Wednesday, October 14, 2015

:LIỆT SỸ - Truyện ngắn

Tác giả: Nguyễn Đức




          Trong thâm tâm tôi, người ấy là Liệt sỹ. Không chỉ với nghĩa đã chết vì lợi ích chung được mọi người tôn vinh, noi gương mà còn chết lẫm liệt, oai hùng mặc dù rất đỗi bình thường, giản dị.
          Tôi không thể nhớ rõ ngày tháng người ấy ngã xuống nếu như không có sự kiện treo Cờ Tổ quốc nhân ngày 2 tháng 9 năm 1967.
          Tôi nghĩ, kẻ xâm lược nhiều khi rất tiểu tiết, vụn vặt. Tất nhiên là có ý đồ, nhưng với người dân bình thường ở quê tôi thì những ý đồ đó rất hèn mọn. Ví như mấy tên phi công Mỹ khi đã ném hết bom, bay qua quê tôi để quay về Hạm đội 7 ở ngoài biển Đông rất nhiều lần hạ độ cao, bay sát nóc nhà với tiếng gầm rú xé tai để hăm dọa những người dân hồi đó cả đời chưa một lần nghe tiếng ô tô. Những năm đầu chiến tranh phá hoại chưa quen, nhiều người ở quê tôi sợ tiếng rú của máy bay đến nỗi phải nhét giẻ vào lỗ tai. Nhiều người sợ máy bay vào sống trong Rú, không dám có mặt ở chỗ đông người.
          Năm 1967 Vĩnh Linh là khu vực bị bom đạn Mỹ đánh phá rất ác liệt. Đêm hôm trước ngày 2 tháng 9 dân quân đến từng nhà, đúng hơn là đến từng hầm phổ biến, nhắc nhở: chuẩn bị cây tre cao, đào hố sẵn để ngày mai treo Cờ! Có Lá cờ to ở đầu cầu Hiền Lương thì cần có thêm những Lá cờ con ở từng nhà trên mảnh đất địa đầu giới tuyến của miền Bắc, để Vĩnh Linh thành một rừng cờ trong những ngày giặc Mỹ đang tỏ rõ dã tâm khuất phục ý chí chiến đấu của dân tộc, của Vĩnh Linh bằng bom đạn.
Từ sáng sớm ngày hôm ấy từng tốp máy bay, từng loạt pháo từ biển, từ bờ Nam dội xuống Vĩnh Linh, dội xuống làng tôi không lúc nào ngớt. Mà hình như có sự chỉ huy vì không phải bom, pháo đều dội xuống đồng loạt mà hết máy bay ném bom rồi mới đến pháo từ bờ Nam, hết pháo từ bờ Nam rồi mới đến pháo từ biển. Ý đồ hèn mọn của chúng là quyết không cho người dân Vĩnh Linh ngóc đầu lên khỏi hầm để treo Cờ Tổ quốc trong ngày Độc lập của dân tộc.
Một quả bom đã dội trúng ngã ba đường, làm đổ bức tường được xây bằng gạch, quét vôi trắng mà mấy hôm trước anh cán bộ thông tin văn hóa của xã đã mất ba ngày vừa hì hục vẽ, vừa phải xuống hầm tránh bom pháo để kẻ Lời hiệu triệu của Bác Hồ: "Không có gì quý hơn độc lập tự do. Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi".
          Đã ngoài 9 giờ sáng mà cả làng tôi chưa có một Lá cờ nào được treo lên, chưa ai dám lên khỏi mặt đất để cắm cây tre đã buộc sẵn Lá cờ xuống cái hố đào sẵn trước sân. Từ hầm ra sân lâu nhất cũng chỉ mất một phút là có thể cắm được Cờ, nhưng còn cần thời gian lấp đất, nện chặt để cột cờ đứng vững cho Lá cờ bay. Biết nguy hiểm nên dân quân cử người đến từng hầm trấn tỉnh: "Chưa manh động, tránh thương vong". Lại phân công mấy người sẵn sàng, ngớt bom pháo là xây ngay lại bức tường ở ngã ba để kẻ Lời hiệu triệu của Bác. Lại hội ý và quyết định phải xây bức tường cao hơn, dài hơn để kẻ chữ được to hơn. Bức tường cũ hơi bé do thiếu gạch. Lần này huy động mấy nhà có tường gạch ủng hộ thêm.
          Đến khoảng 10 giờ. Nắng đã gắt. Bom, pháo vẫn rung trời, chuyển đất.
          Bỗng có tiếng hét từ phía nhà ông Lầm: "Ông Lầm lên treo Cờ bị trúng bom!".
          Theo quy ước hồi ấy thì khi có thương vong, sập hầm hoặc những việc nguy hiểm, khấn cấp thì người biết đầu tiên phải hô to lên. Những người nghe được thì hét tiếp truyền đi khắp làng để đến ứng cứu. Lần này cũng thế. Cả làng tôi vang rền tiếng hét: "Ông Lầm lên treo Cờ bị trúng bom! Ông Lầm lên treo cờ bị trúng bom...!".
          Nhà ông Cầm nghèo nhất làng tôi. Vợ ốm quanh năm. Sáu mặt con dại. Một mẹ già. Ông và vợ không biết ăn thịt, nhịn mãi, nhường mãi cho mẹ và các con đến nỗi ăn thịt vào là bị mẩn ngứa. Đứa con gái lớn bế em hết đứa này đến đứa khác, hai bên sườn chai thành từng cục, bẹo không biết đau. Mẹ tôi kể, hồi trước vợ chồng ông nuôi con bằng cách vào Rú chích nhựa cây trám (quê tôi gọi là cây đèn), tẩm vào bùi nhùi được quấn bằng giẻ, bán cho những nhà nghèo dùng để đốt thay đèn vì không đủ tiền mua dầu hỏa, hơn nữa dầu hỏa cũng rất hiếm.
          Làng tôi thương nhà ông nghèo nhưng nhiều người ngại gần, ngại gặp vợ chồng, con cái ông vì sợ liên lụy khi ông có người em chạy vào Nam trước khi đóng cửa giới tuyến năm 1955. Mặc dù trước đó em của ông chỉ lam lũ làm ăn, cũng nghèo như ông anh, nghèo đến mức không lấy được vợ, nhưng chạy vào Nam có nghĩa là theo giặc. Chẳng biết vào đó ông ta có làm gì cho địch không nhưng cần phải cảnh giác. Thời kỳ đó địch tung rất nhiều biệt kích, gián điệp ra miền Bắc, nhất là Vĩnh Linh, mảnh đất đầu cầu giới tuyến nhằm dò la tin tức, nắm tình hình bố phòng, nơi cất dấu lương thực, vũ khí để phá hoại.
          Ông Lầm có tật hay nói kháy, nói khích, nói vận để kê kích người khác, nhiều khi cũng tự trêu mình, lấy điều đó làm vui. Nhưng không ít người, nhất là những người bị kê kích đều không thích, không ưa ông. Tên ai cũng bị ông đem ra nói ngược, nói bồi để trêu, nhất là với cán bộ. Với người tên Lương: "Lương" đấy mà không biết có "thiện' không. Với người tên Xứng: "Xứng" mà không biết có "xứng đáng" không. Đại loại như thế. Có ai trách thì ông bảo: Con người ta có một thứ chỉ cho người khác dùng đó là cái tên. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ,  khi mọi người trong làng tôi thi nhau kê khai thành tích kháng chiến thì ông cũng viết và gửi lên xã. Nhưng khi mở bản kê khai của ông ra thì mọi người vừa phì cười vừa bực tức, yêu cầu ông viết kiểm điểm vì ông kê khai thành tích bằng hai câu văn vần: "Thành tích của tôi: Trước cách mạng thổi kèn đám ma/Sau cách mạng tham gia diệt ruồi". Vì vậy, dù chẳng ai biết vì sao ông em chạy vào Nam nhưng ông Lầm bị liên lụy, bị gọi lên xã khai báo, thẩm vấn nhiều lần.
          Biết mọi người xa lánh mình, không được cán bộ cắt cử vào những việc cần giữ bí mật như tiếp lương, tải đạn, đào nơi cất dấu vũ khí, lương thực, ông Lầm lầm lũi làm hết mọi việc nặng nhọc của Đội sản xuất giao, chuyên trách việc phun thuốc trừ sâu, một việc ai cũng ngại vì thuốc trừ sâu hồi đó rất độc, nhiều phụ nữ có mang đi phun thuốc trừ sâu về đã bị sẩy thai. Cả anh con trai cả của ông cũng không được tham gia vào công việc chiến đấu và phục vụ chiến đấu, mặc dù nhiều lần anh tình nguyện xung phong. Có lần anh đã lợi dụng đêm tối, trà trộn theo đoàn bộ đội hành quân qua làng vào Nam nhưng bị phát hiện đuổi về. Sau việc ấy cán bộ càng dè chừng anh con cả và người nhà ông Lầm hơn. Đi theo bộ đội làm gì?. Hay là để phá hoại?.
          Nhưng ông Lầm là người có công với làng khi ông là người đầu tiên đào giếng lấy nước và bảo mọi người cách đào giếng. Trước đó nước cho cả làng chỉ có ở Khe La Ngà giữa  Rú. Tuy không xa nhưng do làng tôi ở trên đồi nên gánh được nước từ khe lên dốc là hết sức vất vả. Nhất là về mùa mưa, dốc trơn, có người phải hai ba lần lên xuống mới có gánh nước về. Về mùa hè thì từng nhà phải huy động cả trẻ con đi lấy nước để tưới cây hồ tiêu. Từ khi Mỹ bắn pháo sáng để ném bom, làng tôi mới có thùng nhôm gò bằng ống pháo sáng. Trước đó toàn gánh nước bằng trái bầu khô hoặc ống bương. Gánh bằng trái bầu khô thì nhẹ và được nhiều nước nhưng nếu mà ngã, trái bầu vỡ thì về tay không.
          Ông tổ làng tôi từ Nghệ An vào khai đất từ thời Lê. Nhưng không hiểu vì sao bao đời nay không ai nghĩ đến chuyện đào giếng lấy nước. Có lẽ vì ai cũng nghĩ làng ở trên đồi cao đất đỏ ba-gian nên không có nước. Hoặc có người đời trước đào nhưng chưa sâu đến mức có nước đã bỏ dở. Chính ông Lầm cũng mấy lần bỏ dở, lần cuối cùng phải đào sâu đến hai mươi lăm mét mới thấy nước. Thế là làng tôi trở nên náo nhiệt vì phong trào đào giếng. Lúc đầu một xóm cùng đào chung nhau một giếng. Sau thì hai ba nhà chung nhau. Tất cả mọi nơi đều có mặt ông Lầm hướng dẫn cách làm guồng quay đất, cách khai miệng giếng, cách dùng cuốc chim, thế ngồi dưới lòng giếng để mổ đất, cách quay đất lên, giếng sau đẹp hơn, tiện hơn giếng trước. Có nước dùng thỏa thê mà không phải vất vả gánh từ khe sâu, đó là một sự đổi đời của dân làng tôi. Có đủ nước, người làng tôi sạch sẽ hơn, ít bệnh tật hơn, cây hồ tiêu ít chết vì hạn. Không nói ra nhưng làng tôi biết ơn ông Lầm.
Còn một việc nữa cũng coi như ông Lầm có công với làng là việc ông nghĩ ra các kiểu hầm để tránh bom pháo của Mỹ. Tuy có cán bộ ra chủ trương nhưng ông là người thực hiện trước khi có chủ trương, hăm hở  giúp mọi người, nhất là những nhà neo người, thiếu đàn ông làm hầm.
Những năm đầu chiến tranh phá hoại, để sát thương, tiêu hao sức người của ta, Mỹ thường rải bom bi, bắn pháo nơm, pháo chụp. Bom bi có hình trái dứa, trái ổi được xếp trong từng thùng cũng có hình như quả bom, khi được máy bay Mỹ thả xuống đến lưng chừng không trung thì tự động mở ra hàng chục quả bom bi, chạm đất thì kích nổ. Hạt bi to bằng đầu đũa và cả vỏ của nó bắn ra có thể sát thương trong phạm vi vài chục mét. Còn pháo nơm, pháo chụp thì khi chạm phải cây thì nổ ở trên không, mảnh của nó chụp xuống như nơm cá. Để tránh bom pháo, dân làng tôi và cả Vĩnh Linh đào một hệ thống giao thông hào đến từng nhà, từng nơi sinh hoạt công cộng để đi lại dưới mặt đất. Nhưng nơi sinh hoạt của từng nhà thì phải có hầm rộng để ăn ngủ. Ông Lầm là người đầu tiên ở làng tôi dỡ nhà  xuống để làm hầm, gọi là hầm mái bằng. Làm điều này không dễ, vì với dân làng tôi, nhất là những người như ông Lầm phải cả đời, thậm chí mấy đời trồng mít lấy gỗ, trồng tre làm đòn tay, rui mè, khai đất nuôi cỏ gianh để lợp thì mới dựng được căn nhà đủ sức tránh mưa bão. Phá nó đi như phá đời mình. Vậy mà ông Lầm hạ căn nhà xuống. Bốn cột chính được chôn ở bốn góc của căn hầm rộng bằng đúng căn nhà. Kèo được gá vào. Đòn tay, rui mè, tranh tre được xếp lên, rồi lấp đất dày thành căn nhà mái bằng dưới lòng đất. Có hai cửa lên xuống được che bằng hai tấm phên tre bện rơm nhồi đất. Không có việc gì thì không ai ra khỏi hầm, nhất là trẻ con chỉ chơi trong hầm, cũng không đến nỗi quá tù túng. Bom bi, pháo chùm, pháo nơm nổ trên hầm cũng chẳng sao. Hôm ông Cầm "khánh thành" căn hầm mái bằng đầu tiên trong làng, nhiều người đến xem, trầm trồ như đang đứng trước một kỳ quan. Có người cao hứng, bật ra thơ: "Làm nhà che nắng, che sương/Làm hầm để giữ máu xương đồng bào". Câu ca dao này liền được kẻ thành khẩu hiệu treo khắp nơi, mở ra phong trào dỡ nhà làm hầm của làng tôi.
          Nhưng có một sự kiện xảy ra khiến cả làng tôi bàng hoàng, kết thúc mô hình hầm mái bằng do ông Lầm nghĩ ra. Đó là hầm mái bằng của nhà ông Di ở giữa làng bị sập khi cả nhà có bốn người đang ngủ. Một quả bom tạ nổ sát căn hầm, ép căn hầm đổ sụp. May mà cột kèo đè lên nhau, tạo nên khoảng trống trong hầm nên không ai việc gì, chỉ do ngạt thở mà một đứa con mê sảng, tức tối cắn nhiều vết vào mặt, vào cổ ông bố đến nỗi khi được mọi người cứu lên thì ông đã tắt thở.
          Tuy chủ trương làm hầm mái bằng được thực hiện rộng rãi là của cán bộ nhưng nhiều người lại xầm xì về tội của ông Lầm, biết đâu có âm mưu phá hoại của địch. Ông Lầm càng lầm lũi, bỏ cơm hai ngày. Ngày thứ ba ông hè vợ và mấy đứa con lớn xoay trần đào hào giao thông vòng quanh vườn có rất nhiều tre của nhà ông. Dưới mỗi lùm tre, ông cho khoét sâu vào thành một căn hầm đủ chỗ cho một người nửa nằm nửa ngồi. Riêng đứa con út thì chung hầm với ông. Nhà có chín người, đào tám cái hầm mà ông gọi là hầm ếch vì trông giống cái hang ếch. Ai hỏi, ông bảo: Phải sơ tán ngay trong nhà của mình, bom pháo không thể trúng cả tám cái hầm được. Đến bữa ăn, vợ ông bưng từng bát cơm độn sắn cho từng người. Đêm đến, hầm ai người ấy ngủ. Khi có bom pháo nổ gần, chờ khi bom pháo ngớt, ông bắc tay làm loa gọi tên từng người. Chờ mọi người đáp lại đầy đủ, ông mới yên tâm quay vào hầm của mình. Vì trên nóc hầm có bụi tre chắn, rễ tre đan dày giữ cho hầm khó sập nên tạm yên tâm. Có một đêm, gọi mãi tên thằng áp út mà không thấy thưa, ông chạy đến hầm của nó thì thấy một con rắn hổ mang đang bò ra. Thằng bé bị rắn cắn tím tái cả người, sợ đến cấm khẩu. Mặc dù thế, hầm ếch vẫn trở nên phổ biến ở làng tôi. Có người còn gọi đó là hầm ông Lầm.
          Sau này làng tôi còn thực hiện chủ trương đi sâu vào lòng đất, đào hầm trung kiên sâu xuống lòng đất mười, mười lăm mét, đào hầm địa đạo sâu tới hai mươi, hai mươi lăm mét để tránh bom tạ, bom tấn, cuối cùng lại trồi lên mặt đất, làm hầm chữ A để bám trụ. Nhưng đó không phải là sáng kiến của ông Lầm. 
          Trở lại sáng ngày 2 tháng 9. Khi tiếng hô loan tin ông Lầm trúng bom vừa dứt, ngay lập tức không biết từ miệng người nào phát ra lệnh: "Noi gương ông Lầm. Lên treo cờ!". Thế là cả làng lại truyền nhau hô theo: "Lên treo cờ! Lên treo cờ...!". Có nhà cả hai người cùng lên. Một người giữ cột cờ, một người lấp đất rồi cùng nện đất cho nhanh. Nhìn Lá cờ tung bay trước sân, làng tôi sáng ấy có nhiều người khóc.
          Hôm sau ông Lầm chết vì bị nhiễm vi trùng uốn ván do ông đã bốc đất đắp vào vết thương để cầm máu khi bị mảnh bom tiện đứt một chân, gượng ngồi giữ chặt cột cờ cho đến khi người nhà chạy lên đưa ông xuống hầm.
          Vừa rồi về quê, gặp lại người con trai cả của ông Lâm, hỏi ra thì bố anh chưa được công nhận là liệt sỹ. Gia đình anh có hỏi thì được trả lời là bố anh không thuộc diện người hy sinh do pháp luật quy định. Lúc ra Hà Nội đọc kỹ Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội thì quả nhiên trường hợp như ông Lầu chưa được quy định rõ là liệt sỹ. Chỉ có một quy định có thể vận dụng là trường hợp "dũng cảm làm những công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh".
          Nhưng trong thâm tâm, tôi cũng như nhiều người dân quê tôi vẫn coi ông Lầm là Liệt sỹ.

                                                                                   Tây Hồ, tháng 11 năm 2012

 Đăng ngày 03/12/2012

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan