Thursday, October 15, 2015

KHÁM LÀ CÓ BỆNH - Truyện ngắn


Tác giả: Lê Nguyên Hồng


           Đã mấy tháng nay không thấy Quyên đến chơi, tôi nghĩ nó bận việc gia đình. Cũng có thể nó phải chăm sóc cho đứa con gái út thi tốt nghiệp trung học phổ thông, rồi lo chuẩn bị đưa con đi thi đại học nên không có thời gian rỗi. Tôi và Quyên cùng quê, đều học xong cấp 3 nhưng không đi đại học, cùng lấy chồng ở hai phường vùng ven thị xã, thường đi lại thân thiết với nhau như hồi còn học phổ thông. Nói là thị xã nhưng chúng tôi đều làm nông chẳng khác thôn quê. Được cái dạo này làm ruộng cũng nhàn so với ngày xưa, cơ giới hóa đa phần, phụ nữ không còn cảnh đầu tắt mặt tối, lam lũ nên rất thoải mái. Quyên là cô gái rất khỏe. Chúng tôi thường nói đùa: "Đố bệnh tật nào dám đụng đến con Quyên". Mà từ nhỏ đến lớn, nó chưa có một lần nằm viện, chỉ cảm sốt, đau đầu sơ sơ vài bữa là khỏi. Trên 50 tuổi rồi mà gái ba mươi đã chắc bì được với nó. Thấy nhớ, tôi đến nhà Quyên chơi, luôn thể hẹn nó đi thăm cô bạn cùng học cấp 3 ngày xưa nghe nói bị bệnh nặng, mới điều trị ở viện về.

          Tôi gõ cửa. Tiếng Quyên nói vọng ra có vẻ uể oải:
          - Cứ vào, cửa không chốt.
          Tôi đẩy cửa bước vào, ngạc nhiên thấy Quyên nằm trên giường, người hốc hác. Thấy tôi, nó ngồi phóc dậy. Tôi sà đến bên và hỏi:
          - Mày ốm lâu chưa? Bệnh gì mà trông mệt mỏi thế?
          Thực ra, tôi không dám nói: "sao trông mày tiều tụy thế", vì sợ nó tủi thân, buồn. Quyên cười rồi đi rót nước mời tôi. Trông nó nhanh nhẹn, hoạt bát hẳn lên. Tôi can, không cho nó đi lại vì đang bị mệt. Quyên gạt tay tôi và bảo:
          - Ốm đau gì đâu. Tao sẽ kể cho mày nghe chuyện "ốm" của tao, vừa buồn cười, vừa tức thằng cha bác sỹ. Tao mới ra viện hai hôm nay. Khiếp một đời.
          Tôi bất ngờ khi nghe Quyên nói như thế. Mà đúng. Nếu nó ốm nặng thì sao chồng vẫn đi làm cơ quan, không ở bên cạnh chăm sóc? Đứa con trai làm việc tại Bình Định cũng không về với mẹ? Khi ngồi uống nước, Quyên nhìn thẳng vào mặt tôi mà nói một mạch rằng:
          - Mày khỏe mạnh lắm, cũng giống như tao vậy. Nếu ốm sơ sơ thì đừng nghe người ta xui đi khám ở bệnh viện là mua bệnh vào thân đấy, nghe chưa? Đang khỏe mạnh mà đến bệnh viện khám, bác sỹ kết luận có bệnh là lo ngay ngáy, nếu nói có bệnh nan y thì lo sọp người như tao đây này. Tao nghiệm ra, khám là có bệnh, không nặng thì nhẹ.
          Có lẽ do bức xúc nên Quyên bộc lộ cả nỗi lòng:
          - Đi khám mà gặp bác sỹ yếu kém thì đúng là hết phước...
          Quyên bộc lộ tâm trạng như trút đi những tức tối nặng nề trong suy nghĩ vừa qua. Tôi ngớ ra, chưa hiểu chuyện gì. Quyên thở dài và nói:
          - Để tao kể cho mày nghe chuyện tao nằm viện vì bệnh nan y nhé.
           Thế rồi Quyên bắt đầu kể cho tôi nghe toàn bộ chuyện "ốm" của nó...
                                                           * * *
           Sớm nào cũng vậy, hai vợ chồng sau khi đi bộ về, ăn uống xong là chồng đến cơ quan, còn vợ chăm lo việc nhà, ra ruộng. Mới tuần trước, sau khi ăn sáng xong, Quyên thấy trong người mỏi mệt, đi tiểu ra màu vàng. Dạo này làm đất trồng 3 sào lạc cho kịp thời vụ nên mệt là bình thường. Nhưng hôm nay sao vừa mệt, vừa đau ở bụng dưới. Quyên hơi lo nên nói với chồng. Anh chồng  không yên tâm, bèn điện xin phép cơ quan để nghỉ, đưa vợ đến bệnh viện khám. Bác sỹ hỏi Quyên:
          -Chị đi tiểu ra màu vàng, có thấy kiến và ruồi đên chỗ nước tiểu không? Mắt nhìn có xoàng không? Có sút cân không?
          Bác sỹ đặt ra một loạt câu hỏi. Quyên thầm nghĩ: Dạo này mệt, ăn ít đi nên chắc có sút cân, mắt đọc phải đeo kính, còn nước tiểu thì kiến và ruồi tìm đến là tất nhiên. Thế là cô đáp ngay:
          - Dạ, có.
          Sau khi xét nghiệm máu và nước tiểu, bác sỹ phán rằng:
          - Chị bị tiểu đường tương đối nặng, trước mắt phải nằn viện điều trị 10 ngày, sau đó điều trị lâu dài. Căn bệnh này nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhồi máu não, nhồi máu cơ tim, mù lòa do bong võng mạc, suy thận, có khi dẫn đến tử vong. Đây là bệnh nan y, bây giờ nhiều người mắc lắm. May mà chị đi khám sớm, nếu để lâu sinh biến chứng là gay lắm.
          Cả hai vợ chồng Quyên hốt hoảng. Sức khỏe đang bình thường, tự nhiên lại có bệnh tiểu đường, thật vô lý. Nhưng bác sỹ đời nào nói sai? Cũng rất may là đi khám kịp thời.
          Có một y tá nghe được câu chuyện, chờ lúc làm bệnh án xong, chị ta nói nhỏ với Quyên rằng:
          - Bác sỹ ấy từ nơi khác mới chuyển về đây. Nghe nói anh ta chuyên môn rất kém, có bệnh nhân bị anh ta mổ suýt chết, phải chuyển viện tuyến trên mới cứu sống. Anh ta bị kỹ luật. Nhờ quen giám đốc bệnh viện này nên anh ta mới được tiếp nhận. Anh ta khám, chẩn đoán nhiều ca không đúng đâu.
          Nghe chị y tá mách nhỏ như vậy nhưng Quyên không nói với chồng. Chị cầm bệnh án cùng theo chồng làm thủ tục nhập viện. Điều trị được 7 ngày, do dùng kháng sinh liều cao nên Quyên thấy rất mệt. Cô lo lắm. Nhưng bác sỹ khám kiểm tra lại thì bảo rằng:
          - Bệnh của chị giảm rất nhanh, đã xuống tuýp 1 rồi. Chịu khó điều trị và ăn kiêng sẽ khỏi hẳn. May mà chị gặp tôi, nếu không thì nguy đấy.
          Quyên nghĩ: Tay bác sỹ nói vậy, có lẽ muốn vòi vĩnh biếu xén chăng? Nếu chữa bệnh giỏi như thế thì cảm tạ bác sỹ là chuyện bình thường, còn ơn nghĩa cả đời nữa chứ. Quyên vẫn không yên tâm. Cô nghĩ: Hay bác sỹ động viên, không muốn bệnh nhân lo lắng nên nói như vậy? Anh chồng thì nghĩ rằng: Bệnh tiểu đường làm gì mà điều trị có kết quả nhanh thế? Biết đâu bác sỹ chẩn đoán sai? Khó tin quá. Thế là anh bí mật đưa vợ lên tuyến trên nhờ một bác sỹ quen khám lại cho chắc. Bệnh viện tuyến trên làm xét nghiệm rất kỹ để chẩn đoán bệnh. Tiểu đường là căn bệnh không thể nói chơi được. Sau khi kiểm tra mẫu xét nghiệm, đo huyết áp, bác sỹ bảo:
          - Chị không có bệnh tiểu đường, cũng không có các bệnh về nội tạng. Gan có nhiễm mỡ nhưng không đáng kể. Tôi sẽ kê đơn thuốc điều trị làm giảm bớt mỡ ở gan là ổn. Thế khi khám ở bệnh viện, chị trình bày với bác sỹ thế nào mà họ chẩn đoán tiểu đường?
          - Dạ, em bảo đi tiểu ra màu vàng, có kiến và ruồi bâu đến.
           Bác sỹ hỏi:
          - Trước khi đi khám, chị có uống thuốc gì không?
          - Dạ, em hay uống thuốc bổ chồng đưa về. Thỉnh thoảng em vẫn dùng viên C cho khỏe. Em nghỉ, nước tiểu thì ruồi hay kiến đều bâu đến nên cứ nói đại với bác sỹ như thế. Ai ngờ, em nói sao thì bác sỹ chẩn đoán như vậy.
          Bác sỹ nghe xong, bật cười:
          - Đúng rồi. Uống thuốc bổ có viên C, đi tiểu ra màu vàng là phải. Với lại, lao động việc nặng thì không tránh khỏi mệt nhọc trong người, đi tiểu màu vàng cũng là bình thường thôi. Hai vợ chồng cứ về xin xuất viện đi. Ăn uống đày đủ, thể dục đều đặn là chả sợ bệnh tật. Mà thể trạng của chị rất tốt, đừng nghĩ đến bệnh là thanh thản trong người. Tôi cam đoan đấy.
          Nghe theo lời bác sỹ tuyến trên, Quyên trở lại nơi đang điều trị xin xuất viện. Bác sỹ chần chừ mãi. Quyên phải nói khó là hoàn cảnh gia đình đơn chiếc, về nhà điều trị theo hướng dẫn của bác sỹ cũng được. Bác sỹ nghe lọt tai nên đồng ý làm giấy cho ra viện điều trị ngoại trú. Trước khi cho xuất viện, bác sỹ khám lại và nói rằng:
          - Bệnh của chị giảm rất nhanh. Cứ đà này chỉ vài tháng là khỏi hẳn. Hiện tại, bệnh chỉ còn ở mức dưới tuýp 1 thôi. Mười ngày sau, chị đến khám lại nhé.
          - Dạ. Cảm ơn bác sỹ.
          Nói xong, Quyên đi một mạch ra cổng bệnh viện. Chồng cô đang đợi ở đấy. Thoát khỏi nơi điều trị, mừng ơi là mừng...
          Tuy rất bực tay bác sỹ nhưng chồng Quyên bảo:
          - Chuyện này đừng để lộ ra ngoài. Người thân của mình còn có lúc nhờ bệnh viện, chớ nên tạo ra sự ác cảm của thầy thuốc, không hay.
          Quyên trả lời chồng:
          - Em biết rồi. Nhưng lâu nay họ đồn đại bệnh viện này có nhiều chuyện không hay, nhất là những bác sỹ chuyên môn yếu, quả không sai. Có mấy trường hợp mổ bị nhiễm trùng, mổ đẻ bình thường mà chết con, cứu được mẹ. Người ta xì xào về bệnh viện là có căn cứ anh ạ. Em sợ đến viện lắm rồi.
          Anh chồng thông cảm với vợ:
          - Em nói phải. Sau này nhà ta nếu ai có bệnh thì đi viện khác khám và điều trị  cho an tâm. Em đừng lo lắng nữa nhé...
          Chuyện không nói ra nhưng chắc chắn từ nay về sau, vợ chồng Quyên sẽ chẳng bao giờ đến khám tại bệnh viện này.
         
* * *
          Kể cho tôi nghe xong, Quyên bảo:
          - Mày nhớ đừng tiết lộ chuyện tao nằm viện cho ai biết nhé. Chồng tao đã dặn đi dặn lại rồi. Bây giờ đến bệnh viện, sợ lắm.
          Tôi cũng bật cười nói với Quyên: "Tao hiểu mà". Quyên còn kể cho tôi nghe mấy trường hợp người trong phường đi làm ở xa, trông to béo, bụng phệ rất oai vệ, mỗi khi đi xe con về làng, ai cũng nể. Có vị còn nới thắt lưng cho bụng trễ xuống, tạo thêm vẻ "oai" nữa chứ. Sau ít năm, nghe nói có vị bị bệnh, phải nằm viện, về nhà một thời gian rồi chết do ung thư, tiểu đường... Nghĩ cũng thật tội. Cho nên nghe nói đến những căn bệnh ấy, ai cũng cuống lên, chạy chữa hết viện này đến viện khác. Lúc có bệnh, bác sỹ nói thì phải nghe thôi. Quyên vừa kể vừa cười:
          - Mày biết không, mấy năm nay ở chỗ tao, ai cũng chăm lo đi bộ buổi sáng đông nghịt, không dám ăn đường, thịt lợn nhiều nữa. Những anh phệ cố gắng nịt chặt thắt lưng cho thóp bụng lại trông thật buồn cười. Chả hiểu sao thời nay lại sinh ra lắm bệnh quái ác thế? Vì từ cái chết của những người như vậy nên chả biết ở đâu lại lan truyền những câu thơ nghe thật tức cười:
                                    Ngày xưa bụng phệ thì sang,
                    Ngày nay bụng phệ không xơ gan cũng tiểu đường.
          Tôi bật cười:
          - Chưa hẳn thế đâu. Như tao và mày cốt tiết béo khỏe từ nhỏ đến nay, bệnh hoạn gì đâu?
          Quyên đồng tình:
          - Đúng. Nhưng thiên hạ nói là có cái lý của họ. Ngày xưa ăn uống kham khổ mà ít có những loại bệnh nan y như bây giờ. Ngày nay cuộc sống đầy đủ mà lại sinh ra lắm bệnh tật. Ăn uống toàn những thứ có chất hóa học, bị bệnh là phải. Cứ đến viện khám là nhận về đủ thứ bệnh. Nào là gan nhiễm mỡ, đường trong máu tăng cao, có hiện tượng bị gút, huyết áp không bình thường, thận có vấn đề...vân ...vân...Ai nấy cuống cuồng cả lên.
          Quyên hạ giọng như sợ người ngoài nghe thấy:
          - Mày biết không, có anh ở gần nhà tao đấy, tự nhiên đau trong bụng, đến viện khám thì bác sỹ chẩn đoán bị viêm đại tràng, vì anh này hay uống rượu. Chả biết điều trị thế nào mà bệnh ngày càng nặng thêm, phải đi viện tuyến trên. Té ra anh ta bị viêm dạ dày, chỉ chữa một thời gian là khỏi. Bây giờ anh ta khỏe như voi, đi làm ăn xa rồi. Chữa trị không đúng thầy đúng thuốc sẽ xảy ra chuyện không hay, tiền mất tật mang. Như tao đấy, cũng may kịp thời đến với thầy thuốc giỏi.
          Tôi và Quyên từ trước tới nay chơi thân, cứ "mày, tao" đã quen không sửa được. Ăn trưa với Quyên xong là tôi về ngay kẻo ở nhà nhiều việc đang chờ. Vợ chồng tôi ngoài một mẫu ruộng còn nuôi hai chục con lợn thịt đang độ như tằm ăn rỗi, khá bận bịu. Nhờ trời cho sức khỏe nên vợ chồng làm ăn lên phơi phới, tính việc gì ra việc nấy. Tôi hẹn Quyên chủ nhật này đi thăm con bạn mới điều trị ở bệnh viện về. Quyên đồng ý ngay.

                                                          * * *
          Hôm nay là chủ nhật. Theo lời hẹn, vợ chồng Quyên tới nhà tôi sớm. Thế  là vợ chồng tôi và vợ chồng Quyên xuôi đường đi thăm con bạn cách xa hơn 10 cây số chứ ít ỏi gì đâu. Chúng tôi mua rất nhiều quà đi thăm bạn. Mỗi đứa còn bỏ phong bì 200 nghìn đồng. Sức khỏe quý hơn vàng. Ai ốm đau, bệnh tật cũng khổ. Giàu có mà sức khỏe òi ọp thì cũng vứt. Trời gọi ai nấy dạ, biết làm sao được? Cái mình không muốn nhưng nó cứ đến, đành phải đón nhận bất đắc dĩ. Sinh có hạn, tử vô kỳ, đúng như thế. Trên đường đi, tôi cứ nghĩ dạo này chắc con bạn trông ốm yếu và già lắm. Ngày xưa đi học, nó hiền, ít nói nhưng được cái khỏe lắm. Bộ ba chúng tôi thường chơi với nhau, sau này lấy chồng mỗi đứa một ngả, ít có dịp gặp, kể cũng buồn. Mà con gái nông thôn như chúng tôi sao đứa nào cũng khỏe khoắn, mập mạp, làm việc nặng nhọc cũng chả thua kém đàn ông. Có lẽ trời phú cho chị em làm nông có một sức vóc như thế để gánh vác công việc ruộng nương quanh năm suốt tháng? Đã hơn một năm nay, tôi và Quyên chưa đến nhà Vân - tên con bạn. Gia đình nó cũng thuộc vào hàng có cuộc sống đầy đủ trong làng. Nó làm ăn chăm chỉ, chồng bộ đội mới nghỉ hưu vài năm còn rất khỏe, lương lại cao nên chuyện tiền bạc không thiếu. Tôi mừng cho bộ ba: Tôi - Quyên - Vân tuy học xong cấp 3, không đi làm việc nhà nước nhưng đứa nào cũng khá giả, còn hơn mấy đứa bạn đi làm cơ quan nhà nước ấy chứ. Ngẫm lại, làm nông là sướng, xong việc, ăn no, ngủ kỹ, chẳng phải lo nghĩ gì cả. Làm việc nhà nước trông nhàn nhã thế thôi nhưng đầu óc thì mỏi mệt, căng thẳng, có người bị phê bình kiểm điểm lên, kiểm điểm xuống vì không hoàn thành nhiệm vụ nữa. Mà dù làm gì, đừng đau ốm thì sướng như tiên. Khi ốm mới thấy sức khỏe quý hơn châu báu. Ối người chăm lo làm giàu, của cải dư giả nhưng chẳng may ốm chết có mang theo được đâu?
          Chúng tôi mới đến đầu ngõ, Vân đang làm cỏ trong vườn nhìn thấy reo lên:
          - Hai "con quỷ" kia, sao lại lạc vào đây nhỉ?
          Vân vứt cái cuốc vào bên luống lạc, chạy tới đón chúng tôi vào nhà. Tôi lại ngạc nhiên:"Nó có ốm đau gì đâu?".Trông nó còn béo tốt hơn lần gặp trước. Chồng của Vân cũng ở nhà. Chúng tôi được đón tiếp rất chu đáo. Nói là nhà quê, nhưng vợ chồng Vân xây nhà 2 tầng, tiện nghi đầy đủ, sang trọng. Thấy chồng Vân ra sân rút máy di động gọi ai đó, khoảng 10 phút sau có người đi xe máy đến mang theo đủ thứ từ bia, nước giải khát, các món đồ nhậu. Vân bày mọi thứ ra mâm, nói như phân trần:
          - Lâu rồi các bạn không đến, mình nhớ lắm. Hôm nay ta ngồi nói chuyện cho vui, đừng ngại nhé. Người trong nhà cả mà. Ít bữa nữa vợ chồng mình đến nhà hai bạn chơi. Làm ăn quanh năm, cũng phải có thời gian thư giản cho thoải mái chứ. Đời là bao lăm mà cứ suốt ngày cặm cụi, lăm xăm lúi xúi, cuối cùng cũng mang quần hai ống cả thôi, đúng không nào?
          Chúng tôi cười ồ lên vì tính khôi hài của nó. Vân nói vậy thì bọn tôi chỉ biết chấp nhận thôi. Tính cách của nó chẳng khác hồi còn đi học. Có mấy đức ông chồng bên cạnh, chúng tôi phải gọi nhau là "bạn" và xưng "mình" cho phải phép văn hóa ứng xử. Trước khi nâng ly mừng cuộc gặp gỡ, tôi vào đề ngay:
          - Mình và Quyên nghe tin bạn ốm nặng mới ra viện nên đến thăm. Thấy bạn khỏi bệnh, khỏe thêm, bọn mình mừng quá.
          Vân bảo:
          - Đúng. Mình mới ra viện được 10 ngày. Cứ nâng ly, tý nữa mình kể chuyện bị bệnh phải nằm viện cho các bạn nghe, hay lắm...
          Tôi nghĩ: "Sao nó nói thế nhỉ? Chuyện đi viện mà hay à? Khó hiểu quá". Vừa ăn uống, Vân vừa kể chuyện quá trình nằm viện của nó. Đang kể, nó lại phì cười làm chúng tôi cười theo...Có khi nó dừng lại bảo: " Thật đấy, mình không bịa đâu"...
* * * 
          Cách đây một tháng, Vân bị ho khan do trở trời. Sợ ho lâu thành biến chứng, Vân đến trạm xá xã khám. Trạm xá cho thuốc điều trị nhưng vẫn cứ ho. Vân xin giấy đi bệnh viện huyện khám cho chắc ăn. Bác sỹ khám xong có hỏi vài câu như: Chị ho lâu chưa? Có nhiều lúc khó thở phải không? Có thấy đau ngực không?
          Vân trả lời:
          - Dạ, ban đêm ho có tức ngực, khó thở.
          Bác sỹ tự nhiên lại hỏi, nghe giọng đầy vẻ quan trọng:
          - Nhà chị ai là người tay hòm chìa khóa?
          - Dạ, là em. Nhưng sao hở bác sỹ?
          - Ấy là tôi hỏi thế vì chị có khả năng bị ung thư phổi, sợ có chuyện không hay thôi. Biết mà liệu trước vẫn hơn.
          Vân khóc nức nở. Bác sỹ  hoảng quá nên đành phải khuyên:
          - Còn nước còn tát, chúng tôi hết lòng cứu chữa. Chị hãy bình tĩnh.
          Lại gặp phải tay bác sỹ kém chuyên môn. Xác định là ung thư phổi nên bệnh viện cho Vân vừa uống thuốc, vừa truyền dịch. Những ngày đầu rất mệt. Đang khỏe mạnh, tự nhiên sao lại xuất hiện căn bệnh khủng khiếp thế? Được 10 ngày thì bệnh nặng thêm, khó thở, đi tiểu buốt. Ung thư phổi sao lại thế nhỉ? Có anh bạn của chồng Vân cùng ở một đơn vị trước đây, nghe tin vợ bạn ốm vội đến thăm. Thấy không ổn, anh ta sốt sắng bảo với vợ chồng Vân:
          - Cậu đưa vợ đến bệnh viện quân đội khám và điều trị cho chắc chắn. Tớ thấy ở đây phiêu lắm. Đi gấp, đừng chần chừ nữa.
          Anh bạn còn làu bàu trong miệng: "Đã chắc gì ung thư phổi". Nghe lời bạn, vợ chồng Vân xin chuyển lên bệnh viện quân đội. Bệnh viện đồng ý ngay. Họ còn động viên:
          - Ở đó có đầy đủ thuốc, phương tiện điều trị cũng hiện đại hơn. Anh đưa chị đi gấp đi.
           Bệnh viện quân đội có nhiều bác sỹ chuyên khoa rất giỏi. Khi bệnh nhân là người nhà của đơn vị nhập viện, mặc dù quân nhân đã nghỉ hưu nhưng vợ vẫn được ưu tiên các chế độ như khi người thân đang tại ngũ. Hội chẩn xong, bác sỹ khẳng định chắc chắn rằng:
          - Chị nhà bị truyền thuốc quá liều nên tràn dịch màng phổi, phải dùng phương pháp điều trị để rửa hết dịch tràn là được. Chị không phải ung thư phổi mà bị hen mãn tính. Có lẽ do bác sỹ tuyến dưới quá lo lắng nên điều trị chặn ung thư. Chị phải nằm lại đây 7 ngày là ra viện. Chị và anh yên tâm chưa?
          Vợ chồng Vân thở phào, nhẹ cả lòng. Vân mừng quá cũng khóc. May mà có bệnh viện đơn vị của chồng, nếu không thì chuyện sẽ đi đến đâu? Mới được 5 ngày, Vân thấy người trở lại bình thường, còn khỏe ra. Nhưng đúng 7 ngày, bác sỹ mới làm thủ tục xuất viện như đã nói ban đầu. Thế là cả điều trị ở bệnh viện huyện rồi bệnh viện quân đội, Vân phải nằm trên giường bệnh 20 ngày với hai tâm trạng khác nhau. Hết đau đớn trong người, Vân mừng khôn tả. Khi ra viện, mấy bác sỹ quân y vui tính bảo rằng:
          - Chị hài lòng chưa? Cứ về ăn uống thật khỏe vào, làm việc chăm chỉ cho thật nhiều của cải, đừng lo nghỉ đến bệnh ung thư nữa nhé. Sau này có ốm đau cứ vào đây với chúng tôi, bệnh gì cũng bay hết. Vợ bộ đội là phải thật khỏe mới đáng mặt "phu nhân" của lính chứ.
          Vợ chồng Vân cảm động không nói nên lời. Tình cảm của người lính sao mà sâu nặng, trong sáng thế? Vân tự hào: "Làm vợ bộ đội tuy khổ nhưng tất cả họ lo lắng cho nhau như anh em ruột vậy, hiếm có thật".
          Mới đó mà đã một tháng trôi qua kể từ ngày Vân đi điều trị bệnh về.

*  *  *  *  *
         
          Vân kể cho mọi người nghe chuyện nằm viện mà cứ như kể chuyện cổ tích vậy. Chồng Vân cũng nói góp vào để chứng minh lời kể của vợ:
          - Vân kể đúng hoàn toàn, chả thêm thắt gì đâu. Chuyện qua rồi mới hú hồn. Bác sỹ chuyên môn yếu nguy hiểm lắm. Vợ tôi sống là nhờ đội ngũ bác sỹ giỏi của quân đội. Không có bệnh mà suýt bỏ mạng vì chẩn đoán sai. Nghề y liên quan trực tiếp tính mạng con người là thế đấy.
           Chồng Vân còn kể cho chúng tôi nghe mấy trường hợp do bác sỹ chẩn đoán  sai, điều trị không đúng phác đồ nên có người  bị biến chứng sang căn bệnh khác. Có người suy thận lại chẩn đoán ung thư dạ dày. Có phụ nữ viêm ruột dưới lại xác định u nang tử cung phải mổ cắt bỏ, chịu vô sinh. Có người đau ruột thừa lại chẩn đoán viêm ruột già, khi mổ cắt ruột già xong vẫn cứ đau, dạ dày vỡ làm cho bệnh nhân suýt bỏ mạng, phải lên gấp tuyến trên mới cứu sống. Có trường hợp có hiện tượng ung thư phổi  thì chẩn đoán hen suyễn lâu ngày chuyển sang mãn tính. Khi bệnh nhân chuyển viện tuyến trên thì bệnh đã quá nặng...
          Khi chúng tôi ra về, chồng Vân còn dặn:
          - Chuyện Vân ốm, các bạn biết thế là được, đừng nói ra ngoài nhé.
          Chúng tôi đồng ý. Thì ra, có những chuyện sờ sờ như thế mà chính người trong cuộc vẫn giấu kín. Chính đó cũng là một căn bệnh đáng sợ.
          Cuộc hàn huyên hôm nay làm tôi phải suy nghĩ. Chuyện hai đứa bạn thân đang yên đang lành tự nhiên đi viện rồi rước bệnh vào thân, lo đến rạc người, cuối cùng chả đứa nào có bệnh gì hết. Chúng vẫn khỏe mạnh, thật là mừng.
           Quyên  nói đúng: "Đi khám là có bệnh, không bệnh nặng cũng bệnh nhẹ". Nếu không như vậy thì có bác sỹ nghĩ rằng: "Người đi khám mà không có bệnh thì họ nghĩ do bác sỹ kém không tìm ra bệnh". Chuyện Vân kể làm tôi thấy buồn, lo cho mình và nhiều người. Tôi đem chuyện hai đứa bạn "bị ốm" kể với mấy người trong xóm, họ cũng có chung tâm trạng. Có người thở dài bảo rằng: "Lạy trời đừng bắt đau ốm. Có người điều trị ở bệnh viện không khỏi, về nhà uống mấy thang thuốc Nam lại lành bệnh hẳn. Chả hiểu ra sao nữa...".
          Chuyện của hai đứa bạn làm tôi ấm ức như bực bội ai đó. Đến nổi chồng tôi phải phát cáu lên:
          - Mình là nông dân, cô thân cô thế, biết chuyện đâu thì bỏ đó, đừng nói ra ngoài không có lợi. Sau này ốm đau mà đến viện sẽ gặp rắc rối đấy. Biết gì chuyên môn nghề Y mà dám đụng vào? Bao nhiêu kẻ có sừng có mỏ còn đành chịu im lặng nữa là...Đừng dại.
          Chồng tôi nói phải. Chua chát thật!
           Vẫn còn nhiều bác sỹ yếu chuyên môn, kém y đức nên hay "sáng tạo" ra bệnh vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi. Có những căn bệnh do chẩn đoán sai nên điều trị không khỏi. Có bác sỹ kê đơn xong liền ghé tai nói nhỏ với bệnh nhân đến quầy dược người quen của bác sỹ mà mua cho đúng thuốc tốt. Họ thể hiện sự quan tâm đến người bệnh, nhưng thực ra, họ có thỏa thuận ăn chia với người bán thuốc. Bây giờ làm ăn có ê kíp cả. Mọi người đều hiểu nhưng biết làm sao được? Đành phải nghe theo bác sỹ thôi. Mà giá thuốc tây có ai kiểm soát nổi đâu? Giá niêm yết một đàng, bán một nẻo, có trời mà biết. Nhiều người không dám nói ra vì sợ sau này ốm đau đến bệnh viện bị ác cảm, mệt lắm. Khổ nhất là những bệnh nhân ít tiền bạc, khi phải đi viện là lo rạc cả người, có khi lại ốm thêm.
           Những chuyện được trực tiếp nghe, được chứng kiến, để trong bụng thì ấm ức, mà nói ra thì thấy thế nào ấy. Không biết có ai cho tôi là kẻ vô duyên, rỗi hơi mà đi lo chuyện "bò trắng răng" không? Thôi thì mặc kệ, cứ nói toạc hết cho nhẹ lòng. Bởi vì không nói thì áy náy, ray rứt như mình có lỗi. Con người ta giống một cỗ máy tinh vi. Máy chạy mãi cũng đến giai đoạn phải bảo hành, có nhiều chi tiết bị xộc xệch, cần điều chỉnh lại, chuyện đó là đương nhiên. Ai cũng hiểu như thế. Bác sỹ lại càng hiểu hơn thế. Không phải vì vậy mà phán bệnh này bệnh nọ làm cho mọi người lo lắng. Nói đến bệnh là liên quan đến thuốc và tiền. Nhiều người có những căn bệnh khó chữa nhưng bác sỹ giỏi bày cho cách điều trị lâu dài chả tốn kém là bao, kết hợp ăn uống theo thực đơn, động viên không nên lo lắng, vì vậy họ vẫn sống lạc quan, khỏe mạnh đến cuối đời. Bác sỹ giỏi vẫn còn phải tu luyện nghề, có ai dám chắc mình là người giỏi nhất, vì thực tế bệnh tật của con người không giống khuôn mẫu trong sách đã dạy. Nói gì thì nói, đã là thầy thuốc thì phải giỏi chuyên môn, không thể khác. Tôi cứ ám ảnh mãi chuyện "ốm" của hai đứa bạn. Cầu trời đừng có bệnh tật là sung sướng nhất.
         

 Đăng ngày 05/01/2013
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Vũ Thị Sự - 07/01/2013

"       Những chuyện được trực tiếp nghe, được chứng kiến, để trong bụng thì ấm ức, mà nói ra thì thấy thế nào ấy. Không biết có ai cho tôi là kẻ vô duyên, rỗi hơi mà đi lo chuyện "bò trắng răng" không? Thôi thì mặc kệ, cứ nói toạc hết cho nhẹ lòng. Bởi vì không nói thì áy náy, ray rứt như mình có lỗi. Con người ta giống một cỗ máy tinh vi. Máy chạy mãi cũng đến giai đoạn phải bảo hành, có nhiều chi tiết bị xộc xệch, cần điều chỉnh lại, chuyện đó là đương nhiên. Ai cũng hiểu như thế. Bác sỹ lại càng hiểu hơn thế. Không phải vì vậy mà phán bệnh này bệnh nọ làm cho mọi người lo lắng"
Cảm ơn anh lê Nguyên Hồng! Câu chuyện của anh chẳng có gì là " vô duyên" cả, thậm chí còn rất hữu duyên đấy. Anh đã nói hộ ý kiến của bao người với các y bác sĩ: "...phán bệnh này bệnh nọ làm cho mọi người lo lắng. "
Năm 2008, con dâu em sinh con đầu lòng ở bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí. Khi vào khám đẻ xong, anh bác sĩ gọi người nhà(Là em và con trai em) vào bảo: "Bệnh nhân bị bệnh tim, đẻ rất nguy hiểm đến tính mạng, khả năng phải mổ đẻ. Bây giờ chúng tôi hội ý có thể sẽ phải chuyển sản phụ lên Hà Nội!?" Cả nhà hoảng loạn. Bố mẹ đẻ cháu vội đi vay mượn tiền đưa thêm cho em khóc mếu bảo bằng mọi giá , mất bao nhiêu tiền cũng phải cứu mẹ con cháu. Lúc đó có mỗi anh con rể em là còn giữ được bình tĩnh. Cháu bảo: " Chị dâu là vận động viên điền kinh có hạng, từng giành mấy giải nhất nhì tỉnh Quảng Ninh, chẳng ốm đau bao giờ làm gì có chuyện bị bệnh tim! Để con hỏi lại." Sau đó cháu vào gặp anh bác sĩ kia vặn vẹo, nói năng sao đó. một lúc sau cô y tá ra thông báo là "bệnh" này ở đây có thể xử lý được không phải đưa đi nữa. Hôm sau con dâu em đẻ thường. Cháu sinh rất dễ một cháu trai gần 4kg khỏe mạnh. Hôm sau nữa cháu xuất viện. Đấy đến cái việc ra đời của một con người mà họ còn bắt chẹt vòi vĩnh thế đấy anh ạ. Cũng có bác sĩ chuyên môn yếu nhưng đa số họ cứ phóng đại lên để bệnh nhân phải theo đuổi quà cáp, mua thuốc...Ngành y với Khẩu hiệu "Y ĐỨC" giờ có lẽ phải đổi thành "Y ĐỤC" anh ạ!

  Gửi bởi: Lê Nguyên Hồng - 08/01/2013

Cảm ơn bạn đã đọc truyện của tôi và có ý kiến. Chuyện y đức bây giờ cũng có nhiều vấn đề phải bàn lắm. Tất nhiên không vơ đũa cả nắm nhưng khắp nơi đều thấy bất an về nhiều thầy thuốc thiếu y đức.
  Gửi bởi: LÊ NGUYÊN HỒNG - 08/02/2013

NHÂN DỊP NĂM MỚI QUÝ TỴ 2013, KÍNH CHÚC NHÀ VĂN XUÂN ĐỨC CÙNG ĐẠI GIA ĐÌNH AN LÀNH, THỊNH VƯỢNG, VẠN SỰ NHƯ Ý.

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan