Tác giả: Hương Lan
SGTT.VN - Tai biến là vở kịch mới nhất của nhà hát Kịch Việt Nam do đạo diễn Anh Tú và soạn giả Xuân Đức tạo nên. Một nhà văn nổi danh với ngòi bút "gai góc", một đạo diễn "uy lực" không kém với hàng loạt đề tài vừa thời sự, vừa nhạy cảm. Điều gì xảy ra khi họ "bắt cặp" trong vở kịch này?
Xuân Đức + Anh Tú + nhà hát Kịch Việt Nam + Tai biến, có cơ sở để dự đoán, phép cộng này dễ tạo nên một tác phẩm sân khấu dài và "nặng". Nhưng hoá ra, Tai biến, dày tới mười cảnh, lại chỉ dài chưa đến hai tiếng đồng hồ. Trong thời lượng gọn ghẽ khó tin ấy, cả một câu chuyện phức tạp, dồn dập kịch tính, đào xới tận gốc rễ căn nguyên của vấn nạn tham nhũng đã diễn ra, và được giải quyết theo cách thấu đáo. Vốn là một soạn giả ưa "áp sát" thời cuộc, không lạ khi Xuân Đức mượn tình tiết của những vụ án liên quan đến bất động sản gần đây nhằm ám chỉ những vấn đề lớn cấp vĩ mô, gây nhức nhối và không dễ phanh phui, càng khó thanh trừng: đó là chuyện "sân trước", "sân sau"; là đường dây tham nhũng toả chân rết dày đặc, khởi nguồn từ chính những nhân vật cấp cao, luôn giấu mặt, và luôn an toàn nhờ biện pháp thí tốt. Cho dù có chặt đứt một hai chân rết, những chân rết khác rồi lại mọc ra, hệ thống tham nhũng vẫn cứ yên ổn vận hành. Không quá lời khi nói soạn giả Xuân Đức đã hoàn thành một kịch bản trường nghĩa, có bề dày và chiều sâu hấp dẫn, nhưng khó dựng. Đạo diễn non nghề thể nào cũng cho ra một vở kịch rối rắm, căng cứng và dĩ nhiên, khó xem.
Nếu xét về số lần chuyển cảnh, số lượng nhân vật, khối lượng nút thắt, cao trào của kịch bản thì thấy, đạo diễn Anh Tú đã tự thách thức chính mình khi chọn cách bám sát cốt truyện. Nhưng hay là ngồi xem Tai biến không có cảm giác oải, dù những trạng thái tâm lý khán giả trải qua, chẳng khác nào triệu chứng của một cơn tai biến. Một phần nhờ đạo diễn "gọt" rất khéo các chi tiết thừa, tính toán kỹ lưỡng thời lượng từng cảnh, và dụng công tạo nên một kiểu tiết tấu vừa mới, vừa hiện đại cho vở kịch: nhanh, mạnh và có tính bùng nổ. Ngoài ra, mỗi một chi tiết trong thiết kế sân khấu, từ những hàng cột đan cài nhằng nhịt tựa như một cạm bẫy, từ những khối bục được sắp xếp kỹ càng như một tác phẩm điêu khắc đều liên kết chặt chẽ với chủ đề, và giàu sức gợi. Nó khiến triệu chứng "tai biến" của khán giả sâu hơn, mạnh hơn, theo hướng tích cực. Đó là khoảnh khắc nhói lòng khi chứng kiến những tình bạn sinh tử có nhau lại vỡ vụn trong cơ chế thị trường. Đó là nỗi sợ tê liệt khi nhận ra một thực tế, ngay cả những con người tâm tính lương thiện cũng có thể bị thời cuộc xáo xào thành những phiên bản trái ngược, sẵn sàng phạm mọi tội ác. Đó là sự hồi hộp căng thẳng khi theo chân các chiến sĩ công an đánh án. Khác với kịch bản gốc và với chính thói quen, trong Tai biến, Anh Tú không đẩy kịch tính đến tận cùng, không nhấn vào sự quả báo, mà là sự tự vấn của những con người lỡ nhúng chàm. Việc ngồi thiền, tập dưỡng sinh và hành động lấy rượu tế bạn của thứ trưởng Vũ Lân khiến cái kết của Tai biến, nhìn qua, tưởng như nhẹ nhàng hơn kịch bản gốc, mà không phải vậy. Đó chỉ là cách đạo diễn đan cài hợp lý yếu tố hài vào bi; là cách để nhân vật không bị một chiều, là cách lưu lại một chữ "tình" mong manh mà quý báu cho vở kịch quá khốc liệt này. Hoá ra, họ là những con người luôn phải đeo mặt nạ, để che giấu những bất an trong lòng. Họ cũng từng muốn thoát khỏi cái mạng lưới chân rết chằng chịt dục vọng và âm mưu, nhưng không thể.
Họ, ở một khía cạnh nào đó, cũng đáng thương, nhiều như đáng trách.
Đăng ngày 14/06/2013
SGTT.VN - Tai biến là vở kịch mới nhất của nhà hát Kịch Việt Nam do đạo diễn Anh Tú và soạn giả Xuân Đức tạo nên. Một nhà văn nổi danh với ngòi bút "gai góc", một đạo diễn "uy lực" không kém với hàng loạt đề tài vừa thời sự, vừa nhạy cảm. Điều gì xảy ra khi họ "bắt cặp" trong vở kịch này?
Xuân Đức + Anh Tú + nhà hát Kịch Việt Nam + Tai biến, có cơ sở để dự đoán, phép cộng này dễ tạo nên một tác phẩm sân khấu dài và "nặng". Nhưng hoá ra, Tai biến, dày tới mười cảnh, lại chỉ dài chưa đến hai tiếng đồng hồ. Trong thời lượng gọn ghẽ khó tin ấy, cả một câu chuyện phức tạp, dồn dập kịch tính, đào xới tận gốc rễ căn nguyên của vấn nạn tham nhũng đã diễn ra, và được giải quyết theo cách thấu đáo. Vốn là một soạn giả ưa "áp sát" thời cuộc, không lạ khi Xuân Đức mượn tình tiết của những vụ án liên quan đến bất động sản gần đây nhằm ám chỉ những vấn đề lớn cấp vĩ mô, gây nhức nhối và không dễ phanh phui, càng khó thanh trừng: đó là chuyện "sân trước", "sân sau"; là đường dây tham nhũng toả chân rết dày đặc, khởi nguồn từ chính những nhân vật cấp cao, luôn giấu mặt, và luôn an toàn nhờ biện pháp thí tốt. Cho dù có chặt đứt một hai chân rết, những chân rết khác rồi lại mọc ra, hệ thống tham nhũng vẫn cứ yên ổn vận hành. Không quá lời khi nói soạn giả Xuân Đức đã hoàn thành một kịch bản trường nghĩa, có bề dày và chiều sâu hấp dẫn, nhưng khó dựng. Đạo diễn non nghề thể nào cũng cho ra một vở kịch rối rắm, căng cứng và dĩ nhiên, khó xem.
Nếu xét về số lần chuyển cảnh, số lượng nhân vật, khối lượng nút thắt, cao trào của kịch bản thì thấy, đạo diễn Anh Tú đã tự thách thức chính mình khi chọn cách bám sát cốt truyện. Nhưng hay là ngồi xem Tai biến không có cảm giác oải, dù những trạng thái tâm lý khán giả trải qua, chẳng khác nào triệu chứng của một cơn tai biến. Một phần nhờ đạo diễn "gọt" rất khéo các chi tiết thừa, tính toán kỹ lưỡng thời lượng từng cảnh, và dụng công tạo nên một kiểu tiết tấu vừa mới, vừa hiện đại cho vở kịch: nhanh, mạnh và có tính bùng nổ. Ngoài ra, mỗi một chi tiết trong thiết kế sân khấu, từ những hàng cột đan cài nhằng nhịt tựa như một cạm bẫy, từ những khối bục được sắp xếp kỹ càng như một tác phẩm điêu khắc đều liên kết chặt chẽ với chủ đề, và giàu sức gợi. Nó khiến triệu chứng "tai biến" của khán giả sâu hơn, mạnh hơn, theo hướng tích cực. Đó là khoảnh khắc nhói lòng khi chứng kiến những tình bạn sinh tử có nhau lại vỡ vụn trong cơ chế thị trường. Đó là nỗi sợ tê liệt khi nhận ra một thực tế, ngay cả những con người tâm tính lương thiện cũng có thể bị thời cuộc xáo xào thành những phiên bản trái ngược, sẵn sàng phạm mọi tội ác. Đó là sự hồi hộp căng thẳng khi theo chân các chiến sĩ công an đánh án. Khác với kịch bản gốc và với chính thói quen, trong Tai biến, Anh Tú không đẩy kịch tính đến tận cùng, không nhấn vào sự quả báo, mà là sự tự vấn của những con người lỡ nhúng chàm. Việc ngồi thiền, tập dưỡng sinh và hành động lấy rượu tế bạn của thứ trưởng Vũ Lân khiến cái kết của Tai biến, nhìn qua, tưởng như nhẹ nhàng hơn kịch bản gốc, mà không phải vậy. Đó chỉ là cách đạo diễn đan cài hợp lý yếu tố hài vào bi; là cách để nhân vật không bị một chiều, là cách lưu lại một chữ "tình" mong manh mà quý báu cho vở kịch quá khốc liệt này. Hoá ra, họ là những con người luôn phải đeo mặt nạ, để che giấu những bất an trong lòng. Họ cũng từng muốn thoát khỏi cái mạng lưới chân rết chằng chịt dục vọng và âm mưu, nhưng không thể.
Họ, ở một khía cạnh nào đó, cũng đáng thương, nhiều như đáng trách.
Đăng ngày 14/06/2013
Ý kiến về bài viết | ||||||||||
|