Tuesday, October 13, 2015

Mùa tiêu xứ Vĩnh Hoàng


Tác giả: HỮU ĐẠT

           Trời nóng, lại mất điện thật là đại bực! Đành phải đi ra công viên ngồi hóng gió, nói chuyện tào lao - chớ còn biết làm sao nữa!
         
 Mãi đến khuya, khi cơn nóng hầm hập đã hoàn toàn bị khuất phục bởi những trận gió đông, thì mới chịu ai về nhà nấy. - Như mọi người thường nói: "Cơm đi đằng cơm, phở về đằng phở!"
         
Vĩnh lên giường, cũng chả kịp nghĩ ngợi vấn vương, tơ tưởng điều gì như mọi bữa. Chỉ ước một điều nhỏ nhoi: "Sao cho mùa mưa kịp đến, để có điện cho thiên hạ nhờ cùng!".


         
Nhưng rồi cơn buồn ngủ kéo đến, mắt tít lại từ khi nào chả rõ. 
         
 Trong mơ màng, hình như có ai đó đang cố véo vào mũi Vĩnh một cái thật đau. Anh phẩy tay, trở mình, rồi lại ngủ tiếp.
Ai đó lại véo lần nữa. Vĩnh trở mình, lầu bầu:"Để yên tao ngủ!... Đồ khỉ" rồi lại ngủ tiếp.
Nhưng lần này thì thằng cha nào đó như cố tình dai dẳng và véo đau hơn.
Vĩnh quát to: "Đứa nào!" và bất thình lình đưa tay chụp mạnh một cái. Chợt bắt được một cánh tay dài loằng ngoằng, lòng khòng, đầy lông lá. "Chết này! bắt được rồi nhá!"- Vĩnh ngiến răng day mạnh.
 Hai bên giằng co, lôi kéo nhau đến một hồi. Nhưng kẻ đó không chịu buông tha, không tru tréo, la lói bất kỳ điều gì. Nó vẫn lặng thin tiếp tục trêu ghẹo, chọc tức thêm. Lúc thì nó tát vào má Vĩnh vài cái nhè nhẹ nghe êm êm, rồi thì quạt mạnh vào tai nghe vù vù đến khó chịu làm sao.
Thật là đáo để.
 Kẻ nào đêm hôm khuya khoắt lại trêu đùa kiểu này thì thật đến là hết chịu nổi.
 Vĩnh vội vàng áp dụng ngay một miếng võ Tàu. - Học được ở Sin Ga Po do ông thầy Tây Ban Nha truyền lại. Dùng tay trái khoá chặt đối phương lại, tay phải đánh mạnh xuống, bẽ gãy cánh tay ra đòn của địch.
"Rắc" một tiếng gãy phát ra nghe khô khốc. Kẻ đó đau quá, la ói lên một tiếng "vo vo... ù ù", rồi vội biến vào thính không.
 Ồ!!! ra .... là một con muỗi! - Vĩnh lẩm bẩm.
Thì ra, đêm hôm mất điện, nóng nực, nằm ngủ mà quên thả màn là tai hại thế đó.
Sáng hôm sau, Vĩnh đem cái giò con muỗi xuống, kể lại chuyện đêm qua cho vợ con cùng nghe.
Bà vợ lặng im, không một chút cử động lông nheo. Mãi tới hơn mươi phút sau mới thủng thẳng phán:
-Anh không đem cái giò đó ném cho cá dưới hồ ăn, còn để làm gì?
Vĩnh vội vàng làm theo. Chợt... một cái đầu to, đen như cái đầu trâu, đôi mắt thô lố như hai cái đèn pha ô tô trồi lên, đớp gọn cái giò nhai rau ráu. Nghe rợn cả tóc gáy. Vĩnh hoảng hốt. Anh vội lùi ra xa đến vài bước chân để thủ thế. Thằng cu em nhanh trí bảo:
- Con cá trê to dữ rứa, mà ba không lấy cái cuốc chỉa 3 răng móc lên, để tối nấu cháo ăn chơi.
 Đúng là hậu sinh khả uý! Nó là đứa trẻ khôn ra, anh là kẻ đã già đâm ra kẻ lú dại.
Nghe lời nó, quả nhiên Vĩnh bắt được con cá trê to. Nhưng cũng phải hì hục mãi đến trưa mới đưa được con cá đó vô tới nhà bếp. Vợ bảo:
- Luôn thể, em nhờ anh chặt nó ra từng khúc, để tối em nấu cháo cho mà ăn!
Thôi thì đã lỡ thì phải luôn. Vĩnh vào nhà, vác đại đao ra, chặt con cá hành từng khúc, tẩm gia vị, nước mắm, ướp lại, để đó chờ đến tối bắc bếp nấu cháo.
Đến tối, lại mất điện, trời càng nóng và khó chịu hơn.
Tim mãi mà chả biết điện thoại di động nằm ở cái xó xỉn nào. Thôi thì đành để có điện rồi tìm tiếp.
Khi cháo đã chín nhừ, bốc mùi thơm phức, hấp dẫn làm sao. Nhưng vừa mới bỏ ra khỏi bếp, còn nóng, chưa thể ăn ngay được. Trong lòng Vĩnh lúc ấy bỗng trào lên cảm giác xôn xao khó tả. Nhưng vợ đã bảo:
 - Chờ tý cho cháo nguội bớt rồi hẳn ăn, kẻo mùa này mà ăn quá nóng không thể cảm nhận hết cái ngon, cái tuyệt của đặc sản quê nhà..
Ừ thì cũng có lý, đành phải chờ tý.
Ánh điện đột nhiên bừng sáng, nguồn hạnh phúc hiếm hoi của nhân loại, tia hy vọng của muôn người đã tràn về. Tất cả "Ồ!" lên niềm sung sướng vô biên.
Cháo được múc ra tô.- Đủ cho mọi người cùng chia sẽ.
Chợt cái soong bỗng rung động, rồi cháo lại sôi lên sùng sục, như thể là có nguồn năng lượng nào đang tiếp sức vậy. Quái lạ!!! Cháo đã bỏ khỏi bếp từ lâu rồi, sao lại tự sôi được nhỉ?
Vĩnh chưa kịp hết ngạc nhiên, thì tiếng chuông điện thoại đã réo lên một cách tha thiết. "Lại đứa nào muốn mời mình đi nhậu nhẹt nữa đây!".- Anh lẩm nhẩm, mắt liếc xéo về phía vợ.
Thằng cu con nhanh ý, đưa ngay cái môi vào soong cháo đang sôi sùng sục múc lên và nói:
- Điện thoại di dộng của ba đây nì! Rứa mà khi đến chừ nỏ biết chổ mô, tìm mãi.
Thì ra khi làm cá, vì quá hăng hái, Vĩnh đã vô tình để rơi cái điện thoại vào đống khúc cá. Do mất điện, nên vợ anh không nhìn thấy, cứ thế cho tất vào nối, nổi lửa lên ninh nhừ, may mà vẫn dùng được- không sao cả!

***
 Các ông già kể lại:
"Vào khoảng năm 72-73 chi đó. Quê miềng dạo đó ngoài đói áo, đói cơm, còn đói văn hoá dữ lắm.
Một buổi chiều, mọi người trong làng bỗng xôn xao náo nức kháo nhau:  "Có đoàn văn công của quân khu IV về phục vụ cho đồng bào chiến sỹ vùng giới tuyến. Trong đoàn còn có một cây viết kịch trẻ, tài ba người quê miềng nữa!"
 Ui cha cha! Nghe  nói đến văn công về đã sướng, nay nghe nói trong đoàn còn có sản phẩm của con em miềng thì càng sướng hơn. Nhất thiết phải đi coi thử mới được. Mọi người bảo vậy.
Cả làng nhộn nhịp hẵn lên, sửa soạn cơm nước, tắm rửa, chải chuốt xong xuôi. Chờ đến tối là dẫn nhau nhằm hướng Chợ Vang  thẳng tiến - Nơi có đoàn văn công  đang dựng sân khấu ngoài trời biểu diễn.
Tối đó, bộ đội thì tập họp thành đoàn, hành quân ra bãi một cách trật tự. Còn cán bộ công nhân viên thì ai có xe đạp là cứ một đèo 3, đèo 4 - Mạnh ai nấy đạp phăng phăng không kể chi hố bom, hố pháo...
Dân làng thì bí quá. Đí bộ thì xa, mõi chân, còn sợ không tới kịp lúc mở màn nữa chớ. - Lỡ tiết mục của con em miềng được diễn đầu tiên thì răng!
 Đang đắn đo chưa biết tính làm sao. Thì bỗng có một sáng kiến hay được đưa ra.
Vì là trúng giữa mùa thu hoạch tiêu, nên mỗi người ai nấy vội chạy về nhà, vần ra một trái tiêu. Cứ thế người một trái, ngồi lên trên đó, đưa hai chân ra phía trước, chòi chòi, đạp đạp cho nó lăn theo hướng mình muốn. - Chả khác chi một cái bánh xe có động cơ, vừa êm, vừa đỡ mõi chân, lại mau hơn cả đi xe đạp. Nhờ sáng kiến độc đáo đó mà cả làng kịp đến xem buổi mở màn biểu diễn nghệ thuật của con em nhà miềng.
Khi đã tới nơi thì lại tận dụng phương tiện đặc biệt đó để làm ghế ngồi luôn, rất trật tự, ngăn nắp, chả khác chí đội ngũ chính quy có kỷ luật. Chính vì vậy mà buổi biểu diễn hết sức thành công và ấn tượng.
Mãi về sau, mấy cô, mấy chú của đoàn văn công mỗi lần có dịp ghé qua, cứ tấm tắc hoài: Dân quê miềng đánh giặc gan dạ, sản xuất đã giỏi, lại rất chi là biết thưởng thức môn văn hoá đặc sắc này."
***
 Ở Vĩnh Hoàng, cứ đến mùa hái tiêu chín là cực cả làng.
Đàn bà, phụ nữ thì tất bật lo tách hạt, sàng sảy, lượm lặt, phơi... Còn đàn ông thì từ già cho đến trẻ phải leo tít lên trên cao mà hái, rồi đưa xuống.
 Người leo lên đến ngọn tiêu, muốn nói gì với dưới gốc, nhất thiết phải gào khản cả cổ, hết cả hơi mà chưa chắc đã nghe rõ.
Cho nên ở Vĩnh Hoàng - những năm gần đây- đến mùa tiêu là từ trẻ tới già đều phải dùng di động để đàm thoại tuốt.
Chính vì thế mà điện thoại 3G, 4G, 5 G... No Ki A cứ đến mùa tiêu là đem về quê miềng bán rất chạy.
Hái tiêu đã mệt, lại là một công việc không kém phần nguy hiểm. Một lần trèo lên là một lần khó. Do đó ai cũng nấn ná chờ khi tắt mặt trời mới chịu xuống khỏi cây.
Khi xuống tới nơi phải luôn luôn có sẵn cháo gà, bún giò, bò, sữa ...sẵn để bồi dưỡng. Tèng xí chi cũng là, dưa, chuối, cam... lót dạ.
Nhưng hôm nay bị mất điện, cả làng mò mẫm trong bóng tối mà ăn uống, lẫn tiếp khách.Vĩnh vừa xuống khỏi cây tiêu thì có nhà thơ xóm Xung Phàn đến chơi.
Ừ thì sẵn có dưa, cam, chuối trong nhà đem ra mời khách luôn thể. Vợ Vĩnh nhanh nhảu vào nhà, bưng trái dưa ra bổ mời khách.
Nhà Thơ nọ là người quen, nên không khách sáo, ông cầm miếng dưa Vĩnh mời cho vào miệng và ăn ngay. Chợt vị khách la lên:
- Răng tao ăn dưa mà thấy cay cay bọn bay ơi?
Vĩnh vội khoả lấp:
- Chắc là do dưa để trong nhà, có hơi tiêu nên nó bị ảnh hưởng hơi tiêu đó mà!
- Ừ! Cũng có thể!
Nói đoạn anh đưa vội miếng dưa lên mồm cắn thử. Quả là có vị cay cay thiệt.
 Điện bừng sáng, cả nhà reo lên:
- A!... có điện rồi. Sướng quá!...  Hoan hô!...  Hoan hô!
Vị khách nọ cúi xuống, định cầm thêm một miếng dưa nữa cho vào cắn. Chợt ông ta la lên:
- Trời ơi! dưa mô mà dưa... mất điện - trời tối- bọn bay sờ trúng tiêu mà tưởng là dưa nên bê ra bổ vụn ra rồi!
Lúc đó vợ chồng Vĩnh mới định thần nhìn kỹ lại. Thì ra quả dưa mua về, còn nguyên vẹn đó.  Nhưng một hạt tiêu thì đã bị nhầm nên bổ vụn ra rồi. Tiếc quá! tiếc quá!
***
Ăn Dưa bị nhầm phải tiêu. Cay... đang tức muốn chết.
Chợt ngoài ngõ có tiếng gì đó loòng coòng. Loong coong - Nghe như là tiếng gỗ đang được chất lên xe.
Vĩnh cau có cầm đèn pin đi ra. Anh thấy một toán thanh niên chừng 5-6 người đang lúi húi khuân khuân, vác vác cái gì trong bóng đêm. Nén giận anh hỏi:
- Mấy chú làm cái chi mà tối tăm, mệt dữ rứa? gây ồn ào làm chó sủa om sòm?
          Một thanh niên ngừng tay, vuốt vuốt mồ hôi trên mặt, thở phì phò:
- Dạ! bác thông cảm. Bọn cháu tranh thủ bốc nốt đống cốt pha - cột chống, để mai làm sớm, kịp tiến độ thi công công trình ạ!
Vĩnh vội soi đèn pin vào đống gỗ.Anh ngạc nhiên la to:
 -Trời đất ơi!...  Mấy chú nhầm rồi! Cốt pha đâu mà cốt pha, cột chống đâu mà cột chống! Đây là đống cọng tiêu vợ tui mới đổ ra hồi chiều đó chớ!
 Nhóm thanh niên giật mình, ngừng tay lại, chạy lại nhìn. Họ trố mắt ngạc nhiên, rồi thở dài thườn thượt:
-Ui trời ơi! Chết chưa.... mất công, mất nghiệp không chứ! đống cọng tiêu mà tưởng là gỗ cốt pha - cột chống, bốc lên xe có mệt và mất công không chứ!!! 
                                                                       Hữu Đạt
                                                                                             Vĩnh Hoà 10/ 7/2010

 Đăng ngày 13/07/2010
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Ut Hien - 15/07/2010

Gửi Hữu Đạt
   Này bác ! Hạt tiêu quê bác lại sao nổi với rau má quê em . Năm nay điện mất liên miên ( ý em nói là thiếu nước ) , nắng nóng trên 40 độ  . Vậy mà rau má quê em   lại được mùa , thỏa lòng mong ước của trẻ nhỏ :" LÁ rau má to bằng lá sen " . Các bà các mẹ mỗi khỉ ra đường chỉ cần qua ngõ , hái một ngọn rau má che đầu vậy là vừa râm vừa mát từ nhà tới chợ . Rồi nữa ,  quê em tháng này vui như chảy hội vì doanh nhgiệp nước ngoài tới thu mua dây rau má thay cho mây,  tre ,  nan  xuất khẩu . Họ nói loại dây này vừa bền , vừa dai mà mầu sắc lại tự nhiên .
   Chứ gớm ! hạt tiêu quê bác tưởng thế nào , hôm rồi em mua thử 1 ký , tưởng 10 hạt như cả 10 . Ối ! vậy mà cũng có hạt lép , bực bội nhặt vứt ra sân , chẳng  may đúng lúc con trâu mộng vừa đi cầy về ngang qua . Vậy là hạt tiêu lép nhà bác báo hại con trâu mộng nhà em ( huhu nó chết ko được nguyên thây )

  Gửi bởi: Đất vĩnh - 16/07/2010

Thì phởi có hạt tiêu như rứa mới đủ làm gia vị cho cọng rau má của Út Hiền đó mà. Thân chào! Hẹn tái ngộ dưới gốc rau má sum suê của út H.ền
  Gửi bởi: Trần Bình - 28/07/2010


Gửi Đạt!
Lâu lắm không vào được mạng, bị vỉut đánh hỏng máy tính, phải điều trị hết hơn 2 tháng nay tại TTYT Vĩnh Hoàng. Gặp bác sĩ đông y Hửu Đạt cởi hạt Tiêu đi chơi mà không dám gọi...he he
Câu chuyện Đạt kể hay lắm, rất chi đúng kiểu VH. Tui định Chủ Nhật tới ghé ông kiếm vài hột vô làm thuốc. Có phải thuê xe LUBỒI không?

  Gửi bởi: Đát vĩnh - 01/08/2010

Gửi Trần Bình:
Tiêu Vĩnnh Hoàng mần thuốc là tuyệt vời. Vài công dụng khác của hột tiêu là: chỉ cần đem vài hạt về nhà tức thì chuột, bọ, dán... bỏ chạy thục mạng. Hồ tiêu Vĩnh Hoàng mà sau khi trộn sà lách rau liệt xong, rắc thêm vài hạt vô thì cứ phải là nuốt luôn cả lưỡi. Thôi thân chào, hẹn tái ngộ, chúc bình an.

  Gửi bởi: Phương Lan - 28/09/2011

Gửi nhà văn Hữu Đạt!
Em nghe nói:"Ước mơ của người Thanh Hóa ngọn rau má to bằng cái nón. Ước mơ của người Bình Thuận là quả nho to bằng quả dừa còn người Quảng Trị thì ước mơ khoai sắn to bằng cột đình,..."
Thế nhưng Ước mơ chỉ là  mơ ước cho đến khi anh Tàu ảnh nói:
- Nể tình chúng ta là anh em nên anh cho mấy gói thuốc bé bé hòa vào nước rồi tưới lên  cây, quả, củ,... Anh đảm bảo chỉ trong một đêm mọi ước mơ sẽ thành sự thật.
Chúng ta không tin nói:
- Đời nào, đời nào...
Nói thế mà vẫn đem thực hành, đúng y chang anh Tàu ảnh nói. Chúng ta khen anh Tàu:
- Ui chà chà anh Tàu giỏi - giỏi thật đấy, rứa cho em nhiều nhiều nghe anh.
- Không có gì, mình là anh em mà, của anh cũng là của em, thích thì cứ lấy mà xài bao nhiêu cũng được.
Một thời gian sau khi thí điểm trên rau củ, quả thành công, chúng ta đem thí điểm cho tiêu xứ Vĩnh Hoàng, thật sự bất ngờ vì mỗi hạt tiêu to đến nỗi mà mọi người ngồi lên dùng chân chọi chọi, đạp đạp đi xem văn nghệ.
Sướng lắm nhưng chúng ta đem xuất khẩu ra nước ngoài họ chẳng them mua, anh Tàu nghe vậy cười tít hết cả mắt.
Chúng ta xót của đem về ăn, thế là tim, gan, phèo, phổi,... cũng to lên cùng. Bệnh viện chật níc người bởi nhưng khối u ác tính. Tiệm thuốc bắc của anh Đạt cũng quá trời bệnh nhân. Anh Đạt sắp giàu rùi bà con ơi!
He he...

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan