một cái. Có vẻ như ông đang rất khát. Quả vội chêm thêm nước vào chén. Đắc lại đưa lên, nhưng lần này không uống vội, ông xoay xoay chén nước trên đầu mấy ngón tay, ánh mắt vằn lên đầy vẻ quyết chiến.

- Nói thật với chú mày, tao không phải đứa tham quyền cố vị. Mấy lại hiện tại tao cũng đàng hoàng ở cơ quan Trung ương, nếu nói đến vị thế thì còn lợi hại hơn làm thằng Chủ tịch ở cái tỉnh lẻ. Nhưng tao thật sự thấy không cam tâm vì bị bọn tiểu nhân chơi xỏ. Cả một đời trận mạc, bom đạn như mưa chẳng làm tao sứt vi trầy vẩy. Cả khi bị bọn Mỹ vây kín bốn bề tao cũng biến thủ thành công, biến bại thành thắng. Thế mà nay lại rơi vào bẫy chúng nó… Mày có biết vì sao mình lại có thể thất bại dễ dàng thế không? Là vì mình tin vào anh em, đồng chí… Nếu xung quanh mình mà là thằng Mỹ, thằng Ngụy thử coi, đời nào tao lại trở nên ngớ ngẩn như thế.

Quả không dám nhìn thẳng vào mắt Đắc, anh khẽ cúi cúi nhìn xuống, hỏi rụt rè:

- Thủ trường này… anh có đoán được… ai đã tung ra cái tin… thủ trưởng có dính vào chuyện thằng Báng…

- Mẹ kiếp, lúc đầu là do một cái thằng nhà báo bố láo nào đó đưa ra lời dự đoán… Cũng chẳng biết nó nghe hơi nồi chõ ở đâu…

- Nhưng mà… mấy cái bài đó từ năm 1986 kia, vụ án cũng đã khép lại tám năm rồi tại sao bỗng nhiên lại moi ra?

- Thì thế mới nói là thâm hiểm. Mình cũng nghĩ là chuyện đó đã bị vùi vào dĩ vãng rồi. Tám năm chứ có phải ngắn đâu. Không ngờ người ta vẫn âm thầm cất giữ nó... nuôi sống nó trong bụng… càng ngày càng to dần ra mà mình chẳng hay gì hết. Nó cũng y như cái khối u trong bụng cậu đó. Mẹ kiếp… chẳng ai biết trước được hết mọi nạn kiếp trên đời.

Đắc thở dài đánh thượt một cái rồi chớp chớp hai mắt. Lần đầu tiên Quả mới chứng kiến dáng bộ thiểu não như thế ở con người Tiểu đoàn trưởng oai hùng một thời. Bất giác anh cảm thấy mủi lòng.

- Tớ phải thông tin ngay cho cậu mấy việc để cậu biết - Đắc đã lấy lại tư thế của kẻ chỉ huy - Thứ nhất người ta đã biết cậu có quan hệ đặc biệt với thằng Hồng Bàng…

Quả nhổm hẳn người lên:

- Tầm bậy, em là em rất căm ghét thằng ba bớp đó chứ quan hệ đặc biệt cái nỗi gì?

Đắc khẽ nhếch mép gần như cười:

- Có quan hệ, có hiểu biết sâu về hắn thì mới có sự căm ghét chứ.

- Nhưng mà…

- Này, cậu phải bình tĩnh chứ. Cái cách phản ứng xốc nổi ấy không đúng đẳng cấp của một Chủ tịch đâu. Mình nói là có kẻ khác nghĩ thế chứ không phải mình nghĩ. Cậu hãy thoát ra khỏi bản thân cậu, cứ khách quan để nhìn vào mối quan hệ của cậu với Hồng Bàng hí. Đồng hương này, cùng đi bộ đội vào mặt trận BZ với nhau này, cùng mắc kẹt năm sáu năm ở dưới Thuận Thành này. Rồi sau này lại bỗng nhiên trở thành anh em bạn cọc chèo này..

Quả tỏ ra rất khó chịu. Anh không thể kiên nhẫn được nữa.

- Bạn cọc chèo, thật vớ vẩn. Tôi lấy Thõn từ trong chiến tranh ở trên mặt trận BZ, còn hắn lấy dì Thẽn là chuyện sau này, lại ở tận dưới Tam Sa, có dính dáng gì đến tôi.

Đắc bất ngờ nhìn chéo mắt vào mắt Quả. Ánh mắt của người Tiểu đoàn trưởng năm xưa bỗng trở nên sắc lạnh dễ sợ khiến Quả không dám nhìn trở lại.

- Có thật là không có dính dáng gì không?

Mặt Quả bỗng thộn ra, miệng ấp úng:

- Anh… à, thủ trưởng nói thế là… có ý gì?

Đắc bỗng “hừ” một tiếng tỏ vẻ bực bội:

- Quả ơi là Quả! Sao mày lại thế? Mày đã từng nói với tao là bất luận hoàn cảnh nào mày vẫn coi tao là thằng Tiểu đoàn trưởng của mày kia mà, có còn nhớ không? Còn tao nói với mày, dù vật đổi sao dời thì chúng mình cũng là chiến hữu, phải biết bảo vệ nhau, mày còn nhớ không? Hôm nay tao đến là để nói với mày tất cả những gì liên quan đến mày mà phe ông Sò đã nắm được để mày lo liệu chứ có phải là tao truy bức mày đâu. Tao truy mày để được cái gì. Hiện thời tao cũng yên vị với cái hàm vụ trưởng của một Ban ngoài này rồi, có phải ôm mộng quay trở lại ghế Chủ tịch đâu. Dẫu tao có mộng đó thì chuyện ấy cũng chẳng bao giờ xẩy ra, đúng không?

Xổ ra một tăng lí lẽ dạy khôn cho đệ tử, Đắc thấy ngấm mệt, ông uống ực một hơi trà rồi tự tay rót thêm chén khác.

- Cậu hãy nhớ, nói với mình thì không sao, nhưng với người khác thì đừng kêu lên là có dính dáng hay không dính dáng. Ở trong tỉnh có người đã biết chuyện cậu lòng thòng với vợ thằng Bàng… cả cái chuyện con Thõn vào Sài Gòn sinh con nữa… Đó, tao biết được gì nói hết cho mày, khôn hay dại thì mày tự tính lấy.

Như có tiếng sét choảng đúng vào tai, Quả ngồi chết lặng, đầu ù đặc không còn có một ý nghĩ nào cựa quậy được nữa. Làm sao mọi chuyện đó người ta lại biết được? Thật kinh hoàng. Làm đến chức vị này rồi mà vẫn bị giám sát như tội phạm thế sao?

Đắc ngừng lại rất lâu, có vẻ cố tình để cho nỗi bàng hoàng như chất độc ngấm tận xương tuỷ đệ tử rồi mới thong thả giải cứu.

- Vũ khí của cậu lúc này là câu chuyện Mậu Thân, hiểu không? Chính nhờ chuyện này mà động đến Ban Bảo vệ chính trị nội bộ đấy. Tớ biết hiện tại ở trong Thường vụ đã có hai lá đơn. Chắc chắn tổ công tác cũng sẽ hỏi cậu kĩ về chuyện này. người ta sẽ rất quan tâm tới ý kiến cậu bởi vì cậu là người trong cuộc… Nhớ chưa nào? Còn nữa, cậu nên nhớ…

Không… Quả chẳng thể nhớ, chẳng thể nghe nổi điều gì nữa. Sau cái thông tin sét đánh mà vị thủ trưởng cũ đã phủ đầu thì Quả hoàn toàn đờ đẫn, hoàn toàn mụ mị. Mọi sự thông minh sắc sảo tích lũy được từ ngày bước lên hàng ngũ những người có quyền lực bỗng trở về số không. Đắc kiên nhẫn nói, kiên nhẫn phân tích thế cờ hiện tại, mổ xẻ tâm địa người này người khác rồi gợi ý Quả nên phải chọc vào điểm yếu này, lợi dụng thêm đồng minh nọ… vân vân, nhưng Quả không nghe lọt được gì hết. Có thể nói cái thành trì xây đắp bấy lâu nay trong anh chưa bị đánh đã đổ sập, mặt trận chưa nổ súng nhưng Quả gần như đã kéo cờ trắng đầu hàng.



*



Làm sao? Làm sao họ lại biết? Hắn cứ dằn vật suốt đêm duy nhất một câu hỏi. Rồi hắn nghi ngờ, hắn nghĩ ngợi mung lung, lướt trí nhớ một vòng tất cả những bộ mặt quen thuộc để cố dò xem trong số đó đứa nào phản bội hắn. Tui cảm thấy lo lắng thật sự. Không phải tui sợ hắn nghi tui. Dù hiện tại hắn đã biết có tui trong đời hắn nhưng chắc chắn hắn vẫn không thể tưởng tượng được là mọi chuyện của hắn tui đều tỏ tường. Mà dẫu biết thì hắn cũng không thể nghĩ tới việc tui có thể mách lẻo chuyện hắn với người ngoài. Lời nói của tui chỉ duy nhất mình hắn nghe được thôi. Điều tui lo sợ là thằng em tui không chịu nổi cú choáng này, sẽ trở lại nguyên hình thằng Quả thời thơ dại, ngu ngơ, đù đờ và cả tin. Nếu vậy thì uổng phí biết bao công sức tui hàng chục năm nay thay Bồ tát mách nước, chỉ bảo, đỡ nâng hắn từng ngày.

Không phải tui, đương nhiên rồi, vậy thì kẻ nào? Hắn không biết mà tui cũng thật sự không nghĩ ra. Nếu biết được thì tui đã mách cho hắn.Tui đành khuyên hắn, hãy bình tĩnh, những lúc thế cuộc càng rối thì lòng mình phải càng tịnh. Hãy nhập thiền, định tâm rồi suy nghĩ lại, cố lần dở lại kí ức của mình. Trong hỗn độn kí ức đó chắc chắn sẽ bắt gặp kẻ đểu cáng hiện hình.



Đúng là Quả vẫn còn quan hệ với thằng Báng, nhưng là mối quan hệ ghen ghét, truy sát chứ không phải chiến hữu. Thực lòng Quả không hiểu được vì sao mình lại ghét thằng Báng? Tư thù tư oán cũng không, lật lọng hại nhau cũng không. Thậm chí nếu thật công bằng mà xét, thằng Báng còn có ơn với Quả nữa. Tờ giấy chứng nhận mà Báng viết trong sự đắc ý rất khó chịu trước mặt Quả ở đội du kích Thuận Thành về sau rất có giá trị trong hồ sơ lí lịch của anh. Những chuyện Báng nghe lõm rồi lươn lẹo ba hoa kể cho người khác hóa ra đã tạo cho Quả một nền tảng vững chắc trên con đường công danh sau này. Vậy thì có lí do gì để Quả căm ghét nó. Cũng có nhiều đêm Quả tự đặt ra câu hỏi như vậy nhưng lại không tìm ra câu trả lời.

Nhưng tui thì biết. Đó là một sự ghen tuông nhỏ nhen từ trong sâu thắm của trí óc, từ tít tận tuổi thơ bị lép vế ở thôn Bàu, từ sự mặc cảm của một thằng đần độn luôn bị kẻ khác lừa dối, coi thường đứng trước một kẻ lõi đời lúc nào cũng tự mình luồn lách lừa kẻ khác để vượt lên. Đó là cái lí sâu xa. Còn lí do gần là sự sợ hãi của kẻ không chính danh rất sợ lòi đuôi chuột. Mặc dầu thằng Báng không hề xuất hiện ở khu di tích hoặc ở trên tỉnh nhưng Quả vẫn sợ. Hắn vẫn muốn cái thằng ba bớp ấy mãi mãi mất tích trên cõi đời này. Mô Phật!

Nhưng bây giờ điều hắn còn kinh sợ hơn chuyện người ta đã phát hiện ra quan hệ dây dưa với Báng hay sau đó là lòng thòng với Thẽn, vợ Báng, là việc chính hắn vì muốn dồn Báng vào chỗ chết đã vô tình đẩy Đắc, người chiến hữu tâm giao nhất, vị Chủ tịch lúc nào cũng nâng đỡ che chắn cho hắn phải rơi vào cạm bẫy, rồi còn liên luỵ đến vị “giáo sư” thật dạ cả tin, kẻ đã dọn cỗ cho hắn thoả thế hưởng lộc đã sớm phải đắng nghẹn tâm can lui về mảnh nhà vườn ngâm nga nhạc Trịnh. Liệu những chuyện như vậy Đắc có biết không? Nếu biết sao hôm nay ông ấy không xổ ra, không xỉa tay vào mặt hắn mà chưởi, lại còn mách bảo đường đi nước bước cho hắn. Hay đây cũng là một cái bẫy để trả thù. Hắn cảm thấy lo âu và hoang mang đến cực độ



Những tháng cuối đông năm 1985.

Dự án tôn tạo khu di tích Thuận Thành đã được khởi công nhưng lại gặp bất lợi vì thời tiết. Mùa đông xứ trung Trung Bộ này được gọi là thứ mùa lầy nhầy. Bầu trời lúc nào cũng sầm sịch, ủ dột. Còn mặt đất thì nhão nhoẹt nước. Nói một cách tổng quát từ tháng mười âm lịch trở đi, không gian trên toàn rẻo đất này là âm u và lạnh lẽo. Từ người công chức ở công sở đến tiểu thương chốn chợ búa, từ hàng trăm công ty to nhỏ hành nghề xây dựng đến hầu hết nông dân các làng quê, nhất là người dân xứ biển đều có chung trạng thái trễ nãi. Tuy nhiên, riêng cái mùa đông năm “tám lăm” và có lẽ cũng chỉ riêng rẻo đất của cái tỉnh lẻ này lại đang hừng hực một không gian nóng. Bàn dân thiên hạ thì xôn xao, thầm thì đồn thổi. Cơ quan lãnh đạo và quản lý họp hành, giao ban liên tục, có cuộc họp kéo dài đến hai ba giờ sáng. Các lực lượng quân đội, công an, biên phòng thì bí mật điều động quân di chuyển suốt đêm. Du kích các xã trọng điểm cũng được đặt trong tình trạng báo động chiến đấu, ăn ngủ tập trung.

Thế mà Trưởng ban Quả chẳng hề biết gì hết. Phần vì Quả vẫn đang say sưa bởi những may mắn cứ như lộc trời rơi xuống quá bất ngờ và ngọt ngào như thể đang ngủ mơ, phần nữa anh lại bị hút hồn vì lo lắng, lo đến mất ăn mất ngủ bởi tự hiểu khả năng điều hành dự án của mình. Nhưng nguyên nhân cốt lõi nhất là Quả vốn là con người chậm hiểu, dẫu so với thời ở rừng nay anh đã tiến bộ bội phần, nhưng so với cuộc đời đang xáo động xung quanh Quả vẫn là một gã nhà quê khờ khạo.

Cho đến một buổi chiều, lúc ấy có lẽ cũng chỉ khoảng bốn giờ nhưng trời đã mờ mịt, chiếc xe con màu đen của Phó Chủ tịch Đắc đỗ xịch ngay trước cửa lán của Quả. Trong lán tốp thợ nề đang xúm xít quanh cỗ bài. Những ngày mưa ở công trường chỉ có thú vui chơi “phỏm” mới đủ sức xua đi phần nào cái không khí chán nản và rệu rã. Quả không biết chơi “phỏm” nhưng lúc nào cũng ngồi chầu rìa cho đến tàn canh bạc.

- Có cậu Quả đây không mấy chú?

Đắc đã đứng lừng lững ngay trước cửa lán. Đám thợ có vẻ chẳng mấy quan tâm đến vị thế ông Phó Chủ tịch, chẳng ai chào lại hoặc đứng lên trả lời. Nhưng Quả thì khác, anh bật dậy rất nhanh, tiếng đáp “có” nghe giòn như thủa còn là chiến sĩ liên lạc. Quả lao ra khỏi lán, bắt tay cấp trên rồi đảo mắt nhìn một vòng:

- Thủ trưởng xuống kiểm tra tiến độ à? Thời tiết chán quá thủ trưởng ơi..

- Tớ kiểm tra làm cái đếch gì, trách nhiệm này thuộc khối văn xã. Mình mới đi công tác về, nhớ cậu xuống chơi thôi. Này, cái quán dê lần trước, buổi chiều có bán không?

- Dạ có chứ.

Quả dẫn Đắc đi nhanh ra phía dãy lều quán ở cuối con đường đất sỏi lồi lõm những vũng nước. Chiếc xe đen cũng rồ máy lắc lư chồm lên theo sau. Họ khom người chui vào quán.

Khi đã chọn được một chỗ ngồi khuất vào phía trong, cạnh một cửa sổ của tấm phên liếp, Quả gọi chị chủ quán ra, ghé tai hỏi nhỏ: Có còn bộ “tam sự” nào không? Chị chủ quán nheo mắt cười: May cho chú, vừa mới kiếm được. Ôkê đi, hấp cho thật nóng hí. ÔKê!

Một loại ngôn ngữ nếu không phải dân sành điệu món dê thì chẳng thế nào hiểu được. Quả biết rất rõ món khoái khẩu của Đắc, ấy là cái bộ dương vật của loài chiến đấu vô địch này. Khi vào quán dê nhiều khách gọi tên món đó là món phụ tùng, nhưng không hiểu bắt đầu từ đâu, mấy cha cán bộ vùng này lại kêu bằng bộ “tam sự”

- Cả tuần rồi không thấy thủ trưởng xuống chơi? Quả vừa lấy giấy miết vào hai đôi đũa vừa đưa mắt dò ý Phó Chủ tịch. Đắc nói uể oải.

- Bận quá, mà cũng mệt rã rời chân cẳng, chẳng muốn đi đâu.

- Lại họp hành, hội nghị chứ gì, em là em khâm phục các xếp…

- Họp, giao ban, rồi lại lao đi lặn ngụp dưới địa bàn… Cả tuần này tớ chưa ngủ được lấy một đêm ngon giấc.

- Nhưng… bữa ni đâu phải thời vụ?

- Không thời vụ sản xuất nhưng lại thời vụ bọn vượt biên.

Quả nhổm cả người lên phía Đắc:

- Vượt biên?

Đắc nhấp chén rượu lên môi, khà một tiếng rồi thì thầm:

- Không ngờ tỉnh mình lại trở thành trọng điểm. Mấy tỉnh phía ngoài cũng có, phía trong nam cũng có, nhưng chẳng nơi đâu xao xác, nườm nượp như chỗ mình.

Đôi mắt Quả chớp chớp:

- Thế ư?

- Cậu ngồi một xó ở đây chẳng hiểu chuyện gì đang xẩy ra đâu. Cậu khó mà hình dung được, thời bình rồi mà bọn tao cứ y như dạo còn hoạt động trong ấp chiến lược. Về chỉ đạo ở xã nhưng không bao giờ ngồi tại trụ sở xã, ban đêm tao đặt sở chỉ huy tại một lán bán cá bỏ không sát mép biển. Anh em du kích, biên phòng và công an thì bí mật lần mò gặp từng cơ sở để nhận tin… Chẳng khác gì dạo vượt sông vào nội đô cả.

Quả cũng bỗng thấy hồi hộp, anh dí sát mặt vào Phó Chủ tịch, thì thầm:

- Địa bàn nào mà ghê gớm vậy, thủ trưởng?

- Tam Sa.

- Tam Sa?

- Toàn tỉnh cũng có nhiều bãi, nhưng trọng điểm là Tam Sa, đúng địa bàn mà tớ trực tiếp chỉ đạo. Khốn nạn thế chứ…

Tam Sa! Hai tiếng đó bất ngờ đóng đinh vào óc Quả. Tam Sa…Chưa bao giờ anh đến đó, chưa hề biết về cái xóm biển xa xôi đó… Nhưng cái tên ấy thì lại quen, rất quen, cứ như thể anh đã từng vật lộn với nó. Quả đã nhớ ra, nhớ lại cái điều mà anh đã rất ngờ ngợ khi nghe câu chuyện như một truyện cổ tích nói rằng nhờ nhặt được một cánh tay mà thằng Báng đột ngột giàu lên..Lúc mới nghe Thõn kể Quả đã thấy khác thường, không phải vì anh thông minh, nhạy cảm, mà đơn giản chỉ vì tất cả những gì dính líu đến thằng Báng anh đều nghi ngờ.

…Suốt cả bữa nhậu, rất nhiều lần Quả muốn lên tiếng nói về Báng, nhưng không hiểu sao vẫn không mở miệng được. Đắc cũng chẳng hồ hởi gì đến chuyện truy bắt bọn vượt biên bởi thực ra cho đến giờ phút này ông cũng chưa lần ra đầu mối nào cả. Câu chuyện mà vị Phó Chủ tịch thường hay dò hỏi Quả mỗi lần có dịp hàn huyên là, mấy cha trong Thường trực có hay về kiểm tra công trình không? Dạ, thỉnh thoảng thôi ạ, Quả trả lời. Cha Ước có về lần nào không? Dạ Bí thư chưa về lần nào cả. Thế còn Phó Bí thư? Dạ, bác Sò về ba lần rồi. Thế hả, cậu có nghe lão ấy nói gì tớ không? Dạ không. Mà nói gì ạ? Thì nói… nghĩa là nhận xét ấy. Mà này, cậu với tớ là chiến hữu, nếu có thông tin gì phải cho chiến hữu biết ngay nhé. Dạ, tất nhiên rồi.

Một xị rượu gạo đã cạn. Làm xị nữa thủ trưởng hí? Thôi, tớ hơi mệt, bai đây.

Đắc chui người ra quán. Cậu lái xe tiếp bước theo liền. Chiếc xe đen nổ máy, bật đèn gầm gừ tiến ra con đường đất.



*



- Tại sao một chuyện cần mở miệng mau lẹ như vậy thì mi lại ú ớ như gà mắc tóc rứa?

- Mình chỉ nghi nghi vậy thôi, đã chắc chi…Lỡ như hại nhầm người vô tội thì sao?

- A di đà Phật! Lòng mi đã hoá thành lòng Bồ tát thiệt rồi sao? Là Bồ tát sao mi còn nói dối? Bao nhiêu công trạng, bao nhiêu chiến tích oai hùng ở mặt trận Thuận Thành là do mi làm nên, là do mi tận mắt chứng kiến thiệt sao?

- Không… Tao có nói dối, nhưng nói dối lương thiên, đâu có hại gì ai?

- Mô Phật, lại còn có thứ nói dối lương thiện nữa cơ đấy. Nhờ nói dối nên mi mới nhảy tót vào được cái Ban quản lý di tích này, được cầm trong tay tiền tỷ để vung vẩy. Dân làng mình vẫn nói, đặt xuống là đất, cất lên là ngói. Từ cái hôm được quản lý dự án, bao nhiêu Công ty xây dựng đến thăm mi, mỗi thằng Công ty nó “tình cảm” với mi những cái phong bì nặng chịch, mi tự thấy có lương thiện không? Rồi nữa, cái chỗ của mi hiện thời vì có ăn, có nhậu, bia bọt lúc nào cũng tràn trề nên đã trở thành nơi tụ hội, lôi kéo phe này cánh kia. Ai đến mày cũng ngọt lời đưa đẩy… Mi tự thấy như vậy là có lợi hay có hại?

- Ai bảo chúng nó lắm chuyện, chúng nó tự mò đến chứ tao có lôi kéo đứa nào đâu.

- Hay cho câu chúng nó tự mò đến. Dân làng mình vẫn nói, thớt có tanh tao ruồi mới đậu. Mi thử nghĩ coi, giả sử đến lúc nào đó, mi bị hất cẳng khỏi cái ghế quản lý dự án thì thử hỏi còn có ma nào mò đến mi. Không chừng lúc đó mi lại lò mò tìm đến đám hảo hán đó kêu van nhưng lại bị chúng tống ra khỏi cửa.

- Tại sao không dưng tao lại bị hất khỏi ghế? Tao có hại ai đâu?

- Lại thế rồi. Tao hỏi mi, giả sử một ngày nào đó, thằng Báng trời đánh không chết ấy lù lù xuất hiện, với cái lưỡi lươn lẹo của nó, nó kể vanh vách về mi. Liệu cái miệng ú ớ của mi có địch lại không?

Tui nói đến đó thì thằng em tui tịt mồm. Rõ ràng tui đã chọc trúng nỗi sợ chập chờn bấy lâu trong bụng hắn. Thằng Quả ngồi dựng dậy như thể bỗng dưng nhìn thấy thằng Báng lừ lừ trước mặt, mồ hôi rịn ra lấm tấm trên trán. Hắn ngồi vậy một lúc khá lâu rồi bất giác thở ra một tiếng rất dài, hai tay chấp phía trước. A di đà Phật! Tui biết thằng em tui đã giác ngộ.



Sáng hôm sau, Quả dậy rất sớm. Anh cảm thấy nhẹ nhõm thân xác, minh mẫn đầu óc một cách lạ thường. Ăn bát bún có khoanh giò to bự ở quán mụ béo, đổ đầy xăng vào chiếc Honda dam đời 78 rồi từ từ tiến ra khỏi con đường đất sỏi lầy nhầy nước, thẳng hướng về phía đông…

Lần đầu tiên Quả nhìn thấy biển. Anh đứng ngẩn ra rất lâu trước cái bể nước tít mù xa xăm sủi bọt đen sì và bất giác nhớ về cái bàu nước đọng bí bức nơi làng Cau, nó mới bé nhỏ làm sao, tội nghiệp làm sao, nó cũng có sủi bọt nhưng chỉ vào những chiều tức giông hoặc sau một cơn mưa rào bất chợt. Vậy mà cái bàu nước ấy đã nhận ngập suốt cả tuổi thơ anh trong nơm nớp sợ hãi. Thì ra trên thế gian này còn có nhiều cái đáng sợ hơn, ghê gớm hung tợn hơn mà mãi tới hôm nay anh mới được nhìn thấy.

Hỏi lui hỏi tới gần chục lần những người gặp lác đác dọc con đường sục cát ven biển, Quả mới tìm được Tam Sa. Lại thêm lần nữa, anh đứng ngẩn người. Như thế này mà gọi là làng ư?

Lum khum chen lẫn với những gốc phi lao cụt ngọn là những ngôi nhà, nói cho đúng là những chiếc chòi, bé đến mức không thể bé hơn được nữa, hầu hết mái lợp bằng tôn cũ hoen rỉ, đen xịt, còn bốn phía được táp bằng đủ loại vật liệu, liếp tre có, lá dừa có, cả bẹ lá đùng đình nữa. Phi lao dọc các triền cát đã bị cụt đầu vì bom đạn hoặc do người đốn chặt để làm cột nhà hoặc củi đun, số còn lại rất lưa thưa. Nhưng nhà ở còn lưa thưa hơn. Đường đi lại trong thôn là những lối mòn sục cát. Mùa mưa, chẳng nhìn thấy hình dáng con đường mòn nữa mà chỉ còn lại vệt hằn sâu, lổ đổ dấu chân người to bè đùn cát ra hai bên.

Hỏi kỹ mới biết Tam Sa không phải là làng mà là một xã có bốn thôn: Tam Sa đông, Tam Sa tây, Tam Sa nam, Tam Sa bắc. Trụ sở xã không tọa lạc ở trung tâm mà thụt lùi sâu vào bên trong cồn cát thứ ba. Đứng ở trụ sở xã không thể nhìn thấy biển, chỉ nghe tiếng sóng ì oạp phía bên ngoài suốt đêm suốt ngày tạo nên một điệp khúc buồn của dãy cát bãi ngang.

Ngôi nhà trụ sở Ủy ban đáng được coi là ngôi nhà bề thế nhất xã. Bốn phía xây tường gạch nhưng không trát vữa áo, mái cũng được lợp bằng tôn cũ rỉ rét. Nhà xây dài như một nhà kho chia thành nhiều phòng, trên cửa mỗi phòng đều có gắn bảng chữ ghi chủ nhân ngồi bên trong. Phòng Công an xã ở cuối cùng phía tây nhưng đã được ngoắc vào một ổ khóa to bự. Phòng Chủ tịch cũng khóa. Ngoài phòng Hành chính ra chỉ duy nhất phòng Bí thư Đảng ủy là mở cửa. Lưỡng lự một chút, Quả quyết định vào phòng Hành chính.

Một cô gái to béo nhưng lại thấp lùn đang ngồi ngay ngắn ở chiếc bàn gỗ. Thấy khách lạ, cô gái nhíu chằng cặp lông mày lại vẻ cảnh giác:

- Có việc chi, anh?

- Dạ… tôi muốn tìm anh Báng… xin lỗi, anh Bang… à không phải, là tôi muốn gặp anh Hồng Bàng.

Cô gái mập khẽ nhíu mắt lại, vừa nghi ngờ vừa có cả vẻ khó chịu nữa.

- Xin lỗi, đồng chí ở đâu tới, gặp Trưởng Công an có chuyện chi?

- Sao, anh Bàng là Xã đội trưởng kia mà…

- Đồng chí ở đâu về thế? Chú Bàng làm Xã đội từ nhiệm kì trước kia, nay đã chuyển qua Trưởng công an được gần ba năm rồi mà không biết à?

Quả cười như chữa thẹn:

- Thì ra là vậy. Dạ… tôi là Quả, Trưởng ban quản lý Di tích của Sở Văn hoá tỉnh..

Rất nhanh, cặp môi đỏ chót của cô gái mập nhoẻn ra cười liền:

- Úi, thì ra là cán bộ Sở Văn hoá. Nhưng sao anh không gặp Ủy viên Văn hoá xã mà gặp Công an làm gì ta?

- Dạ, tôi với anh… Bàng là bạn chiến đấu hồi ở chiến trường..

- Rứa ha? Bạn chiến đấu thì… chú ấy chắc sẽ tiếp thôi. Nhưng… sáng nay chú Hồng Bàng không thấy đến cơ quan. Để em hỏi anh Man thử coi.

Nói rồi cô gái chạy vội qua phòng Bí thư Đảng ủy. Nhìn dáng vẻ nhiệt tình của cô gái Hành chính, Quả thấy rõ được vị thế của Hồng Bàng ở đây. Cái câu nói “bạn chiến đấu thì chắc chú ấy sẽ tiếp thôi” đủ để nhận ra sự oai vệ và uy lực của Hồng Bàng đối với cơ quan Ủy ban xã Tam Sa như thế nào. Bỗng nhiên Quả cũng thấy chờn chợn.

Một thanh niên trẻ từ trong phòng Đảng uỷ bước ra đi rất nhanh đến trước mặt Quả, chìa tay ra bắt đầy vẻ nhiệt thành:

- Mời anh qua ngồi tạm bên này uống nước. Sáng nay có lẽ chú Bàng đi địa bàn, chắc cũng sắp về. Tôi là Man, Bí thư Đảng ủy xã…

Quả vừa đi theo Bí thư vào phòng vừa nghĩ, đến người có chức vụ cao nhất ở xã mà cũng gọi Báng bằng chú và nói với giọng thành kính như vậy đã khẳng định cái uy của hắn lớn đến mức nào, lần gặp này phải thật cẩn thận không thể coi thường được.

- Nghe nói đồng chí là bạn chiến đấu với chú Hồng Bàng? Bí thư vừa rót nước ra li vừa hỏi với vẻ thèm muốn.

- Vâng… Hai anh em tôi vừa là đồng hương, vừa cùng nhập ngũ một năm, lại cùng tham gia chiến dịch Mậu Thân…

- Ôi… các chú sướng thật…

- Sướng?

- Dạ, là em nói… có vinh dự tự hào…

Quả cười khẽ, cố tỏ ra khiêm tốn:

- Nhưng tôi còn kém anh Hồng Bàng… Anh ấy là một người… tháo vát lắm.

- Đúng. Cậu Bí thư trẻ hất mái tóc cắt ngắn lên, giọng nghiêm trang- Đồng chí Hồng Bàng là con người trí dũng song toàn, là một cán bộ tận tâm tận lực, là tấm gương sáng cho tất cả anh em bọn tôi cũng như thế hệ trẻ trong xã học tập. Chú Hồng Bàng… cũng như đồng chí là lớp người đi trước, các chú các anh thật… vinh dự tự hào…

Quả khẽ liếc mắt ra phía cổng, hỏi dè dặt:

- Dạ… thường thường khoảng mấy giờ thì anh Hồng Bàng có mặt ở cơ quan?

- Cái đó… khó biết lắm. Việc của Trưởng công an là nắm địa bàn, mà chú Hồng Bàng lại là con người lúc nào cũng tận tụy , sâu sát… Có ngày chú có mặt ở trụ sở khi trời mới tờ mờ sáng, có lúc thì tối mịt, nhiều đêm chú ấy đến làm việc cả đêm rồi lại xuống cơ sở thức cho tới sáng. Tuy là cán bộ đã cao tuổi nhưng sức làm việc của chú Bàng phải gấp mấy đám trẻ bọn tôi… Chú ấy nói là nhờ những năm rèn luyện trong quân ngũ ở chiến trường… Thật vinh dự tự hào…

Nếu là một người khách xa lạ thì chắc chắn hàng tá những lời cảm phục của người Bí thư Đảng uỷ cùng với hàng chục lần vinh dự tự hào của anh ta đã có thể khiến khách hình dung ra chân dung một vị anh hùng ẩn danh nơi xóm biển này, nhưng với Quả những lời tán dương chân thành ấy chỉ càng khiến sự đố kị trong anh thêm sục sôi. Quả làm ra vẻ vô tình hỏi bâng quơ:

- Tôi cũng thật vinh dự tự hào vì có một người bạn như anh Hồng Bàng. Nhưng không biết hoàn cảnh sống của anh ấy thế nào, lâu quá chúng tôi không gặp nhau.

Cậu Bí thư trẻ gật gù đầy vẻ thông cảm:

- Chú ấy đã có gia đình, tuy nhiên cũng hoàn cảnh lắm…

- Hoàn cảnh là thế nào?

Chắt thêm nước vào chén cho khách, giọng Bí thư đột ngột chậm lại đầy vẻ trắc ẩn:

- Cô Hồng Bàng trước kia là một cán bộ ngoài Bắc biệt phái vào đây, cũng thuộc diện sắc sảo và nhiệt tình lắm. Thủa đó bọn tôi còn con nít, rất thích cô ấy tập hát. Nếu điều kiện sống bảo đảm thì chắc cô Hồng Bàng đã trở thành cán bộ lãnh đạo xã rồi. Nhưng sau khi họ cưới nhau được một năm, điều kiện kinh tế quá khó, thành ra chú Hồng Bàng chấp nhận hy sinh một người…

- Hy sinh? Làm sao lại phải hy sinh?

Cậu Bí thư nhoẻn cười rất thơ ngây - Là nghỉ công tác trở thành người bình dân trong xã hội. Lúc đó các chú trong cấp uỷ cũng có lời khuyên can, nhưng chú Hồng Bàng rất cương quyết. Chú bảo, thà một người lo cho một người để toàn ý toàn tâm công tác cách mạng, còn hơn cả hai thành những kẻ chếnh choáng, phất phơ, chân ngoài dài hơn chân trong… Cuối cùng, cô ấy phải một mình dọn lên trên thị trấn mở quán cà phê… Rồi sau hai năm làm ăn trầy trật ở cái thị trấn nhà quê này, nghe nói có người chị gái rủ đi vào trong thành phố lập nghiệp. Bọn tôi cũng chưa có dịp vào thăm chỗ của cô ấy nhưng nghe chú Bàng tâm sự là vào thành phố có khá hơn nên cũng yên tâm. Chỉ tội cho cô chú là giải phóng đã nhiều năm rồi mà vẫn cảnh chồng một nơi, vợ một ngả, cơm niêu nước lọ. Thương hơn nữa là cho đến tuổi này rồi mà cô chú vẫn chưa có cháu…

- À… tôi nghe họ đồn là anh Bàng có nhặt được…

Người Bí thư ngẩng lên nhìn thẳng vào Quả khiến anh vội ngừng lại.

- Ở trên tỉnh vẫn nghe tin đó à?

- Không… không phải trên tỉnh mà là có anh bạn cùng trong làng, gặp nhau nói huyên thuyên thôi… Hoá ra là tin vịt hả đồng chí.

Bí thư nhoẻn cười:

- Vịt là thế nào, chuyện thực trăm phần trăm đấy.

Quả reo lên:

- Thế hả? Chuyện thế nào anh nói cho tôi nghe đi.

- Bình thường. Đây là vùng bãi ngang, dân biển bọn tôi sau mỗi cơn động biển thường ra bãi nhặt được nhiều thứ lắm. Bản thân bố tôi hồi trước cũng lượm được một cái hòm, trong đó bao nhiêu là áo quần.

- Hay nhỉ…

- Nhiều nhà hên hơn vớt được những chiếc hòm chứa đầy vàng lá nữa.

- Thế cơ à…

- Chú Hồng Bàng coi như cũng có duyên số. nhưng chú ấy bảo của thiên nên trả cho địa. Chú ấy định mai táng cả cánh tay và chiếc cặp nhưng…

Quả tỏ ra hồi hộp:

- Nhưng sao?

Người Bí thư khẽ liếc mắt rồi cười tủm:

- Vụ này thì chú Bàng thua phụ nữ..Nghe nói cô Bàng không chịu, chỉ chôn cất cái tay rồi làm mâm cúng thật to, đốt cả một xe giấy áo… Còn cái cặp thì… hì hì... Phụ nữa mà, thôi cũng thông cảm. Bọn tôi thông cảm nhưng chú Hồng Bàng thì không. Sau chuyện đó hình như hai ông bà giận nhau gần một năm. Việc cô ấy chuyển vào trong thành phố cũng có thêm lí do đó nữa.

Quả tỏ ra thích thú, chồm người lên dí sát mặt vào mặt cậu Bí thư trẻ:

- Nghe nói… trong cái cặp xách tay kia toàn là tiền đô ?

- Bọn cháu cũng nghe nói thế.

- Sao? Anh em ở xã mà..cũng chỉ nghe nói thôi sao?

- Thì… chuyện đó nó tế nhị mà chú. Với chú Bàng có lẽ không sao… nhưng còn cô ấy… phụ nữ mà...

Ngồi nấn ná thêm vài chục phút nữa nhưng Hồng Bàng vẫn không xuất hiện, Quả đã cảm thấy uể oải:

- Chắc anh ấy có chuyện chi đó đột xuất rồi… Thôi, đành hẹn khi khác vậy…

Bí thư Man cũng nhăn nhó:

- Lạ thật… hay cơ sở lại có chuyện chi… Hoặc là… thôi chết, cháu nhớ ra rồi. Sáng nay chú Bàng lên tỉnh…

Quả hơi giật mình:

- Lên tỉnh? Anh ấy phải trực tiếp báo cáo công việc với Công an tỉnh sao?

- Đâu có. Chú Bàng thường lên trên đó gặp một ông gì đó thân thiết lắm..Cũng cỡ lão thành cách mạng. Hầu như tháng nào các chú ấy cũng gặp nhau. Bọn cháu cũng chẳng biết đâu… Nghe chú ấy hay kêu bằng giáo sư…

- Giáo sư? Quả kêu to lên rồi bỗng thấy tim đập mạnh. Một nỗi lo sợ bất ngờ ập đến y như ngày xưa nhận được tin giặc càn vào cứ. Bí thư Man nheo mắt nhìn khách:

- Chú cũng biết à?

- Ừ… là bạn chiến đấu trước đây mà…

- Rứa ha? Ôi… thật vinh dự tự hào…

Quả lật đật đứng dậy:

- Thôi… đành để dịp khác vậy… chào đồng chí Bí thư nghe.

Bí thư Man vội vã:

- Ấy… ấy… chú không được về. Cũng đã đến giờ ăn trưa rồi, bọn cháu mời chú ra cái quán gần đây thôi, cứ gọi là cây nhà lá vườn…

- Cảm ơn các anh. Nhưng mình có một cuộc hẹn lỡ rồi.

- Ủa..chú đã về tìm chú Bàng sao còn hẹn hò đâu nữa?

Quả ứng phó rất nhanh:

- Thì cũng chính vì muốn Hồng Bàng có mặt ở cuộc hẹn nên mình mới mò về đây.

- À, cháu hiểu rồi. Chắc là gặp mặt Cựu chiến binh đơn vị cũ?

- Đúng thế. Thôi đành hẹn anh Hồng Bàng dịp khác. Giờ tôi phải về kẻo anh em họ chờ.

Quả chìa tay ra, cậu bí thư trẻ đưa cả hai tay nắm lấy rung rung, miệng cứ lặp đi lặp lại cái câu đầy thán phục: thật vinh dự tự hào..



*



Hắn tự nghĩ cần phải đến gặp Giám đốc Phụng. Tui cũng nhất trí với hắn là phải đến ngay. Hoặc ngay chiều ni khi về đến thành phố, muộn nhất cũng là đêm ni. Hắn lo và tui cũng lo cho hắn. Như vậy rõ ràng bấy lâu ni, thằng Báng đã thường xuyên gặp “giáo sư”, thế nào ông ấy cũng kể chuyện Quả đã được bổ nhiệm quản lý khu di tích, rồi lại kể thằng Quả bữa nay giỏi giang thế nào, được lãnh đạo tỉnh mến phục thế nào. Thằng Báng nghe, lúc đầu thì trố mắt ra vì ngạc nhiên, nhưng sau đó hắn hiểu. Ai thì còn chậm hiểu chứ thằng Báng chưa cần nói hết câu đã hiểu ngay. Hắn sẽ xì môi một cái rõ to như đuổi gà rồi sau đó la toáng lên, các anh bị thằng nhóc con ấy lừa rồi. Tất nhiên Giám đốc sẽ vô cùng kinh ngạc hỏi lại, tại sao lại thế. Và thế là hắn sẽ kể lại toàn bộ sự thật, mà không, hắn còn thêm dấm thêm ớt li kì hơn sự thật, hắn sẽ dựng lên hình ảnh một thằng Quả vừa ngu ngơ vừa cơ hội thuộc loại đốn mạt nhất tỉnh. Giáo sư sẽ ngồi chết lặng. Chắc chắn ông ấy sẽ giận đến tím ruột. Khắp bàn dân thiên hạ dưới gầm trời này ai dám qua mặt “giáo sư” kia chứ. Cái thằng này đúng là coi trời bằng vung. Và thế là hết!



Từ giữa năm nay, chức danh Trưởng ty Thông tin - Văn hoá của Phụng đã được đổi thành Giám đốc Sở. Cái tên Sở cũng được đảo hai chữ Văn hoá lên trước, Thông tin ra sau. Nhưng mọi thứ trong đó thì i xì như cũ.

Giám đốc Phụng ở trong một căn hộ cuối của dãy nhà tập thể. Ngôi nhà nhiều gian này vốn là chung cư của đoàn Phượng Hoàng, một tổ chức tâm lí chiến của Ngụy trước đây. Sau khi thành phố được giải phóng, khu này dành cho tập thể diễn viên đoàn Ca Múa tỉnh. Cách đây ba năm, đoàn Ca Múa nhập với đoàn Kịch trở thành đoàn Nghệ thuật tổng hợp và chuyển về tập trung tại khu đoàn kịch. Khu tập thể này được chia cho số cán bộ cốt cán chưa có đất làm nhà. Phụng thuộc diện ưu tiên số một nên được phân gian cuối cùng, phia bên cửa sổ hướng đông còn có một khoảng không gian rộng gần mười mét vuông đủ cho “giáo sư” chưng cây cảnh.

Về công tác ở Sở Văn hoá - Thông tin gần hai năm rồi nhưng đêm nay mới là lần đầu tiên Quả bước chân đến nhà Giám đốc. Dừng xe ở giữa sân Quả đã nghe vẳng ra khe khẽ giai điệu bài hát Trịnh mà thường ngày vẫn nghe “giáo sư” thì thầm hát một mình. Quả vốn chẳng hiểu gì về âm nhạc, lại càng không biết bài nào là của Trịnh, nhưng chính “giáo sư” đã thuyết trình cho Quả mấy lần. Chẳng riêng gì Quả, cả Văn phòng Sở cũng bị lây nhiễm bệnh mê Trịnh giống ông. Ai cũng thuộc ít nhất dăm bài.

Phòng khách của Giám đốc Phụng tương đối rộng, nhưng vì đồ đạc nhiều nên lại hoá ra chật. Chính diện giữa phòng sát tường trong cùng là chiếc tủ gỗ lồng kính, bên trong tủ chưng la liệt li uống rượu. Có vẻ như chẳng có bộ li cốc nào nguyên bộ, lổn nhổn đủ loại pha tạp vào nhau. Rượu cũng vậy. Một thẩu to màu hồng xẩm, dưới đáy nện dày các loại vỏ cây. Bên cạnh là một chai rượu Tây đen kịt. Cạnh nữa là chai màu xanh cổ cao… Ở cạnh tường tay trái kê một chiếc kệ, trên đó trưng bày rất nhiều tượng. Quả không phải là dân hiểu biết nghệ thuật nên chẳng thấy đẹp đẽ hứng thú gì với những cục nặn vặn vẹo, đen sịt kia. Có lẽ ấn tượng nhất là bức tượng nhỏ tả một cô gái, thân hình rất đẹp nhưng lại ngồi gục mặt như thể đang thất tình. Ở góc phòng phía phải kê chiếc loa và giàn máy các-sét. Những bản nhạc Trịnh nỉ non được phát ra từ chỗ đó.

- Bỗng nhiên lại đi chơi đêm vậy, hay có chuyện chi?

Câu hỏi thay cho lời chào của Giám đốc khiến Quả giật mình. Anh cười cười, dạ dạ một cách vô nghĩa rồi hỏi lại:

- Chị không có nhà hả thủ trưởng?

- À, tìm nhà mình hả? Cô ấy đang soạn bài - Rồi “ giáo sư” quay vào trong gọi to - Em ơi, có khách nè..

Quả vội vã:

- Dạ không… Cứ để chị làm việc. Hôm nay có mấy thằng bạn đơn vị cũ rủ đi chơi biển..Em thấy mực rẻ nên mua mấy con về để thủ trưởng nhấm rượu cho vui.

Nói rồi Quả rón rén đặt gói mực khô mà anh vừa mua ở Tam Sa lên bàn. Phụng tỏ ra cảm động nhưng lại lắc đầu:

- Cái nhà mình không có chi giàu, chỉ giàu mực. Em ơi, chú Quả cho quà nè. Em nướng giúp anh một con để bọn anh lai rai…

- Dạ.

Một phụ nữ dáng thon thả bước nhanh ra. Quả biết chắc đó là chị Quyên, vợ của Phụng. Mặc dầu chưa bao giờ được gặp, nhưng Quả đã nghe cán bộ nhân viên Sở Văn hoá kháo nhau về người phụ nữ xinh đẹp hiền thục và nết na này. Quyên là cô giáo dạy trung học môn lịch sử, nghe nói cũng uyên bác không kém gì “giáo sư”. Nhưng quan trọng hơn sự uyên thâm là khả năng chiều chuộng chồng tuyệt vời. Dân thành phố này có câu nhận định khái quát thế này, “giáo sư” có bao nhiêu người bạn thì ngần ấy ngưòi cũng là bạn tâm giao của Quyên.

Vừa nhìn thấy Quả ánh mắt người phụ nữa ấy lập tức sáng hẳn lên đầy vẻ mừng rỡ, miệng nở nụ cười rất tươi:

- Chú Quả đến chơi hả. Ui cha, lại cho mực. Mực nhà này nhiều lắm, nhậu mãi không hết. Lúc sáng chú Bàng lại vừa mang lên cho… Đúng là nhà mình giàu to rồi...

Quả vội vã vớ lấy cơ hội hỏi luôn:

- Bàng nào hả chị, có phải anh bạn hồi trước cùng ở Mặt trận BZ với bọn em?

- Chị đâu có biết. Hỏi anh Phụng ấy… Là bạn thâm giao của ảnh mà.

Phụng gật gù:

- Chính là cha ấy chứ còn ai nữa.

Quả giả bộ tò mò:

- Không ngờ thủ trưởng cũng nhớ đến anh ấy.

- Sao lại không nhớ được. Hồi ở trên đó, nhờ có cha mà bọn mình lúc nào cũng được ăn tươi. Mình nói thiệt, trong lớp cán bộ ở Cục Chính trị, cha Bang là số một.

Quả vờ làm vẻ quan tâm, hỏi nhỏ:

- Vậy giờ anh Bàng làm gì ở đâu, thủ trưởng?

- Cha làm Công an. Công an chi thì mình cũng chẳng hỏi. Nhưng cha vẫn giỏi, uy tín lắm. Trong lứa cán bộ kháng chiến, mình thấy cha ấy vừa có tâm, vừa bản lĩnh.

- Dạ… em cũng nghĩ vậy. Anh ta nổi tiếng tháo vát…

- Không, chuyện tháo vát chỉ là chuyện vặt. Mình muốn nói đến nhân cách, đến cái tâm của người cách mạng. Nếu cậu gặp cha bữa ni, ngồi chơi với cha vài buổi cậu sẽ học được nhiều thứ lắm. Ừ, mà tại sao tớ lại đãng trí thế nhỉ, mấy lần ngồi với nhau rồi mà quên không nhắc cậu.

“Như vậy là có vẻ thằng Báng chưa nói gì chuyện mình với hắn cùng ở Thuận Thành… chưa dò hỏi gì về mình…” Quả đã cảm thấy dễ thở hơn.

- Chắc anh ta không nhớ em đâu..

- Không, nhắc lại là cha sẽ nhớ. Mà nhớ là cha tìm hỏi thăm liền. Mình thấy cha này có sự quan tâm đến bạn bè một cách đặc biệt. Không những bạn bè, đồng đội cũ mà cả những người trước đây không phải là đồng đội. Mỗi khi nghe mình kể về hoàn cảnh mấy người quen trước đây cùng sống với mình trong nội đô nhưng do hoàn cảnh không lên rừng mà phải ở lại hợp tác với bên kia, cha tỏ ra chăm chú và thông cảm lắm. Bữa ni Đảng, Nhà nước nói khép lại quá khứ, xoá bỏ hận thù, nhưng cán bộ mình có phải ai cũng có được sự cảm thông lớn như cha Bang đâu. Mà cha không phải chỉ cảm thông đầu môi đâu. Có một lần, mình kể cho cha nghe về trường hợp cha giáo sư dạy tiếng Anh cùng trường, trình độ ngoại ngữ giỏi lắm, mình phải kêu bằng thầy, nhưng vì sau Mậu Thân bị ép phải đi làm công việc dịch tài liệu cho Thủy quân lục chiến nên sau giải phóng đã hoàn toàn mất việc phải làm hợp đồng cho Thư viện tỉnh dịch tài liệu, người ta cũng có trả chút thù lao nhưng không được ký tên người dịch. Mình kể cho cha nghe tuần trước thì tuần sau, ông bạn ấy đã tìm đến nhà mình khoe là hôm trước có một anh bạn tên Bàng, nói là bạn của mình đã đến thăm, cho quà cả nhà và nói chuyện rất hay. Có rất nhiều trường hợp như vậy nên mình biết cha Bàng có cái tâm thật quý, đó là tâm nhà Phật, mà cũng là tâm thằng nhà văn. Coi chừng cha này về sau có khi trở thành cây bút đáng nể đó.

Con mực nướng thơm phức đã đưa lên. Giám đốc Phụng kéo cửa tủ lôi ra thẩu rượu ngâm thuốc chắt ra li. Có hơi men vào là “giaó sư” phát tiết. Ông kể lan man chuyện người này qua người khác, mà hầu hết là chuyện những người có cảnh ngộ éo le, đầy trắc ẩn. Quả lờ mờ nhận ra rằng, tất cả những câu chuyện này Giám đốc đã kể nhiều lần cho thằng Báng nghe.



*



Vị “giáo sư” Giám đốc hôm nay chẳng khác gì nhà thơ Phụng ngày xưa ở mặt trận BZ, vẫn nồng nàn lòng yêu nước thương nòi, thăm thẳm niềm trắc ẩn, đau đáu trong tâm can hết thảy mọi số kiếp, phận đời. Thằng Báng bữa nay cho dù khoác lên mình đủ các loại nhãn mác như là Bang hay Hồng Bàng gì đó thì vẫn hiện nguyên hình con Kỳ nhông với bộ da rắn đủ sức thích nghi với đầm lầy hay cát bỏng, vẫn cực kỳ tinh nhạy với mọi sắc màu, dư sức để luồn lách qua mọi lùm bụi gai góc.

Riêng Quả thì có khác. Dẫu bộ mặt thoạt nhìn vẫn thế, da dày, mắt húp, tròng mắt trắng đục, thần thái lúc nào cũng có vẻ ngô ngố, dài dại, nhưng bên trong con người Quả đã có một sự đổi thay căn bản. Dù vẫn chậm chạp và chẳng mấy khi có được một ý nghĩ rạch ròi, nhưng không hiểu từ lúc nào Quả đã có được sự cảm nhận của trực giác. Trực giác thường xuất hiện rất đúng lúc và mách bảo cho Quả nhiều điều lợi hại. Cũng như đêm nay trực giá thủ thỉ với Quả rằng, chính cái thằng Hồng Bàng ranh ma đó là đầu mối cho tất thảy mọi sự tìm kiếm của Ban chuyên án.

Ngay ngày hôm sau Quả đã mang toàn bộ suy nghĩ của mình nói với Phó Chủ tịch Đắc. Làm việc này Quả có hai mục đích rõ ràng, một là giúp “sư phụ” mình lập công để ông ta khẳng định với các cấp lãnh đạo tỉnh vai trò, trí tuệ của một cựu anh hùng trận mạc, chẳng cần bằng này cấp nọ mà vẫn cứ hơn người. Đó cũng chính là cách để Quả báo đáp ơn tri ngộ, nâng đỡ của người thủ trưởng cũ. Lý do thứ hai, mà cái này mới là việc sát sườn thúc giục anh hành động, đấy là thông qua Ban chuyên án để loại bỏ thằng Báng, chí ít cũng để hắn trở lại đúng con người thực, một kẻ cố cùng phải lặn ngụp hết đời dưới xóm vắng, đừng bao giờ bén mảng lên gặp ai ở chốn quan trường tỉnh lỵ. Ngày trước trong con mắt Quả, Báng chỉ là thằng ba bớp rất đáng ghét, nhưng hiện giờ hắn còn là cái gai, là mối họa thường trực đối với sự nghiệp của anh.

Quả đã nói hết với Phó Chủ tịch Đắc sự nghi ngờ và nhận định của mình về Báng. Liền đó anh dặn đi dặn lại, thủ trưởng tuyệt đối không lộ chuyện em đang công tác ở đâu và đã nói chuyện gì với thủ trưởng. Thằng này thù dai lắm. Nó ở cùng làng, lại có chút bà con xa với nhánh trên của họ em. Nó mà phá em từ làng thì vợ chồng em không sao vác mặt về thôn Bàu được.

Trần Đắc cứ gật gù, gật gù, tay vẫn vân vê ly rượu trắng, nét mặt chuyển dần từ tím bầm qua đen sạm, đôi mắt ngầu ngầu sắc đồng thau thỉnh thoảng lại chiếu một cái nhìn vào chính diện mặt Quả khiến anh cảm thấy e ngại. Cuối cùng “sư phụ” đập mạnh một cái lên vai Quả, giọng chắc nịch:

- Tốt lắm, nhưng cậu cũng nhớ tuyệt đối không nói chuyện này thêm với bất kỳ ai.

- Tất nhiên rồi. Ngoài anh ra em đâu có thân thiết với ai…

- Cậu cứ nghe cho hết ý đã. Thứ nhất, việc điều tra phá án phải tuyệt mật. Chỉ cần thông tin lộ ra, rút giây động rừng, đối tượng tìm cách đối phó thì tất cả lại rơi vào ngõ cụt. Thứ hai, việc này rất hệ trọng liên quan đến sinh mệnh con người. Mình mà hấp tấp, vội vàng, không chừng giết oan người khác, tội nặng lắm…

- Em hiểu…

Quả lúc nào cùng ghi nhớ lời “sư phụ”, vì vậy từ hôm đó về sau anh đã ngậm miệng câm như hến, suốt ngày chỉ lo chạy vạy công việc của Ban quản lý dự án, làm ra vẻ không biết gì về vụ án trọng điểm của tỉnh. Là nói làm ra vẻ thế thôi, thực chất ruột gan Quả lúc nào cũng như lửa đốt.



*



Gần một tháng trôi qua vẫn không thấy động tĩnh gì. Chỉ duy nhất một diễn biến mà Quả có thể cảm nhận được là Đắc ít đến chơi với anh hơn, ngay cả cái quán thịt dê bảy món trong đó món “bộ tam sự” được coi là khoái khẩu đặc biệt của Phó Chủ tịch Đắc thế mà nay cũng không còn lôi cuốn ông ấy nữa. Linh cảm mách bảo cho Quả một điều gì đó rất không bình thưởng đã xẩy ra.

Những ngày cuối đông, công việc ở khu dự án tôn tạo di tích gần như ngưng trệ hoàn toàn. Gạch đá vung vãi ngổn ngang, đất tấp cao từng đống nhão nhoẹt, mấy hố móng lai láng nước. Đám công nhân xây lắp đã nghỉ việc, lão Giám đốc công ty Thu Bồn, đơn vị trúng thầu công trình Nhà trưng bày bổ sung, thỉnh thoảng vèo chiếc xe máy đến đứng ngó nghiêng một lúc rồi lại vèo đi. Hai cậu giám sát thuộc Ban quản lý dự án cũng khi đến khi không. Chỉ còn duy nhất Trưởng ban Quả thui thủi trong chiếc lán lợp tôn, ngày vài lần xắn quần đi tới đi lui lòng vòng qua các hạng mục thi công dở dang chẳng khác gì một người coi sóc nghĩa địa.

Mà thực ra thì đầu óc Quả cũng chẳng để tâm gì đến chuyện tiến độ công trình. Điều làm Quả cứ thấp thỏm ngóng tin là tiến độ điều tra vụ án. Mấy lần gọi điện về nhà riêng Đắc, đứa con trai cầm máy nói nhát gừng: bố không có nhà. Sốt ruột quá, sáng hôm sau Quả liều mạng gọi máy phòng làm việc. Rất may là có người cầm máy. “Anh ơi, em đây, dạ chẳng có chi quan trọng, nhưng ở quán mới có bộ tam sự chờ anh về xử lý, hi hi”, nhưng tiếng Đắc trong máy nghe ra chẳng mặn mòi gì. “Anh bận quá em ơi, để dịp khác vậy, mà anh đang có khách, gọi lại sau nhé.” Gác máy. Mấy ngày liền sau đó vẫn chẳng thấy ông ấy gọi lại.

Hình như đã có chuyện gì đó. Nhưng là chuyện gì? Hay ông ta đã gặp Báng và quên mất lời dặn của mình, đã nói rằng mình đang ở ngành văn hóa, làm di tích Thuận Thành. Rồi lại bô bô kể mình đã từng thuyết trình bao nhiêu là chuyện hay ho về chiến dịch năm ấy. Thế là thằng Báng kêu lên, các anh bị hắn lừa rồi, thằng ấy thì biết cái quái gì… Kết quả ông Đắc đã vô cùng thất vọng về mình…

Càng nghĩ ruột gan Quả càng như có lửa đốt. Không thể ngồi yên một chỗ được nữa, anh phóng xe đi.

Chiều nào Quả cũng phóng xe đi. Đi lòng vòng, đi loanh quanh, đi mà chẳng hiểu được mình định đi đâu, định làm gì. Anh đi như thể giải tỏa nỗi bí bức trong người.

Thế rồi có một buổi chiều, lúc đó đã sắp tối, chiếc xe máy của Quả đột ngột phanh kít lại trước một quán nhậu lụp xụp khuất trong con phố nhỏ. Quả vừa nhìn thấy hai bóng người lom khom bước vào. Không thể lẫn được, đó là Đắc và Báng…

Không thể lẫn đươc… không thể nhầm đươc… Trống ngực Quả đập thình thịch. Không dám đến gần, Quả chỉ còn cách đứng nấp vào chiếc cổng nhà liền cạnh đó căng mắt nhìn qua. Họ ăn gì, nhậu loại bia gì, không nhìn thấy rõ. Họ nói gì với nhau càng không thể nghe được. Trong ánh sáng lờ nhờ chỉ thấy hai cái đầu gật gù, gật gù…

Chiều nào vào giờ đó Quả cũng lò dò tìm đến ngõ hẽm ấy. Nhưng không phải chiều nào cũng nhìn thấy họ. Không có quy luật nào về sự có mặt của cặp người thậm thụt đó. Quả chỉ còn cách là kiên trì mai phục, chịu đựng sự lãng phí công sức, thời gian. Tóm lại trong vòng nửa tháng, Quả mò đến cái quán tù mù ấy đúng mười lăm lần nhưng chỉ nhìn thấy Đắc và Báng gặp nhau có ba lần.

Chỉ có ba lần. Tất nhiên không kể trước đó, khi mà anh chưa phát hiện ra địa điểm này họ đã có thêm mấy lần hẹn hò? Nhưng chỉ cần chứng kiến ba lần thôi Quả đã có thể khẳng định mối quan hệ của hai người này đã rất khác, rất không bình thường. Quả không dám nghĩ tới chuyện người thủ trưởng cũ đồng thời cũng là vị “sư phụ” hiện giờ của anh lại có thể bán đứng anh. Chắc chắn không thể như thế. Nhưng việc thằng Báng bất ngờ trở nên thân thiện với vị Phó Chủ tịch trực của tỉnh chắc chắn sẽ chứa đựng một hiểm họa khôn lường cho cuộc sống sau này của Quả. Phải làm sao đây? Làm gì đây? Bồ tát ơi, hãy chỉ giúp cho con với!



- Đáp số rất đơn giản, hãy nhanh chóng tách họ ra và xử lý dứt điểm cái thằng láu cá đó đi.

- Nhưng bằng cách nào?

- Để cách li một cặp, cách làm muôn thủa là cần có người thứ ba chen vào. Nó cũng tương tự như chuyện tình tay ba của mi hồi trước.

- Nhưng đây đâu phải chuyện tình? Không có người thứ ba yêu họ thì biết đưa ai chen vào?

- Thì đưa kẻ nào ghét họ nhất…Hãy nghĩ đi, lúc này ai là người đang muốn lật lão Đắc?

- Ông Sò ?

- Đúng. Nhưng đừng ngu mà tót lên đó. Cái ông lúc nào cũng hề hề, lấy vui làm chính đó thực ra là một con người cực kì thâm nho. Làm sao có thể đo được bụng dạ ông ta. Chơi với ông ấy là đùa với lửa. Hãy chọn đối thủ thấp xuống một tẹo, vừa có quyền lợi trực tiếp vừa đơn giản trong tính toán, ít có hệ luỵ về sau.

- Ông Tuấn?

- Mi đã khá lên nhiều rồi đó.

- Đa tạ Bồ tát!

Thương thay thằng em tui, mà cũng giận thay thằng em tui. Lúc nào hắn cũng tưởng rằng Bồ tát luôn ở bên hắn. Với tui hắn là đứa vong ơn.



*



Sau rất nhiều đêm dằn vật suy nghĩ, Quả quyết định tìm Phó Chủ tịch Tuấn..

Tuấn rời ghế Chủ tịch huyện vào tỉnh sau khi ông Sò được bầu vào Ban thường vụ phụ trách Trưởng ban Tổ chức tỉnh uỷ. Cái ghế đầu tiên dành cho Tuấn là Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch nhà nước tỉnh. Khi ông Sò lên Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy và vẫn kiêm Trưởng ban Tổ chức thì Tuấn được đôn lên ghế Phó Chủ tịch. Tuy nhiên, lẽ thông thường, một người đang phụ trách kế hoạch, khi lên Ủy ban phải giữ cương vị Phó Chủ tịch trực và có chân trong Ban thường vụ. Nhưng Tuấn đã chậm hơn Đắc một bước.

Có thể nói chưa bao giờ cái đầu mụ mị của Quả lại phải suy nghĩ nhiều như lúc này. Đã xác định được người cần phải nói, nhưng nói thế nào, nói kiểu gì để đạt được mục đich là mau chóng kết thúc vụ án, loại nhanh được thằng Báng, nhưng lại phải tuyệt đối không để hệ luỵ tới mình và cả thủ trưởng Đắc nữa.

Không nên mời Tuấn đến quán thịt dê, làm như thế khiến ông ta nghi ngờ động cơ của mình có gì đó khuất tất. Quả biết rõ con người Tuấn và Tuấn cũng chẳng lạ gì anh từ những năm cùng làm việc ở dưới Ủy ban nhân dân huyện. Đây là một con người nguyên tắc và hơi cứng nhắc. Ông Sò mấy lần nhận xét như thế. Cho nên có lẽ tốt nhất là đến thẳng nhà xin gặp để phản ánh một vấn đề. Đơn giản gọn nhẹ thế thôi, ông ấy sẽ nghĩ mình là người thực thà, có trách nhiệm, vừa đàng hoàng vừa minh bạch.

Quả đến nhà Tuấn sau giờ ăn cơm tối. Trong lúc vị Phó Chủ tịch còn tỏ ra ngạc nhiên bởi sự viếng thăm hiếm hoi này thì Quả vào đề luôn:

- Báo cáo anh, mấy hôm trước em có về Tam Sa để sưu tầm hiện vật và tìm hiểu thêm một số tư liệu cho di tích Thuận Thành. Bởi hồi trước nhân dân cũng như du kích ấp Thuận Thành chính là dân bị dồn từ Tam Sa lên.

- Đúng thế - Tuấn vừa rót trà vào chén vừa gật gù đồng tình rồi hỏi chen vào - Có kiếm chác thêm được gì mới không?

- Báo cáo anh cũng có được một ít. Nhưng thưa anh, khi về đó em có gặp một người và qua dư luận quần chúng em còn biết thêm vài chuyện rất đáng khả nghi. Em thấy có trách nhiệm phải báo cáo với lãnh đạo tỉnh để tham khảo.

- Chuyện gì thế?

- Dạ.. theo em chuyện này có thể liên quan đến mấy vụ vượt biên trái phép.

Ấm trà trên tay Tuấn dừng hẳn lại ở tư thế đang chắt nước. Cặp mắt ông khẽ chớp. Đôi lông mày bắt đầu nhíu lại.

- Cậu cũng biết chuyện đó ư?

- Báo cáo anh, về dưới đó thì mới nghe đồn đại chứ nếu ở trên này chắc em cũng chẳng biết gì. Mấy suy nghĩ mà em sắp nói với anh cũng xuất phát từ dư luận ở dưới địa bàn Tam Sa, em chỉ phản ảnh lại thôi.

- Được, cậu nói ngay đi.

- Dạ, báo cáo anh…

Quả bắt đầu kể về lời đồn chuyện một người bất ngờ nhặt được một cánh tay người ngoại quốc, trên tay khoá chặt cái va li hộp và trong đó, cũng chỉ nghe đồn thôi là chứa rất nhiều đô la… Rồi thì có người thường hay lên thành phố tìm hiểu hoàn cảnh của những nhân vật éo le, bất mãn…lại còn thêm chuyện vợ chồng mà chia đôi, chồng tỏ ra mẫn cán với công việc tại địa bàn nhưng vợ lại lùi xa che khuất tầm nhìn thiên hạ để mở một nhà hàng cực kì sang trọng chẳng khác gì khách sạn nhà nước… Tóm lại Quả đã kể tất cả những gì anh biết về thằng Báng. Chỉ khác là tất cả những chuyện đó anh đổ hết vào lời đồn ở chính dưới địa bàn Tam Sa.

Tuấn im lặng lắng nghe, bình tĩnh đến mức gần như không biểu lộ một cảm xúc gì. Quả đâm hoảng, không biết mình có bị hớ điều gì không. Tuấn bất ngờ hỏi:

- Này, sao cậu không trực tiếp báo cáo với ông Đắc?

Quả giật thót cả người, nhưng ngay lập tức lại giả vờ ngơ ngác:

- Sao ạ? Phải báo cáo với anh Đắc à?

- Ừ, ông ấy trực tiếp chỉ đạo chuyện này đấy.

- Thế à… Em đâu có biết. Mà lâu rồi chẳng gặp được “cụ”. Bọn em đâu dám tuỳ tiện gặp các “xếp” Thường vụ. Mấy lại, báo cáo anh, mấy chuyện em vừa trình bày nó chỉ mới là dư luận quần chúng và suy nghĩ chủ quan của em… Có khi bản chất sự việc không phải vậy. Lỡ như sai lại thành ra oan khuất cho người khác.

Tuấn mỉm cười độ lượng:

- Không sao đâu. Cậu có ý thức như vậy là rất tốt. Bọn mình sẽ nghiên cứu ý kiến phản ánh của cậu một cách thận trọng.

- Cảm ơn anh. Thôi, em xin phép về để anh nghỉ.

- Ừ, mà này, những điều cậu vừa nói không được kể thêm với bất cứ ai, nhớ chưa? Thứ nhất là rút giây động rừng, thứ hai lỡ như sự việc không đúng thì gây ra oan sai cho người khác.

- Dạ… em rõ rồi ạ.

Bắt tay, rung rung, vui vẻ, không thân thiết cũng không sơ sài, không tỏ ra quan tâm gì thật đặc biệt, không để lộ cho người khác biết trong đầu đang suy nghĩ thế nào. Có lần “sư phụ” Đắc nói, đó là kiểu cách của những nhà lãnh đạo có bản lĩnh.

Tuy nhiên chỉ sau đó đúng một tuần tất cả đã khác. Rất may mắn cho Quả là nhờ làm dự án, có chút tiền xủng xoảng nên “bạn bè” vẫn rất hay tụ tập. Quán thịt dê bảy món gần sát khu di tích là một trong các tụ điểm vui vẻ. Hầu hết là đám thanh niên choai choai. Trong số ấy có mấy cậu là Công an an ninh. Cũng nhờ mấy xị rượu hoà máu dê đỏ lòm mà Quả đã dễ dàng moi được tin, cái vó sắp cất, con cá to sắp sa lưới…

Mấy thằng bạn không tiết lộ vó đặt ở đâu, cá to là nhân vật nào. Nhưng Quả biết chắc chính là hắn.

Thoạt đầu là sự mừng rỡ, có thể nói là sướng đến lâng lâng cả đầu óc. Hết đời một thằng láu cá. Mày cậy mày giỏi khua môi múa mép, để coi mày sẽ phải múa mép thế nào đây. Nhưng bất ngờ từ đâu đó vụt lên một câu hỏi: Nếu thằng Báng bị bắt, bị lấy khẩu cung, hắn sẽ khai những gì? Quả chợt sững người. Từ trạng thái lâng lâng chuyển qua run. Anh run thật sự. Một nỗi sợ hãi ám ảnh anh đến mức tâm trí trở nên hoảng loạn. Anh tự nguyền rủa mình ngu, quá ngu, đang yên đang lành bỗng tự chui đầu vào dây thòng lọng. Làm sao đây Bồ tát ơi, nếu hắn bị bắt, hắn sẽ phải khai ra tất cả những gì liên quan đến cuộc đời của hắn. Mà Quả là một phần dính vào cuộc đời đó. Làm sao đây?



- Chỉ còn cách đừng để thằng Báng bị bắt?

- Đừng để bị bắt? Nói sao dễ thế. Tự tay thủ tiêu hắn ư? Hay chạy lên Ban chuyên án kêu oan cho hắn?

- Đừng có cái ngu này đẻ ra cái ngu khác. Tốt nhất bảo với hắn, ba mươi sáu chước, chước chuồn là thượng sách.

- Đúng thế. Cảm ơn Bồ tát dạy bảo. Nhưng…làm cách nào để nhắn tin tới hắn đây? Không dưng chạy đến gặp hắn ư? Làm vậy khác nào đưa cọc ra cho kẻ chết đuối vịn vào. Nó đã vịn vào được thì đời nào lại chịu buông tay. Cái thằng khốn nạn đó mà chìm thì nó tiếc gì không kéo mình chìm theo… Hay báo với “sư phụ” Đắc? Càng nguy. Cái đó gọi là không khảo mà xưng, mình tự thú là kẻ phản thầy lừa bạn. Hơn nữa đã chắc gì ông Đắc có liên kết với thằng Báng. Chẳng qua mình nhìn thấy họ đi với nhau, lo quá mà sinh nghi. Biết đâu đó cũng chỉ là cách để ông ấy thăm dò tin tức. Và cũng có thể chính ông Đắc chứ không phải ai khác đã kết luận vụ án, ra lệnh cất vó.

Làm sao đây? Làm cách nào đây?

- Đành phải đi đường vòng thôi.

- Đường vòng?

- Đúng. Hãy tìm xem có thể nhắn tin vòng qua được ai không?

- Chẳng ai cả.

- Nhớ kĩ lại đi, ví dụ qua vợ hắn?

- Vợ hắn? Con Thẽn? Ừ, có thể lắm. Nhưng làm sao mà nhắn được với cái con đĩ rạc ấy? Khoan, nhớ rồi, đúng, tại sao mình lại không nghĩ ra nhỉ? Cảm ơn Bồ tát! Đội ơn Bồ tát!

Ngay tối hôm đó Quả phóng xe về nhà. Thấy chồng về đột ngột, Thõn cũng có chút ngạc nhiên. Nhưng chị đã quen với việc không vồ vập chào hỏi.

Quả ngồi phịch xuống ghế, vừa thở vừa hỏi:

- Bấy lâu nay em có hay liên lạc với dì Thẽn không?

- Có chuyện gì thế?

- Lại cứ cái tật hỏi lại. Anh hỏi, em có số máy điện thoại của con Thẽn không?

Thõn cũng tỏ ra bực mình không kém:

- Có chứ sao không, mà anh hỏi để làm gì? Muốn gọi cho nó à?

- Không phải anh gọi mà là em. Gọi ngay cho nó đi.

- Để làm gì?

- Nói rằng… tìm cách báo tin cho thằng Báng…

Quả dừng lại, ghìm một hơi thở. Anh chưa biết phải diễn đạt thế nào.

Thõn khẽ nhíu mày lại:

- Anh quan tâm đến dượng ấy từ lúc nào thế?

- Này, tôi nói cho cô nghe. Ở tỉnh đang có vụ trọng án, liên quan đến người vượt biên trái phép. Người ta đang nghi ngờ thằng Báng là kẻ chủ mưu. Có thể trong tuần này họ sẽ ra lệnh bắt.

Thõn hơi sững người, nhưng liền đó đã xổ ra một tràng:

- Đáng đời. Cái thằng láu cá đó cũng phải cho nó biết thế nào là lẽ công bằng. Tại sao anh lại muốn bảo kê cho hắn?

Quả chỉ còn nước kêu trời:

- Trời ơi, đúng là óc đàn bà. Sao em không nghĩ nếu thằng Báng bị bắt thì con em của em có yên không. Em của em liên lụy thì em sẽ thế nào, anh đây sẽ thế nào?

Thõn như bừng tỉnh, mặt bỗng biến sắc, tay chân luống cuống, giọng nói bất ngờ run lên:

- Ừ… ừ… chết thật. Mà cái tin đó… có… có chính xác không?

- Chính xác hay không thì quan trọng gì. Nếu không phải vậy thì tốt chứ có mất vốn tốn lãi gì đâu.

- Ừ ừ… đúng… mong là không phải thế. A lô, có phải nhà dì Thẽn đấy không? Chị đây..



*



Toàn bộ câu chuyện là như vậy, nó có lòng vòng loanh quanh một chút nhưng cuối cùng cũng tới đích. Chỉ hơi tiếc là kết cục lại không tuân theo ý muốn của bất cứ ai. Cơ quan điều tra đã để sổng mất tội phạm. Nhưng thằng Báng cũng chẳng thoát nổi lưới trời. Với người dân Tam Sa họ khẳng định đây là quả báo. Với Ban chuyến án tỉnh thì coi như đã kết thúc một công việc mệt nhọc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kéo nhau ra quán thịt dê bảy món cụng mấy li cho nó bõ tức.

Chỉ riêng Quả, sau mấy phút sung sướng suýt reo thành lời, bỗng cảm thấy bất an. Rồi liên tiếp nhiều đêm không ngủ. Hình ảnh cái thân xác Báng thối rửa dạt trôi từ ngoài biển vào lại bị cá mập nuốt mất một cánh tay cứ chập chờn hiện lên trước mặt. Quả vừa run sợ, vừa lẫn chút ăn năn. Rồi một câu hỏi bất ngờ quẫy lên: liệu có oan cho nó không? Đã ai chứng minh được hắn là kẻ chủ mưu? Giá như cứ để họ bắt hắn, lấy khẩu cung, biết đâu hắn sẽ chứng minh được sự vô tội. Nhưng nếu hắn vô tội thì vì sao lại phải bỏ trốn? Điều này không khó giải thích. Đơn giản vì khiếp sợ, và đơn giản hơn, hắn vốn là kẻ quá nhanh nhẹn, quá láu cá. Có thể cái bản tính nhanh nhẹn hơn người của hắn đã làm hại chính hắn.

Đăng ngày 27/12/2009
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Nico - 28/12/2009

he,he...Con biết vì sao Lão bị đau mắt rồi. Thời nay mà lướt Web nhiều thì không ngứa con mắt bên phải thì cũng đỏ con mắt bên trái, thậm chí ù cả tai nữa Lão ơi. Có nhiều bài trả lời phỏng vấn của mấy ông "đầy tớ" đọc xong mà không nổi điên lên là may Lão ạ.Money mouth
  Gửi bởi: Lão Trang - 28/12/2009

Ừ, nhất là đọc trả lời của Giám đốc Sở Văn hóa TP HCM về vụ áp phích ta đăng ảnh tàu...Hu hu..
  Gửi bởi: Nico - 28/12/2009

He,he...đọc xong những bài như thế bí quyết của con là cười thôi Lão ạ. Cười làm ta trẻ lâu, yêu đời, yêu cuộc sống và thông cảm với các loại bằng của các quan chức của ta hơn. Bà ba bỏ mối thịt chó đầu hẻm nhà con sau khi đọc xong bài trả lời phỏng vấn của ông R dám tuyên bố xanh rờn giữa quán thế này: Tưởng làm quan là có tài có tâm ai dè vừa dốt vừa hèn rứa thì về bán thịt chó cho tui để tui đi làm văn hóa còn hơn. Dân tộc ta anh hùng là thế, vẻ vang là thế việc chi phải mượn quân đội  Tàu để làm áp phích...Con vốn nhát gan nên cứ nghe ai nói đến lãnh đạo là sợ vạ nên co cẳng chạy thế mà qua bên kia đường rồi vẫn nghe tiếng bà chửi đổng: Đồ ăn hại thuế của dân!
Quả là sau khi đọc xong bài phỏng vấn có rất nhiều cách biểu lộ tình củm khác nhau. Con thì cười (điều đó chứng tỏ con đã quen, dễ thích nghi với thời cuộc), bà ba thì chửi vì tức (đó là cách thể hiện cảm xúc của người lao động chân tay) còn Lão Trang khóc vì Lão vẫn chưa quên được những ngày tháng cũ, vẫn tự hào với quá khứ nên thất vọng...
Nhưng dù sao Lão cũng không nên khóc Lão ơi. Lão cứ khóc thế thì ...hồ ba bể cũng cạn mất chứ nói chi đến tuyến nước mắt của con người. Ta cứ vui thôi Lão nhé và hát vang: "tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề luyến tiếc".
Wink

  Gửi bởi: Đất Vĩnh - 29/12/2009

Có lẽ sướng nhất là ôm quyển sách  mà nhâm nhi, chả sợ bị Ni cô sư thấy mắng là con nít đoc chuyện nguời nhớn. Bác cố gắng thu xếp tết ra thăm quê, cháu sẽ đưa bác đi thăm thú quê nhiều đổi mới lắm
  Gửi bởi: Nico - 30/12/2009

He,he...Chào Đất Vĩnh! Đọc thuộc chương 3 chưa đó? Chị Nico cũng thuộc diện bị cấm nên chỉ đọc chầm chậm thôi.Foot in mouth. Chị mắng Đất Vĩnh là rút kinh nghiệm từ bản thân vì hồi còn học lớp 3 chị đã trùm chăn đọc gần thuộc cuốn "Hãy ngủ yên- Tình yêu !" thì bị mẹ phát hiện và cho xơi mấy roi. Hi,hi... Lúc đó chị bị oan Thị kính vì ở nông thôn làm gì có sách mà đọc nên cứ vớ được cuốn nào là đọc cuốn đó thôi, thậm chí mấy cuốn tạp chí cộng sản mà ba chị đem về chị còn đọc cả khổ bao nhiêu, ruột in bao nhiêu...nữa kìa. Hi,hi...
Rút kinh nghiệm từ cái đó nên nay chị luôn phải đi chọn sách và mua cho các cháu ở quê vì thương chúng nó đói văn hóa em ạ,. Cái đó tưởng đơn giản nhưng ở nông thôn thời nay trăm thứ vẫn còn thiếu thốn, các em nhỏ chưa đủ sách giáo khoa chứ đùng nói chi sách truyện, tham khảo... Nhưng mà sách truyện thời nay thì cũng quá thất kinh. Chị già thế này rồi mà mới nhìn tranh là cũng đỏ cả mặt rồi em ơi (may con nít hổng biết chi) nên đi chọn sách cho phù hợp cũng toát mồ hôi hột. Cái đó nói chung là khó nói và tế nhị. Cái đó tràn lan cũng là do vì lợi nhuận của những kẻ bất lương mà ra. Hơ,hơ...nói tào lao một lúc chị thấy mình gần giống bác chi -giám đốc sở văn hóa thông tin TP. HCM rồi. Chị xì-tốp đây vì cái đó thuộc bản quyền của bác  rồi nên lớ xớ là vi phạm bản quyền, bị kiện như chơi ấy chứ.Tongue out

  Gửi bởi: Moon - 31/12/2009


HAPPY NEW YEAR!

 Sắp sang năm mới,Moon ghé thăm và mang xuân đến cho TST đây.

Chúc chú và gia đình một năm mới vui,khỏe,hạnh phúc và có nhiều may mắn.Chúc riêng chú có nhiều sáng tác hay nữa nhé!

  Gửi bởi: Lão Tramg - 31/12/2009

Thiệp chúc của Mon đẹp quá. Chúc cháu năm mới có hạnh phúc mới tươi thơm hơn năm cũ.
  Gửi bởi: Nico - 31/12/2009


Năm mới con kính chúc Lão vạn sự tốt lành, khoẻ, khỏe nữa và khỏe mãi!
Bông của con vừa đẹp vừa có ích Lão hè?Kiss

  Gửi bởi: Lão Trang - 31/12/2009

Cảm ơn Nico! Bông của cháu không những có ích mà còn có...thể gây loạn nữa. Ha ha..
  Gửi bởi: Tr.Nh.Th. - 01/01/2010

Năm 2010 đã đến!
Chúc mừng năm Mới Lão Trang và cả đại gia đình
Chúc Lão sức khoẻ, hạnh phúc.
Chúc công việc luôn thành công
Chúc an nhàn, thanh thản!
Tr. Nh. Th.

  Gửi bởi: Xuân Đức - 01/01/2010

Cảm ơn Như Thuộc! Mình cũng chúc lại Thuộc và gia đình luôn sức khỏe, vui vẻ, hạnh phúc!
  Gửi bởi: Trần Bình - 01/01/2010

Năm mới 2010, Chúc bác và gia đình nhiều niềm vui và hạnh phúc.

  Gửi bởi: Victory - 03/01/2010

Đạo đức giả. Nói chung cái gì cũng có cái giá của nó. Ở Ác thì bị quả báo. Khẩu phật tâm xà. Gieo gió thì gặt bão. Chuyên đi hại và lên án người khác thì trời hại người thân của mình. Không chết nước thì cũng chết tai nạn.

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan