Tác giả: Xuân Đức
( Xem kì 1 đăng trước ở phía dưới)
IV) Một số kinh nghiệm trong việc xác định, quy hoạch và xây dựng các lễ hội Cách Mạng ở Quảng Trị
Như đã nói ở phần trên, chúng ta có thể tổ chức một đại lễ vô cùng hoành tráng có nhiều vạn người tham gia, cũng có các hoạt động văn hóa nghệ thuật rất đặc sắc, tạo nên tiếng vang rất lớn, nhưng không phải là lễ hội.
Muốn xác định một hoạt động cộng đồng có phải là lễ hội hay không cần tìm hiểu trở lại sự ra đời và tồn tại của loại hình này trong dân gian và truyền thống. Theo chúng tôi có 3 thuộc tính căn bản để nhận diện chúng.
a) Là một sự tụ hội tự nguyện của nhân dân, trước hết do một cộng đồng dân cư hẹp ( một làng hoặc một vùng miền) tự đứng ra tổ chức. Chính quyền cùng cấp hoặc cấp trên chỉ làm nhiệm vụ bảo trợ, quản lý. Nếu sức sống của lễ hội lớn có thể lôi cuốn khách hành hương cả nước và quốc tế đến, nhưng vẫn không phải là cuộc mét tin lớn của Nhà nước. Tất nhiên, việc hình thành được những lễ hội mới ( tức là chưa có tiền lệ trong dân gian) thì lúc đầu Nhà nước có thể đứng ra tổ chức, tuyên truyền cổ động. Nhưng khi đưa ra chủ trương đó, Nhà nước cần xác định thật khách quan xem nội dung lễ hội này có đáp ứng được nhu cầu tự thân của nhân dân hay không. Và như phần trên đã nói, nếu câu trả lời là không hoặc rất ít thì dù có cổ động đến mấy, tổ chức hay đến mấy nó vẫn không thể tồn tại lâu bền được.
b) Thuộc tính thứ hai là tính định kì. Lễ hội phải là hoạt động định kì đúng vào một ngày nhất định trong năm hoặc trong vài ba năm, giống như ngày giỗ, chạp của gia dình, dòng họ hay một làng xã. Có như vậy nó mới trở thành tâm thức của cộng đồng, nó sẽ trở nên thiêng hóa.Tôi thấy hiện nay khi dịch ra ngôn ngữ quốc tế, người nước ngoài hiểu lễ hội là festival. Theo tôi hiểu như vậy chỉ đúng một phần, chưa đúng hoàn toàn với phàm trù Lễ hội của văn hóa Việt Nam. Lễ hội Hoa Đà Lạt hay Cà Fê Tây Nguyên, hay Cố Đố Huế thì dùng Festival được.Vì nó đơn thuần là tổ chức một cuộc gặp gỡ giao lưu. Ở Quảng Trị chúng tôi cũng tổ chức thành công một số loại festival như thế. Đó là Lễ hội Văn hóa-Du lịch Nhịp cầu xuyên Á hay Liên hoan nghệ thuật Tiếng hát đường Chín xanh. Nhưng Lễ hội Chùa Hương, Đền Húng, Yên Tử v..v.. thì không đúng. Lễ hội Tri ân tháng bảy, Đêm Thành Cổ hay Ngày hội thống nhất non sông ở Quảng Trị thì cũng không thể gọi là Festival đựơc. Một cuộc giao lưu không nhất thiết phải diễn ra đúng một ngày nào đó, thậm chí căn cứ vào điều kiện cụ thể cũng không nhất thiết phải đúng năm đã hẹn. Nhưng một lễ hội cũng giống như ngày giỗ chạp ông bà , giàu làm kép hẹp làm đơn nhưng không thể bỏ và cũng không thể sai ngày. Rất tiếc là hiện chưa biết thay từ Festival bằng từ gì ?
c) Một lễ hội muốn tồn tại lâu bền và tự nguyên bắt buộc phải đảm bảo thỏa mãn một số yêu cầu thiết yếu của cộng đồng và của từng cá nhân. Nổi bật là các nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng và nhu cầu vui chơi, giải trí, giao lưu tìm hiểu kết bạn bè. Ông cha vẫn nói: Văn là tiếng chim gọi đàn. Lễ hội văn hóa chính là tiếng chim gọi đàn, gọi đồng loại, bạn bè. Kết cấu một Lễ hội thường có 2 phần. Phần Lễ chính là để thỏa mãn nhu cầu tâm linh. Phần Hội là hoạt động thỏa mãn sự giao lưu và giải trí.
Lễ hội mới, Lễ hội Cách Mạng đương nhiên phải mang nội dung mới, nội dung Cách Mạng. Nhưng nếu không tôn trọng quy luật ra đời và tồn tại của hình thức lễ hội thì chúng ta vẫn chỉ tổ chức được một cuộc mét tin, một lễ kỉ niệm hay một ngày ra quân tuyên truyền chính trị chứ không thể xây nên một loại hình lễ hội để trở thành di sản văn hóa cho đời sau.
Qua thực tiễn hoạt động văn hóa tại Quảng Trị chúng tôi tự rút ra cho mình một số kinh nghiệm như sau:
1- Muốn xây dựng thành công một lễ hội Cách mạng yếu tố đầu tiên phải tính đến đó là Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa.Thực chất thì đó là xác định không gian và địa điểm chính của Lễ hội.
Ở trên đã nói, một lễ hội văn hóa phải đặt trong một không gian văn hóa, phải trở thành một phần của không gian văn hóa đó. Tuy nhiên trong cái không gian văn hóa chung đó, không phải muốn bày đặt ra lễ hội ở chỗ nào cũng được. Ngày giỗ tổ nhất thiêt phải diễn ra chỗ có mộ tổ hoặc đình thờ tổ. Ngày hội làng là ở đình làng hoặc chí ít cũng tại một nơi nào đó ở giữa làng. Một lễ hội Cách mạng phải gắn với một địa chỉ, một di tích lịch sử mà tự bản thân nó đã từng cuốn hút sự hướng đến của cộng đồng. Lễ hội Thống nhất non sông phải ở di tích chia cắt đất nước. Đêm tưởng niệm Thành Cổ và thả hoa đèn thì phải ở Thành Cổ và sông Thạch Hãn. Lễ tri ân tháng bảy phải là Nghĩa trang quốc gia.Nói theo phạm trù văn hóa thì phải tôn vinh giá trị phi vật thể ngay ở những nơi tọa lạc di sản vật thể. Có được một địa điểm như vậy chính là có địa lợi. Bản thân vị trí có địa lợi đã hàm chứa khả năng hội tụ con người. lòng người. Ở những điểm di tích đặc biệt đó, hầu như tất cả các ngày trong năm đều có nhiều người tìm đến, là địa chỉ thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Vì vậy, khi địa chỉ đó được tổ chức thành hoạt động lễ hội thì càng thu hút sự hướng về đông hơn. Đấy là nhân hòa.Cần phải lựa chọn cái ngày tổ chức lễ hội chuẩn xác như thể xác định ngày giỗ của tiên tổ. Có vậy thời điểm trở nên thiêng liêng, sức thu hút càng cao và độ bền vững càng lớn. Ví dụ : Lễ Tri ân liệt sĩ thì có thể tổ chức bất kì ngày nào cũng đúng. Tuy nhiên Nhà nước đã lấy ngày 27/7 làm ngày TBLS và cả dân tộc ta từ lâu lấy ngày đó để làm cột mốc biểu đạt cao nhất tập trung nhất nghiã cử uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa thì việc chọn ngày 27/7 làm ngày lễ chính của Lễ tri ân chắc chắn sẽ được cả xã hội đồng tình. Ngày 30/4 là ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất giang sơn. Cả nước đều có những hoạt động chào mừng ngày toàn thắng. Tại di tích đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải nơi từng chứng kiến nỗi đau chia cắt non sông, thì chính ngày đó là ngày Bắc Nam đoàn tụ. Nếu không chọn đúng thời điểm đó thì chúng ta chỉ có thể tổ chức được một buổi lễ, một cuộc lễ chứ không thể tạo nên một lễ hội có tính truyền thống. Đó chính là yếu tố thiên thời.2- Kịch bản một lễ hội là một sản phẩm văn hóa luôn luôn sáng tạo , đổi mới nhưng vẫn phải có những yếu tố cố định thì mới tạo nên nội hàm riêng của từng cuộc lễ hội.
Phần cố định thường nằm ở phần lễ. Ví dụ, ở lễ hội Ngày hội thống nhất non sông thì đó là Lễ thượng cờ trên kì đài Hiền Lương. Ở Lễ tri ân tháng bảy là Lễ dâng hương lên đài liệt sĩ..Lễ hội đêm Thành Cổ là phần lễ dâng hương lên Đài tưởng niệm trung tâm và thả hoa xuống sông Thạch Hãn.
Nói cố định nhưng cũng nên hiểu một cách tương đối. Vì đây là những nghi thức mới, vừa làm vừa sáng tạo, nó chưa thể quy cũ như các lễ nghi hàng trăm năm của ông cha đã có. Trong Lế thượng cờ tại Kì đài Hiền Lương, có một lần chúng tôi đã mời về 2 đoàn đại biểu từ 2 điểm đầu đất nước là Lạng Sơn và Cà Mau. Hai đoàn đã mang về 2 năm đất của hai địa đầu Tổ quốc. Tại lễ thượng cờ, sau nghi thức Quốc ca và kéo cờ lên thì hai đoàn đại biểu Nam Bắc ấy đã tiến lên Kì đài dâng hai nắm đát. Đại diện lãnh đạo tỉnh đã nhận và đặt xuống chân Kì đài. Chi tiết ấy đã làm rưng rưng, xốn xang bao tình cảm của những người tham dự lễ hội. Tại lễ Tri ân liệt sĩ ở Nghĩa trang Quốc gia đường Chín, có lần chúng tôi đã tiến hành xây dựng thành một lễ dâng hiến lễ vật của các đoàn đại biểu của các ban nganh và địa phương. Khung cảnh dâng lễ ấy đã diễn ra làm xúc động nhân dân cả nước khi theo dõi qua truyền hình.
Như vậy là ngay trong những phần có nội dung cố định vẫn có thể sáng tao, sáng tạo trong nghĩ lễ cố định làm sao cho nghi lễ càng ngày càng hấp đẫn và xúc động lòng người. Có thể đến lúc nào đó, cộng đồng sẽ lựa chọn được một nghi thức hành lễ chuẩn mực để cố định cho con cháu.
Còn phần hội, trên tiêu chí thỏa mãn nhu cấu tình cảm của người dự lễ quyện chặt và tôn vinh chủ đề của lễ hội, chúng ta phải thường xuyên sáng tạo thì mới lôi cuốn được người hành hương và tăng thêm tác dụng giáo dục cho cộng đồng.Thông thường hiện nay, ngoài các trò diễn xướng, mô phỏng lại nội dung, ý nghĩa của lịch sử thì có các hoạt động thể thao, các chương trình nghệ thuật. Tuy nhiên, khi xây dựng các chương trình này cũng phải thật sáng tạo, không được tạo nên cảm giác nhàm chán hoặc xa lạ với chủ đề lễ hội. Qua các kì lễ hội đã có ở Quảng Trị, với sự giúp đỡ của Đài truyền hình Việt Nam, chúng tôi đã xây dựng được một số chương trình nghệ thuật thành công, tạo hiệu ứng rất cao cho chủ đề lễ hội như: Đêm Huyền thoaị Trường Sơn tại Nghĩa trang Trướng sơn trong Lễ Tri ân tháng bảy, hayKhúc Tráng ca một dòng sông tại Thành cổ trong Đêm Thành cổ..
3- Muốn tổ chức thành công các lễ hội Cách mạng và nâng cao tính giáo dục cho cộng đồng cần phối hợp chặt chẽ với tổng thể các hoạt động của xã hội. Đó là sự lãnh đạo, định hướng của Đảng, quản lí của nhà nước và đặc biệt là công tác tuyên truyền vận động của các đoàn thể chính trị. Đấy chính là tạo nên không gian văn hóa cho lễ hội tồn tại. Những lễ hội tưởng niệm và tôn vinh lịch sử ở Quảng Trị không thể tách rời cuộc vận động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn của đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đã trở thành đạo lí, là một phần không thể thiếu trong tâm khảm người dân nơi đây trong mấy chục năm qua. Công tác chăm sóc phần mộ liệt sĩ trên các nghĩa trang, chăm lo đời sống của các thân nhân liệt sĩ, thương binh và các gia dình có công với nước được các địa phương, các đoàn thể, các trường học đặt ra như là bổn phận không thể thiếu của tất cả xã hội, nó được khắc ghi vào tâm thức người dân như công việc chăm sóc bàn thờ tổ tiên vậy.
Những lễ hội mới, lễ hội Cách mạng được hình thành đồng thời với cuộc vận động Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa cơ sở góp phần tạo ra môi trường văn hóa mới, một đời sống tinh thần tốt đẹp trong việc nối liền truyền thống lịch sử với công cuộc xây dựng quê hưong mới hôm nay.
Hoạt động lễ hội cũng cần quyện chặt với quy hoạch phát triển du lịch. Ở Quảng Trị, những lễ hội tưởng niệm và tôn vinh lịch sử Cách mạng cùng song hành với những tour du lịch nổi tiếng : Hoài niệm chiến trường xưa và đồng độido Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Quốc phòng tổ chức, tourDMG ( hồi ức khu Giới tuyến phi quân sự) của CCB Mỹ. Liên hoan Tiếng hát Đường Chín xanh và lễ hội Nhịp cầu xuyên Á gắn với tuyến du lịch đường bộ từ vùng đông bắc Thái Lan qua Việt Nam..v..v..
Hoạt động Lễ hội cần có kết hợp chặt chẽ với các loại hình thông tấn báo chí, nhất là Truyên hình. Sự kết hợp này không những tạo thêm sức mạnh, lợi thế cho nhau mà con nâng cao, mở rộng tính giáo dục đến đông đảo đối tượng trên cả nước và đồng bào ở nước ngoài. Sau khi tổ chức thành công chương trình Huyền thoại Trường Sơn, Lễ Tri ân tháng bảy hoặc đêm nghệ thuật Bài ca thống nhất, đông đảo bạn bè cả nước đã nhắn tin về Quảng Trị bày tỏ sự xúc động sâu sắc cũng như bày tỏ sự biết ơn QT đã mang đến cho nhân dân những tình cảm cao cả thiêng liêng đối với lịch sử dân tộc.
Sự kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động lễ hội với tất cả các hoạt động kinh tế, xã hội của địa phương không những tạo nên điều kiện bổ trợ cho Lễ hội thành công trên nhiều phương diện, nhất là sức lan tỏa và sự cộng hưởng ý nghĩa giáo dục truyền thống mà còn là đưa hoạt động lẽ hội trở thành một phần của đời sống xã hội, đảm bảo cho lễ hội mới cắm rễ sâu vào cuộc sống bảo đảm sự tồn tại bền lâu của lễ hội.
Quảng Trị 12/2008
Đăng ngày 07/05/2009 |