Tuesday, October 13, 2015

Mưa quê - tạp văn

Tác giả: Nguyễn Hữu Đạt



Thế là những gì người nông dân mong mỏi, chờ đợi bấy lâu nay rồi cũng tới.
Mấy hôm nay, mưa về tầm tã.
Khi thóc đã vào kho, củi khô đã nỏ cứng, chất cao, thì người ta lại mong sao cho có mưa,
mưa càng nhiều thì thời vụ tới càng tươi tốt. bội thu...

Nhưng tất cả vẫn phải đi làm, vợ chồng mình cũng vẫn đi làm. Tuy là trong công việc có gặp khó khăn hơn ngày thường một tý, nhưng nhìn những hàng cây tốt tươi, cành lá đung đưa đón nước, thì lòng cảm thấy sung sướng, yên tâm rất nhiều.
Nước đã về tràn đồng.
Cá về theo nước, người ta đua nhau đem chài lưới ra thả, giăng câu đơm đó. . .Tiếng gọi nhau í ới, cười nói hỉ hả. Rộn rả khắp cả nẻo đường thôn quê. Mặc cho nước ngập ngang hông, mặt đôi kẻ đang tái nhợt đi vì rét...
Một vài đoàn người tay cuốc, tay gậy đi qua. Bọn họ không thích cá mà rủ nhau đi săn chuột.
Săn chuột cũng là một cái thú của dân vùng mình. Mỗi đoàn thường tụ tập từ 3 đến 5 người - có khi còn kèm theo cả chó săn. Xăm xăm tìm những bờ cao, bụi rậm tiến tới. Họ hò hét, xua chó, khua gậy "xạc xạc" vào những bụi cây, bờ cỏ... nơi nghi có nhưng con chuột đang ẩn nấp.
Lũ chuột mấy ngày nay, đã cảm nhận được thời tiết thay đổi, sắp có mưa to lũ lớn. - Thế đấy! loài gặm nhấm mà cũng thông minh, biết dự báo thời tiết chính xác gấp mấy con người.- Chúng kéo nhau thành đàn, thành lũ, đến hàng trăm, ngàn, vạn con...Cắn nhau chí choé, hòng chiếm đoạt, tranh giành những chổ cao, kín đáo, làm nơi trú ẩn an toàn cho qua khỏi những ngày cơn nạn.
Nhưng... dù có khôn ngoan đến đâu đi nữa, thì chúng cũng không thể thoát được sự truy kích của những tay săn chuột kỳ cựu vùng thôn quê bọn mình.
Cánh đồng làng giờ đây đã thành một biển nước mênh mông trắng xoá, dạt dào ì oạp, ếch nhái à uôm thê thảm. Lẫn trong màu nước mờ mờ xa xa, thấp thoáng một vài gò đất, ngọn cây, dứa dại, sim me... còn cố trồi lên, nổi dập dờn nhấp nhô trước sóng.
Tiếng những chú cẩu sủa vang vang, làm cho lũ chuột sợ lòi cả mắt, láu liêng, xanh lét... ào ra khỏi chổ nấp, nhảy ào xuống nước nên rất dễ bị tóm cổ.
Thịt chuột là món ăn ngon đáo để, có thể bóp lá chanh, xào sả ớt, hông khô, lăn bột mì rán, giả gà, giả cầy, xào, nướng vân vân...
 Món nào, món đó cũng tuyệt tác cả.
Đã có một vài người, khi nghĩ đến con chuột thì rùng mình, nhưng tới khi nếm thử, thì vô tình nuốt luôn cả lưỡi lúc nào không hay. Ăn xong, chủ nhà hỏi, cứ ậm ậm, ờ ờ  mãi không nói được. Hoá ra... lưỡi anh ta đã bị cuốn vòm, lộn ngược vào trong cổ họng từ khi nào. Phải nhờ người khác kéo dùm ra thì mới nói được.
Nếu như ai đó may mắn tóm được vài cụ chuột già khụ thì khoái phải biết.
Bắt được chuột cụ, cứ việc làm sạch lông như làm lợn, làm cầy... Sau đó đem thui lên cho da giòn khướu, vàng hươm, làm món giả cầy thì thật là đáo để.  Nấu món đó, cứ việc đậy chặt vung, xào lên, cho lửa nhỏ từ từ.
Nhưng dù có cẩn thận tới mấy, thì khi vừa liu riu sôi cho tới lúc bỏ xuống khỏi bếp, mùi thơm bốc ra, khiến người đứng xa gần cây số -  dù đã bịt chặt mũi rồi - vẫn cảm thấy mùi thơm, rơi cả dãi.
Ngày trước, người ta diệt chuột bằng hoá chất, nên mọi người sợ ăn thịt chuột, vấp phải chất độc còn lưu trữ trong máu chuột, lâu ngày sẽ sinh bệnh.
Nhưng hơn năm năm gần đây, người ta thay thế hoá chất đó bằng chế phẩm sinh học samonila- enteritidis. Là loài vi khuẩn gây bệnh đường ruột cho chuột. Nếu chuột ăn phải, trong vòng ba ngày, bị đau bụng mà chết. Nhưng quá ba ngày, mà bả không bị chuột ăn, vi khuẩn sẽ bị tia tử ngoại của mặt trời phân huỷ hết tác dụng.
Thuốc đó không có tác dụng tàng trữ lâu dài trong cơ thể chuột.
Nên những con chuột ăn phải bả không chết, sẽ không lưu truyền cho thế hệ sau.
Ha ha...thế là có dịp tìm về với món khoái khẩu thôn quê xưa nay rồi. Mọi người lại xăng xái, rủ nhau đi bắt chuột về làm mồi nhậu. 
Ban ngày, mọi người đi bắt cá, chuột. Đêm đến, lại tranh thủ chong đèn đi soi, bẫy chim.
Trời mưa rét, chim về nhiều vô kể. Chúng đậu kín cả mô đất, ngọn cây... bất cứ thứ gì mà còn nhô lên khỏi mặt nước.
Gió to, mưa lớn, ướt cánh ướt lông, làm chúng ngại bay, tầm nhìn lại bị hạn chế. Mãi đến khi người đến gần, rọi đèn sáng loá, chúng vẫn cứ ngơ ngác, thô lố đôi mắt như hai hạt đậu, dò hỏi : "Cái chi lạ vậy?"
Rồi bỗng "ụp!" một cái, vợt lưới chụp xuống, chui tọt vào trong giỏ. Lúc đó, chúng mới hoảng hốt, nhảy nhót, giãy dụa... kêu chíp chíp, hỏi nhau: "Vì sao thế này nhỉ?"
Thịt chim thì nhiều loại. Nhưng ngon nhất phải kể đến thịt chim dát, chiền chiền, sẽ, chào mào, mùng trích, bồ nông ...
Những giống như cò, vạc, vịt trời, , mồng két, hét, gà đồng... thì được lượng thịt nhiều, nhưng ăn không ngon lắm. - Tất nhiên vẫn ngon gấp nhiều lần so với thịt gia cầm tự nuôi.
Đã là đặc sản chim chuột là phải làm liền, thưởng thức ngay, mới hưởng được thú vị độc đáo của dân dã đồng quê. - Còn để lâu chúng sẽ gầy xóc đi, ăn mất ngon.
Thịt chim đồng mà làm nhân bánh bột lọc thì chỉ có người dại mới là không ăn.
Ngày trước, nhà văn Nguyễn Văn Thọ vào Quảng Trị, nhà văn Xuân Đức đưa bánh bột lọc ra, thế là ông ta khoái lắm, cứ tấm tắc hoài... hẹn mùa sau tái ngộ
Quê mình nghèo khó. Vốn mang tiếng là "Gió lào cát bỏng, đồng chua ngập úng"... Nhưng những sản phẩm đó thì dồi dào lắm. Không nhiều nhưng cũng đủ phục vụ qua mùa nước nổi.
Tuy rằng:  Ngày nay, do ý thức con người, môi trường đã bị hư hại, sản lượng có sụt giảm đi nhiều. Nhưng... nếu các bạn chịu khó đến với Quảng Trị một lần thôi - đúng mùa mưa lũ - Khi người nông dân đã thu hoạch xong vụ mùa ấm no. Thì vẫn không hề thiếu những món đặc sản dân dã như trên.
 Nên nhớ:  Mùa lũ quê mình dài lắm cũng chỉ 20 ngày mà thôi.
Mong các bạn đến với Quảng Trị mùa mưa, thưởng thức

Vĩnh Hoà 24/9/2009

 Đăng ngày 27/09/2009
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Nico - 28/09/2009

Mưa trong mắt em lãng mạn và dễ thương thật đấy. Chị Nico này cũng chỉ mong được hồn nhiên như em dù chỉ một ngày thôi.
Mưa với chị trong kí ức tuổi thơ là những ngày buồn lê thê ngóng mẹ. Mưa dầm dề, rét như dao cắt nhưng biết bao bà mẹ vẫn quang gánh tảo tần kiếm gạo nuôi con. Mẹ chị đã có lần suýt bị lũ cuốn trôi khi vượt suối để kịp về nhà bởi biết các con đã phải nhịn cơm từ sáng. Mưa  thật buồn để rồi bây giờ cứ thấy trời kéo mây đen là chị sợ. sợ bão, sợ lụt, sợ cái đói dai dẳng kéo dài...
Bão đã đến gần lắm rồi. Miền Trung ruột thịt lại thêm một lần oằn lưng chống đỡ. Bao nhiêu ngôi nhà sẽ sập? Bao nhiêu gia đình sẽ không có cơm ăn? Bao đứa trẻ sẽ không được đến trường?
Lạy trời cho bão tan hoặc đi chệch hướng!
Có lẽ chưa có nơi đâu khổ như người dân ở quê mình em nhỉ? Hết nắng rồi bão lụt. Cả một đời quần quật vẫn không đủ sống chứ nói gì đến sự thảnh thơi.
Mấy hôm nay mưa to. Con đường duy nhất nối quê chị  với bên ngoài đã hỏng. Con đường đất đỏ 5 tỉ đồng cứ đến mùa mưa lại biến mất. Có lẽ nó cũng biết giá trị của nó là 5 tỉ chứ không phải 2 tỉ hoặc ít hơn.
Chị mong cho em vẫn mãi dễ thương và hồn nhiên, vẫn trong sáng và thánh thiện dù có thể rồi đây tiếng ếch nhái sẽ chỉ còn là hoài niệm, "đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã, bây giờ tan tác về đâu" không phải do vỡ kế hoạch mà do các nhà hàng đặc sản quá nhiều.
Hi,hi...

  Gửi bởi: Tiếp... - 28/09/2009

Chà Hữu đạt tả cảnh tàn sát, hủy diệt sinh vật đến là truyền thống ghê rứa ta! Ở quê hình như nhận thức về môi sinh môi trường còn kém, hèn chi cái bãi tắm nữ hoàng ba bốn năm nay cũng sắp sửa thành mụ xơ mướp rồi!
Khôông biết có đúng rứa khôông hi Đạt, nếu khôông đúng thì bỏ qua cho hí!
Chức chàng trai Vĩnh Hòa có nhiều bài viết hay, và luôn luôn có giọng "vĩnh hoàng"

  Gửi bởi: H Đạt - 30/09/2009

Sự thật thì người nông dân sau vụ nông nhàn, tranh thủ đi kiếm con cá, con cua, chim cải thiện đời sống thì có gì đâu. Toàn là phương pháp đánh bắt cổ truyền, chả có gì là phá hoại môi trường cả. Nói cho đúng thì người dân chỉ bắt một số nhỏ những con rù rờ, chậm chạp, già yếu, mà thôi. Phù hợp với quy luật chọn lọc và đào thải của tự nhiên thôi.
Còn  với chuột, dù có diệt tận gốc cũng không sao mà. Đó cũng là thú vui, cách bảo vệ mùa màng, đồng thời cũng là cách họ cải thiện cuộc sống những ngày nước nổi mà.
Chỉ có những nhà máy thải nước thải công nghiệp thẳng ra sông, hồ biển. Làm tất cả sinh vật chết đồng loạt.
-Phương pháp đánh bắt bằng thuốc nổ, Xung điện, dùng hóa chất, luới mắt quá nhỏ. mới hủy diệt môi trường sinh thái chứ.
Người nông dân kiếm vài con cá, chim... để làm bánh canh, nhân bánh bột lọc... thì có chi là làm mất cân bằng sinh thái.
Là dân miền trung, phải biết chung sống với bão lụt. Vậy trước tiên phải có cái nhìn đừng quá bi quan, mà cũng không nên chủ quan là được. Tìm ra cách chung sống với lũ tất nhiên  phải có cái nhìn hơi lãng mạn, lạc quan một tý trước trong hiện tượng tự nhiên. Chắc cũng không sao phải không bác Tiếp, Chị Ni Cô!

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan