Tác giả: Lưu Quôc Hoà
Nó than thở với với tôi rằng:
- Chán chết! Sao bây giờ chẳng có niềm vui nào làm cho tao "đã"! Cái gì cũng nhạt phèo phèo như nước ốc, càng mất nhiều tiền, cuộc vui càng chán! Bố khỉ! Thèm vui mà cũng không được nữa thì còn quái đâu là giống người.
Tôi thủng thỉnh:
- Tại mày nhiều tiền quá ấy mà! Cứ nghèo như tao chả có lúc nào buông tay khỏi việc. Hết việc đồng việc nhà,lại chăm hàng Nội hàng Ngoại, rảnh tý lại viết lách kiếm cơm. Xong việc là phờ ra, làm cốc rượu thế là hồn lìa khỏi xác, đánh một giấc là trời sáng, Chả biết mình đang vui hay đang buồn.
Nó lại càm ràm:
- Thế là đồ vô tri vô giác! Mày là loại hỏng! Đồ bỏ xó, thế mà cũng có người bảo là dân văn chương chữ nghĩa. Nhà văn nhà viếc là phải biết chơi bời lêu lổng gió trăng. Sao mày viết văn, viết tiểu thuyết bày lắm âm mưu giết người mà mày đần thối ra. Lắm mẹo làm giầu thế mà nghèo lõ tĩ. Sao tán tỉnh tình ái, gió trăng tít mù mà nói đến gái mú chơi bời đàn sáo là cứ ngây ra. Chỉ được cái mồm, bọn văn chương chúng mày chỉ được cái lỗ mồm...Chỉ được cái lỗ mồm nỡm ạ!...
Nó cười! Chao ơi là nó cười, cái tiếng cười khi khí chui qua lớp mỡ cổ họng nghe khê nồng khê nặc, vừa thoát ra lại vừa như ém vào yết hầu đỏ như mào gà chọi, cả khối người nó cười theo, cái bụng có cái túi cơm nằm trong rung rung, cái cà vạt như chiếc giầm bơi đảo qua đảo lại, cái cổ vại có mấy ngấn ngắn tun tủn đội cái đầu to thông lốc, lơ phơ tóc để chìa cái trán hói bóng nhẫy như vung nồi đồng. Cái tướng phát quan của gã bạn tôi phô hết cả ra ngoài, chúng tôi vẫn bảo : Trong lứa bạn học ngày xưa, chỉ mình nó là mô hình tam kim: Tóc ánh bạc - túi ánh kim - chim ánh thép.
Nó là quan khá to trong cái tỉnh lắm đầu tư đầu tác. Dạo đi học với nhau nó là con nhà nghèo, đã học gần hết cấp 2 mà vẫn mặc quần gụ thắt giải rút. Có lần chơi trốn tìm với tụi tôi, nó ngã xoạc cẳng nên một mảng đũng quần cũng bứt chỉ và lòi cả chim ra ngoài. Lũ con gái đang chơi nhảy dây thấy vậy bưng miệng che mặt cười. Cu cậu xấu hổ bỏ về giữa giờ không dám vào xin cô giáo chủ nhiệm, cuối giờ tôi phải nói nhỏ với cô cái "sự cố đáng tiếc bất khả kháng" do "hoàn cảnh" gây ra. Lũ tôi năm ấy lớn tồng ngồng cả với nhau và sắp đeo huy hiệu Đoàn, lũ con trai mặt lấm tấm trứng cá và giọng nói khau khau như vịt đực. Mấy đứa con gái bắt đầu đeo nịt vú và khi tập thể dục hay chạy thi là một tay túm vạt áo cho "tý" khỏi nhảy.
Đội tuyển văn nhà trường ngày ấy tôi là của quý. Thi đâu cũng đạt giải nhưng tôi cũng là đứa tồ và dại dột nhất lớp, đứa nào xui gì cũng làm theo bất kể lợi hại. Các vụ trộm cắp mía, bới khoai bới lạc, bao giờ ông bảo vệ cũng tóm được tôi đầu tiên.
**************
Có một chuyện tôi nhớ mãi: Chủ nhiệm lớp tôi là cô giáo Hoàng Thị Mai Nho. Cô vừa tốt nghiệp 7+3 (có nghĩa là học hết lớp 7 học tiếp 3 năm nữa rồi ra làm cô giáo, tuổi chỉ tương ứng với học sinh lớp 12 bây giờ) .
Cô Nho chuyên môn yếu lại dạy Văn, cô vừa yêu tôi lại vừa ghét tôi vì tội hay chống bài giảng. Hôm cô giảng Truyện Kiều, đoạn tả Kiều có câu: "Xuân xanh sấp xỉ đến tuần cập kê". Cái Lân trọc (đầu nó lắm chấy nên mẹ nó cắt trọc) ngồi cạnh bấm tôi: Mày hỏi cô xem "cập kê" là cái gì. Tôi giơ tay phát biểu: Thưa cô thế nào là "cập kê" ạ!
Tôi thấy mặt cô đỏ lựng! Cả lớp cười ồ. Bí quá cô nói liều: Là như cái cầu ao nhà em ấy, kê không vững là nó cập kênh ngồi không khéo lại ngã lộn cổ xuống ao. Trường hợp này ta cần có cách giải quyết là bê mấy hòn gạch thất nâng lên kê lại, ngồi lên đấy mà rung khi nào hết cập kênh là được.
Chúng tôi lại cười và cô giáo đứng ngây ra. Nếu như nhanh trí cô chỉ cần ngó vào mục chú thích sẽ có đáp án ngay ( Cập kê là tóc đuôi gà) đằng này...
Cô bị chuyển sang dạy môn Thể dục cho hợp với khả năng. Cô béo và lùn tụt lại đen, đã thế cô còn uốn tóc (phi dê) nên trông cô cứ như con búp bê. Hôm cô dạy lớp tôi tiết nhảy dây. Khốn khổ cho cô, đã béo đã lùn lại phải dạy cái môn nhảy lên nhảy xuống như con choi choi nên trông nhễ nhại và khó khăn vô cùng. Chân cô chạm đất kêu bình bịch và tất nhiên bộ ngực thiếu phòng hộ lại to quá cỡ cũng vật vã mà rung. Thằng Quỳnh (Bây giờ là Đại Tá Trương Quỳnh) lại cười rung rúc ghé vào tai tôi: Ối giời ơi Hoà ơi! Vú cô đang nhảy. .. Cả hai đứa bấm nhau cười. Cô nhìn thấy hai thằng giận lắm. Hết giờ Cô bảo: Em Hoà với em Quỳnh ở lại gặp tôi.
Cả lớp giải tán và chạy như ma đuổi, chỉ còn cô Nho và hai thằng mất dạy chúng tôi. Cô hỏi: Lúc nãy các em tại sao lại cười vô tổ chức trong giờ học. Tôi thưa: Tại bạn Quỳnh nói. Quay lại Quỳnh cô hỏi: Em Quỳnh nói gì. Thằng Quỳnh khôn hơn tôi nên không nói thẳng, chỉ múm miệng đứng yên. Cô lại truy nã tôi: Em Hoà đã nói rối! Chính em vô tổ chức lại đổ cho bạn. Em sẽ bị tôi ghi vào sổ và hạnh kiểm tháng này em nhận loại yếu. Tôi đề nghị nhà trường cho em là loại học sinh cá biệt.
Hoảng quá tôi chỉ vào mặt thằng Quỳnh: Mày nói láo, mày ăn gian! Mày nói vào tai tao rõ ràng là: Hoà ơi vú cô đang rung.
Ối giời ơi là giời! Cô cho một cái tát ù cả tai và cô gục xuống bàn nức nở khóc.
Thấy cô khóc tôi ớ người ra! Khốn khổ! Tôi có nói dối đâu, tôi nói thật cơ mà sao cô lại khóc. Cái vai cô nần nẫn những thịt cứ rung lên từng hồi tức tưởi... Trời ạ! Giá tôi sớm khôn như thằng Quỳnh thì đâu ra nông nỗi quái gở này.
Cô cáo ốm bỏ dạy học. Cô nằng nặc xin chuyển trường. Tôi vô tâm đâu biết trò đùa ngờ nghệc ấy làm cô khổ tâm.
Cũng may năm ấy, tôi tham gia đội tuyển Văn và dành giải Nhì toàn tỉnh. Bao tội lỗi coi như được tha bổng và tôi có hẳn 3 bộ quần áo đẹp. Một bộ do Ty giáo Dục tặng, một là của nhà trường và bộ nữa do một bạn gái cùng đội tuyển tên là Đỗ Thị Chung tặng. Đi học hoặc đi dự lễ báo cáo các nơi trong Huyện, tôi ra dáng con nhà giầu với quần xanh " Si Lâm", áo trứng sáo. Bài văn tường thuật của tôi được in Rônêô làm bài văn mẫu trong toàn tỉnh thời bấy giờ.
Lại nói đến chuyện đần dại tiếp theo với bạn gái của tôi:
Quả thật lũ con gái trong đội tuyển văn khôn lanh và nhạy cảm hơn bọn tôi (hoặc là với riêng tôi)
Cô bạn có tên là Chung, cái cô tặng bộ quần áo ấy, lại hay cặp kè với tôi, Cô như bà chị uốn nắn tôi rất chu đáo. Tôi hay có tật bạ đâu tè đấy vì vẫn coi mình là trẻ con. Chung gọi riêng tôi và bảo: Lớn tồ tồ mà đứng tè gốc cây không xấu hổ à. Tôi nói vỗ tuột: Kệ tao! Vẽ chuyện. Máy bay ném bom rúc vào hầm bao giờ Chung cũng ngồi chung với tôi. Cái hầm chống kèo hình chữ A lại đậy cửa chiếc nùn rơm dày nên tối không ai nhìn thấy ai. Cứ súng nổ bom nổ là Chung ôm lấy tôi kêu sợ! Quả thật tôi cũng thấy thinh thích nhưng nó làm sao ấy, vừa thích lại vừa sợ, cảm giác lẫn lộn. Còi báo yên là tôi lao ù ra còn Chung vẫn nấn ná ngồi lại . Tôi mở nắp hầm gọi toáng lên: Ra đi! Báo yên rồi, mày ngồi đấy cho muỗi nó đốt à! ...Tôi thấy mặt Chung ngây ra...Chả hiểu làm sao cả.
Thế rồi một sự cố kinh khủng khiếp sảy ra. Chung mượn tôi cái bút Hồng Hà (Cái bút máy ấy là oai nhất trường, phần thưởng của tôi). Tôi ngần ngừ nhưng đành cho mượn vì trót ăn mấy cái bánh lá Chung vừa đưa. Hôm sau trả bút tôi thấy trên cái bút có khắc đôi chim bồ câu và hai cái tên "Chung Hoà" xoắn vào nhau, lại quệt nhũ vàng. Quyển truyện "Người Cá" Chung mua cho tôi bên trong lại có lá thư. Tôi chẳng buồn đọc đi khoe thằng Quỳnh và nó tông tốc đọc cho cả lũ con trai con gái nghe. Tôi ngứa miệng khoe : Cái Chung lại khắc tên tao, tên nó vào bút máy. Bố tao mà nhìn thấy là tao bị no đòn... Lũ con gái bấm nhau cười lẳng lặng bỏ đi còn Chung không biết đứa nào mách lẻo nên bị mẹ đánh cho một trận nên thân. Hôm sau Chung gặp tôi. Chung lại tát cho tôi một cái và nhiếc: "Mày ngu hơn cả chó...Mày ngu hơn cả lợn cả bò! Mày là đồ quạ tha ma bắt cắt lôi" ...
********************
Thằng bạn làm quan lại gạ tôi:
- Có cái gì hay hay cho tao ăn ké với! Tao lắm tiền mà đếch tìm ra thú vui! Mày chủ trì! Tao chủ chi! Ô kê đi, bao nhiêu tao chiều hết.
Tôi mà cả với nó
- Tao đồng ý kích hoạt niềm vui cho cả bọn nhưng với điều kiện: Không nhà hàng khách sạn! Không hát hò nhậu nhẹt! Không gái mú đàn sáo! Đi đâu do tao dẫn đường.
Chúng tôi giao ước là tất cả đi bằng xe đạp và ăn mặc bình dân. Không com lê cà vạt. Bọn con gái không đứa nào vôi ve. Tất cả như xưa không phân biệt giàu nghèo đẳng cấp.
Tôi đèo theo một bó rơm to và mấy lạng muối ớt. Thằng Quỳnh Đại tá mang một ba lô bia lon. Cái My mua một xề cá rô đồng. Tất cả lên đường và đi ngược hướng Bắc. Cách nhà khoảng 5 cây số cả bọn nổi lửa nướng cá rồi nhồm nhoàn ăn, thổi phù phù. Mùi cá rô thơm ngậy và chật không gian là tiếng cười trẻ trung của một bọn đã lên ông lên bà. Chúng tôi được sống lại ký ức tuổi thơ vụng dại và trong trắng. Có hạnh phúc nào lớn hơn là con người được lội ngược dòng thời gian để tìm lại chính mình.
Tất cả xuống con mương rửa tay lau miệng rồi tiếp tục lên đường. Tôi nhận đèo Chung! Tôi chợt thấy má Chung ửng đỏ. Chung đẹp và rực rỡ hơn nhiều. Cô giáo cấp 3 dạy văn vừa đạt giải xuất sắc trong hội thi giáo viên toàn tỉnh. Hơn 40 năm bây giờ tôi mới cất lời xin lỗi Chung, là thằng hoạt khẩu thế mà tôi ngọng ngiụ như đồ rở hơi. Nàng ngồi sau xe đạp tôi, sau mỗi cú sóc lại bám hờ vào sườn tôi rồi lặng lẽ buông ra, rồi lại bám vào. Tôi đùa: Cậu có thấy tớ đang giận cái gì không? Chung nói thập thõm: Ai mà biết cái đầu cậu giận gì. Tôi ỡm ờ: "Tớ giận con đường sao mà phẳng thế".
Chung đấm lưng tôi thùm thụp: Lẻo mép thế! Của khỉ ạ! Chẳng bù ngày xưa...Cậu là Nhà văn nên khéo hươu vượn lắm! Tớ vẫn theo sát các tác phẩm của cậu. Mà cậu khôn ra từ bao giờ thế. Cũng phải khôn lên chứ, gà tồ mãi, nhắng nhít mãi à.
Chung dúi vào túi áo tôi một vật gì nằng nặng. Tôi hỏi: "Lại tài trợ cho thằng văn sỹ nghèo cái gì thế". Chung ngậm ngùi: Cái đồng hồ Ô Ren của Hoàng để lại, cậu đeo đi, để lâu không có hơi người là nó hỏng thì phí của. Thế là Hoàng bỏ mình qua 4 cái giỗ rồi.
Bọn tôi dừng lại trước nhà cô Nho. Cô giáo đáng yêu của chúng tôi mắc bệnh thấp khớp lặc lọi đón chúng tôi và bỗng tu tu khóc, tôi lạnh sương sống và kéo thằng Quỳnh đến quỳ trước mặt cô lắp bắp xin lỗi! Tôi thấy cô cứ ngớ ra, chắc chuyện cũ cô quên lâu rồi . Thằng bạn làm quan to nhìn cửa nhà trống trải đề nghị: "Thưa cô! Cho em thay mặt các bạn trong lớp tặng cô chiếc ty vi". Nó phăm phăm rút đi động và gọi khẩn cấp cho cái cửa hàng nào đấy đem đến tận nhà. Tôi tặng cô 6 tác phẩm trong đời viết văn đã ấn hành...
Cô chỉ ra sân: Em nào nhanh chân nhất đuổi gà. Bắt ngay cho cô mấy con gà mái hay đẻ lang làm thịt. Đứa nào không sợ rét thì mang lưới xuống ao bắt cá! Nhanh lên các em! Chưa năm nào ngày Nhà Giáo cô có hạnh phúc như hôm nay.
Thằng bạn tôi gào lên;
- Ô kê đi các bạn! Niềm vui đã kích hoạt! Hãy kích hoạt. Cả mấy mươi năm tớ mới thấy niền vui đích thực được kích hoạt thế này.
Để tránh lội ao, tôi nhận chân đuổi bắt gà, vừa chạy tụt dép vừa mách qué mấy câu đồng dao:
Tại mày đẻ lang
Nên tao hóa kiếp
Tao lang thì được
Mày chớ để lang
Bắt mày giang gừng
Vì thiếu tiết hạnh
Hôm nay trời lạnh
Tao uống cho say
Tao vồ được mày
Là đem cắt tiết...
Chung đón lõng và vồ được con to nhất đàn, nàng nâng lên nắn lườn: Béo thật cậu ạ! Lườn nó như bát úp! Con này bụng còn đầy ne là trứng, thịt cũng tiếc.
Tôi vừa liếc dao vừa cười:
- Ai lại bảo là thịt! Đây là hóa kiếp! Béo không ăn thịt mai kia già ăn rai ngoách...Ờ! trống cắt tai mái cắt cổ, Tao hóa kiếp này cho mày về kiếp khác...
.
Đăng ngày 21/11/2009
|