Wednesday, October 14, 2015

MÙA THU HOẠCH"- truyện ngắn



Tác giả: Lê Nguyên Hồng



                                                    

Ở cái huyện này ai mà không biết khu biệt thự sang trọng của ông Thực ở thị trấn Bình Minh. Ông mới phát tài hơn mười năm nay, đó là bắt đầu từ giai đoạn ông được bổ nhiệm làm trưởng phòng giáo dục. Những người ngoài ngành không hiểu gì thì thầm khen ông này biết tích cóp vốn liếng để xây dựng cơ ngơi bề thế, đáng để mọi người kính nể và học tập.
Còn ai ở trong ngành giáo dục thì ngậm đắng nuốt cay, tức anh ách nhưng không dám phản ứng gì, vẫn phải tỏ ra thân thiết, quý mến vị lãnh đạo của mình, nếu không thì coi chừng cầm chắc trong tay quyết định điều động công tác bất cứ lúc nào, nhất là các vị hiệu trưởng, hiệu phó chuyên môn không vững hoặc những vị rấp rem được đề bạt trong tương lai. Thật tình mà nói, cuộc đời ông Thực cũng có những bước thăng trầm, từ một công nhân phổ thông, học hành chắp vá để rồi thành danh như bây giờ là cả một quá trình cố gắng, cộng với sự hỗ trợ, nâng đở đắc lực của một người bà con thân thuộc làm cán bộ kiểm tra huyện ủy. Vợ ông, từ một phụ nữ làm công nhân giao thông xin thôi việc về buôn bán rau, cá hàng ngày ở chợ, từng bon chen kiếm tiền hàng ngày rất vất vả, từng nhiều phen cãi lộn, xô xát tranh giành với mấy bà buôn thúng bán mẹt, thế mà bây giờ như một bà hoàng ăn trắng, mặc trơn, ở nhà nhàn nhã tiếp khách và thu tiền của những người đến cầu cạnh chồng mình. Khác với trước, giờ đây mỗi lần bà ra chợ, các phụ huynh, các gia đình có con em làm ở ngành giáo dục đều tỏ ra thân thiết, biếu xén từ cá, thịt, tôm cua đến các loại hoa quả khi bà cát tiếng trả giá để mua. Ông Thực làm trưởng phòng nhưng mọi việc do vợ đứng đằng sau chỉ đạo. Được cái ông này biết nghe và làm theo ý vợ. Ai muốn nhờ cậy, chỉ cần gặp bà là xong ngay. Vợ ông Thực mà đã hứa thì coi như mọi sự nhờ vả đều êm đẹp. Bà đã nhận phong bì và hứa với khách rồi thì dù khó khăn mấy ông Thực cũng tìm cách thực hiện cho kỳ được...
          Ông Thực đã một thời làm công nhân lò vôi. Đây là một nghề rất khổ nhưng ông vẫn bám trụ. Xí nghiệp vôi làm ăn thua lỗ, giải thể, ông cạy cục xin về làm nhân viên công ty ngoại thương. Ông được giám đốc công ty bố trí làm nhân viên phòng hành chính. Tính ông Thực ít nói nhưng nhẹ nhàng, làm việc có hiệu quả nên giám đốc rất tin tưởng. Thời ấy đang con bao cấp nhưng ở ngành ngoại thương cũng dễ thở hơn các ngành khác, có nhiều loại hàng hiếm được bán ưu đãi trong nội bộ nên đem bán ra ngoài cũng thu được chênh lệch cao. Ông Thực cố gắng phấn đấu để tiến thân bằng con đường làm kinh tế ở công ty này. Nhưng đùng một cái, công ty ngoại thương cấp huyện bị giải thể. Theo gợi ý của người bà con làm kiểm tra ở huyện ủy, ông ta theo học lớp đại học sư phạm tại chức. Trong thời gian học, ông làm bảo vệ cho cơ quan thuế. Khi có bằng đại học sư phạm, ông được bố trí về làm việc tại phòng giáo dục huyện. Đó là giai đoạn đội ngũ của ngành giáo dục rất đông, giáo viên trình độ thấp, cuộc sống bằng đồng lương nghề giáo không nuôi nổi bản thân chứ đừng nói đến chuyện nuôi con cái. Đã xuất hiện những câu thơ trong dân gian:
Nhà văn, nhà giáo, nhà báo, nhà đài
Bốn nhà cộng lại bằng hai nhà nghèo...
          Nhiều giáo viên đã bỏ việc về làm vườn hoặc xin về hưu non vì nếu cứ bám theo nghề thì không bao giờ khá lên được. Nhà ai cả hai vợ chồng đều là giáo viên coi như gặp hạn lớn. Ở phòng giáo dục huyện cũng có vài người xin được về hưu non. Lúc bấy giờ, những người có trình độ đại học như ông Thực không nhiều. Toàn huyện không có một thạc sĩ ở những ngành khác. Công tác chuẩn hóa đội ngũ chưa được chú trọng. Chỉ có một số vị lãnh đạo mới học xong cấp 2, nhưng giữ cương vị trọng trách nên phải học bổ túc cấp 3 để sau đó theo học chính trị tại chức mới ổn định cái ghế qua mỗi kỳ đại hội. Còn nói chuyện đi học đại học chuyên môn thì ít ai hâm mộ.
          Ông Thực được bố trí làm cán bộ tổ chức của phòng. Bản tính kín miệng, ít nói, ít nhòm ngó công việc người khác rất phù hợp với việc ông đảm nhận. Ông lại có tính phục tùng cao, thực hiện nhiệm vụ giao có trách nhiệm và rất tự giác nên lãnh đạo phòng rất yên tâm, tin tưởng. Ông còn tham mưu cho trưởng phòng nhiều việc như đề bạt cán bộ quản lý các trường, điều động giáo viên qua từng năm học... rất có hiệu quả. Làm công tác tổ chức được vài năm, bất ngờ ông phó phòng đang còn trẻ nhưng bị chết do ung thư, thế là ông Thực được đề bạt chức phó phòng thay người đã chết. Công việc ông phụ trách cấp học phổ thông. Ông luôn luôn tranh thủ, xin ý kiến chỉ đạo của phòng nên ông trưởng phòng luôn coi ông ta là người khiêm tốn, biết tôn trọng cấp trên. Ông trở thành cánh tay đắc lực của trưởng phòng. Năm nào ông cũng được cơ quan bình xét cán bộ xuất sắc đề nghị tỉnh tặng bằng khen. Con đường đến với cái ghế trưởng phòng đối với ông Thực đã hiện trước nhãn tiền. Ông rất hiểu điều đó và lặng lẽ phấn đấu. Mà ở đời, bất cứ ai cũng có sự cầu tiến, đó là điều tất nhiên thôi và mọi chuyện đã diễn ra đúng như dự định. Ông trưởng phòng về hưu, còn có ai kế vị ngoài ông Thực ra? Nghiễm nhiên ông Thực được cấp trên bổ nhiệm làm trưởng phòng. Cờ đã đến tay, cứ thế là ông phất có bài có bản và kín kẻ hơn các vị đi trước. Cấp trên rất tin tưởng và yên tâm. Sau một năm làm trưởng phòng, thăm dò tính nết từng người trong cơ quan, ông ta quyết định lập lại một " ê kíp" đồng bộ theo chủ ý của mình. Đa số mọi người giữ nguyên vị trí, riêng chức danh cán bộ tổ chức là cánh tay đắc lực cho mình nên ông Thực chuyển một anh người nhà bên vợ từ bộ phận khác sang làm cán bộ tổ chức, còn anh cán bộ tổ chức, ông ưu ái đề nghị huyện xem xét bổ nhiệm làm hiệu trưởng ở một trường trọng điểm của huyện. Thế là bên nào cũng có lợi và đều mang ơn ông ta. Không ai có thể đoán được ý đồ lâu dài của trưởng phòng. Đây là giai đoạn ngành giáo dục thịnh hành trở lại, xã hội đã thực sự coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, đội ngũ giáo viên được đào tạo lại chuẩn hóa để nâng cao chất lượng giảng dạy. Việc thi cử vào ngành sư phạm chặt chẽ và khó hơn, không phải như ngày xưa không vào được ngành nào mới đến với ngành sư phạm như người ta hay nói: "chuột chạy cùng sào thì vào sư phạm". Bây giờ ai vào được cao đẳng, đại học sư phạm là hạnh phúc và may mắn, tốt nghiệp dễ xin việc. Là một huyện rộng với trên 20 vạn dân, có trên 80 trường từ mầm non đến cấp 2 nên người quan lý giáo dục trở nên vô cùng quan trọng, liên quan đến nhiều gia đình, nhiều ngành nghề khác. Cả huyện có trên 2000 cán bộ giáo viên các cấp. Đây là một đội ngũ hùng hậu của sự nghiệp giáo dục ở địa phương.
          Đã từng là cán bộ tổ chức, lên phó phòng, ông Thực có khá nhiều kinh nghiệm và khôn ngoan trong công tác quản lý và điều hành. Ngay năm đầu làm trưởng phòng, Tết đến nhà ông nườm nượp khách, kể cả những vị chức sắc ở huyện, ở tỉnh cũng đến thăm vì có con cháu họ đang làm việc dưới quyền của ông. Khách nào đến cũng phong bì, quà cáp, gọi là chút lòng thành mừng năm mới. Đơn giản thế thôi. Lúc đầu ông ngại, sợ thiên hạ nhìn vào dị nghị. Nhưng vợ ông ta bảo:
          - Họ đến thăm là chuyện đương nhiên. Người ta tự đến chứ mình có đòi hỏi gì đâu. Sợ gì...
          Vợ nói có lý. Ông im lặng và đồng tình. Nhìn bề ngoài, ông Thực là một trưởng phòng liêm khiết nhưng ai thấu hiểu được bên trong ông nghỉ gì? Ông đang tính đến chuyện thu nhập trong giai đoạn tiếp theo nhưng thật kín đáo, thể hiện được tính minh bạch của vị đứng đầu một ngành lớn của một huyện lớn. Cán bộ tổ chức là người nhà nên rất yên tâm. Anh ta đã tham mưu cho ông nhiều chiêu "độc" mà ông thấy rất hay.
          - Anh ạ - Tay cán bộ tổ chức nói: - Có nhiều vị hiệu trưởng "đóng đô" khá lâu, thấy đời sống sung túc thế mà ít lui tới với anh em mình, phải thông tin đến tai chúng việc chuyển đi trường khác ở vùng xa để sờ gáy chúng một phen.
          Ông Thực bảo:
          - Tùy chú, nhưng phải kín kẻ và đúng quy định của ngành để chúng không giãy nảy lên và kiện cáo chỗ này chỗ nọ, mệt lắm.
          - Việc này anh để em lo. Xong ngay!
          Trước đây làm cán bộ tổ chức, ông Thực không dám hé răng bày cho trưởng phòng những chiêu như thế, sợ bị đánh giá là cán bộ tiêu cực. Bây giờ ông không còn lo gì cả. Cán bộ tổ chức và ông đều chung một con đò, nếu đò chìm thì anh nào cũng gặp họa cả.
          Thế là cứ đến kỳ nghĩ hè, tay cán bộ tổ chức rỉ tai với một số hiệu trưởng rằng, năm tới phòng sẽ đề nghị huyện điều chuyển một số cán bộ quản lý các trường để cho người nào cũng được công tác chỗ gần, chỗ xa, chỗ sướng, chỗ khổ, đảm bảo tính công bằng. Thế là cán bộ quản lý các trường tiếp nhận thông tin nhanh chóng, người này nói với người kia, cuối cùng ai cũng biết rất rõ. Vị nào cũng nghĩ mình sẽ bị chuyển địa điểm công tác. Đang ở quen tại cơ sở, gần gia đình tiện lợi mọi bề, nếu chuyển đến nơi khác là cả một sự vất vả khó khăn, cuộc sống gia đình sẽ có sự đảo lộn. Thế là bằng sự khôn ngoan riêng, vị nào cũng lẳng lặng đến nhà trưởng phòng cầu cạnh để mong đừng bị chuyển. Mà mỗi lần như thế không lẽ tay không và nói suông nước bọt, phải có quà cáp, kèm phong bì. Trưởng phòng cũng khôn ngoan, ông không hứa ngay là được hay là không mà tỏ ra suy nghĩ phân vân, rồi nói lấp lửng: "Để tôi nghiên cứu lại kỹ đã nhé...". Thấy không yên tâm, hầu hết các vị cầu cạnh phải đi lần hai, lần ba cho chắc chuyện. Trong dịp hè, đêm nào nhà ông cũng có khách như thế. Vợ ông ta phấn khởi nhận phong bì đều đều. Rút cuộc, đa số cán bộ quản lý các trường đều yên vị, chỉ có vài người điều chuyển có đầy đủ lý do không thể thay đổi khác được. Ai cũng mang ơn trưởng phòng. Được thể, ông ta ra vẻ là người đạo đức, lúc nào cũng quan tâm đến mọi người. Ông thổ lộ thật tâm đắc:
          - Các cậu biết không? Vì chuyện các cậu mà tôi phải vừa tham mưu bằng văn bản, vừa dùng lời lẽ thấu tình đạt lý thì huyện mới chuẩn y tham mưu của phòng đấy. Tôi không nói gì thêm, các cậu cứ hiểu thế cho tôi là được...
          Ai cũng nghĩ trưởng phòng đã chăm lo đến mọi người, vì mọi người. Có nhiều giáo viên con nhà giàu đang dạy ở trường tốt nhất, nghe phong phanh có thông tin sắp bị chuyển đi vùng xa, thế là cuống lên, lo chạy chọt. Đó là thông tin từ miệng cán bộ tổ chức của phòng nên không thể đùa được. Có vị đem biếu chiếc xe máy tay ga loại xịn cho con gái trưởng phòng để được yên ổn lâu dài. Các đồ dùng trong nhà trưởng phòng được thay thế bằng toàn đồ đắt tiền. Chả biết có ai biếu ông Thực một máy vi tính láp tốp xách tay, đi đâu ông cũng mang theo để làm việc, rất tiện. Các dữ liệu đều có trong máy, cần báo cáo là có ngay. Lãnh đạo các đầu ngành ở huyện đã có ai dùng máy tính xách tay oai như trưởng phòng giáo dục đâu?. Có lần, vợ ông ta bảo:
          - Anh thật thà quá, vợ con ít nhờ. Làm lãnh đạo mà anh không ốm đau gì cả. Có vị lãnh đạo thỉnh thoảng ốm thật hay ốm giả, vợ con mới có dịp thu nhập chính đáng. Có người không ốm, vào viện khai đau, nằm vài ngày rồi ra, thế là vợ họ hốt tiền. Anh không thấy sờ sờ ra đấy à?...
          Kể ra, Vợ nói chí lý. Thế là mỗi năm ông Thực "ốm" hai lần đều đặn. Giáo viên đến thăm, ông ta ra vẻ ngại ngùng mà nói rằng:
          - Sao các cậu biết tôi ốm? Cũng nhẹ thôi, vài ngày sẽ khỏi. Đừng nói cho ai biết nhé, tôi không thích làm phiền anh em...
          Ông thì nói vậy, nhưng phong bì bà vợ nhận hết. Ai đi thăm nhiều ít thế nào đều được vợ thông tin đầy đủ đến tai chồng. Ông thầm nghỉ: "Kể ra kiếm tiền cũng dễ thật, muốn được lâu dài thì phải cẩn trọng, biết cách xử thế cho đẹp trên, được dưới". Điều này ông Thực thừa khôn ngoan nên vị trí trưởng phòng vững như bàn thạch. Ông cười thầm trong bụng: "Chỉ có những tay thực hiện các dự án mới lo chuyện tham nhũng, tham ô, bị ngành pháp luật lôi lên kéo xuống, còn như mình thì trong sạch mà tiền cứ vào đều đặn, chả ai làm đếch gì được, sướng thật". Mà thực tế có phải ai cũng ngồi được vào cái ghé này đâu. Đó là cả một vấn đề không hề đơn giản chút nào. Ngành giáo dục ở huyện này, số lượng rất đông - "rộng rá, bòn nhiều cơm" - dại gì không tận dụng? Cơ hội đến mà không biết tìm cách để hưởng, đến lúc về hưu như các vị đi trước có tiếng là liêm khiết, ân hận cũng muộn rồi.
          Cơ hội kiếm tiền của ông Thực ngày càng dễ hơn. Điều lệ của ngành quy định: sau hai nhiệm kỳ bổ nhiệm hiệu trưởng các trường tiểu học, trung học cơ sở (tức là cấp 1, cấp 2) sẽ phải xem xét để thay đổi địa điểm công tác, kể cả giáo viên giảng dạy cũng có sự điều chuyển địa bàn. Thôi thì, cứ đến kỳ nghỉ hè, ông trưởng phòng "đón" giáo viên mệt nghỉ. Có anh cán bộ tổ chức của phòng hậu thuẫn chắc chắn nên ông ta càng vớ được hời từ sự chạy chọt của giáo viên. Tất nhiên, anh cán bộ tổ chức của phòng cũng có một phần lợi lộc vì gọi là "bảo lãnh" chắc chắn cho nhiều người yên vị. Cán bộ, giáo viên đi lo lót nhiều lần nên trong lòng bực tức, cũng chẳng biết làm sao được, vì đó là quy định của ngành ai cũng rõ, có phải phòng giáo dục tạc ra đâu?. Nhiều cô giáo trẻ mới về muốn được dạy chỗ tốt hoặc những cô đang dạy quen ở địa phương, gần nhà, nghe tin có thể luân chuyển đến dạy vùng xa, liền hốt hoảng đi gặp trước cán bộ tổ chức và trưởng phòng. Vì đây là việc chạy chọt rất nhạy cảm nên phong bì phải "dày" mới dễ dàng toại nguyện. Một số khôn ngoan hơn, dựa vào lợi thế của phụ nữ, các cô điện thoại đến hẹn riêng với trưởng phòng và cán bộ tổ chức đi hát karaôkê phòng lạnh, thích gì các cô chiều nấy, kể cả từ A đến Z, cốt là đạt được mục đích, yêu cầu. Khổ nhất là các cô giáo mầm non trẻ đẹp, muốn được vào biên chế là cả một quá trình không dễ chút nào. Để ăn được đồng lương của ngành mầm non, có những cô đã phải chịu "hy sinh" để yên tâm vào biên chế! Chuyện này dài lắm, không sao kể ra được. Nhiều cô giáo tiểu học, trung học cơ sở đã có thông tin chính thức chuyển đi vùng xa, nhưng bước vào năm học mới vẫn không có quyết định điều động?. Mọi người thừa biết sự "khôn lõi" của các cô đã làm cho cái quyết định kia không bao giờ có nữa!.Biết là vậy, nhưng rồi ai cũng thông cảm và chặc lưỡi: "Thôi thì ai có thân nấy lo, khôn ngoan là được...". Mấy cô có chồng làm khác nghề, lúc đi xin ở lại trường mà thâu đêm chưa về, vợ chồng hục hặc căng thẳng, suýt nữa ly hôn. Đã có mấy cô trẻ đẹp, chồng bắt bỏ nghề về mở quầy bán tạp hóa, chứ đi dạy mà nơm nớp trong lòng như thế, rồi chạy chọt dẫn đến hư đốn, không thể được. Những cô đã trao gửi tấm thân cho tay cán bộ chức và ông trưởng phòng để được yên ổn phải đào sâu chôn chặt chuyện ấy trong lòng, nếu để lộ ra sẽ tan vở hạnh phúc gia đình là điều chắc chắn. Có hai cô hiệu trưởng mầm non rất đẹp, nhưng hơi luống tuổi mà chưa chịu lấy chồng, bỗng nhiên người béo lên, phệ ra, đến kỳ nghỉ hè cả hai cô đều sinh con. Một số giáo viên ngấm ngầm nói với nhau: "Đó là sản phẩm của trưởng phòng và tay cán bộ tổ chức". Chỉ có anh lái xe biết rõ nhưng anh ta kín như bưng. Có mấy lần anh ta chở trưởng phòng và cán bộ tổ chức đến một nhà nghỉ rồi về nhà, vài tiếng sau mới đến đón hai vị. Đó là cái khoảng thời gian hai cô hiệu trưởng mầm non cũng ghé xe máy đến nhà nghỉ. Chuyện ấy các cô đã quá quen và thành thạo từ lâu, đố ai biết được? Nhưng có người lại bảo: "Sản phẩm ấy là của hai vị chủ tịch xã". Không hiểu ra sao cả. Hay các vị đều có "chấm mút" cả nên không thấy dư luận gì nhiều. Hai cô chẳng sợ, mà chỉ nói rằng: "Tôi không có chồng, tôi có quyền làm mẹ". Nói thế thì chịu thua các cô thôi. Với lại thời nay, chuyện không có chồng mà có con không căng thẳng, bức xúc như thời xưa. Còn có mấy cô chết chồng do đau ốm hoặc tai nạn, hiện đang dạy ở những trường có điều kiện tốt, đang ở vào cao điểm hồi xuân thường "lôi kéo" trưởng phòng và tay tổ chức đi chơi khách sạn, nhà nghỉ. Các cô đã điều hành trưởng phòng một cách dễ dàng và phấn khởi ngẩng cao đầu ở lại trường, không bao giờ có chuyện luân chuyển đi dạy nơi khác. Các cô khôn ngoan, không dại gì bày cho bạn bè của mình cả. Một số cô không dùng "mẹo" bằng tình thì phải bỏ phong bì thật đậm mới được chấp nhận đơn xin ở lại trường cũ với các lý do chính đáng mà anh cán bộ tổ chức của phòng bày vẽ cho. Mọi văn bản báo cáo hoặc đề nghị của phòng để huyện xem xét chuẩn y đều thực hiện theo quy trình chặt chẽ, có lý có tình nên huyện không thể biết được, cứ thế ký ngay...
          Mới đó mà ông Thực đã làm hai nhiệm kỳ trưởng phòng. Còn hơn 5 năm nữa ông mới đến tuổi nghỉ hưu. Sở Giáo dục đã nhòm ngó tới. Trong số các trưởng phòng giáo dục cấp huyện thì ông Thực được đánh giá có năng lực hơn cả. Lần này, sở có ý định đưa ông Thực vào giữ chức trưởng phòng phổ thông. Cùng lúc ấy lại có một thông tin quan trọng khác là, chị phó chủ tịch văn xã của huyện sắp được tỉnh rút lên làm giám đốc của một sở nên khả năng cái ghế phó chủ tịch ấy trăm phần trăm lọt vào ông Thực. Đúng là dịp may trời cho. Theo gợi ý của người bà con làm kiểm tra huyện ủy thì bằng mọi giá ông Thực phải chiếm lĩnh cái ghế phó chủ tịch huyện, có ông ta đứng hỗ trợ đằng sau, không nên vào sở giáo dục. Con đường tiến thân lại rộng mở trước mắt. Ông Thực khấp khởi: "Sao cuộc đời có những lúc may mắn đến bất ngờ!". Thông tin ông Thực vào sở lọt ra ngoài, đa số giáo viên, nhất là hiệu trưởng, hiệu phó mừng ra mặt, cứ mong cho ông trưởng phòng lên sở càng nhanh càng tốt, để tay cán bộ tổ chức phải xẹp xuống, không còn lên mặt với anh em nữa. Ai cũng khổ vì cái tay tham mưu "quạt mo" này rồi. Cứ sợ sở giáo dục rút sớm, ông Thực lo lắng, nằm nhà hai ngày. Bà vợ càng lo hơn. Ông chồng là "kho bạc" của bà, nếu vào sở thì chẳng hy vọng gì mấy. Vấn đề mà hai vợ chồng bàn bạc là bằng mọi cách để không được điều lên tỉnh, ở lại để ngồi vào ghế phó chủ tịch huyện - điều mà bao nhiêu vị trưởng phòng khác mơ cũng không được. Thế là hai vợ chồng quyết định "chạy" trước để sở lờ đi, không cân nhắc nữa. Trưởng phòng cấp sở cũng oách đấy nhưng có tiếng, ít miếng, làm sao mà qua nổi trưởng phòng cấp huyện?. Cũng may, ông cán bộ kiểm tra của huyện ủy lại là bạn thân của giám đốc sở giáo dục từ thời học phổ thông. Thế là ông Thực đi gặp giám đốc sở, mang theo bức thư của vị cán bộ kiểm tra huyện ủy. Vợ ông Thực bỏ vào phong bì một xấp tiền dày. Ông Thực bỏ phong bì của mình vào trong bức thư của vị kiểm tra huyện ủy và lấy tờ giấy gói lại rất kỷ. Khi gặp giám đốc, ông Thực nói vài lời nhờ ông giám đốc xem xét châm chước đừng rút vào sở, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nói xong là đưa gói giấy cho giám đốc, nói là của anh bạn làm kiểm tra huyện ủy gửi, thế rồi xin phép đi ngay. Ông giám đốc chưa kịp nói gì thì có khách vào nên chỉ bắt tay chào và cười thân thiện với ông ta. Ba ngày sau, ông Thực chuẩn bị đóng cửa phòng làm việc về nhà thì nhận được cú điện thoại của giám đốc sở:
          - A lô! Đầu dây có phải anh Thực không? Tôi là giám đốc sở đây.
          Ông Thực cuống lên, giọng run run cảm động:
          - Thưa thủ trưởng, chính em, Thực đây ạ!
          - Anh Thực này, xét thấy anh là một trưởng phòng có năng lực nên sở để anh lại huyện để tiếp tục đưa ngành giáo dục ở đó đi lên hơn nữa. Yên tâm chưa?
          Ông Thực mừng như bắt được vàng:
          - Đa tạ thủ trưởng, em xin nghe lời thủ trưởng. Dạ....
          Hai người vui nhất là vợ ông Thực và tay cán bộ tổ chức của phòng. Nghỉ đến viễn cảnh của chồng đang đến, bà Thực như có chim hót trong lòng. Chồng được tiến thân vào cương vị mới sắp tới, đẹp mặt họ hàng hai bên. Còn tay cán bộ tổ chức đang mơ đến cái ghế phó phòng nay mai. Trông anh ta hớn hở ra mặt và thân thiện với mọi người trong phòng. Ngược lại, nghe tin ông Thực không lên sở nữa, giáo viên ỉu xìu. Ai cũng có tâm trạng như nhau nhưng không ai dám thổ lộ nỗi tức tối trong lòng. Thôi thì trời cho ông ấy chức quyền thì ông ấy hưởng. Trời lại còn cho ông một bà vợ ma lanh, biết cách móc tiền trong túi mọi người mà ai cũng phải phấn khởi vì được móc túi, thừa nhận là "giỏi". Ai cũng gặp "nạn" nhưng vẫn tỏ ra mềm mỏng, "kính nể" ông mọi lúc mọi nơi... Có mấy vị hiệu trưởng tâm đắc cùng hội với nhau, từ lâu đã ấm ức đầy sự phẫn nộ. Có vị than thở:
          - Không biết có ở đâu như phòng giáo dục huyện mình không? Bộ Giáo dục có thấu hiểu thực tế tại cơ sở mà giáo viên đang âm thầm gánh chịu không?...
           Có người nói với giọng đầy ngán ngẫm:
          - Mọi chuyện vẫn cứ diễn ra nhưng chẳng có bằng chứng nào hết, toàn những chuyện không gọi tên ra được. Đừng có hé răng ra mà mang vạ vào thân, làm khổ vợ con. Cứ hàng ngày lên lớp đầy đủ, đến tháng nhận lương, hết tuổi là về hưu, thế thôi!..
          Sau khi cầm chắc trăm phần trăm không phải lên sở, ông Thực đặt một bữa tiệc sang trọng để mời người bà con làm cán bộ kiểm tra huyện ủy và hơn mười giáo viên thân tín nhất tại nhà hàng. Trong nỗi vui mừng ngây ngất, ông ta chúc tụng, cảm ơn mọi người và uống thực lòng để tỏ rõ sự tri ân của mình. Rượu "ông già chống gậy Giôn xanh" uống dễ vào, càng uống càng lâng lâng, sảng khoái. Đặc sản bày ra la liệt, tôm hùm thừa mứa như khoai lang. Khi chia tay với mọi người, ông thấy say thực sự. Mặc, ông cứ lên xe máy phóng đi. Lần này, ông không đi xe con vì đề phòng tay lái xe tiết lộ, hỏng việc sắp tới. Đến ngã ba, ông bóp còi thật to và rẽ luôn, quên cả xi nhan, mắt thì líu ríu buồn ngủ. Tâm trạng đang phấn chấn nên ông cứ giữ tốc độ lúc cua xe. Trời mưa lây rây, cua ngặt không giảm tốc độ, xe trượt nhào, ông bắn ra khỏi xe. Chiếc mũ xe máy không gài quai bay ra khỏi đầu. Chiếc xe nổ máy một lúc mới im tiếng. Ông quằn quại giữa đường. Khi ông được mọi người đưa vào bệnh viện thì bác sĩ hội chẩn nhanh chóng và quyết định chuyển ông lên tuyến trên vì chấn thương sọ não. Ông bắt đầu nôn, ọe, chân tay co giật trông như con gà cồ dưới trời mưa to. Bà vợ ở nhà nóng ruột. Bỗng có mấy cán bộ ở phòng giáo dục đến đưa bà vào bệnh viện. Bà phải theo xe cấp cứu đưa chồng lên viện tuyến trên.
          Nghe tin ông Thực bị tai nạn, giáo viên đi thăm rất đông. Bà vợ ông Thực cứ nghĩ rồi ông sẽ khỏi vì ông được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt. Lần này chắc sẽ có thu hoạch lớn gấp nhiều lần so với khi chồng bà bị ốm "sơ sơ" - Bà nghĩ thế và tự an ủi mình yên tâm chăm sóc chồng. Nhưng khác với những lần ông Thực ốm ở nhà hay vài ngày điều trị tại viện, lần này giáo viên cũng đi thăm rất đông nhưng họ chỉ mang đường, sữa gọi là bồi dưỡng lãnh đạo chóng khỏe. Có người đem cả chuối chín đến thăm. Bà vợ ông Thực tức lắm, cứ nghĩ: "Chúng nó trù chồng bà  chết hay sao mà đem chuối đến thăm?". Giáo viên trong huyện kháo nhau: "Ông Thực bị chấn thương sọ não, con đường trở lại ghế trưởng phòng đã tối tăm". Hy vọng của vợ trưởng phòng tắt ngấm. Nhiều người độc miệng thốt ra bằng lời: "Vơ vét thế là quá đủ rồi. Trời có cho không ai bao giờ đâu. Nếu đi lên sở thì sẽ không xẩy ra cơ sự ấy" - vân vân và vân vân...
          Ông Thực chỉ chờ bệnh viện trả về gia đình được ngày nào hay ngày đó. Ông còn biết gì nữa đâu. Đau đớn nhất là vợ con ông và tay cán bộ tổ chức của phòng cũng như vị kiểm tra ở huyện ủy. Trong chuyện này, vợ ông Thực là người có lỗi lớn. Khi hiểu ra thì quá muộn. Bà bị vò xé như tan nát cả lòng. Bà than vãn:
          - Trời ơi! Sao cay đắng thế này? Tiền của nhiều mà làm gì hỡi trời?
          Ông Thực về nhà được vài hôm thì qua đời. Đám tang ông lạnh lẽo, ảm đạm. Giáo viên đi đám rất đông, nhưng họ đi đám để thể hiện ý thức của người có văn hóa đối với người đã quá cố. Ai mà biết trong lòng họ nghĩ gì? Nhưng bà vợ ông Thực thì biết rất rõ. Bà cố tránh những ánh nhìn của mọi người, vì có những ánh nhìn làm cho bà sợ hãi. Lúc này, lương tâm bà cắn rứt ghê gớm. Thế là xong một kiếp người lúc đang chức đang quyền đã từng làm khổ nhiều người, cuối cùng trở về với cát bụi và chìm ngay vào sự lãng quên.

                                                                                               

 Đăng ngày 07/04/2011
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Mai Thanh - 10/06/2011

That dang doi lao Thuc, con sau mot cua nganh Giao duc!.
  Gửi bởi: Nghiahung_63 - 13/09/2011

Quốc sách vị nể phong bì .
Rồi đây đát nước sẽ đi đường nào ?

  Gửi bởi: luuvc12 - 05/12/2012

 - Trời ơi! Sao cay đắng thế này? Tiền của nhiều mà làm gì hỡi trời?

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan