Sunday, October 18, 2015

LÊ QUANG THÔNG - Cõi riêng trốn để rồi tìm


       Từ bãi biển Cửa Tùng- nơi một thời được một vị vua triểu Nguyễn gọi là Nữ Hoàng của các bãi tắm- đi ngược lên hướng tây-bắc chừng hơn năm cây số đường chim bay có một mảnh làng rất đặc thù. Đặc thù ở chỗ người ta rất khó gọi tên chính xác là loại làng gì, làng đồi hay ruộng, lang nghèo hay giàu..Một mảnh làng vừa có triền đất đỏ ba zan gồng mình cao lên để thành đồi núi, lại có chân ruộng hẹp nhưng lại cứ cố choãi ra để chứng tỏ mình cũng là đồng bằng phì nhiêu, có ngọn gió biển mặn mòi vị muối của những chiều nồm, nhưng cũng ưỡn ngực lãnh đủ luồng gió đông nam khô khét vỗ mặt từ phía Trường Sơn thổi xuống ..Ruộng của làng vừa bùn vừa pha cát..Nước ruộng vừa chua vừa ngọt, vừa úng vừa hạn..Tất cả những pha trộn đó tạo nên bộ mặt của vùng làng này vừa có vẻ sầm uất lại khó dấu nổi sự cằn cỗi xác xơ...Không quá xa nhưng cũng không quá gần làng là một dòng sông, dòng sông còn đặc biệt hơn cả sự đặc biệt của làng. Nói xa là tính từ làng ra bờ sông phải đến dăm bảy cây số, nói gần là vì con sông cũng chảy qua địa phận của xã, hơn thế nó đã trở thành một phần lịch sử tồn vong cực kì đặc biệt của cái xã mang tên Vĩnh Thành của huyện Vĩnh Linh Quảng Trị. Đấy là sông Bến Hải, có chiếc cầu Hiền Lương, cái cầu mà Nhà văn Nguyễn Tuân gọi là Cầu Ma vì cái sự kì quặc của lịch sử ám vào thân phận nó..Cái làng mà tôi muốn nói ở trên là phần trên cùng của xã Vính Thành..là một chấm nhỏ của vành đai Giới tuyến- phi quân sự của thời đất nước bị chia cắt. Làng có tên Liêm Công Tây..Đó là chốn sinh thành ra tác giả tập thơ đang có trên tay các bạn. Nhà thơ, nhà báo Lê Quang Thông..
Nói dài dòng lan man như thế là có ý gì? Ý là thế này. Trước khi những bài thơ rất riêng tư của Lê Quang Thông đến tay bè bạn, người ta biết đến anh trước hết là một nhà báo lâu năm, lại là một công chức lãnh đạo báo chí với hàng chục năm làm Phó Giám đốc Đài Phát thanh truyền hình Quảng Trị. Tưởng chỉ có vậy, bất ngờ một lần nào đấy, người ta lại bắt gặp tên anh trên màn ảnh nhỏ với tư cách là tác giả biên kịch bộ phim truyền hình có tên: Bao giờ thuyền lại sang sông cùng sánh ngang với một đạo diễn tên tuổi: Đạo diễn Quốc Trọng . Nhưng hiện thời, anh không là gì cả. Tôi nói không là gì theo cái nghĩa danh tiếng hay danh lợi. Anh là một cán bộ mẫn cán, lặng lẽ, nay cũng giống như tôi hay bao anh công chức khác, hết tuổi làm công vụ, được nghỉ hưu. Về vườn theo đúng nghĩa đen của từ này, nhưng là vườn phố, vườn ngay giữa thì Đông Hà chứ không về lại Liêm Công Tây. Lê Quang Thông mở cái quán nhỏ cà phê Tao đàn ngay trong sân vườn để vừa vui thú tuổi già vừa có thêm chút thu nhập, cũng y như tôi vậy..
Cầm tập thơ nhỏ này trên tay, có thể ta bật lên câu hỏi: đời đã có vẻ túc chí thế thì còn ham hố thơ phú làm gì cho rước khổ vào thân? Cũng như bước vào cái quán nhỏ Tao đàn ấy lại hỏi, nào có đến mức đói kém gì mà quán với xá cho ồn chuyện? Có lẽ hơn ai hết, tôi là người hiểu anh.
Anh làm thơ không phải để thành nhà thơ, cũng như trước đây viết kịch bản phim không phải để thành danh trên sự nghiệp biên kịch. Lê Quang Thông tâm sự: viết thơ, viết kịch cũng như thú chơi, vui thì chơi, buồn thì chơi, chán thì thôi vậy..Mở quán cà phê cũng theo cách đấy, là để vui và cũng để buồn..Nếu vui quá hóa rồ thì dẹp, buồn quá đến quẫn, cũng dẹp nốt.
Chơi mà thật, thật mà chơi
Để xem con tạo chuyển dời về đâu...
Cà phê đen sao lại nâu?
Cà phê sữa trắng sao màu đất nung?
Chuyện đời mặn, nhạt, cát, hung
Một li này đủ đi cùng tháng năm..
                                             Quán hưu
Đúng như Tuyên ngôn : Chơi mà thật, thật mà chơi, tập thơ Trốn tìm của Thông nếu gọi đúng ra là mộttập hợp thơ, nó cũng như cái mảnh làng Liêm Công Tây ấy, có đủ các dạng hình, đủ các thời khắc của một kiếp sống gần 70 năm với đời, đủ vui và cũng chán chê buồn, có ngọt ngào và cũng không thiếu đắng đót. Là một tập hợp thơ bởi tác giả không có vẻ muốn chọn lọc, cũng không cố tình sắp đặt theo chủ đề hay phong cách. Không. Cũng như cái mảnh làng Liêm Công Tây, cứ có cả đồi, có cả ruộng, có cả dáng vẻ trù phú và không hề dấu diếm những xác xơ. Thông nói trước với tôi: có bài nào còn tìm thấy được, dù đó là thơ đã đăng báo hay chỉ chép đâu đó trong sổ tay, dù là thơ lúc làm ra có ý tuyên truyền hay chỉ là những cảm xúc vu vơ, vô định, tôi đều tập hợp lại hết...
Tôi đọc bản thảo với sự " rao hàng"chuẩn bị trước như vậy của tác giả nên quả thật cái cảm giác ban đầu là sự tập hợp quá vô tư. Một tập thơ không dày nhưng lại rất bề bộn. Tác giả viết về quê hương, đất nước, viết về bạn bè, đồng nghiệp, về bố, mẹ và những người thân..Lại có nhiều bài thù tạc tri kỉ tri âm, lại cũng nhiều bài viết về nhiều vùng đất khác nhau trên đất nước nơi anh từng gắn bó một thời. Về phong cách lại càng nhiều khác biệt. Nhiều bài theo lối cổ, thậm chí rất cổ. Nhưng không ít bài lại rất tân, thậm chí có cả loại thơ văn xuôi nữa..Trong tập, tác giả có một bài đề tặng Cảnh Trà, có nhắc đến tên một tập thơ của Cảnh Trà làRau tập tàng. Tôi nghĩ, tập thơ này của Lê Quang Thông có vẻ cũng như bát canh rau tập tàng vậy..
Là tôi nói cái cảm xúc bột phát ban đầu. Có lẽ tôi hơi bị ám ảnh với cách tự giới thiệu quá khiêm tốn và dè dặt của tác giả. Bình tâm nhìn lại. khẽ nhắm mắt để dư âm những bài thơ vọng vào tâm khảm, tôi bỗng nhận ra, mọi thứ không hẳn là như vậy.
Có cơn lốc ngàn lần dữ dội
Hơn mọi cơn lốc ngoài đời
Cây không đổ
Nhà không xoay
Không có mưa rơi
Mà cơ hồ như tan biến hết...
...
Cơn lốc Nỗi nhớ...
                                       Lốc.
Nỗi nhớ gì mà kinh khủng như vậy. Và điều đáng nhớ là gì mà khiến nỗi nhớ dữ dội hơn mọi cơn lốc ngoài đời? Tôi là người khá gần gũi Lê Quang Thông, là đồng hương, đồng liêu và mấy chục năm đồng công vụ trong tỉnh..Tôi dám chắc cuộc đời anh không có gì quá đặc biệt, không có những cú sốc, cũng không có những bước ngoặt hụt hẫng hay những tháng ngày thế thảm, bi ai hay cái gì đó đại loại như thế...Nhìn dáng vẻ con người Thông, cung cách sống và tác phong làm việc hàng ngày, ai cũng nhận ra đây là một con người thích lặng lẽ, khiêm nhường, đơn giản..Không có bất cứ biểu hiện gì của một tính cách dữ dội, một khát vọng cháy bỏng hay những ước nguyện cao siêu..Không qua bốc đồng, cũng chẳng quá sầu não. Tình yêu và gia đình là hai khoảng riêng vốn chất chứa nhiểu ẩn ức thì ở Lê Quang Thông lại cũng có vẻ quá đơn giản. Anh sống mực thước, thủy chung và tròn vai..Anh sống âm thầm, lặng lẽ như cái bóng làng Liêm Công Tây của anh vậy.
Khoan đã...Nghĩ đến đây tôi bỗng thấy giật mình và lật vội lại những bài thơ trong tập.
Chung gối chung chăn
Mà như hai người xa lạ
Muốn vào gần lại sợ đụng nhau
Mỗi đứa tâm sự mỗi bầu..
...
Chẳng ai nói với ai
Nén từng tiếng thở dài
Co ro vờ ngái ngủ
Đếm từng hạt mưa rơi
Đêm cứ thế đêm dài...
                                   Giận.
Chuyện giận là chuyện thường ngày trong mỗi căn nhà. Nhưng giận rồi hò hét, la mắng, thậm chí đôi khi còn đụng chân đụng tay. Đấy mới là chuyện thường. Còn giận đến mức sợ đụng vào nhau..nén từng tiếng thở dài thì quả thật là cái giận bất thường và dữ dội..
Đấy là chuyện trong phòng riêng.. Còn chuyện ngoài xã hội thì sao. Với cái vẻ điềm tĩnh có phần vô tư lự của Thông, không ai ngờ anh lại có những câu thơ như thế này về nghề nghiệp và công việc:
Tâm càng trong càng buốt
Mắt càng sáng càng nhức
Bút càng sắc càng đau
Lành ít, dữ nhiều
Lối vào nghề là tấm bảng màu rêu
Dòng chữ đậm:" Nghề nguy hiểm"
                                              Nghề báo.
Và đây là cõi riêng rất kín của Thông:
...Mẹ sinh em
Trời sinh Chúa
Nhưng với anh chẳng Chúa nào giáng thế
Chỉ biết trên đời có em...
...
Từ bấy
Ba sáu lần Nôen
Em tròn ba sáu tuổi
Chẳng biết ở đời có Chúa
Chỉ biết bây giờ tôi là một con chiên.
                              Đêm Chúa giáng sinh.
Đến đây thì tôi đã hiểu. Nỗi nhớ dữ dội hơn mọi cơn lốc trong tâm khảm Lê Quang Thông không phải vì kí ức anh chứa chấp một cái gì đó quá đặc biệt. Cái đặc biệt không chắc đã thành thơ. Kí ức Thông cũng ẩn chứa tất cả những gì có thể có như bao người khác. Nhưng nó lại đặc biệt ở chỗ kí ức bị nhấn chìm, bị ẩn ức quá lâu vì cái cung cách nho nhã bên ngoài của anh. Nó trốn sâu bên trong cái con người mang vẻ điềm tĩnh đến mức hờ hững của anh. Và có thể nó sẽ trốn mãi mà không một ai nhìn thấy nếu những bài thơ trong tập này không được công khai.
Trúc Sơn Trang- 19/10/2011
Xuân Đức

 Đăng ngày 24/10/2011

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan